Tải bản đầy đủ (.doc) (36 trang)

LỄ hội ĐÌNH cả PHÙNG xá TRONG tâm THỨC NGƯỜI dân VÙNG đất tổ

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (7.5 MB, 36 trang )

ĐỀ TÀI: LỄ HỘI ĐÌNH CẢ- PHÙNG XÁ TRONG TÂM THỨC
NGƯỜI DÂN VÙNG ĐẤT TỔ.
Sinh viên: Nguyễn Thị Minh Thu
Lớp: DK62
Msv: 625601149
PHẦN MỞ ĐẦU
1. Lí do chọn đề tài
Quê hương đất Tổ là một miền quê thuộc khu vực trung du và miền
núi Bắc Bộ, đây là nơi diễn ra nhiều hoạt động lễ hội phong phú như : Lễ hội
đền Hùng tổ chức tại Đền Hùng ngày 10 tháng Ba âm lịch, hiện đã được nâng
lên thành quốc giỗ, lễ hội Gia Thanh, hội Đào Xá hội đền Mẹ Âu Cơ (mùng 7
tháng 7 hàng năm tại xã Hiền Lương), hội đình Cả, hội chọi trâu Phù Ninh,
hội Chu Hóa, hội mở cửa rừng hội đánh cá, lễ Cầu tháng Giêng, hội phết Hiền
Quan, hội Xoan, hội đền Trù Mật, Xã Văn Lung, thị xã Phú Thọ, tôn vinh sứ
quân Kiều Thuận, hội đình nghè tổ chức tại xã Văn Lang, huyện Hạ Hòa, vào
ngày chính hội mùng 10 tháng giêng hàng năm, hội đền Nghè ở xã Năng Yên,
Thanh Ba vào ngày mùng 7 tháng giêng hàng năm, hội Đâm Đuống ở Xã Lai
Đồng,Tân Sơn vào ngày tết hàng năm...
Hòa chung không khí của cả nước trong dịp quốc giỗ, hướng về cội
nguồn, bà con nhân dân xã Phùng Xá( Cẩm Khê- Phú Thọ) cũng tổ chức lễ
hội tại khu vực đình Cả- đây là một lễ hội đặc sắc của người dân nơi đây. Gắn
với lễ hội này là truyền thuyết về hai vị đại vương đã có công giúp đỡ vua dẹp
giặc Tống, giữ yên bờ cõi giang sơn. Đây là một nét đẹp văn hóa đặc sắc của
người dân Phùng Xá nói riêng và người dân đất Tổ nói chung.
Nằm trong khuôn khổ nghiên cứu của văn hóa- văn học dân gian,
thông qua đề tài chúng tôi hi vọng sẽ mangg đến cho người đọc một cái nhìn
toàn vẹn về một lễ hội đậm màu sắc văn học văn hóa dân gian này

1



2. Lịch sử vấn đề
Các lễ hội văn hóa dân gian thuộc khu vực đất Tổ là một trong những
đề tài hấp dẫn giới nghiên cứu đặc biệt trong đó là các công trình nghiên cứu
về lễ hội đền Hùng , hội đền mẹ Âu Cơ, hội Xoan.... Đáng kể nhất là cuốn
sách “ lễ hội truyền thống vùng đất Tổ” do tác giả Đặng Đình Thuận chủ
biên, do Hội văn nghệ dân gian Việt Nam – nhà xuất bản Văn hóa Thông tin
năm xuất bản năm ???
Cuốn sách đã ghi lại một cách khá chi tiết và đầy đủ về các lễ hội văn
hóa dân gian thuộc vùng quê đất Tổ. Đây quả là một đóng góp quan trọng
trong việc bảo tổn và phát huy cũng như quảng bá rộng rãi những giá trị văn
hóa văn nghệ mang đậm bản sắc dân tộc đã được cha ông ta sáng tạo và giữ
gìn trong suốt lịch sử hàng ngàn năm qua. Đồng thời đây cũng là nguồn tư
liệu quý báu cho những ai đam mê nghiên cứu khoa học sử dụng.
Lễ hội đình Cả- Phùng Xá cũng được nhắc đến trong cuốn sách này,
tuy nghiên tác giả mới chỉ dừng lại ở mức giới thiệu, quảng bá đến người đọc
về một lễ hội văn hóa ở địa phương. Cho đến nay, ngoài cuốn sách này và
một số ít bài viết trên các báo mạng, các website của tỉnh Phú Thọ, huyện
Cẩm Khê thì chưa có một đề tài nào nghiên cứu một cách công phu và tỉ mỉ
về lễ hội này nhất là dưới cái nhìn liên ngành.
Bởi vậy là một người con của quê hương đất Tổ , chúng tôi xin mạnh
dạn thực hiện đề tài với hi vọng mang đến một cái nhìn toàn diện về lễ hội
này như một lời tri ân của một người con với mảnh đất đã sinh ra và cưu
mang mình.
3. Đối tượng, phạm vi nghiên cứu
Đối tượng nghiên cứu là những truyền thuyết, thần tích... gắn với lễ
hội đình Cả - Phùng Xá và hai nhân vật Muôn Khê và Đương Cảnh đại
vương; Lễ hội đình Cả- Phùng Xá dưới cái nhìn liên ngành của khoa học
nghiên cứu văn hóa, văn học dân gian.

2



4. Phương pháp nghiên cứu
Trong quá trình tìm hiểu về lễ hội này chúng tôi sử dụng phương pháp
nghiên cứu liên ngành và một số phương pháp khác như phương pháp điền
dã, phương pháp khảo sát, thống kê...
5. Cấu trúc đề tài
Đề tài có cấu trúc tương tự như các đề tài khoa học khác với 3 phần:
mở đầu, nội dung, và kết luận. Trong đó phần nội dung chúng tôi triển khai
trong 3 chương:
Chương 1: Phương pháp nghiên cứu liên ngành với việc tìm hiểu lễ
hội văn hóa dân gian
1.1

Về phương pháp nghiên cứu liên ngành

1.2

Phương pháp nghiên cứu liên ngành với việc tìm hiểu lễ hội

đình Cả
Chương 2: Tổng quan về mảnh đất văn hóa Phú Thọ và xã Phùng
Xá cùng ngôi đình Cả
2.1

Phú Thọ- mảnh đất văn hóa

2.2

Sơ lược về xã Phùng Xá và di tích đình Cả


Chương 3: Lễ hội đình Cả- một nét đẹp văn hóa của người dân
vùng đất Tổ
3.1 Từ truyền thuyết...
3.2 Đến lễ hội
3.2.1 Phần lễ
3.2.1 Phần hội
3.2.3 Lễ hội đình Cả trong tâm thức người dân làng Phùng Xá
Ngoài ra đề tài còn có thêm phần phụ lục nhằm cung cấp cho người đọc
một số hình ảnh mà trong quá trình đi điền dã chúng tôi đã thu thập được.

3


PHẦN NỘI DUNG
CHƯƠNG 1: PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU LIÊN NGÀNH
VỚI VIỆC TÌM HIỂU LỄ HỘI VĂN HÓA DÂN GIAN
1.1 Về phương pháp nghiên cứu liên ngành
Phương pháp liên ngành hay gọi cho đúng hơn là tổ chức liên ngành.
Đây là cách mà các nhà nghiên cứu thường vận dụng khi phải xử lí những đề
tài khoa học rộng lớn, với nhiều đối tượng khác nhau ( đề tài Hùng Vương
dựng nước, đề tài chống ngoại xâm, đề tài Tây nguyên hùng vĩ...)
Có nhiều cách định nghĩa khác nhau về phương pháp này, tác giả Trần
Thúc Việt( trường đại học KHXHNV) cho rằng: nghiên cứu liên ngành là
nghiên cứu liên khoa học, là sự kết hợp các môn học, các ngành với nhau. Đó
là sự tổng hợp tri thức của nhiều lĩnh vực và nhiều ngành khoa học, là quá
trình liên kết, thiết lập các mối quan hệ qua lại, quy định ảnh hưởng lẫn nhau
giữa những phương pháp và quy trình của nhiều chuyên gia khác nhau. Bởi
vậy nghiên cứu liên ngành là sử dụng các phương pháp và quy trình của nhiều
chuyên ngành một cách riêng biệt, độc lập.

Từ góc độ tâm lí học, PGS.TS Nguyễn Hữu Thụ thì định nghĩa tiếp cận
liên ngành trong khoa học là cách thức tổ chức, tiến hành nghiên cứu có sử
dụng quan điểm, tri thức và phương pháp nghiên cứu của một nhóm chuyên
gia thuộc các ngành khác nhau để giải quyết vấn đề một cách toàn diện, khách
quan và hiệu quả nhất.
Trong thực tế, tư duy liên ngành dường như đã có từ rất lâu trong kinh
nghiệm đời sống của cha ông ta. Điều đó được thể hiện qua cách vận dụng
kiến thức tổng hợp, cách nhìn nhận sự vật hiện tượng trong tổng thể nhiều
mối quan hệ khác nhau đã được cha ông ta nhận thức sâu sắc và thể hiện qua
cả một kho tàng những câu tục ngữ, ca dao. Do vậy, nghiên cứu liên ngành là
nhu cầu, là thuộc tính của mọi khoa học xã hội và nhân văn, của các khoa học
lịch sử văn hóa Việt Nam. Thuộc tính này do khách quan quy định, là bản
chất của mối liên hệ, quá trình quan hệ phổ biến giữa các sự vật, hiện tượng.
4


Hơn thế nữa, trong một bối cảnh thế giới có nhiều thay đổi, quá trình hội
nhập, toàn cầu hóa kéo theo sự giao lưu văn hóa, văn học giữa các quốc gia,
vì vậy cần phải có lối tư duy tổng hợp và sự phối hợp nghiên cứu liên ngành
để có cái nhìn toàn diện và bao quát hơn nữa trước một sự kiện lịch sử/văn
hóa/ văn học. Hơn thế nữa, xu hướng nghiên cứu liên ngành vốn đã được các
chuyên gia nước ngoài đề xuất và áp dụng từ nhiều năm nay trên thế giới,
việc hỏc hỏi kinh nghiệm và kế thừa thành tựu của những tác giả đi trước là
một việc làm cần thiết trong việc phát triển khoa học nghiên cứu của nước ta
đặc biệt là trong lĩnh vực nghiên cứu văn hóa văn học dân gian- fockclo.
Trong phạm vi của đề tài này, chúng tôi không có tham vọng đề xuất
một khái niệm chính xác về phương pháp nghiên cứu này. Chúng tôi chỉ đưa ra
một cách hiểu rất ngắn gọn và đơn giản về phương pháp này, theo chúng tôi,
phương pháp nghiên cứu liên ngành là là tiếp cận một đối tượng bằng nhiều
cách thức, dựa trên dữ liệu của nhiều ngành khác nhau. Phương pháp nghiên

cứu liên ngành huy động kiến thức của nhiều ngành khoa học khác nhau nhưng
trong quá trình nghiên cứu thì mỗi ngành khoa học vẫn giữ tính độc lập tương
đối của mình, vẫn tuân theo đặc thù của ngành mình và tùy vào mục đích, đối
tượng của đề tài nghiên cứu sẽ có một ngành giữ vai trò trung tâm.
1.2 Phương pháp nghiên cứu liên ngành với việc tìm hiểu lễ hội đình Cả
Thông thường một lễ hội dân gian bao giờ cũng đi kèm với một truyền
thuyết, sự tích, thần tích... về sự ra đời của nó hoặc sự ra đời, hành trạng... của
một nhân vật nào đó gắn với lễ hội đó. Nhân vật đó có thể là một nhân vật có
thật trong lịch sử như các lễ hội đền Gióng, Lễ hội gò Đống Đa, hoặc các
nhân vật xuất hiện trong truyền thuyết, sự tích... như Sơn Tinh, Chử Đồng
Tử.... Cũng có những lễ hội gắn liền với những nghi thức khác nhau trong
canh tác nông nghiệp như lễ hội cầu mưa, lễ xuống đồng, lễ ra mạ...Cũng có
những lễ hội đơn thuần gắn liền với nhu cầu về đời sống tinh thần, tâm linh
của người dân như hội Lim, hội Xoan, hội Phết... Nói tóm lại, các lễ hội dân
gian nằm trong khuôn khổ nghiên cứu của văn hóa học. Mà văn hóa học là
5


một khoa học liên ngành, do dó khi nghiên cứu về văn hóa phải nhìn nhận
dưới cái nhìn liên ngành, tránh cái nhìn chia cắt trong quá trình nghiên cứu.
Hơn thế nữa, việc nghiên cứu một vấn đề văn hóa nó sẽ có ý nghĩa trên nhiều
mặt, nhiều lĩnh vực và có sự tương quan chặt chẽ giữa văn hóa học với các
ngành khác, có sự gắn kết giữa ý nghĩa của hiện tượng văn hóa trong nghiên
cứu của ngành này với ngành khác. Mặt khác, các hiện tượng của văn hóa rất
đa dạng và phong phú bao trùm lên tất cả mọi mặt của đời sống con người, xã
hội, cộng đồng... nên việc lí giải một hiện tượng văn hóa đời sống đòi hỏi sự
đóng góp công sức của nhiều chuyên ngành nghiên cứu khác nhau. Lễ hội
đình Cả thuộc địa phận xã Phùng Xá- huyện Cẩm Khê- tỉnh Phú Thọ cũng là
một lễ hội dân gian mang đậm màu sắc văn hóa học. Do vậy, việc nghiên cứu
lễ hội này dưới cái nhìn liên ngành gần như là một sự tất yếu. Đồng thời việc

áp dụng phương pháp nghiên cứu liên ngành sẽ cho ta một cái nhìn toàn diện
và sâu sắc nhất, tìm ra những sợi dây tương quan về ý nghĩa, giá trị của hiện
tượng văn hóa độc đáo này.

6


CHƯƠNG 2: TỔNG QUAN VỀ MẢNH ĐẤT VĂN HÓA PHÚ THỌ
VÀ XÃ PHÙNG XÁ CÙNG NGÔI ĐÌNH CẢ
2.1

Phú Thọ- mảnh đất văn hóa

Phú Thọ nằm ở đỉnh tam giác châu thổ sông Hồng, nối các tỉnh phía Tây
bắc với Hà Nội và đồng bằng Bắc Bộ. Nơi đây là vùng hợp lưu của ba con sông
lớn: sông Đà, sông Thao, sông Lô. Phú Thọ là mảnh đất nguồn cội là trung tâm
sinh tụ của người Việt cổ từ thời các vua hùng dựng nước và giữ nước.
Phú Thọ là một trong những cái nôi của dân tộc Việt. Người ta tìm thấy
rất nhiều các dấu tích của người Việt cổ để lại ở mảnh đất này từ thời tiền sử
đến các thời đại đồ đá, đồ đồng, đồ sắt...đây cùng là địa danh gắn liền với sự
ra đời của nhà nước đầu tiên của người việt cổ: nhà nước Văn Lang Âu Lạc.
Trải qua biết bao thế hệ, người dân Phú Thọ bằng bàn tay lao động cần
cù và khối óc thông minh đã không ngừng chế ngực thiên nhiên, thuần hóa
thú dữ, cải tạo đồi hoang bãi rậm thành những cánh đồng hoa màu trĩu nặng.
Trên cơ sở đó hình thành những xóm làng đông vui trù phú, hành trình “ thay
da đổi thịt” ấy vẫn còn tiếp tục cho đến ngày nay.
Từ bao đời nay, các thế hệ dân Việt luôn hướng tới một điểm tựa tâm
linh. Điểm tựa đó đã trở thành tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên chung của dân tộc:
thờ tự các vua Hùng- những người đầu tiên có công dựng nước và giữ nước.
Lễ hội đền Hùng được tổ chức hàng năm vào ngày mùng 10 tháng ba âm lịch

là một dịp đại lễ quan trọng của cả nước, đây là ngày con đân đất tổ cùng du
khách thập phương hành hương về đây để lễ bái, tưởng nhớ công lao của các
vị vua Hùng. Tín ngưỡng này xuất phát từ đạo lí và truyền thống của dân tộc
ta, kiên cường bất khuất, sống nghĩa tình thủy chung và luôn hướng về nguồn
cội. Ngày nay lễ hội đền Hùng đã trở thành ngày quốc giỗ của dân tộc Việt
nam. Nhân gian vì thế vẫn có câu ca dao:
“ Dù ai đi ngược về xuôi
Nhớ ngày giỗ Tổ mùng mười tháng ba”

7


Chính là để nhắc nhở con cháu đời sau không quên cội nguồn của mình.
Mảnh đất Phú Thọ cũng là nơi lưu giữ được nhiều nghi lễ cổ xưa của
nhân dân cũng như là mảnh đất của hội hè, của tín ngưỡng văn hóa.
Ngày mùng 7 tháng 7 hàng năm diễn ra lễ hội đền Mẫu Âu Cơ tại xã
Hiền lương, huyện Hạ Hòa.
Ngày 3-5 tháng giêng có lễ hội Bạch Hạc diễn ra tại đền thờ Thổ Lệnh
đại vương thuộc địa phận xã Bạch Hạc, thành phố Việt Trì.
Ngày 5 tháng giêng hàng năm có lễ hội Chu Hóa diễn ra tại xã Chu
Hoá huyện Lâm Thao.
Ngày mùng sáu đến mùng rằm tháng giêng có lễ hội mở cửa rừng ở
Thanh Sơn.... và rất nhiều những lệ hội khác như lễ hội phết Hiền Quang, hội
hát xoan, hát ghẹo, hát trống quân.... Đây cũng là nơi lưu giữ được nhiều nghi
thức gắn với các hoạt động sản xuất lao động như: các nghi thức rước lúa
thần, rước nông cụ, lễ gọi lúa, lễ cầu nước.... nói tóm lại có thể nói rằng: Phú
Thọ chính là đất ươm trồng văn hóa làng xã với các biểu hiện tập trung là lễ
hội. Đến với Phú Thọ người ta có thể tìm thấy những lời giải đáp về cội
nguồn văn hóa dân tộc.
Cẩm Khê nằm ở phía Tây Bắc của tỉnh Phú Thọ, là một trong 13 đơn vị

hành chính của tỉnh. Với địa hình bán sơn địa, thấp dần từ tây bắc xuống đông
nam, miền đất hiên hòa này được hình thành bởi hai vùng khá rõ rệt: vùng đồi
núi và ven sông. Chính vì vậy mà Cẩm Khê dường như được bao trọn trong “
vòng tay” của ba con sông Thao, sông Bứa, ngòi Giành( một chi lưu của sông
Thao) và một dãy núi vòng cung thuộc dãy Hoàng Liên Sơn chạy dọc từ tây
bắc xuống đông nam. Đây cũng là một mảnh đất có quá trình hình thành lâu
đời và phức tạp. Cẩm Khê chính thức được xác lập năm 1841( năm Thiệu Trị
thứ nhất- phong kiến nhà Nguyễn với 6 tổng, 41 làng). Qua các triều đại, các
thời kì lịch sử khác nhau, với rất nhiều lần chia cắt, sáp nhập, đổi tên...ngày
08/04/2002 cái tên Cẩm Khê được tái xuất hiện trên bản đồ với 30 xã và 1 thị
trấn (lúc này mang tên là huyện Sông Thao).
8


Không chỉ có lịch sử hình thành và phát triển lâu đời, Cẩm Khê cũng là
một mảnh đất rất giàu truyền thống văn hóa- xã hội. Theo các tài liệu khoa
học của các ngành khảo cổ, cách đây trên một vạn năm, vùng đất Cẩm Khê đã
có người Việt cổ sinh sống, bằng chứng là những di vật thuộc nền văn hóa đồ
đá cũ Sơn Vi được phát hiện ở xã Điêu Lương. Trải qua nhiều thiên niên kỉ ,
trên vùng đất lịch sử này đã có các cộng đồng người sinh tụ, cư dân đông đúc
dần lên hình thành nên các xóm làng đông đúc yên vui. Trên nền tảng liên kết
là sự giao thoa, hòa quyện hài hòa giữa các nét văn hóa phong phú và đa
dạng. Cùng với phong tục thờ cúng tổ tiên, cư dân Cẩm Khê luôn biết ơn, trân
trọng và tôn thờ những người có công với làng nước. đạo lí đó được thể hiện
dưới hình thức mang tính cộng đồng với những nghi thức phong phú, trang
nghiêm tại các hội đình làng hàng năm. Dường như làng nào cũng có ít nhất
là một ngôi đình riêng. Trên địa bàn huyện Cẩm Khê hiện nay còn hàng chục
ngôi đình cổ kính, được công nhận là những di tích lịch sử, văn hóa tiêu biểu
như đình Thổ Khối- xã Tuy lộc, đình Phương Xá- xã Phương Xá, đình Ba
Nóc- xã Hiền Đa, đình Huân Trầm- xã Điêu Lương...

Đa số lễ hội đình làng ở huyện Cẩm Khê được tổ chức vào tháng giêng,
tháng hai hàng năm và đều mang một ý nghĩa chung là tôn thờ những bậc
thánh nhân, những người có công với làng, với nước, thể hiện đạo lí “ ăn quả
nhớ kẻ trồng cây”, “uống nước nhớ nguồn” của dân tộc. Đây chính là điểm
tựa tâm linh cho cư dân trong làng.
2.2 Sơ lược về xã Phùng Xá và di tích đình Cả
Phùng Xá là một xã miền núi thuộc huyện cẩm Khê, tỉnh Phú Thọ, nằm
bên hữu ngạn sông Thao, chạy dọc theo đường quốc lộ 32C, cách thủ đô Hà
Nội 135km, cách trung tâm thành phố Việt Trì 65km, cách huyện lị Cẩm Khê
15 km. Với diện tích 4,16 km², dân số 3584 người( 1999), mật độ dân số đạt
862 người/km. Đất và người Phùng Xá hòa quyện trong nghĩa tình núi sông
bờ cõi, trong bản sắc văn hóa của vùng đất Tổ Hùng vương.

9


Cũng như nhiều làng quên Bắc bộ khác, nhân dân Phùng Xá quần tụ
thành các chòm xóm. Kết cấu thôn xóm chặt chẽ có thể dựa trên mối quan hệ
huyết thống hoặc ngành nghề. Đa phần dân cư ở đây đều làm nông nghiệp
vừa dựa vào canh tác nông nghiệp là chính. Một số rất nhỏ là các hộ tiểu
thương- mở các hàng quán nhỏ ven quốc lộ 32 hoặc các khu vực tập trung
đông dân cư, một số khác làm các nghề chạy chợ, thủ công mĩ nghệ, hàn xì,
chủ lò gạch...Ở đây có những cánh đồng lớn nhỏ quanh năm được bao phủ
bởi một màu xanh của lúa, của ngôi, khoai sắn. Theo thời gian, nhờ những cải
tiến trong canh tác nông nghiệp, cuộc sống của cư dân nơi đây đang dần thay
da đổi thịt. Những ngôi nhà tranh vách đất dần dần bị thay thế bởi những ngôi
nhà mái gạch, tường vôi. Hệ thống giao thông( nhất là hệ thống đê bao – từ
năm 1954 gọi là đê 24), điện, đường, trường, trạm được đầu tư và nâng cấp đã
làm thay đổi bộ mặt nơi đây. Chất lượng cuộc sống của người dân ngày càng


10


được nâng cao rõ rệt. Trải qua những biến động của lịch sử với bao nhiêu
thăng trầm, tên làng Phùng Xá vẫn được giữ nguyên không thay đổi. Trong
trường kì lịch sử dân tộc cũng như trong trường kì đấu tranh tự tồn, người dân
nơi dây đã tạo cho mình những nét riêng đáng quý. Đó là lòng yêu nước sâu
sắc và lòng dũng cảm tuyệt vời trong công cuộc giữ làng, giữ nước cũng như
trong công cuộc dựng làng, dựng nước.
Nằm trong vùng văn hóa sông Thao xưa nay vẫn được ca ngợi là “Một
dải sông Thao, dân tục thuần hậu, biết lễ phép, văn tự” ( kiến văn tiểu lục- Lê
Quý Đôn), người dân nơi đây ai cũng mang trong mình một tình cảm nghĩa
nặng với quê hương. Dường như ai cũng thuộc “nằm lòng” những câu ca, câu
hát như:
- Sông Thao nước đỏ như son
Người đi có nhớ nước non quê mình
Hay :
- Em nay buôn chỉ bán tơ
Buôn ngọn sông bờ , bán ngọn sông Thao
Bởi thế cho nên, không nằm ngoài truyền thống văn hóa của vùng,
mảnh đất này cũng là nơi lưu giữ nhiều truyền thống văn hóa quý báu.
Một trong những truyền thống đó là truyền thống thờ tự những người
anh hùng có công với làng với nước, thờ thành hoàng làng, thờ anh hùng có
công dẹp giặc bảo vệ xóm làng... Phùng Xá có ngôi đình Cả, còn gọi là đình
Hội, bởi đây là ngôi đình lớn nhất của làng Phùng Xá. Đình là công trình kiến
trúc công cộng của một làng xã, là trung tâm sinh hoạt văn hóa gắn với một
cộng đồng dân cư và thường mang đặc trưng của văn minh nông nghiệp. Mỗi
làng thường xây dựng cho mình một ngôi đình riêng. Thời xưa, đình làng là
trụ sở hành chính của chính quyền tựu trung đủ mọi lề thói từ rước xách, hội
hè, khao vọng quan trên, đón người đỗ đạt, họp việc làng, xử kiện... cùng

những quy củ nhất định, có sự phân biệt chiếu trên, chiếu dưới rất rõ ràng.
Thông thường các bậc hương lão, hương lí... sẽ ngồi giữa đình, các bậc thấp
11


hên ngồi ở hai bên và dân thường sẽ ngồi ngoài sân đình. Đình là nơi thờ tự
Thành Hoàng làng- là những vị thần bảo hộ cho làng. Thành Hoàng là những
người có công với dân, với nước, lập làng, dựng ấp hay sáng lập nên một
nghề(ông tổ nghề). Các vị thần này thường vô danh( không có tượng thờ)
hoặc các vị nhân thần được phong làm Thành Hoàng làng, dưới các triều vua
thường có sắc phong cho Thành Hoàng làng vì hầu hết Thành hoàng đều có
công với nước. Tục thờ Thành Hoàng loàng có nguồn gốc từ Trung Quốc, qua
nghìn năm đô hộ đã du nhập vào nước ta, được Việt hóa và hòa nhập trong
văn hóa tín ngưỡng dân tộc.
Đình Cả được xây dựng nằm trên một khu đất rộng, bằng phẳng, khá
gần trục đường chính ( cách trục đường chính khoảng 50m) thuộc thôn Sậu,
xã Phùng Xá.

Song song với ủy ban nhân dân xã Phùng Xá,( phân cách ranh giới với
ủy ban nhân dân xã bằng một con đường chạy từ trục đường chính thẳng vào
làng) rất tiện cho việc quản lí cũng như thuận tiện cho du khách đến tham
quan. Đình mở ra hướng Đông Nam rất thoáng mát. Tuy nằm ngay bên cạnh
trục đường chính nhưng không gian ở đây dường như rất yên tĩnh. Từ khi
được xây dựng đến nay, Đình Cả đã được trùng tu, tôn tạo nhiều lần, gần nhất
là vào năm 2004 nên phần cổng vào còn tương đối mới. Lối đi được thiết kế

12


theo kiểu truyền thống gồm một lối đi chính và hai ngách phụ hai bên dẫn qua

sân đình đi thẳng vào phía trong đình.

Cổng vào( mặt ngoài)
Phần cổng chính được thiết kế với hai trụ đứng, ba mặt tiền đều khắc
chữ nho, phía trên là hình ảnh rồng cuốn mây được chạm trổ rất công phu.
Phần tường bao được trang trí bằng những họa tiết khắc nổi rất tỉ mỉ và công
phu. Mặt ngoài( hướng ra đường) là hình ảnh của voi, mặt trong( hướng vào
trong đình) là hình ảnh của ngựa. Tất cả đều được chạm khắc trong tư thế
đứng và đối xứng hai bên rất cân đối. Tương truyền voi và ngựa là hai linh vật
đã trợ giúp cho hai vị thành hoàng làng khi xung trận.

13


Cổng vào( mặt trong)
Hai ngách hai bên được thiết kế mũi cong cổ kính với hình rồng uống
lượn trong tư thế rất uy phong và dũng mãnh. Đáng chú ý là hình ảnh rồng
được khắc nổi trên tường bao mặt ngoài của ngách vào ( cũng như những hình
rồng được trang trí ở các bộ phận khác) được thiết kế mang đặc trưng của
nghệ thuật thời Nguyễn: Rồng là một con vật huyền thoại, đứng đầu tứ linh
(long - lân - quy - phụng) Theo sách Thuyết văn giải tự trong 389 loài bò sát
có vảy thì rồng là loài đứng đầu và có sức mạnh vô song. Rồng là biểu tượng
của sự sinh sôi mạnh mẽ, của phương Đông và của mùa xuân. Dưới thời quân
chủ, rồng được suy tôn là biểu tượng của vương quyền, gắn liền với hình ảnh
ông vua, là đỉnh cao của khái niệm quyền uy.Theo các nhà nghiên cứu thì
rồng thời Nguyễn trước sự ảnh hưởng ồ ạt của nghệ thuật Minh Thanh vẫn
đứng vững và bay lên từ con rồng truyền thống. Tính công thức có làm cho
chất oai nghiêm lộ rõ, nhưng nhìn chung chúng vẫn khá dung dị, gần gũi”.

Đi qua cánh cổng được sơn son thiếp vàng rất uy nghi du khách sẽ

bước vào địa phận của đình và ngay lập tức bị cuốn vào không khí trang
nghiêm và tĩnh mịch của nơi đây. Từ cổng vào du khách sẽ đi qua một khoảng
sân đình khá rộng, đủ tập trung hàng trăm người. Nơi đây xưa kia vốn là nơi

14


diễn ra các cuộc họp, các lễ nghi cũng là nơi để để dân làng tụ họp mỗi khi có
công việc chung hoặc tổ chức hội hè. Toàn bộ mái ngói và tường bao phủ đã
ngả màu rêu xanh cổ kính. Những cánh cửa gỗ cũng đã nhạt màu theo thời
gian. Ngôi đình trước kia có kiến trúc chữ đinh, hiện giờ còn lưu giữ được tòa
hậu cung với kết cấu bộ khung gỗ 4 hàng chân cột.
Phần mái đình được thiết kế theo kiểu mũi hài rất độc đáo, toàn bộ cửa
ra vào đều được làm bằng gỗ và sơn màu xanh( theo thời gian nước sơn đã
nhạt màu).

Sân đình

15


Quang cảnh phía trong càng tôn thêm vẻ trang nghiêm, linh thiêng và
cổ kính cho ngôi đình.

Khung cảnh phía trong đình

16


Theo quan sát và tìm hiểu của chúng tôi thì đình Cả trước kia có kiến

trúc chữ đinh với đại bái 5 gian, hiện giờ còn lưu giữ được tòa hậu cung với
kết cấu bộ khung gỗ 4 hàng chân cột được dựng bằng gỗ lim, to và thẳng tắp.
Toà hậu cung có kích thước dài 11,3m; rộng 8,0m. Hậu cung của đình Cả
được bố trí gian thờ trong cùng làm kiểu thượng cung cách nền 1,8m. Xung
quanh hậu cung bưng ván kín, trước cửa thượng cung có bức xà rồng được
đục chạm khá công phu điêu luyện là hình “Lưỡng long chầu nguyệt” đỡ bộ
cửa bức màn 4 cánh. Trong cung đặt cỗ ngai và các đồ thờ rất uy nghi như:
bát hương, đài nến, mâm bồng… Trước cửa thượng cung phía dưới có một án
gian đặt bát hương và các đồ thờ tự, phía bên phải cạnh án gian đặt ban thờ bà
Đào Tiên công chúa. Bộ vì gian giữa được làm theo lối “Thượng chồng
giường, giá chiêng- hạ bảy”, bộ vì trên của thượng cung làm theo kiểu bức
cốn mê, sử dụng kỹ thuật đục bong chạm nổi công phu, tỷ mỷ trang trí đề tài
Tứ linh: long, ly, quy, phượng có phong cách nghệ thuật trang trí kiến trúc
đình làng thời Nguyễn, thế kỷ XIX.
Đình Cả- Phùng Xá còn giữ được nhiều di vật, cổ vật có giá trị như: 7
đạo sắc phong ( trong đó có hai vị đạo sắc thời Lê Cảnh Hưng năm thứ 331770 và Cảnh Thịnh năm thứ 4- 1776) kiệu bát cống, bộ chấp kích, bát hương
gỗ, sập, đồ gốm sứ ... thời Nguyễn. Các đạo sắc phong là những tư liệu quý
giúp các nhà nghiên cứu lịch sử tìm hiểu thêm về cuộc kháng chiến chống
Tống của nhà Lý với các tướng lĩnh ở Phú Thọ.
Đặc biệt là cỗ kiệu bát cống mà dân làng vẫn gọi là kiệu rồng, bởi toàn
bộ các đòn kiệu được đục chạm, trang trí công phu, điêu luyện và sơn son
thiếp vàng rực rỡ thành những hình rồng nguyên vẹn như đang uốn lượn trong
mây. Đây là một cổ vật độc đáo trong các di tích kiến vật nghệ thuật vùng đất
tổ, có phong cách nghệ thuật chạm khắc gỗ thời Nguyễn thế kỉ XIX.

17


Một góc kiệu bát cống- kiệu rồng
Ngoài những hiện vật cổ trên, đình còn lưu giữ được toàn bộ hệ thống

đá kê chân cột của toà đại bái.
Tháng 3, vào tiết cuối xuân( mùng 9 và mùng 10 tháng 3 âm lịch) dân
làng Phùng Xá mở lễ hội như một nghi thức tưởng niệm để tưởng nhớ tới
công lao của các vị thành hoàng làng- những vị thần bảo hộ của dân làng và
gửi gắm vào đó những ước nguyện, hy vọng về một đời sống no đủ, giàu có,
nhân khang, vật thịnh. Đồng thời, cũng là để cổ vũ, nhắc nhở tinh thần yêu
nước cho các thế hệ tiếp theo. Nhiều người dân dù đi xa quê nhưng vào dịp
này cũng cố gắng trở về để hòa chung và không khí của hội làng. Bên cạnh
đó, lễ hội cùng thu hút sự có mặt tham gia của du khách thập phương cũng
như người dân các xã lân cận như Phương Xá, Sai Nga, Tuy Lộc, Ngô Xá,
Tiên Lương... Đây là một nét đẹp văn hóa cần được tiếp tục phát huy và bảo
tồn trong tương lai.

18


CHƯƠNG 3: LỄ HỘI ĐÌNH CẢ- MỘT NÉT ĐẸP VĂN HÓA
CỦA NGƯỜI DÂN VÙNG ĐẤT TỔ
3.1 Từ truyền thuyết...
Truyền thuyết là một thuật ngữ thuộc chuyên ngành văn học dân gian
trong đó chức năng chủ yếu là phản ánh và lí giải các nhân vật và sự kiện lịch
sử có ảnh hưởng quan trọng đối với một thời kì, một bộ tộc, một dân tộc, một
quốc gia hay một địa phương( ví dụ truyền thuyết về Thánh Gióng, An Dương
Vương, Hai Bà Trưng, Lê Lợi...). Ở Việt Nam, truyền thuyết hình thành từ thời
Hùng Vương dưng nước và phát triển liên tục, mạnh mẽ qua các giai đoạn lịch
sử của dân tộc, đặc biệt là dòng truyền thuyết chống giặc ngoại xâm.
( Từ điển thuật ngữ văn học- Nguyễn Khắc Phi- Trần Đình Sử- Lê Bá
Hán đồng chủ biên, Nxb giáo dục 1992)
Như đã nói từ đầu, thông thường một lễ hội dân gian bao giờ cũng đi
kèm với một truyền thuyết, sự tích, thần tích... về sự ra đời của nó hoặc sự ra

đời, hành trạng... của một nhân vật nào đó gắn với lễ hội đó. Không nằm
ngoài quy luật đó, lễ hội đền Cả cũng gắn với truyền thuyết về hai vị thành
hoàng làng được thờ phụng nơi đây. Đình Cả thờ chính hai vị thành hoàng
hiệu là Muôn Khê và Đương Cảnh đại vương. Theo chúng tôi được biết thì
đây là đền thờ duy nhất trong khu vực tỉnh Phú Thọ thờ hai vị đại vương này.
Bởi vậy những tư liệu về cuộc đời và hành trạng của hai nhân vật này là rất ít.
Theo lời kể của một số vị cao niên trong làng tương truyền rằng hai ông là
người làng Phùng Xá đã có công dẹp giặc Tống, giành thắng lợi dưới thời vua
Lý Nhân Tông ( TK XI-XII). Khi đó ở làng Phùng Xá có gia đình bà Nguyễn
Thị Nãi. Vào ngày mồng 3 tháng Giêng, bà sinh đôi được hai người con trai là
Muôn Khê và Đương Cảnh. Càng lớn, hai người con càng học hành uyên bác,
văn võ toàn tài. Lúc đó có giặc Tống sang xâm lược nước ta, hai ông đã đi
dẹp giặc cứu nước. Dẹp xong giặc, hai ông về làng Phùng Xá cho mổ trâu để
khao quân sĩ và nhân dân. Vào ngày 10 tháng 3, hai ông đã hoá tại nơi này.
Từ đó nhân dân nhớ công ơn của hai ông mà đã lập đền thờ. Các đời vua
19


phong sắc cho hai ông là: Thượng đẳng phúc thần. Cùng thờ ở đình Cả có
năm vị Long Vương(tức thuỷ thần) huý là: Chàng cả Minh Tự, chàng cả Dâm
Di, chàng nhị Dâm Vấn, chàng ba Vấn Đôi, chàng út Đôi Đầu; các vị đều đã
có công giúp hai ngài đánh thắng giặc Tống đã phù giúp hai ông cũng được
phong sắc nhiều lần, trong đó công trạng của các vị đều ghi “Hộ quốc tế dân”
(nghĩa là giúp dân, giúp nước). Bên cạnh đó đình Cả cũng là nơi thờ tự Đào
Tiên công chúa, vào thời Hùng Vương thứ 18 có loạn, bà đã tập hợp dân binh
dẹp được loạn và được các triều vua tặng phong là: Cung phi Đào Tiên chinh
thục liệt nữ công chúa. Dân làng Phùng Xá đã lập miếu thờ bà ở xứ Văn Cẩm.
Khi hai ông Muôn Khê và Đương Cảnh đi dẹp giặc, hai ông đã được bà phù
giúp cho đánh thắng giặc Tống vì vậy mà bà được thờ chung ở đây.
Như vậy, lễ hội đình Cả là một hiện tượng rất có sự giao thoa giữa văn

hóa thờ cúng tâm linh của người Việt: thờ Thành hoàng làng với truyền thuyết
dân gian về một anh hùng lịch sử có công với đất nước( thuộc địa phận thờ
cúng của đền). Giả sử không có sắc phong của nhà vua, thì nhân dân nơi đây
hoàn toàn có thể lập đền thờ hai vị anh hùng có công đánh giặc ngoại xâm
bảo vệ bờ cõi của đất nước là Muôn Khê đại vương và Đương Cảnh đại
vương( tương tự như trường hợp các đền thờ vua Hùng, Thánh Gióng, đền
thờ Hưng Đạo Vương... ) Tuy nhiên việc phong thần cho hai vị đại vương trở
thành Thành hoàng làng đã cho thấy sự hòa trộn rất khó tách rời trong văn
hóa tâm linh của người Việt.
3.2 ...Đến lễ hội
Những năm 1956 trở về trước, dân làng Phùng Xá mở hội vào những
ngày mồng 3 tháng Giêng (ngày sinh), ngày 10 tháng 3(ngày hoá) và ngày
hiển thánh là ngày 10 tháng 8. Trong các ngày tiệc được quy định và tổ chức
như sau: Đêm ngày mồng 2 tháng Giêng và ngày mồng 3 tháng Giêng lễ vật
cúng gồm xôi, gà. Ngày 10 tháng 3, lễ vật cúng trên thượng cung là gà trống
thiến đã được dân làng tuyển chọn cẩn thận. Về sau hôi làng chỉ được tổ chức
vào tháng 3 âm lịch.
20


Hội làng Phùng Xá được tổ chức vào hai ngày mùng 9/3 và mùng 10/ 3
âm lịch với những nét rất riêng. Cũng như tất cả các hội làng ở vùng quê đất
Việt, hội làng Phùng Xá gồm hai phần lớn: lễ và hội. Lễ- nghi thức gồm có: tế
lễ, rước voi, rước ngựa to trong đó độc đáo nhất của lễ hội là nghi thức rước
voi và rước ngựa.
Hội có các trò chơi dân gian như chọi gà, bịt mắt bắt dê, bịt mắt đập
niêu, kéo co và sinh hoạt văn nghệ, hát nhà tơ...
3.2.1 Phần Lễ
Trước ngày lễ hội, lá cờ đại lộng lẫy treo cao ở chính giữa sân đình. Cờ
ngũ hàng cắm la liệt từ sân tới cửa và trên suốt hai bên đường làng dẫn tới

đình. Từ chiều ngày mồng 9, các cụ bô lão làm lễ mở cửa đình, lau chùi các
đồ thờ. Sáng ngày mồng 10, trống, chiêng gióng giả 3 hồi 9 tiếng gọi hội, cửa
đình rộng mở, đèn nến sáng trưng, hương bay nghi ngút trên án thờ. Chức sắc,
bô lão đã tề tựu đầy đủ, lễ phục trang nghiêm, vào cuộc tế thần. Tế là nghi
thức quan trọng nhất của hội Phùng Xá. Ban lễ gồm 5 người: một ông chủ tế,
hai ông phân hiến, hai ông bồi trị. Giúp ban ông có ông thông xướng, ông dẫn
xướng, ông chiêng, ông trống, hai ông rước đèn sắp và bốn ông bồi tế. Cuộc
tế kéo dài khoảng 2 giờ, với 3 tuần rượu, trong không khí linh thiêng và hấp
dẫn. Vật phẩm dâng cúng trên thượng cung là cỗ gà thiến được tuyển chọn rất
cẩn thận trong các lễ vật dâng thánh của dân làng, cùng với xôi thịt, bánh trái,
hoa quả...
Sáng ngày 10/3, sân đền cờ xí phấp phới, trống chiêng rộn rã, nhân dân
trong vùng và du khách thập phương đã có mặt. Mỗi năm du khách thập
phương đến càng đông càng tăng thêm sự đông vui nhộn nhịp của lễ hội.
Tế xong đến rước, lễ mục đặc sắc nhất của lễ hội làng Phùng Xá là
rước voi, rước ngựa. Lễ mục này được cho là liên quan đến hành trạng lịch sử
vị thần được thờ là Muôn Khê và Cương cảnh đại vương. Tương truyền, khi
ra trận một ông cưỡi voi, một ông cưỡi ngựa xông vào quân giặc.

21


Đám rước mở đầu bằng hai hàng cờ hội diễu hành chậm rãi, trang
nghiêm. Tiếp theo cờ là trống cái do hai người khênh bằng gióng, một hiệu
trống tay cầm rùi trống; ( trống, dùi, gióng đều sơn son thếp vàng). Sau trống
là chiêng. Hiệu trống và hiệu chiêng điểm nhịp từng tiếng một, trống trước,
chiêng sau. Phường bát âm vừa đi vừa hòa tấu nhịp nhàng suốt dọc đường với
tám âm sắc hài hòa làm nền âm thanh cho lễ hội. Rồi đến chấp kích. Tiếp đến
là ngựa hồng và voi; ngựa, voi bằng gỗ to như thật , đều trang trí đẹp, yếm
thêu, quả nhạc, dây cương, yên , bành; trên bành voi và yên ngựa đều cắm

lọng che, rực rờ tua rua đỏ; ngựa, voi được đặt trên bệ gỗ có 4 bánh xe kéo;
mỗi đội có 8 người kéo và một người chỉ huy. Sau đến kiệu bát cống do 8 đô
tùy ( chân kiệu) khênh, kèm 4 đô tùy khác đi theo, phòng khi mệt sẽ thay
nhau; trước kiệu có người cầm trống khẩu để gióng hiệu, giữ thăng bằng và
tốc độ cho kiệu; trên kiệu rước đỉnh trầm tỏa hương thơm thoảng và mâm
quả. Để cho đoàn rước kiệu được chu đáo, người ta cho lau chùi kiệu từ trước
đó bằng nước thơm. Những người tham gia rước kiệu đều phải là những
chàng trai khôi ngô tuấn tú, con nhà gia phong, nền nếp. Chiếc tàn, lọng rực
rỡ tua đỏ, tua vàng đi theo hộ giá. Chủ tế và ban tế đi theo sau, chủ tế mặc
quần nhiễu, ngoài áo thụng đỏ, trong áo gấm hoa, đầu đội mũ văn, chân đi hia
( ban tế áo thụng lam). Rồi đến các vị bô lão, chức sắc, cuối đám rước là dân
làng và khách thập phương dự hội, vừa dân dã, vừa linh thiêng, vừa ồn ào, và
hoành tráng, tất cả như muốn đưa con người về một quá khứ xa xưa. Đám
rước đi vòng xung quanh làng và trở về sân đình Cả, hạ kiệu. Các vật phẩm
được cung kính dâng lên ban thờ, hương án. Chủ tế lễ tạ. Các vật phẩm dâng
cúng được chia đều cho dân làng. Phía ngoài sân rộng lớn, tưng bừng với
những tiếng cười nói, reo hò của dân làng, du khách tham gia các trò chơi
dân gian truyền thống thi tài, đua khéo: chọi gà, bịt mắt bắt dê, bịt mắt đập
niêu... càng làm tăng thêm phân hấp dẫn của hội làng.
Hết hội, người dân Phùng Xá đều tin đức Thành hoàng làng sẽ âm phù
cho làng như lời cầu nguyện trong “ chúc văn”: cầu cho dân làng được bình
22


yên, mạnh khỏe. Thiên thời- địa lợi- nhân hòa để dạt được hạnh phúc đầy đủ
trong cuộc sống một đời hiện tại cũng như nhiều đời con cháu tiếp theo.
Xưa làng Phùng Xá tổ chức lễ hội trong hai ngày mồng 9 và mồng 10.
Ngày mồng 9/3 có lễ tế trâu. Theo lệ, ngay từ đầu năm, dân làng đã họp bàn
phân cho 4 giáp đi mua 1 con trâu, đảm bảo tiêu chuẩn phải đen tuyền, béo
khỏe và đẹp. Tiền mua trâu là khoản tiền do dân đinh trong các giáp cùng tự

nguyện đóng góp. Người lĩnh trách nhiệm đi mua trâu phải là người được các
giáp tín nhiệm. Trước nhất, đây là việc thờ cúng linh thiêng, nên người đó
phải là người “ thanh khiết”, gia đình hòa thuận, con cháu đông vui, năm đó
gia đình không mắc vào việc “ tang chế”. Hơn thế nữa, đó còn phải là người
có kinh nghiệm xem tướng trâu, phai tận tâm, tận lực với làng mình. Sau đó
được các cụ bô lão trong làng cắt đặt người nuôi trâu. Người được làng giao
nuôi trâu cũng phải là người khá giả, được làng tin cậy, không mắc “ tang
chế”. Hàng ngày trâu được ăn cỏ non tươi, trộn cám, được tắm rửa sạch sẽ,
không bị chấy rận, nơi chuồng châu phải thoáng mát, không được để tanh hôi.
Ngày 9/3 người nuôi dắt trâu ra đình để làm lễ sát sinh. Cụ tế lấy rượu đổ cho
trâu uống rồi đổ từ đầu đến đuôi trâu. Sau đó, trâu được dắt trâu ra gốc đa
cạnh đình lấy dây thừng buộc chéo 4 chân, rồi cho thanh niên trai tráng khỏe
mạnh vào kéo trâu nằm ngã xuống đất, đầu trâu đổ vào chỗ nào thì đào hồ đặt
một chiếc thùng rồi cắt tiết. Tiếp theo trâu được đem thui, mổ lấy thịt, lòng
nấu chín để cúng tế đêm mồng 9. Lễ vật cúng tế xong được chia cho dân đinh
4 giáp và đêm hôm đó có hát nhà tơ( ca trù). Sau đó dân làng tổ chức rước
voi, ngựa từ đền thờ bà Đào Tiên công chúa ở ngoài đê và đình cả, sáng ngày
mồng 10, lại rước từ đỉnh Cả ra đền Nghè( đền thờ bà Đào Tiên công chúa).
Ngày nay, theo thời gian lễ hội Phùng Xá có những thay đổi nhất đinh.
Tục nuôi trâu đã không còn, một số hoạt động của phần hội cũng có sự điều
chỉnh cho phù hợp với thời đại.
Trước mỗi dịp lễ hội, Uỷ ban nhân dân xã và Ban tổ chức lễ hội sẽ lên
kế hoạch chỉ đạo cụ thể để lễ hội diễn ra một cách chu đáo nhất. Theo đó, mỗi
23


khu dân cư sẽ được phân bố chuẩn bị 8 ván cỗ để tế thần, lịch dâng cỗ tế thần
do Ban tổ chức lễ hội xây dựng). Ngoài ra, các tổ chức khác muốn làm cỗ tế
thần thì phải đăng kí và được sự chấp thuận của Ban tổ chức cũng như Ban
quản lí di tích. Việc chuẩn bị kinh phí cho lễ hội sẽ do nhân dân đóng góp

theo quy định của quy ước văn hóa.
3.2.2 Phần Hội
Hội có các trò chơi dân gian như chọi gà, bịt mắt bắt dê, bịt mắt đập
niêu, kéo co và sinh hoạt văn nghệ, hát nhà tơ( hát xoan).
Để lễ hội diễn ra trong không khí vui vẻ, các khu dân cư được phân
công chuẩn bị các hoạt động bên lề lễ hội. Ví dụ như mỗi xóm thành lập một
đội bóng chuyền nam và tiến hành thi đấu( 4 đội Cống, Đạng, Sậu, Gọ); mỗi
khu tuyển chọn 2 con gà chiến để tham dự giải chọi gà cùng 2 tiết mục văn
nghệ được dàn dựng công phu để tham gia biểu diễn. Đối với các nhà trường
trên địa bàn, yêu cầu có sự tham gia phối hợp tổ chức với chính quyền địa
phương và Ban tổ chức lễ hội thông qua các hoạt động tổ chức thành lập các
đội thi kéo co và chuẩn bị các tiết mục văn nghệ để tham gia biểu diễn phục
vụ bà con và du khách thập phương đến xem hội. Các cơ quan chức năng
cũng được phân công nhiệm vụ rất rõ ràng, thuận tiện cho việc quản lí như:
Hội Người cao tuổi phụ trách đội tế lễ; Hội Cựu chiến binh phụ trách đội bát
biếu, chấp kích, tàn lọng cờ và trống chiêng, Hội Phụ nữ phụ trách công tác
văn nghệ cung đình, đội múa sinh tiền mõ lộn và phục vụ tiếp nước trong hai
ngày diễn ra lễ hội; Hội Nông dân phụ trách đội sư tử; Đoàn Thanh niên phụ
trách đội kiệu rồng, kéo voi, kéo ngựa, đội cầm cờ và tổ chức giao lưu văn
nghệ... Sự “ chuyên môn hóa” và phối hợp giữa các cơ quan, ban ngành, đoàn
thể chức năng cùng với tinh thần tham gia nhiệt thành của dân làng là yếu tố
đảm bảo cho sự thành công của lễ hội đình Cả.
Tuy vậy, theo những gì chúng tôi ghi nhận được thì các trò chơi dân
gian dường như đang dần vắng bóng và thay thế bằng các hình thức biến
tướng mang âm hưởng của cuộc sống hiện đại như: đu quay, ném bóng, chọi
24


gà ăn tiền, tôm cua cá, thậm chí một số đối tượng còn lợi dụng không khí lễ
hội đông vui và tập trung nhiều người để tổ chức các hoạt động đánh bạc, xóc

đĩa gây mất mĩ quan và làm tính trang nghiêm của lễ hội.
3.2. Lễ hội đình Cả trong tâm thức người dân làng Phùng Xá
Để có một cái nhìn toàn diện nhất về lễ hội đình Cả thuộc địa phận xã
Phùng Xá- huyện Cẩm Khê- tỉnh Phú Thọ chúng tôi đã tiến hành nhiều
chuyến đi điền dã về địa phương này. Trong quá trình đi điền dã và thu thập
thông tin, chúng tôi đã nhận được sự giúp đỡ rất nhiệt tình của bà con nơi đây.
Đồng thời cũng giải đáp được nhiều vấn đề thắc mắc về ngôi đình linh thiêng
và lễ hội đặc sắc này. Phần lớn những người được hỏi- người lớn tuổi đều có
những hiểu biết nhất định về ngôi đình như đình thờ ai? Có từ bao giờ? Các
hoạt động liên quan đến lễ hội? Trong tâm thức của người dân nơi đây thì
ngôi đình luôn là chốn linh thiêng, là địa phận “ bất khả xâm phạm” và lễ hội
được tổ chức hàng năm là một hoạt động văn hóa đặc sắc của địa phương, là
dịp để dân làng bày tỏ tấm lòng biết ơn của mình đến hai vị Thành hoàng
làng- những người có công với đất nước với địa phương. Đây cũng là dịp để
dân làng vui chơi hội hè sau những ngày tất bật, giao lưu văn hóa, thưởng
thức văn nghệ qua đó thắt chặt tình cảm xóm làng gắn bó keo sơn. Cũng là
dịp để những người con xa quê có dịp trở về, đoàn tụ với gia đình và tham gia
vào truyền thống văn hóa của địa phương. Tuy nhiên, một bộ phận không nhỏ
những người trẻ tuổi được hỏi còn có rất ít những hiểu biết về ngôi đình và lễ
hội của chính địa phương mình. Điều này báo hiệu cho sự “ mất gốc”, thiếu
hụt văn hóa của một bộ phận giới trẻ trong thời đại hội nhập. Trước sự tấn
công của những luồng văn hóa bên ngoài, những trò chơi mới, những mối
quan tâm mới... thì những hiện tượng văn hóa dân gian đứng trước nguy cơ
ngày càng bị mai một và mất đi ý nghĩa bề sâu của nó. Tuy vậy, trước khi có
một kết quả khảo sát nhất định thì chúng tôi không thể đi đến một kết luận cụ
thể nào cả. Vì thế, trong dịp lễ hội đình Cả được tổ chức vào ngày mùng 9 và
mùng 10/3/2016 này chúng tôi dự kiến sẽ có một chuyến đi điền dã về địa
25



×