Tải bản đầy đủ (.doc) (7 trang)

Các phác đồ phối hợp thuốc không sử dụng metformin cho người bệnh đái tháo đường typ 2

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (144.8 KB, 7 trang )

CÁC PHÁC ĐỒ PHỐI HỢP THUỐC KHÔNG SỬ DỤNG METFORMIN
CHO BỆNH NHÂN ĐÁI THÁO ĐƯỜNG TYP 2
Tóm tắt

 Hiện nay, trong hầu hết các hướng dẫn điều trị đái tháo đường typ 2,
metformin đều được xem là thuốc lựa chọn hàng đầu và có thể sử dụng đơn độc
hoặc kết hợp. Tuy nhiên, một số bệnh nhân không thể dung nạp với thuốc hoặc
có các chống chỉ định sử dụng thuốc.
 Các phác đồ kết hợp sử dụng thuốc chủ vận receptor GLP-1
(albiglutide, dulaglutide, exenatide và liraglutide) có thể đem lại ưu điểm cho
một số bệnh nhân, đặc biệt bệnh nhân muốn giảm cân hoặc có tiền sử bệnh tim
mạch, bệnh nhân kém tuân thủ sử dụng thuốc. Tuy nhiên, cần cân nhắc với
những bệnh nhân có bệnh thận mạn, từng gặp tác dụng không mong muốn trên
đường tiêu hóa với metformin và những bệnh nhân có tiền sử viêm tụy.
 Phác đồ kết hợp sử dụng thuốc DPP-4 là một chiến lược hữu hiệu cho
những bệnh nhân mà việc bổ sung metformin vào phác đồ là không thích hợp.
Việc kết hợp DPP-4 với SU được ưa thích hơn tăng liều SU. Tuy nhiên cũng cần
cân nhắc tới chi phí điều trị. Các DPP-4 cũng có thể sử dụng được cho bệnh
nhân có bệnh thận mạn do thuốc tương đối hiệu quả và dung nạp tốt.
Linagliptin thải trừ chủ yếu qua con đường ngoài thận nên không cần hiệu
chỉnh liều ở mọi mức suy giảm chức năng thận. Đây có thể là lựa chọn cho
những bệnh nhân suy thận mạn có chống chỉ định sử dụng metformin.
 Các thuốc ức chế SGLT2 là một nhóm thuốc mới. Sự kết hợp của một
thuốc ức chế SGLT2 và ức chế DPP-4 là một lựa chọn điều trị phù hợp cho
những bệnh nhân thừa cân hoặc béo phì mà có tăng huyết áp và những ai có
nhiều nguy cơ hạ đường huyết. Sự kết hợp này giúp hạn chế nhiều biến cố
không mong muốn khi điều trị cho người cao tuổi như là tăng cân, hạ đường
huyết, tăng nguy cơ giữ nước và gãy xương. Tuy nhiên, sự lựa chọn các phác đồ
sử dụng SGLT2 cũng cần cân nhắc vì chưa có nhiều dữ liệu ủng hộ và vấn đề về
chi phí.
 Một số các thuốc khác cũng có thể đưa vào phác đồ phối hợp bao gồm


colesevelam, bromocriptin QR và các thuốc ức chế alpha glucosidase.
Hiện nay, trong hầu hết các hướng dẫn điều trị đái tháo đường typ 2,
metformin đều được xem là thuốc lựa chọn hàng đầu. Các phác đồ kết hợp với
metformin cũng được coi là tiêu chuẩn vàng cho những bệnh nhân ĐTĐ typ 2
cần phải sử dụng nhiều hơn 1 thuốc để kiểm soát đường huyết. Tuy nhiên, mặc
dù hiệu quả của các liệu pháp điều trị với metformin đã được ghi nhận nhưng
một số bệnh nhân lại không thể dung nạp với thuốc. Một số khác có thể mắc
bệnh thận mạn tính hoặc có các chống chỉ định khác cho việc sử dụng
metformin. Vẫn còn thiếu các đồng thuận về việc sử dụng kết hợp các thuốc
điều trị ĐTĐ cho những bệnh nhân không thể uống hoặc không thể dung nạp
metformin.


Xuất phát mối quan tâm trên, Goldman Levine và cộng sự (2015) đã tiến
hành một tổng quan các nghiên cứu trên Pubmed (từ tháng 1/1990 đến 8/2014)
với các từ khóa liên quan đến các thuốc điều trị mới sử dụng đơn độc hoặc cùng
từ khóa “combination”. Các tác giả giới hạn lại kết quả tìm kiếm là các thử
nghiệm lâm sàng, phân tích meta và là các bài báo bằng tiếng Anh. Các nghiên
cứu được đưa vào tổng quan là các thử nghiệm lâm sàng ngẫu nhiên, có đối
chứng, đa trung tâm về các phác đồ kết hợp không chứa metformin trên quần thể
US hoặc đa quốc gia trong vòng 5 năm qua (2010 – 2014). Phần dưới đây sẽ
trình bày về các kết quả của bài tổng quan.
1

Các phác đồ kết hợp với thuốc chủ vận receptor GLP-1

 Các chất chủ vận receptor GLP-1 kích thích bài tiết insulin phụ thuộc
vào glucose và làm giảm giải phóng glucagon từ tế bào alpha tụy.
 ADA/EASD xem GLP-1 RA là một thuốc có thể lựa chọn trong phác
đồ kết hợp 2 thuốc hoặc 3 thuốc. AACE coi GLP-1 là lựa chọn hàng đầu (sau

metformin) để đơn trị liệu, trị liệu kết hợp 2 hoặc 3 thuốc ở những bệnh nhân có
A1C > 6,5% và xếp trước các thuốc ức chế DPP-4 cho các liệu pháp kết hợp.
 Ở Mỹ hiện nay có 4 GLP-1 RA bao gồm albiglutide, dulaglutide,
exenatide và liraglutide. Exenatide có thể dùng đường tiêm dưới da ngày hai lần
hoặc dạng giải phóng kéo dài dùng 1 tuần 1 lần. Liragutide tiêm dưới dang ngày
1 lần trong khi albiglutide và dulaglutide tiêm 1 tuần 1 lần.
 Chỉ có một vài nghiên cứu đánh giá việc sử dụng kết hợp GLP-1 RA
trong các phác đồ 2 thuốc không chứa metformin. Những thử nghiệm này cho
thấy cải thiện kiểm soát đường huyết và cân nặng của cơ thể.
 Vị trí trong điều trị:
 Việc sử dụng các phác đồ dùng GLP-1 RA có thể đem lại những ưu
điểm cho các bệnh nhân mà cần lên bậc khi đang sử dụng đơn độc 1 thuốc đái
tháo đường đường uống hoặc ở những bệnh nhân muốn giảm cân. Với một số
bệnh nhân, thuốc cũng có thể kết hợp với các insulin nền hoặc là lựa chọn thay
thế cho các insulin tác dụng nhanh trong phác đồ kết hợp với insulin nền. Mặc
dù nguy cơ hạ đường huyết khi sử dụng GLP-1 đơn trị liệu là thấp nhưng khi kết
hợp với các thuốc khác gây hạ đường huyết thì nguy cơ có thể tăng lên. Vì vậy,
khi thêm GLP-1 vào các phác đồ dùng SU hoặc insulin, cần xem xét giảm liều
các thuốc này.
 Các GLP-1 RA cũng là có thể là lựa chọn tốt để thêm vào phác đồ điều
trị với những bệnh nhân có tiền sử nguy cơ bệnh tim mạch. Trong các thử
nghiệm lâm sàng, GLP-1 RA cải thiện các yếu tố nguy cơ tim mạch, làm giảm
cân, giảm huyết áp tâm thu, và giảm lipid lúc đói. Các thử nghiệm chứng minh


hiệu quả tim mạch lâu dài của các liệu pháp dùng incretin vẫn đang được tiếp
tục nghiên cứu.
 Trong trường hợp không sử dụng metformin do bệnh lý về thận, các
GLP-1 RA cũng không nên được sử dụng. Các thuốc thuộc nhóm này không nên
được sử dụng ở những bệnh nhân có bệnh thận mạn tiến triển hoặc bệnh thận

giai đoạn cuối. Các bác sĩ có thể tham khảo thêm các thông tin kê đơn của từng
thuốc cụ thể để biết thêm về sử sử dụng của thuốc bởi việc sử dụng ở các bệnh
nhân có bệnh thận mạn mức độ trung bình khác nhau giữa các thuốc.
 Các vấn đề khác cần cân nhắc khi lựa chọn GLP-1 RA bao gồm đặc
tính dung nạp, sở thích của bệnh nhân, sự tuân thủ điều trị và chi phí. Các tác
dụng không mong muốn trên đường tiêu hóa báo gồm buồn nôn, tiêu chảy và
nôn là những tác dụng thường gặp của GLP-1 RA và do đó, không khuyến khích
sử dụng cho những bệnh nhân gặp phải những vấn đề tương tự khi dùng
metformin. Các chế phẩm mới hơn, sử dụng tuần 1 lần có thể giúp cải thiện sự
dung nạp, sự tuân thủ điều trị của bệnh nhân.
 Cuối cùng, các GLP-1 không nên được sử dụng ở những bệnh nhân có
tiền sử viêm tụy. Mặc dù các báo cáo hậu marketing về viêm tụy và ung thư tụy
đã được báo cáo với các thuốc incretin, tuy nhiên, qua đánh giá toàn bộ các dữ
liệu về độc tính, các dữ liệu nghiên cứu lâm sàng và rà soát độc lập các nghiên
cứu quan sát, Cơ quan quản lý Dược phẩm Mỹ (US-FDA) và Cơ quan quản lý
dược phẩm Châu Âu (EMA) kết luận rằng mối quan hệ nhân quả giữa việc sử
dụng các thuốc nhóm incretin và viêm tụy, ung thư tụy trình bày trong các bài
báo khoa học và truyền thông không thống nhất với các dữ liệu hiện có. Viêm
tụy vẫn sẽ được xem là một nguy cơ có thể xảy ra khi sử dụng incretin nhưng
kết luận cuối cùng về mối quan hệ nhân quả vẫn còn chưa được thiết lập.
2

Các phác đồ kết hợp sử dụng chất ức chế DPP-4

 Các chất ức chế DPP-4 làm tăng tác dụng sau ăn của hormon incretin
nội sinh dẫn đến làm tăng tiết insulin và giảm giải phóng glucagon phụ thuộc
vào glucose
 Theo hướng dẫn điều trị của ADA/EASD, các thuốc ức chế DPP-4 có
thể được sử dụng trong phác đồ 2 thuốc hoặc 3 thuốc kết hợp với SU, ức chế
SGLT2, TZD hoawjcc insulin nền mà không có bất kỳ ưu thế nào hơn cho một

thuốc cụ thể. Trong các phác đồ kết hợp đưa ra bởi AACE, ức chế DPP-4 được
ưu tiên sau GLP-1 RA nhưng trước các thuốc khác cũ hơn.
 Tại Mỹ hiện tại có 4 thuốc ức chế DPP-4 là sitagliptin, saxagliptin,
linagliptin và alogliptin. Tất cả đều được chỉ định ngày dùng 1 lần.
 Các thuốc ức chế DPP-4 đã được nghiên cứu sử dụng kết hợp với SU
hoặc TZD. Ở những bệnh nhân không kiểm soát được đường huyết thích hợp


với SU đơn trị liệu, kết hợp một thuốc ức chế DPP-4 sẽ làm cải thiện đáng kể
A1C và nhìn chung là sự kết hợp này dung nạp tốt. Các nghiên cứu lâm sàng
đánh giá bắt đầu kết hợp TZD với linagliptin hoặc sitagliptin cho thấy sự kết
hợp này cải thiện kiểm soát đường huyết tốt hơn so với TZD đơn trị liệu. Khi
kết hợp với TZD, tăng cân có thể xảy ra mặc dù khi dùng đơn độc các thuốc ức
chế DPP-4 không ảnh hưởng đến cân nặng.
 Ở những bệnh nhân sử dụng insulin, metformin thường tiếp tục được
sử dụng để làm giảm liều của insulin và hạn chế tác dụng không mong muốn
trong khi vẫn cải thiện được kiểm soát đường huyết. Các nghiên cứu lâm sàng
cho thấy việc bổ sung thêm các thuốc ức chế DPP-4 vào phác đồ insulin có hoặc
không kết hợp metformin đều làm cải thiện đáng kể kiểm soát đường huyết và
không ảnh hưởng đến cân nặng.
 Vị trí trong điều trị:
 Các phác đồ sử dụng kết hợp DPP-4 là một chiến lược điều trị hữu hiệu
cho những bệnh nhân đơn trị liệu với DPP-4, SU hoặc TZD mà việc bổ sung
metformin vào phác đồ là không thích hợp. Các thuốc ức chế DPP-4 không làm
ảnh hưởng tới cân nặng và không ảnh hưởng hoặc làm cải thiện nhỏ cholesterol
toàn phần, huyết áp. Việc kết hợp với DPP-4 với một SU được ưa dùng hơn là
tăng liều SU vì việc tăng liều SU sẽ làm tăng nguy cơ tăng cân và bình nguyên
điều trị (tăng liều mà hiệu quả không tăng). Tuy nhiên, khi bổ sung thêm thuốc
ức chế DPP-4 vào phác đồ có thể cần phải giảm liều SU để giảm nguy cơ hạ
đường huyết. Chi phí cũng cần được cân nhắc với những bệnh nhân không có

bảo hiểm.
 Về sử dụng thuốc ức chế DPP-4 cho người cao tuổi, kết quả các nghiên
cứu ủng hộ việc sử dụng DPP-4 cho người cao tuổi do đây là một lựa chọn điều
trị hiệu quả, đặc tính dung nạp tốt và nguy cơ hạ đường huyết thấp, tất nhiên,
nên giảm liều khi sử dụng cùng với SU.
 Cuối cùng, các thử nghiệm lâm sàng sử dụng DPP-4 cho bệnh nhân có
bệnh nhận mạn tính cho thấy các thuốc này tương đối hiệu quả và dung nạp tốt.
Thuốc có thể sử dụng cho bệnh nhân suy thận hoặc bệnh thận giai đoạn cuối,
thuy nhiên, cần phải giảm liều với alogliptin, saxagliptin và sitagliptin. Do chủ
yếu thải trừ qua con đường ngoài thận nên linagliptin có thể được sử dụng ở
bệnh nhân ĐTĐ typ 2 ở mọi mức độ suy giảm chức năng thận mà không cần
hiệu chỉnh liều. Và do đó, đây cũng là lựa chọn tốt cho những bệnh nhân có
bệnh thận mạn chống chỉ định sử dụng metformin.
3

Các phác đồ kết hợp sử dụng thuốc ức chế SGLT2

 Các thuốc ức chế SGLT2 giảm tái hấp thu glucose ở thận dẫn tới tăng
thải trừ glucose qua nước tiểu. Do glucose niệu là một hàm của nồng độ glucose


trong máu nên tác dụng hạ đường huyết của nhóm thuốc này được hạn chế tối
đa.
 Trong chiến thuật điều trị của AACE, các thuốc ức chế SGLT2 nằm
trong top 4 khuyến cáo cho phác đồ điều trị 2 thuốc. Bản cập nhật tuyên bố của
ADA/EASD năm 2015 cũng đã bổ sung các thuốc này là một lựa chọn điều trị
trong chiến thuật đồng thuận. Cụ thể, các thuốc ức chế SGLT2 mặc dù được phê
duyệt đơn trị liệu nhưng cúng chủ yếu được sử dụng kết hợp như là lựa chọn
hàng hai hoặc ba. Có 3 thuốc ức chế SGLT2 hiện có ở Mỹ: canagliflozin,
dapagliflozin, empagliflozin.

 Các nghiên cứu lâm sàng sử dụng nhóm thuốc cho thấy không chỉ giúp
cải thiện đường huyết mà còn làm giảm huyết áp khoảng 3 – 9 mmHg khi sử
dụng kết hợp hoặc dùng đơn trị liệu. Phân tích meta 8 thử nghiệm lâm sàng sử
dụng thuốc ức chế SGLT2 trong liệu pháp kết hợp 2 thuốc hoặc 3 thuốc cho thấy
giảm đáng kể cân nặng. Kết quả từ phân tích meta của 19 thử nghiệm pha 2b và
pha 3 chứng minh dapagliflozin không có liên quan tới gia tăng nguy cơ bệnh
tim mạch khi so sánh với các thuốc khác hoặc giả dược. Kết quả phân tích meta
của chín thử nghiệm ngẫu nghiên pha 2 và 3 cho thấy canagliflozin không cho
thấy tăng nguy cơ tim mạch.
 Trong khi thuốc ức chế SGLT2 đã được nghiên cứu sử dụng đơn độc
hoặc kết hợp với metformin thì các dữ liệu về kết hợp với các thuốc không phải
metformin vẫn còn hạn chế. Trong một thử nghiệm lâm sàng ngẫu nhiên có đối
chứng kéo dài 24 tuần, dapagliflozin được sử dụng kết hợp với glimepirid và
pioglitazone để điều trị cho bệnh nhân ĐT Đ2 nhưng không đối chứng với sử
dụng SU hay pioglytazone đơn độc. Sự kết hợp này làm giảm đáng kể nồng độ
A1C và giảm cân nặng hoặc tăng nhẹ cân nhưng không tăng hạ đường huyết.
Trong một nghiên cứu khác kéo dài 24 tuần, dapagliflozin được thêm vào phác
đồ dùng sitagliptin cho thấy làm giảm nồng độ A1C, đường huyết lúc đói,
đường huyết 2 giờ sau ăn và cân năng so với nhóm chứng ở trên một bộ phận
bệnh nhân không sử dụng phác đồ chứa metformin. Một phân tích post hoc gần
đây từ nghiên cứu CANVAS chứng minh canagliflozin (100 hoặc 300 mg) cải
thiện kiểm soát đường huyết, giảm cân nặng khi so sánh với giả dược ở nhóm
bệnh nhân ĐT Đ sử dụng đồng thời thuốc ức chế DPP-4 hoặc GLP-1 RA cùng
hoặc không cùng thuốc hạ đường huyết khác, mức giảm A1c và đường huyết lúc
đói nhiều hơn ở nhóm dùng GLP-1 RA so với DPP-4. Tương tự, phân tích ngoại
suy từ CANVAS đánh giá nhóm bệnh nhân sử dụng insulin nền ổn định, không
chỉnh liều cùng hoặc không cùng các thuốc hạ đường huyết khác cho thấy thêm
canagliflozin giúp cải thiện kiểm soát đường huyết và giảm cân, dung nạp tốt và
tăng nhẹ hạ đường huyết trong 18 tuần. Chú ý rằng, để tránh hạ đường huyết,
cần sử dụng liều insulin thấp hơn khi kết hợp với canagliflozin.



 Các thuốc kết hợp giữa SGLT-2 và ức chế DPP-4 cũng đã được nghiên
cứu và cho thấy làm giảm đáng kể A1C, đường huyết lúc đói và cân nặng so với
sử dụng thuốc ức chế DPP-4 đơn độc.
 Vị trí trong điều trị:
 Vai trò của thuốc ức chế SGLT2 trong điều trị vẫn là một vấn đề được
quan tâm rất nhiều hiện nay. Sự kết hợp của một thuốc ức chế SGLT2 và ức chế
DPP-4 là một lựa chọn điều trị phù hợp cho những bệnh nhân thừa cân hoặc béo
phì mà có tăng huyết áp và những ai có nhiều nguy cơ hạ đường huyết. Sự kết
hợp này giúp xóa bỏ nhiều biến cố không mong muốn khi điều trị cho người cao
tuổi như là tăng cân, hạ đường huyết, tăng nguy cơ giữ nước và gãy xương.
Ngoài ra cũng cần cân nhắc chi phí khi lựa chọn điều trị các thuốc mới này.
Cuối cùng, mặc dù về mặt cơ chế thì hoàn toàn hợp lý để kết hợp một thuốc
GLP-1 RA và một thuốc ức chế SGLT2 nhưng ADA/EASD không khuyến cáo
sự kết hợp này do chưa có dữ liệu về sử dụng kết hợp chúng tại thời điểm này.
 Trước khi lựa chọn phác đồ kết hợp với thuốc ức chế SGLT2 cũng cần
cân nhắc chức năng thận và tình trạng dịch của bệnh nhân. Cần đánh giá chức
năng thận trước khi bắt đầu điều trị với SGLT2 và giám sát định kỳ sau đó. Các
thuốc SGLT2 chống chỉ định sử dụng ở những bệnh nhân có bệnh thận mạn tính
nặng, suy thận giai đoạn cuối hoặc lọc máu. Canagliflozin và empagliflozin
không nên sử dụng ở những bệnh nhân có eGFR <45ml/phút/1,73m2, trong khi
dapagliflozin không nên sử dụng ở những bệnh nhân có eGFR < 60
ml/phút/1,73m2. Liều của canagliflozin không được vượt quá 100 mg 1 lần/ngày
ở những bệnh nhân có eGFR từ 45 đến <60 ml/phút/1,73 m2. Các thuốc ức chế
SGLT2 gây co thể tích lòng mạch có có thể dẫn tới hạ huyết áp triệu chứng. Vì
thế, ở những bệnh nhân có huyết áp tâm trương thấp hoặc bệnh thận mạn tính và
những ai sử dụng thuốc lợi tiểu, thuốc ức chế men chuyển hoặc ức chế thụ thể
angiotensin nên được theo dõi chặt chẽ, nhất là người già.
 Một điểm quan trọng nữa cần nhớ đó là việc tăng thải glucose qua

nước tiểu do cơ chế ức chế SGLT2 sẽ làm tăng nguy cơ nhiễm nấm sinh dục,
đặc biệt là ở phụ nữ. Nguy cơ sẽ tăng lên ở những bệnh nhân có tiền sử bệnh
như vậy. Bệnh nhân nên được tư vấn về các triệu chứng của nhiễm nấm và
khuyến khích duy trì vệ sinh sạch sẽ. Các phân tích gộp các dữ liệu đơn trị liệu
hay kết hợp cho thấy tăng nhẹ tỷ lệ nhiễm khuẩn tiết niệu khi sử dụng SGLT2 so
với giả dược. Vì vậy, tư vấn bệnh nhân vệ sinh sạch sẽ là một điều quan trọng ở
những bệnh nhân sử dụng nhóm thuốc này.
4

Phác đồ kết hợp SU và TZD

Do hiện nay các thuốc nhóm TZD không còn được cấp số đăng ký lưu
hành tại Việt Nam nên sẽ không đề cập tới sự kết hợp này.


5

Bổ sung thêm các thuốc uống khác vào phác đồ điều trị

 Colesevelam – nhựa gắn acid mật (cũng được sử dụng trong điều trị rối
loạn mỡ máu), bromocriptin QR, dopamin RA có hiệu quả hạn chế. Tất cả các
thuốc này được liệt kê sau incretin và các thuốc truyền thống trong ưu tiên lựa
chọn điều trị cho phác đồ kết hợp 2 thuốc của AACE khuyến cáo. Hướng dẫn
điều trị của ADA/EASD chỉ ra rằng các thuốc này có thể hữu ích cho một số
bệnh nhân nhưng kém ưu tiên hơn do hiệu quả thấp hơn và đặc tính dung nạp
hạn chế.
 Colesevelam làm giảm đường huyết lúc đói và đường huyết sau ăn
nhưng cơ chế chính xác thì chưa được biết đầy đủ. Khi thêm vào phác đồ cùng
với SU, pioglitazone hoặc insulin (cùng hoặc không cùng thuốc hạ đường huyết
uống khác), colesevelam làm giảm thêm A1C khoảng 0,5% và cũng làm giảm

đáng kể đường huyết lúc đói và LDL-C. Khi thêm vào phác đồ điều trị đang có
SU hoặc insulin, colesevelam có không làm thay đổi cân nặng và không làm
tăng nguy cơ hạ đường huyết. Nhược điểm của thuốc này là khả năng gây tăng
triglycerids, tỷ lệ gặp tác dụng không mong muốn trên đường tiêu hóa cao.
Colesevelam nên tránh sử dụng ở những bệnh nhân có nguy cơ liệt dạ dày, rối
loạn nhu động hoặc tắc nghẽn ruột do táo bón.
 Bromocriptin QR tác động trên thần kinh trung ương làm tăng nhạy
cảm insulin và điều chỉnh chuyển hóa. Bổ sung bromocriptin QR vào phác đồ
điều trị dùng SU hoặc insulin làm giảm A1C so với nhóm chứng khoảng 0,5%.
Các dữ liệu cho thấy bromocriptin có thể giảm biến cố tim mạch còn hạn chế,
vai trò của nó trong bệnh thận mạn vẫn còn tranh cãi. Bromocriptin thường
không dung nạp tốt và thường gây buồn ngủ và hạ huyết áp thể đứng, vì vậy, nó
không thích hợp cho người già. Cần phải sử dụng 3 lần một ngày cũng gây bất
tiện cho một số bệnh nhân.
 Các thuốc ức chế alpha glucosidase cũng đã được chứng minh là một
lựa chọn kết hợp hiệu quả và dung nạp tốt, đặc biệt ở người châu Á. Các thuocs
này làm giảm hấp thu carbohydrate ở ruột, làm giảm đường huyết sau ăn, giảm
nhẹ A1C và không tăng nguy cơ hạ đường huyết. Một thử nghiệm cũng gợi ý
khả năng làm biến cố tim mạch của nhóm thuốc. Tuy nhiên, khả năng gây tác
dụng không mong muốn trên đường tiêu hóa cũng có thể là một bất lợi khi sử
dụng nhóm thuốc.
Tài liệu tham khảo:
1. Goldman-Levine, J. D. (2015). Combination Therapy When Metformin Is Not
an Option for Type 2 Diabetes. Annals of Pharmacotherapy, 49(6), 688-699.



×