Tải bản đầy đủ (.doc) (283 trang)

LỊCH SỬ VĂN HỌC VIỆT NAM - TẬP 3

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (1.13 MB, 283 trang )

LỊCH SỬ VĂN HỌC VIỆT NAM - TẬP 3
LỊCH SỬ VĂN HỌC VIỆT NAM
TẬP III
VĂN HỌC VIẾT
(Thời kỳ I:
- Giai đoạn IV: Giữa thế kỷ XVIII đầu thế kỷ XIX
- Giai đoạn V: Đầu thế kỷ XIX – 1858)
(In lần thứ năm)
(Sách dùng trong các trường Đại học và Cao đẳng sư phạm)
Tác giả:
Lê Trí Viễn – Phan Côn – Đặng Thanh Lê
– Phạm Văn Luận – Lê Hoài Nam

THỜI KỲ THỨ NHẤT

Giai đoạn 4. VĂN HỌC VIỆT NAM TỪ GIỮA THẾ KỶ XVIII ĐẾN ĐẦU
THẾ KỶ XIX
Chương 1. VĂN HỌC VIỆT NAM NỬA CUỐI THẾ KỶ XVIII, THẾ KỶ
NÔNG DÂN KHỞI NGHĨA VÀ GIAI ĐOẠN VĂN HỌC CỔ ĐIỂN
VIỆT NAM
A. BỐI CẢNH LỊCH SỬ
I. CHIẾC NGAI VÀNG MỤC RUỖNG VÀ SẤM SÉT CỦA PHONG TRÀO
NÔNG DÂN KHỞI NGHĨA
Cuộc khủng hoảng của chế độ phong kiến Việt Nam bắt đầu từ thế kỷ
thứ XVI đến thế kỷ XVIII đã bước sang giai đoạn trầm trọng cùng cực, chuẩn
bị cho sự sụp đổ ở thế kỷ thứ XIX. Cuộc khủng hoảng trầm trọng biểu hiện ở
bộ mặt thối nát suy tàn trong toàn bộ cơ cấu xã hội phong kiến và ở sức trỗi
dậy với một khí thế chưa từng có trong phong trào nông dân khởi nghĩa.
1. Bộ mặt giai cấp phong kiến Việt Nam thế kỷ thứ XVIII.



Chưa bao giờ, chế độ phong kiến Việt Nam, giai cấp phong kiến Việt
Nam lại bộc lộ bản chất tiêu cực, phản động của nó một cách trắng trợn, lộ
liễu và toàn diện như lúc này. Không những bất lực, nó còn đi vào con đường
phản động trên mọi vấn đề kinh tế, chính trị, ngoại giao… đặt ra trước mắt.
Trong lĩnh vực kinh tế, nền nông nghiệp lạc hậu càng bị đình trệ trầm
trọng và nền sản xuất hàng hóa vốn đã nảy nở từ trước đến nay cũng bị kìm
hãm vì tình trạng chiến tranh liên miên, vì hoàn cảnh chia cắt Bắc Nam, và vì
những chính sách kìm hãm công nghiệp, thương nghiệp của giai cấp thống
trị. Sử sách phong kiến đã xác nhận khá rõ rệt tình hình đó:
“Những dân phiêu lưu, ruộng đất phải bỏ hoang phần nhiều bị bọn thế
gia và các làng lận cận chiếm cày, lập văn khế giả để làm bằng cử. Thậm chí
có khi ruộng đã cày cấy hết mà vẫn khai là hoang phế. Dân lưu vong muốn
trở về cũng không có ruộng cày cấy, mà kiện cáo thì khổ nỗi không đủ sức”.
(Ngô Thời Sĩ - Ngô gia văn phái)
“… Vào khoảng năm Giáp thìn (1724) xét biên, trong dân gian, ai có
nghề nghiệp gì là chiếu bổ thuế thổ sản. Vì sự trưng thu quá mức, vật lực kiệt
không thể nộp nổi đến nỗi người ta thành ra bần cùng mà phải bỏ nghề
nghiệp. Có người vì thuế sơn sống mà phải chặt cây sơn, có người vì thuế vải
lụa mà phải phá khung cửi. Cũng có kẻ vì nộp gỗ cây mà bỏ rìu, búa, vì phải
bắt cá tôm mà xé lưới chài, vì phải nộp mật mía mà không trồng mía nữa, vì
phải nộp bông chè mà bỏ hoang vườn. Làng xóm náo động…”.
Trên lĩnh vực chính trị, ngoại giao, giai cấp phong kiến lại càng trở nên
phản động. Thời đại của những anh hùng dân tộc như Trần Hưng Đạo, Lê
Lợi… đã qua rồi. Ở đây sẽ xuất hiện Lê Chiêu Thống (1787-1789) “cõng rắn
cắn gà nhà” mở đường cho Nguyễn Ánh ở đầu thế kỷ XIX. Chưa bao giờ bọn
cầm quyền phong kiến lại vô sĩ như thời kỳ này. Hoàng Lê nhất thống chí nói
về mối quan hệ giữa Lê Chiêu Thống và tướng nhà Thanh là Tôn Sĩ Nghị như
sau: “Tuy là hoàng thượng được phong vương nhưng giấy má đưa đi các nơi
vẫn viết niên hiệu Càn Long, vì Nghị còn ở đấy nên không dám dùng niên
hiệu Chiêu Thống”.



“Ngày ngày tan buổi chầu, ngài tự đến dinh Nghị chờ nghe việc quân
quốc… Nghị cũng ngông nghênh tự đắc, hoàng thượng đến dinh có khi Nghị
không buồn tiếp, chỉ cho người đứng trên linh các truyền rằng: “Nay không có
việc quân quốc, hãy về cung nghỉ”.
Trong sinh hoạt đạo đức, đây là lúc xuất hiện những bạo chúa khét
tiếng tàn ác, dâm ô, lộng quyền như Trịnh Giang (1728 - 1740), Trịnh Sâm
(1767 - 1782), những quyền thần chuyên vơ vét của dân như Trương Phúc
Loan ở Đàng trong, những hoàng thân quý thích đáng ghê sợ như Đặng Mậu
Lân ở Đàng ngoài. Tất cả đều được lưu danh sử sách không phải vì đức lớn
hay công to, mà chính là vì những hành động xấu sa, tàn ác…
Nổi bật nhất là một tình trạng rối ren hỗn loạn về chính trị nảy sinh trên
cơ sở đấu tranh giai cấp quyết liệt và tình trạng phân liệt dữ dội trong hàng
ngữ nội bộ giai cấp phong kiến. Chung quanh chiếc ngai vàng là cả một mớ
bòng bong của những tập đoàn, bè phái như Trịnh Nguyễn, Lê Trịnh, … tranh
chấp, chém giết lẫn nhau để giành cái cương vị bá chủ thiên hạ. Tình trạng
chúa Nguyễn Đàng trong, chúa Trịnh Đàng ngoài, vua Lê chúa Trịnh, cung
vua, phủ chúa tồn tại song song rõ ràng là một thực trạng trái ngược hẳn lại
nguyên tắc tổ chức của chế độ phong kiến tập quyền, nhưng thực trạng ấy đã
tồn tại 200 năm bắt đầu từ cuộc Lê Mạc phân tranh ở thế kỷ thứ XVI. Ở đây
không chỉ là sự bất lực của một tập đoàn phong kiến họ Lê như lời Alécdăng
đờ Rốt: “… cái xứ này thực là một nước quân chủ thực sự, hơn nữa lại có hai
vua nhưng một gọi là vua thì chỉ có tên mà thôi. Còn ông chúa kia thì có đủ
quyền hành. Vua chỉ ra mẳt vào những ngày nhất định, như những ngày đại
lễ đầu năm. Ngoài ra nhà vua chỉ du dú trong một ngôi điện cổ kính, kéo dài
cuộc đời nhàn tản vô vị, trong khi ông chúa coi sóc tất cả công việc chiến
tranh và hòa bình”. Sự việc đó còn chứng tỏ họ Trịnh cũng không có khả năng
độc quyền thống trị vì khác với thời kỳ phong kiến đang lên thường có sự
hưng thịnh của một triều đại mới thay thế một triều đại suy tàn, lúc này họ

Trịnh cũng không có đủ sức mạnh tinh thần (chính nghĩa) để có thể tập họp


quần chúng tạo nên sức mạnh quân sự đặng lật đổ hoàn toàn tập đoàn nhà
Lê.
Tuy nhiên, trận tuyến hàng đầu vẫn là cuộc đấu tranh giữa những
người nông dân chống lại giai cấp phong kiến với một khí thế quyết liệt chưa
từng có trong lịch sử chế độ phong kiến Việt Nam.
2. Thế kỷ nông dân khởi nghĩa, cuộc khởi nghĩa Tây sơn với chiến
công quét sạch một lúc ba tập đoàn phong kiến trong nước và cuộc
chiến tranh vệ quốc vĩ đại
Đến thế kỷ thứ XVIII, một phong trào nông dân khởi nghĩa liên tục, phổ
biến và quyết liệt đã bùng nổ trên khắp dải đất Việt Nam. Ở đây tập trung
những cuộc khởi nghĩa lớn mạnh nhất, với những lãnh tụ kiệt xuất một thời đã
làm điêu đứng các tập đoàn phong kiến như cuộc khởi nghĩa Nguyễn Danh
Phương (1740 - 1750), cuộc khởi nghĩa Nguyễn Hữu Cầu (1741 - 1751), cuộc
khởi nghĩa Hoàng Công Chất (1736 - 1769). Ngoài ra lớn nhỏ còn có không
biết bao nhiêu cuộc khởi nghĩa khác. Tất cả khí thế, sức mạnh của thế kỷ
nông dân khởi nghĩa ấy kết tình vào cuộc khởi nghĩa Tây sơn bùng nổ năm
1771, đánh dấu vẻ vang bằng những chiến thắng của lãnh tụ áo vải Nguyễn
Huệ, mở đầu cho triều đại Tây sơn. Đây là một cuộc nông dân khởi nghĩa có
tính chất quy mô toàn quốc đập tan một lúc ba tập đoàn phong kiến trong
nước. Chiến thắng đó còn gắn liền với cuộc chiến tranh vệ quốc oanh liệt phá
tan 20 vạn quân xâm lược nhà Thanh năm 1789. Tất nhiên, phong trào Tây
sơn rút cục cũng chỉ có thể thành lập một triều đại hoàng đế mới, nhưng đây
là lần đầu tiên trong lịch sử, chí khí quật khởi và tinh thần đoàn kết của lực
lượng quần chúng đã được biểu hiện hết sức đẹp đẽ, khá trọn vẹn trong sức
mạnh chiến đấu chống giai cấp phong kiến gắn liền với việc thực hiện sứ
mệnh lịch sử bảo vệ đất nước chống ngoại xâm, đem lại sự thất bại khá nhục
nhã cho tập đoàn phong kiến bán nước và bọn can thiệp nước ngoài. “Lê

Chiêu Thống chạy đến cửa ải, Nghị cũng ở đó. Vua vào ra mắt Nghị. Các
quan lục tục kéo đến, ai nấy trông nhau, nước mắt chứa chan. Sĩ Nghị cũng
phải xấu hổ”.


3. Bên cạnh lực lượng nông dân, sự hình thành và phát triển của tầng
lớp thị dân, thợ thủ công và thương nhân đông đảo tập trung đô thị cũng là
một hiện tượng đáng lưu ý. Lớp người này, do sinh hoạt kinh tế của họ, đã ly
khai phần nào với quan hệ sản xuất phong kiến. Cuộc sống của họ là cuộc
sống đi đây đi đó, tiếp xúc nhiều kể cả người ngoại quốc nên tương đối tự do
phóng túng hơn cuộc sống người nông dân bị trói buộc vào mảnh ruộng lĩnh
canh hay cuộc sống của nho sĩ cột chặt vào trăm nghìn tín điều cứng nhắc.
Mặt khác, do cũng có mâu thuẫn với giai cấp phong kiến trên lĩnh vực kinh tế
nên đã có nhiều người trong họ đứng vào hàng ngũ các cuộc khởi nghĩa nông
dân.
Sau những biến động liên miên, xã hội Việt Nam rút cục vẫn loanh
quanh trong “đêm trường trung cổ”, nhưng với thế kỷ XVIII, quần chúng lao
động Việt Nam đã viết nên những trang sử oanh liệt trên nhiều phương diện
và cuộc sống, tư tưởng con người đã có những biến chuyển, những đảo lộn
khá mạnh mẽ vì đây là một thời kỳ đau thương nhưng quật khởi, có bi kịch
nhưng có anh hùng ca.
II. “NHỮNG CUỘC BỂ DÂU” VỚI SỰ PHÁ SẢN CỦA Ý THỨC HỆ PHONG
KIẾN VÀ SỰ TRỔI DẬY CỦA TRAO LƯU TƯ TƯỞNG NHÂN ĐẠO CHỦ
NGHĨA
Những biến cố lịch sử kinh thiên động địa đối với quan niệm phong kiến
(chúa Trịnh lộng quyền, Tây sơn chiến thắng, vua Lê thất bại v.v...) ấy đã làm
rung chuyển đảo lộn cả một nền nếp tư tưởng ao tù nước đọng phong kiến. Ý
thức hệ phong kiến vẫn ở địa vị chính thống, nhưng như Mác đã vạch ra trong
Hệ tư tưởng Đức: “Không phải ý thức quyết định đời sống mà chính là đời
sống quyết định ý thức”. Với thế kỷ XVIII, ý thức hệ chính thống đang đi vào

con đường khủng hoảng và bên cạnh đó, đã hình thành một trào lưu tư tưởng
chứa chan yếu tố nhân đạo chủ nghĩa đẹp đẽ.
1. Sự phá sản của ý thức hệ phong kiến
Cùng với sự khủng hoảng của toàn bộ cơ cấu xã hội phong kiến, nho
giáo, rường cột tinh thần của chế độ ấy, cũng bị phá sản nghiêm trọng. Sự


phá sản ấy chủ yếu nảy nở từ sức công phá của trào lưu tư tưởng xuất hiện
trong phong trào quần chúng đấu tranh muốn vạch ra một lối đi sáng tươi
hạnh phúc, từ thái độ quay về tìm nguồn an ủi trong tư tưởng “cứu độ chúng
sinh” nhân từ của đạo Phật, trong tâm hồn phiêu diêu thanh thoát của Lão
Trang, hay trong ảo tưởng duy tâm mê tín của Đạo giáo… Và Thiên Chúa
giáo được truyền sang từ những thế kỷ trước đến nay cũng có cơ hội xúc
phạm nghiêm trọng hơn đến địa vị độc tôn của Nho giáo… Điều đáng lưu ý ở
đây là sự phá sản ấy nảy nở ngay từ hàng ngũ những con người thuộc giai
cấp đã khai sinh và nuôi dưỡng nó.
Bao nhiêu tín điều, nguyên tắc, bao nhiêu “Tử viết”, “Thư văn”… đều bị
vi phạm trắng trợn, mạnh mẽ, và trước hết từ trong cung vua, phủ chúa nơi
ngự trị những khuôn vàng thước ngọc của chính quyền phong kiến… Những
“quân thần”, “phụ tử”, “phu phụ”, “bằng hữu”, “huynh đệ”… tóm lại là “tam
cương, ngũ thường” của Nho giáo đều bị sụp đổ một cách thảm hại. Những
yếu tố tiến bộ ít nhiều khả thủ của hệ tư tưởng Nho giáo bị tiêu tan, những lớp
son giả tạo bề ngoài cũng rơi rụng… và còn lại chỉ là những tôi giết vua, con
hại cha, em phản anh… vì một chiếc ngai vàng, một tước công hầu hay thậm
chí một hòm châu báu… Khi Vũ Văn Nhậm ra Bắc năm 1789, Lê Chiêu Thống
bỏ chạy qua sông Như Nguyệt, vua phải nhờ trấn thủ Nguyễn Cảnh Thước
cho đò chở qua và phải để cho Cảnh Thước mở hòm lấy 40 lạng vàng còn lại
của vua. Khỏi bến, Cảnh Thước lại cho người đuổi theo “lột chiếc ngự bào
vua đang mặc, vua ứa nước mắt cởi chiếc ngự bào trao cho chúng…” (Hoàng
Lê nhất thống chí).

Lý tưởng tôn quân, nguyên tắc hàng đầu của đạo đức giáo lý phong
kiến còn bị xúc phạm đến như vậy, nói gì đến hiếu, đến tiết, đến nghĩa…
Phạm Đình Hỗ nói “Đời suy thói tệ”, “thế đạo ngày một sút kém”, “danh phận
lung tung” không ai còn biết đâu mà phân biệt thuận với nghịch nữa”.
Bao nhiêu rường mối kỷ cương mà những ông vua sáng nghiệp triều Lê
ra công xây dựng trong hơn 300 năm đến nay cơ hồ bị đe dọa tiêu vong. Bao


nhiêu mũ cao áo dài nơi lầu son gác tía hầu như không còn được một bộ mặt
đạo đức nào ngoài một người phụ nữ tiết liệt họ Phan:
… Khả liên tam bách dư niên quốc
Thiên lý dân di nhất phụ nhân
… Đáng thương đất nước ba trăm lẻ
Đạo nghĩa thu về một nữ nhân
Qua lời khái quát ấy, Nguyễn Hành cuối thế kỷ thứ XVIII, đã phải kêu
lên là “nhục quốc thể”!
Trên thực trạng suy đồi của luân lý đạo đức ấy đã nảy sinh một hiện
tượng khá đặc biệt trong tầng lớp nho sĩ phong kiến: sự khủng hoảng về lý
tưởng. Giáo lý phong kiến đã vạch con đường đi khá rõ ràng cho thanh niên
quý tộc: con đường “tu tề trị bình” để thực hiện mục đích “thượng trí quân, hạ
trạch dân”. Trong những thời kỳ đang lên của chế độ phong kiến như Lý,
Trần, Lê sơ, con đường ấy đã góp phần tạo ra một chủ nghĩa anh hùng
phong kiến ít nhiều có yếu tố tiến bộ và lôi cuốn được những chàng trai có chí
khí phò vua, giúp nước, lập công danh… Nhưng thời đại hoàng kim đã thuộc
về dĩ vãng. Đến thế kỷ thứ XVIII, trừ một vài nhân vật “cuồng tín” lỗi thời kiểu
Lý Trần Quán, còn hầu hết các nho sĩ quý tộc có tài năng, đạo đức chân
chính đều mang một tâm trạng bế tắc, đều nói lên một sự khủng hoảng về
đường đi:
Tráng sĩ bạch đầu bi hướng thiên
Hùng tâm sinh kế lưỡng mang nhiên

Xuân lan thu cúc thành hư sự
Hạ thử đông hàn đoạt thiếu niên
(Nguyễn Du tạp thi)
(Tráng sĩ đầu bạc đau xót ngẩng nhìn trời,
Hoài bão cao xa và sinh kế đều cùng mờ mịt


(Cái thú) lan mùa xuân, cúc mùa thu thành chuyện hão,
Mùa đông giá lạnh, mùa hè oi bức, lần lữa làm tiêu ma (chí khí) tuổi
trẻ).
… Tìm đường về Hán chưa xong
Sang Tần thì việc đã không nên rồi
Bể hồ trôi giạt đôi nơi,
Cho người tráng chí ra người cuồng ngông.
(Lê Hữu Trác)
Không còn minh quân để tôn thờ, có những danh sĩ như Nguyễn Thiếp
(1723 - 1804), Lê Hữu Trác (1724 - 1791) đã đi vào con đường xa lánh công
danh phú quý mặc dầu họ đều là dòng dõi trâm anh thế phiệt, có thể nói thái
độ xa lánh công danh phú quý là một tâm trạng khá phổ biến của nho sĩ
đương thời, vì ngoài lý do trên, có những kẻ tuy không có lý tưởng gì cao đẹp
nhưng cũng trốn tránh công danh vì họ đã nhận thấy bão táp của thời đại
khiến cho địa vị công hầu cũng thường bị ngã nghiêng. Chính vì thế cũng cần
có sự phân biệt giữa tíai độ của Lê Hữu Trác, Nguyễn Du, Nguyễn Thiếp…
nói trên với tâm trạng chán chường công danh phú quý của Nguyễn Gia
Thiều:
Mùi phú quý dử làng xa mã
Bả vinh hoa lừa gã công khanh
Giấc nam kha khéo bất tình
Bừng con mắt dậy thấy mình tay không!
(Cung oán ngâm khúc)

tuy rằng đứng về một phương diện nào mà nói thì những thái độ phủ định
công danh phú quý đều ít nhiều có ý nghĩa tố cáo sự khủng hoảng của ý thức
hệ nho giáo.


Tóm lại có thể nói những tín điều thiêng liêng của Nho giáo đến nay đã
bị chà đạp, coi khinh… Điều đó có mặt nói lên tâm trạng bế tắc bi quan của
nho sĩ phong kiến, có điều trước kia, người ta sẽ quay về với con đường ở ẩn
“độc thiện kỳ thân” để ít nhất giữ gìn được cái tôi trong sạch trong khi “đời
đục”, bạn bầu với gió trăng mây nước, thì ở thời đại này, có những lúc, có
những con người đã đi vào những con đường tưởng như xa lạ (đối với lý
tưởng nhà nho) nhưng thực chất là những con đường đầy ý vị nhân văn và
tinh thần dân tộc tiếp thu luồng tư tưởng của phong trào quần chúng.
2. Sự nảy nở của trào lưu tư tưởng nhân đạo chủ nghĩa và tác
động của nó đối với nho sĩ tiến bộ
Những cuộc nông dân khởi nghĩa liên tiếp bùng nổ chính là sự thể hiện
của tâm trạng bất mãn phẫn nộ đối với hiện thực đen tối, với giai cấp thống
trị, của ước mơ được sống một cuộc đời hạnh phúc tự do hơn. Mặc dầu năm
1751, tập đoàn Lê Trịnh cho diễn ra quốc âm 47 điều giáo hóa của Trịnh Tạc
(1657 1682) trong đó có điều “Làm bày tôi phải hết lòng trung với vua” để cứ
ngày đầu năm và ngày xã điền đem giáo điều đọc cho dân nghe…” “… nhưng
nhân dân có ý lơ là, coi như việc không đáng để ý đến”.
Vấn đề cần nghiên cứu ở đây là tư tưởng, tinh thần ấy đã tác động đến
nho sĩ phong kiến như thế nào. Có thể nói rằng trong thế giới quan của họ đã
có những lay chuyển khá quan trọng. Trái với nguyên tắc tối cao “trung thần
bất sự nhị quân” (tôi trung không thờ hai chúa), đã có những người trong
hàng ngũ phong kiến đi về với triều đại của Quang Trung. Tất nhiên, cũng
không ít kẻ vì cầu an bảo mạng, hoặc ham danh vụ lợi, có mặt trong cả ba
triều: Lê, Tây sơn, Nguyễn, khiến có người đã phải làm thơ chê giễu, như
trường hợp Bùi Dương Lịch:

… Cảnh Hưng cử tiến sĩ
Tây ngụy nhập Hàn lâm
Bản triều vi dốc học
Dữ thế cộng phù trầm.


… Đời Cảnh Hưng được lấy đỗ tiến sĩ
Triều giặc Tây sơn vào làm ở Hàn lâm
Đến triều ta (triều Nguyễn) làm đốc học
(Ông ta) thật đúng là cùng đời chìm nổi.
Nhưng chắc chắn rằng cũng phải có những người đi theo Quang Trung
vì đã phần nào nhận thức được chính nghĩa của triều đại mới nhất là ở
phương diện bảo vệ độc lập dân tộc. Những nhân cách cứng cỏi như La Sơn
phu tử Nguyễn Thiếp, những tài năng như Phan Huy Ích, Ngô Thời Nhiệm,
Nguyễn Huy Lượng không thể là những con người chỉ hành động vì một chữ
“tùy thời” tầm thường. Hoàng Lê nhất thống chí và Việt sử thông giám cương
mục “điểm diện” những người không ra làm với vua Quang Trung vỏn vẹn chỉ
còn 7, 8 người!
Bên cạnh thái độ chính trị ấy là khuynh hướng yêu cầu phát triển của
cuộc sống cá nhân, ở đây trong những yêu cầu phát triển ấy nổi bật lên là
khao khát giải phóng đời sống tình cảm. Tình yêu trai gái không phải chỉ đến
thời đại này mới nảy nở, nhưng chỉ đến thời đại này mới có những biểu hiện
mới và mới tiến đến một mức độ sâu sắc mới. Nhà nho Nguyễn Huy Tự khi
về già đã từng dặn con cái trong lời di chúc: “Xưa ta đã đọc lầm, loại sách ấy
có thể di hoạn tính tình, mày cùng con cháu thì chớ nên, chớ nên…”. “Loại
sách ấy” tức là loại tiểu thuyết ái tình. Có lẽ đấy là lời “phản tỉnh” của một môn
đệ thánh hiền nhưng rồi con cháu các danh gia quý tộc như Phạm Thái,
Trương Quỳnh Như vẫn chuyền nhau đọc quyển Phan Trần như thường!
Yêu cầu giải phóng đời sống bản năng cũng là một hiện tượng phổ
biến. Nhà nho Phạm Đình Hổ trong Vũ trung tùy bút đã lên án nghiêm khắc

cái cảnh “trên Bộc trong dâu”. Điều đó có ý nghĩa. Có thể những sự việc gọi là
“trên Bộc trong dâu” đã xảy ra khá nhiều ở thời ấy. Nhưng điều quan trọng
hơn là nhân dân đã nhìn việc này một cách khác. Trong hoàn cảnh xã hội
phong kiến, tiếng nói của bản năng kia vẫn có giá trị chống đối lại những quan
niệm đạo đức của giai cấp thống trị đè nén, tỏa chiết hạnh phúc con người.


Tiếng nói ấy cũng chỉ có thể phát triển mạnh trong hoàn cảnh suy tàn của giai
cấp phong kiến. Vì thế không lấy gì làm lạ khi thấy cùng một thời đại, đã đồng
thời xuất hiện những câu thơ trắng trợn của Chiêu Hổ (?), táo bạo của Hồ
Xuân Hương và cả những câu thơ đầy khao khát của Phạm Tải Ngọc Hoa
cũng có thể thuộc giai đoạn này:
Có đêm giấc quế hồn mai
Thấy chàng quân tử xa chơi động đào
Càng trông càng lắm chiêm bao
Rõ ràng quân tử đã vào phòng hương.
Vào cuối thế kỷ thứ XVIII, ý thức chống đối, đòi hỏi của nhân dân đã
mạnh mẽ hơn trước vì đây là lúc những mâu thuẫn chính của xã hội phong
kiến bộc lộ một cách rõ ràng, những vấn đề của cuộc sống đặt ra buộc tư
tưởng con người phải có một chiều hướng nào đấy. Ta không loại bỏ yếu tố
tư tưởng thống trị vẫn còn ảnh hưởng không nhỏ trong xã hội, nhưng luồng tư
tưởng chống đối, đòi hỏi nói trên là một thực tế quan trọng của thời đại. Căn
cứ vào diễn biến của tình hình chính trị, căn cứ vào những sử liệu và qua các
tác phẩm văn học, có thể nói những ý thức tư tưởng trên đã cuộn lên thành
một cái gì như là một tư trào, có ảnh hưởng đến nho sĩ quý tộc.
Luồng tư tưởng ẩy có những yếu tố tiến bộ hết sức đẹp đẽ vì nó dựa
trên tinh thần nhân đạo chủ nghĩa của quần chúng để đòi hỏi những quyền lợi
chính đáng của con người và chống lại những thế lực nào chà đạp lên quyền
lợi ấy. Tất nhiên, nó chưa toàn diện, hệ thống, tự giác, và có tổ chức như tư
tưởng của giai cấp tư sản, và nhất là như hệ thống tư tưởng của giai cấp vô

sản dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhưng nó có giá trị chống lại một giai cấp
thống trị đã đi vào mạt vận. Nó đã có tác dụng đối với lịch sử và đặc biệt là
đối với sự phát triển của văn học bấy giờ.
Luồng tư tưởng đó là của lớp người nào trong xã hội? Vấn đề này
không giản đơn. Phải có một sự nghiên cứu dày công và sự đóng góp của
nhiều ngành khoa học mới có thể giải quyết thỏa đáng. Ở đây, chúng tôi xin


đưa ra một vài ý kiến. Tất nhiên luồng tư tưởng ấy không thể là của giai cấp
phong kiến thống trị mà phải nảy nở từ quần chúng bị áp bức và là kết quả
hòa hợp của tư tưởng nhiều tầng lớp. Xét hoàn cảnh lịch sử xã hội Việt Nam
lúc này, có thể nói yếu tố tư tuỏng của nông dân là chủ yếu, có tính cách
quyết định. Lực lượng thị dân lúc này chưa phải là lực lượng lớn mạnh. Trong
khi đó, giai cấp nông dân Việt Nam, cho đến nửa cuối thế kỷ thứ XVIII, đã có
một quá trình lao động, chiến đấu lâu dài. Trên đồng ruộng và trên những
chiến trường chống giai cấp thống trị trong và ngoài nước, tư tưởng, tình cảm
của họ đã được rèn giũa qua bao cuộc đời, bao thế hệ, bao sự kiện. Lê-nin
khi phân tích văn hóa dân tộc thời quá khứ có câu: “Trong mỗi dân tộc có khối
quần chúng lao động và bị bóc lột, và điều kiện sinh sống của họ làm nảy sinh
ra một hệ thống tư tưởng dân chủ và xã hội chủ nghĩa”. Áp dụng một chừng
mực nào đó câu nói trên vào thực trạng xã hội Việt Nam nửa cuối thế kỷ thứ
XVIII, ta có thể nói trào lưu tư tưởng tiến bộ nói trên chủ yếu là của giai cấp
nông dân, có sự kết hợp với tư tưởng của tầng lớp thị dân và cả những tư
tưởng tiến bộ xuất phát từ những yếu tố tích cực trong Nho giáo của các nho
sĩ phong kiến. Trong một thời đại có nhiều biến cố quan trọng như thời đại
bấy giờ, sự giao lưu về mọi mặt của các tầng lớp trở nên rộng rãi, hiện tượng
ảnh hưởng qua lại giữa hệ tư tưởng của mọi giai cấp lấy những tư tưởng tiến
bộ của nông dân làm trung tâm như vậy là một điều có thể hiểu được.
III. TÌNH HÌNH VĂN HÓA
Trong tình hình xã hội suy đốn như trên mà nói sinh hoạt văn hóa phát

triển thì hình như có mâu thuẫn, nhưng đó là sự thật. Tất nhiên cũng phải
đứng trên quan điểm nào mà nhận định.
Sự thật thì những điều kiện vật chất cần thiết cho sự nảy nở của các
ngành văn nghệ, học thuật ở giai đoạn này cũng chưa có gì gọi là hơn hẳn
các giai đoạn trước. Nghề in phát đạt chút ít nhờ việc chúa Trịnh cấm nhập
các sách học Trung quốc để dùng sách in trong nước, nhưng cũng chưa hề
chuyển sang phương pháp dùng chữ rời, và việc xuất bản sách không hề trở
thành một công việc dễ dàng mà mọi tác giả muốn in sách có thể làm được


với túi tiền thường mong manh của mình. Phương tiện lưu thông cũng không
phải là thuận tiện. Sách vẫn phải chép tay chuyền cho nhau là một việc phổ
biến. Chưa tác giả nào nghĩ đến tiền nhuận bút chứ đừng nói đến sinh sống
bằng nghề viết văn. Tuy nhiên, thói quen đẻ ra từ lối học cử tử là họp nhau lại
ngâm vịnh và xướng họa. Cho nên nhiều văn đàn thi xã vẫn có những sinh
hoạt văn học nghệ thuật. Xướng họa, bình thơ, có cô đào đàn hát ngâm thơ là
hình thức hội họp của các tổ chức ấy. Một số văn thi xã như vậy còn để tiếng
về sau. Đây không nói đến sinh hoạt văn nghệ trong nhân dân mà đời nào
cũng có những hình thức phong phú.
Nối liền văn học với nghệ thuật một cách găn gũi nhất là lối hát ả đào,
hình thức nghệ thuật này bắt đầu thịnh hành từ giai đoạn lịch sử này.
Âm nhạc Đàng ngoài, Đàng trong đều nổi tiếng. Ca nhạc ở Bắc, ca Huế
ở Nam, không chỉ là món tiêu khiển của cung đình, liêu thất mà còn trở thành
nhu cầu thưởng thức của nhân dân. Nhạc công ca kỹ chuyên về âm nhạc.
Nhiều nhà trí thức sành nghề thẩm âm cũng tham gia soạn khúc. Do yêu cầu
xây dựng, các ngành điêu khắc, kiến trúc cũng phát triển, một số chùa có
cách kiến trúc mỹ lệ và có những công trình điêu khắc tài tình xây dựng từ
thời này vẫn còn là niềm tự hào của dân tộc ta ngày nay. Nghệ thuật sân
khấu như chèo ở Đàng ngoài, tuồng ở Đàng trong lại càng làm rõ thêm trình
độ của các ngành văn nghệ phục vụ cho những nghệ thuật tổng hợp đó. Cả

hai hình thức sân khấu đều được mọi tầng lớp trong xã hội ham thích. Tình
hình trên đây không thể nào không có ảnh hưởng đến văn học.
Bên cạnh các ngành nghệ thuật, các ngành học thuật cũng có những
bước tiến đáng kể. Không kể những chủ trương về giáo dục, về dịch thuật, về
văn hóa nói chung đã đề ra dưới thời Tây Sơn nhưng rồi không đưa đến
thành tựu gì to lớn, các ngành nghiên cứu văn học, lịch sử, đia lý, xã hội học,
y học… đều có những đại biểu xứng đáng. Lê Quý Đôn (1726 - 1784) là một
nhà thơ đồng thời là một nhà nghiên cứu phê hình văn học, một nhà nghiên
cứu lịch sử, địa lý. Y dược học có bộ Lãn Ông y tập của Lê Hữu Trác gồm
một trăm quyển là một pho sách thuốc hết sức quý giá. Về khoa học tự nhiên,


ngoài y dược học thì chưa rõ gì thêm, nhưng sự có mặt của những công trình
kiến trúc ưu tú, những sự việc như cách ướp xác người ở các ngôi mộ đời Lê
đã phát hiện, những điều như vậy đòi hỏi phải tìm hiểu thêm nữa.
Điều đáng quý là nền văn hóa giai đoạn này không những tỏ ra rực rỡ ở
nhiều mặt mà còn biểu thị một tinh thần nhất trí đáng lấy làm tự hào.
Văn hóa giai đoạn này biểu hiện một trình độ nhất định của tinh thần
khoa học, tinh thần duy lý. Trong kiến trúc và điêu khắc giai đoạn này “tính
chất chế hóa và khuynh hướng kỷ hà học đã đạt đến trình độ cao”. Trong lãnh
vực học thuật thì có những biểu hiện rõ hơn. Các tác phẩm nghiên cứu khoa
học đều thể hiện sự quan tâm rõ rệt đến tính chính xác, chứng tỏ một tình
thần phê phán khá mạnh dạn. Việt sử tiêu án của Ngô Thì Sĩ là một tác phẩm
khảo sát và phê bình các bản sử cũ rất có giá tri. Điều đặc sắc ở Lê Quý Đôn
là tinh thần phán đoán, tinh thần trọng thực tiễn và phương pháp suy luận khá
chặt chẽ. Trong văn học, nội dung hiện thực của các tác phẩm giai đoạn này
cũng chứng tỏ các tác giả đã đi sâu vào việc quan sát và nhận xét thực tế
cuộc sống. Trong nghệ thuật viết truyện tuy chưa có lý luận sáng tác, có tác
giả như Nguyễn Du đã có một cách bố cục, kết cấu chặt chẽ, trong đó sự
phân lượng có tính chất khoa học đã kết hợp một cách tài tình với cảm hứng

nghệ thuật.
Điểm nổi bật nhất trong lĩnh vực văn hóa là một tinh thần dân tộc sâu
sắc biểu hiện ở thái độ nhìn nhận, đánh giá lịch sử dân tộc, văn hóa dân tộc.
Tinh thần dân tộc biểu hiện ở nguyện vọng muốn “dựng lên một lá cờ
cho y giới nước nhà” (Lê Hữu Trác); ở một “nền nghệ thuật rực rỡ mang
nhiều yếu tố nhân dân ấy, đến cuối thế kỷ thứ XVIII lại nảy nở thành một số
công trình kỳ diệu để rồi sang các đời vua đầu triều Nguyễn lại bị bóp nghẹt”.
Tất nhiên, tinh thần dân tộc ấy đã được xây dựng hình thành trải qua
một trường kỳ lịch sử nhưng chỉ đến giai đoạn này mới trở thành một truyền
thống rõ rệt, sâu sắc, sinh động, nhất trí, kết tinh vào hình ảnh những vị La
Hán chùa Tây phương từ pho tượng Tuyết sơn trầm tư mặc tưởng gày gò
đau khổ đến pho tượng Phật đà nan đề vui vẻ khể khà thông minh linh hoạt


gợi lên phong thái của những ông già Việt Nam sau lũy tre xanh xa xưa; kết
tinh vào thành tựu đặc sắc của Hoàng Lê nhất thống chí, bộ tiểu thuyết lịch sử
bằng văn xuôi đầu tiên; kết tinh vào thể song thất lục bát giàu sức biểu hiện
trữ tình, vào kiệt tác lục bát Truyện Kiều… tóm lại là cả một khuynh hướng
tìm về dân tộc biểu hiện trong hầu hết các lĩnh vực sinh hoạt văn hóa, nghệ
thuật, văn học.

B. TÌNH HÌNH VĂN HỌC
Đây là giai đoạn rực rỡ nhất trong văn học dân tộc dưới chế độ phong
kiến. Những đặc điểm về kinh tế, chính trị, xã hội nêu lên ở trên chính là
nguồn gốc sâu xa quyết định sự phát triển của nền văn học Việt Nam thế kỷ
thứ XVIII. Nhưng trực tiếp tác động đến văn học chính là trạng thái tư tưởng
rất đặc biệt của thế kỷ XVIII là đời sống văn hóa chứa đựng tính dân tộc sâu
sắc và ít nhiều mầm mống của tính duy lý khoa học.
Đứng về phạm vi văn học sử mà xét, văn học nửa cuối thế kỷ XVIII đã
thừa hưởng một di sản văn học quý báu của những thế kỷ trước.

Chúng tôi đã từng nói đến dòng văn học dân gian rất lành mạnh với nội
dung chiến đấu, nội dung trữ tình tiến bộ, với những phong cách biểu hiện
phong phú, sinh động mà thời đại này sẽ kế thừa một cách xứng đáng. Mặt
khác, văn học của bộ phận nho sĩ (kể cả nôm lẫn Hán) trong các thời đại
trước cũng đã để lại nhiều yếu tố tiến bộ. Tinh thần dân tộc trong thơ văn yêu
nước đời Trần, đời Lê, tinh thần nhân đạo trong Lâm tuyền kỳ ngộ, “Hương
miết hành”… cái nhìn phê phán trong văn thơ Nguyễn Trãi, Nguyễn Bỉnh
Khiêm, Nguyễn Dữ đều là những yếu tố ưu tú của văn học dân tộc. Hoặc
đứng về mặt hình thức mà nói, Nguyễn Trãi, Nguyễn Bỉnh Khiêm là người đã
đi trước Nguyễn Du trong cách sử dụng ngôn ngữ văn học dân gian và những
Truyện Vương Tường, Lâm tuyền kỳ ngộ… ở một phương diện nào đều có
thể là tiền thân của loại truyện nôm thế kỷ thứ XVIII. Trong lời nói đầu của bản
phiên âm Thiên nam ngữ lục hai ông Nguyễn Lương Ngọc và Đinh Gia Khánh
có nêu ý kiến: Thiên nam ngữ lục có thể là tác phẩm bắc cầu giữa các tác giả
thế kỷ XVI, XVII với bản dịch Chinh phụ ngâm, tác phẩm có một bước tiến


khá dài về mặt nghệ thuật so với các tác phẩm trước kia. Trong lĩnh vực học
tập văn học Trung quốc, từ cách du nhập chữ Hán, cách Việt hóa hình ảnh,
điển cố của văn học Trung quốc biến thành cách phô diễn Việt Nam, đến cách
vay mượn thể tài, chọn lựa đề tài, những thế kỷ trước vẫn để lại nhiều kinh
nghiệm quý báu. Ngay việc diễn ca hoặc sáng tác dựa vào những tác phẩm
Trung quốc là công việc đặc biệt có ý nghĩa trong giai đoạn này, cũng không
tách rời việc học tập văn học Trung quốc trải qua các thế kỷ và sự trưởng
thành từng bước của văn học tiếng Việt. Chưa có sự nghiên cứu để tìm hiểu
thật rõ cách đem chữ Hán vào thơ Việt Nam từ Nguyễn Trãi đến Đoàn Thị
Điểm có những tiến bộ gì, nhưng điều đó có thể khẳng định được là không có
người đi trước như Nguyễn Trãi thì không làm gì có cách dùng chữ Hán trong
tiếng Việt thuần thục như trong Chinh phụ ngâm.
Như vậy, có thể nói qua quá trình xây dựng một nền văn học dân tộc,

các nhà văn đi trước đã để lại cho thời đại văn học của Đoàn Thị Điểm, của
Hồ Xuân Hương, của Nguyễn Du một vốn liếng đáng kể. Tất nhiên, văn học
nửa cuối thế kỷ thứ XVIII đầu thế kỷ thứ XIX phải có “mồ hôi nước mắt” của
mình mới đặt được những bước tiến mạnh mẽ, nhưng không thể cắt đứt
bước tiến ấy với các thời kỳ trước.
I. CÁC KHUYNH HƯỚNG CHÍNH TRONG VĂN HỌC
Thế kỷ của nông dân khởi nghĩa làm nảy nở hàng loạt tác giả và tác
phẩm. Tuy nhiên, không phải tất cả các tác phẩm, tác giả đều có giá trị cũng
như trong một tác giả, một tác phẩm, mọi khía cạnh đều có giá trị tiến bộ. Có
khi một tác giả lại có nhiều mặt tiêu biểu cho nhiều khuynh hướng khác nhau.
Sự sắp xếp các tác giả, tác phẩm vì thế, là một việc khó khăn. Ở đây tạm
Thời Chía văn học giai đoạn này thành ba khuynh hướng, ba bộ phận chính
và đối với từng tác giả, sẽ căn cứ vào phần căn bản của tác phẩm để sắp
xếp.
1. Khuynh hướng đấu tranh và tố cáo hiện thực
Khuynh hướng này bao gồm bộ phận văn học dân gian, bộ phận truyện
nôm khuyết danh, một số tác phẩm của các phong trào nông dân khởi nghĩa


và của các nho sĩ phong kiến. Nội dung chủ yếu của khuynh hướng văn học
này là tố cáo, phê phán những thực tế đen tối của xã hội và phản ánh những
ước mơ, những yêu cầu giải phóng của con người.
Về văn học dân gian, do nhiều nguyên nhân phức tạp, cho đến nay
cũng chưa sưu tầm được nhiều tác phẩm. Cũng chỉ mới có thể khẳng định sự
xuất hiện của một số tác phẩm cụ thể nào đó như Trạng Quỳnh, Trạng Lợn.
Ngoài ra, chỉ có thể ước đoán, mặc dầu cũng có căn cứ, rằng thời đại này
nhất định phải xuất hiện nhiều ca dao, tục ngữ, nhiều thơ ca quần chúng có
giá trị. Đại bộ phận truyện tiếu lâm cũng có thể thuộc giai đoạn này. Đả kích
vào quan lại, cường hào, sư sãi, thầy đồ…, những kẻ thuộc giai cấp thống trị,
đến mức độ quyết liệt như vậy thì không thể xuất hiện nhiều ở một thời kỳ

phong kiến toàn thịnh được.
Bộ phận truyện nôm khuyết danh là một hiện tượmg văn học đặc biệt.
Sưu tầm được đầy đủ những tác phẩm, giải quyết được một số vấn đề mắc
miu, chúng ta có thể bổ sung thêm nhiều nhận định cho nền văn học dân tộc.
Ở đây, chỉ nói đến các tác phẩm trong phong trào nông dân khởi nghĩa
thế kỷ thứ XVIII và của các tác giả là nho sĩ phong kiến.
Phong trào nông dân khởi nghĩa của thế kỷ thứ XVIII còn để lại một số
thơ ca trong đó có những tác phẩm tuy ngắn nhưng rất có giá trị như bài thơ
“Chim trong lồng” tương truyền là của Nguyễn Hữu Cầu, người đã đương đầu
với chúa Trịnh những mười năm (1741 - 1751). Bài hịch Lê Duy Mật xuất hiện
trong cuộc khởi nghĩa của Lê Duy Mật (1738 - 1770) đã nêu được đời sống
cực khổ của nhân dân dưới ách thống trị của họ Trịnh, tuy nội dung chủ yếu
vẫn là vạch tội lấn át vua Lê của họ Trịnh. Năm 1786, khi tiến công ra Bắc lần
thứ nhất, Nguyễn Huệ có sai làm một bài hịch bằng chữ nôm. Bài hịch Tây
sơn, với lời văn rắn rỏi, mạnh mẽ, đã vạch rõ tội lỗi của tập đoàn họ Trịnh
cũng như bè lũ Trương Phúc Loan và nêu lên sức mạnh của quân đội Tây
sơn.
Sự phân hóa trong tư tưởng tình cảm giai cấp thống trị đã làm cho một
số nho sĩ phong kiến, tuy không đứng hẳn trong phong trào nông dân khởi


nghĩa như những người nói trên, song đã có những cách nhìn nhận các vấn
đề xã hội ít hay nhiều gần gũi với cách nhìn của quần chúng. Đó là thái độ
oán ghét chiến tranh trong Chinh phụ ngâm khúc của Đặng Trần Côn và
Chinh phụ ngâm khúc của Hồng Liệt Bá. Bản dịch Chinh phục ngâm, với
những bước tiến dài về ngôn ngữ nghệ thuật và với sự sáng tạo của người
dịch, đã nâng cao giá trị nội dung của nguyên tác lên rất nhiều. Sau bản dịch
Chinh phụ ngâm là hàng loạt tác phẩm nôm tố cáo tội ác của giai cấp thống trị
và nói lên những ước mơ giải phóng của con người. Nguyễn Gia Thiều nói
lên tiếng nói thông cảm của mình với người cung nữ bị giam cầm nơi cung

cấm trong Cung oán ngâm khúc. Cùng với Nguyễn Gia Thiều, ngoài Ngôn ẩn
thi tập và một số bài phú, bài văn tế, Nguyễn Hữu Chỉnh (? - 1787) có tập
Cung oán thì nay đã thất truyền, Nguyễn Huy Tự (1743 - 1790) đề cao đạo
đức lễ giáo phong kiến trong tác phẩm Hoa tiên nhưng cũng không che giấu
sự lung lay của nó ngay trong hàng ngũ giai cấp phong kiến khi bị sức tấn
công của tình cảm cá nhân, của tình yêu. Phạm Thái (1777 - 1814) viết Sơ
kính tân trang cũng để nói lên nỗi lòng khát khao tình yêu tự do. Cuối cùng,
hai nhà thơ nôm tiêu biểu của khuynh hướng này là Hồ Xuân Hương và
Nguyễn Du. Là một người phụ nữ, Hồ Xuân Hương đã mạnh dạn đả kích vào
những thế lực thống trị: vua chúa, quan lại, nho sĩ, sư sãi… và vũ khí tinh
thần của chúng: đạo đức phong kiến. Nguyễn Du (1765 - 1820) tác giả
Truyện Kiều, thành tựu rực rỡ nhất của văn nôm dân tộc, là người đã tập đại
thành văn học dân tộc và văn học Trung quốc. Ngoài Truyện Kiều là tác phẩm
chính, Nguyễn Du còn viết Văn chiêu hồn và một số thơ văn khác. Về chữ
Hán, Nguyễn Du có Thanh thiên thi tập, Bắc hành tạp lục và Nam trung tạp
ngâm. Văn thơ chữ Hán của Nguyễn Du cũng mang một tư tưởng tính khá
cao. Ngoài phần phản ánh cuộc đời long đong khổ sở của bản thân, Nguyễn
Du còn nói lên kiếp người đau khổ, đặc biệt là cái kiếp của những người trung
nghĩa, những người phụ nữ và những người nghèo đói. Truyền kỳ tân phả,
tác phẩm chữ Hán của Đoàn Thị Điểm, gồm nhiều truyện ngắn có nội dung
trữ tình sâu sắc bên cạnh yếu tố thần linh, duy tâm. Kế đó là những tác phẩm
bộc bạch tâm trạng tác giả và mô tả bộ mặt giai cấp thống trị của một số nho


sĩ, quan lại phong kiến: Thượng kinh ký sự của Lê Hữu Trác (1721 - ?),
Hoàng Lê nhất thống chí của Ngô gia văn phái, Vũ trung tùy bút của Phạm
Đình Hổ (1768 - 1840), Tang thương ngẫu lục của Phạm Đình Hổ và Nguyễn
Án (1770 - 1815), Minh quyên thi phả của Nguyễn Hành (1763 - 1823)…
Về thơ, phú và tạp văn, ngoài Đặng Trần Côn và Hồng Liệt Bá còn có
Ngô Thời Sĩ (1726 - 1780), Phạm Nguyễn Du (1740 - 1786). Đề tài của họ

không còn thuần túy công thức nữa mà đã đi sâu vào cuộc sống tình cảm cá
nhân. Khuê ai lục của Ngô Thời Sĩ và Đoạn trường lục của Phạm Nguyễn Du
là những thí dụ. Nguyễn Thiếp (1723 - 1840) có Hạnh am thi cảo và Ngô Thế
Lân có Phong trúc tập, cả hai tác phẩm đều có giá trị hiện thực phê phán khá
sâu sắc.
2. Khuynh hướng lạc quan của một số nhà nho thời Tây sơn
Triều đại Tây sơn ngắn ngủi. Những năm thực sự tiến bộ của triều đại
ấy lại càng ít. Tuy vậy bao nhiêu chính sách tích cực, nhất là chiến công
chống ngoại xâm oanh liệt có một không hai trong lịch sử của đời Quang
Trung cũng đã đẩy lên được một luồng không khí cởi mở, vui tươi trong đời
sống nhân dân và đời sống dân tộc. Điều đó còn để dấu vết trong văn học. Có
thể kể Ninh Tốn (1744 - ?) tác giả Chuyết sơn thi tập, Vũ Huy Tấn (1749 1800) tác giả Hoa trinh thi tập, Phan Huy Ích (1750 - 1822) tác giả Dụ am
ngâm lục và Dụ am văn tập, Lê Ngọc Hân (?) tác giả bài “Ai tư văn”, Nguyễn
Huy Lượng (?) tác giả Cung oán thi (thất truyền) và Tụng Tây hồ phú, Ngô
Ngọc Du với bài Long thành quang phục kỷ thực. Nếu kể luôn văn học chính
trị thì những văn kiện ngoại giao, nội trị do Ngô Thời Nhiệm viết ra dưới sự chỉ
dẫn của Quang Trung không những có tính chất hùng biện mà còn đại diện
xứng đáng cho tinh thần tự tôn dân tộc cao độ là đặc trưng của đời vua anh
hùng này.
Cũng tạm xếp bên cạnh những người này Lê Quý Đôn (1726 - 1784).
Nhà học giả ấy đồng thời cũng là tác giả các tập Quế Đường thi tập, Quế
Đường văn tập, Liên Châu thi tập. Thơ văn Lê Quý Đôn mang tình cảm trong
sáng của một người yêu thiên nhiên, yêu con người của đất nước.


3. Khuynh hướng bi quan tiêu cực và bảo thủ phản động
Như trên đã nói, các tác giả thuộc tầng lớp nho sĩ phong kiến thời đại
này có rất nhiều mâu thuẫn trong tư tưởng tình cảm. Vì vậy, ở khuynh hướng
này ta đều có thể nhắc đến Nguyễn Du, Phạm Đình Hổ, Nguyễn Án v.v…
Ngoài ra chúng ta có thể nói đến Hoàng Quang (?) tác giả Hoài nam khúc,

Phạm Thái tác giả Chiến tụng Tây hồ phú là những người đứng trên lập
trường phong kiến, hoặc là phong kiến Đàng trong (như Hoàng Quang), hoặc
là phong kiến Đàng ngoài (như Phạm Thái) để mạt sát phong trào Tây sơn.
Những tác phẩm này có tính cách phản động rõ rệt.
Ở cuối thế kỷ XVIII còn có Trần Danh Án (? - 1796) với Liễu Am tán ông
thi tập, Phạm Quý Thích (1760 - 1825) với Thảo Đường thi nguyên tập và Tân
truyền kỳ lục, Nguyễn Hành (1761 - 1823) với Quan hải thi tập, Minh quyên thi
tập, và Thiên địa nhân vật sự thi. Tiếng nói của những tác giả này là tiếng nói
của giai cấp suy tàn mang một tâm trạng đau buồn, hoang mang khi thấy vận
mệnh giai cấp nghẽn vào chỗ đen tối và do đó sinh ra luyến tiếc quá khứ một
cách sâu xa. Tiếng nói của họ là tiếng nói của giai cấp phong kiến nói chung
nhưng trước hết là của phân số quan liêu quý tộc đời Lê Trịnh. Tiếng thở than
rên rĩ này làm cho văn học có lắm giọng bi ai và nhiều chất tiêu cực. Nó sẽ
còn kéo dài sang giai đoạn văn học sau trong văn thơ bà Thanh Quan, và còn
sẽ kéo dài mãi sang đầu thế kỷ XX.
II. ĐẶC ĐIỂM NỘI DUNG CỦA VĂN HỌC CUỐI THẾ KỶ XVIII, ĐẦU THẾ KỶ
XIX
Sự phân chia trên đây không phải là dựa trên phương pháp nghệ thuật
mà bằng cứ vào nội dung. Sau khi đã làm việc liệt kê cần thiết các tác giả tác
phẩm, xin đi sâu ít nhiều vào nội dung các bộ phận văn học đó. Đây chỉ đề
cập đến văn học viết.
1. Bộ mặt đen tối của xã hội phong kiến - Nỗi đau khổ và sự quật
khởi của quần chúng.


Dưới ảnh hưởng lớn lao của phong trào đấu tranh đương thời, một số
lớn tác giả giai đoạn này đã đứng về phía quần chúng để tố cáo bộ mặt đen
tối của xã hội, và nỗi khổ đau, sự vùng dậy của quần chúng.
Trong hầu hết các tác phẩm, tội ác của giai cấp thống trị bị vạch trần. Ở
đâu có sự xuất hiện của cường quyền là ở đó có đau thương và tang tóc. Bản

chất của tên Trang vương trong Phạm Tải Ngọc Hoa, của “đấng chí tôn” trong
Cung oán ngâm khúc cũng như của Hồ Tôn Hiến trong Truyện Kiều, của các
bậc “hiền nhân quân tử” trong thơ Hồ Xuân Hương đều là một: lừa lọc, tàn
bạo, dâm ô. Tang thương ngẫu lục, Thượng kinh ký sự, Vũ trung tùy bút,
Hoàng Lê nhất thống chí đều là những sử liệu chân xác về những điển hình
thối tha tàn bạo trong giai cấp thống trị. Tất nhiên chưa có những điển hình
văn học hoàn chỉnh. Nhưng còn ai quên được những cảnh ăn chơi cực kỳ xa
hoa của bè lũ họ Trịnh, những cảnh cướp giật ban ngày của bọn sai nha của
các nhà quyền quý? Cũng như những hình ảnh như hình ảnh tên dâm thần
Đặng Mậu Lân, tên quan bỉ ổi Đinh Tích Nhưỡng, tên vua thảm hại Lê Chiêu
Thống…, có khi nào phai mờ được trong trí người đọc!
Đồng tiền cũng bị lên án. Nếu như ở thời Nguyễn Bỉnh Khiêm nó chỉ
mới chà đạp lên đạo đức lễ giáo thì đến nay, nó trở thành một lực lượng hắc
ám hơn nhiều. Nó có thể chà đạp lên công lý để gây ra sự án oan uổng của
gia đình họ Vương trong Truyện Kiều. Nó có thể chà đạp lên nhân phẩm con
người để biến nàng Kiều tài hoa, trong trắng thành một nạn nhân của chế độ
mãi dâm.
Cuộc sống của con người dưới sự khống chế của những thế lực hắc
ám như vậy tất nhiên không thể nào yên ổn được. Không phải chỉ Phạm Đình
Hổ nói đến cảnh nhân dân đói khổ, mẹ ăn thịt con ở Đàng ngoài mà Phạm
Nguyễn Du cũng nói đến những cảnh tương tự ở Đàng trong. Không phải chỉ
hịch Tây sơn nói cuộc sống dưới ách chúa Trịnh là ngột ngạt mà Phong trúc
tập của Ngô Thế Lân cũng nói đến cuộc sống tương tự dưới ách chúa
Nguyễn. Hạnh phúc gia đình (Chinh phụ ngâm), hạnh phúc tình yêu (Truyện
Kiều) bị chà đạp đã đành, thậm chí đến yêu cầu tối thiếu là sống lương thiện


cũng không được. Nàng Kiều đã cố gắng vươn lên chí để khỏi phải làm đĩ mà
rồi cũng vẫn phải rơi vào lầu xanh! Phạm Tải Ngọc Hoa đã khái quát cuộc
sống đó bằng một câu mộc mạc nhưng rất có trọng lượng:

Ngọc hoàng xem trạng mới hay
Làm điều ác nghiệt gớm thay cỗi trần!
Quần chúng đã không chia nổi cuộc sống nghẹt thở đó. Họ đã vùng dậy
đấu tranh đòi quyền sống. Văn học đã phản ánh được sự quật khởi ấy. Ở một
số tác phẩm của các tác giả phong kiến như Cung oán ngâm, Chinh phụ
ngâm…, những con người thuộc tầng lớp trên chiến đấu thật lẻ loi. Người
cung nữ cô đơn đến khủng khiếp. Chinh phụ chỉ biết than thở một mình và kể
lể với chồng trong tưởng tượng. Phạm Kim, Quỳnh Thư trong Sơ kính tân
trang, một người ôm mối tình hận mà chết, một người ôm mối sầu thiên cổ
mà sống vất vưởng trên cõi đời. Họ chưa có chỗ dựa trong đau khổ của quần
chúng nên họ cũng chưa có sức chiến đấu nhiều. Nhưng ở một số tác phẩm
khác, thấp thoáng đã thấy bóng dáng của tập thể quần chúng, đã bắt đầu có
một sự tạm gọi là tập hợp của những người bị áp bức. Thông thường thì
quần chúng chỉ đến mức thông cảm, giúp đỡ nhau trong hoạn nạn. Trong các
truyện nôm đều vậy. Đâu cũng thấy những người bị áp bức thương yêu nhau,
xếp thành một phe, phe chính nghĩa, để chống lại bè lũ thống trị gian ác. Thần
linh cũng đứng vào hàng ngũ họ. Nhưng có lúc gần như đã có sự tập hợp thật
sự, có ý thức và ít nhiều có tổ chức. Nàng Kiều có lúc cũng đã được sự đồng
tình của quần chúng binh lính Từ Hải, điểm này ở Nguyễn Du rõ hơn ở Thanh
Tâm tài nhân; vợ chồng Phạm Tải Ngọc Hoa được dư luận khắp nơi ủng hộ.
Rõ nhất là trường hợp Nhị độ mai. Có lẽ không phải ngẫu nhiên mà tác giả
Nhị độ mai đã diễn ca cuốn Nhị độ mai của Trung quốc, một tác phẩm đã nêu
lên vai trò của quần chúng sĩ tử và cả quần chúng ngư dân. Như trên đã nói,
khí thế đấu tranh của quần chúng trong thế kỷ thứ XVIII, không ít thì nhiều, đã
tác động đến tư tưởng thời đại, tư tưởng nhà văn. Hình tượng quần chúng
trong các tác phẩm văn học được đề cao là do những cơ sở thực tế đó.


Bên cạnh hình tượng quần chúng là hình tượng người anh hùng. Đến
thế kỷ thứ XIX, khi giai cấp phong kiến tạm thời khôi phục lại địa vị, Nguyễn

Công Trứ sẽ biểu dương người anh hùng theo quan điểm phong kiến. Ở nửa
cuối thế kỷ XVIII, tuy rất lẻ tẻ, nhưng ta đã thấy văn học biểu dương người
anh hùng đứng về phía chính nghĩa, người anh hùng có những hành động
phần nào đáp ứng được nguyện vọng của quần chúng. Ai tư vãn nói rõ rằng
Nguyễn Huệ xuất thân từ quần chúng bình thường nhưng là người đã làm
nên những kỳ công ích quốc lợi dân:
Mà nay áo vải, cờ đào
Giúp dân dựng nước biết bao công trình.
Người anh hùng đã được tác giả, một vị công chúa nhà Lê, xếp ngang
hàng với những ông “vua phong kiến” nổi tiếng là hiền đức như Thang, Võ,
Thuấn, Nghiêu. Rồi hình ảnh Từ Hải với ý chí hào hùng khảng khái, đối lập
hẳn với những tên Trang Vương “bất chính”, những tên Hồ Tôn Hiến dâm ô,
tráo trở.
Người phụ nữ đã từng lên tiếng trong những câu ca dao ý vị đến nay
cũng xuất hiện với địa vị nhân vật chính trong hầu hết các tác phẩm văn học.
Người phụ nữ trong đó là những người có phẩm chất cao quý, biết tôn trọng
đạo đức, thiết tha với hạnh phúc và biết chiến đấu bảo vệ hạnh phúc đó. Điều
nổi bật nhất là thái độ của họ đứng trước tình yêu, quyền lợi chính đáng của
tuổi trẻ đã hàng nghìn năm bị bọn thống trị xâm phạm. Bao nhiêu lực lượng
tàn bạo đã không tiêu diệt nổi tình yêu đẹp để của họ. Hình ảnh Ngọc Hoa
mắng tên Trang vương cũng chính là hình ảnh của những người phụ nữ Việt
Nam trong văn học và ngoài cuộc đời, dịu dàng đẳm thắm rất mực nhưng khi
cần thiết, lại cũng rất sắc sảo kiên cường.
Phản ánh mối mâu thuẫn về bản chất giữa cuộc sống của giai cấp
thống trị và quần chúng, văn học nửa cuối thế kỷ thứ XVIII đã tố cáo cái xã
hội đen tối dưới ách thống trị của cường quyền, bạo lực và đồng tình ủng hộ
quần chúng vùng lên chống lại giai cấp thống trị đề giành lấy quyền sống cho
mình. Nền văn học ấy có nội dung hiện thực sâu sắc chính là vì thế.



2. Những nguyện vọng về tự do, hạnh phúc, những ước mơ giải
phóng của con người bị áp bức
Khi phản ánh xã hội đen tối, đau thương ấy, các tác phẩm còn nói lên
những ước mơ, những nguyện vọng của quần chúng nhân dân.
Một số tác phẩm, đặc biệt là tác phẩm liên quan đến các phong trào
nông dân khởi nghĩa, thường nêu lên lòng khát khao sống tự do, phóng
khoáng. Người ta thường ca ngợi lòng ham chuộng tự do của Từ Hải trong
Truyện Kiều nhưng chính cửa miệng những người lãnh tụ nông dân như
Nguyễn Hữu Cầu mới nói ra được hết cái khát vọng đến đau xót và phẫn uất
của con người bị giam hãm trong kìm cặp phong kiến như con chim bị nhốt
trong lòng (Chim trong lòng).
Qua các truyện nôm khuyết danh, quần chúng nhân dân còn nói lên
lòng ước mơ một xã hội công bằng tốt đẹp hơn hiện thực trước mắt. Nếu như
Cung oán ngâm, Chinh phụ ngâm gắn liền viễn ảnh tươi đẹp của cuộc đời
tương lai với vua chúa, nếu như ở Truyện Kiều, Sơ kính tân trang, cuộc đời
kết thúc khá chua chát, thì ở một số truyện nôm, một cuộc sống tươi đẹp cuối
cùng sẽ đến với những kẻ bị chà đạp, áp bức. Ước mơ lãng mạn ấy phản ánh
tinh thần lạc quan nhưng cũng phản ánh nguyện vọng sống yên ổn, hạnh
phúc của nhân dân.
Cùng với sự đòi hỏi được sống tự do, hạnh phúc, văn học giai đoạn
này còn nói lên ước muốn giải phóng lý tính của con người thoát khỏi uy lực
của thần quyền và mọi thứ uy lực tinh thần khác, những uy lực vô lý nhưng
tồn tại với tất cả địa vị hợp pháp của chúng. Không kể những ngọn đòn sâu
cay của Trạng Quỳnh đã đánh vào thần quyền, cường quyền một cách táo
bạo, Hồ Xuân Hương và tác giả Nữ tú tài đã chống lại tư tưởng nam tôn, nữ ti
bằng cách khẳng định khả năng và hoài bão của phụ nữ.
Nhưng nguyện vọng cấp thiết được phản ánh trong các tác phẩm vẫn
là nguyện vọng giải phóng tình cảm. Tình yêu trở nên một đề tài, một nội
dung chủ yếu trong các tác phẩm. Nói lên ước mơ tự do yêu đương, văn học
giai đoạn này đã sáng tạo nên một thế hệ nam nữ thanh niên bước vào lĩnh



vực tình cảm với tất cả tấm lòng tha thiết bảo vệ quyền lợi chính đáng của
tuổi trẻ. Trong những giai đoạn văn học trước, lẻ tẻ đã xuất hiện những chàng
Lý Quốc Hoa (Hương miết hành), những chàng Tôn Các (Lâm tuyền kỳ ngộ)
nhưng chỉ đến cuối thế kỷ thứ XVIII, tầng lớp “thanh niên si tình” mới đông
đảo đến như vậy và mỗi người một nét độc đáo.
Mỗi người một nét nhưng họ đều giống nhau ở một điểm: lãng quên
trách nhiệm làm trai của chế độ phong kiến để chạy theo tình cảm cá nhân.
Đặc biệt hơn vẫn là những vai thiếu nữ. Kẻ thì khăng khăng đòi lấy
những người… ăn mày. Kẻ thì tự mình đính ước với người yêu. Ngay cả
Đoàn Thị Điểm, một phụ nữ dòng dõi nho gia, cũng để nhân vật mình bào
chữa thái độ bất chấp lễ giáo bằng cách trách người đàn ông: “Người trượng
phu không cần câu chấp lễ nghi lặt vặt” (Vân Cát thần nữ).
Tình yêu của họ hầu hết là thứ tình yêu cao quý không phụ thuộc vào
tiền tài, địa vị, là thứ tình yêu tự do vượt khỏi lễ giáo phong kiến và rất mực
say đắm, chung thủy. Nó chứa chan tinh thần nhân đạo vì nó bênh vực quyền
lợi tuổi trẻ, nó chiến đấu chống lại lễ giáo khắc nghiệt, chống lại áp bức của
cường quyền và thói dâm đãng của bọn thống trị phong kiến. Nó đã khơi hẳn
một nguồn sống thao thao không bao giờ cạn. Cho nên người ta không lấy
làm lạ rằng, sau này, khi bọn thống trị cố tình khôi phục lễ giáo phong kiến,
một mặt Lý Văn Phức viết “Phụ châm tiện lãm” nhưng mặt khác cứ tham gia
diễn ca Tây sương truyện như thường.
Văn học giai đoạn này còn đề cập đến yêu cầu giải phóng đời sống bản
năng. Ở Hồ Xuân Hương, đó là một tiếng nói hết sức táo bạo. Ở Cung oán
tiếng nói đó hơi sỗ sàng. Nhưng ở một mức độ kín đáo hơn, một số tác giả
cũng bắt đầu nói đến tình cảm riêng tư giữa vợ chồng một cách tỉ mỉ. Đoạn
trường lục của Phạm Nguyễn Du và Khuê ai lục của Ngô Thời Sĩ là những
thiên tự tình đi vào khuynh hướng ấy. Rồi cả đến người chinh phụ quý tộc
trong Chinh phụ ngâm cũng không hề giấu giếm những phút sôi nổi, rạo rực

của lòng mình.


×