Tải bản đầy đủ (.doc) (5 trang)

Phân tích bài thơ Chiều tối của Hồ Chí Minh: tình yêu thiên nhiên, yêu cuộc sống, ý chí vượt lên hoàn cảnh khắc nghiệt

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (104.73 KB, 5 trang )

[Lê Hiền] Bộ tài liệu 132 đề Ôn thi Đại học môn Ngữ Văn

Đề 6.2. Phân tích (Cảm nhận) bài thơ "Chiều tối" của Hồ Chí Minh để
làm nổi bật tình yêu thiên nhiên, yêu cuộc sống, ý chí vượt lên hoàn cảnh
khắc nghiệt (hoặc " nét cổ điển hiện đại")
Xưa nay viết về chiều muộn vốn là nguồn cảm hứng không vơi cạn của văn
chương nghệ thuật. Khó có thể kể hết những bức tranh chiều, những bản nhạc
chiều, những áng thơ chiều mà các nghệ sĩ, tao nhân đã để lại cho đời sống con
người. Về mặt này, Hồ Chí Minh trong tư cách một nhà thơ cũng không phải là
ngoại lệ. Có thể thấy ngay từ tập thơ ''Nhật kí trong tù'', trái tim của thi nhân ấy đã
không chỉ một lần rung động trước vẻ gợi cảm của buổi chiều hôm để viết ra
những vần thơ mà còn được nhiều người nhớ mãi như "Vãn chiều hôm", "Hoàng
hôn", "Chiều tối"... Trong các bài thơ đó bà "Chiều tối" (Mộ) được xem là áng thơ
tuyệt bút. Bài thơ ''Chiều tối'' cho thấy tình yêu thiên nhiên, yêu cuộc sống, ý chí
vượt lên hoàn cảnh khắc nghiệp của nhà thơ chiến sĩ Hồ Chí Minh. Bài thơ đậm
sắc thái nghệ thuật cổ điển mà hiện đại.
''Quyện điểu qui lâm tầm túc thụ,
Cô vân mạn mạn độ thiên không;
Sơn thôn thiếu nữ ma bao túc,
Bao túc ma hoàn, lô dĩ hồng.''
Dịch thơ:
''Chim mỏi về rừng tìm chốn ngủ,
Chòm mây trôi nhẹ giữa tầng không;
Cô em xóm núi xay ngô tối,
Xay hết lò than đã rực hồng''
(Bản dịch thơ của Nam Trân)
Tháng 8/1942, với danh nghĩa là đại biểu của Việt Nam độc lập đồng minh
hội và Phân bộ quốc tế phản xuân lược của Việt Nam, Hồ Chí Minh sang Trung
Quốc để tranh thủ sự viện trợ của thế giới. Sau nửa tháng đi bộ, vừa đến Túc Vinh,
tỉnh Quảng Tây, Người bị chính quyền Tưởng Giới Thạch bắt giam vô cớ. Trong
suốt mười ba tháng ở tù, tuy bị đày ải vô cùng cực khổ nhưng Hồ Chí Minh vẫn


làm thơ. Người đã sáng tác 134 bài thơ bằng chữ Hán, ghi trong một cuốn sổ tay,
đặt tên là ''Ngục trung nhật kí'' (''Nhật kí trong tù''). ''Chiều tối'' (Mộ) là bài thứ 31
của tập thơ. Cảm hứng của bài thơ được gợi lên trên đường chuyển lao của Hồ Chí
Minh từ Vĩnh Tây đến Thiên Bảo vào cuối thu năm 1942.
"Chiều tối'' là một bài thơ viết về những vẻ đẹp của buổi chiều hôm, nhưng
điều lý thú là trong hai câu thơ đầu tiên cũng như cả bài thơ lại không dùng đến
một chữ "chiều" nào. Vậy mà cảnh chiều và hồn chiều vẫn hiện lên rất rõ, rất đẹp
và đầy vẻ gợi cảm. Nhà thơ chỉ vờn vẽ lên một vài nét tiêu sơ, gợi nên hình ảnh
cánh chim chiều về tổ hay một chòm mây, áng mây chầm chậm trôi ngang qua bầu
trời. Ít nét thế thôi song lại là những nét rất tiêu biểu cho những thời khắc cuối
cùng của ban ngày, trước khi bóng tối buông màn xuống vạn vật. Từ những câu
thơ lan toả ra một cảm giác nhẹ nhàng, man mác bâng khuâng của buổi chiều hôm
khi mà mọi vật dần đi vào trạng thái nghỉ ngơi. Đó có thể là một buổi chiều thực

1


[Lê Hiền] Bộ tài liệu 132 đề Ôn thi Đại học môn Ngữ Văn

mà Bác đã gặp và ghi lại trong một cuộc chuyển giao từ nhà lao này sang nhà lao
khác.
Nhưng cũng không thể không thấy rằng buổi chiều ấy còn mang một vẻ đẹp
đã trở nên vĩnh hằng của những buổi chiều mà hình sắc còn đọng lại trong những
câu thơ cổ mà ở đó vẫn đi về không ít những "quyện điểu" với "cô vân":
"Chim hôm thoi thót về rừng
Đóa trà mi đã ngậm trăng nửa vành"
( Nguyễn Du)
"Ngàn mai gió cuốn chim bay mỏi
Dặm liễu sương sa khách bước dồn."
( Bà Huyện Thanh Quan)

hay như:
"Chúng điểu cao phi tận
Cô vân độc khứ nhàn"
(Lý Bạch)
Và như thế, những dòng thơ đầu tiên hình như đã làm cho bài thơ "Chiều
tối" của Bác đã nhuốm một phong vị cổ điển. Cảm xúc bài thơ vì thế mà càng trở
nên mênh mang hơn, không chỉ trong không gian mà còn cả ở thời gian.
Qua vài nét chấm phá, hai câu đầu của bài thơ đã để lại một bức tiểu hoạ về
cảnh thiên nhiên vùng sơn cước ở thời điểm ''chiều tối''. Những buổi chiều như
vậy đâu có thiếu trong văn chương cổ kim; nhưng nếu cảnh ấy qua cái nhìn của
một Lý Bạch tiêu diêu, một Khuất Nguyên u uất chắc chắn sẽ đầy ảm đạm, thê
lương. Còn ở đây, nếu không rõ xuất xứ, nhiều người sẽ lầm tưởng ''Mộ'' là bài thơ
của đời Thịnh Đường. Cảnh thiên nhiên chiều tối trong bài ''Mộ'' có cái gì ấm áp,
thậm chí có cả niềm vui nữa ở hình ảnh ''chim bay về tổ''; vì nó sẽ đuợc nghỉ ngơi
trong tổ ấm của một vòm cây nào đó. ''Chim mỏi về rừng tìm cây ngủ'' khác với
''Chim bay về tổ''. Nhìn lên trời, Hồ Chí Minh nhận ra vẻ mệt mỏi, uể oải của cánh
chim. Cái nhìn ấy thể hiện tình cảm nhân ái bao la của Người đối với cảnh vật.
Phải yêu thiên nhiên, cảnh vật và có mối đồng cảm bao la thì mới nhìn được cái
dáng mỏi mệt của cánh chim kia... Cánh chim trong thơ Nguyễn Du, Bà huyện
Thanh Quan, Lý Bạch... thường bay về chốn vô tận, vô cùng, vô định, gợi cảm
giác xa xăm, phiêu bạt, chia lìa. Nguợc lại, cánh chim trong thơ Hồ Chí Minh là
cánh chim rất gần gủi với con người, đang tìm về với sự sống thường ngày. Nhờ
vậy mà nó có hồn và nhốm đầy tâm trạng hơn.
Cùng với ''Quyện điểu quy lâm'' là ''Cô vân mạn mạn''. Bài thơ dịch khá
uyển chuyển, nhưng đã làm mất đi vẻ lẻ loi, trôi nổi, lửng lờ của đám mây. Người
dịch đã bỏ sót chữ ''cô'' và chưa thể hiện được hết nghĩa của hai từ láy ''mạn mạn''.
Câu thơ dịch: ''Chòm mây trôi nhẹ giữa tầng không'', dễ khiến người đọc nghĩ đến
cái nhìn của một du khách. Phải chăng, vì quá tin vào bản dịch mà người đọc dễ
hiểu cảnh thiên nhiên trong ''chiều tối'' là một cảnh vui. Chòm mây lẻ loi, trôi lững
lờ gợi một khung cảnh thiên nhiên hoang vắng, đượm buồn nhưng không ảm đạm,

thê lương; rộng lớn mênh mông nhưng đâu có ''xanh trong thi vị''... Cảnh ấy, tương
đồng với tâm trạng của người tù bị giải.

2


[Lê Hiền] Bộ tài liệu 132 đề Ôn thi Đại học môn Ngữ Văn

Những dòng thơ ẩn chứa một nỗi buồn kín đáo và thấm thía của một người
tù trên con đường đày ải đang thấm một nỗi xót xa khi thấy những cánh chim
chiều cũng tìm ra chốn ngủ, những đám mây cũng lững lờ nghỉ ngơi trên bầu trời
bao la. Trong khi đó, người tù vẫn bị xiềng xích, trói buộc chẳng bằng cánh chim
nọ, áng mây kia vì chiều đã sắp hết rồi mà mình vẫn không có nổi một chốn dừng
chân. Bên cạnh đó, chúng ta có thể thấy đây là hai dòng thơ của một tâm hồn đã
vượt lên trên cảnh ngục tù, xiềng xích và trói buộc để lưu luyến, dõi nhìn theo một
cánh chim, một áng mây chiều để cảm thấy tim mình xao xuyến một tình cảm rất
người, cho dù đang phải sống một cuộc sống lưu đày. Chúng ta tìm thấy ở đó một
chân dung tinh thần của một chủ tịch Hồ Chí Minh thi sĩ, một con người yêu tha
thiết vẻ đẹp của thiên nhiên, đất trời và cuộc sống. Đó là một con người dù trong
hoàn cảnh nào cũng vẫn không để mất đi dù chỉ một mảy may tình yêu cái đẹp,
khả năng rung cảm trước cuộc đời, một con người sống trọn vẹn cuộc sống con
người, dù trong hoàn cảnh có khó khăn, khắc nghiệt.
Tâm hồn Bác, đó là một tâm hồn thi sĩ yêu thiên nhiên, luôn tìm đến sự hòa
hợp giữa con người với thiên nhiên. Dường như cảnh vật và con người có sự đồng
điệu cảm thông. Nhiều bài thơ khác của bác cũng có sự đồng điệu này:
“Trong tù không rượu cũng không hoa,
Cảnh đẹp đêm nay khó hững hờ.
Người ngắm trăng soi ngoài cửa sổ,
Trăng nhòm khe cửa ngắm nhà thơ.”
("Ngắm trăng" - Bản dịch của Nam Trân)

“Mặc dù bị trói chân tay,
Chim ca rộn núi, hương bay ngát rừng;
Vui say, ai cấm ta đừng,
Đường xa, âu cũng bớt chừng quạnh hiu.”
("Trên đường đi" - Bản dịch của Nam Trân)
Điều đó cũng chứng tỏ tâm hồn của Bác luôn hướng về sự sống và ánh sáng
với niềm lạc quan, tin tưởng vào tương lai. Với Hồ Chí Minh mọi nỗi buồn, niềm
vui dường như đều gắn liền với dân tộc, nhân dân mà ít khi phụ thuộc vào cảnh
ngộ riêng của Người.
Cũng như nhiều bài thơ khác trong "Nhật kí trong tù", "Chiều tối" biểu hiện
một cảm nhận của tác giả về cuộc sống luôn có sự vận động, phát triển, chảy trôi.
Chúng ta có thể thấy điều ấy khi đối chiếu hai câu đầu với hai câu cuối của bài
thơ:
''Cô em xóm núi xay ngô tối,
Xay hết lò than đã rực hồng''
Tài hoa của Hồ Chí Minh là ở chỗ tả cảnh thiên nhiên, tả cảnh chiều tối mà
Người không phải dùng đến một tính từ chỉ thời gian nào. Hai câu thơ cầu đã viết
về một khung cảnh thiên nhiên vào lúc chiều tà, nhưng đến hai câu thơ sau có thể
thấy rõ trời đã đổ tối. Và bởi phải vào thời điểm như thế, người ta mới thấy được
rõ ràng sự rực hồng của bếp lửa, mà cái tài của nhà thơ ở đây là không cần dùng
đến chữ "tối" mà nghĩa ấy vẫn cứ hiện lên rõ mồn một. Chữ "tối" trong bản dịch là
do người dịch tự thêm vào. Và như thế, cặp mắt của thi nhân sẽ thôi không ngước
3


[Lê Hiền] Bộ tài liệu 132 đề Ôn thi Đại học môn Ngữ Văn

nhìn mãi về phía bầu trời mà hướng về mặt đất để nhận thấy ấn tượng về một xóm
núi, về một cô gái xay ngô, một chiếc lò than trong ngôi nhà đơn sơ, giản dị.
Bức tranh của cảnh vật sẽ nhường chỗ cho bức tranh sinh hoạt con người.

Hình ảnh trung tâm của hai câu thơ cũng sẽ không phải là một cánh chim chiều về
tổ, một áng mây trôi mà là một con người lao động. ''Sơn thôn thiếu nữ'' dịch là
''Cô em xóm núi'' đứng trên bình diện nghĩa của từ thì không có gì sai. Nhưng câu
thơ dịch đã không thể hiện được cái nhìn trân trọng của nhân vật trữ tình đối với
con người; giọng điệu trang trọng của câu thơ nguyên tác không hiện diện trong
lời thơ dịch (mà nhiều khi giọng điệu còn quan trọng hơn cả cái được miêu tả).
Người phụ nữ đã nhiều lần có mặt trong thơ chữ Hán, nhưng phần lớn họ đều
thuộc giới thượng lưu hoặc chí ít cũng gần gũi với giới thượng lưu. Không rõ
trước Hồ Chí Minh đã có một ''sơn thôn thiếu nữ'' thực sự là người lao động bước
vào thế giới của nàng thơ hay chưa? Chỉ biết rằng việc đặt hình ảnh ''sơn thôn
thiếu nữ'' ở vị trí trung tâm của bức tranh phong cảnh chiều tối đã làm cho bức
tranh thiên nhiên trở thành bức tranh về cuộc sống con người. Sự chuyển đổi ấy
thể hiện một khuynh hướng vận động của hình tượng thơ và quan điểm nghệ thuật
vị nhân sinh của Bác. Trong bất cứ hoàn cảnh nào, Hồ Chí Minh cũng gắn bó với
cuộc sống con người nơi trần thế- đặc biệt là cuộc sống nhân dân lao động.
Và ngôn từ của những dòng thơ cũng sẽ theo đó mà đổi thay. Hai câu thơ
này không thấm thía hương vị thơ cổ điển như hai câu trên mà mang nhiều chất "
bạch thoại", mộc mạc, đời thường, thể hiện rõ nhất ở chữ "bao túc" xuất hiện đến
hai lần. Nhiều người đã thấy ở đây nỗi xót xa kín đáo mà sâu xa của nhà thơ đối
với con người lao động. Nhà thơ dường như đã đồng cảm với sự nhọc nhằn của
họ. Đồng cảm ở cách nhà thơ nói việc xay ngô, ở cách dùng chữ "ma bao túc" để
bật lên những vòng quay nặng nề, luẩn quẩn và ở âm điệu của những câu thơ mà
đọc lên có thể cảm thấy vất vả, khó khăn. Hơn nữa, người đọc còn cảm nhận được
bước đi của thời gian từ chiều đến tối. Cô gái xay ngô từ khi trời còn ánh sáng,
xay xong thì trời đã tối. Phải chăng Hồ Chí Minh đã có một phát hiện mới trong
bút pháp tả thời gian. Rõ ràng, ngay cả khi tả cảnh chiều tối, thơ Hồ Chí Minh vẫn
có sự vận động từ bóng tối ra ánh sáng. Người đọc cảm thấy không hài lòng khi
dịch giả thêm vào câu chuyển một từ ''tối''. Nhìn bề ngoài việc thêm vào như vậy
có vẻ như vô thưởng, vô phạt; nhưng nghĩ sâu xa thì chính chữ ấy đã phá vỡ một
quy luật vận động lớn trong thơ Hồ Chí Minh và không bộc lộ hết tài năng của

Người.
Ta phải chú ý đến những chữ "hoàn" (hết) và hình ảnh của chiếc lò than đã
rực đỏ lên (lô dĩ hồng), để nhận ra rằng nhà thơ muốn nói đến cảm giác về một sự
ấm áp, sum vầy, về một thứ hạnh phúc bình dị trong một căn nhà ấm cúng. Bếp
lửa đã cháy lên và công việc lao động cũng đã hoàn tất. Chữ ''hồng'' rất xứng đáng
là ''ông thánh thứ hai mươi tám'' của thơ. Trong ''Ngục trung nhật kí'' (Nhật kí
trong tù) có bao nhiêu chữ ''hồng'' như vậy? Chữ ''hồng'' là nơi hội tụ, kết tinh ánh
sáng của toàn bài, là hình ảnh của sự sống thường nhật và niềm vui lao động. Và
như thế, cái lớn của những dòng thơ là ở khả năng vô song của Bác, khả năng mà
khó có ai vượt hơn, thậm chí sánh nổi. Đó là khả năng quên đi nỗi đau khổ rất lớn
của mình để đồng cảm, để vui với những niềm vui bé nhỏ, giản dị của con người.
4


[Lê Hiền] Bộ tài liệu 132 đề Ôn thi Đại học môn Ngữ Văn

Và như thế, chúng ta có thể cảm nhận được tình thương đối với nỗi đau khổ của
những con người lao động, cho dù đó là những con người không phải là đồng bào
của Bác, không quen thân, thậm chí chưa hề gặp mặt.
Buổi chiều tối rực ánh hồng ở bài ''Mộ'' là buổi chiều tối không dễ gì lặp lại
lần thứ hai trong thơ, ánh hồng ấy không chỉ toả ra từ chiếc bếp lửa bình dị của
một ''sơn thôn thiếu nữ'' mà chủ yếu được toả ra từ tấm lòng nhân ái, tinh thần lạc
quan của Hồ Chí Minh. Bị trói, bị tù đày, bị giải đi "Năm mươi ba cây số một
ngày-Áo mũ dầm mưa rách hết giày", nhưng dường như Người không hề để ý gì
đến sự đau khổ của bản thân mình. Người luôn hướng ngoại, lấy tình yêu của
mình trải lên cả không gian bao la để quên đi nỗi nhọc nhằn. Người coi thường
gian khổ, chịu mọi cay đắng và không bao giờ than vãn. Đó chính là tinh thần thép
vĩ đại của người tù thi sĩ Hồ Chí Minh. Với Bác, đấy là cuộc sống của chính mình;
nói như nhà thơ Tố Hữu, Bác có thể nâng niu tất cả, vì Bác sống như trời đất, vì
Bác có một trái tim có thể ôm trọn mọi non sông, kiếp người.

***

5



×