Tải bản đầy đủ (.pdf) (12 trang)

Sự tham gia của người dân trong quá trình chống ngập

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (330.23 KB, 12 trang )

Nguyễn Diệp Quý Vy. Sự tham gia của người dân trong quá trình chống ngập – Tính cần
thiết và một vài kinh nghiệm thu được từ thực tế nghiên cứu tại phường 12, Quận 6,
TP.HCM

1.

Sự tham gia của người dân cần được xem như một cách tiếp cận cần thiết trong
quá trình chống ngập ở cấp cộng đồng cơ sở tại TP.HCM

2.
Sự tham gia của người dân đã được khái quát thành một hệ thống lý thuyết và các cách tiếp
cận cụ thể trong lĩnh vực phát triển cộng đồng mấy chục năm nay, song trên thực tế, những dự án có
huy động sự tham gia của người dân một cách đúng nghĩa vẫn chưa nhiều tại Việt Nam, và hầu hết
đều tập trung ở khu vực nông thôn. Riêng ở đô thị như TP.HCM, một số dự án theo hình thức “Nhà
nước và nhân dân cùng làm” hoặc do các tổ chức phi chính phủ tài trợ có huy động sự tham gia của
cộng đồng đã được triển khai trong các lĩnh vực như môi trường, nâng cấp – chỉnh trang cơ sở hạ
tầng…giúp đem lại những hiệu quả nhất định cho công tác xây dựng, quản lý và phát triển thành
phố, nhưng có thể nói so với sự quá tải của dân số và những vấn nạn đô thị hiện nay, các dự án thuộc
loại trên là chưa nhiều, và quan trọng hơn, chưa tạo được những tiếng vang rõ ràng để có thể tác
động một cách sâu sắc đến nhận thức của đại bộ phận dân chúng về cái gọi là “tinh thần tự quản”
hay đơn giản hơn là “sự tham gia của người dân” như một nhu cầu tất yếu trong tiến trình phát triển
đô thị.
Liên quan đến vấn đề ngập nước, trong những năm gần đây, đặc biệt là năm 2007 và những
tháng đầu mùa mưa của năm 2008, TP.HCM đã phải gánh chịu những hậu quả nặng nề do mưa lớn,
triều cường, triều cường kết hợp với mưa tại nhiều địa bàn có “truyền thống ngập” như quận 6, quận
8, quận Bình Thạnh, quận Bình Tân…và ngay cả ở khu vực trung tâm. Bên cạnh bốn dự án chống
ngập lớn được ưu tiên sử dụng nguồn vốn ODA bao gồm: dự án vệ sinh môi trường lưu vực Nhiêu
Lộc – Thị Nghè, cải tạo rạch Hàng Bàng, thoát nước lưu vực Tân Hóa – Lò Gốm, cải thiện môi
trường Tàu Hủ – Bến Nghé – Kênh Đôi – Kênh Tẻ với tổng vốn đầu tư 60 000 tỉ đồng đang được
triển khai dang dở, nhiều dự án khác như nâng đường, nâng hẻm, lắp ống cống mới… tại một số
tuyến đường nhỏ và khu dân cư có huy động cộng đồng tham gia hoặc do cộng đồng tự mình thực


hiện vẫn cho thấy tính tạm thời của những nỗ lực theo hướng “ngập đường nâng đường”, “ngập nhà
nâng nhà” hoặc chưa thể giúp giảm ngập dứt điểm theo như mong muốn của người dân. Trước tình
hình đó, yêu cầu chống ngập càng được đặt ra bức thiết và trách nhiệm chống ngập của các ngành
giao thông, thủy lợi lại càng trở nên nặng nề hơn bao giờ hết.


Đường phố Sài Gòn ngập nặng sau cơn mưa, ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân.
Ảnh: Dương Thái Tân
Thực chất, cái mà chúng ta đang gánh chịu là hậu quả tổng hợp của nhiều nhân tố bắt nguồn
từ trong quá khứ đến hiện tại, bao gồm cả những bất lợi về địa hình, khí hậu, những sai lầm trong
công tác quy hoạch đô thị cho đến quá trình đô thị hóa và ý thức chưa cao của người dân…Do vậy,
việc khắc phục nó chắc chắn không dễ dàng và càng không thể đạt hiệu quả cao với những phương
thức chống ngập mang tính rời rạc, không thống nhất như đã từng diễn ra. Để chữa lành một căn
bệnh đa nguyên nhân cần có sự phối hợp nhiều cách chữa trị đa mục tiêu, đa phương pháp; hay nói
khác đi, cần thay đổi quan niệm khuôn sáo vốn chỉ tập trung trách nhiệm chống ngập cho ngành
giao thông và thủy lợi mà quên rằng ngập nước xảy ra do nhiều yếu tố khác nhau, việc khắc phục nó
đang gặp không ít trở ngại và nạn nhân của nó là cả một xã hội đô thị rộng lớn với đơn vị cơ bản
nhất là những người dân thành phố. Vì vậy, bên cạnh sự có mặt của ngành giao thông và thủy lợi, tất
cả mọi thành phần khác của đô thị đều phải vào cuộc – trong đó lực lượng đông đảo nhất là những
người dân. “Góp gió thành bão”, sự tham gia của họ sẽ góp phần nâng vấn đề chống ngập thành ý
thức và trách nhiệm chung của toàn xã hội chứ không chỉ giới hạn ở trách nhiệm của các cơ quan
chức năng như ta vẫn suy nghĩ lâu nay. Tất nhiên, cũng cần nhấn mạnh rằng, trong điều kiện hiện
nay, sự tham gia của người dân trong quá trình chống ngập trước hết cũng chỉ giới hạn chủ yếu ở
phạm vi “cấp cơ sở”, nghĩa là ở cấp độ ý thức - nghĩa vụ của người dân trong việc bảo vệ môi
trường, cùng nhau thảo luận và đóng góp cho công tác xây dựng - nâng cấp những tuyến đường nội
bộ, hẻm phố nhỏ, các khu dân cư … còn việc thực hiện những công trình giao thông – thoát nước
trọng điểm vẫn phải nhờ đến các dự án quy mô, căn cơ của thành phố.


Khẳng định tính cần thiết của sự tham gia cộng đồng trong quá trình chống ngập cũng không

có nghĩa là so sánh nó với những giải pháp chống ngập về kỹ thuật, hay cho rằng sự tham gia này có
thể thay thế hoàn toàn những giải pháp khác, mà nhằm đưa ra một luận điểm rằng: sự tham gia của
người dân vốn đã quan trọng trong công tác quản lý, xây dựng và phát triển đô thị; thì nay lại càng
quan trọng và cấp thiết hơn trước cuộc chiến chống ngập nước bởi đây hiện đang là một trong
những vấn đề nan giải của Thành phố, bởi thực tế đã chứng minh rằng những hiểu biết và hành động
của cộng đồng có thể làm cho tình trạng ngập nước trở nên tốt hơn hay tồi tệ đi, và bởi vì không thể
xem nhẹ sự tham gia của người dân trước bất kỳ một hạn chế nào của đô thị nếu chúng ta xét đến
khía cạnh phát triển bền vững, lâu dài. Do vậy, cùng với những giải pháp căn bản khác về kỹ thuật,
chúng ta cần lưu ý đến những giải pháp mang tính xã hội mà liên quan trước hết là sự tham gia từ
cấp độ cơ bản nhất như cấp cộng đồng, xem nó như một trong những cách tiếp cận cần thiết để nâng
cao thêm hiệu quả của quá trình chống ngập và tăng cường ý thức của dân chúng trước những vấn
đề tác động trực tiếp đến số phận của họ.
Có rất nhiều lý do để thu hút người dân vào quá trình tham gia chống ngập ở cấp cơ sở. Một
vài những nguyên nhân chính có thể được đề cập đến như sau:
- Thực tiễn đã cho thấy sự hợp tác của người dân trong việc giải quyết những vấn đề của đô
thị là tối cần thiết. Sự tham gia này lại càng phải được phát huy nhiều hơn cùng với quá trình tăng
cường dân chủ hóa đời sống xã hội và tình trạng quá tải của đô thị hiện nay. Nhiều tấm gương điển
hình về các thành tựu của người dân trong nỗ lực xây dựng, phục hồi nhà ở; nâng cấp – chỉnh trang
và làm mới những con đường nội thành và ngoại ô của đô thị, bảo vệ môi trường… trong những năm
gần đây đã được ghi nhận như là bước đột phá lớn trong tiến trình nâng cao dân chủ, phát huy tinh
thần tự giác của người dân, tạo sự phối hợp nhuần nhuyễn hơn giữa người dân và chính quyền trong
việc giải quyết các bài toán đô thị. Không chỉ dừng lại ở đó, một phương thức huy động sức dân hiệu
quả mang tên “Nhà nước và nhân dân cùng làm” đã được đúc kết nên từ nhu cầu tất yếu của đô thị
và từng bước được áp dụng ngày càng nhiều ở TP.HCM. Riêng đối với vấn đề chống ngập, những
kết quả từ sự tham gia của người dân vẫn chưa được đề cập đến một cách chính thức, nhưng có thể
thấy rằng việc chống ngập cấp cơ sở hoàn toàn có khả năng được phát huy nếu sự tham gia này được
khuyến khích và hỗ trợ theo một cơ chế rõ ràng, hợp lý, có phương pháp, tính toán khoa học và các
biện pháp chế tài cụ thể.
- Với hàng loạt những bài toán của đô thị hiện nay, trách nhiệm của nhà nước và các cơ quan
chức năng gần như quá tải. Bên cạnh đó, những vấn đề như công tác quản lý, kinh phí để phân phối

cho việc giải quyết chúng…. đã tạo ra những rào cản lớn đối với tiến trình thực hiện, làm giảm hiệu
quả của các dự án và phát sinh thêm ngân sách quốc gia. Trong bối cảnh đó, sự tham gia của người
dân là một nhân tố cần thiết, vừa giảm nhẹ gánh nặng cho Nhà nước, vừa giúp giải quyết sớm hơn
những khó khăn ở cơ sở trong điều kiện các nguồn lực hiện tại chưa cho phép Nhà nước ưu tiên cho
những khó khăn đó. Theo thống kê, bốn dự án nằm trong chương trình nâng cấp đô thị quốc gia có
liên quan đến việc cải thiện môi trường nước, vệ sinh môi trường và chống ngập đã nêu trên tập
trung chủ yếu vào các hạng mục như nạo vét kênh rạch, sửa chữa và xây dựng cống thoát nước chỉ
có thể cải tạo được hơn 650 km2 nội thành trên 2.095 km2 của toàn thành phố, đồng thời theo dự báo
từ tiến trình thực hiện, phải đến năm 2020 tình trạng ngập triều của thành phố mới được giải quyết,
điều đó cũng có nghĩa là trong thời gian trước mắt, người dân ở các tuyến hẻm, khu dân cư vẫn tiếp
tục phải chịu những tổn thất nặng nề từ ngập nước do mưa và triều cường gây ra. Vậy thì, để tự cứu
mình, không có gì khác hơn ngoài việc người dân phải nỗ lực tham gia vào quá trình chống ngập
trước khi các dự án lớn khác có thể đến với họ. Cần nhấn mạnh rằng, sự tham gia này không có
nghĩa chỉ là nâng hẻm, nâng nhà, mà còn được thể hiện ở cả ý thức, thái độ và hành vi hằng ngày
trước tình trạng ngập: đó có thể là tránh xả rác bữa bãi để giữ gìn vệ sinh môi trường; giúp tháo nước


nhanh hơn bằng cách kiểm tra các hố ga, cửa xả thường xuyên; không lấn chiếm đất đai tại những
khu vực dễ ngập một cách bất hợp pháp; cùng nhau cải thiện mỹ quan nơi ở sau những lần ngập;
nhắc nhở nhau về trách nhiệm hoặc báo cáo những hành vi vi phạm có nguy cơ dẫn đến ngập nhiều
hơn… Chưa tính đến hiệu quả của nó, những cố gắng trong chừng mực sẽ góp phần hạn chế các ảnh
hưởng tiêu cực đến đời sống – sức khỏe của người dân, giúp ngăn ngừa một phần tình trạng xuống
cấp nhanh chóng của khu ở do ngập lụt tạo ra. Điều đó có thể chưa so sánh được với các mục tiêu
mà những dự án chống ngập quy mô của thành phố vươn tới trong tương lai, song chính tinh thần
tham gia và ý thức chung của cộng đồng sẽ tạo cho người dân tâm lý thích nghi, chủ động “sống
chung với ngập” trong tình hình các biện pháp chống đỡ nó chưa phát huy tác dụng tối đa, đồng thời
giúp “giải tỏa” cảm giác bức xúc nơi người dân khi họ nghĩ rằng tình trạng hiện tại là kết quả từ sự
yếu kém trong khâu quản lý và khắc phục vấn đề ngập nước từ phía các cơ quan chức năng. Những
lợi ích như vậy đáng được đặt ra bởi sức mạnh và tiềm năng của dân chúng là rất lớn, điều cốt yếu là
làm thế nào để huy động nguồn lực này một cách hiệu quả và hợp lý.

- Vượt lên trên những lợi ích về vật chất và tinh thần là sự tự quản trong đô thị – cái mà tất cả
các quốc gia trên thế giới đều muốn vươn tới – bởi lẽ suy cho cùng, sự bền vững của đô thị tùy thuộc
rất nhiều vào cách thức mà những thành viên trong đó đối xử với nó. Tuy nhiên, điều này dường như
vẫn còn rất mơ hồ đối với đa số cộng đồng tại các thành phố lớn ở Việt Nam. Việc san lấp kênh rạch
một cách tự ý của người dân những năm sau giải phóng để làm công trình ở, điển hình là khu vực
quận 6, quận 8… cũng như ý thức bảo vệ môi trường còn thấp, gây ra nhiều hậu quả đối với thiên
nhiên và sức khỏe con người là hai trong số các nguyên nhân khiến cho ngập nước ngày càng trầm
trọng hơn. Chưa kể đến tình trạng một số điểm ngập cũ vừa được xóa đi thì những điểm ngập mới đã
phát sinh do sự tiếp tục các hành vi sai phạm mà nguồn gốc của nó không gì khác hơn ngoài ý thức
kém và việc đặt lợi ích riêng của cá nhân hay một nhóm người lên trên lợi ích chung của cộng đồng.
Do vậy, không thể nói đến tính khả thi của những nỗ lực chống ngập từ các ban ngành nếu chính bản
thân những thành viên của đô thị không trân trọng, gìn giữ nó. Cái mà chúng ta hướng đến là sự phát
triển bền vững, lâu dài vốn chỉ có thể được hình thành trên cơ sở hợp tác tích cực của tất cả các
thành viên trong xã hội mà trước hết là người dân. Chừng nào tinh thần tự quản trong đô thị được
xây dựng tốt, chúng ta mới có nền tảng vững chắc để nói đến hiệu quả của những dự án chống ngập
đã đạt được trong hiện tại cho đến tương lai, bởi chính người dân là đối tượng thụ hưởng những
thành quả đó, không ai khác ngoài họ là một phần trong số những người chịu trách nhiệm duy trì và
bảo vệ. Họ cần thấy được bổn phận và quyền lợi mà mình có được từ sự tham gia, tham gia với mục
đích trước hết là tăng cường lợi ích của từng thành viên, và sau nữa là lợi ích của cả cộng đồng.
Tuy nhiên, cũng cần nhấn mạnh rằng sự tham gia này không thể tách rời khỏi khung quy
hoạch chung và các dự định của thành phố trong những năm sắp tới nhằm tránh đi những tác động
không tốt đến ngập nước do việc chống ngập không đồng bộ, không thống nhất gây ra. Vấn đề còn
lại là yêu cầu thực hiện và phối hợp các hoạt động một cách có khoa học theo tinh thần tham gia.
2. Một vài kinh nghiệm từ sự tham gia của người dân hẻm 426, đường Nguyễn Văn
Luông, phường 12, quận 6, TP.HCM trong quá trình chống ngập
2.1. Địa bàn nghiên cứu
Quận 6 là một trong những địa bàn trũng, thấp, chịu tác động nặng nề của triều cường do
nhiều yếu tố, đặc biệt là tình trạng san lấp kênh rạch, ao hồ để xây dựng công trình ở và dịch vụ.
Đường Nguyễn Văn Luông, một trong những tuyến đường chính chạy qua địa phận phường 12, có
chiều dài 1140m từ Vòng Xoay Phú Lâm đến điểm giao nhau với đường Lý Chiêu Hoàng, thường

xuyên bị ngập nước ở các mức độ cao thấp khác nhau tùy theo từng vị trí. Chính vì vậy mà tình
trạng ngập tại đây luôn diễn ra ở những khu dân cư trong các hẻm nhỏ - thấp, không chỉ bởi triều


cường trong mùa khô mà kể nước không tiêu thoát kịp trong mùa mưa, đặc biệt là hẻm 426 phường
12.
Theo mô tả của bà con nơi đây, cũng giống như những khu vực khác của quận 6, hẻm 426
trước năm 1975 vẫn còn rất hoang sơ với những ao hồ, đồng ruộng và một vài hộ dân sinh sống
bằng nông nghiệp là chủ yếu. Từ sau giải phóng, cùng với sự gia tăng dân số của quận 6 nói chung,
những người đi kinh tế mới hoặc hồi hương sau chiến tranh về lại thành phố và dân ngoại tỉnh đến
định cư khiến cho khu vực ngày một đông đúc hẳn lên. Nhu cầu tổ chức không gian sống dẫn đến
việc lấp đi các kênh rạch, ao hồ vốn là những “hồ chứa thiên nhiên” hữu dụng mỗi khi triều lên hay
mưa lớn, nhưng tình trạng ngập lụt chỉ thực sự nặng hơn từ sau năm 2001 đến nay và càng lúc càng
trở nên nghiêm trọng do hiện tượng bê tông hóa mặt đất phổ biến cũng như sự nâng cấp thiếu đồng
bộ giữa các tuyến đường trong khu vực.
Tuy vậy, hẻm 426 là một trong số ít những con hẻm còn lại của phường 12 chưa được nâng
cấp trong năm 2007, hay nói đúng hơn, chưa được “gia cố” lại sau khi các hẻm lân cận lần lượt
được thi công theo phương thức “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, vì vậy đây vẫn còn là một trong
những điểm ngập điển hình của phường 12, quận 6 vào thời điểm cuối năm 2007, đầu năm 2008.
2.2. Mẫu nghiên cứu
Nghiên cứu ở phạm vi quận 6 áp dụng cả hai phương pháp định lượng và định tính với
những công cụ thu thập thông tin như quan sát (quan sát hiện trường và chụp ảnh); phỏng vấn sâu (4
cuộc); Tọa đàm nhóm nghiên cứu với phụ trách công trình công cộng của phường và điều tra 100
phiếu hỏi nhằm tìm hiểu tác động của các yếu tố như dân số, tổ chức không gian sống và ý thức của
dân cư đến tình trạng ngập nước tại thành phố. Trong giới hạn của bài tham luận này, một vài dữ
liệu phù hợp của cuộc nghiên cứu đã được chọn ra và phân tích sâu hơn nhằm phản ánh phần nào
nhận thức của người dân về vai trò của họ cũng như chính quyền, đồng thời mô tả cụ thể hơn một số
hoạt động của người dân trong dự án nâng cấp hẻm theo hình thức “Nhà nước và nhân dân cùng
làm” và nâng nhà chống ngập, trên cơ sở đó rút ra một số nhận định và đề xuất để tăng cường sự
tham gia của người dân vào quá trình chống ngập nước tại địa phương .

2.3. Sự tham gia của người dân hẻm 426, phường 12, quận 6, TP.HCM
Để hiểu hơn về sự tham gia của người dân, chỉ nghiên cứu vài dự án nâng cấp đường, hẻm
thôi thì chưa đủ. Sự tham gia này cần được nhìn nhận ở cả phương diện ý thức bao gồm nhận thức,
thái độ, hành vi ứng xử hằng ngày của họ trước tình trạng ngập nước và yêu cầu tham gia. Tuy
nhiên, với các dữ liệu và thông tin mà nghiên cứu có được, những tóm tắt dưới đây chỉ dừng lại
trong việc phản ánh thực trạng tham gia của người dân ở một vài khía cạnh nhằm rút ra một số bài
học kinh nghiệm cần thiết.
- Nhận thức chung của người dân hẻm 426 trước tình trạng ngập nước
Ở thời điểm nghiên cứu, gần như tất cả các hộ dân hẻm 426 vẫn chưa nghĩ đến chuyện chống
ngập lâu dài cho những năm tới. Theo họ thì điều tốt nhất có thể làm được trước mắt là nâng nền và
sân nhà, còn trong tương lai thì đa số cho rằng vẫn phải chịu đựng và hy vọng sẽ giảm ngập vì
không biết phải đi đâu (52%), có những người chưa nghĩ đến (14%) và 8% cho rằng mình sẽ chuyển
nhà đi nơi khác nếu tình hình không thay đổi:
Kế hoạch chống ngập cho những năm tới
Sẽ chuyển nhà đi nơi khác
Chịu đựng thêm một thời gian nữa
Chịu đựng và hy vọng vì không biết phải đi đâu
Không có kế hoạch
Khác

Tần số
8
15
52
14
11

Phần trăm
8.0
15.0

52.0
14.0
11.0


Total

100

100.0

Những chương trình mà họ đề ra để đối phó với ngập nước cũng chủ yếu là sẽ tiếp tục nâng
nền nhà lên cao nữa (49%), xây mới lại hoàn toàn (9%), 7% có ý định liên kết với cộng đồng để tìm
ra giải pháp và 20% trả lời với thái độ cam chịu cho qua mùa mưa vì ngoài ra họ không còn một
phương án nào khác. Lựa chọn liên kết với các hộ dân chống ngập chiếm số lượng phần trăm tương
đối khiêm tốn, cho thấy một dự đoán chưa khả quan về tinh thần chống ngập của cộng đồng trong
những năm tới:
Chương trình đối phó
Sẽ nâng nền nhà
Sẽ xây mới lại hoàn toàn
Liên kết với hàng xóm, cộng đồng
Cam chịu cho qua mùa mưa
Khác
Total

Tần số
49
9
7
20

15
100

Phần trăm
49.0
9.0
7.0
20.0
15.0
100.0

Chính vì vậy, dù có những nỗ lực nhất định để chống ngập, suy nghĩ và hành động của nhiều
hộ dân tại địa phương chứng tỏ rằng họ chưa chuẩn bị cho mình một tâm lý sẵn sàng thích nghi với
tình trạng ngập nước thường xuyên diễn ra trong con hẻm; những biện pháp như nâng nhà, nâng sân
lặp đi lặp lại qua nhiều năm cũng cho thấy một sự chống đỡ mang tính bất khả kháng khi họ không
còn biết làm gì hơn để khỏi bị ngập, trong khi lẽ ra họ cần có được sự hỗ trợ hay giúp đỡ theo một
phương cách nào đó để có thể chủ động đối phó với khó khăn này. Tựu chung lại, sự đối phó của họ
vẫn rất bị động và chưa hiệu quả.
Những thất bại trong việc đối phó với ngập nước hình thành trong người dân tâm trạng bức
xúc và lo âu, đặc biệt khi các hẻm lân cận đã lần lượt được nâng cấp khiến nước đổ dồn về hẻm 426
nhiều hơn mỗi khi triều lên hay mưa xuống. Người dân bắt đầu có sự so sánh thiệt hơn về quyền lợi
và nghĩa vụ của mình khi đặt câu hỏi tại sao họ phải sống quá lâu trong tình trạng ô nhiễm, khó chịu
này. Cùng với nó, những yếu kém trong năng lực quản lý và quy hoạch đô thị của thành phố, thể
hiện ở việc nâng cấp không đồng bộ các tuyến đường, tuyến hẻm ở quận 6 đã góp phần làm tăng
thêm thái độ bất mãn của họ đối với vai trò của các cơ quan chức năng và ủy ban phường “bên đó
người ta nâng đường lên rồi nhà người ta nâng lên, đường bên đó cao thì nước dồn về chỗ này. Chỉ
còn chỗ này thôi. Giờ tui nói với cô là cô về báo cáo đường Nguyễn Văn Luông và hẻm 426 mưa
cũng ngập mà không mưa thủy triều lên cũng ngập. Bên đây ngã Tư Phú Lâm bên đây ngã Tư Phú
Định, chỉ độc quyền cái hẻm này là bị ngập. Bao nhiêu năm nay”.
Thực chất của vấn đề bắt nguồn từ những mâu thuẫn trong quan niệm của người dân cũng

như những khiếm khuyết trong cách thức chống ngập của chính quyền (sẽ được phân tích rõ hơn ở
phần sau). Các mẫu phỏng vấn sâu cho thấy trong khi rất bức xúc trước tình trạng ngập nước, người
dân nhìn nhận về nó như một hiện tượng vô cùng phức tạp mà Nhà nước phải là đối tượng chịu
trách nhiệm chính, còn những cố gắng của bản thân họ chỉ mang tính phụ trợ và không hữu ích bao
nhiêu. Họ có tâm lý chờ đợi với hy vọng sẽ “được chú ý” và “được quan tâm”, trong khi đó, để tạm
thời thoát khỏi sự đe dọa của nước ngập, họ vẫn phải liên tục nâng nhà, nâng sân bằng chính tiền
của mình mà hiệu quả đạt được không bao nhiêu; điều này đưa người dân đến kết luận về những yếu
kém trong quá trình chống ngập của các cơ quan chức năng cũng như cho rằng chính quyền chưa
làm tốt vai trò của mình và thực sự quan tâm sâu sát đến đời sống của cộng đồng. Dựa vào các chi
phí cho những hoạt động chống ngập trong gia đình, họ so sánh thiệt hơn, từ chối tham gia hoặc chỉ


tham gia lấy lệ vào những dự án hoặc nghĩa vụ công ích khác liên quan đến ngập khi phường phát
động “người ta nói trong kia Nhà nước làm, ở đây phải Nhà nước và nhân dân cùng làm là cái thứ
nhất. Cái thứ hai là nâng đường thì người ta phải nâng nhà. Nâng nhà còn hổng nổi thì lấy gì mà
nâng đường. Đi họp thì tui chỉ thấy người ta nói như vậy thôi. Nhà người ta thấp thì người ta phải
nâng nhà chứ. Trên kia người ta hổng bù tiền mà còn được bồi thường. Hổng công bằng người ta
đâu có chịu, còn cô nói cái đó tài trợ gì đó thì làm sao biết”.
Vì vậy, vấn đề được đặt ra từ nghiên cứu là phải làm sao để người dân nhận thức được vai
trò và nghĩa vụ của họ trong việc đối phó với ngập nước. Với diễn tiến của các dự án hiện nay,
người dân sẽ còn phải tiếp tục sống trong cảnh ngập lụt vào những năm tới, do đó họ cần có tâm lý
chủ động thích nghi với nó, cũng như có tinh thần phòng vệ kèm theo ý thức cao trong việc giữ gìn
vệ sinh môi trường, hạn chế tối đa những hành vi gây tác động xấu đến tình trạng ngập như tiếp tục
lấp ao hồ, kênh rạch ngăn dòng chảy; lấn chiếm, xây dựng một cách trái phép, xả rác bừa bãi..Đồng
thời, họ cũng phải linh động hơn trong cách tổ chức không gian sống của mình với việc thiết kế nhà
ở sao cho phù hợp, sử dụng những đồ dùng dễ di chuyển nhằm tránh thiệt hại đến mức tốt nhất có
thể. Mặt khác, sự hợp tác chống ngập từ mỗi cá nhân; từ trong nhận thức, quan niệm của mỗi người
dân nếu được củng cố sẽ giúp giải tỏa bớt những lo âu, bức xúc và bất mãn của họ đối với các cơ
quan chức năng, làm thức dậy trong họ tinh thần tự nguyện tham gia. Điều này cũng đồng nghĩa với
việc tăng cường hiệu quả của các hoạt động chống ngập và khả năng bảo vệ cho chính họ, bởi hơn ai

hết, người dân địa phương chính là đối tượng bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi những hậu quả do ngập
gây ra.
Thực trạng tham gia chống ngập của người dân hẻm 426
+ Hoạt động nâng cấp nhà ở
Những năm trước đây, hẻm 426 đã được nâng cấp rất nhiều lần. Mặc dù vậy, với mức độ
ngập ngày một sâu hơn, nhu cầu nâng cấp con hẻm lại được đặt ra, đặc biệt khi những hẻm lân cận
đã lần lượt thi công, khiến lưu lượng nước đổ dồn về khu vực này càng trở nên quá tải. Không thể
chờ đợi, người dân nhận thức được sự cần thiết phải tự cứu mình trước bằng việc rủ nhau tôn tạo lại
phần sân trước nhà, đồng thời nâng nền lên cho khỏi ngập. Điều đáng lưu ý ở đây là mỗi lần nâng,
các hộ dân không chỉ chi phí cho nền hay sân nhà của mình, mà còn phải trả tiền cho việc sửa sang
những hạng mục khác như tô lại tường, làm thêm gờ chắn hay thay cửa mới. Trong số 100 hộ được
điều tra, đã có đến 75 hộ từng nâng nền, trong đó hộ gia đình có tổng chiều cao nâng nhiều nhất là 2
m qua các lần khác nhau. Kinh phí nâng nền, sân hay sửa chữa nhà ở do chính người dân tự bỏ ra,
nhưng khả năng tài chính của các hộ khác nhau nên việc thực hiện diễn ra không đồng đều, ai có
tiền thì làm trước, những hộ chưa có điều kiện thì làm sau.
Xuất phát từ những khó khăn do ngập nước gây ra và mong muốn thoát ngập, người dân tự
bỏ kinh phí sửa nhà hoặc “chấp nhận” bỏ kinh phí để nâng nhà, nhưng họ vẫn nhận thức được tính
tạm thời của giải pháp này. Việc sửa chữa nhà ở chỉ giúp chống ngập trong giai đoạn trước mắt –
khi mực nước ngập còn trong tầm kiểm soát, vậy nên các gia đình này vẫn đang lo lắng về việc phải
có thêm chi phí để tiếp tục tu bổ thêm căn nhà của mình trong tương lai nếu ngập nặng hơn vì họ
không nhận được bất kì sự hỗ trợ nào từ địa phương. Những hộ dân không đủ khả năng sửa nhà
hoặc đã nâng nền rồi mà vẫn ngập thì chọn các giải pháp đỡ tốn kém hơn như làm gờ chắn, kê cao
đồ đạc, làm thêm gác xép hay đơn giản nhất là dùng các vật dụng gia đình như thau, chậu để tát
nước, dùng ván chắn nước mỗi khi ngập; song có thể dễ dàng nhận thấy ước mong chung của những
hộ này là nâng nền, chỉnh trang lại phần hư hại trong nhà mình ngay khi có đủ chi phí.
- Nâng cấp hẻm theo phương thức “Nhà nước và nhân dân cùng làm” năm 2007
+ Bối cảnh


Các hoạt động nâng cấp nhà ở đã rất tốn kém, khó khăn và không đồng bộ thì việc nâng cấp

hẻm còn phức tạp hơn. Trước năm 2007, hẻm 426 là một trong những hẻm chính, được ưu tiên làm
trước theo phương thức “Nhà nước và nhân dân cùng làm” nhưng ở thời điểm đó, người dân chỉ
tham gia đóng góp kinh phí. Với tình trạng ngập trở lại sâu hơn, phường 12 đã tổ chức họp dân một
lần nữa để bàn về việc nâng cấp hẻm vào năm 2007.
+ Diễn biến
Toàn bộ người dân của hẻm được mời lên hội trường ủy ban để nghe phổ biến về kế hoạch,
sau đó các tổ trưởng lại tiếp tục thông báo cho những gia đình trong buổi họp tổ.
Tuy vậy, khác với lần nâng hẻm trước, người dân không nhiệt tình ủng hộ cho mấy vì lần
này họ phải vừa phải đóng góp thêm kinh phí để nâng và tráng nhựa hẻm, đồng thời phải hiến đất do
yêu cầu mở rộng hẻm - trong khi đó những hộ dân cuối hẻm và hẻm kế tiếp không mất mát gì mà
vẫn có con đường thông thoáng để đi. Thực ra, những hộ dân cuối hẻm 426 nằm trong phạm vi quy
hoạch của dự án tân tạo kênh Tân Hóa – Lò Gốm được tài trợ bởi vương quốc Bỉ với mục đích làm
sạch con kênh và khôi phục lại mỹ quan một số khu dân cư xung quanh, do đó được hưởng lợi vì
nhà của họ thuộc về giới hạn tôn tạo của dự án. Việc thi công đã hoàn thành xong, đường đi cao
hơn, thoáng hơn, sạch và đỡ ngập hơn rất nhiều. Tuy nhiên, lại phát sinh một bất cập mới vì nước
bắt đầu đổ dồn từ phần cuối hẻm đến khu vực trũng ở giữa và đầu hẻm 426 vào lúc ngập cao điểm,
đòi hỏi các hộ dân ở phần chưa được nâng còn lại phải tham gia đóng góp với phường ngay trong
năm 2007 để giảm bớt tình trạng nước ngập. Điều đó khiến cho những hộ gia đình này cảm thấy bức
xúc. Họ cho rằng đó là sự thiên vị, không công bằng khi các hẻm khác hầu như không phải hiến đất,
chỉ đóng tiền còn khu vực được dự án Tân Hóa – Lò Gốm tài trợ thì không mất gì mà cũng
thoát ngập trong khi họ vừa phải sửa nhà, vừa đóng tiền và mất đất.
Các chủ hộ phản ứng rất mạnh. Biết mình không may mắn nằm trong dự án tân tạo kênh Tân
Hóa – Lò Gốm, nhưng họ cũng bất bình vì cho rằng phần hẻm chưa được nâng còn lại chỉ vài trăm
thước mà quận phường không rót kinh phí để làm nốt, thành thử chỗ cao chỗ thấp không đều nhau
và chỗ nào đã thấp thì hẻm lại càng trở nên tồi tệ hơn khi có mưa hay triều cường. Mặt khác, một
khi đã nâng hẻm thì dân lại phải nâng nền nhà cho cao hơn, trong khi đó nhiều hộ đã nâng đến hai
ba lần, nếu tiếp tục nâng thì hoặc sẽ đụng trần, hoặc phải xây mới lại và tốn kém rất nhiều chi phí.
Nhiều người khẳng định mình không đáng phải chịu như vậy vì ngập nước không phải do họ gây ra.
Một số hộ dân khác không nắm rõ lắm về dự án tân tạo kênh Tân Hóa – Lò Gốm của vương quốc
Bỉ. Họ ngạc nhiên không hiểu tại sao phần cuối hẻm được thoát ngập “miễn phí” trong khi phần của

họ lại phải đóng tiền và hiến đất. Họ chỉ thấy một nghịch lý duy nhất là cùng là dân, cùng chịu ngập
nhưng có người được ưu ái không phải hy sinh đất hay tiền mà vẫn thoát ngập trong khi mình lại
mất quá nhiều thứ.
Do đó, khi chúng tôi hỏi về giải pháp, nhiều hộ dân trong hẻm khẳng định chỉ khi nào có đền
bù thỏa đáng thì mới nâng hẻm được, ngược lại họ thà chịu cảnh ngập còn hơn bị mất đất. Có thể
nói đây chính là sự xung đột giữa một bên là nhu cầu thoát ngập của người dân với một bên là sự so
đo về tính thiệt hơn nếu họ chấp nhận mất tiền hay đất để đạt được nhu cầu, trong khi bản thân họ
vẫn quan niệm rằng mình không có nghĩa vụ phải làm điều đó bởi ngập là chuyện của Nhà nước.
Điều này cho thấy người dân vẫn chưa có một cái nhìn rõ ràng hơn về tinh thần tập thể trong việc
chống ngập, họ chưa nhận ra được rằng: trong điều kiện của địa phương, nếu họ không góp tay thì
việc nâng con hẻm sẽ chỉ nằm trong dự kiến do khó khăn về kinh phí. Tuy nhiên, nói về vấn đề này
cũng cần liên hệ đến cách thức huy động người dân tham gia chưa thật sự khéo léo của chính quyền,
khi công tác dân vận không được chú trọng và tính minh bạch, công khai về thông tin của dự án
chưa được thực hiện tốt dẫn đến những hiểu lầm trong cộng đồng.


Vì những lý do trên, dự án nâng cấp hẻm 426 như phường 12 đã đề ra vẫn dừng chân tại chỗ
do sự không hợp tác từ phía người dân, kèm theo đó là sự sút giảm uy tín của phường khi đã thông
báo về kế hoạch làm hẻm từ rất lâu mà dự án vẫn chưa được khởi công.
Với tình hình như vậy, phường sau cùng đã quyết định chỉ nâng hẻm lại chứ không thể mở
hẻm rộng hơn để đổ nhựa con hẻm theo dự kiến. Một số hộ khá giả đã đóng trước đó một phần kinh
phí, tuy nhiên do các hộ khác không ủng hộ nên cuối cùng phường phải tạm hoãn dự án lại và số
tiền đó cũng chưa được trả về cho những người dân đã đóng. Những người chưa đóng thì nhấn
mạnh rằng sẽ đóng khi có tiền hoặc khi các hộ khác đã đóng hết, tuy nhiên khi nào họ có thì không
biết được, do đó khả năng đóng góp này cũng chưa mang tính khả thi lắm. Vài trường hợp kiên
quyết không đóng vì theo họ là quá thiệt hại.
Tuy vậy, vào cuối tháng 12 năm 2007, khi nhóm nghiên cứu một lần nữa trở lại con hẻm thì
người dân đang xôn xao về tin phóng đường theo sơ đồ quy hoạch mới do UBND quận 6 làm chủ
đầu tư, trong đó có giải tỏa một phần hẻm 426. Người dân vừa mừng vừa lo, không biết là dự án quy
hoạch này có được tiến hành không? Và nếu thực hiện thì họ sẽ được gì và mất gì trong tương lai.

Thời điểm mà dự án bắt đầu ít nhất cũng sau hai năm nữa, chính vì thế mà bác tổ trưởng tổ 50 của
hẻm 426 khẳng định rằng hẻm chắc chắn phải được nâng cấp trong năm 2008 vì người dân khó có
thể chịu đựng được tình trạng ngập lầy thêm nữa.
+ Mối quan hệ giữa người dân và Ủy ban phường trong quá trình thực hiện dự án
Sở dĩ vai trò của phường và các tổ chức xã hội được chú trọng vì đây là một dự án có thu hút
sự tham gia của người dân theo hình thức Nhà nước và nhân dân cùng đóng góp, và thành phần phổ
biến dự án cũng như khuyến khích dân chúng tham gia không ai khác ngoài các cán bộ của phường.
Tuy nhiên, sự tham gia của người dân vào quá trình chống ngập hẻm 426 cho thấy mối hỗ trợ, liên
kết giữa các hộ dân với nhau cũng như giữa các hộ dân với Ủy ban phường – hay chủ dự án vẫn còn
rất mờ nhạt. Có 19% nhìn nhận rằng bình thường quan hệ giữa phường và hộ gia đình mình đã
không thuận thảo vì nhiều lý do, trong đó có việc người dân cho rằng phường không hỗ trợ kịp thời
cho những khó khăn của họ khi bị ngập nước, hoặc nhận xét rằng phường không quan tâm đến đời
sống của người dân, hứa hẹn nâng đường nhưng đến nay tình hình chưa chuyển biến; một hộ than
phiền về việc phường gây khó dễ khi dân làm đơn xin cấp kinh phí sửa nhà chống ngập; 70% khẳng
định là bình thường với thái độ không lưu ý đến mối quan hệ này nhiều lắm; chỉ có 8% cho rằng
phường rất quan tâm, và đây lại là những hộ thuộc diện chính sách nên phường có thăm hỏi và hỗ
trợ:
Mối quan hệ
Gắn bó hơn do chia sẻ khó khăn
Không tốt và không xấu
Quan hệ không thuận thảo
Khác
Total

Tần số
8
70
19
3
100


Phần trăm
7.9
69.3
18.8
3.0
99.0

Riêng đối với câu hỏi “có nhận được sự hỗ trợ nào từ phía chính quyền khi bị ngập cao điểm
không?”, “không có” là câu trả lời phổ biến. Vì đường quá lầy lội, không ai có thể đi và bản thân
một số thành viên trong phường cũng là người dân ngay tại địa phương, cũng là nạn nhân, cùng chịu
ngập như những hộ khác nên ngoài việc trông chờ nước rút xuống, họ cũng chưa nghĩ ra một sự chủ
động đối phó nào tốt hơn. Cuộc đối thoại với chị phụ trách công cộng của phường 12 cũng cho thấy
hiện phường chưa có một kế hoạch gì thật cụ thể ngoài dự án đã nêu trên, còn chiến lược dài ngày
cho những năm tới thì chưa biết sẽ được thực hiện lúc nào và ra sao; mọi huy vọng đều được quy về


những cố gắng của Sở giao thông công chánh trong việc xóa ngập nước “Nghe nói như vậy thôi chứ
cũng không biết bao lâu. Cũng có. Bây giờ chiến lược đối phó thì có lẽ bên chỗ vừa rồi họp, Hội
đồng nhân dân quận có xuống dự với phường thì cách đối phó nhanh nhất là làm sao nâng cấp các
công trình cống hẻm của các nhánh hẻm xương cá trước, mà chủ yếu là khúc đường Nguyễn Văn
Luông, chúng tôi đã kiến nghị với phường để xin kinh phí, còn với bà con thì vận động góp tiền để
đi lại cho dễ dàng theo phương thức Nhà nước và nhân dân cùng làm, của quận là 80 và dân 20.
Mình chỉ đối phó bằng cách đó thôi vì nước vào nhà thì dân người ta rất bức xúc”
Như vậy, công tác chống ngập năm 2007 tại con hẻm 426 phường 12 cũng chưa mang tính
chủ động và nhanh chóng trong những lúc cần thiết. Dự án mà phường đề ra không được thực hiện
dứt điểm, cũng như chưa nhận được sự tham gia đồng đều, nhiệt tình của dân chúng. Thiếu sự có
mặt của các tổ chức, đoàn thể chính trị xã hội và các thành viên nòng cốt trong cộng đồng, công tác
huy động nguồn lực trong dân, mà cụ thể là kinh phí và đất đai, còn gặp rất nhiều khó khăn, gây trở
ngại cho tiến trình thực hiện dự án.

2.4. Một số nhận định và đề xuất từ thực tế tham gia của người dân hẻm 426, phường
12, quận 6 trong quá trình chống ngập
2.4.1. Nhận định
- Trước tình trạng ngập, nhiều hộ đã rất ý thức trong việc phòng vệ ở thời điểm hiện tại bằng
cách nâng cấp, tu sửa căn nhà của mình. Tuy nhiên, có thể thấy rằng những hành động này vẫn còn
mang tính rời rạc, đơn lẻ và thụ động, đôi khi rất dễ tạo ra nguy cơ ngập nặng hơn đối với những hộ
gia đình khác do việc nâng nhà, nâng sân không đồng bộ. Hơn nữa, đây vẫn là giải pháp bị động vì
chỉ giúp chống ngập “trong nhà”, còn con hẻm về lâu về dài muốn hết ngập phải cần đến sự hỗ trợ
của tập thể, phường, quận và thành phố.
- Ngoài phường, các tổ trưởng tổ dân phố và người dân, vai trò của các tổ chức, đoàn thể
chính trị – xã hội và những đơn vị khác trên địa bàn vẫn còn rất mờ nhạt. Đây có thể là một sự thiệt
thòi lớn cho cộng đồng, vì tình trạng ngập nước chắc chắn sẽ được giải quyết nhanh hơn một khi các
nguồn lực này hợp sức lại với nhau, cùng chung tay chia sẻ khó khăn với chính quyền và người dân.
- Chưa có một tổ chức tự quản do cộng đồng lập ra hoặc có sự liên kết giữa các thủ lĩnh cộng
đồng với chính quyền (ủy ban phường) trong việc kêu gọi và điều phối người dân thực hiện những
nhiệm vụ công ích nói chung và tham gia vào dự án nói riêng. Ngoài một vài hộ dân tự ý thức trong
việc móc cống, làm sạch hố ga vào lúc nước ngập, những nhóm người của dịch vụ vệ sinh đến dọn
dẹp rác và thông cống mỗi tháng, tại đây vẫn chưa có một hoạt động nào chứng tỏ tinh thần chủ
động của người dân trong việc cùng nhau bàn bạc, thảo luận và tìm ra giải pháp để giữ gìn vệ sinh
môi trường hay hỗ trợ hộ dân những lúc khó khăn do ngập nước. Việc thiếu những thành viên nòng
cốt, có uy tín tại địa bàn để làm xương sống cho quá trình huy động nguồn lực trong cả cộng đồng
đã ảnh hưởng không nhỏ đến tính thuyết phục của dự án.
- Khâu vận động, tuyên truyền và giải thích các thắc mắc của người dân cần được thực hiện
tốt hơn nhằm duy trì sự tín nhiệm, quan tâm và nhiệt tình trong dân chúng đối với dự án. Công tác
tài chính và thu chi cần được minh bạch, công khai. Các thông tin liên quan đến dự án phải được
công bố rõ ràng hơn. Trong trường hợp hẻm 426, nhiều người dân còn rất mơ hồ về yêu cầu và nội
dung của dự án, dẫn đến những thắc mắc và nghi ngờ không có lợi cho mối quan hệ giữa cộng đồng
với cơ quan thực hiện là ủy ban phường, từ đó làm làm đi nhiệt tình và niềm tin của người dân đối
với những hoạt động thu hút sự tham gia của họ vào quá trình chống ngập.
- Niềm tin của người dân đối với những hoạt động của chính quyền và vai trò của chính họ

trong quá trình chống ngập còn rất yếu. Nhiều hộ gia đình có thái độ không thiện cảm với cách làm
việc của phường trong những vấn đề khác nên có tình trạng “trên nói, dưới không nghe”. Mặt khác,
việc nâng hẻm kéo dài đã tạo nên một cái nhìn không mấy tin cậy của người dân đối với cấp lãnh


đạo. Đã đành rằng lỗi không phải hoàn toàn về phía phường, nhưng khi người dân thấy phường hô
hào nhiều mà không thực hiện thì họ lại đi đến kết luận “chỉ nói mà không làm”. Đây cũng là lý do
mà một số hộ dân vin vào đó để không đóng tiền.
Từ sự đánh giá của các hộ dân, cũng có thể nhận thấy rằng người dân chưa thực sự đề cao
lắm những giải pháp của phường trong việc chống ngập, và chưa hoàn toàn nhận thức về sự tham
gia như một yếu tố cần thiết. Một số khác tỏ ra không quan tâm cho mấy. Điều này giúp giải thích
một phần nguyên nhân tại sao công tác chống ngập tại địa phương chưa thực sự đạt hiệu quả cao.
2.4.2. Đề xuất
Trên cơ sở sự tham gia của người dân, một số đề xuất được trình bày dưới đây với mục
tiêu huy động tốt hơn tinh thần hợp tác của người dân và nâng cao tiến độ thực hiện dự án:
- Nên tuân thủ một quy trình tham gia với các bước rõ ràng, chặt chẽ từ khâu lập dự án đến
khi thực hiện. Việc áp dụng phương thức “Nhà nước và nhân dân cùng làm” vừa huy động cả kinh
phí lẫn đất đai mà không bồi hoàn như trên cần có sự hợp tác chặt chẽ qua lại giữa phường và người
dân trong suốt tiến trình để người dân nhận thấy mình là đối tượng thụ hưởng của dự án, hiểu rõ về
quyền lợi và trách nhiệm trong việc tham gia. Các buổi họp phải được tổ chức thường xuyên, thậm
chí họp đại trà chứ không chỉ mời các đại diện của tổ để thông báo cặn kẽ về kế hoạch nâng cấp, sau
đó tổ chức thêm những buổi họp khác để thảo luận lấy ý kiến, phân tích thuận lợi và khó khăn, phân
công vị trí – bổn phận rõ ràng và xác định các vấn đề ưu tiên cần thực hiện. Nếu có thắc mắc phát
sinh thì phường phải giải thích kịp thời, thỏa đáng đến các hộ dân trong buổi họp. Nên mời thêm các
tổ chức – đoàn thể, các tổ chức phi chính phủ, đại diện các đơn vị – sản xuất kinh doanh nữa để
tranh thủ sự tài trợ, giúp đỡ của những cơ quan này.
- Nâng cao ý thức và kiến thức của người dân trong công tác chống ngập và bảo vệ mình
thông qua các phương tiện truyền thông đại chúng (ví dụ đài phát thanh), nói chuyện trực tiếp, trao
đổi, thảo luận trong tổ dân phố và nhiều hình thức khác. Có thể huy động – đào tạo các tổ trưởng,
lực lượng thanh niên xung phong hoặc dân phòng có sẵn trong địa phương các chương trình đối phó

với ngập như thế nào, sơ cấp cứu những trường hợp tai nạn do ngập gây ra ra sao, phổ biến kiến
thức về cách xây nhà chống ngập và ban hành những quy định rõ ràng từ phía phường về hoạt động
vệ sinh công ích hằng tuần tại khu vực ngập nhằm động viên người dân có ý thức tham gia tốt hơn.
- Cần có một tổ chức tự quản trong dân cư. Tổ chức này sẽ có nhiệm vụ duy trì các hoạt
động trong cộng đồng, phát động các phong trào tham gia của người dân vào những công việc như
giữ gìn mỹ quan, không xả rác, thu gom rác thải có nguy cơ làm nghẹt dòng chảy v.v…Tổ chức sẽ
có người đứng đầu – là những thành viên uy tín. Họ sẽ là cầu nối giữa người dân và chính quyền
trong việc điều phối mối quan hệ, báo cáo các trường hợp cứu trợ khẩn cấp và những khó khăn của
người dân với chính quyền khi ngập nước xảy ra.
- Huy động thêm sự tham gia của những mạnh thường quân, những người có tâm huyết để
trợ giúp phường, quận trong công tác chống ngập. Một khoản kinh phí có thể được dành ra để hỗ trợ
cho những hộ dân nghèo, những hộ bị thiệt hại nặng nề nhất trong những lúc ngập cao điểm.
- Cần có chính sách khen thưởng những hộ dân đã có đóng góp tích cực cho quá trình chống
ngập cùng với những biện pháp chế tài cụ thể đối với các trường hợp vi phạm, làm ảnh hưởng
nghiêm trọng đến tình trạng ngập nước. Riêng với nhân viên của phường, cần được đào tạo chính
quy về những dự án có huy động sự tham gia của người dân để có thể thực hiện vai trò của mình tốt
hơn, và cũng cần có những điều khoản quy định trách nhiệm - quyền lợi của họ thật công khai, rõ
ràng và thông báo cho toàn thể cộng đồng được biết để họ đảm trách công việc của mình một cách
hiệu quả.
3. Kết luận


Sự tham gia của người dân là một trong những cách tiếp cận tốt nhằm góp phần giải quyết
các bài toán của đô thị. Sự tham gia này không chỉ đơn thuần mang lại lợi ích về chi phí, nguồn lực
mà thông qua đó, mối quan hệ giữa chính quyền và cộng đồng được thắt chặt hơn, niềm tin của nhân
dân vào khả năng quản lý đô thị bằng cách huy động sức dân của chính quyền được tăng cường.
Quan trọng hơn, tinh thần tự quản trong việc bảo vệ đô thị sẽ được củng cố – giúp hình thành nên
những cơ sở vững chắc cho sự phát triển lâu dài của đô thị trong tương lai. Sự tham gia của người
dân trong việc chống ngập trước hết làm giàu thêm kiến thức – thông tin và ý thức của người dân về
nạn ngập nước trong thành phố, hạn chế những thiệt hại về người và tài sản, góp phần giải quyết nhu

cầu thoát ngập ở cộng đồng cơ sở. Tuy nhiên, khởi động, duy trì và phát triển sự tham gia của người
dân một cách lâu dài là công việc không hoàn toàn đơn giản, nó đòi hỏi những sáng kiến và nỗ lực
ngay từ chính cộng đồng cho đến các cấp quản lý cao hơn.
CÁC TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Lương Hồng Quang – Tô Duy Hợp, 2000, Phát triển cộng đồng – Lý thuyết và vận dụng,
NXB Văn Hóa – Thông tin Hà Nội.
2. Thực trạng ngập nước tại TP. HCM: Nguyên nhân và giải pháp. Kỷ yếu hội thảo tại Viện
Kinh tế TP. HCM, 4-8-2006.
3. Trung tâm nghiên cứu phát triển đô thị và Cộng đồng, 2006, Ngập lụt và nhà ở tại các đô
thị Châu Á-Kinh nghiệm cho TP.HCM. NXB TP.HCM.
4. Viện kinh tế TP. HCM, Thực trạng ngập nước tại TP.HCM: Nguyên nhân và Giải Pháp, Kỉ
yếu hội thảo, 8-2006.
5. Võ Kim Cương, 2004, Quản lí đô thị- Thời Kỳ chuyển đổi, NXB Xây Dựng.
6. Số liệu xử lý từ đề tài Nghiên cứu tác động của các yếu tố dân số, tổ chức không gian
sốngvà ý thức cộng đồng đến hiện tượng ngập nước đô thị ở TP.HCM – PGS.TS. Nguyễn
Minh Hòa làm chủ nhiệm đề tài (chưa nghiệm thu).



×