Tải bản đầy đủ (.doc) (3 trang)

Phương pháp dạy tốt môn CÔNG NGHỆ

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (86.06 KB, 3 trang )

Môn Công nghệ (Kỹ thuật CN) đã được đưa vào trường phổ thông từ lâu. Có
nhiều cách nhìn nhận, đánh giá việc dạy và học môn này từ phía giáo viên, học
sinh và phụ huynh học sinh.
Là một người làm công tác Tư vấn - Định hướng nghề nghiệp - Giới thiệu việc làm
đồng thời bản thân có tham gia giảng dạy tại Trường Trung cấp Nghề và dạy môn
Công nghệ cho một trường THPT, tôi thấy học sinh THPT học môn Công nghệ
(hay môn Kỹ thuật trước kia) là cần thiết và quý báu như nhiều môn học khác.
Bởi lẽ:
Về sách giáo khoa:
Các môn học ở bậc học phổ thông được biên soạn có những chuẩn mực cụ thể và
nó là kiến thức cơ bản, mang tính phổ thông. Về điều này với môn Công nghệ tôi
nghĩ đã đáp ứng được điều đó. Nhìn lại sách Kỹ thuật Công nghiệp những năm
trước mới thấy kiến thức khó, dài, trừu tượng, rất nhiều công nghệ cũ, cổ điển
nhưng lại quá thiếu công nghệ mới. Nay thì sách đã được chỉnh lý, cô đọng hơn,
gắn với thực tế nhiều hơn.
Nói về kiến thức học sinh cần phải học thì đương nhiên có chỗ khó có chỗ dễ. Nếu
ta lập luận có những nội dung học sinh chả cần phải học thì thử hỏi trong các môn
khác như Toán, Lý, Hoá... có những nội dung như tính tích phân, luyện thép, sản
xuất điện hạt nhân, giải phẫu, di truyền... nhưng rõ ràng ra trường học sinh của
chúng ta có đi luyện thép cả đâu, có làm bác sỹ hết đâu. Học cái đó là thừa ư?
Không thể nói như vậy.
Ở bậc học phổ thông tất cả các môn học phối hợp, đan kết với nhau nhằm trang bị
cho học sinh các kiến thức phổ thông cơ bản nhất để tạo lập cho học sinh năng lực
tư duy, sáng tạo, giúp cho học sinh khả năng nhận biết thế giới xung quanh ở một
mức độ hợp lý theo độ tuổi.
Khi hết THPT học sinh đi học chuyên nghiệp sẽ được học tiếp các kiến thức
chuyên ngành ở mức độ nâng cao hơn, chuyên sâu hơn trong các trường Cao đẳng,
Đại học. Hoặc giả dụ có em nào đó vì nhiều lý do đi làm ngay để kiếm sống thì chí
ít các em đã đi vào đời với một vốn sống nho nhỏ mà thầy cô, bố mẹ, xã hội đã
trang bị.
Thực tế khi giảng dạy tại trường Trung cấp Nghề, bản thân tôi nhận thấy mình đã


được thừa hưởng công sức của các thày cô dạy môn Công nghệ bên phổ thông, xét
về một khía cạnh nào đó thì đây cũng đã là mang dáng dấp liên thông rồi đấy. Rất
hữu ích.
Dưới góc độ người làm công tác Tư vấn - Định hướng nghề nghiệp và Giới thiệu
việc làm, tôi thấy môn Công nghệ (môn Kỹ thuật nói chung) rất có ý nghĩa. Học
sinh được học qua các dạng công nghệ tiêu biểu, các ứng dụng điển hình của nó thể
hiện ở nhiều ngành nghề khác nhau. Sau đó học sinh tự xem mình có hứng thú với
loại ngành nghề nào, đam mê với loại công nghệ nào. Đồng thời soi lại bản thân
xem mình có năng khiếu hay sở trường, sở đoản ở lĩnh vực đó không. Nếu theo
đuổi ngành nghề đó có phù hợp với mình và gia đình mình không? Học xong có xin
được việc làm ngay và hợp lý không?
Có thể ai đó nghĩ rằng tôi đặt vấn đề như trên là xa quá, viển vông quá. Xin thưa
rằng rất thực tế bởi học sinh học xong 12 là phải tính tới việc chọn nghề chọn
trường rồi. Mà lựa chọn nghề nghiệp cho bản thân là tối quan trọng và cần thiết.
Thế thì môn Công nghệ và các môn khác đã giúp cho học sinh có định hướng nghề
nghiệp chính xác hơn. Vậy không nên coi nhẹ môn học này.
Tuy nhiên để môn Công nghệ làm tròn và làm hết được vai trò của nó thì có mấy
vấn đề theo tôi cần phải quan tâm:
Nội dung cụ thể của từng chương bài có chỗ được chỗ chưa, nên xem lại. Ví dụ ở
bài 10 sách Công nghệ 11 cho học sinh vẽ tách chi tiết từ bản vẽ lắp nhưng với cái
vốn vẽ kỹ thuật học sinh đã được học trước đó thì quả là quá sức, không thể làm
nổi. Hay bài 17 cũng sách trên cho học sinh học về nguyên lý cắt rồi lập quy trình
công nghệ gia công chi tiết trên máy tiện là bất hợp lý, đi quá sâu vào chuyên môn
rồi.
Các thầy biên soạn sách đã bố cục nội dung theo từng nhóm ngành nghề, theo tôi
chỉ nên chọn những ngành nghề đặc trưng thôi, kiến thức đưa ra thật hợp lý, vừa
sức, mang tính cơ bản để ít phải thay đổi chỉnh lý (mấy năm vừa rồi thay sách
nhiều quá). Nội dung nào không thật cần thiết mạnh dạn bỏ đi, phải có cơ bản, có
hiện đại, đừng nhàm chán hay hàn lâm quá khiến cho học sinh không tiếp thu nổi
mất dần hứng thú trong học tập. Tôi mong muốn sách giáo khoa môn Công nghệ

như cửa sổ đưa thế giới công nghệ đến với các em học sinh chứ không phải nó như
con tuấn mã lông đẹp để đưa học sinh đi xem hoa.
Về giáo viên dạy Công nghệ
Người dạy là yếu tố vô cùng quan trọng. Qua người thầy, học trò cảm nhận được
thế giới công nghệ, phân biệt được các loại ngành nghề. Có nhiều loại sản phẩm mà
ở đời sống thường nhật trong gia đình vẫn đang sử dụng, ngày ngày trông thấy nay
được thầy cô chỉ ra cho biết "cội nguồn" của nó. Cái này liệu có khơi dậy sự tò mò
ham khám phá của học trò hay không? Câu trả lời đã rất rõ. Vào một giờ Công
nghệ hay thường được nghe câu nói: "À bây giờ thì em đã hiểu". Người thày, người
cô đã giúp cho thiên hướng của nhiều em được định hình.
Xã hội ta hiện nay đang tồn tại cơ cấu lao động không hợp lý. Đào tạo không gắn
với sử dụng. Nhà nước, doanh nghiệp và người lao động tốn rất nhiều tiền của,
công sức để đào tạo lại do có nhiều lý do nhưng trong đó có việc người lao động
xác định sai năng lực cá nhân, lựa chọn sai ngành nghề. Thực tế hiện nay chỉ ra,
cần phải phân luồng đào tạo để sắp xếp cơ cấu lao động hợp lý. Đó là một việc lớn
nhiều ngành nhiều cấp đang làm nhưng có một đội ngũ giáo viên đang âm thầm
tham gia làm công việc đó qua mỗi giờ lên lớp.
Giáo viên Công nghệ hiện nay còn thiếu và yếu đó là một thực tế. Nhưng không
phải là không có những thầy cô dạy tốt. Nhiều thầy dạy công nghệ đang sống được
bằng nghề "phụ" là sử dụng chính kiến thức công nghệ của mình để kiếm sống
thêm bên ngoài trường sở. Khi thày chữa được xe máy, tivi, máy giặt.. ở những
dạng hỏng thông thường thì thày khỏi lo thiếu vốn liếng để nói với học sinh về
công nghệ. Và lẽ tất nhiên thày biết nghề, thạo nghề khi nói về nghề thì trò sẽ nghe
rất say sưa.
Trong môn Công nghệ tập hợp nhiều kiến thức ở nhiều ngành nghề, không có ai
giỏi chuyên môn tất cả các ngành nghề đó. Thày cô dạy công nghệ ở phía nào đó
giống như bác sỹ. Chả nhẽ kiến nghị Nhà nước ra điều luật kiểu như "Từ nay ai là
bác sỹ ốm phải tự chữa. Cấm đến bệnh viện điều trị".
Hiện nay, ở một số ít trường có thể vẫn còn hiện tượng do thiếu giáo viên Công
nghệ nên lãnh đạo trường "bắt" ai đó dạy chưa đủ giờ, có kiến thức họ hàng với

Công nghệ thì lên dạy Công nghệ. Nên nhớ chính giáo viên công nghệ dạy Công
nghệ đã khó thế thì dân nghiệp dư dạy hay làm sao được. Có thể nói rằng chính
chúng ta đã xem nhẹ môn này, mặc nhiên coi nó là môn phụ nên dành sự quan tâm
cho môn học chưa đúng mức.
Để có những giờ Công nghệ tốt, giáo viên công nghệ chỉ còn cách phải tích cực học
hỏi thêm nhiều hơn nữa, tăng cường tích luỹ kiến thức, kinh nghiệm. Cần đưa công
nghệ Tin học vào giảng dạy ở những bài khó, trừu tượng. Hiện nay, ở nhiều trường
đã có máy tính, máy chiếu. Dùng máy tính chạy mô phỏng những nguyên lý làm
việc của máy móc thiết bị, chỉ vài đoạn video clip là thay cho cả chuyến tham quan
một nhà máy, một dây chuyền công nghệ. Nhờ có máy tính thày giúp trò nhìn thấy
cái đang diễn ra bên trong một cỗ máy khi nó hoạt động.
Tư liệu lấy ở đâu ra? Chính các thầy viết sách đã cung cấp một số rồi đấy, còn thì
lấy trên Internet, một vài người đủ khả năng thì tự quay chụp, thiết kế rồi biên soạn
lại. Tất nhiên, có nhiều trường cơ sở vật chất còn nghèo nhưng với sự quan tâm của
Nhà nước như hiện nay thì việc trang bị một vài cái máy tính, máy chiếu là không
quá khó. Tóm lại, cứ yêu nghề là tìm được hết. Tuy nhiên, đưa công nghệ tin học
vào giảng dạy cũng cần có trí tuệ, đừng lạm dụng hay chỉ mang tính "phong trào".
Xin chúc các bạn đồng nghiệp yên tâm với nghề và làm tốt trách nhiệm cao quý
của mình.

×