Tải bản đầy đủ (.pdf) (94 trang)

Khoảng cách mong đợi về trách nhiệm của kiểm toán viên trong kiểm toán báo cáo tài chính nghiên cứu thực nghiệm tại việt nam

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (737.47 KB, 94 trang )

BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
TRƯỜNG ĐẠI HỌC KINH TẾ THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

NGUYỄN QUỐC KỊP

KHOẢNG CÁCH MONG ĐỢI VỀ TRÁCH NHIỆM CỦA
KIỂM TOÁN VIÊN TRONG KIỂM TOÁN BÁO CÁO TÀI
CHÍNH - NGHIÊN CỨU THỰC NGHIỆM TẠI VIỆT NAM

Chuyên ngành: KẾ TOÁN
Mã số: 60340301

LUẬN VĂN THẠC SĨ KINH TẾ

NGƯỜI HƯỚNG DẪN KHOA HỌC:
PGS.TS. TRẦN THỊ GIANG TÂN

TP. HỒ CHÍ MINH - NĂM 2015


LỜI CAM ĐOAN

Tôi xin cam đoan luận văn thạc sĩ kinh tế: “Khoảng cách mong đợi về trách
nhiệm của kiểm toán viên trong kiểm toán báo cáo tài chính - Nghiên cứu thực
nghiệm tại Việt Nam” là công trình nghiên cứu khoa học của tôi với sự hướng dẫn
của PGS.TS. Trần Thị Giang Tân. Luận văn này chưa được ai công bố dưới bất kỳ
hình thức nào. Tất cả các nguồn tài liệu tham khảo đã được công bố đầy đủ.
TP.HCM, ngày 28 tháng 10 năm 2015
Tác giả luận văn

Nguyễn Quốc Kịp




MỤC LỤC

Trang

Trang phụ bìa
Lời cam đoan
Mục lục
Danh mục các từ viết tắt
Danh mục các bảng biểu
PHẦN MỞ ĐẦU
1. Tính cấp thiết của đề tài ....................................................................................... 1
2. Mục tiêu nghiên cứu ............................................................................................ 2
3. Câu hỏi nghiên cứu .............................................................................................. 2
4. Đối tượng và Phạm vi nghiên cứu ........................................................................ 3
4.1 Đối tượng nghiên cứu ................................................................................ 3
4.2 Phạm vi nghiên cứu ................................................................................... 3
5. Phương pháp nghiên cứu ..................................................................................... 3
6. Kết cấu luận văn .................................................................................................. 4
CHƯƠNG 1: CÁC NGHIÊN CỨU TRƯỚC VỀ KHOẢNG CÁCH MONG ĐỢI
VỀ TRÁCH NHIỆM CỦA KIỂM TOÁN VIÊN TRONG KIỂM TOÁN BCTC
1.1 Các nghiên cứu trước về khoảng cách mong đợi kiểm toán trên thế giới ............ 5
1.2 Các nghiên cứu tại Việt Nam ...........................................................................12
CHƯƠNG 2: CƠ SỞ LÝ THUYẾT
2.1 Trách nhiệm của KTV trong kiểm toán BCTC .................................................15
2.1.1 Trách nhiệm của KTV theo VSA 200 ...........................................................15
2.1.2 Trách nhiệm của KTV theo VSA 240 ...........................................................16
2.1.3 Chuẩn mực kiểm toán Việt Nam số 315 ........................................................19
2.1.4 Chuẩn mực kiểm toán Việt Nam số 330 ........................................................20

2.2 Khoảng cách mong đợi kiểm toán ....................................................................21
2.2.1 Khái niệm khoảng cách mong đợi kiểm toán.................................................21
2.2.2 Nguyên nhân hình thành khoảng cách mong đợi kiểm toán ...........................23
2.3 Lý thuyết nền tảng ...........................................................................................24


2.3.1 Lý thuyết ủy nhiệm .......................................................................................24
2.3.2 Lý thuyết niềm tin ký thác ............................................................................25
CHƯƠNG 3: PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU
3.1 Thiết kế nghiên cứu .........................................................................................28
3.2 Đối tượng khảo sát...........................................................................................29
3.3 Nội dung khảo sát ............................................................................................30
CHƯƠNG 4: KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU KHOẢNG CÁCH MONG ĐỢI VỀ
TRÁCH NHIỆM CỦA KTV TRONG KIỂM TOÁN BCTC TẠI VIỆT NAM
4.1 Tổng quan về hoạt động kiểm toán độc lập tại Việt Nam .................................33
4.1.1 Lịch sử phát triển ..........................................................................................33
4.1.2 Các quy định pháp lý ....................................................................................34
4.2 Kết quả khảo sát khoảng cách mong đợi về trách nhiệm của KTV trong kiểm
toán BCTC tại Việt Nam .......................................................................................35
4.2.1 Thống kê mô tả các đặc điểm của các đối tượng khảo sát..............................35
4.2.2 Kết quả khảo sát về khoảng cách hợp lý .......................................................37
4.2.3 Kết quả khảo sát về khoảng cách năng lực ....................................................46
4.2.4 Kết quả khảo sát về khoảng cách chuẩn mực ................................................50
CHƯƠNG 5: KẾT LUẬN, GIẢI PHÁP VÀ HẠN CHẾ CỦA ĐỀ TÀI
5.1 Kết luận ...........................................................................................................57
5.2 Đề xuất quan điểm và định hướng thu hẹp khoảng cách mong đợi ..................60
5.3 Hạn chế của đề tài và hướng nghiên cứu tiếp theo ...........................................69
Kết luận .................................................................................................................72
Tài liệu tham khảo
Phụ lục



DANH MỤC CÁC TỪ VIẾT TẮT
1. ACCA

Hội kế toán công chứng Anh

2. BGĐ

Ban Giám đốc

3. BQT

Ban Quản trị

4. BCKT

Báo cáo kiểm toán

5. BCTC

Báo cáo tài chính

6. BCTN

Báo cáo thường niên

7. BTC

Bộ tài chính


8. CPA

Chứng chỉ kiểm toán viên

9. ĐVĐKT

Đơn vị được kiểm toán

10. GTTB

Giá trị trung bình

11. KSCL

Kiểm soát chất lượng

12. KTV

Kiểm toán viên

13. NQL

Nhà Quản lý

14. VACPA

Hội kiểm toán viên hành nghề Việt Nam

15. VSA


Chuẩn mực kiểm toán Việt Nam

DANH MỤC CÁC HÌNH VẼ VÀ BẢNG BIỂU
Hình 2.1: Mô hình khoảng cách mong đợi kiểm toán ........................................... 22
Bảng 4.1: Thống kê mô tả các đặc điểm của các đối tượng khảo sát .................... 37


1

PHẦN MỞ ĐẦU
1. Tính cấp thiết của đề tài
Một BCTC đã được kiểm toán luôn tạo được sự tin cậy cho các Cổ đông và
các bên có quyền lợi liên quan của đơn vị được kiểm toán, đặc biệt đó là cơ sở cho
những nhà đầu tư ra quyết định có nên đầu tư hay không. Tuy nhiên, hiện nay niềm
tin đó đã bị suy giảm đáng kể bởi chất lượng hoạt động kiểm toán BCTC bị ảnh
hưởng rất lớn sau nhiều vụ sụp đổ lớn trên thế giới như Enron, Worldcom,…Sự chỉ
trích và mất niềm tin của xã hội vào KTV, vào BCTC đã được kiểm toán do nhiều
nguyên nhân. Một trong những nguyên nhân này là do khoảng cách giữa mong đợi
của xã hội về kiểm toán bao gồm cả mong đợi hợp lý và chưa hợp lý với khả năng
mà nghề nghiệp kiểm toán đáp ứng được. Thuật ngữ “Khoảng cách mong đợi” đã
xuất hiện trong các nghiên cứu từ năm 1970 của thế kỷ trước. Các nghiên cứu kết
luận rằng tồn tại một khoảng cách giữa hiểu biết các KTV về nghề nghiệp của họ so
với nhận thức của những người khác, đặc biệt có sự khác biệt trọng yếu trong nhận
thức về vai trò của KTV đối với việc phát hiện gian lận (Yusuf Munir Sidani, 2007),
có sự khác biệt đáng kể trong nhận thức của nhóm KTV và nhóm lợi ích liên quan
đến báo cáo tài chính như nghiên cứu của Semiu Babatunde Adeyemi và Olayinka
Marte Uadiale, 2011 tại Nigeria, nghiên cứu của Porter bắt đầu từ năm 1989 đến
năm 2008 tại Anh và New Zealand. Nhìn chung, người sử dụng BCTC và các nhóm
lợi ích khác trong xã hội có sự khác biệt về nhận thức liên quan đến chức năng, mục

tiêu kiểm toán hoặc trách nhiệm của KTV. Một số nghiên cứu khác cho thấy nhân
tố thể chế và văn hóa của mỗi nước ảnh hưởng đến kì vọng của xã hội về trách
nhiệm và đánh giá của họ về kết quả thực hiện trách nhiệm của KTV.
Tuy nhiên các nghiên cứu về khoảng cách mong đợi kiểm toán chưa nhiều tại
Việt Nam. Phần lớn các nghiên cứu ở Việt Nam chủ yếu tập trung vào vấn đề về
quy trình lập kế hoạch và hoàn thiện các thủ tục kiểm toán nhằm phát hiện hoặc
ngăn ngừa gian lận (Lý Trần Kim Ngân, 2011; Trương Thị Yến Nhung, 2012 và
Nguyễn Thị Thùy Linh, 2013), đánh giá một số thuộc cá nhân của KTV đối với chất


2

lượng kiểm toán (Nguyễn Thị Ngọc Mai, 2013), những vấn đề về luân chuyển KTV
và những giải pháp để nâng cao chất lượng hoạt động kiểm toán BCTC (Lâm
Huỳnh Phương, 2013; Nguyễn Trọng Thể, 2013 và Nguyễn Quốc Cường, 2013),
nâng cao trách nhiệm của KTV (Ngô Thị Thu Hà, 2007) nhưng chưa chú trọng
mong đợi thực tế của xã hội về trách nhiệm của KTV, trách nhiệm đó đã được KTV
thực hiện như thế nào, bản thân KTV nhìn nhận ra sao, ĐVĐKT nghĩ gì về trách
nhiệm của KTV trong cuộc kiểm toán BCTC. Vì vậy tác giả đã thực hiện nghiên
cứu “Khoảng cách mong đợi về trách nhiệm của KTV trong kiểm toán BCTC Nghiên cứu thực nghiệm tại Việt Nam”. Nghiên cứu này nhằm cung cấp một bằng
chứng thực nghiệm liệu có tồn tại khoảng cách mong đợi kiểm toán tại Việt nam, về
sự mong đợi của xã hội về trách nhiệm hiện tại của KTV trong kiểm toán BCTC tại
Việt Nam hiện nay, đánh giá kết quả thực hiện trách nhiệm của KTV hiện nay như
thế nào theo quan điểm của người sử dụng BCTC và có những đề xuất nhằm thu
hẹp khoảng cách mong đợi đối với trách nhiệm của KTV trong kiểm toán BCTC tại
Việt Nam.
2. Mục tiêu nghiên cứu
 Xem xét liệu có tồn tại khoảng cách mong đợi về trách nhiệm của KTV trong
cuộc kiểm toán BCTC tại Việt Nam hiện nay.
 Tìm hiểu các nguyên nhân tạo ra khoảng cách mong đợi về trách nhiệm của

KTV trong cuộc kiểm toán BCTC tại Việt Nam.
 Đề xuất các giải pháp nhằm giảm thiểu khoảng cách mong đợi về trách nhiệm
của KTV trong cuộc kiểm toán BCTC hiện nay tại Việt Nam.
3. Câu hỏi nghiên cứu
Dựa trên mục tiêu nghiên cứu, luận văn trả lời cho các câu hỏi nghiên cứu như
sau:
 Có tồn tại khoảng cách sự mong đợi về trách nhiệm của KTV trong cuộc kiểm
toán BCTC tại Việt Nam không?
 Các nguyên nhân tạo ra khoảng cách mong đợi về trách nhiệm của KTV trong
cuộc kiểm toán BCTC tại Việt Nam là gì?


3

4. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu
 Đối tượng nghiên cứu: ý kiến của các đối tượng liên quan gồm KTV, công ty
được kiểm toán, người sử dụng BCTC.
 Phạm vi nghiên cứu:
 Luận văn chỉ tập trung vào kiểm toán độc lập, không nghiên cứu về kiểm
toán nhà nước hay kiểm toán nội bộ.
 Không gian: Bảng câu hỏi khảo sát được thực hiện tại Thành phố Hồ Chí
Minh.
 Thời gian: Thời gian thực hiện nghiên cứu từ tháng 08/2015 đến tháng
10/2015.
5. Phương pháp nghiên cứu
Đề tài sử dụng phương pháp định tính thông qua việc thu thập các dữ liệu ban
đầu từ bảng câu hỏi khảo sát và kết hợp phương pháp thống kê mô tả, phân tích
tổng hợp các số liệu thu thập được. Từ đó đánh giá kết quả khảo sát về khoảng cách
mong đợi về trách nhiệm của KTV trong kiểm toán BCTC tại Việt Nam, tìm ra các
nguyên nhân hình thành khoảng cách này nhằm đề ra giải pháp thu hẹp.

Bảng câu hỏi được thiết kế dựa trên bảng câu hỏi từ bài nghiên cứu của Porter
(2012), “Report on research conducted in the united kingdom and new zealand in
2008 investigating the audit expectation-performance gap and users’ understanding
of, and desired improvements to, the auditor’s report” với một vài thay đổi cho phù
hợp với môi trường pháp lý, văn hóa tại Việt Nam cũng như dựa trên một số nghiên
cứu khác.
Các bảng câu hỏi được gửi trực tiếp và thực hiện khảo sát dựa vào ứng dụng của
Google.docs cho ba nhóm đối tượng có liên quan lợi ích đến kiểm toán:
 Nhóm KTV: là những người có kiến thức chuyên môn về kiểm toán và là
những người trực tiếp thực hiện trong cuộc kiểm toán. Đối tượng này tham
gia khảo sát gồm có KTV chính, chuyên viên kiểm toán và trợ lý kiểm
toán…


4

 Nhóm người làm việc tại đơn vị được kiểm toán: là những cá nhân chịu trách
nhiệm trong việc lập và trình bày BCTC, tiếp xúc, trao đổi và giải trình trực
tiếp cho KTV trong quá trình kiểm toán. Nhóm này tham gia khảo sát bao
gồm Ban (Tổng) Giám đốc, Kế toán Trưởng, Kế toán viên…
 Nhóm người sử dụng BCTC: Đây là nhóm có lợi ích liên quan như đánh giá
thông tin tài chính để cho vay hoặc đánh giá tình hình hoạt động để đầu tư
hay đánh giá khả năng đóng góp cho Nhà nước thông qua đóng
thuế,…Nhóm này được khảo sát bao gồm: các nhân viên ngân hàng, các
nhân viên làm việc ở các Công ty Chứng Khoán, các nhân viên làm việc ở
các Cơ quan thuế…
Các số liệu được thu thập, tổng hợp và xử lý bằng phần mềm excel 2010. Từ đó
phân tích thực trạng và đề ra giải pháp nhằm thu hẹp khoảng cách mong đợi của xã
hội về trách nhiệm của KTV trong cuộc kiểm toán BCTC tại Việt Nam hiện nay.
6. Kết cấu luận văn

Luận văn được kết cấu theo 5 chương:
PHẦN MỞ ĐẦU
Chương 1. Các nghiên cứu trước về khoảng cách mong đợi về trách nhiệm của
KTV trong kiểm toán BCTC.
Chương 2. Cơ sở lý thuyết
Chương 3. Phương pháp nghiên cứu
Chương 4. Kết quả nghiên cứu về khoảng cách mong đợi về trách nhiệm của KTV
trong kiểm toán BCTC tại Việt Nam.
Chương 5. Kết luận, giải pháp và hạn chế của đề tài.


5

CHƯƠNG 1: CÁC NGHIÊN CỨU TRƯỚC VỀ KHOẢNG CÁCH MONG
ĐỢI VỀ TRÁCH NHIỆM CỦA KIỂM TOÁN VIÊN TRONG KIỂM TOÁN
BÁO CÁO TÀI CHÍNH

1.1 Các nghiên cứu trước về điều tra khoảng cách mong đợi kiểm toán trên thế
giới
Thuật ngữ “Khoảng cách mong đợi” đã tồn tại từ rất lâu, khoảng 100 năm trước
và là chủ đề được rất nhiều nghiên cứu tiến hành trên thế giới:
[1] Lee (1970) có thể là người tiên phong nghiên cứu đầu tiên về khoảng cách
mong đợi kiểm toán được tiến hành ở Anh. Hơn 80% số người được phỏng vấn
(gồm KTV, công ty được kiểm toán và các đối tượng có lợi ích từ kiểm toán) về
mục tiêu kiểm toán. Các đối tượng cho rằng KTV có trách nhiệm trong việc phát
hiện các gian lận và sai sót trên BCTC, đảm bảo các công ty đã tuân thủ tất cả các
yêu cầu pháp lý của Luật doanh nghiệp, xác minh tính chính xác của sổ sách kế toán
và các hồ sơ, và đưa ra ý kiến về các sự trung thực và hợp lý về BCTC của công ty.
Trái với mong đợi của Lee, sự hiểu biết của KTV về mục tiêu kiểm toán dường như
là không khác với công ty được kiểm toán và các bên có lợi ích từ kiểm toán . Kết

quả này cho thấy rằng KTV dường như đã nhầm lẫn và không xác định rõ mục tiêu
cuộc kiểm toán của mình (Forter 2012, trang 10, đoạn 2).
[2] Beck (1973) đã tiến hành một cuộc khảo sát ở Úc tương tự như của Lee ở
Anh. Kết quả từ nghiên cứu của Beck là cổ đông có mâu thuẫn về tính độc lập của
KTV, đó là các cổ đông tin rằng nếu KTV sở hữu cổ phần trong công ty được kiểm
toán thì lợi ích của KTV sẽ được kết hợp chặt chẽ hơn với những lợi ích của các cổ
đông.
[3] Humphrey, Moizer và Turley (1993) đã tiến hành một cuộc khảo sát tại Anh
để điều tra ý kiến của KTV, công ty được kiểm toán và người sử dụng BCTC về
KTV và công việc mà họ thực hiện. Và cũng giống như các nghiên cứu trước đó,
kết quả nghiên cứu cho thấy rằng những ý kiến của nhóm KTV khác biệt rõ rệt với
những người là các giám đốc tài chính và những người sử dụng BCTC.


6

[4] Porter (1993) đã tiến hành một cuộc khảo sát ở New Zealand để xác định ý
kiến đến trách nhiệm của KTV hiện có theo quy định của pháp luật, các tiêu chuẩn
về sự thực hiện những trách nhiệm đó. Năm 1999, Porter và Gowthorpe (2004)
nhân rộng nghiên cứu năm 1989 của Porter ở cả New Zealand và Anh để so sánh
giữa cơ cấu, thành phần và mức độ của khoảng cách mong đợi kiểm toán ở New
Zealand và Anh 1999, hai nơi có môi trường pháp lý, văn hóa và kinh tế - xã hội
tương tự nhau. Kết quả nghiên cứu cho thấy người sử dụng BCTC vẫn có sự hiểu
lầm về chức năng của kiểm toán và trách nhiệm tồn tại của KTV.
[5] Hian Chye Koh và E-Sah Woo (1998) cho rằng có một sự lo ngại khi KTV
và công chúng có niềm tin khác nhau về trách nhiệm của KTV và các thông điệp
được truyền đạt bởi các báo cáo kiểm toán. Trong những năm gần đây, nhiều công
ty lớn sụp đổ đã làm cho khoảng cách mong đợi kiểm toán càng lớn. Rõ ràng, nhận
thức không hợp lý của công chúng là một nguyên nhân chính của khoảng cách này.
Và điều này phù hợp với các nghiên cứu trước về khoảng cách mong đợi kiểm toán.

Nghiên cứu của tác giả đã thực hiện thông qua xem xét các tài liệu về khoảng cách
mong đợi kiểm toán theo chiều dọc như sau: định nghĩa của khoảng cách mong đợi
kiểm toán; bản chất và cấu trúc của khoảng cách mong đợi; và cách để giảm khoảng
cách mong đợi. Nhóm tác giả hy vọng rằng đó là một nỗ lực có thể cung cấp cái
nhìn sâu sắc về khoảng cách mong đợi kiểm toán.
[6] Best, Peter J and Buckby, Sherrena and Tan, Clarice (2001) nghiên cứu về
mức độ và tính chất của khoảng cách mong đợi kiểm toán tồn tại ở Singapore vào
giữa những năm 1990 và so sánh các kết quả của nghiên cứu này với Schelluch
(1996) tại Úc. Các kết quả từ nghiên cứu này tìm thấy bằng chứng của một khoảng
cách mong đợi kiểm toán rất lớn ở Singapore, đặc biệt là trách nhiệm của KTV đối
với việc ngăn ngừa và phát hiện gian lận.
[7] Z. Jun Lin và Feng Chen (2004) điều tra việc nổi lên như một hiện tượng của
khoảng cách mong đợi kiểm toán tại Cộng hòa nhân dân Trung Hoa. Kết quả cho
thấy rằng vai trò và các lợi ích của kiểm toán được sự công nhận một cách tích cực
bởi những người hưởng lợi ích từ kiểm toán và nhu cầu mở rộng áp dụng kiểm toán


7

ngày càng tăng. Tuy nhiên, nghiên cứu này cũng thu được bằng chứng quan trọng
về sự tồn tại của khoảng cách mong đợi kiểm toán tại Trung Quốc liên quan đến các
mục tiêu kiểm toán; trách nhiệm của KTV trong việc phát hiện và báo cáo gian lận;
và trách nhiệm với bên thứ ba. Các nguyên nhân và ý nghĩa thực tế của sự tồn tại
khoảng cách này là do bối cảnh hiện tại về các điều kiện kinh tế và xã hội của Trung
Quốc và các thủ tục được yêu cầu để thực hiện trong cuộc kiểm toán. Nghiên cứu
này đã làm sáng tỏ sự hiểu biết của người sử dụng và giúp ích rất lớn cho các tổ
chức ban hành và phát triển kiểm toán ở Trung Quốc.
[8] Philmore Alleyne và Michael Howard (2006) điều tra về việc làm thế nào
KTV và người sử dụng cảm nhận được trách nhiệm của KTV đối với việc phát hiện
gian lận, tính chất và mức độ gian lận tại Barbados, và các thủ tục kiểm toán được

sử dụng tại Barbados từ sự kiện Enron. Kết quả từ 43 người được hỏi (19 KTV và
24 người sử dụng) đã chỉ ra rằng tồn tại khoảng cách mong đợi kiểm toán rất lớn tại
Barbados vì KTV cảm thấy rằng việc phát hiện gian lận là trách nhiệm NQL, trong
khi người sử dụng và NQL không đồng ý điều này. Tuy nhiên, nghiên cứu này cũng
phát hiện rằng gian lận không phải là một vấn đề lớn ở Barbados vì các công ty có
kiểm toán nội bộ, hệ thống kiểm soát hữu hiệu và hiệu quả giúp trang bị tốt để đối
phó với việc phòng chống và phát hiện gian lận.
[9] Yusuf Munir Sidani (2007) nghiên cứu xem liệu có sự tồn tại của một
khoảng cách mong đợi giữa KTV và những người không phải KTV tại Lebanon.
Kết quả cho thấy tồn tại một khoảng cách giữa hiểu biết các KTV về nghề nghiệp
của họ so với nhận thức của những người khác, đặc biệt có sự khác biệt trọng yếu
trong nhận thức về vai trò của KTV đối với việc phát hiện gian lận.
[10] Mahdi Salehi (2008) thực hiện nghiên cứu thực nghiệm để xác định khoảng
cách mong đợi về trách nhiệm của KTV giữa KTV và chủ ngân hàng ở Iran. Theo
quan điểm thực tế, các yếu tố quan trọng trong việc nâng cao sự tín nhiệm là sự
nhận thức của các cổ đông đánh giá BCTC được cung cấp bởi nhà quản lý. Trong
những năm gần đây, nhiều vụ bê bối của công ty lớn đã xảy ra, vì vậy các bên thứ
ba yêu cầu KTV phải là một thẩm phán trung thực. Các bên thứ ba mong đợi KTV


8

cần có nhiều trách nhiệm hơn nữa trong việc phát hiện gian lận. Tuy nhiên KTV thì
hiểu rằng giới hạn trách nhiệm của họ là không thể phát hiện tất cả các loại gian lận.
Vì vậy, kết quả nghiên cứu chỉ ra rằng có khoảng cách đáng kể giữa KTV và các
chủ ngân hàng về việc nhận thức trách nhiệm phát hiện gian lận của KTV trong
cuộc kiểm toán BCTC.
[11] Mahdi Salehi (2009) nghiên cứu về sự độc lập của KTV và khoảng cách
mong đợi kiểm toán. Độc lập là cơ sở để đảm bảo độ tin cậy của báo cáo kiểm toán.
Các nguyên nhân để giảm tính độc lập là từ sự phụ thuộc tài chính của KTV với

khách hàng; cạnh tranh thị trường kiểm toán; việc cung cấp các dịch vụ phi kiểm
toán. Từ sự phụ thuộc đó, KTV không thể đưa ra một báo cáo hợp lý. Nghiên cứu
kết luận rằng “sự độc lập của KTV là một yếu tố quan trọng để giảm khoảng cách
mong đợi kiểm toán, bởi vì các nhà đầu tư và những người sử dụng khác đang mong
đợi nhiều hơn từ các KTV và công ty kiểm toán”.
[12] Javed Siddiqui (2009) điều tra những tác động của giáo dục về kiểm toán
trong việc làm giảm khoảng cách mong đợi kiểm toán tại một nền kinh tế mới nổi,
cụ thể là Bangladesh. Nghiên cứu này đã chứng minh rằng giáo dục về kiểm toán
làm giảm đáng kể khoảng cách mong đợi kiểm toán, tuy nhiên, kết quả cũng chỉ ra
rằng mặc dù đã giới thiệu nhiều trường hợp bê bối trong kiểm toán cho các sinh
viên trong chương trình, nhưng vẫn còn một sự mong đợi không hợp lý liên quan
đến trách nhiệm của KTV.
[13] Dan Stirbu (2009) đã đặt ra câu hỏi: Có phải KTV chịu trách nhiệm cho
việc phát hiện gian lận trong những công ty mà họ kiểm tra? Và kết quả là: hầu hết
công chúng nghĩ là có. Các KTV thường không đồng ý. Trách nhiệm của KTV đối
với việc ngăn ngừa, phát hiện và báo cáo gian lận là một trong những vấn đề gây
tranh cãi nhất trong kiểm toán. Và nghiên cứu này đã tìm hiểu về việc nhận thức của
người sử dụng BCTC về mức độ gian lận ở Romania và trách nhiệm của KTV trong
phát hiện gian lận và các thủ tục kiểm toán có liên quan. Kết quả cho thấy đa số
nhận thức sai lầm về mục tiêu của một cuộc kiểm toán. Điều này là do một số người


9

trả lời đã đặt một sự mong đợi cao vào trách nhiệm của KTV trong việc phát hiện
và báo cáo gian lận hơn là yêu cầu của chuẩn mực kiểm toán.
[14] Oyinlola oluwagbemiga (2010) điều tra vai trò của KTV trong việc phát
hiện, ngăn chặn và báo cáo về gian lận. Dữ liệu được lấy từ 184 người được hỏi ở
Nigeria. Kết quả cho thấy rằng những người trả lời rất quan tâm đến các vấn đề gian
lận và đặt mong đợi rất cao về trách nhiệm của KTV về phòng, chống và phát hiện

gian lận. Điều này là trái ngược với nhận thức và mục tiêu chính của KTV. Do đó,
tạo ra một khoảng cách mong đợi kiểm toán rất lớn tại Nigeria.
[15] Fowzia Rehana (2010) cũng nghiên cứu thực nghiệm về khoảng cách mong
đợi kiểm toán thông qua nghiên cứu vai trò của giáo dục về kiểm toán tại
Bangladesh. Khoảng cách mong đợi kiểm toán là sự khác biệt giữa những gì các
KTV thực sự làm và những gì các bên thứ ba nghĩ rằng KTV làm hoặc nên làm
trong việc thực hiện các thủ tục kiểm toán. Sự mâu thuẫn quan điểm đã được làm rõ
liên quan đến vai trò của giáo dục trong việc thu hẹp khoảng cách mong đợi kiểm
toán này. Nghiên cứu này đã được tiến hành nhằm điều tra xem liệu có bằng chứng
cho thấy việc cung cấp giáo dục về bản chất và giới hạn của kiểm toán như là một
phần trong chương trình đào tạo cử nhân kinh doanh góp phần thu hẹp khoảng cách
mong đợi kiểm toán mà nguyên nhân từ một sự hiểu lầm các quy định và mục tiêu
kiểm toán. Cũng như kết quả của các nghiên cứu trước, cho thấy rằng giáo dục về
kiểm toán có hiệu quả đáng kể trong việc thu hẹp khoảng cách mong đợi kiểm toán.
[16] Semiu Babatunde Adeyemi và Olayinka Marte Uadiale (2011) nghiên cứu
về sự tồn tại khoảng cách mong đợi kiểm toán tại Nigeria. Nghiên cứu cho thấy một
khoảng cách mong đợi kiểm toán tồn tại ở Nigeria, đặc biệt là các vấn đề liên quan
đến trách nhiệm KTV. Kết quả cho thấy rằng có sự khác biệt đáng kể trong nhận
thức của nhóm trả lời tạo nên khoảng cách mong đợi kiểm toán tại Nigeria. Do đó,
nghiên cứu kiến nghị cần thiết phải thông tin cho công chúng về các đối tượng của
một cuộc kiểm toán, vai trò và trách nhiệm của KTV để thu hẹp khoảng cách mong
đợi kiểm toán.


10

[17] Omid Pourheydari và Mina Abousaiedi (2011) điều tra liệu có tồn tại một
khoảng cách mong đợi kiểm toán giữa KTV và người sử dụng BCTC tại Iran.
Nghiên cứu sử dụng một công cụ khảo sát để xác định khoảng cách mong đợi kiểm
toán tại Iran. Các phương pháp nghiên cứu tương tự như bởi Schelluch; Best và các

cộng sự; Fadzly và Ahmad; Dixon và các cộng sự. Cũng như các nghiên cứu trước
đó, kết quả đã tìm thấy có sự tồn tại khoảng cách mong đợi kiểm toán tại Iran, đặc
biệt liên quan đến mức độ và tính chất về trách nhiệm KTV đối với phát hiện gian
lận, tính hiệu quả của kiểm soát nội bộ, và trách nhiệm chuẩn bị các BCTC.
[18] Mahdi Salehi (2011) tiếp tục nghiên cứu liên quan đến khoảng cách mong
đợi kiểm toán, lần này tác giả đề cập đến bản chất và kích thước khác nhau của
khoảng cách mong đợi kiểm toán trên toàn thế giới. Nghiên cứu đi đến kết luận rằng
khoảng cách này nên được thu hẹp bởi chính KTV, cải thiện trách nhiệm kiểm toán
trong các chuẩn mực mới và giáo dục cho những người sử dụng khác nhau hiểu về
mục tiêu và bản chất của cuộc kiểm toán.
[19] Fatemeh Saeidi (2012) điều tra sự tồn tại của khoảng cách mong đợi kiểm
toán liên quan đến trách nhiệm của KTV trong việc phòng ngừa và phát hiện gian
lận giữa các đối tượng là KTV, các NQL tài chính và các nhà đầu tư tại Iran. Công
cụ điều tra là một bảng câu hỏi được thiết kế theo Hassink và các cộng sự (2009)
với những thay đổi nhỏ theo chuẩn mực kiểm toán và hội nghề nghiệp kiểm toán ở
Iran. Có 34 câu hỏi được chia thành bốn nhóm: định nghĩa gian lận (Câu hỏi 1-10),
trách nhiệm cho việc phát hiện gian lận (Câu hỏi 11-22), trách nhiệm điều tra nghi
ngờ gian lận (Câu hỏi 23-28), và báo cáo phát hiện gian lận cho sự giám sát của hội
đồng quản trị và xã hội (Câu hỏi 29-34), thu thập 147 bảng trả lời. Kết quả của
nghiên cứu đã cung cấp bằng chứng của sự tồn tại khoảng cách mong đợi kiểm toán
giữa ba nhóm trả lời liên quan đến trách nhiệm ngăn ngừa và phát hiện gian lận của
KTV.
[20] Rasha Kassem và Dr. Andrew Higson (2012) nghiên cứu sâu vào hai lĩnh
vực. Thứ nhất, nó khám phá những lý do đằng sau khoảng cách mong đợi kiểm
toán, và thứ hai, nó đánh giá những nỗ lực của các nhà ban hành chuẩn mực kiểm


11

toán và KTV để thu hẹp khoảng cách liên quan với việc phát hiện gian lận. Và

nghiên cứu này cung cấp một tập hợp các đề xuất để giúp ích cho nỗ lực chống gian
lận của nhà ban hành chuẩn mực kiểm toán và KTV.
[21] Porter (2012) đã tiến hành một cuộc khảo sát ở New Zealand và Anh trong
năm 2008 để xác định ý kiến đến trách nhiệm của KTV hiện có theo quy định của
pháp luật, các tiêu chuẩn về sự thực hiện những trách nhiệm đó và để xác định sự
hiểu biết người sử dụng BCTC về những thông điệp được chuyển tải trên báo cáo
kiểm toán. Nghiên cứu này được mở rộng từ chính nghiên cứu của Porter được thực
hiện trong năm 1999 cũng khảo sát tại New Zealand và Anh nhằm xác định và giải
thích sự khác biệt về khoảng cách mong đợi kiểm toán giữa năm 2008 và 1999 tại
đây. Kết quả của nghiên cứu là các nhóm khảo sát vẫn chưa nhận thức đúng về
trách nhiệm hiện tại của KTV và kỳ vọng KTV thực hiện thêm những trách nhiệm
mà chuẩn mực kiểm toán hiện tại chưa quy định. Điều này cho thấy tồn tại khoảng
cách mong đợi ở Anh và New Zealand. Và khoảng cách này ở New Zealand thì lớn
hơn so với Anh một cách đáng kể. Kết quả này khác so với năm 1999 khi mức độ
chênh lệch khoảng cách mong đợi kiểm toán ở hai quốc gia đã được tìm thấy cơ bản
giống nhau. Từ năm 1999 đến năm 2008, khoảng cách mong đợi ở Anh đã thu hẹp
đáng kể, trong khi đó ở New Zealand mở rộng một chút. Các kết quả nghiên cứu
cho thấy rằng sự thay đổi về khoảng cách mong đợi ở Anh và New Zealand khác
nhau là do việc giám sát hoạt động KTV và công khai cho doanh nghiệp các vấn đề
của BCTC đã kiểm toán tại Anh thì tốt hơn. Kết quả nghiên cứu còn cho thấy nội
dung của chuẩn mực về báo cáo kiểm toán thì ít tác động đến sự hiểu biết của người
sử dụng BCTC về những thông điệp được chuyển tải trên báo cáo kiểm toán.
[22] Klaus Ruhnke & Martin Schmidt (2014) phân tích nguyên nhân của khoảng
cách mong đợi kiểm toán cũng như tác động của những thay đổi đã được đề xuất
nhằm thu hẹp khoảng cách này của các nghiên cứu trước cho các Cơ quan ban hành
luật kiểm toán. Dựa trên bảng câu hỏi khảo sát được tiến hành trong năm 2011 tại
Đức, nghiên cứu phát hiện rằng công chúng đã có những mong đợi quá mức vào
trách nhiệm của KTV theo chuẩn mực hiện hành. Các nguyên nhân khác liên quan



12

là sự đánh giá quá khó, quá mong đợi của công chúng về hiệu quả hoạt động của
KTV, nhưng mặt khác, cũng do sự thiếu năng lực của KTV trong cuộc kiểm toán.
Kết quả nghiên cứu còn cho thấy KTV không nhận thức đầy đủ trách nhiệm của
mình. Ngược lại với các đề xuất của nghiên cứu trước là bắt buộc xoay vòng KTV
và một lệnh cấm thực hiện các dịch vụ phi kiểm toán cho công ty đang được kiểm
toán, nghiên cứu này kiến nghị phải tăng nội dung thông tin của các ý kiến kiểm
toán sẽ thu hẹp khoảng cách này đến một mức độ cao hơn.
[23] Vidisha Gunesh Ramlugun (2014) cho thấy sự tồn tại của một khoảng cách
mong đợi kiểm toán tại Mauritius, đặc biệt hơn liên quan đến trách nhiệm, độ tin
cậy và minh bạch cần thiết từ các KTV. Nguyên nhân của những khoảng cách mong
đợi phát sinh do thiếu hiểu biết của người sử dụng BCTC về vai trò và trách nhiệm
của KTV.
1.2 Các nghiên cứu tại Việt Nam
Mặc dù thuật ngữ “khoảng cách mong đợi” liên quan đến trách nhiệm của
KTV đã được sử dụng nhiều trong các nghiên cứu trên thế giới nhưng chưa phổ
biến ở Việt Nam. Phần lớn các nghiên cứu ở Việt Nam chủ yếu tập trung vào vấn đề
về quy trình lập kế hoạch và hoàn thiện các thủ tục kiểm toán nhằm phát hiện hoặc
ngăn ngừa gian lận (Lý Trần Kim Ngân, 2011; Trương Thị Yến Nhung, 2012 và
Nguyễn Thị Thùy Linh, 2013), đánh giá một số thuộc cá nhân của KTV đối với chất
lượng kiểm toán (Nguyễn Thị Ngọc Mai, 2013), những vấn đề về luân chuyển KTV
và những giải pháp để nâng cao chất lượng hoạt động kiểm toán BCTC (Lâm
Huỳnh Phương, 2013; Nguyễn Trọng Thể, 2013 và Nguyễn Quốc Cường, 2013),
nâng cao trách nhiệm của KTV (Ngô Thị Thu Hà, 2007) nhưng chưa chú trọng
mong đợi thực tế của xã hội về trách nhiệm của KTV, trách nhiệm đó đã được KTV
thực hiện như thế nào, bản thân KTV nhìn nhận ra sao, ĐVĐKT nghĩ gì về trách
nhiệm của KTV trong cuộc kiểm toán BCTC.
Vì có một khoảng trống trong các nghiên cứu truớc tại Việt Nam nên tác giả
đã chọn đề tài này làm đề tài nghiên cứu cho mình. Nghiên cứu này nhằm cung cấp

một bằng chứng thực nghiệm liệu có tồn tại khoảng cách mong đợi kiểm toán tại


13

Việt nam, về sự mong đợi của xã hội về trách nhiệm hiện tại của KTV trong kiểm
toán BCTC tại Việt Nam hiện nay, đánh giá kết quả thực hiện trách nhiệm của KTV
hiện nay như thế nào theo quan điểm của nguời sử dụng BCTC và có những đề xuất
nhằm thu hẹp khoảng cách mong đợi đối với trách nhiệm của KTV trong kiểm toán
BCTC tại Việt Nam.


14

Kết luận chương 1

Nghiên cứu về khoảng cách mong đợi kiểm toán là một đề tài cấp thiết và có ý
nghĩa to lớn đối với người sử dụng BCTC nói riêng và xã hội nói chung. Vì việc
nâng cao chất lượng kiểm toán hiện nay không chỉ cố gắng nâng cao năng lực của
KTV, hoàn thiện các thủ tục kiểm toán hay kiểm soát chất lượng của các công ty
kiểm toán mà còn phải tìm hiểu xem mong đợi thực tế của xã hội hiện nay như thế
nào, hợp lý hay không và họ có đánh giá tốt trách nhiệm mà KTV đã thực hiện
trong cuộc kiểm toán BCTC không, từ đó hạn chế những mong đợi không hợp lý
của các nhóm lợi ích vượt quá khả năng thực tế của KTV nhằm thu hẹp khoảng
cách mong đợi kiểm toán.
Và chủ đề này đã được rất nhiều nghiên cứu trên thế giới thực hiện, điển hình
là nghiên cứu của Porter được tiến hành từ năm 1989 tại New Zealand và mở rộng
cả Anh và New Zealand năm 1999 và 2008. Các nghiên cứu đều có một kết luận:
tồn tại khoảng cách mong đợi kiểm toán tại Anh và New Zealand mặc dù nghiên
cứu ở các năm khác nhau. Đó cũng là kết quả nghiên cứu của Best, Peter J and

Buckby, Sherrena and Tan, Clarice (2001) tại Singapore; Philmore Alleyne và
Michael Howard (2006) tại Barbados; Yusuf Munir Sidani (2007) tại
Lebanon…Tuy nhiên, đề tài này chưa được nghiên cứu nhiều tại Việt Nam. Vì vậy,
tác giả đã lựa chọn thực hiện nghiên cứu về vấn đề này để điều tra xem liệu có tồn
tại khoảng cách mong đợi tại Việt Nam.


15

CHƯƠNG 2. CƠ SỞ LÝ THUYẾT

2.1 Trách nhiệm của KTV trong kiểm toán BCTC
2.1.1 Trách nhiệm của KTV theo VSA 200
Chuẩn mực kiểm toán Việt Nam số 200 được Ban hành kèm theo Thông tư số
214/2012/TT-BTC ngày 06 tháng 12 năm 2012 của BTC. Theo đoạn 11 của chuẩn
mực này, mục tiêu tổng thể của KTV và doanh nghiệp kiểm toán khi thực hiện kiểm
toán BCTC là: “Đạt được sự đảm bảo hợp lý rằng liệu BCTC, xét trên phương diện
tổng thể, có còn sai sót trọng yếu do gian lận hoặc nhầm lẫn hay không, từ đó giúp
KTV đưa ra ý kiến về việc liệu BCTC có được lập phù hợp với khuôn khổ về lập và
trình bày BCTC được áp dụng, trên các khía cạnh trọng yếu hay không”.
KTV phải đạt được sự đảm bảo hợp lý về việc liệu BCTC, xét trên phương
diện tổng thể, có còn sai sót trọng yếu do gian lận hoặc do nhầm lẫn hay không. Sự
đảm bảo hợp lý là sự đảm bảo ở mức độ cao và chỉ đạt được khi KTV đã thu thập
được đầy đủ bằng chứng kiểm toán thích hợp nhằm làm giảm rủi ro kiểm toán (là
rủi ro do KTV đưa ra ý kiến không phù hợp khi BCTC còn có những sai sót trọng
yếu) tới một mức độ thấp có thể chấp nhận được. Tuy nhiên, sự đảm bảo hợp lý
không phải là đảm bảo tuyệt đối, do luôn tồn tại những hạn chế vốn có của cuộc
kiểm toán làm cho hầu hết bằng chứng kiểm toán mà KTV dựa vào để đưa ra kết
luận và ý kiến kiểm toán đều mang tính thuyết phục hơn là khẳng định (đoạn 05).
Những hạn chế vốn có của cuộc kiểm toán do:

 Bản chất của việc lập và trình bày BCTC: việc lập và trình bày BCTC gồm các
xét đoán của BGĐ, nhiều khoản mục trên BCTC liên quan đến các quyết định hoặc
đánh giá chủ quan hoặc có mức độ không chắc chắn dẫn đến kết quả là một số
khoản mục trên BCTC có mức độ thay đổi tiềm tàng, không thể loại trừ hoàn toàn
mà chỉ có thể áp dụng các thủ tục kiểm toán bổ sung để đánh giá.
 Bản chất của các thủ tục kiểm toán: khả năng thu thập bằng chứng kiểm toán
của KTV bị giới hạn về tính khả thi hoặc giới hạn pháp lý như BGĐ ĐVĐKT hoặc
đối tượng khác có thể cố ý hoặc vô ý không cung cấp đầy đủ thông tin; hành vi gian


16

lận có thể được thực hiện tinh vi và kỹ lưỡng để che dấu và KTV không được đào
tạo để làm chuyên gia xác minh chứng từ giả mạo; KTV không có quyền điều tra,
thanh tra, xét hỏi, khám xét như cuộc điều tra của cơ quan pháp luật.
 Sự cân nhắc giữa thời gian và giá phí một cách hợp lý: sự thích hợp của thông
tin, giá trị của thông tin có xu hướng giảm đi theo thời gian và cần cân nhắc sự cân
đối giữa độ tin cậy của thông tin với chi phí bỏ ra để có được thông tin đó.
Theo khoản j, đoạn 13 của chuẩn mực này cũng nêu rõ trách nhiệm của BGĐ
và BQT:
 Lập và trình bày BCTC phù hợp với khuôn khổ quy định;
 Đảm bảo cho việc lập và trình bày BCTC không còn sai sót trọng yếu do gian
lận hoặc nhầm lẫn;
 Cung cấp cho KTV đầy đủ thông tin và quyền hạn cần thiết: tiếp cận với tất cả
tài liệu có liên quan đến quá trình lập và trình bày BCTC như chứng từ kế toán, sổ
kế toán và tài liệu khác; cung cấp và giải trình những yêu cầu của KTV để phục vụ
cho mục đích của cuộc kiểm toán; quyền tiếp cận không hạn chế đối với nhân sự
của ĐVĐKT mà KTV xác định là cần thiết để thu thập bằng chứng kiểm toán.
KTV cũng có trách nhiệm trao đổi thông tin và báo cáo về một số vấn đề phát
sinh từ cuộc kiểm toán với người sử dụng BCTC, BGĐ, BQT hoặc các đối tượng

khác ngoài ĐVĐKT (đoạn 09).
Như vậy, BCTC sử dụng để kiểm toán là báo cáo đã được BGĐ ĐVĐKT lập
với sự giám sát của BQT đơn vị, đã ký tên, đóng dấu theo quy định của pháp luật và
việc kiểm toán BCTC không làm giảm nhẹ trách nhiệm của BGĐ hoặc BQT
ĐVĐKT (đoạn 04).
2.1.2 Trách nhiệm của KTV theo VSA 240
Chuẩn mực này quy định và hướng dẫn trách nhiệm của KTV đối với gian lận
trong quá trình kiểm toán BCTC. Tuy nhiên ngay đoạn 04 đã xác định: “Việc ngăn
ngừa và phát hiện gian lận trước hết thuộc về trách nhiệm của BQT và BGĐ
ĐVĐKT. Điều quan trọng là BGĐ, với sự giám sát của BQT, phải đặc biệt chú ý
đến việc ngăn ngừa gian lận nhằm làm giảm bớt các cơ hội thực hiện hành vi gian


17

lận và phát hiện gian lận qua đó thuyết phục các cá nhân không thực hiện hành vi
gian lận vì khả năng bị phát hiện và xử phạt”. KTV chỉ chịu trách nhiệm đạt được
sự đảm bảo hợp lý rằng liệu BCTC, xét trên phương diện tổng thể, có còn sai sót
trọng yếu do gian lận hoặc nhầm lẫn hay không với những hạn chế vốn có của kiểm
toán (đoạn 05).
Theo đoạn 10 của chuẩn mực này, trách nhiệm của KTV là:
 Xác định và đánh giá rủi ro có sai sót trọng yếu trong BCTC do gian lận;
 Thu thập đầy đủ bằng chứng kiểm toán thích hợp về các rủi ro có sai sót trọng
yếu do gian lận đã được đánh giá, thông qua việc thiết kế và thực hiện những biện
pháp xử lý thích hợp;
 Có biện pháp xử lý thích hợp đối với gian lận đã được xác định hoặc có nghi
vấn trong quá trình kiểm toán.
Để đánh giá rủi ro và các hoạt động liên quan nhằm tìm hiểu về ĐVĐKT và
môi trường hoạt động của đơn vị, KTV phải phỏng vấn BGĐ ĐVĐKT về đánh giá
của họ về rủi ro có thể có sai sót do gian lận trong BCTC, bao gồm nội dung, phạm

vi và tần suất của các đánh giá đó; quy trình xác định và xử lý rủi ro có gian lận;
quan điểm về gian lận, các hoạt động kinh doanh và hành vi đạo đức. Và KTV cũng
phải phỏng vấn bộ phận kiểm toán nội bộ và các đối tượng khác để xác định xem họ
có biết về bất kỳ gian lận nào trong thực tế, nghi ngờ có gian lận hoặc cáo buộc gian
lận nào ảnh hưởng đến đơn vị hay không, và để tìm hiểu các quan điểm của họ về
rủi ro có gian lận tại đơn vị (đoạn 17 – 19).
KTV phải tìm hiểu cách thức mà BQT thực hiện chức năng giám sát quy trình
xác định và xử lý rủi ro có gian lận trong đơn vị của BGĐ và kiểm soát nội bộ mà
BGĐ thiết lập để giảm thiểu các rủi ro. Sau đó, KTV phải phỏng vấn BQT để xác
định xem BQT có biết về bất kỳ gian lận nào trong thực tế, nghi ngờ có gian lận
hoặc cáo buộc gian lận nào ảnh hưởng đến đơn vị hay không và đối với kết quả đã
phỏng vấn BGĐ xem liệu có sự phù hợp và nhất quán (đoạn 20 - 21).
Sau khi phỏng vấn và thu thập các thông tin cần thiết, KTV phải xác định và
đánh giá rủi ro có sai sót trọng yếu do gian lận ở cấp độ BCTC và ở cấp độ cơ sở


18

dẫn liệu của các nhóm giao dịch, số dư tài khoản và thông tin thuyết minh và có
những biện pháp xử lý phù hợp theo quy định của chuẩn mực này. Và khi KTV
khẳng định rằng BCTC có chứa đựng sai sót trọng yếu, hoặc không thể đưa ra kết
luận được rằng BCTC có chứa đựng sai sót trọng yếu do gian lận hay không thì
KTV phải đánh giá các tác động đối với cuộc kiểm toán và cân nhắc thực hiện
những công việc tiếp theo cho phù hợp:
 Thu thập giải trình bằng văn bản của BGĐ và BQT ĐVĐKT về việc thừa nhận
trách nhiệm thiết lập, thực hiện và duy trì kiểm soát nội bộ nhằm ngăn ngừa và phát
hiện gian lận; đã cung cấp cho KTV các thông tin mà họ biết về bất kỳ cáo buộc
gian lận, hoặc nghi ngờ gian lận nào có ảnh hưởng đến BCTC.
 Trao đổi với Ban Giám đốc: khi đã thu thập được bằng chứng về sự tồn tại
hoặc có thể tồn tại gian lận do các nhân viên thực hiện, KTV cần trao đổi ngay với

Ban Giám đốc, kể cả khi vấn đề phát hiện được có thể được coi là không có ảnh
hưởng đáng kể.
 Trao đổi với Ban Quản trị: nếu KTV xác định được hoặc nghi ngờ rằng hành
vi gian lận có liên quan đến BGĐ; các nhân viên giữ vai trò quan trọng trong kiểm
soát nội bộ; những người khác trong trường hợp hành vi gian lận dẫn đến sai sót
trọng yếu trong BCTC thì KTV phải trao đổi vấn đề này với BQT và thảo luận với
BQT về nội dung, lịch trình và phạm vi của các thủ tục kiểm toán cần thiết để hoàn
tất cuộc kiểm toán
 Rút khỏi hợp đồng kiểm toán: xác định trách nhiệm nghề nghiệp hoặc trách
nhiệm pháp lý yêu cầu phải báo cáo với đối tượng đã chỉ định thực hiện cuộc kiểm
toán hoặc báo cáo với các cơ quan quản lý có thẩm quyền (nếu có) về việc KTV rút
khỏi hợp đồng kiểm toán và lý do rút khỏi hợp đồng kiểm toán.
 Trao đổi với các cơ quan quản lý và cơ quan pháp luật có liên quan: nếu xác
định được hành vi gian lận hoặc nghi ngờ có hành vi gian lận thì KTV phải xác định
trách nhiệm báo cáo về hành vi gian lận hoặc nghi ngờ có hành vi gian lận đó với
bên thứ ba (nếu có). Mặc dù trách nhiệm bảo mật thông tin của khách hàng có thể
không cho phép KTV thực hiện việc báo cáo đó nhưng trong một số trường hợp,


19

trách nhiệm pháp lý của KTV có thể cao hơn trách nhiệm bảo mật đó, tùy theo từng
trường hợp cụ thể, KTV có thể phải xin ý kiến của chuyên gia tư vấn pháp luật để
xác định sự cần thiết phải báo cáo về các gian lận với cơ quan quản lý, cơ quan
pháp luật có liên quan để đảm bảo các bước công việc cần thiết đối với lợi ích công
chúng trước ảnh hưởng của các gian lận đã phát hiện.
2.1.3 Chuẩn mực kiểm toán Việt Nam số 315
Chuẩn mực này quy định và hướng dẫn trách nhiệm của KTV là xác định và
đánh giá rủi ro có sai sót trọng yếu do gian lận hoặc nhầm lẫn ở cấp độ BCTC và
cấp độ cơ sở dẫn liệu, thông qua hiểu biết về ĐVĐKT và môi trường của đơn vị,

trong đó có kiểm soát nội bộ, từ đó cung cấp cơ sở cho việc thiết kế và thực hiện
các biện pháp xử lý đối với rủi ro có sai sót trọng yếu đã được đánh giá (đoạn 03).
KTV phải thu thập hiểu biết về khách hàng và môi trường hoạt động để xác
định và hiểu các sự kiện, giao dịch và thông lệ kinh doanh của khách hàng có ảnh
hưởng trọng yếu tới BCTC, qua đó giúp xác định rủi ro có sai sót trọng yếu do gian
lận. KTV phải tìm hiểu các thông tin sau:
 Ngành nghề kinh doanh, các quy định pháp lý.
 Đặc điểm của đơn vị bao gồm lĩnh vực hoạt động; loại hình sở hữu và bộ máy
quản trị; Các hình thức đầu tư mà đơn vị đang và sẽ tham gia; Cơ cấu tổ chức, sản
xuất kinh doanh và quản lý và cơ cấu nguồn vốn của đơn vị.
 Các chính sách kế toán mà đơn vị lựa chọn áp dụng.
 Mục tiêu, chiến lược của đơn vị và những rủi ro kinh doanh có liên quan mà
có thể dẫn đến rủi ro có sai sót trọng yếu.
 Việc đo lường và đánh giá kết quả hoạt động của đơn vị.
Chuẩn mực này đưa ra một số phương pháp giúp KTV thu thập những hiểu
biết về đơn vị, bao gồm:
 Phỏng vấn BGĐ và các cá nhân khác trong đơn vị mà theo xét đoán của KTV
có khả năng cung cấp thông tin hỗ trợ cho việc xác định rủi ro có sai sót trọng yếu
do gian lận.
 Thực hiện thủ tục phân tích.


20

 Quan sát và điều tra.
 Sử dụng các thông tin thu thập được từ kinh nghiệm của các cuộc kiểm toán
trước.
 Thảo luận giữa các KTV, tận dụng hiểu biết của các KTV có nhiều kinh
nghiệm và chuyên môn lâu năm về khách hàng để đánh giá khả năng BCTC của
đơn vị có dễ xảy ra sai sót trọng yếu do gian lận.

2.1.4 Chuẩn mực kiểm toán Việt Nam số 330
Chuẩn mực này quy định và hướng dẫn trách nhiệm của KTV là thu thập đầy
đủ bằng chứng kiểm toán thích hợp liên quan đến các rủi ro có sai sót trọng yếu đã
được đánh giá, thông qua việc thiết kế và thực hiện các biện pháp xử lý phù hợp đối
với các rủi ro. Sau khi xác định và đánh giá rủi ro theo VSA 315, tùy theo rủi ro ở
cấp độ BCTC hay cơ sở dẫn liệu mà KTV có biện pháp xử lý phù hợp.
Biện pháp xử lý tổng thể đối với các rủi ro có sai sót trọng yếu đã được đánh
giá ở cấp độ BCTC có thể bao gồm:
 Nhấn mạnh với nhóm kiểm toán về sự cần thiết phải duy trì thái độ hoài nghi
nghề nghiệp;
 Bổ nhiệm các thành viên nhóm kiểm toán có kinh nghiệm hoặc có kỹ năng
chuyên môn đặc biệt, hoặc sử dụng chuyên gia;
 Tăng cường giám sát;
 Kết hợp các yếu tố không thể dự đoán trước khi lựa chọn các thủ tục kiểm
toán tiếp theo cần thực hiện;
 Thực hiện những thay đổi chung đối với nội dung, lịch trình và phạm vi các
thủ tục kiểm toán
KTV phải thiết kế và thực hiện các thủ tục kiểm toán với nội dung, lịch trình
và phạm vi dựa vào kết quả đánh giá rủi ro có sai sót trọng yếu ở cấp độ cơ sở dẫn
liệu. KTV có thể sử dụng thử nghiệm kiểm soát nếu mong đợi rằng các kiểm soát
hoạt động hiệu quả, hay thử nghiệm cơ bản đối với từng nhóm giao dịch, số dư tài
khoản và thông tin thuyết minh trọng yếu hoặc phương pháp kết hợp thử nghiệm
kiểm soát và thử nghiệm cơ bản cũng là một phương pháp hữu hiệu.


×