Tải bản đầy đủ (.doc) (223 trang)

Loại hình tự sự trong văn học dân tộc Thái (LA tiến sĩ)

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (10.73 MB, 223 trang )

ĐẠI HỌC THÁI NGUYÊN
TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM

NGUYỄN THỊ HẢI ANH

LOẠI HÌNH TỰ SỰ TRONG VĂN HỌC
DÂN TỘC THÁI

LUẬN ÁN TIẾN SĨ NGỮ VĂN

THÁI NGUYÊN - 2017


ĐẠI HỌC THÁI NGUYÊN
TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM

NGUYỄN THỊ HẢI ANH

LOẠI HÌNH TỰ SỰ TRONG VĂN HỌC
DÂN TỘC THÁI
Chuyên ngành: VĂN HỌC VIỆT NAM
Mã số: 62.22.01.21

LUẬN ÁN TIẾN SĨ NGỮ VĂN

Hướng dẫn khoa học:

1. GS.TS Nguyễn Xuân Kính
2. PGS.TS Đào Thủy Nguyên

THÁI NGUYÊN - 2017




i

LỜI CAM ĐOAN
Tôi xin cam đoan đây là công trình nghiên cứu của riêng tôi. Các số liệu, kết
quả được nêu trong luận án là trung thực và chưa được ai công bố trong bất kỳ công
trình khoa học nào. Nếu sai, tôi hoàn toàn chịu trách nhiệm.
Thái Nguyên, tháng 3 năm 2017
TÁC GIẢ LUẬN ÁN

NGUYỄN THỊ HẢI ANH


ii

LỜI CẢM ƠN
Tôi xin bày tỏ lòng kính trọng và biết ơn tới GS.TS Nguyễn Xuân Kính,
PGS.TS Đào Thủy Nguyên – những người thầy đã tận tình hướng dẫn và động viên tôi
trong suốt quá trình thực hiện luận án.
Tôi xin chân thành cảm ơn Ban Giám hiệu, Phòng Sau Đại học, Ban chủ
nhiệm khoa Ngữ Văn, trường Đại học Sư phạm, Đại học Thái Nguyên đã tạo điều
kiện để tôi hoàn thành khóa học và hoàn thành luận án này.
Tôi xin gửi lời cảm ơn đến các trí thức, nhà văn người Thái và đồng nghiệp
của tôi đã chia sẻ nhiều tư liệu và kinh nghiệm quý liên quan đến vấn đề nghiên cứu
của luận án.
Tôi cũng xin bày tỏ lòng biết ơn tới gia đình, người thân, đồng nghiệp, bạn
bè đã động viên và giúp đỡ tôi trong quá trình hoàn thành luận án.
Xin chân thành cảm ơn!
Thái Nguyên, tháng 3 năm 2017

TÁC GIẢ LUẬN ÁN

NGUYỄN THỊ HẢI ANH


iii

MỤC LỤC


iv

DANH MỤC CÁC CHỮ VIẾT TẮT
CTr

:

Cốt truyện

ĐNBN

:

Điểm nhìn bên ngoài

ĐNBT

:

Điểm nhìn bên trong


ĐNNT

:

Điểm nhìn nghệ thuật

ĐTNT

:

Độc thoại nội tâm

DTTS

:

Dân tộc thiểu số

LHTS

:

Loại hình tự sự

LLVH

:

Lí luận văn học


NKC

:

Người kể chuyện

TPTS

:

Tác phẩm tự sự

VHDG

:

Văn học dân gian

VHHĐ

:

Văn học hiện đại


1

MỞ ĐẦU
1. Lí do chọn đề tài

1.1. Đất nước ta đang trong thời kì đẩy mạnh công cuộc công nghiệp hoá, hiện
đại hoá, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế. Đây là thời cơ, vận hội lớn nhưng
đồng thời cũng là những thách thức không nhỏ đối với nền văn học, nghệ thuật dân
tộc. Để tránh bị đồng hóa trong “một thế giới phẳng”, Đảng ta chủ trương xây dựng
xây dựng một “nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”, mà một
trong những chủ trương và giải pháp được Đảng và Nhà nước hết sức quan tâm là
“có chính sách đặc biệt hỗ trợ sự phát triển của ngôn ngữ, chữ viết và văn học, nghệ
thuật các dân tộc thiểu số” (Nghị quyết 23 NQ/TW của Bộ Chính trị ngày
16/06/2008 về Tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kì
mới). Do vậy, nghiên cứu về văn học dân tộc thiểu số (DTTS) là một việc làm phù
hợp và thiết thực nhằm góp phần thực hiện thành công chủ trương của Đảng và Nhà
nước trong xây dựng, phát triển văn học nghệ thuật nói chung cũng như văn học,
nghệ thuật các DTTS nói riêng.
Là một bộ phận cấu thành của nền văn học Việt Nam, văn học các DTTS
trong suốt quá trình vận động, phát triển đã có những đóng góp quan trọng, tạo nên
một nền văn học Việt Nam bản sắc, đa dạng và thống nhất. Bởi vậy, nghiên cứu văn
học Việt Nam không thể không nghiên cứu văn học các DTTS.
1.2. Là DTTS có số dân lớn thứ hai (chỉ sau dân tộc Tày), cư trú trong vùng
lãnh thổ rộng lớn ở miền núi phía Bắc và miền tây các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An,
người Thái ở Việt Nam giữ vai trò quan trọng trong sự nghiệp phát triển kinh tế xã
hội và an ninh quốc phòng của đất nước. Trải qua lịch sử vận động lâu dài, dân tộc
Thái đã sáng tạo nên một nền văn học dân gian (VHDG) phong phú và đa dạng với
đầy đủ các loại hình và thể loại. Đặc biệt, sớm hơn nhiều DTTS khác trên đất Việt
Nam, người Thái đã có chữ viết với những bộ sách cổ trên lá từ hàng trăm năm trước.
Đây cũng là dân tộc ít người hiếm hoi ở miền Bắc sáng tạo được sử thi và nhiều
truyện thơ nổi tiếng. Phát huy truyền thống đó, nền văn học viết hiện đại của dân tộc
Thái cũng đã đạt được những được những thành tựu đáng kể. Trong số không nhiều
các DTTS (19 trên tổng số 53 DTTS anh em) có văn học viết, dân tộc Thái trong hơn
nửa thế kỉ phát triển văn học viết của mình đã xây dựng được một nền văn học khá
toàn diện với đầy đủ các thể loại văn xuôi, thơ, kịch và một lực lượng sáng tác tương

đối đông đảo (14 tác giả, chỉ đứng sau dân tộc Tày).


2
1.3. Trong nền văn học dân tộc Thái, tự sự là một trong những loại hình văn học
kết tinh được nhiều thành tựu. Những thành tựu này có vai trò quan trọng góp phần
tạo nên diện mạo hoàn chỉnh của nền văn học Thái cũng như góp phần khẳng định
vai trò, vị trí của loại hình tự sự (LHTS) văn học Thái nói riêng và của nền văn học
Thái nói chung trong nền văn học các DTTS cũng như nền văn học cả nước.
Mặc dù đã có những công trình nghiên cứu về LHTS trong văn học dân tộc
Thái, nhưng do những nguyên nhân khách quan và chủ quan, những công trình
này mới chỉ dừng lại ở việc tiếp cận trên những góc độ riêng lẻ. Cho đến nay,
chưa có công trình nào nghiên cứu một cách toàn diện, hệ thống về LHTS trong
nền văn học Thái.
1.4. Từ những lí do trình bày ở trên, chúng tôi thấy, việc nghiên cứu LHTS
trong văn học dân tộc Thái theo hướng tiếp cận hệ thống và mang tính chỉnh thể là
hướng tiếp cận cần thiết trong việc tìm hiểu về văn học Thái. Với cách tiếp cận này,
chúng ta sẽ có được một cái nhìn toàn cảnh về LHTS trong văn học dân tộc Thái, về
sự ảnh hưởng của LHTS VHDG truyền thống đến LHTS trong văn học hiện đại
(VHHĐ) cũng như thấy được những thành tựu, đóng góp và vai trò, vị trí của LHTS
trong văn học Thái nói riêng, văn học dân tộc Thái nói chung trong nền văn học Việt
Nam. Đồng thời, qua đó, cũng sẽ góp phần khẳng định, tôn vinh một nền văn học,
một dân tộc đã có nhiều công lao, đóng góp cho sự nghiệp phát triển văn hoá, văn
nghệ các DTTS nói riêng và đất nước nói chung. Vì vậy, chúng tôi lựa chọn vấn đề
Loại hình tự sự trong văn học dân tộc Thái làm đề tài nghiên cứu của luận án.
2. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu
2.1. Đối tượng nghiên cứu
Để thực hiện luận án Loại hình tự sự trong văn học dân tộc Thái, chúng tôi
hướng đến đối tượng nghiên cứu là các tác phẩm thuộc LHTS VHDG và VHHĐ
dân tộc Thái.

2.2. Phạm vi nghiên cứu
2.2.1.Phạm vi tư liệu nghiên cứu
- Các tác phẩm thuộc LHTS trong VHDG và VHHĐ dân tộc Thái, bao gồm
các tổng tập, tuyển tập, hợp tuyển, truyện cổ đã xuất bản và các tài liệu điền dã.
- Các bài viết, công trình nghiên cứu về LHTS trong VHDG và văn học viết dân
tộc Thái nói riêng và của văn học các DTTS nói chung.
- Một số tác phẩm, tác giả tiêu biểu của các dân tộc khác làm cơ sở cho việc đối
chiếu, so sánh làm nổi bật những đặc điểm tiêu biểu của LHTS trong văn học dân tộc Thái.


3
2.2.2. Phạm vi vấn đề nghiên cứu
- Về loại hình tự sự trong văn học dân gian dân tộc Thái
Trong VHDG dân tộc Thái, tự sự là một trong những loại hình đặc biệt phát
triển và có nhiều thành tựu. Điều này được thể hiện trên cả hai mặt: diện và điểm,
lượng và chất. Về diện và lượng, LHTS dân gian Thái có hầu hết các thể loại, bao
gồm: thần thoại, truyền thuyết, sử thi, truyện cổ tích, truyện thơ, truyện cười, tục
ngữ, câu đố và vè. Ở mỗi thể loại, số lượng các tác phẩm được sưu tầm và công bố
cũng rất lớn. Về điểm và chất, ở thể loại nào, dân tộc Thái cũng có những tác phẩm
kết tinh được tinh hoa văn hóa và trí tuệ của tộc người, được công chúng yêu mến
và được giới chuyên môn đánh giá cao.
Tuy nhiên, trong khuôn khổ của luận án, chúng tôi chỉ giới hạn phạm vi vấn
đề nghiên cứu ở 3 thể loại: sử thi, truyện cổ tích, truyện thơ. Sự lựa chọn này được
xuất phát từ ba lí do chính. Thứ nhất, đây là các thể loại được đánh giá là có nhiều
thành tựu và phát triển hơn cả. Thứ hai, đặt trong mối quan hệ hệ thống, chúng tôi
nhận thấy, các thể loại này có sự ảnh hưởng khá rõ nét tới các thể loại thuộc LHTS
hiện đại dân tộc Thái. Do vậy, việc giới hạn phạm vi vấn đề nghiên cứu ở các thể
loại trên sẽ giúp chúng tôi nhận diện rõ tầm ảnh hưởng và mức độ ảnh hưởng của
chúng đối với các thể loại thuộc LHTS hiện đại dân tộc Thái; qua đó, chỉ ra được
bản sắc riêng của LHTS hiện đại dân tộc Thái. Thứ ba, đây cũng là sự lựa chọn phù

hợp với dung lượng và khuôn khổ của một đề tài luận án. Việc nghiên cứu để làm
rõ những thành tựu trên cả hai mặt diện và điểm của loại hình đòi hỏi phải được tiến
hành trong một công trình có tầm khái quát lớn hơn và đầu tư nhiều thời gian hơn.
Chúng tôi hi vọng sẽ có thể tiếp tục quay trở lại với hướng đề tài còn để ngỏ này.
- Về LHTS trong VHHĐ dân tộc Thái: chúng tôi giới hạn phạm vi vấn đề nghiên
cứu qua 4 thể loại: truyện (truyện ngắn và truyện vừa), tiểu thuyết, trường ca và truyện
thơ. Cho đến nay, đây là 4 thể loại kết tinh được nhiều thành tựu hơn cả. Ở các thể loại
này, chúng tôi chủ yếu lựa chọn, khảo sát những tác phẩm, tác giả tiêu biểu đã được
xuất bản thành sách và một số tác phẩm được in trên các tạp chí địa phương.
3. Mục đích và nhiệm vụ nghiên cứu
3.1. Mục đích nghiên cứu
- Phác hoạ diện mạo của LHTS trong nền văn học Thái;
- Làm rõ những đặc điểm về nội dung và nghệ thuật của các thể loại trong
LHTS VHDG và văn học viết dân tộc Thái;


4
- Làm rõ tính kế thừa, phát huy và phát triển các giá trị truyền thống trong
VHHDD của dân tộc Thái;
- Góp phần khẳng định, tôn vinh giá trị của văn học dân tộc Thái trong nền
văn học các DTTS nói riêng và nền văn học Việt Nam nói chung.
3.2. Nhiệm vụ nghiên cứu
- Tìm hiểu những vấn đề khái quát, cơ bản về văn hóa dân tộc Thái để hình dung
vị trí, vai trò của văn học Thái trong nền văn hóa Thái. Đây đồng thời cũng là cơ sở để
chúng tôi nhận thức và chỉ ra được những ảnh hưởng, mối quan hệ qua lại của văn hóa
dân tộc tới các tác phẩm VHDG và văn học viết dân tộc Thái;
- Tiến hành thu thập và xử lí các tư liệu trong phạm vi nghiên cứu của đề tài.
Trên cơ sở đó, tiến hành so sánh, phân tích làm sáng tỏ các luận điểm khoa học và
phác thảo được diện mạo của LHTS trong văn học dân tộc Thái trên các phương
diện cảm hứng nghệ thuật, nhân vật, cốt truyện (Ctr), người kể chuyện (NKC) và

điểm nhìn nghệ thuật (ĐNNT);
- Khảo sát, phân tích cảm hứng nghệ thuật của LHTS văn học dân tộc Thái;
- Khảo sát, phân tích, đánh giá nghệ thuật xây dựng Ctr, nghệ thuật xây dựng
nhân vật, NKC và cách tổ chức ĐNNT của LHTS văn học dân tộc Thái;
- Khảo sát, phân tích, đánh giá ngôn ngữ nghệ thuật của LHTS văn học
dân tộc Thái.
4. Phương pháp nghiên cứu
Đề tài sử dụng kết hợp các phương pháp sau:
- Phương pháp khảo sát, thống kê, phân loại: được sử dụng trong quá trình thu
thập và xử lí tư liệu nhằm đưa ra được những con số, bảng biểu thống kê, phân loại
cụ thể, xác thực và đáng tin cậy phục vụ quá trình nghiên cứu.
- Phương pháp nghiên cứu điền dã và phương pháp phỏng vấn chuyên gia:
được sử dụng trong quá trình thu thập tư liệu, gặp gỡ, phỏng vấn sâu với các nhà
văn Thái hiện đại.
- Phương pháp so sánh: được dùng để khảo sát những mối liên hệ giữa các thể
loại thuộc LHTS văn học dân tộc Thái với nhau, trong mối tương quan với nền
văn học của các DTTS khác và với nền văn học dân tộc Kinh. Qua đó, chỉ ra
những ảnh hưởng cơ bản và mối quan hệ giữa chúng với nhau, đồng thời cũng
dùng để chỉ ra những ảnh hưởng của LHTS dân gian đối với LHTS hiện đại trong
văn học dân tộc Thái


5
- Phương pháp nghiên cứu liên ngành: Mỗi một hiện tượng, tác phẩm, thể loại
văn học đều nằm trong mối quan hệ quy chiếu đa chiều với các ngành khoa học
khác như dân tộc học, văn hóa học, lịch sử học…, đặc biệt là các tác phẩm VHDG
với đặc trưng nguyên hợp của nó. Sử dụng phương pháp này sẽ giúp tác giả nghiên
cứu có thể tìm hiểu, cắt nghĩa, phân tích, lí giải các hiện tượng, tác phẩm, thể loại
văn học đó trong tính phức hợp, đa chiều vốn có.
- Phương pháp phân tích, tổng hợp: được áp dụng để phân tích các tác phẩm,

tác giả cụ thể, qua đó rút ra những kết luận, nhận định khái quát chứng minh cho
các luận điểm khoa học của luận án.
- Phương pháp hệ thống hóa: LHTS bản thân nó đã là một hệ thống bao gồm
nhiều thể loại khác nhau. Trong mỗi thể loại lại bao gồm hệ thống các tác phẩm
được biểu hiện qua các phương diện nội dung, hình thức nghệ thuật… Phương pháp
hệ thống hóa sẽ giúp tác giả luận án nhận thức một cách toàn diện, rõ ràng, theo hệ
thống những vấn đề nghiên cứu đã đặt ra.
5. Đóng góp của luận án
- Trên cơ sở hệ thống, tiếp thu những thành tựu nghiên cứu của các nhà khoa
học đi trước, luận án đã bổ sung, khái quát, tổng hợp các giá trị và thành tựu về
LHTS trong văn học dân tộc Thái. Đặc biệt, luận án góp một cái nhìn hệ thống, toàn
diện về LHTS trong văn học dân tộc Thái.
- Với cách tiếp cận trên, luận án đã trình bày diện mạo chung về LHTS trong
nền văn học dân tộc Thái bao gồm cả VHDG và VHHĐ, đồng thời, qua đó, cũng
chỉ ra được tính kế thừa trong việc phát huy bản sắc dân tộc của văn học Thái hiện
đại - một yếu tố rất quan trọng làm nên giá trị, bản sắc của nền văn học mỗi dân tộc.
- Những kết quả nghiên cứu của luận án là cơ sở cho việc khẳng định, tôn vinh
và khuyến khích sự phát triển của một nền văn học đã có nhiều đóng góp cho nền
văn học các DTTS nói riêng và văn học Việt Nam nói chung.
- Những kết quả nghiên cứu của luận án có giá trị thực tiễn trong việc nghiên
cứu, giảng dạy VHDG và văn học viết dân tộc Thái nói riêng, văn học các DTTS
nói chung trong trường học các cấp ở Việt Nam.
- Những kết quả nghiên cứu của luận án cũng sẽ góp phần vào việc bảo tồn và
phát huy vốn văn hoá của các DTTS.


6
6. Cấu trúc của luận án
Ngoài ba phần chính là Mở đầu, Nội dung và Kết luận, luận án còn có các
phần Thư mục tham khảo và Phụ lục.

Phần Nội dung của luận án được triển khai thành bốn chương. Cụ thể như sau:
Chương 1. Tổng quan vấn đề nghiên cứu
Chương 2. Cảm hứng nghệ thuật trong loại hình tự sự văn học dân tộc
Thái
Chương 3. Cốt truyện và nhân vật trong loại hình tự sự
văn học dân tộc Thái
Chương 4. Người kể chuyện và ngôn ngữ nghệ thuật trong loại hình tự sự
văn học dân tộc Thái


7
Chương 1

TỔNG QUAN VẤN ĐỀ NGHIÊN CỨU
1.1. Môi trường địa - văn hóa và loại hình tự sự văn học dân
tộc Thái ở Việt Nam
1.1.1. Môi trường địa - văn hóa của dân tộc Thái ở Việt Nam
1.1.1.1. Đặc điểm địa lí tự nhiên và nguồn gốc lịch sử dân tộc
* Đặc điểm địa lí tự nhiên
Dân tộc Thái ở Việt Nam cư trú chủ yếu ở vùng Tây Bắc. Về mặt địa giới
hành chính, vùng văn hóa Tây Bắc “bao gồm các tỉnh Sơn La, Điện Biên, Lai
Châu, một phần của Hòa Bình, Lào Cai, Yên Bái và miền núi các tỉnh Thanh
Hóa, Nghệ An” [114, tr. 47]. Đây là vùng rừng núi điệp trùng hiểm trở với
những ngọn núi cao nhất nước (như Phanxipăng, Yam Phình...). Xen giữa những
dãy núi trùng điệp là các cao nguyên rộng lớn (Mộc Châu, Tả Phình,…) và
những cánh đồng lòng chảo nổi tiếng từng đi vào câu tục ngữ: “Nhất Thanh, nhì
Lò, tam Tấc, tứ Than”. Hệ thống sông suối của Tây Bắc khá dày đặc. Do ảnh
hưởng của địa hình nên dòng chảy của các sông suối ở Tây Bắc thường đột ngột
và dữ dội, đặc biệt là vào mùa mưa.
Khí hậu nơi đây là khí hậu nhiệt đới khắc nghiệt. Một năm có thể chia ra hai

mùa chính: mùa nóng và mưa, mùa rét và hanh khô. Vào mùa rét, nhiệt độ có khi hạ
xuống đến mức dưới 00C (nhiệt độ âm) gây ra hiện tượng băng tuyết. Vào mùa
nóng, nhiệt độ có thể lên tới 390C và mỗi tiểu vùng lại có những kiểu khí hậu khác
nhau. Khí hậu khắc nghiệt cùng với địa hình núi non hiểm trở khiến vùng Tây Bắc
xưa từng bị coi là vùng “rừng thiêng nước độc”. Người xưa có câu “Nước Sơn La,
ma Hòa Bình” nhằm nói về cái dữ dội của thiên nhiên nơi đây.
Tuy có địa hình phức tạp song về tổng thể, có thể ví vùng Tây Bắc rộng lớn
như “một ngôi nhà lớn có hai tầng: tầng 1 (vùng thấp), tầng 2 (vùng cao). Vùng
thấp là vùng cư trú chính của các dân tộc Thái, Mường, Lào, Lự, nhưng gương
mặt văn hóa vùng thấp Tây Bắc là văn hóa Thái” [114, tr. 48]. Vùng cao là nơi cư
trú của các dân tộc Mông, Dao, Hà Nhì, Si La, Khơ Mú. Gương mặt văn hóa vùng
cao là văn hóa Mông.


8
Sống trong một vùng địa lí tự nhiên khắc nghiệt, hiểm trở nhưng cũng rất thơ
mộng, trữ tình, đồng bào các DTTS Tây Bắc, trong đó có người Thái, đã sớm biết
cách chung sống hài hòa với tự nhiên, khai thác các nguồn lợi từ nó để phục vụ cho
cuộc sống. Ở chiều ngược lại, những đặc điểm riêng về địa lí tự nhiên của vùng
cũng để lại những dấu ấn đậm nét và ảnh hưởng lớn đến tập quán cư trú, canh tác,
lối sống và văn hóa tộc người.
* Nguồn gốc lịch sử dân tộc
Theo kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học và những ghi chép trong các tập
sử thi của người Thái thì họ là cư dân cổ của vùng Tây Nam và Vân Nam (Trung
Quốc). Từ đó, họ thiên di vào Tây Bắc Việt Nam theo nhiều đợt kể từ thế kỉ VII đến
thế kỉ XIV, trong đó có 3 đợt thiên di lớn vào thế kỉ IX đến thế kỉ XI. Cũng có ý kiến
cho rằng, ngành Thái Trắng và bộ phận Thái Đen Mường Thanh có nguồn gốc bản
địa (tổ tiên của họ là người Tày - Thái cổ). Vào đầu thiên niên kỉ I CN, tổ tiên người
Tày - Thái cổ dã từng tham gia vào việc xây dựng quốc gia Âu Lạc của Thục An
Dương Vương, sau đó, một bộ phận di cư sang phía tây, tách khỏi bộ phận gốc là

người Tày hiện nay. Còn bộ phận Thái Đen có mặt tại Mường Lò (Văn Chấn, Yên
Bái) là con cháu của Tạo Xuông, Tạo Ngần gốc từ Vân Nam, Trung Quốc di cư sang
(vì thế người Thái Đen ở Thuận Châu luôn coi Mường Lò là “quê cha, đất tổ”).
Ở Việt Nam, người Thái phân chia thành hai ngành: Thái Đen [Tay (Thay)
Đăm] và Thái Trắng [Tay (Thay) Khao hay Đón].
Từ rất lâu, nhóm Thái Đen đã theo nếp cũ coi mình thuộc dòng tộc mẹ, mang
biểu tượng rồng ở nước kết hợp với dòng tộc cha mang biểu tượng chim én ở cạn
(núi). Người Thái Trắng coi mình thuộc dòng dõi mẹ - chim - cạn (núi) kết hợp
với cha - rồng - nước [143, tr. 15]. Dân số của cộng đồng người Thái là 1.550.423
người [23, tr. 14].
1.1.1.2. Đặc trưng văn hóa dân tộc
* Văn hóa vật chất
Là chủ nhân của vùng thấp Tây Bắc, cuộc sống của người Thái gắn liền với
núi rừng, với những dòng sông, con suối. Chính địa bàn cư trú này đã tạo ảnh
hướng lớn và để lại những dấu ấn đậm nét trong văn hóa dân tộc. Trải qua hàng
ngàn năm khai thác tự nhiên Tây Bắc, người Thái đã tạo được hệ sinh thái nhân văn
thường được gọi là “văn hóa thung lũng”.


9
Người Thái ở Việt Nam là cư dân nông nghiệp, sống bằng nghề làm ruộng
nước là chính. Kĩ thuật trồng lúa của người Thái đạt đến trình độ cao so với
nhiều DTTS anh em khác.
Bên cạnh việc trồng cấy lúa nước, người Thái còn có tập quán làm nương
rẫy. Ngoài làm ruộng và nương, người Thái còn chăn nuôi (trâu, bò, lợn, gà, cá
ruộng,…), săn bắn (muông thú), hái lượm (lâm thổ sản, rau, măng,…) và đánh cá
(ở các sông, suối).
Để tự cung tự cấp, các gia đình Thái trước đây đều làm nghề thủ công. Hầu
hết đàn ông đều biết đan lát, làm đồ dùng cho nông nghiệp, đánh cá. Theo tập quán,
người con gái Thái, khi lấy chồng phải mang theo của hồi môn bắt buộc là chăn,

đệm, gối cho gia đình nhà chồng. Vì vậy, con gái Thái học dệt từ rất sớm. Phụ nữ
Thái nổi tiếng trong việc dệt vải thổ cẩm và thêu thùa với những mặt hàng tinh xảo
mang đậm bản sắc dân tộc.
Đối với người Thái, nếp là lương thực chính. Hiện nay, người Thái đã bắt đầu có
thói quen ăn tẻ. Mặc dù vậy, đối với họ, “nếp vẫn là thứ lương thực lí tưởng, đồng thời
vẫn là vật đặc trưng cho văn hóa tộc người” [178, tr. 169].
Người Thái ưa dùng đồ nướng. Trong các món ăn của người Thái, cá có một vị
trí quan trọng. Ngoài ra, khi nói tới phong tục ẩm thực của người Thái không thể không
nhắc tới rượu. Rượu là thức uống trong các dịp vui buồn và là vật tượng trưng của các
nghi thức. Do đó, trong cuộc sống, với ý nghĩa nào đó, dân tộc này đã xem nó như một
thức uống cần thiết hàng đầu, dùng quanh năm, ngang tầm với cơm (lảu khảu), trong
đó nổi tiếng nhất là rượu cần (lảu xá). Theo người Thái, cuộc sống sung túc lí tưởng là
đạt tới mức như câu tục ngữ đã tổng kết: “Đi, ăn cá; về, uống rượu; đêm đến đắp chăn
nằm đệm” (pay, kin pa; ma, kin lảu; tảu, non xứa hốm ha).
Theo truyền thống xưa thì người Thái ở nhà sàn. Điều đặc biệt của kiến trúc nhà
sàn cổ của người Thái là không phải dùng đến một mẩu sắt nhỏ nào trong thiết kế.
Thay vào đó là cả một hệ thống dây chằng, buộc, thắt khá công phu và tinh xảo
bằng lạt tre, giang và mây hoặc vỏ những cây chuyên dùng được gọi là hu, xa,
năng, xiều. Nhìn vào cấu trúc mái, ta có thể phân biệt kiểu nhà sàn của từng nhóm
địa phương khác nhau. Nhà sàn của người Thái Đen và Thái Trắng ở Mộc Châu,
Sơn La thì có mái “vòm khum mai rùa” (tụp môn, côm, xlăng táu) và thường đặt ở
hai đầu hồi hình biểu tượng tạc bằng gỗ quét vôi trắng hai thanh tre, tựa như hai đôi


10
sừng gọi là khau cút. Nhà sàn của người Thái Trắng ở Mường Lay, Mường Tè,
Phong Thổ (Lai Châu) do có mặt phẳng cắt hình chữ nhật gần vuông nên có 4 mái
thẳng và gấp góc (tụp lặt). Nhà sàn của người Thái ở vùng Thanh Hóa, Nghệ An có
mái thấp, lòng nhà hẹp, có dáng gần với nhà sàn của người Mường.
Việc bố trí không gian ở trong ngôi nhà sàn của người Thái tuân theo những

quy định hết sức chặt chẽ. Nếu phân đôi bổ ngang theo chiều quá giang, ngôi nhà
được chia thành hai nửa là bên quản và bên chan. Theo quy định và phong tục, bên
quản dành chủ yếu cho các sinh hoạt đàn ông, khách quen; bên chan dành chủ yếu
cho các sinh hoạt của phụ nữ, gắn với các công việc nội trợ. Nếu phân đôi không
gian dọc theo chiều đòn nóc, nhà sàn được chia thành 2 phần quy định tập quán đặt
nơi ngủ. Đó là “mé đầu” hay “phía trên” của thân nhà quay đầu về sườn núi dùng để
đặt hướng đầu khi ngủ; còn “mé chân” hay “phía dưới” hướng về phía cánh rừng,
dòng suối, sông con dùng để duỗi chân.
Đối với người Thái, nếp nhà sàn không chỉ là một đơn vị không gian chứa đựng
một tế bào của xã hội (nên người Thái mới gọi là “cộng đồng nhà” (chua hươn) hay
mang ý niệm là “nơi chứa đựng cộng đồng những người thuộc dòng máu cha” [ 178, tr.
124] (nên có tên “nhà tông - nhà cúng” (hươn đẳm - hươn pang) mà còn là không gian
chứa đựng văn hóa tâm linh.
So với nam giới, trang phục nữ của người Thái được cho là độc đáo vì đã làm
tăng vẻ đẹp trời ban của người con gái. Lê Ngọc Thắng đã có lí khi nhận xét rằng y
phục Thái nổi tiếng “bởi sự hài hòa giữa cái che và cái phô ra, giữa cái giản dị mà
không kém phần lộng lẫy” [178, tr. 145]. Phụ nữ của hai ngành Thái là Đen và
Trắng đều mặc váy đen, áo ngắn (xửa cỏm). Áo cỏm được may khéo léo ôm bó sát
người làm tôn vẻ đẹp khỏe mạnh, tự nhiên và vóc dáng “thắt đáy lưng ong” của cơ
thể. Dọc hai đường viền vạt áo có khuy cài bằng bạc hình bướm hoặc ve. Điểm
khác biệt trong chiếc áo của phụ nữ hai ngành Đen và Trắng là chi tiết cổ áo. Trang
phục nữ Thái Đen còn có khăn piêu mầu đen, hai đầu có thêu những hoa văn kỉ hà
bằng chỉ nhiều màu sắc.
Kiểu để tóc của phụ nữ Thái phân biệt khá rõ hai ngành Đen và Trắng. Khi
chưa chồng, nữ Thái Đen búi tóc đằng sau gáy (khót phôm), khi có chồng búi tóc
ngược lên đỉnh đầu để hơi nghiêng về bên trái (tẳng cảu). Chồng chết, trong thời
gian để tang thì búi ở lưng chừng giữa đỉnh đầu với gáy gọi là “búi tóc kiêng” (khót
phôm me mải), hết tang lại tiếp tục búi tóc ngược như khi chồng còn sống.



11
Người Thái có ngôn ngữ và văn tự riêng. Ngôn ngữ của dân tộc này thuộc hệ
ngôn ngữ Thái - Ka đai (tức hệ ngôn ngữ Nam - Thái), bắt nguồn từ hệ chữ Sanscrit
(Ấn Độ). Do có chung một cội nguồn, ngôn ngữ Thái có tỉ lệ thống nhất cao. Việc có
văn tự và chữ viết riêng chứng tỏ trình độ phát triển văn minh cao của người Thái.
* Về văn hóa tinh thần
Khác với nhiều dân tộc khác trên dải đất hình chữ S này, người Thái không
chịu ảnh hưởng của Phật giáo hay các tôn giáo ngoại lai khác. Bên cạnh trạng thái
tôn giáo nguyên thủy “vạn vật hữu linh”, xưa nay, “dân tộc này vẫn tin và thờ một
lực lượng siêu nhiên mà thuật ngữ Thái gọi là “phi” [178, tr. 403]. Người Thái quan
niệm, mỗi một cá thể người có “30 hồn ở phía trước và 50 hồn ở phía sau” (xam xíp
khuôn mang nả; hả xíp khuôn mang lăng).
Khi giải thích về sự tồn tại của linh hồn, người Thái cũng tin rằng: người có
linh hồn của người; bản, mường có linh hồn của bản mường và cõi trời cũng có nơi
chứa đựng “những linh hồn bất biến” [143, tr. 139]. Khi con người còn sống, linh
hồn tồn tại trong thể xác, gọi là phi khoăn. Khi con người chết đi, một phần hóa
thành ma ác và một phần (hồn chủ) thì trở thành ma nhà, tức tổ tiên (phi hươn).
Tương tự như vậy, người Thái có Phi bản, Phi mương (Thần bản, Thần mường) và
Phi phạ, Phi Then (Cõi trời),...
Quan niệm và niềm tin trên về các loại phi (linh hồn) của người Thái đã dẫn đến
sự ra đời của các nghi thức và nghi lễ liên quan như: lễ “sửa hồn” (peng khuôn), lễ “gọi
hồn lạc” (hiệck khuôn lông) và lễ “cúng hồn” (xên khuôn), lễ “cúng nhà” (xên hươn),
nghi lễ và nghi thức liên quan đến việc cúng linh hồn bản, mường gọi là xên bản, xên
mường... Ngày nay, việc cúng bản, cúng mường và cúng then đã không còn được tổ
chức trong cộng đồng người Thái. Tuy nhiên, với quan điểm gìn giữ bản sắc dân tộc,
các loại lễ xên bản, xên mường đang được Nhà nước khuyến khích phục dựng.
Ngoài các nghi thức, nghi lễ liên quan đến linh hồn mang đặc trưng văn hóa
tộc người, đồng bào Thái còn có những lễ hội nổi tiếng khác như lễ hội Xăng khan,
hay còn gọi là lễ hội Kin chiêng boóc mạy hoặc hội Chá chiêng; lễ hội Hoa ban,…
Nguyên tắc cơ bản trong hôn nhân của người Thái là ngoại hôn dòng họ. Việc

kết hôn lại tuân theo nguyên tắc hôn nhân thuận chiều trên cơ sở ba mối quan hệ cơ
bản trong dòng họ của người Thái là Ải noọng - Lung ta và Nhinh xao. Hôn nhân
của người Thái mang “tính phụ quyền và tính mua bán, thể hiện rõ ở vai trò quyết
định của cha mẹ, tiền thách cưới” [122, tr. 135].


12
Theo phong tục truyền thống, người Thái có tục ở rể. Thời gian ở rể có thể
kéo dài từ 8 đến 12 năm. Ngày nay, do sự mai một của truyền thống, lễ cưới của
người Thái cũng giản tiện đi nhiều và thời gian ở rể cũng được rút ngắn, nhiều
nơi không quá 3 năm.
Trên lĩnh vực nghệ thuật dân gian, người Thái nổi tiếng với các họa tiết hoa văn
trang trí trên thổ cẩm, những điệu dân vũ và một nền âm nhạc khá phát triển, trong đó
nổi tiếng nhất là những điệu xòe và những bài dân ca khắp mang đậm màu sắc Thái.
VHDG cổ truyền của đồng bào Thái được lưu giữ lại nhờ phương thức truyền
miệng và ghi chép thành văn. Cho đến nay, dân tộc này còn giữ được cả một kho
tàng VHDG phong phú và độc đáo, bao gồm gần như đầy đủ tất cả các thể loại như
thần thoại, truyền thuyết, sử thi, truyện cổ tích, truyện thơ, tục ngữ, câu đố, truyện
cười,… trong đó, có nhiều tác phẩm lớn đã được giới thiệu rộng rãi và được nhiều
bạn đọc trên cả nước yêu mến đón nhận như Xống chụ xon xao, Quam tô mương,…
Cùng với những thành tố văn hóa khác, đây được coi là những thành tựu nổi trội
của một dân tộc sớm có chữ viết, có năng lực tư duy và khiếu thẩm mĩ được đánh
giá cao trong cộng đồng các dân tộc anh em Việt Nam.
Tóm lại, nền văn hóa của người Thái thể hiện rõ sự thích nghi, thích ứng của
đồng bào đối với địa bàn cư trú và những đặc điểm riêng trong lịch sử phát triển
tộc người. Trải qua quá trình xây dựng và phát triển lâu dài, chúng tạo thành
“gen” văn hóa, thành bản sắc văn hóa dân tộc. Chất “gen” ấy không chỉ ảnh hưởng
và để lại dấu ấn đậm nét trong trong lối sống, trong cách cảm, cách nghĩ, trong
thói quen tư duy nghệ thuật của riêng người Thái mà còn tạo ảnh hưởng lớn đến
cả một vùng văn hóa Tây Bắc.

1.1.2. Loại hình tự sự trong văn học dân tộc Thái
1.1.2.1. Một số vấn đề lí thuyết về loại hình tự sự
a. Vấn đề phân loại trong văn học và khái niệm “loại hình tự sự”
Việc phân loại văn học luôn là vấn đề nhận được sự quan tâm của nhiều nhà
nghiên cứu. Lí luận văn học (LLVH) xưa nay đã biết đến nhiều cách phân loại khác
nhau. Trong đó, cổ xưa và phổ biến nhất là cách chia tác phẩm văn học ra làm ba
loại là tự sự, trữ tình và kịch. Người đầu tiên đề xuất sự phân chia này là Aristote
trong công trình Nghệ thuật thi ca của ông. Bàn về ba “phương thức mô phỏng” của
thơ ca (tức nghệ thuật ngôn từ), ông cho rằng: “Có thể mô phỏng bằng cùng một
phương tiện và cùng một đối tượng bằng cách kể về một sự kiện như về một cái gì


13
tách biệt với mình như Homère đã làm, hoặc là người mô phỏng tự nói về mình mà
không thay đổi ngôi nhân xưng, hoặc trình bày tất cả các nhân vật được mô phỏng
bằng động tác và hoạt động của chúng” [3, tr. 23]. Các “phương thức mô phỏng” mà
Aristote vạch ra về sau được gọi là loại văn học. “Khái niệm đó bao hàm các đặc
điểm của các thuộc tính cả nội dung lẫn hình thức của tác phẩm văn học nghệ thuật”
[137, tr. 8]. Cách chia ba của Aristote được nhiều học giả sau này như Hegel,
Belinski,… tiếp tục kế thừa và phát triển. Ở Việt Nam, cách “chia ba” cũng được áp
dụng phổ biến trong các giáo trình về VHDG hay LLVH.
Trong các công trình về VHDG, mặc dù còn những ý kiến chưa thống nhất
trong việc phân loại và đặt tên các loại hình và thể loại văn học, nhưng về cơ bản,
chia ba hiện đang là cách phân loại được đa số các học giả chấp nhận và hiện đang
được áp dụng phổ biến trong các công trình nghiên cứu về VHDG như: cuốn Văn
học dân gian Việt Nam (1991) của PGS. Đỗ Bình Trị, bộ sách Tổng tập văn học
dân gian người Việt (2001 - 2002), 19 tập, của Viện Khoa học xã hội Việt Nam
(phần phân loại do GS.TS. Nguyễn Xuân Kính chấp bút), Giáo trình Văn học dân
gian (2012) do GS.TS. Vũ Anh Tuấn (chủ biên), Giáo trình Văn học dân gian
(2012, in lần thứ ba) của PGS.TS. Nguyễn Thị Bích Hà,… Theo cách phân loại

này, LHTS trong văn học dân gian bao gồm các thể loại sau: thần thoại, sử thi,
truyền thuyết, truyện cổ tích, truyện cười, truyện ngụ ngôn, truyện thơ, tục ngữ,
câu đố, vè [39, tr. 17].
Các tác giả cuốn Lí luận văn học (GS.TSKH. Phương Lựu chủ biên) cũng áp
dụng cách chia ba, nhưng chọn trình bày bốn thể loại tiêu biểu: thơ trữ tình, kịch,
tiểu thuyết và kí [89, tr. 350]. Đây đồng thời cũng là cách chia của GS.TS Trần
Đình Sử trong các sách giáo khoa về văn viết cho trung học phổ thông, các năm
1991, 1992. GS.TSKH Lê Ngọc Trà gọi tên ba loại là: truyện, thơ và kịch. Theo đó,
LHTS bao gồm các thể loại cơ bản như: khúc ca anh hùng (anh hùng ca), trường ca,
truyện (tiểu thuyết đoản thiên), tiểu thuyết, truyện ngắn, ngụ ngôn,… [89, tr. 380].
Về cơ bản, cách “chia ba” được dựa trên những tiêu chuẩn phân loại tương đối
nhất quán. Đó là phân chia dựa vào các quy luật xây dựng hình tượng, phương thức
phản ánh đời sống của tác phẩm văn học. Trong luận án, chúng tôi chọn phân loại
này để tiếp cận LHTS trong văn học dân tộc Thái. Bởi qua quá trình tìm hiểu và
nghiên cứu về nền văn học dân tộc Thái nói chung, LHTS văn học dân tộc Thái nói
riêng, chúng tôi nhận thấy, đây là cách tiếp cận phù hợp và hiệu quả.


14
Về mặt thuật ngữ, “tự sự” là khái niệm được bắt nguồn từ tiếng Hy Lạp cổ,
espos có nghĩa là lời nói, lời kể. Dựa vào kết quả phân loại văn học như trên đã
trình bày, tự sự được hiểu là một trong những “phương thức tái hiện đời sống, bên
cạnh hai phương thức khác là trữ tình và kịch được dùng làm cơ sở để phân loại tác
phẩm văn học” [42, tr. 385]. Về phương diện thể loại văn học, trên cơ sở phương
thức phản ánh tự sự đã hình thành LHTS [42, tr. 386].
Theo quan điểm này, trong luận án, khái niệm “loại hình” được dùng tương
đương với khái niệm “loại”, mang ý nghĩa là cấp độ lớn nhất trong phân chia văn
học, gồm nhiều thể loại. Thuật ngữ “loại hình” là cách dùng của tác giả Cao Huy
Đỉnh (1974) trong sách Tìm hiểu tiến trình văn học dân gian Việt Nam [36, tr. 224],
của các tác giả Lê Bá Hán, Trần Đình Sử, Nguyễn Khắc Phi trong Từ điển thuật ngữ

văn học [42, tr. 385,406],... Thuật ngữ “loại” là cách dùng của tác giả Đỗ Bình Trị
(1991) trong sách Văn học dân gian Việt Nam, tập 1 [180, tr. 40], của các tác giả trong
sách Lí luận văn học (Phương Lựu (chủ biên) [89, tr. 348],…
Như vậy, về mặt thuật ngữ, trong luận án, thuật ngữ “loại hình tự sự” được
chúng tôi sử dụng có ý nghĩa tương đương với thuật ngữ “loại tự sự”, mang ý nghĩa là
một loại hình văn học, bên cạnh hai loại hình còn lại là trữ tình và kịch.
Nằm trong loại hình văn học, tác phẩm tự sự mang những đặc điểm riêng so
với các tác phẩm thuộc hai loại hình trữ tình và kịch.
Nếu như tác phẩm tự sự phản ánh đời sống trong tính khách quan của nó thông
qua các sự kiện thì tác phẩm trữ tình phản ánh hiện thực trong sự cảm nhận chủ
quan về nó. Thế giới của TPTS là thế giới tồn tại bên ngoài người trần thuật, không
phụ thuộc vào ý muốn và tình cảm của họ. Tất cả những sự việc của đời sống được
nhà văn kể lại như một đối tượng khách quan ở bên ngoài mình. Bàn về điều này,
Belinski viết: “Thơ tự sự chủ yếu là thơ khách quan, bề ngoài cả trong quan hệ với
chính nó, với nhà thơ và với cả người đọc… Ở đây không thấy nhà thơ; thế giới
được xác định một cách lập thể, tự nó phát triển, và nhà thơ dường như chỉ là
người trần thuật giản đơn những gì đã tự nó xảy ra” (Dẫn theo [89, tr. 375]). Tuy
nhiên, cũng cần phải nói thêm rằng, tính khách quan ở đây chỉ mang nội dung tương
đối. Về bản chất, đời sống khách quan được tái hiện lại thông qua lăng kính chủ
quan của người nghệ sĩ, tức thông qua sự nhận thức, khái quát, đánh giá, thể hiện
mang tính chủ quan của nhà văn. Trong TPTS, nhà văn cũng thể hiện tư tưởng và


15
tình cảm của mình. Bởi vậy, tác phẩm văn học là sự thống nhất biện chứng giữa tính
chủ quan và tính khách quan. Nhấn mạnh tính khách quan của TPTS là trên cơ sở
đối sánh bản chất so với tác phẩm trữ tình, đồng thời được hiểu với nghĩa là nội
dung được phản ánh trong tác phẩm mang tính khách quan so với NKC. Tính khách
quan chính là nguyên tắc tái hiện đời sống của TPTS.
b. Các yếu tố cơ bản của cấu trúc tác phẩm tự sự

Ðể có cái nhìn khách quan, TPTS tập trung phản ánh đời sống qua các sự kiện,
hệ thống sự kiện. Sự kiện “là những sự việc xảy ra trong đời sống, là những hành
động, việc làm, những sự gặp gỡ... có khả năng làm bộc lộ bản chất nhân vật, thay
đổi mối quan hệ người và người, làm thay đổi cảm xúc, tình cảm, nhận thức, thậm
chí số phận nhân vật” [133, tr. 160]. Đó có thể là những biến cố, sự kiện bên ngoài,
tức là phần tồn tại vật chất với các việc làm, hành động cụ thể có thể thấy được,
cũng có thể là những biến cố, sự kiện bên trong bao gồm tâm trạng, cảm xúc, ý
nghĩ.... Những biến cố, sự kiện bên trong thường không được biểu hiện trực tiếp mà
được xem như một đối tượng để đem ra phân tích, nhận biết. Nhờ việc miêu tả cuộc
sống qua các sự kiện, hệ thống sự kiện mà TPTS mở ra một phạm vi hết sức rộng
lớn trong việc miêu tả hiện thực khách quan.
Cốt truyện (plot) là "hệ thống sự kiện cụ thể, được tổ chức theo yêu cầu tư tưởng
và nghệ thuật nhất định, tạo thành bộ phận cơ bản, quan trọng nhất trong hình thức
động của các tác phẩm văn học thuộc các loại tự sự và kịch" [42, tr. 99].
Về mặt cấu trúc, CTr thường có các thành phần cơ bản như: trình bày, thắt
nút, phát triển, cao trào, mở nút. Trật tự CTr thường được kể theo trật tự tuyến tính,
theo dòng lịch sử. Trong truyện tự sự hiện đại, năm thành phần cơ bản này có thế
thiếu vắng một thành phần và việc kể chuyện có thể không theo trật tự trước sau của
câu chuyện, mà có sự đảo ngược, xen lẫn các thành phần.
Có nhiều tiêu chí khác nhau để phân loại CTr như tiêu chí sự kiện, tiêu chí thời
gian, tiêu chí nhân vật,… Căn cứ theo thời gian, CTr được phân thành CTr tuyến tính,
CTr khung và CTr gấp khúc. Theo tiêu chí nhân vật, có CTr đơn tuyến, CTr đa tuyến,
CTr hành động, Ctr tâm lí và CTr dòng ý thức [147, tr. 185-186]. Trong luận án,
chúng tôi căn cứ vào hai tiêu chí trên để nghiên cứu về mô hình CTr trong LHTS văn
học dân tộc Thái. Kết quả cho thấy, CTr tuyến tính, CTr khung, CTr gấp khúc và CTr
tâm lí là những mô hình CTr tiêu biểu trong LHTS văn học dân tộc Thái.


16
Nhân vật là “phương tiện tất yếu quan trọng nhất để thể hiện tư tưởng trong

TPTS và kịch - nó là phương diện có tính thứ nhất trong hình thức của các tác
phẩm ấy, quyết định phần lớn vừa CTr vừa lựa chọn chi tiết vừa phương diện
ngôn ngữ và thậm chí cả kết cấu nữa” [137, tr. 15]. Trong tác phẩm văn học, nhân
vật là phương tiện khái quát tính cách, số phận con người và các quan niệm về
chúng. So với nhân vật trữ tình và nhân vật kịch, nhân vật tự sự được tập trung
khắc hoạ đầy đặn, tương đối cụ thể ở nhiều phương diện: ngoại hình, hành động,
ngôn ngữ, nội tâm và đặc biệt là trong mối quan hệ với các nhân vật khác. Chỉ có
trong mối quan hệ với các nhân vật khác, nhân vật mới bộc lộ hết bản chất của
mình, những biến đổi trong cuộc đời nhân vật cũng tùy thuộc mối quan hệ này. Sự
phân loại nhân vật trong tác phẩm có thể dựa vào vai trò của nhân vật trong kết
cấu tác phẩm, sự phục vụ của nhân vật cho việc thể hiện lí tưởng xã hội của nhà
văn, hình thức cấu trúc nhân vật,… Với mỗi tiêu chí, nhân vật lại được phân loại
khác nhau. Theo hình thức cấu trúc, nhân vật được chia thành hai loại nhân vật dẹt
và nhân vật tròn. Nhân vật dẹt “là loại nhân vật không được khắc họa đầy đặn các
mặt ít “giống thực” nhất theo đánh giá của một kiểu tri giác đơn giản về nghệ
thuật” [148, tr. 90]. Loại nhân vật này lại được chia thành hai loại là nhân vật chức
năng và nhân vật loại hình. Về bản chất, nhân vật tròn chính là loại nhân vật tính
cách. Đây là “loại nhân vật được khắc họa, nhìn ngắm trên nhiều phương diện,
đưa tới độc giả cảm tưởng “thực” [148, tr. 92]. Từ hai loại cơ bản trên, các tác giả
trong giáo trình Lí luận văn học, tập II (phần Tác phẩm và thể loại văn học), còn
nói tới hai loại nhân vật khác là nhân vật tâm lí và nhân vật tư tưởng. Cách phân
loại nhân vật này được chúng tôi áp dụng trong luận án để tìm hiểu về hệ thống
nhân vật trong LHTS văn học dân tộc Thái.
Trong TPTS, người kể chuyện (NKC) là một loại nhân vật đặc biệt, đồng thời
là một thành tố quan trọng. Không có người kể chuyện thì không có trần thuật.
Đánh giá về vai trò của người kể chuyện, Timofiev khẳng định: “Hình tượng này
có tầm quan trọng hết sức to lớn trong việc xây dựng tác phẩm bởi các quan niệm,
các biến cố xảy ra, cách đánh giá các nhân vật và các biến cố đều xuất phát từ cá
nhân người kể chuyện” [158, tr. 44].
Khái niệm về NKC và các phạm trù liên quan đến nó đã được nhiều nhà lí luận

trong và ngoài nước quan tâm đề cập một cách toàn diện và có hệ thống. Quan tâm đến
người kể chuyện với vai trò là người tường thuật lại câu chuyện, các nhà lí luận


17
phương Tây như W.Kayser, R.Bathes, Todorov,… đều khẳng định có sự khác biệt và
khoảng cách giữa tác giả thực với NKC [70, tr. 244-245]. Ở Việt Nam, khái niệm NKC
cũng được các nhà nghiên cứu quan tâm đề cập và bàn bạc trong nhiều công trình (xem
[4, tr. 360], [42, tr. 221], [43, tr. 215], [177, tr. 89],…).
Nhìn chung, mỗi định nghĩa nhấn mạnh khái niệm NKC ở một phương diện
khác nhau, nhưng tựu trung lại, chúng ta có thể khái quát được những đặc điểm cơ
bản sau về NKC trong TPTS: (1). NKC là một dạng hình tượng do tác giả hư cấu,
sáng tạo nên, là người đại diện phát ngôn cho tác giả trong TPTS; (2). Trong phạm
vi tác phẩm, NKC là chủ thể của lời kể, là người đứng ra kể chuyện và là nhân tố
trung tâm chi phối việc tổ chức, kết cấu cấu trúc của văn bản tự sự; (3). NKC giữ
vai trò trung giới giữa tác giả, tác phẩm và người đọc.
Trong TPTS, tương quan giữa nhà văn và chủ thể trần thuật hay giữa điểm
nhìn của NKC với những gì anh ta kể là điều đặc biệt quan trọng. Không thể hiểu
được sâu sắc tác phẩm văn học nếu ta không tìm hiểu điểm nhìn nghệ thuật (ĐNNT)
bởi lẽ, để miêu tả, trần thuật, nhà văn buộc phải xác định, lựa chọn điểm nhìn hợp
lý. Điểm nhìn nghệ thuật (the point of view) là “vị trí người kể dựa vào để quan
sát trần thuật các nhân vật và sự kiện” [148, tr. 61]. Bàn về vai trò quan trọng của
điểm nhìn trần thuật trong TPTS, Pospelov khẳng định “Trong TPTS, điều quan
trọng là tương quan giữa các nhân vật với chủ thể trần thuật, hay, nói cách khác,
điểm nhìn của người trần thuật đối với những gì mà anh ta miêu tả” [137, tr. 90]. Có
thể nói, điểm nhìn chính là nơi khởi nguồn cho việc xây dựng cấu trúc nghệ thuật
trong TPTS. Nó xác lập “điểm rơi” cái nhìn của chủ thể kể chuyện vào đối tượng
trần thuật, vào thế giới khách thể hư cấu được tái hiện trong sáng tác. Trong trường
hợp này, hệ thống các chi tiết, sự phân bố và kết nối thưa dày của các sự kiện, sự
thay thế loại chi tiết này bằng loại chi tiết khác trở thành biểu hiện của ĐNNT. Đến

lượt mình, ĐNNT biểu hiện qua các phương tiện nghệ thuật, ngôi kể, cách xưng gọi
sự vật, cách dùng từ ngữ, kiểu câu… Nó cung cấp một phương diện để người đọc
nhìn sâu vào cấu tạo nghệ thuật của tác phẩm, nhận ra những đặc điểm phong cách,
quan niệm về nghệ thuật và nhân sinh của nhà văn. Liên quan đến vấn đề này, nhà
nghiên cứu Huỳnh Như Phương đã có một nhận xét xác đáng: “Sự trần thuật câu
chuyện bao giờ cũng được tiến hành từ một điểm nhìn nào đó. Kết cấu văn bản có
liên quan mật thiết đến điểm nhìn đó, nó liên kết ngôn ngữ NKC và ngôn ngữ trực
tiếp của các nhân vật trong một mối thống nhất hỗ tương. Miêu tả mối quan hệ hỗ
tương đó sẽ góp phần làm sáng tỏ kết cấu ngôn từ của sự trần thuật” [43, tr. 201].


18
Căn cứ vào những tiêu chí khác nhau, người ta chia ĐNNT thành các loại
như điểm nhìn tác giả, điểm nhìn nhân vật, điểm nhìn không gian, điểm nhìn thời
gian, điểm nhìn tâm lý, điểm nhìn tư tưởng,… Dựa trên lý thuyết về tiêu điểm
(thực chất là điểm nhìn) của nhà lý luận người Pháp G.Genette, thi pháp văn xuôi
hiện đại phân chia điểm nhìn thành ba loại chính: (1). Điểm nhìn zero (phi tiêu
điểm): điểm nhìn từ phía trên hoặc phía sau. Trong mối tương quan với các nhân
vật của tác phẩm, NKC có vai trò như một thượng đế biết hết mọi chuyện - NKC
toàn tri. Nhân vật không thể che giấu được gì đối với NKC vì NKC hiểu thấu được
những điều mà chính nhân vật cũng không ý thức được hết. NKC ở đây biết nhiều
hơn nhân vật biết về chính nó. Todorov gọi đây là loại người kể lớn hơn nhân vật;
(2). Điểm nhìn nội quan (nội tiêu điểm): Ở đây, NKC đồng thời là một nhân vật
trong tác phẩm, cho nên diện nhìn là đồng nhất với các nhân vật. Anh ta chỉ nói
lên những điều anh ta biết và thấy, không được kể những điều ngoài tầm hiểu biết
của nhân vật. Cái nhìn của NKC thiên về chủ quan theo tư tưởng, thái độ nhân vật
mà anh ta nhập thân. Todorov gọi đây là loại người kể bằng nhân vật; (3). Điểm
nhìn ngoại quan (ngoại tiêu điểm): điểm nhìn từ bên ngoài. NKC chỉ đề cập đến
những gì bên ngoài, không đề cập đến thế giới bên trong của nhân vật. NKC
không hướng đến việc khai thác thế giới nội tâm nhân vật, tỏ ra hiểu biết ít hơn

nhân vật hiểu về chính nó nhưng chính từ những gợi mở bề ngoài ấy, người đọc có
thể liên tưởng đến những gì nhân vật đang suy nghĩ và cảm nhận. Todorov gọi đây
là loại NKC nhỏ hơn (hoặc bằng) nhân vật. Trên cơ sở kế thừa cách phân loại của
các nhà lí luận như Pouilion, Friedman, G.Genette, Greimas… tác giả Phương
Lựu còn tiếp tục bổ sung các dạng cụ thể cho mỗi loại điểm nhìn [ 147, tr. 190195]. Chúng tôi tiếp thu cách phân loại trên để tìm hiểu về ĐNNT của NKC trong
LHTS văn học dân tộc Thái.
Trong khuôn khổ của luận án, chúng tôi lựa chọn các vấn đề nhân vật, cốt truyện,
người kể chuyện và điểm nhìn trần thuật để tìm hiểu và làm nổi rõ những đặc điểm cơ
bản của LHTS văn học dân tộc Thái. Yếu tố sự kiện được chúng tôi trình bày trong
phần cốt truyện. Ngoài ra, chúng tôi cũng tìm hiểu một số đặc điểm về lời văn nghệ
thuật để làm rõ hơn những đặc điểm cơ bản của LHTS văn học dân tộc Thái; qua đó,
dựng nên một diện mạo chung của loại hình trong nền văn học dân tộc Thái, đồng thời
cũng luôn nhìn nó trong sự vận động, biến đổi trong lịch sử phát triển. Người k chuyện


19
1.1.2.2. Khái quát về loại hình tự sự trong văn học dân tộc Thái
a. Loại hình tự sự trong văn học dân gian dân tộc Thái
Là một trong số không nhiều các DTTS anh em có chữ viết riêng, người Thái đã
xây dựng và lưu giữ được một kho tàng văn học dân gian đặc biệt phong phú, đa dạng
với đầy đủ các loại hình, trong đó có LHTS. Đây là một trong những phương thức tái
hiện đời sống quan trọng nhất và là loại hình văn học có nhiều thành tựu quan trọng
góp phần tạo nên diện mạo hoàn chỉnh, giàu bản sắc của nền VHDG dân tộc Thái.
Xét ở cấp độ thể loại, LHTS trong văn học dân tộc Thái có tương đối đầy đủ
các thể loại, bao gồm thần thoại, truyền thuyết, sử thi, truyện cổ tích, truyện thơ,
truyện cười, tục ngữ, câu đố và vè.
Theo quy luật phổ biến, thần thoại của người Thái chủ yếu ra đời trong xã hội
nguyên thủy. Cho đến nay, dân tộc này vẫn còn bảo lưu một được kho truyện thần
thoại khá phong phú, trong đó có cả một hệ thống truyện kể về các Then. Đây là
điểm độc đáo của thần thoại Thái so với thần thoại của nhiều dân tộc anh em khác.

Cũng giống như ở nhiều DTTS khác, thần thoại của người Thái không phải là một
thể loại VHDG mà phần ngôn từ có cuộc sống độc lập, nó sống ngay trong sinh
hoạt của đời sống cộng đồng, gắn bó với vận mệnh của cộng đồng và tồn tại với
dạng là một tổng thể nguyên hợp các yếu tố văn hóa của dân tộc [126, tr. 94-98].
Tiếp nối sau thần thoại là sự ra đời của truyền thuyết và sử thi.
Thể loại truyền thuyết của người Thái bao gồm: truyện về địa danh giải thích
sự hình thành, lịch sử các vùng đất, bản, mường và truyền thuyết về những người
anh hùng có công lao to lớn trong công cuộc đấu tranh chống giặc ngoại xâm, giữ
vững bản mường như truyền thuyết Nàng Han, Thanh gươm Xứ Đáng,…
Sử thi là một thể loại có vị trí quan trọng trong kho tàng VHDG của dân tộc
Thái. Cho đến nay, người Thái còn lưu giữ được ba bản sử thi lớn là: Khủn
Chưởng, Chương Han và Táy Pú Xấc. Những tác phẩm này đều thuộc loại sử thi
thiết chế xã hội (hoặc sử thi anh hùng). Trong đó, Khủn Chưởng và Chương Han
là những tác phẩm có cùng cội nguồn với sử thi Tạo Hùng hay Chương ở Thái
Lan, tạo thành một bộ ba anh hùng ca Chương tiêu biểu cho thể loại sử thi và là
niềm tự hào của người Thái ở Đông Nam Á. Về mặt nội dung, sử thi phản ánh quá
trình hình thành và đấu tranh phát triển, mở rộng địa bàn cư trú của người Thái
trong suốt chiều dài lịch sử dân tộc. Nhân vật trung tâm của sử thi Thái là những


×