Tải bản đầy đủ (.doc) (6 trang)

Xây dựng một thế hệ doanh nhân, doanh nghiệp mới

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (72.42 KB, 6 trang )

XÂY DỰNG MỘT THẾ HỆ DOANH NHÂN,
DOANH NGHIỆP MỚI
Đoàn Nhật Dũng *
Sự phát triển của kinh tế thế giới cho thấy, sự giàu mạnh của một quốc gia trong bối
cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế khởi nguồn từ sự giàu mạnh của các doanh
nghiệp, cụ thể hơn là từ năng lực của những người đứng đầu doanh nghiệp. Vì thế, khi
đất nước ta đang phải đối diện với những thách thức gay gắt của nền kinh tế thị trường
và hội nhập kinh tế quốc tế, việc đặt doanh nhân, doanh nghiệp vào trung tâm của sự
phát triển không còn là ý muốn chủ quan mà là đòi hỏi khách quan. Trong thế kỷ XX,
thế giới đã chứng kiến nhiều thành tựu kinh tế khá ngoạn mục : ở thập niên 60, là sự
phát triển của Nhật Bản ; ở thập niên 80, là thành tựu kinh tế của những nền công
nghiệp mới như Hàn Quốc, Hồng Kông, Xin-ga-po... Cách thức mà các nước áp dụng
để làm nên những chuyện thần kỳ về kinh tế có thể không giống nhau ; nhưng, chắc
chắn có cùng một điểm chung là có một hệ thống doanh nghiệp hùng mạnh và một lực
lượng doanh nhân giỏi làm nền tảng vững chắc cho việc dựng lên tòa nhà kinh tế
khang trang và bền vững. Do vậy, để xây dựng thành công sự nghiệp công nghiệp hóa,
hiện đại hóa, chúng ta phải tạo ra môi trường thuận lợi cho sự hình thành và phát triển
đội ngũ doanh nhân giỏi.
1. Quan niệm về doanh nhân trong thời kỳ phong kiến
Để hình thành và phát triển đội ngũ doanh nhân Việt Nam, trước hết cần thay đổi về
quan niệm đối với doanh nhân. Trước đây, trong xã hội phong kiến tồn tại tâm lý coi
trọng trật tự "sĩ, nông, công, thương". Điều này đã in sâu vào tiềm thức người dân do
xuất phát từ ý thức hệ Nho giáo. Trong xã hội phong kiến, theo quan niệm Nho giáo ở
Việt Nam ngày xưa, những chữ "luân lý" và "danh phận" đóng vai trò độc tôn tuyệt
đối, hoàn toàn không có chỗ cho những khái niệm "tự do", "bình đẳng" vốn xuất hiện
kể từ các cuộc cách mạng tư sản. Chính vì vậy, trong cơ cấu trật tự xã hội đó không có
chỗ đứng hợp thức cho các nhà kinh doanh.
Một đặc điểm quan trọng cần được chú ý trong tư tưởng Nho giáo là tư tưởng không
được "mưu lợi" vì khái niệm "lợi" là một thứ đặc biệt húy kỵ. "Nhân nghĩa" và "lợi" là
những phạm trù không thể lưỡng lập, mà bài trừ lẫn nhau một cách tuyệt đối. Xuất
phát từ quan niệm triết lý này, có thể hiểu rõ hơn vì sao trong xã hội phong kiến,


người ta kỳ thị nhà buôn, nhà kinh doanh, và thường ca ngợi những kẻ sĩ không cầu
danh mà cũng không cầu lợi. Đến thời "kinh tế xã hội chủ nghĩa" theo mô hình kế


hoạch hóa tập trung, quan liêu bao cấp đối lập với "kinh tế thị trường" thì những
người buôn bán ấy lại bị giáng thêm một cấp nữa là "lũ con phe". Hình ảnh đồng tiền
thường bị đồng hóa với cái xấu xa, cái dễ dẫn đến tội lỗi. Có thể thấy rõ, lịch sử xã hội
như vậy không thể là một nền tảng thuận lợi cho sự phát triển của tầng lớp doanh
nhân.
Ngày nay, vẫn có thể tìm thấy không ít yếu tố xã hội "cản trở" đối với kinh doanh do
bắt nguồn từ ý thức hệ Nho giáo và guồng máy phong kiến. Thí dụ điển hình là cơ chế
"xin - cho" thường được mọi người nhắc tới. Hiểu một cách sâu xa, cơ chế này phản
ánh thứ quan hệ không vận hành theo chức năng, mà chủ yếu theo mối quan hệ quyền
lực. Trong đó, một bên tức là các doanh nhân, doanh nghiệp chỉ được phép đi xin (và
phải "xin" thì họa may mới được "cho"), còn một bên là cán bộ, ngành, địa phương thì
có quyền cho hay không cho. Hệ quả không tránh khỏi là chạy chọt, nhờ vả theo
đường dây quan hệ quen biết, để rồi sau đó buộc phải biếu xén hoặc hối lộ để "trả ơn".
Trong môi trường đó làm sao có thể hình thành được một lực lượng doanh nhân giỏi
và một hệ thống doanh nghiệp hùng mạnh. Do đó, nhất thiết phải tiếp tục khắc phục
những hạn chế lịch sử đó mới mong tạo nên môi trường kinh doanh thuận lợi để xây
dựng một thế hệ doanh nhân mới ở Việt Nam.
2. Hướng đi của các doanh nhân Việt Nam
Để đóng vai trò trung tâm của sự phát triển, các doanh nhân Việt Nam cần phát huy
truyền thống tốt đẹp đã được rèn luyện trong những thời kỳ lịch sử : đó là lòng yêu
nước, ý thức dân tộc, sự thống nhất giữa ích nước với lợi nhà. Đồng thời, muốn đương
đầu được với những đối tác là các tập đoàn tư bản trong quá trình hội nhập kinh tế của
đất nước, các doanh nhân, doanh nghiệp phải xây dựng được cho mình con đường đi
mới. Đó là :
- Chạy tiếp sức thay cho mạnh ai nấy chạy. Doanh nhân Việt Nam nên hiểu rằng, để
có thể đến đích nhanh, họ phải chọn cách chạy tiếp sức, thay vì mạnh ai nấy chạy một đặc tính tồn tại từ trước tới nay ở các doanh nghiệp Việt Nam. Mỗi người đều

phải nỗ lực chạy nhanh hơn đồng đội (tinh thần cạnh tranh), nhưng đồng thời cũng sẵn
sàng hợp tác lúc cần thiết. Làm được điều đó, các doanh nghiệp sẽ tận dụng được ưu
điểm của cả cạnh tranh và hợp tác : cạnh tranh để có được sản phẩm tốt nhất và giá hạ
nhất (điều kiện sống còn của doanh nghiệp), hợp tác để mở rộng quy mô cạnh tranh tại
thị trường trong nước và nước ngoài, giải quyết các công việc mang tính quy mô hơn,
có công nghệ phức tạp (điều kiện sống còn của cả hệ thống doanh nghiệp Việt Nam).
- Có một tầm nhìn lâu dài trong đầu tư. Để làm được điều này, các doanh nhân, doanh
nghiệp Việt Nam phải giảm ưu tiên đối với mục tiêu tối đa hóa lợi nhuận trong ngắn
hạn, đưa mục tiêu lợi nhuận trong dài hạn lên hàng đầu, tức là phải có chiến lược kinh


doanh dài hạn. Chiến lược kinh doanh này thể hiện ở việc xây dựng được những chiến
lược cụ thể.
Chiến lược sản phẩm : Phải chọn những sản phẩm mà doanh nghiệp có thế mạnh,
không ngừng cải tiến nâng cao chất lượng, đa dạng hóa sản phẩm theo nhu cầu tiêu
dùng ngày càng phát triển, hiện đại hóa khâu thiết kế, đồng thời chọn lựa hệ thống
quản lý chất lượng tiên tiến trên thế giới phù hợp với doanh nghiệp nhằm đạt được
chất lượng sản phẩm cao hơn.
Chiến lược giảm chi phí : Chiến lược này bao gồm giảm các chi phí đầu vào và các
chi phí trung gian khác để hạ giá thành, tăng lợi nhuận và tăng khả năng bán ở mức
giá cạnh tranh.
Chiến lược tạo ra các sản phẩm độc đáo : Doanh nghiệp cần tìm mọi cách để sản
phẩm của doanh nghiệp mình có tính khác biệt, độc đáo so với sản phẩm cùng loại của
các doanh nghiệp khác (ví dụ sự độc đáo về giá trị sử dụng, mẫu mã, bao bì...).
Chiến lược thị trường trọng điểm : Tùy theo khả năng và ưu thế của mình, doanh
nghiệp có thể chỉ tập trung vào một vài phân đoạn của thị trường trọng điểm, trực tiếp
phục vụ nhu cầu của một nhóm khách hàng giới hạn theo khu vực địa lý, mức độ giàu
nghèo, tuổi tác, nghề nghiệp, hoặc theo từng phân đoạn nhỏ của thị trường trong một
dòng sản phẩm đặc thù.
Chiến lược ma-két-ting : Doanh nghiệp cần làm tốt công tác nghiên cứu thị trường,

tạo được một đội ngũ những nhà tiếp thị, phát triển mạng lưới tiếp thị rộng khắp và
luôn có kế hoạch mở rộng thị trường. Phát triển mạng lưới tiêu thụ, thường xuyên đưa
ra các hình thức khuyến mãi phù hợp với từng lúc, từng nơi, cải tiến phương thức
phục vụ khách hàng. Nâng cao chất lượng hoạt động của hệ thống phân phối, kể cả
chất lượng của dịch vụ trước và sau khi bán cho phù hợp với đặc điểm văn hóa tiêu
dùng trên thị trường. Ngoài ra, cũng cần nắm bắt và phản ứng nhanh nhạy trước
những thay đổi của đối thủ cạnh tranh.
Chiến lược đổi mới công nghệ : Doanh nghiệp phải xây dựng kế hoạch từng bước đổi
mới dây chuyền công nghệ để tăng năng suất, hạ giá thành sản phẩm, nâng cao chất
lượng hàng hóa. Điều trước tiên, cần lựa chọn các khâu quan trọng trong dây chuyền
sản xuất có ảnh hưởng đến chất lượng và giá thành sản phẩm để tiến hành hiện đại hóa
trước.
Chiến lược con người : Đó là nâng cao trình độ, năng lực kinh doanh, điều hành, quản
lý doanh nghiệp cho giám đốc, trình độ tay nghề của người lao động, kiến thức về
tiếp thị, công nghệ thông tin, chú trọng phát huy sáng kiến, cải tiến trong hoạt động


của doanh nghiệp.
Chiến lược xây dựng và quảng cáo cho thương hiệu sản phẩm : Khuyếch trương
thương hiệu sản phẩm đóng vai trò rất quan trọng, góp phần thúc đẩy khách hàng mua
hàng của doanh nghiệp mình chứ không mua của doanh nghiệp khác. Thương hiệu nổi
tiếng giúp cho doanh nghiệp mở rộng và chiếm lĩnh thị phần, chi phối, làm cho các
đối thủ phải nản lòng khi muốn chia sẻ thị phần.
Chiến lược văn hóa doanh nghiệp : Văn hóa kinh doanh là những nét văn hóa rất được
chú trọng trong các quốc gia công nghiệp hóa nhanh và thành công. Do vậy, các
doanh nghiệp Việt Nam muốn đứng vững và phát triển trong cạnh tranh cũng phải xây
dựng cho mình một mô hình văn hóa doanh nghiệp mới, phù hợp với nền văn minh
mới.
Chiến lược vốn : Trên cơ sở chiến lược kinh doanh dài hạn và các mục tiêu kinh
doanh trước mắt, doanh nghiệp cần xây dựng chiến lược huy động vốn. Một trong

những khó khăn của doanh nghiệp Việt Nam hiện nay là tình trạng thiếu vốn, trong
khi một số ngân hàng thương mại lại thừa vốn. Do vậy, vấn đề đặt ra là các doanh
nghiệp phải xây dựng được phương án kinh doanh khả thi và ngân hàng cũng phải cải
tiến phương thức cho vay, hỗ trợ doanh nghiệp mà không nên cho vay một cách thụ
động, máy móc. Ngoài nguồn vốn có thể huy động từ ngân hàng, các công ty cổ phần,
doanh nghiệp nhà nước cổ phần hóa, các doanh nghiệp có thể huy động vốn từ thị
trường chứng khoán qua việc phát hành cổ phiếu và trái phiếu để giúp thực hiện
những dự án kinh doanh lớn trong thời gian dài.
Tóm lại, thực hiện được những chiến lược trên sẽ bảo đảm sự phát triển bền vững cho
các doanh nghiệp Việt Nam khi đã quyết giành chiến thắng trong cuộc chạy đua với
các đối thủ cạnh tranh.
3. Một số giải pháp
Thứ nhất, để nhanh chóng xây dựng một thế hệ doanh nhân, doanh nghiệp mới cần
thiết phải đẩy mạnh cải cách thể chế kinh tế. Thực tế chỉ rõ, thể chế nào sẽ có doanh
nhân, doanh nghiệp ấy. Một thể chế kinh tế nếu phù hợp lòng dân, phù hợp với thực
trạng đất nước và quy luật phát triển của thời đại sẽ có tác dụng thúc đẩy rất lớn đối
với sự phát triển của đất nước, thúc đẩy sự hình thành tầng lớp doanh nhân - doanh
nghiệp hùng mạnh có khả năng cạnh tranh trên phạm vi toàn cầu ; nếu không, có thể
sẽ có tác dụng ngược lại. Do đó, cần phải đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo hành
lang pháp lý ổn định, bình đẳng giữa các doanh nghiệp. Mọi lĩnh vực hoạt động đều
phải xuất phát và căn cứ vào các quy định của luật pháp. Do vậy, cần nhanh chóng
xây dựng bộ máy làm luật một cách chuyên nghiệp, có tầm nhìn chiến lược trong bối


cảnh thế giới ngày càng có quan hệ tương tác chặt chẽ với nhau và biến đổi nhanh
chóng. Việc tiếp tục cải cách hành chính một cách sâu rộng sẽ giúp đạt được hai mục
tiêu quan trọng : một là, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về kinh tế, đảm bảo cho
những chủ trương, chính sách đúng đắn của Đảng và Nhà nước được thực thi nghiêm
túc ; hai là, tạo sự minh bạch, công khai trong hoạt động kinh doanh và thúc đẩy nâng
cao khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp Việt Nam.

Thứ hai, cần nhanh chóng hình thành, phát triển và hoàn thiện các loại thị trường, chú
trọng các thị trường cơ bản và những thị trường mới hiện còn sơ khai như thị trường
lao động, thị trường chứng khoán, thị trường bất động sản, thị trường khoa học - công
nghệ...
Thứ ba, tạo ra môi trường cạnh tranh. Doanh nhân - giám đốc doanh nghiệp là một
nghề và phải được luật pháp thừa nhận như các nghề khác. Như vậy, đồng thời với
việc đào tạo, bồi dưỡng để hình thành một tầng lớp doanh nhân thực thụ, chuyên
nghiệp, phải tạo được cơ chế cạnh tranh bình đẳng ngay trong việc tuyển dụng doanh
nhân. Có như vậy mới chọn được những doanh nhân xuất sắc, làm cho đội ngũ doanh
nhân ngày càng lớn mạnh. Riêng đối với doanh nghiệp nhà nước, thực tế chỉ rõ khi
giám đốc doanh nghiệp vẫn là quan chức do Nhà nước bổ nhiệm thì lợi ích của họ
không gắn bó trực tiếp với tình hình kinh doanh của doanh nghiệp, nên ảnh hưởng
không nhỏ đến việc nâng cao hiệu quả và sức cạnh tranh của doanh nghiệp nhà nước.
Do vậy, chúng ta cần thay đổi cơ chế tuyển dụng theo hướng thực hiện việc tuyển
dụng giám đốc thông qua cơ chế cạnh tranh trên thị trường. Xóa bỏ chế độ đẳng cấp
doanh nghiệp, trả lương theo kết quả phân loại doanh nghiệp ; theo hiệu quả kinh
doanh của doanh nghiệp và có sự kích thích tính năng động, sáng tạo của giám đốc
trong kinh doanh.
Thứ tư, điều chỉnh vai trò và trách nhiệm của Nhà nước theo hướng phải là "Nhà nước
phục vụ" và những công chức trong bộ máy nhà nước dứt khoát không thể là những
người đứng trên doanh nhân, doanh nghiệp, đầy quyền uy "cho" hoặc "không cho"
như trong cơ chế "xin - cho" tràn lan trước đây. Bởi lẽ, doanh nhân là những người
làm ra của cải cho xã hội, nộp thuế để nuôi bộ máy, đến lượt mình, bộ máy phải định
hướng và phục vụ lại doanh nhân. Điều chỉnh vai trò và trách nhiệm của Nhà nước đối
với doanh nhân, doanh nghiệp cần bắt đầu từ đổi mới nhận thức. Từ đó, sắp xếp lại bộ
máy và điều chỉnh hành vi của công chức, đi đôi với việc thực thi kỷ luật hành chính
thật nghiêm.
Thứ năm, cần tạo dựng môi trường xã hội, khuyến khích kinh doanh, khuyến khích
làm giàu, tôn trọng doanh nhân giỏi, phân biệt những doanh nhân kinh doanh đúng
pháp luật với những kẻ kiếm tiền dựa vào lừa đảo, móc ngoặc, chà đạp đạo đức kinh

doanh. Khuyến khích lớp trẻ chọn nghề kinh doanh. Xóa bỏ tâm lý cho rằng con em


học giỏi, đi làm cán bộ (làm quan) sẽ có địa vị vững chắc, bổng lộc hơn người ; nếu
làm kinh doanh thì vào doanh nghiệp nhà nước là nơi có nhiều ưu ái và chắc chắn hơn
là vào doanh nghiệp dân doanh.
Thứ sáu, có cơ chế bảo vệ doanh nhân, khắc phục khuynh hướng hình sự hoá các quan
hệ dân sự đang gây cho không ít doanh nhân tâm trạng không dám mạnh dạn sáng tạo,
không dám chịu rủi ro. Đồng thời, tạo lập thị trường hoàn chỉnh, quy phạm pháp luật
đồng bộ, rõ ràng, công khai để ngăn chặn một số doanh nhân làm ăn không chính
đáng.
Thứ bảy, cần khuyến khích các hình thức hiệp hội doanh nghiệp ; khuyến khích sự
hình thành câu lạc bộ và những tổ chức xã hội dân sự tự nguyện của bản thân doanh
nhân để doanh nhân có cơ hội cùng nhau trao đổi thông tin, bàn bạc, giúp đỡ nhau
trong kinh doanh cũng như bảo vệ những quyền lợi hợp pháp của mình.
Trong vòng hơn 10 năm cuối thế kỷ XX, chúng ta đã chứng kiến lớp các nhà doanh
nghiệp thế hệ mới luôn phấn đấu, vượt qua thử thách, vươn lên một cách tự tin, năng
động và đầy nghị lực trong cơ chế thị trường. Các doanh nhân, doanh nghiệp Việt
Nam đã đóng góp những thành tựu rất đáng tự hào trong công cuộc đổi mới kinh tế do
Đảng và Nhà nước khởi xướng và lãnh đạo. Họ đang và sẽ tiếp tục trưởng thành, góp
phần to lớn trong công cuộc xây dựng một nước Việt Nam dân giàu, nước mạnh, công
bằng, dân chủ, văn minh.



×