Xây dựng lòng tin trong doanh nghiệp
Sự tin tưởng là một trong những yếu tố cần thiết và quan trọng nhất để
tạo dựng mối quan hệ tốt đẹp giữa người với người. Trong công sở,
thái độ tin cậy giữa người quản lý với nhân viên hay giữa nhân viên với
nhau lại càng cần thiết. Nó không chỉ giúp cho công việc đạt hiệu quả
cao hơn do giữa mỗi người có sự gắn kết về mặt tinh thần, mà còn
giúp cho cả Công ty có một sự liên kết vô hình và từ đó tạo thành một
thể thống nhất. Vấn đề đặt ra ở đây là làm thế nào để tạo dựng được
lòng tin?
Người ta đã tiến hành điều tra nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa thành đạt và nhận thấy rằng những
người điều hành các doanh nghiệp này đều là những con người hết sức cởi mở và công bằng
trong mọi công việc. Họ thường dành ra khá nhiều thời gian để cùng chia sẻ thông tin và theo dõi
sát sao các công việc cũng như mối quan hệ giữa các nhân viên trong cùng một nhóm làm việc.
Những người này đã thành công trong việc tạo dựng được lòng tin giữa các nhân viên với nhau và
đặc biệt là sự tin tưởng của nhân viên dành cho họ.
Một số người lầm tưởng rằng, có thể chiếm được sự tin cậy của người khác bằng cách mang lại
cho họ những đồng lương cao, chế độ đãi ngộ đặc biệt hay những buổi picnic vui vẻ. Trên thực tế,
những yếu tố này chỉ đóng góp một phần nhỏ trong việc tạo dựng lòng tin. Thật ra, để có được sự
tin tưởng không quá khó khăn, cách đơn giản nhất chính là cùng nhau làm việc nhóm. Không ai có
thể phủ nhận hiệu quả của “làm việc nhóm", nó không chỉ tác động đến công việc mà còn tác động
đến con người, làm thay đổi nhận thức cũng như tác phong làm việc… Tuy nhiên, vẫn còn ba yếu
tố khác cực kì quan trọng để giúp cho mọi người có thể đặt niềm tin vào nhau, đó chính là sự chân
thành, công bằng và giao tiếp đa chiều. Những yếu tố này nên được xếp vào giá trị cốt lõi của
doanh nghiệp. Sau đây, người viết xin đề cập đến một vài cách thức đơn giản nhất để có được sự
chân thành, công bằng và giao tiếp đa chiều trong doanh nghiệp.
Sự chân thành
Ở một khía cạnh nào đó, sự chân thành có thể hiểu đơn giản là chia sẻ. Chia sẻ thông tin trọng
công việc, chia sẻ những phát hiện mới, chia sẻ tài liệu và kinh nghiệm. Giấu giếm sẽ chỉ đưa đến
sự nghi ngờ và thiếu tin tưởng ở nhau. Khi nhân viên được cung cấp đầy đủ thông tin, chắc chắn
anh ta sẽ quan tâm và chú ý nhiều hơn đến công việc. Và rõ ràng công việc sẽ thành công hơn
nếu nhân viên cũng có thái độ quan tâm lo lắng đến công việc giống như người điều hành. Hậu
quả tất yếu của việc không chia sẻ thông tin là sự hiểu lầm, nghi ngờ và thái độ thiếu thiện chí,
thậm chí là đề phòng nhau. Ngoài ra, sự dối trá cũng không thể là một thứ có thể tồn tại lâu dài.
Người ta sớm muộn gì cũng sẽ nhận ra được mâu thuẫn và khi đó, hậu quả sẽ rất tệ hại. Bạn sẽ
ngay lập tức bị đào thải bởi sự cạnh tranh thiếu lành mạnh của mình. Riêng đối với người điều
hành nên cố gắng thực hiện một số điều sau:
Dành thời gian nói chuyện với nhân viên của mình.
Cố gắng hiểu được cách nhân viên suy nghĩ.
Tìm hiểu xem họ cần và muốn gì, giúp đỡ họ trong khả năng có thể.
Bên cạnh khen ngợi cần góp ý và phê bình thẳng thắn.
Tạo cơ hội cho nhân viên hiểu mình và có thái độ tích cực khi tiếp thu những đóng góp của mọi
người về bản thân.
Giao tiếp đa chiều
Một trong những biểu hiện của sự chia sẻ chính là giao tiếp đa chiều. Người điều hành, hãy luôn
nói chuyện với các nhân viên của mình, cùng bàn luận với họ về vị trí hiện tại của cá nhân cũng
như của doanh nghiệp, về thực trạng của doanh nghiệp hay kế hoạch cho sự phát triển trong
tương lai. Điều quan trọng là cần phải biết tiếp nhận tất cả các thông tin phản hồi, dù là tích cực
hay tiêu cực. Bởi vì việc đó không chỉ tốt cho công việc, mà còn tốt cho mối quan hệ giữa mọi
người. Nhân viên sẽ cảm thấy được tôn trọng nếu ý kiến của họ được lưu giữ lại và xem xét cẩn
thận. Ngoài ra, việc này cũng sẽ giúp phá bỏ vỏ bọc hay rào cản của thói quen ngại phát biểu, ngại
đưa ra ý kiến cá nhân mà nhiều người vẫn mang trong mình. Người điều hành có thể giúp mọi
người xây dựng thói quen trao đổi bằng cách:
Tổ chức các buổi họp định kì mà trong đó mọi người đều có cơ hội trình bày sản phẩm của mình.
Các cuộc họp chỉ dành riêng cho việc chỉ trích và giải pháp.
Bảng thông tin nội bộ.
Bản tin nội bộ.
Sự công bằng
Hơn ai hết, người điều hành phải nhận thức được tầm quan trọng của việc cư xử công bằng với
mọi thành viên trong doanh nghiệp, trong mọi công việc. Công bằng không chỉ có nghĩa là đối xử
với người này giống người kia, không có sự ưu ái đặc biệt vì lí do cá nhân... Mà nhiều hơn thế,
công bằng còn là tạo cho mọi nhân viên những cơ hội giống nhau để họ có dịp thể hiện khả năng
của mình một cách tốt nhất. Mọi nhân viên sẽ cảm thấy thoải mái và được coi trọng nếu họ được
đối xử thưởng phạt giống nhau, có những cơ hội như nhau. Từ đó họ cũng sẽ cảm thấy có hứng
thú và trách nhiệm hơn trong công việc và chắc chắn sẽ không có sự kèn cựa, so sánh lẫn nhau.
Điều này tất nhiên đem lại những tác động tích cực cho sự tin cậy của nhân viên với người điều
hành.
Tóm lại, có nhiều cách để xây dựng lòng tin trong doanh nghiệp. Trên đây là một vài yếu tố mà qua
nghiên cứu và thực tế đã cho thấy rằng nếu áp dụng chúng một cách triệt để thì hiệu quả đem lại
là vô cùng to lớn. Điều quan trọng là người điều hành cần phải là người đi đầu, và có biện pháp
phù hợp trong việc thay đổi nhận thức cho nhân viên. Bởi vì thành công không chỉ được xây dựng
bằng năng suất làm việc mà còn từ thái độ của tất cả mọi người.
Nguồn : Tạp chí Văn hóa doanh nhân