Tải bản đầy đủ (.doc) (130 trang)

NGHIÊN cứu GIÁ TRỊ nội DUNG và NGHỆ THUẬT THƠ nôm NGUYỄN ĐÌNH CHIỂU

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (576.33 KB, 130 trang )

BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM HÀ NỘI
****************

NGUYỄN THỊ NGA

NGHIÊN CỨU GIÁ TRỊ NỘI DUNG
VÀ NGHỆ THUẬT THƠ NÔM
NGUYỄN ĐÌNH CHIỂU
Chuyên ngành Văn học Việt Nam trung đại
Mã số: 60.22.01.21

LUẬN VĂN THẠC SĨ KHOA HỌC NGỮ VĂN

Người hướng dẫn khoa học: T.S Trần Thị Hoa Lê

HÀ NỘI, NĂM 2014


Lời cảm ơn!
Trước hết tôi xin được bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc tới cô giáo TS. Trần
Thị Hoa Lê - người đã trực tiếp hướng dẫn tôi trong suốt quá trình nghiên
cứu thực hiện đề tài.
Tôi xin chân thành cảm ơn sự quan tâm giúp đỡ của Phòng Sau đại
học cùng các thầy cô giáo trong và ngoài khoa Ngữ văn trường Đại học Sư
phạm Hà Nội đã tạo điều kiện tốt nhất cho tôi thực hiện đề tài này!
Xin chân thành cảm ơn gia đình và bạn bè đã luôn động viên, khích lệ
tôi hoàn thành luận văn!
Hà Nội, ngày 20 tháng 10 năm 2014
Học viên


Nguyễn Thị Nga


BẢNG KÝ HIỆU VIẾT TẮT SỬ DỤNG TRONG LUẬN VĂN
Stt

Kí hiệu

Nội dung

1

TĐTĐ

Thơ điếu Trương Định

2

T ĐPT

Thơ điếu Phan Tòng

3

NTYTV Đ

4

DTHM


Dương Từ Hà Mậu

5

[3, 439]

3 là số thứ tự của tài liệu trong thư mục tham khảo

Ngư Tiều y thuật vấn đáp

439 là số trang trong tài liệu có ý kiến được trích dẫn
6

Nxb

Nhà xuất bản


MỤC LỤC


PHẦN MỞ ĐẦU
1. Lý do chọn đề tài
1.1. Lý do khoa học
Tác phẩm văn học là một chỉnh thể nghệ thuật toàn vẹn, trong đó nhà
văn (cha đẻ của chỉnh thể nghệ thuật đấy) bằng công sức, tư tưởng, tài năng,
tâm huyết đã sáng tạo nên những công trình nghệ thuật toàn vẹn. Theo thời
gian, những tác phẩm có giá trị, những tác giả lớn vẫn được các thế hệ
nghiên cứu nhằm tìm tòi hơn nữa những đóng góp của họ tới sự phát triển
của văn học. Tuy nhiên con đường nghiên cứu tác phẩm, tác gia văn học có

rất nhiều lối rẽ mà lối rẽ nào cũng phải hình thành trên cơ sở khoa học thực
tiễn của bộ môn nghiên cứu văn học. Một trong những lối đi vững chắc là
nghiên cứu, phân tích các tác phẩm văn học, đặc biệt là những tác phẩm văn
học tiêu biểu gắn liền với thành tựu nghệ thuật của nhà văn đó. Khi nghiên
cứu tác phẩm, chúng ta không thể tách rời nội dung và nghệ thuật, bởi chúng
có mối liên hệ thống nhất, biện chứng với nhau, chuyển hóa cho nhau và
không thể tách rời.
Nhận thức rõ được tầm quan trọng của việc nghiên cứu giá trị nội dung
và nghệ thuật khi tiếp cận tác phẩm văn học, trong đề tài này, chúng tôi lựa
chọn nghiên cứu giá trị nội dung và nghệ thuật thơ Nôm của Nguyễn Đình
Chiểu.
Giai đoạn văn học nửa cuối thế kỷ XIX là giai đoạn có ý nghĩa đặc biệt
trong tiến trình Văn học Việt Nam. Đây là giai đoạn nền văn học phát triển
trong thời kì lịch sử đất nước phải trải qua một cuộc thử thách vô cùng to
lớn: thực dân Pháp nổ súng xâm lược nước ta, biến nước ta thành xứ thuộc
địa. Chính vì thế, xu thế phát triển của văn học phải chuyển hướng. Mục tiêu
của văn học thời kỳ này là chống xâm lăng, bảo vệ Tổ quốc. Đối tượng đấu

1


tranh của văn học là chống bọn thực dân cướp nước và bọn phong kiến tay
sai. Do đó, văn học trung đại nửa cuối thế kỉ XIX mang tính chất thời sự.
Tính chất này đã chi phối toàn bộ đời sống văn học, đã làm thay đổi diện
mạo văn học. Tất cả các nội dung của văn học giai đoạn trước hướng đến sự
phát hiện con người, khẳng định những giá trị chân chính của con người như
tình yêu, quyền sống của con người,... giờ đây dường như không còn mà
thay thế vào đó là một chủ đề rất mới: chủ đề yêu nước chống Pháp. Song,
chủ đề thay đổi nhưng truyền thống nhân đạo và hiện thực của văn học Việt
Nam những giai đoạn trước không biến mất mà lại được kết hợp chặt chẽ với

truyền thống yêu nước, hoặc chuyển hóa thành truyền thống yêu nước trong
giai đoạn văn học này. Chính vì vậy, khuynh hướng văn học chủ đạo nửa
cuối thế kỷ XIX là khuynh hướng yêu nước chống Pháp.
Văn học yêu nước chống Pháp phát triển sớm nhất ở Nam Bộ với
những tác giả tên tuổi như Nguyễn Đình Chiểu, Nguyễn Hữu Huân, Hồ
Huân Nghiệp...

Trong đó phải kể đến tác giả Nguyễn Đình Chiểu với

những tác phẩm nổi tiếng như truyện thơ và thơ văn Nôm. Toàn bộ sáng tác
của ông đều bằng chữ Nôm. Sáng tác chữ Nôm của Nguyễn Đình Chiểu
cùng với các nhà thơ khác cùng thời và trước đó như Nguyễn Trãi, Nguyễn
Du, đã khẳng định vai trò, vị trí của văn học viết bằng chữ Nôm và những
đóng góp vào nền văn học của dân tộc. Bên cạnh các tác phẩm truyện thơ thì
thơ Nôm của Nguyễn Đình Chiểu có một vai trò vị trí quan trọng trong sáng
tác của ông, cũng như trong nền văn, thơ dân tộc.
1.2. Lý do thực tiễn
Nguyễn Đình Chiểu là một trong những tác giả quan trọng trong chương
trình giảng dạy và học tập ở các cấp học, vì vậy việc tìm hiểu về tác giả và tác

2


phẩm là một điều bổ ích, thiết thực đối với những giáo viên đang trực tiếp
giảng dạy ở bậc phổ thông như chúng tôi.
Mặt khác, Nguyễn Đình Chiểu còn là tác giả lớn trong chương trình văn
học Việt Nam trung đại thuộc phạm vi nhà trường ở mọi cấp học: trung học
cơ sở, trung học phổ thông, Đại học. Đề tài này sẽ góp thêm một góc nhìn vào
việc tìm hiểu nghiên cứu Nguyễn Đình Chiểu.
2.


Lịch sử vấn đề
2.1. Công trình nghiên cứu chung về thơ văn Nguyễn Đình Chiểu
Nguyễn Đình Chiểu là tác giả tiêu biểu của văn học Việt Nam giai đoạn

nửa cuối thế kỉ XIX. Chính vì vậy, cho đến nay đã có rất nhiều nhà nghiên
cứu quan tâm và tìm hiểu về cuộc đời và sự nghiệp của ông. Có thể kể đến
công trình của các nhà nghiên cứu, phê bình: Phạm Văn Đồng, Trần Thanh
Mại, Đặng Thai Mai, Hoài Thanh, Trần Văn Giàu, Nguyễn Đình Chú,
Nguyễn Phong Nam,... đã ghi nhận những đóng của Nguyễn Đình Chiểu ở
nhiều lĩnh vực khác nhau qua một số công trình tiêu biểu: Nguyễn Đình Chiểu
tấm gương yêu nước và lao động nghệ thuật, kỷ niệm lần thứ 150 ngày sinh
của nhà thơ; Nguyễn Đình Chiểu tác phẩm và lời bình; Nguyễn Đình Chiểu từ
quan điểm thi pháp học; Từ ngữ - thơ văn Nguyễn Đình Chiểu; Nguyễn Đình
Chiểu thân thế, sự nghiệp và tác phẩm,… Cụ thể:
Ngay ở phần mở đầu bài viết cho Tạp chí Văn học nhân dịp kỉ niệm lần thứ
75 ngày mất Nguyễn Đình Chiểu, 7- 1963, cố thủ tướng Phạm Văn Đồng đã
nhấn mạnh: "Trên trời có những vì sao có ánh sáng khác thường, nhưng con
mắt của chúng ta phải chăm chú nhìn thì mới thấy, và càng nhìn thì càng thấy
sáng. Văn thơ của Nguyễn Đình Chiểu cũng vậy", ( Nguyễn Đình Chiểu tấm
gương yêu nước và lao động nghệ thuật, kỷ niệm lần thứ 150 ngày sinh của
nhà thơ) [18, 23]. Chỉ bằng lời nhận xét đó, người đọc có thể thấy được sự

3


trân trọng, đánh giá của cố thủ tướng đối với thơ văn Nguyễn Đình Chiểu. Cố
thủ tướng cũng đã cho ta thấy được rằng Nguyễn Đình Chiểu không chỉ là
một tác giả với những truyện Nôm nổi tiếng quen thuộc như Lục Vân Tiên,
Dương Từ- Hà Mậu mà ông còn là một tác giả của nhiều tác phẩm thơ văn

nổi tiếng khác. Chính vì vậy, cần phải có cái nhìn cũng như sự tiếp cận toàn
diện đối với các sáng tác của tác giả Nguyễn Đình Chiểu. Cũng qua đó, ta có
thể hiểu rằng thơ văn của cụ Đồ Chiểu như một ngôi sao giản dị trên bầu trời
văn học nước nhà. Nếu ta nhìn thoáng qua thì chưa thấy hết được giá trị và
sức ảnh hưởng của nó, nhưng nếu ta càng nhìn thì càng thấy sáng. Rõ ràng
sức ảnh hưởng và lan tỏa của thơ văn Nguyễn Đình Chiểu đối với nền văn
học trung đại nói riêng và văn học nước nhà nói chung là rất lớn.
Bên cạnh đó phải kể đến một số bài nghiên cứu in trong " Nguyễn Đình
Chiểu, tấm gương yêu nước và lao động nghệ thuật", NXB KHXH, 1973:
Giáo sư Đặng Thai Mai trong bài " Nguyễn Đình Chiểu, nhà thơ yêu nước lớn
của nhân dân Việt Nam" (9- 1963), đã nhận định : "Nguyễn Đình Chiểu xứng
đáng danh hiệu người thi sĩ của nhân dân, đã suốt đời gắn bó cuộc đời mình
với vận mệnh của Tổ quốc, của nhân dân, đã suốt đời đem nghệ thuật của
mình phục vụ sự nghiệp chiến đấu của nhân dân"[18, 103]. Ở đây, giáo sư cho
ta thấy được vai trò, công lao to lớn của Nguyễn Đình Chiểu. Một nhà thơ mù
nhưng có cái tâm trong sáng, có lòng yêu thương dân vô hạn. Lòng yêu
thương đó nhân lên thành lòng yêu nước, dùng văn chương để tuyên truyền
đấu tranh bảo vệ tổ quốc. Cũng trong bài viết này, giáo sư muốn khẳng định
rằng, bên cạnh các tác phẩm truyện Nôm, thì thơ văn yêu nước chống Pháp
của Nguyễn Đình Chiểu có giá trị lớn lao và rất thành công trong sự nghiệp
sáng tác của Nguyễn Đình Chiểu.

4


Trong " Bài học sống, chiến đấu và sáng tạo nghệ thuật của nhà thơ lớn
", diễn văn do đồng chí Hà Huy Giáp, đọc tại cuộc mít tinh trọng thể kỷ niệm
lần thứ 150 ngày sinh Nguyễn Đình Chiểu, tổ chức tại Hà Nội, tháng 7- 1972
nhấn mạnh "Trước khi bàn đến những cống hiến của Nguyễn Đình Chiểu
trong sự nghiệp thơ, văn và cuộc sống, chúng tôi muốn nói về con người và

cuộc đời riêng của ông. Bởi vì ở Nguyễn Đình Chiểu, cuộc đời riêng và sự
nghiệp hầu như chỉ là một, nó hài hòa cùng nhau và xây dựng trên một
nguyên tắc đạo lý. Ở ông, cuộc đời cũng là một tấm gương sáng như sự
nghiệp: tấm gương về đạo đức, nhân nghĩa". Với lời phát biểu như trên, tác
giả muốn nói đến tư tưởng nhân nghĩa của Nguyễn Đình Chiểu. Với nhà thơ,
nhân nghĩa là thương dân, là yêu nước. Từ đó nó trở thành một tư tưởng đạo
lý thấm nhuần trong sáng tác của ông.
Cũng bàn đến nhân nghĩa và chủ nghĩa yêu nước, Giáo sư Nguyễn Đình Chú
đã viết bài "Từ lý tưởng nhân nghĩa đến chủ nghĩa yêu nước" (7- 1972), trong
đó có đoạn: " Đồ Chiểu thuộc loại nhà văn mà cuộc đời luôn luôn gắn bó với
vận mệnh của thời đại, của đất nước một cách có ý thức. Cái đẹp của văn
chương Đồ Chiểu trước hết là cái đẹp của văn chương luôn luôn vươn lên ở
độ cao tư tưởng và tình cảm của thời đại. Từ Lục Vân Tiên đến văn thơ chống
Pháp, văn chương Đồ Chiểu đã tiến từ lý tưởng nhân nghĩa đến chủ nghĩa yêu
nước chống ngoại xâm, chứng tỏ một sự phát triển thuận theo yêu cầu lịch
sử"[3, 439]. Qua bài viết, giáo sư khẳng định rõ hơn con đường phát triển
trong mối quan hệ thống nhất biện chứng giữa tư tưởng và nghệ thuật của
Nguyễn Đình Chiểu.
Viết về phong cách văn chương của Nguyễn Đình Chiểu, tác giả Bàng Bá
Lân đã đưa ra ý kiến: "Nguyễn Đình Chiểu không lãng mạn cũng không trữ
tình, không tượng trưng, cũng không tả thực: ông chỉ dùng những lời thơ
thông thường giản dị, mộc mạc, bình dân để phô bày những tư tưởng đạo lý,

5


những xúc động chân thành trước tình nhà, nỗi nước..." ( Nguyễn Đình Chiểu,
nhà thơ bình dân lớn của miền Nam, 1971, tr.85-94).
Giáo sư Trần Ngọc Vương trong bài " Những đặc điểm mang tính quy luật
của sự phát triển nhìn nhận qua sáng tác của Nguyễn Đình Chiểu, Nguyễn

Đình Chiểu, thơ và đời, NXB Văn Học, 2012" đã nhấn mạnh: "Bằng toàn bộ
sáng tác của mình, Nguyễn Đình Chiểu đã góp phần quyết định nâng vùng
văn học Nam Bộ lên ngang tầm phát triển chung của văn học dân tộc. Hơn thế
nữa, trở thành bộ phận đi tiên phong của chủ đề yêu nước chống ngoại xâm."
Rõ ràng, Nguyễn Đình Chiểu đã có công trong việc xây dựng nền văn học
Nam Bộ kháng chiến, điều đó xứng đáng với danh hiệu mà người đời tôn vinh
ông nhà thơ yêu nước xuất sắc của Nam Bộ thời kháng chiến chống Pháp.
Đồng thời ông cũng khẳng định: "Có thể nói, văn tế của Nguyễn Đình Chiểu
là những tác phẩm văn học hoàn hảo nhất của ông, và có những bài văn tế của
ông đã trở thành kiệt tác của văn học dân tộc."( Tác giả trong nhà trường
Nguyễn Đình Chiểu) [22, tr 32]. Cũng trong bài viết này, giáo sư Trần Ngọc
Vương có đưa ra nhận định: " Hình tượng văn học thành công nhất của
Nguyễn Đình Chiểu, có ý nghĩa văn học sử quan trọng bậc nhất, là hình tượng
người nghĩa binh, người anh hùng vô danh tiêu biểu cho sức mạnh, cho lòng
dũng cảm tuyệt vời và đức hi sinh cao cả, xứng đáng đại diện cho toàn bộ
những giá trị tinh thần dân tộc" [22, tr 31]. Như vậy, chỉ trong một bài viết,
giáo sư đã đưa ra những nhận định thật sâu sắc cũng như khẳng định cho
chúng ta thấy được những đóng góp của Nguyễn Đình Chiểu trong quá trình
sáng tác thơ văn Nôm về cả thể loại và cách xây dựng hình tượng nhân vật.
Tác giả Nguyễn Phong Nam, "Nguyễn Đình Chiểu từ quan điểm thi pháp
học", NXB Giáo dục- 1997, đã nhấn mạnh: "Nguyễn Đình Chiểu là nhà văn
có nhiều đóng góp xuất sắc cho dòng văn học yêu nước - dòng chủ lưu của
văn học Việt Nam giai đoạn này. Ông là một trong những người mở đầu cho

6


trào lưu văn học yêu nước chống Pháp ở nước ta từ nửa sau thế kỉ XIX đến
những năm đầu thế kỉ XX"[15,10]. Ở bài viết này, tác giả đã nói đến đóng
góp xuất sắc của Nguyễn Đình Chiểu về mặt nội dung trong dòng thơ văn yêu

nước. Mà mảng văn học thể hiện rõ nội dung đó ở giai đoạn này chính là phần
mảng thơ văn Nôm.
Trần Thanh Mại, "Nguyễn Đình Chiểu, lá cờ đầu của nền thơ văn yêu
nước thời kỳ cận đại" (7-1963), có nhận định: “Thơ văn yêu nước của Nguyễn
Đình Chiểu khi thì hùng hồn, cảm khái, khi thì tha thiết lâm li, nhiều đoạn
uyển chuyển du dương, nhiều đoạn lại sôi nổi, mạnh mẽ. So với giai đoạn
trước xâm lăng, rõ ràng Nguyễn Đình Chiểu có một bước tiến mới về nghệ
thuật, điều này thể hiện bước tiến mới của nhà thơ về tư tưởng”[18, 379]. Bài
viết đã tập trung nói đến tư tưởng tiến bộ của Nguyễn Đình Chiểu trong các
sáng tác của mình, đặc biệt là mảng thơ văn yêu nước kể từ khi đất nước bị
xâm lăng. Thơ văn ông có tính chiến đấu rất cao đồng thời lại mang giá trị
hiện thực sâu sắc, tràn đầy tính nhân dân và dân tộc. Bao nhiêu đau thương
mất mát cũng như bao nhiêu nhiệt huyết sục sôi kháng Pháp của nhân dân đã
được ông chuyển tải trong các bài hịch, văn tế và thơ điếu. Cũng nhờ đó mà
các tác phẩm này trở thành những áng thơ văn bất hủ của thời đại- những áng
thơ văn giàu sức chiến đấu và có một tác dụng động viên, tuyên truyền mãnh
liệt. Và các nội dung đó chính là yêu nước, căm thù giặc, vạch trần tội ác của
giặc, kịch liệt phê phán bọn tay sai bán nước, ca ngợi các anh hùng nghĩa sĩ hi
sinh vì nhân dân đất nước.
Nhà phê bình văn học Hoài Thanh trong bài " Nguyễn Đình Chiểu, một
nhà thơ lớn, một tấm gương chói ngời tinh thần bất khuất của dân tộc Việt
Nam" (7-1963) viết: " Nguyễn Đình Chiểu đã lấy ngòi bút làm vũ khí, sáng
tác ra một loại thơ văn gắn liền với thời sự: Văn tế Nghĩa sĩ Cần Giuộc, Thơ
và văn tế điếu Trương Định, Thơ điếu Phan Tòng, Văn tế nghĩa sĩ lục tỉnh.

7


"[18, 113]; "Bên cạnh hình ảnh nghĩa quân là hình ảnh những người cầm đầu
các cuộc khởi nghĩa. Nguyễn Đình Chiểu hết lời ca ngợi họ, đặc biệt nêu bật

mối quan hệ khăng khít giữa họ với quần chúng"[18, 119]. Chúng ta thấy tác
giả đã nêu lên một trong những đề tài mà Nguyễn Đình Chiểu phản ánh, đó là
hình ảnh những vị lãnh tụ nghĩa quân, người đứng đầu, dẫn dắt các phong trào
đấu tranh của nhân dân.
Có thể thấy hầu hết các công trình nghiên cứu, các bài viết đều tập
trung đề cao, khẳng định vai trò, đóng góp của Nguyễn Đình Chiểu đối với
nền văn học nước nhà cũng như phong trào kháng Pháp của Nam Bộ thời
bấy giờ.
2.2. Công trình nghiên cứu riêng về thơ Nôm của Nguyễn Đình Chiểu.
Bên cạnh những bài viết, công trình nghiên cứu chung về Nguyễn Đình
Chiểu, ta có thể kể đến một số công trình, bài viết nghiên cứu riêng về tác
phẩm thơ Nôm của nhà thơ. Một số bài nghiên cứu in trong "Nguyễn Đình
Chiểu, tấm gương yêu nước và lao động nghệ thuật", NXB KHXH, 1973.
Trong bài nghiên cứu "Bàn về Nguyễn Đình Chiểu - người nghệ sĩ từ và
trong truyện Nôm", Nho giáo và Văn học Việt Nam trung cận đại, Trần Đình
Hượu, NXB Văn hóa thông tin 1995, có nhận định: "... nội dung cảm hứng
của nhiều bài thơ nói đạo lý kháng chiến, là nội dung bức thư gửi em và thơ
tự vịnh. Cho nên trước những sự kiện thực tế ở Nam Bộ lúc đó nhà thơ mới ca
tụng Phan Thanh Giản, mới băn khoăn biện minh cho lòng trung nghĩa của
Trương Định. Đạo lý không chỉ quy định nội dung mà cả quan niệm về chức
năng và cái đẹp nghệ thuật"[8, tr199]. Bài viết đã khẳng định, không chỉ các
truyện Nôm của Nguyễn Đình Chiểu mà các tác phẩm khác của ông trong đó
có thơ Nôm cũng chịu sự chi phối của tư tưởng Nho gia. Mặc dù tư tưởng
Nho gia đã được thay đổi cho phù hợp với thực tế đất nước lúc bấy giờ. Song,

8


đây chỉ là một ý trong một bài nghiên cứu về truyện Nôm chứ không phải là
bài nghiên cứu riêng về thơ Nôm.

Trong bài nghiên cứu "Nguyễn Đình Chiểu, nhà thơ lớn yêu nước, chống
xâm lăng, một tâm hồn vằng vặc nhân nghĩa, một tấm gương kiên trung và
bất khuất " tháng 7- 1972, Hà Huy Giáp, sau khi nêu lên một số quan điểm
căn bản về nội dung đã đề cập đến vấn đề ngôn ngữ thơ Nôm Nguyễn Đình
Chiểu: " Nguyễn Đình Chiểu đã sử dụng ngôn ngữ dân gian rất mạnh dạn, tài
tình, nhiều từ ngữ rất bạo làm cho các câu thơ vừa có tính quần chúng cao,
vừa mang đặc điểm tâm lý dân tộc sâu sắc."[18, 80]. Hà Huy Giáp đã cho
rằng Nguyễn Đình Chiểu đã có ý thức sử dụng ngôn ngữ có tính chất thẩm
mỹ cao, một nguyên nhân làm cho thơ ông dễ nhớ, dễ thuộc, dễ truyền tụng.
Tuy nhiên do giới hạn của bài viết nên tác giả cũng mới chỉ nêu lên chứ chưa
chứng minh cụ thể được.
Giáo sư Nguyễn Đình Chú, người đã dành nhiều tâm huyết và có nhiều
bài viết trong việc nghiên cứu về tác giả Nguyễn Đình Chiểu trong bài "Từ
thực tế giảng dạy trong nhà trường nghĩ thêm về nghệ thuật văn chương của
Nguyễn Đình Chiểu", (1982) khẳng định: "... Về thể loại thất ngôn Đường
luật, công bằng mà nói Đồ Chiểu còn phải đứng sau Nguyễn Trãi, Hồ Xuân
Hương, Nguyễn Khuyến, Tú Xương... nhưng một đôi bài của Đồ Chiểu ( Xúc
cảnh, Làm thuốc...) lại vẫn xứng đáng xếp vào những bài thơ luật Đường hay
nhất của thơ luật Đường nước ta". Rõ ràng bằng những nhận xét vô cùng tinh
tế, ngắn gọn mà hàm súc, người đọc chúng ta cũng thấy rõ một phần nào vị trí
cũng như giá trị của thơ Nôm Nguyễn Đình Chiểu.
Cũng trong khoảng thời gian đó, tác giả Chu Văn Sơn trong bài viết "
Mấy nhận xét về thơ luật Đường của Nguyễn Đình Chiểu (1982), in trong
cuốn Tác giả trong nhà trường Nguyễn Đình Chiểu, NXB Văn học 2006 đã

9


nêu lên một vài quan điểm, nhận định về thơ Nôm Đường luật Nguyễn Đình
Chiểu: "Thơ luật Đường của Nguyễn Đình Chiểu được thu thập lại từ các

nguồn thơ chống Pháp ( những bài sáng tác độc lập riêng biệt) hoặc từ các tác
phẩm dài hơi hơn ( Dương Từ- Hà Mậu, Ngư Tiều y thuật vấn đáp...)[22,
tr196]. Tác giả đã đề cập đến nguồn gốc các bài thơ Nôm Đường luật và cũng
đưa ra nhận định về giá trị các bài thơ điếu trong việc xây dựng thành công
những anh hùng lãnh tụ nghĩa binh: "Trong thơ luật Đường của Nguyễn Đình
Chiểu, chiếm một phần tương đối lớn và có giá trị là thơ điếu. Ông đã dựng
lên chân dung các liệt sĩ anh hùng trong đó" [22, tr200].
Nghiên cứu về Nguyễn Đình Chiểu nhìn chung đã có rất nhiều công trình,
bài viết với nhiều quy mô khác nhau, phản ánh nhiều góc độ khác nhau về
cuộc đời, sự nghiệp, tư tưởng, nội dung, nghệ thuật,... Nhưng giá trị nội dung
và nghệ thuật thơ Nôm của Nguyễn Đình Chiểu trước đó vẫn chưa được khảo
cứu như một công trình nghiên cứu khoa học. Chính vì vậy, công trình này
của chúng tôi tập trung nghiên cứu những đóng góp có giá trị của thơ Nôm
Nguyễn Đình Chiểu với mong muốn góp một phần nhỏ bé bù lấp cho khoảng
trống còn thiếu hụt này.Tuy nhiên, những công trình trên là những cứ liệu
phong phú và bổ ích đã gợi dẫn và giúp chúng tôi rất nhiều trong quá trình
nghiên cứu, hoàn thiện đề tài. Thông qua đề tài nghiên cứu này chúng tôi hy
vọng sẽ mang đến một cách nhìn tổng thể, có hệ thống về giá trị nội dung và
nghệ thuật của thơ Nôm Nguyễn Đình Chiểu. Từ đó thấy được những đóng
góp của ông cho sự phát triển thơ văn nước nhà.
3. Mục đích, nhiệm vụ nghiên cứu.
* Mục đích nghiên cứu: Thông qua việc tìm hiểu nội dung nghệ thuật của thơ
Nôm Nguyễn Đình Chiểu, luận văn góp phần khẳng định diện mạo thơ Nôm

10


giai đoạn hậu kỳ trung đại. Từ đó thấy được những đóng góp của Nguyễn
Đình Chiểu đối với sự phát triển thơ Nôm Việt Nam.
* Nhiệm vụ nghiên cứu:

- Khảo sát, thống kê, phân loại, phân tích những vấn đề về giá trị nội dung
chủ yếu và những đặc sắc về nghệ thuật mà thơ Nôm Nguyễn Đình Chiểu
đề cập đến.
- Tiến hành so sánh ở những mức độ nhất định với giá trị nội dung, nghệ
thuật trong thơ Nôm của một số nhà thơ trước đó như: Nguyễn Trãi,
Nguyễn Du để thấy được sự kế thừa và sáng tạo của Nguyễn Đình Chiểu.
4. Đối tượng, phạm vi nghiên cứu.
4.1. Đối tượng nghiên cứu.
Đối tượng nghiên cứu của luận văn là những giá trị nội dung và nghệ
thuật của thơ Nôm Nguyễn Đình Chiểu (Gồm toàn bộ các bài thơ Nôm độc
lập và các bài thơ xướng họa của các nhân vật đan xen trong hai truyện Nôm
Dương Từ- Hà Mậu, Ngư Tiều y thuật vấn đáp) để khảo sát và phân tích.
4.2. Phạm vi nghiên cứu.
Với đối tượng này, chúng tôi xác định phạm vi nghiên cứu là căn cứ vào
tư liệu từ các cuốn Nguyễn Đình Chiểu toàn tập, Tập 1, Nhà xuất bản Đại học
và trung học chuyên nghiệp, 1980 và Nguyễn Đình Chiểu toàn tập, Tập 2,
Nhà xuất bản văn học Hà Nội, 1997.
Do điều kiện thời gian và mức độ, luận văn của chúng tôi chưa tiếp cận
được bản Nôm của các tác phẩm nên chỉ căn cứ vào bản chữ quốc ngữ.
5. Phương pháp nghiên cứu

11


- Phương pháp phân tích tác phẩm văn học: Phân tích nội dung và nghệ
thuật trong thơ Nôm của Nguyễn Đình Chiểu.
- Phương pháp văn học sử: đặt Nguyễn Đình Chiểu và thơ Nôm của ông
vào bối cảnh lịch sử- xã hội Việt Nam thế kỉ XIX để thấy được vị trí của
ông trong nền văn học dân tộc.
- Phương pháp so sánh văn học: Tiến hành so sánh thơ Nôm của Nguyễn

Đình Chiểu với một số tác phẩm thơ Nôm của các tác giả khác trên cả hai
trục đồng đại và lịch đại để thấy được nét riêng trong sáng tác của ông.
6. Bố cục luận văn
Ngoài phần mở đầu, kết luận, thư mục tài liệu tham khảo và phụ lục,
nội dung chính của luận văn gồm ba chương:
Chương I: Một số vấn đề chung liên quan đến đề tài.
Chương II: Giá trị nội dung thơ Nôm Nguyễn Đình Chiểu.
Chương III: Giá trị nghệ thuật thơ Nôm Nguyễn Đình Chiểu.

12


PHẦN NỘI DUNG
Chương I: MỘT SỐ VẤN ĐỀ CHUNG LIÊN QUAN ĐẾN ĐỀ TÀI
1.1. Sơ lược về thơ Nôm thời trung đại.
Có thể nói, việc ra đời hệ thống chữ Nôm từ khoảng thế kỉ thứ X đã đáp
ứng được phần nào nhu cầu phát triển của văn hóa dân tộc. Có chữ Nôm, nền
văn học viết nước ta có thêm bộ phận văn học viết bằng chữ Nôm. Sự xuất
hiện thơ văn chữ Nôm bắt đầu từ thế kỷ XIII là bước nhảy vọt của quá trình
văn học. Nhờ có thơ văn viết bằng chữ Nôm mà các tác giả thời bấy giờ có
thể bộc lộ tâm tư thầm kín, đa dạng của con người Việt. Không những thế, thơ
văn Nôm còn giúp họ miêu tả rõ nét hiện thực đời sống dân tộc. Đó là những
điều mà thơ văn chữ Hán hạn chế, khó phản ánh được. Trong kho tàng thơ
văn Nôm trung đại thì thơ Nôm chiếm vị trí rất quan trọng và có giá trị. Nói
đến thành công của thơ Nôm trung đại ta phải kể đến sự thành công trong việc
tiếp thu thể loại văn học Trung Quốc và dân tộc hóa chúng biểu hiện bằng các
thể thơ Nôm Đường luật, Đường luật thất ngôn xen lục ngôn...
Trong Mĩ học, Hê ghen viết "Nhiệm vụ chính của thơ là gợi lên cho ý
thức nhận thấy sức mạnh của cuộc sống tinh thần và tất cả những gì lay động
ta". Thơ ca là sản phẩm của nhận thức, tưởng tượng và sáng tạo. Chính vì thế,

thơ là dạng thức ban đầu của Văn học. Trải qua quá trình lịch sử phát triển lâu
dài, thơ ca đã hình thành những hình thức cực kì đa dạng từ thơ sử thi dài
hàng chục vạn câu đến những bài thơ rất ngắn chỉ hai ba dòng. Từ thơ bài luật
cổ phong, Đường luật đến trữ tình tự do, thơ văn xuôi... và thơ Nôm. Thơ
Nôm là sự kết hợp tài tình giữa thơ và chữ Nôm. Trải qua sự phát triển lâu
dài, thơ Nôm trở thành "đặc sản" của văn học trung đại Việt Nam. Là những
bài thơ được viết bằng chữ Nôm, thơ Nôm mang trong mình đầy đủ những
đặc điểm riêng có của thơ ca và tinh hoa của chữ Nôm, để rồi kết tinh ở một

13


vài tác gia tiêu biểu Nguyễn Trãi, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Hồ Xuân Hương,
Nguyễn Khuyến, Tú Xương... và Nguyễn Đình Chiểu.
Thơ Nôm trung đại được viết với nhiều dạng thức khác nhau như phú,
hát nói, thơ Đường luật... Mỗi tiểu loại đều có những đặc điểm riêng, mà tiểu
loại nào cũng có mặt thú vị, độc đáo nhất định. Đối với Nguyễn Đình Chiểu,
từ khi cầm bút sáng tác, ông chỉ lựa chọn cho mình thể loại thơ Nôm Đường
luật để thể hiện tư tưởng của người cầm bút. Có lẽ, sự lựa chọn này xuất phát
từ nhiều yếu tố, ở đây chúng tôi mạn phép không bàn tới mà chỉ tập trung
nghiên cứu những thành tựu thơ Nôm Đường luật của ông.
Trong lịch sử văn học Việt Nam, thơ Nôm Đường luật là một hiện tượng
vừa tiêu biểu, vừa độc đáo. Tiêu biểu ở chỗ nó phản ánh những điều kiện, bản
chất, quy luật của quá trình giao lưu, tiếp nhận văn học. Độc đáo bởi thơ Nôm
Đường luật tuy mô phỏng thể thơ ngoại lai (Đường luật Hán) nhưng lại có vị
trí đáng kể bên cạnh các thể thơ dân tộc. Theo Từ điển thuật ngữ văn học do
Lê Bá Hán, Trần Đình Sử, Nguyễn Khắc Phi đồng chủ biên, NXB GD, 2004
thì "Thơ Đường luật còn gọi là thơ cận thể, là thể thơ cách luật ngũ ngôn hoặc
thất ngôn đặt ra từ đời Đường ở Trung Quốc". Và thơ Nôm Đường luật chính
là thể thơ Đường luật viết bằng chữ Nôm gồm các thể: thất ngôn bát cú

Đường luật, ngũ ngôn bát cú Đường luật, thất ngôn tứ tuyệt, ngũ ngôn tứ
tuyệt và cả thơ thất ngôn xen lục ngôn.
Theo tiến trình lịch sử văn học Việt Nam, thơ Nôm thời trung đại có một
quá trình phát triển rất cụ thể qua các giai đoạn: giai đoạn hình thành, giai
đoạn phát triển và giai đoạn cuối. Tương ứng với các giai đoạn ấy, chúng tôi
phân chia thành những mốc thời gian cụ thể: Thơ Nôm từ thế kỷ XIII đến thế
kỷ XVII, thơ Nôm từ thế kỷ XVIII đến thế kỷ XIX, thơ Nôm nửa cuối thế kỷ
XIX. Cho nên, nghiên cứu tiến trình thơ Nôm thời trung đại giúp ta nhận

14


định, thấy rõ được lịch sử phát triển qua các thời kì của nền văn học chữ Nôm
của dân tộc. Đồng thời, từ đó ta có thể soi chiếu để thấy được vị trí cũng như
những đóng góp của tác giả Nguyễn Đình Chiểu cho thơ Nôm trung đại nói
chung và sự nghiệp thơ Nôm của Nguyễn Đình Chiểu nói riêng.
Giai đoạn phát triển đầu tiên của thơ Nôm trung đại là giai đoạn từ thế kỷ
XIII đến thế kỷ XVII. Ở giai đoạn này, đất nước ta đã thoát khỏi ách thống trị
của phong kiến phương Bắc, xây dựng nền độc lập tự chủ dân tộc và hình thái
xã hội phong kiến rõ nét. Hoàn cảnh lịch sử đó có ảnh hưởng đến sự phát triển
của văn học dân tộc. Văn học thời kỳ này bao gồm văn học dân gian và văn
học viết. Văn học dân gian tiếp tục phát triển, văn học viết bao gồm văn học
chữ Hán và chữ Nôm. Trong đó, đáng chú ý là văn học viết bằng chữ Nôm
chính thức ra đời tạo bước ngoặt và khẳng định được vị trí của nó trong đời
sống văn học dân tộc. Sáng tác văn học bằng chữ Nôm đã có từ thời Hàn
Thuyên, đời Trần, thế kỉ XIII. Ông được mệnh danh là người giỏi thơ Nôm.
Đồng thời ông cũng là người phát triển, phổ biến chữ Nôm ở Việt Nam. Hàn
Thuyên có biệt tài làm được thơ phú bằng quốc âm, tức chữ Nôm ( biến đổi
về số chữ và niêm luật) để có một thể thơ mà người đời sau gọi là thể thơ Hàn
luật. Theo Dương Quảng Hàm thì Hàn luật chính là Đường luật ứng dụng vào

Việt ngữ, và công Hàn Thuyên rất lớn, vì nhờ có công áp dụng vào thơ phú
chữ Nôm, nhiều người bắt chước theo ông, nên nền văn chương chữ Nôm
được khởi đầu từ đây. Đặc biệt của thơ Hàn luật là có nhiều câu 6 chữ xen kẽ,
điều không có trong thơ Đường. Trong một bài tứ tuyệt hay bát cú, thơ Hàn
luật nhiều khi dùng xen câu 6 tiếng, ở những vị trí không cố định. Nhịp thơ
Đường thường ngắt theo kiểu 4/3, còn ở đây có cả cách ngắt nhịp 3/4, 3/3,
một lối ngắt nhịp phổ biến của thi ca dân gian người Việt.
Nhưng ngày nay, chúng ta chỉ có thể nhận diện thể thơ này qua các tác
phẩm của Nguyễn Trãi, Lê Thánh Tông và Hội Tao Đàn, và sau đó là Nguyễn

15


Bỉnh Khiêm. Văn bản chữ viết đầu tiên của thể thơ này còn giữ được là Quốc
âm thi tập của Nguyễn Trãi. Chính vì vậy việc nghiên cứu về thơ Nôm Đường
luật bắt đầu từ tập thơ này. Quốc Âm thi tập là tập thơ Nôm của Nguyễn Trãi,
tập thơ Nôm cổ nhất, phong phú nhất của Việt Nam còn lại đến ngày nay. Tập
thơ gồm 254 bài phần lớn tập trung vào những nội dung thơ tâm sự, tỏ chí
hướng: "Bui một tấc lòng ưu ái cũ,/ đêm ngày cuồn cuộn nước triều
dâng"( Thuật hứng, bài 5). Ngoài ra, tác giả còn dùng thơ để ca tụng thú
thanh nhàn làm dịu bớt những nỗi niềm buồn đau khi không có cơ hội giúp
nước, không gặp được người cùng mình thực hiện chí lớn. Nhà thơ còn dùng
thơ để tự răn mình, khuyên bảo con cháu trong nhà giữ vững đạo đức, nhân
phẩm, theo đúng lời dạy của thánh hiền (Bảo kính cảnh giới). Có thể nói,
bằng Quốc âm thi tập, Nguyễn Trãi đã mang đến cho lịch sử Văn học Việt
Nam thể loại thơ Nôm Đường luật. Ông đã sáng tác ra một thể thơ mới trên
cơ sở tiếp thu, vận dụng một thể thơ có sẵn trong văn học Trung Quốc
( Đường luật Hán). Từ đó, mang đến cho thể thơ ấy những sắc mầu dân tộc.
Việc sử dụng nhiều và thành công những thành ngữ, tục ngữ, hình thức nghệ
thuật đậm đà tính chất dân dã và màu sắc dân tộc trong sáng tác Nôm đã thể

hiện rõ điều đấy. Qua đó chúng ta thấy, thơ Nôm Đường luật là một thể loại
văn học dân tộc.
Thế kỷ XV là thế kỷ của thơ Nôm Đường luật. Sau Quốc âm thi tập nửa
đầu thế kỷ là sự thành công của Hồng Đức quốc âm thi tập, nửa sau thế kỷ.
Hồng Đức Quốc âm thi tập là tuyển tập thơ chữ Nôm của Lê Thánh Tông và
triều thần. Tập thơ này do nhiều tác giả sáng tác, gồm 283 bài. Tác phẩm là
kết quả của phong trào sáng tác thơ Nôm ở cung đình do nhà vua khởi xướng
nên mang âm điệu ngợi ca vua chúa, triều đình, đạo đức, lễ giáo phong kiến,
nặng về trau chuốt hình thức. Nổi bật nhất là niềm vui sướng, thảnh thơi, lạc
quan, yêu đời của con người được sống trong cảnh thịnh trị. Ở tập thơ này ta

16


thấy bên cạnh việc ca ngợi thiên nhiên, anh hùng lịch sử, truyền thống quang
vinh còn có bóng dáng người bình dân, lam lũ, cơ cực và những sự việc quen
thuộc với sinh hoạt giản dị, bình thường của nông thôn Việt Nam ngày trước.
Đọc tập thơ, ta có thể bắt gặp bóng dáng, vẻ đẹp kín đáo của một ngôi chùa
cổ: "Hoa nở châu rơi màu hổ phách/ Rêu in cỏ mọc thức đồi mồi" (Lại vịnh
chùa Pháp Vân), cũng có thể là vẻ đẹp lộng lẫy của một đạo quán giữa chốn
phồn hoa đô hội: "Là tuông doành quế màu lai láng,/ Gấm trải đường hoa
khách dập dìu"( Quan Trấn Vũ). Hay cụ thể hơn là sự ca ngợi Tổ quốc giàu
đẹp, ngợi ca cuộc sống thanh bình của dân tộc. Điều đó thể hiện rõ nét trong
chùm thơ vịnh Năm canh:
"Lầu treo cung nguyệt người êm giấc,
Đường quạnh nhà thôn cửa chặt cài.
Cảnh vật chòm chòm bay lửa đóm,
Cỏ hoa gốc gốc đượm hương trời..."
( Canh hai)
Đặc điểm nổi bật của tập thơ này là việc dùng thơ lục ngôn nhiều. Đồng thời

là việc dùng từ láy tạo nên đặc tính dân tộc của ngôn ngữ hết sức phong phú
và đa dạng. Một số bài trong tập thơ còn có tiếng cười hài hước, trào lộng rất
gần với bút pháp Hồ Xuân Hương sau này. Hồng Đức Quốc âm thi tập là
bước phát triển tiếp theo của Thơ Nôm Đường luật. Qua đó ta thấy được sự kế
thừa cũng như những tìm tòi và mở hướng của các nhà thơ làm tiền đề cho
thơ Nôm Đường luật giai đoạn sau.
Đến Bạch Vân Quốc âm thi tập, tầm khái quát của thơ Nôm Đường luật
được nâng lên một bước. Đề tài, chủ đề mang tính chất xã hội. Thơ Nguyễn
Bỉnh Khiêm phản ánh cuộc sống cụ thể, sinh động mang tầm khái quát rộng

17


lớn. Thơ Nôm của ông hầu như chỉ đề cập đến một mặt của hiện thực xã hội:
mối quan hệ giữa người với người. Thông qua mối quan hệ này, thơ Nôm của
Nguyễn Bỉnh Khiêm cho ta thấy một bức tranh khá sinh động về thời đại của
ông:
Thế gian biến cải vũng nên đồi
Mặn nhặt, chua cay lẫn ngọt bùi
Còn bạc, còn tiền,còn đệ tử
Hết cơm, hết rượu, hết ông tôi
Xưa nay đều trọng người chân thực
Ai nấy nào đưa kẻ đãi bôi
Ở thế mới hay người bạc ác
Giàu thì tìm đến, khó tìm đi
( Bạch vân quốc âm thi tập, bài 33)
Xu hướng phá cách trong sáng tác Nôm Đường luật vẫn được Nguyễn Bỉnh
Khiêm tiếp tục. Bên cạnh đó, ông tiếp tục dùng thơ Đường luật để trào phúng,
Nguyễn Bỉnh Khiêm đã vận dụng phát huy một cách rõ nét. Nguyễn Bỉnh
Khiêm là dấu nối giữa hai thời kỳ, thời kỳ Nguyễn Trãi, thời kỳ Hồ Xuân

Hương.
Đóng góp cho thơ Nôm thời kỳ này còn có các chúa Trịnh như Trịnh
Căn, Trịnh Cương, Trịnh Doanh... Họ là những vị chúa không chỉ có tài chính
trị, quân sự, mà còn ham thích thơ văn và cũng đã có những đóng góp nhất
định cho nền văn học chữ Nôm thế kỷ XVII, XVIII.
Trịnh Căn (1633-1709) nổi tiếng là người hay chữ, giỏi thơ và thích ngâm
vịnh. Ông đã để lại một tập thơ Nôm Khâm định thăng bình bách vịnh (Ngự

18


đề Thiên Hòa doanh bách vịnh) làm theo thể thơ Hàn luật. Đó là tập thơ tiêu
biểu của Trịnh Căn gồm các bài thơ sáng tác ở nhiều thời điểm khác nhau,
được người đời sau sưu tập lại. Tập thơ có tính chất cung đình, nhân danh bậc
vua chúa vịnh trăm bài thơ ở điện Thiên Hòa với mục đích ca ngợi triều đại,
công tích và ân huệ trị dân của mình. Theo các nhà nghiên cứu nhận định, đây
là tập thơ có tính chất giống với Hồng Đức Quốc âm thi tập của Lê Thánh
Tông. Nó được coi là là một dấu gạch nối giữa tác phẩm thơ Nôm thời kỳ
trước đó của Nguyễn Trãi, Lê Thánh Tông, Nguyễn Bỉnh Khiêm và thơ Nôm
giai đoạn cuối thế kỷ XVIII, đầu thế kỷ XIX. Thơ Trịnh Căn khá chải chuốt,
điêu luyện song còn khá khuôn sáo.
Trịnh Cương (1686 - 1729) là một vị chúa rất chăm chỉ lo toan việc nước.
Ông là một nhà chính trị, quân sự, ngoại giao đồng thời là một người sùng
Nho trọng đạo, yêu chuộng văn học. Ông làm thơ với những nội dung chủ yếu
ca ngợi cảnh đẹp thiên nhiên đất nước, làm phong phú đời sống tâm hồn và
đời sống thơ văn. Qua đó ông thể hiện quan điểm, tư tưởng mong ước xây
dựng một đất nước thái bình thịnh trị. Ông để lại cho hậu thế tập thơ Lê triều
ngự chế quốc âm thi. Tập thơ là một bức tranh sống động phản ánh đời sống
xã hội đương thời theo nhân sinh quan của Trịnh Cương. Viết về thiên nhiên
ông lựa chọn những hình ảnh mang tính tâm linh, chủ yếu là cảnh chùa chiền

với việc giữ gìn đạo lý con người. Cảnh chùa còn mang cảm xúc, dấu tích lịch
sử cha ông như chùa Bồ Đề: "Bình Ngô dấu cũ chốn yên dinh/ ....Tứ bề vang
dội khúc thăng bình." (Bồ Đề thi). Thơ ông còn là sự giao hòa giữa con người
và thiên nhiên: "Bốn mùa hoa thảo tươi nghiên/ Nhật lâm nguyệt chiếu làu
làu ánh" ( Đáp hoài vọng thi). Ngoài ra còn có những bài viết về lịch sử, suy
nghĩ của con người về xã hội. Tóm lại với Lê triều ngự chế quốc âm thi, Trịnh
Cương đã thể hiện rõ các tư tưởng của Nho, Đạo, Phật một cách thống nhất,

19


đồng thời hòa mình vào thiên nhiên từ đó nhằm ngợi ca công đức, chính sách
của vương triều.
Trịnh Doanh (1720-1767) là một vị chúa hay thơ đặc biệt là thơ Nôm.
Ông có tác phẩm Càn nguyên ngự chế thi tập. Nội dung tập thơ tập trung nói
về việc nhân ái trong họ hàng, phép tắc trong nhà, quân đội. Đồng thời tập thơ
còn viết về các vị tướng, quan, đại thần, sứ thần, bậc thánh triết. Ngoài ra còn
có các bài vịnh, ngụ hứng, ngẫu tác nói về thiên nhiên, cuộc sống, khẳng định
triều đại, tư tưởng sùng đạo, lòng thành kính tổ tiên, trời đất. Ông viết thơ để
bày tỏ lòng thành kính với Khổng Tử: "Dốc sinh có đấng làm tiêu chuẩn/ Ý
hậu tư dân tượng ở trời" (Vịnh Văn Miếu thi, thơ Nôm bài 1). Cùng tư tưởng
sùng đạo Nho, ông ví công đức của đạo Nho với những hình ảnh kì vĩ của
thiên nhiên: "Đức ví giang hà nhuần chốn chốn/ Công tùy nhật nguyệt sáng
đời đời" (Vịnh Văn Miếu thi, thơ Nôm, bài 1). Điều đó đã khẳng định tầm
ảnh hưởng rộng lớn của quốc giáo và Nho giáo.Tự hào trước cảnh đất nước
thanh bình ông viết: "Chiêm hàm chốn chốn mừng đời thịnh/ Thành thục ai ai
phỉ chí vui" (Vịnh phong niên thi, bài 2).
Bước sang giai đoạn tiếp theo, từ thế kỷ XVIII đến thế kỷ XIX, thơ
Nôm Việt Nam phát triển trong hoàn cảnh lịch sử đất nước có những biến
chuyển lớn. Năm 1958 thực dân Pháp nổ súng xâm lược Việt Nam, đẩy chế

độ phong kiến Việt Nam rơi vào thời kì khủng hoảng trầm hoảng trầm
trọng.Triều đình Nhà Nguyễn đối mặt với hiểm họa thực dân xâm lăng.Với dã
tâm xâm lược thực dân Pháp dần dần mở rộng phạm vi xâm chiếm, từ ba tỉnh
lục kì rồi sáu tỉnh miền nam.Triều đình phong kiến bất lực trước sức mạnh
của thực dân. Đứng trước hiểm họa xâm lăng, phong trào khởi nghĩa nông
dân nổ ra khắp nơi, đặc biệt ở lục tỉnh. Nhiều tấm gương yêu nước, hi sinh vì
đất nước đang thắp lên ngọn lửa đấu tranh cho nhân dân cả nước. Tất cả
những điều đó đã tác động đến sự phát triển của văn học thời kỳ này, đặc biệt

20


là mảng thơ Nôm. Kế thừa những thành tựu từ giai đoạn trước đó, đến thời kì
này thơ Nôm mới phát triển hoàn chỉnh và đạt được nhiều thành công. Thơ
Nôm thời kỳ này được viết bằng thể Đường luật, hát nói và song thất lục bát.
Mặc dù đây là thể thơ có dung lượng và thể tài hạn chế, cách luật chặt chẽ
song các nhà thơ vẫn sử dụng để diễn tả những khoảnh khắc của tâm trạng
hay cảm xúc của mình trước cuộc sống. Thơ Nôm giai đoạn này phát triển cả
về số lượng và chất lượng. Chúng ta có thể kể đến các tác giả tiêu biểu như
Hồ Xuân Hương, Bà Huyện Thanh Quan... Dưới ngòi bút của Hồ Xuân
Hương, Bà Huyện Thanh Quan, thơ Đường luật được vận dụng theo hướng
dân tộc hóa. Nữ sĩ Hồ Xuân Hương đã lợi dụng những câu thơ đối nhau trong
thể thơ Đường luật tạo ra cái thế đối lập, tương phản dùng vào mục đích trào
phúng, đả kích. Đồng thời bà còn khai thác triệt để cách ngắt nhịp, gieo vần
để làm cho bài thơ có khả năng biểu hiện một cách sinh động. Hồ Xuân
Hương đã phản ánh các góc cạnh đời thường, dân dã, xa vời với phong cách
trữ tình trang nghiêm, cao quý. Đối tượng thẩm mỹ trong thơ bà là cuộc sống
đời thường nguyên sơ, chất phác, dân dã. Đó là số phận những con người đau
khổ trong xã hội, đặc biệt là người phụ nữ: "Thân em vừa trắng lại vừa tròn/
Bảy nổi ba chìm với nước non" (Bánh trôi nước). Hay trớ trêu hơn là cái kiếp

lấy chồng chung: "Năm thì mười họa hay chăng chớ/ Một tháng đôi lần có
cũng không"(Lấy chồng chung). Bên cạnh đó bà còn thành công trong việc
thể hiện phong cách thơ trữ tình trào phúng. Bà dùng thơ mình để chế giễu
người đời, những kẻ đáng chê: Chẳng phải Ngô, chẳng phải ta/ Đầu thì trọc
lốc, áo không tà" (Sư hổ mang); " Ong non ngứa nọc châm hoa rữa/ dê cỏn
buồn sừng húc dậu thưa" (Mắng học trò dốt).
Trong khi đó, thơ Nôm Đường luật của Bà Huyện Thanh Quan vẫn mang
dạng cổ điển, niêm luật chặt chẽ, nội dung trang nhã, âm hưởng dồi dào, hấp
dẫn. Đọc thơ bà, ta cảm xúc trước những thời gian nghệ thuật cũng như không

21


×