Tải bản đầy đủ (.pdf) (3 trang)

Vị trí và vận động hàm dưới

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (169.72 KB, 3 trang )

CHƯƠNG 4: ĐỘNG HỌC CẮN KHỚP
§ KHÁI QUÁT VỀ VẬN ĐỘNG
VÀ VỊ TRÍ CỦA HÀM DƯỚI
MỤC TIÊU
1. Nêu được các cách phân loại và định nghĩa được các loại vận động của hàm dưới về
động học cắn khớp.
2. Liệt kê và nêu được định nghĩa các vận động cơ bản và vị trí cơ bản của hàm dưới.
3. Liệt kê và nêu được định nghĩa các vận động tham chiếu và vị trí tham chiếu của hàm
dưới.
1. PHÂN LOẠI VẬN ĐỘNG CỦA HÀM DƯỚI
Vận động của hàm dưới có thể phân loại theo nhiều cách khác nhau.
1.1. Phân loại theo hướng vận động
Hàm dưới có thể vận động theo nhiều hướng khác nhau. Phân loại theo hướng vận
động thường được dùng trong khám lâm sàng vận động của hàm dưới:
- Há (hạ, mở)
- Ngậm (nâng, đóng)
- Ra trước (tới)
- Ra sau (lui)
- Sang bên (phải và trái)
- Ra trước bên
1.2. Phân loại theo tính chất của vận động
Vận động của hàm dưới có thể là vận động đối xứng hoặc không đối xứng. Phân
loại theo tính chất này thường dùng trong lâm sàng để đánh giá hoạt động của các khớp
thái dương hàm, cơ hàm và/hoặc kết hợp đánh giá tương quan răng-răng trong vận động
tiếp xúc.
- Đối xứng:
o Hạ và nâng hàm thẳng trên mặt phẳng dọc giữa.
o Đưa hàm tới trước và lui sau thẳng trên mặt phẳng dọc giữa.
- Không đối xứng:
o Đưa hàm sang bên thuần tuý (có hay không có sự tiếp xúc giữa các
răng).


o Đưa hàm ra trước bên.
1.3. Phân loại theo động học cắn khớp
Trong nghiên cứu cắn khớp học, về động học hàm dưới, người ta thường phân
loại vận động hàm dưới như sau:
- Vận động biên,
- Vận động tiếp xúc hay vận động trượt ,
- Vận động tự do.

hoangtuhung.com

1


Vận động biên: là vận động của hàm dưới tới những vị trí tối đa mà nó có thể thực
hiện được. Nếu đánh dấu một vị trí ở hàm dưới và cho hàm dưới thực hiện vận động biên
theo mọi hướng, điểm được đánh dấu sẽ vẽ nên một hình trong không gian. Bề mặt của
điểm được đánh dấu (gọi là hình bao của vận động) sẽ chỉ ra giới hạn vận động của hàm
dưới ứng với điểm đó.
Tất cả những vận động có thể có của hàm dưới khi tổ hợp lại sẽ tạo nên một mẫu
đặc hiệu. Theo Posselt (1957), việc ghi lại đường đi trong không gian vận động của một
điểm nào đó của hàm dưới, thí dụ điểm răng cửa, cho ta hình bao của vận động. Hình bao
vận động có khả năng minh họa tốt nhất cho mẫu đặc hiệu. Mặc dù có nhiều điểm trên
xương hàm và mỗi điểm có không gian vận động riêng, có thể coi chúng là những thay
đổi xung quanh thân chung là không gian vận động của điểm răng cửa. Vì xương hàm
được treo ở vị trí trên và sau các răng, đường đi của các điểm là những quĩ đạo cong và
các răng sau chuyển động theo phương nằm ngang hơn và với biên độ nhỏ hơn các răng
trước.
Vận động biên có thể lặp lại được và các vận động khác của hàm dưới nằm trong
phạm vi vận động biên nên vận động biên thường được mô tả khi bắt đầu nghiên cứu vận
động của hàm dưới.


Vận động tiếp xúc: là vận động mà trong quá trình đó, các răng hàm trên và hàm
dưới giữ trạng thái tiếp xúc nhau; khi đó, răng dưới trượt trên răng trên, vì vậy, còn gọi là
vận động trượt.
Vận động tự do: là vận động mà một điểm cho trước của hàm dưới không đạt tới
biên (tức vị trí tối đa) của nó và các răng không chạm nhau.
2. VỊ TRÍ CƠ BẢN VÀ VẬN ĐỘNG CƠ BẢN CỦA HÀM DƯỚI
Vị trí cơ bản và vận động cơ bản của hàm dưới là những vị trí và vận động thường
gặp, lặp đi lặp lại trong các hoạt động chức năng.
2.1. Các vị trí cơ bản:
1. Vị trí nghỉ,
2. Vị trí lồng múi tối đa,
3. Vị trí tiếp xúc lui sau.
2.2. Các vận động cơ bản:
1. Các vận động há-ngậm,
2. Vận động tiếp xúc ra trước từ lồng múi tối đa (đến đối đầu) và ngược lại,
3. Vận động tiếp xúc lui sau từ lồng múi tối đa và ngược lại,
4. Vận động tiếp xúc sang bên và trước bên từ lồng múi tối đa và ngược lại.
3. VỊ TRÍ THAM CHIẾU VÀ VẬN ĐỘNG THAM CHIẾU CỦA HÀM DƯỚI
Vị trí tham chiếu và vận động tham chiếu của hàm dưới là những vị trí và vận
động mà người ta có thể dùng nó để so sánh, đối chiếu với những vị trí và vận động khác
của hàm dưới.

hoangtuhung.com

2


3.1. Các vị trí tham chiếu:
- Các vị trí trên đường vận động bản lề (vị trí tham chiếu theo chiều ngang),

- Vị trí nghỉ (vị trí tham chiếu theo chiều đứng).
3.2. Các vận động tham chiếu:
- Vận động bản lề,
- Vận động há-ngậm thông thường (theo thói quen, tự động),
- Vận động biên sang bên từ vị trí lui sau ở một độ mở nào đó của hàm dưới.
Trong số các vận động và vị trí kể trên, có một số vận động và vị trí rất quan
trọng trong thực hành khám và điều trị cắn khớp cũng như trong các thủ thuật khác ở các
chuyên khoa.

hoangtuhung.com

3



×