Tải bản đầy đủ (.pdf) (221 trang)

Phương thức biểu thị ý nghĩa cảm thán trong tiếng Việt và tiếng Khmer

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (2.85 MB, 221 trang )

ĐẠI HỌC QUỐC GIA THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
TRƯỜNG ĐẠI HỌC KHOA HỌC XÃ HỘI VÀ NHÂN VĂN

PHAN THANH BẢO TRÂN

PHƯƠNG THỨC BIỂU THỊ
Ý NGHĨA CẢM THÁN
TRONG TIẾNG VIỆT VÀ TIẾNG KHMER

LUẬN ÁN TIẾN SĨ NGỮ VĂN

THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH – 2016


ĐẠI HỌC QUỐC GIA THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
TRƯỜNG ĐẠI HỌC KHOA HỌC XÃ HỘI VÀ NHÂN VĂN

PHAN THANH BẢO TRÂN

PHƯƠNG THỨC BIỂU THỊ
Ý NGHĨA CẢM THÁN
TRONG TIẾNG VIỆT VÀ TIẾNG KHMER
Chuyên ngành: Lý luận ngôn ngữ
Mã số: 62.22.01.01

LUẬN ÁN TIẾN SĨ NGỮ VĂN
Người hướng dẫn khoa học:
GS. TS. Bùi Khánh Thế
Phản biện độc lập:
1. PGS. TS. Nguyễn Hữu Đạt
2. PGS. TS. Đặng Ngọc Lệ


Phản biện:
Phản biện 1: GS. TS. Nguyễn Văn Hiệp
Phản biện 2: PGS. TS. Đặng Ngọc Lệ
Phản biện 3: PGS. TS. Nguyễn Công Đức

THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH – 2016


LỜI CẢM ƠN
Trong quá trình theo học chương trình đào tạo nghiên cứu sinh ngành Lý luận
ngôn ngữ khóa 2011 – 2014 tại khoa Văn học và Ngôn ngữ, chúng tôi đã được sự quan
tâm và tạo mọi điều kiện thuận lợi từ thầy cô, cán bộ trường Đại học Khoa học Xã hội và
Nhân văn (ĐHKHXH & NV), Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh (ĐHQG
TP.HCM). Chúng tôi xin chân thành cảm ơn tất cả thầy cô, cảm ơn Khoa Văn học và
Ngôn ngữ, Phòng Sau đại học và Phòng Quản lý khoa học của Trường ĐHKHXH & NV
TP.HCM đã giúp đỡ chúng tôi trong việc thực hiện luận án.
Đặc biệt, chúng tôi xin chân thành cảm ơn cơ quan Thông tấn xã Việt Nam
(TTXVN) khu vực phía Nam, Trung tâm Truyền hình Việt Nam tại Thành phố Cần Thơ
(VTV Cần Thơ), Phòng Chương trình tiếng Khmer của VTV Cần Thơ, các Trường Trung
học phổ thông Dân tộc nội trú của tỉnh Bạc Liêu, Sóc Trăng, Trà Vinh, các anh chị lãnh
đạo, quản lý, phóng viên, đặc biệt là anh Thảo, chị Phượng (Phòng Đại diện Báo ảnh Dân
tộc miền núi, TTXVN), chị Trần Thị Phương Hồng (Phòng Chương trình tiếng Khmer,
VTV Cần Thơ) đã tạo điều kiện giúp chúng tôi hoàn thành việc thu thập ngữ liệu. Chúng
tôi cũng gửi lời cảm ơn chân thành nhất đến Thượng tọa Tăng Sa Vong, Phó Chủ tịch Hội
Đoàn kết sư sãi yêu nước tỉnh Bạc Liêu cùng các nhà sư tại Bạc Liêu (chùa Ghositaram –
chùa Đầu, chùa Soryaram – chùa Cái Giá Giữa, chùa Buppharam – chùa Cái Giá Chót –
huyện Vĩnh Lợi, chùa Xiêm Cán, TP. Bạc Liêu), Sóc Trăng (chùa Wthsêrâytêcho – chùa
Dơi), Cần Thơ (chùa Munirensay, chùa Pitu Khoossa Răng), An Giang (chùa Chi Tà
Mung- chùa Xà Tón, huyện Tri Tôn) đã tận tình dạy tiếng, dạy chữ Khmer và các bạn
cộng tác viên đã nhiệt tình giúp chúng tôi trong quá trình thu thập, khảo sát ngữ liệu.

Chúng tôi cũng xin được bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc đến GS.TS. Bùi Khánh Thế,
người đã trực tiếp hướng dẫn chúng tôi nghiên cứu và thực hiện đề tài.
Cuối cùng, xin cảm ơn những người thân trong gia đình, bạn bè và đồng nghiệp xa
gần đã động viên, giúp đỡ chúng tôi thực hiện thành công luận án này.
TP.HCM, tháng 09 năm 2016
Phan Thanh Bảo Trân


LỜI CAM ĐOAN
Tôi xin cam đoan đây là công trình nghiên cứu của cá nhân tôi được thực
hiện dưới sự hướng dẫn khoa học của GS. TS. Bùi Khánh Thế. Ngoại trừ những
đoạn tham khảo, trích dẫn được nêu rõ trong luận án, chúng tôi không hề sao chép
nội dung từ những ấn phẩm khác. Các ngữ liệu, số liệu kết quả được trình bày trong
luận án là trung thực và chưa từng được công bố dưới bất cứ hình thức nào.

Tác giả luận án

PHAN THANH BẢO TRÂN


QUY ƯỚC VIẾT TẮT
Trong luận án này, chúng tôi sử dụng những chữ viết tắt sau:
ĐHKHXH & NV:

Trường Đại học Khoa học xã hộivà Nhânvăn

ĐHQG:

Đại học Quốc gia


ĐHSP:

Đại học Sư phạm

GD:

Giáo dục

HN:

Hà Nội

HTKT:

Hội thảo khoa học

KHXH:

Khoa học xã hội

NL:

Ngữ liệu

Nxb:

Nhà xuất bản

TCNN:


Tạp chí Ngôn ngữ

TCNN& ĐS:

Tạp chí Ngôn ngữ và Đời sống

TP.HCM:

Thành phố Hồ Chí Minh

TTXVN:

Thông Tấn Xã Việt Nam


1

MỤC LỤC
MỞ ĐẦU ........................................................................................................... 7
1. Lý do chọn đề tài ........................................................................................... 7
2. Ý nghĩa của đề tài .......................................................................................... 8
2.1. Về lí luận .................................................................................................... 8
2.2. Về thực tiễn ................................................................................................ 8
3. Mục đích nghiên cứu ..................................................................................... 8
4. Lịch sử vấn đề nghiên cứu ............................................................................ 9
5. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu............................................................... 14
5.1. Đối tượng nghiên cứu .............................................................................. 14
5.2. Phạm vi nghiên cứu .................................................................................. 15
6. Phương pháp nghiên cứu và nguồn tư liệu ................................................. 16
6.1. Phương pháp nghiên cứu.......................................................................... 16

6.2. Nguồn tư liệu............................................................................................ 16
7. Bố cục của luận án ...................................................................................... 17
CHƯƠNG 1 MỘT SỐ VẤN ĐỀ CƠ SỞ LÝ LUẬN .................................... 19
1.1. Khái quát về hành vi ngôn ngữ ................................................................ 19
1.1.1. Hành vi ngôn ngữ và hành vi tại lời ..................................................... 23
1.1.2. Điều kiện sử dụng hành vi tại lời .......................................................... 23
1.1.3. Các hành vi tại lời và hành vi cảm thán ............................................... 24
1.2. Cơ sở ngữ nghĩa phân tích cú pháp .......................................................... 25


2

1.2.1. Nghĩa miêu tả và nghĩa tình thái của câu ............................................. 27
1.2.2. Cảm thán và ý nghĩa cảm thán ............................................................. 29
1.2.2.1. Ý nghĩa cảm thán chỉ trạng thái tâm lý, tình cảm, cảm xúc .............. 31
1.2.2.2. Ý nghĩa cảm thán thuộc phạm trù nghĩa tình thái ............................. 35
1.3. Phương tiện biểu thị nghĩa ý nghĩa cảm thán........................................... 35
1.3.1. Phương tiện biểu thị nghĩa ý nghĩa cảm thán ....................................... 35
1.3.2. Dấu hiệu cảm thán ................................................................................ 37
1.3.2.1. Khái niệm dấu hiệu cảm thán ............................................................ 37
1.3.2.2. Phân loại dấu hiệu cảm thán ............................................................. 38
1.3.2.3. Đặc điểm ngữ dụng của dấu hiệu cảm thán ...................................... 42
1.4. Phương thức biểu thị ý nghĩa cảm thán ................................................... 45
1.4.1. Khái niệm phương thức biểu thị ý nghĩa cảm thán ............................... 45
1.4.2. Một số phương thức biểu thị ý nghĩa cảm thán ................................... 46
1.4.2.1. Phương thức dùng các phương tiện từ vựng .................................... 46
1.4.2.2. Phương thức dùng các phương tiện ngữ pháp.................................. 47
1.4.2.3. Phương thức dùng các phương ngữ âm ............................................ 47
1. 5. Vấn đề phổ niệm và tiếp xúc ngôn ngữ qua cảm thán ............................ 49
1.5.1. Vấn đề phổ niệm ngôn ngữ và nghiên cứu cảm thán ............................ 49

1.5.2. Vấn đề về tiếp xúc ngôn ngữ và nghiên cứu cảm thán ......................... 50
TIỂU KẾT ....................................................................................................... 53


3

CHƯƠNG 2 TỪ NGỮ CẢM THÁN TRONG TIẾNG VIỆT VÀ TIẾNG
KHMER .......................................................................................................... 55
2.1. Khái lược về từ ngữ cảm thán .................................................................. 55
2.2. Đặc điểm cấu tạo của từ ngữ cảm thán .................................................... 58
2.3. Vị trí của từ ngữ cảm thán trong câu ....................................................... 59
2.4. Chức năng ngữ pháp của từ ngữ cảm thán............................................... 64
2.4.1. Chức năng liên kết ................................................................................ 65
2.4.2. Chức năng phân tách ngữ đoạn, câu .................................................... 67
2.5. Các loại từ ngữ cảm thán ......................................................................... 67
2.5.1. Từ ngữ cảm thán có nguồn gốc là tiếng kêu la ..................................... 69
2.5.1.1. Từ một âm tiết .................................................................................... 72
2.5.1.2. Từ hai âm tiết ..................................................................................... 85
2.5.2. Từ ngữ cảm thán có nguồn gốc là tiếng gọi ......................................... 86
2.5.2.1. Xét từ đặc điểm đối tượng gọi ............................................................ 89
2.5.2.2. Xét từ đặc điểm yếu tố hô gọi ............................................................. 93
2.5.3. Từ ngữ cảm thán có nguồn gốc là tiếng chửi ....................................... 96
2.5.4. Quán ngữ cảm thán ............................................................................... 97
TIỂU KẾT ....................................................................................................... 99
CHƯƠNG 3 CÂU CẢM THÁN TRONG TIẾNG VIỆT VÀ TIẾNG
KHMER ........................................................................................................ 101


4


3.1. Dấu hiệu cảm thán.................................................................................. 101
3.1.1. Dấu hiệu ngôn hành ngữ pháp - X ...................................................... 103
3.1.1.1 Dấu hiệu kêu la để cảm thán - X1 ..................................................... 104
3.1.1.2. Dấu hiệu là yếu tố gọi và biểu thức gọi để cảm thán - X2 .............. 106
3.1.1.3. Dấu hiệu là yếu tố hỏi và biểu thức hỏi để cảm thán - X3 .............. 108
3.1.1.4. Dấu hiệu cầu khiến để cảm thán - X4 .............................................. 113
3.1.2. Dấu hiệu tình thái - Y .......................................................................... 115
3.1.2.1. Dấu hiệu là tình thái từ - Y1 ............................................................ 123
3.1.2.2. Dấu hiệu là chỉ tố - Y2 ..................................................................... 136
3.1.2.3. Dấu hiệu là quán ngữ tình thái - Y3 ................................................ 139
3.1.3. Dấu hiệu ngữ nghĩa - Z ....................................................................... 147
3.2. Các phương thức biểu thị ý nghĩa cảm thán .......................................... 147
3.2.1. Phương thức sử dụng một dấu hiệu trong một câu ............................ 148
3.2.2. Phương thức sử dụng hai loại dấu hiệu trong một câu ...................... 149
3.2.2.1. Phương thức kết hợp X và Y............................................................. 149
3.2.2.2. Phương thức kết hợp X và Z............................................................. 152
3.2.2.3. Phương thức kết hợp Y và Z ............................................................ 155
3.2.3. Phương thức sử dụng ba loại dấu hiệu trong một câu ....................... 156
3.3. Câu cảm thán .......................................................................................... 157
3.3.1. Khái niệm câu cảm thán...................................................................... 157


5

3.3.2. Phân loại câu cảm thán ...................................................................... 158
3.3.2.1. Tiêu chí phân loại câu cảm thán ...................................................... 158
3.3.2.2. Kết quả phân loại câu cảm thán ...................................................... 158
i. C1: câu cảm thán không có nội dung sự việc – trực tiếp ........................... 158
ii. C2: câu cảm thán không có nội dung sự việc – gián tiếp ......................... 158
iii. C3: câu cảm thán có nội dung sự việc – trực tiếp.................................... 158

iv. C4: câu cảm thán có nội dung sự việc – gián tiếp ................................... 159
3.3.3 Phân tích câu cảm thán......................................................................... 159
3.3.3.1. Phân tích câu cảm thán về mặt cấu tạo ........................................... 159
a. Câu cảm thán không có nội dung ............................................................. 159
i. Câu cảm thán không có nội dung – trực tiếp cảm thán, ký hiệu C1 .......... 159
ii. Câu cảm thán không có nội dung – gián tiếp cảm thán, ký hiệu C2 ........ 160
b. Câu cảm thán có nội dung ........................................................................ 162
iii. Câu cảm thán có nội dung – trực tiếp cảm thán, ký hiệu C3 ................... 163
iv. Câu cảm thán có nội dung – gián tiếp cảm thán, ký hiệu C4 .................. 165
3.3.3.2. Phân tích câu cảm thán về mặt giá trị sử dụng ............................... 167
a. Mối quan hệ giữa nội dung với phương thức biểu thị nội dung ............... 167
b. Mối quan hệ giữa cảm xúc với phương thức biểu thị cảm xúc ................. 170
TIỂU KẾT ..................................................................................................... 174


6

CHƯƠNG 4 DIỄN NGÔN CẢM THÁN TRONG TIẾNG VIỆT VÀ TIẾNG
KHMER ........................................................................................................ 176
4.1. Khái lược về diễn ngôn cảm thán .......................................................... 176
4.2. Phân loại diễn ngôn cảm thán ................................................................ 179
4.2.1. Tiêu chí phân loại diễn ngôn cảm thán ............................................... 179
4.2.2. Kết quả phân loại diễn ngôn cảm thán ............................................... 179
4.3. Phân tích diễn ngôn cảm thán ................................................................ 180
4.3.1. Phân tích diễn ngôn cảm thán về mặt cấu tạo .................................... 180
4.3.2. Phân tích diễn ngôn cảm thán về giá trị sử dụng ............................... 182
4.3.2.1. Mối quan hệ giữa nội dung với phương thức biểu thị nội dung ...... 182
4.3.2.2. Mối quan hệ giữa cảm xúc với phương thức biểu thị cảm xúc ........ 183
* D1 - Diễn ngôn không có nội dung (không nêu lên sự việc) ..................... 184
* D2 - Diễn ngôn có nội dung (nêu lên sự việc) ........................................... 187

* D3 - Diễn ngôn vừa có câu có nội dung vừa có câu không có nội dung ... 190
TIỂU KẾT ..................................................................................................... 201
KẾT LUẬN ................................................................................................... 203
TÀI LIỆU THAM KHẢO............................................................................. 208
Tiếng Việt...................................................................................................... 208
Tiếng Anh...................................................................................................... 214
Tiếng Khmer ................................................................................................. 216


7

MỞ ĐẦU
1. Lý do chọn đề tài
Như chúng ta biết, ngôn ngữ là công cụ giao tiếp, công cụ tư duy và là phương
tiện để bộc lộ tình cảm, cảm xúc của con người cho nên ngôn ngữ nào cũng tồn tại
một lớp từ biểu thị tình cảm, cảm xúc.
Về phương thức biểu thị tình cảm, cảm xúc, trong các công trình nghiên cứu
tiếng Việt, các tác giả thường chú ý xem xét các đặc điểm chức năng, đặc điểm cấu
tạo của các đơn vị cảm thán như cảm từ, thán từ, cảm thán từ hoặc tiểu từ, trợ từ,
v.v. và gần như chỉ dừng lại ở các vấn đề khái quát. Đồng thời, việc nghiên cứu các
phương thức biểu thị ý nghĩa cảm thán cũng chưa được quan tâm đúng mức. Trong
khi đó, việc này là rất cần thiết, nhằm cung cấp công cụ nhận diện, công cụ phân
tích, giúp người sử dụng hiểu rõ và sử dụng có hiệu quả hệ thống phương tiện và
phương thức biểu thị ý nghĩa cảm thán.
Phương thức biểu thị ý nghĩa cảm thán là cách thức bộc lộ tình cảm, cảm xúc
của con người một cách bột phát, là cơ sở quan trọng để tìm hiểu đời sống văn hóa,
tình cảm của mỗi dân tộc. Việt Nam là một quốc gia đa dân tộc, có bề dày lịch sử
giao lưu tiếp xúc ngôn ngữ và văn hóa với các dân tộc trong khu vực đặc biệt là với
dân tộc Khmer. Ngày nay, Việt Nam có gần 1,3 triệu đồng bào Khmer sinh sống tập
trung chủ yếu ở Đồng bằng sông Cửu Long và sử dụng tiếng Khmer trong giao tiếp

hằng ngày. Xét về nguồn gốc, tiếng Khmer thuộc ngữ hệ Nam Á (Austroasiatic),
được phân bố phần lớn ở Đông Nam Á lục địa, có quan hệ họ hàng không chỉ với
nhánh Việt – Mường mà cả với nhánh Bahnar, sinh sống chủ yếu ở miền rừng núi
Trường Sơn. Tiếng Khmer của người Khmer Nam Bộ có những nét đặc trưng độc
đáo, thể hiện nhiều điểm tương đồng và khác biệt về ngôn ngữ, văn hóa với các dân
tộc khác trong cộng đồng dân tộc ở Việt Nam. Cũng như các dân tộc khác, người
Khmer có thói quen hay sử dụng yếu tố cảm thán bộc lộ cảm xúc và làm tăng tính
biểu cảm cho lời nói.


8

Các phương tiện và phương thức biểu thị ý nghĩa cảm thán trong tiếng Khmer
rất phong phú, đa đạng. Việc nghiên cứu các phương thức biểu thị ý nghĩa cảm thán
và các phương tiện biểu thị ý nghĩa cảm thán trong tiếng Việt có so sánh với tiếng
Khmer sẽ giúp chúng ta hiểu sâu hơn về các đặc điểm tiếng Việt và sự giao lưu tiếp
xúc ngôn ngữ của hai dân tộc Việt – Khmer.
2. Ý nghĩa của đề tài
Kết quả nghiên cứu của đề tài sẽ mang lại những lợi ích nhất định:
2.1. Về lí luận
Đề tài góp phần làm rõ thêm vai trò, chức năng của từ, ngữ đoạn cảm thán,
các phương tiện, phương thức biểu thị ý nghĩa cảm thán, diễn ngôn cảm thán trong
hoạt động giao tiếp ngôn ngữ; bổ sung thêm cứ liệu, minh định thêm cơ sở lý thuyết
đối với các đơn vị có chức năng biểu cảm. Kết quả nghiên cứu cũng góp phần
không nhỏ trong việc mở rộng khái niệm “cảm thán”, gợi mở những hướng nghiên
cứu ứng dụng sâu hơn trong tương lai.
2.2. Về thực tiễn
Kết quả nghiên cứu có thể ứng dụng vào việc biên soạn giáo trình dạy tiếng
Việt, tiếng Khmer; ứng dụng vào thực tế giảng dạy tiếng Việt ở những khu vực
song ngữ như đồng bằng sông Cửu Long và những nơi có đông đảo đồng bào dân

tộc sinh sống. Ngoài ra, ứng dụng kết quả nghiên cứu các phương tiện biểu thị ý
nghĩa cảm thán trong tiếng Việt (có so sánh với tiếng Khmer) vào thực tế giao tiếp
bằng văn bản hay bằng ngôn bản sẽ mang lại những hiệu quả nhất định, tạo hiệu lực
tại lời.
3. Mục đích nghiên cứu
Nghiên cứu phương thức biểu thị ý nghĩa cảm thán trong tiếng Việt, chúng tôi
muốn góp phần làm rõ thêm đặc điểm nguồn gốc, cấu tạo, chức năng của từ cảm
thán, chỉ ra các phương thức biểu thị ý nghĩa cảm thán khác nhau trong tiếng Việt,


9

giúp người sử dụng hiểu và sử dụng có hiệu quả thành phần này, nhất là trong văn
viết. Do vậy, luận án nhằm tới các mục đích sau đây:
(1) Xác định vị trí, chức năng của cảm thán trong câu, trong phát ngôn nhằm
mô tả chúng một cách rõ ràng hơn trong tiếng Việt về mặt cấu trúc, ngữ
dụng.
(2) Đối chiếu để xác định thêm những nét giống nhau và khác nhau của các
ngôn ngữ cùng loại hình như tiếng Việt và tiếng Khmer trong cách biểu lộ
tình cảm thông qua phương thức biểu thị ý nghĩa cảm thán.
4. Lịch sử vấn đề nghiên cứu
Lâu nay khi nghiên cứu về lớp từ ngữ biểu thị cảm xúc, giới nghiên cứu Việt
ngữ thường xuất phát từ góc nhìn của ngữ pháp học để xem xét chúng trong hoạt
động giao tiếp ngôn ngữ; kết quả là đã có những cách gọi khác nhau đối với lớp từ
ngữ này như cảm từ, thán từ, cảm thán từ, tán thán tự, cụm từ cảm thán, cảm thán
ngữ, thán ngữ, câu cảm xúc, câu cảm thán.
Xuất phát từ cấp độ từ, Trần Trọng Kim (1976) [49, tr.134] đã dùng thuật
ngữ tán thán tự để mô tả tính chất cảm thán. Theo ông, tán thán tự là “tiếng dùng để
biểu diễn một cái cảm tình, một sự xúc động rất mạnh đột nhiên mà phát ra” cụ thể
là tiếng kêu, biểu diễn sự vui mừng (như A! Ô! Ơ!), sự ngạc nhiên (Ả! Ủa!), sự đau

đớn (Ay! Ái! Ái chà!), sự kinh hãi hay lo sợ (Cha ôi! Ôi cha ôi! Trời ơi! Ôi trời ơi!),
sự ngờ hỏi (Hé!), sự tức giận (Hừ! Chà! Cha chả!), sự than vãn (Ô hô! Hỡi ôi! Than
ôi! Thay! Vậy thay!), sự nhắc nhở lại (À! Ờ!) [49, tr.134].
Trong các công trình nghiên cứu ngữ pháp tiếng Việt, chúng tôi thấy có
những tên gọi khác nhau như cảm từ [90, tr.190], từ cảm [70, tr.59], Nguyễn Minh
Thuyết (1994) [80, tr.61], Diệp Quang Ban (2004) [80, tr.236-237] gọi là thán từ
[89, tr.57], hoặc là cảm thán từ [66, tr.239].
Mặc dù có những cách gọi tên khác nhau nhưng về bản chất thì hầu hết các
tác giả đều xem chúng là lớp từ dùng để biểu thị ý nghĩa cảm thán và có tính độc lập
cao, chẳng hạn Phạm Hùng Việt gọi lớp từ này là thán từ và cho rằng: “(…) dù có


10

độc lập nằm trong câu hay tạo thành câu, thán từ cũng không có quan hệ với bất cứ
thành phần nào trong câu. Điều này chứng tỏ bản thân của từng thán từ đã có khả
năng biểu thị một ý nghĩa riêng, tách biệt nào đó, độc lập với ý nghĩa của cả câu.
Một đằng (trợ từ) là yếu tố phụ, yếu tố thêm vào để mang lại cho câu ý nghĩa tình
thái; còn một đằng (thán từ) tự bản thân đã biểu thị một tình cảm, cảm xúc riêng mà
người nghe có thể cảm nhận được một cách tách biệt khỏi ý nghĩa của câu. Một bên
phải luôn gắn với ý nghĩa của câu (trợ từ), một bên thường độc lập tạo thành câu
(thán từ). Những điểm đó làm cho trợ từ và thán từ rất khác nhau” [90, tr.56].
Xuất phát từ cấp độ nghiên cứu ngữ đoạn, Lưu Vân Lăng (1994) đã gọi
những đơn vị như: Úi cha! Ối giời ơi!.... là những thán ngữ và nêu thí dụ: Úi cha,
thế thì thú quá (Siêu Hải), Ối giời ơi, đá đè phải chân tôi rồi, đau quá giời ơi!
(Phùng Quán) [52, tr.29]. Trong khi đó, Diệp Quang Ban lại gọi là quán ngữ cảm
thán [4, tr.298-305].
Ở cấp độ phức tạp hơn, nhiều tác giả còn đề cập đến câu cảm thán như Lê
Văn Lý (1968) [58, tr.193], Hoàng Trọng Phiến (1980) [65, tr.193], Cao Xuân Hạo
(1991) [35, tr.383], Bùi Mạnh Hùng (2003) [45, tr.45-57], Nguyễn Thiện Giáp

(2010) [33, tr.108-109], hay câu cảm xúc như Nguyễn Kim Thản (1981) [70,
tr.129], Diệp Quang Ban (2004) [4, tr.298-305]
Trong chương II, phần Ngôn ngữ tình cảm [58, tr.193- 206], Lê Văn Lý (1968)
có nói đến câu cảm thán là “một câu diễn tả tình cảm xen lẫn vào một ý tưởng như:
vui, buồn, ngạc nhiên, đau đớn, lo sợ, tức giận, phẫn uất,…”. Theo ông, “có những
ngữ vị hay tự ngữ cảm thán ở đầu hay ở cuối những câu cảm thán” [58, tr.193].
Ông nêu một số thí dụ:
- A! Mẹ đã về! (vui mừng);
- Trời ơi! Biết làm sao bây giờ? (lo sợ);
- Than ôi! Chỉ vì tiếc của mà phải chết! (than phiền);
- Đáng tiếc thay! (hối tiếc) [58, tr.193].


11

Lê Văn Lý cũng đã nhận ra được cách thức dùng ngữ điệu để biến các câu
khẳng định, câu nghi vấn, câu phủ định thành câu cảm thán bằng cách “dùng dấu
nhấn và giọng điệu đánh vào một tự ngữ nào trong câu đó” [58, tr.193-194]. Ông
đưa ra thí dụ: “Nó ngủ cả ngày” là “câu khẳng định thường” sẽ trở thành câu cảm
thán khi nhấn mạnh vào từ cả [58, tr.194].
Sau này, Nguyễn Thiện Giáp (2010) [33, tr.108-110] và Diệp Quang Ban
(2010) [6, tr.85] đã mô tả chi tiết hơn về câu cảm thán. Nguyễn Thiện Giáp (2010)
cho rằng câu cảm thán (interjective sentence) là câu có mục đích biểu lộ tình cảm,
cảm thán của người nói. Nó có thể không có cấu trúc của một câu đầy đủ, thí dụ:
Chết thật! Trời ơi!. Theo ông, câu cảm thán trong tiếng Việt thường có các thán từ
như: Ôi, ôi chao, trời ơi,... hoặc có các từ tình thái như: quá, lắm, thay, ghê, thật...,
thí dụ: Ở đây mát quá! Ở đây thích thật!. Nguyễn Thiện Giáp còn chú ý đến việc
dùng biện pháp đảo trật tự từ để tạo cấu trúc cảm thán: Đẹp thay mái tóc người cha!
Đẹp vô cùng tổ quốc ta ơi! [33, tr.108-110]. Trong khi đó, khi nghiên cứu phân loại
câu về mặt chức năng (theo mục đích nói), Diệp Quang Ban (2010) đã mô tả câu

cảm thán (exclamation, exclamative, exclamatory sentence) ở góc độ khác. Theo
ông, câu cảm thán diễn đạt một cảm xúc mạnh mẽ khác thường; câu cảm thán
thường không có cấu trúc ổn định như một câu tường thuật hay nghi vấn, trên lời
nói được đánh dấu bằng một ngữ điệu mạnh, trên chữ viết được đánh dấu bằng “dấu
chấm than”; ngoài ra, ông cũng đã chỉ ra sự giống nhau về đặc điểm chức năng của
các từ ngữ cảm thán như Ô! Ôi! Trời ơi! Cha ôi! Khổ thân tôi! hoặc những từ ngữ
như biết bao trong Đẹp biết bao! sao trong Vui sao! trong câu cảm thán tiếng Việt
và so với từ what hoặc how trong tiếng Anh [6, tr.85].
Mở rộng khái niệm câu cảm thán, nhiều tác giả như Cao Xuân Hạo (2006)
[35, tr.412], Nguyễn Kim Thản (1981) còn chú ý một số hình thức ngôn ngữ khác
dùng để biểu thị cảm thán như cách dùng câu hỏi để bày tỏ cảm xúc [70, tr.128]
hoặc dùng hình thức phủ định đặc biệt, dùng tình thái từ. Trong “Một số hình thức
hỏi biểu thị cảm thán trong tiếng Việt”, Nguyễn Thị Hồng Ngọc (2003) cho rằng:
“Câu cảm thán trong tiếng Việt có một hình thức rất đặc thù là câu có sử dụng các


12

thán từ như a, ô, ôi, than ôi v.v. Ngoài ra, còn có một số hình thức ngôn ngữ khác
cũng có thể biểu thị cảm thán như một số hình thức phủ định đặc biệt, một số tình
thái từ, một số hình thức hỏi v.v.” [62, tr.37].
Liên quan đến các dấu hiệu đánh dấu cảm thán hay chức năng cảm thán, một
số tác giả đã nêu ra nhiều trường hợp đáng chú ý. Chẳng hạn, Cao Xuân Hạo (1991)
[35, tr.383] đã nhắc đến đặc điểm chức năng của thán từ như là một “từ – câu”.
Nguyễn Kim Thản (1981) [70, tr.129], Bùi Mạnh Hùng (2003) [44, tr.45-57], Diệp
Quang Ban (2004) [4, tr.298-305] cũng đã đề cập đến từ ngữ đánh dấu trong câu
cảm thán. Nguyễn Kim Thản (1981) [70, tr.129] cho rằng “không có một ranh giới
dứt khoát – dù chỉ nói về mục đích giữa những loại câu cảm xúc và các loại câu
chia theo mục đích nói” và “trong một số trường hợp nhất định, câu cảm xúc cũng
có thể nhận dạng được nhờ một vài yếu tố biểu thị (...)”. Ông mô tả cách dùng từ

“thay” đặt “ở cuối vị ngữ của câu kể (theo trật tự bình thường hay đảo ngược)” sẽ
làm thành câu cảm thán, thí dụ: “Câu nói ấy chí lí thay! Chí lí thay câu nói ấy! May
thay!”. Thêm nữa, Nguyễn Kim Thản còn cho rằng “sự nhấn giọng và hơi kéo dài
giọng ở vị ngữ của câu kể, hoặc bổ ngữ chỉ mức độ (bổ ngữ này nằm trong bộ phận
vị ngữ ấy)” như là dấu hiệu của câu cảm thán, thí dụ: Bài này hay! Đẹp lắm! Hay
lạ! [70, tr.129].
Ở cách tiếp cận khác, có tác giả cho rằng câu cảm thán cũng có thể không
chứa từ ngữ đánh dấu và chỉ dùng ngữ điệu [4, tr.298-305] hoặc có tác giả như Bùi
Mạnh Hùng lại chú ý đến dấu hiệu hình thức ngữ pháp (cái được gọi là thức (mood)
trong các ngôn ngữ biến hình) có chức năng giúp cho việc nhận diện các loại câu
theo mục đích phát ngôn [45, tr.45-57]. Ông nhận xét: “Mặc dù tiếng Việt không có
phạm trù ngữ pháp “thức” và những dấu hiệu đánh dấu các phạm trù ngữ pháp rất
nghèo nàn, nhưng trong cấu trúc cú pháp của câu bao giờ cũng phải có những
phương tiện ngôn ngữ (chẳng hạn như một số từ ngữ nào đó) giúp ta quy câu về một
kiểu nhất định gắn với mục đích phát ngôn (lực ngôn trung) điển hình” [44, tr.49].
Ông cho rằng câu cầu khiến, câu nghi vấn, câu cảm thán là câu đánh dấu, câu trần
thuật là câu không đánh dấu [45, tr.50]. Trong đó, câu cảm thán được đánh dấu


13

bằng các từ ngữ như: ôi, than ôi, hỡi ơi, chao ơi (ôi), trời ơi, thay, biết bao, xiết bao
[45, tr.53], ngoài ra, cũng theo ông, các từ ngữ đánh dấu câu cảm thán như ôi, than
ôi, hỡi ơi,... có thể tự tạo thành một câu đặc biệt hay là một bộ phận biệt lập trong
câu [45, tr.53].
Nhìn chung, các công trình nghiên cứu ngữ pháp tiếng Việt đều chú ý đến
lớp từ có chức năng biểu thị sự cảm thán và khi phân loại thường phân chúng thành
một loại riêng ngang với thực từ, hư từ hoặc là xếp thành một tiểu loại nằm trong
thực từ hoặc hư từ. Những công trình nghiên cứu ngữ pháp cũng đề cập đến câu
cảm thán, các yếu tố cấu thành nên câu cảm thán, ý nghĩa cảm thán.

Gần đây, đi theo hướng tiếp cận của ngữ dụng học, đã có một số tác giả
nghiên cứu về vấn đề cảm thán ở vài phương diện như việc áp dụng lý thuyết hành
vi ngôn ngữ đối với một số kiểu câu cảm thán của Nguyễn Thị Hồng Ngọc (2003)
[62, tr.39-43].
Có thể nói cho đến nay, hầu hết các công trình nghiên cứu liên quan đến cảm
thán trong tiếng Việt đều tập trung xem xét chúng trên bình diện ngữ pháp, cấu trúc
mà chưa đi sâu vào bình diện ngữ nghĩa, ngữ dụng.
Các công trình nghiên cứu ngữ pháp của các tác giả ngoài nước cũng nói đến
cảm thán, chẳng hạn, R.L. Taylor (1994) trong Adolescent Peer group language, in
The E. of L&L, V.1 chú ý từ cảm thán (Exclamations), còn J.R. Payne (1994) trong
Nouns Noun Phrases, in The E of L.&L, V.5, đưa ra khái niệm định tố cảm thán
(Exclamatory Determiners), và R.D. Huddleston (1994) trong Sentence Types and
clause Subordination, In the E of L&L, Asher (Editor in Chief) lại nói về biểu thức
cảm thán (Exclamatives).
Có thể thấy, mỗi tác giả đã có góc nhìn vấn đề khác nhau, R.L. Taylor thấy
thiếu niên thường dùng yếu tố cảm thán trong câu nói nhằm gây sự chú ý đối với
người nghe. Còn J.R. Payne nhận thấy các từ How, What trong tiếng Anh là những
định tố cảm thán (How beautiful!) và cần làm rõ đặc điểm chức năng của chúng.
Ông cho rằng nếu không xác định được nó là định tố cảm thán sẽ dẫn đến sự nhầm
lẫn nó với các từ nghi vấn. R.D. Huddleston đặc biệt lưu ý đến ý nghĩa tình thái, sắc


14

thái cảm thán trong phạm trù nghĩa tình thái. Có thể nói, các tác giả này đều bàn về
những vấn đề thuộc phạm trù tình thái (Modality) và những khái niệm mà các tác
giả nêu ra là những khái niệm cơ bản trong ngôn ngữ học.
Vấn đề cảm thán trong tiếng Khmer đã được nhắc đến trong sách ngữ pháp dùng để
dạy ở trường phổ thông qua các thời kỳ, sách ngữ pháp nghiên cứu chuyên sâu ngôn
ngữ tiếng Khmer. Tuy nhiên, các sách này cũng chỉ trình bày một cách sơ lược khái

niệm từ cảm thán và phân loại từ cảm thán theo phương thức và theo ý nghĩa.
Chẳng hạn, sách ngữ pháp của tác giả គង់សុខហេង [kʊəŋ sok heeŋ] (2012), Ngữ
pháp Khmer “ហេយ្យាករណ៏ខ្ខែរ” [veiyyiekɑɑ kmae] (dành cho học sinh phổ thông,
theo chương trình cải cách giáo dục) [117], sách Ngữ pháp Khmer
“ហេយ្យាករណ៏ខ្ខែរ” [veiyyiekɑɑ kmae] của tác giả ឈុន-លិះ [cʰun lih] (1990) [118].
Riêng về việc so sánh đối chiếu các phương thức và phương tiện cảm thán
giữa tiếng Khmer và tiếng Việt, cho đến thời điểm này, chưa có công trình nghiên
cứu nào trình bày một cách có hệ thống. Việc đối chiếu các phương tiện cảm thán
tiếng Việt và tiếng Khmer từ trước tới nay chỉ là hình thức đối chiếu các từ ngữ cảm
thán trong các từ điển đối chiếu Việt – Khmer hay Khmer – Việt và trình bày dưới
hình thức mục từ, như từ điển Việt – Khmer của Hoàng Học (1978) [41], từ điển
Khmer – Việt của Hoàng Học (1979) [42].
Có thể nói, cho đến nay chưa có công trình nào đi vào khảo sát thực tế và trình
bày kết quả một cách toàn diện, hệ thống, cũng như chưa có công trình so sánh
phương thức biểu thị ý nghĩa cảm thán trong tiếng Việt và tiếng Khmer.
5. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu
5.1. Đối tượng nghiên cứu
Đối tượng nghiên cứu của luận án là các phương thức biểu thị ý nghĩa cảm
thán trong tiếng Việt và so sánh với tiếng Khmer. Đó là các cách thức, phương pháp


15

có tính chất phổ quát để thể hiện các ý nghĩa cảm thán, như sự ngạc nhiên, sự vui
mừng, thích thú; sự phủ nhận, từ chối; sự đe doạ, trách móc, v.v. Việc khảo sát các
phương thức biểu thị ý nghĩa cảm thán luôn gắn liền với việc khảo sát các phương
tiện cảm thán như từ, ngữ đoạn cảm thán, câu cảm thán, diễn ngôn cảm thán và các
phương tiện ngữ âm, v.v..Vì lý do kỹ thuật, mặc dù phương tiện ngữ âm có vai trò
quan trọng đối với việc biểu thị ý nghĩa cảm thán và đánh dấu cảm thán, nhưng
chúng tôi sẽ không trình bày chúng thành một hệ thống các phương tiện như hệ

thống các phương tiện khác trong công trình này mà chúng tôi chỉ phân tích một
cách sơ lược, đánh dấu một sự chú ý về vai trò của ngữ điệu.
Như vậy, đối với đối tượng nghiên cứu của công trình là các phương tiện biểu
thị ý nghĩa cảm thán, chúng tôi thống nhất cách gọi tên các phương tiện từ vựng
như thán từ, cảm từ, từ cảm hay từ cảm thán là từ cảm thán, những phương tiện ngữ
pháp là ngữ đoạn cảm thán, yếu tố cảm thán (định tố cảm thán), câu cảm thán hay
diễn ngôn cảm thán.
Theo đó, chúng tôi sẽ xem xét cụ thể những vấn đề về cấu tạo từ, ngữ đoạn,
câu và diễn ngôn, xem xét khả năng biểu lộ tình cảm và chức năng của các thành
phần cảm thán trong câu (trong phát ngôn). Chúng tôi cũng cố gắng giải thích một
vài cách sử dụng và một vài đặc điểm văn hoá thể hiện trong câu cảm thán, diễn
ngôn cảm thán.
Cuối cùng, chúng tôi sẽ đối chiếu một số phương thức biểu thị ý nghĩa cảm
thán tiếng Việt với tiếng Khmer để mô tả rõ ràng hơn, đầy đủ hơn về các đặc điểm
của phương tiện và phương thức biểu thị ý nghĩa cảm thán tiếng Việt.
5.2. Phạm vi nghiên cứu
Luận án khảo sát phương thức biểu thị ý nghĩa cảm thán trong tiếng Việt, khảo
sát kỹ tiếng Việt ở các tỉnh thuộc Nam Bộ (không đối chiếu các phương ngữ với
nhau). Việc khảo sát sẽ tập trung vào các từ ngữ cảm thán chính danh, hoặc các từ
ngữ khác kết hợp với nhau lâm thời được dùng để biểu thị ý nghĩa cảm thán và có
chức năng giống như lớp từ cảm thán. Chúng tôi tiến hành thu thập ngữ liệu thông


16

qua cách nói năng giao tiếp của người Việt, hay trong tác phẩm văn học, các tác
phẩm phim truyện, kịch nói. Chúng tôi khảo sát nhiều ngữ liệu văn học vì văn học
là một kho chứa ngôn ngữ nhiều thời đại, phong phú và có nhiều giá trị cho việc
nghiên cứu ngôn ngữ hiện nay.
6. Phương pháp nghiên cứu và nguồn tư liệu

6.1. Phương pháp nghiên cứu
Để thực hiện luận án, chúng tôi sử dụng chủ yếu là phương pháp miêu tả.
Phương pháp miêu tả được dùng để vạch ra các phương thức biểu thị ý nghĩa
cảm thán cơ bản của tiếng Việt và tiếng Khmer và các đặc điểm cơ bản của các
phương thức đó (như vai trò, ý nghĩa, mức độ phổ biến của các phương thức, các
tiểu loại …). Các thủ pháp được dùng trong phương pháp miêu tả là phân tích, phân
loại, thống kê và so sánh. Trong đó, thủ pháp so sánh có tác dụng làm nổi rõ những
điểm giống nhau và khác nhau về phương thức biểu thị ý nghĩa cảm thán giữa hai
ngôn ngữ Việt và Khmer.
6.2. Nguồn tư liệu
Tư liệu phục vụ cho việc so sánh là kết quả khảo sát các phương tiện cảm thán
trong từ điển tiếng Việt phổ thông, một số truyện ngắn của một số tác giả như Sơn
Nam, Hồ Biểu Chánh, Nguyễn Ngọc Tư, Lê Minh Khuê, Nguyễn Công Hoan,
Nguyễn Khải, Nguyễn Quang Sáng, Tô Hoài, Kim Lân, v.v. và một số vở kịch như
“Lá sầu riêng”, “Tô Ánh Nguyệt”, “Đời cô Lựu”. Sau đó, chúng tôi bổ sung thêm
ngữ liệu bằng cách thống kê ngôn ngữ nói năng hàng ngày của người Nam Bộ.
Đối với ngữ liệu tiếng Khmer, chúng tôi thu thập ngữ liệu ngôn ngữ bằng cách
thống kê ngôn ngữ giao tiếp nói năng hàng ngày của người Khmer. Ngoài ra, ngữ
liệu còn được bổ sung từ các dẫn liệu trong từ điển đối chiếu Khmer – Việt, Việt –
Khmer, và trích lọc từ các tác phẩm truyện Khmer, kịch nói và sân khấu dù kê
Khmer Nam Bộ, như: 1. Dù kê Nàng Tưp-So-Da Chanh của đoàn nghệ thuật Ánh
Bình Minh – Trà Vinh, 2. Dù kê Nàng Mia-Da của đoàn nghệ thuật Bạc Liêu, 3. Dù


17

kê Thủy thần kén rể của đoàn nghệ thuật Trà Vinh. Đây là những cứ liệu ban đầu
nhưng rất vững chắc cho việc nghiên cứu sâu hơn phương thức biểu thị tình cảm,
cảm xúc của đồng bào Khmer Nam Bộ.
Đối với phần tư liệu là những ngữ liệu được thu thập bằng cách khảo sát,

thống kê ngôn ngữ giao tiếp nói năng hàng ngày của người Việt và người Khmer,
phần lớn được chúng tôi dựa vào ngữ nghĩa mà bóc tách, ghi lại các ngữ đoạn phát
ngôn, diễn ngôn và ghi chú nguồn là khẩu ngữ. Khi trình bày phụ lục, chúng tôi
không đặt nó trong ngữ cảnh nhất định nhằm biện giải nó linh hoạt trong nhiều ngữ
cảnh tương ứng khác nhau, mục tiêu là khái quát lên các cấu trúc nội tại của ngữ
đoạn, phát ngôn, diễn ngôn, giải thích mối quan hệ cấu trúc – ngữ nghĩa trong tình
huống ngữ cảnh cụ thể và thấy được đặc điểm phổ quát thay vì phân tích cuộc thoại
trong quan hệ với các lượt lời và trong mối quan hệ của các lượt lời với nhau.
7. Bố cục của luận án
Luận án gồm có hai phần: phần chính văn (216 trang) và phần phụ lục (178
trang, gồm 5 phụ lục)
Trong phần chính văn, ngoài phần mở đầu và kết luận, nội dung chính của
luận án được trình bày trong bốn chương như sau:
+ Chương 1: Một số vấn đề cơ sở lý luận
Chương này có nội dung chính là giới thiệu các khái niệm: cảm thán, ý nghĩa
cảm thán, phương tiện, dấu hiệu, phương thức biểu thị ý nghĩa cảm thán, diễn ngôn
cảm thán. Ngoài ra, nội dung của chương còn trình bày cơ sở lý thuyết về hành vi
ngôn ngữ, cơ sở ngữ nghĩa phân tích cú pháp.
Chương này có tác dụng làm nền tảng lý luận cho các vấn đề nội dung cụ thể
trong chương 2, 3 và 4.
+ Chương 2: Từ ngữ cảm thán trong tiếng Việt và tiếng Khmer
Trong chương này, chúng tôi phân tích hệ thống từ ngữ cảm thán trong tiếng
Việt về cấu tạo, vị trí xuất hiện trong câu, chức năng, phân loại, sau đó sơ bộ đối


18

chiếu với hệ thống từ ngữ cảm thán trong tiếng Khmer để thấy được điểm giống và
khác giữa hai ngôn ngữ.
+ Chương 3: Câu cảm thán trong tiếng Việt và tiếng Khmer

Trong chương này, chúng tôi trình bày các dấu hiệu và đặc điểm của câu cảm
thán trong tiếng Việt và so sánh với tiếng Khmer.
+ Chương 4: Diễn ngôn cảm thán trong tiếng Việt và tiếng Khmer
Trong chương này, chúng tôi phân tích diễn ngôn cảm thán trong tiếng Việt và
so sánh với tiếng Khmer.


19

CHƯƠNG 1
MỘT SỐ VẤN ĐỀ CƠ SỞ LÝ LUẬN
1.1. Khái quát về hành vi ngôn ngữ
Cảm thán là hành động biểu thị cảm xúc, tình cảm bằng các phương tiện ngôn
ngữ nên khi nói đến hành động cảm thán, chúng tôi cũng muốn đề cập đến những
vấn đề lý thuyết liên quan.
Như chúng ta biết, các lĩnh vực của ngôn ngữ học liên quan chặt chẽ đến ký
hiệu học và cảm thán thuộc hệ thống tín hiệu ngôn ngữ. Trong đó, ký hiệu (sign) là
một đối tượng hay sự kiện có thể tri giác được, được hiểu ra nhờ một đối tượng hay
sự kiện khác không thể tri giác ẩn chứa trong nó gợi ra; cái đối tượng hay sự kiện có
thể tri giác được diễn đạt cái đối tượng hay sự kiện khác không thể tri giác được đó
theo kiểu báo hiệu về cái thứ hai, như “một cái nháy mắt (có thể tri giác được) báo
hiệu “đừng nói” (cái không thể tri giác được); ký hiêu học (semiotics, semiology,
significs) là lý thuyết về các hệ thống báo hiệu (signiling-systems), tức là các hệ
thống mà bằng các phương tiện của chúng tin được truyền đi và các ký hiệu được
các hệ thống đó dùng như bản thân ngôn ngữ, các cử chỉ mà con người dùng để giao
tiếp là những hệ thống làm đối tượng nghiên cứu của lý thuyết này. Theo Saussure
“cái khái niệm được đặt trong mối quan hệ với hình ảnh âm thanh tương ứng làm
thành ký hiệu (nghĩa 2) ngôn ngữ” [6, tr.286].
Nhà ngôn ngữ học Thụy Sĩ F. de Saussure đã định nghĩa “Ngôn ngữ là một
hệ thống dấu hiệu nhiều tầng được người bản ngữ chấp nhận, ghi nhớ, hiểu và sử

dụng trong khi giao tiếp với cộng đồng” (dẫn theo cao Xuân Hạo) [69, tr.3]. Trong
công trình này, chúng tôi thống nhất dùng thuật ngữ “tín hiệu” thay cho thuật ngữ
“dấu hiệu” vừa nêu trên với ý nghĩa tín hiệu là một sự vật (hoặc một thuộc tín vật
chất, một hiện tượng) kích thích vào giác quan của con người, làm cho con người ta
tri giác được và lý giải, suy diễn tới một cái gì đó nằm ngoài sự vật ấy.
F. de Saussure cho rằng đơn vị ngôn ngữ là một thực thể có hai mặt có tính
chất tâm lý và được kết liền thành một trong óc con người bằng mối dây của sự liên


20

hệ giữa khái niệm với dấu vết tâm lý của âm thanh vật lý thuần túy/hình ảnh âm
thanh trong cảm quan của con người trong một dấu hiệu ngôn ngữ. Ngôn ngữ có
tính hệ thống, các thành phần trong hệ thống có quan hệ với nhau. Ngôn ngữ cũng
là tín hiệu có hai mặt (năng biểu và sở biểu tương đương với cái biểu hiện và cái
được biểu hiện) có quan hệ chặt chẽ không thể tách rời nhau. Mối quan hệ giữa hai
mặt của ngôn ngữ cũng giống như mối quan hệ giữa hai mặt của một tín hiệu là
mang tính võ đoán. Những từ mô phỏng âm thanh tự nhiên nhất, những từ ngữ cảm
thán được phát ra một cách vô thức nhất trong các ngôn ngữ tự nhiên cũng không
giống nhau hoàn toàn (dẫn theo Cao Xuân Hạo) [69, tr.17-18]. Trong đó, mối quan
hệ giữa hai mặt của một tín hiệu mang tính võ đoán nghĩa là không có nguyên do,
không có một mối liên quan tự nhiên nào trong thực tế giữa năng biểu và sở biểu
của một tín hiệu ngôn ngữ, hay giữa cái biểu hiện và cái được biểu hiện của một tín
hiệu. Mặc dù từ ngữ cảm thán chính danh trong các ngôn ngữ có số lượng rất ít và
chúng không được xem là những yếu tố hữu cơ của một hệ thống ngôn ngữ nhưng
trong các ngôn ngữ tự nhiên, nhưng con người không chỉ sử dụng các phương tiện
cảm thán chính danh để bộc lộ tình cảm, cảm xúc mà còn sử dụng các phương tiện
ngôn ngữ khác theo một phương thức nào đó để biểu thị ý nghĩa cảm thán một cách
phong phú, đa dạng. Điều này góp phần làm sáng tỏ hai mặt của tín hiệu ngôn ngữ
vừa có tính võ đoán, vừa có thể giải thích được trong giới hạn nào đó khi đặt trong

mối quan hệ với ngữ cảnh cụ thể và các yếu tố văn hóa dân tộc. Vì vậy, việc nghiên
cứu cảm thán tỏ ra có sức thuyết phục hơn khi dựa trên cơ sở ba bình diện của tín
hiệu là kết pháp, nghĩa học và dụng pháp.
Ngôn ngữ học hiện đại, các nhà ngữ học Mĩ và châu Âu đã đề ra mô hình lý
thuyết ba bình diện từ sự phân biệt ba lĩnh vực kết pháp (syntactics), nghĩa học
(semantic), dụng pháp (pragmatics) trong lý thuyết ký hiệu học của Ch. Morris
(1938) (Dẫn theo Cao Xuân Hạo) [35, tr.20]. Mà thực ra nó có tiền đề từ lý thuyết
ký hiệu học của Peirce (1910) [20, tr.5]. Theo đó, kết pháp nghiên cứu các ký hiệu
trong những quan hệ kết hợp với các ký hiệu khác; nghĩa học nghiên cứu các ký


×