Tải bản đầy đủ (.doc) (17 trang)

TÁC hại của THAM NHŨNG và các giải pháp phòng chống

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (178.74 KB, 17 trang )

TÁC HẠI CỦA THAM NHŨNG
VÀ CÁC GIẢI PHÁP PHÒNG, CHỐNG THAM NHŨNG
ThS. Lê Việt Hà
Khoa Lý luận chính trị
I. Đặt vấn đề:
Tham nhũng là một thách thức mang tính toàn cầu – đó là một nhận
định được cả thế giới thừa nhận. Bởi tham nhũng là một trong những trở
ngại lớn nhất đối với tăng trưởng và giảm đói nghèo. Ở Việt Nam, tham
nhũng cũng đã được nhận thức khá sâu sắc rằng đó là một trở lực nghiêm
trọng đối với chiến lược phát triển quốc gia, bởi nó làm suy giảm hiệu quả
quản lý nhà nước, xói mòn nguyên tắc pháp quyền, cản trở tăng trưởng kinh
tế và những nỗ lực xoá đói giảm nghèo, biến dạng điều kiện cạnh tranh trong
giao dịch kinh doanh.
Ngày 3/12, Tổ chức minh bạch quốc tế (TI) công bố chỉ số cảm nhận tham
nhũng 2013 (CPI 2013). Chỉ số này xếp hạng 177 quốc gia và vùng lãnh thổ dựa
trên cảm nhận về mức độ tham nhũng trong khu vực công. Năm 2013, Việt Nam
xếp hạng 116 trên tổng số 177 quốc gia và vùng lãnh thổ với điểm số bằng năm
ngoái: 31/100 (trong đó 0 chỉ mức độ tham nhũng cao và 100 là rất trong sạch).
Việt Nam nằm trong 2/3 số nước đạt điểm số dưới 50. Đan Mạch đứng đầu thế
giới về mức độ trong sạch. Đồng hạng duy nhất là New Zealand. Trong khi đó
ở châu Á - Thái Bình Dương, Trung Quốc xếp hạng thứ 80 với điểm số 40/100.
So với các nước Đông Nam Á, Việt Nam xếp thứ 7, sau Singapore, Brunei,
Malaysia, Philippines, Thái Lan và Indonesia.
Tham nhũng ở nước ta ngày càng tinh vi, khó phát hiện do các đối tượng tham
nhũng thường có chức vụ, quyền hạn, có trình độ hiểu biết pháp luật, quan hệ rộng,
liên kết với nhau thành các nhóm lợi ích. Tội phạm kinh tế, tham nhũng trong lĩnh
vực tài chính, ngân hàng, tín dụng, chứng khoán tiếp tục diễn biến phức tạp, gây thất
thoát lớn tài sản của Nhà nước. Thiệt hại do tham nhũng gây ra đối với ngân sách
nhà nước, tài sản của nhân dân, doanh nghiệp rất lớn nhưng giá trị tài sản thu hồi
thấp. Tham nhũng làm thay đổi mọi lãnh vực trong trong xã hội như kinh tế, luật



pháp quốc gia, dân chủ, luân lý, giáo dục... Những tổn thất do tham nhũng gây nên
thật khó đo lường cho hết.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng nhận định: “Tham nhũng là kẻ thù nguy
hiểm của nhân dân, của bộ đội và của chính phủ vì nó không mang gươm
mang súng mà nó nằm trong các tổ chức của ta để làm hỏng ta. Nó làm hỏng
tinh thần trong sạch và ý chí khắc khổ của cán bộ ta. Nó phá hoại đạo đức
cách mạng ta là cần- kiệm - liêm - chính”. Tham nhũng còn gây ra tác hại làm
giảm sút lòng tin của công dân đối với bộ máy và công chức, viên chức Nhà
nước, triệt tiêu động lực cơ bản nhất của sự phát triển. Điều này đã được V.I.
Lênin khuyến cáo: “Nếu có cái gì đó có thể triệt tiêu được chủ nghĩa xã hội thì
đó chính là tham nhũng, quan liêu”. Đây cũng là bài học mà ông cha ta đã
truyền lại cho con cháu. Trần Quốc Tuấn đã từng nói: “để dân khinh là mất
nước”.
II. Tác hại của tham nhũng:
1. Tác hại về chính trị
Tham nhũng phá hoại đội ngũ cán bộ, tầm thường hoá hệ thống pháp luật,
là nguyên nhân liên quan trực tiếp đến sự sống còn của Nhà nước. Tác hại của
tham nhũng không chỉ dừng lại ở phương diện thiệt hại vật chất hàng ngàn tỷ
đồng, hàng trăm triệu USD của Nhà nước mà tham nhũng sẽ làm tầm thường
hoá hệ thống pháp luật của Nhà nước, kỷ cương xã hội không thể giữ vững, gây
mất đoàn kết nội bộ, làm giảm uy tín của Đảng và Nhà nước trước nhân dân và
là cơ hội để cho kẻ thù phá hoại, xâm lược. Nếu các nhà hành pháp mà tự mình
phá hoại luật pháp thì làm sao có thể duy trì được phép nước. Những kẻ tham
nhũng chính là những tên đầu trò trong việc làm tê liệt hệ thống hành pháp, làm
cho Nhà nước trở thành đối lập và gánh nặng cho công dân. Tham nhũng tất yếu
dẫn đến phá hoại đội ngũ cán bộ Nhà nước bởi vì những kẻ tham nhũng sẽ lừa
dối và hư hoá cấp trên làm cho bộ máy trở thành quan liêu, chúng sẽ tăng cường
đưa thêm kẻ xấu vào guồng máy và triệt hại đội ngũ viên chức chưa tốt. Những
kẻ tham nhũng chính là những tên phá hoại từ bên trong của hệ thống hành pháp

quốc gia. Tham nhũng sẽ làm cho quần chúng mất đi sự tin tưởng vào đường lối


lãnh đạo của Đảng và Nhà nước và đây cũng là nguyên nhân căn bản nhất dẫn
đến thất bại của Đảng và Nhà nước. Chính với những tác hại to lớn kể trên cũng
như nhiều tác hại do bệnh tham nhũng tạo ra, nhiều nước đã coi tham nhũng là
quốc nạn của đất nước, là giặc nội xâm nguy hiểm. Trong các văn kiện đại hội
VIII, IX Đảng ta khẳng định: Nạn tham nhũng đang là một nguy cơ trực tiếp
quan hệ đến sự sống còn của hệ thống chính trị.
Tham nhũng là trở lực lớn đối với quá trình đổi mới đất nước và làm xói
mòn lòng tin của nhân dân đối với sự lãnh đạo của Đảng và nhà nước, đối với sự
nghiệp xây dựng đất nước, tiến lên chủ nghĩa xã hội. Công cuộc đổi mới đất
nước một cách toàn diện đã mang đến cho đất nước ta thế và lực mới. Những
điều chỉnh đúng đắn về chiến lược và sách lược đã phát huy tác dụng và tạo đà
cho sự phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, tình trạng tham nhũng lại là một trở
lực lớn đối với quá trình này. Quan điểm và tư duy đổi mới cùng với cơ chế,
pháp luật đúng đắn, phù hợp đã bị tệ tham nhũng làm cho méo mó. Đối tượng
tham nhũng đã lợi dụng sự thông thoáng của cơ chế, chính sách để thực hiện
hành vi tham nhũng. Kẻ tham nhũng lợi dụng yêu cầu tăng cường kiểm tra, giám
sát và các biện pháp khác để dọa dẫm, đòi hối lộ của đối tượng bị thanh tra, kiểm tra.
Cơ chế, chính sách trở thành công cụ để thực hiện những lợi ích cá nhân.
Trong lĩnh vực đầu tư nước ngoài, tham nhũng sẽ làm nản lòng các nhà đầu
tư nếu chúng ta không có biện pháp kịp thời ngăn chặn và đẩy lùi tham nhũng.
Hiện nay tình hình tham nhũng ở nước ta đã ở mức nghiêm trọng, đáng báo
động. Tham nhũng không chỉ xảy ra ở cấp trung ương, ở những chương trình, dự
án lớn mà còn xuất hiện nhiều trong các cấp chính quyền cơ sở - cơ quan tiếp
xúc với nhân dân hàng ngày, giải quyết những công việc liên quan trực tiếp đến
lợi ích của nhân dân. Điều đó làm giảm lòng tin của nhân dân vào sự lãnh đạo
của Đảng, sự quản lý của Nhà nước, gây ra sự bất bình, bức xúc, thậm chí phản
ứng của nhân dân đối với chính quyền. Để nhân dân mất niềm tin, tức là chúng

ta đã đánh mất một sức mạnh vô cùng to lớn, có tính chất quyết định đối với sự
nghiệp cách mạng.


Tác hại nguy hiểm của tệ tham nhũng, lãng phí gây ảnh hưởng trực tiếp đến
hiệu quả của việc thực hiện chủ trương, chính sách về kinh tế - xã hội hoặc một
nhiệm vụ quản lý nhất định của Nhà nước. Chiến lược quốc gia phòng, chống
tham nhũng đến năm 2020 khẳng định: Tình hình tham nhũng vẫn diễn biến
phức tạp trên nhiều lĩnh vực, nhất là trong quản lý, sử dụng đất đai, đầu tư xây
dựng, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà
nước, gây hậu quả xấu về nhiều mặt làm giảm sút lòng tin của nhân dân vào sự
lãnh đạo của Đảng và sự quản lý của Nhà nước, tiềm ẩn các xung đột lợi ích,
phản kháng về xã hội, làm tăng thêm khoảng cách giàu nghèo. Tham nhũng trở
thành vật cản lớn cho thành công của công cuộc đổi mới, cho sức chiến đấu của
Đảng, đe dọa sự tồn vong của chế độ.
2. Tác hại về kinh tế:
Tham nhũng gây tổn hại to lớn về mặt kinh tế cho sự phát triển xã hội kéo
lùi sự phát triển tuỳ theo quy mô và mức độ gây hại của nó. Tham nhũng đã gây
thiệt hại vật chất hàng ngàn tỷ đồng, hàng trăm triệu đô la của Nhà nước. Theo
đánh giá của Văn phòng Liên hợp quốc về ma túy và tội phạm (UNODC) và
Ngân hàng Thế giới (WB), nạn tham nhũng đã gây thiệt hại cho các nước đang
phát triển tới 1,6 nghìn tỷ USD mỗi năm. Chi phí kinh tế của tham nhũng là rất
khó xác định nhưng một số công trình nghiên cứu đã đưa ra đó là:
- Tăng từ 3-10% cho giá của một giao dịch để đẩy nhanh giao dịch.
- Một mức tổn thất tới 50% nguồn thu từ thuế của chính phủ do hối lộ và
tham nhũng.
Những thiệt hại về kinh tế mà tham nhũng gây ra cho nước ta có thể kể đến là:
- Tham nhũng làm thất thoát những khoản tiền lớn trong xây dựng cơ bản
do phải chi phí cho việc đấu thầu, việc cấp vốn, việc thanh tra, kiểm toán và
hàng loạt các chi phí khác. Mặt khác do tham nhũng mà một số lượng lớn tài sản

của Nhà nước bị thất thoát do các hành vi tham ô, lạm dụng chức vụ quyền hạn
chiếm đoạt... Trong đó, những sai phạm trong lĩnh vực đất đai chiếm một số
lượng đáng kể.


Theo báo cáo của Thanh tra Chính phủ, năm 2013, ngành thanh tra phát hiện
80 vụ, 90 đối tượng có hành vi liên quan đến tham nhũng với số tiền 117,5 tỉ
đồng, đã chuyển cơ quan điều tra 11 vụ việc. Cũng trong năm 2013, cơ quan
điều tra các cấp đã thụ lý 371 vụ án, 847 bị can phạm tội về tham nhũng. Thiệt
hại được xác định qua các vụ án này lên đến khoảng 9.260 tỉ đồng, 51.000
lượng vàng SJC, 155.000m2 đất.
Nổi bật là các vụ án vi phạm các quy định cho vay trong hoạt động của tổ
chức tín dụng xảy ra tại Ngân hàng NN&PTNT Việt Nam chi nhánh Bình
Chánh, TP.HCM gây thiệt hại 410 tỉ đồng, vụ án lạm quyền trong khi thi hành
công vụ xảy ra tại Ngân hàng SeaBank gây thiệt hại 310 tỉ đồng…
Trong năm 2014, ngành thanh tra đã phát hiện 54 vụ, 87 đối tượng có hành
vi liên quan đến tham nhũng với số tiền 68,5 tỷ đồng; đã thu hồi 46,9 tỷ đồng
(đạt 68,5%, tăng 18,3% so với năm 2013).
Một số cá nhân, tổ chức thực hiện các hoạt động đầu tư bằng vốn ngân sách
không dựa trên yêu cầu mang lại lợi ích cho Nhà nước, cho xã hội mà chỉ nhằm
mưu cầu lợi ích cho cá nhân. Vì lợi ích cá nhân của mình hay của một nhóm
người, một số doanh nghiệp đã đầu tư mua, nhập khẩu những dây chuyền sản
xuất, máy móc, thiết bị, phương tiện, tàu thủy rất lạc hậu, cũ nát mang về không
thể sử dụng được do công nghệ đã quá cũ hoặc tiêu tốn quá nhiều nhiên liệu hoặc
thải ra quá nhiều các chất độc hại, gây thất thoát cho ngân sách nhà nước hàng
ngàn tỷ đồng.
- Tham nhũng gây tổn thất lớn cho nguồn thu của ngân sách nhà nước thông
qua thuế. Thuế là nguồn thu chủ yếu của ngân sách nhà nước. Tuy nhiên do tệ tham
nhũng, hối lộ mà một số doanh nghiệp chỉ phải nộp khoản thuế ít hơn nhiều so với
khoản thuế thực tế phải nộp. Điều này đã làm thất thoát một lượng tiền rất lớn hàng

năm. Hối lộ cũng dẫn đến những thất thoát lớn trong việc hoàn thuế, xét miễn giảm
thuế…
- Tham nhũng, nhất là hành vi tham ô tài sản đã làm cho một số lượng lớn tài
sản công trở thành tài sản tư của một số cán bộ, công chức, viên chức. Trong một số


cơ quan, tổ chức đã hình thành các đường dây tham ô hàng tỷ, thậm chí hàng
ngàn tỷ đồng của Nhà nước.
Tham nhũng gây ra những thiệt hại nghiêm trọng cho các công trình xây
dựng. Do tham nhũng mà một số công trình xây dựng như các công trình cầu
đường, nhà cửa kém chất lượng. Điều này không chỉ gây nguy hiểm đáng kể cho
cuộc sống của người dân khi sử dụng các công trình này mà còn ảnh hưởng
nghiêm trọng đến sự phát triển của nền kinh tế - xã hội.
Tham nhũng gây ảnh hưởng lớn đến môi trường kinh doanh, làm giảm đáng
kể năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp, làm chậm tốc độ tăng trưởng của
nền kinh tế. Ngân hàng Thế giới (WB) ước tính tham nhũng khiến chi phí của
các doanh nghiệp toàn cầu tăng 10%, trong khi chi phí giao dịch tại các nước
đang phát triển tăng thêm tới 25%. Số tiền tham nhũng của quan chức trên toàn
thế giới mỗi năm lên tới hơn 1.000 tỷ USD. Do tệ nạn tham nhũng mà nhiều
doanh nghiệp tuy không có đủ thực lực và uy tín nhưng nhờ “hối lộ” mà vẫn
giành được những hợp đồng kinh tế lớn. Điều đó không chỉ làm mất lòng tin của
các doanh nghiệp làm ăn chính đáng trong cạnh tranh lành mạnh mà còn dẫn đến
nhiều hậu quả xấu khác như chất lượng công trình kém, làm suy thoái phẩm chất
của một số cán bộ, công chức, viên chức, làm mất lòng tin của các nhà đầu tư…
Hành vi sách nhiễu, gây khó khăn, đòi hối lộ của một bộ phận cán bộ, công
chức, viên chức còn gây thiệt hại đến tài sản của người dân do họ phải đưa hối
lộ khi liên quan đến các thủ tục hành chính. Mặt khác thủ tục hành chính bị kéo
dài đã gây mất thời gian, tiền của của người dân, làm đình trệ các hoạt động sản
xuất, kinh doanh.
3. Tác hại về xã hội

Tham nhũng xâm phạm, thậm chí làm thay đổi, đảo lộn những chuẩn mực
đạo đức xã hội, tha hóa đội ngũ cán bộ, công chức nhà nước. Trước những lợi
ích bất chính đã hoặc sẽ có được khi thực hiện hành vi tham nhũng, nhiều cán
bộ, công chức đã không giữ được phẩm chất đạo đức của người cán bộ cách
mạng. Cán bộ, công chức khi thực hiện hành vi tham nhũng đã không còn làm
việc vì mục đích phục vụ sự nghiệp cách mạng, phục vụ nhân dân mà hướng tới


việc thu được các lợi ích bất chính, bất chấp việc vi phạm pháp luật, làm trái
công vụ, trái lương tâm, đạo đức nghề nghiệp. Điều đáng báo động là một số cán
bộ, công chức coi việc tham nhũng trở thành bình thường. Đó chính là biểu hiện
của sự suy thoái, xuống cấp về đạo đức một cách nghiêm trọng. Sự suy thoái về
tư tưởng chính trị, phẩm chất, đạo đức, lối sống thể hiện trước hết ở tư tưởng
hưởng thụ, quá coi trọng đồng tiền, tư tưởng vụ lợi, làm giàu bất chính… Những
tư tưởng này đang làm suy thoái một bộ phận cán bộ có chức, có quyền. Xuất
phát từ những tâm lí này mà một số cán bộ, đảng viên đã lợi dụng công việc,
nhiệm vụ, quyền hạn được giao để đòi hối lộ, tham ô tài sản. Đặc biệt là những
cán bộ công tác trong các lĩnh vực tài chính, tiền tệ, cấp phát vốn, thanh tra,
kiểm toán cũng như các lĩnh vực có liên quan đến nguồn vốn ngân sách hay vốn
tài trợ, vốn vay ưu đãi…
Hơn thế, tham nhũng còn xâm phạm những giá trị đạo đức truyền thống
của dân tộc, khi người thực hiện hành vi tham nhũng cũng có khi là giáo viên,
bác sỹ, những người hoạt động trong lĩnh vực giáo dục, y tế, văn hóa, xã hội –
những người xây dựng nền tảng tinh thần cho xã hội.
Tham nhũng là một trong những nguyên nhân chính làm tăng trưởng tệ nạn
xã hội. Để công việc không bị cản trở những kẻ phạm pháp tìm cách mua chuộc
cán bộ, nhân viên, thành viên chính quyền. Nếu những viên chức này tham
nhũng hành vi những kẻ phạm pháp được che chở và trở thành “hợp pháp hoá”.
Người dân hàng ngày chứng kiến những hành vi phạm pháp nhưng không bị
trừng phạt, dần dần họ quen thuộc với những hành vi này và cuối cùng trở thành

bình thường hoá trong xã hội. Khi xã hội bị tham nhũng thống trị tệ nạn xã hội
tăng trưởng, những viên chức thay vì bảo vệ luật pháp lại nhận tiền hối lộ bao
che những kẻ phạm pháp, người dân trước kia được viên chức tận tình giúp đỡ
những khi cần thiết nay bị hạch sách đủ điều khi không có quà bồi dưỡng... Qua
những hành động trên các viên chức đã phá lề luật đạo đức qui định trong xã
hội. Do đời sống ngày càng khó khăn do tham nhũng gây nên, để sống còn
người dân lương thiện cũng phải bất chấp làm mọi việc, kể cả những việc phản
đạo đức như buôn bán hàng giả, hàng lậu... Mối liên hệ, cách đối xử giữa con


người với nhau trong xã hội bị thay đổi, giá trị luân lý, đạo đức trước kia bị mất
hiệu lực. Khi “một người chỉ vì chính bản thân mình” trong xã hội sẽ phát sinh
hàng chục triệu lề luật đạo đức khác nhau, sự mạnh yếu của mỗi lề luật lệ thuộc
vào quyền lực của chủ nhân lề luật đạo đức đó. Từ khi lọt lòng mẹ trẻ nhỏ đã
chứng kiến những “lợi lộc do chức vụ đem lại” hay những “chạy chọt” nhằm
hoán chuyển việc làm bất hợp pháp trở thành hành vi chính nghĩa của cha mẹ,
người thân, họ hàng, hàng xóm... Khi đi học đến trường phải tặng quà, phải đi
học kèm thêm ở nhà thầy cô mới được điểm tốt... Những “tục lệ” này được hấp
thụ từ ấu thơ nên đối với chúng là chuyện thường tình “có tiền mua Tiên cũng
được” và “không mày đố thầy dạy ai?”, học trò đương nhiên trở thành “khách
hàng” của thầy cô giáo vì “khách hàng là vua” nên học trò không nhất thiết phải
cố gắng học hành nhưng vẫn được điểm cao. Khi lớn lên chúng sẽ bắt chước
người lớn phạm pháp vì “cha mẹ chúng sẽ dùng tiền biến mọi việc thành chính
nghĩa!”.
III. Ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác phòng, chống tham nhũng:
1. Bảo vệ lợi ích của quần chúng nhân dân
Trong thời gian vừa qua, ở nước ta đã có nhiều vụ án liên quan đến nạn
tham nhũng, trong đó có những vụ án lớn như vụ án Dương Chí Dũng – cựu
chủ tịch Vinalines, vụ Huỳnh Thị Huyền Như, đại án tham nhũng Vifon...
Giá trị tài sản bị thiệt hại, bị thất thoát lên đến hàng chục, hàng trăm, thậm chí là

hàng ngàn tỷ đồng. Trong điều kiện đất nước ta đang cần tập trung tối đa mọi
nguồn lực cần thiết để phát triển, làm cho dân giàu, nước mạnh thì việc thất
thoát một lượng lớn tài sản của Nhà nước, của tập thể, của nhân dân như vậy
vào trong tay những người thực hiện hành vi tham nhũng cần được coi là một
thứ tội ác cần phải đấu tranh và xử lý mạnh mẽ.
Bên cạnh những vụ tham nhũng có giá trị lớn như đã nêu ở trên, việc một
số cán bộ, công chức quan liêu, sách nhiễu đối với nhân dân trong khi thực thi
công vụ, lạm dùng quyền hạn khi thi hành nhiệm vụ khiến cho nhân dân phải
mất rất nhiều thời gian, công sức và tiền bạc để có thể thực hiện được công việc
của mình như xin cấp các loại giấy phép, giấy chứng nhận…


Hiến pháp Việt Nam đã khẳng định, Nhà nước ta là Nhà nước của dân, do
dân và vì dân; quyền lực Nhà nước thuộc về nhân dân; tất cả tài sản là của nhân
dân. Nhân dân đóng góp mồ hôi xương máu, tiền của cho công cuộc kháng
chiến, xây dựng đất nước. Vì vậy, bảo vệ tài sản công, chống tham ô, lãng phí là
bảo vệ tài sản của nhân dân, bảo vệ quyền dân chủ của nhân dân. Cán bộ là
người được giao quản lý tài sản để thực hiện các nhiệm vụ do nhân dân giao
phó. Vì vậy, nhân dân có quyền và nghĩa vụ giám sát, phê bình cán bộ, đấu tranh
chống mọi biểu hiện quan liêu, tham ô, lãng phí.
2. Bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa
Đảng và Nhà nước ta xác định tham nhũng là “quốc nạn”, một trong những
nguy cơ lớn đe dọa sự sống còn của chế độ và coi chống tham nhũng là nhiệm
vụ thường xuyên của tổ chức đảng và cả hệ thống chính trị. Nghị quyết số 04NQ/TW ngày 21/8/2006 của Hội nghị lần thứ ba Ban Chấp hành Trung ương
Đảng khóa X về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng,
chống tham nhũng, lãng phí đã nhấn mạnh: “Tham nhũng, lãng phí vẫn diễn ra
nghiêm trọng ở nhiều ngành, nhiều cấp, nhiều lĩnh vực với phạm vi rộng, tính
chất phức tạp, gây hậu quả xấu về nhiều mặt, làm giảm sút lòng tin của nhân
dân, là một trong những nguy cơ lớn đe dọa sự tồn vong của Đảng và chế độ ta”.
Có thể nói, tham nhũng đã trở thành trở lực đối với quá trình đổi mới đất nước

và làm xói mòn lòng tin của nhân dân đối với sự lãnh đạo của Đảng và Nhà
nước, đối với sự nghiệp xây dựng đất nước, tiến lên chủ nghĩa xã hội. Lịch sử
dựng nước và giữ nước của dân tộc ta đã chứng minh sự tham gia của quần
chúng quyết định thành công của công cuộc đấu tranh bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ
chế độ xã hội chủ nghĩa. Đấu tranh giành độc lập dân tộc, tiêu diệt chế độ thực
dân phong kiến, xây dựng đất nước tiến lên chủ nghĩa xã hội là nội dung, mục
tiêu của cách mạng nước ta. Trong cuộc đấu tranh đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã
khẳng định, chống tham ô, lãng phí cũng là một nội dung quan trọng của cách
mạng vì tham ô là đặc trưng gắn liền với thực dân, phong kiến. Do đó, sự quyết
tâm đấu tranh phòng, chống tham nhũng của Đảng và Nhà nước ta góp phần rất
lớn trong việc củng cố lòng tin của nhân dân đối với sự lãnh đạo của Đảng. Nghị


quyết 14/NQ/TW ngày 15/5/1996 của Bộ Chính trị khóa VII đã chỉ rõ: Đấu
tranh chống tham nhũng là một bộ phận cấu thành quan trọng trong toàn bộ sự
nghiệp đấu tranh cách mạng của Đảng và nhân dân ta hiện nay, góp phần nâng
cao vai trò lãnh đạo của Đảng, tăng cường hiệu quả quản lý nhà nước, xây dựng
Đảng và kiện toàn bộ máy nhà nước trong sạch, vững mạnh, thực hiện quyền
dân chủ của nhân dân… Đấu tranh chống tham nhũng phải gắn liền và phục vụ
cho đổi mới kinh tế - xã hội, giữ vững ổn định chính trị, tăng cường đại đoàn kết
toàn dân, thực hiện thắng lợi hai nhiệm vụ chiến lược là xây dựng chủ nghĩa xã
hội và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
3. Bảo vệ các giá trị đạo đức văn minh
Có thể nói, tham nhũng làm tha hóa, suy thoái một cách nghiêm trọng đạo
đức cách mạng của cán bộ, phá hoại tinh thần cần, kiệm, liêm chính, ý chí vượt
khó của cán bộ, đảng viên. Vì những lợi ích trước mắt và vì quyền lợi của riêng
cá nhân, gia đình, người thân của mình mà nhiều cán bộ, công chức, viên chức
nhà nước đã có hành vi tham nhũng, biến của công thành của tư. Chủ tịch Hồ
Chí Minh đã khẳng định, bất cứ hành vi lấy của công làm của tư nào cũng đều là
hành vi tham ô. Qua các vụ án về tham nhũng được phát hiện trong thời gian

gần đây, chúng ta có thể thấy số lượng cán bộ, đảng viên có hành vi tham nhũng
là không hề ít, thậm chí có những người là cán bộ cấp cao, giữ những nhiệm vụ
quan trọng trong bộ máy nhà nước. Chính việc thiếu tu dưỡng bản thân, ý thức
kỷ luật kém, sự thoái hóa, biến chất trong đạo đức và lối sống đã khiến cho
những cán bộ này không còn làm việc vì mục đích phục vụ sự nghiệp cách
mạng, phục vụ nhân dân mà ngược lại, lợi dụng chức quyền để tham nhũng, làm
giàu bất chính, lãng phí của công, quan liêu, ức hiếp dân… Đáng chú ý là những
biểu hiện tiêu cực này có chiều hướng phát triển và một số cán bộ, công chức
coi việc tham nhũng trở thành bình thường. Đó chính là biểu hiện của sự suy
thoái, xuống cấp về đạo đức một cách nghiêm trọng. Hơn thế, tham nhũng còn
xâm phạm những giá trị đạo đức truyến thống của dân tộc khi những nét đẹp văn
hóa của người Việt Nam như “miếng trầu là đầu câu chuyện”, “ăn quả nhớ kẻ
trồng cây”… đã và đang bị lợi dụng để thực hiện hành vi tham nhũng. Tham


nhũng còn diễn ra ở những lĩnh vực như văn hóa, giáo dục, trong các chương
trình trợ cấp thương binh, liệt sỹ, các gia đình chính sách; tham nhũng cả tiền,
hàng hóa cứu trợ cho đồng bào gặp thiên tai; tham nhũng trong cả xét duyệt
công nhận di tích lịch sử văn hóa, thi đua, khen thưởng… Do đó, việc phòng,
chống tham nhũng góp phần rất quan trọng trong việc bảo vệ các giá trị đạo đức
văn minh, bảo vệ nền tảng tinh thần của xã hội.
IV. Các giải pháp phòng, chống tham nhũng
Thứ nhất, phải công khai, minh bạch trong hoạt động của cơ quan, tổ chức,
đơn vị.
Đây là biện pháp quan trọng đầu tiên để ngăn ngừa tham nhũng. Công khai,
minh bạch sẽ tạo điều kiện để người dân cũng như toàn xã hội tham gia giám sát
hoạt động của các cơ quan nhà nước. Với việc công khai minh bạch trong hoạt
động tại các cơ quan nhà nước, người dân sẽ dễ dàng nhận biết được các quyền
và nghĩa vụ của mình để chủ động thực hiện theo các quy định của pháp luật
cũng như đòi hỏi các cơ quan nhà nước và các cán bộ, công chức nhà nước thực

hiện các quy định đó. Công khai, minh bạch sẽ làm cho công chức nhà nước có
ý thức hơn trong việc thực hiện chức trách, công vụ của mình theo đúng trình tự,
thủ tục, thẩm quyền mà pháp luật quy định bởi mọi hành vi vi phạm, phiền hà,
sách nhiễu hay lợi dụng chức trách để tư lợi đều có thể bị phát hiện và xử lý.
“Công khai và minh bạch là những chìa khóa then chốt nhằm bảo đảm đấu tranh
chống tham nhũng thành công”. Luật Phòng, chống tham nhũng đưa ra các
nguyên tắc và những quy định cụ thể để bảo đảm cho việc thực hiện công khai,
minh bạch trong một số hoạt động cụ thể, nhất là những lĩnh vực dễ xảy ra tham
nhũng như: trong mua sắm công và xây dựng cơ bản, trong quản lý dự án đầu tư
xây dựng, tài chính và ngân sách nhà nước, việc huy động và sử dụng các khoản
đóng góp của nhân dân, việc quản lý, sử dụng các khoản hỗ trợ, viện trợ, trong
quản lý doanh nghiệp của Nhà nước, trong cổ phần hóa doanh nghiệp của Nhà
nước, việc sử dụng ngân sách, tài sản của Nhà nước, trong quản lý và sử dụng
đất, trong quản lý, sử dụng nhà ở, trong lĩnh vực giáo dục...


Thứ hai, phải xây dựng và thực hiện các chế độ, định mức, tiêu chuẩn
Chế độ, định mức, tiêu chuẩn trong các lĩnh vực quản lý luôn liên quan đến
việc sử dụng tài sản, vốn và ngân sách nhà nước. Việc thực hiện một cách tùy
tiện và trái phép các tiêu chuẩn, chế độ, định mức đó sẽ dẫn đến việc tài sản của
Nhà nước bị thất thoát, tiền bạc hoặc những lợi ích vật chất rơi vào một số ít
người. Đây chính là hành vi tham nhũng cần ngăn chặn.
Điều 34 Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2005 quy định về những nguyên
tắc trong việc xây dựng, ban hành và thực hiện các chế độ, định mức, tiêu chuẩn như
sau:
- Cơ quan nhà nước trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách
nhiệm:
+ Xây dựng, ban hành và công khai các chế độ, định mức, tiêu chuẩn;
+ Công khai các quy định về chế độ, định mức, tiêu chuẩn về quyền lợi đối
với từng loại chức danh trong cơ quan mình;

+ Chấp hành nghiêm chỉnh các quy định về chế độ, định mức, tiêu chuẩn;
- Tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, đơn vị sự nghiệp và các cơ
quan, tổ chức, đơn vị khác có sử dụng ngân sách nhà nước căn cứ vào quy định
tại khoản 1 điều này hướng dẫn áp dụng hoặc phối hợp với cơ quan nhà nươc có
thẩm quyền xây dựng, ban hành và công khai các chế độ, định mức, tiêu chuẩn
áp dụng trong cơ quan, tổ chức, đơn vị mình.
- Nghiêm cấm cơ quan, tổ chức, đơn vị ban hành các chế độ, định mức, tiêu
chuẩn trái pháp luật.
Như vậy, việc xây dựng, ban hành và công khai các chế độ, định mức, tiêu
chuẩn là quy định bắt buộc đối với mọi cơ quan, tổ chức, đơn vị có sử dụng
ngân sách nhà nước.
Thứ ba, phải xây dựng quy tắc ứng xử, quy tắc đạo đức nghề nghiệp, việc
chuyển đổi vị trí công tác của cán bộ, công chức, viên chức.
Điều 36 Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2005 quy định về quy tắc ứng
xử của cán bộ, công chức, viên chức như sau:


- Quy tắc ứng xử là các chuẩn mực xử sự của cán bộ, công chức, viên chức
trong thi hành nhiệm vụ, công vụ và trong quan hệ xã hội, bao gồm những việc
phải làm hoặc không được làm, phù hợp với đặc thù công việc của từng nhóm
cán bộ, công chức, viên chức và từng lĩnh vực hoạt động công vụ, nhằm đảm
bảo sự liêm chính và trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức.
- Quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức được công khai để nhân
dân giám sát việc chấp hành.
Thứ tư, Luật phòng, chống tham nhũng năm 2005 cũng đã quy định một
cách khá toàn diện và đầy đủ những nội dung cơ bản nhất của một hệ thống
minh bạch tài sản, bao gồm những vấn đề chính sau:
+ Cán bộ, công chức phải kê khai tài sản hằng năm để tránh che giấu, tẩu
tán tài sản tham nhũng; ngoài việc kê khai tài sản của bản thân, cán bộ, công
chức còn phải kê khai tài sản của vợ hoặc chồng và con chưa thành niên.

+ Việc xác minh tài sản được tiến hành trong một số trường hợp nhất định. Khi
xem xét đề bạt, bổ nhiệm, bầu cử hoặc có hành vi tham nhũng thì thủ trưởng cơ quan
tổ chức việc xác minh tài sản để xem cán bộ, công chức có kê khai trung thực hay
không.
+ Bản kết luận về sự minh bạch trong kê khai tài sản được công khai trong
một số trường hợp nhất định theo yêu cầu và trên cơ sở quyết định của cơ quan,
tổ chức có thẩm quyền.
+ Người có nghĩa vụ kê khai tài sản sẽ phải chịu trách nhiệm kỷ luật nếu kê
khai không trung thực, nếu là người ứng cử thì sẽ bị loại khỏi danh sách bầu cử,
người được dự kiến bổ nhiệm, phê chuẩn thì sẽ không được bổ nhiệm, phê
chuẩn vào chức vụ dự kiến.
Thứ năm, đề cao trách nhiệm của người đứng đầu là một yếu tố quan trọng
trong quản lý nhà nước và chống tham nhũng nói riêng. Khoản 1 Điều 54 Luật
Phòng, chống tham nhũng quy định nguyên tắc: người đứng đầu cơ quan, tổ
chức, đơn vị phải chịu trách nhiệm về việc để xảy ra hành vi tham nhũng trong
cơ quan, tổ chức, đơn vị do mình quản lý, phụ trách. Trên cơ sở nguyên tắc
chung như trên, Luật cũng quy định tùy từng trường hợp cụ thể mà xác định


mức độ trách nhiệm khác nhau của người đứng đầu và cấp phó của người đứng
đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị, có trường hợp họ phải chịu trách nhiệm trực tiếp,
có trường hợp thì liên đới chịu trách nhiệm.
Thứ sáu, Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2005 đã đề cập đến một số khâu
quan trọng cần lưu ý trong quá trình tiến hành cải cách hành chính để góp phần
phòng ngừa tham nhũng, cụ thể: Nhà nước thực hiện cải cách hành chính nhằm tăng
cường tính độc lập và tự chịu trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, đơn vị; đẩy mạnh
việc phân cấp quản lý nhà nước giữa trung ương và địa phương, giữa các cấp chính
quyền địa phương; phân định rõ nhiệm vụ, quyền hạn giữa các cơ quan nhà nước;
công khai, đơn giản hóa và hoàn thiện thủ tục hành chính; quy định cụ thể trách
nhiệm của từng chức danh trong cơ quan, tổ chức, đơn vị.

Một giải pháp phòng ngừa tham nhũng quan trọng nữa mà Luật Phòng,
chống tham nhũng năm 2005 có quy định đó là vấn đề đổi mới phương thức
thanh toán. Hiện nay, về cơ bản nền kinh tế của chúng ta vẫn là nền kinh tế tiền
mặt, các giao dịch chủ yếu bằng tiền mặt rất khó kiểm soát, kể cả các khoản thu
nhập của cán bộ, công chức từ ngân sách nhà nước. Vì vậy, cùng với việc áp
dụng khoa học – công nghệ trong quản lý, cần phải đổi mới phương thức thanh
toán để kiểm soát chặt chẽ hơn các giao dịch, nhất là những khoản chi có sử
dụng ngân sách nhà nước và các khoản chi liên quan đến cán bộ, công chức,
viên chức để bảo đảm sự minh bạch trong các nguồn thu nhập của họ.
V. Trách nhiệm của công dân trong đấu tranh phòng, chống tham
nhũng
Chống tham nhũng là một trong những nhiệm vụ quan trọng của toàn
Đảng, toàn dân. Việc đấu tranh phòng, chống tham nhũng phải huy động sức
mạnh của toàn bộ hệ thống chính trị; khuyến khích, động viên sự tham gia tích
cực của các tầng lớp nhân dân và toàn xã hội. Do đó vai trò và sự tham gia của
xã hội trong phòng, chống tham nhũng là một yếu tố thiết yếu để phòng, chống
tham nhũng hiệu quả.


Điều 6 Luật Phòng, chống tham nhũng quy định: Công dân có quyền phát
hiện, tố cáo hành vi tham nhũng; có nghĩa vụ hợp tác giúp đỡ cơ quan, tổ chức,
cá nhân có thẩm quyền trong việc phát hiện, xử lý người có hành vi tham nhũng.
Nhằm khuyến khích và đảm bảo việc tham gia chủ động, tích cực, hiệu quả
của xã hội trong phòng, chống tham nhũng, ngày 27 tháng 3 năm 2007 Chính
phủ đã ban hành Nghị định số 47 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số
điều của Luật phòng, chống tham nhũng, về vai trò trách nhiệm của xã hội trong
phòng, chống tham nhũng. Theo Nghị định, công dân có trách nhiệm tham gia
phòng, chống tham nhũng cụ thể như sau:
- Chấp hành nghiêm chỉnh pháp luật về phòng, chống tham nhũng; lên án,
đấu tranh với những người có hành vi tham nhũng; phản ánh với Ban thanh tra

nhân dân, tổ chức mà mình là thành viên về hành vi tham nhũng, vụ việc tham
nhũng để Ban thanh tra nhân dân, tổ chức đó kiến nghị với cơ quan nhà nước có
thẩm quyền xem xét, giải quyết theo quy định của pháp luật; cộng tác với cơ
quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền trong việc xác minh vụ việc tham nhũng
khi được yêu cầu.
- Tố cáo hành vi tham nhũng, khi tố cáo hành vi tham nhũng với cơ quan,
tổ chức, cá nhân có thẩm quyền, công dân phải nêu rõ họ, tên, địa chỉ, nội dung
tố cáo và cung cấp các thông tin, tài liệu liên quan đến nội dung tố cáo mà mình
có được cho cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền.
Người tố cáo được cơ quan nhà nước có thẩm quyền bảo vệ khi bị đe doạ,
trả thù, trù dập do việc tố cáo hành vi tham nhũng.
- Tham gia phòng, chống tham nhũng thông qua Ban thanh tra nhân dân, tổ
chức mà mình là thành viên. Nhân dân ở xã, phường, thị trấn, cán bộ, công chức,
viên chức, người lao động trong cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp, doanh
nghiệp nhà nước khi phát hiện hành vi có dấu hiệu tham nhũng, vụ việc tham
nhũng trong cơ quan, tổ chức, đơn vị mình có quyền: Phản ánh với Ban thanh
tra nhân dân ở xã, phường, thị trấn hoặc ở cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp,
doanh nghiệp nhà nước nơi mình cư trú hoặc làm việc; Phản ánh với tổ chức mà
mình là thành viên. Việc phản ánh của nhân dân, cán bộ, công chức, viên chức,


người lao động về hành vi có dấu hiệu tham nhũng, vụ việc tham nhũng phải
khách quan, trung thực.
- Kiến nghị với cơ quan nhà nước có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung, hoàn
thiện cơ chế, chính sách pháp luật về phòng, chống tham nhũng; góp ý kiến với
các cơ quan nhà nước có thẩm quyền về việc xây dựng các văn bản pháp luật về
phòng, chống tham nhũng.
VI. Kết luận
Tham nhũng là hành vi gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển bền
vững của đất nước, đặc biệt là đối với các nước đang phát triển làm cho kinh tế

chậm phát triển, thất thoát, lãng phí tài sản của dân, thiệt hại ngân sách, gây rối
loạn nền kinh tế, gia tăng khoảng cách giàu nghèo, tình trạng nghèo đói ngày
càng trầm trọng. Hơn nữa, nó làm xói mòn lòng tin của nhân dân vào Đảng, vào
Nhà nước, làm cho chế độ chính trị dần suy yếu từ bên trong, tạo điều kiện cho
các thế lực thù địch tấn công ta, dẫn đến sụp đổ nếu không kịp thời chấn chỉnh.
Tác hại của tham nhũng là vô cùng lớn và đặc biệt nguy hiểm đối với tất cả
các quốc gia. Tham nhũng đã trở thành “quốc tế nạn”, là một trong những vấn
đề toàn cầu mà tất cả các quốc gia đều có trách nhiệm cùng tham gia giải quyết.
Nói tới tham nhũng không phải là nói tới một số lượng tiền nào đó được chuyển
từ tay người này qua tay người khác hay “chất dầu mỡ bôi trơn cỗ máy kinh
doanh”. Nói tới tham nhũng là nói tới tương lai của một dân tộc. Và chính dân
tộc đó phải tự quyết định xử lý tham nhũng như thế nào. Thực trạng báo động ở
nước ta hiện nay là tệ tham nhũng ngày càng trầm trọng, trở nên phổ biến trong
tất cả các lĩnh vực từ công an đến hải quan, từ tài nguyên môi trường đến xây
dựng, thuế, ngân hàng, y tế, giáo dục cho đến cả thanh tra, kiểm sát, tòa án,…
Từ lĩnh vực kinh tế cho đến cả chính trị với quy mô các vụ án ngày càng lớn,
tính chất ngày càng nghiêm trọng, diễn biến phức tạp, thủ đoạn ngày càng tinh
vi.
Đảng và Nhà nước ta đã đã có nhiều chủ trương, biện pháp phòng, chống
tham nhũng nhưng vẫn chưa hiệu quả. Để bảo đảm công tác PCTN hiệu quả,
trước hết phải đặc biệt coi trọng việc phòng ngừa, tăng cường công tác giáo dục,


quản lý cán bộ, đảng viên, nâng cao nhận thức cho toàn xã hội. Bên cạnh việc
củng cố tổ chức bộ máy Đảng và chính quyền các cấp, thì Đảng và Nhà nước
phải xây dựng và hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật hiệu lực, hiệu quả và
có tính khả thi cao. Đấu tranh PCTN phải được thực hiện thường xuyên, liên
tục, kiên quyết có trọng tâm, trọng điểm; kiên quyết, nghiêm trị người cố tình vi
phạm pháp luật, khoan hồng người tự giác, ăn năn, hối cải, tự giác bồi hoàn thiệt
hại cho Nhà nước và cho địa phương, đơn vị.




×