Vấn đề cần triển khai về "Chí Phèo" :
- Bi kịch không được làm người lương thiện, bị
hủy hoại cả nhân tính lẫn nhân hình.
- Bá Kiến : Tội ác với những thủ đoạn thâm độc,
tinh vi.
- Chí Phèo : nhân vật không tính cách, bi kịch
xuất hiện khi gặp Thị Nở.
- Thị Nở : khát vọng : tình yêu <--> hạnh phúc
--> làm người
"người đàn bà đẹp trong lốt xấu xí" - hiện thân
của khát vọng.)
- Xung đột mang ý nghĩa điển hình, cuộc đấu
tranh xã hội không khoan nhượng
- Tâm hồn nhân hậu của Nam Cao và thái độ bi
quan trước hiện thực của nhà văn
I. Đặt vấn đề :
* Cách 1 :Những năm 40 của thế kỷ, trên văn
đàn hiện thực Việt Nam , Nam Cao nổi bật với
những trang viết khai phá sâu sắc bi kịch của
những kiếp người khổ đau trong bóng đêm của
xã hội cũ. Những cuộc đời lầm than đi vào trang
sách của Nam Cao đã sống mãi với thời gian.
Gắn những nhân vật của mình vào không khí
ngột ngạt tối tăm của chế độ thực dân phong
kiến, nhà văn đã lột trần bộ mặt tàn bạo của giai
cấp thống trị, cảm thương sâu sắc nổi đau của
con ngưòi. Tấm lòng nhà văn hướng về cuộc
sống lầm than cơ cực của người nông dân,
phát hiện trong những quẩn quanh bế tắc là bi
kịch khủng khiếp hủy hoại cả nhân tính lẫn nhân
hình. Chí Phèo, sáng tác đầu tiên của Nam Cao
ra mắt người đọc từ tháng 2 năm 1941, đã có
sức tố cáo bộ mặt vô nhân của xã hội và phản
ánh bế tắc cùng cực của người nông dân. Đã
hơn nửa thế kỷ trôi qua, những trang viết sâu
sắc đầy tình người vẫn sống mãi, gợi nhớ một
quá khứ tủi nhục đau thương của dân tộc.
* Cách 2 : Tiếng chửi của một thằng say đã mở
đầu cho thiên truyện ngắn đặc sắc "Chí Phèo"
của Nam Cao. Nhà văn đã mở ra một cuộc đời
đầy bi kịch của một Chí Phèo - thù hận với tất
cả : cuộc đời - xã hội - con người và ngay cả
bản thân, một Chí Phèo triền miên trong những
cơn say, mất cả lương tri, trên hành trình dài
đằng đẵng của một kiếp sống không ra sống,
trong không gian tăm tối ngột ngạt của xã hội
Việt Nam đêm trước của cách mạng. Nhà văn
đã dẫn dắt người đọc vào một cuộc đời đau khổ
và kết thúc trong cái vòng luẩn quẩn bế tắc. Để
khi gấp trang sách lại, trái itm mỗi người vẫn
còn thổn thức những buồn thương đau đớn
trước bi kịch khó tin của những người không
được làm người lương thiện trong xã hội cũ.
II. Giải quyết vấn đề :
A. Tổng : (bao quát tinh thần của tác phẩm)
1. Sức hấp dẫn của tác phẩm không chỉ do tài
năng của Nam Cao đã tạo dựng được cốt
truyện theo kết cấu rất hiện đại, mà trước hết
xuất phát từ sự quan tâm sâu sắc của nhà
vănvới đồng loại của mình. Đằng sau lối kể
chuyện lạnh lùng tỉnh táo là cả một trái tim nhân
hậu đằm thắm đối với người nông dân - những
người sống cùng tác giả. Những vấn đề Nam
Cao đề cập trong tác phẩm đâu chỉ là cái nhìn
sắc sảo, cách phân tích hiện thực tinh tế, mà
còn gắn với quan niệm của nhà văn về cuộc
sống, sáng lên tình cảm gắn bó, yêu thương
trân trọng tất cả những giá trị cao đẹp gắn với
con người của nhà văn.
2. Ánh sáng của tình người nhân hậu ấy đã
giúp nhà văn phát hiện ra nguyên nhân của
những tấn bi kịch đời người trong xã hội cũ,
thắp sáng lên khát vọng mãnh liệt muốn trở về
cuộc sống lương thiện. Nhưng trong bóng đêm
dày đặc của xã hội cũ, ánh sáng ấy đã tắt ngấm
với bao buồn thương bế tắc, trước khi ánh sáng
của một ngày mới bừng lên quét sạch bóng
đêm. Tuy vậy, ngọn lửa của khát vọng làm
người vẫn âm ỉ nhức nhối trong từng câu chữ
Nam Cao.
3. Bi kịch của Chí Phèo chỉ thật sự bắt đầu cùng
với lần tỉnh rượu đầu tiên của nhân vật, chứa
đựng tất cả sóng gió đi qua cuộc đời Chí Phèo,
sau đêm trăng huyền thoại - cái đêm "trăng rắc
bụi trên sông và sông gợn biết bao nhiêu vàng"
- đã đem đến cho Chí một người đàn bà đích
thực trong cái lốt xấu xí "ma chê, quỷ hờn" : Thị
Nở.
B. Phân : (cảm nhận chi tiết - phân tích diễn
biến tâm trạng nhân vật) :
* Khoảnh khắc bi kịch của Chí Phèo
1/ Cùng với ánh sáng cuả một ngày mới, lần
đầu tiên Chí Phèo nhận biết được những âm
thanh đời thường : "Tiếng chim hót ngoài kia vui
vẻ quá! Có tiếng cười nói của những người đi
chợ. Tiếng anh thuyền chài gõ mái chèo đuổi
cá". Cả một đoạn văn được viết bằng giọng
điệu trữ tình tha thiết đã khắc họa rõ nét sự hồi
sinh của tâm-hồn-người trong con-quỷ-dữ của
làng Vũ Đại thật cảm động. Một cảm-giác-người
đã thức tỉnh lý trí, nối kết quá khứ với hiện tại,
một thời yên bình xa xưa và trước mắt là tuổi
già, đói rét và ốm đau và cô độc.
2/ Hiện tại lay thức lương tâm thành tiếng thở
dài não nuột "Chao ôi là buồn!".. Một nỗi buồn
đáng quý, bởi nó đã khơi lại những giấc mơ
giản dị của một thời lương thiện: "Hình như có
một thời hắn đã ao ước có một gia đình nho
nhỏ. Chồng cuốc mướn cày thuê, vợ dệt vải,
chúng lại bỏmột con lợn nuôi để làm vốn liếng.
Khá giả thì mua dăm ba sào ruộng làm". Chao
ôi là buồn! Vì mãi mãi cái ước mơ về hạnh phúc
nhỏ nhoi ấy không bao giờ thành hiện thực, bởi
bàn tay tội ác của những kẻ như Bá Kiến đã
tước đoạt vĩnh viễn con-người-lương thiện của
Chí ngày xưa. Nhưng trong hình hài quỷ dữ,
vẫn ẩn náu giấc mơ ngày nào, dù chỉ nhớ lại
một cách lờ mờ "hình như…" cũng đủ khẳng
định cho sức phản kháng của lương thiện trước
tội ác. Để khi hồi sinh thì không thể nào các thế
lực hắc ám có thể bóp chết được lương tâm bé
bỏng ấy.
3/ Phút lóe sáng của tâm hồn đã giúp nhân vật ý
thức nỗi đau của một kẻ cô đơn giữa đồng loại
của mình : "Chí Phèo hình như đã trông thấy
trước tuổi già củ hắn, đói rét và ốm đau, và cô
độc, cái này còn đáng sợ hơn đói rét và ốm
đau". Nam Cao đã diễn tả đặc sắc và độc đáo
giờ phút bừng thức của nhân vật, bằng lối văn
đặc tả sự "bâng khuâng" trong tâm hồn Chí
Phèo. Phút ban đầu ấy, quá khứ mơ hồ, hiện tại
mơ hồ, tương lai mờ mịt đều nằm trong hai chữ
"hình như…". Ở đó le lói ngọn lửa của một trái
tim Người.
4/ Thị Nở xuất hiện cùng nồi cháo hành đã thổi
bùng ngọn lửa mong manh ấy, đem đến cho trái
tim Chí Phèo những nhịp đập đầu tiên của cảm
giác tình yêu. Ngòi bút phân tích tâm lý của
Nam Cao hết sức tinh tế và nhạy cảm khi mô tả
quá trình về lại với cõi người của Chí Phèo : bắt
đầu từ ranh giới mong manh "hình như mắt ươn
ướt" như một tiếng khóc chào đón cuộc đời
mới, cho đến khi Chí Phèo gặp nụ cười Thị Nở
là lúc tình yêu bắt đầu lên tiếng - giúp nhân vật
ý thức đầy đủ về quãng đời đã qua. Bát cháo
thứ nhất là ý thức về Tình Yêu và Dục Vọng.
Bát cháo thứ hai là niềm sám hối về tội ác, mở
ra khát khao hướng thiện mãnh liệt "Trời ơi, hắn
thèm lương thiện, hắn muốn làm hòa với mọi
người biết bao! Thị Nở sẽ mở đường cho hắn".
Cùng với niềm khát khao ấy, Chí Phèo đã trở lại
với bản chất của anh Chí ngày xưa : hiền lành,
lương thiện. Con đường trở về được hứa hẹn
bằng nụ cười tin cẩn của Thị Nở ,làm nở ra nụ
cười Chí Phèo. Từ tiếng khóc đến nụ cười, Chí
Phèo đã thật sự vươn dậy cùng khát vọng làm
người.
* Thị Nở :
1/ Tình yêu và niềm tin mà Chí Phèo có được
bắt đầu từ Thị Nở - nhân vật đẹp nhất của tác
phẩm. Có thể những chi tiết mô tả ngoại hình
Thị Nở làm nguời đọc nhớ nhiều và ấn tượng
mạnh về người đàn bà nhan sắc xấu nhất trong
lịch sử vă nhọc. Và những kẻ vô tâm, chỉ quan
tâm hình thức câu khách rẻ tiền mà thờ ơ trước
nỗi đau đồng loại mới cười cợt , gán ghép cho
tác phẩm tên gọi sống sượng "Đôi lứa xứng
đôi". Người đàn bà Nam Cao tạo ra để ban tặng
cho Chí Phèo để giúp hắn trở lại làm người nếu
là một mỹ nhân thì mới là điều lạ. Vẻ đẹp của
Thị Nở không nằm trong hình thức mà bộc lộ
ngay trong những nét "dở hơi" ngược với quan
niệm xã hội.
2/ Người đàn bà đó có đủ đức tính của một
người tình tuyệt vời, một người vợ tảo tần và có
trái tim người mẹ bao dung, độ lượng. Trong
cuộc gặp gỡ tình yêu Thị Nở - Chí Phèo, Nam
Cao đã lột tả những vẻ đẹp ấy thông qua những
chuyển biến tâm trạng Chí Phèo : người đàn bà
đích thực đối lập với "con quỷ cái" bà Ba, "hắn
muốn làm nũng thị như với mẹ". Thị Nở có đầy
đủ phẩm chất của một người bình thường : biết
lo toan, thương hại, có phút "lườm", "e lệ" trong
cảm giác tình yêu và trên tất cả là tiếng cười tin
cẩn như một phép màu giải thoát cho con người
thoát ra mặc cảm tội lỗi. Có thể nói Nam Cao đã
xây dựng nhân vật Thị Nở bằng bút pháp hiện
thực trữ tình để gửi gắm niềm tin của chính ông
vào bản chất hướng thiện của con nguời. Thực
tế trong đời có lẽ khó kiếm ra người nào hội tụ
những cái xấu nhường ấy và đẹp nhường ấy.
Nhưng cuối cùng Thị Nở vẫn phải trở về với
mảnh đất hiện thực - nơi Thị có một bà cô già
năm mươi tuổi chưa chồng, để được nghe lời
phán xét tương lai cho mối tình Chí Phèo - Thị
Nở. Nhân vật vẫn không có phép màu như
trong cổ tích để có thể kéo hẳn Chí Phèo ra
khỏi hình hài lốt quỷ để hoà nhập vào cuộc
sống thân thiện của loài người, bởi bản thân Thị
Nở cũng bị cả xã hội kia xem như "con vật ghê
tởm nhất". Ta chợt nhận ra : cái gọi là hạnh
phúc ở đời không dành sẵn cho những người
như Chí Phèo - Thị Nở, đó là thông điệp đầy
phẫn uất của Nam Cao. Tuy căm uất dâng tràn
nhưng vẫn phải cố nén xuống trong giọng văn
tỉnh rụi - bản lĩnh nhà văn đã không để ông can
thiệp vào số phận nhân vật của mình một cách
thô bạo, Nam Cao muốn những nguời đọc có
lương tri phải thấu hiểu những khoảnh khắc
xung đột của Thị Nở, của Chí Phèo sau giờ
phút "thị trút vào mặt hắn nguyên vẹn lời bà cô".
Đó là khoảnh khắc nẻo về của Chí đã bị chặn
đứng bởi những định kiến xã hội về một con
người đã có quá nhiều vết đen trong quá khứ -
một kẻ "không cha không mẹ", chỉ có mỗi một
"nghề rạch mặt ăn vạ". Đôi khi những định kiến
thật tàn nhẫn, nó tước đoạt cơ hội cuối cùng
của Chí Phèo trở lại cuộc sống bình thường.
* Nỗi đau Chí Phèo :
1/ Trong giờ phút tột cùng đau đớn của một
người tuyệt vọng, nhà văn đã để nhân vật có
những khoảnh khắc tâm trạng thật khó quên :
"Hắn ngẩn người ra rồi chợt hiểu", "hắn sửng
sốt đứng lên gọi Thị lại…". Chỗ dựa cuối cùng
để Chí tưởng có thể đứng vững trên hành trình
trở lại cõi người giờ đây không còn nữa! Ta có
thể nhận ra nỗi bàng hoàng đến ê chề của Chí.
Tất cả đều sụp đổ, hắn trở về với cuộc sống
đầy bóng tối của mình. Nhưng điều không bình
thường là ngay trong giờ phút ấy, "hắn thoáng
hít thấy hơi cháo hành" - hơi cháo tình người
đích thực mà Chí đã được ban tặng từ Thị Nở
2/ Lại rượu, lại say, Chí muốn mượn rượu để
quên đi thực tại, trở về với cuộc sống u mê lẫn
lộn thật giả tốt xấu trắng đen thiện ác của loài
quỷ dữ. Nhưng lương tri đã hồi sinh. Hơi cháo
hành cứ lẫn cùng men rượu. Tiếng khóc bật ra
"Hắn ôm mặt rưng rức khóc" . Chưa khi nào,
Chí lại phải chịu đựng sự giằng xé của lương
tâm dữ dội như vậy. Chí đang phải đối diện với
chính mình, trong sự phán xét nghiêm khắc của
lương tâm.
3/ Tưởng chừng tội ác đã thắng thế khi trong
hơi rượu, Chí lại xách dao ra đi, miệng lảm
nhảm ý định "đâm chết cả nhà con đĩ Nở".
Nhưng hơi cháo hành đã quyện vào trong tâm
hồn Chí, để giờ đây, tội ác không còn có thể sai
khiến được hành động của anh. Phần người
còn lại đã chiến thắng chất quỷ dữ, để sau bao
nhiêu năm lầm lỡ, giờ đây Chí nhận rõ mặt kẻ
thù, hành động có vẻ vô thức đã báo hiệu cho
một tiềm thức sâu thẳm của người lương thiện
trong Chí. Con quỷ dữ đích thực đã tước đoạt
cả nhân tính lẫn nhân hình của Chí là Bá Kiến
* Bá Kiến :
1/Bản lĩnh của một nhà văn và khả năng nhận
thức sâu sắc thực tại xã hội đã giúp Nam Cao
phác họa chân dung của giai cấp bóc lột một
cách đầy đủ nhất so với các nhà văn đương
thời. Bá Kiến được đặt vào một vị trí trang trọng
trong xã hội, khi nhà văn phác họa nên một lai
lịch của một kẻ già đời trong nghề bóc lột : gia
đình bốn đời làm tổng lý, bản thân Bá Kiến từng
là lý trưởng, chánh tổng; cha truyền con nối
trong thủ đoạn đè đầu cưỡi cổ người khác.
Những kẻ như thế, vẫn được gọi bằng ông,
bằng cụ một cách tôn kính. Uy quyền của Bá
Kiến không phải chỉ bó hẹp trong phạm vi của
một làng, mà "cụ Bá" là "bá hộ, tiên chỉ, chánh
hội đồng kỳ hào, huyện hào, Bắc Kỳ nhân dân
đại biểu " - đại biểu cho cả một bộ máy thống trị
tay sai thực dân. Một nhân vật như thế, không
thể là một kẻ hợm hĩnh và ngu dốt như Nghị
Quế (Tắt đèn - Ngô Tất Tố) hay chỉ có tàn bạo
và tham lam như Nghị Lại (Bưóc đường cùng -
Nguyễn Công Hoan).
2/ Nam Cao đã phác họa bản chất Bá Kiến
bằng những chi tiết khó quên từ bên ngoài đến
bên trong : cụ Bá có tiếng quát rất sang để "nắn
gân người khác", có nụ cười Tào Tháo giòn giã
và "bản thân cụ cũng tự hào hơn đời cái tiếng
cười ấy". Bên trong vẻ sang trọng là một con
quỷ dâm ô, có tới bốn bà vợ mà còn đi cướp vợ
người - khi còn làm lý trưởng đã không bỏ lỡ cơ
hội ve vãn vợ Binh Chức. Nhưng điều nguy
hiểm nhất ở Bá Kiến là tội ác đã được hắn nâng
lên thành một nghệ thật cai trị kẻ khác : "mềm
nắn, rắn buông", "dùng thằng đầu bò trị thằng
đầu bò", "nắm lấy đứa có tóc", đặc biệt là
những thủ đoạn rất nham hiểm :"Hãy vất người
ta xuống sông rồi hãy vớt nó lên để cho nó đền
ơn, hãy đập bàn đập ghế đòi cho được năm
đồng, nhưng được rồi hãy vất trả lại năm hào vì
"thuơng anh túng quá"". Chưa một nhà văn nào
lại giúp người đọc hình dung ra tội ác đáng sợ
đến ghê tởm như Nam Cao. Với tất cả các thủ
thuật trị người ấy, Bá Kiến quả là một kẻ "khôn
róc đời" và đã phá tan cơ nghiệp của biết bao
gia đình, đập nát hạnh phúc của bao nguời.
Đáng sợ nhất là chính những nạn nhân của Bá
Kiến lại bị hắn biến thành công cụ đắc lực của
tội ác: Năm Thọ, Binh Chức - với bản tính lưu
manh và đỉnh điểm là Chí Phèo - đã thành con
quỷ dữ của làng Vũ Đại.
3/ Để Chí Phèo đến nhà Bá Kiến vào chính giờ
phút "cụ Bá" đang ghen với lũ trai trẻ vì "bà Tư
phốp pháp, hai má hây hây…" và cụ đang có ý
định "bỏ tù hết mấy thằng trai trẻ", đoạn văn
quả có thể làm chúng ta bật cười vì sự ghen
tuông của một ông lão đã ngoài sáu mươi,
nhưng ta bỗng giật mình vì chứng tích của sự
ghen tuông đáng buồn cười ấy bỗng hiện ra :
một thằng điên, một thằng say, một con quỷ dữ
của làng Vũ Đại, sẵn sàng đâm chém bất cứ ai -
ngày xưa nó cũng là một thằng trai trẻ…
* Cuộc đụng đầu Chí Phèo - Bá Kiến :
Tình huống tất yếu phải xảy đến đã được Nam
Cao dày công chuẩn bị cho nhân vật của mình.
Khi sự thâm hiểm và tàn bạo đã bị bóc trần, khi
những "tiếng cười và tiếng quát rất sang" của
cụ Bá không còn nắn gân người khác như mọi
khi đuợc nữa, đó cũng là khoảnh khắc thức tỉnh
lương tri của một con người. Chí Phèo trong
cơn say có những hành động thật đáng sợ.
Nhưng có một điều, tiếng nói vang lên "dõng
dạc" lại là của một con người hoàn toàn tỉnh
táo, của một anh Chí đang đòi lại quyền "làm
người lương thiện" đã bị bọn cường hào như
Bá Kiến tước đoạt. Sự thật được nói lên, khiến
Bá Kiến phải run sợ, "dịu giọng" để lảng tránh.
Mặt nạ rơi xuống, Bá Kiến hiện nguyên hình là
con quỷ dữ nham hiểm và hèn nhát đang cố
trốn chạy sự trừng phạt của lương tri thức tỉnh.
Nam Cao đã để cho Chí trong giờ phút ấy cất
lên những lời đau đớn : " Ai cho tao lương
thiện? Làm thế nào để mất những vết mảnh
chai trên mặt này?". Đó là nỗi đau đớn của một
người đã bị chặn mất nẻo về với thế giới thân
thuộc của Con Người, bởi những định kiến khắt
khe của xã hội. Muốn trở về, Chí "chỉ còn một
cách" là giết chết con quỷ dữ trong chính anh.
Giờ phút Chí vung dao lên kết liễu đời Bá Kiến
là hành động tất yếu phải xảy đến, sau đó chính
anh phải tự sát đã là một câu trả lời của Nam
Cao giải đáp rõ nguyên nhân bi kịch của người
nông dân nghèo trong xã hội cũ - sự bế tắc,
quẩn quanh vẫn đè nặng lên cuộc sống của họ.
* Điều còn lại sau hai cái chết :
Không dừng lại sau hành động nhân vật đâm
chết kẻ thù và tự hủy chính mình, Nam Cao đã
dành khúc vĩ thanh để nói lên thái độ của mọi
người sau hai cái chết bất ngờ. Cuộc sống vẫn
tiếp diễn, những phe cánh cường hào hí hửng
vì loại được đối thủ mạnh mà không tốn công
đổ sức. Cũng có nghĩa là làng Vũ Đại vẫn như
xưa, vẫn cái cảnh đám cường hào chức dịch
"hè nhau bóc lột con em đến tận xương tủy và
nhè từng chỗ hở của nhau để trị". Một màu xám
ảm đạm vẫn bao trùm lên cuộc sống, nó khiến
những người lương thiện phải lo âu "tre già
măng mọc, thằng ấy chết, còn thằng khác…".
Và như vậy, cái chết của Chí Phèo - Bá Kiến
thật vô nghĩa.
Nhưng vẫn có một người nghĩ khác mọi người :
Thị Nở. Chỉ có mình Thị còn lóe lên trong tâm tư
hình ảnh của một con người "hiền như đất".
Suy nghĩ ấy như một niềm an ủi cho vong linh
Chí Phèo, ít ra cũng còn có một người thừa
nhận anh là người trong thẳm sâu lốt quỷ.
Người ta chỉ thật sự chết khi bị cuộc đời lãng
quên, chối bỏ. Chí vẫn sống trong tâm hồn
người đàn bà đích thực của cuộc đời anh. Có
thể nhận ra ở chi tiết này thái độ chiêu tuyết cho
nhân vật của chính Nam Cao, là niềm tin vào sự
bất diệt của chất người sẽ không bao giờ bị hủy
diệt.
C. Hợp:
Chi tiết cuối cùng của tác phẩm lại là hình ảnh
"cái lò gạch cũ bỏ không, xa nhà cửa và vắng
người qua lại…" là một ám ảnh về nỗi buồn
nhân sinh của Nam Cao. Nơi đó, thằng bé Chí
đã từng bị vứt vào đời, bị cuộc đời chối bỏ.
Trong cái nhìn của Nam Cao ,chứa đựng triết lý
nhân sinh sâu sắc : nếu không thay đổi thực tại,
sẽ lại tiếp tục những bi kịch quẩn quanh không
lối thoát của con người. Thị Nở có thể chấp
nhận Chí Phèo, nhưng không thể đối mặt với
thành kiến, với tập tục của làng xã. Bi kịch chửa
hoang phải bỏ làng đi của con gái Tự Lãng vẫn
còn đó. Cái lò gạch cũ là chứng tích của bao số
phận bất hạnh, như là bản cáo trạng về một xã
hội thù địch với những khát vọng làm người
lương thiện, không thừa nhận tình người tình
yêu vượt qua khuôn phép. Nam Cao đã kết thúc
tác phẩm bằng nỗi buồn dằng dặc của những
kiếp người mà ngay lúc ra đời đã là một sự vô
nghĩa lý. Trong hoàn cảnh hiện thực lúc bấy
giờ, chúng ta không thể trách thái độ bi quan
của nhà văn trước hiện thực. Nhưng bản thân
sự việc ấy đã gợi lên suy nghĩ nung nấu trong
lòng độc giả về sự cần thiết phải thay đổi hoàn
cảnh để tránh cho con người khỏi sa vào vòng
luẩn quẩn. Đó cũng là ý nghĩa xã hội tích cực
của tác phẩm Chí Phèo.
III. Kết thúc vấn đề :
Đọc Chí Phèo, ta càng trân trọng tấm lòng đối
với con người của nhà văn Nam Cao, hiểu
được thái độ dũng cảm đối mặt hiện thực của
một người cầm bút chân chính. Tác phẩm chính
là minh chứng cho một quan niệm sáng tác
đúng đắn của nhà văn, để "người gần người
hơn". Có lẽ xuất phát từ tấm lòng ấy, tác phẩm
vẫn sống mãi trong lòng bao thế hệ độc giả.