Tải bản đầy đủ (.pdf) (87 trang)

Phương pháp dạy học Tiếng Việt ở Tiểu học phần 3 Giáo trình dành cho sinh viên ngành Tiểu học

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (398.87 KB, 87 trang )

TRƯỜNG ĐẠI HỌC PHẠM VĂN ĐỒNG
KHOA SƯ PHẠM TỰ NHIÊN

BÀI GIẢNG
PHƯƠNG PHÁP DẠY HỌC TIẾNG VIỆT
Ở TIỂU HỌC 3

Người soạn: Lê Thị Hồng Thắm
Bộ môn
: Giáo dục Tiểu học

Năm 2016


Lời nói đầu
Nhằm góp phần đào tạo, bồi dưỡng và phục vụ tốt việc học tập, nâng cao
năng lực thực hành các kỹ năng ra đề, soạn giáo án, thực hành lên lớp bồi dưỡng
học sinh giỏi môn Tiếng Việt ở tiểu học cho các sinh viên cao đẳng ngành giáo dục
tiểu học, chúng tôi tổ chức biên soạn bài giảng Phương pháp dạy học tiếng Việt ở
tiểu học 3
Để biên soạn bài giảng này, chúng tôi dựa vào Đề cương chi tiết học phần
của tổ Giáo dục tiểu học khoa Sư phạm tự nhiên, của giáo trình Tiếng Việt, tập một,
nhà xuất bản Giáo dục, năm 1999; giáo trình Tiếng Việt, tập hai của nhà xuất bản
Giáo dục, năm 1999, giáo trình Phương pháp dạy Tiếng Việt, tập một của nhà xuất
bản Giáo dục, năm 1997.
Đặc biệt lần biên soạn này, chúng tôi soạn theo hướng cụ thể, tinh giản nhằm
tích cực hóa hoạt động nhận thức, nâng cao năng lực thực hành nghế của người học.

Tổ tiểu học

1




A. Mục lục
Trang
Lời giới thiệu ........................................................................................................ 1
Học phần: Phương pháp dạy Tiếng Việt ở tiểu học
B. Mục tiêu học phần ........................................................................................... 3
C. Nội dung chi tiết ............................................................................................... 4
Chương 1. Từ ngữ ................................................................................................. 7
Chương 2. Ngữ pháp ........................................................................................... 34
Chương 3. Phong cách học ................................................................................. 63

2


B. Mục tiêu học phần
1. Mục tiêu chung của học phần
1.1. Kiến thức
Hiểu được mục đích, yêu cầu của việc dạy bồi dưỡng từ ngữ, ngữ pháp, phong
cách học tiếng Việt cho học sinh giỏi ở tiểu học. Có kiến thức sâu sắc về lý thuyết,
thực hành từ ngữ, ngữ pháp, phong cách học tiếng Việt, các bài tập thực hành từ
ngữ, ngữ pháp, phong cách học tiếng Việt ở tiểu học.
1.2. Kỹ năng
Biết ra đề thi, soạn giáo án lên lớp bồi dưỡng học sinh giỏi ở các nội dung lý
thuyết và các dạng bài tập về từ ngữ, ngữ pháp, phong cách học.
1.3. Thái độ:
Sinh viên nghiêm túc nghiên cứu tài liệu, ra đề thi, soạn giáo án lên lớp. Có ý
thức trau dồi và nâng cao trình độ tiếng Việt, tiến tới hoàn thiện kiến thức và kỹ
năng sư phạm, để bồi dưỡng tốt môn tiếng Việt cho học sinh giỏi ở Tiểu học.
2. Mục tiêu đào tạo cụ thể

2.1. Phẩm chất
2.1.1. Phẩm chất 1
Ý thức được việc hiểu mục đích, yêu cầu của dạy bồi dưỡng từ ngữ và có kiến
thức về lý thuyết, các bài tập thực hành từ ngữ ở tiểu học trong dạy bồi dưỡng học
sinh giỏi.
2.1.2. Phẩm chất 2
Ý thức được việc hiểu kiến thức về từ loại, cấu tạo câu, các loại câu theo mục
đích giao tiếp của tiếng Việt trong việc dạy bồi dưỡng học sinh giỏi môn tiếng Việt
ở tiểu học.
2.1.3. Phẩm chất 3
Ý thức được việc hiểu kiến thức về các phương tiện diễn cảm và các biện
pháp tu từ của tiếng Việt trong bồi dưỡng học sinh giỏi.
2.2. Năng lực:
2.2.1. Năng lực 1
Sinh viên có kỹ năng ra đề, soạn được giáo án phần từ ngữ và thực hành lên
lớp bồi dưỡng cho học giỏi ở tiểu học.
2.2.2. Năng lực 2

3


Sinh viên có kỹ năng ra đề, soạn giáo án phần ngữ pháp và thực hành lên lớp
bồi dưỡng cho học sinh giỏi ở tiểu học.
2.2.3. Năng lực 3
Sinh viên có kỹ năng ra đề, soạn giáo án phần phong cách học và thực hành
lên lớp bồi dưỡng cho học sinh giỏi ở tiểu học.
3. Tóm tắt nội dung học phần:
Học phần bao gồm các kiến thức lý thuyết về từ ngữ như cấu tạo từ, nghĩa của
từ, từ đồng âm, từ đồng nghĩa, từ trái nghĩa, cụm từ cố định; về ngữ pháp có hệ
thống từ loại, các kiểu cấu tạo câu, các loại câu theo mục đích giao tiếp; về phong

cách học có các phương tiện diễn cảm, các biện pháp tu từ của tiếng Việt. Về phần
thực hành luyện tập có các dạng bài tập thực hành sử dụng từ, ngữ, câu trong các
phong cách khác nhau, đặc biệt là phong cách nghệ thuật.
C. Nội dung chi tiết học phần
Chương 1. Từ ngữ
1. Hệ thống hóa kiến thức về cấu tạo từ tiếng Việt
- Định nghĩa
- Các kiểu cấu tạo từ (từ đơn, từ ghép, từ láy)
- Cụm từ cố định
- Bài tập thực hành (từ đơn, từ ghép, từ láy, cụm từ cố định)
- Hướng dẫn soạn giáo án
- Tập giảng
2. Hệ thống hóa kiến thức về nghĩa của từ
- Định nghĩa
- Phân loại nghĩa của từ (nghĩa gốc, nghĩa phái sinh, nghĩa chính, nghĩa
phụ, nghĩa tu từ)
- Bài tập thực hành về nghĩa của từ
- Hướng dẫn soạn giáo án
- Tập giảng
3. Hệ thống hóa kiến thức về từ đồng nghĩa, từ trái nghia, từ đồng âm
- Khái niệm và phân loại từ đồng nghĩa
- Khái niệm và phân loại từ trái nghĩa
- Khái niệm và phân loại từ đồng âm

4


- Bài tập thực hành
- Hướng dẫn soạn giáo án
- Tập giảng

Chương 2. Ngữ pháp
1. Hệ thống hóa kiến thức về từ loại
- Các tiêu chuẩn phân định từ loại tiếng Việt
-

Nhóm 1: Danh từ, động từ, tính từ, đại từ, số từ (khái niệm, đặc
điểm, và các tiểu loại)

-

Nhóm 2: Quan hệ từ, phụ từ, tình thái từ (khái niệm, đặc điểm, và
các tiểu loại)

-

Bài tập thực hành về từ loại

-

Hướng dẫn soạn giáo án

-

Tập giảng

2. Hệ thống hóa về các kiểu câu theo cấu tạo ngữ pháp
- Câu đơn
- Câu ghép
- Bài tập thực hành
- Hướng dẫn soạn giáo án

- Tập giảng
3. Hệ thống hóa các loại câu theo mục đích giao tiếp
-

Khái niệm, đặc điểm về câu miêu tả (câu tường thuật, câu kể)

-

Khái niệm, đặc điểm về câu nghi vấn

-

Khái niệm, đặc điểm về câu cầu khiến

-

Khái niệm, đặc điểm về câu cảm

-

Bài tập thực hành

-

Hướng dẫn soạn giáo án

-

Tập giảng


Chương 3. Phong cách học
1. Hệ thống hóa kiến thức về phương tiện tu từ trong tiếng Việt
-

Phương tiện tu từ từ vựng

-

Phương tiện tu từ ngư nghĩa

-

Phương tiện tu từ cú pháp

5


-

Bài tập thực hành

2. Hệ thống hóa kiến thức về biện pháp tu từ của Tiếng Việt
- Biện pháp tu từ từ vựng
- Biện pháp tu từ ngữ nghĩa
- Biện pháp tu từ cú pháp
- Bài tập thực hành
- Hướng dẫn soạn giáo án
- Tập giảng

6



Chương 1: Từ ngữ
1. Hệ thống hóa kiến thức về từ và cấu tạo từ tiếng Việt:
1.1. Định nghĩa: Từ là đơn vị cơ bản của ngôn ngữ (tiếng Việt), có hình thức ngữ
âm cố định, bất biến và có ý nghĩa, có đặc điểm về cấu tạo và ngữ pháp, có chức
năng tạo câu.
Đặc điểm ngữ âm của từ Tiếng Việt:
- Cố định bất biến ở mọi vị trí, mọi quan hệ và chức năng trong câu (VD: từ hoa
trong hoa đã nở; một trăm bông hoa; một bông hoa.....).
- Hình thức ngữ âm của một số từ Tiếng Việt có khả năng gợi tả, có giá trị biểu hiện
rất cao. Hình thức ngữ âm của từ và cái mà từ biểu thị có mối liên hệ nhất định (từ
tượng thanh: rì rào, róc rách…; một số từ có chung khuôn vần có khả năng gợi
nghĩa, gợi nội dung gần nhau như: vần ít gợi trạng thái các vật sát nhau, eo gợi trạng
thái, tính chất thắt lại (VD: sít, khít, khoeo, queo…)
Đặc điểm ngữ pháp của từ Tiếng Việt: biểu hiện ở hai phương diện:
- Thứ nhất: Khả năng kết hợp của từ:
+ Những từ: Học sinh, nhà, cửa, quần, áo…có thể kết hợp (trực tiếp, gián tiếp) với
các từ chỉ lượng ở vị trí đằng trước, các từ chỉ định ở phía sau và có thể đảm nhiệm
chức vụ làm chủ ngữ trong câu (VD: những học sinh này…; học sinh đang nghe
giảng.)
+ Những từ: đi, chạy, ăn, uống, lao động,học…có thể kết hợp được với các từ chỉ
thời gian (đã, đang, sẽ…); các từ chỉ mệnh lệnh (hãy, chớ, đừng…) ở vị trí đằng
trước ( VD: đang ăn; đừng chạy…)
+ Các từ như: xấu, đẹp, nặng, nhẹ, cao, thấp… có thể kết hợp với từ chỉ mức độ
(rất, hơi, quá…) trước hoặc sau (VD: rất đẹp; đẹp quá…)
- Thứ hai: Khả năng đảm nhiệm các chức vụ ngữ pháp trong câu, khả năng chi phối
các thành tố phụ trong cụm từ:
+ Những từ: học sinh, nhà cửa…thường đảm nhiệm chức năng chủ ngữ trong câu,
làm thành tố chính trong cụm danh từ.

+ Các từ: đi, chạy, nhảy, xấu, đẹp, nặng, nhẹ… thường đảm nhiệm chức năng vị
ngữ trong câu, làm thành tố chính của cụm động từ, cụm tính từ.
1.2. Các kiểu cấu tạo từ:

7


1.2.1. Từ đơn:
1.2.1.1. Khái niệm: trong tiếng Việt, từ đơn là những từ do một hình vị tạo nên.
1.2.1.2. Đặc trưng cơ bản của từ đơn:
- Đa số từ đơn tiếng Việt là từ đơn âm, cũng có một số từ thuộc từ đơn đa âm (từ
thuần Việt, từ vay mượn: bồ kết, tắc kè, cà phê, mít tinh…)
- Phần lớn từ đơn tiếng Việt là những từ nhiều nghĩa.
Ví dụ: đầu: đầu làng, đầu súng, đầu sóng…
miệng: miệng gầu, miệnggiếng, miệng chai….
- Từ đơn tiếng Việt mang đặc trưng ngữ nghĩa chủ yếu của từ vựng tiếng việt.Từ
đơn dùng để cấu tạo từ phức (lúc này nó được hình vị hóa), cấu tạo cụm từ, câu.
1.2.1.3. Bài tập thực hành:
* Bài tập 1: Xác định từ đơn ở trong đoạn văn sau:
“Chỉ vài hôm, lộc non đã tràn đầy trên bàn tay mùa đông của cây bàng. Dáng mọc
của lộc rất lạ, thẳng đứng trên cành, như thể đêm qua có ai thả ngàn vạn búp lá nhỏ
xíu từ trên trời, xanh biếc chi chít đầy cành và xoay thành những tán lá tròn quanh
thân cây. Lá non lớn nhanh, đứng thẳng và cao chừng gang tay, cuộn tròn như
những chiếc tai thỏ…”
(Trích Bàng thay lá của Hoàng Phủ Ngọc Tường –Tiếng Việt 4, tập hai)
*Bài tập 2: Nhận xét từ đơn có trong khổ thơ sau:
“Mặt trời xuống biển như hòn lửa
Sóng đã cài then, đêm sập cửa
Đoàn thuyền đánh cá lại ra khơi,
Câu hát căng buồm cùng gió khơi…”

(Trích Đoàn thuyền đánh cá của Huy Cận –Tiếng Việt 4, tập hai).
*Bài tập 3: Tìm và nhận xét các từ đơn có trong đoạn văn sau:
“Đền Thượng nằm chót vót trên đỉnh núi Nghĩa Lĩnh. Trước đền,những khóm hải
đường đâm bông rực đỏ, những cánh bướm nhiều màu sắc bay dập dờn như đang
múa quạt xòe hoa. Trong đền, dòng chữ vàng Nam quốc sơn hà uy nghi để ở bức
hoành phi treo chính giữa”.
(Trích Phong cảnh đền Hùng của Đoàn Minh Tuấn - Tiếng Việt 5, tập
hai).
*Bài tập 4: Tìm và nhận xét các từ đơn có trong đoạn thơ sau:

8


“Bầm ơi có rét không bầm ?
Heo heo gió núi, lâm thâm mưa phùn
Bầm ra ruộng cấy bầm run
Chân lội dưới bùn, tay cấy mạ non,
Mạ non bầm cấy mấy đon
Ruột gan bầm lại thương con mấy lần…”
(Trích Bầm ơi của Tố Hữu - Tiếng Việt 5, tập hai)
*Bài tập 5: Tìm một số từ đơn có nhiều nghĩa và cho biết một số nét nghĩa của các
từ đã tìm được.
1.2.2. Từ láy:
1.2.2.1. Khái niệm: Là sản phẩm của phương thức láy, là phương thức láy lại toàn
bộ hay bộ phận hình thức ngữ âm của hình vị gốc (hình vị mang nghĩa từ vựng).
1.2.2.2. Đặc trưng cơ bản của từ láy:
- Các hình vị tạo từ láy có quan hệ với nhau về âm.
- Trong từ láy có một hình vị đóng vai trò là hình vị gốc (có nghĩa từ vựng).
1.2.2.3. Phân loại: Căn cứ vào số lần láy lại hình vị gốc, người ta chia thành:
- Láy đôi: đẹp


đẹp đẽ, sạch

- Láy ba: sạch

sạch sành sanh.

- Lấy tư: khấp khểnh

sạch sẽ…

khấp kha khấp khểnh.

Trong từ láy đôi, người ta căn cứ vào mức độ láy, căn cứ vào bộ phận được giữ lại
trong âm tiết của hình vị gốc, từ đó chia thành: từ láy toàn bộ và từ láy bộ phận.
*Từ láy toàn bộ: Hình vị gốc được giữ nguyên (có hai dạng biến thể: láy toàn bộ
biến đổi thanh, láy toàn bộ biến đổi vần, thanh).
* Từ láy bộ phận:
+ Láy âm: hình vị gốc đứng trước hoặc sau (dễ dãi, mập mạp, lấp ló, khấp
khểnh…).
+ Láy vần: hình vị gốc có thể đứng trước hoặc sau (co ro, thiêng liêng, lò dò, luẩn
quẩn…).
1.2.2.4. Nghĩa của từ láy:
*Nghĩa của từ láy là sự sắc thái hóa nghĩa của từ gốc, có nhiều dạng:
- Cụ thể hóa nghĩa của hình vị gốc, làm cho nghĩa của từ láy rõ nét hơn, xác định
hơn, hẹp hơn, gợi tả hơn, có giá trị biểu hiện, biểu cảm hơn.

9



- Nghĩa của từ láy theo hướng mở rộng, thu hẹp, giảm nhẹ, tăng cường nghĩa của
hình vị gốc.
*Các mô hình cấu tạo của từ láy:
- X “ấp”-Xy: khấp khểnh, lấp ló, mấp mô, thập thò… diễn tả trạng thái ẩn - hiện,
có - không, lên - xuống…. một cách đều đặn của sự vật, hiện tượng.
- Xy-X “ăn”: nhã nhặn, may mắn, xinh xắn, ngay ngắn… diễn tả tính chất đạt đến
chuẩn mực.
Tóm lại:
-Nghĩa của từ láy khá phong phú, đa dạng, nhiều màu vẻ, có giá trị biểu hiện, biểu
cảm rất cao.
-Từ láy là loại từ đặc sắc, có vị trí quan trọng trong ngôn ngữ văn chương.
1.2.2.5. Bài tập thực hành:
*Bài tập 1: Tìm từ láy có trong đoạn thơ sau, và phân tích giá trị biểu hiện, biểu
cảm của những từ láy này:
“Tà tà bóng ngả về tây
Chị em thơ thẩn dan tay ra về
Bước lần theo ngọn tiểu khê,
Nhìn xem phong cảnh có bề thanh thanh
Nao nao dòng nước uốn quanh,
Nhịp cầu nho nhỏ, cuối ghềnh bắc ngang.
Sè sè nấm đất bên đường
Dầu dầu ngọn cỏ nửa vàng nửa xanh…”
(Trích Truyện Kiều của Nguyễn Du).
*Bài tập 2: Tìm từ láy có trong đoạn thơ sau, phân tích giá trị nghệ thuật của những
từ láy này:
“Bác Dương thôi đã thôi rồi,
Nước mây man mác ngậm ngùi lòng ta.
Nhớ từ thuở đăng khoa ngày trước,
Vẫn sớm hôm tôi bác cùng nhau,
Kính yêu từ trước đến sau,

Trong khi gặp gỡ khác đâu duyên trời
Cũng có lúc chơi nơi dặm khách,

10


Tiếng suối nghe róc rách lưng đèo
Có khi từng gác cheo leo
Thú vui con hát lựa chiều cầm xoang…”
(Trích Khóc Dương Khuê của Nguyễn Khuyến).
* Bài tập 3: Xác định từ láy và phân tích cái hay của những từ láy có trong hai khổ
thơ sau:
“Chú bé loắt choắt
Cái xắc xinh xinh
Cái chân thoăn thoắt
Cái đầu nghênh nghênh.

Ca lô đội lệch
Mồm huýt sáo vang
Như con chim chích
Nhảy trên đường vàng…”
(Trích Lượm của Tố Hữu- Tiếng Việt 2, tập hai).
*Bài tập 4: Tìm và phân tích giá trị nghệ thuật của những từ láy có trong đọan văn
sau:
“Giống như những đứa trẻ quấn quýt bên mẹ, đàn bê cứ quẩn vào chân anh
Hồ Giáo. Những con bê đực chốc chốc lại ngừng ăn, nhảy quẩng lên rồi chạy đuổi
nhau thành một vòng tròn xung quanh anh. Những con bê cái thì rụt rè. Có con sán
vào lòng anh, quơ quơ đôi chân lên như đòi bế…”
(Trích Cỏ non của Hồ Phương - Tiếng Việt 2, tập hai).
*Bài tập 5: Tìm các từ láy chỉ:

- Màu sắc đậm, nhạt.
- Hình dáng của vật.
- Viết một đoạn văn miêu tả có sử dụng những từ đã tìm được.
1.2.3. Từ ghép:
1.2.3.1. Khái niệm:
Từ ghép là sản phẩm của phương thức ghép, là phương thức cấu tạo từ mới bằng
cách ghép hai hoặc hơn hai hình vị lại với nhau.

11


1.2.3.2. Phân loại:
- Căn cứ vào tính chất của hình vị, đặc trưng về nghĩa của các hình vị, người ta
chia từ ghép tiếng Việt thành hai loại lớn: từ ghép hư và từ ghép thực.
- Căn cứ vào tính chất của mối quan hệ giữa các hình vị, vào đặc trưng ngữ nghĩa
của từ, người ta chia từ ghép thực thành hai loại:
a. Từ ghép phân nghĩa:
- Là những từ ghép trong đó có một hình vị chỉ loại lớn (sự vật, hoạt động, tính
chất…) đứng trước là hình vị chính. Còn hình vị phụ đứng sau có tác dụng phân hóa
nghĩa cho hình vị đứng trước.
- Các mô hình cấu tạo:
+ Máy + X: máy ảnh, máy bay…
+ Vui + X : vui mắt,vui tai….
+ X

+ viên: xã viên, đoàn viên….

+X

+ trưởng: lớp trưởng, hiệu trưởng…


- Nghĩa của từ ghép phân loại: Có tác dụng sắc thái hóa, cụ thể hóa nghĩa của hình
vị chỉ loại lớn. Nghĩa của từ ghép phân loại mang tính biệt loại, mỗi từ biểu thị một
sự vật hiện tượng trong thực tế khách quan.
b. Từ ghép hợp nghĩa:(ghép đẳng lập, ghép song song)
* Là những từ ghép do hai hình vị tạo nên, trong đó không có hình vị nào là chính,
cũng không có hình vị nào là phụ. Hai hình vị trong từ ghép hợp nghĩa có quan hệ
ngang hàng nhau.
* Cấu tạo:
- Hai hình vị tạo từ ghép hợp nghĩa phải cùng từ loại (Danh danh, động động, tính
tính…).
-Hai hình vị phải cùng phạm trù ngữ nghĩa (cùng chỉ sự vật, hoạt động, tính chất…).
- Hai hình vị phải gần nghĩa, đồng nghĩa hoặc trái nghĩa.
* Đặc trưng của từ ghép:
- Nghĩa của từ ghép có tính chất tổng hợp, tổng loại, khái quát, chỉ những loại lớn
hơn, chung hơn, bao trùm hơn so với nghĩa của hai hình vị tạo thành (VD: phố
phường, trông nom, nhà cửa…)
- Trât tự của hai hình vị tương đối ổn định, nhưng cũng có trường hợp hai hình vị có
thể hoán đổi cho nhau (VD: nhà cửa, cửa nhà, quần áo, áo quần…)

12


1.2.4. Cụm từ cố định:
1.2.4.1. Khái niệm:
Cụm từ cố định là những đơn vị có sẵn trong ngôn ngữ, được hình thành trong
quá trình trong quá trình phát triển của lịch sử, xã hội, ngôn ngữ. Nó thường gồm
một tập hợp các từ đơn có kết cấu vững chắc, cố định, ổn định, bất biến, không thể
tách rời và có ý nghĩa hoàn chỉnh, dùng để gọi tên sự vật, hiện tượng, biểu thị khái
niệm. Cụm từ cố định được sử dụng tương đương như từ, có thể thay thế từ hoặc kết

hợp với từ để tạo câu.
VD: mẹ tròn con vuông; đầu voi đuôi chuột; ăn ngon mặc đẹp; của đáng tội; nói
vô phép…..
1.2.4.2. Một số đặc điểm của cụm từ cố định:
a. Nghĩa của cụm từ cố định có tính chất mới.
VD: mẹ tròn con vuông (phân tích)
b. Kết cấu của các cụm từ cố định về cơ bản là chặt chẽ, ổn định, cố định, nhưng
một số trường hợp có thể chêm xen yếu tố khác vào giữa hoặc thay đổi vị trí của các
vế trong cụm từ cố định. Đặc biệt là trong lời nói, cụm từ cố định có thể có những
biến thể, biến dạng khá phong phú, thể hiện sự sáng tạo của người sử dụng.
VD: đi guốc trong bụng
Liệu đấy, tôi đã đi guốc lộp cộp trong bụng anh rồi!
1.2.4.3. Phân loại cụm từ cố định:
a. Quán ngữ:
- Quán ngữ là những cụm từ cố định có những đặc trưng rất gần với cụm từ tự do.
Đó là những cách nói, cách diễn đạt nhằm mục đích đưa đẩy để chuyển ý hay dẫn ý,
để mở đề hoặc gây chú ý, tạo tình huống giao tiếp.
VD: - Loại dùng trong khẩu ngữ: nói trộm vía, nghỉ cho khỏe, không sớm thì
muộn….
- Loại dùng trong khoa học: như trên đã nói, có người cho rằng, nói một cách
khác….
b. Thành ngữ:
Thành ngữ là những cụm từ cố định có kết cấu chặt chẽ bền vững và có ý nghĩa
ổn định, hoàn chỉnh (nghĩa vốn có của các yếu tố cấu thành bị mờ đi, nghĩa của cả
tổ hợp có tính chất mới, tính hình tượng, tính biểu trưng rất cao).

13


VD: đầu trâu mặt ngựa, nem đá dấu tay, chân trong chân ngoài, giận cá chém

thớt…
1.2.4.4. Giá trị của cụm từ cố định:
- Cụm từ cố định ra đời nhằm góp phần giải quyết mâu thuẫn giữa cái vô hạn của
sự vật, hiện tượng trong thực tế khách quan cần ngôn ngữ biểu thị, với cái hữu hạn
của những phương tiện ngôn ngữ.
- Cụm từ cố định có tác dụng gọi tên những sự vật, hiện tượng chưa có tên gọi
trong từ vựng. Cụm từ cố định biểu thị các dạng thức, các trạng thái, các khía cạnh
khác nhau của cùng một sự vật, hiện tượng.
VD: - mắt lá răm, mắt bồ câu….
- chạy như vịt, chạy long tóc gáy, chạy bở hơi tai….
- Nghĩa của cụm từ cố định có tính biểu trưng, tính cô đọng, khái quát, có tính hình
tượng, gây ấn tượng mạnh mẽ ở người đọc.
VD: Ném đá dấu tay, ngàn cân treo sợi tóc, chuột chạy cùng sào…
1.2.5. Bài tập thực hành:
* Bài tập 1: Phân loại từ theo kiểu cấu tạo trong đoạn văn sau:
“Rồi đột nhiên, chú chuồn chuồn nước tung cánh bay vọt lên. Cái bóng chú nhỏ
xíu lướt nhanh trên mặt hồ. Mặt hồ trải rộng mênh mông và lặng sóng…Dưới tầm
cánh chú bây giờ là lũy tre xanh rì rào trong gió, là bờ ao với những khóm khoai
nước rung rinh. Rồi những cảnh tuyệt đẹp của đất nước hiện ra: cánh đồng với
những đàn trâu thung thăng gặm cỏ, dòng sông với những đoàn thuyền ngược
xuôi.”
(Chú chuồn chuồn nước của Nguyễn Thế Hội, Tiếng Việt 4, tập 2)
* Bài tập 2: Xác định và phân loại từ ghép có trong đoạn văn sau:
“Những xóm làng trên cù lao sông Tiền có từ bao đời nay không hề biến
động. Có những vườn cây mới trồng bạt ngàn, những vườn cây quá cổ thụ.
Những rãnh nước được xẻ từ sông vào tưới tắm cho gốc cây bốn mùa ẩm ướt.
Cóc, mận, mãng cầu, chôm chôm, vũ sữa, xoài tượng, xoài cát…mọc chen nhau.
Đứng trên mui vững chắc của chiếc xuồng máy, người nhanh tay có thể với lên
hái được những trái cây trĩu xuống từ hai phía cù lao. Những người chủ vườn tốt
bụng và hào phóng thấy thế chỉ cười, ánh mắt thích thú nhìn khách”.

(GT Tiếng Việt, tập 1)

14


* Bài tập 3: Nêu nội dung các khái niệm: Từ đơn, từ ghép, từ láy, dạng láy, kiểu láy
trong sách giáo khoa tiếng Việt 4, tập 1, dưới góc độ từ vựng học, em nhận xét về
cách xác định nội dung (cách định nghĩa) các khái niệm trên của sách giáo khoa.
* Bài tập 4: Tìm, phân loại và nhận xét các từ ghép có trong khổ đoạn thơ sau:
“Em tô đỏ thắm.
Em vẽ làng, xóm,
Tre xanh, lúa xanh
Sông máng lượn quanh
Một dòng xanh mát
Trời mây bát ngát
Xanh ngắt mùa thu…
Em quay đầu đỏ
Vẽ nhà em ở
Ngói mới đỏ tươi
Trường học trên đồi”
(Theo Định Hải - Tiếng Việt 2, tập hai)
* Bài tập 5: Viết một đoạn văn có sử dụng năm từ ghép hợp nghĩa, năm từ ghép
phân nghĩa.
* Bài tập 6: Tìm năm cụm từ cố định nói về tình bạn và đặt câu với những cụm từ
đó (hoặc viết một đoạn văn có sử dụng các cụm từ đã tìm được).
1.3. Hướng dẫn soạn giáo án bồi dưỡng học sinh giỏi:
1.3.1. Xác định mục tiêu bồi dưỡng học sinh giỏi ở tiểu học:
- Cung cấp các kiến thức cơ bản về từ vựng, các kiểu cấu tạo từ: Từ đơn, từ ghép, từ
láy cho học sinh tiểu học.
- Mở rộng vốn từ cho học sinh.

- Tích cực hóa vốn từ cho học sinh: Nhận diện các kiểu từ đã học, nhận xét và vận
dụng chúng trong câu, đoạn.
1.3.2. Xác định nội dung cần bồi dưỡng cho học sinh giỏi ở tiểu học:
Tạo mới bài tập hoặc ra đề thi luyện tập cho học sinh theo các dạng sau:
- Phân loại, nhận diện và sắp xếp các từ thành các nhóm theo kiểu cấu tạo.
- Cho trước một đoạn văn, thơ, yêu cầu tìm và phân loại từ theo các kiểu cấu tạo.

15


- Cho trước một số hình vị, yêu cầu tạo các kiểu từ láy, từ ghép và viết một đoạn
văn sử dụng các từ láy, ghép đã tạo được.
1.3.3. Quy trình lên lớp:
a. Ổn định tổ chức.
b. Kiểm tra bài cũ.
c. Bài mới:
c1. Nêu yêu cầu của tiết học: (Nội dung cần luyện tập: Từ đơn, từ ghép, từ láy)
c2. Ôn tập phần lý thuyết về từ đơn, từ ghép, từ láy (trang 27, trang 38, Tiếng
Việt 4, tập 1)
c3. Hướng dẫn thực hiện các bài tập:
* Bài tâp 1: Nhận diện từ đơn, từ ghép, từ láy
- Giúp học sinh nắm yêu cầu của bài tập
- Học sinh thức hiện bài tập
- Học sinh trình bày kết quả
- Lớp và giáo viên nhận xét, đánh giá kết quả
* Bài tập 2: Phân tích, nhận xét các từ đơn, từ ghép, từ láy
- Giúp học sinh nắm yêu cầu của bài tập.
- Giáo viên hướng dẫn học sinh làm bài tập (hoặc làm mẫu một phần bài tập)
- Học sinh thực hiện bài tập
- Học sinh trình bày kết quả

- Lớp và giáo viên nhận xét, đánh giá
* Bài tập 3: Vận dụng
- Giúp học sinh nắm yêu cầu của bài tập
- Giáo viên gợi ý cách làm bài tập
- Học sinh tìm trong vốn từ của mình từ ghép (chính phụ, tổng hợp), từ láy
- Học sinh đặt câu với những từ đã tìm, hoặc viết một đoạn văn
- Học sinh trình bày kết quả
- Lớp và giáo viên nhận xét, đánh giá
d. Luyện tập: Giáo viên cho học sinh luyện tập dạng bài tập 2 và 3
e. Củng cố, dặn dò

16


1.3.4. Giới thiệu một số dạng đề cơ bản để luyện tập, bồi dưỡng cho học sinh giỏi ở
tiểu học:
* Đề số 1:
Cho đoạn văn sau:
“Đêm về khuya lặng gió. Sương phủ trắng mặt sông. Những bầy cá nhao lên đớp
sương tom tóp, lúc đầu còn loáng thoáng, dần dần tiếng tũng toẵng xôn xao quanh
mạn thuyền” (Lê Lựu)
a. Tìm những từ láy có trong đoạn văn trên.
b. Phân loại từ láy tìm được theo kiểu đã học.
* Đề số 2:
Cho đoạn văn sau:
“Mưa mùa xuân xôn xao, phơi phới…Những hạt mưa bé nhỏ, mềm mại, rơi mà
như nhảy nhót.” (Tiếng mưa- Nguyễn Thị Như Trang)
a. Hãy xác định những từ đơn, từ ghép, từ láy trong đoạn văn trên .
b. Đoạn văn có từ nào là từ tượng hình?
* Đề số 3:

“Bản làng đã thức giấc. Đó đây, ánh lửa hồng bập bùng trên các bếp. Ngoài bờ
ruộng đã có bước chân người đi, tiếng nói chuyện rì rầm, tiếng gọi nhau í ới.
Tảng sáng, vòm trời cao xanh mênh mông. Gió từ trên đỉnh núi tràn xuống thung
lũng mát rượi…”
a. Tìm từ láy trong đoạn văn trên.
b. Trong số các từ láy đó từ nào là từ tượng thanh, từ nào là từ tượng hình?
* Đề số 4:
a. Căn cứ vào hình thức cấu tạo của từ, hãy sắp xếp các từ dưới đây thành 4 nhóm
nhỏ:
Giáo viên, diễn viên, tác giả, nghệ sĩ, bộ trưởng, độc giả, thi sĩ, viện trưởng, đảng
viên, đoàn viên, ca sĩ, chi đội trưởng, hội viên, dịch giả, hiệu trưởng, sinh viên,
khán giả.
b. Lập mô hình cấu tạo của các từ trong nhóm nói trên.
* Đề số 5:
Hãy sắp xếp các từ sau đây thành hai nhóm và đặt tên cho mỗi nhóm, đặt câu với
các từ đó:

17


Ngoằn ngoèo, khúc khích, đủng đỉnh, lêu nghêu, vi vu, thướt tha, líu lo, sừng
sững, rì rầm, cheo leo.
* Đề số 6:
Cho các tổ hợp từ sau:
Người chiến sĩ, xông lên, nữ du kích, chú bé liên lạc, nhận khuyết điểm, cứu bạn,
chống lại cường quyền, trước kẻ thù, nói lên sự thật, bênh vực lẽ phải.
Ghép từ dũng cảm với từng từ ngữ trên để tạo thành những tập hợp từ có nghĩa.
* Đề số 7:
Tìm hai từ láy, hai từ ghép có nghĩa phân loại, hai từ ghép có nghĩa tổng hợp trong
đó có tiếng vui.

* Đề số 8:
Xếp các từ: châm chọc, chậm chạp, mê mẩn, mong ngóng, nhỏ nhẹ, mong mỏi,
tươi tốt, phương hướng, vương vấn, tươi tắn vào hai cột bảng: láy- ghép.
* Đề số 9:
a. Tìm năm từ ghép, năm từ láy nói về những đức tính của người học sinh giỏi.
Đặt câu với những từ đã tìm được tạo thành một đoạn văn.
b. Các từ: Bánh dẻo, bánh nướng, bánh cốm, bánh nếp, bánh rán, bánh ngọt, bánh
mặn, bánh cuốn, bánh gai… là từ ghép loại gì? Tìm căn cứ để chia các từ đó thành
3 nhóm.
* Đề số 10:
Ghép thêm một tiếng vào tiếng trắng, tiếng đỏ để tạo thành:
-

Các từ ghép có nghĩa tổng hợp.

-

Các từ ghép có nghĩa phân loại.

-

Đặt câu với các từ ghép đó.

13.5. Tập giảng (trước nhóm và trước lớp).
2. Hệ thống hóa kiến thức về nghĩa của từ:
2.1.Định nghĩa:
Nghĩa của từ là khái niệm về sự vật, hiện tượng trong thực tế khách quan được
phản ánh vào trong ngôn ngữ, được ngôn ngữ hóa.
Nghĩa của từ có các thành phần ý nghĩa sau: nghĩa biểu vật, nghĩa biểu niệm và
nghĩa biểu thái.

* Nghĩa biểu vật:

18


Nghĩa biểu vật của từ gợi ra sự vật, hoạt động, tính chất; Mỗi nghĩa biểu vật của
từ là một mảnh của hiện thực khách quan được phản ánh trong từ, trong ngôn ngữ,
mang tính khái quát (trừ danh từ riêng), (trang 180, 181- GT Tiếng Việt, tập 1).
* Nghĩa biểu niệm:
Sự vật, hoạt động, tính chất phản ánh vào tư duy con người thành các khái niệm.
Các khái niệm ấy được ngôn ngữ hóa thành nghĩa biểu niệm của từ. Nghĩa biểu
niệm của từ chứa đựng những hiểu biết của con người về những thuộc tính bản chất
của sự vật, hiện tượng trong thực tế khách quan (trang 181, GT TV, tập 1).
* Nghĩa biểu thái (nghĩa biểu cảm):
Nghĩa biểu thái phản ánh quan hệ của người sử dụng đối với từ, nói cụ thể hơn,
phản ánh tình cảm, xúc cảm, thái độ của của người sử dụng ngôn ngữ (trang 182,
GT TV, tập 1)
2.2. Phân loại nghĩa của từ:
2.2.1. Phân loại theo quan điểm lịch đại: Có hai loại nghĩa:
2.2.1.1. Nghĩa gốc: Là nghĩa đầu tiên của từ, là khái niệm đầu tiên mà từ biểu thị.
VD: Từ đầu: Có nghĩa gốc là bộ phận trên cùng hoặc trước hết của thân thể người
hoặc loài vật, trong đầu có chứa bộ não.
Từ Chân: Có nghĩa gốc là chỉ bộ phận dười cùng, dùng để đỡ cơ thể của
người, hoặc con vật.
2.2.1.2. Nghĩa phái sinh: Là nghĩa xuất hiện sau nghĩa gốc, được hình thành trên cơ
sở nghĩa gốc.
Ví dụ:
Từ đầu, có các nghĩa phái sinh cơ bản sau:
-


Chỉ bộ phận trên cùng của sự vật (đầu súng, đầu tủ …)

-

Chỉ bộ phận ở vị trí trước hết (đầu cầu, đầu làng, đầu sông…)

-

Chỉ vị trí trên cùng, trước hết (câu đầu, đầu danh sách, hàng đầu…)

2.2.2. Phân loại nghĩa theo quan điểm đồng đại:
Là tất cả các nghĩa hiện dùng của từ đa nghĩa.Tiêu chí phân loại là dựa vào
những đặc trưng, tính chất của nghĩa của từ về các mặt: Khả năng hoạt động tự do
hay lệ thuộc, khả năng kết hợp cao hay thấp, phạm vi sử dụng rộng hay hẹp…
chúng ta có:

19


2.2.2.1. Nghĩa chính:
Là nghĩa cơ bản, làm nền tảng cho sự phát triển nghĩa của từ, là nghĩa hoạt động
từ do, có tính chất độc lập, không hoặc ít phụ thuộc vào văn cảnh, có khả năng kết
hợp rộng nhất, là nghĩa được dùng nhiều nhất (sách giáo khoa Tiếng Việt 5 gọi là
nghĩa đen).
Ví dụ:
Chạy: chỉ hoạt động dời chỗ bằng chân, hai chân không nhắc lên khỏi mặt đất

-

cùng một lúc với tốc độ cao.

Chín: Chỉ trạng thái của trái cây.

-

2.2.2.2. Nghĩa phụ:
Là lọai nghĩa đã được cố định hóa trong ngôn ngữ, trong hệ thống. Nghĩa phụ
còn được gọi là nghĩa bóng (Tiếng Việt 5).
Ví dụ:
Chạy:
- Tìm kiếm: chạy thầy, chạy thợ, chạy tiền…
- Trốn tránh: chạy loạn, chạy giặc…
- Vận hành: máy chạy, đồng hồ chạy…
2.2.2.3. Nghĩa tu từ:
Là nghĩa tồn tại nhất thời trong một câu nói cụ thể nào đó mang tính sáng tạo,
tính cá nhân, được hình thành trên cơ sở nghĩa chính, nghĩa phụ.
Ví dụ: Nghĩa chỉ nàng Kiều của từ hoa trong các câu thơ Truyện Kiều sau:
“Thà rằng liều một thân con
Hoa dù rã cánh, lá còn xanh cây…
…Rộng thương cỏ nội hoa hèn
Chút thân bèo bọt dám phiền mai sau.”
Một nghĩa tu từ nào đó được nhiều người công nhận và sử dụng rộng rãi, tức là
nó được xã hội hóa, thì dần dần trở thành nghĩa phụ và đi vào ngôn ngữ.
2.3. Bài tập thực hành:
*Bài tập 1:
a. Hướng dẫn học sinh tiểu học làm các bài tập sau:
Em hãy cho biết những từ in nghiêng trong các câu sau đây dùng theo nghĩa đen,
những từ nào được dùng theo nghĩa bóng:

20



- Bác công nhân đang ăn cơm thì có tiếng còi tàu vào ăn than ngoài bến.
- Ở đây chúng tôi được ăn ngon, ngủ ngon nên chóng lại sức.
Mùa xuân là Tết trồng cây

-

Làm cho đất nước càng ngày, càng xuân
(Hồ Chí Minh)
b. Dùng các từ sau đây để đặt câu (một câu theo nghĩa đen và một câu theo nghĩa
bóng):
- Danh từ: nhà, chân.
- Động từ: chạy, ôm.
- Tính từ: ngọt, chua.
* Bài tập 2:
Thay thế từ in nghiêng được dùng theo nghĩa bóng ở mỗi dòng dưới đây bằng từ
ngữ cùng nghĩa được dùng theo nghĩa đen:
-

Căn nhà ổ chuột.

-

Tấm lòng vàng

-

Ý chí sắt đá

-


Lời nói ngọt ngào.

* Bài tập 3:
Tìm những từ ngữ dùng sai trong các câu sau đây, phân tích nguyên nhân sai và
sửa lại cho đúng:
- Tính tình của anh ấy rất hiền lành, nhưng khi ra trận đánh giặc thì táo tợn vô
cùng.
-Chúng ta cần tố cáo khuyết điểm của bạn để giúp nhau cùng tiến bộ.
- Một không khí nhộn nhịp đang bao phủ lên thành phố.
- Học sinh hiểu sai vấn đề thầy giáo truyền tụng lại.
- Học sinh vác cặp sách nặng gần bằng thể lực của mình.
* Bài tập 4:
Tìm các loại nghĩa cho các từ sau:
- Đầu, mặt, miệng, chân…
-Đi, trèo, chạy…

21


2.4. Hướng dẫn soạn giáo án soạn giáo án bồi dưỡng học sinh giỏi:
2.4.1. Xác định mục tiêu bồi dưỡng:
- Luyện tập cho học sinh kỹ năng giải nghĩa từ.
- Luyện tập cho học sinh cách xác định các loại nghĩa của từ (nghĩa chính, nghĩa
phụ, nghĩa tu từ)
2.4.2. Xác định nội dung cần bồi dưỡng, luyện tập:
Tạo mới bài tập hoặc ra đề thi luyện tập cho học sinh theo các dạng sau:
- Nhận diện nghĩa của từ: Nghĩa chính (nghĩa gốc), nghĩa phụ (nghĩa phái sinh,
nghĩa bóng), nghĩa tu từ trong đoạn thơ, đoạn văn
- Hướng dẫn học sinh giải nghĩa từ và tập giải nghĩa từ trong văn cảnh cụ thể.

- Luyện tập kỹ năng nắm nghĩa từ và cách dùng từ ngữ chính xác. Học sinh viết
một đoạn văn sử dụng các từ có chứa các loại nghĩa đã học.
2.4.3. Quy trình lên lớp:
a. Ổn định tổ chức.
b. Kiểm tra bài cũ.
c. Bài mới:
c1. Nêu yêu cầu của tiết học: (Nội dung cần luyện tập: nghĩa chính (nghĩa đen),
nghĩa phụ (nghĩa bóng), nghĩa tu từ)
c2. Ôn tập phần lý thuyết về nghĩa chính, nghĩa phụ, nghĩa tu từ (Tiếng Việt 5,
tập 2)
c3. Hướng dẫn thực hiện các bài tập:
* Bài tâp 1: Nhận diện nghĩa chính (nghĩa đen), nghĩa phụ (nghĩa bóng), nghĩa
tu từ của từ
- Giúp học sinh nắm yêu cầu của bài tập
- Học sinh thức hiện bài tập
- Học sinh trình bày kết quả
- Lớp và giáo viên nhận xét, đánh giá kết quả
* Bài tập 2: Phân biệt, phân tích, nhận xét nghĩa chính (nghĩa đen), nghĩa phụ
(nghĩa bóng), nghĩa tu từ của từ
- Giúp học sinh nắm yêu cầu của bài tập.
- Giáo viên hướng dẫn học sinh làm bài tập (hoặc làm mẫu một phần bài tập)
- Học sinh thực hiện bài tập

22


- Học sinh trình bày kết quả
- Lớp và giáo viên nhận xét, đánh giá, rút kinh nghiệm
* Bài tập 3: Vận dụng
- Giúp học sinh nắm yêu cầu của bài tập

- Giáo viên gợi ý cách làm bài tập
- Học sinh đặt câu, viết đoạn văn có từ viết theo nghĩa đen, nghĩa bóng
- Học sinh trình bày kết quả
- Lớp và giáo viên nhận xét, đánh giá
d. Luyện tập: Giáo viên cho học sinh luyện tập dạng bài tập 2 và 3
e. Củng cố, dặn dò
2.4.4. Giới thiệu một số dạng đề cơ bản để bồi dưỡng, luyện tập cho học sinh:
* Đề số 1:
Phân biệt nghĩa của từ dành và từ giành trong hai câu sau:
-

Em dành quà cho bé.

-

Em cố gắng giành điểm tốt.

* Đề số 2:
Em hiểu nghĩa từng câu tục ngữ, ca dao sau như thế nào:
- Học thầy không tày học bạn.
- Học một biết mười.
- Đói cho sạch, rách cho thơm.
- Bạn bè là nghĩa tương tri,
Sao cho sau trước mọi bề mới nên.
* Đề số 3:
Hãy chỉ ra sự khác nhau về nghĩa của tiếng thắng trong các từ ngữ dưới đây:
-Thắng cảnh tuyệt vời.
- Chiến thắng vĩ đại.
- Thắng nghèo nàn lạc hậu.
- Thắng bộ quần áo mới để đi chơi.

* Đề số 4:
Giải nghĩa ba câu tục ngữ sau:
-

Một con ngựa đau cả tàu bỏ cỏ.

-

Uống nước nhớ nguồn.

23


Gần mực thì đen, gần đèn thì sáng.

-

* Đề số 5:
Trong các câu thơ dưới đây của Bác Hồ, nghĩa của từ Xuân có gì khác nhau:
-

Xuân này kháng chiến đã năm xuân.

-

Sáu mươi tuổi hãy còn xuân chán,
So với ông Bành vẫn thiếu niên.

-


Mùa xuân là tết trồng cây,

-

Làm cho đất nước càng ngày càng xuân.

* Đề số 6:
Em hãy tìm trong đoạn thơ sau những từ nào được dùng với nghĩa bóng:
“Cái chai không đầu,
Mà sao có cổ.
Bảo rằng ngọn gió,
Thì gốc ở đâu.
Răng của chiếc cào,
Làm sao nhai được.
Mũi thuyền rẽ nước,
Thì ngửi cái gì.
Cái ấm không nghe,
Tai sao lại mọc.
Ở trong chiếc bút,
Lại có ruột gà.
Trong mũi người ta ,
Có ngay lá mía…”
(Quang Huy).
* Đề số 7:
Cho các câu tục ngữ sau:
-

Ăn vóc học hay.

-


Học một biết mười.

a. Hãy giải thích nghĩa của các câu tục ngữ trên.
b. Mỗi câu tục ngữ trên có ý khuyên ta điều gì?

24


×