Tải bản đầy đủ (.doc) (11 trang)

Kịch bản chương trình ngoại khoá văn học dân gian

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (1004.84 KB, 11 trang )

Kịch bản chương trình ngoại khoá văn học dân gian.
Chủ đề: Ngọt ngào dòng suối dân gian.
(Thành phần tham gia: Học sinh khối 6,7)
(Kịch bản gồm các hoạt động:
- Văn nghệ các lớp:
Múa: Nổi trống lên các bạn ơi;
Hát múa: Mời trầu- Dân ca xứ Nghệ;
Hát múa: Trống cơm - dân ca Bắc Bộ ;
Hát múa: Đêm hội trăng rằm - dân ca quan họ
Hát múa: Lý cây bông - dân ca Nam Bộ.
- Diễn kịch: Vua Hùng kén rể; Thạch Sanh cứu công chúa Quỳnh Nga; Thầy bói
xem voi.
- Bài luận: Đặc sắc văn học dân gian; Bình ca dao.
- Đặt lời mới cho ca dao;
- Giải đố dân gian;
- Đuổi hình bắt chữ;
- Đoán tác phẩm qua hoạt cảnh sân khấu.
Chọn 2 học sinh, 1 nam, 1 nữ, nói năng lưu loát, có khả năng xử lý tình huống,
nắm chắc kịch bản, làm chủ sấn khấu làm MC chương trình.
Múa (theo đĩa hát): “Nổi trống lên các bạn ơi.”
Nữ. Xin chào mừng quý vị đại biểu, quý thầy cô và toàn thể các bạn học sinh
có mặt trong buổi ngoại khoá văn học hôm nay.
Kính thưa quý vị, thưa các bạn, chúng ta vừa sống lại lịch sử của bốn nghìn
năm trước, khi mẹ Âu Cơ sinh ra những người con đầu tiên của dân tộc Việt Nam
qua tiết mục múa “Nổi trống lên các bạn ơi” do các bạn HS lớp 6 biểu diễn. Tiết
mục vừa rồi đã đưa chúng ta đến với một câu chuyện truyền thuyết về cội nguồn
dân tộc, đưa chúng ta tới một miền đất của trí tưởng tượng – miền Văn học Dân
gian.
Nam. Trong chúng ta chắc ai cũng đã từng được say giấc ngủ ngon nhờ
những lời ru ngọt ngào của bà, của mẹ; từng bay bổng theo những giấc mơ cổ tích;
từng cười vang sảng khoái khi nghe những câu chuyện trạng…Những cảm giác ấy


ta có được là nhờ những tác phẩm văn học dân gian. Để giúp mỗi chúng ta hiểu rõ
hơn về cái hay cái đẹp của các tác phẩm văn học dân gian, hiểu hơn về giá trị tinh
thần to lớn và vĩnh hằng của dòng văn học này, đồng thời thể hiện tình yêu đối với
bộ môn ngữ văn nói chung, tình yêu văn học dân gian nói riêng, trường THCS …
tổ chức buổi ngoại khoá văn học với chủ đề “Chúng em với văn học dân gian”.
Để chương trình được bắt đầu xin trân trọng giới thiệu (….) lên đọc quyết định
thành lập ban tổ chức, ban nội dung ngoại khóa. Xin trân trọng kính mời.
Tiếp theo xin trân trọng giới thiệu (…) lên khai mạc buổi hoạt động.


Nữ. Tôi xin thay mặt Ban biên tập chương trình thông qua nội dung buổi
ngoại khoá như sau:
- Phần mở đầu: Chào mừng và giới thiệu.
- Phần hai: Nội dung hoạt động, gồm ba chương:
Chương 1. Kể chuyện dân gian
Chương 2.Bình và viết lời mới ca dao
Chương 3.Tìm hiểu và biểu diễn sân khấu dân gian.
- Phần ba: Nhận xét, tổng kết buổi hoạt động.
Chúng tôi hi vọng chương trình sẽ đem lại những cảm xúc và ấn tượng tốt
đẹp trong lòng quý vị đại biểu và tất cả các bạn học sinh.
*
*
*
Nữ. Kính thưa quý vị đại biểu, quý thầy giáo, cô giáo và toàn thể các bạn
học sinh. Trước khi đi vào nội dung cụ thể của từng chương trong buổi ngoại khoá,
chúng ta cùng lắng nghe một làn điệu dân ca xứ Nghệ qua phần trình bày của đội
văn nghệ lớp …
(Hát múa Mời trầu- Dân ca xứ Nghệ)
Tiếp theo chương trình xin mời bạn …, lớp… trình bày vài nét đặc sắc của
văn học dân gian. Xin trân trọng kính mời bạn.

(Một bạn học sinh trình bày những đặc sắc của văn học dân gian
Thời gian 5 phút)
Nữ. Truyện dân gian là những câu chuyện hết sức giản đơn nhưng vô cùng lí
thú và hấp dẫn. Kho tàng truyện dân gian rất giàu có, đa dạng. Trong số đó có một
truyền thuyết được nhiều thế hệ độc giả yêu thích. Đó là truyện Sơn Tinh, Thuỷ
Tinh. Sau đây xin mời quý vị đại biểu, thầy cô giáo và các bạn nghe và xem phiên
bản Sơn Tinh, Thuỷ Tinh do các bạn học sinh lớp 6 biểu diễn.
(Diễn ST-TT)
Nữ. Thưa quý vị và các bạn, Truyện Sơn Tinh, Thuỷ Tinh đã lí giải một cách
li kì nhưng hợp lí hiện tượng mưa bão, lũ lụt hàng năm ở Bắc Bộ nước ta. Câu
chuyện còn vang vọng đến ngày nay qua lời truyền tụng“Núi cao sông hãy còn
dài/ Năm năm báo oán, đời đời đánh ghen” còn gợi cho chúng ta nhiều suy nghĩ và
tình cảm đối với sức mạnh của con người, công lao của cha ông trong công cuộc
chinh phục thiên nhiên, xây dựng đất nước.
Nam. Kính thưa quý vị, thưa các bạn. Nếu như những truyền thuyết dân
gian thường có cái cốt lõi là sự thật lịch sử mà nhân dân ta qua nhiều thế hệ đã lí
tưởng hoá gửi gắm vào đó tâm tình thiết tha của mình, thì trong một thể loại khác,
người ta bay lên trên đôi cánh của trí tưởng tượng để tới một cuộc sống tốt đẹp mà
cái Thiện luôn chiến thắng cái Ác, người ở hiền bao giờ cũng gặp lành…Đó là
truyện cổ tích. Sau đây xin mời quý vị và các bạn xem một hoạt cảnh không lời
dựng theo một đoạn truyện cổ tích quen thuộc.
(Diễn hoạt cảnh: Thạch Sanh cứu công chúa Quỳnh Nga)


Nữ. Câu hỏi dành cho khán giả: Hoạt cảnh trên dựng theo một đoạn truyện
cổ tích quen thuộc nào? Nêu tên các nhân vật chính của truyện, nêu cảm nhận về
nhân vật đó?
(Gọi khán giả xung phong trả lời.
Khán giả: Hoạt cảnh trên dựng theo một đoạn truyện cổ tích“Thạch Sanh”.
Nhân vật chính là chàng dũng sĩ Thạch Sanh với các phẩm chất tài năng, tốt bụng,

dũng cảm, yêu hoà bình…).
Nữ. Vâng, xin chúc mừng khán giả đã có câu trả lời đúng. Truyện Thạch
Sanh là một trong những câu chuyện li kì, hấp dẫn nhất trong kho tàng truyện cổ
Việt Nam. Đó là câu chuyện về dũng sĩ Thạch Sanh với những chiến công: Diệt
chằn tinh, diệt đại bàng cứu công chúa Quỳnh Nga và Thái tử con Vua Thuỷ Tề,
đánh quân mười tám nước chư hầu. Những chiến công ấy của chàng Thạch Sanh
với vẻ đẹp tài năng, đạo đức đậm chất Việt đã thể hiện ước mơ, niềm tin về công lí
xã hội và lí tưởng nhân đạo, yêu hoà bình của nhân dân ta.
Nam. Kính thưa quý vị, thưa các bạn. Kho tàng truyện cổ dân gian không chỉ
hấp dẫn bởi những câu chuyện li kì mà còn có những mẩu chuyện nhỏ, dí dỏm
nhưng lại chứa đựng bên trong nhiều triết lí, những bài học sâu sắc. Những mẩu
chuyện đó một mặt làm cho chúng ta cười sảng khoái, mặt khác lại là bài học đạo
đức, lối sống như những viên thuốc bọc đường, dễ uống mà chữa bệnh rất hiệu
nghiệm. Những viên thuốc ngọt ấy là thể loại truyện ngụ ngôn. Sau đây xin mời
quý vị và các bạn thưởng thức câu chuyện ngụ ngôn Thầy bói xem voi qua phần thể
hiện của các bạn học sinh lớp 6.
Diễn“Thầy bói xem voi”
(Nữ đọc dẫn chuyện thầy bói xem voi) Nhân buổi ế hàng, năm ông thầy bói ngồi
chuyện gẫu với nhau. Thầy nào cũng phàn nàn không biết hình thù con voi nó thế
nào.(5 ông ra, chỉ trỏ, xì xào). Chợt nghe người ta nói có voi đi qua (người quản
voi dắt voi ra). Năm thầy chung nhau tiền biếu người quản voi, xin cho voi đứng
lại để cùng xem. (voi đứng lại, người quản voi vào). Thầy thì sờ vòi, thầy thì sờ
ngà, thầy thì sờ tai, thầy thì sờ chân, thầy thì sờ đuôi. (5 thầy sờ đúng vị trí). Đoạn
năm thầy ngồi bàn tán với nhau. (5 thầy nói theo từng bộ phận: vòi, ngà,
tai,chân,đuôi)
Nữ. Kính thưa quý vị, thưa các bạn. Từ câu chuyện chế giễu cách xem voi và
phán về voi, chế giễu cả nghề thầy bói, truyện Thầy bói xem voi khuyên chúng ta:
Muốn hiểu biết về sự vật, sự việc, con người …, phải xem xét một cách toàn diện.
Trước khi tìm hiểu và nhận xét điều gì, việc gì hãy thận trọng để không bị người
khác chế giễu bằng câu thành ngữ “thầy bói xem voi” các bạn nhé!

Nam. Thưa quý vị và các bạn. Chúng ta vừa tạm biệt kho tàng truyện cổ.
Bây giờ xin mời quý vị và các bạn đến khám phá kho tàng ca dao dân gian. Ca dao
được xem là cây đàn muôn điệu của tâm hồn nhân dân, nhất là người dân lao động
Việt Nam. Ca dao đến với mỗi chúng ta bắt đầu bằng những lời ru ngọt ngào của


bà, của mẹ. Xin mời quý vị và các bạn lắng nghe bạn … nói về ý nghĩa của lời ru
trong cuộc sống .
(Bạn … phát biểu về ý nghĩa của lời ru trong cuộc sống)
(Bạn … hát vọnglời ru từ sau sân khấu)
Nữ. Tình yêu ca dao có lẽ là tình cảm không của riêng ai. Sau đây chúng ta
hãy cùng lắng nghe những cảm nhận của các bạn học sinh về cái hay, cái đẹp của
một số bài ca dao dã học trong chương trình.
(2 bạn trình bày 2 đoạn bình về các bài ca dao)
Nam. Thưa quý vị và các bạn. Lắng nghe những lời bình về các bài ca dao
trên, chúng ta một lần nữa cảm nhận những tiếng nói thiết tha mặn nồng, đằm thắm
ngọt ngào của nhân dân ta từ bao đời nay, đúng như ai đó đã nói rằng “Ca dao là
tiếng hát từ trái tim lên miệng”. Trong trái tim chúng ta cũng chứa chan tình cảm,
vậy hãy thổ lộ tình cảm ấy đi các bạn! Sau đây xin mời hai đội tuyển của khối 7 ra
sân khấu để trổ tài “Viết lời mới cho ca dao”.
(Hai đội 6 bạn ra ngồi vào hai bàn đặt hai bên)
Nữ. Thể lệ cuộc thi như sau: Trong vòng 10 phút, các bạn hãy đặt lời mới
(đúng vần, nhịp của thơ lục bát, song thất lục bát) thành các bài ca dao theo mô típ
sau:
- “Hôm nay…”
- “Chiều chiều…”
- “Rủ nhau…”
- “Ai ơi…”
Sau thời gian cho phép, hai đội đọc diễn cảm các bài ca dao lời mới do đội
mình sáng tác. Đội nào làm được nhiều bài hơn, hay hơn, đọc diễn cảm hơn sẽ

giành chiến thắng. Ban giám khảo sẽ là quý vị khán giả, điểm chấm sẽ là những
tràng pháo tay.
(Hai đội thi trong 10 phút )
Nam. Đã hết thời gian quy định. Xin mời hai đội trình bày các bài ca dao lời
mới vừa sáng tác. Hình thức trình bày theo kiểu đối đáp luân phiên đội 1(7A) đến
đội 2 (7C). Xin mời đội 1.(Đội 1 đọc). Xin mời đội 2 đối lại.(Đội 2 đọc). ….Xin lấy
biểu quyết đánh giá bằng tràng pháo tay của quý vị khán giả dành cho hai đội.
(Khán giả vỗ tay).
Xin mời ban cố vấn chương trình cho ý kiến
(Ban tổ chức sẽ tặng cho mỗi đội chơi một xâu bánh đa vừng)
Chúng ta vừa được nghe những bài ca dao lời mới. Mỗi bài một giọng điệu,
với những biện pháp nghệ thuật khác nhau, thổ lộ những tình cảm, cảm xúc khác
nhau. Cả hai đội đều xứng đáng với những tràng pháo tay của khán giả, xin chúc
mừng đội ……. Như vậy,chúng ta thấy đọc ca dao, viết ca dao đã giúp chúng ta
biết yêu thương, chia sẻ với mọi người xung quanh, thêm yêu quê hương, đất nước
mình, phải không các bạn?


Nữ. Sau đây là một phần chơi dành cho khán giả: Tìm ca dao trong thơ.
Tìm cặp câu ca dao trong bài thơ sau (một cặp thơ tương ứng với một cặp ca dao).
TỰ TÌNH CA DAO
Ru em trong giấc ca dao
Thương câu muối mặn gừng cay đã từng.
Em về nắng đỏ bờ lưng
Thẫn thờ tôi hái tầm xuân tự tình.
Qua đình trông ngọn trúc xinh,
Giờ thì cách trở một mình mồ côi.
Em ơi, bóng nhạn xa xôi,
Cái cầu dãi yếm mình tôi đứng chờ.
***

Con cò bay la
Con cò bay lả
Con cò cổng phủ
Con cò Đồng Đăng
(Khán giả xung phong phát biểu).
Mời ban cố vấn cho ý kiến đánh giá về câu trả lời của khán giả.
Đáp án:
Tay bưng chén muối đĩa gừng
Gừng cay muối mặn xin đừng quên nhau
***
Nụ tầm xuân nở ra xanh biếc
Em có chồng rồi anh tiếc lắm thay
***
Qua đình ngả nón trông đình
Đình bao nhiêu ngói thương mình bấy nhiêu
***
Ước gì sông rộng một gang
Bắc cầu dãi yếm cho chàng sang chơi.
***
Con cò bay lả bay la
Bay từ cổng phủ bay ra cánh đồng
Nữ. Kính thưa quý vị đại biểu, quý thầy cô và toàn thể các bạn học sinh. Văn
học dân gian là một kho tàng đồ sộ, giàu có, đa dạng về thể loại. Nhưng nét chung
của các thể loại văn học dân gian là tính diễn xướng, gắn liền với sinh hoạt đời
sống hoặc biểu diễn trên sân khấu. Không gian biểu diễn dân gian thường là sân
đình, bến nước, gốc đa…nhưng không khí vô cùng sôi nổi và trang trọng. Chương


thứ ba của nội dung ngoại khoá hôm nay xin kính mời quý vị đại biểu, quý thầy cô
và toàn thể các bạn xem những màn tìm hiểu và biểu diễn về sân khấu dân gian.

Nam. Trước khi đến với sân khấu dân gian, ban tổ chức có một trò chơi dành
cho khán giả, đó là giải đố dân gian. Nội dung trò chơi là: Ban tổ chức sẽ đưa ra
những câu đố dân gian, các bạn khán giả hôm nay đều có quyền tham gia, ai đoán
nhanh nhất, đúng nhất sẽ nhận được quà từ ban tổ chức.
Nữ. câu đố thứ nhất là:
1. Cày trên đồng ruộng trắng phau
Khát xuống uống nước giếng sâu đen ngòm?
(Là cái gì?)
(Cái bút mực)
Nam. Câu đố thứ 2
2. Hè về áo đỏ như son
Hè đi thay lá xanh non mượt mà
Bao nhiêu tay toả rộng ra
Như vẫy như đón bạn ta đến trường?
(Là cây gì?)
(Cây phượng)
Nữ. Câu đố thứ 3
3. Một đàn cò trắng phau phau
Ăn no tắm mát rủ nhau đi nằm?
(Là cái gì?)

(Cái bát)

Nam. Câu đố thứ 4
4. Cong cong như cái ách cày
Hàng trăm con chim khách đậu ngày đậu đêm?
(Là cái gì?)
(Buồng chuối)
Nữ.
5. Hai đầu hai thúng, cấn mấy, cấn mấy?

(Là cái gì?)
(Cấy mấn)
Sân chơi dành cho khán giả
Trò chơi: Đuổi hình bắt chữ.
*. Luật chơi.
Phần này gồm 10 hình ảnh. Trên màn hình sẽ hiện lên hình ảnh, các bạn
khán giả sẽ tìm các câu tục ngữ, ca dao có nội dung liên quan đến những hình ảnh
ấy. Bạn nào trả lời nhanh và đúng sẽ được một phần quà của ban tổ chức
Câu 1.


TL: Hỡi cô tát nước bên đàng
Sao cô múc ánh trăng vàng đổ đi.
Câu 2.

TL: Chớp đông nhay nháy, gà gáy thì mưa.
Câu 3.

TL: Công cha như núi Thái Sơn
Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra.
Câu 4.


Tháng
8

TL: Nắng tháng tám rám trái bòng (bưởi)
Câu 5. Hãy đọc bài ca dao có hình ảnh dưới đây.

TL:

Rủ nhau xem cảnh Kiếm Hồ.
Xem cầu Thê Húc, xem đền Ngọc Sơn
Đài nghiên, Tháp bút chưa mòn
Hỏi ai gây dựng nên non nước này?
Câu 6. Hình ảnh sau gợi cho em câu tục ngữ nào?

TL: Ráng mỡ gà ai có nhà thì chống.
Câu 7. Hình ảnh này minh họa cho văn bản nào em đã học? Ý nghĩa?


.

TL: - Văn bản: Chân, tay, tai, mắt, miệng.
- Ý nghĩa: Cần có sự đoàn kết thống nhất, gắn bó với nhau trong một tập thể.
Câu 8.
Qua hình ảnh trên em liên tưởng đến câu tục ngữ nào?

TL: Tháng bảy kiến bò, chỉ lo lại lụt,
Câu 9. Đọc câu thành ngữ minh họa cho hình ảnh này?

TL: Đầu voi đuôi chuột
Câu 10.
Những hình ảnh này giúp ta nhớ đến câu tục ngữ nào?


TL: Mau sao thì nắng, vắng sao thì mưa.
Nam. Bây giờ mời mời quý vị và các bạn xem băng hình và thực hiện các
yêu cầu sau của ban tổ chức:
(Chiếu băng hình)
Câu hỏi: 1. Trích đoạn trên thuộc loại hình sân khấu dân gian nào? Bạn biết

gì về loại hình sân khấu này?
2. Tác phẩm được dàn dựng trên băng hình là tác phẩm nào? Nêu
giá trị của tác phẩm?
(Gọi khán giả xung phong trả lời)
Nữ. Để kiểm tra các câu trả lời của các bạn khán giả vừa rồi, chúng ta cùng
đến với đáp án. Đáp án như sau:
1. Đoạn trích trên thuộc loại hình sân khấu dân gian: chèo. Chèo là loại kịch
hát, múa dân gian, kể chuyện, diễn tích bằng hình thức sân khấu, thường được diễn
ở sân đình, có nguồn gốc và phổ biến rộng rãi ở đồng bằng Bắc Bộ.
2. Đoạn trích trên được trích từ vở chèo “Quan Âm Thị Kính”. Đây là vở
chèo nổi tiếng được nhiều thế hệ khán giả yêu thích và ngợi ca, không chỉ trong
nước mà cả nước ngoài. Vở chèo “Quan Âm Thị Kính” tiêu biểu cho sân khấu chèo
về tích truyện, kịch tính, nhân vật, các làn điệu dân ca, các điệu dân vũ…Vở chèo
thể hiện được những phẩm chất tốt đẹp cùng với số phận oan ức, bi thảm của người
phụ nữ phong kiến. Nhưng trải qua bao tủi cực, oan trái, cuối cùng cái tốt, cái thiện
vẫn chiến thắng.
Nam. Kính thưa quý vị và các bạn. Chúng ta vừa được thưởng thức phần
biểu diễn của các diễn viên chuyên nghiệp qua băng hình. Còn bây giờ là các tiết
mục tự biên tự diễn của các bạn học sinh dàn dựng các bài dân ca ba miền. Các tiết
mục hát múa đó là:
- Trống cơm - dân ca Bắc Bộ do các bạn học sinh lớp 7 biểu diễn.
- Đêm hội trăng rằm - dân ca quan họ do các bạn học sinh lớp 9 biểu diễn.
- Lý cây bông - dân ca Nam Bộ do các bạn học sinh lớp 6 biểu diễn.
(Các tiết mục biểu diễn)
Nữ. Kính thưa quý vị đại biểu, các thầy giáo, cô giáo và các bạn, những tiết
mục biểu diễn ca múa dân gian đã kết thúc nội dung chương trình ngoại khoá hôm
nay. Qua chương trình này, chúng em muốn nói lên một điều rằng: “Chúng em yêu
văn học dân gian”. Cảm ơn cha ông và nhân dân lao động xưa đã để lại cho chúng



em những áng thơ - văn - kịch - ca múa dân gian thật tuyệt vời, để ngày nay chúng
em đươc hát ru, được học, được thư giãn với văn học dân gian. Chúng em hứa sẽ
gìn giữ nét đẹp trong sáng, cao quý của văn học dân gian, bảo vệ và mài dũa để
viên ngọc quý này ngày càng sáng hơn, đẹp hơn.
Để đánh giá, tổng kết buổi hoạt động ngoại khoá ngày hôm nay, xin kính
mời thầy (cô) …… lên phát biểu ý kiến.
Nam. Buổi hoạt động ngoại khoá văn học với chủ đề “Chúng em với văn
học dân gian” của trường ….. hôm nay đến đây kết thúc. Xin cảm ơn sự quan tâm
theo dõi của quý vị đại biểu, quý thầy cô và các bạn học sinh. Ban biên tập chương
trình xin được nhận những góp ý, chia sẻ của quý vị đại biểu, quý thầy cô và các
bạn (Ý kiến đóng góp gửi qua email của nhà trường ….. hoặc số điện thoại …… .).
Xin chào tạm biệt và hẹn gặp lại trong các chương trình sau.

Cảm nhận về Văn học dân gian



×