Tải bản đầy đủ (.docx) (7 trang)

Tăng cường chức năng kiểm toán nội bộ tại tổng công ty thép việt nam

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (105.91 KB, 7 trang )

Tăng cường chức năng kiểm toán nội bộ tại Tổng công ty Thép Việt Nam.
Tổng quan
1. Các nghiên cứu về kiểm toán nội bộ của nước ngoài
Năm 1941, Victor Z. Brink đã cùng Herbert Witt thực hiện một nghiên cứu về KTNB là “Modern
Internal Auditing-Appraising Operations and Controls” . Nghiên cứu này đã làm rõ nội hàm của khái
niệm KTNB, phân biệt KTNB với quản lý doanh nghiệp, hướng dẫn thực hành một số lĩnh vực cụ
thể của KTNB và đã đề cập đến vấn đề đánh giá chất lượng dịch vụ KTNB.
Năm 1978, IIA chính thức phê duyệt “Bộ tiêu chuẩn thực hành KTNB chuyên nghiệp, trong đó, định
nghĩa hoàn chỉnh đầu tiên về KTNB được đưa ra và chỉ rõ “Mục tiêu của KTNB là hỗ trợ các thành
viên của tổ chức trong việc đảm nhận nhiệm vụ một cách hiệu quả. Cuối cùng, KTNB cung cấp dịch vụ
phân tích, đánh giá, kiến nghị, tư vấn, và các thông tin liên quan đến các hoạt động cần được xem
xét. Mục tiêu kiểm toán còn bao gồm việc thúc đẩy kiểm soát hiệu quả với mức chi phí hợp lý
Năm 2002, COSO đã cung cấp một nền tảng lí thuyết cho việc đánh giá chức năng KTNB dựa vào rủi
ro và quá trình QLRR thông qua việc định nghĩa lại khung KSNB dưới góc độ QLRR doanh nghiệp.
Theo đó, KTNB có chức năng đánh giá tính hiệu quả trong hoạt động của cơ chế QLRR doanh nghiệp.
Năm 2003, Liên đoàn Kế toán quốc tế (IFAC) đưa ra định nghĩa về KTNB mà theo đó KTNB có chức
năng đánh giá, kiểm tra, kiểm soát; có vai trò là một dịch vụ trợ giúp cho doanh nghiệp; và có đối
tượng là tính phù hợp và hiệu quả của hệ thống KSNB.
Về chức năng của KTNB, COSO nhấn mạnh rằng: KTNB có chức năng đánh giá độc lập với những hoạt
động khác nhau với vai trò trợ giúp cho đơn vị không những đảm bảo độ tin cậy của thông tin mà
còn đảm bảo tính hiệu quả, hiệu lực, hiệu năng và tính kinh tế trong hoạt động của các chức năng
khác nhau của tổ chức (COSO, 2002). Từ góc nhìn của các nhà quản lý, KTNB có tương lai nhiều hứa
hẹn, 85% người được khảo sát đồng ý (trong đó 24% nhất trí cao) rằng chức năng KTNB sẽ ngày càng
quan trọng đối với quản lý (Cooper et al., 1994)
Về vai trò của KTNB, theo Cooper và cộng sự (1989) đã thực hiện khảo sát mà kết quả là vai trò đánh
giá độc lập hệ thống KSNB, vai trò đánh giá độc lập hoạt động hiệu quả của tổ chức, vai trò bảo vệ
thích hợp tài sản, ngăn ngừa và phát hiện gian lận và sai sót của KTNB lần lượt xếp thứ tự về mức độ
quan trọng trong khi xem xét vai trò của KTNB.
Về phương pháp tiếp cận của KTNB, nhiều nghiên cứu đi sâu khai thác về hướng tiếp cận đang được
quan tâm của KTNB là tiếp cận dựa trên định hướng rủi ro. “KTNB tiếp cận theo định hướng rủi ro là
cách gắn với KTNB hiện đại, đang được áp dụng phổ biến hiện nay, chú trọng vào những hoạt động


quan trọng của tổ chức, các rủi ro ảnh hưởng đến việc thực hiện các mục tiêu quan trọng, quan tâm
đến toàn bộ kết cấu của tổ chức chứ không chỉ là các hệ thống riêng biệt, chú ý đặc biệt đến những
lĩnh vực mà không có sự xác định trách nhiệm rõ ràng hoặc bị chồng chéo giữa các chức năng” (Phil
Griffiths, 2005).
2. Các nghiên cứu về kiểm toán nội bộ trong nước


Trong nước, KTNB cũng đã được nhiều tác giả nghiên cứu trên nhiều khía cạnh khác nhau và công bố
thông qua các giáo trình, sách chuyên khảo, đề tài khoa học các cấp, luận án tiến sĩ, bài báo khoa
học, bài viết tại các hội thảo khoa học,...
Đầu tiên phải kể đến tác giả Nguyễn Quang Quynh – một trong những nhà khoa học hàng đầu về
kiểm toán ở Việt Nam. Công trình của Nguyễn Quang Quynh và cộng sự (1998) là “Xây dựng hệ
thống kiểm tra, kiểm soát trong quản lý vĩ mô và vi mô ở Việt Nam” đã đề cập đến KTNB như là một
yếu tố cấu thành hệ thống KSNB góp phần quan trọng vào công tác quản lí cả ở cấp vĩ mô và vi mô.
Nguyễn Đình Hựu và cộng sự (2006) nghiên cứu về thực trạng KTNB ở nước ta cho thấy KTNB ở nước
ta đã xuất hiện được một khoảng thời gian song tính đến thời điểm 2005 vai trò và tầm ảnh hưởng
của KTNB đối với quản trị công ty còn hạn chế.
Ở dạng đề tài khoa học các cấp, có thể kể đến các nghiên cứu như: Đề tài nghiên cứu khoa học và
công nghệ cấp Bộ của Nguyễn Phú Giang và các cộng sự (2010) về: “Kiểm toán hoạt động của KTNB
trong các Ngân hàng thương mại ở Việt Nam hiện nay” không tập trung vào tổ chức bộ máy và hoạt
động KTNB tại các HTM mà chỉ đi sâu vào đánh giá tính hiệu lực, hiệu quả và hiệu năng của kiểm
toán hoạt động trong một số nghiệp vụ cụ thể của ngân hàng với phạm vi nghiên cứu ở cả NHTM
Nhà nước và NHTM cổ phần. Đề tài nghiên cứu khoa học cấp Học viện của Giang Thị Xuyến và các
cộng sự (2010) về “Hoàn thiện nội dung, quy trình, phương pháp KTNB trong các doanh nghiệp bảo
hiểm Việt Nam hiện nay” cũng đề cập tới một khía cạnh cụ thể của KTNB trong lĩnh vực bảo hiểm.
Tuy nhiên, hai đề tài này đều đi vào những khía cạnh cụ thể của KTNB trong những loại hình doanh
nghiệp đặc thù là ngân hàng và bảo hiểm.
Một đóng góp quan trọng cho kho tàng hiểu biết về KTNB nói chung và tổ chức KTNB nói riêng chính
là số lượng đáng kể các luận án tiến sĩ của các tác giả trong nước trong giai đoạn từ 2007 trở lại đây (
Lê Thu Hằng, 2007; Phan Trung Kiên, 2008; Nguyễn Thị Hồng Thúy, 2010 và Lê Thị Thu Hà, 2011)

Lê Thu Hằng (2007) với đề tài: “Nghiên cứu xây dựng nội dung KTNB doanh nghiệp vận tải ô tô”.
Trong nghiên cứu của mình, tác giả nhấn mạnh một nội dung quan trọng của KTNB là thực hiện kiểm
toán hoạt động. Tác giả hướng tới xây dựng nội dung kiểm toán trên cơ sở đánh giá các rủi ro đối với
doanh nghiệp vận tải.
Phan Trung Kiên (2008) với đề tài “Hoàn thiện tổ chức KTNB trong doanh nghiệp xây dựng Việt
Nam” đã đề cập tới vai trò của kiểm toán hoạt động để nâng cao hiệu quả kiểm toán nội bộ trong
các doanh nghiệp xây dựng Việt Nam. Song tác giả cũng nhận định rằng: hiệu lực của KTNB trong
các doanh nghiệp xây dựng giai đoạn 2003-2008 là chưa đáng kể.
Tác giả Nguyễn Thị Hồng Thúy (2010) đã thực hiện đề tài: “Hoàn thiện tổ chức KTNB trong các tập
đoàn kinh tế Việt Nam” bằng các phương pháp định tính và thống kê mô tả dựa trên kết quả nghiên
cứu khảo sát thực tế tại 06 tập đoàn kinh tế Nhà nước tại Việt Nam giai đoạn 2003-2007. Kết quả là
tác giả đã chỉ ra những đặc trưng cơ bản của tập đoàn kinh tế ảnh hưởng đến tổ chức KTNB, làm rõ
thực trạng tổ chức KTNB tại các tập đoàn kinh tế. Đồng thời nghiên cứu đã đưa ra các giải pháp hoàn
thiện tổ chức KTNB tại các tập đoàn kinh tế theo phương thức kiểm toán liên kết theo hướng chú
trọng kiểm toán hoạt động, thay đổi cách thức tiếp cận kiểm toán, hoàn thiện mô hình tổ chức KTNB
tại các tập đoàn kinh tế.


Nhất quán với quan điểm trên, tác giả Lê Thị Thu Hà (2011) đi đến kết luận rằng: “KTNB là một chức
năng đánh giá độc lập đối với những hoạt động khác nhau của một tổ chức như là một sự trợ giúp
đối với tổ chức, không những đảm bảo độ tin cậy của thông tin mà còn đánh giá tính kinh tế, tính
hiệu quả và hiệu năng trong các hoạt động chức năng khác nhau. KTNB ra đời mang tính khách quan
đáp ứng nhu cầu quản lý trong điều kiện kinh doanh có nhiều thay đổi.”
Vũ Thùy Linh (2014) thực hiện luận án “Hoàn thiện quá trình và tổ chức bộ máy KTNB trong các
Ngân hàng thương mại Nhà nước Việt Nam” dựa trên bối cảnh quốc tế và quan niệm về KTNB
ngân hàng môi trường pháp lý về KTNB của các tổ chức tín dụng trong nước đã thay đổi. Luận án đã
làm rõ nội hàm lý luận về KTNB NHTM hiện đại theo quan niệm mới của IIA; tổ chức quá trình và bộ
máy KTNB NHTM; cũng như kinh nghiệm về KTNB ở một số quốc gia và bài học cho Việt Nam.
Ngoài ra một số đề tài luận văn thạc sĩ nghiên cứu KTNB giới hạn phạm vi nghiên cứu trong một
doanh nghiệp cụ thể hoặc nghiên cứu không mang tính đại diện và hệ thống về tổ chức KTNB.

Bên cạnh những vấn đề chung về bản chất, chức năng và vai trò của KTNB, các nghiên cứu đã tập
trung làm rõ một số khía cạnh cụ thể của KTNB như:
Về lĩnh vực, phạm vi hoạt động của KTNB, các tác giả trong nước như Lê Thu Hằng (2007), Phan
Trung Kiên (2008), Nguyễn Thị Hồng Thúy (2010), Lê Thị Thu Hà (2011) qua các khảo sát tại các tập
đoàn, các tổng công ty, ngân hàng ở Việt Nam cũng cho kết quả rằng phạm vi và lĩnh vực hoạt động
chủ yếu của KTNB hiện nay tại các doanh nghiệp Việt Nam là kiểm toán tài chính và kiểm toán tuân
thủ, kiểm toán hoạt động chưa nhiều và chưa rõ ràng.
Về phương pháp tiếp cận của KTNB, quan điểm tiếp cận rủi ro được vận dụng xuyên suốt các quá
trình của cuộc kiểm toán, không chỉ trong khâu lập kế hoạch kiểm toán và cũng được áp dụng cho tất
cả các loại kiểm toán. Qui trình thực hiện KTNB trên cơ sở định hướng rủi ro, bao gồm 4 bước: lập kế
hoạch kiểm toán, thực hiện các cuộc kiểm toán trên cơ sở đánh giá rủi ro, báo cáo kết quả kiểm toán
và theo dõi việc thực hiện kiến nghị kiểm toán (Lê Thị Thu Hà, 2011).
Về vị trí hay tính độc lập của KTNB, theo Phan Trung Kiên (2008), mô hình tổ chức KTNB thuộc ban
kiểm soát hoặc thuộc bộ phận kế toán thì chưa hợp lí vì ảnh hưởng tới tính độc lập và việc thực hiện
chức năng KTNB. Từ đó, doanh nghiệp xây dựng mô hình KTNB trực thuộc Tổng giám đốc là lý tưởng
nhất.
Về mô hình tổ chức bộ máy KTNB, các tác giả Lê Thu Hằng (2007), Phan Trung Kiên (2008), Nguyễn
Thị Hồng Thúy (2010), Lê Thị Thu Hà (2011) trong các nghiên cứu của mình về tổ chức bộ máy KTNB
của các doanh nghiệp trong nước đã đưa ra các mô hình tổ chức bộ máy KTNB theo các lựa chọn
sau: Tổ chức BM KTNB theo lĩnh vực kiểm toán; Tổ chức BMKT theo ngành song song; Tổ chức BMKT
theo khu vực địa lý; Tổ chức Bộ phận KTNB có sử dụng nhân viên trụ sở; Tổ chức Bộ phận KTNB có
nhân viên chức năng đặc biệt hỗ trợ (chuyên gia trong lĩnh vực đặc biệt). Theo phạm vi và mối quan
hệ phân cấp quản lí của đơn vị, bộ máy KTNB có 3 mô hình là tập trung, phân tán và kết hợp.


Tính cấp thiết
KTNB ngay từ khi xuất hiện đã khẳng định được vai trò và tầm quan trọng không thể thiếu trong
quản lí và hoạt động của doanh nghiệp. Theo Viện kiểm toán viên nội bộ Hoa Kỳ -IIA (1999), “KTNB là
hoạt động đảm bảo và tư vấn độc lập, khách quan được thiết lập nhằm tăng thêm giá trị và cải tiến
hoạt động của một tổ chức. KTNB hỗ trợ tổ chức đạt được những mục tiêu thông qua sự tiếp cận

một cách có nguyên tắc, có hệ thống nhằm đánh giá và cải thiện hiệu quả của quá trình quản lí rủi ro,
kiểm soát và quản trị doanh nghiệp”. Chức năng chính của KTNB là chức năng kiểm tra, đánh giá, xác
nhận và chức năng đảm bảo, tư vấn nhằm trợ giúp cho nhà quản lí cải thiện hoạt động của doanh
nghiệp (Nguyễn Thị Hồng Thúy, 2010).. Qua thời gian, chức năng của KTNB ngày càng phát triển,
hoàn thiện và được khẳng định về mặt lí luận, pháp lí và thực tiễn.
Tổng công ty Thép Việt Nam (VNSEEL) là một trong 17 Tổng công ty được Thủ tướng Chính phủ thành
lập năm 1990. Sự ra đời của Tổng công ty Thép Việt Nam gắn liền với lịch sử phát triển của đất nước
và của ngành công nghiệp luyện kim, đặt nền tảng vững chắc cho sự phát triển của ngành công
nghiệp thép trong nước. Hiện nay, VNSTEEL là một hệ thống bao gồm hơn 50 đơn vị trực thuộc, công
ty con và công ty liên kết; có các nhà máy sản xuất, cơ sở khai thác mỏ, mạng lưới kinh doanh và dịch
vụ, viện nghiên cứu, trường học... trong phạm vi toàn quốc. VNSTEEL hoạt động kinh doanh chủ yếu
trên các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh thép; và các vật tư, thiết bị liên quan đến ngành thép (cung
cấp trên 50% nhu cầu thép xây dựng và khoảng 30% nhu cầu thép cán nguội trong nước). Tuy nhiên,
vài năm gần đây, các doanh nghiệp sản xuất của ngành thép nước ta nói chung và VNSTEEL nói riêng
đang phải đối mặt với nhiều rủi ro đến từ nhiều phía. Trình độ công nghệ của ngành thép thấp, quy
mô nhỏ, chi phí sản xuất và giá thành sản phẩm cao, không cạnh cạnh tranh nổi với thép ngoại nhập,
tiêu thụ thép ở thị trường trong nước sụt giảm, các doanh nghiệp sản xuất cầm chừng....
Một trong những nguyên nhân quan trọng của tình trạng đó xuất phát từ sự yếu kém và thiếu hiệu
quả của KTNB. KTNB đã hiện diện ở VNSTEEL trong nhiều năm ngay từ khi mới đi vào hoạt động theo
mô hình Tổng công ty 90, 91 và đã đóng góp tích cực vào hoạt động quản lí cũng như vào hoạt động
kiểm soát trong đơn vị. Đến nay, về mặt hình thức có thể thay đổi song về bản chất, một bộ phận
chuyên trách của Tổng công ty vẫn đang thực hiện chức năng KTNB. Tuy nhiên, việc thực hiện chức
năng KTNB tại VNSTEEL vẫn còn tồn tại nhiều tồn tại, bất cập từ quan điểm nhận thức của nhà quản
lí, nội dung và mục tiêu kiểm toán, kỹ năng và hiểu biết của kiểm toán viên, công tác tổ chức bộ phận
kiểm toán đến các cơ sở nền tảng cho việc tổ chức hoạt động KTNB trong Tổng công ty.... Điều đó
khiến cho chức năng và vai trò của KTNB không được phát huy đầy đủ và là nguyên nhân quan trọng
dẫn đến những yếu kém trong kiểm soát và quản lí.
Giai đoạn sắp tới, VNSTEEL sẽ phải tham gia sâu rộng vào quá trình hội nhập với nhiều “ông lớn”
trong ngành công nghiệp thép của khu vực và thế giới. VNSTEEL phải đối mặt với nhiều rủi ro đến từ
nhiều phía bao gồm các yếu tố vĩ mô và vi mô, yếu tố kinh doanh và pháp lí, yếu tố khách quan và

chủ quan,... Trong bối cảnh môi trường hoạt động nhiều biến động, rủi ro ngày càng đa dạng và khó
nhận diện và các thủ tục kiểm soát nhanh bị lạc hậu theo thời gian, KTNB nên được tư duy đến như
một giải pháp có tính hệ thống. Để tăng cường vai trò "người trợ giúp tổ chức hoàn thành mục tiêu "
của KTNB tại Tổng công ty Thép Việt Nam, cần có sự đánh giá một cách đầy đủ, khách quan, trên cơ
sở khoa học về thực hiện chức năng KTNB trong Tổng công ty; phân tích nguyên nhân của tình trạng
đó nhằm tìm ra giải pháp nhằm tăng cường chức năng của KTNB theo xu hướng hiện đại.


Xuất phát từ những phân tích trên, nhóm nghiên cứu chúng tôi quyết định lựa chọn để thực hiện đề
tài “Tăng cường chức năng KTNB tại Tổng công ty Thép Việt Nam” với mong muốn mang đến lời
giải cho bài toán sống-còn của Tổng công ty Thép Việt Nam trong giai đoạn sắp tới.
Mục tiêu
Mục tiêu chung
Mục tiêu chung của đề tài là nghiên cứu đánh giá thực trạng và đề xuất giải pháp tăng cường
chức năng KTNB nhằm thực hiện hiệu quả công tác quản lí rủi ro, kiểm soát và quản trị nội bộ tại
Tổng công ty thép Việt Nam trong bối cảnh hội nhập.
Mục tiêu cụ thể
Mục tiêu chung được cụ thể hóa thành các mục tiêu như sau:
- Hệ thống hóa những vấn đề lí luận và thực tiễn về chức năng của KTNB hiện đại làm cơ sở cho việc
đề xuất các giải pháp và khuyến nghị trong phần sau.
- Nghiên cứu, khảo sát và đánh giá thực trạng thực hiện chức năng KTNB tại Tổng công ty Thép Việt
Nam, phân tích nguyên nhân và nhân tố ảnh hưởng đến thực trạng đó.
- Đề xuất các giải pháp và khuyến nghị nhằm tăng cường chức năng của KTNB góp phần thực hiện
hiệu quả công tác quản lí, kiểm soát tại Tổng công ty Thép Việt Nam.
Nội dung
1. Nghiên cứu tổng quan tình hình nghiên cứu trong và ngoài nước về KTNB trong doanh nghiệp
2. Nghiên cứu những vấn đề li luận về KTNB trong doanh nghiệp
3. Nghiên cứu kinh nghiệm trong nước và trên thế giới về tổ chức thực hiện chức năng KTNB trong
doanh nghiệp
4. Nghiên cứu, khảo sát những đặc điểm kinh tế-kỹ thuật-tổ chức và quản lí của Tổng công ty Thép

Việt Nam có ảnh hưởng đến chức năng của KTNB
5. Nghiên cứu khảo sát, đánh giá thực trạng thực hiện chức năng KTNB ở Tổng công ty thép Việt
Nam đồng thời phân tích nguyên nhân của thực trạng đó.
6. Sự cần thiết và phương hướng hoàn thiện chức năng KTNB tại Tổng công ty thép Việt Nam
7. Nghiên cứu đề xuất giải pháp nhằm tăng cường chức năng KTNB tại Tổng công ty thép Việt Nam và
đề xuất những khuyến nghị cho các bên liên quan.
PP nghiên cứu
Đề tài dự kiến sử dụng kết hợp giữa phương pháp nghiên cứu định tính và nghiên cứu định lượng
giản đơn.
Nghiên cứu định tính được thực hiện thông qua các phương pháp cụ thể là phỏng vấn sâu, xin ý kiến
chuyên gia, nghiên cứu tài liệu. Dự kiến các chuyên gia được phỏng vấn và hỏi ý kiến sẽ là những nhà


khoa học, nhà làm chính sách, nhà quản lí cấp cao và các kiểm toán viên, kiểm soát viên của các
doanh nghiệp trong mẫu nghiên cứu.
Nghiên cứu định lượng được thực hiện thông qua bảng hỏi nhằm khảo sát quan điểm, nhận thức của
nhà quản lí về tổ chức KTNB, mức độ thực hiện KTNB, nhu cầu của doanh nghiệp về tổ chức KTNB
trong tương lai.
Dữ liệu thứ cấp có nguồn là các công trình nghiên cứu có liên quan đã công bố trên các tạp chí, đề
tài, đề án đã nghiệm thu; dữ liệu trên trang Web chính thức của Tổng công ty Thép Việt Nam.
Dữ liệu sơ cấp được thu thập thông qua khảo sát thực tiễn bằng bảng hỏi, phương pháp chuyên gia,
phương pháp phỏng vấn sâu.
- Phỏng vấn sâu theo dạng bán cấu trúc với số lượng mẫu khoảng 12 đến 15 người tham gia. Đối
tượng tham gia được dự kiến là các nhà quản lí, chuyên gia, KTV nội bộ.
- Phương pháp tham khảo ý kiến chuyên gia dự kiến được thực hiện đối với một số nhà quản lí cấp
cao của một số doanh nghiệp; các nhà làm chính sách, các chuyên viên quản lí về kiểm toán, các nhà
khoa học chuyên ngành.
-Phương pháp khảo sát bằng bảng hỏi . Bảng câu hỏi dự kiến được gửi cho các thành viên Hội đồng
quản trị, thành viên ban giám đốc, thành viên ban kiểm soát, các KTV nội bộ và một số giám
đốc/trưởng bộ phận chức năng qua email, gửi thư và bảng hỏi trực tiếp.Mỗi câu trả lời cho từng tiêu

chí được lượng hóa thành thang đo dự kiến từ 1-5 theo cấp độ tăng dần:1- đo Likert 5 cấp độ từ “Rất
không đồng ý-Không đồng ý-Trung lập-Đồng ý-Hoàn toàn đồng ý” tương ứng với 1-5.

Hiệu quả KTXH
1/ Đối với lĩnh vực giáo dục và đào tạo
+ Kết quả khảo sát được thực hiện trong đề tài này sẽ là bước khảo sát thử với quy mô mẫu nhỏ
trước khi tiến hành khảo sát với mẫu thực của đề tài nghiên cứu sinh của chủ nhiệm đề tài. Quá trình
thực hiện sẽ là cơ hội trải nghiệm quí báu và kết quả nghiên cứu của đề tài này sẽ là cơ sở dữ liệu cho
việc thực hiện đề tài luận án tiến sĩ của tác giả.
+ Hướng dẫn sinh viên thực hiện 01 Đề tài nghiên cứu khoa học cấp trường, qua đó, trực tiếp giúp
sinh viên gắn kết giữa những vấn đề lí luận đã được học trong nhà trường với thực tiễn, khơi dạy
niềm đam mê và hình thành tư duy, phương pháp nghiên cứu khoa học cho sinh viên từ đó thúc đẩy
và định hướng nghề nghiệp cho sinh viên sau khi ra trường.
2/ Đối với lĩnh vực khoa học và công nghệ có liên quan
Các bài báo được công bố, báo cáo khoa học của đề tài sẽ là một tài liệu tham khảo hữu ích cho đông
đảo các đối tượng quan tâm (những nhà nghiên cứu, giảng viên, sinh viên, học viên cao học, nghiên
cứu sinh thuộc khối ngành kinh tế, chuyên ngành kế toán- kiểm toán-phân tích kinh doanh và những
người làm công tác quản lí, kiểm soát, kiểm toán trong doanh nghiệp)


Quan trọng hơn, kết quả nghiên cứu của đề tài sẽ làm rõ thêm một số vấn đề lí luận về KTNB hiện
đại, hệ thống hóa và góp phần làm giàu có thêm kho tàng lí luận về KTNB trong doanh nghiệp, đồng
thời mở ra định hướng cho các nghiên cứu sau.
3/ Đối với phát triển kinh tế-xã hội
Kết quả nghiên cứu cùng những khuyến nghị của đề tài sẽ góp phần hỗ trợ mạnh mẽ cho công
tác quản lí hướng đến việc gia tăng giá trị và tiếp cận mục tiêu hoạt động của các doanh nghiệp do
đó gián tiếp góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế ngành (thép)
4/. Đối với tổ chức chủ trì và các cơ sở ứng dụng kết quả nghiên cứu
Với những khuyến nghị trực tiếp tới các nhà quản trị của đơn vị được khảo sát, đề tài góp phần
hoàn thiện tổ chức KTNB và tăng cường chức năng của KTNB trong doanh nghiệp hướng tới các mục

tiêu quản lí trong môi trường hội nhập đầy biến động và rủi ro.
ĐV sử dụng
- Trường Đại học Kinh tế và QTKD
- Trung tâm học liệu thuộc Đại học Thái Nguyên
- Tổng công ty Thép Việt Nam và các doanh nghiệp thành viên, doanh nghiệp liên doanh, liên kết và
các công ty con
- Các đối tượng khác có quan tâm



×