Tải bản đầy đủ (.doc) (134 trang)

Đánh giá điều kiện tự nhiên, kinh tế xã hội, tài nguyên và môi trường cho quy hoạch định hướng không gian đới bờ tỉnh bình thuận

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (6.33 MB, 134 trang )

TRƯỜNG ĐẠI HỌC KHOA HỌC TỰ NHIÊN
KHOA ĐỊA LÝ

HỌ VÀ TÊN NCS: DƯƠNG THỊ THANH XUYẾN

DỰ THẢO LUẬN ÁN NGHIÊN CỨU SINH
Đánh giá điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội, tài nguyên và môi trường
cho quy hoạch định hướng không gian đới bờ tỉnh Bình Thuận

Chuyên ngành: Quản lý tài nguyên và Môi trường
Mã số: 62850101
Giáo viên hướng dẫn: GS. TS. Trần Nghi

HÀ NỘI, 2017
1


MỤC LỤC
MỞ ĐẦU.................................................................................................................... 3
Chương 1.................................................................................................................. 9
TÌNH HÌNH NGHIÊN CỨU VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU................................9
Chương 2................................................................................................................ 22
ĐÁNH GIÁ ĐIỀU KIỆN TỰ NHIÊN, TÀI NGUYÊN VÀ MÔI TRƯỜNG KINH TẾ - XÃ
HỘI, KHU VỰC ĐỚI BỜ TỈNH BÌNH THUẬN..........................................................22
Chương 3................................................................................................................ 82
NHỮNG MÂU THUẪN VÀ XUNG ĐỘT TRONG QUÁ TRÌNH KHAI THÁC TÀI
NGUYÊN VÀ PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI KHU VỰC ĐỚI BỜ TỈNH BÌNH
THUẬN.................................................................................................................... 82
Chương 4.............................................................................................................. 100
QUY HOẠCH ĐỊNH HƯỚNG KHÔNG GIAN ĐỚI BỜ TỈNH BÌNH THUẬN...........100
KẾT LUẬN VÀ KIẾN NGHỊ.................................................................................... 128



2


MỞ ĐẦU
1. Tính cấp thiết của đề tài
Vùng đới bờ biển nước ta có ý nghĩa quan trọng trong phát triển kinh tế xã hội của Việt Nam. Đây cũng chính là nơi phục vụ sinh kế cho 50% dân số
của nước ta đang sinh sống ở vùng ven biển. Tuy nhiên, một số công trình
nghiên cứu cho thấy quá trình phát triển vùng đới bờ biển chưa tương xứng với
tiềm năng và đang làm phát sinh nhiều tiêu cực đe dọa đến sự phát triển bền
vững, tạo xung đột lợi ích giữa các thành phần kinh tế, làm ảnh hưởng lớn đến
sự sống của hàng triệu người dân vùng ven bờ biển trên suốt dải đất hình chữ S
của nước ta.
Trước thực tiễn đang đặt ra và trên cơ sở kinh nghiệm của các quốc gia
có biển trên thế giới, Việt Nam đã có sự nhìn nhận lại và tập trung nâng cao
năng lực quản lý biển theo định hướng phát triển bền vững, hài hoà giữa kinh tế,
xã hội và môi trường theo phương thức quản lý tổng hợp tài nguyên và môi
trường khu vực đới bờ (QLTHĐB). Chương trình QLTHĐB ra đời nhằm khắc
phục những bất cập do phương thức quản lý đơn ngành, riêng rẽ đã tồn tại trong
những năm vừa qua nhằm thoả mãn nhu cầu phải điều hoà, cân bằng giữa phát
triển kinh tế với các vấn đề xã hội và bảo vệ môi trường; giải quyết có hiệu quả
các vấn đề liên quan đến khai thác, sử dụng, phòng ngừa thiên tai; bảo vệ, duy
trì những chức năng sinh thái học của đới bờ biển ở các tỉnh, thành phố trong cả
nước. Trước hết, nó gắn liền với việc sử dụng nguồn lợi tài nguyên, với việc
phòng ngừa, giảm thiểu tác hại của thiên tai, với việc bảo vệ các quá trình và
chức năng sinh thái của đới bờ và tăng cường cơ chế quản lý đa ngành, đa mục
tiêu với sự tham gia rộng rãi của cộng đồng dân cư.
Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020 đã đặt ra mục tiêu phấn đấu đưa
nước ta trở thành quốc gia mạnh về biển, làm giàu từ biển, đưa ngành kinh tế
biển trở thành nguồn thu chính trong phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam;

bảo đảm vững chắc chủ quyền, quyền chủ quyền quốc gia trên biển, đảo, góp
phần quan trọng trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Từ
mục tiêu đặt ra, đồng thời thực hiện cam kết với các chương trình phát triển
quốc tế liên quan về biển, Việt Nam đã tiến hành một loạt các hành động cụ thể
như chuẩn bị các kế hoạch sử dụng biển và vùng ven biển; đánh giá tác động
môi trường và triển khai các chương trình giám sát, lập kế hoạch phòng ngừa
những tai biến thiên nhiên và tai biến do con người gây ra; bảo tồn và phục hồi
các hệ sinh thái quan trọng.
Việt Nam cũng đang nỗ lực đưa ra những chính sách chỉ đạo quốc gia để
duy trì đa dạng sinh học và năng suất của các loài và các hệ sinh thái biển ở Biển
Đông. Mặt khác, chú trọng đưa những kiến thức sinh thái và sự hiểu biết về các
hệ thống giá trị xã hội và văn hóa truyền thống vào quản lý đới bờ và đưa các
3


cộng đồng địa phương cùng tham gia vào quá trình quản lý. Nhà nước Việt Nam
cũng đã ban hành gần 50 văn bản khung pháp lý bảo vệ môi trường biển và
phòng chống ô nhiễm biển. Một loạt chương trình trong nước và hợp tác quốc tế
về QLTHĐB giữa Việt Nam với Thuỵ Điển, Ấn Độ, Hà Lan… đã được triển
khai. Trong chính sách của mình, Việt Nam đang tăng cường nỗ lực để giải
quyết vấn đề ô nhiễm biển do các nguồn ô nhiễm từ cả nội địa ra và ngoài biển
vào. Việt Nam đang coi trọng phương pháp phòng ngừa hơn là biện pháp phản
ứng để ngăn chặn suy thoái môi trường biển.
Các lĩnh vực được ưu tiên là tăng cường quy hoạch phát triển và quản lý,
phòng chống ô nhiễm: kiểm soát nước thải, quản lý các lưu vực sông, đới ven bờ,
kiểm soát ô nhiễm từ các nguồn thải nội địa và kiểm soát các nguồn thải chất hóa
học do con người, kiểm soát các hoạt động quá mức như nghề cá, nuôi trồng hải
sản, du lịch biển, bảo vệ đa dạng sinh học, chú trọng sử dụng hợp lý tài nguyên
thiên nhiên, thích ứng với bối cảnh biến đổi khí hậu toàn cầu... Đặc biệt, Việt
Nam cũng đã ban hành và thực hiện tốt Chương trình quản lý tổng hợp dải ven

biển vùng Bắc Trung bộ và Duyên hải Trung bộ theo Quyết định số
158/2007/QĐ-TTg ngày 9/10/2007 của Thủ tướng Chính phủ với mục tiêu được
đặt ra là tăng cường năng lực quản lý, bảo vệ, sử dụng và khai thác tài nguyên,
môi trường, phục vụ phát triển bền vững các tỉnh, thành phố vùng Bắc Trung bộ
và Duyên hải Trung bộ thông qua áp dụng phương pháp quản lý tổng hợp đới bờ.
Vậy, khái niệm về quản lý tổng hợp tài nguyên và môi trường đới bờ là
gì? Quá trình hình thành và áp dụng quản lý tổng hợp tài nguyên và môi trường
đới bờ trên thế giới như thế nào sẽ được tổng hợp, nghiên cứu trong phạm vi
luận văn này. Trên cơ sở đó, tác giả cũng nghiên cứu, tổng hợp về quản lý tổng
hợp tài nguyên và môi trường của vùng đới bờ của Việt Nam nói chung và ứng
dụng kết quả vào quản lý cho một vùng cụ thể là vùng đới bờ tỉnh Bình Thuận
nói riêng. Đó cũng chính là mục tiêu, nội dung nghiên cứu của luận văn “Đánh
giá điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội, tài nguyên và môi trường cho quy hoạch
định hướng không gian đới bờ tỉnh Bình Thuận”.
2. Mục tiêu nghiên cứu
- Đánh giá được hiện trạng điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội, tài nguyên
và môi trường của đới bờ tỉnh Bình Thuận, từ đó chỉ ra những thuận lợi và khó
khăn trong phát triển kinh tế đối với việc bảo vệ môi trường.
- Phát hiện các mâu thuẫn và xung đột giữa khai thác khoáng sản Titan
với bảo vệ tài nguyên du lịch, đề xuất giải pháp khắc phục đảm bảo phát triển
kinh tế bền vững cho tỉnh Bình Thuận.
- Xác lập được cơ sở khoa học về điều kiện tự nhiên, tài nguyên và kinh tế
xã hội định hướng quy hoạch không gian đới bờ tỉnh Bình Thuận theo quan
điểm phát triển bền vững kinh tế - xã hội và bảo vệ môi trường.
4


3. Nhiệm vụ nghiên cứu
a) Nghiên cứu, đánh giá điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội, tài nguyên và
môi trường và thể chế quản lý khu vực đới bờ tỉnh Bình Thuận, gồm:

- Điều kiện tự nhiên (tổng hợp các thông tin về điều kiện địa chất; đặc
điểm địa mạo - địa hình và xu thế biến động; đặc điểm khí hậu; các đặc trưng
địa hệ các hệ sinh thái và xu hướng biến động).
- Điều kiện kinh tế - xã hội (thực trạng phát triển công nghiệp; thực trạng
phát triển nông nghiệp, lâm nghiệp; thực trạng phát triển thuỷ sản; thực trạng
văn hóa và du lịch).
- Tài nguyên và môi trường (tài nguyên địa chất và khoáng sản; tài
nguyên đất; tài nguyên rừng; tài nguyên sinh thái; ngư trường nước trồi và tài
nguyên thuỷ sản; tài nguyên vị thế; tài nguyên du lịch).
b) Nghiên cứu, đánh giá các xung đột giữa phát triển du lịch và khai thác
khoáng sản khu vực đới bờ tỉnh Bình Thuận gồm:
- Xác định hiệu quả kinh tế giữa việc phát triển du lịch và việc khai thác
khoáng sản tại khu vực đới bờ tỉnh Bình Thuận theo quan điểm phát triển bền
vững.
- Những xung đột giữa bảo vệ cảnh quan du lịch và khai thác khoáng sản
làm mất cảnh quan tự nhiên và suy thoái môi trường.
c) Định hướng quy hoạch không gian đới bờ tỉnh Bình Thuận theo quan
điểm phát triển bền vững kinh tế và đảm bảo chất lượng môi trường.
Xây dựng bản đồ quy hoạch định hướng không gian đới bờ tỉnh Bình Thuận.
d) Đề xuất các cơ chế chính sách và các giải pháp quản lý
- Chính sách quản lý giải quyết xung đột giữa phát triển du lịch và phát
triển khai thác khoáng sản titan.
- Chính sách về môi trường: Đề xuất hoàn thiện hoặc xây dựng mới các
chính sách tổng thể về bảo vệ và từng bước cải thiện chất lượng môi trường,
ngăn chặn và đẩy lùi xu hướng gia tăng ô nhiễm tại khu vực nghiên cứu.
- Chính sách về đầu tư các dự án: Trên cơ sở kết quả đánh giá mức chịu tải
về môi trường, đề xuất các chính sách về đầu tư các dự án phù hợp mức độ chịu
tải của môi trường nhưng vẫn đảm bảo phát triển kinh tế tại khu vực nghiên cứu.
- Chính sách về quản lý tổng hợp đới bờ: theo quan điểm phát triển bền
vững nhằm hài hoà giữa việc phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường tại khu vực

nghiên cứu.
4. Phạm vi nghiên cứu
Đề tài luận án nghiên cứu trong phạm vi đới bờ tỉnh Bình Thuận gồm:
4.1. Vùng đất liền: trong phạm vi đã từng xảy ra quá trình tương tác lục
địa-biển bao gồm 6 huyện/thị và thành phố có biển gồm các huyện: Tuy Phong,
5


Bắc Bình, Hàm Thuận Nam và Hàm Tân, huyện đảo Phú Quý, thị xã La Gi và
thành phố Phan Thiết. Một số khu vực không nằm trong vùng tập trung nghiên
cứu lập Kế hoạch phân vùng, nhưng thuộc đới bờ quan tâm, như Khu Bảo tồn
thiên nhiên Núi Ông, cũng được đề cập đến trong sơ đồ phân vùng.
4.2.Vùng ngập nước ven biển: là vùng biển ven bờ của Tỉnh cách bờ
không quá 6 hải lý. Tuy nhiên, phạm vi trên mang tính tương đối; phụ thuộc vào
hoạt động kinh tế - xã hội, có thể là một phần của đới bờ và cũng có thể vượt ra
khỏi ranh giới đới bờ để đảm bảo tính tương hỗ và thống nhất của hệ sinh thái.
5. Luận điểm bảo vệ
5.1.1. Luận điểm thứ nhất
Quá trình phát triển kinh tế xã hội khu vực đới bờ tỉnh Bình Thuận theo
quan điểm phát triển bền vững sẽ nảy sinh 4 xung đột cơ bản: 1) xung đột giữa
khai thác khoáng sản với phát triển du lịch; 2) xung đột giữa khai thác khoáng
sản với bảo vệ môi trường bền vững; 3) xung đột giữa phát triển du lịch với tai
biến thiên nhiên (xói lở bờ biển, sa mạc hóa, cồn cát di động,..). Các xung đột
này sẽ được giải quyết thông qua bài toán chi phí-lợi ích hiện tại và lâu dài làm
cơ sở đề xuất các giải pháp phát triển kinh tế bền vững.
5.1.2. Luận điểm thứ hai
Trên cơ sở tích hợp 5 hệ sinh thái, giải quyết xung đột trong quá trình
phát triển kinh tế- xã hội và tính toán chi phí lợi ích khai thác các dạng tài
nguyên đặc thù có thể xây dựng mô hình quy hoạch định hướng phát triển bền
vững đới bờ tỉnh Bình Thuận gồm 10 đơn vị kinh tế xếp theo mức độ ưu tiên

như sau: Kinh tế du lịch (45%); Kinh tế Thủy sản (38%); Công nghiệp chế biến
(7%); Trồng cây ăn quả (7%); Nông nghiệp và trồng cây ăn quả (9%); Năng
lượng (gió, mặt trời, sóng và thủy triều) (5%); Các đơn vị kinh tế còn lại (6%).
6. Điểm mới của luận án
6.1.1. Đánh giá được nguồn gốc, tuổi và điều kiện thành tạo của 3 loại cát
ven biển Bình Thuận: cát đỏ, cát vàng đỏ loang lổ, cát vàng rơm và cát trắng
- Cả 3 loại cát có nguồn gốc biển (m) thuộc tướng đê cát ven bờ (sand
barier bar) thành tạo trong pha biển tiến động lực chủ yếu là sóng ven bờ.
- Cát đỏ có tuổi Pleistocen sớm (Q 11) đến Pleistocen giữa (Q12), cát vàng
đỏ loang lổ có tuổi Pleistocen muộn phần sớm (Q 13a). Cát vàng rơm có tuổi
Pleistocen muộn phần muộn (Q13b), cát trắng có tuổi Holocen sớm- giữa (Q21-2).
- Cát có nguồn gốc biển-gió tuổi Pleistocen muộn-Holocen có địa hình
gò đồi lượn sóng do gió tái tạo cát biển trong pha biển thoái do ảnh hưởng của
băng hà Wurm 2.
6.1.2. Xác định được các lợi thế và hạn chế trong định hướng quy hoạch
phát triển kinh tế bền vững tỉnh Bình Thuận
6


Ba lợi thế: (1) Môi trường nước trồi tạo một ngư trường lớn trên biển; (2)
Cao nguyên cát đỏ kỳ vĩ là tài nguyên du lịch có giá trị kinh tế lớn và bền vững
và (3) Trữ lượng khổng lồ về sa khoáng ilmenit là tiềm năng lớn cho phát triển
công nghiệp khai thác và chế biến khoáng sản.
Ba hạn chế: (1) Xói lở bờ biển mạnh làm biến động và giảm chất lượng
bãi tắm; (2) Khí hậu khô nóng sa mạc hóa, cát bay, cát chảy, cát lấn đồng ruộng;
(3) Thiếu nước cho sinh hoạt và hoạt động kinh tế.
6.1.3. Xác định cơ chế, nguyên nhân và tốc độ xói lở bờ biển những khu
đang khai thác làm bãi tắm chất lượng cao, đề xuất các giải pháp giảm thiểu
năng lượng sóng từ xa như làm các đê ngầm nhân tạo song song với bờ và các
mỏ hàn dạng tombolo chuyển xói lở sang bồi tụ.

6.1.4. Phát hiện một số nhóm xung đột trong định hướng quy hoạch phát
triển kinh tế bền vững và đề xuất giải pháp quản lý
- Xung đột giữa khai thác chế biến khoáng sản ilmenit và suy thoái môi
trường: thu hẹp đất nông nghiệp, biến động địa hình, phá hủy lớp phủ cây xanh,
cạn kiệt và ô nhiễm nguồn nước.
- Xung đột giữa việc bảo vệ cao nguyên cát đỏ và môi trường du lịch với
việc khai thác khoáng sản.
- Xung đột giữa các nhóm lợi ích: Cộng đồng dân cư, Doanh nghiệp và Nhà
nước.
6.1.5. Phát hiện sự xung đột giữa các nhóm lợi ích do khai thác khoáng sản:
giữa Doanh nghiệp với cộng đồng dân cư, giữa Nhà nước với doanh nghiệp.
6.1.6. Đề xuất các giải pháp
7. Ý nghĩa thực tiễn của luận án
7.1. Ý nghĩa khoa học
- Luận án làm sáng tỏ mối quan hệ giữa tính đa dạng địa chất Đệ Tứ và
địa mạo với sự phân hóa các địa hệ, hệ sinh thái và các dạng tài nguyên.
- Luận án sẽ đóng góp quan trọng cho việc hoàn thiện lý luận về quản lý
tổng hợp đới bờ, định hướng quy hoạch không gian của đới bờ là dựa trên đánh
giá tổng hợp điều kiện tự nhiên, tài nguyên-môi trường và tai biến thiên nhiên.
- Xây dựng hệ phương pháp nghiên cứu về đánh giá sức chịu tải và
phương pháp lập bản đồ quy hoạch không gian đới bờ lấy phát triển du lịch làm
trọng tâm.
7.2. Ý nghĩa thực tiễn
- Đánh giá đúng giá trị tài nguyên du lịch và khai thác khoáng sản trong
các chương trình phát triển kinh tế xã hội của tỉnh Bình Thuận.
- Các hệ sinh thái ven bờ (Đồng bằng vũng vịnh; Thềm cát, cồn cát và đê
cát ven bờ; Bãi triều; Trầm tích đáy; Nước trồi) có khả năng chịu tải cao đối với
7



hoạt động kinh tế-xã hội.
- Các hệ sinh thái đó có mối quan hệ tác động qua lại hết sức chặt chẽ. Vì
vậy, rất thuận lợi cho việc đề xuất các giải pháp và mô hình quản lý tổng hợp.
- Đề xuất được định hướng quy hoạch không gian đới bờ của vùng nghiên
cứu làm cơ sở để xây dựng bản đồ quy hoạch định hướng không gian đới bờ tỉnh
Bình Thuận.
8. Bố cục của luận án
Mở đầu
Chương 1: Tình hình nghiên cứu và phương pháp nghiên cứu
Chương 2: Đánh giá điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội và tài nguyên môi trường khu vực đới bờ tỉnh Bình Thuận
Chương 3: Những vấn đề xung đột trong quá trình khai thác tài nguyên và
phát triển kinh tế-xã hội
Chương 4: Quy hoạch định hướng không gian đới bờ tỉnh Bình Thuận
Kết luận, kiến nghị

8


Chương 1
TÌNH HÌNH NGHIÊN CỨU VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU

1.1. Tổng quan về quy hoạch định hướng không gian và quản lý môi
trường đới bờ biển trên thế giới
Quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa diễn ra nhanh chóng và đem lại
sự tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ cho toàn nhân loại. Tuy nhiên cùng với đó là
những vấn đề môi trường nghiêm trọng mà chúng ta đang phải đối mặt. Đứng
trên bờ vực của sự sống còn, mỗi quốc gia đã đi tìm những quyết sách riêng cho
mình. Từ đó, quản lý tổng hợp đới bờ biển (QLTHĐB) và quy hoạch không gian
biển (QHKGB) được nghiên cứu và áp dụng ngày càng phổ biến. Thực hiện tốt
hai công cụ này sẽ phát huy được một cách có hiệu quả tính quản lý đa ngành,

đa chiều, góp phần làm ổn định và bảo vệ môi trường bền vững cho khu vực đới
bờ, điều này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với các quốc gia giáp biển trên
thế giới.
Quy hoạch môi trường đới bờ biển là khái niệm đã được manh nha tại Mỹ
vào những năm 60 của thế kỷ 19, đó là khi các quốc gia bắt đầu quan tâm đến
các thông số môi trường trong quá trình xây dựng chiến lược phát triển. Lý
thuyết về quy hoạch môi trường được phát triển liên tục từ nhà xã hội học người
Pháp, Le Play đến nhà quy hoạch Scotlen, Sir Patrick Geddes và sau đó là người
học trò của ông, Lewis Mumford người Mỹ và sau này là Ian McHarg [3]. Dân
cư dần trở nên đông đúc hơn thúc đẩy hoạt động khai thác tài nguyên thiên
nhiên ven biển để phục vụ cho sản xuất và sinh hoạt hàng ngày. Giữa thế kỉ 19
cũng là thời điểm bắt đầu của cuộc cách mạng công nghiệp ở châu Âu, vùng ven
biển bị khai thác một cách mạnh mẽ, trở thành các khu đô thị hoặc đất sản xuất
nông nghiệp. Dưới sức ép của việc tìm kiếm lợi nhuận kinh tế trước mắt, các
vấn đề môi trường và sự khan hiếm tài nguyên không phải là vấn đề mà thị
trường quan tâm. Do đó, vai trò của khoa học môi trường và các nhà quy hoạch
lúc bây giờ ít gây được sự chú ý của công chúng.
Đến thế kỷ 20, khi nền công nghiệp đạt được sự tăng trưởng nhất định, con
người bắt đầu nghiên cứu, nhận thức được tiềm năng có hạn của khu vực đới bờ
biển và các vấn đề ô nhiễm môi trường nảy sinh. Từ thập kỷ 40 đến 60, các yếu tố
môi trường được đưa vào trong quy hoạch phát triển vùng ven biển của các quốc
gia: Úc (1941), Mỹ (1945). Ở châu Á, quy hoạch phát triển vùng phát triển nhất là
tại Nhật Bản (1957), điển hình là quy hoạch phát triển cho các vùng nông thôn
kém phát triển nhằm đạt được việc sử dụng hiệu quả đất và các nguồn tài nguyên.
9


Một số quy hoạch vùng ở các nước châu Á khác xuất hiện muộn hơn, có thể kể
đến như: Chương trình phát triển tài nguyên nước của Ủy ban phát triển Gal Oya
(1949), Quy hoạch phát triển thống nhất tài nguyên nước lưu vực sông Mekong

(1957) tại Campuchia, Lào, Thái Lan và Việt Nam, chương trình di cư (1950 –
1987) và các nghiên cứu quy hoạch lưu vực sông ở Indonesia [34].
Hiện nay một số tổ chức quốc tế như WB, ADB,… đã ban hành nhiều tài
liệu giới thiệu kinh nghiệm, cung cấp thông tin và hướng dẫn về QHMT ở nhiều
nước trên thế giới. Trong thời gian qua, ADB đã xuất bản các tài liệu liên quan đến
quản lý và QHMT, tài nguyên thiên nhiên tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương
như “Hướng dẫn quy hoạch thống nhất phát triển kinh tế kết hợp với môi trường
vùng – Tổng quan về các nghiên cứu quy hoạch phát triển môi trường vùng tại
châu Á”; “Hướng dẫn quy hoạch thống nhất phát triển kinh tế kết hợp với môi
trường vùng” và “Quy hoạch xây dựng quy hoạch môi trường vùng” [34].
Cuối thế kỉ 19, QHMT có những bước tiến mới, thể hiện ở việc một số
nước đã thực hiện các đạo luật và quy định về QHMT, như ở Hồng Kông,
“Hướng dẫn quy hoạch môi trường” có nhiệm vụ cung cấp thông tin cho các
dạng sử dụng đất thích hợp cho các quy hoạch phát triển. Tại Úc, đạo luật
QHMT và đánh giá tác động môi trường đã được ban hành năm 1997. Từ đó cho
đến nay, QHMT dần trở thành một trong những nội dung quan trọng trong các
chương trình quản lý ven biển.
Quy hoạch không gian biển (QHKGB) được phát triển từ ý tưởng quản lý
công viên biển quốc tế “Dải san hô lớn – Great Barrier Reef” theo phân vùng
chức năng (function zoning) ở Australia cách đây khoảng 30 năm. Theo đó, các
nhà quy hoạch chia không gian biển ở đây thành 07 phân khu để quản lý, sử
dụng hiệu quả và thích ứng với bản chất tự nhiên của từng phân khu, bao gồm:
(1) Phân khu sử dụng chung; (2) Phân khu bảo tồn nơi cư trú; (3) Phân khu bảo
tồn cửa sông; (4) Phân khu công viên bảo tồn; (5) Phân khu đệm; (6) Phân khu
vườn quốc gia; (7) Phân khu bảo vệ nghiêm ngặt. Các hoạt động khai thác tài
nguyên biển sẽ được quy định được phép hay không được phép tùy theo phân
khu. Nhờ những hiệu quả đem lại, những năm sau đó, phân vùng chức năng
được áp dụng rộng rãi trong các hoạt động quản lý hệ thống các khu bảo tồn
biển (Marine Protected Area) toàn cầu, khu vực và các quốc gia ([35]; tr. 39, 40,
41). Trong suốt tiến trình phát triển, QHKGB cũng đã được xác định bằng các

văn bản pháp lý đầu tiên tại Mỹ. Năm 1972, Chính phủ Mỹ thông qua Bộ luật về
vùng bờ trong đó áp dụng phân vùng vùng bờ trong sử dụng đa ngành. Sau đó,
vào năm 1982, Công ước Luật biển được xác lập đã đưa ra cách tiếp cận quản lý
biển và đại dương theo không gian mang tầm quốc tế ([35]; tr 41). QHKGB từ
đây đã có những bước phát triển mới về phương pháp luận và ứng dụng thực
tiễn trên toàn thế giới. Tháng 12/2004, Cục Môi trường, Thực phẩm và các Vấn
10


đề nông thôn Vương Quốc Anh (DEFRA) đã nghiên cứu lựa chọn xây dựng và
áp dụng QHKGB tại vùng ven biển và vùng biển ven bờ của Anh ([35], tr.14).
Đáp ứng vấn đề được quan tâm rộng khắp, UNESCO cũng đã tổ chức một Hội
thảo quốc tế lần thứ nhất bàn về QHKGB vào tháng 11 năm 2006 và liên tục hỗ
trợ, phát triển QHKGB trở thành phương thức khả thi để quản lý biển trong lâu
dài ([35], tr. 42).
Ngày 28 tháng 5 năm 2008, Thống đốc Bang đã ký Bộ luật Biển của Bang
Massachusetts để phát triển thêm một kế hoạch quản lý toàn diện cho việc phát
triển bền vững tài nguyên biển, trong đó QHKGB là một trong 9 nội dung của
luật. Hai năm sau đó, vào tháng 7 năm 2010, nhóm đặc trách về Chính sách Đại
dương liên ngành Hoa Kỳ đã kiến nghị lên Thượng viện thông qua Các khuyến
nghị về quản trị đại dương trong đó có chương riêng về “Khuôn khổ QHKGB và
vùng bờ hiệu quả” ([35], tr. 41). Tiếp sau Hoa Kỳ, các nước thuộc cộng đồng
châu Âu cũng đã có những nghiên cứu riêng biệt về QHKGB, làm cơ sở cho việc
áp dụng trong thực tiễn có thể kể đến như: Nhóm nghiên cứu của KGB. Fanny
Douvere (2006) đã giới thiệu vai trò của QHKGB trong quản lý biển thông qua
trường hợp thử nghiệm ở Bỉ, giới thiệu tầm quan trọng của QHKGB trong việc
tăng cường quản lý sử dụng biển dựa vào hệ sinh thái; Fanny Douvere và Charles
N. Ehler (2008) đề cập những triển vọng mới về quản lý sử dụng biển với những
phát hiện ban đầu từ kinh nghiệm QHKGB ở châu Âu; Hay Henio O. Fock (2008)
thuộc Viện Nghệ cá biển, Hamburg, Đức đã bàn về nghề cá trong bối cảnh

QHKGB trên cơ sở xác định các vùng cơ bản cho hoạt động nghề cá trong phạm
vi vùng đặc quyền kinh tế của Đức ([35], tr.44)…
Ở Đông Á, QHKGB vùng ven bờ là một hoạt động thực tế đã có từ
khoảng 20 năm trước tại các quốc gia thành viên. Kế hoạch phân vùng đã được
áp dụng thành công tại thành phố Hạ Môn (Trung Quốc), Batangas của Philipin
và Đã Nẵng (Việt Nam). Tuy nhiên đây mới chỉ là thành công bước đầu, các vấn
đề môi trường xảy ra ở đới bờ ngày càng nghiêm trọng do biến đổi khí hậu làm
cho mực nước biển dâng lên, vì vậy, công tác QHKGB cần phải nhận được sự
nỗ lực, hợp tác hơn nữa giữa các quốc gia Đông Á. Trên cơ sở đó, Cơ quan phát
triển quốc tế Thụy Điển (Sida), Cơ quan Điều phối các biển Đông Á (COBSEA)
cùng với sự hỗ trợ của Chương trình Môi trường của Liên hợp quốc đã xúc tiến
đề tài QHKGB cho các quốc gia khu vực biển Đông Á (2011 – 2013) với 03 giai
đoạn: (1) Xây dựng “Hướng dẫn Quy hoạch không gian vùng bờ khu vực biển
Đông Á: Tích hợp các vấn đề nổi bật và cách tiếp cận quản lý hiện đại”; (2) Xin
ý kiến góp ý của các quốc gia thành viên của COBSEA về dự thảo bản hướng
dẫn; (3) Chuyển sang văn bản hướng dẫn quốc gia về QHKG biển và vùng bờ
biển. Đây là một trong những tài liệu quan trọng cung cấp khung pháp lý cho
các nước tại khu vực biển Đông Á để điều chỉnh quy hoạch không gian liên
11


vùng, liên quốc gia ([35], tr. 43, 44).
Đến nay, QHKGB đã được nghiên cứu và ứng dụng sâu rộng ở khắp các
quốc gia trên thế giới. Theo Ủy ban Hải dương học Liên Chính phủ của
UNESCO (Ehler & Douvere 2007), quy hoạch không gian biển (QHKGB) được
định nghĩa là “một quá trình phân tích và phân bổ các phần của không gian biển
ba chiều cho các mục đích sử dụng cụ thể, để đạt được các mục tiêu sinh thái,
kinh tế và xã hội thường được xác định thông qua tiến trình chính trị; kết quả
của quá trình QHKGB thường là một kế hoạch tổng thể toàn diện cho một vùng
biển. QHKGB là một phần của quản lý sử dụng biển”. Đây là định nghĩa được

sử dụng nhiều nhất trong chiến lược quản lý biển của nhiều quốc gia (Charles
N.Ehler, [32], tr.11).
Quy hoạch không gian biển là công cụ quan trọng của quản lý dựa trên hệ
sinh thái. Nó bao gồm những vai trò chủ yếu sau ([32], tr. 12):
- Xem xét mức độ quan trọng và yêu cầu bảo tồn của các phân vùng khác
nhau để có phương pháp khai thác và sử dụng tài nguyên biển có hiệu quả.
- Thay đổi dần nhận thức và hành vi của con người trong việc đảm bảo
hài hòa với môi trường biển, vì chúng ta không thể kiểm soát được tự nhiên.
- Cung cấp phương pháp luận, cơ sở pháp lý cho hệ thống thông tin khoa
học hiện đại như viễn thám, công nghệ theo dõi và định vị toàn cầu… để làm cơ
sở cho việc ra quyết định.
- Quản lý đa ngành, đa chiều, đưa ra các quyết định tổng hợp thay cho
quản lý đơn ngành như trước.
- Thiết lập được quy hoạch dài hạn với sự minh bạch trong việc lập kế
hoạch và phân bổ nguồn lực đối với cả nhà phát triển và nhà quản lý môi trường,
đảm bảo thực hiện tốt các cam kết quốc tế đối với các quốc gia chung vùng biển.
Để có hiệu quả, QHKGB cần được thực hiện như một quá trình liên tục, lặp
đi lặp lại, thích ứng và bao gồm ít nhất ba giai đoạn diễn ra liên tục ([32], tr.14):
(1) Quy hoạch và phân tích: Xây dựng và áp dụng một hoặc nhiều quy
hoạch không gian tổng thể cho việc bảo vệ, tăng cường và sử dụng bền vững
cho việc phát triển biển và tài nguyên biển. Giai đoạn này dựa trên một tập hợp
các sáng kiến nghiên cứu (có cả vẽ bản đồ) nhằm giải quyết các quá trình của
môi trường và con người;
(2) Thực hiện: Thông qua tổ chức triển khai các đầu tư hoặc công việc
theo chương trình, tạo điều kiện cho sự thay đổi, khuyến khích cải thiện hoặc
thông qua các quy định, ưu đãi và thực thi những thay đổi đã đề xuất và các hoạt
động đang diễn ra ở đáy biển, trong cột nước biển và bề mặt biển phù hợp với
các kế hoạch đã đề ra;
(3) Giám sát và đánh giá: Đánh giá hiệu quả của các kế hoạch, khung thời
12



gian và cơ chế thực hiện, xem xét các phương thức cần để cải thiện và xây dựng
các quy chế đánh giá và điều chỉnh. Các kết quả đánh giá sẽ được phản hồi và sử
dụng trong giai đoạn quy hoạch và phân tích và quá trình lại lặp lại từ đầu.
Cùng với quy hoạch môi trường, quản lý môi trường đới bờ biển
(QLĐBB) cũng được hình thành song song và phát triển qua các giai đoạn lịch
sử. QLĐBB bắt đầu được quan tâm khi con người nhận thức được sự khan hiếm
và sức chịu tải của môi trường biển. QLĐBB lúc này dưới hình thức quản lý
sinh thái ven biển được đánh dấu bằng việc thành lập các công viên biển ở châu
Âu vào năm 1930. Đến thập kỷ 70 của thế kỉ 20, khái niệm QLĐBB chính thức
được đề cập với sự ra đời của Bộ luật quản lý đới bờ biển của Mỹ vào năm
1972. Tiếp sau Mỹ, chính phủ các nước cũng xây dựng những chương trình
quản lý tài nguyên biển, quản lý ô nhiễm môi trường, bảo vệ đa dạng sinh thái,
… Kể từ năm 1983, thông qua sự hỗ trợ của Tổ chức Phát triển Quốc tế của Mỹ
(USAID), mô hình quản lý vùng bờ của Mỹ đã được ứng dụng ở nhiều nước
đang phát triển tại châu Mỹ La tinh và Đông Á. Các quỹ hỗ trợ của Mỹ đã chọn
Ecuado, Sri Lanka và Thái Lan là các nước thực hiện thí điểm. Hội thảo đầu tiên
về Quản lý tài nguyên vùng đới bờ ở Nam và Trung Mỹ được tổ chức tại Mar
del Plata (Argentina) vào năm 1984. QLĐBB trong thời gian này mang tính chất
đơn lẻ, tách biệt giữa các ngành, do đó, nó không phát huy được hiệu quả mong
muốn cho các nhà quản lý chính sách. Do đó, QLTHĐBB đã ra đời nhằm khắc
phục những nhược điểm của quản lý môi trường nói chung, công cụ này đã nhận
được sự hưởng ứng của nhiều nước, trước hết là các quốc gia giáp biển.
Định nghĩa về quản lý tổng hợp đới bờ được đề cập nhiều hơn kể từ sau
Hội nghị về Môi trường và Phát triển của Liên Hợp quốc (UNCED) được tổ
chức vào năm 1992. Định nghĩa về QLTHĐB là phần tổng hợp của Chương 17
(chương về đại dương và bờ biển) của Chương trình Nghị sự 21, đây là kế hoạch
hành động bao quát do UNCED xây dựng. Việc chấp thuận Chương trình Nghị
sự 21, sự ủng hộ cao của các nhà tài trợ, các cơ quan chính phủ và các cơ quan

Liên Hợp quốc trong hai thập kỷ qua là nhờ sự gia tăng nhanh của các dự án
quản lý tài nguyên và môi trường vùng đới bờ ở các nước đang phát triển. Kể từ
đó, QLTHĐB ngày càng được ứng dụng rộng khắp trên thế giới. Các hướng dẫn
về QLTHĐB được mở rộng và cập nhật năm 1993 tại Hội thảo ĐBB, tổ chức tại
Hà Lan. Kết quả là năm 1993 chỉ có 217 điểm áp dụng QLTHĐB, con số này đã
tăng lên gấp 3 lần chỉ trong vòng 9 năm, đạt 700 điểm áp dụng QLTHĐB vào
năm 2002 (Sorensen, 2002). Con số này bao gồm cả cấp quốc gia, khu vực và
quốc tế. Các điểm áp dụng này bao gồm toàn bộ các vùng trên thế giới, các cấp
chính phủ, các thành phần kinh tế, các chế độ chính trị và các vấn đề của vùng
đới bờ. Có khoảng 100 quốc gia trên thế giới hiện nay đang áp dụng QLTHĐB.
Cho đến nay, có rất nhiều chương trình lớn về QLTHĐB được xây dựng
13


và thực hiện, như Chương trình khung QLTHĐB của Cộng đồng châu Âu;
Chương trình quản lý tài nguyên biển châu Mỹ La Tinh và vùng Caribê; Chương
trình QLTH biển Hắc Hải; Chương trình đới bờ của Mỹ; Chương trình khung
quản lý đới bờ Vương Quốc Anh; Chương trình QLTHĐB của các nước Cộng
hòa Tanzania, Maldives, Liên bang Đức; Chương trình QLTHĐB vùng Victoria
(Úc), Cape Town (Nam Phi); Chương trình Các biển Đông Á. Các chương trình
nêu trên nói chung đều đề cập đến những vấn đề chính tại đới bờ, bao gồm:
Giảm thiểu các mâu thuẫn sử dụng đa ngành, đa mục tiêu tại đới bờ; Bảo tồn và
bảo vệ tính đa dạng sinh học và các tài nguyên thiên nhiên; Phục hồi, duy trì các
tài nguyên và các giá trị lịch sử, văn hoá tại đới bờ; Hỗ trợ phát triển bền vững,
đặc biệt là các ngành kinh tế liên quan đến biển; Giảm đói nghèo, cải thiện đời
sống các cộng đồng cư dân ven biển.
Có nhiều quan điểm khác nhau về quản lý tổng hợp tài nguyên và môi
trường đới bờ. Tiếp cận từ khái niệm tổng quát, Bower, Ehler, và Bastar cho
rằng: “Quản lý tổng hợp được xem là một quá trình liên tục, tương tác, có sự
tham gia, và đồng thuận thực hiện các nhiệm vụ quản lý đặt ra nhằm đạt được

các mục đích và mục tiêu quản lý ở các cấp độ khác nhau”. Hay khái niệm của
Cicin-Saint và Knecht: “Quản lý tổng hợp vùng bờ có thể được định nghĩa là
một tiến trình liên tục và năng động mà thông qua đó các quyết định sẽ được
thông qua nhằm hướng đến sử dụng bền vững, phát triển, và bảo vệ vùng bờ, đại
dương và nguồn tài nguyên của chúng” (Hồ Nhân Ái, 2009) [37]. Tuy nhiên,
khái niệm được nhiều người công nhận và sử dụng là của TS. Chua Thia - Eng.
Theo Chua Thia - Eng, quản lý tổng hợp tài nguyên và môi trường đới bờ là
"một khung quản lý môi trường và tài nguyên thiên nhiên sử dụng cách tiếp cận
mang tính toàn diện, tổng hợp và một quá trình lập kế hoạch tương tác để giải
quyết các vấn đề quản lý phức tạp tại vùng đới bờ".
QLTHĐB là phương thức quản lý nhằm đạt hiệu quả cao trong sử dụng
tài nguyên và giá trị chung tại đới bờ, giảm thiểu các tác động có hại đến con
người và môi trường, trên cơ sở hài hòa lợi ích giữa các ngành, cơ quan và các
bên liên quan. QLTHĐB hướng đến mục tiêu phát triển bền vững với ba trụ cột
lớn: kinh tế, xã hội và môi trường. Nó vừa đảm bảo khi thác tài nguyên đem lại
giá trị kinh tế, vừa tạo sinh kế ổn định cho người dân địa phương vùng bờ, đồng
thời ngăn chặn, phòng ngừa các vấn đề ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.
Chính vì thế, cùng với QHKGB, QLTHĐB ngày càng có vai trò quan trọng đối
với chiến lược phát triển kinh tế trong dài hạn của các quốc gia.

14


1.2. Tổng quan về nghiên cứu quy hoạch định hướng không gian và
quản lý môi trường đới bờ biển Việt Nam và tỉnh Bình Thuận
1.2.1. Đối với đới bờ Việt Nam
Việt Nam là một quốc gia giáp biển với đường bờ biển trải dài 3260 km,
có tổng diện tích biển gấp khoảng ba lần diện tích đất liền (khoảng trên 1 triệu
km2) và đây là khu vực sinh sống, nguồn sinh kế cho hàng triệu người dân. Vì
thế biển luôn được đặt trong vị trí quan trọng đối với chiến lược phát triển kinh

tế của đất nước trong dài hạn. Để đạt được mục tiêu bền vững cho quốc gia thì
phát triển kinh tế biển bền vững là điều kiện không thể thiếu trong các chính
sách, chiến lược của các nhà quản lý. Trong thời gian gần đây, quy hoạch môi
trường (QHMT) (tập trung vào quy hoạch định hướng không gian) và quản lý
môi trường đới bờ biển là công cụ hàng đầu để đáp ứng mục tiêu nêu trên.
Ở Việt Nam, quy hoạch môi trường là khái niệm do Cục môi trường thuộc
Bộ Khoa học Công nghệ và Môi trường đưa ra trong tài liệu hướng dẫn về
Phương pháp luận quy hoạch môi trường (12/1998), đó là “quá trình sử dụng có
hệ thống các kiến thức khoa học để xây dựng các chính sách và biện pháp trong
khai thác và sử dụng hợp lý tài nguyên và bảo vệ môi trường nhằm định hướng
các hoạt động phát triển trong khu vực, đảm bảo mục tiêu phát triển bền vững”.
QHMT tập trung vào việc phân vùng chức năng để quản lý môi trường theo
không gian lãnh thổ. QHMT xuất hiện ở nước ta từ những năm 70 của thế kỷ 20,
khi nhà nước bắt đầu quan tâm vào việc nghiên cứu, đánh giá các điều kiện tự
nhiên, kinh tế - xã hội theo các vùng trên cả nước (Đông Nam Bộ, Đồng bằng
sông Hồng, Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung). Đến thập kỷ 80, QHMT được
lồng ghép trong các kế hoạch môi trường quốc gia, báo cáo hiện trạng môi
trường, quy hoạch tổng thể kinh tế xã hội như: Chiến lược bảo vệ môi trường
quốc gia (1985), Kế hoạch quốc gia về Môi trường và Phát triển bền vững
(1991), Kế hoạch hành động Lâm nghiệp nhiệt đới (1991)…
Từ sự đánh giá phân vùng trên đất liền, nhà nước ta tiến tới nghiên cứu và
áp dụng quy hoạch môi trường cho khu vực đới bờ biển, gọi là quy hoạch định
hướng không gian biển (QHKGB). QHKGB ở Việt Nam mặc dù xuất hiện muộn
hơn so với các quốc gia khác trên thế giới nhưng cũng đã đạt được những thành
tựu quan trọng bước đầu. Năm 2009, UNESCO đã phối hợp với Tổng cục Biển
và Hải đảo Việt Nam tổ chức các hội thảo kỹ thuật tại Việt Nam để góp ý hoàn
thiện dự thảo cuốn “Quy hoạch không gian biển: Tiếp cận từng bước, hướng tới
quản lý dựa vào hệ sinh thái” ([33], tr. 45). Cũng tương tự như phân vùng chức
năng cho khu bảo tồn công viên biển quốc tế “Dải san hô lớn – Great Barrier
Reef”, QHKGB ở Việt Nam cũng áp dụng phân vùng cho các Khu bảo tồn biển

từ năm 2000, điển hình là Khu bảo tồn biển Hòn Mun (Khánh Hòa) được chia
15


thành 4 vùng: vùng lõi, vùng phục hồi sinh thái, vùng chuyển tiếp và vùng phát
triển; tiếp đó là phân vùng phục vụ cho Kế hoạch hành động QLTHĐBB ở thành
phố Đà Nẵng (2004) ([32], tr. 18, 19). Trong giai đoạn 2011 – 2013, dự án do
COBESEA về QHKGB đã triển khai ở 6 quốc gia trong đó có Việt Nam ([33],
tr.46). Cũng trong giai đoạn này, Bộ Tài nguyên và Môi trường (Tổng cục Biển
và Hải đảo Việt Nam) cùng với sự quản lý của Bộ Khoa học và Công nghệ đã
chủ trì thực hiện dự án sử dụng vốn đối ứng hợp tác với NOAA (Hoa Kỳ) để áp
dụng QHKGB ở hai vùng trọng điểm là vùng biển quần đảo Cát Bà và lận cận
(Hải Phòng) và khu vực biển Móng Cái (Quảng Ninh). Đây là dự án đầu tiên áp
dụng thử nghiệm QHKGB ở vùng bờ của Việt Nam trên cơ sở bài học từ mô
hình của bang Massachusetts ([33], tr. 45). Tiếp đó, trong giai đoạn 2011 –
2015, Việt Nam cũng nhận được nhiều sự giúp đỡ của bạn bè thế giới trong việc
hoàn chỉnh hệ thống phương pháp luận và kinh nghiệm cho QHKGB. Tháng
9/2012, Việt Nam đã tham gia Hội thảo APEC về QHKGB tại Hạ Môn, Trung
Quốc [33]; đồng thời tiến hành các chuyến tham quan thực hành và các diễn đàn
ở Hoa Kỳ, Hàn Quốc, Philipin, Trung Quốc [32],… Bên cạnh đó, Ngân hàng
Thế giới cũng đã hỗ trợ ngành Thủy sản Việt Nam thực hiện dự án “Nguồn lợi
ven biển vì sự phát triển bền vững” cho 8 tỉnh ven biển, bao gồm cả việc lồng
ghép QHKGB vào các kế hoạch đầu tư nguồn lợi thủy sản ven biển ([32], tr. 20,
21).
Nghiên cứu, học tập và áp dụng QHKGB chính là quá trình tích hợp
QHKGB với quản lý môi trường để thực hiện chương trình quản lý tổng hợp đới
bờ biển (QLTHĐBB) ở nước ta hiện nay. Đới bờ biển (ĐBB) ở đây được hiểu là
“một vùng chuyển tiếp mà ở đó môi trường biển và môi trường lục địa tương tác
lẫn nhau và hình thành một môi trường thống nhất”. Theo phạm vi không gian,
ĐBB Việt Nam có thể xác định là toàn bộ vùng biển thuộc chủ quyền của Việt

Nam phù hợp với Công ước quốc tế về Luật biển năm 1982, gồm vùng nội thủy,
lãnh hải, vùng tiếp giáp lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa và bao
gồm cả một dải đất liền ven biển. Khu vực ĐBB ở Việt Nam nhiều tiềm năng về
kinh tế (thủy sản, du lịch) và đa dạng hệ sinh thái (cỏ biển, san hô, các sinh vật
biển quý hiếm…), vì thế ĐBB luôn được nhà nước đặc biệt coi trọng trong công
tác quản lý khai thác tài nguyên và bảo vệ môi trường.
Trước năm 1995, QLTHĐBB chưa được xây dựng ở cả cấp trung ương và
địa phương. Sau năm 1995, các đề tài và dự án về quản lý môi trường, bảo vệ và
sử dụng hợp lý về tài nguyên ven biển đã được triển khai rộng khắp [32].
Ban đầu là các dự án có liên quan đến QLTHĐBB như: Dự án bảo vệ và
quản lý cá ngựa (1995-1997); Dự án xây dựng năng lực quản lý môi trường, đa
dạng sinh học, chăm sóc sức khỏe cho cá trong các khu nuôi trồng thủy sản và
16


quản lý ven biển; Dự án quan trắc sự phân bố đất ngập triều và sự thay đổi của
nó ở ĐBB Bắc Việt Nam (1996-1998); Dự án của Cộng đồng châu Âu về khảo
sát về khôi phục cỏ biển (1999-2000),…
Tiếp sau đó, các đề tài dự án tập trung trực tiếp vào QLTHĐBB, đó là: Dự
án quốc gia về nghiên cứu xây dựng kế hoạch QLTHVB nhằm duy trì an toàn hệ
sinh thái và bảo vệ môi trường (1996-2000) [32]; Dự án Việt Nam – Hà Lan về
Quản lý Tổng hợp Đới bờ (ICZM) từ 2000-2005 với sự hỗ trợ tài chính của
Chính phủ Hà Lan và đã tổ chức được 3 nghiên cứu trình diễn ở các tỉnh ven
biển: Nam Định (Miền Bắc), Thừa Thiên Huế (Miền Trung) và Bà Rịa – Vũng
Tàu (Miền Nam) [32]; Dự án Việt Nam – Hoa Kỳ về xây dựng năng lực
QLTHVB cho Việt Nam tại Vịnh Bắc Bộ, do NOAA-Hoa Kỳ và IUCN tài trợ
[32]; Dự án Việt Nam – Trung tâm nghề Cá Thế giới về hỗ trợ QLTHVB cho
Việt Nam (2005-2006), tập trung vào việc xây dựng cẩm nang tập huấn về
QLTHVB cho các tỉnh duyên hải [32]; Dự án PEMSEA – Việt Nam về ô nhiễm
biển và quản lý vùng bờ biển tổng hợp: Khu vực thử nghiệm của dự án là thành

phố Đà Nẵng [32]; Đề tài nghiên cứu sự phát triển của một số mẫu QLTHĐBB
ở Việt Nam của Nguyễn Chu Hồi, quan tâm nhiều đến vấn đề chính sách và thay
đổi cơ cấu quản lý với 2 nghiên cứu hình mẫu ở Hạ Long – Cát Bà và Đà Nẵng;
Đề án quốc gia về QLTHVB ở 14 tỉnh miền Trung Việt Nam tới năm 2010 (từ
Thanh Hóa tới Bình Thuận). Đề án đang được thúc đẩy ở cấp địa phương, sử
dụng nguồn hỗ trợ từ Chính phủ theo Quyết định số 158/2007/QĐ-TTg của Thủ
tướng Chính phủ tháng 10 năm 2007 [32].
Bên cạnh đó, ở Việt Nam cũng có một số dự án đào tạo nhân lực như: dự
án xây dựng năng lực QLTHĐBB ở Quảng Ninh (2011), dự án xây dựng năng
lực về QLTHĐBB cho cán bộ của Viện Hải dương học do Trung tâm phát triển
quốc tế Thụy Điển (SIDA) kết hợp với Cục Môi trường tổ chức (1996-2003); dự
án hỗ trợ đào tạo QLTHĐBB của Ấn Độ (2000-2003); dự án giáo dục và đào tạo
QLTHĐBB do AIT-DANIDA tổ chức tại Việt Nam (2001-2004). Ngoài ra còn
có dự án “Xây dựng và ban hành chính sách và hướng dẫn kỹ thuật về quản lý
tổng hợp đới bờ”. Trong khuôn khổ dự án, tại Đà Nẵng, Trung tâm Quy hoạch –
Điều tra – Đánh giá Tài nguyên Môi trường biển và hải đảo (Tổng cục biển và
hải đảo Việt Nam) đã tổ chức lớp tập huấn về 05 chính sách và 12 hướng dẫn kỹ
thuật QLTHĐB cho cán bộ làm công tác quản lý tài nguyên môi trường biển đảo
trực thuộc một số tỉnh ven biển.
Về mặt pháp lý, nhà nước Việt Nam cũng tiến hành hoàn thiện hệ thống
các văn bản pháp luật trong nước và thực hiện các cam kết quốc tế. Theo đó,
QLTHĐB của Việt Nam phải được xác định dựa trên Công ước Liên Hợp Quốc
về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS 1982) [1]. Ở cấp quốc gia, Việt Nam cũng
17


ban hành Chiến lược Biển Việt Nam đến năm 2020 tập trung vào phát triển kinh
tế biển trong bối cảnh ngành [32], Thông tư số 22/2012/TT-BTNMT ngày 26
tháng 12 năm 2012 về Quy định việc lập và thực hiện Kế hoạch quản lý tổng
hợp tài nguyên và bảo vệ môi trường vùng ven biển, Luật Biển Việt Nam

2012… Đặc biệt tháng 12 năm 2014 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết
định số 2295/QĐ-TTg về Phê duyệt chiến lược quản lý tổng hợp đới bờ Việt
Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Mục tiêu chủ chốt của Chiến lược
là khai thác, sử dụng hợp lý các tài nguyên và bảo vệ môi trường đới bờ Việt
Nam, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội bền vững. Từ đó nhiệm vụ cần
thực hiện là xây dựng và ban hành chính sách, pháp luật về quản lý tổng hợp đới
bờ; khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên thiên nhiên, bảo tồn thiên nhiên và
đa dạng sinh học; phòng ngừa và kiểm soát ô nhiễm, giảm thiểu tổn thất do thiên
tai và ứng phó biến đổi khí hậu, nước biển dâng; đào tạo tăng cường năng lực
quản lý tổng hợp đới bờ cấp quốc gia và tỉnh. Hiện nay, ở Việt Nam có 15 bộ
ngành liên quan đến quản lý nhà nước về biển, vùng bờ biển và hải đảo theo
ngành, dẫn đến sự ra đời của Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam (VASI) thuộc
Bộ Tài nguyên và Môi trường (MONRE) với chức năng quản lý tổng hợp và
thống nhất [32].
Theo kinh nghiệm của nhiều quốc gia, chức năng chính của quá trình
QLTHĐB cho điều kiện cụ thể ở Việt Nam là [36]: Quy hoạch vùng nhằm tận
dụng tối đa các nguồn lợi ven biển để phát triển kinh tế xã; Thúc đẩy phát triển
kinh tế, tăng thu nhập cho các tỉnh ven biển, từ đó tăng thu nhập quốc dân; Quản
lý các nguồn lợi: bảo vệ các hệ sinh thái vùng biển và ven bờ, bảo tồn đa dạng
sinh học và đảm bảo tính bền vững trong việc sử dụng nguồn lợi ven bờ; Đảm
bảo mục tiêu phát triển bền vững, điều hòa và cân đối việc sử dụng nguồn lợi
hiện có và giải quyết các xung đột về sử dụng nguồn lợi vùng biển và ven bờ;
Bảo vệ môi trường tại các khu vực biển và ven bờ, hạn chế thiệt hại do biến đổi
khí hậu và con người gây ra; Xác định quyền sở hữu vùng đất ngập nước và
vùng nước: quản lý hiệu quả các khu vực và nguồn lợi do nhà nước nắm giữ và
thu được lợi ích kinh tế chung.
1.2.2. Đối với khu vực đới bờ tỉnh Bình Thuận
a) Tổng quan về các công trình nghiên cứu
Trước năm 1975 nghiên cứu điều kiện địa chất, địa mạo khu vực tỉnh
Bình Thuận còn ít được quan tâm ngoại trừ Fontaine (1972) có một công trình

nghiên cứu về các thành tạo Đệ tứ miền Duyên hải Nam Trung Bộ. Trong công
trình này Fontaine đã phát hiện ra cát kết vôi tuổi Neogen và thềm biển cao 15m
ở bờ biển Khánh Hoà.
Từ năm 1975 đến nay đã có nhiều công trình nghiên cứu chuyên đề và đo
18


vẽ bản đồ địa chất Đệ tứ tỷ lệ 1/50.000 khu vực Ninh Thuận và Bình Thuận.
Năm 1978 Lê Đức An đã nghiên cứu địa chất, địa mạo khu vực Phan Thiết và
tìm thấy Tectit có tuổi 700.000 năm BP. Đồng thời, Lê Đức An cũng đã xác lập
hệ tầng Phan Thiết có tuổi Pleistocen giữa (Q12 pt).
Nghiên cứu đánh giá sa khoáng ilmenit ở Bình Thuận đã có nhiều tác giả
như Đào Thanh Bình (1983), Nguyễn Thanh Bình (1988), Nguyễn Kim Hoàn,
Nguyễn Biểu (1985). Tuy nhiên, phải đến sau năm 1990 công tác đo vẽ bản đồ
địa chất Đệ tứ tỷ lệ 1/50.000 và các nghiên cứu chuyên đề mới được triển khai
một cách đồng bộ. Nguyễn Văn Cường và nnk (2001) đo vẽ bản đồ địa chất
1/50.000 và tìm kiếm khoáng sản nhóm từ Hàm Tân đến Côn Đảo. Hoàng
Phương, Ma Công Cọ, Trần Nghi (1977) đã thực hiện phương án đo vẽ bản đồ
địa chất tỷ lệ 1/50.000 tờ Phan Thiết. Cả Nguyễn Văn Cường và Hoàng Phương
đều thành lập cột địa tầng cát đỏ Phan Thiết không có Pleistocen sớm (Q 11). Hệ
tầng Phan Thiết có tuổi (Q12-3) pt là mang tính chất quy ước trong khi chưa có
tuổi tuyệt đối.
Năm 2000 – 2001 Trần Nghi, Colin Wallace, Brian Jone (Australia) trong
đề tài hợp tác quốc tế “Nghiên cứu tuổi nhiệt huỳnh quang thạch anh, nguồn gốc
và điều kiện thành tạo cát đỏ Phan Thiết” đã có những kết quả mới hơn so với
những nghiên cứu trước đó. Các tác giả đã phát hiện được một chu kỳ cát đỏ
tuổi Pleistocen sớm (Q11) nằm dưới lớp “mũ sắt” chứa tectit sắc cạnh có tuổi
700.000 năm PB.
Nghiên cứu về nước trồi (upwelling) và ngư trường vùng biển Phan Thiết
có các chuyên gia như Võ Văn Lành, Phan Văn Huấn, Hà Xuân Hùng (2005),

Bùi Hồng Long và nnk (2006). Những kết quả nghiên cứu về bản chất và cơ chế
hoạt động của nước trồi là hiện tượng bù trừ theo chiều đứng của 2 khối nước.
Khối nước tầng mặt ven bờ bị đốt nóng mùa hè có độ muối thấp luôn bị đẩy về
phía Nam và ra khơi, để bù lại khối nước này sẽ có một khối nước lạnh ở tầng
sâu có độ muối cao hơn trồi lên. Đây là hiện tượng “trồi lạnh ven bờ”.
Nước trồi là hiện tượng dịch chuyển hoàn lưu của khối nước lạnh dưới
sâu lên bờ mặt thay chỗ cho khối nước ấm bề mặt bị dịch chuyển về phía Nam
và ra ngoài khơi. Khối nước lạnh dưới sâu giàu chất dinh dưỡng gồm các yếu tố
vi lượng nitrat, photsphat, chlorophylla, axit silicic có nguồn gốc từ vật chất hữu
cơ. Khi mang lên bề mặt các chất dinh dưỡng này sẽ nuôi các loại tảo bề mặt và
giúp phân giải CO2 trong quá trình quang hợp, thực vật phù du có kích thước
nano (tảo cầu vôi), động vật phù du và trứng cá – cá bột.
b) Những tồn tại, hạn chế chưa được giải quyết
Theo nhận thức của NCS cả về vấn đề quy hoạch tổng thể không gian đới
19


bờ và quản lý tổng hợp đới bờ tỉnh Bình Thuận là chưa được giải quyết. Hiện
nay tỉnh Bình Thuận mới hoàn thiện dự thảo “Điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất
đến năm 2020 và lập kế hoạch sử dụng đất 05 năm kỳ cuối (2016-2020) tỉnh
Bình Thuận”.
Riêng đối với đới bờ (coastal zone) tỉnh Bình Thuận quy hoạch định
hướng tổng thể cần phải tiếp cận từ 5 hệ sinh thái: (1) Hệ sinh thái đồng bằng
vũng vịnh; (2) Hệ sinh thái thềm cát, cồn cát và đê cát ven bờ; (3) Hệ sinh thái
bãi triều; (4) Hệ sinh thái trầm tích đáy (0-30m nước); (5) Hệ sinh thái nước trồi
1.3. Hướng tiếp cận và phương pháp nghiên cứu
1.3.1. Hướng tiếp cận
- Tiếp cận hệ thống: Hệ thống lãnh thổ được cấu thành bởi nhiều phân hệ
khác nhau về bản chất, nhưng có mối quan hệ mật thiết với nhau. Tiếp cận hệ
thống giúp chúng ta nắm bắt và điều khiển được hoạt động của mỗi phân hệ nói

riêng và toàn bộ hệ thống lãnh thổ nói chung.
- Tiếp cận sinh thái: Phát triển kinh tế đi đôi với bảo vệ môi trường là một
bộ phận không thể thiếu của chính sách sinh thái toàn vẹn. Mục tiêu của phát
triển bền vững theo quan điểm tổng hợp đới bờ là bảo vệ tài nguyên thiên nhiên
và môi trường, tăng cường bảo tồn và đóng góp lợi ích ngày càng nhiều cho
cộng đồng.
- Tiếp cận lịch sử: Mọi sự vật, hiện tượng đều có sự vận động, biến đổi hay
phát triển theo quá trình của nó. Nghiên cứu quá khứ, làm cơ sở đánh giá đúng đắn
hơn về hiện tại. Nghiên cứu hiện tại và quá khứ trên cơ sở phân tích nguồn gốc
phát sinh, phát triển và có cơ sở, sẽ dự báo tương đối chính xác về xu hướng phát
triển trong tương lai.
- Tiếp cận liên ngành: Mỗi khu vực lãnh thổ đều tồn tại các địa hệ tự
nhiên và các ngành phát triển kinh tế khác nhau, chúng có mối quan hệ mật thiết
với nhau. Để xây dựng được mô hình quy hoạch tổng thể không gian đới bờ cần
dựa trên cơ sở tổng hợp điều kiện tự nhiên, tài nguyên-môi trường và phân tích
lợi ích và chi phí của mỗi ngành.
1.3.2. Các phương pháp nghiên cứu
a) Phương pháp khảo sát, nghiên cứu ngoài trời
- Đới bờ tỉnh Bình Thuận gồm một phần diện tích đất liền ven biển và
phần ngập nước đến độ sâu 30m nước. Vì vậy, công tác nghiên cứu thực địa bao
gồm cả những vấn đề địa chất trầm tích Đệ Tứ và địa hình địa mạo. Các lộ trình
khảo sát theo tuyến vuông góc với đường bờ từ khu vực đồng bằng thấp bên
trong đến khu vực thềm cát, cồn cát, bãi triều và trầm tích đáy biển ven bờ. Đối
20


với phần đất liền các thao tác nghiên cứu bao gồm quan sát cảnh quan, địa hình
– địa mạo chụp ảnh, lấy mẫu trầm tích tầng mặt và khoan và đào phẫu diện lấy
mẫu theo độ sâu, lấy mẫu ở vách cồn cát, đê cát bằng ống nhựa bịt nilong đen để
phân tích tuổi tuyệt đối theo phương pháp nhiệt huỳnh quang (TL). Các trạm

khảo sát phải ghi nhật ký, mô tả và chụp ảnh theo quy trình hướng dẫn. Đối với
trầm tích đáy biển (0-30m nước) và khối nước trồi phải lấy mẫu theo mạng lưới
và cột nước và cột mẫu thẳng đứng, xác định tốc độ và hướng dòng chảy theo
mùa.
- Phương pháp nghiên cứu các hệ sinh thái: Các hệ sinh thái là cơ sở để
phân vùng quy hoạch. Vì vậy, ngoài trời cần chụp ảnh, lấy mẫu và mô tả để
cung cấp thông tin cho phân loại các địa hệ và hệ sinh thái.
b) Phương pháp nghiên cứu phân vùng sinh thái
Cơ sở khoa học để phân vùng hệ sinh thái là dựa trên tích hợp các tiêu
chí: địa chất – trầm tích, địa hình – địa mạo, thảm thực vật, đặc điểm hải văn và
sinh vật. Trên cơ sở đó có thể phân chia đới bờ tỉnh Bình Thuận thành 5 hệ sinh
thái: (1) HST đồng bằng lagun; (2) HST cồn cát gồm: thềm cát (m), cồn cát do
gió (mv), đê cát ven bờ (m); (3) HST bãi triều; (4) HST trầm tích đáy (0-30m
nước); (5) HST nước trồi.
c) Phương pháp phỏng vấn
Phỏng vấn là phương pháp nhận được nhiều thông tin quan trọng cả vấn
đề xung đột môi trường, xói lở bờ biển, quy hoạch tổng thể, xung đột giữa các
nhóm lợi ích, giải pháp thân thiện với môi trường. Các thông tin này phải được
coi là tài liệu tham khảo và cần xử lý lựa chọn đúng đắn.
d) Phương pháp viễn thám
Phương pháp viễn thám được sử dụng để hỗ trợ phân vùng hệ sinh thái:
các đối tượng vật lý khác nhau sẽ có tôn ảnh khác nhau. Trên cơ sở đó có thể
minh giải chi tiết và khoanh vùng các đối tượng: cồn cát, đồng bằng, rừng, bãi
tắm.
đ) Phương pháp thành lập bản đồ định hướng quy hoạch tổng thể
Nguyên tắc thành lập là: Tích hợp hệ sinh thái với giá trị tài nguyên để
phân vùng thành các đơn vị kinh tế bền vững.
Theo nguyên tắc đó tỉnh Bình Thuận có thể phân thành 10 đơn vị: (1)
Nông nghiệp: (2) Trồng cây ăn quả (Thanh Long, Nho,..); (3) Khu dự án; (4)
Khu phát triển rừng: (5) Khu khai thác sa khoáng titan; (6) Khu nghỉ dưỡng và

dịch vụ du lịch; (7) Bãi tắm; (8) Bãi cư trú động vật thân mềm; (9) Đới sa
khoáng đường bờ cổ 25-30m; (10) Ngư trường (nước trồi).
21


Chương 2
ĐÁNH GIÁ ĐIỀU KIỆN TỰ NHIÊN, TÀI NGUYÊN VÀ MÔI TRƯỜNG
KINH TẾ - XÃ HỘI, KHU VỰC ĐỚI BỜ TỈNH BÌNH THUẬN
2.1. Đánh giá điều kiện tự nhiên đới bờ tỉnh Bình Thuận
2.1.1. Phần đất liền
2.1.1.1. Jura hạ, các bậc Sinemur - Toar. Hệ tầng Đắc Krong (J1s-t đk)
Các trầm tích hệ tầng Đắc Krong lộ ra ở vùng Tân Thuận với tổng diện
tích khoảng 2 km2. Chưa quan sát được quan hệ địa tầng trên và dưới của hệ
tầng. Với đặc điểm có chứa carbonat trong mặt cắt nên tuổi của trầm tích này
cũng được xếp vào tuổi Jura sớm, hệ tầng Đắc Krong.

22


2.1.1.2. Jura trung. Hệ tầng La Ngà (J2ln): Các trầm tích hệ tầng La Ngà
phân bố khá rộng. Chúng lộ ra ở vùng phía bắc Phan Dũng, vùng Gia Bang, Cà
Giây, Phan Tiến, Đồng Tiến, Thuận Hòa, phần phía bắc Hàm Thuận Nam dọc lưu
vực Sông Phan và rải rác ở một số nơi khác.
2.1.1.3. Kreta hạ. Hệ tầng Đèo Bảo Lộc (K1đbl): Hệ tầng Đèo Bảo Lộc
phân bố ở lưu vực Suối Ca Tô thuộc địa phận các xã Hàm Phú, Đông Tiến,
Đông Giang, Hàm Cần với diện lộ khoảng 300 km 2. Ngoài ra chúng còn lộ ra ở
khu vực sông Lũy - núi Chai với diện tích chừng 60 km 2 tạo khối hình méo mó,
kéo dài theo phương Đông Bắc - Tây Nam. Thành phần thạch học các đá của hệ
tầng bao gồm: andesit, andesitobazan, andesitodacit, dacit, ryodacit, ryolit, ryolit
porphyr và tuf của chúng. Một số nơi có sự tham gia của các trầm tích nguồn núi

lửa (cuội kết, sạn kết tuf, cát kết tuf, bột kết tuf) dưới dạng các lớp xen kẹp hoặc
các thấu kính mỏng.
2.1.1.4. Kreta. Hệ tầng Nha Trang (Knt): Hệ tầng Nha Trang phân bố ở
Bắc Ga Lăng và rải rác ở vùng ven biển từ núi Nhọn đến Vĩnh Hảo. Mặt cắt của
hệ tầng ở khu vực núi Nhọn (Hàm Tân) từ dưới lên gồm 4 tập với tổng bề dày
khoảng 300 - 500m: Tập 1: Andesit porphyrit màu đen, xám đen xen lớp mỏng
tuf vụn tinh thể andesit porphyrit màu xám xanh; dày 180m. Tập 2: Cuội kết tuf
xen kẽ andesit porphyrit màu xám xanh, xám đen;dày 35m. Tập 3: Andesit
porphyrit màu xám xanh, xám đen xen tuf vụn tinh thể andesit porphyrit, dacit
porphyr; dày 85m. Tập 4: Andesitodacit porphyr, andesit porphyrit, dacit
porphyr màu xám xanh, xám lục;dày 265m. Ở khu vực Sông Lòng Sông phát
triển các đá thành phần felsic, felsic á kiềm có cấu tạo spherolit dạng hạt cầu tỏa tia
với các hạt cầu có đường kính 0,5 - 1,5cm.
2.1.1.5. Miocen thượng. Phun trào bazan (B/N13): Trong phạm vi Bình
Thuận các phun trào bazan Miocen thượng chỉ gặp ở dạng những chỏm nhỏ kiểu
những lớp phủ mỏng còn sót lại trên các đường phân thủy với tổng diện tích 3 4 km2; chúng phân bố rải rác trong vùng Hàm Phú, Phan Sơn, Phan Dũng… Các
phun trào này được Nguyễn Xuân Bao (1994) liên hệ với hệ tầng Di Linh, tuổi
Miocen muộn - Pliocen sớm.
2.1.1.6. Pliocen. Hệ tầng Liên Hương (N2lh): Các trầm tích Hệ tầng Liên
Hương lộ ra ở khu vực hạ lưu sông Lòng Sông, các đồng bằng Vĩnh Hảo, Ma
Lâm, các khu vực Sông Lũy, suối Tiên. Ngoài ra còn gặp trong các lỗ khoan ở
khu vực Phan Thiết, Bàu Thiêu, Giếng Triềng, Chí Công… Các trầm tích của hệ
tầng Liên Hương phủ bất chỉnh hợp trên bề mặt bào mòn của các thành tạo
Mesozoi, bị phủ bởi các trầm tích hệ tầng Tuy Phong (aQ 11-2tp), hệ tầng Mũi Né
(mQ12.1mn), chứa di tích Tảo có tuổi Neogen. Bề dày của hệ tầng thay đổi từ 5m
đến trên 30m. Tuổi của hệ tầng được xếp vào Pliocen.

23



2.1.1.7. Pliocen “Sét kết Tiến Thành” (N2): Các trầm tích này bị lớp cát
pha bột màu xám loang lổ, gắn kết chặt của hệ tầng Mũi Né (mQ 12.1mn) phủ lên,
quan hệ dưới chưa rõ. Bề dày của mặt cắt này trên 16,5m. Trầm tích này được
xếp giả định vào Pliocen (N2) ngang với mức địa tầng của hệ tầng Liên Hương
và được gọi là “Sét kết Tiến Thành”.
2.1.1.8. Pliocen. Hệ tầng Suối Tầm Bó (N2(?)stb): Hệ tầng Suối Tầm Bó
phân bố ở Tân Minh, dọc theo tả ngạn sông Dinh, các trầm tích cũng được xếp
vào hệ tầng Suối Tầm Bó lộ ra khoảng 8km 2. Thành phần là cát thạch anh chọn
lựa tốt, đôi chỗ lẫn ít sạn sỏi (1 - 9%). Bề dày thay đổi từ 1,7 - 3,7m, trung bình
2,5m. Trầm tích này nằm phủ trên các thành tạo Mesozoi và bị phủ bởi bazan hệ
tầng Túc Trưng (B/N2-Q11tt).
2.1.1.9. Pliocen - Pleistocen hạ. Phun trào bazan (B/N 2 - Q11): Thành tạo
này lộ ra những diện lộ nhỏ ở khu vực Đá Bàn - Giếng Xó (Hồng Liêm). Thành
phần thạch học các đá gồm bazan olivin, bazan olivin - augit, bazan olivin pyroxen. Các đá bazan dạng bọt, đặc sít, màu xám tro, xám tối, có nhiều tinh
hốc chứa olivin. Bazan lộ ra ở dạng lớp phủ mỏng nằm trên bề mặt bào mòn của
các đá xâm nhập và phun trào Kreta. Bazan ở khu vực Đá Bàn - Giếng Xó bị
phủ bởi cát đỏ hệ tầng Phan Thiết (m bQ12-3pt) và sản phẩm phá hủy của chúng
được tích đọng trong thành phần cuội dăm của thành tạo sườn tích - lũ tích tuổi
Pleistocen sớm - giữa (dpQ11-2) có chứa tectit và saphir, zircon. Thành tạo bazan
này tương đương với hệ tầng Túc Trưng. Chiều dày của lớp phủ bazan Pliocen Pleistocen hạ trong phạm vi Bình Thuận dao động trong khoảng vài mét đến 10
- 30m…
2.1.1.10. Pleistocen hạ - trung (Q11): Các trầm tích Pleistocen hạ được chia
thành 2 kiểu nguồn gốc như sau: Hệ tầng Tuy Phong, trầm tích sông (aQ 11tp). Hệ
tầng Tuy Phong phân bố ở khu vực Bắc Tuy Phong, phía Tây Nam Phan Thiết.
Thành phần trầm tích của hệ tầng gồm cát sạn, sạn sỏi đa khoáng bị laterit hóa,
kết tảng cứng chắc, màu nâu vàng, nâu đỏ loang lổ; cát pha bột - sét màu trắng
đục. Các trầm tích này còn thấy trong các lỗ khoan ở Chí Công, Phan Thiết ở độ
sâu 30,5 - 31,3m hoặc độ sâu 76 - 77,1m, dọc thung lũng sông Phan, Đồi 82.
Các trầm tích này phủ bất chỉnh hợp trên các trầm tích của hệ tầng Liên Hương
(N2lh) và bị các trầm tích hệ tầng Mũi Né (mQ 12.1mn) phủ bất chỉnh hợp lên.

Trên bề mặt bào mòn của hệ tầng còn thấy ghim tectit nguyên dạng, sắc cạnh.
Bề dày của hệ tầng tại mặt cắt này là 1 - 2m.

24


2.1.1.11. Pleistocen trung, phần thấp. Hệ tầng Mũi Né, trầm tích biển (mQ12amn):
Hệ tầng Mũi Né phân bố khá rộng, bắt gặp ở các khu vực Vĩnh Hảo, Liên
Hương, Sông Lũy, núi Giếng Xó, Hàm Phú, Mũi Né, sân bay Phan Thiết và rải
rác ở khu vực Hàm Tân. Thành phần trầm tích là cát bột, cát pha bột sét lẫn sạn
màu xám, xám loang lổ nâu vàng, gắn kết cứng chắc. Các trầm tích của hệ tầng
phủ trên bề mặt phong hóa của bazan Pliocen - Pleistocen sớm (B/N2-Q11), phủ
trên bề mặt bào mòn của hệ tầng Tuy Phong (aQ 11-2tp) . Bề dày trầm tích của hệ
tầng thay đổi từ 1 - 2m đến 21,6m với xu thế tăng dần bề dày từ rìa chân núi về
phía biển.
2.1.1.12. Pleistocen trung, phần trên. Trầm tích sông - lũ (apQ12b): Thành
tạo này phân bố thành các dải từ khu vực sân bay Sông Mao đi Ka Lon, ở độ cao
25 - 50m. Ngoài ra còn gặp ở các khu vực Gia Le - Thuận Hòa, Văn Lâm. Thành
phần trầm tích của thành tạo này là cuội, sỏi, từ đơn khoáng đến đa khoáng, màu
xám vàng, nâu vàng gắn kết bởi xi măng là cát bột sét. Ở khu vực sông Cà Giây
thành phần cuội chủ yếu là thạch anh, ở các khu vực khác ngoài thạch anh còn có
đá phun trào, cát kết, đá phiến, đá xâm nhập và tectit (kích thước 2 - 3cm) mài tròn.
Bề dày của các thành tạo cuội này thay đổi từ 1 - 3m đến 6 - 8m.
2.1.1.14. Pleistocen thượng (Q13a)
a) Pleistocen thượng, phần thấp. Phun trào bazan (B/Q13a): Trong phạm vi
Bình Thuận ở phần lục địa loại bazan này phân bố dọc thung lũng sông Lũy, trên diện
rộng khoảng 45km2. Ngoài ra còn gặp một diện hẹp ở vùng Văn Kê. Thành phần chủ yếu
là bazan olivin, ít bazan olivin - plagioclas. Bazan vùng Sông Lũy nằm phủ lên tập cuội
sỏi, cát bột của hệ tầng Liên Hương (N 2 lh) và tầng cuội sỏi xếp vào tuổi Pleistocen
giữa (apQ12b), hoặc trực tiếp trên bề mặt bóc mòn của các đá trước Kainozoi. Chúng bị

phủ bởi trầm tích sông - biển có tuổi Pleistocen muộn, thời muộn (amQ 13b) và trầm tích
sông tuổi Holocen sớm - giữa (aQ21-2). Chiều dày dao động từ vài mét đến 20 - 30m.

b) Pleistocen thượng, phần trên (Q13b): Các thành tạo Pleistocen thượng,
phần trên phân thành 5 kiểu nguồn gốc:

- Trầm tích biển, tướng đê cát ven bờ (mbQ 13b): Thành tạo này phân bố
chủ yếu ở khu vực dọc bờ biển Tuy Phong (từ Cà Ná qua Vĩnh Hảo, Phước Thể
đến Chí Công), tạo thềm biển cao 15 - 20m. Thành phần trầm tích là cát hạt vừa
đến thô lẫn sạn chứa vụn sinh vật biển màu xám vàng, dính kết chắc. Thành tạo
này có quan hệ dưới không rõ, chúng thường bị phủ bởi các trầm tích gió tuổi
Holocen giữa - muộn.
- Trầm tích biển, tướng vũng vịnh - ven bờ (mQ 13b): Các trầm tích này
phân bố khá phổ biến dạng bậc thềm biển ở độ cao 20 - 40m viền quanh chân
đồi cát đỏ, tạo thành các dải cát trắng ở các khu vực Bình Thạnh, Chí Công,
Phan Rí, Hồng Thái, Lương Sơn, Hòa Thắng, Bình Tân, Hồng Liêm, Hồng Sơn,
Hàm Đức, Tây Tà Kou, Hàm Tân và Tân Thắng. Các trầm tích tướng vũng vịnh
25


×