Tải bản đầy đủ (.pdf) (87 trang)

Quyền kháng cáo của bị cáo trong tố tụng hình sự việt nam từ thực tiễn quận 10 – thành phố hồ chí minh

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (688.88 KB, 87 trang )

VIỆN HÀN LÂM
KHOA HỌC XÃ HỘI VIỆT NAM
HỌC VIỆN KHOA HỌC XÃ HỘI

NGUYỄN TRUNG TÍNH

QUYỀN KHÁNG CÁO CỦA BỊ CÁO THEO PHÁP LUẬT TỐ
TỤNG HÌNH SỰ VIỆT NAM TỪ THỰC TIỄN QUẬN 10,
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

LUẬN VĂN THẠC SĨ LUẬT HỌC

HÀ NỘI – 2017


VIỆN HÀN LÂM
KHOA HỌC XÃ HỘI VIỆT NAM
HỌC VIỆN KHOA HỌC XÃ HỘI

NGUYỄN TRUNG TÍNH

QUYỀN KHÁNG CÁO CỦA BỊ CÁO THEO PHÁP LUẬT TỐ
TỤNG HÌNH SỰ VIỆT NAM TỪ THỰC TIỄN QUẬN 10,
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
Chuyên ngành

: Luật Hình sự và Tố tụng hình sự

Mã số

: 60.38.01.04



LUẬN VĂN THẠC SĨ LUẬT HỌC

NGƯỜI HƯỚNG DẪN KHOA HỌC
GS. TS. VÕ KHÁNH VINH

HÀ NỘI – 2017


MỤC LỤC
MỞ ĐẦU ......................................................................................................... 1
Chương 1 : NHỮNG VẤN ĐỀ LÝ LUẬN VỀ QUYỀN KHÁNG
CÁO CỦA BỊ CÁO TRONG TỐ TỤNG HÌNH SỰ .................................... 8
1.1 Khái niệm, đặc điểm, ý nghĩa của quyền kháng cáo trong Tố tụng
hình sự ....................................................................................................... 8
1.2. Chủ thể có quyền kháng cáo và chủ thể có trách nhiệm đảm bảo
thực hiện quyền kháng cáo...................................................................... 21
1.3. Lịch sử hình thành và phát triển của quyền kháng cáo trong pháp
luật Tố tụng hình sự ................................................................................ 24
Chương 2 : THỰC TRẠNG QUY ĐỊNH CỦA PHÁP LUẬT TỐ TỤNG
HÌNH SỰ VIỆT NAM VỀ QUYỀN KHÁNG CÁO CỦA BỊ CÁO ......... 33
2.1. Quy định của pháp luật về chủ thể và phạm vi kháng cáo....................... 33
2.2. Quy định của pháp luật về thời hạn kháng cáo ........................................ 36
2.3. Quy định của pháp luật về thủ tục thực hiện quyền kháng cáo ............... 44
2.4. Một số quy định khác về quyền kháng cáo ............................................. 48
Chương 3 : THỰC TIỄN THỰC HIỆN CÁC QUY ĐỊNH CỦA PHÁP
LUẬT VỀ QUYỀN KHÁNG CÁO CỦA BỊ CÁO TẠI QUẬN 10,
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH VÀ CÁC GIẢI PHÁP BẢO ĐẢM
QUYỀN KHÁNG CÁO CỦA BỊ CÁO ....................................................... 56
3.1. Thực tiễn thực hiện các quy định của pháp luật về quyền kháng cáo

của bị cáo tại Quận 10 Thành phố Hồ Chí Minh .................................... 56
3.2. Các giải pháp đảm bảo quyền kháng cáo của bị cáo .............................. 69
KẾT LUẬN ................................................................................................... 76
DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO ..................................................... 81


MỞ ĐẦU
1. Tính cấp thiết của đề tàỉ
Có thể nói, quyền con người là thành quả của quá trình phát triển lâu
dài của lịch sử nhân loại, là một trong những giá trị quý báu nhất của nền văn
minh trong thời đại ngày nay. Ghi nhận và bảo vệ quyền con người trên thực
tế là thể hiện của một Nhà nước nhân dân, tiến bộ, dân chủ, văn minh. Các
quyền con người trở thành đối tượng bảo vệ trong việc ghi nhận về pháp lý,
trong hoạt động thi hành pháp luật và xử lý vi phạm pháp luật của Nhà nước.
Quyền kháng cáo là một quyền cơ bản của người tham gia tố tụng, đây
là cách thức để người tham gia tố tụng có thể tự bảo vệ quyền và lợi ích hợp
pháp của chính mình trước những phán quyết không hợp pháp, không có căn
cứ của Tòa án cấp sơ thẩm. Bảo vệ và nâng cao quyền kháng cáo cũng góp
phần bảo vệ quyền con người trong hoạt động tố tụng hình sự.
Việt Nam đang ra sức xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa
của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân, một nhà nước mà trong đó quyền con
người đươc thừa nhân, tôn trọng và bảo vệ. Vì vậy, bảo đảm quyền còn người
nói chung và quyền kháng cáo nói riêng là một yêu cầu cấp thiết nhằm thực
hiện đúng đắn, kịp thời chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước về cải
cách tư pháp trong điều kiện xây dựng Nhà nước pháp quyền hiện nay.
Trong tố tụng hình sự Việt Nam, quyền kháng cáo được ghi nhận từ lâu
và không ngừng được hoàn thiện, mở rộng nhằm đảm bảo quyền con người
của người tham gia tố tụng, về cơ bản các quy định về quyền kháng cáo trong
pháp luật Tố tụng hình sự hiện hành đã đáp ứng được yêu cầu của việc thực
hiện quyền này trên thực tế, đảm bảo được ý nghĩa thực sự của nó.


1


Tuy nhiên, trong thực tiễn giải quyết vụ án hình sự hiện nay, nhiều quy
định về quyền kháng cáo đã dần bộc lộ một số vướng mắc, hạn chế cũng như
những bất cập trong quá trình áp dụng pháp luật làm ảnh hưởng đến quyền,
lợi ích của người tham gia tố tụng mà đặc biệt là đối với bị cáo. Do đó, việc
hoàn thiện pháp luật Tố tụng hình sự về quyền kháng cáo cũng như đưa ra
những giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả việc thực hiện quyền kháng cáo đối
với bị cáo là một nhu cầu tất yếu khách quan trong giai đoạn xây dựng Nhà
nước pháp quyền hiện nay.
Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 đã được xây dựng với nhiều thay đổi
quan trọng, trong đó quyền kháng cáo của bị cáo được nâng cao hơn. Cùng
với việc thực hiện chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020 đã được thể hiện
trong Nghị quyết số 49/NQ-TW ngày 02/06/2005 của Bộ chính trị và công
cuộc xây dựng Nhà nước pháp quvền đang được đẩy mạnh, việc nghiên cứu
một cách hệ thống những vấn đề lý luận và thực tiễn thi hành các quy định về
quyền kháng cáo, từ đó đưa ra những định hướng, giải pháp nhằm hoàn thiện
pháp luật Tố tụng hình sự và nâng cao hiệu quả thực hiện quyền này là hết
sức quan trọng, có ý nghĩa cả về mặt lý luận và thực tiễn.
Xuất phát từ những nhu cầu đó, để có cái nhìn toàn diện, sâu sắc về
quyền kháng cáo của bị cáo trong Tố tụng hình sự Việt Nam, tác giả chọn đề
tài “Quyền kháng cáo của bị cáo trong Tố tụng hình sự Việt Nam từ thực tiễn
Quận 10 – Thành phố Hồ Chí Minh” để làm luận văn thạc sỹ của mình.
2. Tình hình nghiên cứu đề tài
Kháng cáo là một chế định quan trọng trong Tố tụng hình sự, do đó về
vấn đề này có khá nhiều nhà nghiên cứu quan tâm và nghiên cứu. Như : Luận
văn thạc sỹ Luật học “Quyền kháng cáo của bị cáo trong Tố tụng hình sự Việt
Nam” của tác giả Võ Ngọc Triều (2014) năm 2014, Trường đại học Luật

2


Thành phố Hồ Chí Minh. Luận văn thạc sỹ Luật học “Quyền kháng cáo trong
Tố tụng hình sự Việt Nam” (2015) của tác giả Lê Thị Thùy Dương, Trường
đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh.
Nhìn chung, các công trình nghiên cứu đều đề cập đến quyền kháng
cáo. Tuy nhiên các công trình hoặc nghiên cứu quyền kháng cáo của bị cáo và
của những người tham gia tố tụng khác trong Tố tụng hình sự Việt Nam, hoặc
nghiên cứu quyền kháng cáo của bị cáo trên phạm vi địa phương nhất định, có
đặc điểm kinh tế xã hội khác nhau nên kết quả nghiên cứu có thể khác nhau
khi liên hệ với thực tiễn.
Do đó, việc nghiên cứu, tiếp cận quyền kháng cáo bị cáo trong Tố tụng
Hình sự Việt Nam từ thực tiễn Quận 10 Thành phố Hồ Chí Minh dưới góc độ
là một quyền tố tụng, nghiên cứu một cách toàn diện những vấn đề lý luận,
đồng thời tổng kết đánh giá qua các vụ án hình sự đã đưa ra xét xử trên thực
tế, xem xét quy định của Pháp luật tố tụng hình sự hiện hành, quy định của Bộ
luật Tố tụng hình sự 2015 để từ đó đề xuất các giải pháp nhằm nâng cao hiệu
quả thực hiện quyền kháng cáo của bị cáo là điều cần thiết trong gia đoạn hiện
nay.
3. Mục đích và nhiệm vụ nghiên cứu
3.1 Mục đích nghiên cứu
Mục đích nghiên cứu luận văn là từ việc nghiên cứu lý luận, các quy
định của Bộ luật Tố tụng hình sự về quyền kháng cáo và thực tiễn thi hành
các quy định này trong thực tiễn xét xử trong phạm vi xét xử sơ thẩm các vụ
án hình sự tại Toà án nhân dân Quận 10 Thành phố Hồ Chí Minh, phân tích
các điểm mới của Bộ luật Tố tụng hình sự 2015, từ đó có kết luận, đề xuất các
giải pháp nhằm hoàn thiện hệ thống pháp luật, nâng cao hiệu quả việc thực
hiện quyền kháng cáo của bị cáo trong Tố tụng hình sự.
3



3.2. Nhiệm vụ nghiên cứu
Nhiệm vụ nghiên cứu của luận văn bao gồm :
- Nghiên cứu những vấn đề lý luận về quyền kháng cáo của bị cáo
trong Tố tụng hình sự.
- Nghiên cứu thực trạng quy định của pháp luật Tố tụng hình sự Việt
Nam về quyền kháng cáo của bị cáo. Thực tiễn thực hiện các quy định của
pháp luật về quyền kháng cáo của bị cáo tại Quận 10 Thành phố Hồ Chí Minh
- Đưa ra các giải pháp bảo đảm quyền kháng cáo của bị cáo
4. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu
4.1. Đối tượng nghiên cứu
Đối tượng nghiên cứu của luận văn là những vấn đề lý luận về quyền
kháng cáo; các quy định của pháp luật Tố tụng hình sự Việt Nam hiện hành
về quyền kháng cáo và thực tiễn thi hành các quy định về quyền kháng cáo
trong những năm gần đây trên địa bàn Quận 10 Thành phố Hồ Chí Minh.
4.2. Phạm vi nghiên cứu
Trong khuôn khổ của một luận văn thạc sỹ, đồng thời để phù hợp với
mục đích, đối tượng nghiên cứu, tác giả tập trung vào một số vấn đề sau:
- Những quy định của pháp luật tố tụng hiện hành về quyền kháng cáo
của bị cáo và một số quy định về quyền kháng cáo theo pháp luật Tố tụng
hình sự quốc tế và một số nước trên thế giới.
- Nghiên cứu thực tiễn việc thực hiện quyền kháng cáo của bị cáo và
việc đảm bảo thực hiện quyền kháng cáo của các cơ quan có thẩm quyền từ
thực tiễn Quận 10 Thành phố Hồ Chí Minh trong những năm gần đây.

4


- Các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả việc thực hiện quyền kháng

cáo của bị cáo, tập trung ở việc hoàn thiện các quy định của Pháp luật Tố tụng
hình sự.
5. Phương pháp luận và phương pháp nghiên cứu
5.1. Phương pháp luận nghiên cứu
Tác giải vận dụng quan điểm của Chủ nghĩa duy vật biện chứng và lý
luận về nhận thức của triết học Mác - Lê Nin; Tư tưởng Hồ Chí Minh về Nhà
nước và Pháp luật, về quyền con người; Quan điểm của Đảng cộng sản Việt
Nam về vấn đề cải cách tư pháp và xây dựng Nhà nước pháp quyền.
5.2. Phương pháp nghiên cứu
Phương pháp nghiên cứu được sử dụng bao gồm :
- Phương pháp phân tích, so sánh, chứng minh dùng để làm rõ về mặt
lý luận các quy định về quyền kháng cáo của bị cáo;
- Phương pháp lịch sử được vận dụng nhằm phân tích, đánh giá sự kế
thừa và phát triển của các quy định trong Pháp luật tố tụng hình sự;
- Phương pháp thống kê, tham khảo ý kiến chuyên gia, khảo sát kết quả
hoạt động xét xử thông qua các bản án sơ thẩm, phúc thẩm, giám đốc thẩm để
đánh giá về thực tiễn;
- Phương pháp tổng hợp những kết quả nghiên cứu để đưa ra những
kiến nghị hoàn thiện pháp luật và giải pháp nâng cao hiệu quả áp dụng các
quy định về quyền kháng cáo.
6. Ý nghĩa lý luận và thực tiễn của luận văn
6.1. Ý nghĩa lý luận

5


So với các công trình khác, đề tài tiếp cận, nghiên cứu quyền kháng cáo
dưới góc độ đây là một quyền năng tố tụng của những người tham gia tố tụng.
Luận văn đã làm sáng tỏ một số vấn đề lý luận về quyền kháng cáo trong Tố
tụng hình sự; góp phần vào việc nhận thức được bản chất, đặc điểm, ý nghĩa

của quyền kháng cáo cũng như mối quan hệ giữa quyền kháng cáo và các
quyền tố tụng khác trong tư pháp hình sự.
6.2. Ý nghĩa thực tiễn
Luận văn đã phân tích, đánh giá một cách khoa học những quy định của
Pháp luật Tố tụng hình sự Việt Nam hiện hành về quyền kháng cáo cũng như
đánh giá một cách khách quan về thực tiễn thực hiện quyền kháng cáo. Chỉ rõ
những bất cập trong quy định của pháp luật cần hoàn thiện cũng như những
vướng mắc trong quá trình áp dụng pháp luật cần khắc phục. Trên những cơ
sở đó, luận văn đã đưa ra một số đề xuất nhằm hoàn thiện các quy định của
pháp luật hiện hành về quyền kháng cáo cũng như những giải pháp nâng cao
hiệu quả của việc thực hiện quyền kháng cáo.
Kết quả nghiên cứu có thể sử dụng làm tài liệu tham khảo trong giảng
dạy, học tập về pháp luật Tố tụng hình sự. Đây cũng cỏ thể là nguồn tư liệu
mang tính lý luận và thực tiễn cao, dùng để tham khảo trong quá trình sửa đổi,
bổ sung để hoàn thiện Bộ luật Tố tụng hình sự 2015.
7. Cơ cấu của luận văn
Ngoài phần mở đầu và kết luận, luận văn gồm ba chương:
Chương 1 : Những vấn đề lý luận về quyền kháng cáo của bị cáo trong
Tố tụng hình sự
Chương 2 : Thực trạng quy định của pháp luật Tố tụng hình sự Việt
Nam về quyền kháng cáo của bị cáo
6


Chương 3 : Thực tiễn thực hiện các quy định của pháp luật về quyền
kháng cáo của bị cáo tại Quận 10, Thành phố Hồ Chí Minh và các giải pháp
bảo đảm quyền kháng cáo của bị cáo

7



Chương 1
NHỮNG VẤN ĐỀ LÝ LUẬN VỀ QUYỀN KHÁNG CÁO CỦA BỊ
CÁO TRONG TỐ TỤNG HÌNH SỰ
1.1 Khái niệm, đặc điểm, ý nghĩa của quyền kháng cáo trong Tố
tụng hình sự
1.1.1 Khái niệm quyền kháng cáo trong Tố tụng hình sự
Tố tụng hình sự là một lĩnh vực mang tính nhạy cảm và phức tạp, hoạt
động này có thể tác động một cách trực tiếp đến quyền tự do dân chủ của con
người, của công dân. Các phán quyết của Tòa án sẽ quyết định số phận pháp
lý của một cá nhân, quyết định ngay cả đối với quyền được sống của người
phạm tội. Mọi sai lầm, dù lớn hay nhỏ cũng có thể để lại những hậu quả tiêu
cực và có thể sẽ không khắc phục được. Do đó, để có thể phát hiện chính xác,
nhanh chóng và xử lý công minh, kịp thời mọi hành vi phạm tội, không để lọt
tội phạm, không làm oan người vô tội, pháp luật Tố tụng hình sự đã đặt ra rất
nhiều cơ chế, cách thức khác nhau. Một trong những phương thức để đảm bảo
tính chính xác trong phán quyết của Tòa án đó chính việc quy định và đảm
bảo thực hiện có hiệu quả quyền kháng cáo bị cáo để phát sinh thủ tục xét xử
lại ở cấp phúc thẩm.
Quyền kháng cáo là một trong những quyền cơ bản của một số người
tham gia tố tụng nói chung và của bị cáo nói riêng. Hiểu và thực hiện một
cách hiệu quả quyền này giúp bị cáo có thể tự bảo vệ quyền và lợi ích hợp
pháp của mình. Các vấn đề liên quan đến quyền kháng cáo như chủ thể có
quyền kháng cáo, thời hạn kháng cáo, thủ tục kháng cáo...được pháp luật quy
định khá rõ ràng và cụ thể, nhưng văn bản pháp lý hiện hành vẫn chưa đưa ra
được một cách hiểu thống nhất về quyền kháng cáo. Việc thống nhất khái

8



niệm về quyền kháng cáo là một cơ sở để nghiên cứu quyền này trong pháp
luật Tố tụng hình sự.
Theo Đại từ điển Tiếng Việt: "Kháng cáo là chống án, yêu cầu Tòa án
cấp trên xét xử" [38, tr.888] hay theo Từ điển Tiếng Việt của Viện ngôn ngữ
học thì kháng cáo là “Chống án lên Tòa án cấp trên yêu cầu xét xử lại” [33,
tr.492]. Như vậy, nếu xét về mặt ngôn ngữ thì kháng cáo là chống án, phản
đối bản án và quyền kháng cáo là quyền được chống lại bản án, thể hiện sự
không đồng ý với các phán quyết của Tòa án. Sự phản đối này được thể hiện
bằng cách “yêu cầu xét xử lại” chứ không phải “chống đối” bằng một hành vi
khác. Khái niệm này đã nêu được bản chất của quyền kháng cáo, đó chính là
“chống án” và “yêu cầu xét xử lại”. Tuy nhiên, đây chi mới là một khái niệm
giải quyết được về mặt ngôn ngữ, mang tính khái quát, rất chung chung và
chưa cụ thể; những vấn đề có liên quan như đối tượng kháng cáo là gì, chủ thể
kháng cáo là ai chưa được đề cập trong khái niệm này.
Theo Từ điển Luật Học –Nhà xuất bản Tư pháp thì “Kháng cáo là
hành vi chống án, yêu cầu Tòa án cấp trên xét xử phúc thẩm đối với bản án,
quyết định chưa có hiệu lực pháp luật trong trường hợp đương sự không đồng
ý với toàn bộ bản án hoặc một phần của bản án, quyết định sơ thẩm” [34,
tr.417]. Khái niệm này đã nêu được cơ bản những vấn đề như chủ thể, đối
tượng, mục đích nhưng vẫn còn một số điểm chưa đầy đủ.
Cách đồng nhất khái niệm “kháng cáo” và”chống án” như trên là không
hợp lý bởi thuật ngữ “chống án” hiện nay khoa học pháp lý đã không còn ghi
nhận và thuật ngữ “đương sự” chỉ phù hợp với Tố tụng dân sự chứ không phù
hợp với Tố tụng hình sự bởi trong Tố tụng hình sự, khái niệm đương sự
không được quy định. Nếu suy ra từ Điều 54 Bộ luật Tố tụng hình sự thì
đương sự có thể hiểu là Người bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự,
9


người có quyền nghĩa vụ liên quan, điểm không hợp lý ở đây chính là quyền

kháng cáo không chi dành riêng cho những chủ thể này mà còn có những
người khác.
Theo tác giả Đinh Văn Quế thì “Kháng cáo là biểu thị sự bất đồng của
mình đối với bản án hoặc quyết định của Tòa án cấp sơ thẩm để yêu cầu Tòa
án cấp trên xét xử lại ”[10, tr. 215]. Khái niệm này về cơ bản đã giải quyết
được một số vấn đề có liên quan như chủ thể, đối tượng. Tuy nhiên, vẫn còn
những điểm chưa hợp lý như : Khái niệm chỉ mới đề cập đến đối tượng kháng
cáo là bản án hoặc quyết định của Tòa án mà không kèm theo điều kiện phải
là bản án, quyết định chưa có hiệu lực pháp luật; Tác giả dùng từ “mình” khi
nói về chủ thể có quyền kháng cáo, cách sử dụng đại từ này không thể xác
định một cách cụ thể là ai có quyền kháng cáo; Thẩm quyền xét xử phúc thẩm
theo khái niệm mà tác giả Đinh Văn Quế đã đưa ra là thuộc về “Tòa án cấp
trên” là chưa cụ thể.
Theo Luật Tổ chức Tòa án năm 2014 thì hệ thống Tòa án nhân dân
nước ta hiện nay được tổ chức theo 4 cấp : Tòa án nhân dân cấp huyện, quận,
thị xã, thành phố thuộc tỉnh và tương đương; Tòa án nhân dân cấp tỉnh, thành
phố trực thuộc trung ương; Tòa án nhân dân cấp cao và Toà án nhân dân tối
cao. Vì vậy, nếu phát biểu như định nghĩa trên có thể hiểu rằng chỉ cần là Tòa
án cấp trên của Tòa án đã xét xử sơ thẩm là Tòa án có thẩm quyền. Phát biểu
như vậy là chưa chuẩn xác vì Tòa án có thẩm quyền xét xử phúc thẩm theo
quy định hiện hành phải là Tòa án cấp trên trực tiếp.
Theo giáo trình Luật Tố tụng hình sự của trường Đại học Luật Tp. Hồ
Chí Minh, quyền kháng cáo được hiểu “là quyền của những chủ thể theo quy
định của pháp luật được đề nghị Tòa án cấp trên trực tiếp xét xử lại bản án
và quyết định của Tòa án cấp sơ thẩm chưa có hiệu lực pháp luật ”[28, tr.
10


525]. Với khái niệm này, có thể đã có được cái nhìn khái quát về kháng cáo
trong Tố tụng hình sự Việt Nam. Nhưng để đưa ra được khái niệm về quyền

kháng cáo trong Tố tụng hình sự theo đúng bản chất của nó thì cần phải thông
nhất một số vấn đề sau:
Thứ nhất, quyền kháng cáo nói chung và kháng cáo trong Tố tụng hình
sự nói riêng là một trong số những quyền cơ bản của con người, của công dân
đã được pháp luật thừa nhận và đảm bảo thực hiện. Quyền này đã được ghi
nhận trong Công ước quốc tế về quyền dân sự và chính trị năm 1966, cũng
như một số công ước mang yếu tố vùng như Nghị định thư số 7, Công ước
bảo vệ nhân quyền và các quyền tự do cơ bản của cộng đồng Châu Âu hay
Công ước Châu Mỹ về nhân quyền. Quyền kháng cáo thể hiện khả năng của
công dân được trình bày thái độ “chống đối” của mình đối với bản án, quyết
định của Tòa bằng việc yêu cầu Tòa án cấp trên xét xử lại đối với vụ án. Với
pháp luật nước ta thì Tòa án cấp phúc thẩm phải là Tòa án cấp trên trực tiếp.
Như vậy, nếu tiếp cận ở mức độ chung nhất thì có thể hiểu kháng cáo là
quyền của công dân nhằm chống lại bản án, quyết định của Toà án, yêu cầu
Tòa án cấp trên trực tiếp xét xử lại.
Thứ hai, quyền kháng cáo là quyền cơ bản của công dân nhưng trong
Tố tụng hình sự quyền này chỉ có thể thực hiện khi công dân đó trở thành bị
cáo trong một vụ án hình sự cụ thể. Điều đó không có nghĩa rằng, quyền
kháng cáo là quyền giành riêng cho bị cáo. Nhưng không phải tất cả những
người tham gia tố tụng đều có quyền này bởi thực hiện quyền kháng cáo trước
hết là để tự bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người tham gia tố tụng đối với
những phán quyết của Tòa án mà theo họ là không hợp lý, không đảm bảo
tính có căn cứ và hợp pháp. Vì vậy, chỉ những người tham gia tố tụng nào có
quyền và lợi ích bị ảnh hưởng bởi những phán quyết của Tòa án thì mới có

11


quyền thể hiện sự bất đồng của mình thông qua việc thực hiện quyền kháng
cáo.

Thứ ba, đối tượng để bị cáo kháng cáo là những bản án, quyết định của
Tòa án chưa có hiệu lực pháp luật. Để đảm bảo nguyên tắc hai cấp xét xử, bản
án, quyết định của Tòa án sơ thẩm chưa phát sinh hiệu lực ngay mà pháp luật
giành cho bị cáo một khoản thời gian nhất định để xem xét và thể hiện ý kiến
của mình thông qua việc thực hiện quyền kháng cáo. Như vậy, có thể khẳng
định rằng bản án, quyết định của Tòa án đã phát sinh hiệu lực thì không thể là
đối tượng kháng cáo để phát sinh thủ tục phúc thẩm, nếu trong trường hợp cần
xem xét lại vì có vi phạm thì sẽ xem xét theo thủ tục Giám đốc thẩm hoặc thủ
tục Tái thẩm.
Thứ tư, quyền kháng cáo là quyền của bị cáo, quyền này sẽ được đảm
bảo thực hiện bởi các cơ quan có thẩm quyền. Tuy nhiên, quyền kháng cáo
phải được thực hiện một cách hợp pháp theo đúng quy định về thời hạn, thủ
tục, đúng cách thức cũng như các quy định khác mà pháp luật đã ghi nhận. Có
như vậy, thì kháng cáo mới được xem là cơ sở để phát sinh thủ tục phúc thẩm.
Như vậy, khái niệm về quyền kháng cáo của bị cáo trong Tố tụng hình
sự có thể được hiểu như sau:
“Quyền kháng cáo phúc thẩm hình sự là quyền của một số người tham
gia tố tụng mà pháp luật ghi nhận trong thời hạn bằng thủ tục luật định được
yêu cầu Tòa án cấp trên trực tiếp xét xử lại vụ án xét lại quyết định mà bản
án, quyết định sơ thẩm đó chưa phát sinh hiệu lực pháp luật”.
1.1.2 Đặc điểm của quyền kháng cáo của bị cáo
Thông qua việc phân tích khái niệm quyền kháng cáo cũng như nghiên
cứu các quy định về quyền kháng cáo trong pháp luật quốc tế và pháp luật

12


Việt Nam có thể rút ra những đặc điểm cơ bản của quyền kháng cáo của bị
cáo như sau:
Thứ nhất, quyền kháng cáo là quyền cơ bản của bị cáo trong lĩnh vực

tư pháp hình sự, là phương tiện để bị cáo bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của
mình
Bảo đảm quyền con người là một trong những nội dung và cũng là mục
đích của xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở nước ta. Tư pháp
hình sự là lĩnh vực hoạt động đặc thù của Nhà nước thông qua các cơ quan có
thẩm quyền của mình nhằm thực hiện quyền tư pháp. Lĩnh vực này mang tính
nhạy cảm do nó tác động trực tiếp đến quyền cơ bản của công dân. Nguy cơ
xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của người tham gia tố tụng, đặc iệt
là bị cáo từ phía những cơ quan, cá nhân có thẩm quyền là rất cao nếu như có
sai lầm trong việc phát hiện và xử lý tội phạm. Vì vậy, vấn đề bảo vệ quyền
con người trong lĩnh vực này là hết sức cần thiết.
Trong lĩnh vực tư pháp, bị cáo có nhiều quyền khác nhau như quyền
bào chữa, quyền được suy đoán vô tội, quyền bất khả xâm phạm về tính
mạng, sức khỏe, danh dự...trong đó có quyền kháng cáo đối với những bản án,
quyết định sơ thẩm chưa có hiệu lực pháp luật. Đây chính là khả năng mà
pháp luật cho phép bị cáo được quyền bày tỏ sự không đồng ý với phán quyết
cùa Tòa án cấp sơ thẩm và yêu cầu Tòa án cấp trên xét xử lại vụ án, quyết
định. Quyền kháng cáo được xem là một quyền cơ bản của người người tham
gia tố tụng, đặc biệt là đối với bị cáo.
Thứ hai, quyền kháng cáo của bị cáo là quyền gắn liền với một xã hội
mang tính dân chủ
Sự hình thành và phát triển của quyền kháng cáo của bị cáo trong Tố
tụng hình sự gắn liền với sự hình thành và phát triển các tư tưởng, các nguyên
13


tắc dân chủ, tiến bộ của Tố tụng hình sự như công bằng, nhân đạo, suy đoán
vô tội, bảo đảm quyền bào chữa của bị can, bị cáo... Quyền kháng cáo ra đời
như một tất yếu khách quan khi các quy định của pháp luật Tố tụng hình sự
ngày càng hướng đến việc bảo vệ hiệu quả quyền con người.

Quy định quyền kháng cáo và đảm bảo thực hiện quyền này đã tạo cơ
hội cho bị cáo được nói lên được tiếng nói của mình, thể hiện thái độ bất đồng
với những phán quyết của Tòa án sơ thẩm, qua đó góp phần bảo vệ quyền và
lợi ích hợp pháp của họ thông qua thủ tục xét xử phúc thẩm. Điều đó khẳng
định quyền kháng cáo chỉ có thề tồn tại trong Tố tụng tụng hình sự của những
chế độ có nền dân chủ, tôn trọng quyền con người. Còn ở những chế độ phi
dân chủ như chiếm hữu nô lệ, xã hội phong kiến, khi vấn đề quyền con người
không được xem trọng thì người bị kết tội sẽ không có quyền phản đối những
phản quyết của Tòa án.
Thứ ba, quyền kháng cáo của bị cáo là quyền mang tính quốc tế
Sự ra đời của quyền kháng cáo của bị cáo trong Tố tụng hình sự như
một tất yếu khách quan xuất phát từ bản chất dân chủ, tiến bộ của hệ thống tư
pháp hiện đại. Ở bất cứ quốc gia nào mà vấn đề quyền con người trong lĩnh
vực tư pháp hình sự được quan tâm thì ở đó, quyền kháng cáo sẽ tồn tại.
Chính vì vậy, không chỉ được ghi nhận trong pháp luật Tố tụng hình sự Việt
Nam, quyền kháng cáo còn được ghi nhận trong các văn kiện pháp lý quốc tế,
cũng như trong quy định pháp luật của hầu hết các nước trên thế giới.
Quyền kháng cáo được đề ra lần đầu tiên trong kỳ họp thứ 14 của ủy
ban thứ 3 Đại Hội đồng Liên Hiệp Quốc. Tuy nhiên sau đó, vấn đề này bị
dừng lại, không bàn bạc thêm và cũng không pháp điển hóa thành một quy
định trong Công ước về nhân quyền và các quyền tự do cơ bản của Cộng
đồng Châu Âu. Năm 1966, khi Công ước quốc tế về các quyền dân sự và
14


chính trị được thông qua, quyền kháng cáo của bị cáo đã chính thức được ghi
nhận tại Khoản 5 Điều 14 của Công ước: “Bất cứ người nào bị kết án là phạm
tội đều có quyền yêu cầu toà án cấp cao hơn xem xét lại bản án và hình phạt
đối với mình theo quy định pháp luật. ”
Một văn bản pháp lý khác ghi nhận quyền kháng cáo đó chính là Công

ước Châu Mỹ về nhân quyền; Quyền kháng cáo được quy định tại Khoản 2
Điều 8 của Công ước: "... Trong tố tụng, bất kì ai cũng đều hoàn toàn bình
đẳng trong việc bảo đảm những điều tối thiểu sau đây : Quyền kháng cáo bản
án lên toà cấp cao hơn…” [27, tr 30 và tr. 257].
Như vậy, có thể khẳng định rằng quyền kháng cáo của bị cáo là một
quyền cơ bản của con người; quyền năng này mang tính quốc tế, trở thành
một chuẩn mực chung cho cộng đồng các quốc gia trên thế giới. Việc ghi
nhận và thực hiện quyền kháng cáo không còn là câu chuyện nội bộ của một
quốc gia, mà trở thành trách nhiệm của các quốc gia thành viên khi tham gia
vào các công ước có liên quan.
Thứ tư, quyền kháng cáo của bị cáo có mối liên hệ với quyền được xét
xử công bằng
Trong hoạt động xét xử của Tòa án, quyền được xét xử công bằng thể
hiện ở quy định : mọi công dân được bình đẳng trước pháp luật, trước Toà án
và được xét xử bởi Toà án độc lập, công khai và không thiên vị. Quyết định
hình phạt đối với người phạm tội phải tương xứng với tính chất và mức độ
nguy hiểm của hành vi, với các đặc điểm nhân thân của người phạm tội, với
các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ... Đồng thời, quyền được xét xử công bằng
còn thể hiện ở việc trong những điều kiện và hoàn cảnh phạm tội giống nhau
thì người phạm tội phải bị kết án và xử phạt như nhau. Để đưa ra một phán
quyết mang tính chính xác, đòi hỏi Hội đồng xét xử phải thật sự khách quan,
15


không thiên vị, đưa ra các quyết định trên cơ sở chứng cứ và quy định của
pháp luật. Tuy nhiên, yêu cầu này không phải bao giờ cũng đạt được do nhiều
nguyên nhân khác nhau.
Thực hiện quyền kháng cáo là cơ hội để bị cáo yêu cầu Tòa án cấp trên
xét xử lại bản án, quyết định mà họ cho rằng là bất lợi đối với họ. Việc xem
xét nội dung kháng cáo chưa chắc sẽ được giải quyết bằng một kết quả có lợi

hơn so với phán quyết ban đầu nhưng thông qua thủ tục phúc thẩm, công tác
kiểm tra được thực hiện và tính chính xác của các phán quyết sẽ cao hơn, đó
chính là sự đảm bảo quyền được xét xử công bằng. Quyền kháng cáo sẽ trở
thành sự thúc đẩy mạnh mẽ cho các Thẩm phán làm việc một cách tận tình và
tránh các sai sót hay sự chuyên quyền.
Như vậy, quyền kháng cáo của bị cáo và quyền được xét xử công bằng
có mối liên hệ mật thiết với nhau. Trong đó, quyền kháng cáo là một cách
thức để thực hiện hiệu quả quyền được xét xử công bằng. Ngược lại, quyền
được xét xử công bằng trở thành mục tiêu để thực hiện quyền kháng cáo.
Thứ năm, quyền kháng cáo của bị cáo có mối liên hệ với quyền bào
chữa
Quyền bào chữa là tổng hợp tất cả các quyền mà pháp luật giành cho
người bị tạm giữ, bị can, bị cáo sử dụng để chống lại sự buộc tội hoặc làm
giảm nhẹ trách nhiệm hình sự cho họ. Quyền bào chữa được thực hiện bằng
nhiều cách thức khác nhau như : đưa ra tài liệu, đồ vật, tham gia tranh luận
với bên buộc tội. Đối với bị cáo, quyền bào chữa và quyền kháng cáo có mối
liên hệ mật thiết với nhau. Trong đó, quyền kháng cáo là một biểu hiện của
việc thực hiện quyền bào chữa, bởi khi bị cáo thực hiện quyền kháng cáo thì
bị cáo đã chống lại sự buộc tội của Tòa án cấp sơ thẩm hoặc nhằm làm giảm
nhẹ trách nhiệm hình sự cho họ bằng cách yêu cầu Tòa án cấp trên xét xử lại
16


để đảm bảo quyền lợi ích cho mình. Ngược lại, chính quyền kháng cáo của bị
cáo đã tạo điều kiện cho quyền bào chữa được kéo dài và phát huy được hiệu
quả.
Khi xem xét nội dung kháng cáo, Tòa án phải mở phiên tòa và tại phiên
tòa, bị cáo có quyền tiếp tục thực hiện các cách thức khác nhau để bào chữa
cho mình, hoặc có thể nhờ người bào chữa bảo vệ quyền lợi cho mình. Như
vậy, tương tự như quyền được xét xử công bằng, quyền kháng cáo của bị cáo

và quyền bào chữa của bị cáo có mối quan hệ biện chứng lẫn nhau.
1.1.3. Ý nghĩa của quyền kháng cáo của bị cáo trong tố tụng hình sự
Quyền kháng cáo trong Tố tụng hình sự là quyền năng tố tụng có vai
trò quan trọng đối với những người tham gia tố tụng khác nói chung, đối với
bị cáo nói riêng và đối với các cơ quan có thẩm quyền. Xét cả về mặt lí luận
và thực tiễn, kháng cáo phúc thẩm hình sự là chế định không thể thiếu được
trong pháp luật Tố tụng hình sự Việt Nam, nó là cơ sở pháp lý để đảm bảo
quyền, lợi ích hợp pháp của bị cáo. Nếu không quy định quyền kháng cáo,
những bản án oan, sai được đưa ra thi hành có thể sẽ rất nhiều và quyền, lợi
ích hợp pháp của bị cáo không được xem xét. Ý nghĩa của quyền kháng cáo
được khẳng định thông qua một số nội dung sau:
Thứ nhất, quyền kháng cáo là phương thức để bảo vệ quyền và lợi ích
hợp pháp của bị cáo
Quyền và lợi ích hợp pháp của bị cáo được Nhà nước bảo hộ bằng
nhiều cách thức khác nhau và quyền kháng cáo là một trong những cách thức
đó. Thực hiện quyền kháng cáo tức là bị cáo thể hiện một sự bất đồng với
những phán quyết của Tòa án cấp sơ thẩm và yêu cầu Tòa án cấp trên trực
tiếp xét xử lại những vụ án đó nhằm đảm bảo tính chính xác trong việc xét xử.

17


Yêu cầu của việc xét xử là phải đúng người, đúng tội, đúng pháp luật.
Tuy nhiên, không phải bao giờ kết quả của hoạt động xét xử cũng đảm bảo
yêu cầu đó. Việc áp dụng có thể có những sai sót do nhiều nguyên nhân khác
nhau. Quyền kháng cáo giúp bị cáo được trình bày ý kiến, nguyện vọng cũng
như những yêu cầu của mình đối với Tòa án khi cho rằng quyền và lợi ích của
họ đã bị xâm phạm do chính nội dung bản án, quyết định mà Tòa án đó đã
ban hành. Khi kháng cáo hợp pháp, vụ án sẽ được xét xử lại theo thủ tục phúc
thẩm để kiểm tra, phát hiện và khắc phục những sai lầm thiếu sót nếu có.

Chính vì vậy, quyền kháng cáo là một phương tiện quan trọng để bảo vệ
quyền và lợi ích hợp pháp của bị cáo.
Thứ hai, quyền kháng cáo của bị cáo là biểu hiện của việc giám sát
hoạt động xét xử của Tòa án
Hoạt động xét xử của Tòa án được xem là trọng tâm của quá trình giải
quyết vụ án. Vai trò của hoạt động này rất quan trọng bởi thông qua những
phán quyết của Tòa án, số phận pháp lý của một cá nhân sẽ được quyết định,
thậm chí quyết định cả quyền được sống của một con người. Chính vì vậy,
việc giám sát, kiểm sát hoạt động xét xử được đặt ra như một nhu cầu tất yếu.
Hoạt động kiểm sát xét xử được thực hiện bởi Viện kiểm sát thông qua việc
Kiểm sát viên phải tham gia phiên tòa; Còn hoạt động giám sát của người dân
thì bên cạnh vai trò của Hội thẩm khi trực tiếp tham gia vào hoạt động xét xử,
còn thể hiện thông qua những người tham gia phiên tòa, đặc biệt là đối với bị
cáo.
Thông qua việc giám sát đó, nếu phát hiện có sai phạm trong việc xử lý
vụ án thì bị cáo có quyền kháng cáo, yêu cầu Tòa án cấp trên xem xét lại để
đảm bảo tính chính xác trong các phán quyết. Như vậy, có thể nói quyền

18


kháng cáo của bị cáo là cơ chế để hoạt động giám sát xét xử được thực hiện
một cách hiệu quả.
Thứ ba, quyền kháng cáo là điều kiện để phát sinh thủ tục phúc thẩm;
là cách thức để đảm bảo nguyên tắc hai cấp xét xử
Xét xử phúc thẩm là việc Tòa án cấp trên trực tiếp xét xử lại vụ án chưa
có hiệu lực pháp luật của Toà án cấp dưới bị kháng cáo hoặc kháng nghị. Vai
trò của thủ tục phúc thẩm là rất quan trọng, tuy nhiên không phải bất cứ vụ án
nào đã được xét xử sơ thẩm đều phải trải qua giai đoạn xét xử phúc thẩm vì
đây không phải là thủ tục đương nhiên phát sinh mà là thủ tục phát sinh có

điều kiện. Một trong những điều kiện để phát sinh thủ tục phúc thẩm chính là
quyền kháng cáo của bị cáo.
Như vậy, việc quy định và thực hiện quyền kháng cáo là một trong
những căn cứ, cơ sở pháp lý quan trọng làm phát sinh thủ tục phúc thẩm,
đồng thời cũng là căn cứ xác định phạm vi xét xử của Tòa án cấp phúc thẩm.
Khi kháng cáo hợp pháp, Tòa án cấp phúc thẩm phải mở phiên tòa xét xử và
giải quyết lại đối với vụ án bị kháng cáo đó. Thủ tục phúc thẩm phát sinh là
biểu hiện của nguyên tắc hai cấp xét xử và chính kháng cáo là điều kiện để
đảm bảo thực hiện nguyên tắc này.
Nguyên tắc hai cấp xét xử là nguyên tắc cơ bản của pháp luật Tố tụng
hình sự, có tính bắt buộc chung, thể hiện quan điểm có tính định hướng của
Nhà nước trong việc tổ chức tố tụng để xét xử các vụ án hình sự. Nguyên tắc
thể hiện sự thận trọng của Nhà nước trong việc đưa ra những phán quyết,
quyết định số phận pháp lý của một con người. Chính quyền kháng cáo của bị
cáo đã trở thành một trong những điều kiện tiên quyết để Tòa án có thể xét xử
lại, là cơ chế để có thể đảm bảo được nguyên tắc này.

19


Thứ tư, quyền kháng cáo của bị cáo tạo điều kiện cho Tòa án có thể tự
kiểm tra, đánh giá hoạt động của mình; phát hiện, khắc phục những sai lầm
thiếu sót đồng thời có những hướng sửa chữa, khắc phục
Như đã phân tích, hoạt động xét xử không phải bao giờ cũng đảm bảo
được những yêu cầu đã đặt ra. Vì vậy, khi bị cáo thực hiện quyền kháng cáo
phúc thẩm cũng chính là cơ hội để Tòa án tự kiểm tra, đánh giá lại hoạt động
xét xử của mình. Thông qua việc xem xét kháng cáo, Tòa án cấp trên không
chỉ khắc phục những sai sót của Tòa án cấp dưới mà còn có có thể hướng dẫn
cho Tòa án cấp dưới nhận thức và áp dụng đúng đắn, thống nhất pháp luật,
nâng cao chất lượng xét xử các bản án.

Bên cạnh đó, việc xem xét kháng cáo cũng giúp cho Tòa án phát hiện
những điểm còn vướng mắc trong quy định của pháp luật. Bởi lẽ, một trong
số những nguyên nhân dẫn đến những sai phạm chính là thiếu sót, bất cập
trong quy định của pháp luật. Thông qua thủ tục xét xử phúc thẩm, Tòa án có
thẩm quyền sẽ xem xét và phát hiện được những lỗ hổng của pháp luật, những
điểm còn vướng trong quá trình áp dụng, từ đó có cơ sở để kiến nghị sửa đổi,
bổ sung các quy định có liên quan cho phù hợp với thực tiễn áp dụng.
Thứ năm, quy định và thực hiện quyền kháng cáo của bị cáo giúp tạo niềm tin
của nhân dân vào Đảng, nhà nước và pháp luật
Nhà nước thực hiện quản lý xã hội bằng pháp luật. Nhà nước ban hành
pháp luật đồng thời thành lập các cơ quan nhằm đảm bảo việc thực hiện pháp
luật. Tuy nhiên, để có một xã hội ổn định, nhân dân tin tưởng và làm theo các
chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước thì việc xây dựng và củng cố
lòng tin trong nhân dân là rất quan trọng. Tòa án là cơ quan thực hiện chức
năng xét xử, Tòa án có quyền nhân danh Nhà nước ra bản án, quyết định. Mỗi
bản án, quyết định đều có khả năng ảnh hưởng rất lớn đến quyền và lợi ích
20


của cá nhân, tổ chức có liên quan. Đồng thời, các bản án quyết định đó còn
được đảm bảo thực hiện bởi sức mạnh cưỡng chế trong quá trình thi hành án.
Do đó, nếu bản án được đưa ra thi hành là những bản án không đảm bảo tính
có căn cứ, tính hợp pháp thì không những ảnh hưởng trực tiếp đến những
người có liên quan đến vụ án mà còn kéo theo những hiệu ứng tiêu cực như
giảm lòng tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và pháp luật.
Qua việc thực hiện quyền kháng cáo của bị cáo, Tòa án cấp trên trực
tiếp có cơ hội để kiểm tra, xem xét lại, đảm bảo một cách tối đa nhất tính
chính xác của những bản án, quyết định được đưa ra thi hành. Tạo niềm tin
tuyệt đối cho nhân dân vào kết quả của hoạt động xét xử. Bên cạnh đó, những
quy định về quyền kháng cáo cũng thể hiện được rằng Nhà nước ta là Nhà

nước của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân; luôn quan tâm và có cơ chế
để đảm bảo quyền lợi của nhân dân.
1.2. Chủ thể có quyền kháng cáo và chủ thể có trách nhiệm đảm
bảo thực hiện quyền kháng cáo
1.2.1. Chủ thể có quyền kháng cáo
Quyền kháng cáo trong Tố tụng hình sự là quyền cơ bản của con người
trong lĩnh vực tư pháp hình sự; nhưng quyền này chỉ có thể được thực hiện
khi họ tham gia tố tụng trong một vụ án hình sự. Đây là phương tiện để người
tham gia tố tụng tự bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình. Tuy nhiên,
không phải tất cả những người tham gia tố tụng đều có quyền kháng cáo.
Theo Tố tụng hình sự hiện hành, người tham gia tố tụng hiện nay được chia
thành 3 nhóm:
Người tham gia tố tụng có quyền và lợi ích trong vụ án: Người bị tạm
giữ; bị can; bị cáo; người bị hại; nguyên đơn dân sự; bị đơn dân sự; người có
quyền, nghĩa vụ liên quan.
21


Người tham gia tố tụng để bảo vệ quyền và lợi ích cho người khác và
góp phần bảo vệ công lý: Người bào chữa; người bảo vệ quyền lợi cho đương
sự.
Người tham gia tố tụng theo nghĩa vụ pháp lý: Người làm chứng; người
giám định; người phiên dịch.
Trong ba nhóm người tham gia tố tụng này, phù hợp với lý luận Tố
tụng hình sự thì chỉ có một số chủ thể thuộc nhóm thứ nhất có quyền kháng
cáo, vì đây là những chủ thể có quyền và nghĩa vụ pháp lý liên quan đến vụ
án, họ có khả năng bị ảnh hưởng bởi bản án, quyết định của Tòa án, cụ thể đó
là: bị cáo; người bị hại; nguyên đơn dân sự; bị đơn dân sự;người có quyền,
nghĩa vụ liên quan.
Nội dung mà người có quyền kháng cáo được yêu cầu xét xử lại sẽ xác

định tương ứng với mức độ ảnh hưởng của bản án đến quyền và lợi ích của
họ. Theo đó, quyền, lợi ích của người kháng cáo bị tác động bởi phần nào của
bản án thì sẽ có quyền kháng cáo, yêu cầu xét xử lại phần đó; mức độ ảnh
hưởng nhiều thì phạm vi kháng cáo rộng, ảnh hưởng ít thì phạm vi kháng cáo
hẹp hơn. Chính vì vậy, phạm vi kháng cáo sẽ khác nhau giữa các chủ thể do
mức độ ảnh hưởng của bản án, quyết định đến quyền và lợi ích của họ là khác
nhau.
Tóm lại, thực hiện quyền kháng cáo bao gồm nhiều chủ thể khác nhau
theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, trong phạm vi luận văn này, tác giả
chỉ đi sâu nghiên cứu quyền kháng cáo của bị cáo trong Tố tụng hình sự, là
người bị Toà án cấp sơ thẩm phán quyết là có tội và phải chịu hình phạt theo
bản án sơ thẩm.

22


×