Tải bản đầy đủ (.pdf) (26 trang)

Quyền kháng cáo của bị cáo trong tố tụng hình sự việt nam từ thực tiễn quận 10 – thành phố hồ chí minh (tóm tắt)

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (428.93 KB, 26 trang )

VIỆN HÀN LÂM
KHOA HỌC XÃ HỘI VIỆT NAM
HỌC VIỆN KHOA HỌC XÃ HỘI

NGUYỄN TRUNG TÍNH

QUYỀN KHÁNG CÁO CỦA BỊ CÁO THEO PHÁP
LUẬT TỐ TỤNG HÌNH SỰ VIỆT NAM TỪ THỰC
TIỄN QUẬN 10 THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

Chuyên ngành: Luật Hình sự và Tố tụng hình sự
Mã số: 60.38.01.04

TÓM TẮT LUẬN VĂN THẠC SĨ LUẬT HỌC

Hà Nội - 2017


Công trình được hoàn thành tại: Học viện Khoa học xã hội
Người hướng dẫn khoa học: GS. TS. Võ Khánh Vinh

Phản biện 1: .......................................................................
.......................................................................
Phản biện 2: .......................................................................
.......................................................................

Luận văn sẽ được bảo vệ trước Hội đồng chấm luận văn thạc
sĩ họp tại: Học viện Khoa học xã hội lúc ….. giờ ….. ngày …..
tháng ….. năm …….
Có thể tìm hiểu luận văn tại: Thư viện Học viện Khoa học xã hội



MỞ ĐẦU
Tính cấp thiết của đề tàỉ
Quyền kháng cáo là một quyền cơ bản của người tham gia tố
tụng, đây là cách thức để người tham gia tố tụng có thể tự bảo vệ
quyền và lợi ích hợp pháp của chính mình trước những phán quyết
không hợp pháp, không có căn cứ của Tòa án cấp sơ thẩm. Về cơ bản
các quy định về quyền kháng cáo trong pháp luật Tố tụng hình sự
hiện hành đã đáp ứng được yêu cầu. Tuy nhiên, trong thực tiễn hiện
nay, nhiều quy định về quyền kháng cáo đã bộc lộ một số vướng
mắc, hạn chế cũng như những bất cập trong quá trình áp dụng pháp
luật làm ảnh hưởng đến quyền, lợi ích của bị cáo. Do đó, việc hoàn
thiện pháp luật Tố tụng hình sự về quyền kháng cáo, đưa ra những
giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả việc thực hiện quyền kháng cáo
đối với bị cáo là một nhu cầu tất yếu khách quan.
Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 đã được xây dựng với nhiều thay
đổi quan trọng. Cùng với việc thực hiện chiến lược cải cách tư pháp
đến năm 2020 theo tinh thần Nghị quyết số 49/NQ-TW ngày
02/06/2005 của Bộ chính trị, công cuộc xây dựng Nhà nước pháp
quvền, việc nghiên cứu một cách hệ thống những vấn đề lý luận và
thực tiễn thi hành các quy định về quyền kháng cáo, từ đó đưa ra
những định hướng, giải pháp nhằm hoàn thiện pháp luật Tố tụng
hình sự và nâng cao hiệu quả thực hiện quyền này là hết sức quan
trọng, có ý nghĩa cả về mặt lý luận và thực tiễn.
Xuất phát từ những nhu cầu đó, để có cái nhìn toàn diện, sâu
sắc về quyền kháng cáo của bị cáo trong Tố tụng hình sự Việt Nam,
tác giả chọn đề tài “Quyền kháng cáo của bị cáo trong Tố tụng hình
sự Việt Nam từ thực tiễn Quận 10 – Thành phố Hồ Chí Minh” để làm
luận văn thạc sỹ của mình.
1



Chương 1
NHỮNG VẤN ĐỀ LÝ LUẬN VỀ QUYỀN KHÁNG CÁO CỦA
BỊ CÁO TRONG TỐ TỤNG HÌNH SỰ
1.1 Khái niệm, đặc điểm, ý nghĩa của quyền kháng cáo
trong Tố tụng hình sự
1.1.1 Khái niệm quyền kháng cáo trong Tố tụng hình sự
“Quyền kháng cáo phúc thẩm hình sự là quyền của một số
người tham gia tố tụng mà pháp luật ghi nhận trong thời hạn bằng
thủ tục luật định được yêu cầu Tòa án cấp trên trực tiếp xét xử lại vụ
án xét lại quyết định mà bản án, quyết định sơ thẩm đó chưa phát
sinh hiệu lực pháp luật”.
1.1.2 Đặc điểm của quyền kháng cáo của bị cáo
Thứ nhất, quyền kháng cáo là quyền cơ bản của con người
trong lĩnh vực tư pháp hình sự, là phương tiện để bị cáo tự bảo vệ
quyền, lợi ích hợp pháp của mình
Quyền kháng cáo đối với những bản án, quyết định sơ thẩm
chưa có hiệu lực pháp luật chính là khả năng mà pháp luật cho phép
bị cáo được quyền bày tỏ sự không đồng ý với phán quyết cùa Tòa
án cấp sơ thẩm và yêu cầu Tòa án cấp trên xét xử lại vụ án, quyết
định.
Thứ hai, quyền kháng cáo là quyền gắn liền với một xã hội
mang tính dân chủ. Quy định quyền kháng cáo và đảm bảo thực hiện
quyền này đã tạo cơ hội cho bị cáo được nói lên được tiếng nói của
mình, thể hiện thái độ bất đồng với những phán quyết của Tòa án sơ
thẩm, qua đó góp phần bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của họ.
Thứ ba, quyền kháng cáo là quyền mang tính quốc tế. Sự ra
đời của quyền kháng cáo của bị cáo trong Tố tụng hình sự như một
2



tất yếu khách quan xuất phát từ bản chất dân chủ, tiến bộ của hệ
thống tư pháp hiện đại. Chính vì vậy, không chỉ được ghi nhận trong
pháp luật Tố tụng hình sự Việt Nam, quyền kháng cáo còn được ghi
nhận trong các văn kiện pháp lý quốc tế, cũng như trong quy định
pháp luật của hầu hết các nước trên thế giới.
Thứ tư, quyền kháng cáo có mối liên hệ với quyền được xét xử
công bằng. Thực hiện quyền kháng cáo là cơ hội để bị cáo yêu cầu
Tòa án cấp trên xét xử lại bản án, quyết định mà họ cho rằng là bất
lợi đối với họ. Việc xem xét nội dung kháng cáo chưa chắc sẽ được
giải quyết bằng một kết quả có lợi hơn so với phán quyết ban đầu
nhưng thông qua thủ tục phúc thẩm, tính chính xác của các phán
quyết sẽ cao hơn, đó chính là sự đảm bảo quyền được xét xử công
bằng.
Thứ năm, quyền kháng cáo có mối liên hệ với quyền bào chữa.
Quyền kháng cáo là một biểu hiện của việc thực hiện quyền bào
chữa, bởi khi bị cáo thực hiện quyền kháng cáo thì bị cáo đã chống
lại sự buộc tội của Tòa án cấp sơ thẩm nhằm làm giảm nhẹ trách
nhiệm hình sự cho họ bằng cách yêu cầu Tòa án cấp trên xét xử lại
vụ án.
1.1.3. Ý nghĩa quyền kháng cáo của bị cáo trong TTHS
Thứ nhất, quyền kháng cáo là phương thức để bảo vệ quyền và
lợi ích hợp pháp của bị cáo. Thực hiện quyền kháng cáo tức là bị cáo
thể hiện một sự bất đồng với những phán quyết của Tòa án cấp sơ
thẩm và yêu cầu Tòa án cấp trên trực tiếp xét xử lại những vụ án đó
nhằm đảm bảo tính chính xác trong việc xét xử để bảo vệ quyền và
lợi ích của họ.
Thứ hai, quyền kháng cáo là biểu hiện của việc giám sát hoạt
động xét xử của Tòa án. Xét xử của Tòa án được xem là trọng tâm

3


của quá trình giải quyết vụ án. Việc giám sát, kiểm sát hoạt động xét
xử là một nhu cầu tất yếu. Thông qua việc giám sát đó, nếu phát hiện
có sai phạm trong việc xử lý vụ án thì bị cáo có quyền kháng cáo,
yêu cầu Tòa án cấp trên xem xét lại để đảm bảo tính chính xác trong
các phán quyết.
Thứ ba, quyền kháng cáo là điều kiện để phát sinh thủ tục
phúc thẩm; là cách thức để đảm bảo nguyên tắc hai cấp xét xử. Xét
xử phúc thẩm là việc Tòa án cấp trên trực tiếp xét xử lại vụ án chưa
có hiệu lực pháp luật của Toà án cấp dưới bị kháng cáo hoặc kháng
nghị. Việc quy định, thực hiện quyền kháng cáo là một trong những
căn cứ, cơ sở pháp lý quan trọng làm phát sinh thủ tục phúc thẩm.
Thứ tư, quyền kháng cáo tạo điều kiện cho Tòa án có thể tự
kiểm tra, đánh giá hoạt động của mình; phát hiện, khắc phục những
sai lầm thiếu sót đồng thời có những hướng khắc phục kịp thời. Khi
bị cáo thực hiện quyền kháng cáo cũng chính là cơ hội để Tòa án tự
kiểm tra lại hoạt động xét xử của mình. Tòa án cấp trên không chỉ
khắc phục những sai sót của Tòa án cấp dưới mà còn hướng dẫn, chỉ
đạo cho Tòa án cấp dưới áp dụng đúng đắn và thống nhất pháp luật,
nâng cao chất lượng xét xử.
Thứ năm, quy định và thực hiện quyền kháng cáo giúp tạo niềm tin
của nhân dân vào Đảng, nhà nước và pháp luật. Mỗi bản án, quyết định
đều có khả năng ảnh hưởng rất lớn đến quyền và lợi ích của cá nhân,
tổ chức có liên quan. Qua việc thực hiện quyền kháng cáo, Tòa án
cấp trên xem xét lại, đảm bảo một cách tối đa nhất tính chính xác của
những bản án, quyết định. Tạo niềm tin tuyệt đối cho nhân dân vào
kết quả của hoạt động xét xử.
1.2. Chủ thể có quyền kháng cáo và chủ thể có trách nhiệm

đảm bảo thực hiện quyền kháng cáo
4


1.2.1. Chủ thể có quyền kháng cáo
Bị cáo; người bị hại; nguyên đơn dân sự; bị đơn dân sự; người
có quyền, nghĩa vụ liên quan có quyền kháng cáo, vì đây là những
chủ thể có quyền và nghĩa vụ pháp lý liên quan đến vụ án, họ có khả
năng bị ảnh hưởng bởi bản án, quyết định của Tòa án. Trong phạm vi
luận văn này, tác giả chỉ đi sâu nghiên cứu quyền kháng cáo của bị
cáo trong Tố tụng hình sự, là người bị Toà án cấp sơ thẩm phán
quyết là có tội và phải chịu hình phạt theo bản án sơ thẩm.
1.2.2. Chủ thể có trách nhiệm đảm bảo thực hiện quyền
kháng cáo
Khác với các quyền khác, quyền kháng cáo chỉ phát sinh khi
phiên tòa sơ thẩm đã kết thúc và bản án, quyết định của Tòa án cấp
sơ thẩm chưa phát sinh hiệu lực pháp luật. Ở giai đoạn này, chủ thể
có trách nhiệm đảm bảo cho việc thực hiện quyền kháng cáo là Tòa
án và cơ quan công an mà cụ thể là Nhà tạm giam trong trường hợp
bị cáo đang bị tạm giam hoặc bị bắt tạm giam sau khi Tòa tuyên án.

5


Chương 2
THỰC TRẠNG QUY ĐỊNH CỦA PHÁP LUẬT TỐ TỤNG
HÌNH SỰ VIỆT NAM VỀ QUYỀN KHÁNG CÁO CỦA BỊ CÁO
2.1. Quy định của pháp luật về chủ thể và phạm vi kháng
cáo
Điều 231 Bộ luật Tố tụng hình sự 2003 quy định chủ thể và

phạm vi kháng cáo của bị cáo như sau : “Bị cáo, bị hại, người đại
diện hợp pháp của họ có quyền kháng cáo bản án hoặc quyết định sơ
thẩm… người được Toà án tuyên bố là không có tội có quyền kháng
cáo phần lý do bản án sơ thẩm đã tuyên là họ không có tội”.
+ Đối với bị cáo :
Điều 231 Bộ luật Tố tụng hình sự quy định bị cáo có thể
kháng cáo một phần hoặc toàn bộ nội dung bản án, quyết định. Trong
trường hợp bị cáo được Toà án tuyên bố là không có tội cũng có
quyền kháng cáo phần lý do của bản án sơ thẩm đã tuyên là họ không
có tội.
Cách quy định này có hạn chế : Bị cáo có thể kháng cáo đối
với toàn bộ bản án, quyết định của Tòa án là không phù hợp về mặt
lý luận và thực tiễn bởi vì không phải lúc nào toàn bộ nội dung bản
án, quyết định của Tòa án sơ thẩm cũng ảnh hưởng đến quyền, lợi
ích hợp pháp của bị cáo, nhất là trong vụ án có nhiều đồng phạm,
hoặc vụ án ghép của nhiều vụ án.
+ Người đại diện hợp pháp của bị cáo
Nếu bị cáo là người chưa thành niên hoặc là người có nhược
điểm về thể chất hoặc tâm thần, thì bị cáo vẫn có thể tự mình thực
hiện quyền kháng cáo hoặc thực hiện thông qua người đại diện hợp
pháp của bị cáo. Quyền kháng cáo của bị cáo và người đại diện hợp

6


pháp là độc lập, không làm mất đi quyền kháng cáo của bị cáo. Phạm
vi kháng cáo của người đại diện được xác định tương tự bị cáo.
Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 (chưa có hiệu lực thi hành)
quy định về người kháng cáo và phạm vi kháng cáo tại điều 331 : “Bị
cáo, người đại diện hợp pháp của họ có quyền kháng cáo bản án hoặc

quyết định sơ thẩm”. Quy định của bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015
đối với quyền kháng cáo của bị cáo không có thay đổi so với quy
định của Bộ luật tố tụng hình sự 2003.
2.2

Quy định của pháp luật về thời hạn kháng cáo

2.2.1. Thời hạn kháng cáo đối với bản án sơ thẩm
Điều 234 Bộ luật Tố tụng hình sự 2003 quy định : “Thời hạn
kháng cáo là 15 ngày, kể từ ngày tuyên án. Đổi với bị cáo, đương sự
vắng mặt tại phiên tòa thì thời hạn kháng cáo tính từ ngày bản án
được giao cho họ hoặc được niêm yết”.
Thời điểm bắt đầu và thời điểm kết thúc của thời hạn kháng
cáo không được quy định cụ thể trong Bộ luật Tố tụng hình sự 2003
nhưng được hướng dẫn tại tiểu mục 4.1, mục 4, phần I, Nghị quyết
05/2005/NQ-HĐTP. Theo đó, thời điểm bắt đầu tính thời hạn kháng
cáo là ngày tiếp theo của ngày xác định. “Ngày xác định là ngày Tòa
án tuyên án hoặc ra quyết định trong trường hợp Viện kiểm sát, bị
cáo, đương sự có mặt tại phiên tòa hoặc là ngày bản án, quyết định
được giao hoặc niêm yết trong trường hợp bị cáo, đương sự vắng
mặt tại phiên tòa”.
“Thời điểm kết thúc thời hạn kháng cáo, kháng nghị là thời
điểm kết thúc ngày cuối cùng của thời hạn... Thời điểm kết thúc ngày
cuối cùng của thời hạn vào lúc hai mươi tư giờ của ngày đó. Trong
trường hợp ngày cuối cùng của thời hạn là ngày nghỉ cuối tuần (thứ

7


bảy, chủ nhật) hoặc ngày nghỉ lễ, thời hạn kháng cáo kết thúc tại

thời điểm kết thúc ngày làm việc tiếp theo ngày nghỉ đó”.
"Nếu đơn kháng cáo gửi qua bưu điện thì ngày kháng cáo
được tính căn cứ vào ngày bưu điện nơi gửi đóng dấu ở phong bì.
Trong trường hợp đơn kháng cáo gửi qua Ban giám thị trại tạm
giam, thì ngày kháng cáo được tính căn cứ vào ngày Ban giám thị
trại tạm giam nhận được đơn kháng cáo”.
Trường hợp người kháng cáo nộp đơn trực tiếp cho Tòa án
hoặc đến Tòa án trình bày trực tiếp, tiểu mục 4.2, mục 4, phần I Nghị
quyết số 05/2005/NQ-HĐTP quy định: "Trong trường hợp người
kháng cáo đến nộp đơn kháng cáo tại Toà án hoặc trong trường hợp
họ đến Toà án cấp sơ thẩm trình bày trực tiếp về việc kháng cáo, thì
ngày kháng cáo là ngày Toà án nhận đơn hoặc là ngày Toà án lập
biên bản về việc kháng cáo".
Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 (chưa có hiệu lực thi hành)
quy định về thời hạn kháng cáo tại điều 333. Bộ luật mới có bổ sung
về thời hạn kháng cáo đối với quyết định là 07 ngày kể từ ngày
người có quyền kháng cáo nhận được quyết định. Đồng thời, các
hướng dẫn về thời hạn kháng cáo, cách xác định ngày kháng cáo tại
tiểu mục 4.1, mục 4, phần I, và tiểu mục 4.2, mục 4, phần I - Nghị
quyết 05/2005/NQ-HĐTP như phân tích ở trên đã được pháp điển
hoá, bổ sung vào điều luật mới, đây là sự tiến bộ trong xây dựng luật,
đảm bảo sự thống nhất cũng như đảm bảo quyền lợi của bị cáo.
2.2.2. Thời hạn kháng cáo đối với quyết định sơ thẩm
Thời hạn kháng cáo đổi với các quyết định sơ thẩm được quy
định tại Khoản 2 Điều 239 Bộ luật Tố tụng hình sự 2003 là 7 ngày.
Thời điểm bắt đầu, thời điểm kết thúc thời hạn kháng cáo được xác
định tương tự như kháng cáo đối với bản án.
8



Quy định về thời hạn kháng cáo đối với quyết định sơ thẩm
của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 vẫn là 07 ngày kể từ ngày
người có quyền kháng cáo nhận được quyết định, tương tự như Bộ
luật Tố tụng hình sự 2003.
Mặt hạn chế :
Thứ nhất, thời hạn kháng cáo sẽ được xác định như thế nào đối
với trường hợp bị cáo tham gia phiên tòa nhưng lại bỏ về hoặc bỏ
trốn trong thời gian Hội đồng xét xử nghị án. 15 ngày kể từ ngày
tuyên án hay là 15 ngày tính từ ngày bản án được giao hoặc niêm yết.
Vấn đề này hiện nay còn nhiều quan điểm, có quan điểm, chưa được
pháp luật ghi nhận một cách cụ thể.
Thứ hai, cách quy định tại “15 ngày kể từ ngày tuyên án….".
Người đọc dễ nhầm tưởng là ngày Tòa tuyên án sẽ là thời điểm bắt
đầu của thời hạn kháng cáo. Bên cạnh đó, pháp luật Tố tụng hình sự
chỉ quy định hưởng xử lý khi ngày cuối cùng của thời hạn kháng cáo
rơi vào ngày nghỉ, ngày lễ; còn trường hợp nếu ngày bắt đầu của thời
hạn này rơi vào ngày lễ, ngày nghỉ thì vẫn chưa có hướng dẫn.
2.2.3. Kháng cáo quá hạn
Điều 235 Bộ luật Tố tụng hình sự quy định : “Việc kháng cáo
quá hạn có thể được chấp nhận nếu có lý do chính đáng”. Bộ luật Tố
tụng hình sự không quy định rõ như thế nào là lý do chính đáng,
nhưng tại tiểu mục 5.1 mục 5 phần I Nghị quyết 05/2005/NQ-HĐTP
đã giải thích: “Lý do chính đáng là những trường hợp bất khả kháng
hoặc trở ngại khách quan khác mà người kháng cáo không thể thực
hiện được việc kháng cáo trong thời hạn luật định, ví dụ: do thiên
tai, lũ lụt; do ốm đau, tai nạn phải nằm viện..”.
Thẩm quyền xét kháng cáo quá hạn thuộc về Tòa án cấp phúc
thẩm. Cụ thể : “Tòa án cấp phúc thẩm thành lập Hội đồng xét xử
9



gồm ba thẩm phán để xét lý do kháng cáo quá hạn. Hội đồng xét xử
có quyền chấp nhận hoặc không chấp nhận việc kháng cáo quá hạn”
Hạn chế :
Nghị quyết 05/2005/NQ-HĐTP đã phần nào làm rõ thế nào là
lý do chính đáng. Nhưng vẫn chưa rõ ràng, còn nhiều cách hiểu khác
nhau. Cũng chưa có quy định thời hạn mà chủ thể có quyền kháng
cáo phải thực hiện hoạt động này sau khi chấm dứt lý do bất khả
kháng hoặc trở ngại khách quan.
Bộ luật Tố tụng hình 2003 sự quy định thành lập “Hội đồng
xét xử” để xét lý do kháng cáo quá hạn là chưa phù hợp. Tiểu mục
5.3 mục 5 phần I Nghị quyết số 05/2005/NQ- HĐTP quy định
“Phiên họp xét lý do kháng cáo quá hạn không bắt buộc phải có sự
tham gia của đại diện Viện kiểm sát cùng cấp”.
Các hạn chế nên trên đã được khắc phục tại Bộ luật Tố tụng
hình sự 2015. Khoản 1 Điều 335 quy định : “Việc kháng cáo quá
hạn được chấp nhận nếu có lý do bất khả kháng hoặc do trở ngại
khách quan...”, đã phần nào làm rõ được cụm từ “lý do chính đáng”
của luật cũ. Ngoài ra, bộ luật Tố tụng hình sự 2015 quy định Toà
phúc thẩm sẽ thành lập “Hội đồng xét kháng cáo quá hạn” và phiên
họp xét kháng cáo quá hạn phải có Viện kiểm sát tham gia. Những
thay đổi này đã khắc phục được hạn chế của điều luật cũ, đảm bảo
quyền lợi của bị cáo. Tuy nhiên, pháp luật Tố tụng hình sự chưa quy
định về hậu quả pháp lý của bản án, quyết định trong giai đoạn Toà
cấp trên xét kháng cáo quá hạn.
2.3. Quy định của pháp luật về thủ tục thực hiện quyền
kháng cáo
Hình thức và thủ tục kháng cáo được quy định tại Khoản 1
Điều 233 Bộ luật Tố tụng hình sự, cụ thể như sau : “Người kháng
10



cáo phải gửi đơn đến Tòa án đã xử sơ thẩm hoặc Tòa án cấp phúc
thẩm. Trong trường hợp bị cáo đang bị tạm giam, Ban giám thị trại
tạm giam phải đảm bảo cho bị cáo thực hiện quyền kháng cáo.
Người kháng cáo có thể trình bày trực tiếp với Tòa án đã xét xử sơ
thẩm về việc kháng cáo. Tòa án phải lập biên bản về việc kháng cáo
đó theo quy định tại Điều 95 của Bộ luật này ”.
Bên cạnh việc kháng cáo bằng đơn, người kháng cáo có thể
chọn hình thức kháng cáo bàng cách trình bày trực tiếp với Tòa án.
Tòa án cấp sơ thẩm phải tiếp nhận và lập biên bản về việc kháng cáo,
ghi rõ những thông tin cần thiết cũng như những yêu cầu của người
kháng cáo. Việc nhận và xử lý kháng cáo được hướng dẫn tại tiểu
mục 3.1, mục 3, phần I Nghị quyết 05/2005/NQ- HĐTP như sau:
- Đối với việc nhận và xử lý đơn kháng cáo.
Tòa án cấp sơ thẩm thì sau khi nhận được đơn kháng cáo phải
vào sổ nhận đơn và kiểm tra người làm đơn kháng cáo có thuộc chủ
thể có quyền kháng cáo và nội dung kháng cáo có thuộc giới hạn của
việc kháng cáo hay không? Đồng thời kiểm tra kháng cáo có được
làm trong thời hạn quy định tại Điều 234 của Bộ luật Tố tụng hình sự
và được hướng dẫn tại mục 4 Phần I của Nghị quyết số 05/2005/NQHĐTP hay không. Trong trường hợp kháng cáo đảm bảo đầy đủ các
điều kiện theo quy định thì tiến hành thông báo về việc kháng cáo
theo quy định.
Trong trường hợp đơn kháng cáo là của người không có quyền
kháng cáo hoặc nội dung kháng cáo không thuộc giới hạn của việc
kháng cáo thì trong thời hạn ba ngày làm việc kể từ ngày nhận được
đơn, Toà án cấp sơ thẩm trả lại đơn cho người làm đơn và ghi chú
vào sổ nhận đơn về việc trả lại đơn. Trong trường hợp đơn kháng cáo
có nội dung chưa cụ thể, rõ ràng, thì Toà án cấp sơ thẩm phải thông
11



báo ngay cho họ để họ thể hiện nội dung kháng cáo cho cụ thể và rõ
ràng theo quy định của pháp luật.
Trong trường hợp đơn kháng cáo là của người có quyền kháng
cáo, nội dung kháng cáo thuộc giới hạn kháng cáo, nhưng quá thời
hạn thì Toà án cấp sơ thẩm lập hồ sơ kháng cáo quá hạn và gửi đơn
kháng cáo cùng các giấy tờ, tài liệu kèm theo chứng minh lý do của
việc kháng cáo quá thời hạn cho Toà án cấp phúc thẩm để xét.
Nếu đơn kháng cáo được gởi đến Tòa án cấp phúc thẩm thì
Toà án cấp phúc thẩm phải chuyển cho Toà án cấp sơ thẩm để tiến
hành các công việc như đã phân tích ở trên.
- Đối với việc nhận và xử lý kháng cáo trực tiếp tại Tòa án.
Theo hướng dẫn tại tiểu mục 3.2, mục 3, phần 1 Nghị quyết
05/2005/NQ-HĐTP. Chánh án Tòa án cử một Thẩm phán hoặc một
cán bộ Tòa án tiến hành giải quyết. Nếu người kháng cáo biết chữ và
viết được thì hướng dẫn để họ tự viết đơn. Nếu họ muốn trình bày
trực tiếp thì lập biên bản về việc kháng cáo đó theo đúng quy định tại
Điều 95 Bộ luật Tố tụng hình sự.
Đối với bị cáo đang bị tạm giam thì pháp luật cũng quy định
Ban giám thị trại tạm giam có trách nhiệm tạo điều kiện thuận lợi
cho bị cáo thực hiện quyền kháng cáo, phải tiếp nhận đơn kháng cáo,
xác nhận ngày, tháng, năm nhận đơn kháng cáo; ký, đóng dấu và gởi
ngay cho Tòa án sơ thẩm.
Hiện nay, hoạt động tiếp nhận và xử lý đơn kháng cáo hướng
dẫn tại Nghị quyết số 05/2005/NQ-HĐTP đã được pháp điểm hoá bổ
sung vào quy định tại các Điều 332, 333, 334 của Bộ luật Tố tụng
hình sự 2015, giúp cho việc tiếp nhận và xử lý đơn kháng cáo được
thuận lợi, dễ dàng hơn, đảm bảo tốt nhất quyền lợi ích của bị cáo
trong việc kháng cáo hơn.

12


2.4. Một số quy định khác về quyền kháng cáo
2.4.1. Thông báo việc kháng cáo và hậu quả của việc kháng
cáo
- Thông báo về việc kháng cáo : Quy định tại Điều 236 Bộ luật
Tố tụng hình sự : “ Việc kháng cáo, kháng nghị phải được Tòa án
cấp sơ thẩm thông báo bằng văn bản cho Viện kiếm sát cùng cấp và
những người tham gia tổ tụng trong thời hạn 7ngày, kể từ ngày nhận
được kháng cáo, kháng nghị”.
- Hậu quả của việc kháng cáo : Khoản 1 Điều 237 Bộ luật Tố
tụng hình sự quy định “Những phần của bản án bị kháng cáo, kháng
nghị thì chưa đưa ra thi hành trừ trường hợp quy định tại khoản 2
Điều 255 của Bộ luật này. Khi có kháng cáo, kháng nghị đối với toàn
bộ bản án thì toàn bộ bản án chưa được đưa ra thi hành”.
Hậu quả của việc kháng cáo, kháng nghị theo quy định tại
Điều 237 Bộ luật Tố tụng hình sự 2003 được vẫn được giữ nguyên,
không có bổ sung gì trong quy định tại điều 339 Bộ luật Tố tụng hình
sự 2015.
2.4.2. Bổ sung, thay đổi, rút kháng cáo
- Quy định về bổ sung, thay đổi kháng cáo: Được quy định tại
khoản 1 Điều 238 Bộ luật Tố tụng hình sự, cụ thể như sau : “Trước
khi bắt đầu hoặc tại phiên tòa phúc thẩm, người kháng cáo...có
quyền bổ sung, thay đổi kháng cáo, kháng nghị nhưng không được
làm xấu hơn tình trạng của bị cáo...”.
- Quy định về rút kháng cáo: Việc rút kháng cáo cũng được
quy định tại Điều 238 Bộ luật Tố tụng hình sự 2003, theo đó: “Trước
khi bắt đầu hoặc tại phiên tòa phúc thẩm, người kháng cáo...có
quyền...rút một phần hoặc toàn bộ kháng cáo...Trong trường hợp rút

toàn bộ kháng cáo... tại phiên tòa thì việc xét xử phúc thẩm phải
13


được đình chi. Bản án sơ thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày Tòa
án cấp phúc thẩm ra quyết định đình chi việc xét xử phúc thẩm ”.
Hạn chế của điều luật : trường hợp người kháng cáo rút một
phần, hoặc người kháng cáo rút toàn bộ kháng cáo và không còn bất
cứ kháng cáo, kháng nghị nào khác nhưng không phải “tại phiên tòa”
mà là “trước khi bắt đầu phiên tòa” thì hậu quả pháp lý vẫn chưa
được Bộ luật Tố tụng hình sự quy định rõ.
Vấn đề này được Nghị quyết 05/2005/NQ - HĐTP khắc phục
bằng quy định tại tiểu mục 7.2, mục 7, phần I, cụ thể như sau :
- Trong trường hợp người kháng cáo rút toàn bộ kháng cáo
trước khi bắt đầu hoặc tại phiên tòa thì việc xét xử phúc thẩm phải
được đình chỉ. Trước khi mở phiên tòa, việc ra quyết định đình chỉ
xét xử phúc thẩm do Thẩm phán được phân công chủ tọa phiên tòa
thực hiện. Nếu rút kháng cáo tại phiên tòa thì Hội đồng xét xử phúc
thẩm ra quyết định đình chỉ xét xử phúc thẩm.
- Trong trường hợp người kháng cáo rút một phần kháng cáo
hoặc trong những vụ án đồng phạm xảy ra trường hợp có nhiều
người kháng cáo những có người rút, có người không rút kháng cáo
thì cần phân biệt như sau:
Trường hợp rút trước khi mở phiên tòa thì việc rút kháng cáo
đó phải làm thành văn bản. Phần kháng cáo đã bị rút được coi như
không có kháng cáo. Tòa án cấp phúc thẩm thông báo bằng văn bản
về việc rút kháng cáo đó theo quy định của pháp luật, đồng thời tiến
hành các công việc do Bộ luật Tố tụng hình sự quy định để mở phiên
tòa xét xử phúc thẩm vụ án đối với phần kháng cáo còn lại.
Trường hợp rút tại phiên tòa thì việc rút kháng cáo đó phải

được ghi vào biên bản phiên tòa. Tòa án cấp phúc thẩm tiếp tục xét
xử vụ án theo thủ tục chung đối với phần kháng cáo còn lại.
14


Hiện nay, các hướng dẫn tại Nghị quyết 05/2005/NQ - HĐTP
của Hội đồng thẩm phán Toà án nhân dân tối về vấn đề này đã được
pháp điển hoá vào các quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 tại
các điều 342, 348.
Điểm khác biệt của Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 đó là người
kháng cáo có thể thay đổi, bổ sung, rút kháng cáo trước hoặc tại
phiên toà phúc thẩm mà không bị ràng buộc bởi quy định “làm xấu
đi tình trạng của bị cáo”. Ràng buộc này chỉ quy định đối với Viện
kiểm sát đã ra quyết định kháng nghị nhằm mục đích nâng cao tính
trách nhiệm của cơ quan này khi ban hành quyết định kháng nghị.

15


Chương 3
THỰC TIỄN THỰC HIỆN CÁC QUY ĐỊNH CỦA PHÁP
LUẬT VỀ QUYỀN KHÁNG CÁO CỦA BỊ CÁO TẠI QUẬN 10,
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH VÀ CÁC GIẢI PHÁP BẢO
ĐẢM QUYỀN KHÁNG CÁO CỦA BỊ CÁO
3.1.

Thực tiễn thực hiện các quy định của pháp luật về

quyền kháng cáo của bị cáo tại Quận 10 Tp. Hồ Chí Minh
3.1.1 Những kết quả đạt được

- Về số lượng kháng cáo : Tổng kết số liệu án giải quyết 5
năm gần đây tại Toà án nhân dân Quận 10 như sau : Tổng số án hình
sự đã giải quyết là 1.025 vụ án với 1.545 bị cáo theo thủ tục sơ thẩm.
Trong đó, số vụ án mà bị cáo kháng cáo theo thủ tục phúc thẩm là
175 vụ tỉ lệ 17,07% với 182 bị cáo. Tỷ lệ số vụ án có kháng cáo trên
tổng số vụ án đã giải quyết không dao động nhiều mà mang tính ổn
định. Cụ thể, năm 2012: Tỷ lệ số vụ án có kháng cáo phúc thẩm là
15,71%, năm 2013 là 18,32%, năm 2014 là 13,94% và năm 2015 là
15,31%, năm 2016 là 15,71%, trung bình trong 05 năm từ 2012 đến
2016, tỉ lệ án là 16%.
Như vậy, qua phân tích số liệu, có thể thấy rằng những quy
định của pháp luật về quyền kháng cáo đã được bị cáo nhận thức một
cách đúng đắn và đã sử dụng hiệu quả. Việc kháng cáo đã được thực
hiện một cách kịp thời để bị cáo có thể bảo vệ quyền và lợi ích hợp
pháp của mình.
- Về chất lượng kháng cáo : Số liệu thống kê thể hiện tỷ lệ
kháng cáo được chấp nhận một phần hoặc toàn bộ là tương đối cao,
dẫn đến hệ quả là Tòa án cấp phúc thẩm đã phải sửa án, hủy án. Việc
sửa án, hủy án có thể là do sự sai sót của Tòa án cấp sơ thẩm nhưng
cũng có thể là do phát sinh tình tiết mới. Cho thấy việc kháng cáo kịp
16


thời đã giúp cho việc đánh giá chứng cứ chính xác hơn, các phán
quyết của Tòa án phù hợp, đúng đắn hơn.
Trên thực tế, có những vụ án, Tòa án cấp sơ thẩm áp dụng
hình phạt tù cho bị cáo, nhưng thông qua việc kháng cáo và việc xem
xét, đánh giá lại chứng cứ, Tòa án cấp phúc thẩm đã cho hưởng án
treo. Hoặc cấp sơ thẩm xử giam với mức án nghiêm khắc do chưa
nhận định đầy đủ các tình tiết giảm nhẹ đối với bị cáo nên cấp phúc

thẩm sửa án sơ thẩm giảm mức hình phạt đối với bị cáo.
Bên cạnh đó cũng nhận thấy, số kháng cáo không được cấp
phúc thẩm chấp nhận, y án sơ thẩm cũng tương đối cao (73 vụ/161
vụ, tỉ lệ : 45,34%). Qua đó cho thấy, chất lượng kháng cáo của bị cáo
chưa thật sự cao, cấp sơ thẩm đã xử đúng người, đúng tội và tuyên
mức án phù hợp với tính chất, mức độ hành vi phạm tội của bị cáo.
- Về cơ chế đảm bảo thực hiện quyền kháng cáo: Thời gian
qua, tại Toà án nhân dân Quận 10, với những kết quả đã đạt được
trong việc thực hiện quyền kháng cáo thì có thể khẳng định rằng Tòa
án, Ban giám thị trại tạm giam Công an Quận 10 đã tạo điều kiện
thuận lợi cho bị cáo có thể thực hiện tốt quyền kháng cáo của mình.
3.1.2. Những vướng mắc trong việc thực hiện quyền kháng
cáo
Thứ nhất, tỷ lệ Tòa án cấp phúc thẩm không chấp nhận kháng
cáo, giữ nguyên bản án sơ thẩm còn cao. Trong vòng 05 năm trở lại
đây, số vụ án bị kháng cáo theo thủ tục phúc thẩm là 161 vụ. Trong
đó, cấp phúc thẩm không chấp nhận kháng cáo, y án sơ thẩm là 73
vụ, chiếm tỉ lệ 45,34%.
Điều này cũng phần nào cho thấy rằng đa số các bản án sơ
thẩm đã xử đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, các kháng cáo của
bị cáo là mang tính cầu may, kháng cáo được thực hiện một cách tràn
17


lan, không có căn cứ, dẫn đến việc kéo dài thời gian tố tụng, gây khó
khăn cho các cơ quan có thẩm quyền.
Nguyên nhân của vấn đề này là do pháp luật Tố tụng hình sự
nước ta quy định về thủ tục kháng cáo tương đối dễ dàng và thuận
lợi, không quy định rõ căn cứ để kháng cáo, không quy trách nhiệm
đối với các chủ thể kháng cáo không có căn cứ. Bị cáo phải chịu án

phí phúc thẩm trong trường hợp kháng cáo không được chấp nhận
nhưng mức án phí này không đáng kể, chỉ 200.000 đồng nên không
hạn chế được tình trạng kháng cáo tràn lan của các bị cáo.
Thứ hai, bất cập về xét thời hạn kháng cáo, xét kháng cáo quá
hạn. Vẫn còn một số trường hợp vi phạm các quy định về xét thời
hạn kháng cáo. Dẫn đến việc quyền lợi của bị cáo không được đảm
bảo. Có những kháng cáo được thực hiện quá thời hạn luật định,
thuộc trường hợp kháng cáo quá hạn vì lý do khách quan nhưng Tòa
án có thẩm quyền không xem xét và không chấp nhận, gây ảnh
hưởng đến quyền, lợi ích của bị cáo. Ngược lại, cũng có một số
trường hợp kháng cáo quá hạn nhưng Tòa án không làm đầy đủ thủ
tục hoặc không kiểm tra, xem như kháng cáo trong hạn.
Cũng có những trường hợp, việc xét lý do kháng cáo quá hạn
được thực hiện ngay trước khi khai mạc phiên tòa phúc thẩm. Điều
này thường xãy ra trong trường hợp vụ án có nhiều bị cáo kháng cáo,
trong đó có bị cáo kháng cáo trong hạn, có bị cáo kháng cáo quá hạn.
Nguyên nhân của vấn đề này cũng là do pháp luật chưa quy
định rõ về trường hợp này. Do đó, một số Tòa án cấp phúc thẩm đã
giản tiện thủ tục xét lý do kháng cáo quá hạn.
Thứ ba, bất cập về vấn đề giải thích quyền kháng cáo và tuyên
đọc bản án tại phiên toà sơ thẩm. Tại một số phiên tòa, Hội đồng xét
xử đã vi phạm trong việc giải thích quyền kháng cáo cũng như không
18


tuyên đọc phần kháng cáo trong bản án sơ thẩm. Dẫn đến việc bị cáo
không nắm rõ được nội dung quyền kháng cáo của mình.
Thứ năm, bất cập trong công tác thụ lý, xử lý đơn kháng cáo,
thông báo kháng cáo. Thực tế cho thấy vẫn còn một số hạn chế trong
công tác này. Một số Toà án có vi phạm trong quá trình tiến hành tố

tụng như : thông báo quá thời hạn quy định và ghi không đúng nội
dung kháng cáo; Giao bản án cho Viện kiểm sát, bị cáo không đúng
thời hạn, thông báo kháng cáo và gửi hồ sơ kháng cáo cho Tòa án
phúc thẩm quá thời hạn theo quy định. Nguyên nhân của những hạn
chế này chính là do con người, do các cá nhân có thẩm quyền đã
không áp dụng đúng quy định của pháp luật trong hoạt động thụ lý,
thông báo nội dung kháng cáo.
Thứ sáu, một số vấn đề khác. Bên cạnh những hạn chế nổi bật
trên, thực tế hiện nay vẫn còn một số hạn chế như : vẫn có những
trường hợp chủ thể kháng cáo là người không có quyền kháng cáo
như vợ kháng cáo thay cho chồng, mẹ kháng cáo thay cho con... Hay
bị cáo bị tạm giam làm đơn kháng cáo bản án nhưng không có xác
nhận của Trại tạm giam; có trường hợp, bị cáo không chủ động làm
đơn kháng cáo mà do cán bộ Công an trong Trại tạm giam đọc cho
viết.
Nguyên nhân tồn tại, bất cập trên :
Thứ nhất, do hệ thống các quy định về quyền kháng cáo chưa
được hoàn thiện, còn mâu thuần, chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể
dẫn đến việc áp dụng pháp luật còn nhiều vướng mắc.
Thứ hai, do sự hạn chế về trình độ năng lực của cán bộ các cơ
quan có liên quan như Tòa án, Ban giám thị trại tạm giam. Một số
cán bộ chưa làm hết trách nhiệm trong việc thụ lý, kiểm tra, xử lý

19


đơn kháng cáo, thiếu trách nhiệm không giải thích rõ quyền kháng
cáo cho người có quyền kháng cáo.
Do tình trạng thiếu cán bộ, Thẩm phán ở một số địa phương,
đặc biệt là những đơn vị vùng sâu, vùng xa. Một số Thẩm phán, cán

bộ Tòa án hạn chế về năng lực, trình độ; tinh thần trách nhiệm, thái
độ phục vụ nhân dân chưa tốt nên hiệu quả công tác thấp, thậm chí
có trường hợp sa sút về phẩm chất đạo đức, vi phạm pháp luật.
Thứ ba, do không am hiểu các quy định pháp luật về quyền
kháng cáo, lại không được những người thẩm quyền giải thích rõ về
quyền này nên bị cáo gặp khó khăn, sai sót trong việc thực hiện
quyền kháng cáo.
Thứ tư, việc tổ chức đánh giá rút kinh nghiệm về kháng cáo
chưa được thực hiện một cách thường xuyên, còn thiếu các văn bản
tổng kết về thực tiễn thực hiện quyền kháng cáo.
3.2.

Các giải pháp đảm bảo quyền kháng cáo của bị cáo

3.2.1.Giải pháp hoàn thiện hệ thống pháp luật Tố tụng hình
sự nhằm nâng cao hiệu quả việc thực hiện quyền kháng cáo
Thứ nhất, về chủ thể có quyền kháng cáo. Luật quy định “bị
cáo, bị hại, người đại diện hợp pháp của họ có quyền quyền kháng
cáo bản án hoặc quyết định sơ thẩm”. Bộ luật Tố tụng hình sự 2015
(chưa có hiệu lực thi hành) cũng quy định tương tự đối với quyền
kháng cáo của bị cáo tại khoản điều 331.
Tuy nhiên, việc quy định về người “đại diện hợp pháp” trong
Bộ luật tố tụng hình sự và “người đại diện” trong dự thảo Bộ luật Tố
tụng hình sự năm 2015 hiện nay lại chưa được quy định cụ thể và rõ
ràng. Do đó, cần có một điều luật cụ thể quy định hoặc có văn bản
hướng dẫn thống nhất về người đại diện hợp pháp của bị cáo để việc
thực hiện kháng cáo cho bị cáo được bảo đảm và thống nhất.
20



Thứ hai, về thời hạn kháng cáo: Cần quy định thời hạn kháng
cáo trường hợp bị cáo tham gia phiên tòa nhưng bỏ về hoặc bỏ trốn
trong thời gian nghị án. Theo quan điểm của tôi thì thời hạn này nên
được tính kể từ khi Tòa tuyên án.
Về thời điểm bắt đầu, thời điểm kết thúc thời hạn kháng cáo.
Nghị quyết 05/2005/NQ-HĐTP đã hướng dẫn và Bộ luật Tố tụng
hình sự 2015 đã bổ sung thêm quy định về xác định ngày kháng cáo
tại khoản 3 Điều 333. Nhưng Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 pháp điển
hóa quy định này. Đây là thiếu sót của nhà làm luật mà rất dễ có
vướng mắc trong thực tế vì cách tính và cách hiểu không thống nhất.
Thứ ba, kháng cáo quá hạn : Trong quy định của pháp luật
hiện hành và cả thực tiễn áp dụng, chế định này vẫn còn một số các
vướng mắc như : lý do chính đáng; việc thành lập Hội đồng xét xử
để xét lý do kháng cáo quá hạn; tại phiên tòa xét kháng cáo quá hạn
không cần có mặt đại diện Viện kiểm sát; cũng như việc không tiến
hành xét lý do kháng cáo quá hạn đúng luật định...
Những bất cập này đã được Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 khắc
phục một phần tại khoản 1 điều 335 “Việc kháng cáo quá hạn được
chấp nhận nếu có lý do bất khả kháng hoặc do trở ngại khác quan mà
người kháng cáo không thể thực hiện được việc kháng cáo…”
Tuy nhiên, điều luật lại chưa nói rõ về việc như thế nào là “lý
do bất khả kháng” và “trở ngại khách quan”. Trong trường hợp đó thì
thời hạn kháng cáo tính như thế nào. Do đó cần có hướng dẫn hoặc
dẫn chiếu định nghĩa về “lý do bất khả kháng” và “trở ngại khách
quan” trong Bộ luật dân sự. Cần quy định rõ, nếu rơi vào những
trường hợp này thì thời hiệu được tính lại, hay sau khi hết các lý do
đó thì phải làm đơn kháng cáo ngay.
Thứ tư, về thông báo kháng cáo : Pháp luật hiện hành chưa quy
21



định phải gửi thông báo kháng cáo cho người kháng cáo. Đồng thời,
mẫu Thông báo kháng cáo ban hành kèm theo Nghị quyết
05/2005/HĐTP-TANDTC chưa ghi rõ “có quyền gửi văn bản nêu ý
kiến của mình về nội dung kháng cáo cho Toà cấp phúc thẩm”. Điều
này sẽ hạn chế cho bị cáo nói riêng và những người tham gia tố tụng
khác chung trong việc chuẩn bị trước các nội dung và trình bày ý
kiến của mình về các nội dung liên quan đến kháng cáo.
Thứ năm, về rút kháng cáo. Bộ luật Tố tụng hình sự 2003 chưa
xác định rõ trách nhiệm phải ra quyết định đình chỉ xét xử phúc thẩm
đối với những nội dung kháng cáo đã bị rút trong cả hai trường hợp
là ở tại phiên tòa và trước khi mở phiên tòa. Trước khi mở phiên tòa,
thẩm quyền ra quyết định thuộc về Thẩm phán được phân công chủ
tọa phiên tòa. Tại phiên tòa, nội dung đình chỉ việc xét xử phúc thẩm
đối với những phần kháng cáo đã bị rút được thể hiện trong nội dung
của bản án cấp phúc thẩm được thông qua tại thủ tục nghị án. Những
vướng mắc này đã được giải quyết trong Bộ luật Tố tụng hình sự
2015 tại điều 342 giúp cho cơ quan tiến hành tố tụng được được
thuận lợi hơn trong quá trình giải quyết vụ án. Thiết nghĩ, trong quá
trình sửa chữa bộ luật Tố tụng hình sự 2015 cần giữ nguyên các quy
định này để đảm bảo quyền lợi cho bị cáo.
3.2.2. Giải pháp nâng cao trình độ chuyên môn và đạo đức
nghề nghiệp đối với các cá nhân có trách nhiệm đảm bảo thi hành
các quy định về kháng cáo
Để thực hiện tốt nhiệm vụ đảm bảo quyền kháng cáo được
thực hiện trên thực tế, vấn đề hết sức cần thiết đó là yếu tố con
người. Do đó, chúng ta cần tăng cường hơn nữa công tác xây dựng
đội ngũ Thư ký, Thẩm phán Tòa án trong sạch, vững mạnh; đảm bảo

22



phẩm chất đạo đức, bản lĩnh chính trị, trình độ năng lực chuyên môn
nghiệp vụ.
Tăng cường việc nâng cao trình độ, những kiến thức liên quan
đến quyền kháng cáo cho Ban giám thị trại tạm giam. Xây dựng chế
độ, chính sách tiền lương, khen thưởng phù hợp với lao động và sự
cống hiến của cán bộ tư pháp nói chung, cán bộ ngành Tòa án, Trại
tạm giam nói riêng. Ngoài ra, để nâng cao trình độ nghiệp vụ, Tòa án
các cấp cần tăng cường việc tổ chức đánh giá rút kinh nghiệm về
công tác kháng cáo, xử lý đơn kháng cáo.
3.2.3. Giải pháp về công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật
Tòa án và các cơ quan hữu quan cần tăng cường các hoạt động
tuyên truyền, phổ biến pháp luật trong đó có các quy định về quyền
kháng cáo như chủ thể có quyền kháng cáo, phạm vi kháng cáo, hình
thức kháng cáo, thời hạn kháng cáo.
KẾT LUẬN
Quyền kháng cáo là một trong những quyền quan trọng đối
với bị cáo trong Tố tụng hình sự. Đây là phương tiện để bị cáo có thể
tự bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình thông qua việc bày tỏ sự
không đồng ý với kết luận của Tòa án cấp sơ thẩm và yêu cầu Tòa án
cấp trên xét xử lại vụ án, xét lại quyết định đó.
Đảm bảo thực hiện quyền kháng cáo của bị cáo trong vụ án
hình sự nói riêng cũng chính là đảm bảo quyền con người nói chung.
Đây được xác định là mục tiêu của đất nước ta trong quá trình xây
dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa. Do đó, việc nghiên
cứu về quyền kháng cáo của bị cáo trong Tố tụng hình sự có ý nghĩa
hết sức to lớn cả về mặt lý luận và thực tiễn.
Nhận thức ý nghĩa quan trọng này, pháp luật Tố tụng hình sự
ghi nhận quyền kháng cáo của bị cáo từ rất sớm và ngày càng được

23


×