ĐẠI HỌC QUỐC GIA HÀ NỘI
TRƯỜNG ĐẠI HỌC KHOA HỌC XÃ HỘI VÀ NHÂN VĂN
-----------------------------
NGUYỄN ĐÌNH THUẬN
VAI TRÒ CỦA GIỚI DOANH NHÂN TRONG NỀN
CHÍNH TRỊ THÁI LAN HIỆN ĐẠI: TRƯỜNG HỢP
CỦA CỰU THỦ TƯỚNG THAKSIN SHINAWATRA
LUẬN ÁN TIẾN SĨ CHÍNH TRỊ HỌC
Hà Nội - 2016
ĐẠI HỌC QUỐC GIA HÀ NỘI
TRƯỜNG ĐẠI HỌC KHOA HỌC XÃ HỘI VÀ NHÂN VĂN
-----------------------------
NGUYỄN ĐÌNH THUẬN
VAI TRÒ CỦA GIỚI DOANH NHÂN TRONG NỀN
CHÍNH TRỊ THÁI LAN HIỆN ĐẠI: TRƯỜNG HỢP
CỦA CỰU THỦ TƯỚNG THAKSIN SHINAWATRA
Chuyên ngành:
Mã số:
Chính trị học
62310201
LUẬN ÁN TIẾN SĨ CHÍNH TRỊ HỌC
NGƯỜI HƯỚNG DẪN KHOA HỌC:
PGS.TS. Hoàng Khắc Nam
XÁC NHẬN NCS ĐÃ CHỈNH SỬA THEO QUYẾT NGHỊ
CỦA HỘI ĐỒNG ĐÁNH GIÁ LUẬN ÁN
Người hướng dẫn khoa học
Chủ tịch Hội đồng đánh giá
Luận án Tiến sĩ
PGS.TS. Hoàng Khắc Nam
Hà Nội - 2016
GS. Vũ Dương Ninh
LỜI CAM ĐOAN
Tôi cam đoan đây là công trình nghiên cứu của riêng tôi. Các số liệu
nêu trong luận án là trung thực. Các kết luận của luận án chưa từng được cá
nhân hoặc tổ chức nào công bố trong bất cứ công trình nào khác
TÁC GIẢ LUẬN ÁN
Nguyễn Đình Thuận
LỜI CẢM ƠN
Trước hết, tôi xin bày tỏ lòng biết ơn đến PGS.TS. Hoàng Khắc Nam,
người thầy kính mến, vì đã hết lòng chỉ bảo, hướng dẫn và tạo mọi điều kiện
tốt nhất để tôi hoàn thành luận án này. Tôi xin gửi lời tri ân sâu sắc tới các
thầy, các cô, giảng viên của Khoa Chính trị học, Đại học Khoa học xã hội và
nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội đã tích cực giúp đỡ để tôi được học tập,
nghiên cứu và hoàn thành công trình này.
Trong quá trình xây dựng và hoàn hoàn thành công trình này, tôi đã
nhận được sự giúp đỡ tận tình về chuyên môn của các thầy, cô giáo và các
học giả về chính trị học và chính trị Đông Nam Á. Đó là: GS.TS. Đỗ Quang
Hưng, GS. NGND. Vũ Dương Ninh, GS.TS. NGƯT. Phùng Hữu Phú, GS.
TS. Trình Quang Phú, PGS.TS. Trần Khánh, PGS.TS. Nguyễn Duy Dũng,
GS.TS. Ngô Văn Doanh, PGS.TS. Nguyễn Thu Mỹ, PGS.TS. Phạm Thái
Việt, PGS.TS. Lại Quốc Khánh, GS.TS. Nguyễn Thiết Sơn, nhà báo Đặng
Bảo Trung.
Xin cảm ơn và luôn ghi nhớ sự hỗ trợ nhiệt tình của các đồng nghiệp từ
Ban Nội chính Trung ương trước đây và Trung tâm Phát triển nguồn nhân lực
chất lượng cao thành phố Đà Nẵng hiện nay, đã tạo điều kiện các mặt để tôi
hoàn thành luận án này.
Xin cảm ơn toàn thể gia đình, người thân và rất nhiều bạn bè đã sát
cánh bên tôi trong suốt thời gian vừa qua.
MỤC LỤC
MỞ ĐẦU ........................................................................................................... 1
1. Lý do chọn đề tài ......................................................................................... 1
2. Mục đích và nhiệm vụ nghiên cứu .............................................................. 3
3. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu .............................................................. 4
4. Cơ sở lý luận và phương pháp nghiên cứu ................................................. 4
5. Đóng góp của Luận án ................................................................................ 7
6. Ý nghĩa của Luận án ................................................................................... 7
7. Bố cục của Luận án ..................................................................................... 8
Chương 1: TỔNG QUAN TÌNH HÌNH NGHIÊN CỨU .................................. 9
1.1. Tình hình nghiên cứu trong và ngoài nước................................................. 9
1.1.1. Tình hình nghiên cứu ở trong nước ................................................. 9
1.1.2. Tình hình nghiên cứu ở nước ngoài ............................................... 13
1.2. Những kế thừa từ các công trình nghiên cứu đã xuất bản ........................ 21
1.3. Những vấn đề đặt ra cần tiếp tục nghiên cứu ........................................... 21
Chương 2: KHÁI QUÁT VỀ NỀN CHÍNH TRỊ THÁI LAN HIỆN ĐẠI ...... 23
2.1. Tiến trình chính trị Thái Lan (1932 - 2014) ............................................. 23
2.1.1. Chính thể quan liêu (1932 - 1978) ................................................. 23
2.1.2. Nền chính trị “bán dân chủ” (1978 - 1988) ................................... 29
2.1.3. Nền chính trị dân chủ tuyển cử (1988 - 2014)............................... 32
2.2. Thể chế và hệ thống chính trị Thái Lan qua các bản hiến pháp ............... 37
2.2.1. Hiến pháp 1978 .............................................................................. 37
2.2.2. Hiến pháp 1991 .............................................................................. 38
2.2.3. Hiến pháp 1997 .............................................................................. 39
2.3. Đảng phái chính trị và chế độ bầu cử của Thái Lan ................................ 41
2.3.1. Sự hình thành và phát triển của các đảng phái .............................. 41
2.3.2. Chế độ bầu cử và đặc điểm cử tri .................................................. 44
2.4. Các lực lượng chủ yếu trong nền chính trị Thái Lan ............................... 46
2.4.1. Quốc vương Bhumibol Adulyadej................................................. 46
2.4.2. Giới quan liêu ................................................................................ 48
2.4.3. Các tướng lĩnh quân đội................................................................. 50
2.4.4. Giới doanh nhân ............................................................................. 52
2.4.5. Mối tương quan giữa các lực lượng chính trị ................................ 54
2.5. Tiểu kết ..................................................................................................... 57
Chương 3: VAI TRÒ CỦA GIỚI DOANH NHÂN TRONG NỀN CHÍNH TRỊ
THÁI LAN .......................................................................................................... 59
3.1. Nguồn gốc và quá trình phát triển của cộng đồng doanh nhân Thái Lan .. 59
3.1.1. Người Hoa, người Thái gốc Hoa và sự hình thành cộng đồng
doanh nhân Thái Lan ............................................................................... 59
3.1.2. Các loại hình doanh nhân Thái Lan hiện đại ................................. 63
3.2. Những hoạt động và ảnh hưởng chính trị của doanh nhân ....................... 68
3.2.1. Hoạt động trong các đảng phái ...................................................... 68
3.2.2. Hoạt động trong quá trình bầu cử .................................................. 73
3.2.3. Hoạt động trong chính phủ ............................................................ 75
3.3. Doanh nhân - tác nhân dẫn đến sự sụp đổ của các chính phủ liên minh .... 81
3.3.1. Đằng sau nhóm lợi ích và nạn tham nhũng ................................... 81
3.3.2. Sự sụp đổ của các chính phủ liên minh ........................................ 85
3.4. Đánh giá vai trò của giới doanh nhân trong nền chính trị Thái Lan ........ 88
3.4.1. Vai trò tích cực .............................................................................. 88
3.4.2. Vai trò tiêu cực .............................................................................. 90
3.5. Tiểu kết ..................................................................................................... 92
Chương 4: TRƯỜNG HỢP CỦA CỰU THỦ TƯỚNG THAKSIN
SHINAWATRA............................................................................................... 94
4.1. Nguồn gốc gia đình và quá trình phát triển .............................................. 94
4.1.1. Hoàn cảnh xuất thân ...................................................................... 94
4.1.2. Quá trình phát triển kinh doanh ..................................................... 95
4.1.3. Tham gia vào “Nền chính trị tiền bạc” .......................................... 97
4.2. Những hoạt động và ảnh hưởng chính trị của Thaksin Shinawatra ......... 99
4.2.1. Hoạt động đảng phái .................................................................... 100
4.2.2. Tham gia tranh cử ........................................................................ 106
4.2.3. Hoạt động trong chính quyền ...................................................... 113
4.3. Thủ tướng Thaksin - tác nhân chính khiến chính phủ sụp đổ ................ 122
4.3.1. Thực hiện các chính sách gây tranh cãi ....................................... 122
4.3.2. Thể hiện phong cách trịch thượng và hiếu thắng ........................ 122
4.3.3. Lạm dụng quyền lực và trục lợi cá nhân .................................... 132
4.3.4. Tạo điều kiện cho các đối thủ chính trị trỗi dậy .......................... 134
4.4. So sánh về vai trò của Thaksin và giới doanh nhân trong nền chính trị .. 138
4.4.1. Những điểm tương đồng .............................................................. 141
4.4.2. Những điểm khác biệt .................................................................. 143
4.5. Tiểu kết ................................................................................................... 145
KẾT LUẬN ..................................................................................................... 148
DANH MỤC CÔNG TRÌNH KHOA HỌC CỦA TÁC GIẢ LIÊN QUAN
ĐẾN LUẬN ÁN .............................................................................................. 151
TÀI LIỆU THAM KHẢO ................................................................................ 152
PHỤ LỤC ........................................................................................................ 159
DANH MỤC CÁC TỪ VIẾT TẮT
Viết tắt
AIS
Nghĩa tiếng Việt
Tên tiếng Anh
Advanced Info Service
ASEAN Association of Southeast Asian
Công ty Dịch vụ Thông tin
Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á
Nations
BBC
Bangkok Bank of Commerce
Ngân hàng Thương mại Bangkok
BECL
Bangkok Expressway Consortium
Công ty TNHH đường cao tốc
Limited
Bangkok
Bangkok Mass Transit System
Dự án Phát triển hệ thống giao
BMTS
thông Bangkok
CAT
Communications Authority of
Công ty Viễn thông Thái Lan
Thailand
CEO
Chief Executive Officer
Tổng giám đốc điều hành
CP
Charoen Pokphand
Tập đoàn kinh tế Charoen Pokphand
ETA
Express and Rapid Transit
Công ty Cao tốc và vận tải nhanh
Authority
GDP
Gross Domestic Product
Tổng sản phẩm quốc nội
JPPCC
Joint Public-Private Consultative
Ủy ban Tư vấn hợp tác công tư
Committee
NCPO
National Council for Peace and
Hội đồng Hòa bình và Trật tự
Order
quốc gia
NESDB The National Economic and
Cục Phát triển kinh tế xã hội
Social Development Board
quốc gia
PAD
People‟s Alliance for Democracy
Liên minh nhân dân vì dân chủ
PDP
Parlang Dharma Party
Đảng Sức mạnh đạo đức
PPP
People Power Party
Đảng Sức mạnh nhân dân
TOT
Telecom of Thailand
Công ty điện thoại Thái Lan
TRT
Thai Rak Thai
Đảng Người Thái yêu người Thái
UDD
United Front of Democracy
Mặt trận dân chủ thống nhất chống
Against Dictatorship
độc tài
United States Dollar
Đồng đô la Mỹ
USD
DANH MỤC BẢNG
Bảng 2.1: Các đảng phái dẫn đầu trong các cuộc bầu cử Hạ nghị viện .................. 42
Bảng 2.2: Chính quyền đa đảng của Thái Lan ........................................................ 43
Bảng 3.1: Số liệu về nghị sĩ quốc hội chuyển sang đảng phái khác ....................... 71
Bảng 3.2: Nguyên nhân hình thành và kết thúc của các chính phủ Thái Lan ........ 85
Bảng 4.1: So sánh số lượng cơ sở và đảng viên các đảng phái .............................. 105
Bảng 4.2: Số ghế và tỷ lệ phiếu bầu trong cuộc bầu cử năm 2001 ......................... 113
Bảng 4.3: Danh mục các dự án cơ sở hạ tầng dự kiến triển khai trong giai đoạn
cầm quyền của Thủ tướng Thaksin ......................................................................... 119
Bảng 4.4: Tổng hợp hoạt động của giới doanh nhân và Thaksin Shinawatra
trong nền chính trị Thái Lan ................................................................................... 139
MỞ ĐẦU
1. Lý do chọn đề tài
Chính trị học là một ngành học mới ở nước ta trong khi chính trị thế giới lại
càng mới mẻ hơn nữa. Nhiều vấn đề chính trị quốc gia, đặc biệt là chính trị nội tại
mỗi quốc gia trong khu vực Đông Nam Á, trong đó có Thái Lan, cần được nghiên
cứu một cách thấu đáo để góp phần mở rộng tri thức cũng như có cách nhìn khách
quan khoa học về khu vực.
Thái Lan, một quốc gia láng giềng, có lịch sử quan hệ ngoại giao đầy thăng
trầm với Việt Nam. Hai nước hiện nay đều là thành viên của ngôi nhà chung Hiệp
hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN). Năm 2013, hai nước cũng đã nhất trí thiết
lập quan hệ đối tác chiến lược với 5 trụ cột chính gồm quan hệ chính trị; hợp tác
quốc phòng và an ninh; kinh tế; xã hội-văn hóa; hợp tác khu vực và quốc tế. Trong
bối cảnh đó, việc tìm hiểu một cách toàn diện về đất nước, con người, trong đó có
nền chính trị của Thái Lan là điều vô cùng cần thiết. Bởi vì hiểu biết rõ về các đặc
điểm của nền chính trị của một quốc gia góp phần tạo nền tảng cơ bản để hiểu về
nhau hơn và giúp hai nước tiến tới hợp tác lâu dài và bền vững.
Mặc dù nhìn từ bên ngoài, Thái Lan được coi là đất nước thanh bình, đất
nước của những nụ cười, song ở bên trong, nhất là trong bản chất chính trị của quốc
gia này, nó lại mang một bộ mặt hoàn toàn khác. Kể từ cuộc chính biến năm 1932
cho đến nay, nền chính trị luôn luôn có sự đan xen, đấu tranh và cùng tồn tại giữa
các giai cấp và đại diện tầng lớp xã hội khác nhau. Mỗi biến động lớn về chính trị
của quốc gia này đều có sự xuất hiện và tham gia của các thế lực khác nhau từ quân
đội, cảnh sát, giới quan lại, lực lượng bảo hoàng và sau này là giới doanh nhân. Sự
bất ổn về chính trị của quốc gia này cho đến nay vẫn được nhiều nhà nghiên cứu
nhìn nhận và đánh giá dưới các lăng kính khác nhau, thậm chí tương phản nhau.
Chính vì vậy, việc hệ thống hóa lại lịch sử vấn đề, chỉ ra các nguyên nhân căn bản
của những bất ổn, phát hiện tính quy luật, sự lặp lại trong quá trình vận động của hệ
thống chính trị Thái Lan hiện đại là việc làm cần thiết để có sự hiểu biết đúng đắn
và toàn diện hơn.
1
Trong các lực lượng chính trị tại Thái Lan, giới tướng lĩnh quân đội thường
được nhắc đến nhiều hơn cả. Đây là lực lượng truyền thống từng lãnh đạo độc tôn
nền chính trị Thái Lan suốt một thời gian dài, họ dường như là tác nhân tạo ra nhiều
bất ổn chính trị nhất cho Thái Lan và hiện nay, họ vẫn đang nắm quyền sau cuộc
đảo chính năm 2014. Tuy vậy, bên cạnh sự nổi trội của các tướng lĩnh quân đội
cũng như sau này là các chính khách dân sự trên chính trường Thái Lan, còn có một
lực lượng khác, tuy mới nổi nhưng lại đóng vai trò rất quan trọng trong nền chính
trị của Thái Lan hiện đại. Đó là cộng đồng các doanh nhân. Trong chế độ độc tài
quân sự, doanh nhân Thái Lan chỉ đơn thuần hoạt động kinh tế, bị động về chính trị.
Khi nền dân chủ Thái Lan được hình thành, giới doanh nhân trở thành lực lượng
chủ đạo nắm quyền chính trị. Từ thân phận những người chịu bảo trợ, phải cung
phụng cho giới tướng lĩnh quân đội lãnh đạo, doanh nhân Thái Lan vụt trưởng thành
về chính trị, họ trở thành một chủ thể quan trọng trong nền dân chủ tuyển cử và là
thế lực thao túng các hoạt động chính trị ở Thái Lan từ cuối thập niên 1980 cho đến
những năm đầu của thế kỷ 21. Như vậy là, việc tìm hiểu, phân tích để từ đó đánh
giá đúng mức vai trò của giới doanh nhân sẽ góp phần quan trọng trong việc kiến
giải những chuyển biến chính trị Thái Lan trong giai đoạn vừa qua cũng như dự báo
biến động chính trị của Thái Lan trong thời gian tới.
Việc làm rõ vai trò của giới doanh nhân trong đời sống chính trị Thái Lan
không phải là nhiệm vụ dễ dàng. Chính trường Thái Lan trong giai đoạn đó có rất
nhiều doanh nhân tham gia chính trị, họ có động cơ khác nhau, tác động khác nhau
và mức độ thành công cũng khác nhau. Để giải quyết vấn đề này, một trong những
cách tiếp cận phổ biến là lựa chọn được một nhân vật chính trị làm trường hợp điển
hình. Nhân vật đó vừa phải là doanh nhân đồng thời là chính khách. Người đó vừa
mang những đặc điểm chung nhất về bản chất, động cơ của giới doanh nhân khi
tham gia chính trị vừa cũng có những ảnh hưởng lớn hơn tới nền chính trị Thái Lan.
Chúng tôi nhận thấy, có thể chọn Thaksin Shinawatra là nhân vật chính trị điển
hình, thể hiện được gần như đầy đủ vai trò của giới doanh nhân nói chung trong nền
chính trị Thái Lan. Thaksin Shinawatra vốn là một tỷ phú viễn thông; ông trực tiếp
sáng lập và xây dựng thành công một đảng phái lớn mạnh và là một trong số không
2
nhiều doanh nhân trở thành thủ tướng chính phủ. Cuộc đời hoạt động chính trị của
Thaksin Shinawatra dù không dài song đã trải qua gần như đầy đủ các mối quan hệ
giữa đảng phái và nhóm lợi ích, giữa lợi ích cử tri và lợi ích của các trùm tài phiệt,
giữa lợi ích quốc gia và lợi ích gia đình, giữa quá trình chỉ đạo tập trung và vấn đề
dân chủ hóa chính trị. Với thực tiễn như vậy, việc chọn Thaksin Shinawatra làm
trường hợp đặc thù cho giới doanh nhân Thái Lan sẽ làm cho bức tranh toàn cảnh
doanh nhân Thái tham gia chính trị thêm sống động hơn, sắc nét hơn và đặc biệt,
với hình ảnh người thật, việc thật sẽ làm cho những nhận định về vai trò của doanh
nhân trong nền chính trị Thái Lan có sức thuyết phục hơn.
Với những lý do như trên, chúng tôi chọn chủ đề: “Vai trò của giới doanh
nhân trong nền chính trị Thái Lan hiện đại: Trường hợp của cựu Thủ tướng
Thaksin Shinawatra” là đề tài nghiên cứu của luận án.
2. Mục đích và nhiệm vụ nghiên cứu
2.1. Mục đích: Luận án trình bày và làm sáng tỏ vai trò tích cực và tiêu cực
của giới doanh nhân trong nền chính trị Thái Lan hiện đại với việc nghiên cứu chủ
yếu trường hợp Thaksin Shinawatra. Việc nhiên cứu vai trò của giới doanh nhân
chủ yếu thông qua các hoạt động trong các đảng phái, trong các cuộc bầu cử và
trong các chính phủ liên minh.
2.2. Nhiệm vụ
Để đạt được mục đích trên, luận án tập trung giải quyết các nhiệm vụ sau đây:
Một là, dựng lại bức tranh tổng thể về tiến trình chuyển đổi chính trị Thái
Lan kể từ sau năm 1932, phân tích những đặc điểm cơ bản trong nền chính trị Thái
Lan, bao gồm hệ thống chính trị Thái Lan, đảng phái và các vấn đề về bầu cử.
Hai là, phân tích các lực lượng tham gia vào tiến trình chính trị Thái Lan và
mối tương quan giữa các lực lượng chính trị này.
Ba là, phân tích sự nổi lên của giới doanh nhân Thái Lan trong nền chính trị
gồm thông qua những hoạt động trong các đảng phái chính trị1, quá trình bầu cử, và
1
“Đảng phái chính trị” được hiểu trong Luận án này là những tổ chức chính trị được pháp luật Thái Lan
công nhận, là tập hợp của các lực lượng chính trị hoặc giai cấp với mục đích đấu tranh với các lực lượng
chính trị khác nhằm giành, giữ, sử dụng quyền lực nhà nước.
3
chính quyền trung ương, từ đó rút ra những đánh giá tổng thể về vai trò tích cực,
tiêu cực của họ trong nền chính trị Thái Lan.
Bốn là, chọn Thaksin Shinawatra, Thủ tướng Thái Lan giai đoạn 2001 2006, làm trường hợp nghiên cứu điển hình trong số các doanh nhân Thái Lan tham
gia hoạt động động chính trị. Trên cơ sở đó, tìm ra những đặc điểm tương đồng và
khác biệt giữa Thaksin Shinawatra với giới doanh nhân Thái Lan nói chung để củng
cố các nhận định về vai trò của giới giới doanh nhân Thái Lan trong nền chính trị.
3. Đối tƣợng và phạm vi nghiên cứu
3.1. Đối tượng nghiên cứu:
- Đối tượng nghiên cứu chung là giới doanh nhân Thái Lan và sự tham gia
của họ trong nền chính trị cấp trung ương.
- Đối tượng nghiên cứu chủ yếu là cựu Thủ tướng Thái Lan Thaksin
Shinawatra.
3.2. Phạm vi:
Về thời gian: từ năm 1932 đến năm 2006, trong đó tập trung vào giai đoạn
1988 - 2006 khi Thái Lan trải qua nền dân chủ tuyển cử.
Về không gian: tập trung ở Thái Lan, địa bàn nghiên cứu là những diễn biến
chính trị ở cấp trung ương hoặc các vận động chính trị khác phục vụ cho diễn biến
chính trị cấp trung ương.
4. Cơ sở lý luận và phƣơng pháp nghiên cứu
4.1. Cơ sở lý luận:
Luận án nghiên cứu chủ đề này dựa trên phương pháp luận của chủ nghĩa
duy vật biện chứng và duy vật lịch sử của Chủ nghĩa Mác - Lê nin. Luận án cũng
dựa trên lý luận của Chủ nghĩa Mác - Lê nin về vai trò và sự phát triển các hình
thái kinh tế xã hội, về quan hệ giữa hạ tầng cơ sở và thượng tầng kiến trúc cũng như
các lý luận khác về nhà nước, lý luận về mối quan hệ kinh tế - chính trị giữa các
giai cấp trong xã hội. Các cơ sở lý luận này chính là nền tảng để tìm hiểu về bối
cảnh và sự biến đổi chính trị ở Thái Lan, thiết chế và sự vận hành của nền chính trị
Thái Lan, mối quan hệ qua lại giữa giới chính trị, giới doanh nhân và các bộ phận
khác trong các hoạt động chính trị ở Thái Lan.
4
Ngoài ra, để có thể phân tích một cách thấu đáo và nhiều chiều các khía cạnh
tác động đến nền chính trị Thái Lan, luận án tham khảo một số lý thuyết của các
học giả phương Tây, cụ thể như sau:
- Lý thuyết về tinh hoa - quyền lực của Wright Mills: Theo đó, quyền lực
chính trị được tập hợp thông qua ba thiết chế kinh tế, chính trị và quân sự. Các thiết
chế này có khả năng chi phối các thiết chế khác trong xã hội thông qua ba hình thái
cưỡng chế (quân sự), thống trị (chính trị) và thao túng (kinh tế). Luận án sử dụng lý
thuyết này nhằm phân tích vai trò của các lực lượng chính trị Thái Lan gồm các
tướng lĩnh quân đội, giới quan liêu và đặc biệt là giới doanh nhân. Từ đó chỉ ra
rằng, giới tinh hoa Thái Lan đã giữ các quyền lực thống trị, cưỡng chế và thao túng
kể từ sau cuộc chính biến năm 1932 cho đến nay.
- Lý thuyết về chuyển đổi dân chủ của Dankwart Rustow. Lý thuyết này xác
nhận sự tồn tại của các nhóm tinh hoa trong xã hội và khẳng định chúng có ảnh
hưởng quyết định đến sự chuyển đổi dân chủ. Theo Rustow, việc chuyển đổi dân
chủ của một quốc gia là sự tranh giành và giằng co về quyền lực giữa các nhóm tinh
hoa qua ba giai đoạn chính gồm chuẩn bị, chuyển đổi và củng cố dân chủ. Lý thuyết
về chuyển đổi dân chủ được sử dụng trong Luận án góp phần chỉ rõ sự chuyển đổi
của nền chính trị Thái Lan từ nền độc tài quân sự sang chế độ dân chủ cũng như sự
thắng thế của giới doanh nhân trong nền dân chủ đó.
4.2. Phương pháp nghiên cứu:
Do luận án là một công trình nghiên cứu chính trị cho nên chúng tôi thực
hiện nhiều phương pháp nghiên cứu chung trong khoa học xã hội và nhân văn cũng
như các phương pháp riêng trong ngành chính trị học:
- Các phương pháp lịch sử: Luận án đã sử dụng phương pháp lịch đại và
đồng đại để xem xét, trình bày một cách trung thực tiến trình chính trị Thái Lan
hiện đại, đặc biệt là kể từ sau cuộc Chính biến năm 1932. Các phương pháp nghiên
cứu xem xét chính trị Thái Lan một tiến trình liên tục trong mối liên hệ lịch sử với
nhiều nhân tố và tác động khác nhau của đời sống đất nước Thái Lan. Ngoài ra,
phương pháp này cũng được sử dụng để chỉ rõ điều kiện, quá trình hình thành và
phát triển của giới doanh nhân Thái Lan cũng như những tác động của họ đối với
nền chính trị nước này.
5
- Phương pháp logic: Để tìm ra bản chất, khuynh hướng tất yếu và sự vận
động của trong tiến trình lịch sử Thái Lan cũng như sự phát triển và vai trò của giới
doanh nhân trong nền chính trị, luận án cũng kết hợp sử dụng phương pháp lịch sử
với phương pháp logic. Phương pháp này giúp hình thành các luận điểm để khái
quát, lý giải và đánh giá, từ đó đưa ra các kết luận về tiến trình chính trị Thái Lan và
vai trò của giới doanh nhân trong nền chính trị đó
- Phương pháp phân tích, tổng hợp: Luận án phân tích đặc điểm kinh tế - xã
hội, chế độ chính trị, văn hóa chính trị, quyền lực chính trị cũng như các diễn biến
trong đời sống chính trị và từ đó tổng hợp lại để hình thành các nhận định mang
tính quy luật về đời sống chính trị cũng như những đặc trưng của nền chính trị
Thái Lan.
- Phương pháp so sánh: Phương pháp này được sử dụng để làm rõ đặc điểm
của nền chính trị Thái Lan qua các thời kỳ lịch sử cũng như giúp tìm ra những điểm
xuyên suốt và những điểm biến đổi. Tương tự như vậy, phương pháp so sánh cũng
được áp dụng vào trường hợp doanh nhân Thái Lan để giúp thấy được làm rõ thêm
những đặc điểm biến đổi và xuyên suốt cũng như có thể thấy được vị trí, vai trò
tăng hay giảm của doanh nhân trong nền chính trị Thái Lan.
- Phương pháp phân tích hệ thống - cấu trúc: Luận án coi nền chính trị Thái
Lan như một hệ thống với cấu trúc quyền lực bên trong như phương thức tổ chức
của hệ thống. Từ đó, luận án tìm hiểu mối quan hệ qua lại giữa hệ thống chính trị và
cấu trúc quyền lực chính trị ở Thái Lan với giới doanh nhân Thái Lan với tư cách là
một phần tử trong hệ thống. Đồng thời, phương pháp này còn giúp luận án tìm ra
các tác động ràng buộc cũng như những “kẽ hở” từ hệ thống và cấu trúc này tới
hoạt động của giới doanh nhân trên chính trường Thái Lan.
- Phương pháp case-study: Luận án lấy nhân vật chính trị Thaksin
Shinawatra làm trường hợp điển hình để nghiên cứu và phân tích sâu nhằm làm rõ
hơn vai trò, đặc điểm và tác động của giới doanh nhân trong nền chính trị Thái Lan.
Từ đó, đưa ra những so sánh tương đồng và khác biệt để kiểm chứng và khắc họa rõ
nét cho vai trò của giới doanh nhân nói chung trong nền chính trị Thái Lan.
6
- Phương pháp phân tích quyền lực: Coi quyền lực như vấn đề trung tâm của
nền chính trị, luận án đã phân tích quyền lực như động cơ, lợi ích của các bộ phận
trong nền chính trị Thái Lan cũng như cấu trúc quyền lực của hệ thống chính trị đó.
Qua đó, luận án cũng làm rõ những đặc điểm trong cấu trúc quyền lực như sự phân
chia, đối trọng và kiềm chế quyền lực ở Thái Lan qua các thời kỳ. Phương pháp này
cũng được sử dụng để làm rõ những đặc thù trong động cơ quyền lực, lợi ích chính
trị và kinh tế cũng như cách thức hoạt động chính trị của giới doanh nhân Thái Lan.
- Phương pháp thống kê để tập hợp các số liệu, như: các chính quyền đa
đảng, số liệu về nghị sĩ quốc hội, các đảng phái, cơ sở đảng và đảng viên, số phiếu
và tỷ lệ phiếu bầu cho mỗi đảng phái trong các cuộc bầu cử, … Các số liệu trên
được tập hợp thành bảng biểu, giúp đem lại các nhìn khái quát và hỗ trợ cho phân
tích định lượng trong luận án.
5. Đóng góp của Luận án
Luận án trình bày một cách hệ thống về nền chính trị Thái Lan hiện đại từ
sau chính biến năm 1932 đến năm 2006, trong đó làm rõ quá trính chuyển biến thể
chế chính trị từ chế độ quân chủ chuyên chế sang chế độ quân chủ lập hiến, từ chế
độ độc tài sang chế độ dân chủ và các biến động chính trị xảy ra xung quanh các
quá trình chuyển đổi đó.
Luận án cũng phân tích vai trò của các tầng lớp xã hội trong tiến trình chuyển
đổi chính trị của Thái Lan, trong đó trình bày và phân tích một cách hệ thống về quá
trình xuất thân, phát triển của giới doanh nhân Thái Lan, nhấn mạnh mối quan hệ
tương tác giữa giới doanh nhân với giới chính trị gia, giữa giới doanh nhân với các
lực lượng chính trị khác và giữa hoạt động kinh doanh với hoạt động chính trị.
6. Ý nghĩa của Luận án
6.1. Về lý luận:
- Làm rõ những đặc điểm căn bản về nền chính trị nội tại của Thái Lan.
- Đóng góp về mặt lý luận trong nghiên cứu chính trị Thái Lan khi chứng
minh được rằng, ngoài việc đóng vai trò tích cực trong nền chính trị nói chung, giới
doanh nhân đã góp phần làm suy thoái nền dân chủ tuyển cử của Thái Lan và là một
trong những tác nhân chính đưa nền chính trị này rơi vào bất ổn.
7
6.2. Về thực tiễn:
- Luận án giúp bổ sung và hệ thống tư liệu nghiên cứu của Việt Nam về
chính trị quốc tế nói chung cũng như chính trị Thái Lan nói riêng.
- Đây là một trong số các luận án đầu tiên của Việt Nam viết về nền chính trị
nội tại của Thái Lan vì vậy, luận án có thể là một công trình tham khảo cho việc
giảng dạy, nghiên cứu trong về chính trị quốc tế cũng như về khu vực học.
7. Bố cục của Luận án
Ngoài phần lời cam đoan, lời cảm ơn, mục lục, danh mục các từ viết tắt,
danh mục các bảng, mở đầu, kết luận, danh mục các công trình khoa học của tác giả
liên quan đến luận án và phụ lục, Luận án được chia làm 04 chương.
8
Chƣơng 1: TỔNG QUAN TÌNH HÌNH NGHIÊN CỨU
1.1. Tình hình nghiên cứu trong và ngoài nƣớc
1.1.1. Tình hình nghiên cứu ở trong nước
Từ nhiều thập niên trở lại đây, Thái Lan trở thành đối tượng thu hút các học
giả trong nước nghiên cứu ở những lĩnh vực lớn như lịch sử, chính trị và văn hóa và
quan hệ đối ngoại. Khi Việt Nam tiến hành công cuộc đổi mới, việc nghiên cứu về
nền kinh tế của các nước trong khu vực được đẩy mạnh hơn nhằm so sánh và rút ra
những bài học kinh nghiệm cho quá trình quản lý và phát triển kinh tế nước ta.
Trong số đó, Thái Lan, một quốc gia tương đối thành công trong công cuộc phát
triển kinh tế hướng về xuất khẩu, nổi lên như một đối tượng nghiên cứu có sức thu
hút mạnh mẽ. Căn cứ vào thực trạng nghiên cứu Thái Lan ở trong nước, có thể tạm
chia thành ba nhóm chính là lịch sử - chính trị; kinh tế và quan hệ đối ngoại.
1.1.1.1. Về lịch sử - chính trị Thái Lan
Rất nhiều học giả trong nước đã nghiên cứu một cách có hệ thống về lịch sử
của Thái Lan. Tiêu biểu như các cuốn: “Thái Lan, một số nét về tình hình kinh tế xã
hội chính trị lịch sử” (1988) của Nguyễn Khắc Viện; “Lịch sử Thái Lan” (1994) của
Vũ Dương Ninh; và “Lịch sử Thái Lan” (1998) của Phạm Nguyên Long và Nguyễn
Tương Lai (chủ biên). Đây là ba cuốn sách cung cấp những thông tin cơ bản về đất
nước, con người, nền văn hóa cũng như quá trình lịch sử và phát triển kinh tế - xã
hội của Thái Lan từ thời tiền sử và cho đến hiện đại. Trong các tác phẩm này, các
tác giả đã dành nhiều công sức để trình bày những chuyển biến của nền chính trị.
Các kết quả nghiên cứu này có ý nghĩa lớn, giúp tiếp cận, khai thác và phục dựng
bối cảnh của nền chính trị Thái Lan.
Không chỉ dừng lại ở nghiên cứu lịch sử đơn thuần, nhiều học giả đã đi sâu
nghiên cứu Thái Lan theo chuyên đề về chính trị. Ở đây, tôi trình bày một số công
trình nghiên cứu về chính trị theo diễn trình lịch sử Thái Lan.
Trước tiên, để tìm hiểu ý nghĩa của cuộc chính biến năm 1932 và những tác
động của nó đến nền chính trị Thái Lan hiện tại, có thể tham khảo Luận án Tiến sĩ
lịch sử “Cách mạng năm 1932 ở Xiêm (Thái Lan): Tính chất và ý nghĩa lịch sử” của
Kim Ngọc Thu Trang (Học viện Khoa học xã hội - 2013). Luận án này đã khái quát
9
tiền đề, diễn biến, kết quả của cuộc cách mạng 1932 ở Xiêm; đồng thời phân tích,
làm rõ tính chất và ý nghĩa của cuộc cách mạng này; so sánh, đối chiếu với các cuộc
cách mạng tư sản ở châu Âu trong những thế kỉ trước, từ đó rút ra những đặc điểm
của cuộc cách mạng 1932. Tác giả đi đến kết luận rằng, sự chuyển đổi chính trị năm
1932 tại Xiêm là một “cuộc cách mạng” vì nó đã thay thế chế độ quân chủ chuyên
chế bằng chế độ quân chủ lập hiến, tạo điều kiện cho việc tiến hành các cải cách
theo hướng tư sản, mở ra một thời kỳ phát triển mới của Xiêm.
Viết về những biến động chính trị của Thái Lan trong thập kỷ 1970, trong bài
viết “Nhìn lại cuộc nổi dậy của sinh viên Thái Lan tháng 10-1973” (Tạp chí Nghiên
cứu Đông Nam Á, số 3 - 1994), Lê Hùng Nam đã tìm hiểu về truyền thống đấu
tranh của sinh viên Thái Lan trong thập niên 1970. Nhờ mối liên hệ chặt chẽ và sự
giúp đỡ của nhiều tầng lớp nhân dân, sinh viên trở thành lực lượng hùng hậu, góp
phần quyết định trong việc lật đổ chế độ độc tài Thanom Kittikachon năm 1973.
Nền chính trị Thái Lan tiếp tục được các tác giả Việt Nam quan tâm nghiên
cứu từ khi Thủ tướng Thaksin Shinawatra lên nắm quyền. Qua những luận án hoặc
bài viết ở dưới các góc độ khác nhau, chân dung Thủ tướng Thaksin Shinawatra
cũng như những ảnh hưởng của ông trong thời gian cầm quyền và sau khi chính
quyền của ông bị lật đổ được khắc họa tương đối rõ nét.
Phản ánh vai trò trong quan hệ đối ngoại của Thaksin qua bài viết: “Quan hệ
Thái Lan - Trung Quốc dưới thời cầm quyền của Thủ tướng Thaksin Shinawatra
(2001-9/2006)” (Tạp chí Nghiên cứu Đông Nam Á số 12 - 2011), Đinh Hữu Thiện
đã trình bày vắn tắt về những chính sách ngoại giao lớn của Thaksin, đặc biệt là
việc cải thiện mạnh mẽ mối quan hệ với Trung Quốc.
Liên quan đến việc Thủ tướng Thaksin bị quân đội đảo chính lật đổ, Văn
Ngọc Thành và Đàm Thị Đào có bài phân tích “Cuộc đảo chính ngày 19 tháng 9
năm 2006 ở Thái Lan” (Tạp chí Nghiên cứu Đông Nam Á, số 01 - 2008). Các tác
giả cho rằng, đảo chính bắt nguồn từ phong cách lãnh đạo của Thủ tướng Thaksin
và đây đơn thuần chỉ là sự thay đổi ở một bộ phận thượng tầng kiến trúc và thể hiện
“bước phát triển tiếp theo của nền dân chủ Thái Lan”. Căn nguyên của cuộc đảo
chính cũng được tác giả Mạnh Kim phân tích một cách sâu sắc hơn trong bài
10
“Chính trường Thái Lan: Nồi súp de đã nổi” (Tuổi trẻ cuối tuần, 23/9/2006). Tác
giả cho rằng Việc Thaksin bị lật đổ có nguyên nhân quan trọng từ các phi vụ làm ăn
bất minh của ông trước và trong khi nắm quyền thủ tướng. Đó là phản ứng tất yếu
một khi niềm tin bị lợi dụng vì nó dựa trên thủ đoạn mị dân và tham nhũng.
Nghiên cứu về tác động của việc Thủ tướng Thaksin bị lật đổ và cuộc khủng
hoảng chính trị tại Thái Lan diễn ra sau đó, trong bài viết “Tác động của khủng
hoảng chính trị Thái Lan đến Việt Nam” (Tạp chí Nghiên cứu Đông Nam Á, số 4 2011), Nguyễn Ngọc Lan cho rằng cuộc khủng hoảng chính trị của Thái Lan có thể
nói được bắt đầu từ một cuộc đảo chính do giới quân sự tiến hành nhằm lật đổ cựu
Thủ tướng Thaksin Shinawatra năm 2006, tiếp theo đó là những cuộc biểu tình, bạo
loạn gay gắt giữa phe áo đỏ (phe ủng hộ Thaksin) và phe áo vàng (phe ủng hộ
Hoàng gia) dưới thời Thủ tướng Abhisit Vejajiva. Tình hình chính trị bất ổn này đã
gây tác động tiêu cực không chỉ đối với bản thân nước Thái mà còn có ảnh hưởng
không nhỏ đến khu vực và các nước láng giềng, trong đó có Việt Nam. Mặc dù vậy,
những tác động này chỉ mang tính chất gián tiếp dưới dạng những bài học, kinh
nghiệm quý báu để từ đó giúp chính phủ Việt Nam sáng suốt hơn trong việc lựa
chọn những chính sách hợp lý, tương ứng với hoàn cảnh trong nước và xu hướng
chung của khu vực và thế giới.
Để tổng hợp một thập kỷ đầy sôi động của nền chính trị Thái Lan đương đại,
Nguyễn Phương Bình có bài “Chính trường Thái Lan thập niên đầu thế kỷ 21” (Tạp
chí Nghiên cứu Quốc tế Số 2 - 2010). Bài viết này tập trung phân tích sự nổi lên và
thời gian cầm quyền của Thủ tướng Thaksin Shinawatra, những chính sách lớn khi
nắm quyền ông đã ban hành cùng các hệ lụy kèm theo. Tác giả cũng đề cập tương
đối chi tiết những biến động chính trị liên tiếp kể từ sau khi Thủ tướng Thaksin bị
quân đội lật đổ và kết luận: Cuộc khủng hoảng chính trị ở Thái Lan vẫn chưa có hồi
kết và dường như khó đi đến một giải pháp toàn diện vì những căn nguyên sâu xa từ
lịch sử và từ chính hệ thống chính trị của quốc gia này.
Như vậy, mặc dù đã có nhiều công trình được các nhà khoa học trong nước
công bố song chưa có công trình nào trình bày một cách toàn diện về nền chính trị
Thái Lan, nhất là chính trị hiện đại với các nghiên cứu về hệ thống chính trị, đảng
11
phái, bầu cử hay các lực lượng chính trị. Nếu như nhìn Thái Lan trong bối cảnh một
quốc gia láng giềng của Việt Nam cũng như trong Hiệp hội các quốc gia Đông Nam
Á (ASEAN) thì có thể thấy đây là một hạn chế cần phải được bổ sung hoàn chỉnh.
1.1.1.2. Về kinh tế Thái Lan
Để tìm hiểu về nền chính trị của một quốc gia, không thể không nhắc đến các
tài liệu nghiên cứu về con đường phát triển kinh tế của quốc gia đó cũng như những
thực trạng, triển vọng và thách thức của nó. Những tài liệu này góp phần quan trọng
để minh định chính sách của các chính quyền cũng như những nhân tố tương tác tới
hoạt động của một hệ thống chính trị.
Kể từ cuối những năm 1980 cho đến năm 1997, con đường phát triển của
Thái Lan trở thành đối tượng nghiên cứu thu hút sự quan tâm lớn của các học giả
trong nước. Có thể thấy điều này qua các tác phẩm: “Chính sách công nghiệp hóa
của Thái Lan - những kinh nghiệm quý cho các nước đang phát triển” (1989) của
Nguyễn Thu Mỹ; “Thái Lan: Cuộc hành trình tới câu lạc bộ các nước công nghiệp
mới” (1992) của Nguyễn Thu Mỹ và Đặng Bích Hà; “Con đường phát triển của một
số nước Châu Á, Thái Bình Dương” (1996) của Dương Phú Hiệp; “Kinh tế Thái
Lan - một số chính sách công nghiệp hóa hướng về xuất khẩu trong ba thập niên
cuối thế kỷ 20” (2009) của Trương Duy Hòa. Những tác phẩm này đã đề cập tương
đối toàn diện sự phát triển của nền kinh tế Thái Lan từ thập kỷ 1960, đặc biệt là khi
quốc gia này chuyển đổi từ nền kinh tế công nghiệp hóa hướng nội - thay thế nhập
khẩu sang nền kinh tế công nghiệp hóa hướng ngoại - hướng về xuất khẩu. Các tác
giả đều có chung nhận định, trải qua một chặng đường dài và liên tục, nhờ tuân thủ
đúng các kế hoạch phát triển kinh tế nên kinh tế Thái Lan vẫn tăng trưởng đều và
cao bất chấp các biến động chính trị lớn, giúp Thái Lan có một diện mạo hoàn toàn
mới trong khu vực và trở thành một nước công nghiệp mới trên thế giới.
Trong giai đoạn Thủ tướng Thaksin lên nắm quyền, các chính sách kinh tế
của chính phủ cũng được học giả Việt Nam quan tâm nghiên cứu. Có thể kể đến
Luận án tiến sĩ kinh tế: “Chính sách phát triển kinh tế của Thái Lan dưới thời Thủ
tướng Thaksin Shinawatra” của Nguyễn Ngọc Lan (Học viện Khoa học xã hội 2013). Công trình này nghiên cứu cơ sở lý luận và thực tiễn của việc lựa chọn các
12
chính sách phát triển kinh tế của Thái Lan dưới thời Thủ tướng Thaksin Shinawatra.
Không chỉ có vậy, tác giả Nguyễn Ngọc Lan đã đi sâu vào một lĩnh vực cụ thể trong
các chính sách của Thủ tướng Thaksin qua bài: “Các chính sách chống đói nghèo
của Thủ tướng Thái Lan Thaksin Shinawatra” (Tạp chí Nghiên cứu Đông Nam Á,
số 2 - 2014). Bài viết này trình bày một cách khái quát những biện pháp Thủ tướng
Thaksin Shinawatra và Đảng Người Thái yêu người Thái (Thai Rak Thai - TRT)
đưa ra từ khi tranh cử đến khi thực hành nhằm giúp cải tạo khu vực nông thôn. Mặc
dù các chính sách này đều có những mặt mạnh và hạn chế, chúng đã có những tác
động không nhỏ tới quá trình phát triển kinh tế của Thái Lan nói chung và đời sống
của những người dân nghèo nói riêng.
Tiếp cận nghiên cứu kinh tế Thái Lan ở một khía cạnh khác, trong tác phẩm
“Vai trò người Hoa trong nền kinh tế các nước Đông Nam Á”, tác giả Trần Khánh
đã phân tích tương đối toàn diện quá trình phát triển của người Hoa từ khi mới nhập
cư cho đến trở thành một thành phần trong cộng đồng các dân tộc Thái Lan. Tác giả
cũng chỉ ra những đặc điểm cơ bản giúp người Thái gốc Hoa phát triển trở thành
cộng đồng doanh nhân đông đảo nhất của Thái Lan và tránh được sự kỳ thị như
từng thấy ở các quốc gia khác ở Đông Nam Á.
1.1.2. Tình hình nghiên cứu ở nước ngoài
Trong điều kiện hạn chế về ngôn ngữ, tôi không có cơ hội được tiếp cận với
các công trình khoa học nghiên cứu về chính trị Thái Lan bằng tiếng Thái. Việc
nghiên cứu được thực hiện chủ yếu qua các công trình tiếng Anh của các tác giả
nước ngoài, trong đó có các tác giả Thái Lan.
Việc nghiên cứu về nền chính trị Thái Lan, đã được tiến hành rất quy mô và
nhiều chiều bởi nhiều học giả đến từ các quốc gia khác nhau. Năm 2006, GS.
Michael H. Nelson đã tập hợp thư mục và công bố có gần 2.000 bài báo khoa học,
chuyên đề khoa học và sách chuyên khảo bằng tiếng Anh có liên quan trực tiếp và
gián tiếp đến chính trị Thái Lan hiện đại. Không chỉ xem xét chính trị Thái Lan qua
tiến trình lịch sử, các tác giả còn tập trung nghiên cứu từng yếu tố cấu thành của nền
chính trị đó, từ hệ thống chính trị cho đến hoạt động của các đảng phái, từ vai trò của
hoàng gia, quân đội, doanh nhân cho đến sự nổi lên của các lực lượng dân sự và
13
truyền thông. Các yếu tố khác như nền dân chủ, chế độ bầu cử cũng được đề cập với
những công trình nghiên cứu công phu, số liệu chi tiết và có sức thuyết phục cao.
Đặc biệt, khi giới doanh nhân tham gia tích cực vào đời sống chính trị Thái
Lan, nhiều tác giả đã chuyên tâm nghiên cứu về đối tượng này. Nội dung chủ yếu
được đề cập đến là hoạt động của đảng phái chính trị được doanh nhân hậu thuẫn
hoặc sáng lập; các chiến thuật, chiến dịch tranh cử, vận động tranh cử của doanh
nhân - chính khách; hoạt động của các chính phủ có sự tham gia của doanh nhân;
các chính sách kinh tế - xã hội của chính phủ đối với việc phát triển cộng đồng
doanh nhân; mối quan hệ giữa doanh nhân và tiến trình dân chủ hóa; sự liên kết
giữa doanh nhân và các thế lực chính trị khác trong xã hội.
Cùng một mục tiêu nghiên cứu về đối tượng doanh nhân Thái Lan tham gia
chính trị và cụ thể là trường hợp Thaksin Shinawatra, có thể chia ra các nhóm đề
tài, công trình khoa học có liên quan như sau:
1.1.2.1. Về lịch sử Thái Lan
Năm 1981, tác giả John Girling cho xuất bản cuốn sách “Thái Lan: Xã hội và
Chính trị” (Thailand: Society and politics, Cornell University Press, 1981). Đây là
một công trình nghiên cứu công phu, phản ánh Thái Lan qua góc nhìn lịch sử. Cuốn
sách đặc biệt tập trung vào thời kỳ hỗn loạn giữa những năm 1970, khi Thái Lan lần
đầu tiên thực hiện nền chính trị dân chủ. Đáng lưu ý trong cuốn sách này là những
phân tích về sự ra đời và phát triển của các đảng phái chính trị và sự tham gia của
các doanh nhân (từ năm 1973 đến năm 1976).
Cuốn sách thứ hai đáng lưu ý là “Thái Lan: Một câu chuyện ngắn” (Thailand:
A short story, Yale University Press, 2003) của cố giáo sư David Wyatt. Dù có tiêu đề
khá khiêm tốn nhưng đây có thể được coi là một tác phẩm tương đối toàn diện và
tổng quát về lịch sử Thái Lan từ giai đoạn hình thành quốc gia cho đến những năm
cuối thập kỷ 1980, đặc biệt là giai đoạn chuyển đổi từ chế độ quân chủ chuyên chế
sang quân chủ lập hiến với sự tham gia của các thế lực chính trị khác nhau.
Cũng viết về chủ đề trên, cuốn sách “Lịch sử Thái Lan” (History of
Thailand, Chulalongkorn University, Bangkok, 2009) của Chris Baker và Pasuk
Phongpaichit đã phân tích tương đối toàn diện sự chuyển biến của Thái Lan từ một
14
vương quốc của quan lại, quý tộc, thương nhân và nông dân sang một xã hội được
chia làm hai nửa với một nửa là phần lớn nông dân và nửa kia là các công dân thành
thị. Hai tác giả đã mô tả về một quốc gia đầy biến động trong giai đoạn kinh tế phát
triển bùng nổ cũng như sự sôi nổi của các phong trào đại chúng.
Trước đó, chính hai nhà nghiên cứu trên đã cho xuất bản cuốn sách “Thái
Lan: Kinh tế và Chính trị” (Thailand: Economy and politics; Oxford University
Press, 2002). Công trình này cung cấp các dữ liệu và thông tin cùng với những kết
quả nghiên cứu rất toàn diện về hệ thống chính trị và kinh tế Thái Lan hiện đại. Hai
tác giả cũng phân tích sâu sắc những đổi mới trong chiến lược phát triển kinh tế
cũng như chuyển đổi chính trị trong ba thập kỷ cuối của thế kỷ 20 và khẳng định vai
trò to lớn của các doanh nhân Thái Lan gốc Hoa trong sự thay đổi đó.
1.1.2.2. Về nền chính trị Thái Lan và sự tham gia của giới doanh nhân
Nền chính trị Thái Lan hiện đại, đặc biệt là giai đoạn “dân chủ tuyển cử” với
sự tham gia của giới doanh nhân trở thành chủ đề thu hút sự quan tâm của đông đảo
học giả quốc tế. Nhiều tác giả đã cố gắng lý giải bản chất nền chính trị Thái Lan
giai đoạn này này thông qua việc tìm hiểu và đánh giá qua các chuyên đề khác nhau
như dân chủ, hệ thống chính trị, lực lượng chính trị, vấn đề tổ chức bộ máy nhà
nước cũng như vai trò của các địa phương.
Đề cập sâu quá trình và hệ quả của việc doanh nhân tham gia chính trị, Anek
Laothamatas trong bài “Kinh doanh và chính trị tại Thái Lan: Những mô hình ảnh
hưởng mới” (Business and politics in Thailand: New patterns of influence. Asian
Survey, 28, 1988) cho rằng: Doanh nhân có thể ảnh hưởng đến chính trị và chính
sách với tư cách cá nhân, và quan trọng hơn là với tư cách tập thể. Điều này, cùng
với các lợi thế khác, ví dụ như uy tín xã hội ngày càng cao, quyền quyết định về đầu
tư và việc làm, cũng như sự tham gia trong các đảng phái, nghị viện và nội các, đã
đưa giới doanh nhân trở thành một nhóm “phi quan liêu” sở hữu quyền lực chính trị
đáng kể ở Thái Lan. Bên cạnh đó, các chính thể do doanh nhân dựng lên này khác
với “chính thể quan liêu” trước kia không chỉ ở khía cạnh một hệ thống các đảng có
tính cạnh tranh, một hạ nghị viện do dân bầu và các cuộc bầu cử tự do, mà còn thể
hiện ở sự phân phối quyền lực chính trị.
15
Từ đối tượng doanh nhân, Anek Laothamatas tiếp tục đi xa hơn khi khái quát
về chính trị Thái Lan qua công trình: “Số phận của hai nền dân chủ: những khái
niệm mâu thuẫn về bầu cử và dân chủ tại Thái Lan” được in trong cuốn sách “Chính
trị bầu cử tại Đông Nam Á” (The politics of elections in Southeast Asia, R. H.
Taylor (ed), Cambridge University Press, 1996). Tác giả lập luận rằng, sự mong
manh của nền dân chủ Thái Lan bắt nguồn từ khoảng cách giàu nghèo cũng như
quan hệ lợi ích của khu vực nông thôn so với khu vực thành thị. Đối với những
người ở vùng nông thôn, nền dân chủ như một phương tiện đạt được lợi ích trước
mắt từ các chính trị gia địa phương, trong khi tầng lớp trung lưu thành thị ở
Bangkok có niềm tin rằng, dân chủ sẽ mang đến các nhà lãnh đạo kĩ trị với các mục
tiêu, chương trình cụ thể. Tuy vậy, nền dân chủ Thái Lan thực sự trở thành nan đề
khi khu vực nông thôn luôn có số cử tri lớn hơn và luôn bầu chọn ra các chính trị
gia phục vụ lợi ích trước mắt của họ, khiến đại diện của tầng lớp trung lưu thành thị
trong quốc hội chỉ là thiểu số. Điều này khiến cho một bộ phận không nhỏ tầng lớp
trung lưu chuyển sang thái độ ủng hộ cuộc đảo chính quân sự, coi đó như một cách
để loại bỏ các chính trị gia tham nhũng. Tuy vậy, mong muốn của tầng lớp trung
lưu lại hoàn toàn tương phản với ý chí của lực lượng quân đội vốn luôn muốn thống
trị chính trường. Điều này đã gây ra một vòng luẩn quẩn và những xung đột triền
miên và khó gỡ trong nền chính trị Thái Lan.
Về chủ đề bầu cử trong chính trị của Thái Lan, Suchit Bunbongkarn đã công
bố bài viết “Bầu cử và dân chủ hóa tại Thái Lan”, được in trong cuốn “Chính trị
bầu cử ở Đông Nam Á” (The politics of elections in Southeast Asia, Nelson,
Michael H. (ed), Woodrow Wilson Center Press, New York, 2002). Tác giả cho
rằng, quyền lực chính trị tại Thái Lan đang chuyển đổi từ lực lượng quan liêu sang
các ông trùm chính trị, từ chính trị quan liêu sang chính trị đảng phái. Trong đó, bầu
cử là một công cụ để các lực lượng chính trị giành quyền lực thay cho đảo chính
quân sự trước kia. Tuy Hiến pháp (1997) quy định bầu cử tự do song trên thực tế,
cử tri không có quyền lực và ảnh hưởng lớn thông qua các cuộc bầu cử. Thông qua
hệ thống đỡ đầu, các lãnh đạo địa phương, các lãnh đạo đảng phái, các trùm tài
phiệt đã gây ảnh hưởng trực tiếp đến kết quả bầu cử. Tình trạng mua bán, đánh tráo
16