Tải bản đầy đủ (.doc) (15 trang)

MỨC ĐỘ PHỤ THUỘC VÀO TÀI NGUYÊN RỪNG CỦA NGƯỜI DÂN VÙNG ĐỆM VQG XUÂN SƠN

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (1.57 MB, 15 trang )

ĐÁNH GIÁ MỨC ĐỘ PHỤ THUỘC VÀO TÀI NGUYÊN RỪNG CỦA NGƯỜI DÂN
VÙNG ĐỆM VQG XUÂN SƠN , TỈNH PHÚ THỌ1
Đinh Thị Hà Giang
Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội
1. Đặt vấn đề
Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh thời kỳ 2011 – 2020 và tầm nhìn đến năm 2050
của Việt Nam đã nêu rõ quan điểm: Tăng trưởng xanh phải do con người và vì con người, góp
phần tạo việc làm, xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân.
Như vậy, công tác bảo tồn tài nguyên đi đôi với đảm bảo sinh kế cho người dân sinh sống trong
các Khu bảo tồn cũng là một nội dung quan trọng của tăng trưởng xanh. Tuy nhiên trên thực tế,
những mục tiêu bảo tồn nguồn vốn tự nhiên – góp phần tăng trưởng xanh, hướng tới phát triển
bền vững lại tạo thêm những gánh nặng lên những cộng đồng sinh sống trong vùng đệm các
Vườn Quốc gia (VQG) và Khu Bảo tồn. Với tốc độ xóa đói giảm nghèo chậm, các nguồn sinh kế
thay thế còn hạn chế thì mức độ phụ thuộc vào tài nguyên rừng của cộng đồng người dân vùng
đệm ở các Vườn Quốc gia nói chung vẫn là rất lớn. Để nâng cao mức sống cho người dân và
giảm thiểu tối đa mức độ phụ thuộc vào tài nguyên rừng chính là bài toán khó nhất trong công tác
bảo tồn.
VQG Xuân Sơn tỉnh Phú Thọ là một trong 30 VQG trên lãnh thổ Việt Nam, không những
có vị trí quan trọng về an ninh quốc phòng, mà còn là hành lang giao lưu phát triển kinh tế nối
liền vùng Tây Bắc và Đông Bắc Bộ. VQG Xuân Sơn có diện tích tự nhiên 33.687 ha bao gồm
vùng lõi 15.048 ha và vùng đệm 18.639 ha, trong đó diện tích rừng núi đá vôi chiếm khoảng
10%, độ che phủ 60,5%. Mặc dù được đánh giá là vùng có chỉ số đa dạng sinh học cao nhưng
hiện nay các mối đe doạ đối với khu hệ động vật hoang dã và hệ thực vật VQG Xuân Sơn do
những hoạt động trực tiếp của con người (săn bắt động vật, khai thác lâm sản, chăn thả gia súc
trái phép…) đang ở trong tình trạng đáng báo động.
Vì vậy vấn đề đặt ra là làm thế nào để giải quyết hài hoà giữa những nhóm lợi ích khác
nhau giữa một bên là sinh kế của người dân địa phương và một bên là tính cấp thiết của công tác
bảo tồn tại VQG Xuân Sơn đang là thách thức lớn cho địa phương. Bài viết dưới đây đưa ra

1


Bài viết được in trong Kỷ yếu Hội thảo khoa học quốc gia “Tài nguyên thiên nhiên và Tăng trưởng xanh”,

2013.

1


những dẫn liệu về mức độ phụ thuộc vào tài nguyên rừng của người dân vùng đệm VQG Xuân
Sơn, tỉnh Phú Thọ làm cơ sở cho việc hoạch định chính sách quản lý bền vững VQG Xuân Sơn.
2. Mục tiêu, đối tượng, phạm vi và phương pháp nghiên cứu
2.1. Mục tiêu nghiên cứu
- Mục tiêu nghiên cứu: Đánh giá mức độ phụ thuộc vào tài nguyên rừng của người dân
vùng đệm VQG Xuân Sơn, tỉnh Phú Thọ.
- Nhiệm vụ nghiên cứu cụ thể:
1) Khảo sát mức sống của người dân vùng đệm VQG Xuân Sơn;
2) Đánh giá tỷ lệ thu nhập từ rừng trong cơ cấu các hộ gia đình sinh sống ở vùng đệm
VQG Xuân Sơn;
3) Đánh giá mức độ quan trọng của các sản phẩm từ rừng với người dân vùng đệm VQG
Xuân Sơn;
4) Đánh giá mức độ khai thác và sử dụng các sản phẩm từ rừng của người dân vùng đệm
VQG Xuân Sơn;
5) Khảo sát tình trạng sử dụng các sản phẩm từ rừng của người dân vùng đệm VQG
Xuân Sơn.
2.2. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu
- Đối tượng nghiên cứu: Mức độ phụ thuộc vào tài nguyên rừng của người dân vùng đệm
VQG Xuân Sơn, Phú Thọ.
- Khách thể nghiên cứu: Cộng đồng dân cư sinh sống tại vùng đệm và vùng lõi VQG
Xuân Sơn, Phú Thọ.
- Phạm vi và thời gian nghiên cứu: Cuộc điều tra được tiến hành trong tháng 3/2011 tại 2
xã vùng đệm (Xuân Đài) và vùng lõi (Xuân Sơn) thuộc phần quản lý hành chính huyện Tân Sơn,

tỉnh Phú Thọ.
2.3. Phương pháp nghiên cứu
Để đạt được mục tiêu nghiên cứu, chúng tôi đã sử dụng các phương pháp nghiên cứu cụ
thể dưới đây:
* Hồi cứu số liệu: Thu thập, phân tích, đánh giá, tổng hợp tài liệu thứ cấp gồm:
- Số liệu thống kê các cấp có liên quan;
- Các kết quả điều tra, nghiên cứu đã được công bố.
* Phương pháp điều tra xã hội học:
- Phương pháp đánh giá nhanh nông thôn có sự tham gia của người dân (PRA): nhằm thu
thập những thông tin sơ cấp về đời sống của cư dân vùng đệm, hiện trạng quản lý và sử dụng tài
nguyên cũng như nhận thức của người dân về các vấn đề liên quan. Việc tập hợp người dân là rất
khó nên chỉ thực hiện được một cuộc thảo luận nhóm với số lượng người tham gia không đông
như dự tính. Vì thế, kết quả của buổi thảo luận này chỉ dừng lại ở mức tham khảo và kiểm chứng
những thông tin đã thu thập được.

2


- Phương pháp phỏng vấn bán cấu trúc: nhằm thu thập các thông tin trực tiếp từ các cá
nhân bằng việc áp dụng các câu hỏi rộng để định hướng cuộc trao đổi, trong đó cho phép đưa ra
các câu hỏi nhằm nâng cao kết quả thảo luận bao gồm việc xác định mục tiêu thông tin cần hỏi và
thiết lập.
- Phương pháp điều tra XHH định lượng bằng bảng hỏi: nhằm thu thập các thông tin theo
một phương pháp được xây dựng dựa trên các câu hỏi cụ thể theo cách thức có thể thực hiện để
phân tích thống kê, xử lý bằng phần mềm SPSS 16.0.
3. Kết quả
3.1. Đời sống người dân vùng đệm Vườn Quốc gia Xuân Sơn
Về mặt địa lý – sinh thái, vùng đệm sinh thái là khu vực trung gian giữa VQG và vùng
nông nghiệp phụ cận. Vùng đệm vừa là nơi bảo vệ giữ gìn rừng, vừa là nơi khai thác hợp lý tài
nguyên rừng. Cũng cần thấy rõ ràng rằng, trên thực tế, với vị trí địa lý tự nhiên của rừng, vùng

đệm sinh thái có thể là vành đai rào cản nhưng cũng có thể là những khe hở mà từ đó người dân
địa phương tấn công vào khu bảo tồn.
Để nghiên cứu những tác động của vùng đệm tới VQG Xuân Sơn, một cuộc điều tra thu
thập thông tin bằng mẫu phiếu công phu đã được tiến hành. Qua đó, không chỉ thu được những
thông tin hữu ích về đời sống người dân sinh sống trong và xung quanh VQG mà còn cả những
kết quả thể hiện mức độ phụ thuộc của người dân vào tài nguyên rừng.
* Đặc điểm về mẫu khảo sát
Cuộc điều tra lựa chọn các đối
tượng ngẫu nhiên tại 2 xã vùng đệm
(Xuân Đài) và vùng lõi (Xuân Sơn)
thuộc phần quản lý hành chính huyện
Tân Sơn, tỉnh Phú Thọ. Tổng số
phiếu điều tra là 92 phiếu. Trong đó
số phiếu điều tra ở xã Xuân Đài
chiếm 53,3 %, xã Xuân Sơn chiếm
46,7% tổng số phiếu điều tra. Ở mỗi
xã, lựa chọn 2 xóm/bản làm địa bàn

Hình 1: Tỷ lệ người tham gia phiếu điều tra
phân theo thôn/xóm (đơn vị: %)

3


nghiên cứu chính là xóm Du, xóm Lạng (xã Xuân Sơn), xóm Mu, xóm Vượng (xã Xuân Đài)
(Hình 1)1.
Đặc điểm nhân khẩu học của nhóm đối tượng tham gia trong mẫu nghiên cứu với tỷ lệ nữ
giới là 82,6%, cao hơn hẳn so với nam giới. Bởi lẽ, việc tiếp cận đối tượng nghiên cứu là nam
giới tương đối khó khăn, một phần là do hoạt động sản xuất họ phải đi làm đến tối mới trở về
nhà, một phần là do bản thân nam giới ở đây không quan tâm nhiều đến các hoạt động xã hội ở

địa phương.
Về cơ cấu nhóm tuổi, những người tham gia điều tra thuộc 4 nhóm tuổi chính: từ 18 – 29
tuổi chiếm 18,0%, từ 30 – 35 tuổi chiếm 50,6%, từ 46 – 59 tuổi chiếm 30, 3%, trên 60 tuổi chiếm
1,1 % phân bố đều trong các gia đình hạt nhân (55,0%) và gia đình mở rộng (45,0%).
Về thành phần dân tộc, địa bàn các xã vùng đệm VQG Xuân Sơn là nơi tập trung phần
lớn đồng bào người dân tộc thiểu số (chiếm trên 80% tổng dân số), đặc biệt xã vùng lõi Xuân Sơn
thì tỷ lệ này còn lên tới 95%. Những người tham gia điều tra tập trung ở 3 dân tộc chính là:
Mường (91,3%), Dao (5,4%) và Kinh (3,3%). Ngoài ra, hầu hết trong số họ đều là người bản địa
chiếm 96,7% nên việc phân tích tương quan giữa các nhóm dân tộc hay các nhóm dân bản địa và
dân mới chuyển đến cơ bản là không có ý nghĩa.
Về trình độ học vấn được
thể hiện ở Hình 2, tỷ lệ những
người tham gia vào cuộc điều tra
đã tốt nghiệp hoặc học đến bậc
THPT là đông nhất (48,9%) trong
khi những người đã tốt nghiệp
trung cấp trở lên ít hơn rất nhiều
(8,7%). Bên cạnh đó, vẫn còn
một bộ phận không nhỏ người
dân chỉ học đến bậc tiểu học.
Về nghề nghiệp chính của
đối tượng nghiên cứu hướng tới,
thống kê cho thấy chiếm số lượng cao nhất là thành phần những người làm nông nghiệp chiếm
85,8%. Các đối tượng còn lại là cán bộ công nhân viên chức nhà nước (chủ yếu là giáo viên và
cán bộ xã) chiếm 10,9 % và các hộ buôn bán, kinh doanh dịch vụ chiếm 3,3%.
1

Toàn bộ các bảng, hình và tư liệu đều là kết quả điều tra của tác giả, tháng 03/2011.

4



* Đời sống người dân vùng
đệm
Đa số những người
tham gia vào cuộc điều tra
đều có thu nhập dưới 400
nghìn
đồng/người/tháng,
trong đó tỷ lệ những người
có thu nhập 100 – 300
nghìn/người/ tháng khá cao
(Hình 3). Tương quan thu nhập giữa xã vùng đệm và vùng lõi có sự chênh lệch lớn (Bảng 1): mức
thu nhập dưới 400 nghìn ở vùng lõi (xã Xuân Sơn) cao hơn ở vùng đệm (xã Xuân Đài) 19,4% nhưng
mức thu nhập từ 400 – 1 triệu và từ 1 triệu – 2 triệu ở xã Xuân Sơn lại ít hơn xã Xuân Đài rất nhiều, con
số chênh lệch ở các mức thu nhập này lần lượt là: 55,6% và 83,4 %.
Bảng 1: Tương quan thu nhập giữa 2 xã vùng lõi và vùng đệm (đơn vị: %)
Mức thu nhập

Xuân Đài

Xuân Sơn

Tổng

Dưới 400.000 vnđ

40,3

59,7


100,0

400 – 1 triệu vnđ

77,8

22,2

100,0

1 triệu – 2 triệu vnđ

91,7

8,3

100,0

Do thu nhập bình quân đầu người còn thấp nên tỷ lệ những hộ gia đình thuộc diện hộ đói,
nghèo theo tiêu chuẩn mới của nhà nước vẫn còn cao. Cũng theo cuộc điều tra này, có tới 44,6%
các hộ gia đình thuộc diện này, trong đó hộ đói là 7,6%, hộ nghèo là 37%. Ngoài ra hộ gia đình
thuộc diện chính sách là 3,3%. Điều này cho thấy mức sống của người dân qua điều tra xã hội
học khá sát với tình hình thực tế. Tuy nhiên, cũng phải nhận thấy rằng mức thu nhập mà người
dân tự đánh giá có phần thấp hơn so với mức quy định tiêu chuẩn (Hình 4). Bởi trong nhóm

5


người được khảo sát, theo họ tự đánh giá thì có 67,4% thuộc diện thu nhập từ 400 nghìn trở

xuống (bằng mức chuẩn nghèo) nhưng lại chỉ có 44,6% các hộ gia đình thuộc hộ nghèo theo quy
định của nhà nước.
Khi phân chia các chỉ báo đánh giá mức sống là “rất nghèo”, “nghèo”, “trung bình”,
“khá” và “giàu” kết quả thu được như sau:

Như vậy, qua đánh giá sơ bộ có thể thấy rằng đời sống của người dân vùng đệm VQG
Xuân Sơn vẫn còn rất khó khăn, tỷ lệ các hộ đói nghèo tương đối cao so với các vùng khác trong
cả nước. Điều này cũng sẽ gây sức ép không nhỏ đến nguồn tài nguyên rừng trong Khu bảo tồn.
2. Mức độ phụ thuộc vào tài nguyên rừng
* Thu nhập từ rừng trong cơ cấu thu nhập của hộ gia đình
Mức độ phụ thuộc vào tài nguyên rừng trước hết được thể hiện qua thu nhập từ rừng trong
cơ cấu thu nhập của hộ gia đình. Trong cơ cấu thu nhập, thì thu nhập từ rừng giữa các gia đình có
sự chênh lệch rất lớn (Hình 5). Mặc dù sinh sống trong vùng đệm VQG Xuân Sơn, nhưng có tới
31,5% số hộ không có thu nhập từ rừng (kể cả những hoạt động không mang lại hiệu quả kinh tế
được tính bằng tiền như hái rau rừng, măng, mộc nhĩ, nấm, cây thuốc…).

6


Hình 5: Tỷ lệ phần trăm thu nhập từ rừng trong cơ cấu thu nhập của hộ gia đinh (%)
Tỷ lệ phần trăm thu nhập từ rừng trong cơ cấu thu nhập của các hộ gia đình được chia
thành 2 nhóm: Nhóm các hộ không có thu nhập từ rừng và nhóm các hộ có nguồn thu nhập từ
rừng. Tùy theo mức độ thu nhập từ rừng mà nhóm này được chia thành 4 mức: mức 1 có tỷ lệ thu
nhập từ từ 5 – 25%; mức 2 từ 26 – 50%; mức 3 từ 51 – 75%; mức 4 từ 76 – 100%.
Kết quả điều tra cho thấy, trong số nhóm 2 thì các hộ gia đình có mức thu nhập từ rừng
trong khoảng 26 – 50 % là đông nhất chiếm 37,0%, tiếp đến là mức thu nhập từ 51 – 75% chiếm
15,2 %, thấp hơn là mức thu nhập từ rừng từ 5 – 25% là 13,1% và thấp nhất là nhóm có mức thu
nhập từ rừng từ 76 – 100% là 3,2%.
Rõ ràng, mặc dù trên thực tế nông nghiệp là ngành kinh tế chính đối với nhân dân vùng
đệm VQG Xuân Sơn, nhưng với trình độ canh tác lạc hậu, năng suất thấp sản xuất nông nghiệp

chưa đáp ứng đủ để đảm bảo nguồn lương thực thực phẩm cho địa phương, thì các nguồn thu
nhập từ rừng chính là cứu cánh cho toàn bộ người dân sống trong vùng, đặc biệt là những năm
đói kém, mất mùa.

7


Bà: Triệu Thị Lâm (1966), Dân tộc Dao, xóm Dù, xã Xuân Sơn nói“
Tôi nhớ, những năm 90 – 91 là năm đói nhất vì lúa bị mất mùa.
Khoai, sắn trồng cũng không được thu hoạch. Vì thế, chúng tôi phải
vào rừng đào củ nâu để ăn. Mọi người ai cũng đi kiếm nên dần dần
cũng ít đi. Rau rừng thì rau gì ăn được là hái hết. Thậm chí đu đủ ăn
hết rau rồi còn đào cả củ cây đu đủ về để ăn cho đỡ đói. Nếu không
có rừng, khi đó chắc cả xã chết đói mất.”

* Mức độ quan trọng của các sản phẩm từ rừng với người dân vùng đệm VQG Xuân Sơn
Phần lớn người dân đang sinh sống ở vùng đệm VQG Xuân Sơn đều là người dân tộc
thiểu số bản địa. Cuộc sống của người dân vài chục năm trước còn phụ thuộc hoàn toàn vào rừng.
Từ khi VQG Xuân Sơn thành lập (2002), người dân đã gặp phải không ít những khó khăn do phải
từ bỏ dần tập quán lâu đời vào rừng khai thác mọi thứ lâm sản.
Bảng 2: Mức độ quan trọng của các sản phẩm từ rừng ( %)
STT

Loại sản phẩm

Mức độ
Rất quan
trọng

Quan trọng


Ít quan
trọng

Không
quan trọng
hoặc không
tồn tại

1

Gỗ và vật liệu xây
dựng

15,2

52,2

19,6

13,0

2

Củi

72,2

15,2


7,6

0,0

3

Các loại thực phẩm

27,2

28,2

42,4

2,2

4

Cây thuốc chữa bệnh

28,2

26,1

26,1

19,6

8



Kết quả điều tra, khảo sát về mức độ quan trọng của các sản phẩm từ rừng đối với cuộc
sống người dân ở đây được thống kê trong Bảng 2. Số người đồng thuận các sản phẩm thu nhập
từ rừng “rất quan trọng” hoặc “quan trọng” chiếm tỷ lệ cao nhất . Gỗ và vật liệu xây dựng được
lựa chọn ở mức độ “quan trọng” là 52,2%. Củi lại là loại sản phẩm có tỷ lệ trả lời “rất quan
trọng” cao nhất với 72,2% số người trả lời đồng thuận và đây cũng là sản phẩm duy nhất có ý
nghĩa lớn nhất đối với tất cả cộng đồng với mức độ “không quan trọng” là bằng 0,0%. Cũng
trong cuộc điều tra này, có tới 97,9% các gia đình vẫn cùng bếp củi để đun nấu chính. Hơn nữa,
còn một tập quán quan trọng của người dân vùng núi là vào mùa đông, bếp lửa của các gia đình
phải đỏ lửa cả ngày. Người ta giữ lửa bằng các cây gỗ to để chống lạnh trong những ngày giá rét.
Bếp ga, bếp điện chỉ có ở trong những gia đình có điều kiện khá giả hơn.
Người dân miền núi nói chung và người dân sống ở vùng đệm VQG Xuân Sơn nói riêng
có thói quen chữa bệnh bằng thuốc nam với thầy lang có những phương thuốc bí truyền hiệu quả.
Từ bao đời nay các loại cây thuốc (thảo dược) chữa bệnh sẵn có trong rừng không chỉ chữa được
những bệnh nặng như rắn cắn, gẫy tay chân, thận… mà còn cả những bệnh thông thường rất hay
gặp hàng ngày như cảm cúm, sốt, lên mụn… Vì thế, tỷ lệ người dân lựa chọn cây thuốc chữa
bệnh ở mức độ “rất quan trọng” cao (28,2%) và mức độ “quan trọng” là (26,1%).
Rừng cũng là nơi cung cấp các loại thực phẩm như măng, nấm, mộc nhĩ hay các loại rau
rừng trong bữa ăn hàng ngày của người dân. Mặc dù mức độ quan trọng không đáng kể vì lý do
đây là sản phẩm phụ bổ sung cho bữa ăn hàng ngày chứ không mang lại nhiều lợi ích về mặt kinh
tế. Tuy nhiên, vẫn có tới gần 30,0% số người trả lời đồng thuận rằng các loại thực phẩm từ rừng
“quan trọng” hay “rất quan trọng”.
Mức độ quan trọng của các loại thực phẩm từ rừng còn thể hiện ở bảng số liệu bổ sung
dưới đây (Bảng 3).
Bảng 3 : Nguồn gốc những thực phẩm mà người dân sử dụng hàng ngày ( %)
Mức độ
Nguồn cung cấp
Hàng ngày

Thỉnh thoảng


1. Tự nuôi/ trồng

75,0

20,6

3,3

1,1

2. Mua ở chợ

16,5

76,9

5,5

1,1

3. Lấy trong rừng

11,0

30,7

49,5

8,8


9

Hiếm khi

Không bao giờ


Bên cạnh nguồn thực phẩm tự nuôi, trồng hay mua ở chợ thì vẫn còn có tới 11,0% người
dân lấy các thực phẩm từ trong rừng thường xuyên. Các loại rau rừng, măng rừng được dùng làm
thực phẩm… có mặt trong cơ cấu bữa ăn ở mức độ “thỉnh thoảng” là 30,7% và “hiếm khi” là
49,5%. Trong khi đó, những hộ dân khẳng định họ không bao giờ vào rừng tự kiếm các thực
phẩm trên chỉ chiếm 8,8%.
* Mức độ khai thác và sử dụng các sản phẩm từ rừng của người dân vùng đệm VQG Xuân Sơn
Trong các loại sản phẩm được điều tra về mức độ khai thác và sử dụng thì mức độ khai
thác gỗ của người dân vùng đệm VQG Xuân Sơn là quan trọng nhất. Ở VQG Xuân Sơn, gỗ là sản
phẩm bị nghiêm cấm khai thác dưới mọi hình thức và khai thác gỗ là hành động bất hợp pháp mà
tất cả mọi người dân ở đây đều nhận thức rất rõ. Tuy nhiên, kết quả điều tra cho thấy, tỷ lệ người
khai thác “rất thường xuyên” là 6,7% và “thường xuyên” là 14,4%. Điều đó không chỉ phản ánh
mức độ chấp hành luật pháp cũng như ý thức của người dân còn thấp, mà còn phản ánh việc quản
lý tài nguyên gỗ ở địa phương còn nhiều bất cập.
Bảng 4: Mức độ khai thác, sử dụng các sản phẩm từ rừng (%)
Loại sản
phẩm

Mức độ
Rất thường xuyên

Thường xuyên


Ít/ hiếm khi

Không bao giờ

Gỗ

6,7

14,4

52,2

26,7

Củi

61,1

31,1

6,7

1,1

Tre, luồng

7,2

26,2


44,0

22,6

Nứa

17,5

47,3

27,5

7,7

Song, mây

0,0

0,0

17,9

82,1

Mật ong

0,0

3,4


28,2

68,4

Cây thuốc

3,4

31,5

41,6

23,4

Măng

25,0

55,4

14,1

5,5

10


Nấm, mộc nhĩ

1,1


11,5

52,9

34,5

Lá cọ

3,4

14,6

58,4

23,6

Các loài động
vật

1,2

0,0

15,1

83,7

Củi và măng là hai sản phẩm được khai thác và sử dụng ở mức độ “rất thường xuyên” và
“thường xuyên” với tỷ lệ rất cao. Tỷ lệ người dân khai thác và sử dụng củi “rất thường xuyên”

lên tới 61,1% và “thường xuyên” là 31,3%, tỷ lệ này của măng lần lượt là 25,0% và 55,4%.
Tiếp sau đó là tre, luồng; nứa và cây thuốc cũng được khai thác và sử dụng “thường
xuyên” với tỷ lệ lần lượt là 26,2%, 47,3 % và 31,5%.
Các sản phẩm có tỷ lệ đồng thuận cao nhất ở mức độ “không bao giờ” rơi vào nhóm sản
phẩm song mây (82,1%), mật ong (68,4%) và các loài động vật (83,7%).
Mức độ khai thác, sử dụng các sản phẩm từ rừng cũng phản ánh nhu cầu thực tế của
người dân sinh sống trong và xung quanh VQG như muốn có làm nhà thì phải có gỗ, tre, luồng,
nứa, lá cọ…; muốn đan lát các dụng cụ sinh hoạt và sản xuất cần nứa, song, mây…; muốn cải
thiện bữa ăn hàng ngày thì cần măng, nấm, mộc nhĩ… Như vậy, cho tới khi nào đời sống sinh
hoạt và sản xuất của người dân vẫn còn phụ thuộc nhiều vào những loại sản phẩm này thì khi ấy
công tác bảo tồn vẫn thiếu hiệu quả vì còn nhiều vướng mắc trong việc chia sẻ lợi ích. Những sản
phẩm này đã được người dân khai thác và sử dụng dựa trên tập quán canh tác qua rất nhiều thế
hệ. Trước kia, trong tâm thức của mỗi người dân thì rừng thuộc quyền sở hữu chung của cộng
đồng, vì thế các sản phẩm này được khai thác có chọn lọc để đảm bảo duy trì nguồn tài nguyên
thiên nhiên này cho thế hệ kế tiếp. Nhưng từ khi VQG được thành lập, công tác bảo tồn được đẩy
mạnh thì những tài nguyên vốn dĩ đang thuộc về cộng đồng thì lại bị cấm khai thác. Trong khi
cuộc sống của họ cho đến tận thời điểm hiện tại vẫn còn phụ thuộc nhiều vào những tài nguyên
sẵn có. Như vậy, một bất cập có thể thấy rõ là, công tác bảo tồn mới chỉ chú trọng đến khía cạnh
bảo tồn mà chưa thực sự quan tâm đến đời sống của người dân trong Khu bảo tồn. Công tác bảo
tồn cắt đứt mọi nguồn thu của họ từ rừng trong khi chưa đưa ra những giải pháp sinh kế thay thế.
Đây là một vấn đề nan giải không chỉ ở VQG Xuân Sơn mà còn là vấn đề chung của tất cả các
VQG và Khu bảo tồn hiện này.
* Tình trạng sử dụng các sản phẩm từ rừng của người dân vùng đệm VQG Xuân Sơn

11


Khi điều tra về tình trạng sử dụng các sản phẩm từ rừng, kết quả thu được như sau (Bảng
5):
Bảng 5: Phương thức sử dụng các sản phẩm từ rừng (%)

STT

Loại sản
phẩm

Phương thức sử dụng
Bán lấy tiền

Sử dụng trong
gia đình

Bán và sử dụng
trong gia đình

1

Gỗ

13,2

69,2

17,6

2

Củi

1,1


79,1

19,8

3

Tre, luồng

5,4

81,3

13,3

4

Nứa

5,9

76,5

17,6

5

Song, mây

0,0


100,0

0,0

6

Mật ong

2,8

97,2

0,0

7

Cây thuốc

0,0

98,4

1,6

8

Măng

5,6


70,5

23,9

9

Nấm, mộc nhĩ

1,5

87,7

10,8

10

Lá cọ

1,4

98,6

0,0

11

Các loài động
vật

10,7


71,4

17,9

Kết quả khảo sát về phương thức sử dụng của người dân đối với 11 loại sản phẩm được
khai thác từ rừng thì phần lớn người dân lựa chọn đồng thời cả hai phương thức là bán lấy tiền và
sử dụng trong gia đình 8/11 loại sản phẩm. Tuy nhiên, đối với từng loại sản phẩm thì tỷ lệ này
không cao và dao động từ 10,8% đến 23,9% (Bảng 5).
Đa số các sản phẩm trên khi khai thác về được giữ lại sử dụng trong gia đình: từ 69,2%
(gỗ) đến 100,0% (song mây).

12


Tỷ lệ người dân lựa chọn phương thức sử dụng với mục đích bán lấy tiền cao nhất ở nhóm
sản phẩm gỗ là 13,2%, tiếp đến là các loài động vật 10,7%. Trước kia, gỗ không phải là một loại
hàng hoá truyền thống của người dân tộc thiểu số nơi đây, họ không có khái niệm bán gỗ mà chỉ
sử dụng làm nhà và các vật dụng trong gia đình. Dần dần họ bắt đầu biết khai thác gỗ làm hàng
hoá từ khi xuất hiện lâm trường. Mặc dù lúc đầu chỉ là khai thác cho lâm trường để nhận tiền
công hoặc hàng hoá. Rồi cũng từ đó mà người dân bắt đầu chuyển sang khai thác bán lại cho
những chủ tư nhân. Tình trạng chặt phá những cây gỗ lớn cũng từ đó mà nảy sinh. Còn lại, số
lượng người dân bán các sản phẩm khác chỉ chiếm tỷ lệ rất thấp, dưới 6,0%.
Rõ ràng, mức độ khai thác và tầm quan trọng của các nhóm sản phầm từ rừng không
giống nhau đối với các hộ gia đình. Phần lớn các sản phẩm này đều chủ yếu được khai thác để sử
dụng trong gia đình chứ không nhằm mục đích kiếm lợi bằng cách đem bán. Tuy nhiên, điều
đáng ngại là nhóm sản phẩm được khai thác để bán nhiều nhất rơi vào các tài nguyên có giá trị
kinh tế cao như gỗ hay các loài động vật.
4. Kết luận
1. Việc thành lập VQG Xuân Sơn, tỉnh Phú Thọ là tất yếu để bảo tồn ĐDSH, nhưng lại đặt ra cho

cộng đồng dân cư ở đây những thách thức mới. Phần lớn người dân địa phương đều có trình độ
sản xuất hạn chế, chưa sẵn sàng để chuyển đổi phương thức sản xuất truyền thống nên họ gặp
nhiều khó khăn trong việc từ bỏ khai thác các nguồn lợi sẵn có từ rừng. Điều đó đồng nghĩa với
việc sức ép tác động đến rừng không giảm mà còn có chiều hướng gia tăng, nhất là khi sức ép
này được tạo ra bởi nhu cầu thiết yếu trước cuộc sống quá khó khăn của những người sống trong
và ngoài khu bảo tồn.
2. Đời sống của người dân vùng đệm VQG Xuân Sơn còn rất khó khăn, thêm vào đó mức độ phụ
thuộc vào nguồn tài nguyên rừng là rất lớn thể hiện ở tầm quan trọng, mức độ khai thác và sử
dụng các sản phầm từ rừng. Tuy nhiên, điều đáng lưu ý là hầu hết các sản phẩm này đều được sử
dụng trong cộng đồng chứ không phải vì mục đích thương mại. Nhóm sản phẩm được bán lấy
tiền nhiều nhất là gỗ và các loài động vật hoang dã.
3. Đời sống của người dân vùng đệm còn phụ thuộc rất nhiều vào các sản phẩm từ rừng để phục
vụ nhu cầu thiết yếu và chính đáng của họ như xây dựng, thực phẩm và công cụ sản xuất… Vì
thế để công tác bảo tồn có hiệu quả thì trước hết phải xây dựng một cơ chế chia sẻ lợi ích hợp lý
trước khi tìm được các giải pháp thay thế nguồn sản phẩm từ rừng vốn rất quan trọng với cộng
đồng dân cư nơi đây.

13


4. Bởi vậy, cũng cần sự hỗ trợ từ phía Nhà nước để giúp người dân nâng cao mức sống, phát triển
sinh kế bền vững: sử dụng hiệu quả tiết kiệm tài nguyên, bảo vệ môi trường, xóa đói giảm nghèo,
đầu tư cho bảo tồn và phát triển. Có như vậy, vùng đệm VQG Xuân Sơn mới thực sự trở thành
vành đai bảo vệ cho VQG Xuân Sơn – bảo vệ và phát triển nguồn vốn tự nhiên góp phần thực
hiện mục tiêu Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh của Việt Nam trong thời gian tới.

Tài liệu tham khảo
1. Trần Minh Hợi, Nguyễn Xuân Đặng (2008), Đa dạng sinh học và Bảo tồn nguồn gen sinh vật
tại Vườn Quốc gia Xuân Sơn, tỉnh Phú Thọ, Nxb Giáo dục, Hà Nội.
2. Đinh Thị Hà Giang (2011), Nghiên cứu sự tương tác giữa cộng đồng dân cư vùng đệm và bảo

tồn đa dạng sinh học ở Vườn Quốc gia Xuân Sơn, tỉnh Phú Thọ, Luận văn thạc sĩ: Viện Việt Nam
học và Khoa học Phát triển, Đại học Quốc gia Hà Nội.
3. Soubbotina, T.P (2005), Không chỉ là tăng trưởng kinh tế - Nhập môn về phát triển bền vững,
Nxb Văn hoá Thông tin, Hà Nội.
4. Thủ tướng Chính phủ (2012), Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh thời kỳ 2011 – 2020
và tầm nhìn đến năm 2050.
5. Hà Huy Thành (2001), Một số vấn đề xã hội và nhân văn trong việc sử dụng hợp lý tài nguyên
và Bảo vệ môi trường ở Việt Nam, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội.

14


15



×