Tải bản đầy đủ (.pdf) (27 trang)

Nâng cao vị trí của mặt hàng da giầy việt nam trong chuỗi giá trị toàn cầu (tt)

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (556.24 KB, 27 trang )

-1-

VIỆN HÀN LÂM
KHOA HỌC XÃ HỘI VIỆT NAM
HỌC VIỆN KHOA HỌC XÃ HỘI

HOÀNG THỊ PHƯƠNG LAN

NÂNG CAO VỊ TRÍ CỦA MẶT HÀNG DA GIẦY
VIỆT NAM TRONG CHUỖI GIÁ TRỊ TOÀN CẦU

Chuyên ngành:
Mã số:

Kinh tế quốc tế
62 31 01 06

TÓM TẮT LUẬN ÁN TIẾN SĨ KINH TẾ

HÀ NỘI - 2017


-2-

Công trình được hoàn thành tại:

HỌC VIỆN KHOA HỌC XÃ HỘI
VIỆN HÀN LÂM KHOA HỌC XÃ HỘI VIỆT NAM

Tập thể hướng dẫn khoa học:
1. PGS. TS. Nguyễn Tiến Thuận


2. PGS. TS. Phạm Thị Thanh Hồng

Phản biện 1: PGS. TS. Nguyễn Hồng Sơn
Phản biện 2: PGS. TS. Tăng Văn Nghĩa
Phản biện 3: PGS. TS. Hoàng Thị Thanh Nhàn

Luận án sẽ được bảo vệ trước Hội đồng chấm luận án cấp Học viện
tại: Học viện Khoa học Xã hội 477 Nguyễn Trãi, Thanh Xuân, Hà
Nội
Vào hồi ..…. giờ …… phút, ngày … tháng …. năm ……
Có thể tìm hiểu luận án tại thư viện:

-

Thư viện Quốc gia

-

Thư viện Học viện Khoa học Xã hội


-3-

MỞ ĐẦU
1. Tính cấp thiết của đề tài
Trong khoảng 2 thập kỷ gần đây, da giầy luôn là một trong các
ngành xuất khẩu chủ lực của nền kinh tế. Việc trở thành một chủ thể
của chuỗi giá trị toàn cầu (GVC) đã mang lại nhiều lợi ích nhưng
mặt hàng da giầy Việt Nam vẫn đang phải đối diện với rất nhiều khó
khăn. Khó khăn điển hình là giá trị gia tăng đạt thấp, hàm lượng nội

địa trong giá trị xuất khẩu không cao. Lợi ích kinh tế lớn nhất vẫn
chủ yếu là khả năng tạo ra một khối lượng lớn việc làm cho người
lao động.
Vị trí của mặt hàng da giầy Việt Nam trong GVC đang ở đáy,
tham gia chủ yếu các công đoạn đơn giản, tạo ra ít giá trị gia tăng
nhất trong chuỗi. Chính vì vậy, vấn đề nâng cao giá trị gia tăng cho
các mặt hàng da giầy, cải thiện vị trí của mặt hàng da giầy trong
GVC là vấn đề cấp bách, cần thiết trong giai đoạn hiện nay. Với
những lý do trên, đề tài “Nâng cao vị trí của mặt hàng da giầy Việt
Nam trong GVC” là mang tính cấp thiết.
2. Mục tiêu và nhiệm vụ nghiên cứu
Đánh giá khả năng tham gia chuỗi giá trị da giầy toàn cầu của
doanh nghiệp Việt Nam, phân tích nguyên nhân và kiến nghị các giải
pháp nhằm nâng cao vị trí của mặt hàng da giầy Việt Nam trong
GVC.
3. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu
3.1. Đối tượng nghiên cứu: vị trí của mặt hàng da giầy Việt
Nam trong chuỗi giá trị toàn cầu, tập trung chủ yếu vào nhóm mặt
hàng da thuộc, giầy dép da và túi-ví-vali.
3.2. Phạm vi nghiên cứu:


-4-

- Thời gian: tập trung vào giai đoạn từ năm 2000 đến năm 2014,
một số nội dung cập nhật năm 2015, 2016.
- Không gian: doanh nghiệp da giầy Việt Nam, Italy, Brazil, một
số nước có điểm tương đồng như Trung Quốc, Ấn Độ,...
- Nội dung: hoạt động trong chuỗi giá trị da giầy toàn cầu.
4. Phương pháp luận và phương pháp nghiên cứu

Phương pháp nghiên cứu lý thuyết, xử lý thông tin bằng các
phương pháp thống kê, sơ đồ hóa.
Phương pháp phân tích: nghiên cứu các văn bản, tài liệu lý luận
khác nhau về GVC; phương pháp tổng hợp dựa trên kết quả đã phân
tích để đưa ra quan điểm riêng.
Phương pháp mô hình: vận dụng mô hình ''5 áp lực cạnh tranh'' và
''kim cương'' của Michael Porter đánh giá năng lực tham gia GVC
của mặt hàng da giầy Việt Nam.
5. Đóng góp mới về khoa học của luận án
- Hệ thống hóa các nội dung lý luận liên quan đến chuỗi giá trị da
giầy toàn cầu
- Phân tích, đánh giá thực trạng tham gia từng hoạt động trong
chuỗi của mặt hàng da giầy Việt Nam
- Phân tích các nguyên nhân khiến cho mặt hàng da giầy Việt
Nam có vị trí thấp trong chuỗi, từ đó đưa ra các giải pháp.
6. Ý nghĩa lý luận và thực tiễn của luận án
Về mặt khoa học, kiểm định lại các quan điểm về GVC, năng lực
tham gia chuỗi, cách thức nâng cấp vị trí của mặt hàng da giầy trong
GVC.


-5-

Về mặt thực tiễn, phân tích từng hoạt động tham gia GVC, đánh
giá khả năng tham gia, đưa ra các giải pháp nhằm nâng cao vị trí của
mặt hàng da giầy Việt Nam trong GVC.
7. Cơ cấu luận án
Luận án có cơ cấu 4 chương, cụ thể:
Chương 1: Tổng quan tình hình nghiên cứu
Chương 2: Những vấn đề cơ bản về chuỗi giá trị toàn cầu và

chuỗi giá trị da giầy toàn cầu
Chương 3: Thực trạng vị trí của mặt hàng da giầy Việt Nam trong
chuỗi giá trị toàn cầu trong giai đoạn từ năm 2000 đến năm 2015
Chương 4: Giải pháp nâng cao vị trí của mặt hàng da giầy Việt
Nam trong chuỗi giá trị toàn cầu đến năm 2025


-6-

Chương 1
TỔNG QUAN TÌNH HÌNH NGHIÊN CỨU
1.1. Các nghiên cứu về GVC
a. Các nghiên cứu ngoài nước
Michael E. Porter (1985) là công trình đầu tiên đưa ra khái niệm
về chuỗi giá trị với các hoạt động cơ bản trong chuỗi giá trị, mô hình
''kim cương'' để đánh giá năng lực cạnh tranh; Gary (2005), đưa ra 5
cách thức quản trị GVC; John Humphrey (2004), nghiên cứu về việc
cần thiết, các cách thức tiến hành nâng cấp GVC. Daria (2014),
những thay đổi về vai trò của các chủ thể trong GVC, các tác động
ngược của việc tham gia GVC đến nền kinh tế trong nước,
Przemyslaw Kowalski (2015), nghiên cứu, đánh giá các yếu tố ảnh
hưởng đến khả năng tham gia GVC của các nước đang phát triển.
b. Các nghiên cứu trong nước
Đinh Văn Thành (2010), chuỗi giá trị toàn cầu của mặt hàng nông
sản; Nguyễn Hoàng Ánh (2006), tham gia GVC của ngành điện tử
Việt Nam; Lê Huy Khôi (2013), nâng cao giá trị trong chuỗi giá trị
cà phê toàn cầu; Lê Thị Ái Lâm (2012), so sánh, đánh giá với mạng
sản xuất toàn cầu; Nguyễn Bình Giang (2015), nghiên cứu GVC từ
góc độ mạng sản xuất quốc tế…
1.2. Các nghiên cứu về công nghiệp da giầy

a. Các nghiên cứu ngoài nước
Hubert Schmitz (1998), quá trình phát triển của ngành công
nghiệp da giầy tại thung lũng Sinos, Brazil; TEI Piraeus (2007), đánh
giá điểm mạnh, điểm yếu của ngành da giầy tại 4 quốc gia là Italy,
Hy Lạp, Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha; Andrea Gonzalez và cộng sự
(2008), phân tích ảnh hưởng của Trung Quốc đến ngành da giầy


-7-

Argentina; Khalid Nadvi (1995), chuỗi giá trị da giầy của Brazil và
Mexico; Filippo Randelli (2013), cụm liên kết da giầy của Italy với
trường hợp điển hình là cụm Florence...
b. Các nghiên cứu trong nước
Công nghiệp da giầy được nghiên cứu trên các nội dung về ngành
công nghiệp hỗ trợ, vị trí trên thị trường nội địa, năng lực cạnh tranh
của mặt hàng da giầy với các tác phẩm điển hình của Võ Thành Kiệt
(2006), Trần Thị Minh Thư (2009), VCCI (2011), Doãn Kế Bôn
(2012), Chương trình Hỗ trợ kỹ thuật hậu gia nhập WTO, UK Aid,
Australian Aid (2013), Đinh Trường Hinh (2013)…
1.3. Các nghiên cứu về nâng cao vị trí trong GVC
a. Các nghiên cứu ngoài nước
Nâng cao vị trí trong GVC được đề cập thông qua việc đưa ra các
cách thức nâng cấp chuỗi giá trị, nhận diện vị trí của một quốc gia
trong GVC, vị trí của doanh nghiệp trong chuỗi với các nghiên cứu
điển hình của Raphael Kaplinsky và Mike Morris (2002), O.
Cattaneo, G. Gereffi, S. Miroudot, D. Taglioni (2013), Erik van der
Marel (2015), Drusilla Brown và cộng sự (2015).
b. Các nghiên cứu trong nước
Đinh Công Khải và Đặng Thị Tuyết Nhung (2011), vị trí trong

GVC được đánh giá dựa trên khả năng tham gia các hoạt động dọc
theo chiều dài của chuỗi; Đặng Thị Tuyết Nhung (2011), muốn nâng
cao vị thế trong GVC, doanh nghiệp phải sản xuất, xuất khẩu theo
phương thức FOB, ODM; nghiên cứu của Nguyễn Bình Giang
(2015) cũng nhận định, nâng cấp ngành là lựa chọn phù hợp với các
nước đang phát triển như Việt Nam để tham gia sâu hơn vào GVC.


-8-

1.4. Các nghiên cứu về mặt hàng da giầy Việt Nam trên góc
độ GVC
a. Các nghiên cứu ngoài nước
Các nghiên cứu ngoài nước đều nhận định ngành công nghiệp da
giầy của Việt Nam có lợi thế trong phân khúc gia công, lắp ráp nhờ
chi phí nhân công thấp, ưu đãi về môi trường đầu tư, tuy nhiên, còn
yếu kém về trình độ và kỷ luật lao động, điển hình như tác phẩm của
Hubert Schmitz (2006), GDS (2011), World Bank (2011), Ernst &
Young (2013), Charles Kernaghan (2015)...
b. Các nghiên cứu trong nước
Các tác giả trong nước đã đưa thêm một cách nhìn nhận sâu sắc
hơn về lợi thế và bất lợi của mặt hàng da giầy Việt Nam khi tham gia
GVC, tính dễ bị tổn thương do tập trung quá mức vào một số thị
trường, phát triển thiếu hài hòa với xã hội và môi trường, đẩy mạnh
xuất khẩu theo hướng nâng cao giá trị, tham gia sâu hơn vào các công
đoạn tạo ra nhiều giá trị hơn trong GVC với các nghiên cứu điển hình
của Nguyễn Hữu Khải (2008), Nguyễn Đăng Hào (2009), Doãn Kế
Bôn (2013), Lefaso và Vietrade (2009), KPMG Việt Nam (2016)...
Các tài liệu nghiên cứu trong và ngoài nước là những tài liệu
mang tính lý luận và thực tiễn rất có giá trị để NCS làm cơ sở phân

tích thực trạng tham gia GVC của mặt hàng da giầy Việt Nam. Mặc
dù nguồn tài liệu phong phú nhưng mức độ hệ thống hóa, cũng như
tính cập nhật còn hạn chế. Nội dung liên quan đến nâng cấp vị trí của
mặt hàng da giầy Việt Nam trong GVC chưa được đề cập tới. Đây
chính là khoảng trống nghiên cứu mà thông qua luận án “Nâng cao
vị trí của mặt hàng da giầy Việt Nam trong chuỗi giá trị toàn cầu”
NCS mong muốn sẽ hạn chế được khoảng trống nghiên cứu này.


-9-

Chương 2
NHỮNG VẤN ĐỀ CƠ BẢN VỀ CHUỖI GIÁ TRỊ TOÀN
CẦU VÀ CHUỖI GIÁ TRỊ DA GIẦY TOÀN CẦU
2.1. Một số vấn đề lý luận về chuỗi giá trị toàn cầu
2.1.1. Tổng quan về chuỗi giá trị toàn cầu
Chuỗi giá trị là quá trình từ nguyên vật liệu đầu vào cho đến sản
phẩm cuối cùng với nhiều công đoạn, tại mỗi một công đoạn GTGT
lại được tạo ra đóng góp vào giá trị sản phẩm cuối cùng.
GVC là chuỗi các hoạt động được phân chia thành nhiều hoạt
động khác nhau và được thực hiện ở các nước khác nhau.
Các hoạt động chính (mắt xích) trong GVC bao gồm: nghiên cứu
phát triển (R&D), thiết kế, sản xuất - lắp ráp, logistics, phân phối và
tiêu thụ. Tại mỗi một mắt xích, giá trị lại được tăng thêm, tuy nhiên,
sự phân bổ GTGT tại các mắt xích là không giống nhau. R&D và
tiêu thụ, bán lẻ là các mắt xích mang lại GTGT lớn nhất, tiếp theo là
thiết kế và phân phối, cuối cùng là sản xuất và lắp ráp.
GVC được phân loại thành 2 hình thức là GVC do nhà sản xuất
điều phối và GVC do người mua điều phối.
2.1.2. Các nhân tố ảnh hưởng đến chuỗi giá trị toàn cầu

Chuỗi giá trị toàn cầu bị ảnh hưởng bởi các nhân tố: trình độ lao
động, trình độ quản lý; trình độ công nghệ; môi trường thể chế, chính
sách thương mại; khách hàng (người mua) quốc tế; lợi thế so sánh
quốc gia; cơ sở hạ tầng và dịch vụ logistic.
2.1.3. Chuỗi giá trị toàn cầu, chuỗi cung ứng toàn cầu và
mạng sản xuất toàn cầu


- 10 -

Điểm khác biệt lớn nhất giữa chuỗi cung ứng toàn cầu và GVC là
sự tham gia hay không tham gia của công ty đứng đầu và điểm giống
nhau cơ bản là liên kết theo chiều dọc, tuy nhiên, GVC có mức độ
liên kết mạnh mẽ hơn.
2.2. Chuỗi giá trị toàn cầu của mặt hàng da giầy
2.2.1. Khái niệm và đặc điểm chuỗi giá trị toàn cầu của mặt
hàng da giầy
Chuỗi giá trị da giầy toàn cầu là tập hợp các hoạt động bắt đầu từ
khâu chăn nuôi, thuộc da, R&D, nhãn hiệu, sản xuất - chế biến cho
đến vận chuyển, phân phối, marketing, bán lẻ với sự tham gia của
nhiều chủ thể khác nhau, ở nhiều khu vực địa lý khác nhau. GTGT
thu được tập trung nhiều ở khâu R&D và bán lẻ, tiếp theo là nhãn
hiệu, marketing và thiết kế, phân phối, khâu sản xuất - lắp ráp ở đáy
của chuỗi giá trị.
Chuỗi giá trị da giầy toàn cầu có các đặc điểm là chuỗi giá trị do
khách hàng điều phối, GTGT của sản phẩm da giầy được phân phối
cho đa dạng chủ thể, có sự tập trung cao vào một số chủ thể tham gia
chính, sản phẩm da giầy phải đáp ứng các yêu cầu ngày khắt khe hơn.
2.2.2. Cách thức tham gia chuỗi giá trị da giầy toàn cầu
Các chủ thể tham gia chuỗi giá trị da giầy toàn cầu có thể lựa

chọn hình thức tham gia theo hai cách: quốc tế hóa doanh nghiệp da
giầy nội địa thông qua việc tham gia gia công xuất khẩu hoặc thực
hiện xuất khẩu trực tiếp; thu hút FDI vào lĩnh vực sản xuất, kinh
doanh mặt hàng da giầy.
2.2.3. Nâng cao vị trí của mặt hàng da giầy trong chuỗi giá trị
toàn cầu


- 11 -

* Khái niệm: Vị trí của mặt hàng da giầy trong GVC được đánh
giá dựa trên mối quan hệ của doanh nghiệp sản xuất với khách hàng
quốc tế là nhà cung cấp cấp mấy trong chuỗi, nếu là nhà cung cấp
trực tiếp cho khách hàng quốc tế thì mặt hàng da giầy của doanh
nghiệp có vị trí cao trong GVC; ngược lại nếu là nhà cung cấp gián
tiếp cho khách hàng quốc tế thì mặt hàng da giầy của doanh nghiệp
có vị trí thấp trong GVC.
* Các yếu tố ảnh hưởng đến vị trí của mặt hàng da giầy trong
GVC: Vị trí của mặt hàng da giầy trong GVC chịu ảnh hưởng bởi: i).
hình thức sản xuất xuất khẩu, ii) năng suất lao động, iii) mối quan hệ
giữa nhà sản xuất với khách hàng quốc tế. Để đánh giá năng lực
tham gia chuỗi giá trị da giầy toàn cầu, hai công cụ phân tích được sử
dụng phổ biến là mô hình kim cương và mô hình 5 áp lực cạnh tranh.
* Nâng cao vị trí của mặt hàng da giầy trong chuỗi giá trị toàn
cầu: Hoạt động nâng cao vị trí của mặt hàng da giầy trong chuỗi giá
trị toàn cầu được thực hiện thông qua các hoạt động nâng cấp sau:
nâng cấp quy trình, nâng cấp sản phẩm, nâng cấp chức năng, nâng
cấp chuỗi giá trị.
2.3. Kinh nghiệm quốc tế về nâng cao vị trí mặt hàng da giầy
trong GVC

2.3.1. Kinh nghiệm của một số quốc gia trên thế giới về nâng
cao vị trí mặt hàng da giầy trong chuỗi giá trị toàn cầu
* Kinh nghiệm của Italy
Kinh nghiệm của Italy trong việc duy trì vị trí cao của mặt hàng
da giầy trong GVC chính là sự tổng hợp của nỗ lực liên tục nhằm
thích nghi với những thay đổi của thị trường da giầy toàn cầu; năng
suất lao động cao nhờ thiết lập mối quan hệ chặt chẽ với nhà cung


- 12 -

ứng yếu tố đầu vào (cùng thuộc EU), trình độ lao động và công nghệ
tiên tiến hàng đầu thế giới; duy trì vị trí thống lĩnh và là khách hàng
quốc tế của không chỉ nhà sản xuất mặt hàng da giầy trong nước mà
cả quốc tế; tính liên kết và hợp tác cao giữa các chủ thể.
* Kinh nghiệm của Brazil
Kinh nghiệm của Brazil trong việc nâng cao vị trí của mặt hàng
da giầy trong GVC cho thấy sự nỗ lực thay đổi phương thức sản xuất
xuất khẩu mặt hàng da giầy và thiết lập mối quan hệ với khách hàng
quốc tế. Nhằm phục hồi và nâng cao vị trí của mặt hàng da giầy
trong GVC, doanh nghiệp Brazil đã tiến hành sản xuất xuất khẩu
theo phương thức FOB III, thậm chí đã có một số doanh nghiệp thực
hiện phương thức OBM. Bên cạnh đó, mối quan hệ với khách hàng
quốc tế được cải thiện bằng cách một mặt phát triển mối quan hệ với
hãng da giầy lớn ở EU và Hoa Kỳ, mặt khác, tự thân các doanh
nghiệp Brazil cũng trở thành khách hàng quốc tế tại thị trường các
nước khu vực châu Mỹ Latinh khác.
2.3.2. Bài học kinh nghiệm đối với doanh nghiệp sản xuất mặt
hàng da giầy Việt Nam
Thứ nhất, dù có vị trí cao (Italy) hay còn gặp nhiều khó khăn

trong việc khẳng định vị trí trong GVC (Brazil), các chủ thể đều liên
tục có những nỗ lực nhằm duy trì và nâng cấp vị trí cho mặt hàng da
giầy của mình trong chuỗi.
Thứ hai, điểm chung trong việc duy trì và nâng cao vị trí trong
chuỗi giá trị da giầy toàn cầu của Italy và Brazil là khả năng liên kết
chặt chẽ, khả năng liên kết làm giảm chi phí sản xuất, tăng lợi thế
cạnh tranh, tạo vị thế vững chắc trong GVC.


- 13 -

Thứ ba, trình độ lao động và công nghệ là yếu tố quyết định vị trí
cao hay thấp của mặt hàng da giầy trong GVC. Thành tựu trong duy
trì và nâng cao vị trí mặt hàng da giầy của Brazil và Italy đều xuất
phát từ trình độ lao động và công nghệ cao.
Thứ tư, điểm yếu làm Brazil lâm vào tình trạng suy giảm trong
giai đoạn 1980 - 1990 cho thấy, để nâng cao vị trí trong GVC không
nên tham gia ở những khâu đơn giản, có thể bị thay thế dễ dàng.
Thứ năm, với các nước đang phát triển, để nâng cao vị trí cao
trong GVC thông qua hoạt động xuất khẩu trực tiếp còn khó khăn thì
chủ yếu phải thực hiện gia công xuất, vì vậy cần phải có mối quan hệ
chặt chẽ với khách hàng quốc tế.
Chương 3
THỰC TRẠNG VỊ TRÍ CỦA MẶT HÀNG DA GIẦY
VIỆT NAM TRONG CHUỖI GIÁ TRỊ TOÀN CẦU GIAI
ĐOẠN TỪ NĂM 2000 - 2015
3.1. Tổng quan về mặt hàng da giầy của Việt Nam
Mặt hàng da giầy của Việt Nam có lịch sử phát triển từ lâu đời và
có những bước phát triển khá thăng trầm. Mặt hàng da giầy ngày
càng thể hiện vai trò quan trọng trong nền kinh tế. Cụ thể, da giầy là

ngành xuất khẩu chủ lực của nền kinh tế, tạo ra nhiều công ăn việc
làm, phục vụ cho nhu cầu tiêu thụ trên thị trường nội địa và cũng là một
trong những ngành công nghiệp nhẹ thu hút nhiều vốn FDI.
3.2. Thực trạng tham gia chuỗi giá trị da giầy toàn cầu của
mặt hàng da giầy Việt Nam trong giai đoạn từ năm 2000 - 2015
3.2.1. Thực trạng tham gia vào khâu cung cấp da nguyên liệu,
da thuộc của doanh nghiệp Việt Nam


- 14 -

Da nguyên liệu sử dụng trong công nghiệp thuộc da của Việt Nam
được chia thành hai nhóm rõ rệt. Nhóm thứ nhất là doanh nghiệp
thuộc da tư nhân trong nước, có quy mô sản xuất không lớn sản xuất
phục vụ cho thị trường nội địa thì chủ yếu sử dụng nguồn da nguyên
liệu sẵn có trong nước. Nhóm thứ hai là doanh nghiệp thuộc da FDI
hoặc doanh nghiệp thuộc da tư nhân có quy mô sản xuất lớn sản xuất
các sản phẩm có chất lượng cao, phục vụ xuất khẩu thì vẫn phải nhập
khẩu da thô, da muối ướt.
Tương tự như da nguyên liệu, da thuộc sản xuất trong nước chủ
yếu tiêu thụ trên thị trường nội địa. Các sản phẩm da giầy xuất khẩu
hầu như phải nhập khẩu da thuộc, một số lượng không lớn da thuộc
do các công ty thuộc da FDI sản xuất phục vụ cho sản xuất giầy xuất
khẩu. Chính vì vậy, với hầu hết các chủng loại da thuộc, cán cân
thương mại của Việt Nam đều trong tình trạng thâm hụt.
3.2.2. Thực trạng tham gia vào khâu thiết kế mặt hàng da giầy
của doanh nghiệp Việt Nam
Hoạt động thiết kế, R&D mặt hàng da giầy của doanh nghiệp Việt
Nam được phân tích trên hai góc độ:
Thứ nhất, từ góc độ của nhà sản xuất theo hợp đồng gia công thầu

phụ thì toàn bộ các nội dung liên quan đến thiết kế, R&D đều do đối
tác nước ngoài cung cấp, phía Việt Nam không tham gia; Thứ hai, từ
góc độ nhà sản xuất cung cấp cho thị trường nội địa và một phần
xuất khẩu ra nước ngoài thì hoạt động thiết kế, R&D được biểu hiện
trên các khía cạnh sau: i) một bộ phận doanh nghiệp FDI đã đầu tư
hoàn chỉnh hệ thống tự động hóa thiết kế, ứng dụng CAD, CAM
trong tạo mẫu và quản lý sản xuất nhằm đáp ứng nhanh nhu cầu về
tính thời trang của sản phẩm da giầy; ii) ở các doanh nghiệp sản xuất


- 15 -

da giầy lớn thì khả năng tự thiết kế còn hạn chế, đa số mới chỉ dừng
lại ở tình trạng sao chép, cải biên mà chưa tạo ra được sản phẩm mới,
chưa đạt đến trình độ tự thiết kế; iii) với các công ty da giầy tư nhân,
đặc biệt là các công ty vừa và nhỏ, các hộ gia đình kinh doanh cá thể
thì việc thiết kế được thực hiện hoàn toàn thủ công, chủ yếu làm theo
kinh nghiệm mà không được đào tạo một cách bài bản.
3.2.3. Thực trạng tham gia vào khâu sản xuất mặt hàng da giầy
của doanh nghiệp Việt Nam
Hoạt động sản xuất các mặt hàng da giầy là lợi thế của các doanh
nghiệp Việt Nam. Thực trạng tham gia vào khâu sản xuất mặt hàng
da giầy của Việt Nam được đánh giá trên 5 góc độ.
* Về cơ cấu doanh nghiệp sản xuất: Theo WB, có 819 doanh
nghiệp sản xuất da giầy có đăng ký chính thức và còn hoạt động đến
năm 2010, trong đó có 235 doanh nghiệp FDI (28,7%), 77 doanh
nghiệp tư nhân trong nước (9,4%) và 507 doanh nghiệp nhà nước
(61,9%). Trong đó, số doanh nghiệp nhỏ mặc dù chiếm tỷ trọng lớn
51%, nhưng tham gia vào hoạt động xuất khẩu chủ yếu là doanh
nghiệp lớn và doanh nghiệp FDI.

* Về trình độ công nghệ, máy móc thiết bị và quản lý chất lượng
sản phẩm: Trình độ công nghệ của doanh nghiệp sản xuất mặt hàng
da giầy nhìn chung là ở mức trung bình và trung bình khá. Sự tham
gia của công nghệ vào hoạt động sản xuất chưa nhiều và chưa hiệu
quả, chủ yếu mới chỉ dừng lại ở việc cơ giới hóa mà chưa thực hiện
tự động hóa.
* Về lực lượng lao động: Lao động trong sản xuất da giầy ở Việt
Nam, cũng như các ngành công nghiệp nhẹ khác chủ yếu là nữ,
chiếm 82%. Hơn nữa, do chủ yếu tham gia trong công đoạn gia công


- 16 -

lắp ráp nên lực lượng lao động phổ thông là chủ yếu, chiếm 55%.
Trong mặt bằng chung về trình độ lao động không cao của lao động
Việt Nam thì lao động trong các doanh nghiệp da giầy còn hạn chế
hơn về trình độ.
* Về sản lượng: Giầy dép có sự tăng trưởng nhanh chóng về sản
lượng, đến năm 2015, sản lượng của mặt hàng da giầy dép đã tăng
gấp hơn 2 lần. Việt Nam cùng với 6 nước châu Á khác đã góp mặt
trong top 10 nhà sản xuất mặt hàng da giầy lớn nhất thế giới. Việt
Nam có lợi thế hơn hẳn về giầy thể thao, trong khi đó giầy dép da tuy
có tăng nhưng tốc độ tăng chậm.
* Về chi phí sản xuất: Với lợi thế về chi phí nhân công thấp nên
chi phí sản xuất mặt hàng da giầy của doanh nghiệp Việt Nam có
nhiều lợi thế. Chi phí cho lao động có tay nghề của doanh nghiệp da
giầy Việt Nam chỉ bằng ½ của Trung Quốc, khoảng 119 - 140
USD/tháng; chi phí cho lao động phổ thông của doanh nghiệp da
giầy Việt Nam chỉ bằng 1/3 của Trung Quốc, khoảng 78 - 93
USD/tháng. Có lợi thế về chi phí nhân công thấp nhưng năng suất

lao động thấp đã làm hạn chế khả năng khai thác lợi thế này. Kỷ luật
lao động thấp khiến cho chi phí giám sát lao động của doanh nghiệp
da giầy Việt Nam cao hơn, chênh lệch tiền công chính là một phần
chi phí bù đắp cho việc giám sát kỷ luật làm việc của người lao động.
3.2.4. Thực trạng tham gia vào khâu xuất khẩu mặt hàng da
giầy của doanh nghiệp Việt Nam
Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, tổng trị giá xuất
khẩu nhóm mặt hàng da giầy các loại của Việt Nam tăng liên tục qua
các năm. Cụ thể, năm 2011, tính riêng giá trị kim ngạch xuất khẩu
mặt hàng giầy dép là 6,5 tỷ USD; năm 2012 là 7,3 tỷ USD; năm


- 17 -

2013 là 8,4 tỷ USD; năm 2014 là 10,3 tỷ USD; năm 2015 là 12 tỷ
USD và năm 2016 sơ bộ đạt 13 tỷ USD, tăng 8,3 % so với năm 2015.
Mặc dù tham gia hoạt động xuất khẩu từ năm 1992 nhưng khối
doanh nghiệp da giầy có vốn đầu tư trong nước chưa khẳng định
được vai trò trong hoạt động xuất khẩu. Các doanh nghiệp FDI có
tốc độ tăng trưởng hoạt động xuất khẩu mặt hàng da giầy cao nhất,
riêng khu vực này đã chiếm 9,55 tỷ USD giá trị kim ngạch xuất khẩu
năm 2015, tốc độ tăng trưởng 20% so với năm 2014. Tỷ trọng của
doanh nghiệp FDI trong giá trị kim ngạch xuất khẩu mặt hàng giầy
dép tăng rất nhanh. Nếu trong năm 2014, đóng góp của doanh nghiệp
FDI trong tổng kim ngạch xuất khẩu mặt hàng giầy dép là 75% thì
năm 2015 đã tăng lên 80%.
* Về chủng loại hàng hóa: Do khả năng cung cấp da cũng như
trình độ, công nghệ thuộc da còn nhiều hạn chế nên nhóm mặt hàng
giầy dép da không chiếm tỷ trọng lớn, mặt hàng chiếm tỷ trọng lớn
trong cơ cấu mặt hàng da giầy xuất khẩu của Việt Nam là giầy thể

thao/giầy vải. Giầy da, giầy không thấm nước với yêu cầu kỹ thuật
cao mang lại giá trị lớn cũng không phải là lợi thế sản xuất và xuất
khẩu của doanh nghiệp Việt Nam nên chiếm tỷ trọng rất thấp trong
cơ cấu xuất khẩu. Dù sản xuất chủng loại hàng hóa nào thì phân khúc
thị trường tiêu thụ mặt hàng da giầy của Việt Nam cũng là trung và
thấp cấp, hàng hóa được sản xuất đại trà, giá trị gia tăng không cao.
* Về thị trường xuất khẩu: Chủ trương của các doanh nghiệp vẫn
là thực hiện đa dạng hóa thị trường, tuy nhiên, thực tế khai thác các
thị trường mới rất khó khăn nên hoạt động xuất khẩu mặt hàng da
giầy của Việt Nam vẫn mang tính tập trung cao. Chỉ 3 thị trường
(Hoa Kỳ, Nhật Bản, Đức) đã chiếm gần ½ tổng giá trị xuất khẩu mặt


- 18 -

hàng da giầy cho thấy doanh nghiệp Việt Nam đang gia tăng sự phụ
thuộc vào các thị trường này.
* Về giá xuất khẩu: Với lợi thế về chi phí nhân công thấp nên giá
xuất khẩu mặt hàng da giầy Việt Nam có lợi thế cạnh tranh tương đối
trên thị trường thế giới. Trong giai đoạn năm 2012 - 2014, giá xuất
khẩu mặt hàng giầy dép của Việt Nam luôn duy trì ổn định ở mức 31
USD/đôi, trong khi giá xuất khẩu mặt hàng giầy dép của Italy liên
tục tăng từ 60,7 USD năm 2012 lên 66,3 USD/đôi và 69,1 USD/đôi
hai năm tiếp theo.
Mặc dù tính trung bình giá xuất khẩu mặt hàng da giầy của Việt
Nam cao hơn Trung Quốc là do lượng xuất khẩu của Việt Nam thấp
hơn so với Trung Quốc chứ không hẳn mặt hàng da giầy xuất khẩu
của Việt Nam có chất lượng tốt hơn.
* Về giá trị gia tăng trong hoạt động xuất khẩu: Lợi thế về chi
phí nhân công thấp được doanh nghiệp Việt Nam khai thác triệt để

trong quá trình tham gia GVC. Cách thức xuất khẩu mặt hàng da
giầy chủ yếu của doanh nghiệp Việt Nam vẫn là thông qua phương
thức gia công, với các hợp đồng thầu phụ. Tính toán của các chuyên
gia cho thấy, với mặt hàng giầy dép có chất lượng càng cao thì phần
GTGT mà các nước phát triển, thực hiện các khâu có GTGT cao
càng lớn, theo đó, phần GTGT mà các nước đang phát triển, như
Việt Nam thu được càng thấp.
3.2.5. Thực trạng tham gia vào khâu phân phối, bán lẻ mặt
hàng da giầy của doanh nghiệp Việt Nam
Hoạt động phân phối, bán lẻ mặt hàng da giầy được đánh giá trên
hai khía cạnh, trên thị trường nội địa và trên thị trường thế giới.


- 19 -

Trên thị trường nội địa: doanh nghiệp Việt Nam chưa có sự quan
tâm đúng mức đến thị trường nội địa nên đa số mặt hàng da giầy tiêu
thụ trên thị trường nội địa là nhập khẩu từ các nước ASEAN, Trung
Quốc. Các kênh phân phối, bán lẻ chuyên biệt của mặt hàng da giầy
trong nước chưa được phát triển, quy mô còn rất hạn chế nên mặc dù
là một cường quốc về sản xuất và xuất khẩu mặt hàng da giầy nhưng
trên thị trường nội địa, hơn 50% mặt hàng này là nhập khẩu.
Thị trường thế giới: Sự tham gia vào hoạt động phân phối, bán lẻ
mặt hàng da giầy của Việt Nam có rất nhiều hạn chế. Xuất phát từ lý
do nhà sản xuất mặt hàng da giầy chủ yếu thực hiện sản xuất theo
hợp đồng thầu phụ, theo đó, đối tác nước ngoài có đơn vị điều hành
hoạt động phân phối, bán lẻ trên toàn cầu với mạng lưới phân phối
và kênh bán hàng riêng, phía Việt Nam không tham gia vào hoạt
động phân phối, tiêu thụ.
3.3. Đánh giá vị trí của mặt hàng da giầy Việt Nam trong

chuỗi giá trị toàn cầu thời gian qua
3.3.1. Đánh giá vị trí của mặt hàng da giầy Việt Nam trong
chuỗi giá trị toàn cầu theo mô hình 5 áp lực cạnh tranh
Theo mô hình 5 áp lực cạnh tranh, vị trí của mặt hàng da giầy
Việt Nam trong GVC được nhận định là thấp. Điều này xuất phát từ
việc phương thức sản xuất xuất khẩu mặt hàng da giầy của doanh
nghiệp Việt Nam là CMT (cắt - may), một số lượng ít doanh nghiệp
mới chỉ dừng lại ở FOB I (nhà sản xuất xuất khẩu mua nguyên liệu
đầu vào (từ da nguyên liệu, da thuộc, phụ liệu cho đến mẫu mã, thiết
kế…) từ nhà cung cấp do khách hàng quốc tế chỉ định).
Áp lực cạnh tranh từ nhà cung cấp và khách hàng đều thấp vì phía
doanh nghiệp Việt Nam gần như chưa có mối quan hệ trực tiếp với


- 20 -

các chủ thể này. Do cùng khai thác lợi thế về chi phí nhân công thấp
nhưng các đối thủ hiện tại khai thác tốt hơn nhờ có năng suất lao
động và trình độ lao động cao nên áp lực cạnh tranh từ các đối thủ
hiện tại là lớn. Vì vậy, nếu muốn nâng cao vị trí của mặt hàng da
giầy Việt Nam trong GVC phải giải quyết đồng thời cả hai vấn đề về
phương thức sản xuất xuất khẩu và năng suất lao động.
3.3.2. Đánh giá vị trí của mặt hàng da giầy Việt Nam trong
chuỗi giá trị toàn cầu theo mô hình kim cương
Với thực tế trong từng “viên kim cương” của mô hình, có thể
đánh giá vị trí của mặt hàng da giầy Việt Nam trong GVC là ở đáy
của chuỗi giá trị. Điều này xuất phát từ việc sản xuất xuất khẩu mặt
hàng da giầy mới chủ yếu khai thác các yếu tố cơ bản và phổ biến,
chưa hình thành và phát triển các yếu tố cao cấp và chuyên môn hóa.
Các điều kiện về cầu, các ngành hỗ trợ và liên quan, chiến lược cạnh

tranh của doanh nghiệp da giầy đều yếu kém. Những lợi ích có tính
chất tự củng cố lẫn nhau (giữa các viên kim cương trong mô hình)
chưa hình thành, vì vậy, việc nâng cao vị trí sẽ rất khó khăn do phải
đồng thời thực hiện thay đổi ở tất cả các yếu tố trong mô hình, liên
quan đến nhiều chủ thể khác nhau.
3.3.3. Đánh giá chung về vị trí của mặt hàng da giầy Việt Nam
trong GVC
Đối với mặt hàng da giầy của các doanh nghiệp FDI:
Mặt hàng da giầy do các doanh nghiệp FDI sản xuất và xuất khẩu
đã có vị trí tương đối ổn định trong GVC. GTGT và hiệu quả kinh tế
mang lại cho các doanh nghiệp FDI là rất lớn. Tuy nhiên, những tác
động lan tỏa từ hoạt động sản xuất, xuất khẩu mặt hàng da giầy của


- 21 -

doanh nghiệp FDI đến nền kinh tế trong nước chưa nhiều, thậm chí
còn chưa hình thành.
Đối với mặt hàng da giầy của các doanh nghiệp trong nước:
Mặt hàng da giầy do các doanh nghiệp trong nước cung cấp chưa
có vị trí chắc chắn trong GVC, thậm chí ngay cả trong phân khúc
doanh nghiệp trong nước có lợi thế là sản xuất thì lợi ích kinh tế lớn
nhất là giải quyết được số lượng lớn công ăn việc làm. Lợi thế này có
thể bị thay thế do ngoài chi phí nhân công thấp thì chất lượng lao
động của doanh nghiệp da giầy trong nước còn nhiều hạn chế. Đặc
biệt, mối liên hệ giữa doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp FDI
còn nhiều hạn chế, ít hoặc chưa hình thành được mối quan hệ hợp
tác, chia sẻ kinh nghiệm trong các hoạt động dọc theo chuỗi giá trị.
Chính vì vậy, giá trị gia tăng và hiệu quả kinh tế ở mức thấp và chưa
tận dụng được các tác động tích cực, tác động lan tỏa của việc tham

gia GVC đến nền kinh tế trong nước.
3.4. Nguyên nhân mặt hàng da giầy Việt Nam có vị trí thấp
trong chuỗi giá trị toàn cầu
Mặt hàng da giầy Việt Nam có vị trí thấp trong GVC do nhiều
nguyên nhân khác nhau. NCS đánh giá vị trí thấp của mặt hàng da
giầy trong GVC theo hai nhóm nguyên nhân. Về các nguyên nhân
khách quan thì do những ảnh hưởng từ xu thế toàn cầu hóa; các cam
kết hội nhập kinh tế quốc tế và tham gia khu vực mậu dịch tự do.
Về các nguyên nhân chủ quan thì do những hạn chế về nhận thức
của các chủ thể tham gia, công nghiệp hỗ trợ cho ngành da giầy chưa
phát triển, trình độ lao động hạn chế, thiếu liên kết giữa các doanh
nghiệp và công nghệ chế biến lạc hậu.


- 22 -

Chương 4
GIẢI PHÁP NÂNG CAO VỊ TRÍ CỦA MẶT HÀNG DA GIẦY
VIỆT NAM TRONG CHUỖI GIÁ TRỊ TOÀN CẦU ĐẾN NĂM
2025
4.1. Bối cảnh kinh tế thế giới hiện nay có ảnh hưởng đến việc
nâng cao vị trí của mặt hàng da giầy Việt Nam trong chuỗi giá trị
toàn cầu
Thứ nhất, các mặt hàng da giầy giá rẻ, sản xuất đại trà có xu
hướng giảm do người tiêu dùng ngày càng ưa chuộng các sản phẩm
cao cấp, đa dạng tính năng, an toàn sử dụng.
Thứ hai, yêu cầu kỹ thuật, chất lượng đối với mặt hàng da giầy
ngày càng tăng.
Thứ ba, tiêu chuẩn lao động, trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp
trong ngành công nghiệp da giầy ngày càng chặt chẽ, yêu cầu sự tuân

thủ một cách nghiêm túc của các quốc gia.
Thứ tư, công nghệ sử dụng trong công nghiệp da giầy đang có
những thay đổi tích cực theo hướng tự động hóa, giảm sử dụng lao
động, giảm các chi phí quản lý, bước trung gian không cần thiết
trong quá trình sản xuất.
4.2. Cơ hội và thách thức đối với mặt hàng da giầy Việt Nam
trong chuỗi giá trị toàn cầu
4.2.1. Cơ hội:
Tham gia GVC sẽ mang lại cho mặt hàng da giầy Việt Nam nhiều
cơ hội. Cụ thể, mặt hàng da giầy Việt Nam được sản xuất trên quy
mô lớn dựa trên lợi thế so sánh của quốc gia; mở rộng thị trường tiêu
thụ mặt hàng da giầy thông qua các FTA; nâng cao khả năng cạnh
tranh của mặt hàng da giầy Việt Nam; nâng cấp phân khúc thị trường


- 23 -

của mặt hàng da giầy Việt Nam; và tăng thị phần của mặt hàng da
giầy Việt Nam trên thị trường nội địa.
4.2.2. Thách thức:
Bên cạnh những cơ hội mà việc tham gia GVC mang lại thì mặt
hàng da giầy Việt Nam cũng phải đối diện với nhiều thách thức, đặc
biệt là những thách thức trong việc hiện thực hóa được các cơ hội ở
trên. Cụ thể các thách thức đó là: lợi thế cạnh tranh của mặt hàng da
giầy Việt Nam chủ yếu dựa vào chi phí nhân công thấp; các rào cản
kỹ thuật về nhãn mác, môi trường, trách nhiệm xã hội của doanh
nghiệp đối với mặt hàng da giầy ngày càng tăng; vấn đề xã hội phát
sinh từ sự tập trung của số đông lao động phổ thông tại các khu công
nghiệp sản xuất mặt hàng da giầy; các khách hàng nước ngoài không
chia sẻ bí quyết công nghệ trong sản xuất, thiết kế nên khó tiếp cận

được các thông tin liên quan đến người tiêu dùng cuối cùng, cũng
như nâng cấp vị trí của mặt hàng da giầy trong GVC.
4.3. Quan điểm và những định hướng cơ bản về nâng cao vị
trí của mặt hàng da giầy Việt Nam trong chuỗi giá trị toàn cầu
đến năm 2025
4.3.1. Quan điểm nâng cao vị trí của mặt hàng da giầy Việt
Nam trong chuỗi giá trị toàn cầu
Theo Trần Thị Huyền Trang (2009), lựa chọn chiến lược phát
triển của ngành da giầy theo hướng ''doanh nghiệp da giầy sẽ thoát
ra khỏi cái bóng gia công đơn thuần, xây dựng hình ảnh giá trị cao
và tích cực về ngành giầy dép Việt Nam'' . Đây cũng là quan điểm
nhận được sự đồng thuận của bộ, ban ngành, doanh nghiệp và các
chủ thể có liên quan khác. Bộ Công thương đóng vai trò chủ quản
đối với ngành công nghiệp da giầy cũng đã đưa ra quan điểm, doanh


- 24 -

nghiệp da giầy Việt Nam phải tiếp cận và tham gia dần các hoạt động
thiết kế, cung cấp nguyên phụ liệu và kiểm định.
4.3.2. Những định hướng cơ bản nâng cao vị trí của mặt hàng
da giầy Việt Nam trong chuỗi giá trị toàn cầu
Thứ nhất, xác định giầy dép là mặt hàng chủ lực sản xuất và xuất
khẩu trong nhóm các mặt hàng da giầy. Thứ hai, sản xuất các mặt
hàng giầy da thời trang và cặp, túi, ví thời trang hướng tới thị trường
mới, thị trường cao cấp và thị trường nội địa. Thứ ba, tập trung sản
xuất da thuộc với công nghệ tiên tiến, thân thiện với môi trường đáp
ứng nhu cầu sản xuất sản phẩm chất lượng cao để xuất khẩu và tiêu
dùng trên thị trường nội địa. Thứ năm, quy hoạch trung tâm phát triển
và bố trí năng lực sản xuất dựa trên lợi thế của từng vùng lãnh thổ.

4.4. Giải pháp nâng cao vị trí của mặt hàng da giầy Việt Nam
trong chuỗi giá trị toàn cầu đến năm 2025
4.4.1. Cách thức nâng cao vị trí của mặt hàng da giầy trong GVC
Trong bốn cách thức nâng cấp chuỗi giá trị da giầy toàn cầu, hình
thức phù hợp với thực tế phát triển cũng như lợi thế so sánh của
doanh nghiệp da giầy Việt Nam là nâng cấp chức năng và nâng cấp
quy trình. Thực hiện kết hợp hai cách thức nâng cao vị trí của mặt
hàng da giầy trong GVC này một mặt giúp khai thác hiệu quả hơn lợi
thế về nhân công và những ưu đãi về chính sách mà chính phủ và các
FTA mang lại; mặt khác, cải thiện những điểm yếu về trình độ, công
nghệ thông qua hình thành và thiết lập mối quan hệ với các chủ thể
nước ngoài có trình độ cao hơn, từ đó, tiếp cận dần và tham gia các
hoạt động có GTGT cao trong GVC.
4.4.2. Nhóm giải pháp về phía nhà nước


- 25 -

Nhà nước đóng vai trò quản lý, đưa ra các định hướng phát triển
ngành công nghiệp da giầy nói chung và nâng cao vị trí của mặt hàng
da giầy trong GVC nói riêng. Các giải pháp mà NCS đánh giá các cơ
quan nhà nước cần làm để nâng cao vị trí của mặt hàng da giầy Việt
Nam trong GVC bao gồm: định hướng lại về thu hút vốn FDI vào
lĩnh vực da giầy; chính sách khuyến khích và hỗ trợ hiệu quả hơn
cho phát triển lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ da giầy; đẩy mạnh các
hoạt động xúc tiến thương mại theo hướng đa dạng hóa thị trường,
tìm kiếm và khai thác các thị trường mới, thị trường ngách; Lefaso
và các cơ quan nhà nước liên quan trực tiếp đến da giầy đẩy mạnh
hơn nữa hoạt động đào tạo, nâng cao trình độ chuyên môn, tay nghề,
kỹ năng cho người lao động; thực hiện các chính sách hỗ trợ thương

mại khác: hỗ trợ dịch vụ thông tin thương mại, hỗ trợ dịch vụ tài
chính thương mại, hỗ trợ quản lý chất lượng xuất khẩu.
4.4.3. Nhóm giải pháp về phía doanh nghiệp
Doanh nghiệp là chủ thể tham gia trực tiếp các hoạt động trong
GVC nên các giải pháp về phía doanh nghiệp nhằm nâng cao vị trí
của mặt hàng da giầy trong GVC phải cụ thể và có tính khả thi cao.
Với thực trạng tham gia các hoạt động trong GVC, với các điểm
mạnh, điểm yếu và các nguyên nhân dẫn đến những hạn chế khi
tham gia GVC, NCS đưa ra một số giải pháp về phía doanh nghiệp
như sau: nâng cao nhận thức và cách nhìn nhận về cách thức tham
gia GVC; chuyển sang sản xuất theo phương thức FOB, bước đầu là
FOB I rồi chuyển dần sang FOB II và FOB III; phát triển thị trường
nội địa, nâng cao thị phần trên thị trường nội địa, đẩy mạnh hoạt
động xúc tiến thương mại, quảng bá, giới thiệu hình ảnh để người
tiêu dùng trong nước biết đến sản phẩm da giầy trong nước nhiều


×