Tải bản đầy đủ (.doc) (35 trang)

Nhà văn Vũ Trọng Phụng

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (211.3 KB, 35 trang )

Nhà văn hiện đại (trích) - Vũ Ngọc Phan
(...) Vũ Trọng Phụng là một nhà văn sở trường về phóng sự dài (...) Những tập xuất sắc nhất
của ông là Kỹ nghệ lấy Tây và Cơm thầy cơm cô.
(...) Quyển Kỹ nghệ lấy Tây chỉ có giá trị ở những đoạn tả chân nho nhỏ, ở những sen đấu
khẩu, những sen đánh nhau, những sen gợi tình rất linh hoạt và rất tức cười của mấy cặp vợ
chồng. Ở những đoạn ấy, đôi khi người ta thấy một lối tả chân triệt để, làm cho người đọc có
cái cảm tưởng như thấy trước mắt một cảnh tượng bẩn thỉu, ghê gớm (chương III - Mày không
muốn nhận tao là chồng? trang 34 -Chương IX - Tư tưởng độc quyền, trang 112, vân vân)
Cơm thầy cơm cô là một tập phóng sự về những kẻ làm tôi tớ. Tập này là một phóng sự hay
nhất của Vũ Trọng Phụng. Ngòi bút tả chân của ông thật là tuyệt xảo khi ông tả những cảnh
nghèo khổ. (...) Trong tập phóng sự này, họ Vũ tự đóng một vai đứa ở, cũng như Tam Lang đã
tự nhận mình là một chân xe hàng. Nhờ đóng một vai đứa ở, nên cái việc kháo chuyện chủ nhà
với bọn “cơm thầy cơm cô” hóa ra một chuyện dễ, và cũng nhờ đấy, câu chuyện hóa ra đằm
thắm, thân mật, như những chuyện nói xấu chủ nhà của anh chàng Gil Blas. Nhà này chủ ác
nghiệt, nhà kia chủ có con gái hư, nhà kia ông chủ biển lận. Thật không bao giờ hết chuyện.
Tác giả có thể viết dài nữa về chỗ đứa ở kháo chuyện chủ nhà, nhưng tác giả đã muốn dè dặt,
có lẽ vì chính mình cũng là... một ông chủ.
Chương VII (Bi hài kịch) trong quyển Cơm thầy cơm cô là một chương tuyệt hay. Vui buồn, đủ
cả, linh hoạt vô cùng và cũng thảm thiết vô cùng. Đây là mấy điệu chèo cổ, rồi kia là đám thính
giả nheo nhóc và khốn nạn, rồi nào cái cảnh thảm thương của con sen động kinh, câu chuyện
của anh đầu trọc, của thằng bé ho lao, của bà cụ già, rồi lại chuyện lính mật thám đến bắt, thật
là đủ cách, đủ trò, việc dồn dập một cách tuần tự và mạnh mẽ. Chỉ mười một trang giấy mà biết
bao tình nhân loại, biết bao nỗi thương tâm (...)
Lục sì là một cuộc điều tra về nạn mãi dâm ở Hà Nội, hay là một thiên nghị luận về nghề mãi
dâm theo những giấy tờ của chính phủ thì đúng hơn là một thiên phóng sự.
Cuộc điều tra này lại chỉ ở trong phạm vi đề phòng cứu chữa và trừng trị, nên tác giả chọn hai
chữ “Lục sì” làm nhan quyển sách. Nhà Lục sì ở Hà Nội, theo ý tác giả, tuy là nơi chữa thí, nơi
dạy dỗ không lấy tiền cho vài trăm “gái có giấy” nhưng nhà ấy đành chịu bó tay trước hàng bốn
năm nghìn “gái” đi ngang về tắt. (...)
Cây bút của Vũ Trọng Phụng trong những năm đầu là một cây bút phóng sự, một cây bút phóng
sự sắc sảo và khôn ngoan, sau ông luyện ra nó một cây bút tiểu thuyết, nhưng cái giọng phóng


sự vẫn còn.
(...) Khi Giông tố của Vũ Trọng Phụng mới ra đời với cái nhan đề cũ là Thị Mịch, (...) người ta
bảo: tiểu thuyết ấy chỉ hay ở chỗ gợi lòng dâm dục (...) Những lời phê bình nghiêm khắc của
người ta hồi đó đã gợi tính tò mò của tôi, làm cho tôi phải tìm tập tiểu thuyết của Vũ Trọng
Phụng mà đọc. Cái đoạn tôi đọc hồi đó là đoạn Thị Mịch đã về nhà riêng Nghị Hách, đã bị lão
bỏ lửng, mặc nàng ôm bụng chửa mà buồn rầu tựa cửa sổ, đứng nhìn trên gác xuống đường.
Rồi từ một cô gái thơ ngây, Mịch đã hóa ra một người đàn bà oán giận, muốn tưởng tượng cho
mình một cảnh gian díu với những khách qua đường để báo thù lại kẻ đã đầy đọa tấm thân
mình.
Cái đoạn ấy là một đoạn thật hay. Trước khi đưa ta đến cái việc sắp xảy ra (việc Mịch hiến thân
cho Long), tác giả đã mở bộ óc của Mịch cho ta trông thấy, chẳng khác nào một người thợ mở
cho ta xem các bánh xe và ống dẫn hơi nước, trước khi chỉ cho ta thấy cái động cơ ở ngoài.
Đến khi quyển Giông tố ra đời, tôi đã đọc từ đầu đến cuối và thấy cái đoạn tôi vừa kể, tác giả là
một đồ đệ của Freud. Tác giả tả Thị Mịch một cách vừa giản dị, vừa tỷ mỷ. Một cô gái quê
khỏe mạnh, vốn nhà nghèo, đã “biết mùi đời” trong một chiếc xe hòm kín đáo, bây giờ lại sa
vào cảnh nhàn hạ và phong lưu, cái cảnh làm cho khối óc non nớt dễ mơ tưởng đến những điều
dâm dục. Freud chả ví tình dục của người ta với một sự đói khát ăn uống là gì? Thị Mịch chính
là kẻ đói khát về đường tình đó.
Nhưng chỉ có riêng về đoạn ấy, không đủ rõ cái giá trị của Giông tố. Quyển tiểu thuyết của Vũ
Trọng Phụng làm cho người ta thấy rõ ảnh hưởng mạnh mẽ của hoàn cảnh là nhường nào! Vì
hoàn cảnh gia đình, vì hoàn cảnh xã hội, hai kẻ vốn tính hiền lành và ngay thẳng như Mịch và
Long, rút cục đã trở nên người đàn bà bất chính và một thiếu niên hư hỏng. Ấy là chưa kể Long
là một kẻ đau khổ nhất vì hoàn cảnh... Đọc chuyện Vũ Trọng Phụng người ta thấy mọi việc liên
tiếp một cách rất tự nhiên. Đó là tất cả cái tài dàn cảnh của tác giả.
Tác giả lập chuyện rất khéo, từ cái xã hội “xôi thịt” mục nát ở thôn quê, đến cái xã hội “sâm
banh xì gà” ở thành thị, từ cái óc bủn xỉn của anh đồ kiết cho đến cái thói hoang tàn của anh
trọc phú, ta thấy đầy những ngu dốt, mê tín, bất công, mà vai trò nào cũng đều có mặt. Cái vai
Long tôi đã cho là không được tự nhiên trong khi chưa đọc hết chuyện, nhưng trong mấy đoạn
cuối, tác giả làm cho chàng hóa ra một kẻ chơi bời, không thiết đến gia đình, rồi sau đến phải tự
tử. Một kẻ vốn lương thiện, vốn đạo đức như Long mà phải ở vào cái cảnh đáng ghét như thế,

đành mặc việc đời xô đẩy mình một cách bất ngờ như thế, nếu chẳng chơi bời thì sống làm sao
được. Cái lúc chàng tỉnh mộng là lúc chàng quyên sinh.
Giông tố là một tiểu thuyết đúc trong một luân lý sâu xa trên một nền gia đình và xã hội thật
đầy đủ. Ta chả thấy đủ các vai trong gia đình là gì? Rồi ngoài xã hội ta thấy một vị quan ngay
thẳng, một tay mọt dân nhảy lên đến tột bậc trong quan trường, một thiếu niên trí thức, vài cô
thiếu nữ tân thời với cái thói đua chen dí dỏm, một thằng con bán trời không văn tự, những
cảnh trụy lạc trong làng bẹp, trong xóm yên hoa, một tay “cách mệnh”, một lũ dân đen, một
nhóm thợ thuyền, ấy là chưa kể Thị Mịch, Long và nghị Hách, những kẻ có thể làm tiêu biểu
cho nhiều người trong xã hội.
Ngoài bìa quyển sách, tác giả đề là “Xã hội tiểu thuyết”. Nhưng nếu theo ý kiến của các nhà
phê bình Âu tây thì “xã hội tiểu thuyết” là loại thiểu thuyết viết rặt về cảnh lầm than, vất vả của
thợ thuyền và dân quê. Giông tố không phải tiểu thuyết loại ấy. Nó chỉ là một tập tiểu thuyết về
phong tục thôi.
Những nhân vật trong tiểu thuyết Giông tố đáng lý ra nhiều chỗ phải được tả bằng những nét
bút não nùng cho hợp với cảnh thê lương của họ, thì lại hiện dưới những nét bút sắc sảo quá,
dưới những nét phóng sự mà chủ ý gây cho người đọc mối căm hờn đối với những sự bất công.
Về đường nghệ thuật, có lẽ chỗ ấy là chỗ sút kém trong Giông tố.
Nhưng nếu xét một cách tương đối, quyển Giông tố cũng đáng kể vào số tiểu thuyết có giá trị
của chúng ta ngày nay.
Số đỏ của Vũ Trọng Phụng là một quyển tiếu thuyết hoạt kê nhưng một lối hoạt kê không lấy gì
làm cao cho lắm.
“Xuân tóc đỏ”, một gã nhặt banh ở sân quần chỉ nhờ ở sự may mắn, ở “số đỏ” mà thấm thoắt từ
phận một gã lang thang trở nên một tay đắc lực cho một hiệu may tân thời, rồi dần dần đóng vai
“đốc tờ”, đóng vai diễn giả, đứng lên cải cách Phật giáo, rồi trở nên một tay cứu quốc, một bậc
vĩ nhân!
Có ai tưởng tượng được rằng trong một cuộc tranh đấu quần vợt của tuyển thủ hai nước, nếu
tuyển thủ của nước mình giữ phần thắng thì nước kia sẽ khai chiến với nước mình không? Ấy
Vũ Trọng Phụng đã tưởng tượng được như thế. Cái lối khôi hài của ông trong Số đỏ là cái lối
khôi hài nông nổi, tuy nhạo đời, nhưng không căn cứ. Nó giông như lối khôi hài ở một rạp
chèo, hay “văn minh” hơn, nó giống lối khôi hài của mấy vai hề trên màn bạc.

Đọc Số đỏ không ai nhịn được cười, người ta cũng phải cười như nghe mấy vai bông lơn trong
một đám chèo hay xem mấy tay tài tử pha trò trong một phim chớp bóng, nhưng không phải cái
cười thú vị và thấm thía như ta đọc hài kịch của Molière.
Những đoạn tức cười như đoạn các nhân viên sở Cẩm phạt lẫn nhau, đoạn Xuân chữa thuốc
cho cụ Cố, đoạn Xuân ứng khẩu một bài thơ, đoạn Xuân nhét những tờ giấy nguy hiểm vài túi
quần hai nhà vô địch tennit để rồi giữ giải quán quân, đều là những đoạn nông nổi, tuy làm cho
người ta phải cười, nhưng chỉ có một lần thôi, vì nó là những việc không “đứng” được.
Trong Số đỏ cũng như trong những tiểu thuyết khác của Vũ Trọng Phụng, tác giả tin ở thuyết
tình dục quá, sự tin ấy đôi khi đàn áp cả mọi xét đoán của ông, làm cho mỗi khi gặp một “ca”
khó hiểu, ông lại đem thuyết ấy ra giải quyết.
(...) Cái thuyết của Freud không phải hoàn toàn đúng cả, vậy nếu lại tin ở thuyết tình dục một
cách thiên vị, không khỏi có sự sai lầm.
Riêng về mặt tả chân, ngòi bút của Vũ Trọng Phụng thật tuyệt. Có những sen con con, ông tả
khéo vô cùng. Đây là một gã nhặt banh ở sân quần đùa cợt nhả với một chị hàng mía: (...)
Những sen khác như sen bà Phó Đoan xem tướng, sen Xuân đưa Tuyết vào nhà bà Phó Đoan
một buổi sớm và tiếp đến sen cưỡng bức đều là những sen tả rất đúng. Có thể coi là những sen
tả chân triệt để.
Nhưng đọc quyển Số đỏ người ta thấy tư tưởng gì của tác giả? - Tư tưởng thủ cựu. Trong cả
quyển sách, những chỗ nhạo cái mới, chế giễu những phong trào cấp tiến đều đầy dẫy. Ông
nhạo báng, chế giễu một cách hằn học những cái mới, những cái mà người đời cho là tiến bộ,
nhưng ông không hề đề xướng lên một luân lý nào nên theo cả. Trong quyển Số đỏ, ông là một
người “phản động”, cái tên mà những người “khuynh tả” thường dùng để chỉ những người
không đồng ý kiến với họ.
(...) Làm đĩ cũng là một tiểu thuyết mà Vũ Trọng Phụng dùng chủ nghĩa tình dục của Freud làm
nền tảng. Nhưng vì muốn hơn Giông tố một bực, nên ngoài sự phân tích ái tình mà tác giả cho
nó một nghĩa hẹp là dâm, tác giả muốn “tìm một nền luân lý cho sự dâm và giáo hóa cho thiếu
niên biết rõ tình dục là gì”(Thay lời tựa, Làm đĩ, trang 11). Trong khi đưa chúng ta vào mấy bụi
cây và phòng ngủ để nhìn cho rõ cái dâm của loài người với hết cả mọi sự suồng sã, tác giả lại
khoác áo nhà mô phạm và giảng giải cho chúng ta biết sự rùng rợn của những việc về xác thịt.
Như vậy, thật là khó, vì hai sự hành động ấy không đi đôi được với nhau. Vũ Trọng Phụng có

can đảm hô hào, nhưng ông không đạt tới mục đích. Muốn đem vấn đề “nam nữ giao hợp giảng
cho tuổi trẻ”, mà hạng tuổi trẻ này là hạng chín mười tuổi cho đến mười lăm, mười sáu. Nhưng
tôi dám chắc tác giả chỉ viết trên giấy thôi, chứ không bao giờ dám thực hành.
Cái khuynh hướng quá thiên của ông về tính giáo dục làm cho quyển tiểu thuyết tả chân của
ông kém hẳn đi. Vì giảng giải một chuyện tình theo khoa học trong một quyển tiểu thuyết là
một việc nhà văn khó lòng làm được.
(...) Quyển Làm đĩ còn một cái nhược điểm này làm cho người đọc mất cả hứng thú, tác giả đã
dồn chứa đủ tất cả các việc làm cho Huyền nhất định phải sa vào vòng trụy lạc, không còn sức
gì để chống đỡ cả. Tác giả tả Huyền là một cô gái dâm dục, rồi từ chín tuổi trở đi, mỗi ngày
nàng một bị sa ngã, như bị lăn trên dốc xuống vực sâu, không còn bám bíu vào đâu được: Nào
hết gặp thằng Ngôn ranh mãnh trong lúc thơ ngây, đến gặo người anh họ đến trọ học trong lúc
gia đình suy đốn, đến lúc lấy chồng, chồng lại mắc sẵn bệnh giang mai đồng thời chồng nàng
lại có một người bạn rất lịch sự, đẹp trai vừa giàu tiền vừa giàu trí, rồi đến lúc dan díu với bạn
chồng và việc thông dâm vỡ lở, thì người bạn ấy lại bỏ đi phương khác, làm cho nàng phải theo
mà không gặp, đến nỗi tiền hết và phải hiến thân cho khách làng chơi để sống qua ngày. Khi
các ông thấy một vật gì lăn trên một dốc thẳng băng, không có một chỗ nào mấp mô hay quanh
co ngăn cản, tất nhiên các ông đoán ngay rằng thế nào nó cũng lăn tuột xuống hố. Vậy đọc
quyển Làm đĩ cũng thế, đến đoạn Huyền lấy phải anh chồng có sẵn bệnh giang mai và gần nàng
lại có thêm anh chàng đẹp trai và sang trọng, người ta cũng đoán chắc đời Huyền sẽ kết liễu
như thế nào. Thành ra năm mươi trang gần như thừa.
Có một đoạn làm cho khi mới đọc, người ta phải cảm động, đó là đoạn Huyền bị chồng hành hạ
và biết hối quá. Nhưng xét cho kỹ, một kẻ tội nhân bị xích chân và bị cùm kẹp, rồi mới chịu đi
đập đá thì cũng không lấy gì làm lạ.
Thật ra Huyền chỉ là một “ca” đặc biệt. Nếu căn cứ hết cả vào Huyền để giảng giải cái dục tình
chung của tất cả các phụ nữ thì rất sai. Vì không thể căn cứ vào một việc đặc biệt để rút lấy một
phương pháp giáo dục chung được. Vả lại, vệc giáo dục con gái ở như sự gìn giữ họ, chứ không
phải ở như sự giảng giải cho họ biết việc nam nữ giao hợp. Đến thời kỳ biết họ sẽ biết, cái biết
do ở bản năng, như tôi đã nói trên. Theo sự xét nhận của các nhà giáo dục, nếu giữ gìn cho
người đàn bà được đến năm 25-26 tuổi - sự gìn giữ này phải là sự gìn giữ âu yếm của người mẹ
hay người chồng - thì không còn lo ngại mấy, vì tuổi này là tuổi thành nhân của đàn bà.

Cũng như những quyển khác của Vũ Trọng Phụng, quyển Làm đĩ cũng có những đoạn tả người
tả cảnh thú vị, tỏ ra tác giả là một người lịch duyệt việc đời, đã từng băn khoăn về những điều
trông thấy (...)
*
Người ta bảo những người ngực yếu phần nhiều là những người dâm dục. Vũ Trọng Phụng
cũng thuộc về cái “ca” ấy. Trong tất cả các văn phẩm của ông, dù là phóng sự hay tiểu thuyết,
bao giờ ông cũng bị ý tưởng dâm dục ám ảnh. Từ Kỹ nghệ lấy Tây cho đến Lấy nhau vì tình,
không một phóng sự nào không một tiểu thuyết nào của ông là không có những chuyện hiếp
dâm với những ảnh hưởng tai hại của nó. Ông tin ở chủ nghĩa tính dục một cách thái quá và
tưởng rằng bất kỳ việc gì ở đời cũng có thể đem chủ nghĩa ấy ra giảng giải: bởi thế cho nên
nhiều khi xét đoán rất sai lầm.
Người ta sở dĩ ham đọc văn ông là vì ngọn bút tả chân của ông. Ngọn bút ấy thật là sắc sảo, nó
tả như vẽ, chỉ vài ba nét người ta đã hình dung được những cảnh vật mà tác giả định tả với
những màu sắc linh động vô cùng. Nếu chỉ đứng về mặt tả chân đừng xen lẫn những ý kiến về
luân lý, về giáo dục vào, có lẽ tiểu thuyết của Vũ Trọng Phụng sẽ là những tập văn rất giá trị.
Nhưng ông đã đi lạc đường và ông đã sớm khuất, không kịp trông cậy vào thời gian để sửa
chữa.
Về phóng sự, những sự bừa bãi, những điều giảng giải nhiều khi có thể tha thứ, nên về phóng
sự ông thành công hơn là về tiểu thuyết.
Tuy đời văn của ông ngắn ngủi (ông mất chưa đầy ba mươi tuổi) nhưng ông đã để lại một lối
văn riêng, gây nên được nhiều đồ đệ, trong số đó có người gần được như thầy.
Ông là một người không ưa những sự đổi mới, những tư tưởng cấp tiến, nhưng ông cũng không
phải người xu nịnh kẻ quyền quý hay tán dương những sự giàu sang. Ông là một nhà văn không
thiên về chính trị và không thuộc một đảng phái nào. Bảo ông có óc bảo thủ, cũng khí quá, vì
thật ra ông chỉ ưa những sự phải chăng. Đối với giàu sang, ông thường hằn học, thường tả bằng
nét bút căm hờn, đối với những cái ngu dại, kém hèn của hạng bình dân, ông thường tả bằng
những nét bút tai ác, tàn nhẫn, vậy ai có thể bảo ông có óc bình dân hay quý phái được? Ông
chỉ theo lương chi mà viết, đôi khi theo cả bản năng mà viết nữa, nên có lúc thì rất hợp lẽ phải
và có lúc thật là thiên vị, làm cho người đọc phải ngạc nhiên.
Người ta ham độc ông còn vì những tư tưởng trào lộng của ông nữa. Ông mỉa đời một cách cay

độc, coi đời như một trò múa rối và điều thú vị là ông biết chính mình cũng phải đóng một vai
trò như tất cả mọi người.
Về phần ông, tấn tuồng đã xong rồi (1), ông có thể hoàn toàn sung sướng, vì cái vai trò về
đường trí thức và tinh thần của ông, tuy ông đóng không bền, mà đã lỗi lạc hơn nhiều người
múa may từ lâu trên sân khấu.
--------
(1) La farce est jouée - Rábelais
Trích sách NHÀ VĂN HIỆN ĐẠI. Quyển ba.
Nxb. Tân Dân, 1942.
Vũ Trọng Phụng - con người và tác phẩm, Nguyễn Hoàng Khung - Lại Nguyên Ân sưu tầm và
biên soạn, Nxb. Hội Nhà văn, H., 1994., tr. 140-150.
Vũ Trọng Phụng bàn về phóng sự và tiểu thuyết tả chân - Nguyễn Ngọc Thiện
Trong vài ba thập niên đầu thế kỷ XX, trong xu thế tìm đường hiện đại hóa văn xuôi chữ quốc
ngữ, các thể tài tiểu thuyết, phóng sự được một số nhà văn dụng bút thể nghiệm. Bước vào làng
văn bằng truyện ngắn đăng báo từ năm 1931, qua đời ở tuổi 27 với cuốn tiểu thuyết còn dang
dở, những tác phẩm tiêu biểu của văn nghiệp Vũ Trọng Phụng thuộc về 2 thể tài tiểu thuyết và
phóng sự tả chân: ông để lại 9 cuốn tiểu thuyết và 7 tập phóng sự.
Tác phẩm gây sự chú ý của dư luận đương thời đối với Vũ Trọng Phụng là phóng sự đầu tay
Cạm bẫy người - ký bút danh Thiên Hư, đăng trên báo Nhật Tân, xuất bản tại Hà Nội, từ số 1
(02/08/1933) đến số 14 (01/11/1933). Năm sau, cũng trên báo này, ông lại cho in thêm phóng
sự thứ hai Kỹ nghệ lấy Tây (từ số 69 - 5/12/1934). Và chỉ với 2 phóng sự này, cùng cây bút đàn
anh đi trước Tam Lang Vũ Đình Chí và nhà văn đồng trang lứa Vũ Bằng, ông được liệt vào
hàng vài ba “nhà văn mở đầu cho nghề phóng sự của nước ta” (Lê Tràng Kiều - Văn học tạp
chí, số 4/1935). Đặc biệt, ông được Mai Xuân Nhân tôn vinh là “ông vua phóng sự của đất
Bắc” (dẫn theo Việt Trung, tập san Nghiên cứu văn học, số 5/1960). Danh hiệu này sau được
nhiều người tán thành, gọi theo, vì quả thực xưng tụng như vậy là xứng đáng với văn tài nhà
văn trẻ.
Mãi đến năm 1934, Vũ Trọng Phụng mới cho ra mắt cuốn tiểu thuyết tâm lý đầu tay Dứt tình
(còn có tên khác là Bởi không duyên kiếp) đăng trên tờ Hải Phòng tuần báo. Với tiểu thuyết
này, ông chứng tỏ là “ngòi bút tả chân thực đã khéo léo” và tác phẩm có thể coi là “một bức

tranh... phỏng theo sự thực của cuộc đời, không tô điểm cho đẹp thêm, cũng không bôi nhọ cho
xấu đi” (Tràng An).
Song, sang năm 1936, ngòi bút tiểu thuyết của ông nở rộ, đạt kỷ lục xuất sắc: chỉ trong vòng 1
năm, 4 cuốn tiểu thuyết được lần lượt xuất hiện trên báo, thu hút sự tìm đọc của công chúng.
Đó là Giông tố (trên Hà Nội báo từ số 1 - 01/01/1936); rồi Số đỏ (cũng trên Hà Nội báo, từ số
40, 7/10/1936). Tiếp đó là Vỡ đê (trên báo Tương lai, từ số ngày 27/09/1936) rồi đến Làm đĩ
(đăng trên Sông Hương, phát hành tại Huế năm 1936).
Với những phóng sự, tiểu thuyết nói trên, tên tuổi của Vũ Trọng Phụng đã trở nên quen biết với
người đọc. Ông xác lập chỗ đứng chắc chắn trong làng văn, chiếm được cảm tình của đông đảo
bạn đọc. Một cây bút đương thời không ngần ngại xem ông là “một tay thiện nghệ trong văn tả
thực” (Lê Tràng Kiều). Nhà văn Phùng Tất Đắc khen ngợi Vũ Trọng Phụng đã có “những công
trình có thể vạch phương hướng cho văn nghệ... góp được tài liệu cho đời sau khảo sát về buổi
này”.
Bên cạnh đó cũng có không ít ý kiến chê bai, phản bác Vũ Trọng Phụng về các tác phẩm nói
trên. Từ năm 1936 đến khi Vũ Trọng Phụng qua đời năm 1939, đã nổ ra cuộc tranh luận chung
quanh vấn đề “Dâm hay không Dâm” trong phóng sự, tiểu thuyết của Vũ Trọng Phụng. Đối
thoại, đáp lại những ý kiến nhằm vào công kích ông và tác phẩm của ông, Vũ Trọng Phụng đã
có dịp thẳng thắn, công khai trình bày quan điểm nghệ thuật của mình, về động cơ và mục đích
của lối viết tả chân mà ông đã thực thi trong sáng tác. Tất cả gom lại khoảng ngót chục bài báo
gồm: thư ngỏ gửi Thái Phỉ; thư ngỏ cho một độc giả; đáp lại bài của Nhất Chi Mai; bác lại ý
kiến của báo Phong hóa, báo Ngày nay; trả lời phỏng vấn của Lê Thanh về 2 tiểu thuyết Giông
tố, Làm đĩ; bài thay lời tựa cho tiểu thuyết Làm đĩ khi in thành sách; những lời giới thiệu phê
bình cuốn tiểu thuyết mới Tắt đèn của Ngô Tất Tố... Ngoài ra cũng cần kể thêm vào đó những
bài lược dịch của Vũ Trọng Phụng về các ý kiến của các nhà văn, nhà thơ nước ngoài như G.
Maupassant, J. Richepin, A. de Vigny; bài viết của ông về đặc tính của kịch lãng mạn cũng như
câu chuyện ông kể về một nhà văn sĩ vô danh đã sáng tác như thế nào... đăng trên báo những
năm 1931-1932. Qua đó, chúng ta có thể hiểu sâu hơn, từ ngọn nguồn nào đã khiến ông có lập
trường rõ ràng, dứt khoát và quyết liệt khi tranh luận, đụng chạm trực tiếp sau này.
1. Vũ Trọng Phụng lược thuật ý kiến của các nhà văn hiện thực G. Maupassant, J. Richepin,
qua đó bộc lộ thiên hướng sáng tác văn tả chân và tư cách nhà văn xã hội

Những năm đầu bước vào làng văn, thể nghiệm các sáng tác đầu tay ở thể tài truyện ngắn và
kịch, Vũ Trọng Phụng đã bộc lộ khuynh hướng tìm đến với chủ nghĩa hiện thực, có cảm tình
với các nhà văn tả chân xã hội. Ông tìm đọc họ, lược dịch để truyền bá quan điểm, tư tưởng
nghệ thuật của các nhà văn phương Tây thuộc trào lưu hiện thực phê phán (thế kỷ trước hoặc
đương thời) như G. Maupassant, J. Richepin... Qua đó ông gián tiếp bộc lộ khuynh hướng sáng
tác của mình cùng đồng nhất với các nhà văn này. Từ ý kiến của các nhà văn nói trên, Vũ
Trọng Phụng tập trung nhấn mạnh các khía cạnh mà theo ông là chủ yếu đối với nhà văn tả
chân:
- “Chỉ tả sự thực, toàn một giống thực”. Nhưng sự thực ở đời và sự thực trong sách là có
khoảng cách, không giống nhau hoàn toàn. “Đó là những sự thực có ý vị, chớ chẳng cốt nêu cái
thực hoàn toàn”.
- Nhà văn tả chân phải là người từng trải cuộc đời, chú mục phơi bày những cảnh đời bình dị,
những con người bình thường. Tác phẩm của họ cần phô diễn tính tình và hành động của các
hạng người sao cho sinh động, thanh thoát, tự nhiên. Qua sự cảm nhận và kinh lịch của mình,
nhà văn tả chân giúp người đọc tỏ tường các mặt thực của đời, chiều sâu của đời sống xã hội,
sự phồn tạp trong hoạt động tinh thần, tâm - sinh lý của các hạng người đời.
- Không thể kết án nhà văn tả chân khi họ miêu tả những thói xấu của xã hội, những cái đê tiện
của người đời và gọi chúng bằng tên thật của nó. Nhà văn tả chân dũng cảm đối diện với sự
thật, dù nó tàn nhẫn, khắc nghiệt, trái với sự mong đợi của mình. Anh ta khi viết không đổi
trắng ra đen, không che đậy hoặc huyễn hoặc lừa mình, dối người, cũng không cốt làm hại đến
luân lý, phong hóa cần được tôn trọng. Viết trung thực, có sao nói vậy, không thêm bớt, tô
điểm, vẽ vời, tức là tôn trọng người đọc, nêu cao tinh thần khoa học, để có thể khám phá chân
lý cuộc sống. Khuynh hướng tả chân như vậy là phù hợp với sự phát triển và tiến bộ xã hội, đáp
ứng đòi hỏi của người đọc trong một thế giới văn minh, hiện đại (1).
2. Quan điểm của Vũ Trọng Phụng trong tranh luận “Dâm hay không Dâm”.
Cuộc tranh luận từ lúc mở đầu đến lúc kết thúc, kéo dài trong 3 năm, từ cuối năm 1936 đến
cuối 1939.
Chính Thái Phỉ, chủ bút báo Tin văn, trên số báo 25 ra ngày 01/09/1936 là người châm ngòi cho
cuộc tranh luận qua bài Văn chương dâm uế. Trong bài này, ông không nhằm vào cá nhân Vũ
Trọng Phụng, người mà ông vẫn quý mến văn tài. Ông chỉ muốn gióng lên hồi chuông cảnh báo

một khuynh hướng văn chương nguy hại tả cái dâm uế một cách quá táo bạo, khó coi, trần
truồng hết sức gây phản cảm trong độc giả. Ông gọi đó là thứ “văn chương dâm uế” không có
tính nghệ thuật cần có.
Thái Phỉ không hẹp hòi đối với việc lấy dâm uế, sự xấu xa bẩn thỉu làm đối tượng miêu tả của
văn chương. Ông chỉ phản đối cách miêu tả những cái đó một cách quá đà, quá mức đến lõa lồ,
sống sượng cốt đánh vào cân não người đọc mà không chú trọng đến mục đích cao đẹp hoàn
toàn của nghệ thuật lành mạnh. Ở đây Thái Phỉ đã chú ý phân biệt cái mà ngày nay chúng ta gọi
là đối tượng miêu tả, động cơ và hiệu quả của tác phẩm trong đời sống xã hội, trong sự tiếp
nhận của công chúng.
Phải nhận rằng bài viết này của Thái Phỉ tuy sơ sài, nhưng quan điểm là đúng mực, có tính chất
xây dựng, không có ý định gì công kích tác phẩm của họ Vũ, hoặc biểu lộ “cái lòng không
thành thực” của ông đối với Vũ Trọng Phụng, như sau đó Vũ Trọng Phụng ngộ nhận (2).
Chính Thái Phỉ, cách đấy 2 năm trên Ngọ báo đã có bài khen ngợi thành công của Vũ Trọng
Phụng với phóng sự Cạm bẫy người. Ông thực lòng khen họ Vũ đã có một tác phẩm “có giá trị
về phương diện khảo chứng (documentation) cũng như về phương diện văn chương”. Cạm bẫy
người được viết một cách có nghệ thuật, có “sức cám dỗ người đọc” với mục đích chính đáng
là phê phán, “lật tẩy” hiện tượng xã hội xấu xa là cờ bạc bịp. Giọng trào phúng mát mẻ của Vũ
Trọng Phụng được coi là thích hợp. Thái Phỉ cũng đã rất tinh khi nhận ra khuynh hướng tả chân
mà họ Vũ theo gót các bậc thầy như G. Maupassant, G. Flaubert, đồng thời ông cũng dè chừng
lối viết mà theo ông dễ bị quy là tính chất khiêu dâm trên những truyện ngắn đầu tay của Vũ
Trọng Phụng.
Bởi vậy, người đọc lấy làm ngạc nhiên khi thấy Vũ Trọng Phụng phản ứng gay gắt với Thái Phỉ
qua bài Thư ngỏ cho ông Thái Phỉ, chủ bút báo Tin văn về bài “Văn chương dâm uế” đăng trên
Hà Nội báo số 38 ngày 23/09/1936. Phải chăng bài của Thái Phỉ chỉ là cái cớ để Vũ Trọng
Phụng nói cho đã, cho hả, công khai đối lập quan điểm với những người khác vì đố kỵ, vì muốn
tranh độc giả mà châm chọc ông?
Vũ Trọng Phụng nhận rằng do mình là một trong số những nhà văn tả chân, nên khi đọc bài của
Thái Phỉ, ông thấy có trách nhiệm phải bộc lộ thái độ cho rành mạch. Ông thẳng thắn nói rằng
lý lẽ của Thái Phỉ là không có sức thuyết phục, bởi tối tăm, luẩn quẩn, là sự phỉ báng, phạm
thượng đối với văn chương tả thực.

Bắt bẻ chữ nghĩa của Thái Phỉ đã dùng, Vũ Trọng Phụng đứng ở vị trí người viết phản ứng dè
chừng trước ý đồ quy chụp thiển cận rằng ông đã miêu tả cái dâm để khiêu dâm người đọc,
khiến họ mất đi sự tỉnh táo, phê phán cần thiết. Họ Vũ tự tin với mục đích viết văn chính đáng
của mình: viết về cái xấu xa, nhơ bẩn, dâm uế để tố cáo, lên án nó, khơi dậy trong độc giả sự
công phẫn, đối phó chống lại thực trạng và những kẻ thủ phạm gây ra những tệ nạn xã hội xấu
xa ấy.
Có thể thấy, trên những nét cơ bản, quan điểm của Thái Phỉ cũng như của Vũ Trọng Phụng về
đối tượng và mục đích viết về những cái xấu xa, dâm uế, nhơ bẩn của xã hội... là gần gũi, đồng
thuận nhau. Chỗ khác nhau trong quan niệm của mỗi ông chỉ là ở chỉ mức độ và cách viết như
thế nào thì là phải và có thể chấp nhận được, để không rơi vào tình trạng khiêu dâm người đọc.
Như trên đã nói, Thái Phỉ e ngại về sự miêu tả quá đà, nhồi nhét quá mức cảnh dâm uế vào bất
cứ đâu, làm cho người đọc mụ mị trong cân não mà hoặc ghê sợ hoặc “rung động” một cách
lệch lạc, bị kích thích về mặt thú tính của con người.
Còn Vũ Trọng Phụng thì sao? Ông khẳng định: nhà văn tả chân có quyền và bổn phận tả những
cảnh thuộc về đời sống tình dục tự nhiên của con người, về cái dâm thuộc về thiên tính - nhưng
lúc nào cần tả, lúc nào không nên tả thì cần phải cân nhắc để văn chương không rơi vào khiêu
dâm. Còn thứ dâm uế, dâm loạn - tức những hành vi xấu xa, cần lên án thì cần phải mô tả kỹ về
nó, lôi nó ra dưới ánh sáng ban ngày, có vậy mới khiến người đọc bất bình, công phẫn, lên án
nó. Vũ Trọng Phụng không tán thành lối viết nửa kín, nửa hở, che đậy bằng những câu văn
thanh nhã, bóng bẩy vì như vậy chỉ tổ làm cho người đọc tò mò mà thôi. Ông chủ trương lối
viết thẳng thắn, nói toạc ra các khía cạnh của sự thật dù có tàn nhẫn, khó coi nhưng đó sẽ là sự
thật cay nghiệt giống như liều thuốc đắng khó nuốt nhưng sẽ làm cho người bệnh mau khỏi.
Ở đây, không thể không thấy sự cực đoan trong quan điểm nghệ thuật của Vũ Trọng Phụng.
Bởi trong miêu tả nghệ thuật, ranh giới giữa hiệu quả gây tỉnh táo để phê phán, tố cáo với xui
khiến sự tò mò, chuộng lạ, thích thú tự nhiên, bản năng... thật khó mà phân biệt một cách khách
quan trên văn bản.
Một năm sau những ý kiến qua lại giữa Thái Phỉ và Vũ Trọng Phụng, cuộc tranh luận được đẩy
lên đến đỉnh cao khi Nhất Chi Mai viết bài: Ý kiến một người đọc: Dâm hay không Dâm? đăng
trên báo Ngày nay, số 51 ra ngày 14/03/1937.
Nhất Chi Mai không ngần ngại chỉ trích đích danh Vũ Trọng Phụng là một nhà văn xã hội kỳ

quặc “nhìn thế giới qua cặp kính đen, có một bộ óc cũng đen và một nguồn văn càng đen nữa”.
Theo Nhất Chi Mai, bức tranh xã hội và đời sống con người trong tác phẩm của Vũ Trọng
Phụng thuần một màu đen tối, như một địa ngục với những kẻ giết người, làm đĩ, ăn tục, nói
càn. Qua đó, không hé ra cho người ta thấy một tư tưởng lạc quan nào, một tia hy vọng nào. Mà
tệ hơn nữa, ông lại viết những câu văn sống sượng, trần truồng, mô tả những cảnh nhơ nhớp
một cách khoái trá, thích thú chẳng khác nào khiêu dâm người đọc.
Nhất Chi Mai chỉ trích loại văn nói trên không thể xem là “kiệt tác”, “đúng sự thực”, “can đảm”
được, thực chất chỉ là một loại văn “dơ dáy, bẩn thỉu, nhơ nhớp” mà thôi - độc giả có lương tri
không nên để mình bị lừa mị mà tin theo những lời rỗng tuếch, huênh hoang, tâng bốc nhau của
họ.
Lúc này Vũ Trọng Phụng không thể không lên tiếng một lần nữa. Ông viết một bài dài “Để đáp
lại báo Ngày nay: Dâm hay là không Dâm?” bác lại hoàn toàn ý kiến của Nhất Chi Mai.
Vũ Trọng Phụng vạch chân tướng của Nhất Chi Mai, chỉ ra rằng Nhất Chi Mai đã né tránh khi
chỉ nhận mình trong tư cách một độc giả bình thường, trong khi Vũ Trọng Phụng biết một cách
tỏ tường rằng Nhất Chi Mai còn là một người viết, đại diện cho một văn phái, một khuynh
hướng sáng tác đương thời - khuynh hướng lãng mạn của Thơ mới, của Tự lực văn đoàn và các
cơ quan ngôn luận của nó là Phong hóa rồi Ngày nay.
Vượt lên sự đối thoại cá nhân với cá nhân, Vũ Trọng Phụng vạch ra sự khác biệt như nước với
lửa giữa 2 văn phái lãng mạn / hiện thực trong cái nhìn đời sống xã hội, trong cách miêu tả hiện
thực và con người.
Văn phái lãng mạn bó hẹp trong sự cổ động cho phong trào “vui vẻ trẻ trung”, giải phóng cá
nhân khỏi những lề thói xưa cũ để được tự do yêu đương, được mình là mình trong các quan hệ
gia đình. Họ đã chạy xa sự thật nhãn tiền của xã hội, không thấy những bức xúc rộng lớn hơn
đang tác động vào sự sinh tồn của con người. Nấp sau những danh từ mỹ miều, điêu trá, dựng
lên những nhân vật phụ nữ giả dối, có bề ngoài đáng yêu, xinh xắn nhưng bên trong thì mục
ruỗng cả về tinh thần lẫn thể xác - văn phái lãng mạn chỉ có thể sản sinh ra thứ văn chương “tùy
thời”, cơ hội, nhằm chiều nịnh một bộ phận người đọc mà thị hiếu là ưa thích sự giả dối, không
dám đối diện với sự thật đau lòng của xã hội mà tự ru ngủ và thỏa mãn với cuộc sống hiện tại.
Đối lập lại, là một người thuộc văn phái tả chân, Vũ Trọng Phụng theo một quan điểm trái
ngược, xung đột với quan điểm của văn chương lãng mạn. Ông dõng dạc tuyên bố: “Tôi và các

nhà văn cùng chí hướng như tôi, muốn tiểu thuyết là sự thật ở đời. Các ông muốn theo thuyết
tùy thời, chỉ nói cái gì thiên hạ thích nghe, nhất là sự giả dối. Chúng tôi chỉ muốn nói cái gì
đúng sự thật, thành ra nguy hiểm, vì sự thật mất lòng”.
Vũ Trọng Phụng tiếp tục khẳng định mục đích cao đẹp của văn tả thực: cất tiếng nói phản
kháng xã hội bất công, mục nát, xấu xa, phản tiến bộ, trong đó người lao động lương thiện bị
bóc lột, đè nén, bị bần cùng và tha hóa, bên cạnh đó tầng lớp trên thì ăn chơi trác táng, xa hoa,
phè phỡn, lố lăng. Ông cho rằng xã hội đương thời với những vết thương trầm trọng, thối rữa
đến tận xương tủy như thế thì có gì phải dấu giếm? Phải vạch trần chân tướng xấu xa của nó,
phanh phui những ung nhọt của nó, chỉ ra sự bất công và nỗi thống khổ đang tràn lan, dày vò
con người, từ đó làm cho dân chúng căm hờn, phỉ nhổ vào những tệ nạn, bất công mà đấu tranh
cho sự công bằng và những điều tốt đẹp! Đó há chẳng phải là sứ mệnh cao cả của văn chương
tả thực xã hội hay sao?
Tư tưởng nghệ thuật mà Vũ Trọng Phụng theo đuổi tâm huyết nói trên là tiến bộ, cần được ủng
hộ, nhưng cũng phải thấy những mặt phiến diện, cực đoan có phần quá khích trong kiểu tư duy
ấy. Có nên quá thiên về miêu tả trần trụi để chỉ trích, lên án những mặt xấu, mặt trái, hy vọng
tìm cách xóa bỏ chúng - chỉ thế mà thôi không? Trong khi đó cuộc sống vận động cả ở những
phương diện khác: có không ít những chồi non khỏe mạnh đang trỗi dậy, biết bao nhiêu là cái
đẹp, cái tốt tiềm ẩn trong con người lương thiện, trong các lực lượng xã hội tiên tiến - những
nhân tố mới ấy cũng cần được nhìn nhận, phát hiện, chăm sóc và khẳng định, xây dựng.
Liền ít ngày sau bài đáp lại Nhất Chi Mai, Vũ Trọng Phụng lại nhấn rõ thêm quan điểm của ông
trong bài trả lời phỏng vấn Lê Thanh về những tiểu thuyết Giông tố, Làm đĩ, trên báo Bắc Hà
ngày 03/04/1937 (3).
Vũ Trọng Phụng xếp các tiểu thuyết của ông thuộc dòng tiểu thuyết tả chân xã hội, nó “phản
ánh cái xã hội hiện thực”, chứ không phải là quay lưng lại hiện thực hoặc hư cấu, phóng túng,
tùy tiện mà làm sai sự thực. Mà xã hội hiện thời sặc sụa những mùi mục nát, đầy rẫy những cái
xấu xa, nhơ bẩn, không thể không thất vọng, bi quan về nó. Viết các tiểu thuyết nói trên, ông
“có ý chụp ảnh lấy cái xã hội hiện thời” trong đó không thể không tả những cảnh dâm đãng. Tả
như thế không có nghĩa là khiêu dâm, mà chỉ là tả những điều có thực, tuyệt không “khiêu cái
lòng dâm dục của ta lên”. Trái lại, cách miêu tả này làm cho “người ta thấy ghê tởm, ghê tởm vì
trông thấy nhãn tiền cái sự thật nó xấu xa... đến nỗi phải tức tối lên... quên mất cái dâm dục” đi.

Vũ Trọng Phụng tự thú rằng ông viết tiểu thuyết là thực thi trách nhiệm xã hội, trách nhiệm
công dân, dù có phải là người chịu hy sinh, thiệt thòi, bị hiểu nhầm đi nữa. Ông tập trung viết
về cái dâm nhằm bài trừ những sự quá đáng trong sinh hoạt dục tình của người ta, để cảnh tỉnh,
chế ngự những mặt trái của hiện tượng thuộc tâm - sinh lý có tính chất xã hội phổ biến này
(xoay quanh 3 khía cạnh: tả những cái dâm đãng trong sự phú quý để phê phán sự ích kỷ,
hưởng lạc; tả cái dâm ở tuổi dậy thì của người con gái và đề xuất cần phải giáo dục trẻ em về
sự dâm để tránh hư hỏng về sau này; tả nạn mại dâm do nghèo đói, thống khổ mà có để khống
chế nó...).
Ông tâm sự rằng ông đi ngược với phong trào Âu hóa của Tự lực văn đoàn, không có nghĩa là
ông bảo thủ. Nhà văn thiết tha với sự nghiệp giải phóng phụ nữ và tiến bộ xã hội, nhận rõ con
người có nhu cầu thỏa mãn nguyện vọng cá nhân chính đáng, nhưng đồng thời nhà văn cũng có
trách nhiệm bảo vệ gia đình với những kỷ cương của nó, đừng để sự mất quân bình, sự quá
đáng chi phối. Theo ông, vấn đề phụ nữ và gia đình phải được đặt và giải quyết phù hợp với bối
cảnh xã hội, với nghĩa vụ của mỗi hạng người và đạo đức truyền thống...
Có thể nói những ý kiến Vũ Trọng Phụng trình bày trong cuộc tranh luận “Dâm hay không
Dâm” qua các phóng sự, tiểu thuyết đã xuất bản của ông đã thể hiện khá đầy đủ lập trường tiến
bộ của một nhà văn xã hội, chủ trương dùng bút pháp tả chân để phanh phui những sự thật, căn
bệnh trầm kha của xã hội, những cảnh bất công, ngang trái, những cái mầm ung nhọt trong đó,
nhằm cảnh báo người đời khiến họ ghê sợ mà tìm cách thoát ra khỏi thực trạng đen tối, đi tới
những điều tốt đẹp, công bằng và sự lương thiện.
Rốt lại theo ông, văn chương của ông không phải là văn chương khêu gợi cái dâm thú tính, tầm
thường mà là tố cáo nó, phanh phui nó để người đọc phản tỉnh, xa lánh, tiến tới tìm cách chôn
vùi, thanh toán nó. Đó cũng là một công việc xã hội mà nhà văn phải dấn thân thực hiện, chứ
không thể làm ngơ hoặc ca tụng véo von những điều không đâu vào đâu cả.
3. Ý kiến của Vũ Trọng Phụng về tiểu thuyết hiện thực Tắt đèn của Ngô Tất Tố
Là một cây bút tả chân, Vũ Trọng Phụng nồng nhiệt khẳng định giá trị hiện thực và sức mạnh
tố cáo của Tắt đèn. Và ông thử đi tìm nguyên nhân thành công của tiểu thuyết hiện thực này từ
phía con người tác giả - mặt chủ quan của quá trình sáng tạo. Theo Vũ Trọng Phụng, Ngô Tất
Tố hơn người ở chỗ, trong khi các tác giả khác chưa hội đủ các điều kiện cần thiết để có thể
viết một cuốn tiểu thuyết hay về nông thôn và người dân quê, thì Ngô Tất Tố lại là một trong số

hiếm hoi các nhà văn có đủ tư cách và thời gian để viết về lĩnh vực này của đời sống hiện thực
lúc đó. Ở Ngô Tất Tố có một định hướng rõ rệt cho ngòi bút và trong lựa chọn tâm thế sáng tác;
ông được trang bị một vốn sống phong phú, sâu sắc về nông thôn; ngòi bút của ông vốn giàu
nghị lực, bản lĩnh. Tiểu thuyết của ông được cấu trúc theo một kết cấu mở, hiện đại, căng
thẳng, giàu kịch tính.
Vũ Trọng Phụng đề cao Ngô Tất Tố khi ông viết nhằm mục đích phụng sự thôn quê, nêu lên
những luận đề xã hội bênh vực phái nhà nông. Là một người từng trải "được sống nhiều với đời
thôn quê", nên Ngô Tất Tố có được sự hiểu biết kỹ càng về tâm tính, lời ăn tiếng nói của đám
dân quê nghèo khổ. Xuất thân Nho học, từng làm nghề báo, tiếp xúc nhiều, lại chịu khó mở
rộng kiến văn, cầu thị thâu thái những thành tựu mới của kỹ thuật tự sự phương Tây, nên trong
Tắt đèn, Ngô Tất Tố đã không đi theo lối mòn của cách kể chuyện cũ. Ông kết hợp giữa kể và
tả, đứng ở địa vị khách quan trong khi mô tả và thuật chuyện, biểu lộ năng khiếu quan sát tinh
tường, chu đáo về cảnh và người, về tâm lý, hành động của họ, khéo léo khêu gợi những tư
tưởng cải tạo xã hội, phê bình sự vật của người đọc.
Những điều nói trên, theo Vũ Trọng Phụng, đã dẫn đến những thành công cơ bản của tiểu
thuyết hiện thực Tắt đèn. Tính đến thời điểm đó Tắt đèn xứng đáng là một "kiệt tác, tùng lai
chưa từng thấy".
Với những ý kiến phê bình ngắn gọn về Tắt đèn, Vũ Trọng Phụng đã đề xuất những yêu cầu cơ
bản đối với nhà văn hiện thực trong việc tích lũy vốn sống trực tiếp, bồi bổ vốn tri thức, văn
hóa và không thể xem nhẹ khâu trau dồi, nâng cao kỹ thuật viết sao cho câu chuyện được kể
một cách sinh động, hấp dẫn người đọc. Làm được như vậy, nhà văn sẽ dành được thế chủ
động, dẫn tác phẩm đi tới đích tả thực thành công.
*
Sinh thời, những ý kiến của Vũ Trọng Phụng về văn học tả chân qua tiểu thuyết, phóng sự, về
việc mô tả cái dâm phải như thế nào để không sa vào khiêu dâm, khêu gợi bản năng tình dục
tầm thường... ngoại trừ một số rất ít người phản bác, còn lại phần lớn Vũ Trọng Phụng nhận
được sự hưởng ứng của văn nghệ sĩ tiến bộ, cách mạng. Tác phẩm của Vũ Trọng Phụng là bằng
chứng sinh động về việc ông đã thể hiện trung thực những quan điểm nghệ thuật về chủ nghĩa
tả chân trong sáng tạo văn chương. Ngay sau khi ông mất, số Tao đàn đặc biệt đã ra mắt, với
nhiều bài viết của các nhà văn có tên tuổi. Họ là bạn bè của Vũ Trọng Phụng, bộc lộ niềm

thương tiếc một nhà văn tài năng xuất chúng nhưng mệnh yểu.
Di sản văn chương mà Vũ Trọng Phụng để lại là vô cùng quý giá, dồi dào chất hiện thực của
cuộc sống đương thời, quyết liệt trong sức mạnh tố cáo, phê phán những cái xấu xa, đồi bại, bất
công của một xã hội thối nát. Phẫn nộ lên án cái dâm đãng đồi truỵ, nhơ nhớp, ông đòi hỏi con
người phải được giáo dục chu đáo từ nhỏ để có sức vượt lên cái bản năng thấp kém mà sống
một cuộc sống có ý nghĩa, lành mạnh, cao đẹp. Các tác phẩm của ông, trong đó đáng kể là
những tiểu thuyết, phóng sự tả chân, có thể được xem là trợ thủ đắc lực trong cuộc đấu tranh
lâu dài vì tiến bộ, dân chủ, dân sinh và công bằng xã hội.
Tiếp bước các nhà văn đi trước như Nguyễn Công Hoan, Ngô Tất Tố, Vũ Trọng Phụng, các nhà
văn lớp sau: Nguyên Hồng, Tô Hoài, Mạnh Phú Tư, Nguyễn Đình Lạp, Nam Cao... xuất hiện
vào đầu những năm 40 của thế kỷ trước đã giương cao ngọn cờ của văn học hiện thực, đem lại
những thành tựu mới cho trào lưu văn học này.
Và chúng ta sẽ không lấy làm lạ khi đọc lại những ý kiến dưới đây của Nam Cao, thấy Nam
Cao gần gũi Vũ Trọng Phụng biết bao! Nam Cao đã tiếp tục đào sâu vào các nguồn văn hiện
thực mà Vũ Trọng Phụng đã khai mở trước đó, nhưng đến lượt mình ông làm cho nó sâu sắc
thêm, nâng cao thêm, trước hết là trong tư duy nghệ thuật:
- "Nghệ thuật không cần phải là ánh trăng lừa dối, không nên là ánh trăng lừa dối; nghệ thuật có
thể chỉ là tiếng đau khổ kia, thoát ra từ những kiếp lầm than, vang dội lên mạnh mẽ... chẳng cần
trốn tránh... cứ đứng trong lao khổ, mở hồn ra đón lấy tất cả những vang động của đời...".
- "Một tác phẩm thật giá trị... nó phải chứa đựng được một cái gì lớn lao, mạnh mẽ, vừa đau
đớn lại vừa phấn khởi. Nó ca tụng lòng thương, tình bác ái, sự công bình... Nó làm cho người
gần người hơn. Như thế mới thật là một tác phẩm hay..."
- "Văn chương không cần đến những người thợ khéo tay, làm theo một vài kiểu mẫu đưa cho.
Văn chương chỉ dung nạp được những người biết đào sâu, biết tìm tòi, biết khơi nguồn chưa ai
khơi, và sáng tạo những cái gì chưa có...". (4)
Hà Nội, tháng 10 năm 2002
Nguồn: Tạp chí Văn học, số 11 (369), tháng 11/2002, tr. 31-38
____________
(1) Những bài viết hoặc bài lược dịch của Vũ Trọng Phụng về các vấn đề nói trên được tập hợp
trong cuốn Chống nạng lên đường (chùm sáng tác đầu tay mới tìm thấy năm 2000) do Lại

Nguyên Ân sưu tầm, giới thiệu, Nxb. Hội Nhà văn, 2001.
(2) (3) Xem: Một bài phỏng vấn Vũ Trọng Phụng mới tìm được do Lại Nguyên Ân sưu tầm,
giới thiệu. Tia sáng số 5/2002, tr.47-50.
(4) Trích suy nghĩ của các nhân vật khi cầm bút đi vào nghề văn, trong các truyện ngắn Giăng
sáng, Đời thừa của Nam Cao.
__________________
Vương Trí Nhàn: Nghĩ lại về Vũ Trọng Phụng - Bước đi tự phát ở một ngòi bút ghi chép
lịch sử
Ấn tượng sâu sắc nhất mà có lẽ tất cả bạn đọc đều chia sẻ khi đọc Số đỏ, ấy là cái sự nhố nhăng
nhảm nhí của đời sống được nhà văn phác họa theo lối châm biếm. Nói như Lưu Trọng Lư,
ngòi bút Vũ Trọng Phụng đã “chế nhạo tất cả những cái rởm cái xấu cái bần tiện cái đồi bại của
một hạng người một thời đại”. Hiện đại ở đây đồng nghĩa với sự tàn phá nhân cách, làm hỏng
con người. Hiện đại là một bước đi không thể chấp nhận được. Thế nhưng liệu đã có thể nói đó
là tất cả cái cuộc sống trên đường hiện đại hóa được nói tới trong tác phẩm Số đỏ? Có phải xã
hội đương thời chỉ có tàn lụi mục nát vô phương cứu vãn, hay thực ra nó đang vận động theo
một phương hướng đầy triển vọng và chính ngòi bút Vũ Trọng Phụng cũng đã tham gia vào
việc ghi chép lại cái quá trình đổi khác đó - một việc chắc chắn là chính ông cũng không ngờ
tới?
Hiện đại hóa là gì và ý nghĩa lịch sử của nó
Đặt xã hội Việt Nam nửa đầu thế kỷ 20 trong toàn bộ sự vận động chung của lịch sử dân tộc,
chúng ta thấy nó là một bước rẽ ngoặt mà nội dung căn bản là hình thành nên một xã hội kiểu
mới khác hẳn xã hội Việt Nam từ đó về trước. Trong cả sử học lẫn các bộ môn khác của khoa
học xã hội, trong đó có lịch sử văn học, người ta thường gọi đó là quá trình hiện đại hóa.
Trong một bài viết mang tên Tìm nghĩa khái niệm hiện đại (có in trong sách Nhìn lại một thế kỷ
văn học, NXB Chính trị quốc gia, H.2002) chúng tôi đã có dịp trình bày cách hiểu về quá trình
này, dưới đây là mấy nét tóm tắt:
- Đó là sự chuyển biến từ kiểu xã hội phong kiến trung đại sang một xã hội công nghiệp hóa, có
đô thị phát triển. Bắt đầu từ cơ sở kinh tế, cuộc chuyển biến này kéo theo hàng loạt biến động,
nhiều quan niệm của con người về bản thân mình cũng như về thế giới có thay đổi. Đồng thời
với sự trưởng thành của ý thức xã hội thì con người cá nhân trong họ cũng được giải phóng.

- Bởi đây là sự chuyển biến từ một xã hội theo kiểu phương Đông sang một xã hội xây dựng
theo mẫu hình phương Tây lúc ấy, nên người ta còn gọi nó là Âu hóa. Thực chất của hiện đại
hóa trong điều kiện lịch sử đầu thế kỷ 20 chính là Âu hóa. Không chỉ ở VN mà ở Trung quốc
và ở nhiều nước châu Á khác, hiện đại hóa đều được sử dụng với nghĩa cụ thể như vậy. (Còn
tới cuối thế kỷ 20 nó vẫn được dùng nhưng có hàm nghĩa mới thì đó lại là chuyện khác.)
- Muốn hay không muốn cũng phải xem đây là một bước tiến bộ. Tính đến hoàn cảnh đương
thời, thì đây là công thức duy nhất có thể đưa xã hội ra khỏi điểm chết mà sự vận động của lịch
sử trước đó đẩy tới. Không phải hiện đại hóa hoàn toàn đối lập lại quyền lợi chính đáng của dân
tộc. Ngược lại, chính trong hoàn cảnh hiện đại hóa mà ý thức dân tộc, vốn có từ trong quá khứ,
bắt đầu mang một nội dung mới thích hợp hơn do đó trở nên hoàn thiện và có sức thúc đẩy lịch
sử tiến tới. Đặc biệt với công cuộc công nghiệp hóa, ý thức dân chủ có dịp nảy nở mạnh mẽ.
Một trong những tư tưởng cơ bản được trình bày trong Văn minh tân học sách của nhóm Đông
Kinh Nghĩa Thục (tổ chức tập hợp những bậc trí giả thức thời đầu thế kỷ 20), đó là tình trạng
lạc hậu cổ hủ của xã hội VN trước khi tiếp xúc với văn minh Tây phương. Đến một nhà yêu
nước như Phan Chu Trinh thì tư tưởng đó là cả một ám ảnh. Theo Phan Chu Trinh, nếu không
nhận thức và khắc phục được sự lạc hậu thì mọi nỗ lực giành lại độc lập đều vô nghĩa. Trong
Thư gửi chính phủ Pháp, ông viết: “Nước Nam đã lâu nay học thuyết sai lầm, phong tục hư
hỏng, không có liêm sỉ, không có kiến thức.. Trong một làng một ấp cũng cấu xé lẫn nhau, cùng
nòi cùng giống vẫn coi nhau như thù hằn; dẫu ai có muốn lo toan việc lớn, chưa kể rằng không
có chỗ mà nương thân, không có khí giới mà dùng, không có tiền của mà tiêu, giá phỏng Chính
phủ (đây là chính phủ thực dân Pháp - VTN) cho mượn dăm nghìn khẩu súng, cấp đất vài tỉnh
cho ở, không thèm hỏi đến, tha hồ muốn làm gì thì làm, chẳng qua vài năm nếu không báo thù
lẫn nhau thì cũng tranh giành địa vị với nhau, nếu không cướp đoạt tiền tài thì cũng giành giật
tước vị, tự chém giết nhau đến chết hết mới thôi (...)” (1)
Có thể nói sự sáng suốt của những người vừa yêu nước thương nòi vừa nhìn xa trông rộng và
có tư tưởng canh tân xã hội trên đây đã có sức chi phối đối với sự phát triển của xã hội VN mà
quá trình hiện đại hóa nói ở đây là bằng chứng. Dù công cuộc hiện đại hóa đó tiến hành dưới sự
kiểm soát của bộ máy thực dân, song vẫn phải ghi nhận một sự thật: dẫu sao quá trình đó đã
xảy ra. Không có quá trình hiện đại hóa này thì không có xã hội VN nửa đầu thế kỷ 20 như
chúng ta đã thấy, không những không có đô thị, nhà trường kiểu mới, đường sắt, bưu điện, báo

chí…, mà cũng không có sự tiếp xúc bình thường giữa VN và thế giới. Nói cho hết lẽ, phải thấy
không có quá trình hiện đại hóa thì không có luôn cả sự phân hóa giai cấp như các nhà nghiên
cứu lịch sử thường phân tích, không có giai cấp công nhân và một bộ phận trí thức kiểu mới,
không có sự du nhập của ý thức hệ Mác Lê-nin, dẫn đến những biến động có tính chất bước
ngoặt từ sau Tháng Tám 1945.
Hiện đại hóa đã tự phát có mặt trong tác phẩm của Vũ Trọng Phụng như thế nào?
Hãy bắt đầu bằng một chi tiết nhỏ trong chương II của Số đỏ, cái đoạn tả cảnh xảy ra tại một
bót cảnh sát khi một viên quản ngồi than thở sự đời với một thày cảnh sát dưới quyền, thày min
đơ:
- Thày có tiếc cái thời buổi ngày xưa, cách đây mười năm không?
- Tiếc lắm! Mười năm trước đây, dân ta còn ngu..
- Ngày nay dân ta văn minh mất rồi, rõ thảm hại! Thày phải biết là xưa kia, xã hội tinh nhứng
du côn với nặc nô, tinh những người bất lịch sự chỗ nào cũng phóng uế, cũng đánh nhau. Hồi
ấy có khi bốn người ngồi một xe! Họ chửi nhau hàng nửa giờ, đánh nhau vỡ đầu, nhà cửa của
họ thì rác rưởi, nước cống nước rãnh tung toé, ngập lụt. Chó của họ cũng chạy ra ngoài đường
nhông nhông... Xe đi đèo, hay không đèn là nhan nhản. Bây giờ mọi sự đã thay đổi cả (tr. 22)
(2)
Điều bất ngờ là ở chỗ đằng sau câu chuyện mà tác giả thuật lại để chế giễu tự nó có một ý
nghĩa khác. Không gì khác, cái thời buổi ngày xưa mà hai nhân vật nói ở đây chính là xã hội
VN trước hiện đại hóa, với một nếp sống phải nói là lạc hậu và chẳng có gì là đáng ước ao, nếu
không nói rằng đáng từ bỏ. Còn thay thế nó lại là xã hội nền nếp quy củ. Và sự thay đổi mà các
viên cảnh sát than phiền là hỏng là đáng chê trách thì theo lương tri thông thường, lại là một sự
thay đổi theo hướng tiến bộ hợp với tinh thần của nhân văn và đạo lý.
Nếu tiếp tục khảo sát tác phẩm theo hướng này, người ta sẽ thấy Số đỏ vô hình trung đã phác
họa một khuôn mặt khác của xã hội trong một giai đoạn lịch sử có những đảo lộn hàng trăm
năm chưa từng có. Từ đầu thế kỷ 20, trong lòng xã hội phong kiến, những nhân tố của một xã
hội theo kiểu phương Tây đã nảy sinh và tới những năm ba mươi có thể nói cái nền nếp mới ấy
đã trở nên ổn định thay cho nền nếp xưa “thế là hết nhẵn nhụi” (tr. 22). Đóng vai trò đầu tàu
cho lịch sử là những đô thị mới vừa hình thành. Trong kiến trúc, trong đường xá cầu cống,
trong kiểu ăn ở đi lại... của con người, chúng khác hẳn so với cái gọi là đô thị thời trung đại.

Phân công lao động trong xã hội đã khá cao, nhiều nghề mới nảy sinh, không phải chỉ có me tây
đĩ điếm như nhiều người thích bêu riếu, mà quan trọng hơn có người đi du học, có luật sư bác
sĩ, có các loại cửa hàng và khách sạn đầy đủ tiện nghi, có cả các loại sân thể thao được xây
riêng trong từng gia đình và thày dạy đánh quần vợt. Đặc biệt, ý thức công cộng của mỗi thành
viên trong xã hội được nâng lên một bước. Đằng sau câu nói đơn sơ “Lúc này đến cả thằng phu
xe cũng biết luật” (tr 22) là một sự thật: xã hội đã vượt qua giai đoạn tự phát mạnh ai nấy sống.
Làm gì người ta cũng phải chú ý xem phản ứng xã hội với mình là như thế nào. Báo chí có mặt
ở mọi nơi mọi chỗ.
Cũng nên lưu ý thêm là theo sự miêu tả của tác giả thì Xuân tóc đỏ có lúc ăn vận theo kiểu hề
Charlot để gây chú ý (tr. 75), cũng như ông Joseph Thiết có nhắc đến Léon Daudet (tr. 78), ấy
là không kể có cả một buổi hội thảo không chính thức về học thuyết của Freud (đoạn đầu
chương XIII). Những mẫu hình của văn hóa hiện đại đã xuất hiện để thay thế cho những khuôn
vàng thước ngọc dẫn lại từ thời Nghiêu Thuấn mà mọi người đều đã ngán đến tận cổ!
Ở trên chúng ta đã nói rằng con người trong Số đỏ hiện ra với nhiều nét khó coi, ồn ào học đòi,
tham lam dâm đãng. Song suy cho cùng những thói xấu ấy vẫn là bề ngoài. Nếu không xem các
tiêu chuẩn đạo đức vốn có từ thời phong kiến là bất biến mà xét kỹ cái trình độ sống của con
người, nhất là văn hóa chung sống của những con người đó, cái ý thức của họ về sự tiến bộ
chung của xã hội, chúng ta thấy gì? Rõ ràng, đặt bên cạnh những con người đơn giản, sống cầm
chừng, chậm rãi rời rạc của xã hội trung đại, thì con người lúc này luôn hiện ra với vẻ gấp gáp
linh hoạt, sẵn sàng thích ứng với mọi biến chuyển lúc nào cũng có thể xảy ra. Mọi người, từ
Xuân đến bà phó Đoan, từ vợ chồng Văn Minh đến ông Tipphờnờ … và cả mấy người già như
cụ cố Hồng đều có ý thức về cuộc đời mà họ đang sống, muốn sống theo những tiêu chuẩn mới
mẻ mà họ tin tưởng chứ không phải thế nào cũng được muốn đến đâu thì đến.
Đây là lời bà Văn Minh giảng giải cho một khách hàng về ý nghĩa của cửa hàng Âu hóa do hai
vợ chồng bà ta chủ trương:
- Thưa bà, chúng tôi chỉ tiến theo luật tiến hóa chung của xã hội. Giữa buổi canh tân này cái gì
là bảo thủ thì bị đào thải đi. Bà có biết rằng từ khi chúng tôi mở cửa hiệu này ra thì đã bao
nhiêu người vợ được cứu vớt, tìm thấy lòng yêu của chồng, lại được hưởng hạnh phúc gia đình
rồi đó không? (tr. 46)
Còn đây, cái quan niệm về ăn mặc mà cửa hàng của bà ta noi theo:

- Thưa bà, những nguyên tắc về y phục đã thay đổi. Chúng tôi mà có chế ra kiểu này cũng là vì
theo cái quan niệm y phục của các nhà thợ may lớn ở Tây phương. Quần áo để tô điểm, để làm
tăng sắc đẹp chứ không phải để che đậy …(tr. 48)
Đặt trong mạch chung của tác phẩm thì đây có vẻ như lời lẽ mòn sáo của một kẻ học đòi.
Nhưng thử tách nó ra như một văn bản độc lập, chúng ta thấy đây là những ý tưởng nghiêm

Tài liệu bạn tìm kiếm đã sẵn sàng tải về

Tải bản đầy đủ ngay
×