Tải bản đầy đủ (.doc) (199 trang)

LUẬN án TIẾN sĩ NGUỒN lực CON NGƯỜI TRONG QUÁ TRÌNH CÔNG NGHIỆP hóa, HIỆN đại hóa đất nước

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (648.14 KB, 199 trang )

1

MỞ ĐẦU
1. Tính cấp thiết của đề tài.
Trong các quan niệm trước đây ở nước ta về quá trình công nghiệp hoá,
mặc dù vai trò của con người cũng đã được đề cao ở mức độ đáng kể, song
con người với tất cả tiềm năng, hiện trạng và sức mạnh của nó thì lại chưa
được nhìn nhận như là một nguồn lực của bản thân quá trình công nghiệp
hoá. Do vậy, trên thực tế, có lúc con người vô tình đã bị đặt ra ngoài hệ thống
các nguồn lực nội tại của sự phát triển.
Ngày nay, do sự tác động, chi phối của những đặc điểm mới của thời đại
và do những nhu cầu mới của sự phát triển đất nước, quá trình công nghiệp
hoá, trong thực tiễn cũng như trong lý luận, đã có những thay đổi đáng kể về
nội dung và giải pháp. Cùng với điều đó, vị trí và đặc điểm các nguồn lực của
CNH, HĐH cũng được nhìn nhận lại, trong đó con người được coi vừa là
nguồn lực cơ bản, quyết định sự nghiệp CNH, HĐH vừa là đối tượng mà
chính quá trình CNH, HĐH phải hướng vào phục vụ.
Với tính cách là những yếu tố quan trọng của nguồn lực cơ bản của CNH,
HĐH, trí tuệ, lao động và sức mạnh của con người trong điều kiện ngày nay
biểu hiện khá đa dạng cần được phân tích; đồng thời cũng cần biết phải làm gì
để khai thác có hiệu quả nguồn lực con người với tất cả tiềm năng to lớn của
nó, bảo đảm cho sự thành công của CNH, HĐH. Làm rõ được những vấn đề
này thực sự là một đòi hỏi bức thiết, có ý nghĩa cả về lý luận và về thực tiễn.
Vì lẽ đó mà chúng tôi chọn vấn đề “Nguồn lực con người trong quá trình
CNH, HĐH đất nước” làm đề tài của luận án.
2. Tình hình nghiên cứu đề tài.
Trước đây, trong các tài liệu triết học mácxít trong và ngoài nước, đề tài
con người và đề tài công nghiệp hoá đã được nghiên cứu ở mức độ đáng kể.


2



Hầu hết các khía cạnh đáng lưu ý của vấn đề (con người- sự nghiệp công
nghiệp hoá- mối quan hệ giữa chúng) đều đã ít nhiều được đề cập. Tuy vậy,
các hướng nghiên cứu trước đây thường không xem xét công nghiệp hoá
trong sự gắn kết với hiện đại hoá, còn con người thì không được chủ động
xem xét như là một nguồn lực của bản thân quá trình công nghiệp hoá.
Chỉ khoảng mấy năm gần đây hạn chế này mới được phát hiện và công
tác nghiên cứu đang tìm cách để khắc phục nó. Trên một số tạp chí và báo
chuyên ngành đã xuất hiện các bài viết đề cập những điều nói trên.
Chẳng hạn, bàn về vị trí nguồn nhân lực, về xu thế trí tuệ hoá lao động,
về một số yếu tố cần thiết để kích thích tính tích cực của con người, khai thác
tốt nhất nguồn nhân lực, có các bài viết: “Nguồn nhân lực trong CNH, HĐH
đất nước” - Tạp chí Triết học, số 3- 1994; “Nguồn nhân lực và phát triển” Tạp chí Giáo dục lý luận, số 4- 1995; “Vai trò động lực của dân chủ đối với
sự hoạt động và sáng tạo của con người” - Tạp chí Triết học, số 5- 1996, của
GS, TS Nguyễn Trọng Chuẩn; “Một số giải pháp nhằm khai thác có hiệu quả
nguồn lực con người” - Tạp chí Triết học, số 6- 1999, của TS Phạm Văn Đức.
Về đặc điểm của trí tuệ, có bài “Trí tuệ - Nguồn lực vô tận của sự phát triển
xã hội” - Tạp chí Triết học, số 1- 1993, của PGS, TS Phạm Thị Ngọc Trầm.
Bàn về định hướng phát triển con người, có bài “Phát triển con người,
tạo nguồn nhân lực cho sự nghiệp CNH, HĐH nước ta” - Tạp chí Cộng sản,
số 19-1998, của GS, TSKH Nguyễn Duy Quý. Về vai trò của giáo dục trong
việc xây dựng nguồn nhân lực, về vị trí và vấn đề xây dựng lao động trí tuệ,
về một số điều kiện cần thiết để phát triển nguồn lực con người, có các bài:
“Suy nghĩ về xây dựng đội ngũ trí thức nước ta” - Tạp chí Cộng sản, số 41994, của GS, TS Phạm Tất Dong; “Phát triển giáo dục và đào tạo nhân tài
để thực hiện CNH, HĐH đất nước” - Tạp chí Cộng sản, số 1- 1997, của GS,


3

VS Nguyễn Văn Hiệu; “Suy ngẫm về tương lai đất nước” - Tạp chí Cộng sản,

số 5- 1997, của GS Hoàng Xuân Sính, v.v..
Ngoài các bài báo trên các tạp chí, còn có các ấn phẩm dưới dạng sách
như: “Vấn đề con người trong sự nghiệp CNH, HĐH” của GS, TSKH Phạm
Minh Hạc, Nxb CTQG, Hà Nội, 1996; “Bồi dưỡng và đào tạo lại đội ngũ
nhân lực trong điều kiện mới” của GS, TSKH Nguyễn Minh Đường; “Các giá
trị truyền thống và con người Việt Nam hiện nay” của GS Phan Huy Lê;
“Công cuộc đổi mới và định hướng giá trị của thanh niên hiện nay” của
TSKH Thái Duy Tuyên; “Về động lực của sự phát triển xã hội” của GS, TS
Lê Hữu Tầng, v.v.. Nói chung, đây là những nghiên cứu xã hội học thuộc
Chương trình khoa học - công nghệ cấp Nhà nước KX-07: “Con người Việt
Nam - mục tiêu và động lực của sự phát triển kinh tế - xã hội”, do GS, TSKH
Phạm Minh Hạc làm chủ nhiệm với sự tham gia của gần 300 nhà khoa học có
uy tín thuộc nhiều chuyên ngành khác nhau. Công trình nghiên cứu này đã
đưa ra được cái nhìn tổng thể mang tầm chiến lược về vấn đề con người trong
sự nghiệp CNH, HĐH. Mặc dù vậy, theo chính các nhà khoa học đã tham gia
chương trình này thì đây là vấn đề lớn, cần được tiếp tục nghiên cứu lâu dài
trên nhiều phương diện khác nhau nhằm phát huy cao nhất vai trò của yếu tố
con người cho sự phát triển kinh tế - xã hội.
Mặt khác, còn có những nghiên cứu đề cập đến những kinh nghiệm về
phát triển nguồn nhân lực, về sử dụng và phát huy yếu tố con người của một
số nước trong khu vực, có ý nghĩa tham khảo đối với nước ta. Đó là: “Phát
triển nguồn nhân lực - kinh nghiệm và thực tiễn nước ta”, Nxb CTQG, Hà
Nội, 1996 của TS Trần Văn Tùng - Lê Ái Lâm; “Chiến lược con người trong
“thần kỳ” kinh tế của Nhật Bản”, Nxb CTQG, Hà Nội, 1996 của TS Lưu
Ngọc Trịnh; “Hệ thống kích thích lao động ở các xí nghiệp lớn của Nhật
Bản”, Tạp chí Nghiên cứu kinh tế, số 218 của V. Khlưnốp; v.v..


4


Ngoài ra, gần đây đã bắt đầu có những luận án triết học nghiên cứu về
nguồn lực con người ở những khía cạnh khác nhau. Chẳng hạn, “Phát huy
nguồn lực thanh niên trong sự nghiệp CNH, HĐH ở Việt Nam hiện nay”Luận án TS triết học, Hà Nội, 1999, của Nguyễn Thị Tú Oanh. Công trình
nghiên cứu này đã phân tích vai trò và nhiệm vụ của thanh niên đối với sự
nghiệp CNH, HĐH ở nước ta; lý giải khả năng, triển vọng, phương hướng và
những giải pháp chủ yếu để phát triển nguồn lực thanh niên đáp ứng yêu cầu
CNH, HĐH đất nước.
Nhìn chung, các công trình nghiên cứu nêu trên đề cập đến con người ở
những khía cạnh khác nhau và từ các góc độ khác nhau: triết học, xã hội học,
tâm lý học, sử học, kinh tế học, .... Có thể nói rằng cho đến thời điểm này,
dưới góc độ triết học, nghiên cứu một cách có hệ thống về nguồn lực con
người với tất cả tiềm năng, hiện trạng, đặc điểm và sức mạnh của nó trong
điều kiện ngày nay, cùng với những giải pháp để khai thác, sử dụng và phát
triển có hiệu quả nguồn lực quan trọng này trong quá trình CNH, HĐH, đang
là vấn đề vừa cấp bách vừa cơ bản. Bởi thế, chúng tôi đặt cho mình mục đích
và nhiệm vụ nghiên cứu như sau.
3.Mục đích, nhiệm vụ, phạm vi nghiên cứu của luận án.
Mục đích của luận án là luận chứng một cách có hệ thống vị trí, vai trò và
đặc điểm của nguồn lực con người với tính cách là nguồn lực nội tại, cơ bản,
quyết định của sự nghiệp CNH, HĐH; đồng thời làm rõ một số hướng cơ bản
nhằm góp phần nâng cao hiệu quả khai thác, sử dụng và phát huy nguồn lực
con người ở nước ta.
Với mục đích trên, nhiệm vụ nghiên cứu của luận án là:
Thứ nhất, làm rõ bản chất, đặc điểm và tính tất yếu của CNH, HĐH ở
nước ta hiện nay.


5

Thứ hai, phân tích vai trò quyết định của nguồn lực con người và đặc

điểm của nó trong quan hệ so sánh với các nguồn lực khác đối với quá trình
CNH, HĐH. Phác thảo những năng lực và phẩm chất chủ yếu cần có của
người lao động, đặc biệt là phẩm chất trí tuệ mà quá trình CNH, HĐH đòi hỏi.
Thứ ba, phân tích và đánh giá nguồn lực con người ở nước ta hiện nay, từ
đó nêu ra một số giải pháp lớn nhằm khai thác và phát triển nguồn lực con
người đáp ứng yêu cầu CNH, HĐH đất nước.
Đây là một đề tài rộng nên luận án giới hạn ở mục đích và nhiệm vụ
nghiên cứu nêu trên. Trong từng vấn đề cụ thể, luận án cũng không thể đề cập
tất cả mọi khía cạnh mà chỉ tập trung vào các khía cạnh tác giả cho là quan
trọng nhất.
Luận án đứng trên góc độ chuyên ngành triết học nên không đi sâu vào
các chính sách, biện pháp cụ thể.


6

4. Cơ sở lý luận và phương pháp nghiên cứu.
Cơ sở lý luận của luận án là những quan điểm của C. Mác, Ph. Ăngghen,
V. L.Lênin và Hồ Chí Minh; các văn kiện của Đảng Cộng sản Việt Nam; tư
tưởng của một số nhà khoa học có liên quan đến nội dung được đề cập trong
luận án.
Về mặt phương pháp, tác giả sử dụng các phương pháp: phân tích và tổng
hợp, đối chiếu và so sánh, lôgic và lịch sử với tinh thần lý luận kết hợp với
thực tiễn, trên cơ sở phương pháp luận biện chứng duy vật.
5. Đóng góp về mặt khoa học của luận án.
- Làm rõ thêm các khái niệm “nguồn lực” và “nguồn lực con người”.
- Góp phần luận chứng một cách có hệ thống vai trò và đặc điểm của con
người với tính cách là nguồn lực cơ bản, quyết định sự nghiệp CNH, HĐH.
- Bước đầu nêu ra những năng lực và phẩm chất cần thiết của người lao
động trong thời kỳ CNH, HĐH ở nước ta.

- Nêu lên một số giải pháp nhằm góp phần nâng cao hiệu quả khai thác và
phát triển nguồn lực con người.
6. Ý nghĩa lý luận và thực tiễn của luận án.
Luận án có thể được dùng làm tài liệu tham khảo cho việc nghiên cứu,
giảng dạy và học tập, cũng như cho những ai quan tâm đến vấn đề này.
7. Kết cấu của luận án.
Luận án có 183 trang, gồm phần mở đầu, 3 chương với 8 tiết, kết luận và
danh mục tài liệu tham khảo.


7

Chương 1
BẢN CHẤT, ĐẶC ĐIỂM VÀ TÍNH TẤT YẾU CỦA
CÔNG NGHIỆP HÓA, HIỆN ĐẠI HÓA Ở NƯỚC TA HIỆN NAY

1.1. Khái lược quá trình công nghiệp hoá trên thế giới.
Công nghiệp hoá là quá trình chuyển biến mang tính qui luật từ xã hội
nông nghiệp lạc hậu sang xã hội công nghiệp văn minh. Quá trình chuyển
biến này diễn ra trước hết trong phương thức sản xuất và sau đó mở rộng sang
mọi lĩnh vực khác của đời sống xã hội. Được mở đầu ở nước Anh và bằng
cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ I cuối thế kỷ XVIII, quá trình công
nghiệp hoá lan toả sang các nước Tây Âu khác vào nửa đầu thế kỷ XIX và
tiếp tục mở rộng đến Bắc Mỹ, Đông Âu... và toàn thế giới suốt từ những cột
mốc nêu trên đến giai đoạn hiện nay. Lịch sử hàng trăm năm của quá trình
công nghiệp hoá thế giới phản ánh qua các mô hình, con đường, chiến lược...
khác nhau, nói lên những nỗ lực của từng quốc gia - dân tộc trong việc tìm lời
giải phù hợp nhất đối với hoàn cảnh, điều kiện cụ thể cho bài toán công
nghiệp hoá. Giới nghiên cứu đã nêu ra nhiều cách phân loại khác nhau đối với
các mô hình công nghiệp hoá. Song, dưới góc độ nhìn nhận một cách tổng

hợp, có thể nêu ra những mô hình công nghiệp hoá chủ yếu sau đây:
Mô hình công nghiệp hoá cổ điển;
Mô hình công nghiệp hoá thay thế nhập khẩu trước những năm 70 của
thế kỷ XX;
Mô hình công nghiệp hoá hướng xuất khẩu;
Mô hình công nghiệp hoá hỗn hợp theo hướng hội nhập quốc tế.
Mô hình công nghiệp hoá cổ điển
Lịch sử loài người, trên một ý nghĩa cơ bản, là lịch sử con người sáng
chế và sử dụng công nghệ để làm tăng thêm sức mạnh của mình với tính cách


8

là yếu tố quyết định của lực lượng sản xuất. Dựa vào công nghệ chăn nuôi và
trồng trọt, con người đã vượt qua trạng thái sản xuất săn bắt, hái lượm nguyên
thuỷ để quá độ sang nền văn minh nông nghiệp. Trải suốt hàng nghìn năm của
văn minh nông nghiệp, con người khai thác thiên nhiên một cách thụ động,
chủ yếu bằng lao động cơ bắp, thủ công, sức kéo của gia súc, sức nước và sức
gió trong thiên nhiên.
Đến tận thế kỷ XV, loài người mới có một số bước tiến về mặt kỹ thuật
sản xuất. Trong lĩnh vực nông nghiệp, đã áp dụng chế độ luân canh, cải tiến
kỹ thuật thuỷ lợi để cải tạo đất, du nhập các loài rau quả từ các vùng khác
nhau, thích nghi hoá các cây có sợi... Trong lĩnh vực công nghiệp, kỹ thuật dệt
sợi phát triển mạnh, nâng năng suất kéo sợi lên gấp 2 lần ở Pháp, Tây Ban
Nha... Trong kỹ thuật hàng hải, đã ứng dụng thành công nhiều tiến bộ quan
trọng về kết cấu của hệ thống lái tàu, buồm tàu và khí tài chạy tàu. Như vậy
là, ngay trong lòng chủ nghĩa kinh viện thời trung cổ, các khoa học và kỹ
thuật mang tính thực nghiệm vẫn nảy nở, tạo tiền đề cho sự ra đời của phong
trào Phục hưng thế kỷ XVI và cuộc cách mạng khoa học thế kỷ XVII.
Trong giai đoạn từ phong trào Phục hưng (thế kỷ XVI) đến thế kỷ

XVIII, khoa học và kỹ thuật đều có nhiều tiến bộ bước ngoặt. Tuy nhiên, kỹ
thuật và khoa học chưa có sự phát triển thống nhất; và khoa học cũng mới chỉ
nhằm giải thích, cải tiến các kỹ thuật cũ. Đến giữa thế kỷ XVIII, do nhu cầu
mở rộng thị trường thế giới và việc truyền bá những tư tưởng mới của các nhà
Khai sáng, các thế lực tư bản Tây Âu đã thực hiện nhiều cải cách kinh tế - xã
hội tạo điều kiện thuận lợi cho sự xuất hiện những bước ngoặt mang tính cách
mạng thực sự về kỹ thuật, dẫn đến cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ nhất,
đầu tiên diễn ra ở Anh cuối thế kỷ XVIII, rồi sau đó lan sang các nước khác
vào nửa đầu thế kỷ XIX. Cuộc cách mạng này đã thay thế hệ thống kỹ thuật
cũ có tính truyền thống, chủ yếu dựa vào gỗ, sức cơ bắp, sức nước và sức kéo


9

của động vật, bằng một hệ thống kỹ thuật mới với nguồn động lực mới là máy
hơi nước và nguồn nguyên, vật liệu mới là than đá và sắt; đưa nền sản xuất từ
công trường thủ công lên nền sản xuất đại cơ khí. Nhờ vậy, các ngành công
nghiệp đã phát triển nhanh chóng, tạo nên xung lực phát triển của toàn bộ nền
kinh tế. Đây là môi trường khoa học - kỹ thuật mà ở đó mô hình công nghiệp
hoá cổ điển được khai sinh.
Từ cuối thế kỷ XVIII trở đi, mô hình công nghiệp hoá cổ điển được
vận động trong điều kiện của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ nhất với
những bước tiến mạnh mẽ về kỹ thuật. Việc cải tiến máy hơi nước thành tua
bin nước đã nâng hiệu suất áp lực từ 20% lên tới 80%. Sự ra đời của các máy
công cụ có độ chính xác cao với kỹ thuật chế tạo bánh xe răng đã cải tiến sâu sắc
hệ thống truyền lực. Những phát minh kỹ thuật điện báo, viễn dương, đường sắt
đã tạo ra một cuộc cách mạng thật sự trên lĩnh vực giao thông vận tải. Tính từ
năm 1825 đến năm 1870, số lượng đường sắt ở châu Âu đã tăng 4 lần, ở Mỹ
tăng 6 lần.
Đến nửa sau của thế kỷ XIX, mô hình công nghiệp hoá cổ điển ở Anh

và các nước châu Âu - Bắc Mỹ được tiếp tục thúc đẩy bởi cuộc cách mạng
công nghiệp lần thứ hai, với việc sử dụng những thành tựu của cuộc cách
mạng khoa học - kỹ thuật. Để thay thế máy hơi nước và than đá đã cạn kiệt
tiềm năng trong hệ thống kỹ thuật, động cơ đốt trong và dầu mỏ đã được áp
dụng như những nhân tố cơ bản của hệ thống kỹ thuật mới. Với sự sáng chế ra
máy phát điện một chiều (1869), máy phát điện xoay chiều (1877), động cơ
điện (1873), máy biến thế (1881)..., điện năng được phát triển và sử dụng
rộng rãi trên thế giới một cách nhanh chóng.
Mặc dù đã được sử dụng từ thời cổ đại, nhưng chỉ từ cuối thế kỷ XIX,
dầu lửa mới trở thành nguyên liệu phổ biến cho sản xuất công nghiệp, làm


10

xuất hiện mau lẹ nhiều ngành công nghiệp mới, điển hình là các ngành sản
xuất ôtô và máy bay. Ngành luyện kim, nhờ sử dụng kỹ thuật điện phân, đã
sản xuất được khối lượng lớn nhôm và hợp kim nhôm. Ngành hoá chất, trên
cơ sở phát triển các kỹ thuật điện phân, điện hoá và các quy trình công nghệ
tổng hợp hữu cơ, đã tạo ra nhiều vật liệu nhân tạo phục vụ sản xuất và đời
sống. Ngành cơ khí chế tạo đã làm ra nhiều máy công cụ bán tự động và tự
động, nâng nền sản xuất lên trình độ điện - cơ khí hoá với năng suất và độ
chính xác ngày càng cao... Kết quả là, quá trình công nghiệp hoá theo mô
hình cổ điển đã đưa nước Anh nói riêng và các nước châu Âu - Bắc Mỹ nói
chung lên vị trí chi phối toàn bộ nền công nghiệp và kinh tế thế giới.
Với tư cách là sự khởi đầu của quá trình công nghiệp hoá trên thế giới,
mô hình cổ điển của các nước châu Âu - Bắc Mỹ (điển hình là nước Anh) diễn
ra trong khoảng thời gian tương đối dài, do số lượng các phát minh, sáng chế
hồi đó không nhiều, mà thời gian nghiên cứu ứng dụng, triển khai lại khá lâu.
Lịch sử hơn 200 năm của mô hình công nghiệp hoá cổ điển này được đánh
dấu bằng các cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ nhất và thứ hai, làm các

lực lượng sản xuất thế giới phát triển mạnh mẽ và các quan hệ sản xuất tư bản
chủ nghĩa được xác lập ngày càng vững chắc, rộng rãi.
Mô hình công nghiệp hoá cổ điển ra đời và vận động trong môi trường
văn hoá châu Âu từ thời kỳ Phục hưng và thế kỷ Khai sáng. Về mặt văn hoá,
tư tưởng, phong trào Phục hưng đòi hỏi giải phóng con người khỏi sự khống
chế của thần quyền, những trói buộc của chủ nghĩa kinh viện, coi trọng thực
nghiệm khoa học, đề cao các giá trị nhân văn, tôn trọng tự do tư tưởng, tự do
kinh doanh. Những tư duy tiến bộ này được tiếp tục phát huy trong thế kỷ
Khai sáng, cổ vũ vai trò của lý trí và đầu óc thực tiễn, tôn trọng tự do cá nhân.
Nhiều giá trị văn hoá có tác động sâu sắc mang ý nghĩa mở đường cho quá
trình công nghiệp hoá Âu - Mỹ.


11

Quá trình thực hiện mô hình công nghiệp hoá cổ điển gắn liền với quá
trình xác lập và củng cố phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa. Nền đại công
nghiệp cơ khí lúc đó ra đời đòi hỏi phải có hai tiền đề. Một là, sự phân công
lao động trong nội bộ một đơn vị sản xuất và trên phạm vi toàn xã hội. Hai là,
sự thay đổi của chế độ tư hữu, từ tư hữu nông nô phong kiến sang tư hữu tư
bản chủ nghĩa đối với các tư liệu sản xuất. Chế độ phân công lao động mới
dẫn đến quá trình chuyên môn hoá và tạo cơ sở thuận lợi cho việc ứng dụng
máy móc công nghiệp vào sản xuất. Chế độ sở hữu mới dẫn đến quá trình tích
tụ, tập trung tư bản và hình thành thị trường lao động với sức lao động làm
thuê trở thành hàng hoá.
Nhìn từ góc độ các quan hệ sản xuất, mô hình công nghiệp hoá cổ điển
Âu - Mỹ được bắt đầu bằng quá trình tích luỹ nguyên thuỷ tư bản chủ nghĩa
đầy máu và nước mắt của những người lao động. Điển hình là ở nước Anh,
nông dân bị đuổi khỏi đồng ruộng nhường chỗ cho các cánh đồng cỏ nuôi cừu
và trở thành những người phải bán sức lao động với giá rẻ mạt tại các công

trường thủ công và công xưởng công nghiệp. Mức độ bóc lột lao động ngày
ấy là rất cao và cực kỳ tàn bạo.
Mục tiêu ưu tiên hàng đầu, thậm chí được tuyệt đối hoá, của mô hình
công nghiệp hoá cổ điển là tăng trưởng kinh tế, coi lợi nhuận là động lực duy
nhất của sự phát triển. Bị quy định bởi các điều kiện cụ thể của thời đại như:
cơ chế thị trường mới hình thành, hiệu quả điều tiết kinh tế của nhà nước tư
sản còn thấp, quá trình phát minh và ứng dụng khoa học - kỹ thuật còn chậm,
thương mại quốc tế còn hạn chế..., nên tốc độ tăng trưởng kinh tế của Anh và
các nước Âu - Mỹ khác trước thế kỷ XX chỉ đạt bình quân dưới 2%/ năm.
Trong hoàn cảnh này, con đường tích luỹ vốn chủ yếu cho công nghiệp hoá
mà chủ nghĩa tư bản sử dụng là giảm tiền lương của người lao động và rũ bỏ
trách nhiệm giải quyết các vấn đề xã hội. Như một hệ quả tất yếu, mô hình


12

công nghiệp hoá cổ điển đã mang trong mình một đặc trưng là tăng trưởng
thấp và bất công xã hội cao, dẫn đến nghịch lý là kinh tế càng tăng trưởng thì
xã hội càng thoái triển. Trong nhiều thế kỷ, nhân loại đã phải trả giá đắt cho
mô hình công nghiệp hoá cổ điển này.
Mặt khác, để tích tụ vốn cho công nghiệp hoá, các quốc gia châu Âu
còn phát động hàng loạt cuộc chiến tranh xâm chiếm thuộc địa châu Á, châu
Phi và châu Mỹ nhằm chiếm đoạt tài nguyên, sức lao động rẻ mạt và thị
trường rộng lớn. Mỗi thành tựu của văn minh vật chất ở châu Âu thực dân đều
được trả với cái giá của sự xâm lược nô dịch, thống trị các dân tộc thuộc địa.
Nghịch lý này báo hiệu từ rất sớm hạn chế không thể khắc phục của mô hình
công nghiệp hoá cổ điển.
Tóm lại, mô hình công nghiệp hoá cổ điển, mà nước Anh mở đầu,
được áp dụng phổ biến ở các nước tư bản phát triển châu Âu và châu Mỹ từ
thế kỷ XVIII đến cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX. Vận động trên cơ sở hai

cuộc cách mạng công nghiệp, mô hình này đã đưa lực lượng sản xuất lên trình
độ phát triển vượt bậc, lớn hơn toàn bộ các giai đoạn trước cộng lại, như C.
Mác và F. Engen đánh giá. Mặt khác, do được thực hiện trong điều kiện chủ
nghĩa tư bản, chủ nghĩa thực dân, mô hình công nghiệp hoá cổ điển chứa
đựng trong bản thân nó nhiều hạn chế không thể vượt qua. Thế giới của thế kỷ
XX, nhất là các nước đang phát triển, phải tìm kiếm các mô hình công nghiệp
hoá phù hợp và tiến bộ hơn.
Mô hình công nghiệp hoá thay thế nhập khẩu
Với tính cách là một sự lựa chọn chiến lược, mô hình công nghiệp hoá
hướng nội thay thế nhập khẩu xuất hiện vào những thập niên 50, 60 ở các
nước đang phát triển. Vào thời điểm này, cuộc cách mạng giải phóng dân tộc
được dấy lên thành những cao trào ở nhiều khu vực trên thế giới, làm hình


13

thành trên một trăm quốc gia độc lập. Nền độc lập về chính trị thì đã được
thực hiện, nhưng về mặt kinh tế, các quốc gia này tiếp tục bị lệ thuộc vào các
chính quốc thông qua hàng loạt biện pháp của chủ nghĩa thực dân mới. Mục
tiêu giành độc lập về kinh tế được đặt ra như một đòi hỏi bức bách và là con
đường sinh tồn cho tất thảy các quốc gia thuộc thế giới thứ ba đang tràn ngập
không khí tiến công cách mạng. Mô hình công nghiệp hoá hướng nội thay thế
nhập khẩu ra đời và được nhìn nhận như phương án duy nhất đúng đắn của
các nước đang phát triển nhằm xây dựng một nền kinh tế đủ khả năng tự đảm
bảo hầu hết các nhu cầu trong nước, đồng thời để tránh sự lệ thuộc vào bên
ngoài.
Mô hình công nghiệp hoá hướng nội thay thế nhập khẩu có một số đặc
trưng cơ bản. Về mặt cơ cấu ngành kinh tế, mô hình này chủ trương xác lập
một nền công nghiệp hoàn chỉnh, đồng bộ, trong đó không thể thiếu những
ngành thiết yếu như năng lượng, luyện kim, cơ khí, hoá chất... Về mặt cơ chế,

chính sách, mô hình này đòi hỏi phải có hệ thống chính sách bảo hộ thị
trường trong nước nghiêm ngặt, hàng rào thuế quan cao và phi thuế quan chặt
chẽ..., thậm chí cả phong trào bài trừ hàng ngoại. Về cơ cấu thành phần kinh
tế, mô hình công nghiệp hoá hướng nội thay thế nhập khẩu đã đưa kinh tế
quốc doanh tới vai trò chủ đạo và vị trí độc tôn. Nhà nước đã huy động một tỷ
lệ rất lớn của ngân sách nhà nước để xây dựng hệ thống các doanh nghiệp nhà
nước như đội quân chủ lực của kinh tế quốc doanh. Về mặt tài chính - tiền tệ
vĩ mô, mô hình này yêu cầu duy trì tỷ giá ngoại hối cố định nhằm tạo giá cao
cho nội tệ; mức lãi suất thấp để trợ giúp các doanh nghiệp nhà nước; thực
hiện chính sách bao cấp rộng rãi; tiến hành trao đổi bằng hiện vật mang tính
cấp - phát, nhà nước kiểm soát chặt chẽ giá cả và độc quyền ngoại thương.


14

Mô hình công nghiệp hoá hướng nội thay thế nhập khẩu được thực
hiện trong vòng 2 - 3 thập kỷ ở nhiều nước Á, Phi, Mỹ La tinh. Nó đã tạo ra
sự thay đổi khá sâu sắc đối với lực lượng sản xuất ở các quốc gia này.
Trong những năm 60, tốc độ tăng trưởng trung bình hàng năm của
những nước đang phát triển đạt 6% và 5% ở thập kỷ 70. Những chỉ số tăng
trưởng này cũng bao hàm sự phát triển của khu vực công nghiệp đã biến đổi
các cơ cấu sản xuất - xã hội ở nhiều nước Á, Phi, Mỹ La tinh. Cơ cấu kinh tế
của các nước đang phát triển ở thập kỷ 60 là: 21% công nghiệp, 32% nông
nghiệp và 47% xây dựng - dịch vụ, thì đến thập kỷ 80 biến đổi thành 34%
công nghiệp, 16% nông nghiệp và 50% xây dựng - dịch vụ [2, 62]. Những
biến đổi vừa nêu của công nghiệp đều được các nhà nước khuyến khích thông
qua việc áp dụng những biện pháp khác nhau về kế hoạch hoá, bảo hộ mậu
dịch và cung cấp tài chính. Ở phần lớn các nước đang phát triển, sự biến đổi
ấy thể hiện một quá trình gia tăng nhanh chóng các ngành chế tạo hàng tiêu
dùng phục vụ thị trường nội địa. Riêng đối với một số nước (Braxin, Trung

Quốc, Ấn Độ...), quá trình công nghiệp hoá đã thúc đẩy các ngành chế tạo
thiết bị phát triển và trở thành những nước cạnh tranh cần phải tính đến trên
thị trường thế giới về các sản phẩm chế tạo. Một số quốc gia xây dựng khá
thành công một nền kinh tế tương đối "độc lập, tự chủ", điển hình là Cộng hoà
Dân chủ Nhân dân Triều Tiên. Với ngọn cờ "Chủ thể", Triều Tiên đã tạo dựng
một nền công nghiệp tự đảm bảo 93% nhu cầu trong nước với cơ cấu khá toàn
diện về ngành nghề: ôtô, máy kéo, luyện kim, cơ khí, hoá chất, năng lượng...
Bên cạnh những thành tựu không thể phủ nhận, quá trình công nghiệp
hoá ở các nước đang phát triển theo hướng thay thế nhập khẩu đã bộc lộ nhiều
hạn chế, để lại hậu quả kinh tế - xã hội nặng nề. Hạn chế lớn hàng đầu là sự
suy giảm khả năng xuất khẩu. Nguồn nông sản, khoáng sản, nguyên liệu, vật
liệu..., đã từng là thế mạnh ngoại thương trước kia, nay đã phải dành cho các


15

ngành công nghiệp trong nước. Do sự khan hiếm ngoại tệ, các nước đang
phát triển gặp khó khăn chồng chất trong việc nhập khẩu thiết bị, công
nghệ tiên tiến và thanh toán nợ nước ngoài. Hậu quả tất yếu phải xảy ra là
sức cạnh tranh của hàng hoá của các nước đang phát triển giảm mạnh trên
thị trường thế giới và khủng hoảng nợ nước ngoài. Mặt khác, được thành
lập tràn lan, ồ ạt và bao cấp một cách vô nguyên tắc, phần lớn các doanh
nghiệp nhà nước rơi vào tình trạng thua lỗ, làm tiêu tan những nguồn vốn
khổng lồ và làm tê liệt nhiều lĩnh vực kinh tế then chốt của quốc gia.
Do vậy, nền kinh tế của hầu hết các nước đang phát triển lâm vào tình
cảnh vừa cô lập, vừa lệ thuộc đối với kinh tế thế giới, đặc biệt là nền kinh tế
của các nước phát triển. Hàng loạt quốc gia đang phát triển bị biến thành
những con nợ không có khả năng thanh toán và ngày càng bị trói chặt vào uy
quyền kinh tế - tài chính của các nước phát triển. Mục tiêu và định hướng
chính trị về tự chủ, độc lập của mô hình công nghiệp hoá hướng nội thay thế

nhập khẩu tỏ ra là kém khả thi. Hạn chế trong thiết kế mô hình đã được thực
tế khảo nghiệm.
Những hạn chế, khó khăn của mô hình công nghiệp hoá hướng nội
thay thế nhập khẩu nêu trên đã đặt ra nhu cầu về một mô hình công nghiệp
hoá phù hợp hơn, tích cực và hiệu quả hơn cho các nước đang phát triển. Vào
những năm 70, một sự chuyển hướng quan trọng đã được thực hiện trong tiến
trình công nghiệp hoá: từ mô hình hướng nội thay thế nhập khẩu chuyển sang
mô hình hướng ngoại, kích thích xuất khẩu.
Mô hình công nghiệp hoá hướng xuất khẩu
Ngay từ đầu thế kỷ XIX, nhà kinh tế chính trị học D. Ricardo đã đưa ra
lý thuyết lợi thế so sánh với nội dung cốt lõi là phát triển các ngành sản xuất
hàng hoá chủ yếu phục vụ cho xuất khẩu trên cơ sở khai thác lợi thế so sánh


16

của mỗi quốc gia. Tư tưởng chiến lược của Ricardo đã trở thành một trong
những nền móng lý luận của mô hình công nghiệp hoá hướng xuất khẩu xuất
hiện vào những năm 70 của thế kỷ này.
Đứng trước thực trạng đầy khó khăn, trở ngại của công cuộc công nghiệp
hoá ở các nước đang phát triển, Liên hợp quốc thành lập Nhóm cố vấn nghiên
cứu chiến lược phát triển cho thập kỷ 70. Nhóm công tác này đã soạn thảo Chiến
lược công nghiệp hoá hướng xuất khẩu với những nội dung chủ yếu sau đây:
Một là, miễn hoàn toàn thuế xuất khẩu, miễn thuế nhập khẩu cho các
ngành phục vụ xuất khẩu và giảm thuế nhập khẩu nói chung. Biện pháp này
đã có tác động quan trọng làm cho giá cả hàng hoá xuất khẩu giảm rõ rệt, tăng
lợi thế cạnh tranh của các hàng hoá xuất khẩu. Ban đầu, các nước chỉ miễn
giảm thuế nhập khẩu đối với các mặt hàng phục vụ xuất khẩu; nhưng việc duy
trì hàng rào thuế nhập khẩu như vậy đã ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường
giá cả và không kích thích việc đổi mới công nghệ của các ngành sản xuất

trong nước. Do vậy, hàng rào thuế nhập khẩu từng bước được dỡ bỏ ở phần
lớn các quốc gia trên con đường công nghiệp hoá: mức thuế nhập khẩu bình
quân chỉ còn khoảng 3%. Mặt khác, các hàng rào phi thuế quan như côta, hạn
ngạch, giấy phép xuất khẩu... cũng được dần dần bãi bỏ.
Hai là, áp dụng những chính sách kinh tế vĩ mô theo hướng khuyến
khích xuất khẩu. Những chính sách này bao gồm mở rộng cơ chế thị trường
mở, hạ giá đồng tiền thấp hơn mức thực tế, tăng cường tín dụng thương mại,
tăng đầu tư từ nguồn ngân sách nhà nước cho các cơ sở hạ tầng phục vụ xuất
khẩu, khuyến khích thành phần kinh tế tư nhân... Với nội tệ rẻ hơn mức thực
tế 10-15%, nhiều nước đang phát triển đã xuất khẩu được khối lượng lớn hàng
hoá với giá cả thấp; đã tạo điều kiện cho các ngành sản xuất phục vụ xuất
khẩu được vay vốn dễ dàng, ưu đãi, lại có đội ngũ lao động với mức lương
tương đối thấp. Tác động tổng hoà của các chính sách trên là đã tạo ra khả


17

năng cạnh tranh khá thuận lợi cho các doanh nghiệp trong nước trên thị
trường quốc tế.
Ba là, tăng cường thu hút các nguồn vốn nước ngoài phục vụ xuất
khẩu. Các nguồn vốn đó là: vốn viện trợ phát triển chính thức (ODA), vốn
đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), vốn đầu tư gián tiếp... Nhìn chung, các
nước đang phát triển đều xây dựng và cải thiện môi trường đầu tư nhằm thu
hút tối đa 3 nguồn vốn cơ bản nêu trên. Nguồn vốn 0DA được thu hút để xây
dựng các cơ sở hạ tầng trực tiếp phục vụ xuất khẩu. Các nguồn vốn FDI và
đầu tư gián tiếp được thu hút nhằm phục vụ các lĩnh vực sản xuất - kinh
doanh hướng xuất khẩu. Mặc dù cơ cấu loại hình vốn nước ngoài được thu
hút vào từng nước, từng khu vực đang phát triển có khác nhau, nhưng nhìn
chung, nguồn vốn FDI được xem là chìa khoá của quá trình công nghiệp hoá.
Sở dĩ như vậy là vì nguồn vốn này được đưa vào các nước đang phát triển

thông qua hoạt động của các công ty xuyên quốc gia. Các công ty này vừa
mang vốn, vừa mang công nghệ tiên tiến và kinh nghiệm tổ chức - quản lý sản
xuất - kinh doanh hiện đại vào các nước đang phát triển, đồng thời vừa có
trách nhiệm bao tiêu, tìm kiếm thị trường tiêu thụ các sản phẩm. Các nước
Đông Á và một số nước Nam Mỹ là những nền kinh tế công nghiệp hoá
hướng xuất khẩu thu hút khối lượng vốn nước ngoài lớn nhất thế giới, hàng
năm đạt con số 50 - 70 tỷ USD đối với mỗi khu vực.
Bốn là, thành lập các khu chế xuất, các đặc khu kinh tế, các khu mậu
dịch tự do. Từ các xuất phát điểm tiền hoặc đầu tư bản chủ nghĩa, các nước
đang phát triển bước vào quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá toàn diện.
Song họ lại không thể có những bước đi đồng bộ, đồng đều ở mọi vùng lãnh
thổ quốc gia. Bởi vậy, giải pháp chung khá năng động được áp dụng là mỗi
nước thành lập một hoặc vài khu chế xuất, đặc khu kinh tế, khu vực mậu dịch
tự do... Ở đây có thể chế hành chính, kinh tế - xã hội hiện đại; có cơ sở hạ


18

tầng ngang tầm trình độ quốc tế; có nguồn nhân lực trình độ cao... Đây là
những thực thể kinh tế có tính quốc tế trong một quốc gia có chủ quyền; một
khu kinh tế hiện đại trong một nền kinh tế kém phát triển; là những đầu tàu lôi
kéo con tàu kinh tế đất nước chuyển bánh. Thực tế đã chứng minh khả năng
thu hút vốn, thu hút công nghệ tiên tiến và phát triển các hoạt động kinh
doanh xuất khẩu rất dồi dào của các khu chế xuất, đặc khu kinh tế và mậu
dịch tự do. Chúng là biểu trưng không thể thiếu của các quá trình công nghiệp
hoá hướng xuất khẩu.
Mô hình công nghiệp hoá hướng xuất khẩu được triển khai ở nhiều
nước đang phát triển và đã gặt hái được những thành công, nổi bật là một số
nền kinh tế Đông Á như Hàn Quốc, Đài Loan, Hồng Công, Xingapo và một
số nước Mỹ La tinh như Mêhicô, Braxin, Achentina, Chilê... Những quốc gia

và vùng lãnh thổ này trong thời gian khoảng 30 năm đã hoàn thành cơ bản
công cuộc công nghiệp hoá, duy trì tốc độ tăng trưởng 7-10%/năm, phát triển
mạnh mẽ các ngành công nghiệp chế biến, các ngành dịch vụ hướng xuất
khẩu, cải thiện cơ cấu mặt hàng xuất khẩu, trong đó sản phẩm công nghiệp
chế biến chiếm trên 80% kim ngạch xuất khẩu và nâng nền sản xuất xã hội tới
một trình độ công nghệ tương đối hiện đại. Những quốc gia và vùng lãnh thổ
nêu trên trở thành những nước công nghiệp hoá mới (NICs) hoặc những nền
kinh tế công nghiệp hoá mới (NIE). Định hướng xuất khẩu của mô hình công
nghiệp hoá ở đây để lại một bài học quan trọng nhất là: trên cơ sở tận dụng có
hiệu quả mọi nguồn ngoại lực (vốn, công nghệ, thị trường...), khai thác các
thành tựu của cuộc cách mạng khoa học - công nghệ hiện đại, các nước kém
phát triển có khả năng rút ngắn đáng kể quá trình công nghiệp hoá từ vài trăm
năm trước kia xuống còn vài chục năm hiện nay.
Mô hình công nghiệp hoá hướng xuất khẩu tỏ ra có sức hấp dẫn lớn,
lôi cuốn nhiều quốc gia đang phát triển vào xu hướng mở cửa, cải cách, tự do


19

hoá thương mại và liên kết khu vực, hội nhập quốc tế. Trên một ý nghĩa nhất
định, có thể đánh giá mô hình này là sản phẩm lịch sử của nền kinh tế thế giới
trong bối cảnh quốc tế hoá, khu vực hoá, toàn cầu hoá mạnh mẽ và sự phát
triển như vũ bão của cuộc cách mạng khoa học - công nghệ hiện đại từ vài
thập kỷ nay. Tuy nhiên, mô hình công nghiệp hoá hướng xuất khẩu cũng bộc
lộ một số hạn chế như: đặt nền kinh tế quốc gia vào sự phụ thuộc quá nhạy
cảm đối với các yếu tố bên ngoài; tạo ra sự bất cập, quá tải của các ngành dịch
vụ, cơ sở hạ tầng, thể chế hành chính, kinh tế - xã hội; và làm trầm trọng thêm
tình trạng bất bình đẳng trong các quan hệ kinh tế quốc tế. Cuộc khủng hoảng
tài chính tiền tệ (ban đầu) và kinh tế - xã hội (sau đó) của các nước Đông
Nam Á từ tháng 7/1997 đến nay phản ánh rất rõ những hạn chế của mô hình

công nghiệp hoá hướng xuất khẩu. Nhu cầu phát triển của từng quốc gia đang
phát triển và những xu thế thời đại đặt ra đòi hỏi và khả năng về một mô hình
công nghiệp hoá phù hợp hơn, kết hợp hài hoà định hướng xuất khẩu và định
hướng thay thế nhập khẩu trong hội nhập quốc tế.
Mô hình công nghiệp hoá hỗn hợp theo hướng hội nhập quốc tế
Với những tiền đề vật chất do cuộc cách mạng khoa học - công nghệ
hiện đại tạo ra và dưới sự tác động của các biến cố chính trị toàn cầu (chiến
tranh lạnh kết thúc, đối đầu Đông - Tây được thay thế bằng các quan hệ quốc
tế đa phương rộng mở...), thế giới ngày càng trở thành một thị trường nhất thể
hoá. Chiến lược công nghiệp hoá của các nước đang phát triển nói riêng và
đường hướng phát triển của các quốc gia nói chung đã được điều chỉnh theo
hướng hỗn hợp giữa thay thế nhập khẩu và đẩy mạnh xuất khẩu, mở rộng
quan hệ kinh tế quốc tế, nhằm khai thác tổng hợp nguồn lực bên trong và
nguồn lực bên ngoài, sức mạnh dân tộc và sức mạnh thời đại, bảo đảm hội
nhập quốc tế một cách chủ động và có hiệu quả.


20

Nhờ đẩy mạnh xuất khẩu, nền kinh tế quốc gia có thêm nguồn ngoại
tệ, thúc đẩy cạnh tranh nội địa, khích lệ tiến bộ kỹ thuật, điều chỉnh chu kỳ cơ
cấu đầu tư từ lợi thế so sánh dài hạn... Tuy nhiên, khai thác những lợi thế
nhằm đẩy mạnh xuất khẩu không phải là loại trừ khả năng công nghiệp hoá
bằng hàng nhập khẩu. Tiến bộ nông nghiệp và phát triển xuất khẩu, sẽ tạo ra
một nhu cầu mạnh hơn về sản phẩm công nghiệp. Ở giai đoạn đầu của quá
trình phát triển, nhu cầu này về cơ bản được thoả mãn nhờ nhập khẩu. Ở các
giai đoạn tiếp theo không thể duy trì khối lượng nhập khẩu cao như vậy, cho
nên thay thế nhập khẩu tất yếu trở thành một mặt hữu cơ của mô hình công
nghiệp hoá. Mặt khác, không một nước đang phát triển nào có thể có những
mặt hàng chế biến để xuất khẩu đạt tiêu chuẩn quốc tế nếu không được trang

bị trước máy móc, thiết bị, do đó nhập khẩu những thiết bị, máy móc này
hoàn toàn là một sự cần thiết. Như vậy, chính sách thay thế nhập khẩu trong
chiến lược công nghiệp hoá hiện đại cần phải được đổi mới. Nhất thiết phải từ
bỏ những sự bảo hộ thường xuyên và tràn lan đối với các sản phẩm trong
nước. Bảo hộ phải làm cho sản xuất của quốc gia phát triển, từng bước hội
nhập và vươn lên trình độ quốc tế.
Cho đến nay, mô hình công nghiệp hoá theo hướng hội nhập quốc tế
vẫn đang trong quá trình hình thành, khảo nghiệm. Bước đầu, có thể nêu lên
một số đặc điểm sau đây:
Thứ nhất, xây dựng cơ cấu công nghiệp theo hướng hội nhập quốc tế
bao gồm những ngành công nghiệp chế biến xuất khẩu và dịch vụ xuất khẩu.
Cơ cấu công nghiệp hội nhập không phải là cơ cấu hoàn chỉnh đồng bộ các
ngành sản xuất, mà là cơ cấu có lựa chọn một số ngành hội tụ tối đa các lợi
thế so sánh (ngay cả với các quốc gia lớn). Cơ cấu công nghiệp hội nhập là
một cơ cấu hướng ngoại, chấp nhận cạnh tranh quốc tế không chỉ trên thị trường
ngoài nước mà cả ở thị trường trong nước, đồng thời tận dụng đến mức tối đa lợi


21

thế địa - kinh tế trong chu trình sản xuất - kinh doanh. Cơ cấu công nghiệp hội
nhập còn có tính chất linh hoạt và mềm dẻo trong chủng loại, mẫu mã, hình thức
sản phẩm, trong cơ chế tổ chức và quản lý... Cơ cấu công nghiệp hội nhập cũng
là cơ cấu mở, luôn luôn duy trì khả năng thu nhận mọi nguồn lực phát triển mới,
từ vốn, công nghệ, nhân lực đến các giá trị văn hoá, xã hội...
Thứ hai, xây dựng thể chế kinh tế - xã hội theo hướng hội nhập quốc
tế, với hai tính chất: mở và phù hợp với các định chế toàn cầu. Mặc dù trong
thể chế kinh tế - xã hội của từng quốc gia luôn luôn chứa đựng những nội
dung riêng biệt, ví dụ, mức độ, hình thức, mục tiêu của sự điều tiết của Nhà
nước đối với các quá trình kinh tế - xã hội..., nhưng không thể không đảm bảo

tính mở để dung nạp những đối tác kinh tế mà trong thể chế của họ có nhiều
nội dung dị biệt. Ngoài ra, tuy mức độ có thể khác nhau, nhưng tất cả các
quốc gia trên thế giới hiện đại đều phải tuân thủ những định chế kinh tế toàn
cầu trong quá trình công nghiệp hoá và phát triển (WTO, IMF, WB...).
Thứ ba, xây dựng nguồn nhân lực hội nhập quốc tế. Toàn bộ kết cấu
nguồn nhân lực phải phấn đấu đạt tiêu chuẩn quốc tế, từ các nhà hoạch định
chiến lược, chính sách, đến các nhà quản lý, đội ngũ cán bộ khoa học - công
nghệ, doanh nghiệp, công nhân... Con đường đi đến nguồn nhân lực hội nhập
quốc tế đòi hỏi tất yếu phải tăng mạnh đầu tư cho giáo dục - đào tạo, đồng
thời mở rộng hợp tác quốc tế trong đào tạo và sử dụng nguồn nhân lực.
Trong những năm vừa qua, mô hình công nghiệp hoá hỗn hợp theo
hướng hội nhập quốc tế gặp một số khó khăn, nhưng nó vẫn tỏ ra là sự lựa
chọn chiến lược duy nhất đúng đắn trong kỷ nguyên toàn cầu hóa đương đại
(số nước thực hiện mô hình này đang ngày càng tăng lên, nổi bật là các nước
Đông - Nam - Á). Lộ trình gập ghềnh với những thăng trầm ban đầu của mô
hình này một lần nữa chứng tỏ rằng bất cứ mô hình công nghiệp hoá nào cũng


22

đều là sản phẩm của một giai đoạn lịch sử: nó phản ánh đòi hỏi, tiềm năng
thực tế và cũng tiềm ẩn những giới hạn lịch sử.
Như vậy, vấn đề đặt ra cho mỗi quốc gia trên con đường công nghiệp
hoá là nắm bắt kịp thời xu thế khách quan, khai thác tối đa những thời cơ,
thuận lợi và hạn chế đến mức thấp nhất những bất lợi, khó khăn. Lịch sử đa
mô hình của tiến trình công nghiệp hoá trên thế giới tự nó đã hàm chứa sự
biện chứng sâu sắc giữa cái khách quan và cái chủ quan, đồng thời khẳng định
tính tất yếu của quá trình công nghiệp hoá.

1.2. Công nghiệp hoá, hiện đại hoá - quá trình tất yếu ở nước ta

hiện nay.
Nhận thức được tính quy luật và vai trò của công nghiệp hoá trong tiến
trình vận động và phát triển của các nước, từ những năm 60, nước ta đã tiến
hành công nghiệp hoá theo đường lối Đại hội lần thứ III của Đảng đề ra mang
tên "công nghiệp hoá xã hội chủ nghĩa". Trong thời gian hơn một phần tư thế
kỷ, "công nghiệp hoá xã hội chủ nghĩa" được đặt đối lập hoàn toàn với "công
nghiệp hoá tư bản chủ nghĩa" và được coi là nhiệm vụ trung tâm trong thời kỳ
quá độ lên chủ nghĩa xã hội, với công thức "ưu tiên phát triển công nghiệp
nặng một cách hợp lý, đồng thời ra sức phát triển nông nghiệp và công nghiệp
nhẹ... nhằm xây dựng cơ sở vật chất - kỹ thuật cho chủ nghĩa xã hội". Dù có
nói tới chú trọng công nghiệp nhẹ và nông nghiệp, nhưng trên thực tế bao giờ
công nghiệp nặng, mà trọng tâm là ngành cơ khí chế tạo, cũng được coi như
một tiền đề. Giở bất cứ cuốn sách giáo khoa kinh tế chính trị học nào ra, cũng
dễ dàng nhận thấy điều này. Đường lối công nghiệp hoá đó đã mắc phải
những sai lầm cả về mục tiêu, nội dung và cách thức tiến hành, do nhận thức
giáo điều theo mô hình công nghiệp hoá xã hội chủ nghĩa của Liên Xô (trước
đây), không xuất phát từ đặc điểm, thực trạng kinh tế - xã hội của đất nước và


23

bối cảnh quốc tế. Kết cục là, hiệu quả của công nghiệp hóa rất thấp, đôi khi
không có hiệu quả và kéo theo hệ quả là nông nghiệp và công nghiệp nhẹ
không phát triển, nhu cầu hàng tiêu dùng thiết yếu của dân cư không được bảo
đảm, đời sống nhân dân quá khó khăn; nền kinh tế thiếu hụt nghiêm trọng,
mất cân đối lớn, hầu như không có tích luỹ và rơi vào tình trạng khủng
hoảng...
Thực tế là, chúng ta đã phải trả giá cho công nghiệp hóa kiểu đó. Chính
sự trả giá đó có lúc đã làm cho nhiều người ngại ngùng, dè dặt khi nhắc tới
công nghiệp hóa, thậm chí không nói tới nó mà chỉ dùng những thuật ngữ như

"tăng trưởng", "phát triển", "cất cánh", v.v.. Thực ra, những thuật ngữ này chỉ
là những khái niệm phản ánh kết quả của quá trình công nghiệp hóa ở những
giai đoạn khác nhau, bản thân chúng không phải là những phương thức để
đạt được sự phát triển kinh tế - xã hội của mỗi nước. Từ bỏ một quan điểm
sai lầm về công nghiệp hóa, một cách thức tiến hành công nghiệp hóa theo
lối cũ kém hiệu quả, hoàn toàn không phải là phủ nhận tính tất yếu của
công nghiệp hóa. Cả lý luận và thực tiễn đều chỉ ra rằng, tiến trình phát
triển lịch sử khắc nghiệt từ tình trạng kinh tế lạc hậu sang trạng thái kinh tế
hiện đại vẫn bắt buộc người ta phải đụng tới vấn đề công nghiệp hóa, dù
muốn hay không muốn. Cho đến nay, tất cả các lý thuyết phát triển đều
không thể bỏ qua một trong những nội dung chủ yếu của nó là công nghiệp
hóa.
Vậy công nghiệp hóa là gì? Và, tại sao các nước đang phát triển, trong
đó có nước ta, phải tiến hành công nghiệp hóa? Mặc dầu thuật ngữ và cả thực
tiễn "công nghiệp hóa" không còn mới mẻ, nhưng cho đến nay khái niệm
"công nghiệp hóa" vẫn là một nội dung có tính thời sự, được các nhà khoa học
quan tâm nghiên cứu và trao đổi. Có tới hàng chục định nghĩa về công nghiệp
hóa được đưa ra trong những thời điểm khác nhau ở các nước tiến hành công


24

nghiệp hóa. Trong số những định nghĩa đó có định nghĩa phản ánh được bản
chất, nội dung và mục tiêu của công nghiệp hóa trong không gian rộng và thời
gian dài; có định nghĩa chỉ phù hợp ở thời điểm nhất định và với những nước
xác định; cá biệt có định nghĩa chưa phản ánh đúng bản chất của công nghiệp
hóa. Tình hình này do nhiều nguyên nhân, đó là do sự khác nhau về phương
pháp tiếp cận khi nghiên cứu quá trình công nghiệp hóa; điểm xuất phát về
kinh tế, kỹ thuật, văn hoá, xã hội của các nước và bối cảnh quốc tế khi tiến
hành công nghiệp hóa không giống nhau; sự hạn chế về nhận thức, đôi khi

còn bị chính trị hoá, v.v.. Ở đây, chúng tôi không có ý định đề cập và phân
tích các định nghĩa về công nghiệp hóa trong lịch sử, mà chỉ nêu lên những
quan niệm về công nghiệp hóa trong bối cảnh hiện nay.
Trong cuốn "Công nghiệp hoá và hiện đại hoá ở Việt Nam và các nước
trong khu vực" do Nhà xuất bản Thống kê phát hành năm 1995, các tác giả đã
định nghĩa: "Công nghiệp hóa là một quá trình lịch sử tất yếu nhằm tạo nên
những chuyển biến căn bản về kinh tế - xã hội của đất nước trên cơ sở khai
thác có hiệu quả các nguồn lực và lợi thế trong nước, mở rộng quan hệ kinh tế
quốc tế, xây dựng cơ cấu kinh tế nhiều ngành với trình độ khoa học - công
nghệ ngày càng hiện đại" [35, 59]. Định nghĩa này có phạm vi bao quát khá
rộng, bao gồm tất cả những kết quả mà công nghiệp hóa đưa lại, nhưng lại
chưa làm nổi bật nội dung căn bản của công nghiệp hóa.
Nhận thức rõ sự tác động của cuộc cách mạng khoa học - công nghệ
hiện đại đến quá trình công nghiệp hóa ngày nay, Hội nghị lần thứ bảy
BCHTƯ khoá VII Đảng Cộng sản Việt Nam đã xem xét công nghiệp hóa
trong mối quan hệ với hiện đại hoá và cho rằng, "CNH, HĐH là quá trình
chuyển đổi căn bản toàn diện các hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ
và quản lý kinh tế - xã hội từ sử dụng lao động thủ công là chính, sang sử
dụng một cách phổ biến sức lao động cùng với công nghệ, phương tiện và


25

phương pháp tiên tiến, hiện đại, dựa trên sự phát triển của công nghiệp và
tiến bộ khoa học - công nghệ, tạo ra năng suất lao động xã hội cao" [21,
42]. Định nghĩa này về cơ bản phản ánh được phạm vi rộng lớn của quá
trình công nghiệp hóa; chỉ ra được cái cốt lõi là cải biến lao động thủ công,
lạc hậu thành lao động sử dụng kỹ thuật tiên tiến, hiện đại để đạt tới năng suất
lao động xã hội cao; gắn được công nghiệp hóa với hiện đại hoá; xác định được
vai trò của công nghiệp và khoa học - công nghệ trong quá trình công nghiệp

hóa.
Công nghiệp hóa và hiện đại hoá là hai khái niệm không hoàn toàn đồng
nhất với nhau. Theo nghĩa của từ, hiện đại hoá là làm cho một cái gì đó mang
tính chất của thời đại ngày nay. Hiện đại hoá nền kinh tế quốc dân là làm cho
kỹ thuật và công nghệ sản xuất cũng như cơ cấu kinh tế đạt được trình độ tiên
tiến của thời đại, đây chính là khía cạnh kinh tế - kỹ thuật của hiện đại hoá.
Ngoài ra, hiện đại hóa còn bao hàm cả phương diện kinh tế - xã hội. Đó là quá
trình xây dựng một xã hội văn minh công nghiệp và cải biến các ngành kinh
tế, các hoạt động xã hội chủ yếu theo phong cách của nền công nghiệp lớn
hiện đại. Nó làm cho nhịp độ tăng trưởng kinh tế - xã hội nhanh và ổn định,
cải thiện đời sống vật chất và tinh thần của các tầng lớp dân cư, thu hẹp dần
sự chênh lệch giữa trình độ kinh tế - xã hội của các nước đang phát triển với
các nước phát triển. Nói một cách tổng quát, hiện đại hóa là khái niệm có nội
dung rộng lớn, là quá trình cải biến một xã hội cổ truyền thành một xã hội
hiện đại, có trình độ văn minh cao hơn, thể hiện không chỉ ở nền kinh tế phát
triển với nhịp độ tăng tổng sản phẩm chung tính theo đầu người, mà còn ở đời
sống chính trị, văn hoá, tinh thần của xã hội.
Công nghiệp hóa và hiện đại hóa nguyên là hai quá trình nối tiếp, đan
xen nhau. Để có được lực lượng sản xuất phát triển như hiện nay, các nước
Tây Âu và Mỹ đã có một thời kỳ công nghiệp hóa khá lâu rồi sau đó đi vào


×