Tải bản đầy đủ (.pdf) (24 trang)

Kịch bản văn học trong sự phát triển của sân khấu kịch nói đương đại ở thành phố hồ chí minh (tóm tắt)

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (399.1 KB, 24 trang )

1

ĐẠI HỌC QUỐC GIA THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
TRƯỜNG ĐẠI HỌC KHOA HỌC XÃ HỘI VÀ NHÂN VĂN
____________________

Lưu Trung Thủy

KỊCH BẢN VĂN HỌC
TRONG SỰ PHÁT TRIỂN CỦA SÂN KHẤU KỊCH
NÓI ĐƯƠNG ĐẠI Ở THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

Chuyên ngành: Văn học Việt Nam
Mã số: 62.22.34.01

TÓM TẮT LUẬN ÁN TIẾN SĨ NGỮ VĂN

Thành phố Hồ Chí Minh - năm 2017


2

Công trình được hoàn thành tại Trường Đại học Khoa học Xã hội và
Nhân văn (Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh).
Người hướng dẫn khoa học: Giáo sư, Tiến sĩ Huỳnh Như Phương.
Phản biện 1:
Phản biện 2:
Phản biện 3:
Luận án sẽ được bảo vệ tại Hội đồng chấm luận án cấp cơ sở đào tạo họp
tại Trường Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc
gia Thành phố Hồ Chí Minh) vào hồi.......giờ.......ngày......tháng.......năm


2017.
Có thể tìm hiểu luận án tại:
- Thư viện Khoa học Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh.
- Thư viện Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học
Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh).
- Thư viện Khoa Văn học và Ngôn ngữ, Trường Đại học Khoa học
Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh).


3

DẪN NHẬP

1. Lý do chọn đề tài
Hơn 20 năm kể từ khi chính thức chuyển đổi sang phương thức hoạt động mới
gắn với sự kiện Nhà hát kịch sân khấu nhỏ và Nhà hát kịch Idecaf được thành lập vào
năm 1997 và năm 1998, kịch nói ở Thành phố Hồ Chí Minh đã đạt được những thành
tựu quan trọng với những tác phẩm gây tiếng vang, thu hút một lượng đông đảo khán
giả thường xuyên đến với sân khấu. Trong sự phát triển chung của sân khấu kịch nói ở
Thành phố Hồ Chí Minh, đội ngũ tác giả kịch bản văn học có nhiều chuyển biến theo
hướng đông đảo về số lượng, đa dạng, gắn bó chặt chẽ với sân khấu kịch và những yêu
cầu mang tính chất kinh doanh của các sân khấu.
Kể từ khi sân khấu kịch nói ở Thành phố Hồ Chí Minh chuyển hướng, đổi mới
phương thức hoạt động và duy trì sự phát triển ổn định cho đến hôm nay, chưa có nhiều
công trình đánh giá về kịch bản văn học cũng như sân khấu kịch nói ở thành phố. Nhìn
lại chặng đường phát triển vừa qua, sân khấu kịch nói ở Thành phố Hồ Chí Minh tuy
thu được nhiều thành công nhưng còn tồn tại những vấn đề mà nếu không kịp thời khắc
phục, chấn chỉnh thì sẽ dễ dẫn đến nguy cơ khán giả lạnh nhạt và xa rời kịch nói, như:
mục tiêu thương mại lấn át mục tiêu thẩm mỹ; nội dung, chất lượng nghệ thuật của kịch
bản văn học chưa cao; chưa có nhiều tác phẩm mang tính thời sự, chính luận tiêu biểu

phản ánh và đề xuất hướng giải quyết những vấn đề nổi cộm, bức xúc của thành phố,
đất nước hiện nay; tính chất chuyên nghiệp của công tác tổ chức biểu diễn và đội ngũ
diễn viên; sự thiếu thốn về cơ sở vật chất.... Điều này càng đặt ra nhu cầu về việc
nghiên cứu, tổng kết, đánh giá kịch nói ở Thành phố Hồ Chí Minh thời gian qua.
Đối với nghiên cứu, phê bình văn học Thành phố Hồ Chí Minh, suốt thời gian
qua, trước những thăng trầm của văn học kịch, sân khấu kịch, những công trình nghiên
cứu, phê bình về văn học kịch và kịch bản văn học còn hết sức khiêm tốn. Chúng tôi
nhận thức rằng, để nghiên cứu kịch bản văn học với tư cách là một đối tượng nghiên
cứu của văn học thì người nghiên cứu sẽ gặp phải những khó khăn nhất định trong
đánh giá, nhìn nhận đối tượng, cũng như công chúng của nó so với các thể loại khác
của văn học. Tuy nhiên đã đến lúc giới nghiên cứu, phê bình văn học Thành phố Hồ
Chí Minh không thể dè dặt trước văn học kịch thành phố. Nhất là khi sân khấu kịch nói
ở Thành phố Hồ Chí Minh đang có chiều hướng rơi vào tình trạng khó khăn về khán
giả và nguyên nhân đầu tiên được nhiều người nêu lên là chất lượng của kịch bản văn
học.
Từ nhận thức đó, chúng tôi chọn đề tài “Kịch bản văn học trong sự phát triển
của sân khấu kịch nói đương đại ở Thành phố Hồ Chí Minh” cho luận án tiến sĩ của
mình, với mong muốn khảo sát, đánh giá về kịch bản văn học ở Thành phố Hồ Chí


4
Minh trong hơn 20 năm qua trên phương diện nội dung lẫn nghệ thuật, từ đó chỉ ra
những đóng góp, hạn chế của kịch bản văn học, nguyên nhân của hạn chế và đề xuất
một số giải pháp cho việc nâng cao chất lượng kịch bản văn học ở thành phố.
2. Đối tượng nghiên cứu và giới hạn vấn đề
2.1.

Đối tượng nghiên cứu

Đối tượng nghiên cứu của luận án này là: kịch bản văn học của tác giả sinh sống

tại Thành phố Hồ Chí Minh đã được dàn dựng trên sân khấu kịch nói đương đại ở
Thành phố Hồ Chí Minh.
2.2. Giới hạn vấn đề
2.2.1. Về kịch bản văn học sử dụng khảo sát cho luận án
Luận án này là một luận án chuyên ngành văn học, do vậy kịch bản văn học
được khảo sát với tư cách là một thể loại của văn học.
Để có một cái nhìn khách quan về đặc điểm kịch bản văn học đương đại ở Thành
phố Hồ Chí Minh đặt trong bối cảnh so sánh với các trung tâm kịch nói khác của cả
nước với những đặc điểm chung của kịch nói Việt Nam và đặc điểm riêng biệt mang
tính chất địa phương nên chúng tôi chỉ tiến hành khảo sát kịch bản văn học của tác giả
sinh sống tại Thành phố Hồ Chí Minh. Do khuôn khổ của luận án có hạn, kịch bản văn
học của các tác giả đến từ địa phương khác chúng tôi không khảo sát trong luận án này.
2.2.2. Về khái niệm đương đại
Khái niệm kịch bản văn học đương đại ở Thành phố Hồ Chí Minh hay sân khấu
kịch nói đương đại ở Thành phố Hồ Chí Minh được sử dụng trong luận án này nhằm
chỉ kịch bản văn học hay sân khấu kịch nói thành phố trong thời gian từ đầu thập niên
90 của thế kỷ XX đến nay.
3. Cơ sở lý thuyết và phương pháp nghiên cứu
3.1.

Cơ sở lý thuyết
Trong khảo sát đối tượng nghiên cứu, luận án của chúng tôi dựa trên nền tảng lý

thuyết:
-

Thứ nhất là lý luận nhận thức của Chủ nghĩa Mác-Lênin cũng như quan niệm
của Chủ nghĩa Mác-Lênin về nghệ thuật.

-


Thứ hai là những lý thuyết mang tính chất nền tảng về bản chất thẩm mỹ của
kịch nói mà Aristotle là người mở đầu vĩ đại, được bồi đắp bởi những nhà văn,
nhà lý luận hậu bối như Lessing, Hegel, Fretag…
Thứ ba là những lý thuyết kịch nói Phương Tây và kịch Nga hiện đại như: Kịch
hiện thực, Kịch hiện thực xã hội chủ nghĩa, Kịch hiện thực tâm lý, Kịch tượng
trưng, Kịch biểu tượng, Kịch tự sự hay Kịch sử thi, Kịch phi lý...
Thứ tư là lý thuyết về thi pháp văn học và thi pháp kịch nói.

-

-


5
-

3.2.

Cuối cùng là lý thuyết về văn hóa, trong đó chúng tôi vận dụng lý thuyết về mối
quan hệ giữa văn hóa và văn học, lý thuyết về văn hóa vùng, lý thuyết về văn
hóa đại chúng.
Phương pháp nghiên cứu

Để thực hiện đề tài này, chúng tôi sử dụng ba phương pháp chủ yếu sau:
Phương pháp lịch sử, xã hội: tìm hiểu kịch bản văn học ở Thành phố Hồ Chí
Minh trong bối cảnh lịch sử, văn hóa, xã hội của vùng Nam bộ thời hiện đại.
Phương pháp phân tích, tổng hợp: được chúng tôi sử dụng xuyên suốt trong
luận án của mình nhằm chỉ ra những đặc điểm nội dung và nghệ thuật của kịch bản văn
học ở Thành phố Hồ Chí Minh.

Ngoài ra, chúng tôi còn sử dụng cách tiếp cận của thi pháp học thể loại để
phân tích một số đặc điểm nghệ thuật của kịch bản văn học ở Thành phố Hồ Chí
Minh.
3.3. Ý nghĩa khoa học và thực tiễn của luận án
Về ý nghĩa khoa học: nghiên cứu kịch bản văn học trong mối quan hệ giữa nghệ
thuật ngôn từ và nghệ thuật sân khấu; xem xét kịch bản văn học như một nhân tố quan
trọng của tiến trình nghệ thuật kịch nói đương đại, có tác động tích cực đến sự phát
triển của tiến trình đó.
Về ý nghĩa thực tiễn: phân tích, đánh giá về kịch bản văn học từ góc độ nội dung,
nghệ thuật đặt trong bối cảnh phát triển của sân khấu kịch nói ở Thành phố Hồ Chí
Minh hơn 20 năm qua; qua đó góp phần bước đầu tổng kết văn học kịch của thành phố,
đồng thời góp phần làm sáng tỏ một số vấn đề lý luận liên quan đến kịch bản văn học,
tác giả kịch bản văn học và công chúng của kịch nói Thành phố Hồ Chí Minh; đề xuất
những giải pháp cho việc nâng cao chất lượng kịch bản văn học ở Thành phố Hồ Chí
Minh, góp phần vào sự phát triển của kịch nói ở thành phố thời gian tới.
4. Những đóng góp mới của luận án
- Thứ nhất, khái quát tiến trình hình thành và phát triển của kịch nói ở Sài GònThành phố Hồ Chí Minh từ đầu thế kỷ XX cho đến nay, để làm rõ:
 Tính chất phát triển liên tục, không ngắt quãng của kịch nói ở Thành phố
Hồ Chí Minh.
 Sự nối tiếp, kế thừa truyền thống của kịch nói ở Thành phố Hồ Chí Minh.
- Thứ hai, khảo sát nội dung và nghệ thuật xây dựng kịch bản văn học đương đại ở
Thành phố Hồ Chí Minh, để làm rõ:
 Phạm vi hiện thực và nội dung hiện thực mà kịch bản văn học quan tâm
phản ánh. Ở đây chúng tôi phân tích và chỉ ra các đặc điểm về đề tài, nội dung
xung đột kịch, loại xung đột kịch và xu hướng giải quyết xung đột.
 Xác định đặc điểm nghệ thuật xây dựng kịch bản văn học, qua đó định vị
sự phát triển của nghệ thuật xây dựng kịch bản văn học thành phố trong tiến
trình phát triển chung của kịch nói Việt Nam và thế giới. Ở đây chúng tôi phân



6
tích và chỉ ra đặc điểm nghệ thuật xây dựng kịch bản văn học ở ba thành phần:
xây dựng cốt truyện và kết cấu, xây dựng nhân vật, xây dựng ngôn từ.
- Thứ ba, trong quá trình phân tích nội dung và nghệ thuật xây dựng kịch bản văn
học, chúng tôi cố gắng chỉ ra xu hướng sáng tác của các tác giả và cả xu hướng
sử dụng kịch bản của sân khấu kịch nói ở Thành phố Hồ Chí Minh; sự tác động
của sân khấu và khán giả kịch nói đối với xu hướng sáng tác của kịch bản văn
học đương đại ở Thành phố Hồ Chí Minh.
- Thứ tư, trên cơ sở chỉ ra những đặc điểm của kịch bản văn học ở Thành phố Hồ
Chí Minh, đặt trong sự tác động, ảnh hưởng của nhiều nhân tố, chúng tôi đề
xuất một số giải pháp cho việc nâng cao chất lượng kịch bản văn học, góp phần
cho sự phát triển của văn học kịch và sân khấu kịch nói ở Thành phố Hồ Chí
Minh thời gian tới.
5. Cấu trúc của luận án
Bên cạnh phần Dẫn nhập, Kết luận, Tài liệu tham khảo và Phụ lục, luận án gồm
4 chương sau:
Chương 1: Tổng quan tình hình nghiên cứu kịch nói Thành phố Hồ Chí Minh
đương đại.
Chương 2: Thể loại kịch nói và tiến trình hình thành, phát triển của kịch nói ở
Thành phố Hồ Chí Minh.
Chương 3: Xung đột trong kịch bản văn học ở Thành phố Hồ Chí Minh.
Chương 4: Nghệ thuật xây dựng cốt truyện, nhân vật và ngôn ngữ trong kịch
bản văn học ở Thành phố Hồ Chí Minh.
CHƯƠNG 1:
TỔNG QUAN TÌNH HÌNH NGHIÊN CỨU
KỊCH NÓI THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH ĐƯƠNG ĐẠI
1.1. Các công trình, chuyên luận, bài viết về kịch nói Thành phố Hồ Chí Minh
đương đại
Một số công trình, bài viết đề cập đến kịch bản văn học và sân khấu kịch nói
Thành phố Hồ Chí Minh đáng lưu ý như sau:

Cuốn Sân khấu và tôi (Nhà xuất bản Sân khấu, Hà Nội, 1999) của nhà nghiên
cứu Nguyễn Thị Minh Thái.
Công trình Văn học Việt Nam thế kỷ XX: Những vấn đề lịch sử và lý luận, do
Phan Cự Đệ chủ biên (Nhà xuất bản Giáo dục, Hà Nội, 2004). Công trình dành hẳn một
phần, do Phan Trọng Thưởng phụ trách, để mô tả, nhận định và đánh giá tiến trình phát
triển của kịch nói Việt Nam cho đến cuối thế kỷ XX.
Cuốn Kịch Việt Nam: thưởng thức và bình luận của Trần Trọng Đăng Đàn (Nhà
xuất bản Văn hóa-Văn nghệ, Thành phố Hồ Chí Minh, 2011) tập hợp những bài viết


7
chuyên về kịch nói của tác giả đã in trong Nghệ thuật sân khấu Việt Nam (Nhà xuất bản
Văn học, Hà Nội, năm 2004).
Công trình Kịch nói Thành phố Hồ Chí Minh: một chặng đường lịch sử của
Nguyễn Văn Thành (Nhà xuất bản Sân khấu, Hà Nội, 2008).
Tháng 5 năm 2012, Báo Sân khấu Thành phố Hồ Chí Minh kết hợp với Trường
Đại học Sân khấu-Điện ảnh Hà Nội tổ chức Hội thảo khoa học Sân khấu kịch nói
Thành phố Hồ Chí Minh – thực trạng và hướng phát triển. Kỷ yếu hội thảo gồm 10
tham luận của các nhà nghiên cứu sân khấu, đạo diễn, diễn viên, các nhà quản lý sân
khấu, nhà báo.
Công trình Những thay đổi trong đời sống văn hóa ở Thành phố Hồ Chí Minh
thời gian 1986-2006 do Hoàng Hương, Cao Tự Thanh chủ biên (Phân Viện Văn hóa
Nghệ thuật Việt Nam tại Thành phố Hồ Chí Minh, Nhà xuất bản Văn hóa-Nghệ thuật,
Thành phố Hồ Chí Minh, 2013).
Trong số những bài viết thì bài viết “Sân khấu Thành phố Hồ Chí Minh một
chặng đường nghệ thuật chuyên nghiệp”của Trần Minh Ngọc in trong Văn học, nghệ
thuật Việt Nam hôm nay: mấy vấn đề trong sự phát triển do GS.TS Đinh Xuân Dũng
chủ biên (Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật trung ương, Hà Nội, 2013) là
nổi bật vì bài viết đã chỉ ra những vấn đề bản chất của sự phát triển của sân khấu kịch
Thành phố Hồ Chí Minh từ những năm 90 của thế kỷ XX đến nay.

Nghiên cứu một cách hệ thống về nghệ thuật biên kịch Việt Nam hiện đại và
đương đại đáng lưu ý là công trình nghiên cứu khoa học cấp Bộ: Sự phát triển nghệ
thuật biên kịch kịch nói Việt Nam nửa cuối thế kỷ XX, nghiệm thu năm 2004 tại Viện
Sân khấu-Điện ảnh (thuộc Trường Đại học Sân khấu-Điện ảnh Hà Nội) do Nguyễn
Chiến Thạc làm chủ nhiệm đề tài.
1.2. Những vấn đề đã nghiên cứu, bàn luận về kịch nói Thành phố Hồ Chí Minh
đương đại
Tóm lại, kịch nói Thành phố Hồ Chí Minh đương đại đã được nghiên cứu ở các
nội dung sau:
- Thứ nhất, mô tả và lý giải về sự chuyển mình và phát triển mạnh mẽ của kịch nói
ở thành phố, trong đó tập trung vào phương thức xã hội hóa sân khấu và mô
hình sân khấu nhỏ.
- Thứ hai, đánh giá hoạt động tổ chức biểu diễn kịch nói ở thành phố. Bên cạnh
việc nêu lên những thành tựu, các nghiên cứu cũng chỉ ra những hạn chế, bất
cập của hoạt động tổ chức biểu diễn như: cơ sở vật chất, tính chất chuyên
nghiệp trong việc dàn dựng tác phẩm, đội ngũ diễn viên, áp lực về kinh doanh
của các sân khấu… đồng thời đề xuất một số giải pháp nâng cao chất lượng hoạt
động và sản phẩm nghệ thuật của các sân khấu kịch nói xã hội hóa ở thành phố.
- Thứ ba, phân tích, đánh giá nội dung và nghệ thuật một số tác phẩm sân khấu
tiêu biểu, thu hút sự quan tâm của công chúng.


8
- Thứ tư, phân tích, đánh giá một số kịch bản văn học, trong đó tập trung chủ yếu
vào nội dung phản ánh; đồng thời bước đầu chỉ ra xu hướng sáng tác của các tác
giả kịch bản thành phố và nêu lên một số hạn chế trong nghệ thuật xây dựng
kịch bản.
CHƯƠNG 2:
THỂ LOẠI KỊCH NÓI VÀ TIẾN TRÌNH HÌNH THÀNH, PHÁT TRIỂN CỦA
KỊCH NÓI Ở THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

2.1. Một số vấn đề về kịch nói và văn học kịch
Đề cập đến đặc trưng thẩm mỹ của văn học kịch không thể không đề cập trước
hết đến sự chi phối của tính chất sân khấu. Theo chúng tôi sự chi phối thể hiện tập
trung ở ba điểm sau:
Thứ nhất là thời gian và không gian trình diễn. Giới hạn về thời gian và không
gian của trình diễn buộc kịch phải dồn nén, cô đọng. Điều này đã tạo nên tính chất tập
trung, dồn nén, cô đọng của kịch. Tính chất ấy thể hiện trong việc kịch lựa chọn xung
đột làm nội dung, sự sắc nét trong xây dựng tính cách nhân vật, sự thống nhất hành
động, nhịp điệu nhanh, dồn dập, bố cục tác phẩm theo dạng cảnh, màn và ngôn ngữ đối
thoại chắt lọc.
Thứ hai là tính chất vận động, sinh động của sân khấu. Cách thức tiếp nhận của
kịch là trực quan đã quy định nên tính chất vận động. Những gì tĩnh lặng, chậm chạp,
đều đều rất khó thể hiện trên sân khấu và thu hút khán giả theo dõi trong một khoảng
thời gian dài mà phải chọn những gì đang vận động và diễn ra một cách sinh động.
Kịch thực tại hóa những sự kiện đã diễn ra trong quá khứ. Nghĩa là kịch không kể lại
một câu chuyện đã diễn ra trong quá khứ mà trình diễn một câu chuyện đang diễn ra
sinh động trước mắt khán giả. Bên cạnh đó, phương tiện biểu hiện của vở kịch chính là
nghệ thuật diễn xuất của diễn viên. Nghệ thuật này bao gồm: ngôn từ văn học, động
tác, hình thể, tâm lý. Tính chất vận động đó tạo nên bản chất mô phỏng hành động và
mô tả những con người hành động như cách nói của Aristotle, quy định hành động kịch
là đặc trưng thẩm mỹ bản chất của kịch đồng thời là cơ sở để diễn viên diễn xuất, tạo
nên sự thu hút, hấp dẫn khán giả.
Thứ ba là tính chất tổng hợp. Kịch là một loại hình nghệ thuật tổng hợp. Kịch
có sự kết hợp hữu cơ giữa nghệ thuật trình diễn sân khấu với nghệ thuật văn chương,
âm nhạc, hội họa, kiến trúc, thậm chí cả vũ đạo. Sự kết hợp tổng hợp đó nhằm tăng
cường khả năng thể hiện, biểu hiện của nghệ thuật sân khấu, tạo nên hiệu ứng truyền
cảm từ tập thể sáng tạo đến khán giả.


9

Chính vì vậy, tuy là một trong ba loại hình văn học (tự sự, trữ tình, kịch) nhưng
so với tự sự và trữ tình, kịch còn chịu sự chi phối của tính chất sân khấu. Và do đó, văn
học kịch mang ba đặc điểm cơ bản sau:
Lấy xung đột làm nội dung phản ánh
Phản ánh xung đột giúp kịch vượt qua những giới hạn về thời gian và không
gian của nghệ thuật trình diễn để chiếm lĩnh hiện thực đồng thời đáp ứng được tính chất
động của sân khấu.
Lấy hành động để triển khai xung đột
Hành động kịch được thể hiện và thúc đẩy thông qua hệ thống hành động của
nhân vật. Hệ thống hành động của nhân vật trong kịch bao gồm hành vi, suy nghĩ, động
tác, ngôn từ của nhân vật. Kịch tính được tạo nên do hành động của nhân vật. Hành
động của nhân vật trong kịch không phải là những hành động đơn lẻ mà là một chuỗi
những hành động nối tiếp nhau. Trong quá trình hành động, các nhân vật va chạm với
nhau, có khi phủ định lẫn nhau, từ đó làm thay đổi tư thế của mình so với khi mở đầu.
Lấy ngôn từ đối thoại làm chất liệu thể hiện
Chất liệu thể hiện của kịch chủ yếu là ngôn từ đối thoại của nhân vật. Ngôn từ
đối thoại trong kịch thực hiện nhiều chức năng như: miêu tả, tường thuật, trần thuật,
bộc lộ tính cách nhân vật và thể hiện hành động nhân vật cũng như hành động kịch. Vì
vậy ngôn từ đối thoại trong kịch bên cạnh những đặc điểm của ngôn ngữ văn học thì
nổi bật lên ba đặc điểm phổ biến là: khẩu ngữ, tính cách hóa, hành động.
Từ những đặc trưng trên, ở góc độ văn học, chúng tôi đi đến quan niệm về kịch
và kịch bản văn học như sau:
Kịch là một loại hình sáng tác của văn học, phản ánh những xung đột của cuộc
sống hoặc cá nhân thông qua hành động của nhân vật và ngôn từ đối thoại.
Kịch bản văn học là văn bản thuộc thể loại kịch, thể hiện quan niệm của tác giả
về cuộc sống và con người thông qua phản ánh xung đột, tổ chức hành động nhân vật
và bằng ngôn từ đối thoại.
2.2. Những đổi mới trong nghệ thuật xây dựng kịch bản văn học hiện đại ở
Phương Tây
2.2.1. Hai giai đoạn đổi mới

Căn cứ trên những thay đổi về quan niệm thẩm mỹ về thể loại cùng những cách
tân trong nội dung và nghệ thuật xây dựng kịch bản, chúng tôi cho rằng từ cuối thế kỷ
XIX đến nay, văn học kịch Phương Tây có hai giai đoạn quan trọng:
- Giai đoạn thứ nhất là từ cuối thế kỷ XIX đến trước Chiến tranh thế giới thứ
hai. Ở giai đoạn này, kịch nói Phương Tây chuyển từ kịch cổ điển sang hiện đại, với


10
việc quan niệm kịch phải phản ánh những vấn đề, thân phận con người trong cuộc sống
thường nhật, phá bỏ những quy phạm, ước lệ, nguyên tắc nghệ thuật gò bó, đồng thời
mở rộng giới hạn phản ánh của kịch về không gian, thời gian cũng như quy mô, tăng
cường các kỹ thuật mới nhằm khám phá thế giới nội tâm, nội cảm của nhân vật.
- Giai đoạn thứ hai là từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai. Giai đoạn này đánh
dấu những thay đổi cơ bản trên phương diện quan niệm thẩm mỹ về thể loại kịch cũng
như nội dung và nghệ thuật xây dựng kịch bản so với kịch cổ điển, truyền thống.
2.2.2. Hai xu hướng đổi mới
Nhìn chung, sự thay đổi trong nghệ thuật xây dựng kịch bản văn học hiện đại ở
Phương Tây diễn ra theo hai xu hướng:
- Xu hướng thứ nhất là kế thừa những nguyên tắc cơ bản của kịch cổ điển, phá
bỏ quy phạm, mở rộng giới hạn về thời gian, không gian, quy mô và đổi mới nghệ thuật
xây dựng cốt truyện, xây dựng nhân vật, xây dựng ngôn ngữ và cấu trúc kịch bản.
- Xu hướng thứ hai là thay đổi hoàn toàn nghệ thuật xây dựng kịch bản văn
học so với kịch truyền thống.
Đại diện cho xu hướng thứ nhất có thể kể đến các tác giả, tác phẩm thuộc trào
lưu Kịch hiện thực, Kịch hiện thực phê phán và Kịch hiện thực xã hội chủ nghĩa. Các
tác giả, tác phẩm theo xu hướng này vẫn tuân theo cách thức tổ chức xung đột và hành
động kịch của kịch cổ điển, truyền thống. Xung đột là động lực của hành động kịch.
Cốt truyện đóng vai trò là khung tổ chức hành động kịch, bao gồm hệ thống các sự
kiện, biến cố mà thông qua đó tính cách nhân vật được bộc lộ, đồng thời thôi thúc nhân
vật tự do ý chí và hành động. Cốt truyện dồn nén, tạo không khí kịch tính. Hành động

được đẩy từ thấp đến cao trào, rồi hạ dần và kết thúc, theo quy luật nhân quả. Sự đổi
mới được thể hiện tập trung ở việc mở rộng giới hạn không gian, thời gian, quy mô tác
phẩm, thay đổi trật tự cấu trúc và nghệ thuật xây dựng tính cách nhân vật.
Xu hướng thay đổi hoàn toàn nghệ thuật xây dựng tác phẩm so với kịch truyền
thống phải kể đến Kịch sử thi (Epic drama) của Bertolt Brecht, Kịch hiện thực tâm lý
của Chekhov và Kịch phi lý gắn liền với tên tuổi của Ionesco, Samuel Beckett và
Adamov. Các trường phái kịch này thay đổi hoàn toàn quan niệm về tác phẩm kịch và
kỹ thuật xây dựng tác phẩm truyền thống. Trong số các trường phái kịch này, ngoại trừ
Kịch sử thi của Bertolt Brecht còn giữ truyền thống xây dựng tác phẩm trên cơ sở lấy
cốt truyện làm thành phần quan trọng thì hai trường phái kịch còn lại không chú trọng
vào cốt truyện mà chú trọng vào xây dựng tình huống kịch. Hai trường phái kịch này
không theo hướng thúc đẩy hành động kịch qua quá trình hành động của nhân vật hay
sự va chạm về tính cách như kịch truyền thống mà chủ yếu là làm bật lên tính chất bất
động của nhân vật hoặc hành động của nhân vật không phải xuất phát từ bên trong
nhân vật quyết định mà bị chi phối bởi những điều kiện và hoàn cảnh bên ngoài.


11
Tiếp nhận sau, kịch nói Thành phố Hồ Chí Minh đương đại cũng có những tiếp
thu và vận dụng sáng tạo kỹ thuật xây dựng kịch bản của kịch nói hiện đại ở Phương
Tây, đóng góp cho văn học kịch thành phố nói riêng và văn học kịch Việt Nam nói
chung những tác phẩm mang xu hướng hiện đại của kịch nói thế giới.
2.3. Tổng quan về tiến trình hình thành và phát triển của kịch nói ở Thành phố
Hồ Chí Minh
2.3.1. Kịch nói ở Sài Gòn-Thành phố Hồ Chí Minh từ khi hình thành đến năm
1975
Thể loại kịch nói theo bước chân xâm lược của người Pháp xuất hiện tại Sài
Gòn (năm 1976 đổi tên là Thành phố Hồ Chí Minh) vào khoảng cuối thế kỷ XIX đầu
thế kỷ XX. Lực lượng tiếp nhận kịch nói tại Sài Gòn chủ yếu là trí thức, công chức, học
sinh, sinh viên Tây học. Kịch nói được tiếp nhận từ nguyên bản kịch Pháp, Việt hóa,

rồi trở thành một thể loại của văn học và sân khấu ở Sài Gòn vào đầu thế kỷ XX. Đây
cũng là thời gian thể loại cải lương hình thành và phát triển rực rỡ. Thời gian từ đầu thế
kỷ XX đến năm 1975, tuy kịch không phải là thể loại đứng ở vị trí hàng đầu trong đời
sống văn học-nghệ thuật Sài Gòn nhưng đây là giai đoạn tích lũy quan trọng để kịch
nói đạt được những bước phát triển dài và mạnh mẽ ở giai đoạn sau.
2.3.2. Kịch nói ở Thành phố Hồ Chí Minh từ năm 1975 đến 1985
Kịch nói ở Thành phố Hồ Chí Minh thời gian 10 năm hậu chiến (1975-1985) thể
hiện hai nhiệm vụ là ngợi ca chủ nghĩa yêu nước của người miền Nam trong cuộc
kháng chiến chống Mỹ, thống nhất đất nước và tuyên truyền, cổ vũ tinh thần xây dựng
và phát triển thành phố. Đoàn kịch nói Kim Cương và Đoàn kịch nói Bông Hồng đã nối
dài quá trình phát triển của kịch Sài Gòn trong điều kiện, hoàn cảnh lịch sử mới, bên
cạnh Đoàn kịch nói Cửu Long Giang đóng vai trò dẫn dắt sân khấu kịch nói thành phố
theo đúng chủ trương, đường lối. Câu lạc bộ thể nghiệm là một nhân tố mới tích cực
của kịch nói thành phố. Song song đó, văn học kịch Thành phố Hồ Chí Minh có những
khởi sắc và xuất hiện những nhân tố sẽ đóng vai trò trụ cột cho thời gian phát triển về
sau. Cùng những nỗ lực của chính quyền thành phố cũng như những nghệ sĩ tâm huyết
với nghề, khán giả Thành phố Hồ Chí Minh bắt đầu dành nhiều quan tâm đến kịch nói.
Vị trí của kịch nói trong đời sống văn học-nghệ thuật của thành phố bắt đầu có những
thay đổi theo hướng phát triển. Thời gian 1975-1985 có thể xem là thời gian tạo nên
những tiền đề cần thiết cho sự cất cánh của kịch nói ở Thành phố Hồ Chí Minh sau
năm 1986.
2.3.3. Kịch nói ở Thành phố Hồ Chí Minh từ năm 1986 đến nay
Thời gian từ 1986 đến nay, kịch nói ở Thành phố Hồ Chí Minh đã có bước
chuyển mạnh mẽ. Từ chỗ rơi vào khó khăn về khán giả, kịch nói thành phố đã tìm được
hướng đi, trở thành một trong những trung tâm của sân khấu kịch nói và văn học kịch
Việt Nam. Song song đó, văn học kịch của thành phố diễn ra một cách sôi động, chỉ


12
tính riêng các trại sáng tác do Hội Sân khấu Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức thì hàng

năm có hơn 20 tác phẩm mới được ra đời và nhiều tác phẩm trong số đó đã đến với
công chúng thông qua sân khấu kịch nói. Điều đáng tiếc trong sự phát triển của văn học
kịch thành phố là hiện nay công chúng chưa được thưởng thức nhiều các tác phẩm văn
học kịch qua văn bản.
CHƯƠNG 3:
XUNG ĐỘT TRONG KỊCH BẢN VĂN HỌC
Ở THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
3.1. Xung đột kịch
3.1.1. Xung đột là đặc trưng thẩm mỹ cơ bản của kịch
Xung đột không phải là đối tượng phản ánh của riêng thể loại kịch. Nhưng ở thể
loại kịch phản ánh xung đột là đặc tính của thể loại này vì mục tiêu cuối cùng của kịch
bản văn học là được dựng trên sân khấu. Nội dung của kịch bản chịu sự chi phối của
không gian-thời gian thực tế của một đêm diễn và tính chất động của hoạt động trình
diễn. Do vậy, tác giả khó chiếm lĩnh và thể hiện hiện thực như thể loại văn xuôi mà
phải thể hiện tập trung và dồn nén. Cho nên việc chọn trạng thái mà hai mặt đối lập của
mâu thuẫn đã phát triển đến mức độ đấu tranh, va chạm với nhau, đòi hỏi phải giải
quyết là cách vừa có thể chiếm lĩnh hiện thực, thể hiện bản chất của cuộc sống vừa
khắc phục được sự hạn chế về không gian-thời gian và đáp ứng được tính chất động
của một thể loại mang tính chất trình diễn.
Xung đột kịch mang hai đặc điểm cơ bản: một là tập trung thể hiện mâu thuẫn
của cuộc sống và cá nhân ở đỉnh điểm, cao trào; hai là có quá trình phát triển và kết
thúc.
3.1.2. Mối quan hệ giữa xung đột và các thành phần của kịch
Đối với hành động nhân vật, mối quan hệ giữa xung đột và hành động nhân vật
trong kịch là mối tương tác hai chiều. Xung đột là động lực thúc đẩy nhân vật hành
động. Còn hành động của nhân vật làm cho xung đột bộc lộ, vận động và được giải
quyết.
Mặt khác, xung đột là động lực chính để hành động nhân vật phát triển. Mức độ
tăng hay giảm của xung đột cũng làm cho nhịp độ và cường độ hành động của nhân vật
tăng giảm theo.

Tình huống kịch hay cũng có người gọi là tình cảnh kịch là cơ sở để xung đột
kịch xuất hiện. Tình huống kịch bao gồm tình huống cụ thể của nhân vật và sự kiện bất
ngờ. Ở đây tính chất bất ngờ là rất quan trọng. Nó tạo sự hấp dẫn, lôi cuốn độc giả hay
khán giả dõi theo xung đột.


13
Kịch tính là đặc tính tinh thần hay không khí tinh thần cho người tiếp nhận ở thể
loại kịch. Chính điều này làm nên tính chất hấp dẫn của thể loại kịch. Xung đột kịch
góp phần kích thích sự hào hứng của khán giả. Một số người xem kịch tính là đặc trưng
quan trọng và thứ nhất của kịch. Nhưng thực chất nếu không có mâu thuẫn và xung đột
thì sẽ không có động lực thúc đẩy các nhân vật va chạm với nhau và vì vậy không xuất
hiện kịch tính. Do đó có thể xem xung đột cũng chính là cơ sở tạo nên kịch tính.
Đối với tính cách nhân vật, xung đột đưa tính cách nhân vật vào những hành
động có trọng tâm, giúp bộc lộ tính cách nhân vật. Quá trình phát triển của tính cách
cũng chỉ có được khi nhân vật tham gia vào xung đột. Mức độ nông sâu của tính cách
phụ thuộc trước hết vào sự tham gia vào xung đột của nhân vật.
Xung đột cũng là thành phần tác động đến tổ chức nghệ thuật của kịch bản văn
học từ cốt truyện, kết cấu đến cấu trúc của kịch bản. Thực chất việc kết cấu kịch bản
văn học theo dạng màn cảnh hay phân chia thành kịch 3 hồi, kịch 5 hồi là việc tổ chức
tác phẩm theo vận động của xung đột.
Xung đột không chỉ là đặc trưng nội dung mà còn là yếu tố quan trọng chi phối
đến tổ chức nghệ thuật của kịch bản văn học. Xung đột bao trùm lên cả nội dung lẫn tổ
chức nghệ thuật của kịch bản văn học.
3.2. Xung đột trong kịch bản văn học ở Thành phố Hồ Chí Minh
3.2.1. Phạm vi hiện thực phản ánh
Ở góc độ đề tài, phạm vi hiện thực phản ánh của kịch bản văn học ở Thành phố
Hồ Chí Minh có thể khái quát thành các nhóm như sau:
1. Thời sự, chính luận.
2. Lịch sử.

3. Tình yêu-hôn nhân-gia đình.
4. Đạo đức cá nhân.
Số lượng tác phẩm ở các mảng đề tài có khác nhau nhưng nhìn chung phạm vi
hiện thực mà kịch nói Thành phố Hồ Chí Minh quan tâm khá rộng chứ không chỉ tập
trung ở những đề tài về tình yêu đôi lứa như một số nhận định của dư luận gần đây. Đi
vào nội dung cụ thể thì phạm vi hiện thực phản ánh của kịch bản văn học ở Thành phố
Hồ Chí Minh khá rộng.
Đề tài liên quan đến phạm vi hiện thực cá nhân được kịch nói Thành phố Hồ
Chí Minh thể hiện nhiều nhất. Riêng trong tổng số 78 tác phẩm mà luận án khảo sát thì
số lượng tác phẩm liên quan đến phạm vi hiện thực cá nhân chiếm 73%. Xu hướng
phản ánh hiện thực cá nhân của kịch nói ở Thành phố Hồ Chí Minh cũng nằm trong xu
hướng chung của kịch nói Việt Nam.


14
3.2.2. Nội dung xung đột theo đề tài
3.2.2.1. Xung đột trong mảng đề tài về thời sự, chính luận và lịch sử
Nhìn chung, kịch bản văn học Thành phố Hồ Chí Minh ở mảng đề tài thời sự,
chính luận đã phản ánh được phần nào những vấn đề mà công chúng quan tâm hiện
nay. Tuy nhiên, nhiều kịch bản chỉ mới dừng lại ở đặt vấn đề hoặc nêu lên xung đột
chứ tác giả chưa đi đến bản chất, chưa thực sự đặt ra rốt ráo và gợi mở hướng giải
quyết thuyết phục để công chúng nghiền ngẫm. Các nhân vật trong phạm vi xung đột
này cũng hành động một cách chừng mực và tiết chế, chưa quyết liệt. Đây có thể xem
là điều đáng tiếc trong nội dung của kịch bản văn học ở thành phố. Kịch bản văn học
thành phố thiếu những tác phẩm chính luận tiêu biểu, sắc sảo nhất là khi đề cập đến
những bất cập trong quản lý xã hội, sự thoái hóa, biến chất, suy thoái đạo đức của một
bộ phận cán bộ, đảng viên hiện nay, tệ nạn tham ô, tham nhũng ngày càng tinh vi,
chiều hướng xuống cấp của đạo đức xã hội... mà công chúng quan tâm.
Như một sự bổ sung cho những thiếu hụt ở mảng đề tài thời sự, chính luận, các
tác phẩm ở mảng đề tài lịch sử lại nêu lên được những xung đột mang tính chất thời sự,

sắc sảo thông qua những giai thoại và nhân vật lịch sử. Có thể nói, tuy số lượng kịch
bản văn học khiêm tốn nhưng chính ở mảng đề tài lịch sử, kịch nói ở Thành phố Hồ
Chí Minh mới có những tác phẩm tiêu biểu, gây được tiếng vang. Thông qua việc tái
hiện và làm mới những xung đột lịch sử, các tác giả đã đặt ra và giải quyết thấu đáo
những xung đột mang tính thời sự, chính luận của đất nước.
3.2.2.2. Xung đột trong mảng đề tài về tình yêu, hôn nhân, gia đình
Đây là mảng đề tài có số lượng tác phẩm đông đảo nhất trong kịch bản văn học
ở Thành phố Hồ Chí Minh. Những kịch bản ở mảng đề tài này thường khai thác hai
dạng xung đột: thứ nhất là những xung đột mang tính muôn thuở trong tình yêu, hôn
nhân, gia đình và thứ hai là những xung đột gắn với bối cảnh, tác động của môi trường
xã hội.
Ở dạng thứ nhất, kịch nói Thành phố Hồ Chí Minh đi vào những xung đột
mang tính chất phổ biến trong tình yêu, hôn nhân, gia đình.
Ở dạng thứ hai, việc phản ánh xung đột trong tình yêu-hôn nhân-gia đình gắn
với ảnh hưởng của những tác động xã hội. Tuy vậy, ở nhiều tác phẩm, yếu tố xã hội chỉ
mang tính chất làm nền, khá mờ nhạt, chưa được tác giả tập trung thể hiện, lý giải thấu
đáo cho nên xung đột vận động và được giải quyết thường khá đơn giản.
Không chú trọng vào việc đẩy cao xung đột, các kịch bản thuộc đề tài này
thường khai thác chủ yếu ở những va chạm, hiểu lầm của các nhân vật để hướng tới
việc rút ra những bài học nhẹ nhàng về nhận thức và hành vi trong tình yêu-hôn nhângia đình.


15
Ngoài ra, ở mảng đề tài này, kịch bản văn học ở Thành phố Hồ Chí Minh còn
thể hiện nội dung xung đột trong tình yêu của người đồng tính. Các kịch bản này
thường khai thác những dằn xé, xung đột trong nội tâm các nhân vật trước việc phải
dấu mình, tránh sự kỳ thị của những người xung quanh hay chấp nhận và sống thật với
con người mình. Thông qua tác phẩm, tác giả mong muốn công chúng có cái nhìn bao
dung, thông cảm hơn với những người đồng tính trong xã hội ta hiện nay.
Tính chất giáo dục nhẹ nhàng là đặc điểm nổi bật trong các kịch bản văn học

thuộc mảng đề tài tình yêu-hôn nhân-gia đình. Cách tạo lập và lý giải xung đột của các
tác giả chủ yếu dựa trên nhận thức và hành động mang tính chất cá nhân chứ chưa đi
sâu vào yếu tố tác động của bối cảnh, môi trường xã hội khiến cho nội dung xung đột
của phần lớn các kịch bản văn học khá mờ nhạt, hành động nhân vật yếu và vì vậy
thông điệp đến từ các tác phẩm này cũng không sâu mà chỉ mới dừng lại ở sự cảnh
tỉnh.
3.2.2.3. Xung đột trong mảng đề tài về đạo đức cá nhân
Xung đột trong các tác phẩm thuộc mảng đề tài này thường là xung đột giữa cái
thiện và cái ác, giữa tích cực và tiêu cực, cho nên thường diễn ra gay gắt, kịch tính.
Xung đột trong đề tài này ít nhiều được các tác giả đặt ra và lý giải từ góc độ tác
động tiêu cực của xã hội lên đạo đức, nhân phẩm con người. Các tác phẩm như một sự
cảnh báo và truyền đến công chúng thông điệp về giữ gìn nhân phẩm, đạo đức trước
những cám dỗ của vật chất, danh vọng.
Nhìn chung, phần lớn các kịch bản văn học thuộc mảng đề tài này đều chỉ ra tác
hại và ảnh hưởng của sự suy thoái nhân cách, đạo đức cá nhân hiện nay đối với tính
chất nền tảng, tính ổn định, bền vững của gia đình và xã hội. Do đó, thông điệp truyền
đến khán giả là giữ gìn nhân phẩm, đạo đức trước những cám dỗ của vật chất, danh
vọng. Điều hạn chế là tuy nhìn thấy thực trạng và ảnh hưởng, tác hại của suy thoái đạo
đức cá nhân đối với gia đình, xã hội, quốc gia nhưng nhiều kịch bản chưa lý giải thấu
đáo căn nguyên của sự suy thoái đó, chưa nhận thấy những nguyên nhân tạo nên suy
thoái như từ tác động mặt trái của nền kinh tế thị trường, từ việc chưa gắn chặt giữa
phát triển kinh tế với xây dựng văn hóa, đạo đức hay từ việc buông lỏng quản lý và
giáo dục văn hóa, đạo đức. Việc lý giải chỉ mới dừng lại ở góc độ nhận thức và hành
động mang tính chất cá nhân nên còn thiếu sức thuyết phục. Ngoài ra, ở một số kịch
bản, nhất là kịch bản được gọi là kịch kinh dị, kịch tính được tạo nên không phải là từ
sự va chạm, đấu tranh của các nhân vật mà từ những thủ pháp tạo nên không khí hồi
hộp mang tính chất hoang đường như hồn ma, những sự kiện ngẫu nhiên kỳ bí… trong
khi đó ý nghĩa xã hội của hành động kịch lại không được tác giả lý giải thấu đáo hoặc
nêu lên một cách mờ nhạt, khiến cho tác phẩm nặng tính chất giải trí và hiệu quả giáo
dục, hướng thiện không cao.



16
Tóm lại, tuy phạm vi hiện thực khá rộng nhưng nội dung xung đột của kịch bản
văn học ở Thành phố Hồ Chí Minh mới chỉ dừng ở góc độ phản ánh và khơi gợi tình
cảm cho công chúng. Không nhiều kịch bản đặt ra cho công chúng những vấn đề cần
suy nghĩ và đề xuất hướng giải quyết những vướng mắc trong cuộc sống hôm nay của
người dân Thành phố và vùng Nam bộ. Thiếu tính vấn đề, thiếu những xung đột được
xây dựng đầy đặn nên kịch bản văn học ở Thành phố Hồ Chí Minh chưa thực sự thể
hiện rõ nét vai trò tiên phong, nhạy cảm trước thời cuộc. Nội dung kịch bản văn học
thành phố chịu sự tác động và chi phối mạnh mẽ của thị trường mà biểu hiện cụ thể là
thỏa mãn nhu cầu giải trí của khán giả đại chúng.
3.2.3. Loại xung đột
Về loại xung đột, kịch bản văn học ở Thành phố Hồ Chí Minh khai thác cả xung
đột bên trong lẫn xung đột bên ngoài nhưng chủ yếu vẫn sử dụng xung đột bên ngoài,
biểu hiện qua xung đột giữa tính cách với tính cách.
Phần lớn nội dung xung đột bên ngoài trong kịch bản văn học thành phố đều là
sự va chạm của các tính cách chứ không thấy có xung đột giữa tính cách với hoàn cảnh
hoặc xã hội cho nên cảm hứng chủ đạo của phần lớn các tác phẩm hoặc là khẳng định
tính tích cực của cá nhân trong việc cải tạo hoàn cảnh, cải tạo bản thân hoặc biểu hiện
với cảm hứng lạc quan, hài hước chứ không mang màu sắc bi quan. Vì vậy có thể hiểu
tại sao kịch bản văn học Thành phố Hồ Chí Minh đương đại phần lớn sử dụng thể loại
chính kịch và thể loại hài kịch chứ không nhiều kịch bản văn học sử dụng thể loại bi
kịch.
Ngoài ra, kịch bản văn học ở Thành phố Hồ Chí Minh thiên về xu hướng thể
hiện một xung đột xuyên suốt tác phẩm. Không nhiều kịch bản thể hiện nhiều tuyến
xung đột chồng chéo, phức tạp.
Không nhiều kịch bản văn học khai thác xung đột nội tâm gây được tiếng vang,
mặc dù số lượng tác phẩm theo hướng khai thác hiện thực xung đột liên quan đến cá
nhân chiếm số lượng lớn. Điều đó làm cho kịch nói thành phố thiếu những tác phẩm

giúp công chúng trải nghiệm, khám phá những giằng xé, day dứt trong nội tâm, nội
cảm của con người trước những thay đổi, biến chuyển của cuộc sống hôm nay.
CHƯƠNG 4:
NGHỆ THUẬT XÂY DỰNG CỐT TRUYỆN, NHÂN VẬT VÀ NGÔN NGỮ
TRONG KỊCH BẢN VĂN HỌC Ở THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
4.1. Xu hướng nghệ thuật xây dựng kịch bản văn học ở Thành phố Hồ Chí Minh
Nằm trong tiến trình chung của kịch nói Việt Nam từ khoảng thập niên cuối của
thế kỷ XX đến nay, nghệ thuật xây dựng kịch bản văn học ở Thành phố Hồ Chí Minh
phát triển theo hai xu hướng:


17
-

Thứ nhất, theo những nguyên tắc nghệ thuật của kịch nói cổ điển, trên nền tảng
quan niệm và tư duy nghệ thuật của Chủ nghĩa hiện thực và Chủ nghĩa hiện thực
xã hội chủ nghĩa.

-

Thứ hai, tiếp thu một số kỹ thuật xây dựng kịch bản mới của kịch nói hiện đại ở
Phương Tây.

4.2. Nghệ thuật xây dựng cốt truyện và kết cấu
Kịch nói ở Thành phố Hồ Chí Minh đa phần thuộc dòng kịch kịch tính hay hòa
cảm. Nhìn chung, cốt truyện đều theo mô hình kết cấu kịch 5 hồi. Với mô hình tổ chức
sự kiện theo 5 hồi, hành động nhân vật vận động theo quy luật nhân quả và thời gian
tuyến tính. Sự khác biệt chỉ nằm ở phần cao trào và phần mở nút thành một, đồng thời
không gò bó về thời gian và không gian hành động. Trong xây dựng cốt truyện, tác giả
kịch bản ở Thành phố Hồ Chí Minh thường sử dụng sự kiện bất ngờ ở phần cao trào và

mở nút của tác phẩm.
Với việc xây dựng cốt truyện theo nguyên tắc cổ điển, truyền thống, cấu trúc
kịch bản văn học ở Thành phố Hồ Chí Minh phần lớn là cấu trúc khép kín, theo công
thức phổ biến: xung đột kịch thúc đẩy hành động kịch vận động cho đến khi xung đột
được giải quyết thì kết thúc tác phẩm.
Kịch bản văn học ở Thành phố Hồ Chí Minh phổ biến với hai cách giải quyết
xung đột: theo hướng dứt điểm và theo hướng điều hòa, hóa giải. Ở hướng giải quyết
thứ nhất, phần chiến thắng thường thuộc về cái thiện, cái chính nghĩa, cái tích cực.
Giải quyết xung đột theo hướng điều hòa, hóa giải là hướng giải quyết phổ biến
của kịch bản văn học ở Thành phố Hồ Chí Minh. Theo chúng tôi, sở dĩ nhiều kịch bản
thành phố chọn cách giải quyết theo hướng này có lẽ xuất phát từ việc đáp ứng thói
quen, nhu cầu của công chúng đại chúng của kịch nói thành phố. Sau một ngày bề bộn
của cuộc sống, khán giả đại chúng thành phố tìm đến sân khấu kịch nói để thỏa mãn
nhu cầu giải trí, đồng thời thông qua đó có được những bài học gần gũi, dung dị về
cuộc sống. Ở những kịch bản chọn cách giải quyết xung đột theo hướng điều hòa, hóa
giải, nhân vật hay tuyến nhân vật đối kháng tự nhận thấy mình sai, lầm lạc và quay về
cái đúng đắn, tích cực. Để giải quyết xung đột theo hướng điều hòa, trong quá trình vận
động của xung đột, các tác giả tiết chế việc đẩy xung đột lên cao. Ở cao trào, một sự
kiện hoặc hành động đột ngột diễn ra làm cho cục diện thay đổi hoặc sự thật dấu kín
được phơi bày khiến nhân vật thức tỉnh.
Để giải quyết xung đột theo hướng điều hòa, hóa giải của kịch bản văn học
thành phố thường dựa vào các sự kiện hoặc hành động mang tính bất ngờ để thay đổi
cục diện. Đa số cách giải quyết này chưa thực sự thuyết phục. Cái kết đôi khi bất ngờ
với chính nhân vật và công chúng. Tuy nhiên cách giải quyết xung đột như vậy giúp
khán giả vui vẻ rời khỏi rạp, không phải tư duy nhiều, đáp ứng mục tiêu giải trí.


18
Giải quyết xung đột theo hướng mở là hướng giải quyết không được nhiều tác
giả lựa chọn. Mặc dù đây là cách chuyển tải nội dung và thông điệp theo hướng hiện

đại nhưng có lẽ trong tình hình dàn dựng tác phẩm sân khấu hướng đến nhu cầu giải trí
của công chúng đại chúng hiện nay thì việc các kịch bản văn học giải quyết xung đột
theo cách này thường khó được lựa chọn để dàn dựng trên sân khấu. Cho nên xây dựng
và chuyển tải nội dung xung đột theo hướng cách tân, hiện đại của kịch bản văn học ở
Thành phố Hồ Chí Minh cũng chỉ mới dừng lại ở một vài tác phẩm mà chưa trở thành
xu hướng chung.
Bên cạnh đa số tác phẩm xây dựng cốt truyện theo nguyên tắc truyền thống và
khép kín thì kịch nói ở Thành phố Hồ Chí Minh cũng có những kịch bản văn học linh
hoạt, sáng tạo trong xây dựng cốt truyện và cấu trúc kịch bản hoặc theo xu hướng xây
dựng tình huống, với kết cấu mở. Nhìn chung trong nỗ lực đổi mới nghệ thuật xây
dựng kịch bản, các tác giả đã tiếp thu lối cấu trúc tác phẩm mở của kịch nói hiện đại
Phương Tây phù hợp với thói quen tiếp nhận kịch của khán giả thành phố. Việc tiếp thu
dạng cấu trúc này theo hai hướng, thứ nhất đặt những nhân vật của mình vào sự kiện
giả định để nhân vật hành động và thứ hai là tạo tình huống để nhân vật bộc lộ thế giới
nội tâm và nội cảm của mình. Sự phù hợp thể hiện ở chỗ vẫn có yếu tố “truyện” để
người xem dõi theo chứ không hoàn toàn phi cốt truyện như dòng Kịch hiện thực tâm
lý hay Kịch phi lý.
4.3. Nghệ thuật xây dựng nhân vật
Ở góc độ nội dung, hình tượng nhân vật trong kịch bản văn học ở Thành phố Hồ
Chí Minh khá phong phú Nhưng nếu khái quát lên thì kịch bản văn học thành phố phổ
biến với hai loại nhân vật là: nhân vật đời thường và nhân vật lịch sử.
Ở góc độ kiểu nhân vật, kịch bản văn học ở Thành phố Hồ Chí Minh phổ biến
với kiểu nhân vật tính cách, được xây dựng theo nguyên tắc của Chủ nghĩa hiện thực.
Ngoài ra, kịch bản văn học thành phố bước đầu có những tác phẩm xây dựng nhân vật
biểu trưng, biểu tượng.
Mặc dù số lượng kịch bản thời gian qua khá lớn, kiểu, loại nhân vật được thể
hiện trong kịch bản phong phú nhưng kịch nói ở Thành phố Hồ Chí Minh chưa có
nhiều hình tượng nhân vật lưu dấu sâu đậm trong tâm trí của độc giả cũng như khán
giả.
Một vấn đề nữa trong xây dựng nhân vật của kịch bản văn học ở Thành phố Hồ

Chí Minh là vẫn còn nhiều kịch bản mà nhân vật được xây dựng khá đơn giản, mặc
định thành hai thái cực tốt-xấu, tích cực-tiêu cực hơn là thể hiện được tính cách sinh
động, có chiều sâu, với sức khái quát mang tính chất xã hội. Nguyên nhân này thuộc về
trình độ sáng tác của tác giả kịch bản. Các nhân vật tuy được xây dựng theo nguyên tắc
sáng tác hiện thực nhưng chất liệu, cơ sở của hiện thực nội dung và hiện thực tâm lý
nhân vật chưa chắc chắn và nhuần nhuyễn. Cốt truyện chưa xây dựng được những sự
kiện, biến cố mang tính logic, phù hợp với tích cách và sự phát triển của nhân vật. Cho


19
nên hành động của nhân vật trước các sự kiện, biến cố mang tính chất khiên cưỡng,
không làm bật lên tính cách nhân vật cũng như tính hợp lý về hành động của nhân vật.
4.4. Nghệ thuật xây dựng ngôn ngữ
Ở nghệ thuật xây dựng ngôn ngữ đối thoại, nhìn chung, kịch bản văn học ở
Thành phố Hồ Chí Minh phần lớn vẫn mang những đặc điểm chung của ngôn ngữ kịch
nói Việt Nam cuối thế kỷ XX đầu thế kỷ XX và không có nhiều cách tân.
4.4.1. Ngôn ngữ đối thoại
Ngôn ngữ đối thoại của kịch bản văn học ở Thành phố Hồ Chí Minh là ngôn
ngữ thể hiện hành động và tính cách nhân vật. Điểm đặc sắc trong nghệ thuật xây dựng
ngôn ngữ đối thoại của kịch bản văn học ở Thành phố Hồ Chí Minh là việc miêu tả và
khắc họa tính cách nhân vật theo hình tượng con người Nam bộ. Việc khắc họa tính
cách Nam bộ được thể hiện thông qua lối khẩu ngữ Nam bộ. Ngôn ngữ đối thoại theo
lối khẩu ngữ Nam bộ thể hiện ở việc sử dụng lối nói và phương ngữ Nam bộ. Bên cạnh
đó, ngôn ngữ đối thoại của nhân vật trong kịch bản văn học ở Thành phố Hồ Chí Minh
đương đại đa phần đều là dạng ngôn ngữ hồn nhiên, chất phác, ít bóng bảy, ẩn ý hay
cao giọng lý luận, triết lý. Ngôn ngữ nhân vật này là phản chiếu phong cách ngôn ngữ
và tư duy của người Việt vùng Nam bộ. Điều này vừa góp phần đưa kịch nói gần gũi
với độc giả, khán giả Nam bộ vừa cá tính hóa nhân vật kịch trong bối cảnh đời sống, xã
hội, văn hóa và con người vùng Nam bộ. Xây dựng ngôn ngữ đối thoại theo hướng này
làm nên đặc trưng gần gũi với hiện thực đời sống, hiện thực sinh hoạt thường nhật của

kịch nói ở Thành phố Hồ Chí Minh. Tuy nhiên cũng cần thấy rằng bên cạnh những
kịch bản đạt chuẩn mực về xây dựng ngôn ngữ nghệ thuật thì cũng còn không ít những
kịch bản xây dựng ngôn ngữ chỉ mới ở dạng thô, không chau chuốt, mang tính chất tự
nhiên khiến cho sức hấp dẫn của tác phẩm giảm sút. Ngôn ngữ đối thoại thiếu đi tính
chất chọn lọc về mặt ngôn từ nên kịch bản văn học thiếu chiều sâu.
4.4.2. Ngôn ngữ độc thoại và bàng thoại
Ngôn ngữ độc thoại và bàng thoại trong kịch bản văn học ở Thành phố Hồ Chí
Minh thể hiện chức năng chung của dạng ngôn ngữ này trong kịch nói.
Khi chuyển từ ngôn ngữ đối thoại sang ngôn ngữ độc thoại, tác giả kịch bản
thường chỉ dẫn độc giả như: độc thoại, thầm thì, nói một mình, nói bằng ý nghĩ, lầm
bầm... cũng có khi nhân vật nói một mình với một bức tranh, bức ảnh hoặc kỷ vật. Sự
khác biệt giữa ngôn ngữ độc thoại và ngôn ngữ đối thoại là ở chỗ lời nói của nhân vật
hướng đến bản thân mình chứ không hướng đến đối tượng bên ngoài.
Ngôn ngữ độc thoại thường giúp bộc lộ điều mà nhân vật cảm nhận, suy nghĩ
thật sự, khác với nội dung mà nhân vật đối thoại; thể hiện đấu tranh tư tưởng hay sự tự
thú của nhân vật với bản thân mình; góp phần bộc lộ và làm rõ động cơ của hành động,
những toan tính của nhân vật.


20
Ngôn ngữ bàng thoại của nhân vật trong kịch bản văn học ở Thành phố Hồ Chí
Minh cũng là một thủ pháp nghệ thuật tạo nên không khí sinh động của kịch bản đồng
thời góp phần khắc họa tính cách nhân vật. Ngôn ngữ bàng thoại thể hiện vai trò bổ
sung thêm thông tin cho đoạn đối thoại, suy nghĩ của nhân vật hoặc giúp nhân vật giải
thích, phân trần thêm.
Ngôn ngữ độc thoại và bàng thoại trong kịch bản văn học thành phố mang chức
năng và đặc điểm phổ biến của hai loại ngôn ngữ này trong kịch bản văn học Việt Nam
hiện đại. Với những chức năng như vậy, có thể thấy rằng, bên cạnh là một thủ pháp
nghệ thuật, ngôn ngữ đối thoại góp phần khắc họa chân thật tính cách của nhân vật. Hai
loại ngôn ngữ này cùng ngôn ngữ đối thoại giúp công chúng hình dung thêm tính cách

của nhân vật, đồng thời thay đổi không khí, tạo nên tính chất sinh động cho ngôn ngữ
kịch.
KẾT LUẬN
Hơn 20 năm qua, kịch bản văn học ở Thành phố Hồ Chí Minh đã có những
đóng góp nhất định trên phương diện nội dung lẫn nghệ thuật.
Trong thành công chung của kịch nói ở Thành phố Hồ Chí Minh hơn 20 năm
qua, kịch bản văn học góp một phần không nhỏ. Kịch bản văn học góp phần làm nên
những tác phẩm sân khấu thu hút sự quan tâm của công chúng cả nước. Trong hoạt
động sân khấu, tác giả kịch bản góp phần duy trì sự ra đời thường xuyên của các tác
phẩm sân khấu mới, đáp ứng nhu cầu khán giả. Bên cạnh đó, với những tiếp thu từ
nghệ thuật xây dựng kịch bản hiện đại thế giới, kịch bản văn học cũng đã tạo nên nền
tảng cho một số đổi mới về nghệ thuật dàn dựng và trình diễn của kịch nói thành phố.
Tuy nhiên chất lượng tư tưởng và nghệ thuật của kịch bản văn học ở Thành phố
Hồ Chí Minh chưa tương xứng với số lượng. Kịch bản văn học tiêu biểu, kết tinh cho
sự phát triển hơn 20 năm của văn học kịch thành phố, thu hút sự quan tâm của công
chúng còn ít. Phần lớn nội dung kịch bản văn học được sáng tác theo những góc nhìn,
điểm nhìn và cách đánh giá không mới, tính phát hiện chưa cao. Nghệ thuật xây dựng
kịch bản văn học chưa có nhiều cách tân.
Hạn chế trên đã khiến cho văn học kịch Thành phố Hồ Chí Minh tuy vận động
trong điều kiện một nền sân khấu kịch nói khởi sắc hơn 20 năm qua nhưng chưa thực
sự tạo nên một cuộc chuyển mình đủ mạnh để đưa thành phố trở thành một trong
những trung tâm đổi mới của văn học kịch Việt Nam. Đây là một điều đáng tiếc.
Nguyên nhân của các hạn chế nói trên nằm ở phía đội ngũ sáng tác kịch bản văn học,
chính quyền thành phố và cách thức hoạt động của các sân khấu kịch nói.
Trên cơ sở xác định hạn chế và nguyên nhân của hạn chế, chúng tôi đề xuất một
số giải pháp nâng cao chất lượng kịch bản văn học ở Thành phố Hồ Chí Minh thời gian
tới.


21

Chính quyền thành phố và cơ quan quản lý trong lĩnh vực sân khấu, Hội sân
khấu, Hội Nhà văn Thành phố Hồ Chí Minh cần tổng kết, đánh giá một cách hệ thống
về kịch nói ở Thành phố Hồ Chí Minh hơn 20 năm qua, ở tất cả các cấp độ từ cơ chế,
quản lý, tổ chức hoạt động cho đến kịch bản văn học, tác phẩm sân khấu, đội ngũ tác
giả kịch bản, đạo diễn, diễn viên, công tác đào tạo, lý luận-phê bình…
Chính quyền và cơ quan quản lý trong lĩnh vực sân khấu của thành phố cần xác
định vị trí của kịch nói trong đời sống văn hóa-nghệ thuật của thành phố, từ đó thay đổi
cách ứng xử và xác định hướng phát triển của thể loại văn học, nghệ thuật này ở thành
phố thời gian tới.
Chính quyền và cơ quan quản lý trong lĩnh vực sân khấu của thành phố chọn lọc
đầu tư cho kịch bản văn học và dàn dựng. Điều này sẽ kích thích tác giả kịch bản sáng
tạo, đồng thời góp phần giúp các sân khấu xã hội hóa và đội ngũ nghệ sĩ tập trung dàn
dựng những tác phẩm chất lượng về mặt nội dung, nghệ thuật, góp phần nâng cao thẩm
mỹ cho khán giả. Cách làm này giúp các sân khấu không bị chi phối bởi vấn đề tài
chính, áp lực kinh doanh cũng như tránh được tình trạng bao cấp từ đầu vào cho đến
đầu ra của tác phẩm như đã và đang thực hiện ở các nhà hát kịch nhà nước.
Thành phố đầu tư xây dựng nhà hát, sân khấu kịch đạt tiêu chuẩn, cho các sân
khấu xã hội hóa thuê để tổ chức biểu diễn vừa nhằm hỗ trợ các sân khấu xã hội hóa về
địa điểm hoạt động vừa đảm bảo cơ sở vật chất cho việc sáng tạo các tác phẩm kịch nói
chuyên nghiệp, nghiêm túc.
Cơ quan quản lý về sân khấu cần định chuẩn và công bằng trong cấp giấy phép,
phê duyệt tác phẩm sân khấu kịch nói nhằm tạo môi trường lành mạnh và bình đẳng
cho các tác phẩm chất lượng đến với khán giả, chứ không phải cao thấp lẫn lộn như
hiện nay.
Thành phố cần có kế hoạch hỗ trợ đưa các tác phẩm kịch nói đến với giới trẻ,
mà trước hết là đối tượng sinh viên, học sinh. Ngoài ra, thành phố hỗ trợ đưa tác phẩm
lên truyền hình và in kịch bản văn học để tác phẩm được phổ biến đến đông đảo khán
giả trẻ.
Cần tăng cường phối hợp giữa Hội sân khấu Thành phố Hồ Chí Minh và Hội
Nhà văn Thành phố Hồ Chí Minh nhằm phát huy tiềm năng và nâng cao năng lực của

đội ngũ nhà văn, tác giả kịch bản ở thành phố. Ngoài ra, cần tăng cường công tác phê
bình văn học kịch, phê bình sân khấu, chú trọng đến xây dựng đội ngũ phê bình chuyên
nghiệp. Bên cạnh, Khoa Biên kịch, Lý luận, Phê bình Sân khấu-Điện ảnh của Trường
Đại học Sân khấu-Điện ảnh Thành phố Hồ Chí Minh thì thành phố cần có thêm những
cơ sở đào tạo lý luận, phê bình sân khấu mà cụ thể ở đây chúng tôi đề xuất cần đẩy
mạnh đầu tư cho Bộ môn Sáng tác và Phê bình Sân khấu-Điện ảnh thuộc Khoa Văn
học và Ngôn ngữ, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia


22
Thành phố Hồ Chí Minh) để bộ môn đủ mạnh trong việc đào tạo ra những nhà nghiên
cứu, lý luận, phê bình sân khấu và cả góp phần cung cấp đội ngũ sáng tác kịch bản văn
học.
Sau hơn 20 năm phát triển, trong khoảng hai năm trở lại đây, kịch nói ở Thành
phố Hồ Chí Minh đối diện với những khó khăn về khán giả. Nguyên nhân được lý giải
theo nhiều hướng liên quan đến chất lượng tác phẩm sân khấu. Nhưng còn một lý do
hết sức quan trọng là nhu cầu thẩm mỹ của khán giả đã thay đổi. Cho nên, để tiếp tục
duy trì thành quả của hơn 20 năm và phát triển trong thời gian tới, các sân khấu cần
một sự thay đổi mà trước hết là thay đổi về định hướng. Đó là định hướng vào chất
lượng nghệ thuật của tác phẩm.
Cuối cùng, từ thực tiễn khảo sát kịch bản văn học ở Thành phố Hồ Chí Minh
hơn 20 năm qua, chúng tôi thấy rằng cần đẩy mạnh công tác nghiên cứu lịch sử và lý
luận về kịch nói từ khi thể loại văn học này du nhập vào Việt Nam đến nay, cần xây
dựng hệ thống lý luận kịch nói của Việt Nam trên cơ sở đúc kết thực tiễn sáng tác kịch
nói Việt Nam, tiếp thu những thành tựu của lý luận kịch nói hiện đại và đương đại thế
giới, làm nền tảng cho công tác nghiên cứu, phê bình và sáng tác kịch bản văn học ở
nước ta hiện nay.
***
Nhìn lại thời gian qua, văn học kịch và sân khấu kịch ở Thành phố Hồ Chí Minh
phát triển hết sức khó khăn. Cần lưu ý rằng trong tiến trình phát triển của văn học-nghệ

thuật Phương Tây và cả các nước Phương Đông quanh ta, kịch nói luôn là nghệ thuật
tiên phong trong phản ánh hiện thực xã hội và tâm lý cá nhân, nhạy cảm với thời cuộc
và nhận lãnh trách nhiệm khai sáng, khai trí. Hơn 20 năm qua, với tâm huyết và nỗ lực
của các nghệ sĩ, kịch nói ở Thành phố Hồ Chí Minh đã có được diện mạo khởi sắc và là
món ăn tinh thần không thể thiếu của người dân thành phố. Nhưng kịch nói thành phố
duy trì sự tồn tại đến đây thì tiếp tục phát triển theo hướng nào nữa là trăn trở của
chúng tôi trong luận án này. Chúng tôi nhận thức rằng luận án chỉ mới là khởi đầu nhỏ
trong nghiên cứu, tổng kết, đánh giá kịch bản văn học đương đại ở Thành phố Hồ Chí
Minh. Những nhận định của chúng tôi có thể còn nhiều điều phải tiếp tục trao đổi do
những nguyên nhân xuất phát từ tính chất của đối tượng nghiên cứu, tư liệu, tài liệu và
cả năng lực chuyên môn của bản thân người thực hiện. Nhưng chúng tôi thực hiện với
tinh thần khách quan và trân trọng những cống hiến của các nghệ sĩ đối với văn học
kịch và sân khấu kịch thành phố. Chúng tôi hy vọng luận án góp phần vào việc mô tả,
nhìn lại một cách tổng thể những vấn đề cơ bản liên quan đến kịch bản văn học đương
đại ở Thành phố Hồ Chí Minh, từ đó có thể hướng vào những trọng tâm nghiên cứu sâu
hơn.
Cuối cùng, ở góc độ giải pháp, chúng tôi cho rằng, văn học kịch, tác giả kịch
bản không thể thay đổi toàn bộ cục diện của kịch nói thành phố mà cần sự thay đổi


23
đồng thời của tất cả các thành phần liên quan. Bên cạnh đó, việc đổi mới phải thực hiện
quyết liệt với vai trò hỗ trợ của nhà nước mà cụ thể ở đây là chính quyền, cơ quan quản
lý về sân khấu và Hội Sân khấu Thành phố Hồ Chí Minh. Đổi mới phải trở thành chủ
trương, động lực, giải pháp nâng cao chất lượng kịch nói thành phố chứ không dừng lại
ở một số điểm, mang tính chất phong trào. Đã đến lúc, chính quyền Thành phố Hồ Chí
Minh cần thể hiện vai trò của mình trong sự phát triển của kịch nói ở thành phố. Bởi
nếu chỉ dựa vào ý thức tự thân của các sân khấu kịch và người nghệ sĩ mà không có sự
hỗ trợ đắc lực từ phía nhà nước thì chắc chắn kịch nói ở Thành phố Hồ Chí Minh cũng
lại tiếp tục đi trên con đường như thời gian vừa qua. Điều đó khiến cho kịch nói thành

phố khó phát triển bền vững, tạo nên những tác phẩm đỉnh cao, mang tầm tư tưởng và
nghệ thuật.
Với những nền tảng và thành quả đã có được trong hơn 20 năm qua, chúng tôi
tin nếu có sự thay đổi kịp thời thì trong tình hình chung hiện nay của cả nước, Thành
phố Hồ Chí Minh vẫn là một điểm sáng và có khả năng trở thành trung tâm đổi mới của
văn học kịch và sân khấu kịch Việt Nam.


24

DANH MỤC CÁC BÀI BÁO, CÔNG TRÌNH
CỦA TÁC GIẢ ĐÃ CÔNG BỐ LIÊN QUAN ĐẾN LUẬN ÁN
1. Lưu Trung Thủy (2015), “Kịch nói trong đời sống văn học-nghệ thuật
Thành phố Hồ Chí Minh”, Tạp chí Phát triển Khoa học và Công nghệ Đại học
Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, Chuyên san Khoa học Xã hội và Nhân văn, tập
18, số X4 (2015), trang 47-60.
2. Lưu Trung Thủy (viết chung, năm 2016), “Kịch nói Thành phố Hồ Chí
Minh giai đoạn 1986-2016”, Kỷ yếu Hội thảo khoa học:Thành tựu văn học Việt
Nam ba mươi năm đổi mới (1986-2016), Trường Đại học Khoa học Huế, trang 579580.
3. Lưu Trung Thủy (2016), “Đặc điểm nội dung và nghệ thuật kịch bản văn
học Thành phố Hồ Chí Minh đương đại”, Tạp chí Phát triển Khoa học và Công
nghệ Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, Chuyên san Khoa học Xã hội và
Nhân văn, tập 19, số X1 (2016), trang 96-109.
4. Lưu Trung Thủy (viết chung, 2016), “Kịch nói Thành phố Hồ Chí Minh:
Vai trò định hướng văn hóa, lối sống cho giới trẻ”, Kỷ yếu Hội thảo khoa học: Vai
tr của văn học, nghệ thuật, văn nghệ sĩ Sài

n-Chợ Lớn- ia Đnh góp phần vào

sự nghiệp giải phóng dân tộc và xây dựng đất nước, Ban Tuyên Giáo Thành ủy, Hội

đồng Lý luận, Phê bình Nghệ thuật và Liên hiệp các Hội Văn học-Nghệ thuật Thành
phố Hồ Chí Minh, trang 229-240.
5. Gibert C.F.Fong (1990), Lưu Trung Thủy (dịch), “Ảnh hưởng của Phương
Tây và bình minh của kịch Trung Quốc hiện đại”, Tạp chí Khoa học Văn hóa và Du
lịch, Trường Cao đẳng văn hóa Nghệ thuật & Du lịch Sài
năm 2013, trang 119-137.

n, số 14 (68), tháng 11



×