Tải bản đầy đủ (.pdf) (113 trang)

Cảm thức sinh mệnh trong thơ lý hạ và chế lan viên

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (1.65 MB, 113 trang )

BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM HÀ NỘI

NGUYỄN LAN PHƯƠNG

CẢM THỨC SINH MỆNH
TRONG THƠ LÝ HẠ VÀ CHẾ LAN VIÊN

Chuyên ngành

: Văn học nước ngoài

Mã số

: 60.22.02.45

LUẬN VĂN THẠC SĨ VĂN HỌC NƯỚC NGOÀI

Người hướng dẫn khoa học: TS Trần Thị Thu Hương

HÀ NỘI – 2017


LỜI CẢM ƠN
Hoàn thành công trình nghiên cứu với đề tài: “Cảm thức sinh mệnh
trong thơ Lý Hạ và Chế Lan Viên”, chúng tôi xin được gửi lời cảm ơn sâu sắc
đến: Lãnh đạo trường Đại học Sư phạm Hà Nội, Ban chủ nhiệm khoa Ngữ
văn đã tạo điều kiện thuận lợi cho chúng tôi thực hiện luận văn này.
Quý thầy cô giáo trong cũng như ngoài trường đã tận tình giảng dạy,
giúp đỡ trong suốt quá trình chúng tôi học tập và thực hiện luận văn tại cơ sở
đào tạo Trường Đại học Sư phạm Hà Nội.


Đặc biệt là TS Trần Thị Thu Hương - người thầy đã hết lòng giúp đỡ
chúng tôi, hướng dẫn tận tình, động viên, khích lệ chúng tôi trong suốt quá
trình nghiên cứu và thực hiện đề tài.
Cuối cùng, xin cảm ơn gia đình, bạn bè, đồng nghiệp những người đã
luôn bên cạnh, khuyến khích và ủng hộ tôi trong suốt quá trình thực hiện luận
văn này.
Hà Nội, tháng 6 năm 2017
Tác giả

Nguyễn Lan Phương


LỜI CAM ĐOAN
Tôi xin cam đoan đây là công trình nghiên cứu của riêng tôi. Các kết
quả nêu trong luận văn đều có cơ sở khoa học, đảm bảo tính trung thực và độ
chính xác cao nhất có thể. Các trích dẫn đều có xuất xứ rõ ràng. Tôi xin hoàn
toàn chịu trách nhiệm về công trình nghiên cứu của mình.


MỤC LỤC
MỞ ĐẦU .......................................................................................................... 1
1. Lý do chọn đề tài .......................................................................................... 1
2. Phạm vi đề tài ............................................................................................... 5
3. Lịch sử vấn đề............................................................................................... 5
4. Cơ sở lý thuyết .............................................................................................. 9
5. Nhiệm vụ và phương pháp nghiên cứu ...................................................... 14
6. Đóng góp của luận văn ............................................................................... 15
7. Cấu trúc luận văn ........................................................................................ 15
Chương 1: CẢM THỨC “ĐIÊU TÀN” TRONG THƠ LÝ HẠ
VÀ CHẾ LAN VIÊN ..................................................................................... 15

1. Khái lược về cảm thức điêu tàn ............................................................... 16
1.1. Khái niệm “điêu tàn” .............................................................................. 16
1.2. Khái niệm “Cảm thức điêu tàn” ............................................................. 16
2. Cảm thức điêu tàn trong thơ Lý Hạ và Chế Lan Viên .......................... 19
2.1. Nguồn gốc về cảm thức điêu tàn trong thơ Lý Hạ và Chế Lan Viên ........... 19
2.1.1. Điêu tàn trong thơ Lý Hạ đến từ những sóng gió cuộc đời quan
trường ............................................................................................................ 20
2.1.2. Điêu tàn trong thơ Chế Lan Viên lại xuất phát từ những trăn trở về thời
cuộc và quan niệm nghệ thuật......................................................................... 21
2.2. Cảm thức “Điêu tàn” trong thơ Lý Hạ và Chế Lan Viên ..................... 21
2.2.1. Điêu tàn từ thiên nhiên – vũ trụ ............................................................ 22
2.2.2. Điêu tàn trong cõi mộng ....................................................................... 32
2.2.3. Điêu tàn về con người ........................................................................... 36
Chương 2: CẢM THỨC CÔ ĐƠN TRONG THƠ LÝ HẠ
VÀ CHẾ LAN VIÊN ..................................................................................... 44
1. Cảm thức cô đơn ....................................................................................... 44


1.1. Khái lược về “cô đơn”............................................................................. 44
1.2. Cảm thức cô đơn ..................................................................................... 47
2. Cảm thức cô đơn trong thơ Lý Hạ và Chế Lan Viên ............................ 49
2.1. Nguồn gốc về cảm thức cô đơn trong thơ Lý Hạ và Chế Lan Viên ........... 49
2.1.1. Lý Hạ là một con người lạc lõng, cô đơn về mọi mặt ........................... 49
2.1.2. Chế Lan Viên cô đơn bởi số phận chung của cộng đồng xã hội và bởi
chính mình ....................................................................................................... 51
2.2. Cảm thức cô đơn trong thơ Lý Hạ và Chế Lan Viên ............................ 54
2.2.1. Con người cô đơn, lạc lõng trước thời cuộc ......................................... 54
2.2.2. Con người cô đơn trước lý tưởng cá nhân ............................................ 62
Chương 3: CẢM THỨC CUỒNG HOAN TRONG THƠ LÝ HẠ
VÀ CHẾ LAN VIÊN ..................................................................................... 72

1. Cảm thức “cuồng hoan” ........................................................................... 72
1.1. Khái niệm “cuồng hoan” ........................................................................ 72
1.2. Khái niệm “cảm thức cuồng hoan” ....................................................... 75
2. Cảm thức cuồng hoan trong thơ Lý Hạ và Chế Lan Viên .................... 76
2.1. Nguồn gốc của cảm thức cuồng hoan trong thơ Lý Hạ và Chế Lan
Viên ................................................................................................................ 76
2.2. Biểu hiện của cảm thức cuồng hoan trong thơ Lý Hạ và Chế Lan Viên ......79
2.2.1. Cuồng hoan trước thiên nhiên .............................................................. 80
2.2.2. Cuồng hoan trước cái chết .................................................................... 89
2.2.3. Cuồng hoan trước quá khứ ................................................................... 95
KẾT LUẬN…………………………………………………… …………104
TÀI LIỆU THAM KHẢO .......................................................................... 106



MỞ ĐẦU
1. Lý do chọn đề tài
1.1. Lý Hạ là một trong tứ trụ Đường thi có sức ảnh hưởng rộng lớn và
lan tỏa, trong đó phải kể đến “Thi tiên” Lý Bạch, “Thi Phật” Vương Duy,
“Thi thánh” Đỗ Phủ, và Lý Hạ được mệnh danh là “Thi quỷ”. Đương thời, thơ
ca Lý Hạ đã được người đời hết lời ca tụng và hoan nghênh. Sở hữu tài năng
thiên bẩm cùng với sự ảnh hưởng mạnh mẽ của lịch sử xã hội đã khiến cho
tâm hồn thơ của ông trở nên thăng hoa tột bậc, tạo được tiếng vang lớn trên
văn đàn văn học Trung Hoa cổ đại, để lại cho lịch sử văn học nước láng giềng
một kho tàng trí tuệ và thẩm mỹ đặc sắc. Với một vị trí đặc biệt và vai trò
quan trọng trong nền văn học Trung Quốc nói chung và thơ Đường nói riêng
thì việc nghiên cứu về ông và thơ ông là một quá trình cần thiết nhằm bổ
sung, hoàn thiện và đem đến cái nhìn toàn diện và đa chiều, cũng như khẳng
định những đóng góp của Lý Hạ cho nền văn học. Sẽ là một thiếu sót lớn khi
quá trình nghiên cứu và phê bình văn học nhân loại thiếu đi bóng dáng của

một nhà thơ lớn như Lý Hạ.
1.2. Thơ Lý Hạ mang một màu sắc độc lạ giữa một rừng thi ca mang
âm hưởng chung của thời đại nhà Đường với các thi phái lớn như Tống biệt,
Khuê phụ, Điền viên… Cho nên Lý Hạ nổi lên như một hiện tượng vô cùng
đặc sắc. Điều quý giá trong nghệ thuật là khi tìm thấy một phong cách riêng
không hòa trộn nhạt nhòa, lẩn khuất trong vô vàn những hỗn mang của nó, đó
mới là nghệ thuật thực sự. Và, Lý Hạ chính là người đã “đánh” lên nốt nhạc
đặc biệt trên một bản đàn với đủ thanh âm trầm bổng. Dù rằng, ở thời đại
Đường thi, văn học chưa hình thành khái niệm “phong cách riêng”, “phong
cách chung” hay “cá tính sáng tạo”, song, tự trong tâm thức của các nhà văn,
nhà thơ luôn luôn khắc khoải một nỗi niềm về giá trị của văn chương, trong
đó là sự sáng tạo không ngừng trong thi ca, chính nó là ngọn nguồn sự sống

1


cho văn chương, duy trì văn chương luôn ở trạng thái động, nếu văn chương
đi vào lối mòn thì nó sẽ chết. Ý thức được căn nguyên cốt lõi của giá trị văn
chương nên các thi nhân luôn cố gắng vươn lên cái cực hạn của sự sáng tạo,
vượt qua mọi giới hạn của tư duy, thẩm mỹ thông thường để đạt đến cảnh giới
phi thường, phi ngã. Cái phi thường trong thơ Lý Hạ là sự phản ánh thế giới
nghệ thuật vô cùng độc đáo, một điều chưa bao giờ xảy ra tiền lệ trong văn
học Trung Quốc, nó mang đến cho thơ ca đương thời một âm hưởng mới, một
sắc thái mới cực kì biệt dị.
1.3. Sự độc lạ trong phong cách thơ Lý Hạ là một trở ngại lớn trong
quá trình đọc – hiểu và cảm thụ của độc giả. Những sáng tác của Lý Hạ vẫn
còn khá xa lạ đối với bạn đọc Việt Nam. Người ta biết nhiều về Lý Bạch, Đỗ
Phủ, Bạch Cư Dị…song số người đọc biết đến Lý Hạ vô cùng hiếm hoi, đây
là một thiệt thòi lớn cho những ai thực sự quan tâm đến nền văn hóa của đất
nước triệu dân, trong đó có văn học cổ. Thơ ông khá kén người đọc và yêu

thích nó cũng chính bởi tính dị biệt. Chính điều đó làm nên một Lý Hạ đầy
sống động và khác biệt, nó là một ưu điểm của Lý Hạ nhưng đồng thời cũng
là một hạn chế cản ngăn tâm hồn giao hòa giữa nhà thơ và người thưởng thức
văn học. Bởi vậy, việc lan tỏa sức ảnh hưởng và giá trị đặc sắc của thơ ca Lý
Hạ đến bạn đọc Việt Nam là một điều cần thiết. Chúng tôi mong muốn sử
dụng vốn kiến thức còn hạn hẹp của mình để cởi gỡ và lý giải phần nào những
“nút thắt” tư tưởng còn tồn tại tương đối vững chắc trên con đường đi từ trái
tim của nhà thơ đến với tâm hồn của người đọc, giúp những người yêu thơ
văn thêm cảm thấu và ngưỡng một mộ một tài năng lớn.
1.4. Ở Việt Nam còn rất ít những công trình nghiên cứu về nhà thơ Lý
Hạ. Rất nhiều vấn đề xoay quanh cuộc đời và con đường sáng tác của nhà thơ
tài năng, dị biệt ấy chưa thực sự được quan tâm và khai thác. Theo thông kê,
chúng tôi chỉ thu thập được một số tài liệu có quan tâm đến Lý Hạ trong vô

2


vàn những nghiên cứu tầm cỡ về các nhà thơ tiêu biểu khác của thời Đường.
Đứng trong một tổng thể đó, những nghiên cứu đóng góp về thơ ca của ông
vô cùng nhỏ bé và chưa thực sự xứng tầm so với tài năng của ông. Chúng tôi
cho rằng, sự hạn hẹp trong vốn tư liệu về Lý Hạ là một thiếu sót không nhỏ
dành cho nền văn học thế giới. Ngoài ra, nghiên cứu về thơ Lý Hạ không chỉ
nhằm mục đích giản đơn là thấu hiểu về con người và văn thơ của ông, hơn
thế nữa, thấu cảm về một “mảnh ghép” sẽ giúp ta có cái nhìn tổng thể và toàn
vẹn về một bức tranh Đường thi tràn đầy màu sắc, sự đa dạng và phong phú
ấy đã đem lại cho lịch sử văn học Trung Quốc cổ một giá trị bền vững với
thời gian.
1.5. Thơ Chế Lan Viên trước năm 1945 tràn ngập một màu u ám thê
lương. Thế giới âm – dương hòa lẫn vào nhau tạo nên tính siêu thực đặc biệt
trong thơ ông. Xét về một khía cạnh của nghệ thuật, ta có thể thấy giữa Lý Hạ

và Chế Lan Viên có sự tương đồng rất lớn trong tư tưởng và cảm quan riêng
về thế giới. Thế giới thơ đồng nhất với thế giới tâm hồn đầy u uất, tạo nên sắc
thái quỷ dị trong thơ của hai con người – hai thời đại – hai số phận.
1.6. Cả Lý Hạ và Chế Lan Viên đều có hoàn cảnh vô cùng nghiệt ngã,
chính yếu tố hoàn cảnh ấy đã tác động và chi phối không nhỏ đến cảm quan
nhận thức trong thơ họ. Sinh thời, Lý Hạ vốn mang trong mình căn bệnh hiểm
nghèo và quái ác, đem lại những nỗi đau không chỉ về mặt thể xác mà còn
tâm hồn, nó cũng chính là nguyên nhân khiến cho quãng thời gian hưởng
dương trên cõi trần của ông chỉ tồn tại 27 năm (có một số tài liệu nhận định
rằng Lý Hạ chỉ sống đến năm 24 tuổi). Bởi vậy, trong suốt cuộc đời ngắn ngủi
ấy, bản thân Lý Hạ đã hình thành một ý thức sâu sắc về vấn đề sinh mệnh,
ông tâm niệm một cách rõ ràng về “cái chết” đang bủa vây xung quanh mình.
Tất cả tâm lý bấn loạn, hoang dại và tiêu điều ấy đã được nhà thơ phản ánh
trọn vẹn trong các tác phẩm của ông. Vì vậy mà sinh mệnh đối với ông, chính

3


là được sống trong thế giới yêu ma quỷ quái; sống trong tận cùng bản thể của
nỗi cô đơn, hoang lương của mình.
Cũng giống như Lý Hạ, Chế Lan Viên cũng ý thức được sinh mệnh
thông qua những nhận thức về cái chết, những nỗi cô đơn dày vò thể xác và
tâm hồn của nhà thơ. Hoàn cảnh riêng của Chế Lan Viên đồng nhất với hoàn
cảnh chung của cả dân tộc đang ngày đêm chìm đắm trong kiếp nô lệ lầm
than, sống mà cũng như chết. Đồng thời, hoàn cảnh nghiệt ngã cùng với một
tâm hồn nhạy cảm trước cuộc đời - xót xa hiện tại và nuối tiếc quá khứ đã tạo
nên một Chế Lan Viên u hoài, vật vã, đau đớn trong thế giới tràn đầy sắc thái
kinh dị.
1.7. Bên cạnh những nét tương đồng thú vị thì thế giới thơ của Chế Lan
Viên và Lý Hạ cũng mang những nét đặc sắc riêng, cần đào sâu nghiên cứu và

so sánh để làm nổi bật “chất” riêng của hai con người thuộc trường thơ “loạn”
này. Đây có lẽ là một điều tất yếu, dĩ nhiên giữa mọi hiện tượng văn học. Bản
thể mỗi con người là riêng, là duy nhất, cho nên sự tương đồng trong việc xây
dựng thế giới hình tượng chỉ đơn thuần là sự gặp gỡ nhau về mặt tư tưởng,
còn những điểm khác biệt trong tư duy mới chính là những yếu tố tạo nên dấu
ấn cá nhân của mỗi nhà văn.
1.8. Trong quá trình nghiên cứu và phê bình văn học, việc so sánh tác
phẩm văn học ở các thời kì, các giai đoạn và ở mọi nền văn hóa, tư tưởng là
một việc vô cùng quan trọng và cần thiết, không chỉ để tìm ra điểm khác biệt
hay tương đồng mà còn khẳng định được những đóng góp thiết thực của từng
tác phẩm trong dòng chảy vận động của nền văn học nhân loại. Đồng thời
những kết quả của thao tác so sánh cũng góp phần khai thác tối đa những sợi
dây liên kết của tư duy nghệ thuật, có tác động không nhỏ đến quy trình sáng
tác về sau.

4


2. Phạm vi đề tài
Với việc thực hiện đề tài này, chúng tôi tập trung nghiên cứu vấn đề
trong phạm vi nội dung và nghệ thuật của thơ ca Lý Hạ và Chế Lan Viên, trong
đó cụ thể là cảm thức về sinh mệnh – trong tương quan so sánh điểm giống và
khác nhau giữa hai nhà thơ. Trong quá trình đào sâu tìm tòi gốc rễ vấn đề,
chúng tôi có những phát hiện thú vị về nét tương đồng đặc biệt trong những
vần thơ của Lý Hạ và Chế Lan Viên, quan niệm về sinh mệnh của họ mang âm
hưởng và màu sắc chung, đó là sự “điêu tàn”, chết chóc, ma mị, u ám của cõi
quỷ thần; bên cạnh đó còn có cảm thức về nỗi “cô đơn”.... Tất cả đều được thể
hiện thông qua hệ thống hình tượng nghệ thuật mang ý nghĩa biểu trưng. Nếu
như khai thác sâu về cội nguồn xúc cảm, ta hoàn toàn có thể tìm ra sự đồng
điệu không chỉ trong tâm hồn mà còn cả trong thời đại, văn hóa…

Tư liệu khảo sát của chúng tôi là toàn bộ những bài thơ của chữ Hán
của nhà thơ Lý Hạ được lấy từ trang “Thi viện” cùng với việc tìm đọc và đối
chiếu với cuốn “Lý Hạ - Quỷ tài, quỷ thi” của Huỳnh Ngọc Chiến ( NXB
Trẻ). Đồng thời, chúng tôi khảo sát và lựa chọn toàn bộ bài thơ trong tập thơ
“Điêu tàn” của Chế Lan Viên (NXB Hội nhà văn) để phục vụ cho quá trình
thực hiện đề tài này.
3. Lịch sử vấn đề
Việc nghiên cứu về Lý Hạ và Chế Lan Viên có nhiều sự khác biệt. Từ
sự khác nhau về nguồn gốc, xuất xứ (văn học Việt Nam – Văn học Trung
Quốc) cho đến ngôn ngữ, văn hóa mà lịch sử nghiên cứu về Chế Lan Viên tỏ
ra mạnh mẽ và vượt trội hơn hẳn so với việc nghiên cứu về nhà thơ Lý Hạ.
Chế Lan Viên là nhà thơ tiêu biểu trong phong trào thơ Mới 1930 – 1945 của
Việt Nam với tư duy nghệ thuật giàu tính triết lý, bởi thế tài liệu nghiên cứu
về ông khá nhiều và đầy đủ, hầu như đã khai thác tối đa những vấn đề xoay
quanh con đường thơ của Chế Lan Viên, đặc biệt là giai đoạn trước Cách

5


mạng tháng Tám 1945 – thời kì đỉnh cao của hồn thơ lãng mạn. Bên cạnh đó,
nghiên cứu về Lý Hạ gặp khá nhiều khó khăn, trở ngại do vốn tư liệu ít ỏi,
thiếu phong phú và chính xác về chú giải, dịch nghĩa. Chúng tôi chỉ ghi nhận
được một số tài liệu nghiên cứu cơ bản như sau:
3.1. Những nghiên cứu về Lý Hạ:
3.1.1. Nghiên cứu về Lý Hạ ở Trung Quốc:
Các tác giả của Đường thi phẩm loại đã từng nhận xét về thơ ca của Lý
Hạ như sau: “Nguyên Hòa đời Đường là giai đoạn hưng thịnh của thi ca. Hàn
Dũ, Lý Hạ văn thể không đồng nhất nhưng đều có cốt khí. Thoái Chi (tức Hàn
Dũ) được các bậc tiền hiền khen ngợi, điều đó đã rõ, riêng Trường Cát, trời để
lại cho tài năng kì diệu tung hoành làm kinh động cả người đương thời, xa lìa

con đường bút mực. Than ôi, nếu để ông sống thêm vài năm mà thêm lý vào
văn thì sự nghiệp há chỉ có chừng đó thôi đâu”.
Nghiêm Thương lãng bình Lý Bạch thi có đoạn: “Lý Bạch là tiên tài, Lý
Hạ là quỷ tài. Nhưng thơ của tiên của qủy đều không nên xem nhiều. Xem
nhiều thì tiên không làm người ta kinh, quỷ không làm người ta sợ”.
Tài năng xuất chúng của Lý Hạ lại được ca ngợi trong Mao trì hoàng
thi biện để: “Thời đại lịch về sau, giải được cái khuôn phép còn sót lại của
nhạc phủ, chỉ có một mình Lý Hạ. Ông đã xây dựng được sắc thái đậm đà kì
diệu mà ngôn từ phần nhiều lại ngụ ý ngoài lời. Ngôn ngữ chọn lựa thì khắt
khe, dụng ý thì hồn hậu. Sau thời thịnh Đường, muốn đứng riêng một cõi thì
không thể không có phái của Mạnh Đông dã và Lý Trường Cát vậy”.
Trung Quốc Văn học sử của Viện nghiên cứu khoa học Trung Quốc
phân tích nguyên nhân làm nên sắc thái quỷ dị trong thơ Lý Hạ như sau: Lý
Hạ thiếu sự liên hệ với quảng đại quần chúng nhân dân lao động, đối với cuộc
sống xã hội rộng lớn không có nhận thức và thể nghiệm thực tế một cách sâu
sắc. Tác phẩm thường tả cảnh giới u quái, ca tụng tử vong và thần quỷ, đó

6


chính là thi nhân đã biểu hiện ra sự cảm thụ cái hư không, huyễn giác của
nhân sinh, gây ảnh hưởng không tốt.
Tác giả Trí Can lại cho rằng: “Ý thức suy đồi của anh ta (Lý Hạ) hiện ra
trong ý thức về quỷ và sự huyễn hoặc, chủ yếu biểu hiện trong mấy hình thái: (1)
Lấy cảnh sơn dã điền viên để tự an ủi; (2) Cảm thường thất ý dẫn đến ngâm tụng
quỷ thần; (3) Sự bi thương về sinh mệnh;(4) Truy cầu sự huyễn tưởng”.
Có nhà nghiên cứu lại bình phẩm rằng: Lý Hạ “Tính cô lãnh lạc, bất dữ
nhân hợp” (Tính lạnh lùng, xa cách, không hợp với mọi người).
Ngoài ra còn nhiều tài liệu nghiên cứu khác về Lý Hạ: Pháp gia thi
nhân Lý Hạ - Dương Khải Thuận, Tư tưởng Pháp gia của Lý Hạ – Ngô Nhữ

Dục, Trịnh Vân Ba, Mạn đàm về Lý Hạ và mối quan hệ đối với Hàn Dũ – Tôn
Vọng, Bình giá tư tưởng thơ ca Lý Hạ – Dư Mỹ Vân, Lý Trường Cát thi –
Giang Lý Bính, Lý Trường Cát bình truyện – Vương Lễ Tích, Đàm nghệ lục
– Tiền Chung Thư, Sự cách điệu của thơ Lý Hạ – Trương Tổ An, Bàn về thơ
tình của Lý Hạ – Liêu Minh Quân, Ý thức về sinh mệnh trong thơ Lý Hạ – Lý
Nghiêu, Từ bi kịch tình cảm đến bi kịch ẩn ý trong thơ Lý Hạ – Chu Thượng
Nghĩa, Thế kỉ XX nghiên cứu bình luận thơ Lý Hạ ( Tổng thuật văn học của
Trường Kiếm), Xương Cốc biệt truyện tính chú – Điền Bắc Hồ (1908), Thi
nhân Lý Trường Cát – Vạn Mạn (1928), Lư nhận thi bối Lý Trường Cát –
Vương Lễ Tích (1928), Lý Hạ niên phổ – Chu Tự Thanh (1935), Một điểm
khám phá mới về hành tung cuộc sống của Lý Hạ – Lương Siêu Nhiên (1979),
Bàn về thơ Lý Hạ – Trần Di Hân..v.v
3.1.2. Những nghiên cứu Lý Hạ ở Đài Loan
Lưỡng Đường Thư Lý Hạ truyện khảo biện – Hiệp Trùng Bính (1968)
Lý Trường Cát thi ca nguyên lưu, cử ngung – Chu Quân Ức ( 1972)
Lý Hạ tâm thái phân tích – Hoàng Kính Khâm ( 1972)
Thấu thị Lý Hạ thi trung đích thần thoại thế giới – Hoàng Đình Vũ (1978)

7


3.1.3. Những nghiên cứu Lý Hạ ở các nước Âu Mỹ
Lý hạ với xúc cảm tinh tế – D.Y.Cheh (1962)
Cách sắp xếp từ trung thơ Lý Hạ – M.A.Robertson
Chủ đề thần thoại trong thơ ca Lý Hạ – M.B.Fish
Nữ thần trong thơ ca Lý Hạ - những ý tượng u kì quái diễm –.D.
Fodsham.
3.1.4. Những nghiên cứu về Lý Hạ ở Việt Nam:
Lý Hạ từng được giới thiệu trong cuốn Đường thi tuyển dịch, Lịch sử
văn học Trung Quốc của một nhóm tác giả biên soạn; Nguyễn Tôn Nhan đã

đưa ra lời nhận định về Lý Hạ như sau: “Văn học sử Trung Quốc gọi Lý Hạ là
“thi quỷ” quả là có xác đáng, hình như chàng hoặc là tiên hoặc là quỷ nên bị
chữ quỷ ám ảnh suốt 27 năm tại thế”.
Ngoài ra, còn có cuốn Lý Hạ - Quỷ tài quỷ thi của tác giả Huỳnh Ngọc
Chiến: “Thơ Lý Hạ là thơ của âm hồn lãng đãng, của ngưu quỷ, xà thần, của
hận lòng không siêu thoát, cứ mãi vật vờ trong cõi u minh. Trong thơ ông
thường có cảnh tượng quái dị với những câu thơ lạ lùng tạo nên một thế giới
kì ảo mặc sức cho trí tưởng tượng tung hoành. Thế giới trong thơ Lý hạ cực kì
quỷ dị”.
Chúng tôi cũng được đọc Luận án của Tiến sĩ Phạm Thị Xuân Châu với
đề tài Đặc trưng phong cách nghệ thuật thơ Lý Hạ với những nghiên cứu về:
Cơ sở hình thành thơ Lý Hạ, Cảm quan thẩm mĩ độc đáo, Hệ biểu tượng nghệ
thuật đặc sắc.
Luận văn Mô hình huyền thoại trong thơ Lý Hạ của Thạc sĩ Nguyễn
Thị Thúy Hạnh, Luận án Đặc sắc nghệ thuật thơ Lý Hạ của Tiến sĩ Nguyễn
Thị Tuyết với nội dung nghiên cứu chuyên sâu về phương diện nghệ thuật: Ý
tượng phản bình dị, kết cấu trọng kì khu, Ngôn ngữ bác trần ngôn…; bài

8


nghiên cứu Thơ lãng mạn Trung Hoa từ Khuất Nguyên đến Lý Bạch, Lý Hạ
của Lê Từ Hiển.
3.2. Nghiên cứu về vấn đề cảm thức sinh mệnh trong thơ Lý Hạ và Chế
Lan Viên:
Trong quá trình thống kê và nghiên cứu, chúng tôi chỉ bắt gặp những
tài liệu liên quan đến những cảm thức trong văn chương như Luận án Cảm
thức hiện sinh trong truyện ngắn Việt Nam từ năm 1986 đến 2010 của Tiến sĩ
Trần Nhật Thu, Luận văn Cảm thức phi lý trong tiểu thuyết Đỗ Phấn của
Thạc sĩ Võ Thị Thanh Hiền, Luận văn Cảm thức thời gian trong thơ đời Trần

của Thạc sĩ Doãn thị Hồng, hay Khóa luận Cảm thức cô đơn trong tiểu thuyết
của Nguyễn Ngọc Tư của tác giả Đoàn Thị Duyên… Tuyệt nhiên, chúng tôi
không tìm được nguồn tài liệu nào nghiên cứu trực tiếp về vấn đề cảm thức
sinh mệnh nói chung và cảm thức sinh mệnh trong thơ Lý Hạ và Chế Lan
Viên nói riêng. Đây có thể coi là một vấn đề khá mới mẻ trong lĩnh vực
nghiên cứu và phê bình văn học.
4. Cơ sở lý thuyết
Từ trước đến nay, vấn đề “sinh mệnh” luôn là một vấn đề cơ bản và cốt
lõi trong đời sống của con người, nó luôn trở thành một nguồn cảm hứng
không bao giờ vơi cạn, kích thích những khát khao tìm tòi và khám phá nó
trong mọi lĩnh vực. Có thể coi “sinh mệnh” là một ẩn số, người ta càng nghiên
cứu và khám phá bao nhiêu thì nó càng trở nên bí ẩn và thú vị bấy nhiêu. Ở
mỗi một khía cạnh khác nhau, nó lại chứa đựng những nội hàm khái niệm
riêng biệt.
Khái niệm “sinh mệnh” vốn được định nghĩa một cách sơ khai trong Từ
điển tiếng Việt là “sinh mạng” – mạng sống của sinh vật nói chung, tức là sự
sinh ra ra và duy trì sự tồn tại của một thực thể trong không gian và thời gian
nhất định, có một giới hạn và định mức cụ thể, không tồn tại vĩnh hằng bất

9


biến theo quy luật của tạo hóa. Cụ thể, trong tiếng Hán, “mệnh” 命 có hai ý
nghĩa chính: thứ nhất có nghĩa là mạng, như trong thơ Nguyễn Trãi: “Li loạn
như kim mệnh cẩu toàn” 離亂如今命苟全 (Hạ nhật mạn thành 夏日漫成) Li loạn đến nay mạng sống tạm được nguyên vẹn; thứ hai nghĩa là “sai
khiến”, ví dụ như “mệnh nhân tống tín” 命人送信 – sai người đưa tin. Mở
rộng nghiên cứu đối tượng, ông cha ta đã khai thác tối đa ý nghĩa của từ
“mệnh” để hoàn thiện đầy đủ hơn những quan niệm gốc rễ ban đầu. Mệnh ở
đây còn được vận dụng vào những trường hợp khác như “vận mệnh”, “số
mệnh”, “mệnh trời”, ví như: 論語: "Tử sanh hữu mệnh, phú quý tại thiên" 死

生有命, 富貴在天 (Nhan Uyên 顏淵) - Sống chết có số, giàu sang do trời.…
Như vậy, “mệnh” ở đây dùng để mô tả sự tồn tại của sự vật chịu tác động qua
lại và chi phối của những tác nhân bên ngoài khác, tại ngoại bản thân. Rõ
ràng, sinh mệnh là yếu tố thuộc về con người nhưng theo cách hiểu này, nó
nằm ngoài khả năng điều khiển và tự chủ của mỗi chúng ta. Tất cả đều có sự
sắp đặt và định hướng sẵn theo quy luật của số phận.
Tư tưởng con người, đặc biệt là tư tưởng văn hóa phương Đông rất tin
vào số phận và vận mệnh sẵn có, thậm chí cho đến ngày nay, khi con người
bước vào một giai đoạn mới hiện đại hơn, văn minh hơn, song trong tâm thức
của họ vẫn ít nhiều tín mệnh. Có lẽ điều này bắt rễ sâu sắc từ định hướng tư
duy của triết học Trung Quốc cổ đại từ hàng nghìn năm trước, đến nay vẫn
còn vẹn nguyên giá trị. Người xưa cho rằng, mỗi một con người từ khi sinh ra
đều được định hình sẵn một cuộc đời, ai ai cũng có một số mệnh nhất định và
không ai giống ai. Mạnh Tử đã từng nói: “Mạc chi vi nhi vi giả, thiên dã; mạc
chi trí nhi chí giả, mệnh dã”; tạm dịch là: Không phải sức người làm được mà
vẫn có thể làm được, đây chính là Thiên ý; không phải sức người có thể cầu
được mà lại có được, đây chính là vận mệnh. Như vậy, triết học của Mạnh Tử

10


đã sớm phát hiện một quy luật tất yếu trong đời sống của con người: con
người là trung tâm của vũ trụ nhưng quyền năng của con người luôn là hữu
hạn, đôi khi không thể chiến thắng sự sắp đặt của số phận, mà số phận vốn dĩ
được quy định từ “ý trời”. “Thiên” là một đấng tối cao, có khả năng chi phối
mọi hoạt động đời sống vật chất và tinh thần của con người dưới hạ giới. Do
vậy, không phải ngẫu nhiên mà người ta lại đề cao sự tổng hòa của ba không
gian: thiên – địa – trần gian; song trước tiên phải là “thiên thời”, “địa lợi”,
cuối cùng mới đến “nhân hòa”.
Đổng Trọng Thư trong Hán thư – Đổng Trọng Thư đã nghiên cứu một

phần về khái niệm “mệnh”, ông cũng có quan điểm tương tự như Mạnh Tử
khi đặt chữ “mệnh” trong mối quan hệ với chữ “thiên”, từ đó thấy được sự kết
giao mật thiết giữa chúng: “thiên mệnh chi vị mệnh”. Như vậy, mệnh trong
trường hợp này còn được hiểu là thiên mệnh, tức là ý trời. Mặt khác, người
xưa còn xem sự vận hành của sinh mệnh con người theo trục thời gian, phân
chia thành đại vận, tiểu vận, lưu niên. Bởi vậy mà, mệnh ở đây lại chính là
vận mệnh. Có vẻ, các nhà nghiên cứu kim cổ đều thống nhất với nhau ở quan
niệm hiểu chữ “mệnh” trong nội hàm “thiên mệnh” và “vận mệnh”.
Theo những tài liệu dịch của tác giả Tiểu Thiện tổng hợp trong bài viết
“Mệnh” rốt cuộc là gì?, ta có thể tìm thấy những hiểu biết căn bản về khái
niệm “vận mệnh” như sau: “Sinh mệnh của con người là do một số vận trình
khác nhau tổ hợp thành, hoặc là vận lành, hoặc là vận rủi; hoặc là lành trước
rủi sau, hoặc là rủi trước lành sau. Trong vận trình sinh mệnh khác nhau biểu
hiện ra chất lượng sinh mệnh khác nhau. Chất lượng thông thường của sinh
mệnh là do giàu nghèo, sang hèn, sống thọ hay chết yểu, trắc trở hay suôn sẻ
để đo lường. Vì vậy, mệnh hoặc vận mệnh, trên thực tế chính là quỹ đạo vận
hành của sinh mệnh con người vốn đã được định sẵn từ trước”.

11


Khổng Tử cũng có những nghiên cứu bước đầu về “mệnh”: “Bất tri
mệnh, vô dĩ vi quân tử dã”, tạm dịch là: Không biết vận mệnh thì không có
cách nào làm người quân tử. Ở đây, đạo Khổng lại chú trọng khai thác và đề
cao vai trò của dự đoán số phận, ông coi nó như một quá trình cần thiết trong
việc cải thiện khả năng bao quát và tự chủ của con người trước quy luật của
tạo hóa, con người cần phải chiến thắng số phận và tự vận hành quy trình của
số mệnh nhằm thoát ra khỏi khuôn khổ của ý trời.
Tác giả của cuốn sách Y học nổi tiếng Trung Quốc cổ Hoàng đế nội
kinh có nói rằng con người là do “thiên địa hợp khí” sinh ra, tức là khí trời và

đất hợp lại tạo ra con người toàn vẹn. Cụ thể: “Phu nhân sinh vu địa, huyền
mệnh vu thiên, thiên địa hợp khí, mệnh chi viết nhân”, tạm dịch là: con người
vốn dĩ sinh ra từ đất, nhưng nguồn gốc của sinh mệnh lại vốn xuất phát từ
trời, hơn nữa khí trời và đất hợp lại tạo nên con người. Như vậy, ta có thể hiểu
một chỉnh thể con người được cấu tạo từ hai thành phần chính: phần thuộc về
đất và phần thuộc về trời. Phần đất chính là những yếu tố hữu hình như cỏ
cây, hoa lá, chim muông, đối với con người thì chính là phần thân thể, thể
xác; còn phần trời có thể coi là những yếu tố vô hình không thể chạm tới và
cảm nhận bằng xúc giác, hay còn gọi là linh hồn, phách vía… Trong bài viết
Nội hàm của “sinh mệnh” theo nhìn nhận của Trung Y đã có sự luận giải
Hoàng đế nội kinh khá xác đáng như sau: “con người là lấy tinh cha và huyết
mẹ làm cơ sở, mà để hình thành một con người hoàn chỉnh, ngoại trừ khí
huyết hòa thuận, trong ngoài thông suốt, ngũ tạng sinh thành ra, còn ắt phải có
“thần” ngụ ở tim, “hồn” và “phách” mới có thể đầy đủ kiện toàn”. Rõ ràng
cần phải nhìn nhận một cách bao quát và toàn diện về một thực thể con người
để thấy được yếu tố quan trong nhất của sinh mệnh không phải là “mạng
sống”, là sự tồn tại sinh học như quan niệm cũ, mà hơn hết là nó chứa đựng
“nguồn sống” thực sự của một con người, đó chính là “linh hồn”. Do vậy, ta

12


có thể thấy Lý Hạ và Chế Lan Viên đã khai thác rất tốt khía cạnh này của sinh
mệnh con người, đối với hai nhà thơ, sinh mệnh chính là tìm ra được “chất
sống” tồn tại và lóe sáng trong những phần hữu hình đã chết ở hiện thực. Họ
tìm đến cái chết là để làm sống dậy nó. Chính vì vậy mà ta bắt gặp những
phần linh hồn tinh túy nhất chất chứa trong thơ họ.
Lý Hạ và Chế Lan Viên đã “mã hóa” vấn đề sinh mệnh để trở thành
một “cảm thức” trong thơ. Theo Từ điển tiếng Việt, khái niệm “cảm thức”
được định nghĩa: “là nhận thức bằng cảm quan, nhận thức cảm giác”. “Có thể

hiểu cảm thức là một quá trình phát triển qua hai giai đoạn: xuất phát điểm
của nó là những cảm xúc, cảm giác trực quan sinh động, cụ thể, chân thực về
đối tượng. Khi cảm xúc đạt đến độ mãnh liệt, đưuọc tập hợp lại tạo nên một
hệ thống có tính ổn định, và có bước chuyển hóa thành tư duy thì khi đó cảm
thức được hình thành. Cảm thức là sự dung hợp hài hòa, tinh tế giữa cảm xúc
và tư duy.”
Quan niệm này đã lý giải một cách rõ ràng về tính chất, mức độ của
cảm xúc – cảm thức – tư duy. Nếu như cảm xúc là yếu tố thiên về mặt tình
cảm, và tư duy nghiêng về mặt lí trí, trí tuệ thì cảm thức lại là sự kết giao giữa
hai yếu tố trên. Như vậy “cảm thức sinh mệnh” trong văn chương chính là
những cảm nhận trực quan của người nghệ sĩ về vấn đề sinh mệnh được nhận
thức lại, được chắt lọc và định hình thành một chỉnh thể thông qua quá trình
tư duy nghệ thuật. Có thể hiểu, những cảm thức ấy không còn là những cảm
xúc bộc phát từ trong tâm hồn của thi sĩ, cũng không hẳn là những lý luận,
biện chứng giống như tư duy của một nhà tư tưởng, mà ở đây nó là một nhận
thức mới vừa mang tính nghệ thuật lại vừa chứa đựng tính hệ thống.
Trong khuôn khổ luận văn này, chúng tôi tập trung nghiên cứu về vấn
đề cảm thức sinh mệnh trong những sáng tác của Lý Hạ và thơ ca của Chế
Lan Viên trước năm 1945, chủ yếu là những bài thơ trong tập thơ Điêu tàn.

13


Vấn đề sinh mệnh trong văn chương nói chung là những vấn đề được các nhà
văn nhà thơ đúc kết thông qua quá trình trải nghiệm và nhận thức sâu sắc về
sự sống và cái chết. Do vậy mà sinh mệnh trong thơ Lý Hạ và Chế Lan Viên
cũng được nghiên cứu chuyên sâu về khía cạnh này. Cụ thể, những cảm thức
sinh mệnh được quan tâm khai thác mà chúng tôi tìm thấy trong thơ của họ
chính là cảm thức điêu tàn, cảm thức cô đơn và cảm thức cuồng hoan.
5. Nhiệm vụ và phương pháp nghiên cứu

5.1. Nhiệm vụ nghiên cứu
Nhiệm vụ mà chúng tôi đặt ra khi thực hiện đề tài này là:
Thứ nhất là khai thác thơ ca Lý Hạ ở một phương diện khác, một giác
độ khác một cách chuyên sâu hơn, cụ thể là “cảm thức sinh mệnh” vô cùng
đặc sắc trong thơ ông.
Thứ hai là chúng tôi sẽ cố gắng tìm những nguồn tư liệu đáng tin cậy
nhất, cố gắng dịch và chú giải thơ ông một cách chính xác nhất để người đọc
dễ hiểu và dễ cảm nhận.
Thứ ba là đưa thơ ca Lý Hạ đến gần với bạn đọc Việt Nam hơn. Từ đó
có cái nhìn khách quan và vận dụng đánh giá với thơ ca trong nước, trong mối
tương quan so sánh với thơ của Chế Lan Viên.
5.2. Phương pháp nghiên cứu
5.2.1. Phương pháp cấu trúc, hệ thống
Chúng tôi đặt thơ ca của Lý Hạ như một chỉnh thể thống nhất trong
diện mạo chung của nền văn học Trung Hoa cổ đại và thơ ca của Chế Lan
Viên cũng được định hình nghiên cứu trong một hệ thống của khuynh hướng
lãng mạn Việt Nam những năm đầu thế kỉ XX. Đồng thời, đối với từng tác
phẩm, chúng tôi cũng quan tâm đến tính chỉnh thể trong cấu trúc của nó.
Chúng tôi cũng vận dụng phương pháp cấu trúc, hệ thống trong việc
triển khai các phần của luận văn một cách logic và chặt chẽ.

14


5.2.2. Phương pháp lịch sử
Phương pháp này hỗ trợ đắc lực cho chúng tôi trong việc khai thác vấn
đề từ cội nguồn gốc rễ; giúp chúng tôi khảo sát, thống kê đầy đủ và toàn diện
nhất có thể - từ nguyên nhân, xuất xứ cho đến biểu hiện, tính chất nhằm làm
sáng tỏ vấn đề cần nghiên cứu.
5.2.3. Phương pháp thống kê, phân loại

Chúng tôi vận dụng tối đa phương pháp thống kê, phân loại nhằm xác
định tần suất lặp lại của hệ thống hình tượng trong các tác phẩm. Từ đó, triển
khai những luận điểm và luận cứ một cách rõ ràng, chính xác, phù hợp.
6. Đóng góp của luận văn
Vì sự hạn chế trong vốn tư liệu nghiên cứu về Lý Hạ cũng như tư liệu
về văn học so sánh, công trình nghiên cứu của chúng tôi hi vọng bổ sung
thêm những tri thức còn thiếu về tác giả này. Hơn nữa, so sánh cảm thức sinh
mệnh trong thơ của Lý Hạ và Chế Lan Viên là vấn đề khá mới mẻ. Vì vậy
chúng tôi mong muốn được đóng góp công sức của mình nhằm làm phong
phú thêm cho lịch sử nghiên cứu và phê bình văn học.
7. Cấu trúc luận văn
Ngoài phần mở đầu, kết luận, tài liệu tham khảo và phần phụ lục
Nội dung luận văn của chúng tôi gồm 3 phần:
Chương 1: Cảm thức “Điêu tàn” trong thơ Lý Hạ và Chế Lan Viên
Chương 2: Cảm thức cô đơn trong thơ Lý Hạ và Chế Lan Viên
Chương 3 : Cảm thức cuồng hoan trong thơ Lý Hạ và Chế Lan Viên
Chương 1: CẢM THỨC “ĐIÊU TÀN” TRONG THƠ LÝ HẠ
VÀ CHẾ LAN VIÊN
Vốn dĩ, “điêu tàn” là một hiện tượng đặc dị trong thơ của Chế Lan
Viên, nó mang tính khu biệt tới mức nhắc đến Chế Lan Viên thì không thể

15


không nhắc đến “điêu tàn” – cũng là tên 1 tập thơ, trở thành một dấu ấn đặc
sắc trong sự nghiệp thơ ca của người con đất Bình Định ấy. Đồng thời, từ sự
khảo sát, nghiên cứu và đánh giá thơ của Chế Lan Viên và Lý Hạ cho thấy có
một sư tương đồng khá lớn giữa hai nhà thơ về mặt cảm quan trong việc xây
dựng thế giới hình tượng. Bởi vậy, khi đọc thơ Chế Lan Viên, ta lại thấy
phảng phất bóng dáng của Lý Hạ trong đó, giống như những gì Chế Lan Viên

đang tỏ bày.
1. Khái lược về cảm thức điêu tàn
1.1. Khái niệm “điêu tàn”
Luận giải thông qua từ điển Hán Việt, ta có thể thấy: 凋殘 – điêu tàn
mang hai ý nghĩa chính:
Thứ nhất, nó được hiểu là “hoa lá héo úa, rơi rụng”: Đỗ Phủ 杜甫: "Thu sơ
ủng sương lộ/ Khởi cảm tích điêu tàn" 秋蔬擁霜露, 豈敢惜凋殘 (Phế huề 廢畦).
Thứ hai, điêu tàn được giải thích là: “Suy lạc, tàn bại”. Ví dụ trong Tam
quốc diễn nghĩa ( 三國演義) : "Phục niệm Hán thất bất hạnh, Tháo tặc chuyên
quyền, khi quân võng thượng, lê dân điêu tàn" 伏念漢室不幸, 操賊專權, 欺君罔
上, 黎民凋殘 (Đệ ngũ thập bát hồi) - Cúi nghĩ nhà Hán bất hạnh, giặc Tháo

chuyên quyền, dối vua lừa trên, tàn hại nhân dân.
Theo từ điển tiếng Việt, “điêu tàn” lại được giải thích: “giảm sút đến
mức suy tàn, xơ xác”.
1.2. Khái niệm “Cảm thức điêu tàn”
Điêu tàn là một dạng cảm thức, tồn tại trong bản thể của con người. Khi
là một “cảm thức”, dĩ nhiên nó chứa đựng yếu tố xúc cảm, nhưng nó không
phải là xúc cảm thông thường mà là thứ cảm xúc mãnh liệt, bùng cháy sau
một quá trình dồn nén cực độ; đồng thời nó cũng được “gói ghém” vào trong
khuôn khổ của tư duy hệ thống. Thái cực “vừa bung tỏa lại vừa lí trí” ấy tạo
nên “cảm thức” biệt lập và độc đáo trong thơ, điều này thể hiện rõ nét trong

16


thơ của Lý Hạ và Chế Lan Viên. Điểm chung nổi bật giữa họ chính là cảm
thức điêu tàn. Đây là sự điêu tàn, lụi bại xuất hiện trong cảm quan về thế giới
của các nhà thơ, tồn tại trong tư duy hình tượng. Hay nói cách khác, những
“điêu tàn” ấy vừa được vun đắp từ mạch cảm xúc vô thường, đồng thường lại

được hệ thống hóa dưới dạng một chuỗi hình tượng siêu hình.
Có lẽ, chẳng thể có định nghĩa nào chuẩn xác và minh triết hơn định
nghĩa của chính tác giả của tập thơ “Điêu tàn”. Ông vực xây nó, duy trì nó
nên hiển nhiên ông hiểu thấu nhưng căn cốt cơ bản của khái niệm, có hiểu
mới dùng, có hiểu mới đem nó ra và tô vẽ lên nó những bộ cánh ngôn từ để
đúc kết lại cho mình thành những châm ngôn của cuộc đời sáng tác:
“Hàn Mặc Tử viết: Làm thơ tức là điên. Tôi thêm: Làm thơ là sự phi
thường. Thi sĩ không phải là Người. Nó là Người mơ, Người say, Người điên.
Nó là Tiên, là Ma, là Quỷ, là Tinh, là Yêu, Nó thoát Hiện Tại. Nó xáo trộn Dĩ
vãng. Nó ôm trùm Tương Lai. Người ta không hiểu được nó vì nó nói những
câu vô nghĩa, tuy rằng những cái vô nghĩa hợp lý. Nhưng thường thường nó
không nói. Nó gào, nó thét, nó khóc, nó cười. Cái gì của nó cũng tột cùng. Nó
gào vỡ sọ, nó thét đứt hầu, nó khóc trào nước mắt, nó cười tràn cả tuỷ là tuỷ.
Thế mà có người tự cho là hiểu được nó, rồi đem nó so sánh với Người, và
chê nó là giả dối với Người. Với nó, cái gì nó nói đều có cả...” [20;7]
Đọc lời tựa của tập thơ Điêu tàn, “người ta nhận ra sự phóng thoát
tuyệt đối khỏi quan niệm quen thuộc của thơ trữ tình. Thơ không còn là sự
diễn tả xúc cảm của con người; cái hiện có của hiện tại biến mất nhường chỗ
cho cái hỗn mang của quá khứ và cái vô định của tương lai, làm thơ là thả hồn
lạc vào mê lộ của cái phi thường, cái dị thường. Và nhất là giọng điệu, nó
không nói bằng giọng nói quen thuộc của con người mà là những tiếng khóc
than, gào rú...”.

17


Đúng là sáng tác nghệ thuật là quá trình đi tìm sự khác đời khác người,
đi tìm cái tôi – bản ngã phi thường, vượt lên trên tất cả mọi giới hạn của
không gian, thời gian và vạn vật. Trong cái “phi thường” ấy, có thể vươn đến
cái tinh hoa tuyệt mỹ, nhưng cũng có thể nó đạt đến cảnh giới phi logic, phi

ngã đến cực hạn của sự điên loạn. Cái vĩ đại của người nghệ sĩ là khi họ tìm ra
một chân lý mới, một thế giới mới – một thế giới biệt dị không có bóng dáng
của những con người nhỏ bé, tầm thường ngáng đường mọi đam mê và lý
tưởng bằng chính sự hạn hẹp về cả tư duy và thẩm mỹ. Tìm được rồi, họ lại
say sưa chìm đắm trong đó, ngụp lặn trong tận cùng của sự khoái lạc, mê
man, thỏa chí, thỏa lòng. Đê mê, cuồng say trong thế giới âm tính với những
sọ đầu lâu, máu, huyết, hồn ma, tủy sống… chính là khao khát mà Chế Lan
Viên cũng như Lý Hạ đang từng ngày gặm nhấm và nuôi dưỡng trong tâm
hồn và cốt nhục của mình. Như vậy, trước hết, điêu tàn ở đây chính là sự lụi
tàn, cô liêu của thế giới quan hình tượng mà các nhà thơ tự vun đắp dựng xây
trên nền tảng của chất liệu hiện thực.
Cái dị thường, điên loạn trong tư duy thơ của cả hai nhà thơ không
cùng thời ấy cũng phản ánh sự tàn lụi và điêu linh của tâm hồn cũng như thời
cuộc. Mọi thứ bình thường đều không thể làm mãn thỏa lòng người, khiến
cho cái phi thường nghiệt ngã có cơ hội bon chen, lấn lướt và chiếm đoạt mọi
giá trị thông thường mà số đông đều công nhận và chấp nhận. Thậm chí, cái
phi thường của cõi tiên đã không còn hấp dẫn và cuốn hút tâm hồn, những cái
đẹp đẽ và hoa mỹ cũng không còn đủ sức cản ngăn cái vô hạn của đam mê.
Họ phải tìm đến những cái bị cho là “trái khoáy”, khổ hạnh và cực đoan để rũ
bỏ và ném tất cả những trăn trở, đớn đau vào trong không gian ma quỷ vô
nhân. Họ “khóc”, họ “gào thét”, rồi họ lăn lộn, lặn ngụp, bung xõa cốt yếu chỉ
để phơi gan, ruột, phổi, tim, những mong tìm những sự đồng cảm, đồng điệu.
Vô tình, lòng người hữu hạn, trái tim mỗi người còn đang bận si mê với nỗi

18


niềm riêng, hạnh phúc hoặc đau khổ riêng; và điều quan trọng hơn là đó là
những trái tim bình thường, bình dị, trong họ không chứa đựng cái điên
cuồng, loạn lạc như thi nhân nên đâu thể cảm thấu, đâu thể lý giải, càng

không thể đồng điệu và mê đắm. Họ chê đó là “giả dối”. Cuối cùng thì “điêu
tàn” lại càng điêu tàn hơn, bi lụy và tủi cực hơn. Cho nên, cảm thức “điêu
tàn” ở đây không chỉ là điêu tàn về thế giới hình tượng được xây dựng trong
thơ, mà nó còn vừa là sự tàn tạ của một kiếp người – từ thể xác cho đến tâm
hồn, tư tưởng. Nói cách khác, đó là sự điêu tàn cả về trong hình thức phản ánh
và nội dung phản ánh.
Với tất cả những quan niệm về “điêu tàn” trong những tài liệu chính
thống từ xưa đến nay, cùng những lý giải về căn nguyên, cốt lõi từ chính
người trong cuộc, chúng tôi cho rằng “cảm thức điêu tàn” là khái niệm thể
hiện chính xác nhất nội dung tư tưởng thơ của Lý Hạ. Tuy nội hàm khái niệm
có thể cần phải xem xét trên nhiều khía cạnh khác nhau, song, tựu chung lại
về mặt bản chất thì thơ ca Lý Hạ cũng nhuốm màu tàn tạ, xác xơ, lụi bại –
điều đó phản ánh vô cùng rõ nét thông qua hệ thống biểu tượng trong thơ ông.
Sự tàn lụi mà nhà thơ khắc họa cũng phản ánh được sự suy vong, kiệt cùng
của thời đại Trung Đường mà ông đang sống, kéo theo là nỗi niềm bi lụy, đau
đớn, giằng xé tâm can trước sự “chết chóc” trong tâm hồn.
Chính hệ tư tưởng siêu hình và chủ nghĩa lãng mạn cùng sự độc lập
trong việc thể hiện cái tôi, cá tính sáng tạo đã đưa hai nhà thơ, hai thời đại, hai
số phận, hai vùng lãnh thổ xích lại gần nhau hơn, dường như có một sự đồng
cảm sâu sắc. Họ tìm thấy nhau trong thế giới mà không có con người tồn tại,
sinh sống – thế giới của yêu ma, quỷ thần, đầu lâu, xương, máu…
2. Cảm thức điêu tàn trong thơ Lý Hạ và Chế Lan Viên
2.1. Nguồn gốc về cảm thức điêu tàn trong thơ Lý Hạ và Chế Lan Viên

19


×