BẢY KÌ QUAN MỚI CỦA THẾ GIỚI
(Do 100 triệu người bình chọn tháng 7.2007)
1. Đấu trường La Mã (Italia)
2. Vạn Lý Trường Thành (Trung Quốc)
3. Đền Tajơ Mahan (Ấn Độ)
4. Khu di tích Pêtơra (Joocđani)
5. Tượng chúa Giêsu ở Riô Đê Janâyrô (Braxin)
6. Khu di tích Chichen Itxa (Mêhicô)
7. Pháo đài Machu Pichu (Pêru)
• ĐẤU TRƯỜNG LA MÃ (Italia)
Đấu trường Côlôxêum (theo tiếng Latinh – Colosseum), Côlôxêô (tiếng Italia –
Colosseo), hoặc Côlizê (tiếng Pháp – Colisée)], một trong bảy kì quan mới của thế giới,
được biết đến lần đầu tiên dưới cái tên Latinh – Amphitheatrum Flavium hoặc theo
tiếng Italia – Anfiteatro Flavio. Là một đấu trường lớn ở thành phố Rôma, gồm sân đấu
hình êlip (kích thước 86 m × 54 m) và khán đài có 80 hàng bậc thang, chia làm 4 tầng,
chứa được 50 nghìn khán giả. Được xây bằng đá, kết cấu chịu lực bằng gạch và bê
tông. Kiến trúc hùng vĩ nhờ hình khối lượn tròn mềm mại và phân vị theo chiều cao
1
thành 4 tầng bằng kiến trúc cổ điển khác nhau. Đấu trường được khởi công xây dựng
khoảng năm 70 – 72 sCn., dưới thời hoàng đế Vexpazian (Vespasian); chính thức
hoàn thành và được hoàng đế Titut (Titus) khánh thành năm 80 sCn., bằng một nghi
thức thể thao – thi đấu điền kinh trong suốt 100 ngày. Công trình kiến trúc lớn này còn
được chỉnh sửa nhiều vào năm 82 sCn., dưới thời hoàng đế Đômitian (Domitian). Đấu
trường Côlôxêô được sử dụng gần 500 năm theo những cứ liệu về nhiều trận đấu đã
được tổ chức ở đây cho đến thế kỉ 6 - rất lâu sau khi Đế chế La mã sụp đổ (năm 476).
Ngoài sử dụng làm nơi thi đấu của võ sĩ, Đấu trường còn được dùng làm nơi biểu
diễn công chúng, tập trận giả trên biển, săn thú, diễn kịch cổ điển. Thời Trung cổ, công
trình này dần dần không còn được sử dụng làm nơi giải trí nữa mà chuyển thành một
số nhà ở, cửa hàng, nhà thờ, pháo đài... Hiện nay, dù đã bị hoang phế nhiều do động
đất và nạn cướp phá, đấu trường Côlôxêô từ lâu vẫn được xem là biểu tượng của Đế
chế La Mã và là một trong những mẫu kiến trúc La Mã đẹp nhất còn sót lại. Đây là
điểm tham quan hấp dẫn ở thành phố Rôma và vẫn còn nhiều liên hệ với nhà thờ Cơ
đốc. Hằng năm, vào dịp lễ Phục sinh, Đức giáo hoàng vẫn có cuộc diễu hành cầm
đuốc đến Đấu trường Côlôxêô.
• VẠN LÍ TRƯỜNG THÀNH (Trung Quốc)
2
(Wanlichangcheng; cg. Trường Thành - Changcheng), một trong bảy kì quan mới
của thế giới. Là bức tường thành nổi tiếng của Trung Quốc, được xây dựng từ thời cổ
đại - liên tục từ thế kỉ 5 tCn. (khởi công năm 420 tCn.) cho tới thế kỉ 16, nhằm bảo vệ
Trung Quốc khỏi những cuộc tấn công của người Mông Cổ, người Tuôc (Türk), và
những bộ tộc du mục khác đến từ những vùng hiện thuộc Mông Cổ và Mãn Châu. Nằm
trên địa bàn 6 tỉnh Miền Tây, Tây Bắc và Đông Bắc Trung Quốc, bức tường thành trải
dài 6.700 km, từ Sơn Hải Quan (Shanhaiguan; thuộc tỉnh Hà Bắc - Hebei) trên bờ biển
Bột Hải ở phía đông, tại giới hạn giữa Trung Quốc bản thổ (đất Trung Quốc gốc) và
Mãn Châu, tới vùng phía đông nam khu tự trị người Duy Ngô Nhĩ tại Tân Cương. Lúc
đầu là những đoạn thành không liên tục, được bắt đầu xây dựng từ thế kỉ 5 tCn.;
nhưng đến đời Tần Thuỷ Hoàng (Qin Shihuang) - hoàng đế đầu tiên của Trung Quốc,
những năm 220 tCn. - 200 tCn. đã có những đợt huy động lớn về nhân lực (30 vạn
người) cho nối liền các đoạn thành của các nước Yên (Yan), Triệu (Zhao), Tần (Qin).
Các triều đại sau cũng đều góp sức tu bổ, đặc biệt vào triều Minh, xây thêm thành một
bức tường thành liên tục, có chỗ đến hai, ba lớp. Tuy nhiên, nổi tiếng nhất là phần
tường thành do Tần Thuỷ Hoàng ra lệnh xây, nằm ở phía bắc xa hơn phần tường
thành được xây dưới thời nhà Minh, và hiện nay chỉ còn sót lại ít di tích.
Vạn Lí Trường Thành được xây bằng gạch vỡ, đá tảng, đất. Cấu trúc thành có
tường thành, cửa ải, đài thành, phong hoả đài... chạy liên tục vượt qua cả những đỉnh
núi cao, là một trong những công trình có quy mô lớn nhất của loài người. Năm 1987,
Vạn Lí Trường Thành được công nhận là Di sản văn hoá thế giới.
3
• ĐỀN TAJƠ MAHAN (Ấn Độ)
(Tādj Mahãll; cg. lăng Tajơ Mahan), một trong bảy kì quan mới của thế giới. Là công
trình kiến trúc ở cách thành phố Agra (Âgra; bắc Ấn Độ) 2 km, do vua Sa Jahan (Shãh
Jahãn) chỉ huy xây dựng khoảng năm 1630 (hoàn thành năm 1652, tức 22 năm sau đó) để
cất giữ thi hài người vợ yêu quý của mình là hoàng hậu Acjuman Banu Bêgam (Arjumand
Bãnũ Begam). Tác giả chính của công trình là kiến trúc sư người Iran – Uxtat Ixa (Ustad
Isa). Lăng Tajơ Mahan là di sản của lối kiến trúc Ấn - Hồi, vừa uy nghiêm lộng lẫy, mà vẫn
rất tinh tế, nhẹ nhàng, có sức cuốn hút và làm rung động hàng triệu trái tim du khách trên
khắp thế giới. Đó là biểu tượng của tình yêu vĩnh cửu, với những “giọt lệ rơi” được tạc
bằng đá cẩm thạch và thể hiện niềm tin tuyệt đối vào thánh Ala (Allah). Công trình được
bố trí trên một khu đất hình chữ nhật (kích thước 580 × 300 m), kiến trúc toà lăng đặt trên
một khối bệ có mặt hình vuông (56,7 × 56,7 m), cao 5,4 m có hình khối vươn cao thanh
thoát. Phần chính của công trình là toà lâu đài bát giác cao 74 m với mái vòm đồ sộ. Toàn
bộ công trình được xây bằng đá cẩm thạch trắng kết hợp với đá sa thạch đỏ [loại đặc biệt
được lấy từ Rajaxtan (Rajasthan) và Đêli (Dehli)] và một số loại đá quý khác. Cẩm thạch
trắng là loại đá có thể ứng ngẫu với mọi khoảnh khắc thay đổi theo thời gian. Mỗi thoáng
chạm nhẹ của ánh sáng theo chu kì lên nó đều phản chiếu một thứ sắc màu riêng quyến
rũ đến lạ lùng, nhẹ nhàng, dịu dàng lúc toả sáng, chói loà giữa trưa và như ngọn lửa
thiêng khi đêm về. Bên trong gian chính giữa lăng, trên tầng hai là mộ của vua và hoàng
hậu: gồm hai quan tài bằng đá cẩm thạch màu hồng nhạt - được khảm bằng 12 loại đá
4
quý ẩn hiện nhiều màu sắc trên nền đá cẩm thạch trắng trang trí nhiều hoạ tiết hình học,
hoa lá và những dòng chữ Arập chạy ngang trích từ kinh Kôran như mang đến những
thông điệp từ Thượng đế. Tại 4 góc của bệ vuông, bên cạnh toà lâu đài là 4 cột tháp sừng
sững vây quanh (cao 40 m) - kiểu tháp minarê của các nhà thờ Hồi giáo: với quan niệm
Hồi giáo, số 4 tượng trưng cho sự thiêng liêng, bất diệt và vì vậy, có lẽ sẽ không thể có
cách bày tỏ tình yêu nào ý nghĩa hơn thế.
Công trình được xây dựng trong hơn 20 năm với sức lao động của hơn hai vạn thợ và
hơn một nghìn thớt voi dùng để chuyên chở. Người kiến tạo nên phần hồn của Đền thờ là
kiến trúc sư Uxtat Ixa. Những hạng mục khác do nhiều khu vực đảm nhiệm: thợ thủ công
đến từ vương quốc Ôttôman (Thổ Nhĩ Kì); tạo dáng vườn cây là những nghệ nhân vùng
Kasơmia (Kashmir); tạc chữ do thợ người Serat (Sheraz) đảm nhiệm; cắt đá, chạm khắc,
xây dựng mái vòm do người Bukhara (Bukhara), Cônxtantinôp (Constantinople) và
Xamackan (Samarkand) thực hiện. Ngoài ra, vật liệu cũng được chọn lọc từ những vùng
nổi tiếng nhất.
Xung quanh lăng là vườn cây, hồ nước. Có thể nói, vua Sa Jahan may mắn đã chọn
được một mẫu kiến trúc đẹp lộng lẫy đến kì lạ do tình yêu vĩ đại mà ông đã dành cho bà.
Bởi lẽ nhìn vào đó, dường như mọi nét đẹp của người phụ nữ đều được trình bày hết sức
tinh xảo. Từ chiếc vườn hình chữ nhật tựa dáng một nét nghiêng của người phụ nữ cho
đến vòm cổng ra vào như chiếc khăn che mặt của người con gái đạo Hồi trong đêm hôn
lễ. Đền Tajơ Mahan kiêu kì dưới mọi góc cạnh, vượt qua không gian và thời gian. Có
người đã cho rằng nếu thật sự có thiên đường thì chỉ nơi đây dễ làm người ta tin nhất. Đi
bộ dưới khu vườn giữa hai hàng cây quanh năm chim hót, với hồ nước trong vắt in bóng
hình ẩn hiện toà lâu đài, xung quanh là không khí tĩnh lặng đem lại cảm giác thư thái, nhẹ
nhàng và hoài cổ về một triều đại huy hoàng đã lùi xa vào quá khứ. Đây là một địa danh
du lịch nổi tiếng thế giới và là di sản văn hoá thế giới. Hằng năm, đền Tajơ Mahan đón
nhận hàng triệu khách du lịch. Đã 350 năm nay, lạc lõng một mình giữa sự phát triển
chóng mặt của cuộc sống đô thị, nó vẫn là một biểu tượng của tình yêu bất tử, là điểm
hẹn của những cuộc trở về để chiêm ngưỡng vẻ đẹp trong ánh sáng kì ảo, nhất là vào
những đêm trăng sáng nơi đây.
5