Tải bản đầy đủ (.pdf) (203 trang)

Biến đổi về vai trò của người phụ nữ trong gia đình ở Hà Nội hiện nay qua nghiên cứu một số xã, phường

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (1.57 MB, 203 trang )

VIỆN HÀN LÂM
KHOA HỌC XÃ HỘI VIỆT NAM
HỌC VIỆN KHOA HỌC XÃ HỘI

Bùi Thị Như Ngọc

BIẾN ĐỔI VỀ VAI TRÒ CỦA NGƯỜI PHỤ NỮ
TRONG GIA ĐÌNH Ở HÀ NỘI HIỆN NAY
QUA NGHIÊN CỨU MỘT SỐ XÃ, PHƯỜNG
Chuyên ngành:

Văn hóa học

Mã số:

62 31 06 40

LUẬN ÁN TIẾN SĨ VĂN HÓA HỌC

Người hướng dẫn khoa học
GS. TS. NGUYỄN XUÂN KÍNH

1

Hà Nội, 2017


MỤC LỤC
Trang
Lời cam đoan
Mục lục



1

Danh mục chữ viết tắt

2

MỞ ĐẦU

3

Chương 1: TỔNG QUAN VỀ TÌNH HÌNH NGHIÊN CỨU, ĐỊA BÀN

10

NGHIÊN CỨU VÀ LÝ THUYẾT VẬN DỤNG
1.1. Tổng quan tình hình nghiên cứu

10

1.2. Tổng quan về địa bàn nghiên cứu và văn hóa gia đình ở Hà Nội

18

1.3. Lý thuyết vận dụng

28

Chương 2: VAI TRÒ CỦA NGƯỜI PHỤ NỮ TRONG GIA ĐÌNH Ở


43

HÀ NỘI TRƯỚC NĂM 1986
2.1. Vai trò làm vợ

43

2.2. Vai trò làm mẹ

49

2.3. Vai trò trong hoạt động kinh tế gia đình và các hoạt động khác

57

Chương 3: THỰC TRẠNG BIẾN ĐỔI VAI TRÒ CỦA NGƯỜI PHỤ

69

NỮ TRONG GIA ĐÌNH Ở HÀ NỘI TỪ SAU NĂM 1986
3.1. Biến đổi vai trò làm vợ

69

3.2. Biến đổi vai trò làm mẹ

80

3.3. Biến đổi vai trò trong hoạt động kinh tế gia đình và các hoạt động khác


99

Chương 4: NHỮNG NHÂN TỐ ẢNH HƯỞNG VÀ XU HƯỚNG BIẾN

115

ĐỔI VAI TRÒ CỦA NGƯỜI PHỤ NỮ TRONG GIA ĐÌNH Ở HÀ NỘI
4.1. Những nhân tố ảnh hưởng

115

4.2. Xu hướng biến đổi vai trò của người phụ nữ trong gia đình ở Hà Nội

140

KẾT LUẬN

147

DANH MỤC CÁC CÔNG TRÌNH CÔNG BỐ CỦA TÁC GIẢ

151

DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO

152

PHỤ LỤC

162


2


DANH MỤC CHỮ VIẾT TẮT
GS

Giáo sư

NCS

Nghiên cứu sinh

Nxb

Nhà xuất bản

Tp

Thành phố

xb

Xuất bản

3


MỞ ĐẦU
1. Tính cấp thiết của đề tài

Trong xã hội hiện đại ngày nay, vai trò và những đóng góp, cống hiến của phụ
nữ trong đời sống nói chung, trong gia đình nói riêng ngày càng được khẳng định
thông qua các hoạt động trên nhiều lĩnh vực, trong cả gia đình và ngoài xã hội.
Dưới ảnh hưởng của công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa và tiến trình hội
nhập, toàn cầu hóa ở nước ta, phụ nữ Việt Nam ngày càng có nhiều điều kiện, cơ
hội thuận lợi để thể hiện, khẳng định năng lực, trình độ bản thân cũng như tham
gia tích cực vào sự nghiệp xây dựng, phát triển gia đình và đất nước bền vững.
Có một thực tế, cũng là thành tựu đáng ghi nhận, là các chủ trương, đường lối
của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước ngày càng thể hiện rõ quan điểm
xóa bỏ phân biệt, bất bình đẳng nam - nữ trên các lĩnh vực của đời sống xã hội, tạo
điều kiện thuận lợi để phụ nữ được hưởng thụ các thành tựu của công cuộc xây
dựng, đổi mới, phát triển đất nước, tham gia các hoạt động xã hội và được ghi nhận
những đóng góp của mình trên nhiều lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hóa… Hướng
tới bảo đảm quyền bình đẳng và quyền lợi chính đáng cho phụ nữ là một mục tiêu
chiến lược để đất nước và con người Việt Nam phát triển bền vững. Thành quả mà
chúng ta đạt được trong những năm qua, là phụ nữ và vai trò của người phụ nữ
ngày càng được khẳng định và nhìn nhận, đánh giá đúng đắn hơn bởi hiệu quả
không chỉ từ những chủ trương, chính sách mang tính chiến lược đó, mà còn từ
chính những nỗ lực và sự đóng góp về cả vật chất và tinh thần mà phụ nữ mang lại
cho gia đình và xã hội…
Song rõ ràng, bên cạnh những thành tựu, vẫn có những tồn tại, hạn chế trong
việc đánh giá, nhìn nhận vai trò của người phụ nữ cũng như những đóng góp, cống
hiến của họ trong nhiều lĩnh vực xã hội, mà trước tiên là trong gia đình. Thực trạng
này tồn tại không phải ở đâu xa, mà ở ngay Thủ đô Hà Nội - trung tâm chính trị,
kinh tế, văn hóa của nước ta. Trong bối cảnh Thủ đô đang có những sự biến
chuyển, phát triển mạnh mẽ trên nhiều lĩnh vực hòa vào tiến trình hội nhập chung
của đất nước, người phụ nữ Hà Nội ngày càng có điều kiện, cơ hội tham gia, hòa
nhập sâu, rộng vào các lĩnh vực hoạt động của đời sống xã hội. Cùng với những
biến chuyển về chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật trong bảo vệ và phát
huy vai trò của phụ nữ, cùng với những đổi thay nhất định về nhận thức của xã

hội…, vai trò của phụ nữ trong gia đình cũng vì thế mà có những biến đổi. Tuy
nhiên, thực tế cho thấy, người phụ nữ dù trong gia đình Hà Nội gốc hay không, có
việc làm (công việc chuyên môn, làm nông hoặc làm nghề) hay không, đa phần
đều gặp một “lực cản” chung về quan niệm vốn tồn tại đã lâu, là việc đảm nhiệm
4


vai trò làm vợ, làm mẹ, chịu trách nhiệm các công việc nhà, nuôi dạy con cái…
đương nhiên được coi là của phụ nữ chứ không phải của nam giới; sự chia sẻ,
thông cảm của các thành viên trong gia đình với các vai trò nói trên của phụ nữ vì
thế cũng khá hạn chế, nên dễ dẫn đến những xung đột và gây trở ngại cho phụ nữ
trong việc cống hiến trí và lực cho nghề nghiệp và các hoạt động xã hội khác. Mâu
thuẫn giữa những biến đổi đã và vẫn đang diễn ra giữa vai trò của người phụ nữ
trong gia đình với những quan niệm, rào cản xã hội, định kiến giới…, giữa mong
muốn và hiện thực, giữa lý thuyết và thực tiễn, giữa phụ nữ và nam giới cũng như
các thành viên khác trong gia đình v.v.. đang cản trở không nhỏ đến việc phát huy
vai trò, năng lực của người phụ nữ, đến tiến trình xây dựng văn hóa gia đình, đánh
giá một cách công bằng và phát huy hiệu quả nguồn nhân lực nữ phục vụ công
cuộc đổi mới, phát triển Thủ đô nói riêng, đất nước nói chung.
Những năm qua, Đảng và Nhà nước đã dành nhiều quan tâm cho phụ nữ nước
ta nói chung, phụ nữ Hà Nội nói riêng, bảo vệ những quyền lợi chính đáng của phụ
nữ và phát huy vai trò của họ, trước hết là trong gia đình. Cũng có không ít bài
viết, sách, công trình nghiên cứu… nói về phụ nữ và vai trò của người phụ nữ
trong gia đình ở Hà Nội với những khía cạnh nghiên cứu khác nhau. Tuy nhiên,
thực tiễn sự biến đổi vai trò của người phụ nữ trong gia đình trên địa bàn luôn luôn
đa dạng và phức tạp, đòi hỏi có sự nghiên cứu, kiến giải thấu đáo, kịp thời và thỏa
đáng hơn nữa để tiếp tục gìn giữ, phát huy, phát triển một cách chính đáng và tích
cực các vai trò của người phụ nữ trong gia đình.
Nghiên cứu những biến đổi về vai trò của người phụ nữ trong gia đình ở Hà
Nội hiện nay dưới góc nhìn văn hóa nhằm tìm hiểu những nguyên nhân, căn

nguyên văn hóa sâu xa dẫn đến những đổi thay trong đời sống gia đình và xã hội,
đồng thời góp phần tìm hiểu những biến đổi về gia đình và văn hóa gia đình với
những sắc thái, giá trị điển hình, đặc sắc hội tụ nơi mảnh đất Thủ đô ngàn năm văn
hiến đang là vấn đề thời sự đặt ra trong bối cảnh hội nhập với nhiều thời cơ và
thách thức đan xen. Việc gìn giữ, phát huy bền vững giá trị nguồn nhân lực nữ
trong gia đình, lấy đó là cơ sở, động lực cho sự phát triển xã hội, đất nước ta nói
chung có trở nên hiệu quả hay không phụ thuộc một phần không nhỏ vào hoạt
động nghiên cứu, tìm hiểu biến đổi vai trò của người phụ nữ trong gia đình ở Hà
Nội hiện nay trên thực tế.
Với những lý do trên, tôi chọn “Biến đổi về vai trò của người phụ nữ trong
gia đình ở Hà Nội hiện nay qua nghiên cứu một số xã, phường” làm đề tài nghiên
cứu.
2. Mục đích và nhiệm vụ nghiên cứu của luận án
2.1. Mục đích nghiên cứu
5


Luận án nghiên cứu những biến đổi về vai trò của người phụ nữ trong gia
đình ở Hà Nội hiện nay; đồng thời, tìm hiểu những căn nguyên văn hóa, những yếu
tố tác động, ảnh hưởng đến sự biến đổi về vai trò của người phụ nữ trong gia đình.
Từ đó, luận án nhận diện một số xu hướng biến đổi vai trò của người phụ nữ
trong gia đình.
2.2. Nhiệm vụ nghiên cứu
- Tổng hợp, thu thập các tư liệu có liên quan đến đề tài nghiên cứu thông qua
điều tra điền dã, phỏng vấn, các tài liệu sách, báo… nhằm nêu rõ thực trạng biến
đổi vai trò của người phụ nữ trong gia đình ở Hà Nội hiện nay, trên cơ sở so sánh,
đối chiếu với vai trò của người phụ nữ trong gia đình thời gian trước đây.
- Tìm hiểu và đánh giá các nhân tố ảnh hưởng làm biến đổi vai trò của người
phụ nữ trong gia đình ở Hà Nội hiện nay.
- Trình bày những xu hướng biến đổi vai trò của người phụ nữ trong gia đình.

Thực hiện những nhiệm vụ trên, tức là tác giả luận án đã trả lời cho các câu
hỏi nghiên cứu sau:
- Người phụ nữ trong gia đình ở Hà Nội có những vai trò gì và biểu hiện cụ
thể của các vai trò đó?
- Hiện nay vai trò đó biến đổi như thế nào?
- Xu hướng biến đổi vai trò của người phụ nữ trong gia đình ở Hà Nội thời
gian tới?
3. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu của luận án
3.1. Đối tượng nghiên cứu
Những biến đổi về vai trò của người phụ nữ trong gia đình, như biến đổi về
vai trò làm vợ, làm mẹ, vai trò trong hoạt động kinh tế gia đình, vai trò trong các
hoạt động đối nội, đối ngoại và các hoạt động khác của gia đình.
3.2. Phạm vi nghiên cứu
3.2.1. Không gian nghiên cứu
Không gian nghiên cứu ở Hà Nội, cụ thể là các địa bàn:
+ Phường Hàng Bông (quận Hoàn Kiếm) - địa bàn đô thị Hà Nội gốc, với
nhiều nét văn hóa đặc trưng của Hà Nội và người Hà Nội được duy trì, gìn giữ trải
qua nhiều thế hệ.
+ Phường Mỹ Đình 1 (quận Nam Từ Liêm) - địa bàn từ nông thôn chuyển
thành đô thị, đang trong quá trình đô thị hóa, hội nhập với những bước chuyển
mình mạnh mẽ khi từ xã thành phường.
6


+ Xã Đồng Trúc (huyện Thạch Thất) - xã thuần nông, chưa chịu ảnh hưởng
quá nhiều bởi tiến trình đô thị hóa, hội nhập.
3.2.2. Thời gian nghiên cứu
Thời gian nghiên cứu được tiến hành từ Đổi mới, tháng 12/1986 đến hiện nay.
Trong quá trình nghiên cứu, để có cái nhìn khách quan và tổng thể, rõ ràng,
sâu sắc hơn, cũng như có cơ sở so sánh, đối chiếu, đánh giá và chỉ rõ được những

biến đổi đổi vai trò của người phụ nữ trong gia đình hiện nay ở Chương 3, luận án
dành Chương 2 trình bày vai trò của người phụ nữ trong gia đình từ năm 1930 đến
trước tháng 12/1986 (trước Đổi mới). Việc nghiên cứu vai trò của người phụ nữ
trong gia đình từ năm 1930 đến trước tháng 12/1986 chủ yếu dựa vào các tài liệu
thứ cấp, bên cạnh điều tra xã hội học và phỏng vấn hồi cố.
4. Phương pháp luận và phương pháp nghiên cứu của luận án
4.1. Phương pháp luận
Luận án vận dụng phương pháp luận của chủ nghĩa duy vật biện chứng và chủ
nghĩa duy vật lịch sử. Cụ thể, luận án xem xét, nhìn nhận, đánh giá… đối tượng
nghiên cứu trong sự vận động và trong mối liên hệ giữa sự việc, hiện tượng này
với sự việc, hiện tượng khác nhằm làm rõ và lý giải những biến đổi về vai trò của
người phụ nữ trong gia đình ở Hà Nội hiện nay so với trước đây.
4.2. Phương pháp nghiên cứu
- Phương pháp điền dã dân tộc học: Là phương pháp chủ yếu nhất được sử
dụng. NCS quan sát tham dự, phỏng vấn các đối tượng liên quan đến nội dung
nghiên cứu của luận án, điều tra hồi cố… Việc điền dã, thu thập tư liệu ở địa bàn
đô thị và nông thôn có những thuận lợi và khó khăn riêng. Mang theo giấy giới
thiệu, NCS liên hệ với lãnh đạo phường Hàng Bông, phường Mỹ Đình 1 và xã
Đồng Trúc để xin thông tin, tài liệu và đề nghị tạo điều kiện tiếp xúc, gặp gỡ người
dân. NCS cũng làm việc với chủ tịch Hội Phụ nữ các phường, xã nói trên để nắm
bắt được tình hình vai trò và biến đổi vai trò của phụ nữ, cũng như các hoạt động
của Hội Phụ nữ đối với chị em trên địa bàn… và nhờ các chị giới thiệu đến nhà
dân. Sau những ngày đầu làm quen với các hộ gia đình và nắm bắt địa hình, NCS
lên kế hoạch về lịch sinh hoạt, làm việc của cộng đồng dân cư, để từ đó xây dựng
lịch trình điền dã hợp lý. Với người dân ở phường Hàng Bông, do nhiều người bận
việc kinh doanh, buôn bán và đi làm nên NCS thường đến gặp vào buổi chiều hoặc
tối. Với người dân ở phường Mỹ Đình 1, nhiều người cho thuê nhà trọ, kinh doanh
hàng quán… tại nhà nên thời gian gặp có thể linh động hơn, tùy thuộc vào thời
gian rỗi của người dân. Ở xã Đồng Trúc, do có nhiều người vẫn đi làm đồng nên
NCS thường đến vào buổi tối, kết hợp với một số buổi ban ngày theo chân họ ra

7


đồng, ăn mặc như nông dân, vừa giúp họ làm việc, vừa trò chuyện với họ nhằm tạo
sự chân tình, thân mật. Nhờ thế, NCS có thể hiểu rõ hơn thực trạng, cũng như nhận
được chia sẻ, tâm sự thật lòng về vai trò và biến đổi vai trò của người phụ nữ trong
gia đình với những quan điểm, biểu hiện, suy nghĩ… từ cả hai giới nam và nữ, ở
các lứa tuổi và nghề nghiệp, trình độ khác nhau.
Nếu như ở nông thôn (xã Đồng Trúc), đa phần người dân sống cởi mở, chan
hòa, việc tìm hiểu thông tin cũng dễ dàng hơn, thì nhiều người ở đô thị dè dặt,
đóng kín, thậm chí đề phòng, nghi ngại, khó gần và có phần lạnh lùng với người lạ,
nên NCS phải vận dụng những kinh nghiệm cá nhân để xử lý linh hoạt các tình
huống. Ở phường Hàng Bông và Mỹ Đình 1, dù có sự giới thiệu lãnh đạo phường
hoặc của Chủ tịch Hội phụ nữ phường, NCS vẫn gặp sự “đề phòng” của một số
người dân khi một số người cung cấp thông tin rất dè chừng. Thời gian đối với
người dân đô thị là “vàng ngọc” nên NCS phải rất linh hoạt nhằm thu thập thông
tin một cách hiệu quả nhất, như vừa vừa trò chuyện, vừa giúp họ làm việc (ví dụ,
với vợ chồng chủ quán bán cơm gần bến xe Mỹ Đình, NCS vừa hỏi chuyện, vừa
giúp họ vo gạo, nhặt rau, chuẩn bị bát đũa và các nguyên vật liệu khác để nấu
nướng). Với đối tượng được phỏng vấn là người cao tuổi, NCS phải kết hợp sàng
lọc, kiểm chứng thông tin thông qua những người thân trong gia đình; cụ nào nói
khó nghe (đặc biệt là các cụ ở xã Đồng Trúc hay sử dụng phương ngữ), NCS nhờ
người thân (con, cháu) của cụ ngồi cạnh và “phiên dịch” lại hộ.
Với phương pháp phỏng vấn, NCS tiến hành phỏng vấn 90 người, gồm các
cán bộ ở địa phương và người dân sinh sống trên các địa bàn nghiên cứu (mỗi địa
bàn 30 người). Tùy theo đối tượng nghiên cứu, NCS sử dụng cách phỏng vấn phi
cấu trúc và phỏng vấn bán cấu trúc để thấy được quan điểm, nhận thức và thực
trạng biến đổi vai trò của người phụ nữ trong gia đình hiện nay so với trước đây.
Phỏng vấn phi cấu trúc được dùng nhiều nhất trong những ngày điền dã để trò
chuyện, tìm hiểu thông tin, thu thập tư liệu từ người dân. Phỏng vấn bán cấu trúc

được sử dụng khi làm việc với các cán bộ quản lý, cán bộ địa phương… là những
người có ít thời gian hoặc quen sử dụng thời gian một cách hiệu quả.
- Phương pháp điều tra xã hội học: NCS thiết kế bảng hỏi với các tiêu chí về
biến đổi vai trò của người phụ nữ ở khía cạnh làm vợ, làm mẹ, vai trò trong hoạt
động kinh tế gia đình và các hoạt động khác của gia đình. NCS phát 450 phiếu điều
tra xã hội học (mỗi địa bàn nghiên cứu phát ra 150 phiếu, trong đó mỗi địa bàn
phường Hàng Bông và phường Mỹ Đình 1 thu về được 150 phiếu, xã Đồng Trúc
thu về được 113 phiếu) để đưa ra số liệu định lượng phục vụ kết quả nghiên cứu.
- Phương pháp lịch sử và logic: Do nghiên cứu sự biến đổi vai trò của người
phụ nữ trong gia đình, nên luận án sử dụng phương pháp lịch sử và logic nhằm tìm
8


hiểu vai trò của người phụ nữ trong gia đình ở các giai đoạn, thời kỳ lịch sử trước
đây và hiện nay; xâu chuỗi và đánh giá, nhận xét dưới cái nhìn logic nhằm tạo sự
xác thực về cứ liệu lịch sử - văn hóa và thuyết phục về các nội dung được đề cập
trong luận án.
- Phương pháp thống kê: Các thông tin, số liệu thu thập được sẽ được thống
kê theo nhóm (đối với các đối tượng trả lời phỏng vấn) hoặc theo số liệu nội dung
(đối với các đối tượng tham gia trả lời phiếu điều tra xã hội học) nhằm đưa ra
thông tin, cứ liệu khách quan phục vụ mục đích nghiên cứu của luận án.
- Phương pháp phân tích - tổng hợp: Được sử dụng đối với cả các tài liệu thứ
cấp và các số liệu, chi tiết thu thập, quan sát được trong thực tế để phục vụ mục
đích nghiên cứu của luận án.
- Phương pháp so sánh: Dựa trên cơ sở các thông tin, dữ liệu thu thập được
qua các tài liệu và từ thực tế nghiên cứu, luận án sử dụng phương pháp so sánh để
nhận biết đặc điểm chung và nét riêng về biến đổi vai trò của người phụ nữ trong
gia đình ở ba địa bàn nghiên cứu trải qua thời gian và những sự biến đổi văn hóa.
5. Đóng góp mới về khoa học của luận án
5.1. Trình bày các kết quả khảo sát và hệ thống, khái quát hóa những biến đổi

về vai trò của người phụ nữ trong gia đình ở Hà Nội hiện nay ở ba địa bàn nghiên
cứu cụ thể dưới góc nhìn văn hóa học.
5.2. Tìm hiểu, xác định nguyên nhân văn hóa dẫn đến sự biến đổi, những
tương đồng hoặc khác biệt trong vai trò của người phụ nữ trong gia đình thuộc
phạm vi các địa bàn nghiên cứu.
5.3. Phân tích các xu hướng biến đổi vai trò của người phụ nữ trong gia đình
ở Hà Nội.
6. Ý nghĩa lý luận và thực tiễn của luận án
6.1. Ý nghĩa lý luận
6.1.1. Góp phần nhận diện, tìm hiểu thực trạng vai trò của người phụ nữ trong
gia đình trải qua sự phát triển, vận động của thời gian, lịch sử và văn hóa; nhận
diện sự biến đổi vai trò này trong bối cảnh hội nhập ngày nay.
6.1.2. Làm rõ vai trò tác động qua lại giữa các thành tố trong một hệ thống
với toàn bộ hệ thống và sự tương tác giữa các yếu tố trong một hệ thống.
6.2. Ý nghĩa thực tiễn
6.2.1. Kết quả nghiên cứu của luận án sẽ là tài liệu tham khảo cho các nhà
quản lý, các cấp có thẩm quyền trong việc phát huy và nâng cao vai trò của người
9


phụ nữ trong gia đình, xây dựng và phát triển văn hóa gia đình, văn hóa con người
Việt Nam, văn hóa Việt Nam bền vững.
6.2.2. Luận án góp phần thêm tiếng nói vào nhận thức của người dân về vai
trò của người phụ nữ trong gia đình để từ đó có cách nhìn nhận, ứng xử và hành
động đúng đắn với người phụ nữ không chỉ trong các hoạt động của gia đình.
7. Kết cấu của luận án
Ngoài phần Mở đầu, Kết luận, Tài liệu tham khảo, Phụ lục, luận án có bốn
chương như sau:
Chương 1. Tổng quan về tình hình nghiên cứu, địa bàn nghiên cứu và lý
thuyết vận dụng

Chương 2. Vai trò của người phụ nữ trong gia đình ở Hà Nội thời gian trước
năm 1986
Chương 3. Thực trạng biến đổi vai trò của người phụ nữ trong gia đình ở Hà
Nội hiện nay
Chương 4. Những nhân tố ảnh hưởng và xu hướng biến đổi vai trò của người
phụ nữ trong gia đình ở Hà Nội.

10


Chương 1: TỔNG QUAN VỀ TÌNH HÌNH NGHIÊN CỨU,
ĐỊA BÀN NGHIÊN CỨU VÀ LÝ THUYẾT VẬN DỤNG
1.1. Tổng quan tình hình nghiên cứu
1.1. 1. Về các nghiên cứu biến đổi vai trò của người phụ nữ trong gia đình
của các tác giả nước ngoài
Nhiều công trình của các nhà khoa học nước ngoài khi nghiên cứu biến đổi
vai trò của người phụ nữ nói chung, người phụ nữ trong gia đình nói riêng thường
bắt đầu từ cái nhìn về phụ nữ, coi sự khác biệt về đặc điểm giới tính và quan niệm
về giới dẫn đến những phân biệt trong đánh giá, nhìn nhận vai trò của người phụ
nữ. Sherry B. Ortner trong bài Từ nữ đến nam như từ tự nhiên đến văn hóa cho
rằng, phụ nữ được coi là gần với tự nhiên do “mọi thứ bắt đầu với thân thể và các
chức năng sinh sản tự nhiên chỉ dành riêng cho phụ nữ… thân thể phụ nữ và những
chức năng của thân thể ấy khiến họ mất nhiều thời gian quan tâm đến “đời sống
loài” hơn, đặt họ gần tự nhiên hơn, đối lập với chức năng sinh lý nam, cái cho phép
anh ta hoàn toàn tự do hơn để tham gia các dự phóng văn hóa. …Thân thể phụ nữ
và những chức năng của thân thể ấy đặt họ trong các vai trò xã hội, mà trong tiến
trình văn hóa, nó ngày càng bị đánh giá thấp hơn vai trò của đàn ông; và… các vai
trò xã hội truyền thống của phụ nữ, bị áp đặt vì thân thể và các chức năng thân thể
của họ, dần dần tạo cho phụ nữ một cấu trúc tâm lý khác… tương tự như cái sinh
lý tự nhiên và các vai trò xã hội của họ, được coi là thực thể gần với tự nhiên”

[100, tr. 495)]. Nhà nhân học Pháp Lévi-Strauss, trong The elementary structure of
kinship (Cấu trúc cơ bản của quan hệ thân tộc, 1949), thể hiện quan điểm phụ nữ
không bao giờ trở thành một ký hiệu theo đúng nghĩa, vì ngay cả trong thế giới của
đàn ông, họ vẫn là một con người và vì khi được xác định như là một ký hiệu, họ
phải được coi là nhân tố sản sinh các ký hiệu [141].
Simone de Beauvoir trong sách The Second Sex (Giới thứ hai, 1949) xuất phát
từ quan điểm nam nữ bình quyền để bàn vấn đề phụ nữ bị kẹt trong tình trạng bị áp
bức lâu dài qua sự loại bỏ mình nên dần trở thành giới ít quan trọng hơn (giới thứ
hai) trong mối quan hệ với nam giới. Thông qua việc dùng kiến thức của khoa học
sinh học, nhân loại học, thần thoại học, tác giả khẳng định không ngành nào đủ khả
năng để giải thích định nghĩa phụ nữ là giới thứ hai đối với nam giới cũng như vị
thế bị áp bức của họ, nhưng mỗi ngành này đều góp phần tạo nên vị thế đó của phụ
nữ. Việc phụ nữ có những thiên chức mà nam giới không hề có, như mang thai,
nuôi con… đã góp phần tạo vị thế, vai trò khác biệt rõ rệt của người phụ nữ so với
nam giới, song những biểu hiện sinh lý này không trực tiếp làm cho phụ nữ có vị
thế thấp kém hay vai trò kém quan trọng hơn bởi yếu tố sinh học và lịch sử không
11


đơn thuần là những sự thật thu được từ sự quan sát không thành kiến mà luôn được
cấu thành và giải thích từ một hoàn cảnh. Từ đó, Beauvoir chủ ý phá bỏ quan niệm
cho rằng phụ nữ sinh ra đã là phái yếu chứ không phải trở thành như vậy qua quá
trình vận động của xã hội [144].
Các nghiên cứu đã chỉ ra, trải qua nhiều giai đoạn phát triển của lịch sử loài
người, đặc biệt từ khi xã hội chuyển sang chế độ phụ quyền, thay đổi phương thức
sản xuất, sinh hoạt, thì vị trí, vai trò của người phụ nữ cũng bị coi nhẹ. Friedrich
Engels, trong tác phẩm Nguồn gốc của gia đình, của chế độ tư hữu và của nhà
nước đã chỉ rõ, chủ nghĩa phụ quyền đã bộc lộ bản chất bóc lột và thống trị rất
khắc nghiệt với phụ nữ, đánh dấu sự thất bại lịch sử có tính chất toàn cầu của giới
nữ. Việc phụ nữ ngày càng mất đi vai trò quyền lực cũng như quyền tự do tính giao

theo kiểu chế độ quần hôn là do sự thay đổi các hình thức hôn nhân trong các giai
đoạn của lịch sử, mặc dù đây là một bước tiến bộ của nhân loại. Engels đã chỉ ra
mối quan hệ biện chứng giữa yếu tố kinh tế của một chế độ xã hội cụ thể với vấn
đề hôn nhân và gia đình. Sự ra đời của chế độ tư hữu dẫn đến sự áp bức nô dịch
của giai cấp có của đối với giai cấp không có của, sự nô dịch ấy trùng với sự nô
dịch của đàn ông đối với đàn bà trong gia đình, nên người phụ nữ mặc dù đóng
nhiều vai trò trong gia đình vẫn phụ thuộc vào người chồng, người cha về mọi mặt.
Trong bài Feuerbach: Sự đối lập giữa quan điểm duy vật với quan điểm duy tâm,
hai tác giả Karl Marx và Friedrich Engels chỉ ra trong lịch sử người phụ nữ đã từng
bị coi là nô lệ của chồng, tức là không có quyền tự do và quyền tự quyết, phải phụ
thuộc vào người đàn ông do có sự phân công lao động tự nhiên trong gia đình và
sự phân chia xã hội thành những gia đình cá nhân đối lập với nhau [100, tr. 583].
Trong bài viết Sự buông thả trong nghi lễ (Trích trong Custom and Conflict in
Africa, 1956), Max Gluckman khi nói về các hành vi nổi loạn trong một nghi lễ có
sự tham dự của cả đàn ông và phụ nữ ở châu Phi đã chỉ rõ quan niệm của cộng
đồng về người phụ nữ khi được cưới về chuyển vai trò thành người “người xa lạ”,
và là những “kẻ ngoại tộc” nguy hiểm [100, tr. 277, 278]. Chung quan điểm này,
Collier trong cuốn Women in Polities (Phụ nữ trong chính trị, 1974) đã chứng
minh trong nhiều xã hội, phụ nữ bị cuốn vào các quá trình chính trị ở cấp gia đình
chứ không phải ở cấp công cộng. Họ là trọng tâm của các quá trình chính trị như
việc hình thành hay tan rã của các nhóm dòng họ.
Trước đây, đa phần các công trình nghiên cứu về phụ nữ và vai trò của người
phụ nữ trong gia đình thường đặt phụ nữ trong mối quan hệ gia đình, dòng họ…
dưới cái nhìn tổng quan mà chưa nhìn nhận hoặc ít thấy có công trình coi phụ nữ
như đối tượng nghiên cứu chính và độc lập. Phải đến đầu những năm 70 của thế kỷ
XX, trong lĩnh vực nhân loại học, các nhà nghiên cứu mới bắt đầu hướng trọng tâm
12


nghiên cứu cụ thể vào vai trò của phụ nữ trong các xã hội trên toàn thế giới, thay vì

quan điểm cho rằng đàn ông mới là trung tâm nghiên cứu. Bộ sách Women,
Culture, and Society (Phụ nữ, văn hóa và xã hội) của Michelle Ronaldo viết năm
1974 có bài viết khẳng định vai trò và sự biến đổi vai trò của phụ nữ trong sự tiến
hóa của con người đã không được biết đến, bởi các nhà nghiên cứu chỉ tập trung
vào hoạt động săn bắt chứ không phải hoạt động hái lượm.
Nhìn chung, các công trình đã thể hiện quan điểm, cách nhìn nhận về phụ nữ
và biến đổi vai trò của người phụ nữ trong gia đình dưới những góc nhìn khá đa
dạng. Có thể thấy các tác giả có sự đồng thuận hoặc gặp gỡ nhau ở các điểm sau:
Thứ nhất, các nghiên cứu thường được đặt trong tương quan với nam giới để
so sánh, luận giải các vấn đề về biến đổi vai trò của phụ nữ, gắn với đó là các vấn
đề xã hội (Max Gluckman, Collier, Michelle Ronaldo, Lévi-Strauss, Simone De
Beauvoir…).
Thứ hai, chỉ ra có sự phân biệt trong quan niệm về vai trò của phụ nữ và nam
giới. Trải qua nhiều giai đoạn lịch sử, phụ nữ thường bị nhìn nhận vai trò thấp hơn
so với nam giới. Một trong những nguyên nhân căn bản là do đặc trưng về giới tính
dẫn đến sự phân biệt về quan niệm, vai trò, chức năng và cách nhìn nhận vai trò,
chức năng giữa phụ nữ và nam giới (Sherry B. Ortner, Simone de Beauvoir).
Thứ ba, từ phân biệt, dẫn tới có sự bất bình đẳng trong các lĩnh vực xã hội đối
với phụ nữ, do đó tất yếu ảnh hưởng đến biến đổi vai trò và việc thực hiện vai trò
của họ (Geogre Peter Murdock, Max Gluckman, Collier).
Thứ tư, hầu hết các công trình đều hướng đến mục tiêu giải quyết các vấn đề
liên quan đến biến đổi vai trò của phụ nữ trong mối liên hệ rộng, tương tác với xã
hội, chứ không thể chỉ bằng cách phân chia “một số nhiệm vụ và vai trò trong hệ
thống xã hội, hoặc thậm chí sắp xếp lại toàn bộ cơ cấu kinh tế” (Sherry B. Ortner),
mà “cần phải giải phóng mình và phục hồi cái tôi của mình”, “các cấu trúc xã hội
như luật pháp, giáo dục, phong tục… cần phải được điều chỉnh” (Simone de
Beauvoir), tức là cần có những thay đổi trong hệ thống xã hội, với sự phối hợp,
tham gia của nhiều lĩnh vực, nhiều ngành, đối tượng khác nhau…
1.1.2. Nghiên cứu biến đổi về vai trò của người phụ nữ trong gia đình của
các tác giả trong nước

Ở nước ta, số công trình đề cập hoặc liên quan đến biến đổi vai trò của người
phụ nữ trong gia đình với tư cách độc lập hoặc là đối tượng nghiên cứu chính trước
năm 1950 có thể kể đến Phụ nữ dự gia đình (quyển trung) của soạn giả Đạm
Phương nữ sử (1929), Vấn đề phụ nữ giải phóng của Dật Sĩ Tử (1932), Phụ nữ với
gia đình của Dũng - Kim (1951)… và một số bài viết trên báo Nam Phong, Phụ nữ
tân văn, Phụ nữ thời đàm. Nghiên cứu về biến đổi vai trò của người phụ nữ trong
13


gia đình ở nước ta chỉ phát triển khoảng vài chục năm trở lại đây, với sự ra đời của
Trung tâm Nghiên cứu khoa học về phụ nữ năm 1987 (thuộc Ủy ban Khoa học xã
hội Việt Nam, nay là Viện Nghiên cứu Gia đình và Giới, thuộc Viện Hàn lâm khoa
học xã hội Việt Nam), thường triển khai theo hai hướng chính:
Thứ nhất, đặt biến đổi vai trò của người phụ nữ trong gia đình ở phạm vi gia
đình. Trong mảng tài liệu này, trước hết là các công trình bàn về mối quan hệ gia
đình trong ca dao, tục ngữ, ở sách Tục ngữ, ca dao và dân ca Việt Nam, nhà văn
Vũ Ngọc Phan có bài tiểu luận phân tích mối quan hệ vợ chồng, gia đình, và tuyển
chọn những tác phẩm tục ngữ, ca dao với chủ đề này, từ đó góp phần thể hiện biến
đổi về vai trò của người phụ nữ trong gia đình. Ở các tập giáo trình đại học về văn
học dân gian của Đinh Gia Khánh và Chu Xuân Diên, của Bùi Văn Nguyên và các
đồng tác giả, của Lê Chí Quế và các đồng tác giả, những nội dung trên cũng được
thể hiện, phân tích trong ca dao, tục ngữ. Nội dung này còn được thấy trong bài
tiểu luận mở đầu tập 15 của bộ tổng tập Văn học dân gian người Việt do GS.
Nguyễn Xuân Kính chấp bút. Nhìn chung, các tài liệu trên đều chỉ viết về quan hệ
gia đình truyền thống thể hiện trong ca dao, tục ngữ, qua đó phần nào thấy được
biến đổi vai trò của người phụ nữ trong gia đình, và đó chỉ là một phần nội dung
của các công trình, giáo trình, bài tiểu luận. Một số cuốn sách tập trung viết về
quan hệ gia đình trong ca dao, tục ngữ, qua đó có thể thấy sự biến đổi vai trò của
người phụ nữ trong gia đình gồm: Sự phản ánh quan hệ gia đình, xã hội trong tục
ngữ ca dao của Đỗ Thị Bảy, Tục ngữ ca dao về quan hệ gia đình của Phạm Việt

Long. Ở đó, có thể thấy người phụ nữ khi đã lập gia đình thì “Thuyền theo lái, gái
theo chồng” [69, tr. 196]; ở cùng gia đình chồng, “bố chồng là lông con phượng,
mẹ chồng là tượng mới tô, nàng dâu là bồ nghe chửi” [69, tr.89]. Đồng thời, “làm
thân con gái thờ chồng nuôi con” [69, tr.191], “có con phải khổ vì con, có chồng
phải gánh giang sơn nhà chồng” [69, 188]. Nếu chồng vắng nhà, người phụ nữ phải
thay chồng gánh vác việc nhà: “Anh ơi! Phải lính thì đi/Cửa nhà đơn chiếc đã thì
có tôi/... Anh ơi, giữ lấy việc công/Để em cày cấy mặc lòng em đây [69, tr. 169]…
Mặc dù vậy, vai trò quan trọng của người phụ nữ trong mối quan hệ vợ - chồng
vẫn được khẳng định: “lệnh ông không bằng cồng bà” [69, tr. 193].
Các nghiên cứu chỉ rõ, dù người phụ nữ phải chịu ảnh hưởng từ tư tưởng Nho
giáo, nhưng khác với gia đình Nho giáo Trung Hoa, trong gia đình người Việt,
người vợ trong tương quan với chồng vẫn có vai trò nhất định, thậm chí quyết định
dù trải qua sự biến đổi, thăng trầm của thời gian. Theo Vũ Ngọc Khánh, dù ở thế
hệ nào, người phụ nữ cũng có quyền không thể xem là bình đẳng với nam giới, mà
phải đặt lên trên cả nam quyền, đó là quyền làm mẹ, cũng là quyền làm vợ. Thông
qua nghiên cứu một số trường hợp phụ nữ cụ thể (bà nội của Đặng Thai Mai, cụ bà
Vũ Như Kỳ, cụ án bà Nguyễn Chí Đạo…), tác giả Nguyễn Xuân Kính nhận định
14


phụ nữ Việt Nam xưa rất đảm đang, tháo vát trước những biến động của thời cuộc,
thực sự là “nội tướng” trong nhà. Như trường hợp bà nội của Đặng Thai Mai: “đảm
đương mọi việc trong nhà, lo đối nội đối ngoại, giỗ tết, ứng phó với chức dịch, nha
lại,… Cụ không chỉ lo toan việc nhà mà còn hiểu nghĩa lớn… khi cho các cháu đi
học chữ Pháp” [63, tr. 362]. Đặng Cảnh Khanh, Lê Thị Quý cho rằng do ảnh
hưởng của tư tưởng Nho giáo, phụ nữ trong gia đình không bao giờ thuộc hạng sử
(tức thuộc đối tượng những người chủ trong gia đình có quyền uy tuyệt đối trong
cả đối nội và đối ngoại) mà chỉ thuộc hàng sự (bậc thứ dưới) do bị trói buộc bởi
các nguyên tắc tam tòng, tứ đức. Nhiều nghiên cứu chỉ rõ, phụ nữ ngoài việc phải
làm tròn chức năng mang thai, sinh đẻ, cho con bú còn phải đảm đương việc sản

xuất như hoặc hơn nam giới. Thời gian lao động trong một ngày của phụ nữ
thường dài hơn đàn ông từ 3 đến 6 giờ, nhiều người phải chịu cảnh chồng “dốt nát,
gia trưởng, lười nhác, nhậu nhẹt tối ngày và đánh đập, hạch sách vợ con” [57, tr.
347]... Từ đó, dẫn tới biến đổi vai trò của người phụ nữ trong gia đình cả ở mặt tích
cực và tiêu cực, dẫn tới bất bình đẳng trong mối quan hệ nam - nữ, trong sự tham
gia và hưởng lợi của phụ nữ ở gia đình, trong các cơ hội để phụ nữ phấn đấu, vươn
lên khẳng định giá trị, năng lực bản thân.
Các nghiên cứu cũng nêu rõ, “chế độ gia trưởng (patriarchy) trong gia đình
phụ hệ phát triển thành sự thống trị của nam giới đối với nữ giới… Người phụ nữ
khi đã lấy chồng chỉ có một con đường “thờ chồng nuôi con” và thực hiện các
nghĩa vụ với gia đình nhà chồng” [122, tr.49]. Đỗ Hoàng nhấn mạnh về định kiến
đã và đang tồn tại trong hệ thống gia đình là “Nam giới trụ cột kinh tế gia đình Phụ nữ có thiên chức làm công việc nội trợ. Nam giới bản chất là phái mạnh nên
thích hợp với những công việc lớn, là người chủ gia đình, người ra quyết định Phụ nữ ở vị trí phụ thuộc, vị trí thứ yếu” [47, tr. 11]. Trong khi xã hội đang hướng
vào các hoạt động vì sự bình đẳng nam nữ, vì sự tiến bộ của phụ nữ, thì định kiến
như trên lại là suy nghĩ của không ít phụ nữ, được họ dùng để đánh giá hành vi của
nam giới và hành vi của bản thân, mà các nhà nữ quyền gọi là “tiếp thu sự áp bức”,
nên ảnh hưởng ít nhiều đến sự biến đổi và xu hướng biến đổi vai trò của người phụ
nữ trong gia đình. Tuy nhiên, hầu hết các nghiên cứu đều góp phần thể hiện hoặc
nhấn mạnh trên thực tế, ở nước ta vẫn tồn tại “văn hóa mẹ” (Trần Quốc Vượng).
Người vợ trong gia đình Việt được kính trọng và đề cao hơn, có tinh thần chủ động
hơn so với người vợ trong gia đình người Trung Hoa Nho giáo, nguyên tắc “phu
xướng, phụ tùy” bao giờ cũng được đặt bên cạnh một nguyên tắc quan trọng khác
là “thuận vợ thuận chồng biển Đông tát cạn”.
Những nghiên cứu gần đây thường đặt phụ nữ trong bối cảnh gia đình trong
thời đại toàn cầu hóa, hướng tới phát triển bền vững, nêu bật vai trò của người phụ
nữ với tư cách người lao động, tái sản xuất trực tiếp ra con người, giáo dục con cái,
15


hình thành nhân cách trẻ, gìn giữ, truyền thụ các giá trị văn hóa của dân tộc cho thế

hệ trẻ, và giữ gìn sự cân bằng về tâm lý, tình cảm của các thành viên gia đình. Lê
Thi thể hiện quan điểm cần thực hiện bình đẳng giới mới có thể giúp người phụ nữ
đảm nhiệm tốt các trách nhiệm, vai trò của mình và đóng góp tích cực vào gìn giữ
văn hóa gia đình, văn hóa dân tộc và phát triển xã hội [111, tr.117].
Thứ hai, đặt biến đổi vai trò của người phụ nữ trong gia đình gắn với bối
cảnh làng xã, cộng đồng và các mối quan hệ xã hội.
Nhìn chung, do là các nghiên cứu định tính nên có thể nhận định, nội dung
nghiên cứu thường chỉ chính xác với những trường hợp nghiên cứu mà các tác giả
nêu ra. Điển hình, nghiên cứu của Bùi Xuân Đính chỉ ra, bối cảnh hệ thống thang
bậc xã hội của làng xã được dựa trên nền tảng tư tưởng là ý thức hệ Nho giáo đã
gạt toàn bộ nữ giới ra khỏi chốn đình trung và các hoạt động xã hội của làng, để họ
bị giam hãm trong “chế độ nô lệ gia đình” [37, tr. 137]. Tuy nhiên, theo Trần Quốc
Vượng, Thành Duy, phụ nữ có vai trò lớn trong sinh hoạt kinh tế, trong đời sống
xã hội, thể hiện qua nuôi dạy con cái, sản xuất, kinh doanh, quản lý kinh tế, tài sản
gia đình; đấu tranh chống ách đô hộ của phong kiến xâm lược, góp phần bảo tồn,
phát huy tinh hoa văn hóa nước nhà. Trần Quốc Vượng chỉ ra những biến đổi linh
hoạt trong vai trò của người phụ nữ: “Ở Việt Nam, cứu nước không chỉ là nhiệm
vụ của đàn ông mà đàn bà cũng lo cứu nước” [128, tr. 118]. Lê Minh đã khái quát
những bước chuyển trong vai trò của phụ nữ trải qua các thời kỳ lịch sử, từ thời cổ
xưa khi đàn ông là chủ nô thì phụ nữ là “vật trao đổi” và “công cụ sinh đẻ”; ở thời
phong kiến, đàn ông là gia trưởng, thì phụ nữ là “vật mua bán” để làm phận “máy
đẻ” và phục vụ chồng con, gia đình nhà chồng. Trong chiến tranh, người phụ nữ
tham gia tích cực chiến đấu bảo vệ Tổ quốc. Song, khi hòa bình lập lại, những
người đàn ông từ chiến trường trở về, phụ nữ Việt Nam mất dần vai trò ở xã hội và
gia đình mà họ đã tạo dựng được trong kháng chiến. Vai trò tham gia các hoạt
động xã hội, quyền quyết định những việc lớn trong lao động sản xuất, kinh tế, ứng
xử với họ hàng, làng mạc và trong nội bộ gia đình, hướng nghiệp cho các con…
đều chủ yếu do người đàn ông nắm giữ [79, tr. 155 - 156]. Tuy nhiên, trong xã hội
ngày nay, phụ nữ đang dần vươn lên làm chủ cuộc đời mình bằng nghề nghiệp,
bằng kiến thức của bản thân, đi đầu trong cuộc cách mạng giải phóng sức lao động,

giải phóng tài năng và giải phóng người phụ nữ [79, tr 26].
Nghiên cứu của Lê Minh khẳng định phụ nữ vừa là người lao động, người
công dân, vừa là người mẹ, “người thầy đầu tiên” của con người [80, tr. 56 - 57].
Trần Thị Vân Anh, Lê Ngọc Hùng đặt vai trò của người phụ nữ trong gia đình
trong tương quan với vấn đề giới và phát triển, coi phụ nữ có vai trò hết sức to lớn,
quan trọng, cần thiết trong quá trình xây dựng gia đình và đất nước, đóng vai trò
16


chủ thể trong quá trình hoạch định, thực hiện và đánh giá các mục tiêu phát triển
kinh tế xã hội. Theo Lê Ngọc Văn, ảnh hưởng của công nghiệp hóa tạo sự thay đổi
các mối quan hệ gia đình, trong đó quan hệ vợ - chồng mở rộng ra là quan hệ giữa
hai giới, là mối quan hệ theo chiều ngang, hôn nhân chuyển dần từ một thể chế
kinh tế là chính sang một thể chế tâm lý là chính, và gia đình chuyển từ chủ yếu là
một đơn vị sản xuất sang chủ yếu là một đơn vị tiêu dùng. Vai trò của người phụ
nữ vì thế cũng có thay đổi nhất định trong yêu đương, hôn nhân, lựa chọn các mô
hình gia đình để sống và trong các mối quan hệ xã hội (đặc biệt là quan hệ đôi lứa).
Một số nghiên cứu nêu thực tế hiện nay có một bộ phận không nhỏ phụ nữ
vừa phải đảm đương việc nhà, vừa làm cán bộ lãnh đạo, quản lý, nghiên cứu khoa
học…; chỉ ra những ưu điểm của phụ nữ trong vai trò làm lãnh đạo so với nam
giới, như: khả năng kiểm tra, giám sát, xử lý một số tình huống, khả năng tham
mưu, chấp hành tốt hơn (nghiên cứu của Nguyễn Thị Kim Hoa trong cuốn Gia
đình Việt Nam - quan hệ quyền lực và xu hướng biến đổi), cùng với đó là những
thay đổi thuận lợi hơn đối với phụ nữ trong việc tham gia lãnh đạo, quản lý như sự
thay đổi định kiến của xã hội về phụ nữ, thay đổi từ chính người phụ nữ (Đặng
Cảnh Khanh, Lê Thị Quý trong cuốn Gia đình học). Tuy nhiên, theo Nguyễn Thị
Thuận và Trần Xuân Kỳ, phụ nữ vẫn phải chịu nhiều khó khăn, thiệt thòi, bị phân
biệt đối xử, không đủ sức khỏe, trí tuệ để phấn đấu và chịu nhiều thiệt thòi về phân
công lao động trong xã hội do phải tốn phí thời gian, công sức cho gia đình, ít có
cơ hội được tập trung học hành…

Những năm gần đây, trước thực trạng một bộ phận không nhỏ phụ nữ Việt
Nam kết hôn với người nước ngoài, một số nghiên cứu đã thể hiện và làm rõ vai
trò của họ trong gia đình qua quá trình hòa nhập xã hội, sinh sống với gia đình
chồng ở ngoại quốc. Thông qua nghiên cứu trường hợp những người phụ nữ Việt
Nam lấy chồng người Trung Quốc ở Vạn Vĩ (Đông Hưng, Quảng Tây, Trung
Quốc), Nguyễn Thị Phương Châm khẳng định dù có nhiều khó khăn về khác biệt
văn hóa, lối sống,…, nhưng những người phụ nữ đã năng động, chủ động và thông
minh trong quá trình thích nghi với cuộc sống mới để có cuộc sống yên ổn nơi đất
mới [16, tr. 376]. Nghiên cứu của Phạm Văn Bích (viết cùng Iwai Misaki) cho thấy
sự nỗ lực vươn lên của một bộ phận cô dâu Việt lấy chồng Đài Loan để đảm đương
vai trò làm vợ, làm mẹ cũng như trong các hoạt động đối nhân xử thế để tồn tại,
hòa nhập được với văn hóa nước sở tại, mặc dù lấy chồng Đài Loan “cũng giống
như chơi xổ số” [81, tr.467].
Qua tổng quan những nghiên cứu về biến đổi vai trò của người phụ nữ trong
gia đình của các tác giả nước ngoài và trong nước, có thể rút ra một số nhận xét
sau:
17


- Biến đổi vai trò của người phụ nữ trong gia đình là tất yếu, mang những sắc
thái đa dạng. Tuy nhiên, các công trình nghiên cứu về mảng này chưa nhiều; góc
tiếp cận chủ yếu là Xã hội học, Nhân học, Tâm lý học, các công trình dưới góc độ
Văn hóa học còn ít, chưa chuyên sâu.
- Vẫn còn thiếu những công trình nghiên cứu mang tính tổng thể về biến đổi
vai trò của người phụ nữ trong gia đình ở Hà Nội thông qua nghiên cứu các địa bàn
có tính đại diện, từ đó làm rõ biến đổi vai trò với các khía cạnh khác nhau ở những
đối tượng thuộc nghề nghiệp, trình độ học vấn, vị thế xã hội … khác nhau.
- Nội dung chủ yếu của các công trình đề cập tới những biến đổi vai trò của
người phụ nữ trong gia đình gắn với bối cảnh gia đình, hoặc bối cảnh làng xã, cộng
đồng và các mối quan hệ xã hội, nhưng hầu hết đều từ góc độ nhà khoa học, nhà

nghiên cứu mà chưa chú ý đến việc đặt mình vào vai trò là người phụ nữ với tiếng
nói của người trong cuộc là bản thân người phụ nữ để tìm hiểu, xác định các biểu
hiện biến đổi một cách trung thực, rõ ràng hơn. Nói cách khác, là chưa thực sự để
người phụ nữ được tự nói lên tiếng nói của mình về những biến đổi vai trò của họ
trong gia đình. Đây là một khoảng trống mà luận án mong muốn sẽ khắc phục
được nhằm đưa ra được những phân tích, đánh giá khách quan hơn nữa về biến đổi
vai trò của người phụ nữ trong gia đình.
- Nhiều nội dung tập trung mô tả những khía cạnh xã hội và văn hóa truyền
thống hoặc hiện đại trong biến đổi vai trò của người phụ nữ trong gia đình, mà
chưa đi sâu phân tích về mối quan hệ giữa truyền thống và biến đổi, bảo tồn và
phát huy; cũng như chưa chỉ ra đầy đủ, sâu sắc những yếu tố tác động đến sự biến
đổi này. Điều này rất quan trọng bởi nó là cơ sở để kết nối các giá trị về vai trò của
người phụ nữ trong gia đình từ quá khứ đến hiện tại, cũng như tạo điều kiện cho sự
kết nối giá trị trong tương lai, cũng chính là nhằm khẳng định vai trò quan trọng
của người phụ nữ trong gia đình, nhận biết những biến đổi là tích cực hay tiêu cực
để kịp thời điều chỉnh.
- Ít thấy có công trình nghiên cứu chuyên sâu dưới các góc độ vừa đa dạng,
vừa tổng thể về biến đổi vai trò của người phụ nữ trong gia đình ở các khía cạnh:
làm vợ, làm mẹ, tham gia vào hoạt động kinh tế gia đình và các hoạt động khác của
gia đình đặt trong bối cảnh xã hội hội nhập ngày nay ở Hà Nội với những đặc trưng
riêng dưới cái nhìn Văn hóa học.
- Cũng chưa có công trình đề cập sâu về xu hướng biến đổi vai trò của người
phụ nữ trong gia đình trong thời gian tới. Đây là một khoảng trống trong nghiên
cứu, khiến việc nghiên cứu biến đổi vai trò của người phụ nữ trong gia đình hầu
hết mới chỉ dừng ở thì quá khứ hoặc/và hiện tại, mà chưa chỉ ra hay dự báo được
18


những biến đổi sắp tới trong tương lai - một yêu cầu rất cần thiết trong nghiên cứu
khoa học nhằm bảo đảm tính giá trị lâu dài của công trình khoa học.

Những khoảng trống trong các nghiên cứu trên đây sẽ được khắc phục trong
luận án này.
Kế thừa những thành tựu nghiên cứu đi trước, luận án cho rằng, sự khác biệt
về đặc điểm về giới tính và quan niệm về giới dẫn đến những phân biệt trong đánh
giá, nhìn nhận vai trò của người phụ nữ. Đồng thời, đặt việc tìm hiểu biến đổi vai
trò của người phụ nữ trong gia đình ở Hà Nội hiện nay chủ yếu trong bối cảnh gia
đình, song cũng gắn với bối cảnh xã hội rộng hơn nhằm có cái nhìn đa dạng, khách
quan hơn. Để khắc phục những gì các nghiên cứu đi trước chưa thể hiện rõ, luận án
tập trung nghiên cứu biến đổi vai trò của người phụ nữ trong gia đình ở Hà Nội
hiện nay dưới góc nhìn Văn hóa học, trên cơ sở tinh thần để “người trong cuộc”
(tức người phụ nữ) được tự nói, tự thể hiện những biến đổi vai trò của mình trong
đời sống gia đình, bên cạnh tiếng nói của các thành viên khác trong gia đình. Nội
dung luận án cũng sẽ tập trung thể hiện sự đa dạng trong biến đổi vai trò của người
phụ nữ trong gia đình ở các đối tượng phụ nữ thuộc nghề nghiệp, trình độ học vấn,
vị thế xã hội… khác nhau, thuộc các gia đình khác nhau, các thế hệ (lứa tuổi) khác
nhau để nhận thấy những sự tương đồng hay khác biệt, những biểu hiện tích cực
hay tiêu cực… trong biến đổi vai trò của họ trong gia đình ở cái nhìn đa chiều trải
qua thời gian văn hóa và không gian văn hóa nhất định. Thông qua những biểu
hiện biến đổi đó, luận án kiến giải những căn nguyên văn hóa, nhân tố tác động
đến sự biến đổi này, đồng thời chỉ ra các xu hướng biến đổi vai trò của người phụ
nữ trong gia đình thời gian tới.
1.2. Tổng quan về địa bàn nghiên cứu và văn hóa gia đình ở Hà Nội
1.2.1. Tổng quan về địa bàn nghiên cứu
Phường Hàng Bông là phường thuộc đô thị Hà Nội gốc, mang nhiều nét đặc
trưng của văn hóa đô thị Hà Nội truyền thống. Diện tích của phường là 0,18km2,
gồm 10 tuyến phố và 3 ngõ, là một trong những phường nằm trong khu vực phố cổ
của quận Hoàn Kiếm - trung tâm của Thủ đô Hà Nội. Phường có hơn 1.800 hộ dân
với gần 9.000 nhân khẩu phân bố trên 42 tổ dân phố, với vị trí địa lý phía Bắc giáp
phường Điện Biên và phường Cửa Đông, phía Đông tiếp giáp với phường Hàng
Gai và phường Hàng Trống, phía Tây giáp với phường Cửa Nam và phường Điện

Biên, phía Nam tiếp giáp với phường Cửa Nam và phường Hàng Trống.
Trên địa bàn phường có trên 600 hộ kinh doanh, trong đó có nhiều hộ kinh
doanh, buôn bán các mặt hàng thủ công truyền thống như chế tác vàng bạc, đá
quý…, kinh doanh ẩm thực, may da vải bạt; 35 cơ sở sản xuất; 2 trường tiểu học, 1
trường mầm non công lập, 1 chợ tạm bán hoa quả ở Ngõ Trạm, 4 bệnh viện (bệnh
19


viện C, K, Việt Đức, Răng - Hàm - Mặt); nhiều cơ quan, tổ chức (Đài Tiếng nói
Việt Nam, Mặt trận Tổ quốc,…). Các phố thuộc phường Hàng Bông có chiều dài
đoạn đường dao động trong khoảng 150 - 800m, chiều rộng đường dao động trong
khoảng 5,5 - 9m, chiều rộng vỉa hè tương đối từ 1,5 - 4,5m, thuận tiện hoạt động
thương mại. Điển hình là phố Hàng Bông với chiều dài 932m, chủ yếu tập trung
các hộ kinh doanh, buôn bán, các văn phòng, cơ quan nhà nước và tư nhân. Phố
Phùng Hưng dài 230m, tập trung chủ yếu các hộ sản xuất, kinh doanh, đặc biệt là
kinh doanh ăn uống. Phố Hà Trung dài 132m, có các hộ chủ yếu buôn bán, sửa
chữa các loại bạt, hàng da, khóa, khuy… Đường Điện Biên Phủ dài 110m tập trung
các cửa hàng điện thoại di động, cửa hàng may mặc… Phố Tống Duy Tân dài
175m là tuyến phố ẩm thực của Hà Nội, có nhiều cửa hàng ăn uống, giải khát. Phố
Quán Sứ có chiều dài 385m, có chùa Quán Sứ, bênh viện Răng - Hàm - Mặt và có
nhiều hộ kinh doanh. Phố Tràng Thi dài 790m, có bệnh viện C và nhiều hộ kinh
doanh. Phố Phủ Doãn có bệnh viện Việt Đức tập trung nhiều cửa hàng ăn và một
số cửa hàng sửa chữa xe máy. Phố Hai Bà Trưng dài 315m, có Bệnh viện C và tập
trung nhiều hiệu thuốc, cửa hàng kinh doanh đồ điện tử như ti vi, tủ lạnh…
Do phường Hàng Bông là địa bàn đô thị Hà Nội gốc, nên thành phần dân cư ở
hiện nay không có nông dân. Trong quá khứ, từng có những người có gốc gác làm
nông nghiệp, nhưng trải qua nhiều thế hệ, nhiều năm sinh sống trên địa bàn, họ đã
hòa nhập với lối sống, thói quen văn hóa và những phương thức sinh kế đặc trưng
của phường, như kinh doanh, buôn bán, làm việc cho các cơ quan, công sở… Trải
qua nhiều biến đổi của đời sống văn hóa - xã hội từ năm 1930 đến nay, những sắc

thái văn hóa đô thị Hà Nội gốc gắn với những biểu hiện, biến đổi sinh động về vai
trò của người phụ nữ trong gia đình vẫn được thể hiện, duy trì và tiếp nối qua các
thế hệ gia đình ở phường Hàng Bông. Hiện nay, sinh kế của người dân tập trung
chủ yếu vào hoạt động thương mại, như kinh doanh, buôn bán, làm du lịch, cho
thuê nhà... Các hoạt động này không chỉ thu hút sự tham gia của những người
thuộc lứa tuổi trẻ hoặc trung niên, mà cả người cao tuổi, đặc biệt là phụ nữ do tập
quán làm ăn, buôn bán từ các thế hệ trước truyền lại. Theo kết quả thu được trên cơ
sở 150 phiếu điều tra xã hội học phát ra trên địa bàn, tỉ lệ người dân làm kinh
doanh, buôn bán tương đối cao với 40,0% (trong đó nữ chiếm quá nửa), số người
là cán bộ, công chức chiếm 16,0%, còn lại làm các nghề khác hoặc làm nội trợ,
hoặc đang đi học. Với tốc độ đô thị hóa thời hội nhập, bộ mặt phường Hàng Bông
đang dần thay đổi với nhiều hoạt động phát triển thương mại, kinh tế, văn hóa…
kéo theo đó tất yếu là những biến đổi về vai trò của người phụ nữ trong gia đình.
Phường Mỹ Đình 1 thuộc quận Nam Từ Liêm, nằm ở phía tây Thủ đô Hà
Nội, cách trung tâm thành phố 10 km. Phường được thành lập theo Nghị quyết số
132/NQ-CP do Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 27/12/2013 về việc điều chỉnh
20


địa giới hành chính huyện Từ Liêm để thành lập 2 quận và 23 phường thuộc thành
phố Hà Nội. Phường được hình thành trên cơ sở một phần diện tích tự nhiên và dân
số của xã Mỹ Đình trước đây, với diện tích tự nhiên 228.20 ha và 23.987 nhân
khẩu gồm các tổ dân phố: Nhân Mỹ, Đình Thôn, Tân Mỹ, tổ dân phố 1, 2, 3 khu đô
thị Mỹ Đình 3, tổ dân phố CT1 Sông Đà, tổ dân phố The Manor. Trên địa bàn
phường có các tuyến đường giao thông huyết mạch chạy qua như: đường Phạm
Hùng, đường Lê Đức Thọ… thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội.
Phường Mỹ Đình 1 có phía Bắc giáp phường Mỹ Đình 2 và Cầu Diễn, phía
Nam giáp phường Mễ Trì và Phú Đô, phía Đông giáp Quận Cầu Giấy, phía Tây
giáp phường Cầu Diễn, Xuân Phương và Tây Mỗ. Hiện nay, trên địa bàn phường
có khoảng trên 300 cơ quan, doanh nghiệp, đặc biệt có Khu Liên hợp thể thao

Quốc gia. Hoạt động kinh tế được phường xác định phát triển theo cơ cấu: dịch vụ
- công nghiệp - nông nghiệp. Các hoạt động phát triển văn hóa - xã hội, gắn với
bảo đảm an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn luôn được chính
quyền phường quan tâm và chủ động triển khai trên cơ sở bám sát chỉ đạo của
chính quyền cấp trên và căn cứ vào tình hình, điều kiện thực tiễn của địa phương.
Trước đây, phường Mỹ Đình 1 là vùng ngoại thành, nông thôn với tỉ lệ đa
phần dân số làm nông nghiệp, nay chuyển thành phường, nên bên cạnh một bộ
phận dân cư gốc, có nhiều người ở các địa bàn lân cận và các địa phương khác đổ
về phường sinh sống, làm ăn, lập nghiệp với những nghề nghiệp đa dạng… Từ
năm 1930 đến trước năm 1945, đại đa số người dân phường Mỹ Đình 1 làm nông
nghiệp, một bộ phận theo người nhà, người quen đi làm thuê ở đô thị Hà Nội hoặc
các vùng lân cận. Trước năm 1975, nhiều gia đình có con em tham gia các hoạt
động kháng chiến, chiến đấu bảo vệ Tổ quốc. Trước năm 1986, phần lớn người dân
trên địa bàn sinh sống nhờ hoạt động làm nông nghiệp hoặc các nghề khác, một bộ
phận làm việc trong các cơ quan, xí nghiệp nhà nước. Từ sau năm 1986, các gia
đình ít nhiều chịu tác động bởi tiến trình Đổi mới, tiếp đó là của kinh tế thị trường
nên tất yếu ảnh hưởng đến lối sống và mối quan hệ giữa các thành viên trong gia
đình, cũng như vai trò của người phụ nữ trong gia đình. Ngày nay, do trở thành
đơn vị hành chính đô thị, diện tích đất nông nghiệp hầu hết đã được chuyển đổi
mục đích sử dụng thành đất dự án, xây dựng trường học, chung cư, công sở…,
cộng với ảnh hưởng của tiến trình đô thị hóa, công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong
thời kỳ hội nhập, nên kéo theo đó là sự thay đổi sinh kế cũng như những biến đổi
văn hóa trên địa bàn, nhiều người trước kia là nông dân nay đã chuyển sang các
hoạt động kinh tế khác, chủ yếu liên quan đến thương mại. Do đó, trong số 150
phiếu điều tra xã hội học được phát ra ở phường Mỹ Đình 1, tỉ lệ người hoạt động
kinh doanh, buôn bán tương đối cao với 40,0% (phần lớn là nữ), tỉ lệ người là cán
bộ, công chức chiếm 20,67%, nông dân chiếm 6,67%, còn lại hoạt động trong các
21



lĩnh vực, ngành nghề khác như lực lượng vũ trang, nghề tự do, hoặc là học sinh,
sinh viên…
Xã Đồng Trúc là xã vùng đồi gò nằm ở phía tây nam huyện Thạch Thất, cách
trung tâm thành phố Hà Nội 30km về phía đông và có hơn 2,4km đại lộ Thăng
Long chạy qua địa bàn. Xã có tổng diện tích tự nhiên 663,25 ha với 1.715 hộ dân
(6.885 nhân khẩu) sống phân bố ở 6 làng: Trúc Động, Đồng Kho, Đồng Táng, Trúc
Voi, Khu Ba và Chằm Muộn. Tỉ lệ phụ nữ chiếm 52,4% dân số, lao động nữ chiếm
trên 53%. Người dân trong xã sống chủ yếu bằng sản xuất nông nghiệp và một số
nghề phụ như làm thợ mộc, thợ nề và tham gia lao động ở một số doanh nghiệp,
nhà máy đóng gần địa bàn xã.
Từ năm 1930 đến trước năm 1945, đại đa số người dân xã Đồng Trúc làm
nông nghiệp, một bộ phận nhỏ theo người nhà, người quen đi làm thuê ở đô thị Hà
Nội hoặc các vùng lân cận. Trước năm 1975, đại bộ phận các gia đình vẫn sinh
sống bằng nghề nông, và nhiều gia đình có con em tham gia các hoạt động kháng
chiến, chiến đấu bảo vệ Tổ quốc. Lần sáp nhập đầu tiên vào Hà Nội (từ năm 1978
đến 1991) do điều kiện kinh tế địa phương còn khó khăn, phương tiện giao thông,
đi lại hạn chế, kéo theo đó là các hoạt động giao thương, giao lưu và tiếp biến văn
hóa với Thủ đô không mấy phát triển, nên cuộc sống của người dân cũng như vai
trò của người phụ nữ trong gia đình không chịu quá nhiều tác động. Trước năm
1986, phần lớn người dân xã Đồng Trúc tiếp tục sinh sống nhờ làm nông nghiệp,
một bộ phận nhỏ làm việc trong các cơ quan, xí nghiệp nhà nước hoặc làm các
nghề khác. Sau năm 1986, dưới ảnh hưởng của Đổi mới và hội nhập kinh tế thị
trường, hoạt động sản xuất nông nghiệp của các hộ gia đình vẫn tiếp tục được duy
trì. Bắt đầu từ khoảng những năm cuối thập niên 90 của thế kỷ XX, đã có một bộ
phận người dân, đặc biệt là thanh niên, thoát ly quê hương để học tập, làm việc... ở
các thành phố lớn. Lần sáp nhập thứ hai (từ 01/08/2008 đến nay), xã Đồng Trúc
với vị thế không quá xa trung tâm thành phố Hà Nội, lại có đại lộ Thăng Long
chạy qua nên có nhiều người (chủ yếu ở Hà Nội hoặc các xã lân cận) về mua đất,
đầu tư các hoạt động kinh doanh, dịch vụ,… Dưới ảnh hưởng của tiến trình phát
triển, hội nhập của đất nước và sự mở rộng đô thị của Hà Nội, với lợi thế gần khu

quy hoạch Công nghệ cao Hòa Lạc, có tuyến đường cao tốc Láng - Hòa Lạc và
đường liên xã Đồng Trúc - Cẩm Yên, nên hoạt động giao thương, giao lưu, phát
triển văn hóa - xã hội trên địa bàn có những chuyển biến đáng kể. Tuy nhiên, đất
đai nông nghiệp và đất thổ cư bị thu hẹp một phần do sự xuất hiện của các dự án,
điển hình như Resort Đồng Trúc, và do một bộ phận người dân bán đất cho các nhà
đầu tư với giá dao động từ một đến tám triệu đồng/m2. Diện tích đất nông nghiệp
bình quân trên đầu người khoảng 600 - 800m2. Bên cạnh đa phần người dân làm
nông nghiệp hoặc các hoạt động liên quan đến nông nghiệp với tỉ lệ 53,99% theo
22


kết quả từ 113 phiếu điều tra xã hội học thu được của NCS (còn lại là cán bộ, công
chức chiếm 15,93%, kinh doanh chiếm 13,27%, chăn nuôi chiếm 8,85% và các
nghề khác), trên địa bàn hiện nay có một số hộ gia đình nông dân không trực tiếp
canh tác nông nghiệp mà chuyển sang hình thức cho thuê ruộng hoặc giao khoán.
Bên cạnh hoạt động nông nghiệp là chủ đạo, cơ cấu kinh tế của một bộ phận các
gia đình trong xã dần chuyển đổi từ nông nghiệp sang kinh doanh, dịch vụ hoặc
làm các ngành nghề phi nông nghiệp. Thu nhập bình quân ước đạt 26 triệu
đồng/người/năm. Trong bối cảnh đó, nhận thức và đời sống của người dân ít nhiều
có những biến chuyển, kéo theo những biến đổi về đời sống văn hóa, xã hội trên
địa bàn và biến đổi về vai trò của người phụ nữ trong gia đình.
1.2.2. Văn hóa gia đình ở Hà Nội
Hàng ngàn năm nay, Hà Nội là mảnh đất hội tụ tinh hoa văn hóa của các
vùng, miền trên cả nước, là nơi kết tinh những giá trị văn hoá đặc sắc, độc đáo,
trong đó văn hoá gia đình của người Hà Nội được coi như một trong những yếu tố
cốt lõi góp phần làm nên bản sắc văn hóa của Thăng Long - Hà Nội. Từ năm 1460,
vua Lê Thánh Tôn từng nói: “Kinh kỳ (tức Hà Nội) là nơi tập hợp tinh hoa của tứ
tuyên” [115, tr. 26], tức là nơi tập hợp tinh hoa của các vùng, bốn hướng Đông,
Tây, Nam, Bắc. Cộng với các sắc thái văn hóa vốn có của Hà Nội, đã góp phần tạo
nên mảnh đất “nghìn năm văn vật”, con người sống theo nền nếp “lễ giáo” từ nghìn

xưa để lại. Các khu vực phố phường, “vì công việc, vì phong khí mà con người có
những nét riêng. Phía Tây Hồ Gươm… là nơi đi lại của các văn nhân, sĩ tử, ảnh
hưởng của các trường Dưỡng Am, Hồ Đình. Phía cửa sông Tô Lịch lên Hàng Đậu,
các trường Phương Đình và Cúc Hiên; hễ gần đến ngày “Bình văn” là các đình
chùa chật ních, những thầy đồ từ các tỉnh về, trọ để đi nghe giảng. Từ Hàng Buồm,
Hàng Bè đến Cầu Đất, đi lại những người da sạm, râu hùm, những người hồ hởi, đi
mành ra Bắc, vào Nam. Ở Ngũ Xã với Hàng Bừa, rộn tiếng bễ, tiếng búa quai của
những người lực lưỡng, đúc đồng, nấu gang. Ở giữa thành, Hàng Gai, Hàng Đào
như là khu vực của các vị ngoài hào hoa và trong phong nhã” [115, tr. 30). Trải
qua nhiều năm tháng, đến ngày nay, Hà Nội vẫn là trung tâm chính trị, kinh tế, văn
hóa của đất nước. Ở đó, các thế hệ, thành viên gia đình vẫn nối tiếp nhau duy trì
các giá trị văn hóa gia đình của Hà thành.
Là một bộ phận góp phần cấu thành văn hóa gia đình đất nước ta, văn hóa gia
đình ở Hà Nội cũng mang những đặc điểm chung của gia đình người Việt truyền
thống, như:
- Thuộc loại gia đình phụ quyền, con cái truyền theo dòng bố và mang tộc
danh phía bố (con sinh ra theo họ bố).
23


- Mang nhiều nét đặc thù Á Đông, chịu ảnh hưởng của Khổng giáo (đặc biệt
là những thành viên gia đình có điều kiện được học chữ Hán), như: trọng nam,
thích có con trai nối dõi.
- Có sự gắn bó chặt chẽ giữa gia đình và dòng họ (trọng quan hệ huyết thống),
nhìn rộng ra là sự gắn bó chặt chẽ quan hệ gia đình - tộc họ - làng, nước.
- Vừa đề cao tính cộng đồng, có tinh thần vì lợi ích chung, vừa coi trọng đúng
mức vai trò cá nhân, song tính cộng đồng, tập thể thường “lấn át” tính cá nhân.
- Về cơ bản, người phụ nữ có địa vị bình đẳng với nam giới, điều này xuất
phát từ đặc trưng nền văn hóa nông nghiệp lúa nước tự cung, tự cấp và hoàn cảnh
sống của gia đình người Việt. Về bản chất, nam giới có vai trò, vị trí trong các hoạt

động đối ngoại của gia đình, người phụ nữ có vai trò đặc biệt quan trọng trong đối
nội, trong điều hành gia đình (nội tướng)…
Trong dòng chảy của văn hóa Hà Nội với sự kết hợp giữa tính năng động của
một vùng đô hội kinh kỳ với tính bền vững của một cố đô lâu đời nhất nước, văn
hoá gia đình Hà Nội mang tính dân tộc với những giá trị vừa phổ biến, song cũng
mang tính địa phương đặc thù. Những giá trị đó được thể hiện từ những biểu hiện
trong đời sống sinh hoạt gia đình hằng ngày, thông qua những việc làm cụ thể như
giao tiếp giữa các thành viên trong gia đình, nuôi dạy con cái biết điều hay, lẽ phải,
biết làm việc thiện, giúp đỡ người khó khăn, ứng xử lịch sự với mọi người xung
quanh... Người Hà Nội đặc biệt “coi trọng gia đình, gia phong bởi đó là một cái nôi
tạo dựng các thế hệ tương lai cho đất nước. Cha mẹ, ông bà luôn là tấm gương mẫu
mực cho con cháu noi theo. Việc trong nhà to nhỏ đều tự xử. Đưa nhau ra tòa là
nhà vô phúc” [142], và “cốt cách gia đình chiếm phần quan trọng hình thành nên
những nét đẹp trong văn hóa người Hà Nội” [134]. Nói như nhà nghiên cứu văn
hóa Giang Quân, “Hà Nội thanh lịch bắt nguồn từ cái nôi văn hóa gia đình” [147],
và điểm nổi bật bao trùm trong văn hóa gia đình Hà Nội là sự văn minh, thanh lịch,
biểu hiện ở: Chất trí tuệ, hàn lâm, văn hiến, coi trọng người tài trong tri thức và
ứng xử của nhiều thành viên gia đình; giàu nghĩa khí, …lòng tự trọng; có lòng
nhân ái, chuộng hòa bình và hòa đồng với cộng đồng dân cư và các cư dân từ nơi
khác đến; có tính chừng mực, vừa phải, thường có thái độ trung dung, coi trọng sự
bình an, ổn định; coi trọng lễ nghĩa, tôn ti trật tự, kỷ luật, tôn trọng pháp luật…
[142]; ý thức sâu sắc về danh dự và lòng tự trọng không cho phép các thành viên
gia đình làm việc xấu ảnh hưởng đến sự tôn nghiêm của gia đình [134]. Nhà
nghiên cứu Hoàng Đạo Thúy từng nhận định, trải bao thế hệ, các thành viên trong
gia đình ở Hà Nội vẫn có ý thức giữ “vẻ” thanh lịch, đôi lúc hào hoa, …ăn mặc
đơn sơ và trang nhã, nói lời văn vẻ dễ nghe, dễ hòa hợp với bà con phường, xóm,
hay động lòng vì việc nghĩa, tình người, ghét cay ghét đắng những chuyện tục tằng
24



kệch cỡm, hoạnh họe, lố lăng, đê tiện”; … ở với nhau “biết nhịn”, “biết nể”, “biết
ngượng”, “suy bụng ta ra bụng người”. Trong thôn phố, có việc là chạy sang thăm
hỏi nhau ngay, ở với nhau chu tất, ăn ý, không “bỏ được lòng nhau”… Người ta
tóm cả cái thanh, cái cao, cái lịch sự, ẩn ý vào hai chữ “thanh lịch”. [115, tr. 30-31]
Từ đó, góp phần làm nên những giá trị gắn kết, đùm bọc, yêu thương nhau giữa các
thành viên trong gia đình, sự chu đáo, lịch thiệp trong ứng xử với làng xóm, cộng
đồng; làm nên tính chất thanh lịch, hào hoa đặc trưng về lời ăn, tiếng nói, về nếp
sống, hành động hằng ngày của văn hóa gia đình Hà Nội. Đặc biệt, các gia đình Hà
Nội, từ trí thức, nông dân đến những thương gia… đều đề cao giáo dục và đặt danh
dự lên hàng đầu. Tuy nhiên, bên cạnh đó, cũng có một số hạn chế, như: đề cao quá
mức tính hàn lâm, bác học trong đời sống thường nhật nên khả năng vận dụng thực
tế, tiếp nhận những yếu tố văn hóa mới còn chậm, thậm chí bị coi nhẹ; chậm đổi
mới và ít đột phá do sự cẩn trọng, chắc chắn dẫn đến dè dặt, thiếu quyết đoán, táo
bạo; tính kín đáo khiến nhiều thành viên gia đình trở nên khách sáo, thiếu chân
tình, thẳng thắn…
Từ nhận định của Phan Đại Doãn cho rằng, trước Cách mạng tháng Tám năm
1945, ở nông thôn có hai loại gia đình: gia đình của những người lao động nông
dân và gia đình của tầng lớp thượng lưu [137], tìm hiểu thực tế Hà Nội trước năm
1945, về cơ bản, ở nông thôn Hà Nội cũng có hai loại gia đình như trên. Tương tự,
ở đô thị Hà Nội cũng có hai loại gia đình, gồm: gia đình của những người lao động
và gia đình của tầng lớp thượng lưu. Gia đình của những người lao động thường là
những người buôn bán nhỏ, làm thuê, làm mướn (như trường hợp các gia đình
nghèo, gia đình bình dân ở phường Hàng Bông); gia đình của tầng lớp thượng lưu
thường gồm những người buôn bán phát đạt, những người làm việc cho chính
quyền thực dân Pháp hoặc một số gia đình trí thức… Sau năm 1945, các gia đình ở
Hà Nội thường được phân chia thành gia đình nông dân, gia đình công nhân, gia
đình trí thức. Những năm gần đây, các nghiên cứu về gia đình ở Hà Nội thường lựa
chọn cách phân chia loại hình gia đình theo nghề nghiệp (gia đình trí thức - gia
đình nông dân - gia đình buôn bán...), theo điều kiện kinh tế (gia đình khá giả - gia
đình bình dân - gia đình nghèo), hoặc theo quy mô (gia đình hạt nhân - gia đình

nhỏ - gia đình lớn), theo địa bàn cư trú (gia đình đô thị - gia đình nông thôn)… Dù
chọn cách phân chia nào, nhìn chung, các nghiên cứu đều thường nhấn mạnh đến
sự đa dạng, sự chênh lệch về kinh tế, trình độ tri thức… bên cạnh sự đa dạng của
thành phần dân cư ở Hà Nội do ảnh hưởng của quá trình hội nhập và đô thị hóa.
Nhìn từ văn hóa gia đình ở Hà Nội với những đặc trưng chung nói trên, có thể
thấy, văn hóa gia đình ở các phường Hàng Bông, phường Mỹ Đình 1 và xã Đồng
Trúc đều có những đặc điểm mang đặc trưng của văn hóa gia đình Hà Nội. Xét
theo quy mô, loại hình gia đình hạt nhân là phổ biến hơn cả ở cả ba địa bàn, với
25


×