Tải bản đầy đủ (.doc) (4 trang)

Giáo án: nâng niu soạn và để "đốt"

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (76.88 KB, 4 trang )

Giáo án: Nâng niu soạn và để "đốt" ?
Nền giáo dục của chúng ta đã và đang đổi mới. Công cuộc đổi mới ấy đã
diễn ra trong những năm qua. Chúng ta quan tâm đến sách giáo khoa,
quan tâm đến học sinh và chất lượng thực của các kì thi. Phải chăng vì công
cuộc đổi mới còn đang bề bộn với hàng núi công việc mà chúng ta chưa
nhận ra một con ốc “cũ” cần được thay thế ngay lập tức trong guồng quay
mới? Con ốc cần thay thế ấy là gì và nó nằm ở đâu? Xin được trả lời rằng:
con ốc đó chính là các bài soạn trước khi lên lớp của giáo viên!
Giáo án - vật bất li thân của giáo viên - thực sự đang cần một sự thay đổi. Sự
thay đổi cả về hình thức và nội dung chứ không phải sự đổi mới của các câu
khẩu hiệu. Vì giáo án không chỉ giúp giáo viên “lên lớp” mà còn giúp học sinh
có thể tiếp thu kiến thức một cách chủ động, tích cực. Để đạt được mục tiêu này,
toàn bộ hệ thống giáo dục đã và đang thay đổi. Trường học được nâng cấp, tôn
tạo. Trang thiết bị dạy học với những giáo cụ trực quan ngày càng sinh động.
Tuy nhiên, cái cần được đổi mới trước tiên là giáo án của giáo viên, đặc biệt là
giáo án của giáo viên bậc tiểu học, thì lại chưa “đổi mới” theo đúng nghĩa.
Đó là vấn đề tồn tại không chỉ với một cá nhân, một sở mà là vấn đề thuộc về
một hệ thống trên toàn quốc. Theo dõi cuộc thi giáo án tốt, giờ học hay trên tạp
chí Thế giới trong ta (TGTT), bạn sẽ thấy vấn đề tôi vừa nêu trên không chỉ rất
hợp lí mà thực sự khiến chúng ta phải lo lắng. Đó thật sự là một vấn đề đáng báo
động.
Đổi mới - Hãy bắt đầu từ chính bài giảng của giáo viên!
Theo qui định của Ngành giáo dục thì mỗi giáo viên tiểu học phải có ít nhất 20
tiết/tuần. Trong khi để soạn giáo án cho một bài, nhanh nhất cũng mất 30 phút.
Chúng ta hãy cùng nhau giải một đề toán thật đơn giản như sau: Một giáo án
soạn nhanh nhất cần 30 phút đồng hồ. Với 20 tiết học với 20 giáo án khác nhau
thì trong một tuần, giáo viên cần ít nhất bao nhiêu thời gian để hoàn thành? Đó
là bài toán hết sức đơn giản mà học sinh cấp tiểu học cũng có thể có ngay đáp án
là: 20 x 30 = 600 phút = 10 giờ
Như vậy trung bình mỗi ngày, giáo viên phải bỏ ra ít nhất 1,5 giờ để soạn giáo
án. Xin thưa, thời gian soạn giáo án là thời gian ngoài trường học. Và để hoàn


thành qui định thì giáo viên cần phải sử dụng vào quỹ thời gian dành cho gia
đình. Vậy hôm nào giáo viên có việc bận thì sao? Tôi xin cam đoan rằng số bài
vở đó sẽ bị ùn tắc ngay lập tức.
Nhưng đó cũng chưa phải là vấn đề đáng bàn. Vì giáo viên cũng như bao ngành
nghề khác trong xã hội luôn có trách nhiệm phải hoàn thành công việc. Nên dù
bận thế nào thì cũng cần phải có trách nhiệm với công việc. Ấy là chưa kể đến
lương tâm nghề nghiệp không cho phép sự cẩu thả, qua loa. Việc sử dụng quỹ
thời gian sinh hoạt cá nhân vào công việc cơ quan không phải vấn đề cá biệt.
Một câu hỏi được đặt ra là: Khi không có giáo án, phải chăng giáo viên không
lên lớp được? Thực tế cho thấy hiển nhiên không phải là như vậy. Tôi nhớ khi
còn ngồi trên ghế trường phổ thông trung học, tôi đã rất may mắn được học một
giáo viên văn tâm huyết với nghề. Tôi yêu môn văn và có ý thức học nó một
cách thực sự say mê là nhờ thầy. Tôi nhớ rất rõ là khi dạy chúng tôi, giáo án của
thầy được mở ngay ngắn trên bàn nhưng nó hầu như không được đụng vào.
Thầy ở giữa chúng tôi, giảng bài mà như đang giãi bày những lời tâm sự từ
chính tim gan mình vậy. Chúng tôi lĩnh hội những lời nói đầy tâm huyết đó và
hiểu tác phẩm ngay sau khi giờ học kết thúc. Thầy luôn để cho chúng tôi hỏi bất
cứ vấn đề gì mà mình không hiểu hoặc cần phải biết sâu, rộng hơn. Xin thưa với
các bạn là tôi học văn không hề tồi. Ngày đó, nhờ sự chỉ bảo của thầy mà tôi
đoạt giải ba kì thi học sinh giỏi toàn quốc môn Văn lớp 12. Lớp học của chúng
tôi ngày ấy cũng đỗ đại học với điểm Văn vào loại khá. Đó là hàng chục năm về
trước, khi phương pháp dạy học lấy học sinh làm trung tâm chưa được đặt thành
vấn đề trọng tâm như bây giờ.
Giáo án chỉ là công cụ giúp giáo viên hoàn thành tốt hơn bài giảng của mình trên
lớp. Điều đó cũng đồng thời cho thấy không phải không có giáo án thì giáo viên
sẽ không lên lớp được. Vậy soạn giáo án để làm gì? Để kí. Vâng, hàng tuần,
hàng tháng, giáo viên vẫn phải có trách nhiệm trình giáo án chuẩn bị với hiệu
phó phụ trách chuyên môn. Như thế có nghĩa là mặc dù có thể giáo viên biết rõ
những rườm rà không cần thiết nhưng vẫn viết vào cho đầy đủ các phần.
Thiết nghĩ việc soạn giáo án không ngoài mục đích giúp học sinh có thể lĩnh hội

kiến thức một cách có khoa học, chủ động và tích cực. Điều này cũng đồng
nghĩa với việc một giáo án được soạn hình thức, máy móc, nhại lại sách giáo
khoa sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến công tác giảng dạy. Không bàn đến trình độ
của giáo viên. Chúng ta hãy nhìn nhận thật khách quan và công tâm những
chồng giáo án để cùng nhau thấy một tồn đọng cần được loại trừ, rút kinh
nghiệm. Đó là sự rườm rà, máy móc không cần thiết của những phần bài soạn đã
và đang tiếp tục được viết, được thực hiện trong trường học.
Để hiểu đúng, hiểu rõ được ý đồ của người viết, chúng ta hãy cùng nhau quan
sát và tìm hiểu nội dung của một giáo án dự thi giáo viên giỏi cấp tỉnh của một
giáo viên tiểu học. Tôi xin đưa ra một dẫn chứng từ chính một giáo án dự thi
đăng tải trên tạp chí TGTT để làm ví dụ minh hoạ cho ý kiến của mình.
Một giáo án trình bày tại “Thế giới trong ta” – Cơ quan ngôn luận của Hội Khoa
học tâm lý – Giáo dục Việt Nam số 71+72 (tháng 1 + 2 năm 2008) khổ 19 x
27cm mà phải mất đến 2,5 trang. Nhìn vào giáo án này, các bạn hẳn cũng đồng ý
với tôi rằng nguyên chép cũng phải mất 30 phút. Vậy để vừa suy nghĩ, vừa viết
thì cần bao nhiêu thời gian? Hình thức bài soạn đã cho thấy một vấn đề đáng
quan tâm và cần được giải đáp rồi. Vậy còn nội dung thì sao? Những câu văn
liên tiếp phải lặp đi, lặp lại, đó là: Giáo viên hỏi; Học sinh trả lời... Những câu
hỏi lặp đi lặp lại hết sức vô nghĩa như thế giúp ích gì cho việc giảng dạy? Và
nếu không ghi như thế thì phải chăng cả giáo viên và học sinh không ai nói một
lời nào? Vậy ghi như thế nhằm mục đích gì? Phải chăng nếu không ghi ra thì
giáo viên sẽ không nhớ công việc mình cần phải thao tác trong tiết học? Phải
chăng ghi những câu chữ rườm rà, mất thời gian ấy chỉ nhằm mục đích để cho
đầy đủ các phần?
Tôi tha thiết mong rằng khi bài báo này được đăng tải, chúng tôi, những phụ
huynh học sinh, sẽ nhận được lời giải đáp thích đáng nhất.
Thêm nữa, những câu hỏi được ghi ra hoàn toàn là những câu hỏi đã có sẵn
trong sách giáo khoa. Việc giáoviên ghi lại những câu hỏi ấy như thế để làm gì?
Với cách làm việc máy móc và hình thức ấy thì giáo dục có đổi cũng chưa chắc
đã mới..

...Hơn bao giờ hết, Ngành giáo dục đang tích cực đổi mới phương pháp theo
hướng tập trung vào mục tiêu lấy học sinh làm trung tâm. Đều đó cũng đồng
nghĩa với việc giáo viên chỉ giữ vai trò là người giúp đỡ, định hướng cho học
sinh. Lấy học sinh làm trung tâm cũng chính là học sinh sẽ phải lao động thực
thụ để có thể tiếp thu được kiến thức. Những câu hỏi đưa ra phải là những câu
hỏi gợi mở những cách tiếp cận khác nhau. Điều đó cũng đồng nghĩa với việc sẽ
có nhiều đáp án cho cùng một câu hỏi. Và như thế, thời lượng dành cho học sinh
trong một tiết học sẽ phải chiếm phần nhiều hơn.
Nhưng liệu với câu hỏi được đặt ra với một đáp án đã được lập trình sẵn thì học
sinh sẽ phát huy tính sáng tạo của mình vào đâu? Đến đây thì không nhắc chúng
ta cũng liên tưởng đến nhận xét của một học sinh người Úc về giờ học của học
sinh Việt Nam đã được đăng tải trên Vietimes: Một giờ học được đánh giá là tốt
khi học sinh trong lớp ngồi im như những cỗ máy chăm chú nghe, hí hoáy ghi
chép và phát biểu những câu hỏi có sẵn?
Phương pháp giáo dục lấy học sinh làm trung tâm, phát huy tối đa tính sáng tạo
của con trẻ sẽ được hiểu như thế nào đây? Nhìn vào việc phân bố thời lượng của
bài soạn giáo án, các bạn tự có câu trả lời ai là người nói, làm nhiều hơn, học
sinh hay giáo viên?
Mặt khác, với các câu hỏi và câu trả lời có sẵn mà khi được hỏi, học sinh lại có
cách trả lời khác thì giáo viên sẽ xử lý như thế nào? Việc giải thích để con trẻ
nhận ra được vấn đề đúng đòi hỏi phải có thời gian. Vậy với thời gian tối đa
dành cho giáo viên trên lớp là 40 phút, người giáo viên ấy làm thế nào để “tua”
hết trang giáo án dài tới 2,5 trang như vậy?
Để miêu tả giờ học không kết thúc được vấn đề đã nêu trong giáo án, tôi xin
dùng cụm từ đặc tả được phổ biến rộng rãi đó là “cháy giáo án”. Nhưng giáo án
không “cháy” do học sinh bày tỏ quan điểm của mình quá lâu, quá dài hay vì
một lý do nào khác mà lại chính là giáo viên phải tua theo cái mình đã chuẩn bị.
Như thế chẳng phải giáo án soạn ra để “ đốt” hay sao?
Vậy bài soạn rườm rà, hình thức với những phần ghi thừa thãi ấy được viết ra để
làm gì nếu không là để “đốt”. Vì rằng thông tin, kiến thức mà học sinh ghi chép

lại chẳng qua cũng là những kiến thức đã được viết trong sách giáo khoa mà mỗi
em sở hữu một quyển. Vậy là giờ học ấy của giáo viên phải được gọi cho đúng
là “giờ tập chép” vì những con chữ được ghi trong sách giáo khoa được ghi lại
ra vở qua một người thông ngôn. Quả đúng là như thế.
Mục tiêu giáo dục “lấy học sinh làm trung tâm” trước hết đòi hỏi đội ngũ giáo
viên thực sự có trình độ. Quan trọng hơn là giáo viên đó thực sự tâm huyết với
nghề. Những hình thức rườm rà, vô bổ cần được dũng cảm và triệt để loại trừ.
Vũ Nguyên

×