Câu 1. Phân tích mục tiêu xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản
sắc dân tộc làm nền tảng tinh thần của xã hội.
Văn hóa vừa là sản phẩm sáng tạo của con người, vừa là môi trường
nhân tạo để nuôi dưỡng đời sống vật chất và tinh thần của con người. Cùng
với thiên nhiên do tạo hóa tạo nên, văn hóa trở thành môi trường sống của
con người, văn hóa được nhìn nhận là động lực của sự tiến bộ xã hội. Chủ
tịch Hồ Chí Minh đã nói: “Vì lẽ sinh tồn cũng như mục đích của cuộc sống,
loài người mới sáng tạo và phát minh ra ngôn ngữ, chữ viết, đạo đức, pháp
luật, khoa học, tôn giáo, văn học, nghệ thuật, những công cụ cho sinh hoạt
hằng ngày về mặc, ăn, ở và các phương thức sử dụng. Toàn bộ những sáng
tạo và phát minh đó tức là văn hóa”. Người đã khẳng định: “Trong công
cuộc kiến thiết nước nhà có bốn vấn đề cùng phải chú ý đến và phải coi là
quan trọng ngang nhau: chính trị, kinh tế, xã hội, văn hóa”.
Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã
hội được thông qua tại Đại hội lần thứ VII (6-1991) đã xác định nền văn
hóa tiên tiến và đậm đà bản sắc dân tộc là một trong sáu đặc trưng cơ bản
của chế độ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam. Như vậy, nền văn hóa tiên tiến,
đậm đà bản sắc dân tộc vừa là mục tiêu phấn đấu, vừa là một nhiệm vụ
trọng yếu trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội.
Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu vừa là
động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội.
Quan điểm này xác định vai trò đặc biệt quan trọng của văn hóa trong
sự nghiệp đổi mới ở nước ta hiện nay. Mục tiêu của sự nghiệp đổi mới là
phấn đấu vì sự nghiệp dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn
minh, trong đó phải giải quyết hài hoà giữa sự phát triển kinh tế và văn hóa,
đảm bảo cho đất nước phát triển bền vững và lâu dài. Vì vậy, Đảng Cộng
sản Việt Nam nhấn mạnh tới vai trò của việc xây dựng nền văn hóa tiên
tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Nền văn hóa này vừa phải là nền tảng tinh
thần của xã hội, vừa là mục tiêu, vừa là động lực thúc đẩy sự phát triển kinh
tế - xã hội. Mọi hoạt động kinh tế phải đặt con người ở vị trí trung tâm của
sự phát triển, vừa phải chú ý đến hiệu quả kinh tế, vừa phải chú ý đến hiệu
quả xã hội và văn hóa. Đồng thời, phải chú trọng khai thác văn hóa như một
nguồn lực đặc biệt để phát triển kinh tế - xã hội, nhất là phát triển các ngành
công nghiệp văn hóa, dịch vụ văn hóa và du lịch văn hóa… Như vậy, văn
hóa không phải là kết quả thụ động của nền kinh tế mà là nguyên nhân,
động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội.
Trong thời kỳ phát triển kinh tế thị trường và hội nhập kinh tế quốc tế
hiện nay, cần phải nhận thức sâu sắc rằng, sản phẩm văn hóa là một sản
phẩm hàng hóa đặc biệt, hoàn toàn khác với sản phẩm hàng hóa thông
thường khác. Đây là phương tiện để biểu đạt đời sống tinh thần của mỗi dân
tộc. Vì vậy, Đảng, Nhà nước và toàn xã hội cần có giải pháp hữu hiệu để
bảo vệ và phát triển nền văn hóa của dân tộc mình, chống nguy cơ bị đồng
hóa về văn hóa.
* Để xây dựng thành công nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân
tộc, Đảng ta đã chỉ ra mười nhiệm vụ cụ thể như sau:
- Xây dựng con người Việt Nam trong giai đoạn cách mạng mới.
- Xây dựng môi trường văn hóa.
- Phát triển sự nghiệp văn học và nghệ thuật.
- Bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa.
- Phát triển sự nghiệp giáo dục - đào tạo và khoa học - công nghệ.
- Phát triển đi đôi với quản lý tốt hệ thống thông tin đại chúng.
- Bảo tồn và phát huy, phát triển văn hoá các dân tộc thiểu số.
- Chính sách văn hóa đối với tôn giáo.
- Mở rộng hợp tác quốc tế về văn hóa.
- Củng cố, xây dựng và hoàn thiện thể chế văn hoá.
Thông qua việc triển khai các nhiệm vụ văn hóa cụ thể, Hội nghị
Trung ương 10 khoá IX nhấn mạnh đến mục tiêu cần đạt tới là phải tạo
được sự phát triển đồng bộ về chất lượng văn hóa trên các mặt:
- Bảo đảm gắn kết giữa nhiệm vụ phát triển kinh tế là trọng tâm, xây
dựng, chỉnh đốn Đảng là then chốt với không ngừng nâng cao văn hóa - nền
tảng tinh thần của xã hội; tạo nên sự phát triển đồng bộ của ba lĩnh vực trên
chính là điều kiện quyết định đảm bảo cho sự phát triển toàn diện và bền
vững của đất nước.
- Trong quá trình mở rộng hội nhập kinh tế quốc tế và giao lưu văn
hóa, cùng với việc tập trung xây dựng những giá trị mới của văn hóa Việt
Nam đương đại, cần tiếp tục đẩy mạnh công tác bảo tồn, kế thừa, phát huy
các giá trị tốt đẹp của truyền thống văn hóa dân tộc và tiếp nhận có chọn lọc
tinh hoa văn hóa thế giới, bắt kịp sự phát triển của thời đại.
- Vừa phát huy mạnh mẽ tính đa dạng, bản sắc độc đáo của văn hóa
các dân tộc anh em, làm phong phú nền văn hóa chung của cả nước, vừa
kiên trì củng cố và nâng cao tính thống nhất trong đa dạng của văn hóa Việt
Nam, đấu tranh chống các khuynh hướng lợi dụng văn hóa để chia rẽ, phá
hoại khối đại đoàn kết dân tộc.
- Nghiên cứu, nắm bắt kịp thời thành tựu của văn hóa - thông tin hiện
đại, huy động mọi tiềm lực xã hội cho sự nghiệp phát triển văn hóa, chăm lo
các tài năng, chủ động có kế hoạch, chính sách, cơ chế phù hợp để tạo điều
kiện cho văn hóa nước nhà phát triển vững chắc và đúng hướng trong thời
kỳ mới.
Như vậy, mục tiêu của sự phát triển văn hóa đã được nâng lên trên
tầm vóc mới gắn liền với nhiệm vụ phát triển kinh tế và xây dựng Đảng,
củng cố hệ thống chính trị. Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam
tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc phải được phát triển đồng bộ so với sự
phát triển kinh tế và góp phần xây dựng Đảng, củng cố hệ thống chính trị và
chế độ chính trị. Đồng thời, sự phát triển kinh tế và xây dựng Đảng cũng
phải dựa trên nền tảng văn hóa và hướng tới các giá trị văn hóa, hướng tới
cái đúng, cái tốt và cái đẹp. Đó là nền kinh tế và chính trị nhân văn phấn
đấu không mệt mỏi vì sự phồn vinh của dân tộc, vì hạnh phúc của nhân dân
lao động, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn
minh.
Câu 2. Phân tích nhiệm vụ của đảng viên trong công tác xây dựng
Đảng ở cơ sở.
Đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam là chiến sĩ cách mạng trong đội
tiên phong của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và dân tộc Việt
Nam, suốt đời phấn đấu cho mục đích, lý tưởng của Đảng, đặt lợi
ích của Tổ quốc, của giai cấp công nhân và nhân dân lao động lên trên lợi
ích cá nhân; chấp hành nghiêm chỉnh Cương lĩnh chính trị, Điều lệ Đảng,
các nghị quyết của Đảng và pháp luật của Nhà nước; có lao động, hoàn
thành tốt nhiệm vụ được giao; có đạo đức và lối sống lành mạnh; gắn bó
mật thiết với nhân dân; phục tùng tổ chức, kỷ luật của Đảng, giữ gìn đoàn
kết thống nhất trong Đảng. (Điều 1 Điều lệ Đảng Cộng sản Việt Nam).
Mỗi đảng viên phải hoạt động trong một tổ chức cơ sở đảng nhất
định. Chất lượng của từng đảng viên góp phần tạo nên chất lượng của chi
bộ, đảng bộ. Nâng cao sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng, của chi bộ
không thể tách rời việc nâng cao chất lượng đảng viên. Ngược lại, đảng bộ,
chi bộ trong sạch, vững mạnh tạo điều kiện để mỗi đảng viên thực hiện tốt
vai trò và nhiệm vụ của mình, giữ vững tư cách người đảng viên. Vì vậy,
đảng viên cần nêu cao trách nhiệm xây dựng đảng bộ, chi bộ.
a) Đảng viên phải đóng góp tích cực với đảng bộ, chi bộ trong việc
lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị của cơ sở, đơn vị.
Để thực hiện yêu cầu này, đảng viên cần:
- Thường xuyên học tập chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí
Minh để nâng cao trình độ lý luận chính trị, phương pháp công tác khoa
học. Thường xuyên học tập những truyền thống tốt đẹp của dân tộc, những
tinh hoa văn hóa của nhân loại, những kiến thức mới của thời đại để không
ngừng làm giàu trí tuệ của mình, từ đó góp phần cùng tổ chức Đảng hoàn
thành tốt nhiệm vụ lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị ở cơ sở.
- Nắm vững và thực hiện nghiêm đường lối, chính sách của Đảng,
pháp luật của Nhà nước, những chủ trương, nhiệm vụ của cấp uỷ và chính
quyền địa phương (tỉnh, thành; huyện, quận...).
- Hiểu rõ tình hình thực tế ở cơ sở, đơn vị, những vấn đề đang đặt ra
cần giải quyết.
- Thường xuyên suy nghĩ, góp phần đề ra chủ trương và các giải pháp
đúng đắn, sát hợp, có tính khả thi của đảng bộ, chi bộ để thực hiện tốt
nhiệm vụ chính trị của đơn vị.
- Gương mẫu thực hiện nghị quyết và chấp hành sự phân công của
đảng bộ, chi bộ; tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân và gia đình thực
hiện có hiệu quả các chủ trương, nhiệm vụ do đảng bộ, chi bộ đề ra.
b) Đảng viên phải góp phần tích cực vào việc xây dựng tổ chức cơ sở
đảng có sự thống nhất cao về chính trị và tư tưởng, bản lĩnh chính trị và
phẩm chất đạo đức, lối sống.
Để thực hiện yêu cầu trên, đảng viên cần:
- Thực hiện chế độ học tập bắt buộc theo quy định của Đảng. Mọi cán
bộ, đảng viên phải thực hiện nghiêm túc "chế độ học tập lý luận chính trị
trong Đảng". Trên cơ sở nâng cao nhận thức, kiên định những quan điểm có
tính nguyên tắc của Đảng.
- Gương mẫu, tự giác rèn luyện, phấn đấu nâng cao bản lĩnh chính trị;
phẩm chất, đạo đức cách mạng "cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư";
khắc phục chủ nghĩa cá nhân. Không làm những việc trái với quy định của
Đảng, xa lạ với bản chất người đảng viên cộng sản. Không tham nhũng, làm
ăn phi pháp; kiên quyết đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí và các biểu
hiện tiêu cực trong Đảng và trong nhân dân.
- Kiên quyết đấu tranh với những nhận thức lệch lạc, mơ hồ, những
biểu hiện thiếu kiên định về tư tưởng chính trị, giúp đồng chí nhận rõ và
khắc phục những nhận thức, tư tưởng không đúng. Phê phán và bác bỏ
những quan điểm sai trái, thù địch.
- Phát huy tự do tư tưởng, tham gia thảo luận, tranh luận tìm ra chân
lý, lẽ phải. Thực hiện đúng quyền được phát biểu ý kiến trong tổ chức, được
bảo lưu ý kiến và chấp hành nghị quyết của Đảng. Không được truyền bá
những quan điểm trái với quan điểm, đường lối của Đảng.
c) Đảng viên phải đóng góp tích cực xây dựng đảng bộ, chi bộ vững
mạnh về tổ chức, thực hiện nghiêm nguyên tắc tập trung dân chủ.
Để thực hiện yêu cầu này, đảng viên cần:
- Phát huy dân chủ, tích cực thảo luận và tham gia quyết định các chủ
trương, nhiệm vụ của đảng bộ, chi bộ, đồng thời thực hiện đúng nguyên tắc
thiểu số phục tùng đa số, cá nhân phục tùng quyết định của tập thể.
- Thường xuyên rèn luyện, tự giác đặt mình trong sự quản lý của chi
bộ, đảng bộ; tham gia đầy đủ các kỳ sinh hoạt chi bộ, tuân thủ kỷ luật của
Đảng.
- Thực hiện nghiêm chế độ tự phê bình và phê bình. Khắc phục tình
trạng tự phê bình một cách hình thức, chiếu lệ, không dũng cảm nêu ra và
sửa chữa khuyết điểm. Không nể nang, xuê xoa trong phê bình, nhưng cũng
không được lợi dụng phê bình để vu cáo, đả kích cá nhân, gây rối nội bộ.
- Ra sức chăm lo, giữ gìn đoàn kết nội bộ trên cơ sở đường lối, chính
sách, nghị quyết của Đảng và các quy định của Điều lệ Đảng; kiên quyết
đấu tranh với mọi biểu hiện chia rẽ, bè cánh, cục bộ do kèn cựa, tranh giành
chức quyền, lợi lộc.
- Làm tốt công tác bảo vệ chính trị nội bộ Đảng; kiên quyết chống lại
mọi âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch, làm suy yếu, hạ thấp đi đến
xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng. Tham gia đấu tranh với những phần tử
bất mãn, cơ hội chống đảng và những biểu hiện lệch lạc, trái quan điểm,
đường lối của Đảng và pháp luật của Nhà nước.
Câu 3. Trên cương vị công tác và học tập của mình, đồng chí phải làm gì
để xứng đáng với danh hiệu người đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam.
Khái niệm “đảng viên” bao hàm hai mặt: cá nhân một con người
mang danh hiệu đảng viên và một thành viên của Đảng (của một tổ chức
đảng cụ thể và của toàn Đảng nói chung). Người đảng viên chỉ xứng đáng
với danh hiệu cao quý của mình khi làm tròn bổn phận trên cả hai tư cách
đó, nhờ sự phấn đấu của bản thân và sự giúp đỡ, tạo điều kiện của tổ chức
đảng.
Là sinh viên trường Đại học Hải Phòng, tôi luôn tự nhắc nhở mình
cần phấn đấu không ngừng học tập và rèn luyện để xứng đáng với danh
hiệu đảng viên, đó là rèn luyện mình theo những đức tính của con người
Việt Nam:
+ Có tinh thần yêu nước, tự cường dân tộc, phấn đấu vì độc lập dân
tộc và chủ nghĩa xã hội, có ý chí vươn lên đưa đất nước thoát khỏi nghèo
nàn lạc hậu, đoàn kết với nhân dân thế giới trong sự nghiệp đấu tranh vì hoà
bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội.
+ Có ý thức tập thể, đoàn kết, phấn đấu vì lợi ích chung.
+ Có lối sống lành mạnh, nếp sống văn minh, cần kiệm, trung thực,
nhân nghĩa, tôn trọng kỷ cương phép nước, quy ước của cộng đồng; có ý
thức bảo vệ và cải thiện môi trường sinh thái.
+Học tập và lao động tận tụy, có kỹ thuật, sáng tạo, năng suất cao vì
lợi ích của bản thân, gia đình, tập thể và xã hội.
+ Thường xuyên học tập, nâng cao hiểu biết, trình độ chuyên môn,
trình độ thẩm mỹ và thể lực.
Đồng thời, tôi luôn ghi nhớ và thực hiện lời Bác, thực hiện tốt vai trò,
nhiệm vụ, tiêu chuẩn, người đảng viên trong Điều lệ của Đảng Cộng sản
Việt Nam được thông qua tại Đại hội XI.
Chủ tịch Hồ Chí Minh nói: “Trước mặt quần chúng, không phải ta cứ
viết lên trán chữ “cộng sản” mà ta được họ yêu mến. Quần chúng chỉ quý
mến những người có tư cách, đạo đức..., làm mực thước cho người ta bắt
chước”. Đối với Đảng, “Chúng ta vào Đảng là để hết lòng hết sức phục vụ
giai cấp, phục vụ nhân dân, làm trọn nhiệm vụ của người đảng viên”.
Bên cạnh đó, để phấn đấu vươn lên phải luôn giữ vững, tự khẳng
định tư cách người cộng sản của mình và không ngừng vượt lên chính
mình. Chủ tịch Hồ Chí Minh dạy: “tất cả các đảng viên, cán bộ và chi bộ
cần phải thường xuyên ôn lại, tự liên hệ và giữ đúng những tiêu chuẩn của
người đảng viên...”, coi đó là cách tốt nhất để xứng đáng với danh hiệu
người Cộng sản. Nghiêm túc thực hiện tự phê bình và phê bình, thẳng thắn
rút kinh nghiệm, tiếp thu những cái mới phù hợp. Dám đối mặt và giải
quyết những khó khăn, không ngại gian khổ.
Hiện đang là một sinh viên, một đảng viên dự bị được sinh hoạt
trong chi bộ sinh viên của đảng bộ trường Đại học Hải Phòng, cá nhân tôi
phải không ngừng học tập, rèn luyện để hoàn thiện hai mặt của người đảng
viên trong cơ sở đảng như việc tham gia nhiệt tình các hoạt động nghiên
cứu khoa học, hội thảo, các công tác đoàn – hội sinh viên và vận động
quần chúng sinh viên nhiệt tình trong công tác phát triển đảng đối với sinh
viên. Luôn cố gắng góp phần xây dựng chi bộ Sinh viên cũng như Đảng bộ
vững mạnh và không ngừng phát triển. Tạo sức ảnh hưởng tích cực, mạnh
mẽ tới mọi người, phát huy những hình ảnh và đức tính đẹp đẽ nhất của
người đảng viên ưu tú. Thực hiện được như Bác Hồ mong muốn, như sự
tin tưởng và đường lối chỉ thị đúng đắn của Đảng, tôi sẽ sớm đạt được
danh hiệu người đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam.