Tải bản đầy đủ (.doc) (11 trang)

Thuyết Minh Địa Đạo Vịnh Mốc

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (97.12 KB, 11 trang )

ĐỊA ĐẠO VỊNH MỐC:
Kính chào Quý khách!
- Rất vui khi hôm nay được đồng hành cùng quý khách về thăm vùng đất Quảng trị một thời
khói lửa, thăm lại địa danh nổi tiếng được ví như một “Tòa lâu đài cổ trong lòng đất Quảng Trị” đó
là Địa đạo Vịnh Mốc. Thay mặt công ty Vinatour tôi xin cảm ơn quý khách đã đến với công ty chúng
tôi, gởi niềm tin vào chúng tôi trong chuyến đi này. Tôi xin tự giới thiệu tôi tên là Nguyễn Trung
Kiên, tôi sẽ đồng hành cùng quý khách trong suốt chuyến tham quan thú vị này. Còn bên phải tôi là
anh Nguyễn Văn Tùng – tài xế của công ty, anh sẽ là người bạn đường quan trọng của chúng ta đấy,
sự thành công của chúng ta trong chuyến tham quan này không thể nào thiếu anh được. Bây giờ tôi
xin giới thiệu cuộc hành trình của chúng ta sáng nay như sau. Sáng nay chúng ta sẽ tham quan Địa
đạo Vịnh Mốc, tham quan xong, chúng ta sẽ dùng cơm trưa tại nhà hàng địa phương, thưởng thức
món ăn đặc sản của vùng biển Cửa Tùng, như Cua Đen, bánh Rau câu… Kính chúc quý khách có một
chuyến đi thật vui vẻ và thoải mái.
- Kính thưa Quý khách Địa Đạo Vịnh Mốc được nằm ở thôn Vịnh Mốc, xã Vĩnh Thạch, huyện
Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị. Ở Vĩnh Linh có trên 60 địa đạo lớn nhỏ trong đó Địa đạo Vịnh Mốc là
làng hầm vững chắc nhất, tồn tại cho đến tận hôm nay và đã thành một điểm du lịch nổi tiếng không
những ở Việt Nam mà còn được nhiều du khách trên thế giới biết đến, đặc biệt là những cựu chiến
binh Mỹ. Địa đạo Vịnh Mốc là một trong những điểm hấp dẫn của tuyến du lịch nổi tiếng DMZ Demilitarized Zone (khu vực phi quân sự). Trước đây Vịnh Mốc là một làng chài khiêm nhường có
gần 100 nóc nhà nằm trên bờ biển phía Đông nam cách thị trấn Hồ Xá chừng 13km, cách bãi tắm Cửa
Tùng 7km về phía Bắc, cách đảo Cồn Cỏ anh hùng 30km về phía Tây. Cái tên Vịnh Mốc xuất xứ từ
chuyện ngày xưa giữa hai thôn Vĩnh Ân và Thừa Luật có chôn một cột mốc để phân định ranh giới.
Phía Bắc lại có một cái vịnh biển dưới mũi Lài. Nên làng biển nằm giữa hai thôn có tên gọi là Vịnh
Mốc. Trong kháng chiến chống Mỹ, ngoài đặc điểm chung của Vĩnh Linh là "tuyến đầu của miền
Bắc, hậu phương trực tiếp của miền Nam" thì Vịnh Mốc có một vị thế vô cùng quan trọng cho việc
tập kết và vận chuyển lương thực, vũ khí cho đảo Cồn Cỏ.
- Vào năm 1965, từ khi giặc Mỹ leo thang đánh phá miền Bắc, Vĩnh Linh trở thành chiến
trường ác liệt nhất, Vịnh Mốc là nơi đầu tiên bị đế quốc Mỹ ném bom tàn phá trong cuộc chiến tranh
bằng không quân đánh phá miền Bắc Việt Nam. Trước sự đánh phá tàn khốc của không quân và pháo
binh Mỹ vào Vĩnh Linh, cũng như hầu hết các làng quê khác, Vịnh Mốc đã bị huỷ diệt hoàn toàn. Để
chống lại giặc Mỹ và trước quyết tâm bám trụ quê hương, chi viện cho miền Nam. Người dân Vĩnh
Linh chỉ còn cách dựa vào đất mà sống và chiến đấu với ý chí " một tấc không đi, một li không rời"


thế là địa đạo Vịnh Mốc ra đời dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Đồn Công an Vịnh Mốc và chi bộ thôn
Vịnh Mốc. Quân và dân Vĩnh Linh đã chuyển cuộc sống từ mặt đất xuống lòng đất, họ đã kiến tạo
một hệ thống làng hầm đồ sộ, độc đáo mà địa đạo Vịnh Mốc là đại diện tiêu biểu nhất. Chỉ bằng cuốc
thuổng và trí thông minh của mình, người dân Vĩnh Linh vừa đánh giặc vừa đào địa đạo.
1


- Có thể nói ý tưởng đào địa đạo là của đồng chí Trần Nam Trung, (sau này là bộ trưởng Bộ
Quốc phòng của Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam VN) trên đường công tác từ
Trung ương Cục miền Nam ra Bắc đã ghé lại thăm làng chiến đấu ở xã Vĩnh Giang (Vĩnh Linh), đã
gợi ý Vĩnh Linh nên đào địa đạo như Củ Chi để chuẩn bị cho cuộc chiến đấu sắp tới . Vì đây sẽ là
cuộc chiến gian khổ gấp bội, nhất là khi Mỹ tiến hành ném bom đánh phá miền Bắc. Nhưng người
biến ý tưởng này thành hiện thực là của đồng chí Lê Xuân Vy, đồn trưởng đồn công an vũ trang 140
Vịnh Mốc trong những năm 1966-1967. Năm nay ông Vy đã ngoài 70 tuổi, là một trong những người
đầu tiên đã góp công làm nên địa đạo huyền thoại này. Đào địa đạo là một chuyện khó, vì theo lời kể
của người trong cuộc, trên một trục địa đạo đã được xác định, thường với khoảng cách chừng 100m,
người ta đào hai cái giếng sâu chừng 20m, từ hai đáy giếng, hai nhóm người phải đào làm sao có thể
thông được với nhau kiểu như khoan đường hầm đèo Hải Vân bây giờ vậy. Khó khăn nhất là đoạn
giáp mối để thông hầm, vì có thể bên đào lên cao, bên xuống thấp, bên lệch phải, bên qua trái, để
khắc phục, đồng chí Lê Xuân Vy cho dùng ba cây đèn đặt thành một đường thẳng, cứ nhắm thẳng
mà đào sâu vào. Khi đào mà không giáp được mặt nhau họ dùng cuốc xẻng đấm thình thịch vào đất
để nghe tiếng dội từ đâu mà tìm tới.
- Theo bà con Vịnh Mốc kể, thì ông Lê Xuân Vy cũng là người có sáng kiến dự trữ lương thực
tốt nhất. Ông có sáng kiến là dùng ống dẫn dầu dựng đứng thông từ mặt đất xuống để chuyển gạo
xuống địa đạo. Ban đầu gạo được cất dưới tầng sâu cho an toàn nhưng trong đất sâu độ ẩm cao, gạo
rất dễ bị mốc, đã thế mỗi lần lấy gạo nấu cơm từ tầng này đến tầng khác đi lại rất mất thời gian. Ông
Vy đã nghĩ ra cách đào hầm chứa gạo gần trên mặt đất nhưng ngụy trang kỹ, không cho địch phát
hiện. Gạo để trên cao không bị mốc, dễ chống ẩm, từ hầm gạo này đặt các ống cao su dẫn chảy về
bếp. Mỗi lần nấu cơm chỉ việc mở vòi ra cho gạo chảy vào nồi, lấy đủ nấu là gập vòi lại, một điều
ngỡ rất giản dị nhưng những ngày tháng ấy là cả chuyện sống còn của hàng ngàn người dân Vịnh

Mốc. Vì không có gạo ăn sẽ không có sức chiến đấu và tồn tại.
- Còn một chuyện thú vị nữa mà tôi xin chia sẻ cùng quý vị đó là việc nấu nướng trong địa
đạo. Quý khách có biết ngày xưa người dân nơi đây nấu bằng loại bếp gì không, đó là bếp Hoàng cầm
đấy ạ. Bếp Hoàng Cầm ra đời từ chiến dịch Hoà Bình (1951-1952) và rất phổ biến trong chiến dịch
Điện Biên Phủ. Đây là một loại bếp dã chiến, có công dụng làm tan loãng khói bếp tỏa ra khi nấu ăn
nhằm tránh bị máy bay phát hiện từ trên cao. Bếp có nhiều đường rãnh thoát khói, nối liền với lò bếp,
bên trên rãnh đặt những cành cây và phủ một lớp đất mỏng được tưới nước để giữ độ ẩm. Khói từ
trong lò bếp bốc lên qua các đường rãnh chỉ còn là một dải hơi nước tan nhanh khi rời khỏi mặt đất.
Do đó, có thể nấu bếp ban ngày, ngay cả khi máy bay trinh sát của đối phương bay trên đầu. Bếp
mang tên người chế tạo ra nó, một anh nuôi tên là Hoàng Cầm. Ông nguyên là tiểu đội trưởng nuôi
quân của Đội trưởng Đội điều trị 8, Sư đoàn 308 Quân đội Nhân dân Việt Nam. Ông sinh năm 1916
và mất năm 1996. Yêu cầu bí mật đã được đề ra như một khẩu hiệu một thời máu lửa: "đi không dấu,
nấu không khói, nói không tiếng", đã được thực hiện phần nào với sự hỗ trợ của bếp Hoàng Cầm.
2


- Có lẽ ở đây có quý khách đã từng thăm địa đạo Củ Chi nên rất muốn biết sự khác nhau giữa
Địa đạo Củ chi và Địa đạo Vịnh mốc. Tôi xin giải thích sự khác nhau căn bản đó là địa đạo Củ chi là
đường hầm trú ẩn và chiến đấu còn địa đạo Vịnh mốc ngoài chức năng đó ra còn là không gian sinh
tồn. Địa đạo Vịnh Mốc còn là hình ảnh thu nhỏ của một làng quê Việt Nam đến nơi này quý khách sẽ
hiểu được sức sống mãnh liệt của người dân kiên cường. Về mặt địa chất thì Vĩnh linh là loại đất đỏ
bazan sét cứng, còn ở Củ chi đất thịt trắng phù sa. Trong lòng địa đạo Củ chi thì chúng ta di chuyển
khó hơn vì nhỏ và thấp còn địa đạo Vịnh mốc thì chúng ta di chuyển dễ dàng hơn vì ở đây còn phải
đảm bảo đời sống cho người dân nên được đào rộng và cao hơn.
- Kính thưa Quý khách! Nhắc lại chiến tranh là nhắc lại nỗi đau của thế hệ đi trước và nó còn
để lại nhiều di chứng cho thế hệ đi sau nên tôi thật sự không muốn nhắc nhiều về nó nhưng tôi biết
rằng sau khi tham quan Làng hầm xong sẽ có quý khách tự hỏi rằng. “Tại sao đất đai của ông bà
mình, sông núi của tổ tiên mình, xứ sở chôn nhau cắt rốn của mình mà sao người dân mình phải đào
hang hốc, sống khổ sở thế này? Vô lý quá!”. Nhưng những ngày bom đạn ấy để giành lại cuộc sống
bình yên không có cách nào hay hơn là phải chung sống với đạn bom mà thôi. Chính sự tàn khốc của

chiến tranh ở nơi đây đã làm cho con người ta muốn tồn tại chỉ có hai cách: hoặc là bỏ nơi đây mà đi,
hai là chui xuống đất và người dân Vịnh Mốc đã chọn cách thứ hai. "Tồn tại hay không tồn tại" được
người dân Vịnh Mốc trả lời bằng việc 17 công dân được sinh ra ngay dưới lòng địa đạo trong hai năm
1967-1968. Để Vịnh Mốc tồn tại như hôm nay, trở thành một biểu tượng của cuộc chiến đấu của
người dân đất lửa, bao nhiêu máu xương, nước mắt, mồ hôi đã đổ xuống. Không chỉ vì sự sống còn
của đất liền mà còn vì cuộc chiến giữ hòn đảo Cồn Cỏ ngoài khơi cửa Tùng. Những ngày tháng ấy
người dân ở đây nằm lòng khẩu hiệu: “Đất liền còn thì đảo còn”. Nên Làng hầm đã ra đời cũng bắt
đầu từ một trong những lý do ấy.
- Thưa quý khách! chỉ còn khoảng 2km nữa là chúng ta sẽ tới Địa đạo Vịnh Mốc. Trước mặt
quý khách kéo dài dọc theo con đường nhựa chạy về Vịnh Mốc là những vườn cao su và vườn tiêu
xanh đến đậm đà. Trên cái nền đất đỏ bazan, những ngôi nhà mới nằm lọt thỏm giữa các vườn tiêu
xanh thẳm. Có lẽ quý khách sẽ bất ngờ trước sự thay đổi này vì trước đây, trên mặt đất này không có
sự sống của cây cỏ và con người, muốn ra đường phải ngụy trang thế mà giờ đây một cảnh đẹp của
thiên nhiên rất yên bình hiện ra trước mắt Quý khách. Đó là một trong những kỳ tích của người dân
Vĩnh Linh đấy ạ và tôi tin rằng quý khách sẽ còn gặp được nhiều điều bất ngờ và thú vị hơn nữa khi
đến thăm nơi này.
- Theo bảng chỉ dẫn thì chúng ta chỉ còn khoảng 250m nữa sẽ tới cổng địa đạo nên quý khách
chuẩn bị hành lý để chúng ta xuống xe vào thăm địa đạo, trước khi xuống xe tôi xin nhắc quý khách
một số lưu ý như sau. Quý khách không nên mang theo hành lý nặng vào địa đạo vì trong Làng hầm
đường đi hơi hẹp và thấp nên rất khó di chuyển. Tôi nghĩ quý khách chỉ nên mang theo máy chụp
hình là đủ rồi còn hành lý quý khách nên để lại xe. Quý khách nào mặc đồ sáng, mang giày cao gót
nếu mang theo đồ thì nên thay đổi trang phục của mình vì vô đó dễ làm bẩn đồ của quý khách. Bây
3


giờ xin mời quý khách xuống xe đi thẳng vào nhà đón tiếp, quẹo trái sẽ gặp nhà vệ sinh ở phía sau
nếu quý khách nào có nhu cầu thì đi sau đó quay lại nhà đón tiếp, tôi sẽ đợi ở đây.
- Xin mời quý khách tập trung lại đây ạ! Trước mặt quý khách là nhà đón tiếp, nhà được xây
theo kiến trúc hầm chữ A và nó như là một bằng chứng để nhắc nhở với thế hệ hôm nay về một trong
những nơi trú ẩn đã cứu sống rất nhiều sinh mạng của thế hệ ngày xưa. Hầm chữ A là loại hầm được

kè bằng gỗ làm thành 2 mảng, phía trên đấu múi nhau, phía dưới chân choãi ra như chữ A. Lọai hầm
này được bố trí tại nơi có dân cư, đường đi, ven ruộng, bờ biển – để tiện lúc có báo động, nhân dân
mau chóng vào ẩn nấp. Sở dĩ người dân xây dựng theo kiểu hầm này là khi bom đạn dội xuống nó sẽ
lệch sang 1 bên và có thể tránh được mức độ thương vong nếu như có người ở trong. Bên cạnh đó
người dân còn đào một loại hầm khác nữa đó là hầm lán. Hầm lán là những hố hình vuông hoặc chữ
nhật, phía trên được kè bằng gỗ rồi đổ đất lên trên, cửa hầm nối với giao thông hào. Nhiều khi mức
độ bom đạn dày đặc, các căn hầm được sử dụng làm bệnh xá, trường học, nhà trẻ, kho chứa lương
thực …
- Bây giờ xin mời quý khách theo tôi đi bộ đến nhà trưng bày của khu du lịch địa đạo Vịnh
Mốc. Thưa quý khách đoàn chúng ta đang đứng trước cửa số 13, đây là một trong những cửa ra vào
của địa đạo nhưng chúng ta sẽ không xuất phát từ cửa hầm này mà chúng ta quẹo trái và đi tới nhà
trưng bày khoảng 400m.
- Xin mời quý khách ghé vào đây thăm một tí ạ, thưa quý khách trước mặt quý khách đây là
một trong hai giếng thông hơi độc lập thông sâu xuống 12 mét tới tầng 1 của địa đạo. Trong hệ thống
làng hầm có 2 cái giếng thông hơi như thế này, có độ sâu khoảng 12m, cách 50m thì người dân lại
đào một cái nữa. Giếng thông hơi không dùng để chứa nước mà chỉ dùng để tránh bom dội của địch
và để lưu thông không khí vào trong lòng địa đạo. Trước đây để ngụy trang cho những lỗ thông hơi
này và những lối ra vào của địa đạo như tôi được biết thì người dân ngoài cách ngụy trang một cách
kín đáo bằng lá khô và cây khô ra thì còn dùng những lùm cây rậm trong đó có cây dứa dại. Đây là
một trong những loại cây sống rất nhiều ở đây và thường sống ở hướng biển cho nên địch không thể
phát hiện ngay trong lòng đất chúng ta có một hệ thống làng hầm như bây giờ. Và đây cũng là một
điểm khác biệt nữa giữa địa đạo Vịnh mốc và địa đạo Củ chi vì những vật dụng được ngụy trang ở Củ
chi ngoài lá và cây ra còn có sử dụng những vật dụng mà lính Mỹ hay dùng như quần áo, giày, vớ…
và đặc biệt là những cục xà phòng. Vì khi chó săn đi kiểm tra thì chúng sẽ ngửi thấy mùi quen thuộc
này mà bỏ đi, tránh bị phát hiện. Sau này để khoanh vùng quản lý thì những mái che của giếng thông
hơi như thế này và những phần trên thành giếng đã được gia cố lại để đảm bảo sự an toàn cho khách
tham quan, mặt khác cũng chống đất đá sạc lở vào trong lòng địa đạo. Và phía bên kia quý khách có
thể nhìn thấy cửa số 9, đây là một trong những cửa thông lên đồi trong số tổng 13 cửa ra vào địa đạo.
Và quý khách cũng nhìn thấy bên cạnh đó là cái kẻng bằng mảnh bom được treo trên cây bồ đề, trước
đây quân và dân ta đã sử dụng rất nhiều loại tín hiệu để báo động như kèn và tù và được làm bằng

4


sừng trâu tuy nhiên trong đó kẻng được làm bằng mảnh bom là được dùng phổ biến nhất. Nhờ tín
hiệu này mà chúng ta đã tránh được tối đa mất mát về người khi phát hiện máy bay thả bom của địch.
- Xin mời đoàn của chúng ta đi tiếp theo lối này ạ. Thưa quý khách đây là hầm chữ A mà tôi đã
giới thiệu lúc nãy ạ, nhưng đã được gia cố lại bằng bê tông giả gỗ. Hầm chữ A thường dùng để tránh
bom và pháo hạng nhẹ của địch. Hệ thống hầm lán, hầm chữ A, và hệ thống giao thông hào phía bên
kia được gọi là khởi thủy của địa đạo. Ở Vĩnh Linh, có tất cả 91000 các loại hầm như trên.
- Xin mời đoàn chúng ta đi tiếp ạ. Thưa quý khách đây là giếng thông hơi thứ 2 trong hệ thống
làng hầm. Nó có cấu tạo và chức năng giống như giếng thứ nhất nhưng trên miệng giếng có cái trục
quay hay tiếng địa phương gọi là cái tời. Quý khách có biết là cái tời này được dùng làm gì không ạ,
cái tời này được dùng để kéo đất lên khi đào địa đạo đấy. Với cái tời như thế này và chiếc xe kút kít
mà nó đã làm nên lịch sử đấy. Lát nữa khi vào phòng trưng bày tôi sẽ giới thiệu cho quý khách biết về
chiếc xe này. Ngoài ra cái tời này còn có một chức năng khác đó là quân và dân ta đã dùng nó để tiếp
tế luơng thực và đạn dược vào trong lòng địa đạo.
- Mời đoàn chúng ta đi tiếp ạ! Dọc đường quý khách đã gặp hệ thống giao thông hào uốn
quanh địa đạo. Ở Vĩnh Linh có khoảng 2000 km giao thông hào cho nên quý khách sẽ ngỡ ngàng khi
bắt gặp hệ thống giao thông hào dày đặc trong khắp địa đạo. Trước đây nó được làm bằng đất đào sâu
và rộng hơn như thế này. Ở phía dưới đường thông hào ngoài việc phục vụ công tác vận chuyển, đi lại
của nhân dân thì trâu, bò, súc vật có thể đi được. Hiện nay thì đã được gia cố và làm hẹp lại bằng bê
tông ở hai bên và cũng được dùng để làm kênh mương thoát nước trong mùa mưa, sâu khoảng 1m.
- Bây giờ xin mời quý khách đi theo lối này để vào thăm phòng trưng bày. Ấn tượng mạnh khi
đặt chân lên vùng di tích này là dòng chữ lớn nằm trang trọng trong phòng trưng bày: "Tồn tại hay
không tồn tại" rút ra từ tác phẩm nổi tiếng Hămlét của nhà văn người Anh Xêchxpia - “Tobe or not
tobe”. Câu này lại càng có ý nghĩa hơn và gây xúc động cho quý khách khi đặt bênh cạnh những tấm
ảnh trong phòng trưng bày. Đây là một tấm chụp cảnh làng quê trù phú san sát nóc nhà vào tháng
2/1965, còn tấm ảnh kế bên cũng làng quê ấy, nhưng đã bị bom đạn kẻ thù hoàn toàn huỷ diệt trên
mặt đất. Còn đây là tấm ảnh 11 người con của Vĩnh Linh ra đời trong bóng tối của chiến tranh đang
quây quần trong ánh sáng của ngày chiến thắng. Còn kia là tấm ảnh bốn o du kích xinh tươi trong

chiếc áo sơ mi trắng lạc quan hát dưới hầm địa đạo và rồi cũng chính họ trong bộ cánh màu xanh
người lính lại xuất hiện trên mặt đất điều khiển các khẩu pháo bắn trả kẻ thù. Quý khách sẽ có được
câu trả lời “Tồn tại hay không tồn tại” sau khi xem hai bức ảnh đó là bức ảnh phía bên tay phải của
quý khách, hình ảnh một trong những người con của Vĩnh Linh được sinh ra tại địa đạo tay đang ôm
khẩu súng và hình ảnh nụ cười chiến thắng của người dân nơi đây nằm ở phía sau bên tay trái của quý
khách. Cả hai hình ảnh đều khẳng định họ vẫn sống và vẫn tồn tại dù cho khó khăn, cơ cực đến tột
cùng. Với hai câu thơ rất xúc động được ghi trên bức tranh viết về thời thơ ấu của những người con
tại được sinh ra tại đây, với một tuổi thơ cơ cực như thế mà mà họ vẫn sống vẫn tồn tại.
“Tuổi thơ con có những gì
5


Con nằm với đất con đi với hầm”
- Ở đây quý khách còn được xem những hiện vật và một số hình ảnh về thành tích của người
dân Vịnh mốc. Đây là công cụ đào hầm gồm có cuốc chim, xẻng nhỏ và xe kút kít được dùng để đẩy
đổ đất ra biển. Với chiếc xe nhỏ như thế này mà nó đã làm nên lịch sử đấy. Ngày xưa người dân đào
đất lên sẽ có người chuyển đất ra miệng giếng để người ở trên quay tời kéo lên. Chuyển đất mới lên
mặt đất phải dùng xe này đưa đi đổ thật xa và ngụy trang kín đáo để địch không phát hiện ra. Thường
thì cánh đàn ông lo việc đào địa đạo còn phần việc đưa đất đi đổ được chị em gánh vác. Đêm đêm đất
được đổ ra biển, qua một đêm sóng biển đánh tan vào lòng, đêm mai từ dưới những tầng sâu, từng rổ
đất lại được chuyền lên mặt đất, lại mang ra biển, và cứ thế tiếp tục.
- Để hiểu rõ hơn về cấu trúc đặc biệt độc đáo trong lòng địa đạo như thế nào xin mời quý
khách đi theo lối này ạ. Thưa quý khách! Bên phải của quý khách là sơ đồ toàn bộ địa đạo, địa đạo
được đào từ cuối năm 1965 đến 1967 trong lòng quả đồi đất đỏ bazan nằm ở độ sâu 20-28 mét dưới
lòng đất. Tổng chiều dài hệ thống đường hầm là 2.034 mét. Trục đường chính dài 768, cao 1,5- 1,8
mét cho người đi lại thoải mái, rộng từ 1- 1,2 mét. Để hoàn thành nó, người ta đã đào hơn 6000 m3
đất đá trong vòng 2 năm, với hơn 18.000 ngày công, chỉ với những dụng cụ thô sơ trong điều kiện
chiến tranh khốc liệt, giữa bom đạn mịt mù. Từ trục chính tỏa ra 13 nhánh thông với 13 cửa gồm 7
cửa thông ra biển và 6 cửa thông lên đồi. 13 cửa ra vào này ngoài chức năng là lối ra, lối vào nó còn
bố trí rất khoa học và hợp lý, nó giống như là 13 giếng thông hơi lưu thông không khí vào trong hầm

địa đạo. Khi cả đoàn mình vào bên trong địa đạo thì cả đoàn sẽ thấy không khí bên trong lòng địa đạo
sẽ khác bên ngoài rất nhiều. Vào mùa hè thì nó mát hơn bên ngoài còn vào mùa đông thì nó ấm hơn
bên ngoài. Để đào sâu xuống lòng đất, người dân Vịnh Mốc đã có sáng kiến đào những cái giếng như
giếng nước, đến độ sâu quy định thì đào xuyên vào lòng đất. Mỗi tổ đào đường hầm có 20 người,
nhưng mỗi kíp đào chỉ có 2 người. Làng hầm không bao giờ ngập nước vì các cửa đều dốc ra ngoài,
được đào nghiêng từ 2 – 3 độ. Địa đạo Vịnh Mốc là sự kết hợp của ba địa đạo đó là địa đạo của đồn
biên phòng 140, địa đạo quân dân vịnh mốc và địa đạo Sơn hạ. Địa đạo Vịnh Mốc còn là nơi ở của
nhân dân trong những năm chiến tranh ác liệt, lúc đông nhất trong địa đạo sống khoảng 1.200 người.
- Địa đạo có cấu trúc 3 tầng riêng biệt với 3 độ sâu khác nhau. Tầng 1 là nơi sinh sống của
nhân dân cũng như các chiến sỹ, cách mặt đất từ 12 đến 15m. Tầng 2 là nơi đóng trụ sở Đảng ủy, Ủy
ban và chỉ huy quân sự, cách mặt đất từ khoảng 18m. Tầng 3 là kho hậu cần với hàng ngàn tấn hàng
hóa, súng đạn để tiếp tế cho đảo Cồn Cỏ, cho chiến trường miền Nam và phục vụ chiến đấu tại địa
đạo, cách mặt đất khoảng 23 m. Tầng 3 này vẫn cao hơn mặt nước biển là 8m đấy ạ vì làng hầm tọa
lạc trên nền đất đỏ bazan cao hơn mặt nước biển khoảng 31m. Nó được thiết kế như là một ngôi làng
nằm trong lòng đất và có tất cả khoảng 94 căn hộ sinh sống trong ngôi làng này. Làng hầm có các bậc
cấp lên xuống lượn xoắn ốc, được xây theo kiểu kiến trúc đặc biệt để tránh bom dò, theo kiểu hình
ziczac. Tại các cửa hầm địa đạo đều có làm khung gỗ chống sập và thường xuyên gia cố để chống sạc
lở. Hai bên đường trục chính cách nhau từ 3 – 5m, khoét lõm sâu vào thành 1 ô nhỏ, mỗi ô làm nơi
6


sinh họat của một gia đình. Có một điều đó là tuy gọi là căn hộ nhưng các thành viên trong 1 gia đình
được chia ra ở các căn hộ khác nhau để tránh bom xuyên có thể làm chết cả nhà. Họ phải chia gia
đình, họ tộc ra nhiều hầm khác nhau để tránh tiệc nòi.
- Trong làng hầm có 3 giếng nước, 1 cái ở tầng 2 và 2 cái ở tầng 3, nước ở đây hoàn toàn là
nước ngọt để phục vụ sinh hoạt của dân và quân ta. Vì người dân sống trong này trong vòng 6 năm từ
năm 1966 cho đến năm 1972 cho nên việc cần có nước cho sinh họat là hết sức quan trọng và cần
thiết vì đây là sự sống còn của người dân. Và trong làng hầm chỉ có một bếp nấu ăn duy nhất đó là
bếp Hoàng Cầm được đặt ở tầng 1, người dân chỉ nấu ăn một lần duy nhất trong ngày và ăn trong cả
ngày. Trong làng hầm còn có một bệnh xá, một nhà hộ sinh, nhiều lỗ thông hơi ...Ngoài ra trong làng

hầm còn có 1 hội trường (sức chứa hơn 50 người dùng làm nơi hội họp, biểu diễn văn nghệ, chiếu
phim).
Địa đạo dài khoảng 2 km nhưng hôm nay cuộc hành trình của chúng ta khoảng 500m mà thôi, chúng
ta sẽ đi đủ hết lộ trình tiêu biểu nhất ở đây, đoàn chúng ta sẽ tham quan 2 tầng, tầng 2 và tầng 3. Vào
cửa số 3, đoàn chúng ta xuống tầng 2 tham quan các căn hộ gia đình, nhà hộ sinh, phòng tránh bom
khoan và hội trường, sau đó tiếp tục xuống tầng 3 để xem giếng nước, nhà tắm, các hầm chứa vũ khí
và lương thực thực phẩm và sau đó sẽ ra ở cửa số 10, là một trong 7 cửa hầm thông ra biển. Đứng ở
cửa số 10 đoàn chúng ta sẽ có 5 phút để ngắm biển và đi dọc bờ biển để chụp hình sau đó vào lại địa
đạo theo cửa số 4 lặp lại một đoạn đường ngắn đi qua đây rồi sẽ kết thúc lộ trình tại cửa số 5. Đoàn
chúng ta sẽ tham quan khoảng 25 đến 30 phút. Trước khi vào tham quan địa đạo thì quý khách có 10
phút để xem qua một số hình ảnh trong nhà bảo tàng sau đó chúng ta sẽ tiếp tục cuộc hành trình.
- Quý khách đã hiểu lộ trình chúng ta đi, bây giờ xin mời đi theo tôi đi về hướng cửa số 3, đây
là một trong sáu cửa thông lên đồi của địa đạo. Thưa quý khách chúng ta đang đứng trước cửa số 3,
người ta mới kè gỗ ở hai bên cho chắc vào khoảng cuối năm 1999 và đầu năm 2000, để tránh sạc lỡ
và đảm bảo lâu dài, nhưng chỉ gia cố vào khoảng 20m từ cửa ra vào thôi, phần còn lại là nét nguyên
thủy của địa đạo là đất đỏ Bazan. Trước khi theo lối này vào địa đạo Vịnh Mốc tham quan tôi xin
nhắc quý khách một số lưu ý như sau. Khi bắt đầu vào địa đạo, cầu thang hơi tối và trơn, âm u và dốc
đứng nên quý khách cẩn thận. Trong địa đạo mặc dù đã có bóng điện để soi đường nhưng mô phỏng
theo kiểu đèn dầu của người dân ngày xưa nên không được sáng lắm và hai bên đường có nhiều công
tắc điện xin quý khách đừng sờ vào đó, quý khách có thể sử dụng đèn pin để di chuyển dễ dàng hơn
vì đường hầm hơi hẹp và thấp. Quý khách phải cẩn thận khi bước xuống từng bậc cấp, phải cúi thấp
đầu, đi từng hàng một, từng người bám đuôi nhau rồng rắn dắt qua từng khúc cua. Vì sự an toàn, quý
khách chỉ tham quan theo lối có bảng chỉ dẫn và nơi có bóng điện thắp sáng. Nào bây giờ chúng ta
cùng khám phá những điều bí ẩn trong lòng địa đạo nhé.
- Xin mời đoàn chúng ta vào cửa số 3, xin quý khách cẩn thận, chúng ta bắt đầu xuống tầng 2,
sâu khoảng 12m đến 15m với các bậc cấp đi xuống không đều nhau, chúng ta có 24 bậc cấp để đi
7


xuống. Xin mời quý khách dừng lại ạ, đây là điểm tham quan đầu tiên nằm bên tay trái của quý

khách, đó là ô trạm gác lúc trước nơi đây luôn luôn có 2 người thay phiên nhau ngồi theo dõi sự lên
xuống địa đạo, mà chủ yếu là đề phòng địch từ bên ngoài vào. Mời đoàn chúng ta đi tiếp ạ, và đây là
chỗ để điện thoại hữu tuyến cách ô trạm gác khoảng 3m nằm phía bên tay phải của quý khách, dùng
để thông tin liên lạc với nhau trong địa đạo khi có bất trắc xảy ra, cả địa đạo có 2 cái điện thoại, 1 cái
được đặt ở đây và một cái được đật ở tầng 3. Đi hết 24 bậc cấp đi tiếp một đoạn nữa về phía bên trái
là hướng đi ra cửa số 1 và cửa số 2 hướng ra biển, theo 2 cửa hầm này sẽ gặp rất nhiều ô căn hộ gia
đình vì nơi đây đặt trụ sở làm việc và dành cho hộ gia đình sinh sống nhưng nó không nằm trong lộ
trình tham quan của chúng ta hôm nay. Đường đi ra cửa số 1 bên trong có một trạm xá và 1 giếng
nước. Ngoài nhà hộ sinh ra thì trạm xá là một trong những nơi đàng hoàng nhất. Đó là 2 vách hầm
lớn, tường và trần được lót vải dù trắng, có giường, có bàn tủ thuốc cấp cứu. Ngay bên cạnh là đường
đi ra cửa số 2 bên trong có rất nhiều căn hộ gia đình nhưng xin mời đoàn chúng ta rẽ phải để tiếp tục
hành trình tham quan.
- Mời quý khách rẻ phải đi một đoạn sẽ gặp mô hình căn hộ gia đình đang sinh hoạt, đây là ô
hộ gia đình đấy ạ, dọc trục đường này quý khách sẽ gặp nhiều ô căn hộ như thế này rộng khoảng 3 –
4 m2 cách nhau khoảng 3 – 5m thì có một căn hộ gia đình như vậy. Như đã giới thiệu, địa đạo có rất
nhiều căn hộ gia đình, và đây là một trong những mô hình căn hộ gia đình tiêu biểu, toàn địa đạo có
cả thảy 94 căn hộ gia đình như vậy. Một đoạn tới đây, nếu rẽ trái quý khách sẽ thấy được biển thông
qua cửa số 4, cửa ngắn nhất và thẳng nhất trong số 13 cửa của địa đạo, nhưng theo lộ trình đầu tiên
chúng ta sẽ ra khỏi địa đạo theo cửa số 10, vì vậy xin quý khách theo tôi rẽ phải tiếp tục đi thẳng. Và
đây là nhà hộ sinh, nó được bố trí rất hợp lý và khoa học vì sẽ lấy được ánh sáng và không khí trong
lành từ cửa số 4 thông ra biển, đây là nơi có nhiều ánh sáng nhất trong địa đạo. Trong nhà hộ sinh chỉ
có 3 cái nôi, nơi đây có cửa thông ra biển, phía trước 3 cái nôi có 1 cái bệ bằng chõng tre, nhìn thẳng
ra là cửa thông ra biển. Nơi đây trong gần 2000 ngày đêm tồn tại (1965 - 1972), không một mái nhà
nguyên vẹn, không một ngọn cỏ có thể mọc lên dưới cái nóng của thiên nhiên và cả bom đạn, vậy mà
địa đạo đã đón 17 đứa trẻ ra đời an toàn. Đó là một kỳ công, một chứng tích của sự sống Vĩnh Linh
bất diệt!
- Hiện nay cả đoàn chúng ta đang đứng ở tầng 2 cách mặt đất khoảng 15m nhưng người dân
vẫn chưa cảm thấy đảm bảo sự an toàn để tránh những loại bom. Đặc biệt là bom khoan nó có thể
khoan sâu xuống lòng đất khoảng 15 đến 17 mét cho nên quân và dân ta đã đào hầm tránh bom khoan
sâu khoảng 23m ở tầng 3 của địa đạo. Bom khoan là một loại bom sau khi được ném xuống sẽ xoái

vào lòng đất rồi mới nổ cho nên hầm được xây cứng theo kiểu hình ziczac với độ an toàn rất cao, khi
nào có báo động bom khoan thì bà con sẽ trượt xuống theo lối này và men lên theo lối khác. Và đây
chính là chỗ người ta đào lõm vào để nghỉ ngơi hay là nói chuyện đấy ạ. Có hai lối đi xuống hầm
tránh bom khoan này đây là lối đi xuống và có lối khác sẽ đi lên, theo lối đi này người dân sẽ trược
xuống hầm cho nhanh khi có báo động. Sỡ dĩ mà quân và dân ta đào tới 2 cái hầm tránh bom khoan
8


thứ nhất là vì để đề phòng khi chẳng may một hầm bị sập thì có hầm khác để tránh và thoát lên, thứ
hai sẽ có nhiều không khí lưu thông nhiều hơn nữa trong hầm. Khi có dấu hiệu của bom khoan thì ở
những trạm gác sẽ phát tín hiệu để người dân trược vào đây để nấp.
- Và xin quý khách chú ý đoàn chúng lại đi lên với 7 bậc cấp, và hiện trước mặt chúng ta là
cửa hầm số 5 rất nhiều bậc cấp, nhưng theo lộ trình chúng ta sẽ rẽ trái để đi xuống khu trung tâm
tham quan một địa điểm rất đẹp trong lòng địa đạo đó là hội trường. Dọc theo lối đi, chúng ta sẽ thấy
bản gỗ tại đây người ta viết lên đó những thông báo và tin tức. Và đây là một lối đi khác của hầm
tránh bom khoan, đây thường được dùng làm lối đi lên, dưới hầm này có nhiều bậc cấp để đi lên,
trước dây không có tấm bê tông chắn ngang miệng hầm này mà nó mới được làm lại để đảm bảo an
toàn cho khách tham quan khi đi ngang qua đây. Bây giờ mời đoàn chúng ta đi một đoạn nữa sẽ rẽ
trái đi xuống phòng hội trường. Và đoàn chúng ta đã tới hội trường rồi đấy ạ, như tôi đã giới thiệu hội
trường nằm nơi cao nhất và rộng nhất của địa đạo, rộng khoảng 25m 2 nhưng có sức chứa khoảng 50
đến 80 người, là nơi diễn ra tất cả các hoạt động cộng đồng. Nơi đây có biết bao nhiêu người được
kết nạp Đảng, được thưởng thức không khí giao thừa. Nơi đây còn diễn ra lễ tuyên thệ của đội quân
cảm tử trước khi làm nhiệm vụ chi viện cho chiến trường miền Nam, cho đảo Cồn cỏ. Và đây là trạm
gác, nơi đây kiểm tra xuất trình giấy tờ và tư cách đại biểu trước khi vào hội trường dự những cuộc
họp quan trọng. Chúng ta sẽ dừng tại hội trường trong vài phút để nghỉ ngơi và tập trung mọi người
lại chuẩn bị xuống tầng ba của địa đạo. Quý khách quan sát hai bên góc tường của hội trường có thấy
gì khác biệt không ạ đó là những ô lõm sâu vào trong những cái hốc, vì đây là nơi to và rộng nhất nên
quân và dân ta lo sợ sẽ không đảm bảo an toàn nên đã lấy những cột gỗ của nhà dân để chống cho
khỏi sập, nhưng sau này trong quá trình khảo sát thì thấy là những cái cột này không cần thiết và vẫn
đảm bảo an toàn nên đã dỡ nó xuống để cho không gian hội trường rộng hơn, hiện nay thì nơi này

rộng hơn ngày xưa.
- Phía cuối hội trường ở phía bên phải chúng ta, đó chính là cửa số 6, cũng là một cửa thông ra
biển mà nếu như đoàn theo lối đó sẽ gặp một nhà vệ sinh và một trạm phẫu thuật của
lực lượng vũ trang. Nhưng bây giờ, xin mời quý khách rẻ phải theo tôi xuống tầng 3 của địa đạo sâu
khoảng 23 mét. Xin quý khách lưu ý và cẩn thận vì tầng 3 là tầng sâu nhất nên nó hơi ẩm ướt và có
những bậc cấp rất cao, đoàn chúng ta sẽ phải đi hết 21 bậc cấp để xuống tầng 3. Ở đây quý khách sẽ
gặp 2 giếng nước, 1 nhà tắm và những hầm chứa lương thực, vũ khí. Và ngay ở bậc cấp thứ 21 về
phía trái của quý khách là giếng nước đầu tiên, hiện nay nước vẫn còn và rất trong, đoàn chúng ta sẽ
thay đổi nhau từng người một tham quan giếng nước trong vài phút. Nhà tắm nằm về phía bên phải
của giếng nước, chủ yếu dành cho phụ nữ. Ở đây có rất nhiều chỗ để vũ khí và thực phẩm, vì ở độ sâu
hầm này là 23 mét, có độ ẩm rất lớn, và đặc biệt có nhiều nước vào mùa mưa, nên được thiết kế 2 gờ
cao hai bên, và lót trên đó 1 tấm gỗ để cất lương thực và thực phẩm tránh được ẩm ướt và mốc. Và lối
này là lối thông lên cửa số 12 thông lên đồi, cửa này có mặt hướng ra biển nên được tính là 1 trong 7
9


cửa thông ra biển. Ngay phía bên trái, sát chân tường quý khách có thể thấy những rãnh thoát nước,
vào mùa mưa nước chảy vào địa đạo một cách tự do, nhưng nhờ hệ thống rãnh thoát nước này mà
nước chảy ra biển một cách dễ dàng tạo trên mặt địa đạo luôn luôn khô ráo. Quý khách nhìn lên, có
thể thấy ngọn đèn mô phỏng loại đèn chai hay đèn bão mà trước đây người dân hay sử dụng. Trước
đây loại đèn này sử dụng dầu mở lợn hay dầu thực vật. Và trong quá trình đi, đoàn chúng ta có thể bắt
gặp nhiều đoạn người ta đào rộng hơn như thế này, đặc biệt ở các khúc rẽ nhánh nhằm mục đích để
tránh nhau trên đường đi. Bên phải quý khách là một giếng nước khác nữa, quý khách có thể vào
xem.
- Bây giờ xin mời đoàn rẻ trái để đi lên cửa số 10, và đây là trạm gác của cửa số 10, tất cả các
cửa hướng ra biển đều có trạm gác. Chúng ta đã thấy ánh sáng chiếu vào, cửa số 10 là cửa hướng ra
biển, vài phút nữa thôi, khi lên tới nơi, chúng ta sẽ thấy được bãi biển. Đoàn chúng ta đã ra khỏi hầm
bằng cửa số 10. Lên trên đỉnh Vịnh mốc quý khách sẽ nhìn thấy con đường dẫn quanh địa đạo giáp
với biển Đông, khung cảnh ở đây rất đẹp. Do cấu tạo địa chất, những mũi đất bazan nhô ra biển tạo
cho bờ biển nơi đây rất nhiều cây xanh. Quý khách có thể thấy bãi biển Cửa Tùng, đây là một bãi

biển rất đẹp nó được mệnh danh là “bãi biển nữ hoàng” do người Pháp âu yếm trao tặng. Biển Cửa
Tùng rất ấm với bãi cát trắng mịn thoai thoải và làn nước xanh trong làm say lòng những du khách
thích tắm biển. Ai đã đến nơi đây đều không thể quên những khoảnh khắc đứng ngắm những bức
tranh rực rỡ, kỳ vĩ của thiên nhiên với những dải đất đỏ đắp trên mình tấm chăn xanh mướt vươn ra
biển, với những con sóng biếc lăn tăn bạc đầu vỗ về bãi cát trắng và tất cả hòa quyện lấp lánh trong
mây trời...Nhìn ra biển phía xa kia là đảo Cồn Cỏ anh hùng, nơi xuất phát của những đoàn tàu không
số chi viện vũ khí, lương thực cho chiến trường Miền Nam. Đảo Cồn Cỏ còn là địa đầu của tổ quốc
Miền Bắc Xã Hội Chủ Nghĩa, án ngữ con đường tiến ra Bắc của hạm đội 7 của Mỹ. Ở phía biển này
có rất nhiều cây dứa dại, nhờ những chùm cây này mà đã che khuất lối ra, lối vào trong địa đạo cho
nên không bị địch phát hiện. Sau này khoanh vùng quản lý thì đã phát quang những cây này để tạo
thành đường đi cho dễ dàng. Cây dứa dại còn có một chức năng nữa đó là quả của cây dứa dại có thể
chữa được bệnh tiểu đường và bệnh thận. Lát nữa ra bãi giữ xe quý khách sẽ thấy những quả này
được bán tại đây. Quý khách có vài phút để chụp hình và nghỉ ngơi tại đây, sau đó tập trung lại và
đoàn sẽ theo lối cũ về lại nhà đón tiếp.
- Bây giờ mời cả đoàn chúng ta tiếp tục đi về cửa số 4. Trên đường đi quý khách sẽ gặp cửa số
6 nằm phía bên trái quý khách. Trong cửa này có một trạm phẫu thuật của lực lượng vũ trang, một
nhà vệ sinh và nó là nhà vệ sinh duy nhất tại địa đạo. Khi chúng ta đứng ở phòng hội trường nếu rẻ
trái chúng ta sẽ ra cửa số 6 này còn rẻ phải thì đi xuống tầng 3 nhưng bây giờ chúng ta không đi vào
cửa số 6 mà đi tiếp một đoạn nữa để vào cửa số 4. Mời đoàn quẹo trái lên lối này để lên cửa số 4,
chúng ta sẽ đi hết 80 bậc cấp sẽ lên đến cửa số 5 và ra bằng cửa này. Dọc đường đi quý khách có thấy
gì lạ không ạ đó là nơi có những bóng đèn thắp sáng thì có rêu xanh mọc quanh rất là đẹp. Đoàn
chúng ta đã ra cổng số 5 rồi ạ, đoàn sẽ theo lối cũ về lại nhà đón tiếp, kết thúc chuyến tham quan tại
10


địa đạo Vịnh Mốc. Ở địa đạo có một qui luật là tất cả các cửa mang số thứ tự chẵn là cửa thông ra
biển, mang số thứ tự lẻ là cửa thông lên đồi.
- Thưa quý chiến tranh đã lùi xa, nhưng vẫn còn đó một làng hầm huyền thoại ngày ngày
truyền lại niềm tin, ý chí cho thế hệ hôm nay và mai sau về sức mạnh nội lực của dân tộc Việt Nam.
Từ đây, tất thảy mọi người đều phải thừa nhận sự thần kỳ của một đất nước, một dân tộc mà sự tồn tại

và chiến thắng của nó là tất yếu. Có rất nhiều dòng cảm xúc về làng hầm này, nhưng hầu như tất cả
đều công nhận "Làng địa đạo Vịnh Mốc giống như một toà lâu đài cổ nằm im lìm trong lòng đất giấu
kín biết bao điều kỳ lạ về những con người đã làm ra nó và thời đại nó đã sinh ra". Vịnh Mốc đối với
người dân Quảng Trị là cả một niềm tự hào không phải vì địa danh này được đứng trong danh mục di
tích quốc gia mà nó là một bảo tàng trung thực về sức sống mãnh liệt của con người nơi đây. Tôi tin
rằng Quý khách sẽ có cảm giác khâm phục xen lẫn sự thư giãn lan toả trong mỗi người sau khi tham
quan nơi này. Tôi xin kết thúc chuyến đi của chúng ta tại đây tôi tin rằng quý khách sẽ cảm nhận
được tất cả sự tàn khốc của chiến tranh ở nơi đây và sẽ có câu trả lời chính xác nhất việc "Tồn tại hay
không tồn tại" của người dân nơi đây. Và bây giờ chúng ta cùng tạm biệt Vịnh Mốc - miền đất anh
hùng. Tôi thay mặt Công ty Vinatour xin cám ơn quý khách về sự hợp tác trong suốt chuyến tham
quan này và hẹn gặp lại nhé quý khách những người yêu mến và muốn khám phá tất cả những địa
danh trên vùng đất lửa Quảng Trị!

11



×