Tải bản đầy đủ (.doc) (43 trang)

Những bài văn miêu tả và nghị luận hay cấp 2

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (211.53 KB, 43 trang )

Những bài văn hay lớp 7
Những bài văn hay lớp 7 dưới đây sẽ giúp các em học sinh lớp 7 học môn Ngữ
Văn tốt hơn. Tài liệu này sẽ giúp các em rèn luyện khả năng diễn đạt, có nhiều ý
tưởng khi làm văn miêu tả với các đề bài quen thuộc như: tả cánh đồng lúa, tả
cảnh mặt trời mọc trên quê hương em ở... Các bài văn miêu tả chân thực, diễn
đạt mạch lạc sẽ là tài liệu hữu ích dành cho quý thầy cô, quý phụ huynh và các
em học sinh.
Đề bài: Em hãy viết bài văn tả cảnh mặt trời mọc trên quê hương em ở mà em
đã có dịp quan sát kĩ.
Hè vừa qua, em được mẹ cho về thăm quê ngoại ở Thạch Thất, Sơn Tây. Lần đầu tiên
em được chứng kiến cảnh mặt trời mọc thật huy hoàng, rực rỡ.
Trời mới tang tảng sáng, bà đã đánh thức em dậy. Tiếng gà gáy rộn rã trong thôn báo
hiệu một ngày mới bắt đầu. Em theo bà và mẹ bước ra sân. Đêm chưa tan hẳn. Làng
xóm còn chìm trong màn sương mỏng mờ mờ như khói. Gió sớm mát rượi làm cho
em tỉnh hẳn người. Không khí trong lành ở thôn quê thật khác xa với chốn thị thành
ồn ào, bụi bặm.
Nhà bà ngoại em ở lưng chừng ngọn đồi Câu Lậu, trên đỉnh đồi là ngôi chùa Tây
Phương nổi tiếng. Từ sân nhà nhìn về hướng Đông, em thấy bầu trời đang chuyển dần
từ màu trắng sữa sang màu hồng nhạt. Mặt trời vẫn giấu mình sau đám mây dày
nhưng những tia sáng hình rẻ quạt báo hiệu mặt trời đã thức giấc. Chỉ một lát sau,
mặt trời như một quả bóng khổng lồ màu đỏ đang từ từ nhô lên, nhuộm chân trời một
màu hồng rực. Gió sớm lồng lộng thổi, quét sạch tàn dư của bóng đêm. Bầu trời như
được đẩy lên, thoáng đãng và cao vời vợi.
Mặt trời lên rất nhanh. Thoáng chốc, ánh sáng đã chan hòa mặt đất. Vạn vật như bừng
tỉnh, hân hoan chào đón nắng mai. Sương đêm đọng trên lá cây ngọn cỏ, lấp lánh
dưới ánh mặt trời. Khung cảnh quê em đã hiện rõ ra trước mắt. Cánh đồng lúa như
một tấm thảm vàng trải rộng. Xa xa, ngọn Sài Sơn sừng sững in hình trên nền trời
biếc. Dòng sông Đáy như một dải lụa mềm vấn vít uốn quanh. Mặt sông lung linh
ánh nắng sớm mai tinh khiết. Những con thuyền nhỏ bồng bềnh xuôi dòng. Tất cả tạo
nên một vẻ đẹp lạ lùng, kì ảo như trong cổ tích. Trên đường làng đã rậm rịch bước
chân. Tiếng cười, tiếng nói của các bà, các chị ra đồng thăm lúa hòa trong bao âm


thanh khác của làng quê thân thuộc. Cảnh mặt trời mọc trên quê hương em đẹp như
một bức tranh thiên nhiên được vẽ bằng ngọn bút của một họa sĩ tài hoa, để lại trong
em một ấn tượng sâu đậm, không thể phai nhòa.
Đề bài: Tả cảnh mặt trời mọc trên quê hương em.
Bài làm:
Hè vừa qua, em được ba mẹ cho về quê ngoại chơi. Tới bãi biển ở gần nhà ngoại, em
đã được ngắm nhìn cảnh mặt trời mọc thật huy hoàng, rực rỡ.
Trời mới tảng sáng, bà đã gọi em dậy. Tiếng gà gáy trong thôn như báo hiệu một ngày
mới bắt đầu. Em theo bà và mẹ đi dạo bên bãi biển. Đêm chưa tan hẳn, làng xóm vẫn
chìm trong làn sương mờ mờ như khói. Gió sớm mát rượi làm em tỉnh hẳn. Không
khí trong lành chốn thôn quê khác xa với nơi thị thành ồn ào, bụi bặm.


Nhà ngoại em ở gần cửa biển Cửa Tùng, đứng trên sân thượng là có thể nhìn bao quát
cả một vùng biển rộng: Phía rạng Đông, em thấy bầu trời đang dịch chuyển dần từ
màu trắng sữa sang màu hồng nhạt. Mặt trời vẫn dấu mình sau đám mây dày. Ông
mặt trời dần tỉnh sau giấc ngủ say, những tia sáng hình rẻ quạt lọt qua đám mây lung
linh sắc màu. Chỉ một lát sau, ông mặt trời như quả cầu lửa từ từ nhô lên, nhuộm
chân trời một màu hồng rực. Gió sớm lồng lộng thổi, cuốn đi tàn dư của màn đêm.
Bầu trời như được đẩy lên, trong xanh và cao vời vợi.
Mặt trời lên rất nhanh. Ánh nắng đã chan hoà khắp mặt đất. Vạn vật như bừng tỉnh,
vươn mình đón nắng mai. Sương đêm đọng trên các lá cây ngọn cỏ như những viên
kim cương, lấp lánh dưới ánh mặt trời.
Cảnh quê em đã hiện rõ ra trước mắt. Cánh đồng lúa phía xa kia như một tấm thảm
vàng trải rộng. Xa xa, những ngọn núi in hình dưới nước biển trong xanh. Trên biển
đoàn thuyền buồm đã ra khơi, mang đầy nhiệt huyết với hy vọng cùng mẻ cá nặng
trĩu trở về. Tất cả đã đưa em vào thế giới cổ tích và đẹp lạ lùng. Trên con đường làng
rậm rịch bước chân, em cùng bà và mẹ trở về nhà hoà trong tiếng nói cười lảnh lót
của các cô, các bác và tiếng chim ca líu lo.
Cảnh mặt trời mọc ở quê em đẹp thật đấy! Đó là một bức tranh thiên nhiên được vẽ

bằng cây bút của một hoạ sĩ tài hoa, để lại trong em một ấn tượng sâu đậm mãi không
phai mờ về quê hương yêu dấu.
Đề bài: Một năm có bốn mùa, mùa nào cùng có buổi bình minh đẹp. Hãy tả lại
một buổi bình minh mà em có dịp ngắm nhìn.
Đã có người từng hỏi em thích khoảnh khắc nào trong ngày, và em đã trả lời đó là
bình minh. Vì mỗi sáng mai thức dậy, em thấy rất thoải mái và nhẹ nhõm trong
người. Bình minh trên quê em yên bình, trong lành và thân thương đến lạ.
Bình minh là thời khắc mặt trời chưa lên cao, chỉ mới vừa kịp nhú lên ở phía xa xa.
Là khoảnh khắc màn đêm không còn bao trùm lấy mọi cảnh vật nữa, nhường chỗ cho
một ngày mới có nhiều niềm vui và tin yêu hơn.
Sáng nào mẹ em cũng dậy thật sớm, vì thế em cũng dậy theo mẹ. Ngước nhìn lên bầu
trời cao và trong xanh, từng đám mây nhẹ nhàng trôi lững lờ, chậm rãi. Lúc đó mặt
trời chưa lên, mới chỉ le lói ở phía xa xa.
Sáng tinh mơ, em nghe rất rõ tiếng chim hót líu lo trên cành cây khế ở sau vườn. Rồi
tiếng chim gõ kiến gõ tí tạch vào thân cây mít. Cảnh vật như bừng tỉnh, tràn đầy sức
sông, chen lấn sự huyên náo của một ngày mới.
Có lẽ khung cảnh đẹp nhất khi bình minh thức dậy chính là cánh đồng lúa. Cánh
đồng lúa xanh mượt, đang thì con gái vươn mình thức dậy. Trên những chiếc lá sắc
nhọn còn đọng lại vài hạt sương bé tý, long lanh. Khi mặt trời lên cao, ánh nắng nhẹ
chiếu vào hạt sương khiến nó lấp lánh. Cơn gió buổi sáng mai thật mát lạnh và trong
lành như không hề vướng chút bụi bẩn nào. Có lẽ đây là khoảnh khắc mọi thứ thật
trong lành và êm ái. Ngày mới thường bắt đầu một cách tươi đẹp và viên mãn như
vậy.
Những buổi sáng sớm, nhiều bác nông dân đã dắt trâu ra đồng gặm cỏ. Tiếng bước
chân đi rất êm, tiếng nhai cỏ sột soạt khiến em có cảm giác như đất trời còn chưa
bừng tỉnh hẳn.


Em vẫn thường nghe bà bảo nắng sáng mai rất tốt cho sức khỏe, nên bà vẫn hay phơi
nắng khi sáng mai ở ngoài sân. Ánh nắng dịu nhẹ lan vào da thích thú đến lạ, êm ái,

không bỏng rát như nắng lúc trưa và lúc chiều.
Đặc biệt, khi buổi bình minh ghé thăm xóm làng em là lúc nhiều cô cậu học sinh í ới
gọi nhau đi học trong tiếng chim hót líu lo. Khung cảnh ấy khiến cho ngày mới bắt
đầu thật vui tươi và hứng khởi.
Em rất thích ngắm mặt trời vào sáng mai và yêu thích không khí của nó. Thật tuyệt
vời.
Đề bài: Bạn em băn khoăn vì sao đã có câu tục ngữ: "Không thầy đó mày làm nên"
mà lại còn có câu tục ngữ: "Học thầy không tày học bạn"?
Em hãy giải thích để giúp bạn em hiểu rõ ý nghĩa và mối quan hệ giữa hai câu tục
ngữ trên.
Bài làm
Từ xưa, nhân dân ta đã coi trọng vị trí của người thầy trong xã hội. Có biết bao câu
ca dao tục ngữ thể hiện tinh thần tôn sư trọng đạo: Nhất tự vi sư, bán tự vi sư; Muốn
sang thì bắc cầu kiều. Muốn con hay chữ phải yêu lấy thầy...
Trong nhà trường, người thầy giữ vai trò rất quan trọng, vì thế dân gian đã khẳng
định: Không thầy đố mày làm nên. Nhưng bên cạch đó lại có quan điểm cho rằng:
Học thầy không tày học bạn. Như vậy, xét về mặt ý nghĩa , hai câu trên có mâu
thuân với nhau hay không?
Nếu mới đọc qua, chưa suy nghĩ sâu sắc, chắc chắn có người cho rằng hai câu tục
ngữ trên chứa đựng hai quan điểm trái ngược nhau. Thực tế không phải như vậy. Cả
hai câu đều nói đến vai trò của người dẫn dắt là thầy giáo và bạn bè trong học tập.
Câu thứ nhất: Không thầy đố mày làm nên đề cao đến mức tuyệt đối vai trò của
người thầy đối với học sinh. Trong khi đó câu thứ hai: Học thầy không tày học bạn
lại đề cao vai trò của bạn bè. Chúng ta nên hiểu nội dung hai câu tục ngữ này như
thế nào cho đúng?
Trong nhà trường, vai trò của người thầy vô cùng quan trọng. Thầy dạy cho trò
những tri thức cần thiết thông qua bài giảng trên lớp. Thầy là người dẫn đường, chỉ
lối, mở rộng, nâng cao hiểu biết cho học sinh. Đồng thời với việc dạy chữ là dạy
người. Người thầy dạy bảo những điều hay lẽ phải, quan tâm giáo dục đạo đức cho
học sinh, giúp các em sống theo đạo lí làm người. Đối với việc trưởng thành và tạo

dựng sự nghiệp của học sinh, công lao người thầy quả là to lớn.
Nhưng không phải người thầy thay thế được tất cả. Thầy hết lòng giảng dạy trò
phải hết sức nỗ lực trong học tập, tiếp thu thì mới mong đạt được kết quả tốt. Như


vậy, cố gắng của học sinh cũng là một phần đáng kể. Nếu phủ nhận mặt này, ý nghĩa
của câu tục ngữ trên sẽ là nhận xét phiến diện.
Vai trò của người thầy quan trọng như vậy nhưng trong quá trình học tập, vai trò
bạn bè cũng quan trọng không kém nên người xưa cho rằng: Học thầy không tày học
bạn (không tày ở đây có nghĩa là không bằng). Đánh giá như vậy sợ có thiên lệch
chăng? Ở đây, mục đích của người xưa là dùng cách nói cường điệu để nhấn mạnh
tác động của bạn bè đối với sự tiến bộ và hiểu biết của mối người. Kiến thức thầy
giảng trên lớp, có gì chưa hiểu, ta đem hỏi lại bạn bè. Bạn tận tình hướng dẫn cho
mình, tức là bạn cũng đóng vai trò của người thầy cô trong chốc lát.
Thực tế cho thấy bạn bè tốt giúp đỡ, hỗ trợ nhau rất nhiều điều có ích trong quá
trình học tập, làm việc và xây dựng sự nghiệp. Bạn bè cũng trang lứa tạo ra sự thông
cảm , gần gũi nên việc học hỏi cũng dễ dàng tiếp thu hơn.
Vậy ta nên hiểu quan niệm học thầy, học bạn như thế nào cho đúng?
Mỗi học sinh phải chăm chỉ, cố gắng tiếp thu những điều hay lẽ phải do thầy dạy
bảo , kết hợp với óc suy nghĩ, sáng tạo của bản thân để không ngừng nâng cao kiến
thức. Luôn ghi nhớ truyền thống Tôn sư trọng đạo của dân tộc. Có kính trọng thầy
thật sự thì mới có tâm thế trong sáng, nghiêm túc đón nhận lời thầy dạy bảo. Có điều
gì chưa hiểu hoặc hiểu chưa kĩ, ta mạnh dạn hỏi lại bạn bè, tránh thái đọ tự ti, giấu
dốt, bởi đó là điều hoàn toàn bất lợi cho việc học hành. Học thầy, học bạn không chỉ
về kiến thức mà còn học ở tác phong, đạo đức để trở thành con người hữu ích cho xã
hội.
Hai câu tục ngữ trên bổ sung ý nghĩa cho nhau để phản ánh quan niệm của người
xưa về việc học. Ngày nay, cách học tốt nhất là học ở thầy, học ở bạn, học trong sách
vở và học trong thực tế cuộc sống hằng ngày. Muốn nên người, chúng ta phải có thái
độ tôn kính thầy cô, quý mến, tôn trọng bạn bè và khiêm tốn trong học tập. Con

đường đến với tri thức là còn đường gập ghềnh, gian nan. Trên con đường ấy, thầy
và bạn vừa là người chỉ lối , vừa là người đồng hành quan trọng biết bao đối với mỗi
chúng ta.
Đề bài: Dân gian ta có câu tục ngữ: "Gần mực thì đen, gần đèn thì rạng". Nhưng có
bạn lại bảo: "Gần mực chưa chắc đã đen, gần đèn chưa chắc đã rạng". Em hãy viết
bài văn chứng minh để thuyết phục bạn ấy theo ý kiến của em.
Bài làm
Từ xưa, nhân dân ta đã khẳng định rằng môi trường xã hội và đặc biệt là mối quan
hệ bạn bè có ảnh hưởng rất lớn tới quá trình hình thành nhân cách, đạo đức của mỗi
con người. Câu tục ngữ: Gần mực thì đen, gần đèn thì rạng đã nói lên điều đó.


Để nêu lên một bài học hoặc một kinh ngiệm, ông cha ta thường mượn hình ảnh
của sự vật có liên quan đến con người để thể hiện ý của mình. Mực có màu đen.
(Ngày xưa, mực Tàu được đúc thành thỏi dài, khi dùng thì đem mài với nước, lấy
bút lông chấm vào nước để viết chữ Hán. Nếu sơ ý bị mực dây vào chân tay, quần áo
thì khó tẩy sạch). Từ thực tế đó, người xưa mượn mực để ám chỉ những cái xấu xa.
Còn đèn là vật phát ra ảnh sáng. Đến gần đèn ta sẽ được soi sáng. Cho nên đèn
tượng trưng cho điều tốt đẹp, sáng sủa. Mượn hai hình ảnh tương phản nhau là mực
và đèn, câu tục ngữ ngầm nhở: Nếu giao du với với hạng người xấu, ta sẽ bị tiêm
nhiễm thói hư tật xấu; nếu ta kết bạn với những người tốt thì ta sẽ học tập được
nhiều điều hay, điều tốt.
Quan sát thực tế cuộc sống hằng ngày xảy ra xung quanh, ta sẽ thấy ý nghĩ của câu
tục ngữ trên là đúng.
Xét trong phạm vi gia đình thì cha mẹ, anh chị là tấm gương để cho con em noi
theo. Nếu cha mẹ hòa thuận và coi trọng việc giáo dục con cái, anh em yêu thương
nhau thì đó là gia đình hạnh phúc, sẽ có được những đứa con ngoan ngoãn, hiếu
thảo, giỏi giang. Ngược lại, nếu cha mẹ lục đục, anh em bất hòa thì con cái sẽ hư
hỏng, khó nên người.
Ngoài xã hội, nếu tiếp xúc thường xuyên với những đối tượng xấu xa, lừa đảo, giựt

giọc, chà đạp lên nhau để sống thì một ngày nào đó, ta sẽ bị tiêm nhiễm thói hư tật
xấu. Người xưa đã khẳng định: Ở bầu thì tròn, ở ống thì dài và có lời khuyên chân lí:
Thói thường gần mực thì đen
Anh em bạn hữu phải nên chọn người.
Đối với lứa tuổi học sinh, việc kết bạn là hết sức quan trọng. Nếu chơi với những
bạn chăm ngoan, học giỏi, lẽ phép, biết kính trên nhường dưới... thì chúng ta sẽ học
tập được những đức tính tốt đẹp và sẽ trở thành người tốt. Bạn bè sẽ giúp đỡ nhau để
cùng tiến bộ.
Ý nghĩa của câu tục ngữ trên từ lâu nay đã được công nhận nhưng trong một lần
tranh luận ở lớp, bạn em lại cho rằng: Gần mực chưa chắc đã đen, gần đèn chưa chắc
đãrạng. Suy ngẫm lại, em thấy ý kiến của bạn ấy cũng có lí phần nào, song không
phải vì thế mà ý nghĩa của câu tục ngữ bị phủ nhận.
Quả thật, yếu tố con người vô cùng quan trọng. Nếu làm chủ được bản thân, có ý
chí, lập trường, quan điểm vững vàng thì chúng ta khó bị tha hóa bới cái xấu.
Sống trong môi trường không tốt mà con người vẫn giữ được nhân cách trong sáng
thì cũng giống như hoa sen nở trên đầm lấy vẫn tỏa ngát hương thơm. Xung quanh ta
có rất nhiều tấm gương như vậy. Nhà tình báo Vũ Ngọc Nhạ suốt mấy chục năm


sống ngay trong hang ổ quân thù là bè lũ bán nước Ngô Đình Diệm, Nguyễn Văn
Thiệu và chính phủ ngụy quyền Sài Gòn, tay sai của đế quốc Mĩ xâm lược, vậy mà
"ông cố vấn" vẫn nguyên vẹn là một chiến sĩ cộng sản kiên cường, mưu trí, dũng
cảm. Ông đã vượt qua vô vàn thử thách, hiểm nguy để theo đuổi đến cùng lí tưởng
cách mạng, góp phần tích cực vào sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất
nước.
Gần gũi hơn, quen thuộc hơn là gương sáng của các bạn nhỏ nhà nghèo mà hiếu
học. Có bạn ngày ngày vượt hàng chục cây số đèo dốc, rừng núi đến trường. Có bạn
mồ côi cha mẹ, sống cơ cực, thiếu thốn trăm bề vẫn phấn đấu vượt lên hoàn cảnh để
học tốt, học giỏi. Không ít những anh chị sinh viên vừa làm vừa học, vừa rèn luyện
bản lĩnh để vững vàng bước vào đời... Điều đáng nể phục là họ đã chiến thắng hoàn

cảnh và chiến thắng được chính mình.
Ngược lại, có những người điều kiện sống hoàn toàn thuận lợi, tốt đẹp nhưng bản
thân lại chẳng ra gì. Sinh ra trong gia đình giàu sang thừa thãi tiền bạc, danh vọng,
họ không phải lo lắng, bươn chải để mưu sinh mà chỉ việc học cho tốt, sống cho tốt.
Thế nhưng họ lại sớm sa ngã bởi những thú ăn chơi sa đọa như tiêu xài hoang phí,
nay vũ trường, mai quán rượu, rồi hút chích ma túy, điên cuồng đua xe gây tai nạn
trên đường phố mà các nhóm thanh niên đua oto tốc độ cao vừa qua ở Hà Nội và
Thành phố Hố Chí Minh là ví dụ điển hình. Như vậy là họ đã tự nhuộm đen nhân
cách của mình.
Ngày nay, trong xã hội tốt đẹp mà chúng ta đang sống, vẫn còn một số người vì
nhắm mắt chạy theo đồng tiền để thỏa mãn những dục vọng vật chất mà đánh mất
đạo đức, nhân cách, thậm chí mất cả sự nghiệp. Vì vậy, trong quan hệ ta phải thận
trọng, sáng suốt để không phải ân hận về sau.
Tuy vậy, đối với người chưa tốt, không phải chúng ta một mực xa lánh họ để họ
buông xuôi trước cái xấu. Những năm gần đây, vòng tay nhân ái của cộng đồng đã
cưu mang nhiều số phận đã lỡ bước sa chân vào con đường tăm tối của các tệ nạn,
giúp họ trở về cuộc sống lương thiện, thành người hữu ích cho xã hội.
Câu tục ngữ Gần mực thì đen, gần đèn thì rạng là một lời khuyên thiết thực và bổ
ích. Em cũng rút ra từ đó bài học bổ ích cho bản thân là phải không ngừng tu dưỡng,
rèn luyện đạo đức, tác phong để có được một quan điểm sống lành mạnh, đúng đắn.
Hãy tránh xa bóng tối của những cám dỗ xấu xa; chọn bạn tốt mà chơi để học tập và
phấn đấu trở thành con ngoan trò giỏi. Gần đèn để được soi sáng là điều cần thiết
nhưng ngọn đèn sáng nhất vẫn là ngọn đèn tỏa chiếu từ chính tâm hồn mình.
Đề bài: Chứng minh rằng dân tộc Việt Nam từ xưa đến nay sống theo đạo lí: Ăn quả
nhớ kẻ trồng cây và Uống nước nhớ nguồn.


Bài làm
Trong kho tàng ca dao - dân ca có nhiều câu phản ánh đạo lý sống của nhân dân
Việt Nam. Ví dụ như: Con người có tổ có tông, Như cây có cội như sông có nguồn.

Hay: Công cha như núi Thái Sơn, Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra, Một
lòng thờ mẹ kính cha, Cho tròn chữ hiếu mới là đạo con. Hoặc: Cây có cội mới nảy
cành, xanh lá, Nước có nguồn mới bể rộng , sông sâu... Điều đó cho thấy nhân dân
ta từ xưa đến nay sống theo đạo lí: Ăn quả nhớ kẻ trồng cây, Uống nước nhớ nguồn.
Ý nghĩa của hai câu tục ngữ trên nhắc nhở chúng ta phải trân trọng, biết ơn những
người đi trước đã đổ mồ hôi, nước mắt và cả máu xương để đem lại thành quả tốt
đẹp mà chúng ta đang được hưởng thụ hôm nay.
Lòng biết ơn là biểu hiện của truyền thống coi trọng nhân nghĩa. Lòng biết ơn
được nhắc tới trong mọi hoàn cảnh khác nhau của cuộc sống. Nâng bát cơm trên tay,
người ta khuyên nhau đừng quên sự vất vả, lam lũ của người nông dân: Ai ơi bưng
bát cơm đầy, Dẻo thơm một hạt, đắng cay muôn phần. Uống ngụm nước mát lành
giữa trưa hè oi bức, lại nhắc nhau phải nhớ nguồn. Nâng niu một trái chín mọng vừa
hái trên cành, chớ quên công lao của kẻ trông cây.
Tại sao lòng biết ơn lại được nhân dân ta trân trọng đặt lên hàng đầu như vậy? Bởi
vì đó chính là tình cảm thiêng liêng của con người, là cơ sở của mọi hành động tốt
đẹpở đời. Ông bà xưa nay đã dạy: Ơn ai một chút chẳng quên... và lòng biết ơn phải
được thể hiện qua lời nói, hành động, sự vệc cụ thể hằng ngày.
Trong mỗi gia đình, dù giàu sang hay nghèo khó đều có bàn thờ gia tiên. Dẫu chỉ
nén nhang, chén nước nhưng con cháu gửi gắm vào đó tám lòng thành kính tưởng
nhớ tới công đức của tổ tiên, ông bà, cha mẹ. Việc làm ấy chứng tỏ có một mối quan
hệ vô cùng khăng khít giữa các thế hệ với nhau. Người đã khuất dường như luôn có
mặt bên cạnh người đang sống , tiếp thêm sức mạnh cho họ trên bước đường mưu
sinh vất vả. Lớp hậu sinh bày tỏ lòng biết ơn các bậc tiền nhân bằng cách giữ gìn,
phát huy truyền thông để làm vẻ vang cho gia đình, dòng họ.
Trải qua hơn bốn ngàn năm lịch sử dựng nước và giữ nước, dân tộc ta đã phải
đương đầu với hàng chục đạo quân xâm lược hung hãn, tàn bạo như: Hán, Tống,
Minh, Thanh rồi thực dân Pháp, phát xít Nhật và cuối cùng là đế quốc Mĩ. Bao nhiêu
xương máu đã đổ xuống để bảo vệ chủ quyền tự do, độc lập cho Tổ quốc. Trên khắp
đất nước đâu đâu cũng có những đền miếu, chùa chiền và đài tưởng niệm để ghi nhớ
công ơn của những anh hùng liệt sĩ đã cống hiến và hi sinh cho Tổ quốc. Đền thờ các

vua Hùng trên đất tổ Phong Châu, đền thờ Hai Bà trưng ở Hà Tây, đền thờ Đinh Tiên
Hoàng ở Ninh Bình, đền thờ các vị vua đời Trần có công ba lần đanh tan quân
Nguyên Mông ở Nam Định, Quảng Ninh, lăng chủ tịch Hồ Chí Minh ở Hà Nội, đền
Bến Dược ở Củ Chi Thành phố Hồ Chí Minh, nghĩa trang Trường Sơn ở Quảng Trị...


và hàng ngàn nghĩa trang liệt sĩ quanh năm được nhân dân ta chăm sóc khói nhang
với tấm lòng biết ơn vô hạn.
Một trong những biểu hiện thiết thực của lòng biết ơn là chính sách đúng đắn của
Đảng và Nhà nước ta đối với thượng binh, liệt sĩ và gia đình có công với cách mạng.
Biết bao bà mẹ Việt Nam anh hùng được cả nước tôn vinh, được các cơ quan, đoàn
thể, trường học nhận phụng dưỡng để các mẹ yên hưởng tuổi già. Phong trào đền ơn
đáp nghĩa nhân rộng khắp nơi. Những ngôi nhà tình nghĩa mọc lên từ miền xuôi cho
đến miền ngược. Những đội quân tình nguyện ngày đêm miệt mài đi tìm hài cốt
đồng đội ở các chiến trường xưa nơi rừng sâu núi thẳm để quy tập về nghĩa trang liệt
sĩ hoặc đưa các anh về với mảnh đất quê hương... Đó là biểu hiện sinh động của đạo
lí Uống nước nhớnguồn, Ăn quả nhớ kẻ trông cây của nhân dân ta.
Ngoài ra, còn nhiều hình thức khác như xây dựng bảo tàng lịch sử, bảo tàng cách
mạng, nhà truyền thống... để nhắc nhở mọi người phải sống sao cho xứng đáng với
truyền thống bất khuất, hào hùng của dân tộc; nhắc nhở các thế hệ sau không phải
chỉ biết hưởng thụ mà còn phải có nhiệm vụ giữ gìn, vun đắp và phát triền các thành
quả lao động, chiến đấu do các thế hệ trước tạo dựng nên.
Có thể khẳng định rằng lòng biết ơn là nền tảng của đạo lí, là thước đo phẩm chất,
đạo đức của mỗi con người. Nhận thức được điều đó, chúng ta sã sống tốt hơn, có
ích hơn cho gia đình và xã hội. Tuy vậy, lòng biết ơn không phải tự nhiên mà có. Nó
là kết quả của cả một quá trình rèn luyện, tu dưỡng lâu dài suốt cả cuộc đời.
Đề bài: Nhân dân ta thường khuyên nhau:
Ai ơi giữ chí cho bền,
Dù ai xoay hướng đổi nền mặc ai.
Em hãy bình luận câu ca dao trên.

Bài làm
Trong cuộc sống hằng ngày, sự tác động của hoàn cảnh khách quan, của dư luận
đối với mỗi con người là chuyện tất yếu. Song, điều cơ bản là thái độ của con người
trước những tác động đó như thế nào? Nên chủ động, tự tin vào mình hay lệ thuộc
vào hoàn cảnh? Từ xua, nhân dân ta đã có nhận thức rất đúng đắn về vai trò của ý
chí, lập trường trong hành động, coi đó là điều kiện quan trọng quyết định thành
công hay thất bại. Đồng thời coi ý chí và nghị lực là phẩm chất hàng đầu của người
lao động. Quan điểm trên được phản ánh trong câu ca dao mộc mạc giống như một
lời khuyên nhủ chân tính:
Ai ơi giữ chí cho bền,


Dù ai xoay hướng đổi nền mặc ai.
Không phải ngẫu nhiên người xưa mượn chuyện làm nhà để nói lên ý chí con
người. Có ba việc lớn trong đời mà người ta phải làm. Đó là: Làm nhà, lấy vợ, tạu
trâu. Ba việc ấy thể hiện bản lĩnh và khả năng của người đàn ông. Trong việc làm
nhà thì việc chọn hướng, đổ nền là cốt yếu. Phải chọn hướng nhà sáng sủa thoáng
mát để cuộc sống trở nên dễ chịu, bảo đảm sức khỏe. Phải đổ nền cho cao, cho chắc
để tránh ẩm thấp, tối tăm... Những việc ấy, người làm nhà phải tự chọn, tự quyết,
một khi thấy nhưu thế là đúng đắn thì không thể vì lời bàn ra tán vào của những
người xung quanh mà hoang mang, dao động, thay đổi chủ kiến ban đầu. Nghĩa
chính của câu ca dao trên là vậy, và trên cơ sở đó, người xưa muốn bày tỏ quan điểm
của mình về tính mục đích, ý chí, nghị lực trong hành động.
Thông thường, trước khi bắt tay vào làm một việc gì đó, người ta đều đặt ra mục
đích và luôn mong ước đạt được mục đích. Nhưng có mục đích không thôi thì chứ
đủ mà phải có ý chí, nghị lực, cùng quyết tâm vượt mọi khó khăn trở ngại mới mong
gặt hái được kết quả tốt đẹp.
Trong quá trình làm việc, không phải tất cả đều dễ dàng, suôn sẻ. Người tiến hành
công việc sẽ gặp những khó khăn trong dự tính và cả ngoài dự tính, tránh sao khỏi
lời bàn tán xung quanh. Thực tế cho thấy không ít người do quá phụ thuộc vào dư

luận mà hỏng việc, bởi chín người mười ý, chẳng ai giống ai. Giống như anh chàng
đẽo cày giữa đường trong chuyện cổ dân gian, vừa đáng cười vừa đáng thương.
Trước những dư luận phức tạp, cần phải có lập trường, ý chí vững vàng và quyết
tâm cao. Vì ý chí sẽ đem lại sức mạnh và óc sáng tạo cho con người, giúp con người
đi đến đích cuối cùng. Vai trò của ý chí lớn như vậy nên nó được coi là phẩm chất
cao quý hàng đầu của người lao động.
Chúng ta có thể đặt ra giả thuyết: nếu dư luận xung quanh việc làm của ta là đúng
đắn, thì liệu ta có nên nghe theo hay cứ khăng khăng giữ chí của mình ngay cả khi
sai?
Giữ chí cho bền không có nghĩa là bảo thủ, lạc hậu. Trước dư luận, ta phải tỉnh táo,
sáng suốt phân tích xem đâu là đúng đâu là sai, phù hợp hay không phù hợp với
công việc và mục đích của mình. Tiếp thu cái đúng, cái hay cũng rất cần thiết bởi nó
giúp ta mau chóng thu được kết quả với chất lượng cao.
Câu ca dao trên đây là một lời khuyên nhủ chân tình và là một bài học sâu sắc rút
ra từ thực tế đời sống trải qua bao thế kỉ của dân tộc ta. Trong hành trang bước vào
đời của mỗi con người, không thể thiếu bài học quý giá đó. Nhưng để có được một ý
chí bền vững, một lập trường kiên định và một quyết tâm cao, chúng ta bắt buộc
phải trải qua quá trình phấn đấu lâu dài, gian khổ, rèn luyện cho mình khả năng vượt


khó và niềm tin vững chắc vào bản thân trong quá trình lao động, khi mục đích ban
đầu đặt ra đúng đắn và phù hợp với hoàn cảnh khách quan.
Đề bài: Em sẽ nói gì với các bạn về yêu cầu của việc học nói trong câu tục ngữ:
"Học ăn, học nói, học gói, học mở"?
Bài làm
Từ ngàn xưa, có thể nói ngôn ngữ là phương tiện giao tiếp có ý nghĩa đặc biệt
quan trọng giữa người với người. Trong ngôn ngữ thì tiếng nói có vai trò hết sức to
lớn để mọi người giao tiếp với nhau. Có nhiều câu ca dao, tục ngữ khẳng định tầm
quan trọng của lời nói như: Lời nói gói vàng; Nói ngọt lọt đến xương; Lời nói chẳng
mất tiền mua, Lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau; Chim khôn kêu tiếng rảnh rang,

Người khôn nói tiếng dịu dàng dễ nghe…Bằng kinh nghiệm đúc kết được trong quá
trình ứng xử, giao tiếp, để nhấn mạnh sự cần thiết của việc học nói, ông cha ta đã
khuyên nhủ con cháu: Học ăn, học nói, học gói, học mở.
Trong cuộc sống hằng ngày, có rất nhiều điều con người phải học. Ăn là việc
tưởng trừng dễ nhất, nhưng thực ra không dễ chút nào. Cách ăn uống phần nào thể
hiện tính cách con người, cho nên muốn tỏ ra là người có văn hóa, chúng ta phải học
ăn. Những bậc cha mẹ lúc kén con dâu thường xem xét rất kĩ về công, dung, ngôn,
hạnh, mà cụ thể là đường ăn nết ở, lời nói, dáng đi sao cho đoan trang, khéo léo, dịu
dàng, vừa mắt, vừa ý mọi người.
Muốn trở thành người tốt chúng ta phải học nhiều điều. Học nói có ý nghĩa rất lớn
để con người tự hoàn thiện mình. Trong thực tế, vốn ngôn ngữ và cách sử dụng ngon
ngữ của từng người có khác nhau. Nó thể hiện trình độ tư duy và năng lực làm việc
của mỗi người.
Sự thật cho thấy, con đường nhanh nhất gây được thiện cảm với người mà mình
giao tiếp thì không gì tốt hơn là lời nói. Mà muốn đạt hiệu quả cao trong giao tiếp thì
trước hết người nói phải hiểu điều mình muốn nói và nói sao cho người nghe hiểu
được điều đó. Thiếu vốn từ, người nói sẽ gặp khó khăn khi diễn đạt. Muốn nói năng
được trôi chảy và chính xác, chúng ta phải học cách nói. Trước hết là phải nắm chắc
vốn từ mình đã có bằng cách phải nhớ được nghĩa của từ và cách sử dụng từ đó.
Khi nói, ta phải chọn từ cho thích hợp. Khi giao tiếp, ta không chỉ dùng từ, dùng
câu mà còn dùng đến đoạn, có khi dùng cả văn bản để trao đổi ý tưởng với mọi gười.
Để giúp mọi người học nói được tốt, câu tục ngữ đã dùng hình ảnh học gói, học mở
vừa cụ thể, vừa dễ hiểu. Muốn gói một món đồ, ta cần biết gói gì trước, gói gì sau,
cũng như khi mở một món đồ, ta cần phải biết mở cái gì trước, mở cái gì sau. Vậy
khi nói, ta cũng phải nên nghĩ xem nên nói điều gì trước, nói điều gì sau, luôn cân
nhắc thận trọng, không nên bộp chộp, vội vàng.


Ca dao xưa đã khéo léo dạy mọi người cách nói năng sao cho dễ nghe:
Lời nói chẳng mất tiền mua,

Lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau.
Lựa lời là lựa chọn từ ngữ thích hợp với đối tượng giao tiếp. Việc lựa lời thể hiện
khả năng sử dụng ngôn ngữ của mỗi cá nhân. Tiếng Việt giàu đẹp và phong phú về
mặt ngữ nghĩa. Hiện tượng đồng âm khác nghĩa khá phổ biến hoặc cùng một sự vật
hay một hiện tượng lại có nhiều cách gọi khác nhau. Vì thế khi giao tiếp với đối
tượng nào, ta phải có cách nói phù hợp với đối tượng ấy. Khi nói với người bề trên
phải rất cẩn trọng trong viêc lựa lời để thể hiện thái độ lễ phép, kính trọng. Với
người dưới, ta phải nói sao cho đứng đắn, dễ nghe, dễ hiểu. Với bạn bè, ta có thể sử
dụng từ ngữ thân mật. Lời nói làm vừa lòng nhau là lời nói tạo ra được sự cảm thông
và hiểu biết. Một điều kiện không thể thiếu trong giao tiếp.
Một lời nói hợp cảnh, hợp tình sẽ làm cho mối quan hệ thêm tốt đẹp và việc làm
thêm hiệu quả. Một lời nói hớ hênh, vô ý sẽ làm hỏng hết mọi dự định, dân gian
thường gọi là vạ miệng. Chọn được những lời nói thích hợp chính là ta đã làm tốt
viêc lựa lời.
Mỗi người có một vố ngôn ngữ và cách diễn đạt khác nhau cho nên mới có người
khéo nói, ngưới vụng nói, người nói ngọt, người nói xẵng. Tuy nhiên, muốn có khả
năng lựa lời thì chúng ta phải học nói. Trước hết là học ở những người thân trong gia
đình, rồi học ở thầy cô giá, bạn bè ở trường, ở lớp, học ở ngoài xã hội. Học cái hay
cái đẹp trong cách dùng từ ngữ chính xác; trong cách đặt câu dúng ngữ pháp. Học lối
diễn đạt giản dị, tự nhiên mà vẫn thể hiện được đầy đủ thông tin cần diễn đạt tới
người nghe. Từ nói đúng, chúng ta cố gắng rèn luyện để có thể nói hay, tức là cách
nói diễn cảm có sức thuyết phục đối với người nghe. Để diễn tả hiệu quả của cách
nói này, tục ngữ có câu: Nói ngọt lọt đến xương. Ý nghĩa của từ ngọt ở đây chỉ sự
nhẹ nhàng, khéo léo trong diễn đạt, chứ không phải sự cố tình làm ra vẻ ngọt ngào
với mục đích xấu để huyễn hoặc, lừa dối người nghe. Một lời nói êm tai nhưng giả
tạo không thể coi là một hành vi giao tiếp đúng đắn.
Xưa kia, ông cha chúng ta khẳng định lời nói thể hiện phẩm chất, trình dộ của con
người qua câu ca dao: Người thanh tiếng nói cũng thanh, Chuông kêu khẽ đánh bên
thành cũng kêu. Dân gian cũng nói: Nhất thanh nhì sắc, có nghĩa là con người ta đẹp
trước hết ở giọng nói, tiếng nói, còn nhan sắc được xếp ở sau. Trong ứng xử hàng

ngày, nhân dân ta coi trọng lời chào hỏi: Lời chào cao hơn mâm cỗ, ngụ ý quý trọng
tấm lòng hơn vật chất, mà tấm lòng trước hết được thể hiện qua lời chào hỏi.
Ngày nay, trong nền kinh tế thị trường, lời nói lại càng quan trọng. Hàng hóa tốt,
cửa hàng đẹp, nhưng người bán không lịch sự, niềm nở, đon đả thì cũng không thu


hút được người mua. Cộng đồng mới, xã hội mới càng đòi hỏi mỗi chúng ta phải biết
cách nói năng lịch thiệp, tế nhị.
Muốn đạt được thành công trong cuộc sống, chúng ta phải không ngừng học hỏi để
nâng cao vốn sống, vốn hiểu biết. Có như thế mới đáp ứng được yêu cầu ngày càng
cao của thời đại tiên tiến. Biết bao nhiêu điều phải học mà trong đó, học nói là điều
quan trọng và cần thiết vì nó tạo thuận lợi cho chúng ta khi bước vào đời.
Đề bài: Em hãy giải thích câu tục ngữ "Thương người như thể thương thân".
Bài làm
Dân tôc Việt Nam vốn có truyền thống đạo lí vô cùng tốt đẹp, được xây dựng và
phát triển trên nền tảng của tư tưởng nhân đạo. Một trong những tiêu chuẩn đánh giá
phẩm chất đạo đức của con người chính là lòng nhân ái và lối sống vị tha. Từ xưa,
ông cha ta đã quan tâm dạy dỗ con cháu những bài học đạo lí qua ca dao, tục ngữ mà
câu: Thương người như thể thương thân là một ví dụ điển hình.
Muốn hiểu biết thấu đáo câu tục ngữ này, ta phải hiểu ý nghĩa của vế sau (thương
thân) trước rồi từ đó hiểu nghĩa của vế trước (thương người). Đặt hai vế trong mối
tương quan so sánh, ta sẽ thấy những nét nghĩa tương đồng, do vậy mà hiểu được ý
nghĩa trọn vẹn của câu tục ngữ.
Thế nào là thương thân? Thương thân là thương mình xót xa cám cảnh cho mình
khi lâm vào cảnh đói không cơm, rét không áo, ốm không thuốc và lúc hoạn nạn
không ai giúp đỡ.
Lẽ tự nhiên, ai cũng yêu thương bản thân mình hơn cả, nhưng yêu thương bản thân
một cách thái quá sẽ dẫn đến những biểu hiện lệch lạc như thái độ vị kỉ (chỉ biết
mình), không quan tâm đến vui buồn, sướng khổ, sống chết của bất cứ ai. Tệ hơn
nữa là thói xấu ích kỉ thường đi đôi với hại nhân (lợi mình, hại người) rất đáng lên

án.
Thế nào là thương người? Người ở đây là mọi người sống quanh ta; là anh em, cha
mẹ, xóm giềng cùng chung quê hương, đất nước. Thương người như thể thương thân
có nghĩa là ta yêu quý bản thân ta thế nào thì hãy chia sẻ, cảm thông, thương yêu
người khác như thế. Nếu ta từng trải qua đau đớn, bệnh hoạn, ngặt nghèo thí khi thấy
người khác lâm vào cảnh ngộ tương tự, ta hãy thương xót, cảm thông, giúp đỡ, quan
tâm đến họ như đối với chính ta vậy.
Nhưng để có được một lối sống nhân ái cao cả quả không phải là một chuyện dễ
dàng. Phải có một tấm lòng trong sáng, một trái tim nhân hậu và giàu đức hi sinh mà
tất cả những điều ấy là kết quả của một quá trình tu âm , dưỡng tính lâu dài.


Vì sao câu tực ngữ lại khuyên ta phải giúp đỡ người khác? Thật đơn giản vì trong
cuộc đời, không ai có thể sống lẻ loi, đơn độc. Gia đình có cha mẹ, vợ chồng, anh
em... Đó là mối quan hệ máu thịt thiêng liêng sống chết có nhau. Nhận thức rõ điều
ấy nên ông bà ta dạy dỗ con cháu từ thuở còn trứng nước bằng những lời du êm dịu
bên nôi : Khôn ngoan đối đáp người ngoài, Gà cùng một mẹ chớ hoài đá nhau. Anh
em như chân với tay, Rách lành đùm bọc, dở hay đỡ đần. Chị ngã, em nâng. Tay đứt
ruột xót...
Con cái phải hiếu thảo với cha mẹ: Phụ tử tình thâm, Công cha như núi Thái Sơn,
Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra, Một lòng thờ mẹ kính cha, Cho tròn chữ
hiếu muối là đạo con... Những điều nhân nghĩa ấy như dòng sũa ngọt ngào, dần dần
thấm vào máu thịt, vun đắp, bồi dưỡng tâm hồn của mỗi chúng ta.
Rộng hơn nữa là tình đồng hương, tình giai cấp, tình dân tộc. Người miền Bắc,
người miền Trung, người miền Nam, người Kinh, người Thượng... đều là dân tộc
Việt Nam bởi cùng chung một bọc do mẹ Âu Cơ sinh ra (đồng bào). Lịch sử hơn bốn
ngàn năm dựng nước và giữ nước đã chứng minh truyền thống đoàn kết chung sức,
chung lòng đánh giặc ngoại xâm và xây dựng đất nước của dân tộc Việt Nam là
truyền thống vô cùng tốt đẹp.
Tại sao chúng ta nên sống theo tinh thần của câu tục ngữ Thương người như

thể thương thân?
Để có thể sống một cuộc sống đầy đủ ý nghĩa, mỗi cá nhân phải hòa nhập cộng
đồng, cùng chia sẻ vui buồn, sướng khổ với mọi người. Tục ngữ có câu: Không ai
nắm tay suốt ngày tới tối; hay :Sông có khúc, người có lúc ý nói là trong cuộc đời,
khó ai có thể thuận lợi, vuông tròn mọi lẽ. Cho nên trước hết mình phải sống tốt với
mọi người thì mọi người mới đối xử tốt lại với mình.
Thực tế cho thấy nhân dân ta đã sống theo quan điểm ấy tự lâu đời. Ở đâu có
người gặp hoạn nạn, thiên tai là lập tức có hàng trăm triệu tấm lòng hướng về an ủi,
động viên, giúp đỡ cả tinh thần và vật chất. Phong trào người người, nhà nhà làm
việc thiện hiện nay đã lan rộng trên khắp đất nước. Từ những vị lãnh đạo, các nhà
doanh nghiệp, đến bộ đội, cán bộ, công nhân, nông dân, học sinh, sinh viên,... đều
sẵn sàng đóng góp để xây dựng những ngôi nhà tình nghĩa, nhà tình thương, những
mái ấm cho trẻ mồ côi bất hạnh, những trại dưỡng lão cho người già cô đơn...
Trong những năm gần đây, chiến dịch mùa hè xanh của sinh viên các trường đại
học mang kiến thức và khoa học kĩ thuật đến cho đồng bào miền núi, vùng sâu vùng
xa đã có những kết quả tốt. Chiến dịch xóa cầu khỉ ở đồng bằng Nam Bộ tạo đà phát
triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo cho người nông dân. Chiến dịch đem lại ánh sáng
cho người mù nghèo, đem lại niềm vui cho những trẻ em tật nguyền , bất hạnh,... Tất


cả các dẫn chứng sinh động trên đã chứng minh cho sức mạnh của tình yêu thương
con người.
Câu tục ngữ Thương người như thể thương thân đã đúc kết lại một trong những
phẩm chất đáng quý của dân tộc Việt Nam; đồng thời là lời khuyên chân tình đối với
mọi người, nhất là lứa tuổi thanh thiếu niên học sinh đang ngồi trên ghế nhà trường.
Trong thời đại mới, trong xu thế hòa nhập với toàn cầu thì tình giai cấp, tình dân
tộc đã mở rộng thành tình yêu thương nhân loại. Tin rằng trong tương lai không xa,
lòng nhân ái sẽ xóa bỏ hận thù, đẩy lùi cái ái, để trái đất này mãi mãi một màu xanh
hi vọng, hòa bình và hạnh phúc.
Đề bài: Cha ông chúng ta cho rằng:

Cá không ăn muối cá ươn,
Con cưỡng cha mẹ trăm đường con hư.
Em hãy giải thích và bình luận câu tục ngữ trên.
Bài làm
Dân tộc Việt Nam có truyền thống tôn trọng đạo lí từ ngàn xưa. Trong các quan hệ
tình cảm thì quan hệ giữa cha mẹ và con cái là thiêng liêng nhất. Trách nhiệm lớn
lao của cha mẹ là nuôi dạy các con nên người. Ngược lại, bổn phận của con cái là
phải lễ phép và vâng lời cha mẹ. Vâng lời là biểu hiện của lòng hiếu thảo, của đạo
làm con. Nếu trái lời cha mẹ, phụ lòng cha mẹ, con cái khó trở nên người tốt. Để
khẳng định vai trò dăn dạy, chỉ bảo của cha mẹ đối với con cái, người xưa đã có câu:
Cá không ăn muối cá ươn,
Con cưỡng cha mẹ trăm đường con hư.
Bài học lớn về đạo làm người được rút ra từ một thực tế hết sức đơn giản: mua cá
ở chợ về, muốn giữ được tươi lâu, ta phải ướp muối. Cá thấm muối, thịt săn chắc,
khi chế biến thành món ăn, hương vị sẽ đậm đà. Ngược lại, nếu để lâu không ướp
muối, cá sẽ ươn, ăn mất ngon. Con cái không nghe lời dạy bảo của cha mẹ khác nào
như cá không ăn muối, sẽ hư hỏng, không thể trở thành người tốt được.
Vấn đề mà câu tục ngữ đặt ra rất đúng. Sự hiểu biết, từng trải trong xã hội khiến
cha mẹ có nhiều kinh nghiệm sống. Những kinh nghiệm ấy phải trả giá bằng mồ hôi,
nước mắt, có khi cả bằng máu nên lại càng quý báu. Với tình thương yêu vô bờ, với
trách nhiệm lớn lao, các bậc làm cha, làm mẹ không những tận tình mà còn không
tiếc cả tâm sức của mình để chăm lo, nuôi dạy con cái ngày một lớn khôn cả về thể
xác lẫn tâm hồn. Con váng mình sốt mấy, cha mẹ lo đêm lo ngày. Con học hành


được điểm tốt, cha mẹ vui mừng. Con có biểu hiện không ngoan, cha mẹ đau lòng,
xót ruột, tìm cách dạy dỗ, giáo dục.
Người xưa có câu: Nước mắt chảy xuôi; lại có câu: Có nuôi con mới biết lòng cha
mẹ. Mong muốn duy nhất của cha mẹ là con cái nên người, tức là trở thành người
tốt, có ích cho xã hội, làm rạng rỡ gia đình, Tổ quốc. Cho nên, những bậc cha mẹ

chân chính đều thiết tha dạy con những điều đúng đắn, tâm huyết, có khi như là cắt
ruột truyền cho con. Đó là nhiệm vụ, là lo toan, mong ước sâu xa, tha thiết nhất của
cha mẹ.
Phận làm con nên biết rằng : trong đường đời, người thầy đầu tiên của con cái
chính là cha mẹ. Cha mẹ dìu dắt con những bước chập chững đầu tiên . Cha mẹ dạy
con những cài học đầu tiên. Cha mẹ chuẩn bị hành trang cho mỗi đứa con khi bước
vào đời. Vì vậy, nghe lời, vâng lời cha mẹ trước tiên là biết vâng theo, tập theo cái
đúng. Sau đó là tự mình nhận thấy đúng mà tự giác tiếp thu. Bấy giờ mới rõ những
điều cha mẹ khuyên răn, dạy dỗ là điều hay, lẽ phải. Biết nghe, biết vâng lời cha mẹ
là tỏ ra thành kính, biết thương, hiếu thảo với cha mẹ.
Trước đây, ông cha chúng ta quan niệm rằng con cái phải tuyệt đối phục tùng cha
mẹ; chỉ một lòng thờ mẹ kính cha, nhất thiết không được trái lời. Ngày nay, quan
niệm truyền thống ấy có phần thay đổi. Con cái phải vâng lời cha mẹ, nhưng cũng
được phép bàn bạc, góp ý với cha mẹ để công việc đạt kết quả tốt hơn. Tuy nhiên,
khi góp ý, con cái phải giữ thái độ lễ phép và đúng mực.
Cha mẹ gánh vác trách nhiệm chính trong gia đình nên có quyền quyết định mọi
việc, song cha mẹ cũng nên biết lắng nghe tâm tư tình cảm của các con, hiểu rõ tính
nết của con, để từ đó đưa ra những biện pháp giáo dục thích hợp, có hiệu quả hơn.
Có như vậy, quan hệ giữa cha mẹ và con cái mới thực sự gắn bó và gia đình sẽ
sống trong không khí đầm ấm, thuận hòa, tôn trọng lẫn nhau. Đó là yếu tố để tạo nên
hạnh phúc gia đình.
Thực tế xung quanh chúng ta cho thấy có nhiều người con tài đức vẹn toàn. Những
bạn học sinh nghèo vượt khó là con ngoan, trò giỏi, là niềm tự hào của gia đình, nhà
trường và xã hội. Ví dụ gần đây nhất là các anh chị Lý Thị Minh Tâm, Nguyễn Hòa
Bình, Lê Minh Thắng, Phan Chí Hiếu, Chu Thị Kim Liên… vừa đi học vừa đi làm
giúp đỡ gia đình mà vẫn thi đỗ vào từ một đến hai, thậm chí ba trường đại học với số
điểm rất cao.
Bài học đạo đức mà câu tục ngữ trên nêu ra từ xưa vẫn là một kinh nghiệm quý,
nhắc nhở mỗi người phải giữ đạo làm con. Nó có liên quan đến chữ hiếu , và chữ
hiếu ngày nay dù có mang nét mới , tiến bộ của thời đại nhưng vẫn là đức lớn trong

đọa làm người của dân tộc.


Đề bài: Nhân dân ta thường khuyên nhau:
Ai ơi giữ chí cho bền,
Dù ai xoay hướng đổi nền mặc ai.
Em hãy bình luận câu ca dao trên.
Bài làm
Trong cuộc sống hằng ngày, sự tác động của hoàn cảnh khách quan, của dư luận
đối với mỗi con người là chuyện tất yếu. Song, điều cơ bản là thái độ của con người
trước những tác động đó như thế nào? Nên chủ động, tự tin vào mình hay lệ thuộc
vào hoàn cảnh? Từ xua, nhân dân ta đã có nhận thức rất đúng đắn về vai trò của ý
chí, lập trường trong hành động, coi đó là điều kiện quan trọng quyết định thành
công hay thất bại. Đồng thời coi ý chí và nghị lực là phẩm chất hàng đầu của người
lao động. Quan điểm trên được phản ánh trong câu ca dao mộc mạc giống như một
lời khuyên nhủ chân tính:
Ai ơi giữ chí cho bền,
Dù ai xoay hướng đổi nền mặc ai.
Không phải ngẫu nhiên người xưa mượn chuyện làm nhà để nói lên ý chí con
người. Có ba việc lớn trong đời mà người ta phải làm. Đó là: Làm nhà, lấy vợ, tạu
trâu. Ba việc ấy thể hiện bản lĩnh và khả năng của người đàn ông. Trong việc làm
nhà thì việc chọn hướng, đổ nền là cốt yếu. Phải chọn hướng nhà sáng sủa thoáng
mát để cuộc sống trở nên dễ chịu, bảo đảm sức khỏe. Phải đổ nền cho cao, cho chắc
để tránh ẩm thấp, tối tăm... Những việc ấy, người làm nhà phải tự chọn, tự quyết,
một khi thấy nhưu thế là đúng đắn thì không thể vì lời bàn ra tán vào của những
người xung quanh mà hoang mang, dao động, thay đổi chủ kiến ban đầu. Nghĩa
chính của câu ca dao trên là vậy, và trên cơ sở đó, người xưa muốn bày tỏ quan điểm
của mình về tính mục đích, ý chí, nghị lực trong hành động.
Thông thường, trước khi bắt tay vào làm một việc gì đó, người ta đều đặt ra mục
đích và luôn mong ước đạt được mục đích. Nhưng có mục đích không thôi thì chứ

đủ mà phải có ý chí, nghị lực, cùng quyết tâm vượt mọi khó khăn trở ngại mới mong
gặt hái được kết quả tốt đẹp.
Trong quá trình làm việc, không phải tất cả đều dễ dàng, suôn sẻ. Người tiến hành
công việc sẽ gặp những khó khăn trong dự tính và cả ngoài dự tính, tránh sao khỏi
lời bàn tán xung quanh. Thực tế cho thấy không ít người do quá phụ thuộc vào dư
luận mà hỏng việc, bởi chín người mười ý, chẳng ai giống ai. Giống như anh chàng
đẽo cày giữa đường trong chuyện cổ dân gian, vừa đáng cười vừa đáng thương.


Trước những dư luận phức tạp, cần phải có lập trường, ý chí vững vàng và quyết
tâm cao. Vì ý chí sẽ đem lại sức mạnh và óc sáng tạo cho con người, giúp con người
đi đến đích cuối cùng. Vai trò của ý chí lớn như vậy nên nó được coi là phẩm chất
cao quý hàng đầu của người lao động.
Chúng ta có thể đặt ra giả thuyết: nếu dư luận xung quanh việc làm của ta là đúng
đắn, thì liệu ta có nên nghe theo hay cứ khăng khăng giữ chí của mình ngay cả khi
sai?
Giữ chí cho bền không có nghĩa là bảo thủ, lạc hậu. Trước dư luận, ta phải tỉnh táo,
sáng suốt phân tích xem đâu là đúng đâu là sai, phù hợp hay không phù hợp với
công việc và mục đích của mình. Tiếp thu cái đúng, cái hay cũng rất cần thiết bởi nó
giúp ta mau chóng thu được kết quả với chất lượng cao.
Câu ca dao trên đây là một lời khuyên nhủ chân tình và là một bài học sâu sắc rút
ra từ thực tế đời sống trải qua bao thế kỉ của dân tộc ta. Trong hành trang bước vào
đời của mỗi con người, không thể thiếu bài học quý giá đó. Nhưng để có được một ý
chí bền vững, một lập trường kiên định và một quyết tâm cao, chúng ta bắt buộc
phải trải qua quá trình phấn đấu lâu dài, gian khổ, rèn luyện cho mình khả năng vượt
khó và niềm tin vững chắc vào bản thân trong quá trình lao động, khi mục đích ban
đầu đặt ra đúng đắn và phù hợp với hoàn cảnh khách quan.
Đề bài: Giải thích câu tục ngữ "Mất tiền là mất nhỏ, mất danh dự là mất lớn, mất
can đảm là mất hết" (Tục ngữ Đức).
Bài làm

Cuộc đời là một cuộc tranh đua quyết liệt. Để có thể sống một cách mạnh mẽ,
người ta rất cần đến lòng can đảm. Lòng can đảm có ảnh hưởng rất lớn tới sự thành
công hay thất bại. Tục ngữ Đức có câu: Mất tiền là mất nhỏ, mất danh dự là mất
lớn, mất can đảm là mất hết.
Câu tục ngữ trên có ba vế, liên quan chặt chẽ với nhau về mặt ý nghĩa và có sự
tăng cấp theo mức độ giá trị con người. Tiền tượng trưng cho sự giàu có. Danh dự
tượng trưng cho uy tín, tên tuổi. Can đảm tượng trưng cho ý chí, nghị lực, khí phách
của con người.
Thông thường, ai cũng thích làm ra được nhiều tiền để sống đầy đủ, sung sướng
nhưng thực ra, số người giàu sang trong xã hội chỉ là số ít. Phần đông chỉ đủ ăn và
giành dụm được một chút để phòng khi cơ nhỡ, ôm đau... Do đó mà người ta rất quý
đồng tiền. Dân gian có câu : Đồng tiền liền khúc ruột.
Đồng tiên được đổi bằng mồ hôi nước mắt lại càng đáng quý ,xong mất tiền chỉ là
chuyện nhỏ vì ta vẫn có thể tiếp tục kiếm tiền bằng cách cần cù, chăm chỉ làm việc.


Mất tiền tất nhiên là buồn, nhưng nỗi buồn ấy cũng không ghê ghớm đến mức hủy
hoại cuộc đời của một con người. Thực tế cho thấy để đạt được mục đích làm giàu,
nhiều doanh nhân phải chấp nhận những thất bại tạm thời, nhưng với sự kiên nhẫn
thua keo này, bày keo khác và lòng can đảm, cuối cùng họ cung thành công.
So với tiền bạc, danh dự con người đáng quý gấp ngàn lần. Ông cha ta đã dạy: cọp
chết để da, người ta chết để tiếng; hay: Mua danh ba vạn, bán danh ba đồng; Chết
vinh còn hơn sống nhục... Nhấn mạnh đến tầm quan trọng của danh dự,ngạn ngữ nga
cũng có câu: Hãy giữ gìn chiếc áo từ lúc còn mới. Hãy giữ gìn danh dự từ lúc còn trẻ
trung.
Tiền bạc tuy khó kiếm nhưng còn kiếm được chứ danh dự thì chỉ có thể tự thân tạo
dựng nên và nhiều khi phải tạo dựng cả đời người mới có được. Dang dự ở đây có
thể hiểu là uy tín, thể diện, tiếng tăm của một cá nhân trước gia đình và xã hội. Danh
dự là một giá trị tinh thần không thể bán mua, đổi chác, không thể đem ra mà cân đo,
đong đếm. Danh dự được coi là thước đo phẩm giá của con người nên mất danh dự

là mất lớn, khó có thể lấy lại được. Mất danh dự đồng nghĩa với việc tủi nhục, đau
đớn, là thiệt hại nặng nề về mặt tinh thần. Những bậc chính nhân quân tử, những
người có học xưa kia thường quý trọng danh dự hơn cả mạng sống của mình.
Suy xét kĩ, chúng ta thấy tiền bạc, danh dự được tạo nên bởi nhiều yếu tố, mà yếu
tố quan trọng là lòng can đảm, tức ý chú và nghị lưc của mỗi con người.
Sống là chiến đấu, chiến đấu không ngừng suốt cả cuộc đời; là vật lộn với vô vàn
thử thách, gian nan trên bước đường mưu sinh , tạo dựng sự nghiệp. Chiến đấu với
những thói hư tật xấu trong chính bản thân mình mới thực sự là cuộc chiến đấu gay
go, ác liệt nhất. Lòng can đảm giúp chúng ta giữ vững lí tưởng, lập trường, mục đích
sống. Lòng can đảm tạo ra sức mạnh thúc đẩy chúng ta phấn đấu để tiến tới thành
công.
Mất can đảm là mất tất cả. Đúng như vậy! Không có lòng can đảm , người lính
không thể xông lên tiêu diệt quân thù. Không có lòng can đảm, một con người bình
thường không đủ nghị lực để làm bất cứ việc gì, dù là nhỏ nhất . Không có lòng can
đảm, một nhà bác học không thể vượt qua hết thất bại này đến thất bại khác để đi tới
thành công. Mất can đảm tức là nhu nhược, yếu hèn, cam chịu mọi nghịch cảnh của
số phận. Một co người như thế thì dù có sống thì coi như đã chết, cuộc đời trở nên
hoàn toàn vô nghĩa. Vô nghĩa với bản thân, gia đình và xã hội, không đáng được so
sánh với những loài vật bé nhỏ mà hữu ích như con ong, con kiến.
Đường đời vạn nẻo lắm chông gai và nhiều sóng gió. Vấp ngã, thất bại là lẽ đương
nhiên. Mỗi lần ngã là một lần bớt dại (Tố Hữu); Thất bại là mẹ thành công... Đó là
những bài học nhân sinh thiết thực, là hành trang tư tưởng không thể thiếu của mỗi
chúng ta khi bước vào đời. Long can đảm sẽ giúp chúng ta đứng vững, có đủ trí tuệ,


nghị lực và sức mạnh để chiến đấu và chiến thắng mọi thử thách gian nan, khẳng
định được vị trí của mình trong cuộc sống.
Xung quanh chúng ta có biết bao tấm gương sáng về lòng can đảm, rất xứng đáng
cho chúng ta học tập. Chị Trần Bình Gấm, một học sinh nghèo hiếu học của trường
chuyên Lê Hồng Phong, vừa đi học vừa bán vé số, bán khoai luộc để giúp mẹ nuôi

các em, vậy mà thi đỗ vào ba trường Đại học. Anh Nguyễn Trường Sơn – nạn nhân
của chất độc màu da cam, bị tật nguyền, dị dạng mà vẫn là sinh viên của hai trường
Đại học. Chị Hướng Dương bị tai nạn mất cả hai chân vẫn kiên cường sống, làm
việc và cống hiến, đem lại ánh sáng trí tuệ cho những trẻ em mù qua hình thức sách
nói, thư viện nói,... Quả là lòng can đảm đã mang lại cho họ một nghị lực và sức
sống phi thường.
Lòng can đảm là một phẩm chất quý báu nhưng không phải sinh ra ai cũng có
ngay mà phải trải qua một quá trình rèn luyện lâu dài. Muốn thành công trong cuộc
đời và sự nghiệp, chúng ta cần giữu vững niềm tin, giữ vững ý chí, thắng không
kiêu, bại không nản, hãy ngẩng cao đầu tiến lên phía trước.
Đề bài: "Thiên nhiên là bạn tốt của con người. Con người cần yêu mến và bảo vệ
thiên nhiên". Em hãy viết một bài văn chứng minh ý kiến trên.
Bài làm
Từ thuở khai thiên lập địa, con người đã gắn bó chặt chẽ với thiên nhiên. Ngày nay
dù sống trong những ngôi nhà bê - tông cao tầng có máy điều hòa nhiệt độ và đầy đủ
tiện nghi hiện đại... nhưng chúng ta vẫn không thể thiếu cây xanh, thảm cỏ, nước,
không khí... Có thể nói thiên nhiên là bạn tốt của con người.
Thiên nhiên tạo điều kiện cho con người tồn tại và phát triển. Thiên nhiên, đó là
rừng vàng cung cấp đủ loại lâm sản. Rừng ngăn nước lũ, chắn gió, chắn cát để bảo
vệ mùa màng... Thiên nhiên, đó là biển bạc cung cấp cho con người bao loại hải sản
quý giá. Biển còn là đường giao thông thuận lợi nối liền các đại lục từ Đông sang
Tây, từ Bắc xuống Nam.
Thiên nhiên, đó là đất đai cho con người trồng trọt, canh tác. Từ lúa, ngô, khoai,
rau, đậu cho đến cam, nho, táo, mận... Có đất trồng trọt, con người mới có lương
thực, thực phẩm để duy trì sự sống.
Thiên nhiên, đó là nước, là không khí, là mỏ vàng, mỏ sắt, mỏ dầu, mỏ kim
cương... Thiên nhiên cung cấp cho con người mọi điều kiện vật chất để không ngừng
nâng cao cuộc sống.
Không những thế, thiên nhiên còn đem đến cho con người những món ăn tinh thần
vô giá. Còn gì thích thú bằng được đón bình minh trên biển hay từ đỉnh núi cao



thưởng thức vẻ đẹp của bầu trời và mặt đất?! Lúc này, thiên nhiên là một bức tranh
với những đường nét, màu sắc kì ảo tuyệt vời là đề tài hấp dẫn cho các họa sĩ. Còn gì
khoan khoái bằng được ngắm ánh trăng rằm chiếu sáng khắp xóm làng yên ả, hay
khi thấy cảnh:
Vì mây cho núi lên trời,
Vì chưng gió thổi hoa cười với trăng.
Thiên nhiên đem đến nhiều lợi ích nhưng thiên nhiên không phải là kho tàng vô
tận cho con người hưởng thụ. Săn bắt mãi thì thú rừng sẽ hết, mỏ khai thác mãi cũng
cạn... Danh lam thắng cảnh nếu không được giữ gìn thì còn đâu để cho con cháu
ngày sau chiêm ngưỡng?!
Chính vì vậy mà con người phải bảo vệ thiên nhiên, bảo vệ môi trường sống của
mình. Cùng với việc khai thác rừng phải biết trồng rừng. Cùng với việc đánh bắt
thủy sản thì phải bảo vệ chúng, giữ cho mặt biển trong xanh, không khí trong lành...
Khai thác tài nguyên phải có kế hoạch hợp lí, tránh lãng phí.
Ngày nay, nhiều quốc gia đang tuyên truyền vận động mọi người nâng cao ý thức
bảo vệ môi trường, giữ gìn ngôi nhà chung của thế giới. Trồng thêm một cây xanh,
tiết kiệm một thùng nước sạch, không vứt rác ra đường... .đó là những biểu hiện cụ
thể của ý thức bảo vệ thiên nhiên của mỗi chúng ta.
Đề bài: Một số bạn em có phần lơ là học tập. Em hãy viết một bài văn để thuyết
phục các bạn ấy tin rằng đúng như người xưa từng nhắc nhở: "Nếu còn trẻ mà không
chịu học hành thì khi lớn lên sẽ chẳng làm được việc gì có ích".
Bài làm
Học hành có tầm quan trọng rất lớn đối với cuộc đời mỗi người. Người xưa đã
nhắc nhở con cháu rằng: Nếu còn trẻ mà không chịu học hành thì khi lớn lên sẽ
chẳng làm được việc gì có ích.Bên cạnh đó còn có những câu: Có học thì như lúa
như nếp, không học thì như rơm như cỏ. Hoặc: Bất học bất tri lí (không học thì
không biết lí lẽ, lẽ phải).
Trong lịch sử phát triển mấy ngàn năm, nhân loại đã tích lũy được một kho tàng tri

thức khổng lồ về tự nhiên và xã hội. Những tri thức ấy được lưu truyền từ đời này
sang đời khác qua hình thức truyền miệng, chữ viết (sách). Muốn tiếp thu tinh hoa trí
tuệ, con người chỉ có một con đường duy nhất là học, học suốt đời.
Mười hai năm học ở phổ thông, học sinh được cung cấp những kiến thức sơ đẳng
của một số bộ môn cơ bản như: Toán, Lý, Hóa, Sinh, Văn, Sử, Địa, Ngoại ngữ... Tuy
thế chúng ta phải chăm chỉ học hành thì mới hiểu và nắm vững kiến thức một cách


có hệ thống. Nếu lơ là, chểnh mảng, thiếu nghiêm túc trong việc học hành thì rốt
cuộc là tốn thời gian, tiền bạc mà kết quả thu được chẳng đáng là bao.
Thực tế cho thấy là có học có hơn. Mục đích của việc học là nhằm phục vụ cho
mọi công việc đạt hiệu quả cao. Nếu ta đơn thuần làm việc theo thói quen hoặc kinh
nghiệm có sẵn thì công việc sẽ tiến triển chậm và chất lượng không tốt. Cách làm
như trên chỉ thích hợp với các công việc giản đơn, không cần nhiều đến trí tuệ. Còn
đối với những công việc phức tạp liên quan đến khoa học kĩ thuật thì cung cách làm
việc ấy là lạc hậu, lỗi thời. Muốn đạt hiệu quả tốt trong mọi lĩnh vực, chúng ta bắt
buộc phải học, phải được đào tạo chính quy theo từng chuyên ngành và trong suốt
quá trình làm việc vẫn phải học tập không ngừng, bằng mọi hình thức khác nhau.
Trong giai đoạn khoa học kĩ thuật phát triển với tốc độ nhanh như hiện nay thì tri
thức (chất xám) của con người là tiền đề vô cùng quan trọng. Có nắm vững lí thuyết,
chúng ta mới làm được những công việc phức tạp. Lý thuyết khoa học có tác dụng
soi sáng, dẫn đường cho kĩ năng thực hành, nhờ đó con người sẽ rút ngắn được thời
gian mò mẫm, thử nghiệm, do đó sẽ tránh được những sai lầm đáng tiếc.
Vì vậy, chúng ta không thể coi nhẹ vai trò việc học hành. Đúng là nếu không học
hành đến nơi đến chốn thì lớn lên, chúng ta sẽ chẳng làm được việc gì có ích.
Hiện nay, một số bạn trẻ không nhận thức được tầm quan trọng của việc học đối
với sự thành công hay thất bại của đợi người. Nhận thức lệch lạc dẫn đến hành động
sai lầm. Bỏ học đi chơi, giao du với những thành phần bất hảo để rồi bị rủ rê, sa ngã
vào con đường cờ bạc, chơi bời, hút chích... dẫn đến sẽ đánh mất nhân cách, mất khả
năng làm việc trở thành gánh nặng cho gia đình, xã hội. Một cuộc sống như thế

không đáng gọi là cuộc sống của một con người chân chính. Đến một lúc nào đó tỉnh
ngộ, dẫu họ có ăn năn, hối hận thì cũng đã muộn màng.
Những kiến thức mà chúng ta tiếp thu được từ nhà trường, sách vở và cuộc đời nếu
đem áp dụng vào thực tiễn sẽ mang lại nhiều thành quả tinh thần, vật chất cho cuộc
sống của bản thân, gia đình và xã hội.
Tri thức loài người mênh mông như biển cả (Bể học vô bờ). Dẫu chúng ta có miệt
mài học suốt đời thì cũng chỉ tiếp thu được một phần rất nhỏ. Bác Hồ dạy: Học ở
trường, học trong sách vở; học lẫn nhau, học ở dân, Lê-nin cũng thường khuyên
thanh niên: Học, học nữa, học mãi !Đó là những lời khuyên chí lí, có giá trị đối với
mọi hoàn cảnh. Nếu không coi trọng việc học chúng ta sẽ không thể đáp ứng được
nhu cầu càng cao của thời đại.
Đề bài: Trong buổi sinh hoạt tổ chức học tập, các bạn tranh luận về câu tục ngữ: Ăn
cây nào, rào cây nấy. Một số bạn cho rằng câu tục ngữ đó hoàn toàn đúng, một số
bạn khác cho rằng câu tục ngữ đó hoàn toàn sai. Em hãy trình bày ý kiến của mình
về câu tục ngữ trên.


Bài làm
Câu tục ngữ Ăn cây nào, rào cây nấy của người xưa không ngờ hôm nay lại trở
thành đề tài bình luận sôi nổi của tổ em. Đó có phải là sự thể hiện của một trong
nhiều quan niệm sống ở đời? Nhiều bạn cho rằng câu tục ngữ này đúng ít, sai nhiều,
nhưng cũng có bạn lại khẳng định nó hoàn toàn đúng. Ai cũng có dùng lí lẽ để chứng
minh cho ý kiến của mình. Theo em, câu tục ngữ trên có mặt đúng và có măt cho
đúng.
Nghĩa chính của câu tục ngữ trên là: Ăn quả cây nào thì phải vun xới, giữu gìn,
bảo vệ cây ấy. Nhưng cũng giống như bao câu tục ngữ ngắn gọn và hàm xúc khác, ý
nghĩa của nó không chỉ dừng lại ở đó. Sâu xa hơn, câu tục ngữ trên là một lời
khuyên nhủ chúng ta phải bảo vệ, gắn bó với môi trường, với nguồn sống.
Đặt câu tục ngữ vào hoàn cảnh ra đời của nó cách xa thời đại ngày nay bao thế kỉ,
khi mà nền kinh tế tiểu nông còn thô sơ, lạc hậu theo chế độ tự cung tự cấp thì chúng

ta mới thấy được mặt đúng của nó. Lúc bấy giờ, từng người, từng nhà phải hoàn toàn
tự lo cho cuộc sống của bản thân , gia đình. Nhu cầu cuộc sống rất thấp, rất đơn giản
nên sự trao đổi, ràng buộc giữa người với người chưa phức tạp lắm. Vì vậy, người ta
phải gắn bó chặt chẽ và có ý thức bảo vệ nơi sinh ra và nuôi dưỡng mình.
Câu tục ngữ trên rất đúng khi nó là một lời phê phán lối sống thực dụng, ích kỉ hại
nhân, chỉ biết bo co giữ lấy quyền lợi vật chất cho riêng mình mà thờ ơ, thậm chí
xâm phạm đến quyền lợi của người khác. Lối sống ấy đã bị nhân dân ta nhiều lần đả
kích và lên án : Của mình thì dữ bo bo, Của người thì thả cho bò nó ăm.
Trên đây là mặt đúng của câu tục ngữ, còn mặt chưa đúng của câu tục ngữ ở chỗ
nào?
Nếu câu tục ngữ trên là phát ngôn của một quan niệm sống mang nặng tính cá
nhân thực dụng và ích kỉ thì nó rất đáng cho chúng ta phê phán. Tại sao như vậy?
Bởi vì mỗi con người là một thành viên của cộng đồng : gia đình, tập thể, xã hội.
Trong cuộc sống hằng ngày, mọi người đều có mối quan hệ đa chiều với nhau,
không ai có thể phủ nhận thực tế này. Chúng ta thấy rõ là người nông dân cày cấy
trên đồng ruộng, dầu dãi một nắng hai sương, làm ra của khoai, hạt lúa nuôi đời.
Người công nhân trong nhà máy, xí nghiệp sản xuất ra hằng trăm , hàng ngàn mặt
hàng phục vụ nhu cầu đời sống. Người thầy đứng trên bục giảng truyền đạt kiến thức
cho con em nhân dân. Người chiến sĩ ngày đêm nắm chắc tay súng bảo vệ Tổ
quốc…Tất cả đều có mối liên quan chặt chẽ với nhau. Do đó, nếu chỉ khư khư bảo
vệ lợi ích của riêng mình mà không biết đến lợi ích toàn cục thì sẽ là một sai lầm
lớn.


Có những quyền lợi của cả cộng đồng ảnh hưởng trực tiếp hay gián tiếp tới quyền
lợi của mỗi cá nhân, đó là quyền lợi của giai cấp, dân tộc. Nhân dân ta cũng đã có
câu: Nước mất thì nhà tan. Và như vậy thì quyền lợi của mỗi người cũng chẳng còn.
Quan niện sống ích kỉ, thực dụng nhiều khi biến con người thành nạn nhân của chính
nó. Kẻ ích kỉ hẹp hòi là kẻ suy thoái về mặt đạo đức, sống tách rời và đi ngược lại
truyền thống đạo lí tốt đẹp của dân tộc.

Theo em, quan niệm sống đúng đắn là quan niệm: Mình vì mọi người, mọi người
vì mình. Sống trong một tập thể, mỗi người phải có trách nhiệm chăm lo, vun đắp và
góp phần xây dựng quyền lợi chung, bởi trong đó có quyền lợi của cá nhân mình. Xã
hội mới không phủ nhận quyền lợi cá nhân mà ngược lại rất tôn trọng, nếu nó không
xâm phạm tới quyền lợi của người khác, của tập thể, giai cấp và dân tộc. Thực tế
ngày nay cho thấy có biết bao bạn học sinh giỏi đã đem lại vinh dự cho bản thân, gia
đình và nhà trường. Bao người làm ăn giỏi góp phần ích nước, lợi nhà, dân giàu,
nước mạnh.
Qua buổi thảo luận về câu tục ngữ: Ăn cây nào, rào cây nấy, chúng em hiểu ra
được nhiều điều. Tuy các ý kiến chưa phải là đã thống nhất với nhau hoàn toàn
nhưng điều ai cũng thấy là cách sống chỉ biết mình không còn phù hợp trong hoàn
cảnh hiện nay nên trước sau, nó sẽ bị loại trừ. Có như vậy, xã hội mới phát triển theo
chiều hướng ngày càng tốt đẹp.
Đề bài: Em hãy bình luận ý nghĩa của câu tục ngữ: "Tốt gỗ hơn tốt nước sơn"
Bài làm
Từ thực tế cuộc sống vất vả, gian nan và đầy thử thách, nhân dân ta đã rút ra cách
đánh giá, nhìn nhận sự vật và con người. Người xưa thường Ăn lấy chắc, mặc lấy
bền và coi trọng phẩm chất bên trong hơn là hình thức bên ngoài. Điều đó thể hiện
qua câu tục ngữ: Tốt gỗ hơn tốt nước sơn. Quan điểm đấy đúng hay không đúng?
Trong hoàn cảnh ngày nay, nó có còn giữ nguyên giá trị hay không? Chúng ta hãy
thử cùng nhau bình luận.
Tất cả các sự vật đều có hai mặt: nội dung và hình thức. Mặt nội dung còn gọi là
chất lượng của sản phẩm thường được đánh giá cao.
Thực tế cho thấy các đồ vật (giường, tủ, bàn ghế,... ) làm bằng gỗ tốt, gỗ quý có
thời gian sử dụng rất lâu dài và càng về sau càng đẹp. Người ta chỉ cần bào nhẵn rồi
đánh bóng chúng bằng một lớp véc-ni là đủ. Trong khi đó, những đồ dùng bằng gỗ
xấu, gỗ tạp bên ngoài lại hay được sơn phết hào nhoáng. Dù có đẹp đến đâu chăng
nữa thì chúng cũng rất mau hỏng. Vì thế cho nên mọi người chuộng tốt, chuộng bền
mà coi nhẹ hình thức của đồ vật. Nghĩa đen của câu tục ngữ trên là như vậy.



Nhưng cũng như bao câu tục ngữ khác, câu Tốt gỗ hơn tốt nước sơn còn hàm chứa
một ý nghĩa sâu sắc hơn. Đó là lời khuyên thiết thực, đúng đắn về cách nhìn nhận,
đánh giá con người. Chúng ta thấy rõ tính nhất quán trong việc khẳng định sự hơn
hẳn của nội dung bên trong so với hình thức bên ngoài.
Lời khuyên này rất đúng vì nó được đúc kết từ kinh nghiệm sống của nhiều thế hệ.
Đánh giá một con người cần phải trải qua thời gian khá dài, không thể chủ quan, hồ
đồ, rất dễ dẫn đến sai lầm, thậm chí gây nên những hậu quả tai hại khó lường.
Tại sao người xưa cho rằng nội dung bên trong (phẩm chất tốt) hơn hẳn hình thức
bên ngoài?
Điều mà ai cũng phải thừa nhận là người có đạo đức tốt, trình độ hiểu biết sâu
rộng, năng lực làm việc cao sẽ làm được nhiều việc hữu ích cho bản thân, gia đình
và xã hội. Ngược lại, không có được những phẩm chất tốt đẹp ấy thì khó có thể
thành công trên đường đời, cho dù con người ấy hình thức bên ngoài có hào nhoáng,
đẹp đẽ đến đâu chăng nữa. Người xưa đã dùng cách gọi hàm ý châm biếm những kẻ
chỉ có hình thức bên ngoài, hay dùng hình thức bên ngoài để lừa bịp người khác, để
che giấu những xấu xa, khuyết điểm bên trong... là loại Tốt mã giẻ cùi , nói thẳng ra
là vô dụng, chẳng có giá trị gì.
Trên cơ sở quan điểm của người xưa, ngày nay chúng ta nên đánh giá con người
như thế nào cho đúng? Chúng ta đều biết là giữa nội dung và hình thức có mối tương
quan với nhau. Nội dung quyết định hình thức, hình thức làm tăng thêm giá trị cho
nội dung. Vì vậy, khi nhận xét đánh giá về một người nào đó, chúng ta hãy bình tĩnh,
sáng suốt tìm hiểu, phân tích để có được những kết luận đúng đắn và chính xác nhất.
Thống nhất với quan điểm của người xưa, chúng ta vẫn lấy phẩm chất (đạo đức, tài
năng,... ) làm tiêu chuẩn cơ bản, làm thước đo giá trị con người. Hãy căn cứ vào chất
lượng và mục đích của công việc mà đánh giá người tốt, kẻ xấu và hãy đặt người ấy
vào mối quan hệ với gia đình, nhà trường, xã hội. Người tốt là người có lương tâm
và trách nhiệm với bản thân, với mọi người.
Chú trọng nội dung nhưng chúng ta cũng không nên xem nhẹ hình thức, bởi hình
thức phần nào phản ảnh nội dung. Xưa nay, các bậc vĩ nhân, các nhà bác học...

thường rất giản dị. Giản dị nhưng nghiêm túc và tôn trọng mình, tôn trọng người
khác. Trái lại, những kể thích phô trương hình thức thì bên trong lại hời hợt và trống
rỗng. Nếu kết hợp được một cách hài hòa giữa nội dung và hình thức, tất nhiên giá
trị con người sẽ tăng lên rất nhiều.
Tuy câu tục ngữ Tốt gỗ hơn tốt nước sơn xuất hiện đã khá lâu nhưng cho đến nay
nó vẫn giữ nguyên giá trị. Câu tục ngữ là một lời khuyên sáng suốt, thiết thực trong
cách đánh giá sự vật và con người trong mọi hoàn cảnh, đồng thời đó cũng là lời


cảnh tỉnh đối với những ai chỉ chạy theo hình thức hào nhoáng bên ngoài mà quên đi
phẩm chất tốt đẹp- yếu tố cơ bản tạo nên giá trị đích thực của một con người.
Đề bài: Giải thích và bình luận câu tục ngữ:
"Ta về ta tắm ao ta,
Dù trong dù đục, ao nhà vẫn hơn"
Bài làm
Tinh thần tự chủ, thái độ tự trọng và niềm tin yêu gắn bó với cội nguồn là những
yếu tố rất cần thiết cho mỗi con người trong cuộc sống. Đất nước Việt Nam suốt mấy
ngàn năm lịch sử đã trải qua bao thăng trầm, thử thách nghiệt ngã mà vẫn tồn tại và
phát triển là bởi dân ta có lòng tự hào, tự tin và tình cảm gắn bó sâu nặng với quê
hương, xứ sở. Ông bà ta thường khuyên con cháu:
"Ta về ta tắm ao ta,
Dù trong dù đục, ao nhà vẫn hơn"
Ý nghĩa của câu tục ngữ trên như thế nào? Chúng ta hãy cùng nhau bàn luận.
Trước đây, nền kinh tế nước ta là một nền kinh thế nông nghiệp lạc hậu. Hình ảnh
nông thôn với những mái rạ nghèo, chiếc sân đất nện, mảnh vườn nhỏ và cái ao thả
bèo, thả rau muống... rất quen thuộc trong đời thường cũng như trong ca dao, tục
ngữ. Cầu ao là nơi người nông dân rửa rau, vo gạo, tắm táp, giặt giũ... Cầu ao còn là
nơi gặp gỡ, trao đổi tâm tình với hàng xóm láng giềng và nó đã trở thành người bạn
âm thầm chứng kiến bao nỗi buồn vui của con người: Đêm qua ra đứng bờ ao, Trông
cá cá lặn, trông sao sao mờ... ;Giã ơn cái cọc cầu ao, Đêm đêm khuya sớm có tao có

mày...
Cái ao gắn bó với người nông dân đến thế nên nó đã trở thành một trong những
biểu tượng của hình ảnh quê hương; giống như mái đình, lũy tre, con đò, cây đa,
giếng nước... Ta thử hình dung người nông dân sau một ngày làm việc vất vả trên
đồng ruộng, được ngồi trên chiếc cầu ao nhà mình, thong thả múc từng gáo nước dội
lên thân thể cho trôi đi bao giọt mồ hôi nhọc nhằn. Cái mát mẻ thấm vào da thịt
khiến cho đầu óc thoải mái, thảnh thơi. Thế là sung sướng, là thích thú bởi mình
được tự do, tự chủ, chẳng phải phiền lụy đến ai, giữ kẽ với ai.
Một tình huống khác: người nông dân vào tiết nông nhàn thường rời quê đi làm ăn
xa. Cuộc sống tha phương ít ngọt bùi mà nhiều cay đắng nên nỗi nhớ nhà, nhớ quê
càng day dứt không nguôi. Họ phải chịu đựng tất cả vì miếng cơm, manh áo, vì sự
mưu sinh. Lăn lóc kiếm sống nhưng lòng chỉ mong đến thời vụ để trở về quê hương,
sum họp với gia đình, tiếp tục cái cảnh chồng cày, vợ cấy, con trâu đi bừa tuy cực


×