I. MỞ ĐẦU
1. LÝ DO CHỌN ĐỀ TÀI:
Tiếng Việt là một trong số các ngôn ngữ hết sức phong phú, đa dạng và có
sức biểu cảm. Từ ngữ Tiếng Việt tinh tế và giàu hình ảnh do đó nếu học sinh biết
cách sử dụng từ ngữ trong viết văn sẽ giúp cho các em truyền đạt đến người đọc
những nội dung thông tin một cách có hiệu quả nhất. Chính vì vậy việc rèn kỹ năng
sử dụng Tiếng Việt cho học sinh là rất cần thiết và có ý nghĩa thực tiễn cao.
Trong chương trình Tiểu học, Tiếng Việt là môn học công cụ, với nhiệm
vụ cung cấp cho học sinh những kiến thức cơ bản về tiếng mẹ đẻ, rèn cho các
em sử dụng Tiếng Việt trong nghe, nói, đọc, viết. Tập làm văn là một phân môn
của môn Tiếng Việt, thông qua phân môn Tập làm văn, học sinh được rèn luyện
về khả năng dùng từ, đặt câu chính xác, từ đó các em có thể viết được bài văn
hay, giàu tính nghệ thuật. Nếu học sinh được rèn luyện kỹ năng viết văn thì các
em sẽ dễ dàng nhận thấy cái hay cái đẹp chứa đựng trong các yếu tố ngôn ngữ.
Từ đó các em sẽ biết cách dùng từ đặt câu, chọn ý sao cho đúng và hay để miêu
tả hình ảnh, sự vật một cách sinh động.
Phát huy tính tích cực, chủ động của học sinh trong quá trình dạy tiết tập
làm văn viết ở lớp 5 là một phương pháp đã được đặt ra từ lâu trong sách giáo
viên và sách học sinh. Các giáo viên lớp 5 cũng đã được hướng dẫn về phương
pháp dạy học tập làm văn qua nhiều chuyên đề hàng năm một cách cụ thể nhằm
nâng cao chất lượng dạy học. Mỗi giáo viên chúng ta đã có những cố gắng nhất
định để thể hiện phương pháp dạy học tích cực trong giờ tập làm văn. Qua giảng
dạy nhiều năm, giáo viên đã tìm tòi, đúc rút ra một số kinh nghiệm giảng dạy tốt
đóng góp cho phong trào chung.
Tuy nhiên trong thực tế giảng dạy chúng ta cũng chưa đạt được kết quả
như mong muốn. Biểu hiện cụ thể nhất hiện nay là học sinh lớp 5 chưa có ý thức
học tập tốt bộ môn này. Chưa thấy rõ nhu cầu phải nắm vững cách trình bày bài
viết đúng với thể loại trong đề bài đã quy định. Một số học sinh còn ỷ lại trong
học tập, chưa năng động sáng tạo, luôn tiếp thu một cách thụ động như nhớ bài
học trước cô nói gì, nhớ gì ghi cái ấy theo kiểu liệt kê sự việc. Bài làm của các
em còn viết sai chính tả do phát âm địa phương, dùng từ đặt câu chưa chính xác,
nhiều câu còn viết lan man, dùng dấu câu còn tuỳ tiện, việc lặp ý, lặp từ trong
bài văn còn quá nhiều. Bài văn chưa diễn đạt được một thể thống nhất từ đầu
đến cuối....
Với HS lớp 5, việc rèn kỹ năng làm văn miêu tả cho các em là cần thiết.
Học tốt văn miêu tả sẽ là điều kiện thuận lợi để các em học tốt các môn học khác
ở Tiểu học và học tiếp lên các lớp trên. Việc giúp các em hoàn thành tốt bài văn
miêu tả sẽ góp phần nâng cao năng lực cảm thụ văn học mà còn giúp các em
khám phá được những cái đẹp qua việc xây dựng văn bản.
Nhằm góp phần đổi mới phương pháp và nâng cao chất lượng dạy học
trong nhà trường nói chung, dạy cho HS lớp 5 học tốt văn miêu tả nói riêng, tôi
chọn đề tài: “Một số biện pháp rèn kĩ năng làm văn miêu tả cho HS lớp 5.”
1
2. MỤC ĐÍCH NGHIÊN CỨU
- Giúp học sinh có kĩ năng viết văn miêu tả thông qua việc tìm hiểu đề
bài, phân tích và sửa chữa câu, từ dùng sai.
3. ĐỐI TƯỢNG NGHIÊN CỨU:
Phân môn tập làm văn ở lớp 5 có nhiều thể loại nhưng đề tài này tôi chỉ
trình bày một vài kinh nghiệm nhằm rèn luyện kĩ năng làm văn miêu tả cho HS
lớp 5.
4. PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU:
- Phương pháp dạy thực nghiệm ở lớp - đối chứng chất lượng kiểm tra.
- Phương pháp thống kê, tổng hợp, báo cáo.
II. NỘI DUNG
MỘT SỐ BIỆN PHÁP RÈN KĨ NĂNG LÀM VĂN MIÊU TẢ CHO HS
LỚP 5
1. Cơ sở lí luận:
Mục tiêu của môn Tiếng Việt ở tiểu học là: Hình thành và phát triển ở học
sinh các kỹ năng sử dụng Tiếng Việt (nghe, nói, đọc, viết) để học tập và giao tiếp
trong các môi trường hoạt động của lứa tuổi. Thông qua việc dạy học Tiếng Việt,
góp phần rèn luyện các thao tác của tư duy, cung cấp cho học sinh những kiến
thức sơ giản về Tiếng Việt và những hiểu biết sơ giản về xã hội, tự nhiên và con
người, về văn hóa, văn học của Việt Nam và nước ngoài. Bồi dưỡng tình yêu
Tiếng Việt và hình thành thói quen giữ gìn sự trong sáng, giàu đẹp của Tiếng
Việt, góp phần hình thành nhân cách con người Việt Nam trong xã hội chủ
nghĩa.
Về phân môn Tập làm văn ở lớp 5: Học sinh được học kiểu bài văn tả
cảnh và tả người. Đồng thời ôn tập văn kể chuyện, tả đồ vật, tả cây cối, tả con
vật. Trong đó có: 3 tiết trả bài văn tả cảnh, 3 tiết trả bài văn tả người, 1 tiết trả
bài văn kể chuyện, 1 tiết trả bài văn tả đồ vật, 1 tiết trả bài văn tả cây cối, 1 tiết
trả bài văn tả con vật. Như vậy, trong cả năm học, học sinh được trả bài viết (10
tiết ) với từng bộ đề cụ thể dưới nhiều hình thức chữa lỗi như: Lỗi về chính tả,
lỗi về từ, lỗi về câu, lỗi dùng dấu câu, lỗi đoạn văn....
Nội dung dạy Tập làm văn nhằm hệ thống vốn kiến thức của các em đã
học được trong môn Tiếng việt. Phân môn tập làm văn đòi hỏi học sinh vận
dụng được các kiến thức tổng hợp từ nhiều phân môn (Tập đọc, LTVC, Kể
chuyện, Chính tả…) nên giáo viên phải thường xuyên nhắc nhở học sinh nắm
vững những thao tác tập làm văn theo từng kiểu đề quy định trong chương trình,
chịu khó suy nghĩ để có hiệu quả trong khi làm bài tập làm văn. Bài văn của các
em là phản ánh kiến thức trình độ sử dụng Tiếng Việt. Kỹ năng viết bao gồm kỹ
năng dùng từ và đặt câu, vận dụng các biện pháp tu từ để diễn đạt ý tưởng một
cách chính xác và hay về lập luận.
2. Thực trạng của học sinh khi học tiết Tập làm văn:
Ngay từ đầu năm học, khi mới nhận lớp tôi đã có kế hoạch khảo sát chất
lượng môn tập làm văn của lớp mình.
2
Tôi ra đề kiểm tra: Tả một cây bóng mát đã gắn bó với em nhiều kỷ niệm.
Kết quả bài viết của học sinh như sau: Học sinh viết bài tỏ ra hiểu đề,
xong bố cục bài văn chưa rõ ràng. Một số học sinh chưa xác định đúng đối
tượng, mục đích miêu tả, trọng tâm miêu tả là gì. Một số HS chưa có năng lực
viết câu dẫn đến chưa có kĩ năng viết văn. Một vài học sinh đã biết sử dụng biện
pháp tu từ, xong chưa biết chọn từ chính xác để diễn đạt.
Kết quả cụ thể là:
Tổng số học sinh
25
Hoàn thành tốt
3
Hoàn thành
17
Chưa hoàn thành
5
3. Giải pháp và cách tổ chức thực hiện trong tiết tập làm văn miêu tả ở
lớp 5
- Qua việc khảo sát chất lượng của học sinh tôi thấy được thực tế việc học
tiết Tập làm văn của lớp, từ đó tôi đã định hướng được một số công việc sau:
+ Khi dạy giáo viên cần giúp học sinh nắm được lôgic giữa các tiết tập
làm văn của các thể loại để làm bài. Từ các bài văn tả cảnh, tả người mà các em
được khai thác trong các tiết lý thuyết sẽ giúp các em nắm được cấu tạo của
từng bài văn, giúp học sinh phân tích bài văn để hiểu được nghệ thuật quan sát
và miêu tả trong bài văn là thế nào. Qua phân tích bài, giáo viên rèn cho các em
hiểu thêm về cách quan sát và chọn lọc chi tiết, làm văn viết, trả bài viết trong
một đề bài cụ thể. Khác với học sinh lớp lớn, học sinh tiểu học còn ít vốn từ
ngữ, tầm hiểu biết còn có phần hạn chế.
Từ những nhận định trên, tôi mạnh dạn trình bày một số biện pháp nhằm
rèn kĩ năng viết văn miêu tả cho học sinh lớp 5 như sau:
Muốn làm tốt một bài tập làm văn, học sinh phải học và hiểu đầy đủ về
phương pháp làm bài, đồng thời thực hành nhiều lần.
Qua thực tiễn giảng dạy, tôi thấy có rất nhiều cách để rèn kĩ năng viết văn
miêu tả cho HS nhưng sau đây tôi chỉ đưa ra một vài giải pháp để rèn kĩ năng
viết văn cho các em.
3.1. Rèn kĩ năng tìm hiểu đề bài văn miêu tả cho HS:
Ở cấp Tiểu học, HS các lớp 4, lớp 5 được tập làm văn miêu tả theo những
đề bài cho trước với những yêu cầu nhất định. Tìm hiểu đề là kỹ năng đầu tiên
mà HS phải tiến hành trong quá trình làm bài. Kĩ năng này có vai trò định hướng
khái quát, quyết định bài văn đáp ứng đúng hay sai, đúng toàn bộ hay chỉ đúng
một phần yêu cầu của đề bài. Trong quá trính tìm hiểu đề văn miêu tả, người viết
cần xác định rõ những yêu cầu về đối tượng miêu tả, mục đích miêu tả, trọng
tâm miêu tả và đối tượng tiếp nhận (người đọc) bài văn miêu tả. Những yêu cầu
này có thể được đề bài nêu ra một cách trực tiếp, đầy đủ, rõ rang, tường minh
hoặc thể hiện một cách gián tiếp, không đầy đủ. Vì thế, giáo viên vần phải có
biện pháp thích hợp nhằn giúp HS rèn kỹ năng tìm hiểu đề, nghĩa là giúp HS
biết cách xác định đúng, đủ các yêu cầu nói trên, tránh được sự lúng túng trong
3
quá trình triển khai lời viết, dẫn đến viết xa đề, lạc đề. Dưới đây là một số kinh
nghiệm giúp HS tìm hiểu đề văn miêu tả :
a, Xác định đối tượng miêu tả:
Trong đề văn miêu tả, yêu cầu về đối tượng miêu tả là yêu cầu không thể
thiếu. Xác định đối tượng miêu tả nghĩa là HS phải trả lời được câu hỏi “Bài văn
miêu tả cái gì?” (hoặc vật gì, cây gì, cảnh gì, người nào,..). Cũng chính nhờ xác
định được đối tượng miêu tả mà HS xác định chính xác kiểu bài văn miêu tả cần
viết (tả đồ vật hay cây cối, con vật, cảnh vật, con người,…).
Việc xá định đối tượng miêu tả tuỳ thuộc phạm vi của đề bài. Đối với
những đề bài quy định cụ thể đối tượng miêu tả (VD: Hãy tả cái bàn học của
em…), học sinh dễ dàng xác định được đối tượng miêu tả. nhưng cũng có những
đề mà người viết có quyền lựa chọn một trong những đối tượng miêu tả cho
trước, ví dụ: Hãy tả con chó (hoặc con mèo) của nhà em (hoặc của hàng xóm),…
Hoặc cũng có đề bài cho phép người viết lựa chọn đối tượng miêu tả tuỳ theo sở
thích, hiểu biết, ý muốn cá nhân. Trong SGK tiểu học hiện nay, các đề văn miêu
tả đã chú ý tạo cho HS nhiều khả năng lựa chọn đối tượng miêu tả (VD: Tả một
đồ vật mà em thích; Tả một cây mà em thích; Tả người thân của em,..) . Với
những đề bài thuộc loại này, giáo viên cần câu hỏi gợi ý giúp HS có sự định
hướng khi lựa chọn đối tượng miêu tả, tránh tình trạng lựa chọn đối tượng theo ý
muốn chủ quan, nhất thời. GV cần hướng HS lựa chọn những đối tượng miêu tả
đã được quan sát kĩ, có tình cảm hoặc ấn tượng sâu sắc về đối tượng đó.
VD: Hãy tả một đồ vật trong viện bảo tàng (hoặc trong nhà truyền thống)
mà em có dịp quan sát.
Câu hỏi gợi ý:
+ Hãy kể những đồ vật quan sát được trong viện bảo tang ( hoặc trong nhà
truyền thống). (Đó là những đồ vật nào? Em quan sát đồ vật đó ở đâu?).
+ Trong các đồ vật kể trên, em có ấn tượng sâu sắc nhất với đồ vật nào?
+ Em lựa chọn đồ vật nào để tả?....
Mỗi đồ vật trong viện bảo tàng (hoặc trong nhà truyền thống) đều có ý
nghĩa lịch sử và có câu chuyện riêng về nó. HS lựa chọn đồ vật có ấn tượng sâu
sắc nhất sẽ dễ dàng tái hiện và tìm được nhiều chi tiết hay, đặc sắc, đồng thời dễ
bộc lộ tình cảm, cảm xúc với đối tượng miêu tả.
b, Xác định mục đích miêu tả:
Tuỳ theo từng đề bài, tuỳ theo ý định của người viết mà mỗi bài văn có
mục đích miêu tả khác nhau. Nhiều giáo viên hiện nay mới chỉ dùng ở mức đặt
ra các bài tập làm văn của HS một mục đích chính là “biết tả”. Điều này cần
nhưng chưa đủ. Cũng vì chỉ lấy việc “tả” làm mục đích chính nên nhiều HS lầm
tưởng ở bài văn nào cũng tả theo cách thức khác nhau, không rõ mục đích,
không thể hiện tính cách cá nhân trong bài viết.
Trong một số đề bài, mục đích miêu tả có thể được thể hiện qua yếu tố
ngôn ngữ, như: “thích nhất”, "kính trọng nhất”, “ấn tượng nhất”, … Hoặc thể
hiện bằng một “mệnh lệnh”, VD: Hãy tả cái trống trường em và nói lên cảm xúc
của em khi nghe tiếng trống trường”. Trong một số đề khác, thái độ, cảm xúc,…
4
khi miêu tả chủ yếu phụ thuộc vào ý muốn chủ quan của người viết. Với những
đề bài này, giáo viên cần hướng cho HS những tình cảm, cảm xúc,… tươi đẹp,
tích cực. Chẳng hạn, với đồ vật là tình cảm gắn bó, thân thiết; với loại vật, cây
cối là sự chăm sóc, tình cảm yêu mến; với cảnh vật là cảm xúc gắn liền với từng
cảnh; với con người là lòng biết ơn, sự kính trọng, quý trọng hoặc thân mật, yêu
mến,…
Để giúp HS xác định mục đích miêu tả cho bài văn của mình, giáo viên
cần có những bài tập từ dễ đến khó, từ đơn giản đến phức tạp.
VD: Đề bài “Em hãy tả một câymà em yêu thích trong khu vực trương em
(hoặc nơi em ở)”. Gợi ý:
+ Cây em định tả là cây gì: Thuộc loại cây nào?
+ Em tả cây đó nhằm mục đích gì? / Khoanh tròn vào chữ cái trước đáp
án em chọn sau đây:
a, Ca ngợi vẻ đẹp và lợi ích của cây.
b, Thể hiện tình cảm yêu mếm và sự gắn bó của em với cây.
c, Mong muốn mọi người chăm sóc, giữ gìn cây.
d, cả 3 ý trên.
Đây là dạng bài tập dễ (mục đích miêu tả được dự tính trước, HS chỉ cần
lựa chọn), do vậy chỉ nên dừng ở giai đoạn đầu nhằm giúp HS làm quen với giai
đoạn xác định mục đích, thái độ miêu tả.
Ở mức độc yêu cầu cao hơn và cũng có tính phổ biến hơn là bài tập yêu
cầu HS trả lời ngắn về mục đích, thái độ miêu tả.
VD: Đề bài “Tả một vật nuôi trong nhà mà em thích”. Bài tập:
(1) Em lựa chọn con vật nào để tả? Đó là con vật của ai?
(2) Em tả con vật đó nhằm mục đích:
- Mang đến cho người đọc thông tin gì về con vật được tả (hoặc giúp
người đọc hình dung ra đặc điểm gì về con vật)?
- Thề hiện tình cảm gì đối với con vật?
- Thể hiện suy nghĩ, mong muốn gì khác của em?
Trong bài tập trên, nội dung (1) có tác dụng giúp HS xác định đối tượng
miêu tả, nội dung (2) nhằm xác định mục địch miêu tả, bao gồm: Gợi ý thứ nhấtgợi ý về nhận thức (VD: Tả con vật nhằm giúp người đọc hình dung vẻ đẹp về
hình dáng, hoạt động và cả lợi ích của con vật) gợi ý thứ hai- gợi ý về tình cảm
(VD: Thể hiện được tình cảm yêu mến và sự gắn bó đối với con vật); gợi ý thứ
ba- gợi ý về hành động, VD: Mong muốn nhà em sẽ nuôi một con vật như thế
(nếu đó là con vật của nhà hàng xóm), hoặc mong con vật luôn là người bạn thân
thiết của em (nếu đó là con vật của nhà em). Việc HS xác định rõ ràng về nhận
thức và về tình cảm (trước hết là tình cảm của người viết đối với đối tượng miêu
tả) là yêu cầu bắt buộc. Còn đối với HS tiểu học, đích tác về hành động không
phải là một yêu cầu bắt buộc.
Đối với HS Hoàn thành tốt, GV cần “cá thể hoá” đề bài. Có nghĩa là từ
một đối tượng miêu tả, nêm ra nhiều đề bài khác nhau, mỗi đề bài có những mục
đích miêu tả khác nhau (mục đích này đã được quy định trong đề). Từ đó, HS có
5
quyền lựa chọn đề bài với những mục đích mà mình mong muốn. Khi đã có
những đề bài như vậy, chỉ cần HS nêu mục đích miêu tả đã được quy định sẵn
trong đề.
VD: Chọn một trong hai đề bài sau và cho biết đề bài yêu cầu em miêu tả
nhằm mục đích gì?
Đề 1: Lần đầu tiên cắp sách tới trường, em cảm thấy bỡ ngỡ và xúc động.
Ngôi trường thật lạkhông giống trường mẫu giáo của em. Nơi đây chắc chắn có
bao nhiêu điều thú vị đang chờ em khám phá. Hãy tả lại ngôi trường với tâm
trạng ngạc nhiên và đầy xúc động ấy.
Đề 2: Mới ngày nào em còn là một HS lớp 1 đầy bỡ ngỡ, rụt rè. Thế mà
hôm nay, giờ phút chia tay mái trương tiểu học thân thương đã đến. Năm năm
qua, mỗi góc sân, mỗi hàng cây, mỗi chỗ ngồi, mỗi chiếc bảng đen, ô cửa sổ nơi
đây điều gắn bó với em cùng bao kỉ niệm buồn vui. Hãy tả lại ngôi trường trong
giờ phút chi tay với tâm trạng đầy bang khuâng, lưu luyến của em.
Cùng một đối tượng miêu tả là “ngôi trường của em” nhưng 2 đề văn trên
lại đặt ra hai mức độ miêu tả khác nhau; Đề thứ nhất HS tả ngôi trường với mục
đích làm rõ vẻ đẹp, sự khác biệt của ngôi trường tiểu học với trường mẫu giáo
đã học, thể hiện tâm trạng ngạc nhiên, tò mò, xúc động của một HS lần đầu tiên
cắp sách tới trường tiểu học; Đề thứ hai, yêu cầu HS tả ngôi trường với mục thể
hiện tình cảm đầy thương nhớ, lưu luyến xem lẫn sự tiếc nuối đối với ngôi
trường sắp phải rời xa.
Nói tóm lại, khi hướng dẫn xác định mục đích miêu tả, cần giúp HS trả lời
câu hỏi “Miêu tả để làm gì?”. Việc trả lời được câu hỏi này bao gồm các nội
dung: Miêu tả nhằm đem tới cho người đọc thông tin gì? Miêu tả nhằm thể hiện
thái độ, tình cảm như thế nào? Miêu tả nhằm thể hiện mong muốn gì của người
viết đối với người đọc?..
c, Xác định yêu cầu về trọng tâm miêu tả:
Trong quá trình tìm hiểu đề, việc xác định trọng tâm miêu tả luôn luôn
gắn liền với xác định phương hướng làm bài, bởi vì trọng tâm miêu tả sẽ giúp
người làm bài phác hoạ được những ý chính sẽ triển khai, khiến bài viết không
sa vào liệt kê cho hết, cho đủ các đặc điểm của đối tượng miêu tả. Với những đề
bài đã rõ trọng tâm miêu tả thì vấn đề thật đơn giản. VD: Đề bài “Hãy miêu tả
hình dáng của một con vật mà em yêu thích”, HS có thể xác định ngay được
trọng tâm miêu tả là tập trung vào “hình dáng” của con vật được tả. Tuy nhiên,
rất nhiều đề bài chỉ nêu đối tượng miêu tả mà không nêu cụ thể trọng tâm miêu
tả. Hay nói cách khác là trọng tâm miêu tả không được thể hiện bằng những yếu
tố ngôn ngữ cụ thể, do đó, người làm bài cần phải suy nghĩ, cân nhấc để xác
định trọng tâm miêu tả. VD: Hãy tả một đồ vật trong nhà em.; Hãy tả một cái
cây có bóng mát”; “Hãy tả một người mà em yêu mến”; “Hãy tả một cảnh đẹp
của quê hương em”; … Nhìn chung, trọng tâm miêu tả trong những đề bài thuộc
loại này thường là những đặc điểm nổi bật giúp khắc hoạ đối tượng một cách rõ
nét, hoặc có thể là những đặc điểm mang dấu hiệu đặc trưng của đối tượng gây
cho người viết nhiều ấn tượng, nhiều cảm xúc nhất. Bên cạnh đó, có thể giúp HS
6
xác định trọng tâm miêu tả dựa vào một số cơ sở nhất định, trước hết là dựa vào
kiểu bài văn miêu tả. Bởi mỗi kiểu bài văn miêu tả trong chương trình Tiểu học
(tả đồ vật, tả cây cối, tả loài vật, tả cảnh, tả người), bên cạnh những đặc điểm
chung còn có những đặc điểm riêng. Vì thế, cũng có những căn cứ để xác định
trọng tâm miêu tả.
Nhìn chung, xác định trọng tâm của bài văn miêu tả là một vấn đề tương
đối rộng, phức tạp, đôi khi trìu tượng, phụ thuộc vào cảm, ý thức chủ quan của
người viết. Đối với HS tiểu học, do vốn hiểu biết, vốn sống còn hạn chế nên nếu
đề bài không nêu rõ trọng tâm cần tả, chắc chắn HS sẽ rất lúng túng khi phải xác
định trọng tâm bài viết của mình. Do đó, để giảm bớt khó khăn này cho HS tiểu
học, cần có những câu hỏi, bài tập giúp các em xác định đúng trọng tâm miêu tả,
cũng chính xác là xác định phạm vi, giới hạn miêu tả nhằm trả lời cho các câu
hỏi: Miêu tả những gì? Miêu tả đến đâu? Những điểm nào là quan trọng cần
phải tập trung miêu tả? Những điểm nào là thứ yếu chỉ cần miêu tả sơ qua?...
Việc xác định trọng tâm miêu tả có thể dựa vào những chỉ dẫn có trong đề
bài. VD: Đọc kĩ đề bài “Em hãy tả một người lao động (công nhân, nông dân,
thợ thủ công,..) đang làm việc” và cho biết: Đề bài yêu cầu em tập trung miêu tả
đặc điểm nào của đối tượng miêu tả? Từ ngữ nào cho em biết điều đó?
Ở bài tập này, dựa vào các từ ngữ có trong đề bài (người lao động, đang
làm việc), HS có thể xác định được trọng tâm miêu tả của bài viết là tả hoạt
động của người lao động. Mặc dù, hình thức bài tập này đơn giản, HS dễ dàng
thực hiện được nhưng cũng có tác dụng tạo thói quen xác định trọng tâm miêu tả
và chú ý viết bài văn theo đúng trọng tâm.
Việc rèn luyện cho HS kỹ năng xác định trọng tâm miêu tả của bài viết có
thể tiến hành ở mức độ cao hơn thông qua các bài tập trả lời ngắn.
VD: Đề bài “Em hãy tả một cây có bong mát ở trường em (hoặc nơi em
ở)”. Bài tập:
(1) Em biết những cây bóng mát nào?
(2) Em sẽ lựa chọn cây nào để tả? Cây được trồng ở đâu?
(3) Cây có bóng mát em chọn để tả có đặc điểm nào khác với cây ăn quả,
cây hoa, cây cảnh,…?
(4) Em cần tập trung tả đặc điểm nào của cây đó?
Trong bài tập này, trả lời câu hỏi thứ nhất, HS sẽ xác định rõ đối tượngm
iêu tả (cây có bóng mát) ở một địa điểm cụ thể; trả lời câu hỏi thứ hai, HS sẽ xác
định rõ đặc điểm cần tập trung miêu tả trong bài viết- đặc điểm giúp phân biệt
giữa cây có bóng mát với các loại cây khác. Việc xây dựng câu hỏi cho các bài
tẩp tả lời ngắn cũng phụ thuộc vào từng đè bài, nhìn chung câu hỏi càng cụ thể
càng giúp HS xác định nhanh chóng và dễ dàng trọng tâm miêu tả của đề.
d, Xác định đối tượng tiếp nhận bài văn miêu tả:
Đối tượng giao tiếp (còn gọi là đối tượng tiếp nhận) là một nhân tố để lại
dấu ấn đậm nét trong bài văn. Phần lớn các đề bài văn miêu tả ở tiểu học dường
như không đề cập tới đối tượng tiếp nhận. Vì thế, các em tự xác định: viết bài
văn là cho thây (cô) giáo của mình. Đây là đối tượng tiếp nhận (được mặc định
7
trước) gần như duy nhất của các em. Rõ ràng xác định đối tượng tiếp nhận
“đóng khung” như thế với một kiểu bài văn thuộc loại sáng tác như văn miêu tả
là không phù hợp, là cứng nhắc, chật hẹp. Từ đó dẫn đến tình trạng lời lẽ trong
bài viết của các em cũng trở nên khô khan, dập khuôn, thậm chí na ná như nhau.
Và ở một góc độ nào đó, chính sự ra đề như vậy đã làm mất đi phần nào sự sinh
động, hồn nhiên của các em khi viết văn miêu tả.
Việc xác định đối tượng giao tiếp có vai trò quan trọng việc tổ chức ngôn
bản, tổ chức bài văn miêu tả củ HS (cho dù đây là giúp HS xác định đối tượng
giao tiếp của bài văn (có thể chỉ là đối tượng giao tiếp được giả định). Muốn HS
dễ dàng làm được điều này, chúng ta có thể ra những đề bài vừa rõ yêu cầu về
đối tượng giao tiếp, sau đó yêu cầu HS làm bài tập trả lời ngắn gọn.
VD a) Đề bài “Có rất nhiều bạn nước ngoài muốn tìm hiểu về cây tre Việt
Nam. Em hãy tả cây tre gắn bó với đời sống người dân Việt Nam cho các bạn
đó biết”. Bài tập: Em viết bài văm miêu tả nhằm mục đích gì? Viết cho ai đọc?
Những từ ngữ nào cho em biết điều đó?
VD b) Đề bài “ Quê hương em có rất nhiều cảnh đẹp. Em hãy tả lại một
cảnh đẹp mà em yêu thích hơn cả cho một người bạn (hoặc một người thân) của
em từ nơi khác đến thăm quê em”. Bài tập:
(1) Cảnh đẹp em lựa chọn để miêu tả là cảnh nào? Em tả cảnh đẹp đó
cho ai đọc?
(2) Em sẽ lựa chọn từ ngữ nào để xưng hô trong bài viết của mình cho
phù hợp với người đọc là bạn hoặc người thân của em?
Các câu hỏi trên, nhằm giúp HS xác định mục đích miêu tả và người đọc
bài văn miêu tả. Việc xác định mục đích miêu tả cũng chịu ảnh hưởng khá rõ của
việc xác định đối tượng tiếp nhận. Ở VD a, do viết bài văn tả cây tre cho các bạn
thiếu nhi nước ngoài cho nên mục đích miêu tả sẽ được xác định là: miêu tả về
vẻ đẹp của cảnh, bộc lộ niền tự hào về cảnh đẹp đó và gợi lên ở người nước
ngoài sự khao khát, mong muốn được tới thăm cảnh đẹp đó.
Tóm lại, tìm hiểu đề nhằm xác địnhyêu cầu của bài viết là kĩ nămg đầu
tiêm mà HS cần phải rèn luyện trong quá trình viết bài văn miêu tả. Việc rèn
luyện tốt kĩ năng này sẽ có ảnh hưởng đến kết quả của các kĩ năng tiếp theo. Để
giúp HS thực hiện thuần thục kĩ năng tìm hiểu đề văn miêu tả, cần chú ý hướng
dẫn các em một số thao tác sau đây khi tìm hiểu đề:
(1) Đọc kỹ đề bài để bước đầu nhận thức sơ bộ về nội dung, yêu cầu miêu tả.
(2) Gạch chân dưới những từ ngữ quan trọng trong đề bài.
(Kết quả thu được sau khi thực hiện hai thao tác này giúp người viết sơ bộ
nắm bao quát về đề bài, nhận biết yêu cầu có tính bắt buộc hay chỉ có tính gợi ýchỉ dẫn, yêu cầu nào cần tự xác định cho bài viết,..)
(3) Trả lời các câu hỏi để xác định yêu cầu của đề, như: Đề bài yêu cầu
viết theo kiểu bài văn miêu tả nào? Đối tượng miêu tả của bài viết là gì? Mục
đích viết bài văn miêu tả để làm gì? Bài viết sẽ tập trung miêu tả những đặc
điểm chủ yếu nào của đối tượng? Vì sao lại tập trung tả những đặc điểm đó? Bài
8
viết hướng tới người đọc là ai? Từ ngữ xưng hô sẽ được sử dụng trong bài viết là
gì? Cần lưu ý điểm gì khi sử dụng ngôn ngữ trong bài văn miêu tả?
Việc thực hiện các thao tác trên trong quá trình tìm hiểu đề sẽ giúp HS có
hiểu biết đầy đủ về đề văn miêu tả , từ đó có hứng thú hơn khi viết bài và phát
huy cao nhất khả năng sáng tạo trong bài văn.
3.2. Nâng cao năng lực viết văn cho HS thông qua kĩ năng lập dàn ý
(kết hợp với việc tìm ý)
Dàn ý được lập trên cơ sở tìm được những ý đúng với đề tài và trọng tâm
của đề bài. Muốn việc tìm ý đạt yêu cầu tốt ta phải căn cứ vào thực tế quan sát
hoặc hiểu biết đối tượng, căn cứ vào hiểu biết của mình qua thực tiễn sống…
Tìm được nhiều ý là tốt, nhưng cần phải lựa chọn ý tiêu biểu để bài làm
hướng đúng trọng tâm, tránh được sự rườm rà. Việc tìm ý, chọn ý gắn với lập
dàn ý và cả hai công việc này bổ sung, hỗ trợ cho nhau. Cùng với việc lập dàn ý,
ta có thể bổ sung những ý khác mà trước đó chưa tìm ra hoặc loại bỏ một vài ý
chưa cần, chưa sát trọng tâm của bài…
Lập dàn ý là yêu cầu cần thiết nhất phải có. Một dàn ý rõ ràng, cụ thể, hợp
lí sẽ góp phần vào kết quả bài làm văn của học sinh.
Và dàn bài của một bài tập làm văn thường có ba phần:
- Mở bài.
- Thân bài.
- Kết bài.
Sau khi giúp HS lập dàn ý, GV giúp HS dùng từ viết câu sao cho chính xác.
3.3. Nâng cao kĩ năng viết văn cho HS bằng cách phân tích và chữa
lỗi dùng từ trong văm miêu tả.
Trong quá trình dạy tập làm văn ở lớp 5, tôi thường thấy các em sử dụng
từ một cách không chính xác, dùng từ không đúng, dùng từ chưa hay,… vì vậy
hiệu quả của bài làm không cao.
Một trong những nguyên nhân cơ bản là do vốn từ của các em còn nghèo,
bí từ nên dùng sai, dùng từ một cách bừa bãi, làm sai ý của câu văn hoặc làm
cho câu văn khô khan, đơn diệu, thiếu hình ảnh. Các em cũng chưa biết cách
khai thác và sử dụng từ ngữ một cách độc đáo, sáng tạo để diễn tả những điều đã
quan sát được, chưa biết cách thể hiện những cảm xúc, suy nghĩ của mình trước
một sự vật hiện tượng.
Do khả năng hiểu từ, lựa chọn từ, sử dụng từ của học sinh còn nhiều hạn
chế, các em sử dụng từ một cách tùy tiện, không biết vận dụng các biện pháp ẩn dụ,
nhân hóa, so sánh… vì thế câu văn thường thiếu sinh động và không có hình ảnh.
Căn cứ yêu cầu của việc dùng từ trong bài văn miêu tả và thực tế mắc lỗi
lôgic dùng từ của HS, có thể chia lỗi dùng từ trong bài văn miêu tả của học sinh
thành các loại lỗi cơ bản như sau:
Dạng 1: Lỗi về nghĩa của từ:
Nội dung ý nghĩa là một bình diện của từ. Nó là cái được biểu đạt của mỗi
từ. Do đó, yêu cầu đầu tiên khi dùng từ trong bài văn là phải dùng từ cho đúng
với ý nghĩa của từ. Điều đó có nghĩa là từ được dùng phải có biểu hiện được
9
chính xác nội dung miêu tả cần thể hiện. Đối với học sinh Tiểu học, việc nắm
nghĩa của từ (bao gồm: nghĩa biểu vật, nghĩa biểu niệm và cả nghĩa biểu thái của
từ) còn nhiều hạn chế, cho nên các em thường mắc lỗi dùng từ sai nghĩa trong
bài văn miêu tả. Trong đó phổ biến nhất là lỗi thường xảy ra giữa các từ gần
nghĩa hoặc có yếu tố cấu tạo chung. Tuy có phần giống nhau về nghĩa của các từ
đó vẫn có sự khác nhau và cần được sử dụng khác nhau.
VD1: Có học sinh tả “Mẹ em có dáng người đi rất khoan khoái, dễ chịu.”
Để giúp học sinh tự chữa lỗi dùng từ trong câu trên, tôi làm như sau:
+ Giáo viên nêu vấn đề: Một bạn đã viết: Mẹ em có dáng đi rất khoan
khoái, dễ chịu. Em có nhận xét gì về câu văn của bạn? (Học sinh: Trong câu văn
trên, bạn đã dùng từ chưa chính xác, đó là các từ khoan khoái, dễ chịu).
+ Giáo viên gợi ý: Em có biết vì sao bạn lại dùng từ như vậy không? (HS:
Bạn dùng từ sai vì bạn chưa hiểu rõ nghĩa của từ. Các từ khoan khoái, dễ chịu
thường dùng để miêu tả cảm giác của người chứ không dùng để miêu tả dáng
đi…).
+ GV cho nhiều HS cùng sửa lỗi trên. HS có thể thay thế các từ khoan
khoái, dễ chịu bằng các từ khoai thai, nhẹ nhàng, uyển chuyển,…
+ GV “chốt lại ” các từ dùng đúng và cho học sinh đọc lại (VD: Mẹ em có
dáng đi nhẹ nhàng, uyển chuyển.).
VD2: Dáng người của anh bộ đội khá cao ráo.
Ở VD này từ dùng sai là từ cao ráo có nghĩa là: Cao và khô, không bị ẩm
thấp. Do đó, từ này dùng cho địa điểm và nơi chốn (hoặc nếu có dùng trong tả
người thì cũng chỉ dùng trong khẩu ngữ- ngôn ngữ sinh hoạt hàng ngày). Để
miêu tả hình dáng anh bộ đội nên thay từ cao lớn.
VD3: Cô giáo của em là một người phụ nữ dịu dàng, nết na.
Ở VD này, HS dùng từ nết na để miêu tả cô giáo là không thích hợp bởi
từ này chỉ dùng để miêu tả, nhận xét người bằng vai hoặc thấp vai hơn người
viết. Vì thế, cần thay bằng từ khác hợp lí hơn, chẳng hạn từ nhân hậu,…
- Trong các câu văn trên đều mắc lỗi chung dùng từ sai nghĩa. Để chữa lỗi
này, cần phải thay thế từ ngữ dùng sai đó bằng các từ ngữ khác có khả năng thể
hiện chính xác nội dung, ý nghĩa mà người viết muốn diễn đạt.
* Dạng 2: Lỗi về kết hợp từ:
Các từ khi được dùng trong câu văn, trong bài văn miêu tả, luôn có mối
quan hệ về nghĩa và ngữ pháp. Chúng nằm trong các mối quan hệ với những từ
đi trước và những từ đi sau. Vì thế, do không nắm chắc được nghĩa hoặc không
chú ý về mối quan hệ, về ý và ngữ pháp giữa các từ được dùng trong câu nên HS
đã kết hợp từ không đảm bảo sự tương hợp với nhau, không “ăn khớp” với nhau.
VD1: Mỗi khi ba tiếng trống đổ hồi đều đặn, chúng em lại nhanh chân
xếp hàng vào lớp.
VD2: Cô giáo có hàm răng trắng thẳng tắp.
VD3: Những cái hoa mào gà xanh xao như đỡ những nàng công chúa
xinh xắn.
10
VD4: Khuôn mặt mẹ em có khá nhiều nếp nhăn vì mẹ vẫn giữ được nét
đẹp của thời con gái.
- Cách chữa lỗi cho HS tôi tiến hành tương tự như mục chữa lỗi về nghĩa
của từ.
Ở VD1, không thể dùng từ đổ hồi để miêu tả ba tiếng trống vì nghĩa của
chúng không tương hợp với nhau. Hồi là nhiều âm thanh kế tiếp nhau trong một
thời gian nhất định, chỉ có ba tiếng trống thì không thành hồi được. Vì thế, cần
thay thế từ đổ hồi bằng từ khác, VD từ vang lên,..
Ở VD2, từ thẳng tắp (nghĩa là thẳng thành một đường dài) dùng để miêu
tả hàm răng là không hợp lí, nên thay từ này bằng từ đều đặn. Từ xanh xao trong
VD3 chỉ dùng để miêu tả màu da của con người khi mới ốm dậy, nên ta cần
chữa lại thành xanh mướt (xanh thẫm) ,…
Ở VD4 mắc lỗi sử dụng sai quan hệ giữa các vế câu. Ở VD4, từ “vì” thế
biểu thị nguyên nhân, nhưng Khuôn mặt mẹ đã có khá nhiều nếp nhăn không
phải có nguyên nhân là: vì mẹ vẫn giữ được những nét đẹp của thời con gái. Do
đó, cần thay thế quan hệ từ “vì” trong câu này bằng quan hệ từ “nhưng”. Hoặc
cũng có thể chữa bằng cách khác đó là giữ lại quan hệ từ vì, sửa đổi nội dung
một trong hai vế câu (tuỳ theo ý định miêu tả của người viết), chẳng hạn như:
Khuôn mặt mẹ đã có khá nhiều nếp nhăn vì mẹ phải lao động rất vất vả. (hoặc
Mới thoáng nhìn, mọi người đoán mẹ em chỉ 35 tuổi vì mẹ vẫn giữ được những
nét đẹp của thời con gái).
*Dạng 3: Lỗi dùng từ thừa, lặp từ:
Dùng từ thừa, lặp từ là lỗi mà HS thường mắc phải trong bài văn miêu tả.
Nguyên nhân của lỗi này là do học sinh chưa nắm chắc nghĩa của từ, không nắm
chắc mô hình câu. Đồng thời do học sinh của ta nghèo về vốn từ, khả năng huy
động và lựa chọn từ còn hạn chế.
VD1: Khi trăng lên, con sông quê tôi trở nên thơ mộng hơn biết bao.
VD2: Người bạn em yêu quý nhất hơn cả là bạn Lê.
VD3: Trong số những quyển sách mẹ mua về, quyển sách mà em thích
nhất là quyển sách Tiếng Việt 5, tập 2.
VD4: Ngôi nhà đẹp đẽ thân yêu ấy đã giữ bao kỉ niệm êm đềm của gia
đình em, ngôi nhà gắn bó với em như người ruột thịt.
Để chữa lỗi thừa từ, lặp từ trong các câu văn trên, chúng ta cần hướng dẫn
HS loại bỏ từ dùng thừa, dùng lặp trong câu đó.
Ở VD1, cần bỏ một trong hai từ: hơn hoặc biết bao. Tuy nhiên nên bỏ từ
hơn để giữ lại từ biết bao vì từ này giúp cho câu văn miêu tả hay và truyền cảm
hơn.
Ở VD2, cần loại bỏ một trong hai từ: nhất hoặc hơn cả.
Ở VD3, học sinh dùng đến 3 từ quyển sách trong một câu, do đó cần phải
bỏ bớt đi từ này để câu văn trôi chảy và gọn hơn (Trong số các quyển sách mẹ
mua về, em thích nhất là quyển Tiếng Việt 5, tập 2.)
Đối với câu văn ở VD4 cần phải cho HS phát hiện để tìm ra lỗi lặp từ và
tìm ra cách chữa là loại bỏ những từ trùng lặp và thay thế từ ngữ đó bằng từ ngữ
11
khác thích hợp, chẳng hạn ở VD4, có thể thay thế ngôi nhà bằng nó (Ngôi nhà
đẹp đẽ và thân yêu ấy đã giữ bao kỉ niệm êm đềm của gia đình em, nó gắn bó
với em như người ruột thịt.).
*Dạng 4: Lỗi dùng từ không đúng phong cách:
Một số loại văn bản có đặc điểm riêng về ngôn ngữ, về cách dùng từ. Vì
thế, có những từ chỉ thích hợp hoặc chỉ được dùng trong một phong cách ngôn
ngữ nào đó. Do không ý thức rõ về chuẩn mực phong cách của kiểu bài văn
miêu tả nên HS đã sử dụng những từ thuộc phong cách ngôn ngữ nói (chỉ dùng
trong sinh hoạt hằng ngày) vào trong bài văn miêu tả (thuộc phong cách ngôn
ngữ viết, sử dụng ngôn ngữ có tính chất nghệ thuật.)
VD1: Vào buổi sáng, không khí trong công viên cực kì trong lành.
VD2: Suốt năm học, em chưa thấy cô xỉ mắng học sinh nào.
VD3: Chúng tôi chả dễ gì quên cây phượng ở góc sân trường.
Trong các câu văn trên từ cực kì, xỉ mắng, chả dễ gì, vui ơi là vui không
nên sử dụng trong bài văn miêu tả, do đó cần phải thay thế bằng các từ ngữ khác
cho phù hợp hơn, chẳng hạn như: vô cùng, nặng lời trách mắng, không thể nào
quên,…
*Dạng 5: Lỗi dùng từ thiếu hình ảnh, cảm xúc:
Văn miêu tả là loại văn giàu hình ảnh, cảm xúc. Vì thế, trong bài văn
miêu tả cần dùng từ đúng là chưa đủ mà còn phải tiến tới dùng từ hay. Bởi khi
được dùng đúng lúc, đúng chỗ, những từ ngữ gợi tả, gợi cảm, những hình ảnh
nhân hoá, so sánh,… sẽ làm cho đối tượng miêu tả được hiện ra một cách cụ
thể, sinh động, đồng thời cũng bộc lộ được tình cảm, cảm xúc của người viết
cũng như khơi gợi tình cảm, cảm xúc ấy ở người đọc. Chính vì thế, thông qua
thao tác thay thế từ, giáo viên có thể giúp học sinh biết cách sử dụng những từ
ngữ gợi tả, gợi cảm,… trong bài văm miêu tả.
VD1: Những bông hoa trong vườn toả hương rất thơm.
VD2: Mặt cặp rất nhẵn, không có vết.
VD3: Phía chân núi, mặt trời màu đỏ đang từ từ nhô lên.
Những câu văn trên nếu xét một phong cách cô lập, tách khỏi bài văn
miêu tả thì hoàn toàn bình thường cả về cấu tạo ngữ pháp cũng như về ý nghĩa.
Tuy nhiên, khi đặt trong bài văn miêu tả, có thể thấy chúng chưa thực sự hay,
chưa hấp dẫn và truyền cảm. Do đó cần thay thế vào vị trí của những từ ngữ
thiếu hình ảnh và cảm xúc bằng các từ láy, tính từ gợi tả, gợi cảm hoặc hình ảnh
so sánh, nhân hoá,… thích hợp.
Ở VD1; VD2 có thể thay thế từ thơm, nhẵn bằng các từ ngữ thơm ngát,
(hoặc thơm ngào ngạt), nhắn bóng (hoặc nhẵn thín)… những từ ngữ được thay
thế này có tác dụng tạo nên những hình ảnh cụ thể, hiển hiện rõ nét trước mắt
người đọc.
Đối với VD3 cần phối hợp sử dụng hai biện pháp tu từ so sánh và nhân
hoá để viết lại cho câu văn sinh động, gợi cảm hơn:
+ Phía chân núi, ông mặt trời như quả cầu đỏ ối đang từ từ nhô lên.
12
* Một số điều cần lưu ý trong quá trình phát hiện và chữa lỗi dùng từ
trong văn miêu tả cho HS Tiểu học:
Để hoạt động chữa lỗi đạt kết quả cao, GV cần dựa trên cơ sở kết quả
khảo sát, thống kê, phân loại lỗi trong bài văn miêu tả của HS để chọn chữa
những lỗi điển hình, xuất hiện phổ biến trong bài văn của các em. Ngoài ra,
không nên chọn những câu văn chứa quá nhiều lỗi dùng từ, bởi những câu như
vậy sẽ làm cho việc chữa lỗi ở lớp rất phức tạp, khiến cho HS khó phát hiện ra
nguyên nhân mắc lỗi cũng như khó tìm ra cách chữa.
Bên cạnh đó, muốn phát hiện và sửa chữa chính xác các lỗi dùng từ, cần
nắm bắt và lĩnh hội thật sát nội dung được miêu tả của người viết. Để đạt được
điều này, nên đặt từ đang xét vào trong câu, trong đoạn văn, thậm chí trong cả
bài văn miêu tả. Thao tác cơ bản được sử dụng để chữa lỗi dùng từ là lựa chọn
được từ ngữ thích hợp thay thế vào vị trí của từ dùng không đúng hoặc không
hay. Cũng nên tránh những cách chữa làm thay đổi quá nhiều làm khác biệt cả
nội dung và cách diễn đạt mà người viết sử dụng.
Trong quá trình chữa lỗi dùng từ, GV cần lưu ý: HS chỉ phân tích lỗi và
chữa lỗi một cách chủ động khi các em có một vốn từ nhất định, có hiểu biết
tương đối về nghĩa của từ, mối quan hệ ngữ nghĩa và ngữ pháp giữa các từ trong
câu. Vì vậy, việc phân tích và chữa lỗi dùng từ cho HS là rất quan trọng trong
tiết trả bài tập làm văn.
*Quy trình chữa lỗi dùng từ được tiến hành theo các bước chủ yếu sau:
(1) Phát hiện lỗi.
(2) Phóng đoán nguyên nhân mắc lỗi.
(3) Căn cứ vào nguyên nhân để xác định cách chữa.
Có thể nói, chữa lỗi dùng từ là một trong những biện pháp có tác dụng rất
tích cực đối với việc rèn luyện kĩ năng dùng từ đúng và hay cho học sinh Tiểu
học. Giáo viên cần căn cứ vào bài văn miêu tả cụ thể của học sinh để lựa chọn
những lỗi dùng từ cần chữa sao cho phù hợp với học sinh và đạt hiệu quả cao
nhất.
3.4. Nâng cao năng lực viết câu cho học sinh bằng việc phân tích câu
sai và chữa câu sai:
Việc giáo viên giúp HS chữa câu văn sai có tác dụng rất tích cực đối với
việc rèn luyện kĩ năng viết câu đúng cho HS. Phát hiện, phân tích và chữa lỗi
trong bài viết của HS chính là kiểm tra kết quả của quá trình viết. Việc làm này
một mặt giúp HS loại bỏ lỗi viết câu trong bài văn của mình, hình thành kĩ năng
viết câu đúng ở các em; mặt khác giúp giáo viên nắm được trình độ của HS, từ
đó có biện pháp dạy học phù hợp.
Một câu sai thường có nhiều cách chữa, nhưng không phải các cách chữa
đều tốt như nhau, yêu cầu của việc chữa câu sai là phải làm sao cho câu chữa có
nội dung, cấu trúc gần gũivới câu cũ và liên kết tốt với các câu trong đoạn. Điều
đó có nghĩa là không được tuỳ tiện thêm bớt từ ngữ, đặc biệt là các từ ngữ miêu
tả mang tính trọng tâm, bởi vì việc làm này thường kéo theo sự thay đổi về nội
dung, thậm chí cả về cấu tạo câu. Cũng cần tránh sự thay đổi trật tự từ, bởi lẽ
13
việc làm đó có thể khiến cấu trúc câu thay đổi, và khiến câu không còn lien kết
được với các câu khác nữa. GV cần gợi ý để HS chữa câu bằng nhiều cách, sau
đó đưa từng câu mới hình thành vào ngữ cảnh và chọn cách chữa có nội dung,
cấu trúc gắn với câu ban đầu và lien kết chặt chẽ với các câu khác trong đoạn.
Để hoạt động chữa câu có hiệu quả tích cực với số đông HS, nên chọn phân tích
và chữa các lỗi điển hình, xuất hiện phổ biến trong bài viết của các em. Cách lựa
chọn này giúp HS rút ra cách chữa chung cho các dạng câu sai. Ngoài ra, không
nên chọn câu chữa nhiều loại lỗi, bởi những câu như vậy sẽ gây “nhiễu” cho
việc kĩ năng chữa câu theo từng đoạn và cũng quá sức đối với HS tiểu học.
* Các bước phân tích lỗi, chữa câu sai
Để việc chữa câu đạt hiệu quả, nên tiến hành thao tác chữa câu theo các
bước chủ yếu sau:
- Phát hiện và phân tích lỗi (tìm các thành phần chính, phụ trong câu, xem
câu có đúng cấu tạo hay không, phân tích xem nội dung câu có tường minh và
logic không, có gắn với mục đích nói, phù hợp với tình huống giao tiếp hay
không…).
- Phỏng đoán nguyên nhân gây ra lỗi (do nhầm lẫn các thành phần câu, do
không hiểu nghĩa của từ, do không nắm được cấu trúc câu, do đưa cách nói khẩu
ngữ vào văn viết, do không dùng dấu câu hay dùng dấu câu không đúng quy
tắc…).
- Căn cứ vào nguyên nhân gây ra lỗi để chữa câu sao cho vừa bán sát nội
dung và cấu trúc câu cũ, đảm bảo lien kết với các câu khác trong bài, vừa tiết
kiệm từ.
* Một số ví dụ về lỗi và cách chữa lỗi viết câu thường gặp trong bài viết
của HS.
a, Lỗi câu rời:
Có hai kiểu câu rời là lỗi về cấu tạo và lỗi về nội dung. Trong bài làm của
HS, các lỗi về cấu tạo câu chiếm tỉ lệ tương đối cao và có thể quy về một số
dạng phổ biến. Từ những hiểu biết trên, tôi cho rằng, khi hướng dẫn cho HS
chữa câu sai, trước hết nên chú ý tới các câu sai về cấu tạo.
Có hai loại câu sai cấu tạo phổ biến là câu thiếu thành phần và câu thừa thành
phần. Dưới đây là một số VD:
a1) Câu thiếu thành phần
Ví dụ (1): Qua câu chuyện “ Bàn chân kì diệu” cho em thấy ý chí phấn
đấu và nghị lực phi thường của anh Nguyễn Ngọc Kí.
- Khi chữa câu này, GV để HS phát hiện lỗi, nên yêu cầu các em xác định
thành phần chính, phụ của câu (VD: tìm chủ ngữ, vị ngữ, trạng ngữ), từ đó phát
hiện ra cái sai về cấu tạo: thiếu chủ ngữ- chỉ có trạng ngữ và vị ngữ. Để câu có
đủ thành phần, cần bổ sung chủ ngữ, ngoài ra cũng có thể chữa bằng cách “cải
tạo” câu cho đủ thành phần. trong VD trên có thể cải tạo theo hai cách: chuyển
trạng ngữ thành chủ ngữ bằng việc gạch bỏ từ “qua” hoặc tạo cho câu một nòng
cốt mới bằng cách thay thế từ ‘cho” bằng dấu phẩy. Như vậy, câu sai trên đây có
thể chữa thành các câu đúng sau:
14
- Qua câu chuyện “Bàn chân kì diệu”, em thấy ý chí phấn đấu và nghị lực
phi thường của anh Nguyễn Ngọc Ký. ( bổ sung chủ ngữ)
- Qua câu chuyện “Bàn chân kì diệu”, tác giả cho em thấy ý chí phấn đấu
và nghị lực phi thường của anh Nguyễn Ngọc Ký. (tạo nòng cốt mới cho câu)
- Câu chuyện “Bàn chân kì diệu” cho em thấy ý chí phấn đấu và nghị lực
phi thường của anh Nguyễn Ngọc Ký. (chuyển trạng ngữ thành chủ ngữ)
Ví dụ (2): Mẹ em, người bạn lớn vô cùng thân thiết với em.
Câu trên cũng là câu thiếu thành phần, nhưcâu trong VD(2) thuộc dạng
lỗi khác và có nguyên nhân khác. Cái sai của câu là người viết là lời nói của
người viết không chuẩn mực. Về nguyên tắc, các câu giới thiệu, câu nhận định
có mẫu câu kiểu “Ai là gi?” phải có vị ngữ mở đầu bằng từ “là”. Câu này sai
chính là thiếu từ “là” trước từ “người bạn”. Cách chữa đơn giản nhất là thêm từ
“là” vào trước “người bạn” để có câu đúng. Cũng có thể cho rằng nguyên nhân
tạo ra câu sai trên là do người viết nhầm thành phần chú thích của chủ ngữ là vị
ngữ của câu. Theo cách phân tích này thì câu trong VD(2) chưa có vị ngữ, và
việc cần làm để cho câu đúng là thêm vào một vị ngữ. Ta có thể chữa như sau:
- Mẹ em là người bạn lớn mà vô cùng rhân thiết đối với em.
- Mẹ em, người bạn lớn mà vô cùng thân thiết đối với em, luôn chỉ bảo
cho em điều hay lẽ phải.
Qua phân tích hai câu trên, tôi rút ra kết luận: Muốn chữa câu thiếu thành
phần, cần phải “thêm” thành phần còn thiếu cho câu. Ở đây ta hiểu thao tác
“thêm” theo nghĩa rộng: có thể là bổ sung thành phần câu còn thiếu, hoặc cải
biến một thành phần câu vốn giữ chức năng khác thành phần còn thiếu trong
câu.
a 2) Câu thừa thành phần
Loại câu này HS cũng mắc lỗi sai nhưng không nhiều bằng lỗi câu thiếu
thành phần. Nguyên nhân chủ yếu sai lỗi này là do HS mang thói quen của lời
nói miệng vào bài viết.
VD(3): Bài thơ Tre Việt Nam nhà thơ Nguyễn Duy đã ca ngợi những đức
tính tốt đẹp của con người Việt Nam.
Câu trên đây “thừa chủ ngữ” do người viết đưa tên tác giả, tác phẩm. Để
HS thấy thấy rõ cái sai trong câu, GV cần cho các em phân tích cấu tạon ngữ
pháp, bắt đầu bằng việc chỉ ra chủ ngũ, vị ngữ của câu. Sau khi phân tích, các
em sẽ thấy hai cụm từ cùng có thể làm chủ ngữ là “Bài thơ Tre Việt Nam” và
“Nhà thơ Nguyễn Duy”, nhưng không thể cùng làm chủ ngữ cho một câu được
vì chúng hoàn toàn khác nhau về nghĩa. Chữa câu thừa thành phần cũng tương
tự như câu thiếu thành phần, nhưng quy trình ngược lại: cần gạch bỏ thành phần
thừa hoặc chuyển bớt thành phần thừa sang chứa năng khác. Do vây, câu trong
VD(3) có các cách chữa sau:
+ Gạch bỏ “Tre Việt Nam”, câu mới sẽ là: Nhà thơ Nguyễn Duy đã ca
ngợi những đức tính tốt đẹp của con người Việt Nam.
+ Gạch bỏ “ Nhà thơ Nguyễn Duy”, câu mới sẽ là: Bài thơ Tre Việt Nam
đã ca ngợi những đức tính tốt đẹp của con người Việt Nam.
15
+ Chuyển “Bài thơ Tre Việt Nam” thành trạng ngữ của câu bằng cách
thêm từ chỉ quan hệ thì lúc này câu mới sẽ là: Qua bài thơ Tre Việt Nam, nhà thơ
Nguyễn Duy đã ca ngợi những đức tính tốt đẹp của con người Việt Nam.
Hoặc ta có thể thêm từ chỉ quan hệ sở hữu vào câu trên ta sẽ có câu: Bài
thơ Tre Việt nam của nhà thơ Nguyễn Duy đã ca ngợi những đức tính tốt đẹp
của con người Việt Nam.
Như vậy, mỗi câu sai ta có thể chữa bằng nhiều cách khác nhau. Sau khi
chữa xong, cần hướng dẫn HS tìm ra câu mới có nội dung và cấu tạo gần với câu
ban đầu (câu sai) nhất và có mối quan hệ chặt chẽ với các câu khác trong bài.
Từ các cách chữa trên, ta thấy muốn chữa câu thừa thành phần thì phải
bớt đi thành phần thừa bằng cách gạch bỏ từ ngữ “thừa” hoặc chuyển một trong
các từ ngữ “thừa” sang đảm nhiệm chức năng ngữ pháp khác trong câu.
b, Lỗi câu trong văn bản:
b1, Lỗi về trật tự câu:
VD(4): Con mèo nhà em nặng khoảng một ki-lô-gam rưỡi. Lông nó màu
tro. Em nhớ có một lần, nó ra vườn chuối, thấy một con chuột vàng béo quay.
Nó rón rén co mình lại nấp vào gốc chuối. Mắt nó nhìn con chuột rồi bất chợt
nó lao vút tới chỗ con chuột, trong giây lát, nó đã tóm gọn con chuột vào miệng.
Đầu nó trông to bằng cái nắm đấm của em. Mắt nó tròn xoa,rất tinh nghịch.
Trong VD(4) nếu đứng riêng lẻ thì mỗi câu trên đều đúng cấu tạo. Tuy
nhưng khi xem xét cả đoạn ta thấy một số câu sắp xếp không hợp lí: lẽ ra phải
viết hất các chi tiết về hình dáng rồi mới viết các chi tiết về hoạt động nhưng
người viết chưa tả xong hình dáng lại tả hoạt động sau đó lại tiếp tục tả hình
dáng của con mèo. Chính cách sắp xếp các chi tiết như vậy đã phá vỡ mạch của
đoạn văn.
Với lỗi trên, ta cần sử dụng câu hỏi gợi mở để HS tách riêng các chi tiết
về hình dáng và những chi tiết về hoạt động của con mèo, sau đó hướng dẫn các
em sắp xếp các chi tiết theo một trật tự thích hợp.
Như thế, để hạn chế tận gốc kiểu lỗi này, GV cần chú ý hướng dẫn HS
cách quan sát, tìm ý, lựa chọn và sắp xếp ý, lập dàn ý trước khi viết, bởi vì
nguyên nhân của lỗi này không thuộc về kỹ năng viết mà thuộc về kĩ năng lập
dàn ý.
b2) Lỗi về lien kết:
VD (5): Có không biết bao nhiêu là bướm trắng từ tứ xứ rủ nhau đến
chơi ở vườn cải. Nó hợp thành từng đàn, bay rập rờn trên cánh hoa.
Trong câu 2 của VD(5), người viết đã sử dụng từ “nó” đại từ số ít để thay
thế cho cụm từ có ý nghĩa số nhiều là “bướm trắng” chính cách sử dụng từ
không đúng như vậy đã tạo ra lỗi logic trong bài viết. Với lỗi này, GV cần giúp
HS phát hiện ra từ thay thế và từ được thay thế, chỉ ra sự không tương hợp giữa
chúng và lựa chọn đại từ số nhiều để thay thế vào vị trí từ “nó”.
b3) Lỗi về dấu câu:
*Dạng 1: Lỗi sử dụng dấu câu sai:
16
Trong bài viết, một số học sinh đã dùng dấu câu không hợp lý, không
đúng quy tắc. Lỗi sử dụng dấu câu sai của học sinh Tiểu học bao gồm: Dùng dấu
chấm ngắt câu khi chưa đủ ý, dùng dấu phẩy ngăn cách thành phần Chủ - Vị (tất
nhiên ở đây đã loại trừ trường hợp sử dụng dấu câu với dụng ý tu từ), dùng dấu
hai chấm ngăn cách hai vế khi vế nọ không có ý giải thích cho vế kia…
Phổ biến nhất trong loại lỗi này là các câu được dùng dấu chấm tùy tiện
khi chưa hết ý, cắt đôi câu ra một cách vô lý.
Ví dụ: -Buổi sáng, trên những cành cây ngọn cỏ. Sương long lanh như
nhưng hạt ngọc.
- Chiếc cặp ấy to. Hình chữ nhật vuông vắn.
+ Để chữa lỗi các câu trên tôi yêu cầu học sinh đọc lại từng câu xem đã đủ
ý chưa, xác định câu sao cho đủ ý để người đọc có thể hiểu được nội dung của
câu đó. Sau đó học sinh sẽ tự sửa lỗi bằng cách thay dấu chấm bằng dấu phẩy ở
các câu trên.
+ Ngoài ra học sinh còn mắc các lỗi dùng dấu câu khác mà chúng ta có
thể hình dung qua các ví dụ:
- Quê hương em, có rất nhiều dừa.
Với các lỗi này, tôi giúp học sinh nắm vững quy tắc là không dùng dấu
phẩy ngăn cách thành phần chủ vị trong câu, không dùng dấu hai chấm ngăn
cách hai vế khi vế nọ không có ý giải thích cho vế kia và cũng không được dùng
dấu chấm hỏi khi kết thúc câu không phải là câu hỏi.
Trong quá trình chấm, chữa bài cho học sinh, chúng ta còn gặp trường
hợp học sinh muốn truyền đạt lời nói của người khác theo hình thức gián tiếp,
nhất là đối với những câu cầu khiến, câu cảm thán, câu hỏi gián tiếp.
Ví dụ: Bà bảo cháu hát đi !
Học sinh mắc lỗi này là do các em không nắm vững được quy tắc chuyển
đổi câu từ lời nói trực tiếp sang lời nói gián tiếp. Để chữa được lỗi này, tôi đã
hướng dẫn học sinh như sau: Khi muốn truyền đạt lời nói của người khác bằng
lời nói của mình, gặp những câu hỏi, câu cầu khiến, câu cảm thán thì cần phải
chuyển đổi những câu đó thành câu kể và dùng dấu chấm để kết thúc.
* Dạng 2: Lỗi không dùng dấu câu:
Ví dụ : Sáng nay tôi dậy hơi muộn tôi thấy cách cửa hé mở tôi không hiểu
chuyện gì, tôi gọi Cún con ra sân tập thể dục nhưng chẳng thấy Cún con đâu tôi
chạy đi tìm Cún con bỏ đi rồi.
Ví dụ: Cô giáo khen em khi nào về bố mua cho em một chiếc cặp sách.
Để chữa các lỗi này, tôi hướng dẫn học sinh phân tích cấu trúc, tách đoạn
ra thành câu và điền dấu chấm, viết hoa cho đúng.
Học sinh thường bỏ không dùng các dấu phẩy (dấu chấm phẩy) ngăn cách
hô ngữ, ngăn cách các bộ phận đồng chức vụ. Ví dụ:
- Chiếc bút chì của em dài bằng gang tay to như chiếc đũa.
- Mẹ em rất vui em cũng rất vui.
Khi chữa lỗi này, tôi hướng dẫn cho học sinh biết cách thêm các dấu phẩy
(dấu chấm phẩy) vào chỗ cần thiết (ngăn cách các bộ phận cùng chức vụ).
17
c. Sửa chữa lỗi diễn đạt:
Thông thường việc sửa lỗi diễn đạt dựa trên cơ sở bài viết của lớp để tìm
ra các câu tiêu biểu có vấn đề về ngữ pháp, về chính tả để cho học sinh nhận xét,
sửa chữa như tôi đã trình bày ở phần 1. Định hướng như vậy sẽ giúp cho việc
sửa chữa lỗi sát trình độ của lớp. Tuy nhiên, để có được bài văn tốt giáo viên
cũng cần tính đến việc sửa lỗi diễn đạt cho học sinh. Về cách tiến hành sửa chữa
lỗi diễn đạt, cần chia ra nội dung sửa chữa lỗi chung trước lớp và nội dung cá
nhân học sinh tự sửa chữa lỗi trên bài viết đã được thầy, cô giáo nhận xét. Để
thực hiện được việc này, giáo viên cần thống nhất với học sinh lớp mình dạy
một số ký hiệu trong chấm bài của thầy cô giáo. Ký hiệu này không cần thống
nhất trong toàn trường hay toàn khối. Chỉ cần thống nhất giữa giáo viên dạy và
học sinh của lớp mình. Để thực hiện vẫn đề này có hiệu quả, trong thời gian qua
bản thân tôi đã thực hiện như sau: Những lỗi thông thường, hay gặp trong bài
viết của học sinh, tôi đã gạch dưới và ghi ra bên lề ký hiệu xác nhận hình thức
lỗi cần sửa. Học sinh nhận lại bài khi cô giáo đã chấm và có trách nhiệm tìm đọc
các lỗi đã được cô giáo phát hiện để chữa lại cho đúng.
* Ví dụ 1: Ông thường cho em ăn quà nên em rất yêu mến và nhớ mong
ông khi ông có dịp đi xa. (Bài viết của học sinh).
Câu văn muốn nói lên tình cảm yêu mến và nhớ mong của cháu (đã học
đến lớp 5) đối với người ông. Hai vế trong câu ghép được nối với nhau bằng
quan hệ từ “nên” đã giúp chúng ta nhận ra nguyên nhân của tình cảm đó. Và
chính điều đó làm chúng ta phải băn khoăn về thứ tình cảm yêu mến và nhớ
mong của người cháu đối với người ông. Cháu yêu mến ông vì sao? Vì ông
thường cho cháu ăn quà. Viết như vậy sẽ làm giảm tình cảm yêu mến của cháu
đối với ông.
Có thể kết hợp với ý ở ngay câu trên trong bài viết để sửa lại, nhằm tôn
lên tình cảm yêu thương của cháu đối với ông. Ta có thể sửa lại như sau:
Là đứa cháu đích tôn trong đại gia đình, em được nuông chiều nhiều nhất
nên em rất yêu mến ông.
Viết như vậy sẽ làm cho tình cảm ông cháu trở nên sâu nặng hơn và phần
nào có tính chất thiêng liêng. Sự gắn bó của hai thế hệ, sự gắn bó của cả dòng
họ. Sự gắn bó mới sâu nặng làm sao!
Nỗi nhớ mong của cháu đối với ông được diễn đạt là “Khi ông có dịp đi
xa…”. Đối với người già mà dùng cụm từ “đi xa” là có ý khác nên ta cần tránh
dùng các cụm từ này. Phải chăng, chỉ khi ông đi xa mới nhớ, còn ông đi gần thì
không nhớ chắc! Nên sửa là: Khi ông đi vắng, hay khi ông ra khỏi nhà .Nói như
vậy sẽ tăng được sự gắn bó của người cháu đối với người ông, và tránh được sự
ngộ nhận của người đọc.
Có thể sửa lại như sau: Mỗi khi ông đi vắng, em lại nhớ mong ông.
Có thể cụ thể sự nhớ mong ông của người cháu bằng cách miêu tả tâm
trạng của người cháu. Ví dụ: Mỗi khi ông đi vắng, em lại cảm thấy căn nhà như
trống trải hẳn, em càng nhớ mong ông nhiều hơn.
18
Hay có thể thêm chi tiết làm rõ hoàn cảnh vắng ông và tâm trạng nhớ
mong của người cháu đối với ông:
Mỗi khi đi học về mà không thấy ông ở nhà, em lại cảm thấy căn nhà như
trống vắng hẳn. Em không còn thiết làm gì nữa chỉ hết chạy ra cửa lại quay vào
nhà mong ngóng ông trở về.
Khi sửa lỗi về câu, từ, cách diễn đạt, để dẫn đến một khía cạnh khác học
sinh sẽ thấy được tại sao cùng các từ ngữ đó mà hình ảnh câu văn của bạn sinh
động hơn.
4. Kết quả và bài học kinh nghiệm
Ngay từ đầu năm học 2016 - 2017, tôi đã mạnh dạn lên chuyên đề Tập
làm văn trả bài. Tôi đã áp dụng phương pháp tổ chức, hướng dẫn học sinh theo
các hoạt động đã nêu ở trên . Thực tế cho thấy hiệu quả giờ dạy được nâng lên
rất nhiều. Đáng chú ý hơn năm 2016 - 2017 khảo sát chất lượng giữa học kì I,
số học sinh Hoàn thành tốt chỉ đạt 12 % , nhưng thi cuối học kì II có 68 % HS
Hoàn thành tốt phân môn Tập làm văn (không có HS xếp loại Chưa hoàn thành).
Giờ dạy thành công, xếp loại Giỏi, được Ban giám hiệu, anh chị em đồng nghiệp
đánh giá cao..
Khi áp dụng vào thực tế cho thấy các em khá vững vàng trong khi viết
câu văn. Đã biết sử dụng các câu có hình ảnh, lột tả được cảm xúc của người, sự
vật, cảnh vật.
Nhờ việc giúp HS rèn luyện kĩ năng xác định yêu cầu của đề bài, kĩ năng
dùng từ, kĩ năng viết câu mà chất lượng môn Tập làm văn cao hơn hẳn so với
đầu năm.
Và đặc biệt hơn nữa, tôi còn nhận được sự tin yêu từ phía học sinh. Các
em không chỉ mạnh dạn góp ý, trao đổi ý kiến trong tiết Tập làm văn mà các em
còn tự tin hơn trong tất cả các tiết học. Tình cảm giữa cô và trò ngày càng trở
nên thân thiết. Tôi càng hiểu rõ hơn ý nghĩa sâu xa của câu: “Yêu người bao
nhiêu, yêu nghề bấy nhiêu”. Đó cũng chính là động lực thúc đẩy tôi tiếp tục tìm
tòi và áp dụng những kinh nghiệm đã tích lũy được vào sự nghiệp trồng người
của mình.
III. KẾT LUẬN VÀ KIẾN NGHỊ
Dạy học môn tập làm văn lớp 5 tức là dạy cho học sinh kỹ năng sử dụng
tốt, đúng, có sáng tạo ngôn ngữ Việt Nam trong giao tiếp. Tuy nhiên để làm tốt
được điều này đòi hỏi người giáo viên phải có được một số yêu cầu cơ bản sau
đây:
- Giáo viên cần phải hướng dẫn học sinh nắm chắc được phương pháp bài
làm và thể loại, HS phải xác định được đúng yêu cầu trọng tâm của đề bài, biết
dùng từ ngữ để viết câu, biết sử dụng câu sao cho nó lôgíc và phù hợp với đoạn
văn.
- Xem trọng việc chấm, chữa bài viết của học sinh để tìm ra lỗi sai trong
bài làm của các em rồi cùng các em sửa chữa lỗi sai.
19
- Phải biết động viên, gợi mở, giúp các em mở rộng câu văn gợi tả gợi
cảm hơn các câu văn các em đã làm.
- Giáo viên phải không ngừng học tập, tự nghiên cứu, nắm vững phương
pháp bộ môn. Nắm bắt kịp thời cái mới của phân môn bằng lòng quyết tâm cao.
- Giáo viên phải tham gia thường xuyên các lớp tập huấn, chuyên đề để
nắm được tinh thần đổi mới, để tháo gỡ được các khó khăn, lung túng trong quá
trình dạy học.
- Giáo viên phải thường xuyên tự bồi dưỡng và nâng cao vốn từ ngữ, văn
học của bản thân, bởi theo cách học này học sinh sẽ nêu ra rất nhiều tình huống,
rất nhiều câu hỏi, nếu giáo viên không am hiểu sẽ bị lúng túng, không thuyết
phục được học sinh.
- Học sinh có định hướng học tập rõ ràng, nắm vững hoạt động mình phải
làm và những yêu cầu mình phải đạt được sau những hoạt động ấy.
Trên đây là một vài kinh nghiệm mà bản thân tôi đã rút ra được trong quá
trình giảng dạy. Song việc dạy học văn cho học sinh là cả một quá trình không
thể một sớm, một chiều là có được kết quả như mong muốn, mà cần phải có
nhiều thời gian. Bản thân tôi sẽ cố gắng tìm ra nhiều biện pháp hơn nữa để nâng
cao chất lượng dạy - học.
Do kiến thức về Tiếng Việt Tiểu học muôn hình muôn vẻ, vì thế không thể
không tránh khỏi những thiếu sót nhất định. Vì vậy rất mong sự đóng góp ý kiến
xây dựng của quý cấp và các bạn đồng nghiệp để đề tài này hoàn chỉnh và có
hiệu quả hơn.
XÁC NHẬN CỦA
THỦ TRƯỞNG ĐƠN VỊ
Hoằng Lộc, ngày 12 tháng 5 năm 2017
Tôi xin cam đoan đây là SKKN
của tôi viết không sao chép nội
dung của người khác.
Nguyễn Thị Lành
20