Tải bản đầy đủ (.doc) (21 trang)

Một vài biện pháp nhằm khơi gợi sự hứng thú cho hoc sinh lớp 6 trường THCS trí nang trong giờ học tiếng việt

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (127.24 KB, 21 trang )

I. MỞ ĐẦU
1. Lí do chọn đề tài
Việc đổi mới phương pháp giảng dạy môn Ngữ văn hiện nay đã và đang
thực sự là yếu tố quyết định hiệu quả giờ dạy. Phương pháp dạy học đổi mới chú
trọng đến việc phát huy tính tích cực, tự giác, chủ động, sáng tạo của học sinh
làm cho học sinh ham thích môn học. Điều 24, luật giáo dục (do Quốc hội khóa
X thông qua) cũng đã chỉ rõ “Phương pháp giáo dục phải phát huy tính tích cực,
chủ động, sáng tạo của học sinh; phù hợp với từng lớp học, môn học, bồi dưỡng
phương pháp tự học, rèn luyện kĩ năng vận dụng kiến thức vào thực tiễn, tác
động đến tình cảm, đem lại niềm vui, hứng thú học tập cho học sinh”. Đây là
định hướng cơ bản thiết thực đối với mỗi giáo viên trong đó có giáo viên dạy
môn Ngữ văn.
Tuy nhiên, trong những năm gần đây, vấn đề học tập môn Ngữ văn của
học sinh (HS) Trung học phổ thông nói chung, Trung học cơ sở (THCS) nói
riêng khiến thầy cô giáo và các nhà giáo dục rất lo ngại. Điểm thi của nhiều em,
trong các kì thi quan trọng khá thấp. Bài làm của các em không những yếu mà
có những học sinh còn làm sai lệch nội dung bài học, hoặc cá biệt còn có em để
giấy trắng. Điều đó cho thấy chất lượng thấp và thái độ thờ ơ của HS đối với
môn Ngữ văn. Đâu đó ta vẫn thấy cách HS nói chuyện với nhau một cách cộc
lốc, viết bài làm văn thì bị bí từ, dùng sai nghĩa của từ, cảm nhận văn học thì
khô khan... Đó chẳng phải là hậu quả của việc thờ ơ, xem nhẹ môn Ngữ văn,
trong đó có phân môn Tiếng Việt đó sao?
Không chỉ trong bộ môn Ngữ văn, mà đối với tất cả các môn học khác thì
phân môn Tiếng Việt có tầm quan trong đặc biệt. Tiếng Việt có nhiệm vụ cung
cấp cho học sinh những tri thức ngôn ngữ học, hệ thống tiếng Việt, quy tắc hoạt
động và những sản phẩm của nó trong mọi hoạt động giao tiếp. Mặt khác, Tiếng
Việt là một công cụ giao tiếp và tư duy, nên môn Tiếng Việt còn đảm nhận thêm
một chức năng kép mà các môn học khác không có. Đó là chức năng trang bị
cho học sinh công cụ để giao tiếp: tiếp nhận và diễn đạt mọi kiến thức khoa học
trong nhà trường. Phân môn tiếng Việt được xem là “chìa khóa” mở đầu cho các
môn học khác.


Quan trọng là thế, song Tiếng Việt lại chưa thực sự được coi trọng, nếu
như không muốn nói là bị xem nhẹ trong những năm gần đây. Trong bộ môn
Ngữ văn thì phân môn tiếng Việt luôn bị xem là khô khan, là khó học, là “rắc

1


rối”. Người ta vẫn thường nói: “Phong ba bão táp không bằng ngữ pháp Việt
Nam”. Chính vì thế mà đa số các em rất ngại học phân môn này.
Nguyên nhân nào khiến chất lượng học tập môn Ngữ văn cũng như phân
môn Tiếng Việt xuống thấp như vậy? Có nhiều nguyên nhân nhưng một trong
số các nguyên nhân đó là do giáo viên chưa biết tạo hứng thú với học sinh qua
từng tiết, từng bài dạy. Bởi chỉ khi có hứng thú học tập các em mới chủ động
tham gia các hoạt động học tập trên lớp, thay vì ngồi chờ trống hết giờ một các
mệt mỏi, uể oải. Và nếu không có hứng thú học tập thì sẽ không tập trung,
không hiểu bài, kiến thức bị thiếu hụt, dẫn đến kết quả học tập không cao. Trong
khi đó, kiến thức có sự liên quan tới nhau, nên một bài không hiểu dẫn đến khó
hiểu cho những bài tiếp theo sau đó. Cũng như lớp này bị hổng kiến thức thì học
các lớp sau sẽ rất khó khăn.
Là một giáo viên trực tiếp giảng dạy bộ môn Ngữ văn nhiều năm tại các
trường vùng sâu, vùng xa (THCS Quang Hiến, THCS Trí Nang- Huyện Lang
Chánh-tỉnh Thanh Hóa) tôi cũng nhận thấy những hạn chế này đối với học sinh
của mình. Từ đó tôi đã không ngừng tìm hiểu nguyên nhân cũng như cách khắc
phục vấn đề. Một phần giúp học sinh có hứng thú học tập và học tập tốt hơn
môn Ngữ văn nói chung, phân môn Tiếng Việt nói riêng, đồng thời góp phần
nâng cao chất lượng học tập chung trong toàn trường. Trong phạm vi của một
sáng kiến kinh nghiệm nhỏ, tôi xin mạnh dạn đề cập đến “Một vài biện pháp
nhằm khơi gợi hứng thú cho học sinh lớp 6 (lớp mà tôi đang trực tiếp giảng
dạy) của trường THCS Trí Nang trong giờ học Tiếng Việt”.
2. Mục đích nghiên cứu

Đề tài nghiên cứu “Một vài biện pháp nhằm khơi gợi hứng thú cho học
sinh lớp 6 của trường THCS Trí Nang trong giờ học Tiếng Việt”, nhằm các mục
đích sau:
- Trước hết để bản thân có cơ hội và điều kiện hiểu thêm về đối tượng HS
mà mình trực tiếp giảng dạy. Từ đó có những biện pháp phù hợp giúp các em
yêu thích môn học Ngữ văn nói chung và phân môn Tiếng Việt nói riêng, vốn là
những môn học mà các em vẫn xem là khó và chưa dành tình cảm nhiều cho nó.
Từ đó góp phần nâng cao chất lượng giáo dục trong nhà trường.
- Đồng thời tài liệu này có thể giúp cho giáo viên dạy môn Ngữ văn áp
dụng cho các lớp, các bài cụ thể.
-Tôi cũng hy vọng, với bài nghiên cứu của mình sẽ mở ra cho nhiều
hướng nghiên cứu mới về vấn đề tạo hứng thú học tập cho học sinh ở tất cả các

2


phân môn, các bộ môn khác trong nhà trường để các em say mê học tập, vui
thích đến trường đúng với câu khẩu hiệu “Mỗi ngày đến trường là một ngày
vui”.
3. Đối tượng nghiên cứu
Đối tượng mà kinh nghiệm hướng tới là giúp 24 học sinh khối 6 của trường
THCS Trí Nang có được hứng thú trong giờ học phân môn tiếng ViệtMột phân môn vốn được xem là khó học, là khô khan.
4. Phương pháp nghiên cứu
- Phương pháp nghiên cứu xây dựng cơ sở lý thuyết
- Phương pháp điều tra khảo sát thực tế
- Phương pháp thu thập thông tin
- Phương pháp thống kê số liệu
II. NỘI DUNG
1. Cơ sở lí luận
Môn Ngữ văn được chia làm ba phân môn: Văn học, Tập làm văn và tiếng

Việt. Mỗi phân môn chiếm một vị trí quan trọng riêng và có sự ảnh hưởng tới
nhau. Song phải thấy một điều, mức độ ảnh hưởng của phân môn Tiếng Việt đối
với hai phân môn còn lại là rất lớn. Tiếng Việt không chỉ là công cụ để học tập
hai phân môn còn lại, Tiếng Việt còn là công cụ ngôn ngữ giúp ta giao tiếp trong
cuộc sống hàng ngày, trong công việc,...Chính vì vậy, việc tạo hứng thú để học
sinh yêu thích và học tốt Tiếng Việt là điều rất quan trọng.
Vậy hứng thú là gì? Hứng thú là một thuộc tính tâm lí - nhân cách của con
người. Hứng thú có vai trò rất quan trọng trong học tập và làm việc, không có
việc gì người ta không làm được dưới ảnh hưởng của hứng thú. M.Gorki từng
nói: Thiên tài nảy nở từ tình yêu đối với công việc. Cùng với tự giác, hứng thú
làm nên tính tích cực nhận thức, giúp HS học tập đạt kết quả cao, có khả năng
khơi dậy mạch nguồn của sự sáng tạo.
2. Thực trạng vấn đề
Học sinh của trường THCS Trí Nang có tới 99% các em là dân tộc Thái.
Điều kiện kinh tế khó khăn, sự quan tâm của gia đình và địa phương chưa được
như mong muốn. Trong khí đó các em gặp rất nhiều khó khăn trong học tập, do
các em có thói quen giao tiếp với nhau ở khắp mọi nơi đều bằng ngôn ngữ dân
tộc Thái của mình, trừ khi trong giờ học và giao tiếp với giáo viên. Các em cũng
thờ ơ với việc học tập môn Ngữ văn trong đó có phân môn Tiếng Việt. Từ chỗ
thờ ơ dẫn đến học kém. Càng không hiểu bài các em càng chán nản thậm chí sợ

3


và nghĩ môn học này khó. Tất cả các lí do trên khiến chất lượng môn Ngữ văn
nói chung, phân môn Tiếng Việt nói riêng bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Trong
quá trình giảng dạy các em, nhất là khi làm bài tập, làm bài kiểm tra, tôi nhận
thấy kĩ năng làm văn nói chung và kĩ năng làm bài tập tiếng Việt nói riêng của
các em còn rất kém. Thực tế :
- Có học sinh làm xong bài kiểm tra nhưng trình bày các ý lộn xộn, khó hiểu, sai

nhiều lỗi chính tả, ngữ pháp.
- Có học sinh làm chưa xong bài và viết sai yêu cầu của đề (do đọc không kĩ đề
hoặc không biết cách trình bày)
- Có học sinh không làm nộp giấy trắng
- Nhiều học sinh bài làm không có số câu, tùy đâu làm đấy.
- Đặc biệt, rất nhiều bài làm qua loa cho xong tay để nộp bài, không cần biết
đúng hay sai hoặc chép nguyên bài của bạn mà bản thân không biết mình đang
viết gì.
Khi có ý tưởng làm sáng kiến này, tôi đã làm một cuộc khảo sát nhỏ về
tình yêu và hứng thú học tập phân môn tiếng Việt so với các môn khác, như Âm
nhạc, Mĩ thuật, Giáo dục công dân (GDCD), Thể dục đối với học sinh lớp 6 tại
trường THCS Trí Nang và kết quả như sau:
Kết quả tình yêu và hứng thú học tập ở một số môn học của HS khối 6.
Sĩ số Tiếng Việt
24
5hs=20%

GDCD
Thể dục
Âm nhạc
Mĩ thuật
10hs=41,6% 12hs=50% 14hs=58,3% 18hs=75%

Và đây là:
Kết quả bài kiểm tra Tiếng Việt ở học kì 1-Tiết 46
Sĩ số
24

Tỉ lệ điểm khá,
giỏi

0hs =0%

Tỉ lệ điểm
trung bình
10hs=41,6%

Tỉ lệ điểm yếu,
kém
8hs=33,4%

Tỉ lệ điểm 0
6hs=25%

Nhìn vào bảng số liệu thống kê có thể thấy, tình yêu và hứng thú học tập
của các em dành cho môn Ngữ văn chưa cao. Và kéo theo đó điểm số của phân
môn tiếng Việt cũng khá thấp.

4


Xuất phát từ thực trạng trên và nắm rõ nguyên nhân của thực trạng trên,
tôi đã mạnh dạn tìm tòi, vận dụng “Một vài biện pháp nhằm khơi gợi hứng thú
cho học sinh lớp 6 của trường THCS Trí Nang trong giờ học Tiếng Việt”.
Nhưng làm như thế nào và bằng cách nào để yêu cầu đạt hiệu quả ? Đây là
vấn đề tôi muốn đề cập trong giải pháp nhỏ này.
3. Giải pháp
Tôi sẽ kết hợp thực hiện đồng bộ các giải pháp. Dưới đây là những giải
pháp cụ thể.
3.1. Hướng dẫn học sinh phương pháp học tập
Đối với bất kì lớp nào, khi mới tiếp nhận, điều đầu tiên tôi làm là trao đổi

với các em về phương pháp học tập bộ môn. Đối với học sinh lớp 6 mới vào, do
sự thay đổi môi trường, cách dạy khác với Tiểu học, việc hướng dẫn phương
pháp học tập với các em lại càng quan trọng hơn. Và chỉ khi nắm được phương
pháp học thì thời gian và công sức của các em bỏ ra để học không bị hao hụt,
uổng phí. Phương pháp học tập phân môn Tiếng Việt nên theo các bước sau:
Thứ nhất: là bước chuẩn bị tài liệu, sách vở. Học sinh nhất thiết phải có
sách giáo khoa. Tài liệu tham khảo có càng tốt. Vở phải có ít nhất hai cuốn, một
cuốn vở ghi lý thuyết và một cuốn làm bài tập. Nên có thêm giấy nháp.
Thứ hai: việc học của HS phải được thực hiện qua ba bước như sau:
Bước 1: Đọc và nghiên cứu trước bài ở nhà. Đây là việc không phải HS
nào cũng biết và nếu có biết thì cũng không phải em nào cũng tự giác thực hiện.
Vì vậy giáo viên phải có cách để xem các em làm việc này có thường xuyên
không. Việc đọc và nghiên cứu trước bài ở nhà bằng cách tập trả lời các câu hỏi
trong sách giáo khoa sẽ giúp HS có ý thức, ý niệm về bài học sắp tới. Đồng thời
sẽ có những nảy sinh trong quá trình các em tự trả lời câu hỏi. Những thắc mắc
này sẽ trở nên những ấm ức khó chịu khiến các em có nhu cầu muốn biết khi
vào giờ học, từ đó mà tập trung hơn, và sẽ cảm thấy thoải mái khi vấn đề đã đã
tỏ ở trên lớp.
Bước 2: chú ý lắng nghe giảng bài trên lớp. Việc này tưởng chừng rất
bình thường và dễ làm nhưng thực ra nó rất quan trọng và không dễ, nếu HS
không có ý thức và chủ động thực hiện. Nếu bị ép phải chú ý sẽ là vô cùng căng
thẳng với HS. Nếu không có hứng thú thì việc phải ngồi 45 phút sẽ cảm thấy
thời gian dài vô cùng. Vì vậy giáo viên phải làm cho HS hiểu được ý nghĩa và sự
cần thiết của việc chú ý nghe giảng. Đó không chỉ là sự tôn trọng thầy cô, bạn bè
mà còn giúp ích cho chính bản thân HS. Trong một bài học, bao giờ giữa các

5


phần, mục cũng có mối quan hệ với nhau, chỉ cần lơ là, không hiểu một phần, sẽ

khiến các em không tìm thấy sự kết nối với các phần khác, tức là sẽ khó hiểu
phần tiếp theo, khó bắt nhịp tiến độ của bài học và dẫn tới không hiểu bài. Mà
không hiểu bài sẽ dẫn đến chán học và học kém.
Bước 3: Làm bài tập. Đây cũng là khâu quan trọng. Là khâu hiện thực hóa
kiến thức lý thuyết, đưa lý thuyết, áp dụng lý thuyết vào thực tiễn. Có thực hành
làm bài tập kiến thức mới được củng cố, khắc sâu, đồng thời giúp HS sáng tạo,
vì trong quá trình làm bài tập thường nảy sinh vấn đề mới, đòi hỏi HS phải biết
cách khắc phục, giải quyết. Chính vì vậy giáo viên phải tạo cơ hội để HS được
làm thật nhiều bài tập.
3.2. Tạo hứng thú cho HS trong việc dạy của giáo viên
Hứng thú không tự nhiên nảy sinh và khi đã nảy sinh nếu không duy trì,
nuôi dưỡng cũng có thể bị mất đi. Hứng thú được hình thành, duy trì và phát
triển nhờ môi trường giáo dục với vai trò dẫn dắt, hướng dẫn, tổ chức của GV.
GV là người có vai trò quyết định trong việc phát hiện, hình thành, bồi dưỡng
hứng thú học tập cho HS. Hứng thú học tập phải được duy trì trong tất cả các
khâu, các bước của tiến trình một giờ dạy và học.
3.2.1.Tạo hứng thú học tập bằng việc xây dựng môi trường thân thiện
giữa thầy và trò.
Bên cạnh việc tác động vào nội dung và phương pháp, hình thức tổ chức
dạy học, việc thiết lập được mối quan hệ hợp tác tích cực tốt đẹp giữa thầy và
trò, giữa các trò cũng sẽ tạo hứng thú cho học sinh. Hình thức tổ chức dạy học
hấp dẫn cùng với một bầu không khí thân ái hữu nghị trong giờ học sẽ tạo ra sự
hứng thú cho cả thầy và trò. Bởi vì, học là hạnh phúc không chỉ vì những lợi ích
mà nó mang lại, mà hạnh phúc còn nằm ngay trong chính sự học.
Để tạo hứng thú cho học sinh, người giáo viên cần biết tổ chức quá trình dạy
học theo một chiến lược lạc quan: Chú trọng vào mặt thành công của học sinh.
Đồng thời, cần tập cho mình có một cách nhìn: Học sinh không phải em nào
cũng ngoan, em nào cũng giỏi, em nào cũng cố gắng. Có không ít em ng ồi trong
lớp toàn nủ g ật hoặc quậy phá, không ghi chép bài, nói leo…
Giáo viên phải có một phẩm chất đặc biệt, biết cách cư xử đặc biệt với học sinh.

Đó là thái độ nâng đỡ, khích lệ, thông cảm, chú trọng vào mặt thành công của

6


các em. Đó là khả năng biết tự kiềm chế, khả năng đồng cảm với học sinh, khả
năng làm việc kiên trì tỉ mỉ.
Đó là khả năng biết tổ chức quá trình dạy học một cách nhẹ nhàng tự nhiên
không gây căng thẳng cho học sinh.
Cũng cần phải biết tỏ ra ngạc nhiên, vui sướng, cần phải tôn trọng những sáng
tạo của học sinh, dù rất nhỏ. Đồng thời phải nhẹ nhàng trước những sai lầm của
các em, tránh chê bai, chỉ trích, làm các em xấu hổ hay tủi thân, sợ hãi.
Ví dụ: Khi gọi các em phát biểu, GV dùng bàn tay đưa nhẹ nhàng về phía trước,
tránh dùng ngón ta chỉ thẳng vào mặt. Khi học sinh trả lời xong, GV mời học
sinh ngồi xuống, kèm theo đó là lời khen ngợi hoặc nhắc nhở. Khi học sinh nói,
Gv phải tôn trọng lượt lời, tránh ngắt lời hoặc chê bai như “sai hết”, “sao chậm
hiểu thế”, “có thế mà cũng không nói được),..Quan trọng là GV phải có câu hỏi
gợi mở, dẫn dắt để các em trả lời được, làm được bài tập. GV nhìn học sinh bằng
ánh mắt, nụ cười thân thiện. Gần gũi, quan tâm, động viên, khích lệ các em tích
cưc, chủ động tham gia xây dựng bài. Người Gv phải coi mình như một diễn
viên, phải cố gắng để chiếm được tình cảm và sự yêu mến của khán giả. Hãy
nên nhớ rằng sự thân thiện là một trong những yếu tố quan trọng tạo nên thành
công của bài học. Ta thử nghĩ trong một tiết học, GV suốt ngày la hét, bức xúc
thì liệu bài học có hoàn thành được không? tiết học có thành công được không?
Không khí lớp học sẽ căng thẳng như thế nào?
3.2.2.Tạo hứng thú trong khâu giới thiệu bài
Đây là khâu nhiều giáo viên dễ bỏ qua vì xem nhẹ vai trò của nó. Khâu
này thực hiện tốt sẽ giúp HS chuẩn bị sẵn sàng tâm thế cho bài học đồng thời có
được hứng thú học tập ngay từ đầu. Giới thiệu bài phải giới thiệu được nội dung
bài sắp học đồng thời phải hay, mới lạ. Có những cách giới thiệu vào bài sau

đây:
- Từ việc kiểm tra bài cũ, giáo viên dẫn dắt vào bài mới.
- Giới thiệu bằng cách tạo vấn đề mâu thuẫn với kiến thức và vấn đề sắp
tới.
- Giới thiệu trực tiếp vào vấn đề, vào bài.
Ví dụ tiết 87, bài So sánh, Ngữ văn 6 tập 2.

7


Từ câu hỏi bài cũ: Hãy cho biết so sánh là gì? So sánh có những đặc điểm
gì? Với câu hỏi bài cũ này, sau khi HS trả lời, giáo viên dẫn dắt vào bài như sau:
Ở tiết trước chúng ta đã được củng cố khái niệm so sánh là gì, điều kiện để ta so
sánh được và các đặc điểm khác của so sánh. Vậy so sánh có mấy kiểu, đó là
những kiểu nào? Và tác dụng của so sánh trong sáng tác nghệ thuật là gì, tiết thứ
hai của bài so sánh sẽ cho chúng ta rõ về điều này.
Ví dụ giới thiệu cho tiết 91, bài Nhân hóa. Giáo viên có thể giới thiệu như
sau:
Trong cuộc sống, đôi khi ta vẫn nghe ai đó vì bức xúc, vì không làm chủ
được những phát ngôn của mình, mà dùng những từ vốn chỉ để gọi hay dùng cho
vật để gọi cho người. Mục đích để xúc phạm danh dự, nhân phẩn của người
khác,... Điều này pháp luật cũng đã có những quy định mức độ vi phạm rõ ràng.
Cách làm như vậy người ta gọi là “vật hóa”. Trái với hình thức trên, trong cuộc
sống, trong văn chương nghệ thuật, người ta cũng thường dùng cách ngược lại:
lấy lời hay ý đẹp của người để dành cho vật. Vậy cách làm đó là gì? Làm như
vậy nhằm mục đích gì? Cụ thể như thế nào cô trò ta cùng tìm hiểu qua bài Nhân
hóa, sẽ rõ.
3.2.3.Tạo hứng thú trong khâu phân tích ngữ liệu
Ở khâu này nếu HS không chú ý hoặc sự tập trung không tốt thì sẽ không
biết khái niệm sẽ được rút ra như thế nào. Sẽ khó cho HS nếu phải lấy ví dụ

tương tự hoặc vận dụng vào làm bài tập.
Đây là khâu dễ gây nhàm chán cho HS. Nhàm chán có thể từ cách dẫn dắt
của giáo viên, nhàm chán bởi sự quen thuộc của những ngữ liệu ấy, có khi nó
được lấy lại trong một văn bản văn học vừa học xong,...Và đôi khi ngữ liệu mà
sách giáo khoa cung cấp mới chỉ đáp ứng được yêu cầu tối thiểu là đúng thôi
chứ chưa hay chưa hấp dẫn theo suy nghĩ của HS. Vậy làm sao để tạo được
hứng thú của HS ở khâu này? Theo tôi, các giáo viên nên mạnh dạn làm mới
khâu này theo hai cách sau đây:
Cách thứ nhất: Giáo viên không nên quá lệ thuộc vào các câu hỏi và ngữ
liệu mà sách giáo khoa cung cấp. Bởi nhiều câu hỏi và tiến trình khai thác kiến
thức mà sách giáo khoa đưa ra, nhiều khi không thật sự phù hợp với tất cả các
đối tượng học sinh. Vì vậy giáo viên nên hiểu học sinh của mình và vận dụng
linh hoạt.

8


Chẳng hạn, ở bài Danh từ, tiết 32, Ngữ văn 6 tập 1. Ngay ở yêu cầu đầu
tiên của sách giáo khoa là: Dựa vào những kiến thức đã học ở bậc Tiểu học, hãy
xác định danh từ trong cụm danh từ dưới đây.
Với HS lớp 6 của trường THCS Trí Nang, phần đa các em sẽ không có
hứng thú và không tập trung được vào bài học với yêu cầu này. Vì một mặt do
câu hỏi có sẵn trong sách, không có gì mới lạ; mặt khác các em còn chưa kịp
định hình danh từ là gì, mặc dù các em đã được học. Một số em quên do thời
gian, còn một số em quên là do chưa bao giờ nhớ. Với những em chưa bao giờ
nhớ, thì khái niệm danh từ là gì sẽ hoàn toàn mới. Trong khi đó sách yêu cầu
ngay việc xác định danh từ sẽ là cái khó cho các em.
Chính vì vậy, trước khi đưa ra yêu cầu này, giáo viên nên có một yêu cầu
khác để, một mặt tạo ra hứng thú, mặt khác tạo ra sự khác lạ, đồng thời cho các
em biết và nhớ lại danh từ là gì. Chẳng hạn giáo viên có thể yêu cầu HS như sau:

- Em hãy gọi tên những người mà em biết? (bố, mẹ, ông, bà, cô giáo, bạn
Hà, ...)
- Em hãy kể tên các động vật mà em biết? (trâu, bò, lơn, gà,..)
- Em hãy kể tên các thực vật mà em biết? (cây, mít, hoa, lá,..)
- Em hãy kể tên các vật thể, hiện tượng trong thiên nhiên mà em biết?
(trời, đất, sông, núi, mưa, bão,..)
Với câu hỏi trên, giáo viên dễ dàng đưa cả lớp vào một hướng tập trung
mới lạ. HS sẽ tập trung vào trả lời câu hỏi mà quên mất là mình đang học. Từ
câu trả lời đơn giản trên, giáo viên cũng dễ dàng dẫn dắt để cả lớp nhớ lại kiến
thức mà các em đã học ở cấp I. Vì những cái mà các em vừa gọi tên nó ra đó
chính là danh từ.. Giáo viên nên gọi một học sinh yếu hoặc kém (nếu có) để trả
lời câu hỏi này. Vì đây là câu hỏi dễ, cần để cho những em yếu, kém trong lớp
có cơ hội được tham gia giờ học. Khi đã củng cố được kiến thức cũ danh từ là
gì, giáo viên mới nêu câu hỏi thứ nhất trong sách giáo khoa
Ví dụ ở bài Động từ, tiết 60, Ngữ văn 6 tập 1. Trước khi hướng dẫn học
sinh trả lời yêu cầu thứ nhất của sách giáo khoa đưa ra, giáo viên nên yêu cầu
HS trả lời câu hỏi: - Hằng ngày em làm những gì? Con chim làm gì? Con trâu
làm gì?
Với câu hỏi này, HS sẽ có thể trả lời là: Ở nhà, em ngủ, thức dậy, đánh
răng, ăn sáng, đi học; ở lớp em học bài, làm bài tập, vui chơi,.... Con chim thì
hót, bay,...Con trâu gặm cỏ, đi cày,...

9


Từ câu trả lời của HS, giáo viên dễ dàng cho HS nhớ lại được động từ là
gì. Sau khi HS đã nhớ lại, giáo viên hướng dẫn HS trả lời các câu hỏi khác để rút
ra đặc điểm của động từ.
Ví dụ ở tiết 87, bài So sánh, Ngữ văn 6 tập 2.
Trước khi hướng dẫn HS làm các bài tập của phần I trong sách giáo khoa,

giáo viên nên cung cấp và yêu cầu HS giải quyết một tình huống khác đơn giản
hơn, để HS hiểu được một số khái niệm sẽ xuất hiện trong mục ghi nhớ, như
“đối chiếu”, “tương đồng”. Vì nhiều khi HS chỉ nhớ các từ này một cách máy
móc chứ không hiểu nghĩa của nó. Và chỉ khi hiểu rõ nghĩ của từ thì HS mới
nhớ được lâu.
Tình huống như sau: Giáo viên dùng hai viên phấn, một viên ngắn và một
viên dài, giơ lên và yêu cầu HS chỉ ra điểm giống nhau và khác nhau giữa
chúng. HS sẽ nhanh chóng chỉ ra điểm giống nhau về màu sắc, về chất liệu,
công dụng. Khác nhau về kích thước.
Từ ví dụ này giáo viên dẫn dắt tiếp: Việc làm vừa rồi gọi là so sánh, hay
nói cách khác là ta đối chiếu hai sự vật để tìm ra điểm giống nhau hoặc gần
giống nhau, còn gọi là điểm hay nét tương đồng và điểm khác nhau giữa chúng.
Tuy nhiên ví dụ trên chỉ là sự so sánh đơn thuần trong cuộc sống. Còn trong văn
chương, sự so sánh thường hướng tới một tác dụng nghệ thuật nào đó, nên người
ta còn gọi là phép so sánh, hay biện pháp nghệ thuật so sánh. Từ đây giáo viên
hướng dẫn HS thực hiện các yêu cầu khác để rút ra khái niệm.
Ví dụ: Tiết 91, bài Nhân hóa.
Trước khi hướng dẫn HS trả lời các câu hỏi trong sách giáo khoa, giáo
viên nên cho HS thực hiện một ví dụ khác thực tế, để thu hút sự tập trung, chú ý,
gây hứng thú cho các em.
Với HS thứ nhất, giáo viên hỏi:
- Trong các đồ dùng học tập của em, em yêu quý nhất là cái gì? (HS có thể sẽ trả
lời: yêu cái cặp, yêu cuốn sách, yêu cái bút nhiều mầu, hộp bút mầu,...).
- Nếu phải xa chúng lâu dài em có nhớ chúng không? (HS chắc sẽ trả lời là có
nhớ).
- Nếu phải nói với nó một câu trước khi xa nó em sẽ nói gì? (Có thể HS sẽ nói:
Mình nhớ bạn lắm!...)
Với HS khác, giáo viên có thể hỏi:
- Em có tình cảm gì với chiếc xe đạp hàng ngày chở em tới trường không? Nếu
có đó là tình cảm gì? (HS có thể sẽ trả lời: Có, yêu quý, biết ơn)


10


- Nếu muốn nói lời cảm ơn tới nó em nói như thế nào? (HS có thể sẽ trả lời:
Mình cảm ơn bạn xe đạp rất nhiều; hoặc Em cảm ơn anh xe đạp nhé...)
Việc trả lời các câu hỏi trên, HS không nghĩ là mình đang học mà là đang
trò chuyện với giáo viên về các vấn đề của thực tế cuộc sống, và sẽ không cảm
thấy căng thẳng, đồng thời có hứng thú hơn, các em tham gia sôi nổi hơn. Từ
không khí đó, từ tâm thế đó giáo viên dễ dàng đưa học sinh vào những hoạt
động tiếp theo với lời dẫn dắt: Việc ta nói chuyện với vật , xem nó như con
người, để thể hiện tình cảm với nó như với người gọi là nhân hóa.
Ví dụ trong bài Ẩn dụ, tiết 95, Ngữ văn 6 tập 2.
Trước tiên phải cho HS hiểu nôm na nghĩa của từ ẩn dụ. Ẩn là náu, là
chìm, là dấu, là không xuất hiện. Ẩn dụ là một sự so sánh ngầm. Sau đó giáo
viên cùng HS trao đổi một tình huống mới, trước khi hướng dẫn HS tìm hiểu ví
dụ trong sách giáo khoa. Tình huống như sau:
Lớp 6A có một em cao nhất, dáng đẹp nhất lớp, giáo viên hỏi:
- Bạn cao nhất, dáng đẹp nhất lớp 6A là bạn nào? (bạn Hà)
- Vậy ta có thể so sánh bạn ấy với ai? Em hãy so sánh? (Bạn Hà như người
mẫu)
- Nếu ta nói “người mẫu của lớp 6A” thì các bạn đã biết là ta đang nói tới ai
không? (đó là bạn Hà)
- Đó có phải là một sự ngầm so sánh bạn Hà với người mẫu không? (phải)
- Ta nói được như vậy vì giữa bạn Hà và người mẫu có điểm gì chung với nhau
không? Đó là gì? (đều có dáng dáng đẹp)
Giáo viên ghi nhanh lên bảng cụm từ “Người mẫu lớp 6A” và câu “Bạn Hà là
người mẫu của lớp 6A”. Và cho HS thấy, trong câu so sánh có vế A là bạn Hà,
vế B là người mẫu lớp 6A. Nhưng trong cách nói “Người mẫu lớp 6A” thì vế A
không xuất hiện, chỉ còn vế B. Cách nói như vậy người ta gọi là ẩn dụ hay so

sánh ngầm. Điều kiện để diễn ra được sự so sánh ngầm cũng như điều kiện của
so sánh, là giữa hai đối tượng phải có điểm chung nào đó, hay còn gọi là nét
tương đồng.
Tuy nhiên giáo viên cũng cho HS thấy rằng, đây chỉ là cách nói ẩn dụ đơn
thuần trong cuộc sống. Còn trong văn chương nghệ thuật, thì phép ẩn dụ hay
nghệ thuật ẩn dụ có tính gợi hình gợi cảm rất cao. Sau đó giáo viên hướng dẫn
HS tìm hiểu ví dụ trong sách giáo khoa.

11


Cách thứ hai: Từ ngữ liệu đã cho trong sách giáo khoa, giáo viên nên đặt
lái câu hỏi để tạo sự khác lạ, tuy nhiên vẫn phải đảm bảo được sự chính xác và
yêu cầu mà sách đưa ra và vẫn phải tôn trọng các câu hỏi mà sách đã nêu.
Ví dụ: Khi dạy bài Danh từ, tiết 32, Ngữ văn 6 tập 1. Tại phần I – Đặc
điểm của danh từ, sách giáo khoa đã dẫn năm yêu cầu với năm câu hỏi.
Câu hỏi đầu tiên là: “Dựa vào những kiến thức đã học ở bậc Tiểu học, hãy
xác định danh từ trong cụm danh từ dưới đây”. Với câu hỏi này, giáo viên chỉnh
một số từ ngữ để HS dễ làm việc hơn, như sau: “ Từ việc đã biết danh từ là gì,
các em hãy chỉ ra danh từ có mặt trong các từ in đậm mà sách giáo khoa đã
dẫn”.
Ở câu hỏi thứ 4: “ Danh từ biểu thị những gì?” Câu hỏi này chính xác
nhưng lại hơi khó hiểu với rất nhiều HS. Khó hiểu ở từ “biểu thị”. Vì vốn từ của
các em còn hạn chế, nên dùng từ này với HS trường THCS Trí Nang là hơi khó
cho các em. Vì vậy ta nên chỉnh lại câu hỏi một chút như sau: “Các danh từ em
vừa tìm được dùng để chỉ những gì?”
Ví dụ tiết 60, bài Động từ, Ngữ văn 6 tập 1. Ở câu hỏi thứ 2 trong sách
giáo khoa: “Ý nghĩa khái quát của các động từ vừa tìm được là gì?” Với HS
miền núi, câu hỏi này các em sẽ phải bần thần khá lâu để hiểu ý của nó. Vậy nên
giáo viên nên lái thành cách hỏi khác và có thể sẽ xé nhỏ câu hỏi ra. Chẳng hạn

có thể chuyển câu hỏi 2 thành như sau: “ Tất cả các động từ vừa tìm được nó
đều có một điểm chung là gì? Nó chỉ gì, có dùng để chỉ tên gọi của một sự vật,
hiện tượng hay khái niệm nào đó giống danh từ không?” . Giáo viên nên lưu ý,
nếu HS đã trả lời được câu hỏi thứ nhất, thì không cần thiết phải hỏi thêm.
Nhưng nếu HS không không trả lời được câu đầu tiên thì giáo viên phải sử dụng
tới các câu hỏi rõ hơn nữa phía sau.
Ví dụ tiết 78, bài So sánh. Tại phần I, câu hỏi thứ nhất là: “Tìm các tập
hợp từ chứa hình ảnh so sánh trong các câu sau”. Giáo viên cũng nên hỏi khác
một chút, như “Có những hình ảnh nào đã được so sánh với nhau trong hai câu
trên? Nó thể hiện qua những từ ngữ nào, hãy đọc nó lên?”
Ví dụ tiết 91, bài Nhân hóa. Cũng câu đầu tiên trong sách giáo khoa “ Tìm
phép nhân hóa trong khổ thơ sau...” Ta có thể chỉnh câu hỏi thành “ Chỉ ra
những hình ảnh đã được nhân hóa trong khổ thơ...”
3.2.4.Tổ chức trò chơi học tập
Trong thực tế dạy học, giờ học nào tổ chức trò chơi cũng đều gây được
không khí học tập hào hứng, thoải mái, vui nhộn. Nghiên cứu cho thấy, trò chơi

12


học tập có khả năng kích thích hứng thú và trí tưởng tượng của học sinh, kích
thích sự phát triển trí tuệ của các em.
Trò chơi học tập nhất thiết phải là một bộ phận của nội dung bài học, phải
là một phần cấu tạo nên bài học. Trong trò chơi, khi mọi thứ đều thật, chẳng hạn
trong môn Tiếng Việt, từ vẫn là từ, câu vẫn là câu, trò vẫn là trò, thầy vẫn là
thầy... trò chơi sẽ bớt phần thú vị. Trò chơi cuốn hút trẻ em hơn nếu có được sự
giả định từ tên gọi, từ người tham gia, từ tình huống đến kết quả chơi.
Ví dụ khi dạy bài “Từ và cấu tạo của từ”-Tiết 3, Ngữ văn 6, Tập 1, muốn
học sinh lấy ví dụ về các từ đơn, giáo viên cho mỗi học sinh lấy tên một loại quả
(chuối, na, ổi, thị, mít…), một loài hoa (lan, huệ, hồng,..), một đồ vật (bàn, ghế,

sách, vở, bút…). Hoặc khi muốn lấy ví dụ về từ ghép, giáo viên cũng yêu cầu
tương tự nhưng mỗi từ lại 2 tiếng trở lên. Ví dụ khi lấy tên cây thì nêu rõ: cây
táo, cây na, cây Hồng, cây nhãn…, khi kể tên đồ vật cũng vậy (cái bàn, cái bút,
quyển vở, cái cặp…). Nên thay câu hỏi: “Ai có thể lấy cho cô một số ví dụ về từ
đơn, từ ghép?” bằng các trò chơi sắm vai như vậy. Thiết nghĩ học sinh không
những thấy dễ mà còn thích thú tham gia. Sau đó GV chốt: các từ … là từ đơn
(vì chỉ có một tiếng), các từ…là từ ghép vì có từ hai tiếng trở lên. Có thể nói trò
chơi hoạt động sắm vai là một trò chơi có rất nhiều lợi thế để dạy học Tiếng
Việt. Sắm vai trong dạy học là nhận một vai giao tiếp nào đó nhằm thể hiện sinh
động nội dung học tập. Hình thức học tập sắm vai nhiều khi rất vui nhờ những
chi tiết hài hước, ngộ nghĩnh do những diễn viên bất đắc dĩ tạo nên. Hình thức
sắm vai đặc biệt phát huy tác dụng trong quá trình làm bài tập, nó giúp học sinh
được thực hành giao tiếp, được quan sát trực tiếp hoạt động nói với sự kết hợp
sinh động của phương tiện âm thanh và các yếu tố phi ngôn ngữ.
Bên cạnh đó, “Trò chơi ô chữ bí mật” cũng là một trong những trò chơi
học tập được các em yêu thích, hào hứng tham gia. Tổ chức trò chơi này đòi hỏi
GV phải có thời gian nghiên cứu, thiết kế. Gv có thể tổ chức trò chơi này bằng
máy chiếu hoặc kẻ ô sẵn vào tờ giấy A0. Khi Gv đưa ra câu hỏi, HS có khoảng
15 giây suy nghĩ trả lời. Hệ thống câu hỏi dễ mang tính trắc nghiệm nhưng phải
hướng tới nội dung bài học. Ô chữ hàng dọc thường là tên bài học mà HS cần
khắc sâu hoặc có liên quan đến kiến thức bài sắp học. Vì thế “Trò chơi ô chữ bí
mật” có thể tổ chức ở phần kiểm tra bài cũ hoặc sau khi gần kết thức tiết học. Dù
ở thời điểm nào thì hoạt động này luôn được các em thích thú, tích cực tham gia,
không khí lớp học rất sôi nổi.

13


Ví dụ: Tiết 60, Động từ, Ngữ văn 6 tập 1. Để kiểm tra toàn bộ kiến thức
tiếng Việt đã học ở các tiết trước, thay bằng câu hỏi “Ai có thể cho cô biết, ở

những tiết học trước, chúng ta đã học những kiến thức nào?” hoặc để giới thiệu
bài mới “Động từ”, GV có thể dẫn dắt bằng cách tạo trò chơi ô chữ bí mật như
GV thiết kế ô chữ:
1
T Ư Đ Ơ N
2
S Ô T Ư
3
T Ư M Ư Ơ N
4
L Ư Ơ N G T Ư
5
C H I T Ư
6
D A N H T Ư
Ô chữ này có 6 câu hỏi:
- Câu hỏi 1: Từ chỉ có một tiếng là từ gì? (Từ đơn)
- Câu hỏi 2: Những từ chỉ số lượng hoặc số thứ tự của sự vật được gọi là gì? (Số
từ)
- Câu hỏi 3: Những từ vay mượn của nước ngoài là từ gì? (Từ mượn)
- Câu hỏi 4: Những từ được dùng để xác định lượng ít hay nhiều của sự vật gọi
là gì? (Lượng từ)
- Câu hỏi 5: Những từ chỉ (trỏ) vào sự vật, nhằm xác định vị trí của sự vật trong
không gian hoặc thời gian gọi là gì? (Chỉ từ)
- Câu hỏi 6: Những từ chỉ người, sự vật, hiện tượng, khái niệm … thuộc từ loại
nào? (Danh từ)
HS được quyền lựa chọn câu hỏi, nếu đúng có thể thưởng (pháo tay, bút, vở,
thước, tẩy…) cho học sinh, nếu sai học sinh khác có quyền trả lời tiếp. Khi trình
chiếu bằng máy chiếu có cả màu sắc, âm thanh vui nhộn nên học sinh rất hào
hứng, sôi nổi tham gia.

Thiết nghĩ rằng, với hình thức “Học mà chơi-Chơi mà học” này kết quả bài
dạy sẽ tốt hơn rất nhiều.
3.2.5. Tạo hứng thú trong khâu làm bài tập nhanh
Bài tập nhanh là bài tập ngắn, được làm ngay sau khi khái niệm vừa được
rút ra, HS vừa đọc xong ghi nhớ. Bài tập nhanh giúp HS củng cố lý thuyết, đồng
thời giúp HS bớt căng thẳng, thay đổi không khí và hứng thú hơn với bài học

14


trước khi sang phần mới. Bài tập nhanh không sẵn có trong sách giáo khoa, giáo
viên tự sưu tầm. Giáo viên nên dành khoảng thời gian 5 phút để HS làm loại bài
tập này.
Ví dụ, tiết 32, bài Danh từ. Sau khi HS đọc nghi nhớ đầu tiên về đặc điểm
của danh từ, giáo viên đưa ra bài tập sau:
Cho hai câu hát: “Em như chim bồ câu tung cánh giữa trời
Em như chim bồ câu trắng bay giữa trời” (Trích “Em như chim bồ câu trắng”).
Hãy chỉ ra các danh từ có trong hai câu hát trên? (Các danh từ bao gồm: em,
chim bồ câu, trời).
Bài tập này khá dễ, hơn nữa lại là lời của các câu hát mà em rất quen, nên
gây được sự chú ý cho các em. Qua bài tập này giáo viên nhắc lại thêm lần nữa
về nội dung ghi nhớ , điêù đó khiến các em sẽ càng khắc sâu hơn kiến thức lý
thuyết.
Ví dụ tiết 60, bài Động từ. Sau ghi nhớ thứ nhất, giáo viên cho HS quan
sát một đoạn bài hát và yêu cầu HS tìm các động từ trong đoạn bài hát đó.
“Mời bạn lại đây ngắt lá xếp thuyền
Thả dòng ngược xuôi đi khắp bao miền
Bạn bè cùng vui theo những lá thuyền
Thuyền chở về đâu những ước mơ ngoan”...
(Trích bài hát “Con thuyền ước mơ”)

(Các động từ: mời, lại, ngắt, xếp, thả, đi, vui, chở, về).
Đây cũng là một bài tập không khó. Tuy nhiên nó rất mới lạ so với bài tập
có trong sách giáo khoa, nên cũng dễ gây được sự chú ý với HS.
Ví dụ tiết 63, Tính từ và cụm tính từ. Cũng sau phần ghi nhớ, giáo viên
cung cấp bài tập nhanh cho HS. Với bài tập sau: Cho đoạn thơ
...“Chú bé loắt choắt
Cái sắc xinh xinh
Cái chân thoăn thoắt
Cái đầu nghênh nghênh
Ca lô đội lệch
Mồm huýt sáo vang”...
(Trích “Lượm” của Tố Hữu)
Hãy tìm các tính từ trong đoạn thơ trên.
Ví dụ tiết 78, bài So sánh. Giáo viên cung cấp bài tập nhanh như sau: Hãy
tìm các hình ảnh so sánh có trong đoạn bài hát sau:

15


“Em là búp măng non
Em lớn lên trong mùa Cách mạng
Sướng vui có Đảng tiền phong
Có Đảng như ánh thái dương”...
(Trích “Em là mầm non của Đảng”)
(Các hình ảnh so sánh gồm: em - búp măng non; có Đảng – ánh thái dương)
Ví dụ tiết 91, bài Nhân hóa: Có thể chọn bài tập nhanh như sau: Hãy chỉ
ra các hình ảnh được nhân hóa trong đoạn bài hát sau đây:
... “Em đi giữa biển vàng
Nghe mênh mang trên đồng lúa hát
Hương lúa chín thoang thoảng bay

Làm lung lay hàng cột điện
Làm xao động cả hàng cây”...
(Trích bài hát “Em đi giữa biền vàng”)
(Các hình ảnh được nhân hóa: lúa hát, xao động hàng cây)
Như vậy có thể thấy, các bài tập nhanh tuy chiếm một lượng thời gian nhỏ
trong tiết học, nhưng có tác động lớn tới tâm lý HS. Do đó giáo viên nên đầu tư
sưu tầm, làm mới lạ các bài tập này. Hơn nữa, với HS Trí Nang, các bài tập như
thế này thường vừa sức, có tác dụng khích lệ các em rất nhiều trong tiết học
Tiếng Việt.
3.2.6. Tạo hứng thú trong khâu cho điểm
Giáo viên thường cho điểm miệng HS ở khâu kiểm tra bài cũ. Nhưng tôi
nghĩ không nhất thiết là như vậy. Chúng ta cũng có thể cho điểm cả trong quá
trình HS xây dựng bài. Cho điểm là một sự khích lệ tinh thần để khuyên khích
HS tích cực xây dựng bài hơn. HS nào nếu tích cực xậy dựng bài, mà các ý kiến
xây dựng chưa chính xác, thì giáo viên nên khuyến khích các em bằng lời khen
ngợi, hoặc cho cả lớp biểu dương. Còn đối với các em xây dụng bài nhiều, các
đáp án đúng thì giáo viên chọn một vài em xuất sắc nhất để cho điểm. Với nhiều
HS, thành quả đi học là điểm số. Tất nhiên chúng ta đều hiểu kiến thức thu nhận
được mới là quan trọng. Nhưng muốn các em thu nhận được kiến thức, thì các
em phải chủ độngvà muốn các em chủ động được thì phải xuất phát từ nhu cầu
và hứng thú của các em. Trong khi đó việc cho điểm chính là một sự khuyến
khích có hiệu quả nhanh nhất, dễ thấy nhất. Đặc biệt là đối với HS yếu, kém,
trung bình. Nên tạo điều kiện để các em thấy mình cũng được chú ý, có vai trò
trong giờ học bằng việc trả lời những câu hỏi dễ. Đây là đối tượng dễ gây mất

16


trật tự, làm ảnh hưởng tới giờ học và các HS khác. Vì vậy việc khuyền khích
bằng việc cho điểm đối với HS, nhất là với các đối tượng này là một việc làm có

nhiều tác dụng.
4. Hiệu quả của sáng kiến kinh nghiệm
Sau gần một năm thực hiện sáng kiến kinh nghiệm, kết quả đạt được rất
tốt. Cụ thể như sau:
Đối với HS, chất lượng học tập phân môn Tiếng Việt đã được nâng cao
đáng kể, kéo theo đó chất lượng của môn Ngữ văn được cải thiện rõ rệt.
Thống kê điểm số trong bài kiểm tra Tiếng Việt, tiết 114-115 Ngữ văn 6 học kỳ
2 như sau:
Sĩ số
Tỉ lệ điểm khá,
Tỉ lệ điểm
Tỉ lệ điểm yếu, Tỉ lệ điểm 0
giỏi
trung bình
kém
24
7hs=29,2%
14hs=58,3%
3hs=12,5%
0%
Nhìn vào bảng số liệu có thể thấy, nhóm điểm từ trung bình đến khá, giỏi đã
tăng cao rõ rệt. Riêng điểm 0 không có học sinh nào. So sánh với kết quả bài
kiểm tra Tiếng Việt ở học kì 1-Tiết 46:
Sĩ số

Tỉ lệ điểm khá,
Tỉ lệ điểm
Tỉ lệ điểm yếu, Tỉ lệ điểm 0
giỏi
trung bình

kém
24
0hs =0%
10hs=41,6%
8hs=33,4%
6hs=25%
Ta thấy:
Điểm khá-giỏi tăng đáng kể: từ 0% lên 29,2%
Điểm trung bình tăng 16,7% (từ 41,6% lên 58,3%)
Điểm yếu-kém giảm 20,9% (từ 33,4% xuống 12,5%)
Đặc biệt điểm 0 giảm rất nhanh (25%) từ 25% xuống 0%
Sau đây là bảng thống kê về hứng thú học tập và tình yêu của HS với phân
môn Tiếng Việt so với một số môn học khác được tiến hành khảo sát vào tháng
3/2017:
Sĩ số HS
24

Tiếng Việt GDCD
Thể dục
Âm nhạc
Mĩ thuật
15hs=63% 10hs=41,6% 12hs=50% 14hs=58,3% 18hs=75%

17


Nhìn vào bảng thống kê này có thể nhận thấy hứng thú, sự yêu thích của
các em đối với phân môn Tiếng Việt đã được cải thiện đáng kể. So với kết quả
khảo sát đầu năm:
Sĩ số Tiếng Việt

24
5hs=20%

GDCD
Thể dục
Âm nhạc
Mĩ thuật
10hs=41,6% 12hs=50% 14hs=58,3% 18hs=75%

Ta thấy tỉ lệ học sinh yêu thích phân môn tiếng Việt đã tăng lên tương đối
nhanh (43%) từ 20% lên 63%
Điều này cho thấy, sau một thời gian áp dụng các biện pháp trên trong quá
trình giảng dạy phân môn tiếng Việt ở lớp 6, tôi thấy tỉ lệ học sinh có số bài đạt
điểm yếu-kém trong các bài kiểm tra tiếng Việt đã giảm xuống đáng kể, ngược
lại số học sinh có số bài đạt điểm trung bình, khá, giỏi đã tăng lên rõ rệt. Đồng
thời hứng thú, tình yêu của các em dành cho phân môn này cũng có nhiều thay
đổi đáng mừng.
Không chỉ trong các bài kiểm tra mà thực tế, trong khi làm bài tập tôi thấy
các em đều biết cách làm , các em không còn ngại ngùng, lúng túng, khó khăn,
sợ sệt như trước nữa. Trong các giờ học, các em cũng tự tin, sôi nổi tham gia
xây dựng bài một cách tự giác, tích cực, chủ động.
Điều này chứng tỏ “Một vài biện pháp nhằm khơi gợi hứng thú cho học
sinh lớp 6 của trường THCS Trí Nang trong giờ học Tiếng Việt” mà tôi đã
mạnh dạn áp dụng là có thể làm và làm được tốt.
III. KẾT LUẬN, KIẾN NGHỊ
1.Kết luận
Với sáng kiến kinh nghiệm này, bản thân tôi có thêm rất nhiều kinh
nghiệm trong việc nghiên cứu các vấn đề dạy và học. Hiểu được HS mà mình
đang trực tiếp giảng dạy hơn. Việc giảng dạy từ đó cũng hiệu quả hơn, chiếm
được sự yêu quí của HS.

Với nhà trường, sáng kiến kinh nghiệm này sẽ góp phần làm phong phú
hơn những nghiên cứu về phương pháp giảng dạy, góp phần nâng cao chất lượng
học bộ môn Ngữ văn nói chung, phân môn Tiếng Việt nói riêng.
Với HS, các em được học những tiết học nhẹ nhàng, thoải mái, không
căng thẳng, áp lực. Các em có được hứng thú trong học tập, có nhứng suy nghĩ
tích cực và yêu môn Ngữ văn nhiều hơn.

18


Trên đây là một vài kinh nghiệm được rút ra từ thực tế giảng dạy môn
phân môn Tiếng Việt của bản thân tôi. Rất mong nhận được sự góp ý của các
đồng nghiệp.
2.Kiến nghị:
Với Sở giáo dục và đào tạo: Cần có sự quan tâm hơn nữa tới giáo viên,
học sinh miền núi, vùng kinh tế đặc biệt khó khăn. Hỗ trợ tài liệu học tập tham
khảo hơn nữa cho giáo viên và HS. Giúp đỡ trang thiết bị hiện đại để rút ngắn
khoảng cách giữa miền núi và miền xuôi.
Với Phòng giáo dục: Không ngừng tạo điều kiện để việc dạy và học ở
những xã như Trí Nang bớt khó khăn hơn nữa. Phòng cũng nên tổ chức các buổi
sinh hoạt giao lưu về chuyên môn cho giáo viên, để các giáo viên có cơ hội học
hỏi kinh nghiệm của nhau. Bên cạnh đó, phòng cũng nên phát động phong trào
khuyến khích học tập cho HS ở các trường, bằng cách cho các em HS xuất sắc
nhất ở các khối, lớp trong trường đi tham quan, du lịch ngắn ngày đây đó. Việc
này vừa giúp các em thoải mái trong hè để có hứng thú và có tình thần phấn đấu
trong năm học mới, đồng thời qua những chuyến du lịch các em sẽ có thêm
những bài học bổ ích và thiết thực từ thực tế.
Với nhà trường: cần tạo điều kiện hơn nữa để giáo viên được tiếp cận với
các tài liệu tham khảo trong giảng dạy cũng như trong nghiên cứu khoa học.
Với đồng nghiệp: Sáng kiến kinh nghiệm trên đây của tôi sẽ không tránh

khỏi những thiếu sót, rất mong nhận được sự góp ý chân thành của đồng nghiệp.

XÁC NHẬN CỦA
THỦ TRƯỞNG ĐƠN VỊ

Thanh Hóa, ngày 09 tháng 4 năm 2017
Tôi xin cam đoan đây là SKKN của mình
viết, không sao chép nội dung của người
khác.

Hoàng Thị Thơ

19


20


21



×