Tải bản đầy đủ (.pdf) (12 trang)

Phân tích chi tiết tác phẩm Đây thôn Vĩ Dạ (Hàn Mặc Tử)

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (232.95 KB, 12 trang )

ĐÂY THÔN VĨ DẠ
- Hàn Mặc Tử -

A. KHÁI QUÁT
1. Tác giả
- Hàn Mặc Tử (1912 – 1940) là một trong những nhà thơ lớn của phong trào
Thơ mới, tên khai sinh là Nguyễn Trọng Trí, quê ở Quảng Bình, sinh ra
trong một gia đình viên chức nghèo theo đạo Thiên Chúa.
- Hàn Mặc Tử có hai mươi tám tuổi đời và là thi sĩ hoạn nạn nơi trần thế
nhưng ông là một tài năng thi ca độc đáo và có sức sáng tạo mãnh liệt nhất
trong phong trào Thơ mới. Thế giới thơ Hàn Mặc Tử đầy những bí ẩn, phức
tạp đan xen cả những gì thân thuộc trong sáng với những u ám, thê lương.
Thực ra đó đều là những sự phản ánh chân thực tâm hồn của một nhà thơ
chan chứa yêu đời, yêu cuộc sống nhưng số phận lại quá bất hạnh và nghiệt
ngã. Vì thế trong thơ ông luôn tồn tại đồng thời cả tình yêu đời mãnh liệt
cùng nỗi đau đớn quằn quại khi phải chia lìa xa cách với cuộc đời.
- Những tác phẩm chính: Gái quê (1936), Thơ Điên (1938 – sau đổi tên là
Đau thương), Xuân như ý, Thượng thanh khí, Cẩm châu duyên (1939)…
2. Tác phẩm
- Đây thôn Vĩ Dạ (lúc đầu có tên là Ở đây thôn Vĩ Dạ) sáng tác năm 1938, in
trong tập Thơ Điên, là một tác phẩm tiêu biểu cho hồn thơ Hàn Mặc Tử và
cũng là một trong những thi phẩm xuất sắc của thơ Việt Nam hiện đại.
- Thôn Vĩ Dạ nằm ở ngoại vi thành phố Huế, bên bờ sông Hương. Làng có
những ngôi nhà xinh xắn ẩn hiện giữa những vường cảnh, cây trái xum xuê
và rất đẹp. Theo tài liệu của một số nhà nghiên cứu, bài thơ Đây thôn Vĩ Dạ
được gợi cảm hứng từ mối tình đơn phương của Hàn Mặc Tử và một cô gái
tên là Hoàng Thị Kim Cúc, con ông chủ Sở Đạc điền, người Huế. Sau hai
1


năm vào Sài Gòn làm báo, Hàn Mặc Tử trở lại Quy Nhơn thì Hoàng Cúc đã


theo gia đình về ở Vĩ Dạ. Một buổi kia, cô gái Huế do sự gợi ý của người em
thúc bá (bạn của Hàn Mặc Tử) gửi vào cho nhà thơ một tấm bưu ảnh chụp
phong cảnh sông nước có thuyền và bến kèm theo mấy lời hỏi thăm để an ủi
nhà thơ lúc này đã mắc căn bệnh hiểm nghèo. Sau đó, Hoàng Thị Kim Cúc
nhận được bài thơ Đây thôn Vĩ Dạ do Hàn Mặc Tử tặng kèm theo mấy dòng
cảm tạ chân thành. Như vậy, tấm ảnh phong cảnh và lời thăm hỏi Hoàng
Cúc đã gợi cảm hứng cho Hàn Mặc Tử viết bài thơ Đây thôn Vĩ Dạ, thể hiện
tình yêu thầm kín và tâm trạng của mình trong cảnh ngộ éo le, bất hạnh.
B. TÌM HIỂU TÁC PHẨM
ĐỀ 1: Phân tích khổ đầu bài thơ “Đây thôn Vĩ Dạ” của Hàn Mặc Tử.
 MB:
- Tác giả, tác phẩm
- “Đây thôn Vĩ Dạ” là bài thơ hay nhất của Hàn Mặc Tử trong tập “Thơ Điên”
(1938). Khổ đầu là những hoài niệm của tác giả về cảnh và người thôn Vĩ cùng
niềm say mê yêu đời rạo rực của nhà thơ.
 TB:
- “Đây thôn Vĩ Dạ” được viết khi nhà thơ từ Sài Gòn trở lại Quy Nhơn và biết
rõ mình đã mắc căn bệnh hiểm nghèo. Ở đây ông nhận được lá thư thăm hỏi chân
tình của Hoàng Thị Kim Cúc kèm theo một số tấm ảnh phong cảnh sông nước có
thuyền và bến. Lời thư của người thiếu nữ mà một thời ông đã thầm yêu trộm nhớ
đã làm ông xúc động mạnh, khơi nguồn cho bài thơ “Đây thôn Vĩ Dạ”ra đời.
- Bài thơ 3 khổ, 12 dòng, mới đọc tưởng như là đơn giản, nhưng thật ra giống
như nhiều bài thơ khác của Hàn Mặc Tử, bài thơ này thật không dễ hiểu. Nó không
đơn thuần là một bài thơ tả cảnh thôn Vĩ. Giữa câu thơ này với câu khác, giữa khổ
2


thơ nọ với khổ thơ kia có cảm giác như đứt đoạn, như chẳng liên hệ gì với nhau.
Từ trong mạch sâu của cảm xúc, trong toàn khối ý tứ thì đây là một bài thơ gửi
gắm cả bầu tâm sự của nhà thơ bất hạnh, tha thiết gắn bó với con người, với cuộc

đời, với cuộc đời, mà giờ đây cảm thấy bệnh tật hiểm nghèo sắp chia lìa ông với tất
cả.
- Bài thơ mở ra với ý vui tươi, trong trẻo ở cảnh, ở tình, gắn với thôn Vĩ Dạ cụ
thể. Sang khổ thơ thứ hai, ý thơ thoắt đã trở nên “buồn thiu”, và cảnh như trong
mộng ảo. Đến khổ thơ thứ ba, hình ảnh trở nên xa vời, mờ ảo trong sương khói, và
xuất hiện nỗi buồn thương tiếc nhớ như trong một mối tình tuyệt vọng.
- Đây thôn Vĩ Dạ, cái tên của bài thơ nghe như một tiếng chào mời, một lời
giới thiệu, và bài thơ đã bắt đầu từ ý thư của Hoàng Cúc: “Sao anh không về chơi
thôn Vĩ?”. Câu thơ nghe như một lời trách, nhưng có lẽ là trách yêu và người bị
trách cảm thấy rất hạnh phúc khi được trách. Hố sâu ngăn cách giữa Hàn Mặc Tử
với mọi người vì bệnh tật hiểm nghèo khiến cho nhà thơ vô cùng cô đơn, tuyệt
vọng. Nay lại có người quan tâm thăm hỏi chân thành, người đó lại là người mình
thầm yêu trộm nhớ, thậm chí còn “Dám ôm hồn cúc ở trong sương”. Trong nỗi xúc
động mãnh liệt, lập tức kỉ niệm thôn Vĩ xa xưa hiện về, bừng sáng và sống động.
Đây là thôn Vĩ Dạ tươi đẹp, êm đềm trong kí ức của Hàn Mặc Tử. Đây là thôn Vĩ
được ngắm nhìn bởi “cặp mắt xanh non” và “cái nhìn biếc rờn”, một thưở trong
trắng yêu đời của chàng thi sĩ Hàn Mặc Tử. Cho nên “nắng” như là nắng cõi thần
tiên “nắng hàng cau nắng mới lên”, nó rất sáng, rất tươi bởi vì sương còn đọng
đẫm trên lá cau, thân cau của thôn Vĩ Dạ. Cây cau thường đứng cao nhất trong
vườn nên mới đón được ánh hồng ban mai rực rỡ để rực sáng lên. Nhưng đây cũng
là ánh nắng đầu đời của buổi thanh xuân nên nó lưu lại trong tâm hồn thi sĩ một kỉ
niệm không thể nhạt phai. Phải chăng đó là cái nắng rất sáng, rất tươi mà có lần
Xuân Diệu đã thốt lên: “Tôi muốn tắt nắng đi – Cho màu đừng nhạt mất”.

3


Có lẽ đây cũng là “nắng mới” được nhắc tới hai lần trong bài thơ cùng tên của thi
sĩ Lưu Trọng Lư:
- Mỗi lần nắng mới hắt bên song,

Xao xác gà trưa gáy não nùng.
- Mỗi lần nắng mới reo ngoài nội,
Áo đỏ người đưa trước giậu phơi.
Nắng kỉ niệm được nhắc tới hai lần “Nhìn nắng hàng cau nắng mới lên” làm bừng
sáng cả câu thơ và nghe như tiếng reo vui. Vườn cây thôn Vĩ Dạ trong “nắng mới”,
trong kí ức và kỉ niệm cũng đẹp như tiên cảnh với lá ngọc cành vàng: “Vườn ai
mướt quá xanh như ngọc”. Hai từ “mướt quá” làm cho câu thơ như một tiếng reo
vui, trầm trồ thích thú. Thực tế màu xanh của lá có thể “mướt quá”, long lanh dưới
ánh nắng, nhưng không thể “xanh như ngọc”. Đây vẫn là màu xanh trong kí ức,
trong kỉ niệm của tuổi thanh xuân nên mới trong trẻo đến thế. Thưở xưa có chàng
thi sĩ trẻ trung, thiết tha gắn bó với đời, với người, chưa hề vương chút mặc cảm
bệnh tật đau thương nên nhìn cảnh thôn Vĩ Dạ thấy cái gì cũng rực sáng, long lanh.
Câu thơ có một từ “ai” nghe thật thiết tha. “Vườn ai” có thể là vườn nhà ai đó,
nhưng “vườn ai” cũng có thể là vường của nhà người mình yêu, ở đó lưu giữ nhiều
kỉ niệm như vườn Thúy từng lưu giữ bao kỉ niệm đẹp giữa Thúy Kiều và Kim
Trọng. Cảnh thì đẹp thần tiên, người thì thật thân thiết, cho nên tình cảm với thôn
Vĩ thật đằm thắm. Ẩn hiện sau khóm trúc, thấp thoáng trong “vườn ai” là khuông
“mặt chữ điền” thật hiền hậu.
Vườn ai mướt quá xanh như ngọc
Lá trúc che ngang mặt chữ điền.
Những câu thơ của Hàn Mặc Tử giàu chất tạo hình, hài hòa màu sắc, đường nét,
ánh sáng, mảng khối: trước mắt chúng ta là bức tranh chân dung. Chiếc lá trúc che
ngang làm cho khuôn mặt chữ điền phúc hậu, hiền hòa trở nên dễ mến thương.

4


- Biết rõ hoàn cảnh đau thương của Hàn Mặc Tử lúc viết bài thơ “Đây thôn Vĩ
Dạ”, người đọc cảm động, xót thương và yêu quý ông hơn. Có cảm giác sau mỗi
hình ảnh đẹp về cảnh, về người thôn Vĩ Dạ là những nỗi đau mà ông nén chịu để

cố gắng bám lấy sự sống tươi đẹp. Kể từ khi bài thơ Đây thôn Vĩ Dạ ra đời đến
nay, nhiều thế hệ bạn đọc biết và yêu thương một vùng quê trù phú, cây trái, vườn
tược bốn mùa xum xuê tươi tốt ngọt lành, con người hiền hòa, phúc hậu. Đằng sau
cảnh thiên nhiên mỹ lệ ấy ẩn hiện một tấm lòng yêu đất nước quê hương. Đoạn thơ
mở đầu Đây thôn Vĩ Dạ không chỉ là nỗi nhớ thương tha thiết của nhà thơ về một
vùng đất thơ mộng mà còn là những khát khao hướng tới cái đẹp của cuộc đời, cái
đẹp của tình người, đành rằng nó thấp thoáng, chập chờn, xa xôi, mờ ảo.
 KL:
Khổ thơ đầu là một bức tranh tuyệt đẹp của cuộc sống nơi trần thế, trong bức tranh
thực tế, cảnh trong sáng, non tơ, tràn đầy sức sống; người thuần hậu chất phác,
đáng yêu. Thấm đẫm trong khổ thơ là những tiếng reo vui trầm trồ ngưỡng mộ, là
cảm hứng rạo rực đắm say, tha thiết của thi nhân. Đó là thế giới của cõi thực nhưng
lại chỉ hiện lên trong ký ức của nhà thơ nên nó được soi chiếu trong màu sắc và
ánh sáng của tình yêu, nỗi nhớ thương và nhất là cảm giác ngậm ngùi nuối tiếc khi
cõi thực tuyệt đẹp, mơn mởn, tươi tắn đến nguyên sơ ấy không bao giờ còn có
mình, không bao giờ còn thuộc về mình. Với hình ảnh một khu vườn của xứ Huế,
khổ thơ đầu của Đây thôn Vĩ Dạ đã thể hiện đồng thời cả tình yêu mãnh liệt và
thấp thoáng niềm tiếc nhớ cuộc đời của một thi nhân tài hoa, bất hạnh.
ĐỀ 2: Phân tích khổ 2 bài “Đây thôn Vĩ Dạ”.
 MB:
- Tác giả (A.1)

5


- Đây thôn Vĩ Dạ là bài thơ hay nhất của Hàn Mặc Tử được in trong tập “Thơ
Điên” (1938). Toàn bộ thi phẩm có thể coi là một tiếng lòng vừa thiết tha, mê đắm,
vừa đau đớn, tuyệt vọng của một thi nhân da diết yêu đời mà phải chia lìa, cách
biệt với cuộc đời. Khổ thơ thứ 2 chính là bức tranh tâm cảnh và thế giới ở cõi ước
mơ trong niềm yêu nhớ và nuối tiếc vô cùng của nhà thơ với cuộc đời.

 TB:
Bắt đầu từ khổ 2, mạch thơ đã có sự thay đổi về cảnh và tình. Nếu khổ 1 là một cõi
nhân gian ăm ắp với sự sống, mướt mát sắc màu, rưng rưng một vẻ đẹp mơn mởn,
trinh nguyên, trong sáng thì khổ 2 là một vũ trụ lạc điệu, vô sắc, vô hương. Nếu
khổ 1 là giọng thơ ấm áp, nồng hậu, mời chào với những chờ mong, những khát
khao gặp gỡ (dẫu chỉ là tưởng tượng của thi nhân!) thì khổ sau là không khí ảm
đạm thê lương của những xa cách, chia lìa.
1. 2 câu đầu dường như cũng là một bức tranh phong cảnh với đủ cả gió, mây,
sông, nước:
“Gió theo lối gió, mây đường mây
Dòng nước buồn thiu, hoa bắp lay”
- Trước hết tiết tấu của 2 câu thơ gợi ra nhịp điệu nhẹ nhàng, êm ả và đượm
buồn rất đặc trưng cho Huế: gió thổi nhẹ, mây bay chậm, dòng nước lững lờ trôi,
hoa bắp bên bờ cũng chỉ khẽ lay động…
- Nhưng câu thơ đầu: “Gió theo lối gió, mây đường mây” có lẽ không chỉ để
tả cảnh, từ hình ảnh đến giọng điệu còn gợi lên một cảm giác buồn bã hiu hắt.
Thông thường, gió mây gắn kết bởi gió thổ, mây bay, vậy mà trong bức tranh thiên
nhiên của Hàn Mặc Tử, những cái tưởng như không thể chia lìa, xa cách lại xa
cách, chia lìa – gió một đường, mây một nẻo. Nhịp ngắt 4/3 với chữ “gió”, “mây”
riêng rẽ ở từng vế câu đã tạo ra cảm giác có một sự ngăn cách, chia lìa thật quyết
định. Từ sự phi lý về hiện tượng tự nhiên, Hàn Mặc Tử đã thể hiện những hợp lý
6


của tâm trạng trong cảnh ngộ của một con người gắn bó tha thiết với đời lại vĩnh
viễn phải xa cách cuộc đời. Thiên nhiên đã nhuốm màu tâm trạng con người, hay
đúng hơn thiên nhiên chỉ là những hình ảnh được nhà thơ nhắc đến để gửi gắm tâm
trạng và cảnh ngộ của chính bản thân mình.
- Câu thơ thứ 2 miêu tả dòng sông Hương và hoa bắp ven bờ: “Dòng nước
buồn thiu, hoa bắp lay”.

+ Phép nhân hóa trong hình ảnh: “dòng nước buồn thiu” vừa làm hiện
lên một dòng sông phẳng lặng như ngưng trệ, không trôi chảy, vừa gợi tả một nỗi
buồn như đọng từ xa xưa, một nỗi buồn da diết trong thời gian được nhà thơ làm
hiện lên từ không gian.
+ Vế sau của câu thơ cho thấy cảnh có hoa, có gió nhưng chỉ là một
thứ hoa bắp nhợt nhạt, rũ buồn, vô sắc vô hương và một thứ gió uể oải, vô hồn.
Động từ “lay” coh thấy gió thật nhẹ, thật buồn trong cái lay động khẽ khàng của
hoa, nhưng có lẽ cũng chính nhờ chút gió xao xác mà cái buồn bã, tĩnh lặng, hiu
hắt của thiên nhiên xứ Huế được hiện hữu rõ ràng.
- 2 câu thơ đầu vẽ nên một không gian hoang vắng, chia lìa trong môtj thế
giới như ngưng trệ, cảnh vật hờ hững, lạnh lẽo với con người, bức tranh phong
cảnh đã trở thành bức tranh tâm cảnh, thiên nhiên như đã không còn là đối tượng
miêu tả mà trở thành phương tiện biểu hiện cõi lòng u ám, buồn bã của con người.
2. 2 câu sau:
Không tìm thấy sự đồng cảm ấm áp trong cuộc đời thực với gió, mây, sông
nước bởi tất cả đều hờ hững, lạnh lẽo, chia lìa, lòng khao khát yêu đời, nhớ
đời đã đưa thi sĩ lãng mạn đến với thế giới của cõi mơ với các câu hỏi khắc
khoải:
“ Thuyền ai đậu bến sông trăng đó
Có chở trăng về kịp tối nay?”

7


- Nếu cõi thực trong khổ 1 trong trẻo, tươi tắn, rực rỡ với ánh nắng ban mai
thì thế giới mộng ảo của khổ 2 tràn ngập ánh trăng; nếu ánh trăng ấm áp
chiếu rọi trong không gian đem lại sinh khí rạo rực cho cuộc sống nơi trần
thế thì ánh trăng khiến vạn vật mờ ảo, nhạt nhòa, lạnh lẽo, như thực như mơ.
Trong thế giới của cõi mộng, trong cảm giác mông lung của thi nhân, sông
trở thành “sông trăng”, bến trở thành “bến trăng”, thuyền trở thành “thuyền

chở trăng” và cả bóng người cũng trở thành hình ai thấp thoáng nhòa mờ
trong trăng.
- Hình ảnh “sông trăng” có thể hiểu là ánh trăng chan chứa trên dòng sông,
cũng có thể hiểu là ánh trăng trên trời cao tuôn chảy thành dòng sông trăng
lai láng khắp thế gian. Tuy nhiên dù hiểu theo cách nào thì dòng sông
Hương của xứ Huế qua cảm nhận của thi nhân lãng mạn đã từ cõi thực chảy
trôi về cõi mộng.
- 2 câu thơ đựng trong đó ít nhất 2 câu hỏi da diết, đau đáu về một cõi mơ đẹp
huyền ảo, ngập tràn sắc trắng cứu rỗi vốn luôn xuất hiện trong thế giới nghệ
thuật của thơ Hàn Mặc Tử.
+ Người xưa chán đời mong thoát tục ở cõi mơ tiên (Muốn làm thằng Cuội –
Tản Đà), Hàn Mặc Tử khao khát sống, khao khát yêu đời lại phải chia lìa
cách biệt với cuộc đời trong một thực tại nghiệt ngã nên ông chỉ còn cách
miên man dõi theo bóng ai trong ánh trăng huyền ảo, bấu víu vào cõi mộng
để tưởng tượng như đang được trở lại với đời.
+ Cách diễn đạt phiếm chỉ trong câu hỏi thứ 1: “Thuyền ai đậu bến sông
trăng đó” tạo ra một cảm giác thật tội nghiệp: dường như nhà thơ đang bị
vây bọc trong một thế giới tăm tối, lạnh lẽo, chới với, vọng hỏi một ai đó ở
thế giới bên ngoài, một thế giới đẹp đẽ, huyền diệu, lai láng ánh trăng – một
câu hỏi da diết bởi khát khao và đau đớn bởi vô vọng.

8


+ Chữ “kịp” trong câu hỏi thứ 2 thấm thía một nỗi tiếc nuối xót xa khi biết là
không bao giờ kịp nữa trong quỹ thời gian ngắn ngủi. Vậy mà Hàn Mặc Tử
vẫn cố hỏi khiến câu hỏi vừa gấp gáp, bồn chồn trong niềm khao khát được
trở về, được gặp gỡ và giao cảm vừa chua xót bất lực vì biết rằng hỏi chỉ để
hỏi, để tiếc, để tự mình dày vò mình hơn trong vô vọng. Cụm từ “tối nay”
càng làm tăng thêm ý nghĩa và những cảm xúc ấy khi “tối” là khoảng thời

gian cuối cùng của một ngày, “tối nay” lại mang ý nghĩa xác định khiến quỹ
thời gian của người càng ngắn ngủi – chỉ còn tối nay – chỉ có tối nay – chỉ
còn tối nay nữa thôi, trăng không thể về kịp và thi nhân sẽ vĩnh viễn chìm
sâu trong bóng tối.
 KB:
Sự thay đổi bút pháp miêu tả trong khổ 2 từ tiết tấu, giọng điệu cho đến nghệ thuật
ẩn dụ cùng những hình ảnh khách quan được soi chiếu qua tâm trạng của chủ thể
trữ tình đã làm hiện lên thế giới của cõi mơ với cảm giác chia lìa xa xôi cùng niềm
khát khao tuyệt vọng được trở về với cõi thực, với cuộc đời mà nhà thơ nhớ và yêu
tha thiết. Tình yêu và nỗi đau đớn đã được Hàn Mặc Tử thể hiện chân thực, thấm
thía qua từng chi tiết ngôn từ của khổ thơ.
ĐỀ 3: Phân tích khổ 3 “Đây thôn Vĩ Dạ”
 MB:
- Tác giả: A – 1
- Tác phẩm: Đây thôn Vĩ Dạ là bài thơ hay nhất của Hàn Mặc Tử trong tập
“Thơ điên” (1938), bài thơ gồm 3 khổ. Khi không còn ánh nắng ấm áp của
quá khứ trong khổ 1, cũng không còn ánh trăng mộng ảo cùng những tiếc
nuối khao khát trong hiện tại buồn bã của khổ 2, thi sĩ đã đưa người đọc đến

9


1 cõi xa xăm, mờ nhòa sương khói của khổ cuối, đó là thế giới hư vô rợn
ngợp, nơi thi nhân đang chới với trong hiện tại, sắp chìm rơi trong tương lai.
 TB:
1. Câu thơ đầu tạo cảm giác như nhà thơ dù vô vọng vẫn cố bám víu vào thế
giới của cõi mơ.
“Mơ khách đường xa, khách đường xa”.
- Chữ “mơ” đầu câu vừa thể hiện niềm mong ước cháy bỏng của thi nhân
muốn được cảm nhận, gần gũi với những hình bóng của con người và cuộc

đời nơi trần thế, dù tất cả như đã theo con thuyền trăng rời bỏ bến sông trăng
nhưng chữ “mơ” cũng là hình ảnh cuộc đời đang nhòa dần trong cõi khác,
cõi thật xa vời với nhà thơ.
- Điệp ngữ “khách đường xa” và âm tiết mở ở cuối 2 vế câu như tái hiện hình
ảnh con người nơi trần thế đang xa dần, mờ khuất dần trong cái nhìn, tiếc
nuối, vô vọng của thi nhân. Nếu ở vế đầu trong cái nhìn tiếc nuối, vô vọng
của thi nhân. Nếu ở vế đầu bóng người còn gắn tới một chữ “mơ” thì tới vế
sau chỉ còn “khách đường xa” chơ vơ, hẫng hụt, tạo cảm giác như khi thi sĩ
tỉnh mộng ngơ ngác, buồn bã trước thực tại cô độc lạnh lẽo của riêng mình.
2. Câu thơ thứ 2 đem đến nhiều cách hiểu:
“Áo em trắng quá nhìn không ra”
- Có thể hiểu là cảm hứng ngưỡng mộ, ngợi ca theo cách cực tả của Hàn Mặc
Tử như “vườn ai mướt quá”, cùng với “vườn nắng, sông trăng, thuyền
trăng…”, hình ảnh “Áo em trắng quá” đã tạo ra một không gian đầy ánh
sáng khiến nhà thơ khao khát, đam mê.
- Tuy nhiên, hình ảnh “áo trắng quá” còn có mối quan hệ nhân quả với cụm từ
“nhìn không ra” của vế sau khiến câu thơ có thể hiểu theo cách khác: Trong
màn sương khói mơ hồ của cả khổ thơ, trong sự nối tiếp cảm giác chơ vơ tỏa
10


ra từ khổ thơ đầu khi người khách đường xa cứ xa dần, mờ dần trong cõi
mơ, hình ảnh “em” cũng là hình ảnh cuộc đời mà nhà thơ yêu nhớ đang bị
nhòa đi bởi sắc áo trắng huyền hoặc; cụm từ “nhìn không ra” càng làm rõ
hơn nỗi bất lực của thi nhân khi nhận ra cuộc đời mỗi lúc một xa dần thậm
chí còn không cảm nhận được nữa.
3. Thế giới hư vô đã hiện rõ hơn trong câu 3:
“Ở đây sương khói mờ nhân ảnh”
Cũng như “tối nay” là thời gian xác định chỉ quỹ thời gian ít ỏi của một cuộc đời
bất hạnh trong câu cuối của khổ 2, “ở đây” là từ chỉ một không gian xác định, đó là

không gian nghiệt ngã và tăm tối đang bủa vây xung quanh Hàn Mặc Tử, không
gian của “lãnh cung”, không có ánh trăng và ý nhạc, “Có người cung nữ nhớ
thương vua”, không gian ấy bây giờ chìm trong “sương khói” mông lung, lạnh lẽo.
Toàn bộ khổ thơ không còn cảnh cũng còn không người khi tất cả đã nhòa mờ
nhân ảnh, thi nhân như bị vùi lấp trong cô đơn, tuyệt đối xa vời, cách biệt với cuộc
đời mà ông yêu dấu.
4. Từ cõi hư vô ấy, câu hỏi cuối cùng vang lên như một nỗi oán trách, giận hờn,
một sự xót xa tuyệt vọng của một con người tha thiết, mê đắm với cuộc đời, khao
khát bộc lộ tình yêu đời và khắc khoải kiếm tìm sự đồng cảm, đồng điệu, nay phải
xa cách cuộc đời, một mình cô đơn chìm đắm trong cõi vắng lặng lạnh lẽo tối tăm:
“Ai biết tình ai có đậm đà”
- Trong cả 3 khổ thơ đều xuất hiện “vườn ai”, “thuyền ai”, “tình ai”… Tính
chất phiếm chỉ trong đại từ “ai” làm tăng thêm cảm giác bơ vơ, đơn độc bởi
ai đó thuộc về cõi thực ngoài kia, cõi Hàn Mặc Tử khôn nguôi mong nhớ.
Đặt trong hệ thống ấy, “tình ai” sẽ là tình của cuộc đời, cách hiểu này gợi
nỗi chua xót: Xa cách chia lìa với cuộc đời, nhà thơ vẫn băn khoăn, khắc
khoải, không biết có ai ngòai kia còn nhớ tới mình không? Ảo giác được chờ

11


đợi, ngóng trông đặt ra trong câu một: “Sao anh không về chơi thôn Vĩ” bây
giờ đã nhòa mờ đi một cách thật tội nghiệp.
- Cũng có thể hiểu “tình ai” là tình yêu tha thiết, mãnh liệt của thi nhân với
cuộc đời – cách hiểu này thấm thía, cảm động. Có ai biết rằng dù rơi vào
hoàn cảnh nghiệt ngã, dù vĩnh viễn phải xa lìa cuộc đời, thi nhân vẫn yêu đời
bằng một tình yêu “đậm đà”, vẫn khao khát hướng về đời, vẫn mong “ai” đó
“biết” và thấu hiểu, xót thương cho tình yêu nhớ khắc khoải của mình với
đời, với người.
 KB:

Bài thơ là một mạch liên tưởng từ quá khứ, hiện tại đến tương lai. Quá khứ trong
trẻo, ấm áp sự sống, hiện tại hiu hắt, buồn bã chia lìa; tương lai xa xôi, mờ nhòa
trong tuyệt vọng; đó cũng đồng thời là sự di chuyển cảm xúc từ cõi thực qua cõi
mơ để cuối cùng đến cõi hư vô, rợn ngợp. Qua đó nhà thơ có thể nhận ra cả niềm
yêu và nỗi đau: tình yêu say đắm của một thi nhân lãng mạn với cuộc đời cùng nỗi
bất hạnh đau đớn khi phải chia lìa, tách biệt với cuộc đời.

12



×