Tải bản đầy đủ (.pdf) (7 trang)

NHỮNG “CON số BIẾT cười” TRONG TIỂU THUYẾT của MARK TWAIN

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (188.61 KB, 7 trang )

NHỮNG “CON SỐ BIẾT CƯỜI” TRONG
TIỂU THUYẾT CỦA MARK TWAIN
Dương Ánh Tuyết
Trường Đại học Quảng Bình
Tóm tắt: Con số đã đi vào trong văn học thế giới với một chiều dài lịch sử, mỗi thời kỳ chúng
được sử dụng với một đặc trưng và ý nghĩa khác nhau. Bài viết tập trung phân tích hiệu quả nghệ
thuật được tạo nên từ những con số, trong việc bộc lộ chiều sâu tính cách, soi chiếu bản thể và khám
phá những khả năng của cuộc sống trong tiểu thuyết của Mark Twain. Tiếp thu, kế thừa con số nghịch
dị của Rabelais, tuân thủ, sáng tạo nguyên tắc phản ánh chi tiết cụ thể của chủ nghĩa hiện thực, tài
năng của Mark Twain đã làm cho những con số - vốn rất xa lạ với tiếng cười - thực sự trở thành “vũ
khí của kẻ mạnh”.

Chẳng có gì xa lạ với tiếng cười hơn là những con số. Vậy mà trong sáng tác của
Mark Twain các con số cũng trở thành buồn cười và có quyền năng ngang với nhiều yếu tố
khác, trong việc nói lên bản chất, tính cách của các nhận vật cũng như các vấn đề về nhân
sinh, bản thể.
Con số đã đi vào trong văn học thế giới với một chiều dài lịch sử, mỗi thời kỳ chúng
được sử dụng với một đặc trưng và ý nghĩa khác nhau. Trong văn học cổ trung đại, các con
số được dùng với ý nghĩa biểu tượng, siêu hình và thần bí. Ta thấy rõ điều này trong sáng tác
của Homer, Dante... Cơ sở mĩ học của thời đại cổ đại và trung đại về các con số được Bakhtin
định nghĩa với phần nào đơn giản hoá: “các con số phải xác định, trọn vẹn, tròn trĩnh, cân
xứng. Chỉ có các con số như thế mới có thể trở thành nền tảng của sự hài hoà và hoàn thiện
của cái tổng thể”1. Thời Phục hưng, đặc biệt với sáng tác của Rabelais các con số bị “gỡ bỏ y
phục thiêng liêng và biểu tượng”, chúng bị “hạ bệ” và “trần tục hoá theo kiểu hội gia trang,
tái sinh và đổi mới các con số” 2. Chủ nghĩa hiện thực thế kỷ XIX khai thác tối đa các con số
với tính cụ thể, tỉ mỉ, chính xác của từng đồng tiền bát gạo. Các con số ở đây không chỉ chi li
đến mức lạnh lùng, mà còn trần trụi “giơ ra móng vuốt” của cuộc sống toan tính vì tiền tài
danh vọng. Sang thế kỷ XX, văn học hiện đại và hậu hiện đại vẫn tiếp tục trần tục hoá các
con số nhưng theo xu hướng hư vô chủ nghĩa. Chả khác nhau là bao giữa số nhiều hay số ít,
cụ thể hay ước lượng, phóng đại hay chính xác... bởi tất cả đều trống rỗng, hư vô.
Đặt trong dòng chảy trên, các con số của Mark Twain thuộc vào chủ nghĩa hiện thực


nhưng phần nào vẫn có quan hệ gần gũi với con số “nghịch dị” của Rabelais. Tuy nhiên nếu ở
Rabelais “phần lớn các con số đều gây ngạc nhiên và đạt hiệu quả gây cười bởi tính phóng
đại nghịch dị của chúng”3, thì cách làm của Mark Twain là ngược lại. Các con số của Mark
Twain không hề phóng đại mà rất chi tiết, rất cụ thể chính xác cho dù đó chỉ là phỏng đoán,
hay cảm giác của nhân vật. Ở chương II, Tom và Huck giữa đêm khuya trốn đi thành lập
đảng cướp, chẳng may gặp Jim, hai thằng bé cố tình ngồi im để Jim không phát hiện ra. Huck
kể lại tình trạng của mình lúc đó: “mũi tôi lại thấy ngứa, ngứa đến chảy cả nước mắt. Nhưng
tôi không dám gãi. Sau đó nó bắt đầu ngứa lan vào bên trong, rồi lan xuống phía dưới. Tôi
không biết làm cách nào mà nằm im mãi được. Nỗi khổ sở ấy kéo dài đến sáu, bảy phút và
dường như còn lâu hơn thế nữa. Bây giờ thì tôi ngứa ran cả thảy đến mười một chỗ. Tôi


tưởng rằng mình không thể chịu đựng như vậy thêm một phút nữa, nhưng tôi vẫn phải cắn
răng, sẵn sàng chịu đựng”4. Hiệu quả hài hước của tình huống này được tạo ra bởi tính cụ thể
của các con số: sáu, bảy phút, mười một chỗ, một phút. Thú vị hơn nữa là các con số chính
xác này đều xuất phát từ cảm giác của Huck mà thôi. Bởi ngay khi nghe tiếng ngáy của Jim
thì Huck thú nhận rằng “người tôi lập tức trở lại dễ chịu ngay”. Rõ ràng trong hoàn cảnh ấy
Huck không thể đếm chính xác số lượng chỗ ngứa trong người mình, con số “mười một” ở
đây là con số của cảm giác, và nếu như ta thay bằng bất kỳ một con số nào hiệu quả hài hước
sẽ giảm đi. Tiếng cười dí dỏm toát lên từ tình huống này đẩy độc giả đến suy ngẫm: nếu phải
chịu đựng một cái gì mà mình không muốn thì cảm giác ấy thật nặng nề. Ngoài ra cách kể
của Huck còn hé lộ bản tính hồn nhiên và dí dỏm của cậu ta.
Con số buồn cười nhất của Huck Finn đó là con số ở phần mở đầu của chương IV.
Độc giả nào dù đang buồn đến nẫu ruột cũng phải phì cười. Huck kể lại chuyện học hành của
mình, lúc ở với bà quả phụ Douglas: “Lâu nay tôi vẫn đến trường và có thể đánh vần được,
đọc được, viết được chút ít và đã có thể thuộc bản cửu chương đến chỗ sáu lần bảy là ba
mươi lăm, tôi không nghĩ là tôi có thể giỏi được hơn thế nếu như tôi còn muốn sống lâu”5.
Con số cụ thể ba mươi lăm ở đây rõ ràng là một con số nghịch dị. Nó hạ bệ kết quả học tập
của Huck mà xã hội văn minh dày công đào tạo. Tất nhiên một kẻ như Huck chẳng thể nào
giỏi toán cho được, nhưng thực trạng giáo dục của trường học và nhà thờ ở đây chỉ càng làm

cho con người thêm ngu dốt, tối tăm là điều không chối cãi. Cũng như con số mười một ở
trên, con số ba lăm trong trường hợp này là con số duy nhất, không thể thay thế. Sử dụng con
số nghịch dị lại cộng thêm giọng kể “tỉnh queo” của Huck khiến cho hiệu quả hài hước đạt
đến mức tối đa.
Chống chọi với thiên nhiên, Huck còn phải đương đầu với cạm bẫy của con người.
Trong phần cuối của chương XVI, Huck kể lại cảnh tàu thuỷ chạy trên sông nghênh ngang,
không thèm đếm xỉa đến xuồng bè hai bên sông “có khi cái guồng tàu của họ đập gãy mất
một mái chèo của người ta, rồi lúc đó anh lái tàu còn thò đầu ra và cười, anh ta tưởng như vậy
là hay lắm”7. Lần này Huck và Jim vừa kịp nhảy sang một bên thì chiếc guồng tàu đã quật cái
bè vỡ tan. Huck kể lại: “Tôi có thể lặn dưới nước đến một phút nhưng lần này tôi tưởng là
mình đã lặn dưới nước đến một phút rưỡi”. Lại một tiếng cười nữa cất lên từ người đọc dành
cho con số đo đếm thời gian của Huck. Qua lời kể của Huck, người đọc biết rằng ba mươi
giây là cả một vấn đề đối với người ngụp lặn ở trong nước vì “ở chỗ này nước xoáy và chiếc
tàu kia chỉ sau độ mười giây là lại chạy như thường, họ có bao giờ quan tâm đến số phận của
những người đi trên thuyền bè”8, nhưng logic của vấn đề lẽ ra phải là sự nhảy cóc của con số
chỉ thời gian. Sự “vi phạm” logic ở đây gây nên tiếng cười cho độc giả.
Cuộc tẩu thoát của Huck luôn chịu áp lực căng thẳng về thời gian. Đối với Huck ám
ảnh và khủng khiếp nhất là cái chết. Không phải ngẫu nhiên mà trong lời nói của Huck rất
nhiều lần nhắc đến cái chết, hoặc khi nói đến sự yên lặng, Huck đều so sánh, liên tưởng với
cái chết: “trong nhà im lặng như chết” (as still as death), “mọi vật thì im lặng như chết”
(everything was dead quiet), “im lặng như chết” (dead still), “im lặng như chết” (dead slient),
“tất cả đều im lặng như chết” (all dead still)… Dĩ nhiên một kẻ ít được học hành tử tế như
Huck thì ngôn ngữ giao tiếp thông tục là điều đương nhiên. Nhưng sự xuất hiện của hình ảnh


cái chết với một tần số lớn trong ngôn ngữ của Huck chắc không phải là vô tình. Sống trong
môi trường đầy rẫy bạo lực, mạng sống luôn bị đe doạ Huck luôn luôn ám ảnh, khiếp sợ cái
chết cũng là một phản ứng tâm lí dễ hiểu. Áp lực về mặt thời gian một mặt vừa tạo độ căng
cho sự kiện trong tác phẩm, mặt khác còn thể hiện sâu sắc bản chất tính cách của nhân vật,
bởi trong những thời điểm căng thẳng ấy con người thường bộc lộ rõ nhất bản năng vô thức

của mình.
Trong hành trình phiêu lưu của mình, Huck càng trốn tránh, chối bỏ thực tại thì lại
càng gặp thực tại khác phũ phàng hơn. Đặc biệt kẻ thù lúc gặp lão “vua” và tên “quận công”
thì cái bè của Huck và Jim cũng trở nên “chật chội”, “nghẹt thở” chứ không còn được tự do
như trước nữa. Bởi vậy trong cái đêm mưa gió, Huck bỏ chạy khỏi đám dân chúng - đang say
sưa với bọc vàng trong quan tài của Perter - nghĩ rằng đây là cơ hội để thoát khỏi tay hai kẻ
đại bịp kia. Trong nỗi vui mừng sung sướng “chỉ hai giây đồng hồ” Huck và Jim đã xuôi
dòng với cảm giác tự do không còn ai quấy nhiễu nữa. Huck kể rằng: “Tôi đã phải nhảy lên
mấy cái và đập gót chân cho sướng một lúc vì không thể nào nhịn được. Nhưng vừa đập gót
chân đến lần thứ ba thì tôi nghe một tiếng gì mà tôi đã biết rõ. Tôi nín thở lắng nghe và đợi
xem. Đó là lão vua với anh quận công”9. Tiếng cười ở đây là cười ra nước mắt. Con số đếm
lần thứ ba của Huck trong trường hợp này, cũng là một con số gây cười. Nó đủ để đo lường
nỗi vui sướng ngắn ngủi của Huck mà không một con số nào có thể thay thế được.
Bên cạnh những con số đo lường về thời gian, gắn liền với hành trình của Huck và
còn có những con số đếm lớn hơn “biết cười”. Đơn cử lúc Huck miêu tả anh chàng của gánh
xiếc giả vờ say rượu biểu diễn cưỡi ngựa: “Anh ta vừa phi vừa cởi bỏ áo quần. Anh ta ném
tung toé dày đặc trong không khí. Tất cả có những mười bảy bộ áo quần”. Con số mười bảy
cũng được Huck dùng để trí trá với cô Joaner khi bảo rằng: “giảng đạo trước mặt nhà vua thì
có không ít hơn mười bảy mục sư”. Độc giả không chỉ buồn cười vì sự hồn nhiên của Huck
mà còn vì sự nhanh trí của cậu bé. Trong tiếng cười dí dỏm ấy có phần không nhỏ được tạo
nên từ con số mười bảy. Buồn cười hơn nữa là lúc Huck thú nhận tình cảm của mình với cô
Mary Jane, một cô gái theo Huck là vừa đẹp vừa tốt bụng: “Từ cái lúc tôi trông thấy cô ấy
bước ra cửa hôm ấy thì chưa gặp lần nào khác nữa, phải, tôi chưa hề gặp cô ấy lần nào nữa từ
bấy đến nay nhưng tôi tính tôi đã nghĩ đến cô ấy hàng triệu, hàng triệu lần rồi”10.
Con số phóng đại “hàng triệu” lại được láy lại thêm một lần nữa khiến độc giả phải
bật cười trước tình cảm chân thành và trong sáng nhưng pha chút tinh nghịch của Huck.
Không thể ngờ rằng một cậu bé như Huck lại có thể buông ra một câu rất “văn hoa” khi nói
chuyện với cô Mary Jane: “Tôi không thích một quyển sách nào hơn cái khuôn mặt của cô”11.
Chứng tỏ rằng ngoài bản tính chất phác quê mùa, đôi lúc Huck còn tỏ ra là một cậu bé “lịch
lãm” khả ái.

Tồn tại song song bên cạnh những con số chỉ thời gian của Huck, trong Huck Finn đi
liền với lão “vua” và tên “quận công” là những con số đo đếm về tiền bạc. Với những kẻ khát
tiền như bọn lừa bịp kia thì mọi sự đo lường của chúng đều quy về đồng tiền. Sự đo đếm ở
đây tỉ mỉ, chính xác, chi li đến từng hào, từng xu. Đó là biểu hiện quen thuộc của chủ nghĩa
hiện thực: cùng với sự băng hoại đạo đức, lương tâm của con người là sự tính toán chi li về


tiền bạc. Tất nhiên cũng có những trường hợp, sự tính toán từng xu từng hào là biểu hiện của
tình yêu và sự hi sinh cao thượng. Đó là cách làm của Ơ Henry trong truyện ngắn “Món quà
giáng sinh”. Đằng sau sự tính toán đến tội nghiệp “một đô la tám hào bảy xu” của người vợ,
để mua món quà cho chồng nhân dịp giáng sinh, là cả một tình yêu vô bờ, cảm động đến rơi
nước mắt của đôi vợ chồng quá nghèo về vật chất nhưng lại quá giàu về tình cảm. Mark
Twain không đi theo cách này. Rất nhân ái với con người, nhưng chủ nghĩa nhân đạo của
Mark Twain lấy việc bóc trần những xấu xa, tồi tệ, khuyết thiếu của con người để giúp họ
ngày càng hoàn thiện hơn, tốt đẹp hơn.
Không phải là nhân vật trung tâm của tác phẩm, nhưng nếu thiếu hai nhân vật phản
diện: lão “vua” và tên “quận công” chắc chắn hiện thực phản ánh sẽ bị thu hẹp, vì thế chiều
sâu ý nghĩa tư tưởng của tác phẩm sẽ giảm đi rất nhiều. Như chúng tôi đã nói, sự xuất hiện
của hai nhân vật này gắn liền với những con số về tiền bạc. Đây là lời lão “vua” kể về cách
kiếm tiền: “Tôi đang làm một trò quảng cáo để bỏ rượu...Cứ tính mỗi đêm như thế cũng được
năm hay sáu đô la, mỗi người mười xu, trẻ con và da đen được miễn phí” 12. Bản thân con số
mười xu chưa có gì đáng cười, nhưng bỏ ra mười xu để được xem người vừa ngấm ngầm bán
rượu - vừa làm trò cai nghiện rượu thì quả là nực cười. Đã thế còn bày trò miễn phí nữa mới
độc chứ! Vẫn là con số chỉ tiền bạc, nhưng lần này thì khác hơn. Đó là lúc lão “vua” đóng vai
tên cướp biển Ấn Độ Dương, bị cướp sạch tiền bạc, áo quần, nên đang thức tỉnh và chuẩn bị
lên đường cảm hoá những tên cướp còn lại. Đám dân chúng cả tin ở Parville đã “rủ lòng”
thương và quyên góp cho lão ta số tiền: tám mươi bảy đô la và bảy mươi lăm xu. Rõ ràng đây
là một con số nghịch dị. Nó hạ bệ không chỉ sự bỉ ổi của lão vua mà còn cả sự ngờ nghệch cả
tin của đám đông dân chúng. Con số bảy linh thiêng được láy lại hai lần đã bị trần tục hoá.
Hai lần cứu rỗi trở thành hai lần lừa bịp. Thức tỉnh hay là lún sâu vào tội lỗi. Lòng từ bi hay

sự tiếp tay cho cái ác.
Không được những mẻ lớn như lão “vua”, phương châm của tên “Quận công” là “năng
nhặt chặt bị”. Lần này những con số càng nhỏ bao nhiêu thì khả năng “nhảy múa” để mang
lại tiếng cười mỉa mai càng lớn bấy nhiêu. Huck đã thuật lại một cách tỉ mỉ, bởi không thể
nào lướt qua cách làm “cẩn thận” đâu vào đấy để kiếm từng xu của tên “Quận công”: “Hắn
đã ngồi lại và in cho mấy người chủ điền vài thứ như in giấy mua ngựa, và đã nhận được của
họ số tiền là bốn đô la. Rồi hắn ta lại kiếm thêm mười đô la nữa về quảng cáo cho một tờ
báo. Hắn ta nói sẽ chỉ nhận bốn đô la thôi nếu họ chịu trả tiền trước. Giá báo là hai đô la một
năm nhưng hắn ta chia thành ba kỳ, mỗi kỳ chỉ nửa đô la với điều kiện họ trả tiền trước.
Người ta định trả hắn bằng hiện vật như củi gỗ, hành tỏi... nhưng hắn bảo rằng hắn mới mua
lại xưởng in nên phải hạ giá đến mức thấp nhất để có tiền mặt trả mọi chi phí điều hành. Hắn
còn sáng tác một bài thơ ngắn chỉ ba câu, thể loại ngọt ngào bi thảm... hắn đem in lên mặt
báo nhưng không tính tiền bài thơ ấy. Hắn ta thu được chín đô la rưỡi, và cho rằng hắn đã
hoàn thành công việc một cách khá lương thiện trong ngày hôm ấy mới kiếm được từng ấy
tiền”13. Tiếng cười hài hước cất lên từ những con số quá chi li cụ thể: bốn đô la, mười đô la,
hai đô la, nửa đô la, chín đô la rưỡi... không khỏi đi đến ngậm ngùi cho sự băng hoại đạo
đức, lương tâm cũng như sự ngu dốt ngờ nghệch của con người.


Chúng ta dễ dàng nhận ra sự khác biệt căn bản giữa con số chỉ thời gian của Huck và
những con số liên quan đến tiền bạc của lão “vua” và tên “quận công”. Cả hai đều cụ thể chi
tiết từng giây, từng xu từng hào. Nhưng một bên là sự chính xác cụ thể của cảm giác - cảm
giác của một người mà mạng sống luôn bị đe doạ, còn một đằng là sự chính xác tỉ mỉ, đo
đếm, tính toán chi li của kẻ mặt dày chuyên sống bằng những trò lừa bịp. Một bên vút cao
hướng về ánh sáng của cái thiện, một bên hạ thấp về phía bóng tối của cái xấu, cái ác. Nếu ở
Rabelais “tất cả các biểu đạt số lượng thể hiện qua những con số, đều được phóng đại và thổi
phồng thái quá, chúng vượt ra ngoài giới hạn, phá vỡ bất kỳ tính hiện thực nào”15 thì với
Mark Twain là ngược lại. Tất cả đều hướng đến việc nhằm làm nổi bật một hiện thực khá phũ
phàng của xã hội Hoa Kỳ cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX. Trong xã hội ấy những con người
thấp cổ bé họng chỉ là cỏ rác, mọi quan hệ giữa con người với người đều đặt trên cán cân đo

lường của tiền bạc.
Miêu tả nhân vật đám đông, Mark Twain vẫn không quên sử dụng những “con số biết
cười”. Chúng ta hãy hình dung lại cảnh đám đông dân chúng “tràn vào nghĩa địa như thác lũ”
để đào mộ Perter theo lời kể của Huck: “Khi đến hầm mộ, họ mới thấy rằng họ đã mang theo
cuốc xẻng nhiều gấp trăm lần số mà họ cần dùng nhưng chẳng ai nghĩ đến việc mang theo
một cái đèn”16. Sự đối lập số ít (một) và số nhiều (hàng trăm) đã nói lên tất cả sự xuống cấp
băng hoại của đạo đức dân chúng. Phải chăng một cái đèn kia là ẩn dụ cho ánh sáng lương tri,
lương tâm của con người đã hoàn toàn bị dập tắt bởi thói hiếu kỳ, ngu tối, dã man và tàn
nhẫn. Những con số biết cười của Mark Twain buộc độc giả phải đối mặt với bóng tối bên
trong của chính bản thân và đồng loại.
Trong lời giới thiệu về Tom Swayer và Huck Finn, Miles Donald đã viết: “Cả hai tác
phẩm đều là những tiểu thuyết về ánh sáng cũng như bóng tối. Đương nhiên chúng tuân theo
những tỉ lệ khác nhau, ở mỗi phần kết thúc hạnh phúc và nỗi buồn cân bằng trong từng trang
viết”17. Bởi vậy bên cạnh những con số “biết cười” mỉa mai u ám, những chương cuối của
Huck Finn còn xuất hiện những con số mang đến nụ cười dí dỏm, vui nhộn. Đó là những con
số xoay quanh chuyện giải cứu Jim của Tom và Huck.
Huck kể về lúc đặt chân đến nhà cô Sally: “Đến gần một phần tư phút đồng hồ tôi bị
quay như trục bánh xe bị bao vây bởi lũ chó đông đến mười lăm con”. Sử dụng một con số
chỉ thời gian rất ngắn “một phần tư phút”, đối lập với đàn chó đông đúc, “mười lăm con” và
còn nhiều con khác nữa “đang chui qua hàng rào nhảy đến bao vây”, Mark Twain đã dựng
lên được một cảnh tượng sinh động để thử thách sự can đảm của Huck. Sự tái xuất hiện của
Tom kéo theo sự gia tăng của những con số biết cười. Nào là ba mươi bảy năm cho người tù
Jim bị giam cầm, chín tháng để làm cái thang dây cho người tù, phải đến bốn mươi cái bánh
mới nhét hết cái thang giây được làm từ khăn trải giường, ăn cái bánh có thang giây phải mất
đến hai bó tăm, mười lăm mười sáu con chuột bị bắt vào để vào làm bạn với người tù... Buồn
cười nhất là lúc Tom và Huck dập cả tay vì cầm dao đào hang cho Jim chui ra, đào mãi mà
chẳng ăn thua gì Huck bèn than thở: “Tom Sawyer, đây không phải là công việc của ba mươi
bảy năm, mà phải là ba mươi tám năm”18. Tiếng cười dí dỏm cất lên sảng khoái từ độ hẫng
trong tư duy của độc giả. Những tưởng con số thời gian ở đây sẽ nhảy cóc lên rất nhiều



những Huck cũng chỉ thêm vào có một năm thôi. Rõ ràng tư duy trẻ con không phải lúc nào
cũng theo logic của người lớn.
Xét cho cùng lỗi của bọn trẻ một phần do sự “ngây thơ” của người lớn. Những nhân
vật người lớn tốt bụng trong sáng tác của Mark Twain phần lớn là ngây thơ, thiển cận, ít suy
xét… cũng từa tựa như thế giới trẻ con vậy. Không chỉ dì Polly, cô Sally ngây thơ mà chú
Silas - chủ đồn điền vừa là một mục sư - cũng ngây thơ không kém. Ở chương XXXIII, Huck
kể lại chuyện cậu ta mượn xe ngựa của chú Silas, giả vờ lên lấy hành lý trên tỉnh. Đi một
đoạn thì gặp Tom, hai thằng bé bàn kế hoạch là Huck quay về trước. Dự định sẽ đi chậm rãi
để chú Silas khỏi nghi ngờ vì sao lại nhanh thế, nhưng do “nghĩ đến nhiều thứ” nên Huck
quên mất, và trở lại quá nhanh. Thật buồn cười, chú Silas chẳng mảy may nay nghi ngờ Huck
mà lại quay sang “cổ vũ” con ngựa: “Chà, thế này thì khá thật. Ai mà ngờ rằng cái con ngựa
cái này lại chạy nhanh đến như vậy. Giá mà mình tính giờ để ghi tốc độ của nó thì hay quá.
Thế mà nó không ra một tí mồ hôi nào, không ướt một sợi lông nào nữa chứ. Thật là tuyệt.
Bây giờ thì có đến một trăm đô la chú cũng không bán nó nữa. Nhất định không bán đâu, thật
đấy. Ấy thế mà trước đây chú đã định bán nó với giá mười lăm đồng, vì cứ tưởng nó chỉ đáng
giá đến vậy”19. Từ mười lăm đô la nhảy lên một trăm đô la thậm chí hơn nữa. Rõ ràng giá trị
của một vật có thể nhảy cóc đến bất ngờ tuỳ thuộc vào cách nhìn nhận, đánh giá của mỗi
người trong từng hoàn cảnh. Tuy nhiên sự suy ngẫm này là dành cho độc giả. Còn Huck chỉ
khiêm nhường đưa ra nhận xét: “Tôi chưa từng thấy ai già mà lại ngây thơ hồn nhiên như
vậy”20.
Có thể nói xuyên suốt Huck Finn từ trang đầu đến trang cuối là sự “nhấp nháy” liên
tục của những con số biết cười. Gắn liền với cuộc du hành của nhân vật, những con số góp
phần bộc lộ chiều sâu của tính cách, soi chiếu bản thể, khám phá những khả năng của cuộc
sống. Tiếp thu, kế thừa con số nghịch dị của Rabelais, tuân thủ, sáng tạo nguyên tắc phản ánh
chi tiết cụ thể của chủ nghĩa hiện thực, tài năng của Mark Twain đã làm cho những con số vốn rất xa lạ với tiếng cười - thực sự trở thành “vũ khí của kẻ mạnh”.
Chú thích:
(1),(2),(3),(15), M.Bakhtin, Sáng tác của Francois Rabelais và nền văn hoá dân gian Trung cổ và Phục
hưng, (Từ Thị Loan dịch), NXB KHXH, Hà Nội, 2006.
(4), (5), (6), (7),(8), (9), (10), (11),(12), (13), (14), (16), (17),(18), (19), (20), Mark Twain, Tom Sawyer

and Huckleberry Finn, with Introduction by Miles Donald, Everyman’s Library, 1991.

TÀI LIỆU THAM KHẢO
[1] M.Bakhtin (2006), Sáng tác của Francois Rabelais và nền văn hoá dân gian Trung cổ và Phục hưng, (Từ
Thị Loan dịch), NXB KHXH, Hà Nội .
[2] Mark Twain (1991), Tom Sawyer and Huckleberry Finn, with Introduction by Miles Donald, Everyman’s
Library.


NUMBERS WHICH CAN BE SMILED
IN MARK TWAIN’S NOVELS
Duong Anh Tuyet
Quang Binh University
Abstract: The number entered in th literary world with a long history, each time they are used
with a distinctly different meaning. The paper focuses effectiveness analysis is to create art from the
figures, reveal the depth of the charater,screening and explore the possibility of life in the novels of
Mark Twain. Acquire, inherit the number of allergic against Rabelais, compliance, creative principles
reflect the specifics of realism, the talents of Mark Twain has made the figures – which are alien to
laugh – actually becom the “weapon of the strong”.



×