Văn hóa đọc của lãnh
đạo ngày nay
Nhiều người cho rằng, hiện nay người Việt Nam nói chung khá lười
đọc sách. Vậy còn các nhà lãnh đạo thì sao? Nhân Ngày Sách và Bản
quyền thế giới (23/4) sắp tới, Lanhdao.net xin giới thiệu chùm bài
viết liên quan đến chủ đề "Văn hóa đọc của lãnh đạo" của TS
Nguyễn Mạnh Hùng.
Để viết bài này tôi đã quyết định dành 1 ngày đi quan sát tại tất cả các
bến xe buýt tại Hà Nội và để có đánh giá sơ bộ về văn hóa đọc của
người dân Hà Nội. Tôi cũng đã phỏng vấn 28 nhà lãnh đạo, quản lý từ
22 đến 83 tuổi.
1. Khi đi quan sát các bến xe buýt suốt ngày 23/03 tôi đếm được 31
người đang đọc gì đó. Trong tất cả các bến xe buýt tại Hà Nội, tại tất cả
những nơi tôi đi qua, chỉ có 31 người đang đọc. 7/31 đang đọc sách. 5/31
đang đọc tờ quảng cáo. Số còn lại 19 người đọc báo. Kết quả làm tôi ngỡ
ngàng: khi đợi xe buýt nói riêng và khi rảnh rỗi nói chung người ta
không biết tận dụng thời gian để đọc sách, khác xa các nước châu Âu,
châu Mỹ, châu Úc tôi đã đến.
2. Tôi bay đi TP Hồ Chí Minh ngày 09/03. Tại sân bay nội bài tôi đã
đếm được 15 người đang đọc sách. Trong đó có 14 người là người nước
ngoài. Ngày 14/03 tôi bay từ TP HCM ra Hà Nội. Kết quả cũng không
khác quá nhiều. Tại sân bay Tân Sơn Nhất tôi đếm được 24 người đang
đọc sách. Trong đó có 22 người là người nước ngoài. Như vậy, những
người Việt đi máy bay, tôi tạm cho là có trình độ cao hơn, tri thức nhiều
hơn cũng không phải là chăm đọc sách.
3. Kết quả điều tra của tôi qua phỏng vấn các nhà lãnh đạo và quản lý đã
chỉ ra: Chỉ có 3/28 (10,71%) ngày nào cũng đọc sách, nếu không quá
bận. 15/28 có thói quen đi mua sách, ít nhất 1 tháng 1 lần (trực tiếp tại
các nhà sách, nhờ người đi mua hộ hoặc đặt qua mạng, qua điện thoại).
Có một điều làm tôi rất bất ngờ: Một vị lãnh đạo khá thành đạt đã tâm sự
thật với tôi rằng đã ít nhất 3 năm nay anh không đọc bất cứ một cuốn
sách nào. Anh nói rằng không cần đọc sách vì chỉ mất thời gian. Anh
nói, cả mấy năm nay anh có đọc sách đâu mà vẫn kinh doanh thành
công, vẫn làm ăn phát đạt.
Theo kết quả điều tra của tôi, 21/28 lãnh đạo thích và hay đọc sách
chuyên ngành. Họ khẳng định ít đọc sách của các lĩnh vực khác. Chỉ có
7,75% những người được hỏi trả lời rằng họ vẫn đọc sách văn học, trong
khi đó 78,57 % khẳng định họ có đọc sách liên quan đến lãnh đạo. Tuy
nhiên 85,71% khẳng định họ chỉ đọc sách trong lĩnh vực này bằng tiếng
Anh hoặc bản dịch nghiêm túc. Họ khẳng định không đọc những sách
biên soạn lại vì theo họ phần lớn những sách này có nội dung không
đúng nguyên tác và nhiều khi hiểu sai ý tác giả.
Qua kết quả điều tra tôi thấy: Các nhà lãnh đạo không nằm ngoài tổng
kết chung về văn hóa đọc của người Việt chúng ta: Ít đọc sách. Cũng
theo nghiên cứu trên khi có thời gian rảnh rỗi, các lãnh đạo ưu tiên thời
gian vào các lĩnh vực giải trí theo thứ tự ưu tiên như sau: Gặp gỡ, chơi
thể thao, đọc báo, xem ti vi, vào mạng, nghe nhạc, đi ăn uống. Vị trí của
đọc sách trong thứ tự ưu tiên là thứ 14.
Cũng không thể không nói đến kết quả khác của chương trình phỏng
vấn: Nhóm các lãnh đạo thế hệ 7X đọc sách nhiều nhất. Vị trí tiếp theo
thuộc về 8X. Sau đó là 6X. Các lãnh đạo nhóm lứa tuổi 7x, 8x thường
đọc sách trên mạng, trong khi các lãnh đạo nhóm 6x, 5x,… thường mua
sách quyển, sách in trên giấy về đọc. Tuyệt đại đa số các nhà lãnh đạo
thế hệ này đều có thư viện sách tại nhà, thậm chí tại cả cơ quan.
Tôi có cảm giác nuối tiếc và có tâm trạng thoáng buồn khi nhận được
kết quả phỏng vấn. Tôi thấy lòng mình trống trải và thậm chí bức xúc
khi biết thời gian các nhà lãnh đạo dành cho việc đọc quá ít. Lý do các
nhà lãnh đạo đưa ra là: Công việc quá bận bịu, không có thời gian, rất
nhiều thông tin cần nắm bắt, nhiều mối lo thường trực,… Tất cả các nhà
lãnh đạo đều thừa nhận và phát biểu rất hùng hồn rằng sách là người
thầy tuyệt vời mà tất cả chúng ta có thể tiếp cận mọi lúc, mọi nơi, sách
giúp cập nhật kiến thức nhanh và toàn diện nhất. Tuy nhiên chỉ có 5/28
nhà lãnh đạo thường xuyên tra cứu sách vở để lấy kiến thức, kinh
nghiệm xử lý các công việc liên quan. Họ coi sách như là nhà tư vấn, là
người thày luôn bên cạnh họ.
Trên thực tế, đọc sách không chỉ mang lại cho chúng ta kiến thức. Việc
đọc sách đem đến cho chúng ta niềm vui, làm chúng ta thư giãn. Sách
mang đến cho chúng ta cảm giác hồi hộp, làm chúng ta cười, giúp chúng
ta quên đi các nỗi lo âu, xua tan bực dọc. Nếu chăm đọc sách người lãnh
đạo, giám đốc còn có thể tạo ảnh hưởng tốt đến cấp dưới, đến nhân viên.
Nếu có thói quen đọc sách các nhà lãnh đạo có thể truyền thói quen này
cho những người trong gia đình, nhất là con cái của chính mình.
Có những nhà lãnh đạo có thói quan sưu tầm sách. Tuy nhiên họ chỉ
chọn những sách có bìa đẹp, trình bày tốt, giấy in "xịn". Họ nâng niu
từng cuốn sách. Họ ngắm thư viện sách khi có thời gian và thực sự thấy
thư giãn. Nhiều khi họ mua sách vì thấy hay thấy đẹp chứ mua về cũng
chỉ kịp đọc qua vì không đủ thời gian.
Việc đọc sách giúp chúng ta định hướng. Người đọc học hỏi được nhiều
điều bổ ích, biết thêm nhiều thông tin mới. Việc đọc cũng đem đến niềm
hứng khởi, làm cho chúng ta suy nghĩ về cuộc đời, ngẫm lại những gì ta
đã làm trong quá khứ và những gì chuẩn bị làm trong tương lai. Có ít
nhất 3/28 người được phỏng vấn đã thay đổi quyết định sau khi đọc
xong 1 cuốn sách hay, cuốn sách bổ ích cho công việc của họ. Khi đọc
nhiều nhà lãnh đạo cũng thấy sách hỗ trợ, thậm chí khẳng định thêm
quan điểm riêng, cách nhìn nhận vấn đề. Việc đọc cũng giúp các nhà
lãnh đạo hiểu những lo âu và vấn đề của người khác, bao gồm đối tác,
khách hàng và nhân viên dưới quyền. Sau khi đọc sách các nhà lãnh đạo
như thấy gần gũi hơn cuộc sống đời thường, tạo ra cảm giác được hòa
đồng trong xã hội và không bị tách biệt, xa cách. Theo cuộc phỏng vấn
17/28 người khẳng định việc đọc giúp họ giải quyết các vấn đề trong
công việc, cuộc sống, đối xử…
Tôi trăn trở nhiều sau khi có kết quả điều tra và trước khi viết bài này:
Phải làm gì để các nhà lãnh đạo chăm đọc sách hơn và để nâng cao văn
hóa đọc của lãnh đạo.
Nguyễn Mạnh Hùng