Tải bản đầy đủ (.pdf) (122 trang)

Viện trợ phát triển chính thức của liên minh châu âu cho việt nam giai đoạn từ năm 1995 đến năm 2015

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (1.88 MB, 122 trang )

ĐẠI HỌC QUỐC GIA HÀ NỘI
TRƢỜNG ĐẠI HỌC KHOA HỌC XÃ HỘI VÀ NHÂN VĂN
-------------------------

HÀ THỊ THANH PHƢỢNG

VIỆN TRỢ PHÁT TRIỂN CHÍNH THỨC CỦA LIÊN MINH
CHÂU ÂU CHO VIỆT NAM
GIAI ĐOẠN TỪ NĂM 1995 ĐẾN NĂM 2015

Chuyên ngành: Quan hệ quốc tế
Mã số: 60310206

LUẬN VĂN THẠC SĨ QUỐC TẾ HỌC

Ngƣời hƣớng dẫn khoa học: PGS. TS. Bùi Hồng Hạnh

Hà Nội - 2016


LỜI CẢM ƠN
Trước tiên cho phép tôi bày tỏ lòng biết ơn chân thành và sâu sắc đến PGS.
TS. Bùi Hồng Hạnh - Khoa Quốc tế học - Trường Đại học Khoa học Xã hội và
Nhân văn - Đại học Quốc gia Hà Nội, người đã tận tình hướng dẫn và giúp tôi hoàn
thành luận văn tốt nghiệp.
Tôi xin kính gửi lời cảm ơn đến các giáo viên các bộ môn và Khoa Quốc tế
học, các cán bộ của Khoa Đào tạo sau Đại học - Trường Đại học Khoa học Xã hội
và Nhân văn đã hết sức quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi cho tôi trong suốt quá
trình học tập, nghiên cứu tại trường.
Tôi cũng xin gửi lời chân thành đến Trung tâm Nghiên cứu Châu Âu, Thư
viện Quốc gia Hà Nội, Thư viện khoa Quốc tế học - Trường Đại học Khoa học Xã


hội và Nhân văn, Trung tâm thông tin thư viện Học viện Ngoại giao đã tạo điều
kiện cho tôi tiếp cận các nguồn tài liệu phục vụ cho việc viết luận văn.
Cuối cùng, tôi xin cảm ơn gia đình, bạn bè đã luôn động viên, cổ vũ tôi trong
suốt quá trình học tập.
Hà nội, ngày 05 tháng 12 năm 2016
Học viên

Hà Thị Thanh Phượng


LỜI CAM ĐOAN
Tôi xin cam đoan, luận văn với đề tài: “Viện trợ phát triển chính thức của Liên
minh Châu Âu cho Việt Nam giai đoạn từ năm 1995 đến năm 2015” là công trình
nghiên cứu khoa học của riêng tôi. Luận văn có sự kế thừa, tham khảo các công
trình nghiên cứu của những người đi trước và có sự bổ sung những tư liệu, kết quả
nghiên cứu mới. Các số liệu, trích dẫn trong luận văn đảm bảo độ tin cậy, được sử
dụng trung thực.
Tác giả

Hà Thị Thanh Phƣợng


MỤC LỤC
Nội dung

Trang

DANH MỤC BẢNG BIỂU
MỞ ĐẦU


1

CHƢƠNG 1: CƠ SỞ CHO CHÍNH SÁCH VIỆN TRỢ PHÁT TRIỂN

9

CHÍNH THỨC CỦA LIÊN MINH CHÂU ÂU CHO VIỆT NAM

1.1. Khái niệm và vai trò của Viện trợ phát triển chính thức (ODA)

9

1.2. Chính sách của EU về ODA

11

1.2.1. Đồng thuận Châu Âu về phát triển

11

1.2.2. Gắn kết chính sách về phát triển

13

1.2.3. Ưu tiên trong chính sách ODA của EU tại Châu Á

15

1.2.4. Các lĩnh vực ưu tiên của EU cho ODA


16

1.3. Nền tảng quan hệ Việt Nam - EU

18

Tiểu kết chương 1

21

CHƢƠNG 2: THỰC TRẠNG VIỆN TRỢ PHÁT TRIỂN CHÍNH

22

THỨC CỦA LIÊN MINH CHÂU ÂU CHO VIỆT NAM (1995 - 2015)

2.1. Giai đoạn 1995 - 2008

23

2.1.1. Bối cảnh và chính sách ODA của EU cho Việt Nam (1995 - 2008)

23

2.1.2. Giải ngân và sử dụng ODA của EU cho Việt Nam (1995 - 2008)

35

2.2. Giai đoạn 2009 - 2015


44

2.2.1. Bối cảnh và chính sách ODA của EU cho Việt Nam (2009 - 2015)

45

2.2.2. Giải ngân và sử dụng ODA của EU cho Việt Nam (2009 - 2015)

54

Tiểu kết chương 2

62

CHƢƠNG 3: ĐÁNH GIÁ VÀ KIẾN NGHỊ CHÍNH SÁCH

64

3.1. Nhận xét về chính sách ODA của EU cho Việt Nam

64


3.2. Đánh giá về việc triển khai chính sách ODA của EU tại Việt Nam

67

3.3. Kiến nghị chính sách

76


Tiểu kết chương 3

80

KẾT LUẬN

81

TÀI LIỆU THAM KHẢO

85

PHỤ LỤC
Phụ lục 1: Những ràng buộc khi cung cấp ODA của một số nước thành viên EU

94

Phụ lục 2: Ưu tiên hỗ trợ trong ODA dành cho Việt Nam của một số đối tác

95

phát triển
Phụ lục 3: Giải ngân ODA của EU theo lĩnh vực năm 2007

97

Phụ lục 4: Tình hình giải ngân ODA của các nhà tài trợ EU tại Việt Nam

98



DANH MỤC CÁC TỪ VIẾT TẮT

ASEAN
DAC

Association of South East Asian

Hiệp hội các quốc gia Đông Nam

Nations

Á

Development Assistance

Ủy ban hỗ trợ phát triển

Committee
DCI

Development Cooperation
Instrument

Công cụ Hợp tác Phát triển

EC

European Commission


Ủy ban Châu Âu

Euro

Euro

Đồng tiền chung Châu Âu

EU

European Union

Liên minh Châu Âu

FDI

Foreign Direct Investment

Đầu tư trực tiếp nước ngoài

GNI

Gross National Income

Tổng thu nhập quốc dân

GDP

Gross Domestic Product


Tổng sản phẩm trong nước

IMF

International Monetary Fund

Qũy Tiền tệ quốc tế

MDG

Milennium Development Goal

Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ

MUTRAP

Multilateral Trade Assistance

Dự án Hỗ trợ Thương mại đa biên

Organisation
MIC

Middle Income contries

Nước có thu nhập trung bình

ODA


Official Development Assistance

Viện trợ phát triển chính thức

OECD

Organisation for Economic
Cooperation Development

Tổ chức Hợp tác và Phát triển
Kinh tế

PCA

Partnership Cooperation

Hiệp định Đối tác và Hợp tác toàn

Agreement

diện Việt Nam - EU

Social-Economic Development

Kế hoạch phát triển kinh tế xã hội

SEDP

Plan
SP


Country Strategy Paper

Bản chiến lược quốc gia

UNDP

United Nations Development

Chương trình Phát triển Liên Hợp

Programme

quốc

USD

United State dollar

Đô la Mỹ

WB

World Bank

Ngân hàng Thế giới

WTO

World Trade Organisation


Tổ chức Thương mại thế giới


DANH MỤC BẢNG BIỂU

TT

Chi tiết

Trang

Bảng 2.1: Giá trị ODA cam kết và giải ngân giai đoạn 2001-2008 của

36

Bảng
1

EU cho Việt Nam
2

Bảng 2.2: Giá trị ODA giải ngân giai đoạn 2009-2014 của EU cho

55

Việt Nam
3

Bảng số 3.1: ODA Cam kết của EC cho Châu Phi so với các khu vực


66

khác giai đoạn 2008 - 2013
4

Bảng 3.2. Những điểm tương đồng và khác biệt chủ yếu trong ODA

66

của EU cho Việt Nam và Châu Phi
5

Bảng 3.3. Chỉ số phát triển con người của Việt Nam từ năm 1985 -

68

2014
Biểu đồ
1

Biểu đồ 2.2: Cam kết hỗ trợ của EU cho Việt Nam giai đoạn 2009 -

55

2015
2

Biểu đồ 2.3: Giải ngân của EU cho Việt Nam năm 2014 theo loại


56

hình thức hỗ trợ
3

Biểu đồ 2.4: Giải ngân viện trợ không hoàn lại của EU tại Việt Nam

56

năm 2014
4

Biểu đồ 2.5: Các cam kết của EU năm 2015 theo hình thức hỗ trợ

57

5

Biểu đồ 2.6: Cam kết viện trợ không hoàn lại của EU cho Việt Nam

57

năm 2015
Hộp
1

Hộp 2.1: Chương trình Hỗ trợ Khu vực tư nhân Việt Nam (VPSSP)

43


2

Hộp 2.2: Dự án thí điểm tuyến đường sắt đô thị thí điểm Nhổn - ga

59

Hà Nội


MỞ ĐẦU
1. Lý do chọn đề tài
Ngày 22 tháng 10 năm 1990, Cộng đồng Châu Âu lúc đó tiền thân của Liên
minh Châu Âu (EU)1 ngày nay, và Việt Nam thiết lập quan hệ ngoại giao. Sau 5
năm, ngày 17 tháng 07 năm 1995 Hiệp định khung về quan hệ hợp tác giữa Việt
Nam và Uỷ Ban Châu Âu (EC) (gọi tắt là Hiệp định FCA) được ký kết và bắt đầu
có hiệu lực vào ngày 01 tháng 06 năm 1996, cung cấp cơ sở pháp lý cho mối quan
hệ song phương nói chung cũng như chiến lược hỗ trợ phát triển chính thức của EU
cho Việt Nam nói riêng. Năm 2015 đánh dấu mốc 20 năm chính sách viện trợ phát
triển chính thức (ODA) của EU cho Việt Nam.
EU là nhà tài trợ hợp tác phát triển lớn nhất thế giới với mức viện trợ năm
2014 chiếm 55% tổng mức viện trợ, đạt 74,1 tỷ USD. Cùng với các nước thành viên
EU, viện trợ từ Iceland, Nauy và Thụy sỹ đã nâng mức viện trợ của Châu Âu lên
61% tương đương 82,7 tỷ USD viện trợ toàn cầu2. ODA luôn chiếm một vị trí quan
trọng trong quan hệ của EU với các nước đang phát triển.
Hiện nay EU là nhà tài trợ song phương lớn thứ hai về ODA và là nhà cung
cấp viện trợ không hoàn lại lớn nhất của Việt Nam với tổng ODA cam kết trong giai
đoạn 1996 - 2010 là hơn 12 tỷ USD góp phần tích cực vào quá trình phát triển kinh
tế xã hội của Việt Nam3. Thông qua các kế hoạch chiến lược hợp tác song phương,
nguồn ODA của EU dành cho Việt Nam, chủ yếu tập trung vào các lĩnh vực như
phát triển nông thôn, phát triển nguồn nhân lực, y tế, giáo dục, hỗ trợ kỹ thuật, cải

cách hành chính, tư pháp, ngân hàng, tài chính và hội nhập kinh tế quốc tế. Các
chương trình hợp tác phát triển giúp Việt Nam thúc đẩy cải cách toàn diện và phát
triển bền vững, góp phần tích cực vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội và đạt
được các Mục tiêu Phát triển thiên niên kỷ (MDG).

1

Bao gồm cả Uỷ ban Châu Âu và các nước thành viên

2

European Union Deligation of the European Commission to Vietnam, Blue Book (2015)
cập nhật ngày 16/11/2016
3
Quan hệ với Liên minh Châu Âu, 2012
/>yId=100002827&articleId=10050422, cập nhật ngày 16/11/2016

1


Theo xếp loại của Ngân hàng Thế giới (WB) và Tổ chức hợp tác và Phát triển
kinh tế, Việt Nam nằm ở nhóm các quốc gia thu nhập trung bình thấp với mức GNI
bình quân đầu người năm 2010 là 1270 USD và năm 2015 là 1560 USD4.
Trở thành một nước có thu nhập trung bình (MIC), mặc dù trung bình thấp,
song các nhà tài trợ áp dụng đối với Việt Nam một chính sách tài trợ như một nước
có thu nhập trung bình không có ngoại lệ. Theo đó, tính chất, quy mô, cơ cấu, điều
kiện và phương thức cung cấp ODA cho Việt Nam của các đối tác phát triển cũng
có sự thay đổi.
Trong bối cảnh gặp nhiều khó khăn về kinh tế và chịu nhiều tác động tiêu cực
của giai đoạn “hậu khủng hoảng” hiện nay, EU vẫn cam kết tiếp tục viện trợ 400

triệu Euro cho Việt Nam giai đoạn 2014 - 2020, tiếp tục giúp đỡ Việt Nam trong
nhiều lĩnh vực ưu tiên, bao gồm phát triển con người, ủng hộ tiến trình cải cách kinh
tế và xã hội, hỗ trợ Việt Nam trong quá trình hội nhập quốc tế. Điều này cho thấy
quan hệ đối tác và hợp tác toàn diện EU - Việt Nam ngày càng đi vào thực chất và
hiệu quả5. Việt Nam và EU đều thể hiện quyết tâm chính trị đưa mối quan hệ lên
tầm cao mới.
Việc nghiên cứu đánh giá ODA của EU cho Việt Nam giai đoạn 1995 - 2015
rút ra bài học kinh nghiệm nhằm có đối sách phù hợp hơn trong bối cảnh mới, tiếp
tục phát triển quan hệ hợp tác toàn diện EU - Việt Nam là cần thiết. Chính vì vậy
thực hiện đề tài này có ý nghĩa lý luận và thực tiễn cao.
2. Tình hình nghiên cứu
Có một số công trình nghiên cứu về ODA cho Việt Nam đã trên nhiều phương
diện khác nhau và đã đạt được những kết quả nhất định. Có thể chia các công trình
nghiên cứu theo nhóm sau:
2.1. Ở nƣớc ngoài
Các công trình nghiên cứu của học giả nước ngoài mà trong luận văn tiếp cận
được:
Andrew Hardy (2015), “25 years of progress and friendship”, Delegation of
the European Union, Ha noi: tác giả đã mô tả một số dấu mốc quan trọng trong quá
trình phát triển quan hệ EU - Việt Nam từ năm 1990 đến năm 2015.
4

cập nhật ngày 16/11/2016
Việt Nam - Liên minh Châu Âu: Hướng tới phát triển bền vững, 13/11/2014,
cập nhật ngày 16/11/2016
5

2



Bluebook 2002, 2009, 2010, 2012, 2014, 2015 của EU tại Việt Nam.
Stephen Booth and Sian Herbert (2011), EU external aid: Who is it for?,
Open Eupore xuất bản: phân tích và đưa ra những đánh giá về viện trợ của EU,
trong đó chủ yếu đề cập đến những vẫn đề còn tồn tại trong viện trợ của EU cho
Châu Phi như: Thiếu tập trung cho đói nghèo; Chi phí quản trị cao và quan liêu;
Quản lý yếu kém gây tình trạng lãng phí và thiếu minh bạch… Từ đó tác phẩm đưa
ra những kiến nghị như viện trợ của EU cần phân bổ đồng đều, tập trung cho đói
nghèo như đã cam kết trong Hiệp định đối tác Contonou 2000 và Đồng thuận 2005,
đồng thời xây dựng cơ chế quản lý viện trợ hiệu quả hơn.
Nhóm Ngân hàng Thế giới, (2013), “Đánh giá khung tài trợ cho cơ sở hạ tầng
Địa phương ở Việt Nam (Báo cáo cuối cùng)”, Ngân hàng Quốc tế cho Tái Thiết và
Phát triển, Hà Nội. Đây là Báo cáo cuối cùng của một chương trình cố vấn kỹ thuật
của WB được thực hiện trong giai đoạn 2012 - 2013 cho Chính phủ Việt Nam được
thực hiện dưới sự chỉ đạo của bà Victoria Kwakwa (Giám đốc quốc gia, WB tại
Việt Nam), bà Jennifer Sara (Giám đốc phụ trách Phát triển bền vững của WB tại
Việt Nam), ông Abhas Jha (Giám đốc phụ về Cơ sở hạ tầng của WB).... Quan điểm
đưa ra trong báo cáo này là của các tác giả đánh giá về khung tài trợ cho cơ sở hạ
tầng Địa phương ở Việt Nam cho đến năm 2013.
Các báo cáo như: EC (2014), Annual Report 2014 on the European Union’s
Development and external assistance policies and their implementation in 2013,
UNDP (2015), Briefing note for contries on the 2015 Human Development Report:
Vietnam, Báo cáo về“Vai trò của hợp tác đa phương trong thực hiện chương tình
nghị sự phát triển bền vững sau 2015” của tác giả Pratibha Mehta - Điều phối viên
Liên Hợp Quốc và Trưởng Đại diện thường trú UNDP.
2.2. Ở Việt Nam
* Nhóm công trình nghiên cứu nói chung về ODA cho Việt Nam:
Nguyễn Thị Hương, (2014), 20 năm quan hệ Viện trợ phát triển giữa Việt
Nam và các nhà tài trợ (1993 - 2013), Khóa luận tốt nghiệp, Khoa Kinh tế Quốc tế Học viện Ngoại giao. Tác giả làm rõ thực trạng 20 năm quan hệ viện trợ phát triển
giữa Việt Nam và các nhà tài trợ nói chung từ năm 1993 đến năm 2013.
Trần Thị Hải, (2014), Vai trò của ODA đối với hội nhập kinh tế của Việt Nam,

Khóa luận tốt nghiệp, Khoa Kinh tế Quốc tế - Học viện Ngoại giao. Tác giả phân
tích cụ thể vai trò của ODA đến với hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam, đưa ra

3


một số giải pháp nhằm nâng cao nhận thức và sự hiểu biết về vai trò và bản chất của
viện trợ nước ngoài, đồng thời hướng tới việc hoàn thiện hệ thống pháp lý nhằm
giải quyết những bất cập trong việc sử dụng và quản lý vốn ODA.
Trần Thị Hồng Thủy, (2016), Viện trợ phát triển chính thức (ODA) trong bối
cảnh Việt Nam trở thành nước có thu nhập trung bình (MIC), Luận án Tiến sĩ kinh
tế, Trường Đại học Kinh tế - Đại học Quốc gia Hà Nội. Tác giả phân tích vai trò của
ODA đối với Việt Nam trong bối cảnh Việt Nam trở thành nước MIC.
* Nhóm công trình nghiên cứu nói chung về quan hệ EU - Việt Nam:
Phạm Thị Thu Hương, (2014), Quan hệ Hợp tác - Đối tác toàn diện Việt Nam
- Liên minh Châu Âu: Thành tựu và triển vọng, Luận văn Thạc sĩ, Học viện Ngoại
giao. Tác giả phân tích quá trình xây dựng quan hệ đối tác - hợp tác toàn diện Việt
Nam - EU, đánh giá thuận lợi khó khăn trong tiến trình hợp tác từ đó nêu ra một số
khuyến nghị chính sách cho Việt Nam.
Nguyễn Quang Thuấn (2009),Quan hệ kinh tế Việt Nam - Liên minh Châu Âu:
thực trạng và triển vọng, Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội. Cuốn sách phân tích thực
trạng quan hệ hợp tác kinh tế Việt Nam - EU từ năm 1995 đến năm 2008 với ba nội
dụng chính là thương mại, đầu tư và hợp tác phát triển chính thức. Trên cơ sở đó sẽ
đưa ra những định hướng, giải pháp thúc đẩy quan hệ hợp tác kinh tế Việt Nam EU cho đến giai đoạn năm 2020.
Đinh Công Tuấn (Chủ biên) (2011), Liên minh Châu Âu hai thập niên đầu thế
kỷ XXI, Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội. Cuốn sách phân tích, nghiên cứu, đánh giá
những vấn đề chính trị, kinh tế, xã hội của EU trong giai đoạn 2000 - 2010, đánh giá
những tác động của xu hướng phát triển của EU đối với thế giới, khu vực Châu Âu
và Việt Nam trong thời gian tới.
Nguyễn An Hà (Chủ biên) (2013), Điều chỉnh chính sách phát triển của một

số quốc gia chủ chốt Châu Âu giai đoạn khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế
toàn cầu, Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội. Cuốn sách đi sâu vào phân tích sự điều
chỉnh chiến lược phát triển của EU giai đoạn tới năm 2020 trên cơ sở nhận diện bối
cảnh mới sau khủng hoảng tài chính, suy thoái kinh tế toàn cầu và những nhân tố
tác động tới khu vực của các quốc gia này. Cuốn sách đánh giá các tác động, rút ra
một số gợi mở cho Việt Nam trong triển khai chiến lược phát triển bền vững về
kinh tế môi trường và xã hội cũng như thúc đẩy quan hệ hợp tác với EU.

4


Ngoài ra còn có không ít các bài báo trên các tạp chí chuyên ngành, các báo
cáo kinh tế như: “Ngoại giao Việt Nam trong 25 năm đổi mới” của tác giả Phan
Doãn Nam, “Việt Nam - Liên minh Châu Âu hướng tới phát triển bền vững” của tác
giả Hoa Nguyễn; Báo cáo số 7501/BC-BKHĐT ngày 01/11/2011 của Vụ Kinh tế
đối ngoại, Bộ Kế hoạch và Đầu tư…
* Nhóm công trình nghiên cứu trực tiếp EU và chính sách ODA của EU:
Kiều Thanh Nga, (2015), Viện trợ phát triển chính thức của Liên minh Châu
Âu cho Châu Phi từ năm 2000 đến nay, Luận án Tiến sĩ kinh tế, Học viện Khoa học
Xã hội - Viện Hàn Lâm Khoa học Xã hội. Tác giả phân tích vai trò ODA của EU
đối với Châu Phi từ năm 2000 đến năm 2014.
* Nhóm công trình nghiên cứu trực tiếp về ODA của EU cho Việt Nam:
Đỗ Tá Khánh và các cộng sự, (2008), Viện trợ phát triển chính thức của Liên
minh Châu Âu cho Việt Nam, Báo cáo tổng quan - Đề tài nghiên cứu khoa học cấp
Bộ, Viện nghiên cứu Châu Âu - Viện Khoa học Xã hội Việt Nam. Tác giả đánh giá
khái quát về tình hình cung cấp ODA của EU cho Việt Nam; chính sách hợp tác của
Việt Nam trong việc nhận và sử dụng ODA của EU đến năm 2008 và đưa ra một số
giải pháp nhằm thu hút và sử dụng hiệu quả vốn ODA đến từ EU.
Trần Thị Thanh Huyền, (2009), Hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) của Liên
minh Châu Âu (EU) đối với phát triển kinh tế - xã hội Việt Nam, Luận văn Thạc sĩ

kinh tế đối ngoại, Trường Đại học Kinh tế - Đại học Quốc gia Hà Nội. Tác giả phân
tích tác động nguồn vốn ODA của EU tới phát triển kinh tế - xã hội Việt Nam đến
năm 2009 và đưa ra một số giải pháp chủ yếu nhằm nâng cao khả năng thu hút và
sử dụng ODA của EU đối với Việt Nam.
Hiện nay trong bối cảnh thế giới có nhiều biến đổi to lớn và sâu sắc, ảnh
hưởng toàn diện và mạnh mẽ đến mọi quốc gia như: Cuộc khủng hoảng tài chính tiền tệ thế giới năm 2008… Việc chính thức ký Hiệp định Hợp tác - Đối tác toàn
diện giữa Việt Nam và EU (PCA) năm 2012 và kết thúc cơ bản đàm phán Hiệp định
thương mại tự do Việt Nam - EU năm 2015 là những sự kiện quan trọng, tạo đà cho
việc phát triển quan hệ song phương đi vào chiều sâu và thực chất trên tất cả các
lĩnh vực.
Có thể thấy với cách tiếp cận ở nhiều mức độ khác nhau, tất cả các công
trình trên đã phân tích những nội dung đến ODA của EU cho Việt Nam đến năm
2009 hoặc những bài viết chỉ đề cập một phần trong chính sách ODA trong quan hệ
EU và Việt Nam, chưa đủ để đánh giá viện trợ ODA của EU cho Việt Nam từ mục

5


tiêu đến nội dung và những kết quả đã đạt được cũng như những vấn đề còn tồn tại.
Đặc biệt, chưa có công trình nào nghiên cứu chính sách ODA của EU cho Việt Nam
từ năm 1995 đến 2015, đánh dấu mốc 20 năm viện trợ ODA của EU cho Việt Nam.
Từ đó đưa ra định hướng về ODA trong bối cảnh Việt Nam là nước có thu nhập
trung bình thấp trong thời gian tới đồng thời có những kiến nghị về chính sách
nhằm giúp Việt Nam có những điều chỉnh, xây dựng một chính sách hợp tác phát
triển hoàn thiện, thu hút, sử dụng nguồn vốn ODA của EU. Vì vậy, đề tài: “Viện trợ
phát triển chính thức của Liên minh Châu Âu cho Việt Nam giai đoạn 1995 - 2015”
là một việc làm cần thiết, mang tính thời sự, nhằm bổ sung và hoàn thiện hơn nội
dung này. Những công trình nghiên cứu của các tác giả nêu trên là nguồn tài liệu
quý giá cho tác giả tham khảo để hoàn thành luận văn của mình.
3. Mục tiêu và nhiệm vụ nghiên cứu

Mục tiêu nghiên cứu của luận văn: Làm sáng tỏ chính sách ODA của EU
cho Việt Nam từ năm 1995 đến năm 2015. Luận văn đưa ra quan điểm và định
hướng về ODA trong bối cảnh Việt Nam là nước MIC trong thời gian tới, đồng thời
có những kiến nghị về chính sách nhằm giúp Việt Nam có những điều chỉnh, xây
dựng một chính sách hợp tác phát triển hoàn thiện, thu hút và sử dụng nguồn vốn
ODA của EU .
Về nhiệm vụ nghiên cứu:
Thứ nhất: Xem xét cơ sở của chính sách cung cấp ODA của EU cho Việt
Nam.
Thứ hai: Đánh giá thực trạng triển khai ODA của EU cho Việt Nam từ năm
1995 đến năm 2015.
Thứ ba: Đánh giá, xem xét đặc điểm chính sách ODA của EU cho Việt Nam,
đưa ra định hướng về ODA trong bối cảnh Việt Nam là một nước có thu nhập trung
bình thấp trong thời gian tới, đồng thời có những kiến nghị về chính sách nhằm giúp
Việt Nam điều chỉnh, xây dựng một chính sách hợp tác phát triển hoàn thiện, thu
hút và sử dụng nguồn vốn ODA của EU.
4. Đối tƣợng và phạm vi nghiên cứu
Đối tƣợng nghiên cứu
Chính sách và thực trạng ODA của EU (bao gồm EC và các nước thành viên)
cho Việt Nam.

6


Phạm vi nghiên cứu
Phạm vi thời gian: từ năm 1995 đến 2015.
Năm 1995 EC và Việt Nam ký kết Hiệp định FCA, cung cấp cơ sở pháp lý cho
mối quan hệ song phương nói chung cũng như chiến lược hỗ trợ phát triển chính
thức của EU cho Việt Nam nói riêng. Chiến lược ODA của EU dành cho Việt Nam
có những thay đổi theo từng thời kỳ. Nó phụ thuộc rất nhiều vào chiến lược hợp tác

của EU với Việt Nam nói riêng và với khu vực Đông Nam Á nói chung. Năm 2012
Việt Nam và EU đã chính thức ký kết hiệp định PCA, Hiệp định này chính thức
thay thế cho Hiệp định FCA năm 1995. EU và Việt Nam đều thể hiện quyết tâm
chính trị, đưa mối quan hệ lên một tầm cao mới, đưa quan hệ Việt Nam - EU thành
mối quan hệ đối tác toàn diện và bền vững. Năm 2015 đánh dấu mốc 20 năm chính
sách ODA của EU cho Việt Nam. Bên cạnh đó đánh giá chính sách ODA của EU
cho Việt Nam thông qua việc so sánh với chính sách ODA của EU cho Châu Phi.
Phạm vi không gian: EU, Việt Nam.
Phạm vi lĩnh vực: Viện trợ phát triển chính thức của EU cho Việt Nam.
5. Phƣơng pháp nghiên cứu
Phương pháp nghiên cứu tư liệu tổng hợp. Đây là phương pháp nhằm khai
thác các nguồn tài liệu gốc hoặc thứ cấp như: các tài liệu lịch sử, các báo cáo nhanh
của các cơ quan chức năng, các công trình nghiên cứu của các nhà khoa học, chính
trị, hoạt động xã hội...
Sử dụng phương pháp nghiên cứu quan hệ quốc tế như: Các cấp độ phân tích,
lịch sử, phân tích văn bản, hệ thống - cấu trúc đa ngành - liên ngành, phân tích
chính sách, phân tích tác động, phân tích hợp tác quốc tế và dự báo làm sáng tỏ vấn
đề cần nghiên cứu trong phạm vi đề tài. Ngoài ra luận văn áp dụng phương pháp
tổng hợp, thống kê, so sánh được sử dụng trong việc xử lý các nguồn tài liệu.
6. Đóng góp của luận văn
Sau khi hoàn thành các mục tiêu nghiên cứu, tác giả hy vọng luận văn sẽ cung
cấp một cái nhìn toàn diện về quá trình phát triển của chương trình ODA của EU
cho Việt Nam giai đoạn từ năm 1995 đến năm 2015. Luận văn đưa ra quan điểm và
định hướng về ODA trong bối cảnh Việt Nam là nước MIC trong thời gian tới, đồng
thời có những kiến nghị về chính sách nhằm giúp Việt Nam có những điều chỉnh,

7


xây dựng một chính sách hợp tác phát triển hoàn thiện, thu hút và sử dụng nguồn

vốn ODA của EU.
Luận văn cũng đồng thời là tài liệu tham khảo phục vụ công tác nghiên cứu,
giảng dạy và học tập về chính sách đối ngoại của Việt Nam cũng như về quan hệ
EU - Việt Nam.
7. Bố cục của luận văn
Ngoài phần mở đầu, kết luận, danh mục tài liệu tham khảo và phụ lục, luận
văn được chia làm 3 chương:
Chƣơng 1: Cơ sở cho Chính sách viện trợ phát triển chính thức của Liên
minh Châu Âu cho Việt Nam
Chương này tập trung vào tìm hiểu vào 3 nội dung chủ yếu: Khái niệm và vai
trò của ODA; Chính sách của EU về ODA; Các lĩnh vực ưu tiên của EU cho ODA;
Quan hệ Việt Nam - EU.
Chƣơng 2: Thực trạng viện trợ phát triển chính thức của Liên minh Châu
Âu cho Việt Nam (1995 - 2015)
Chương này tác giả trình bày và phân tích chính sách ODA của EU cho Việt
Nam theo 2 giai đoạn:
- Giai đoạn 1995 - 2008 gồm có: Bối cảnh và chính sách ODA của EU cho
Việt Nam; Giải ngân và sử dụng ODA của EU cho Việt Nam.
- Giai đoạn 2009 - 2015 gồm có: Bối cảnh và chính sách ODA của EU cho
Việt Nam; Giải ngân và sử dụng ODA của EU cho Việt Nam.
Chƣơng 3: Đánh giá và Kiến nghị chính sách
Nhận xét về chính sách ODA của EU cho Việt Nam thông qua việc so sánh
với chính sách ODA của EU cho Châu Phi; Đánh giá việc triển khai ODA của EU
tại Việt Nam. Từ đó đề xuất quan điểm và định hướng về ODA trong bối cảnh Việt
Nam là nước MIC và kiến nghị chính sách nhằm giúp Việt Nam có những điều
chỉnh, xây dựng một chính sách hợp tác phát triển hoàn thiện, thu hút và sử dụng
nguồn vốn ODA của EU trong thời gian tới.

8



CHƢƠNG 1
CƠ SỞ CHO CHÍNH SÁCH VIỆN TRỢ PHÁT TRIỂN CHÍNH THỨC CỦA
LIÊN MINH CHÂU ÂU CHO VIỆT NAM
Khái niệm và vai trò về Viện trợ phát triển chính thức (ODA)

1.1.

Khái niệm về Viện trợ phát triển chính thức (ODA) đã được nhiều tổ chức và
học giả đưa ra trong đó đáng chú ý là khái niệm của của Ủy ban Hỗ trợ phát triển
(DAC) thuộc Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế (OECD). Phần lớn các nước EU
là thành viên của OECD. Theo tổ chức này: ODA là “dòng tài chính chính thức
được quản lý nhằm mục tiêu thúc đẩy phát triển kinh tế và phúc lợi ở các nước đang
phát triển, trong đó một phần viện trợ không hoàn lại chiếm tối thiểu 25%. Thông
qua thỏa thuận, dòng vốn ODA bao gồm các khoản đóng góp của các cơ quan
Chính phủ của nước tài trợ, tại tất cả các cấp, cho các nước đang phát triển và cho
các thể chế đa phương. Sự tiếp nhận ODA bao gồm việc giải ngân của các nhà tài
trợ song phương và các thể chế đa phương”. Các khoản cho vay của các cơ quan tín
dụng xuất khẩu với mục đích duy nhất là thúc đẩy xuất khẩu không được xem là
ODA6.
Theo khái niệm của Việt Nam được quy định trong Quy chế quản lý và sử
dụng nguồn viện trợ phát triển chính thức, ban hành kèm theo Nghị định
131/2006/NĐ-CP ngày 09/11/2006 của Chính phủ là “hoạt động hợp tác phát triển
giữa Nhà nước hoặc Chính phủ nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam với nhà
tài trợ là Chính phủ nước ngoài, các tổ chức tài trợ song phương và các tổ chức liên
quốc gia hoặc liên Chính phủ”7. Các hình thức cung cấp ODA gồm:
i) ODA không hoàn lại: là hình thức cung cấp ODA không phải hoàn trả lại
cho nhà tài trợ;
ii) ODA vay ưu đãi (hay còn gọi là tín dụng ưu đãi”: là khoản vay với các điều
kiện ưu đãi về lãi suất, thời gian ân hạn và thời gian trả nợ, bảo đảm “yếu tố không

hoàn lại” (còn gọi là “thành tố hỗ trợ”) đạt ít nhất 35% đối với các khoản vay có
ràng buộc và 25% đối với các khoản vay không ràng buộc (Xem thêm Phụ lục 1);

6

cập nhật ngày 16/11/2016
Quy chế quản lý và sử dụng nguồn viện trợ phát triển chính thức, ban hành kèm theo Nghị định
131/2006/NĐ-CP ngày 09/11/2006 của Chính Phủ, tr.1
7

9


iii) ODA vay hỗn hợp: là các khoản viện trợ không hoàn lại hoặc các khoản
vay ưu đãi được cung cấp đồng thời với các khoản tín dụng thương mại nhưng tính
chung lại có “yếu tố không hoàn lại” đạt ít nhất 35% đối với các khoản vay có ràng
buộc và 25% đối với các khoản vay không ràng buộc.
Về thực chất, ODA là sự chuyển giao một phần thu nhập quốc gia từ các nước
phát triển sang các nước đang và chậm phát triển.
Theo cách hiểu chung nhất, ODA là khoản viện trợ không hoàn lại, có hoàn lại
hoặc các khoản tín dụng ưu đãi (cho vay dài hạn và lãi suất thấp) của các Chính
phủ, các tổ chức phi Chính phủ, các tổ chức các tổ chức quốc tế dành cho các nước
đang và chậm phát triển.
Như vậy, một khoản tài trợ được coi là nguồn vốn ODA nếu đáp ứng đủ 3
điều kiện sau: (i) Các khoản tài trợ này được các tổ chức chính thức (Chính phủ, các
tổ chức liên Chính phủ, các tổ chức phi Chính phủ, hoặc Liên Hợp Quốc hoạt động
không vì mục tiêu lợi nhuận); (ii) Mục tiêu của ODA là giúp các nước tiếp nhận sử
dụng vốn ODA trong các lĩnh vực xóa đói, giảm nghèo; nông nghiệp và phát triển
nông thôn; cơ sở hạ tầng xã hội như giáo dục, y tế, bảo vệ môi trường; các vấn đề
xã hội như tạo việc làm, phòng chống dịch bệnh, phòng chống các tệ nạn xã hội; cải

cách hành chính, tư pháp, tăng cường năng lực của cơ quan quản lý nhà nước, cải
cách thể chế; (iii) Thành tố hỗ trợ phải đạt ít nhất 25%, đây là chỉ số biểu hiện tính
ưu đãi của ODA so với khoản vay thương mại theo điều kiện thị trường và được xác
định trên tổ hợp các yếu tố: lãi suất, thời gian ân hạn, thời hạn cho vay, số lần trả nợ
trong năm và tỷ lệ chiết khấu.
Vai trò của ODA:
Đối với nước tài trợ ODA: Tăng cường vai trò ảnh hưởng đối với thế giới;
thực hiện mục tiêu an ninh - quốc phòng hoặc theo đuổi mục đích chính trị; tiếp cận
thị trường mới và mở rộng thị trường trong nước; hỗ trợ các vấn đề toàn cầu như
biến đổi khí hậu, di cư, chủ nghĩa khủng bố…); khai thác tài nguyên.
Đối với nước tiếp nhận: ODA góp phần thúc đẩy tăng trưởng dài hạn và
giảm nghèo ở những nước tiếp nhận. ODA có tính ưu đãi bởi trừ những khoản viện
trợ không hoàn lại ít nhất là 25% tổng số vốn vay thì phần cho vay có lãi suất thấp
hơn khoản vay thương mại thông thường (các khoản vay thông thường là

10


10%/năm). Tuy nhiên, các nước tiếp nhận phải đối mặt với những thách thức trong
mỗi khoản ODA8 như:
- Điều kiện ràng buộc của ODA khiến cho quyền làm chủ của bên nhận viện
trợ yếu khi đáp ứng những điều kiện theo hướng có lợi cho bên cung cấp viện trợ,
nhiều nước nhận viện trợ trở thành nước vay nợ với lãi suất cao;
- Các nước nhận viện trợ có thể gặp những rủi ro do đồng tiền của nước viện
trợ tăng giá;
- Tạo nên sự phân biệt đối xử trong việc cung cấp ODA khi chỉ những quốc
gia nào thỏa mãn được điều kiện do bên cung cấp ODA đưa ra mới nhận được sự
viện trợ;
- Tình trạng sử dụng lãng phí ODA do trình độ quản lý yếu, thiếu kinh nghiệm
trong tiếp nhận và sử dụng ODA, tạo điều kiện cho tham nhũng gia tăng.

Vì vậy, nguồn vốn ODA đối với Việt Nam đóng vai trò bổ sung cho nguồn
vốn trong nước: giúp Việt Nam tiếp thu các thành tựu khoa học, kỹ thuật hiện đại;
hoàn thiện cơ cấu kinh tế; giúp tăng cường khả năng thu hút vốn đầu tư trực tiếp
nước ngoài và thúc đẩy mở rộng đầu tư phát triển trong nước. Bên cạnh đó, ODA
còn được xem là yếu tố quan trọng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tăng khả
năng tham gia vào các thể chế kinh tế toàn cầu, thúc đẩy sự hình thành mối quan hệ
đối tác công - tư nhờ việc cải cách các doanh nghiệp quốc doanh….
1.2. Chính sách của EU về ODA
1.2.1. Đồng thuận Châu Âu về Phát triển
Năm 1975 EU đã đi tiên phong trong việc đề ra các chính sách phát triển, kể
từ khi thực hiện Công ước Lomé đầu tiên. Hơn nữa, theo Hiệp ước Liên minh Châu
Âu, các quốc gia thành viên và EC bắt buộc phải cộng tác với nhau và phối hợp các
hoạt động hợp tác phát triển cùng với nhiều vấn đề khác. Yêu cầu này càng quan
trọng khi EU mở rộng, kết nạp thêm thành viên (năm 2013 tổng cộng có 28 nước),
những nước cũng hoạt động tích cực trong lĩnh vực hợp tác phát triển.
Có thể nói Hài hòa, Điều phối và Lồng ghép là mối quan tâm chủ yếu của
EU. EU cũng là một thành viên tích cực trong xây dựng chương trình nghị sự quốc

8

Kiều Thanh Nga, (2015), Viện trợ phát triển chính thức của Liên minh Châu Âu cho Châu Phi từ năm 2000
đến nay, Luận án Tiến sĩ kinh tế, Học viện Khoa học Xã hội - Viện Hàn Lâm Khoa học Xã hội, tr 26-28.

11


tế nhằm nâng cao hiệu quả viện trợ. Tháng 3/2002 Hội đồng Châu Âu đã đồng ý
thực hiện những hành động cụ thể về điều phối chính sách và hài hòa hóa các thủ
tục trước năm 2004. Sự cam kết này được khẳng định thêm thông qua một số cam
kết tương tự trong Đồng thuận Monterrey. Đáp lại cam kết chính trị đó, tháng

6/2002, các nước thành viên EU quyết định yêu cầu Uỷ ban Châu Âu triển khai
những sáng kiến thí điểm ở 4 nước: Ma - rốc, Nicaragua, Mozambique và Việt
Nam.
EU đã áp dụng những kinh nghiệm thu được từ những sáng kiến thí điểm này
để xây dựng Kế hoạch hành động của EU. Kế hoạch hành động này đã được trình
bày tại Diễn đàn cấp cao Paris (Paris HLF) vào tháng 2 - 3/2005. EU thông qua
Tuyên bố Paris về Hiệu quả viện trợ. Ngày 16/12/2005 Hội đồng Châu Âu đã phê
chuẩn “Đồng thuận Châu Âu về Phát triển”9. Văn kiện này đưa ra cho EU một
tầm nhìn chung về giá trị, mục tiêu, nguyên tắc và phương tiện cho phát triển, đồng
thời nhấn mạnh viện trợ nhiều hơn và tầm quan trọng của viện trợ. Đồng thuận
Châu Âu về Phát triển buộc các quốc gia thành viên EU và EC cam kết đảm bảo
rằng:
- Tất cả các hỗ trợ nâng cao năng lực cần thực hiện thông qua các chương
trình được điều phối và tham gia nhiều hơn của các nhà tài trợ.
- 50% sự hỗ trợ của các nhà tài trợ sẽ được thông qua các hệ thống Chính Phủ.
- Không lập thêm những Ban quản lý Dự án mới.
- Số nhiệm vụ không được điều phối giảm 50%.
Nội dung chính của Đồng thuận Châu Âu về Phát triển thể hiện những cam
kết mạnh mẽ trong công cuộc xóa đói giảm nghèo, cung cấp viện trợ nhiều hơn và
hiệu quả hơn cũng như thúc đẩy chính sách gắn kết phát triển, xây dựng một thế
giới hòa bình và công bằng.
Tuyên bố bao gồm 2 nội dung chính:
Nội dung thứ 1 tập trung vào: “Tầm nhìn phát triển EU”. Trong nội dung này,
Cộng đồng Châu Âu và các nước thành viên được hướng dẫn cụ thể trong các hoạt
động hợp tác phát triển tại tất cả các quốc gia đang phát triển. Với mục tiêu căn bản
là xóa đói giảm nghèo, phát triển bền vững, đảm bảo nhân quyền và quản trị tốt, dựa

9

Đỗ Tá Khánh và các cộng sự, (2008), Viện trợ phát triển chính thức của Liên minh Châu Âu cho Việt Nam,

Báo cáo tổng quan - Đề tài nghiên cứu khoa học cấp Bộ, Viện nghiên cứu Châu Âu - Viện Khoa học Xã hội
Việt Nam, tr.14-16

12


trên quy tắc tôn trọng quyền tự chủ, quan hệ đối tác, quan hệ chính trị ở chiều sâu,
tham gia xã hội dân sự, bình đẳng giới, ngăn ngừa xung đột sắc tộc.
Với mục tiêu viện trợ nhiều hơn và hiệu quả hơn, EU cam kết:
 Vốn viện trợ đạt 0,7% tổng thu nhập quốc dân (GNI) đến năm 2015 (0,56%
vào năm 2010 là mục tiêu trung hạn);
 Thực hiện hỗ trợ phát triển cộng đồng ổn định hơn;
 Thực thi và giám sát các cam kết về hiệu quả viện trợ;
 Từng bước tăng cường phương thức viện trợ ngân sách, tăng cường tính tự
chủ;
 Tiếp tục xóa nợ và tăng cường giãn nợ;
 Tăng cường phối hợp và hỗ trợ lẫn nhau giữa Cộng đồng Châu Âu và các
quốc gia thành viên.
Thúc đẩy chính sách gắn kết phát triển: nhấn mạnh đến mục tiêu hợp tác trong
tất cả các chính sách có thể tác động đến các nước đang phát triển và đảm bảo rằng
các chính sách này hỗ trợ cho các mục tiêu phát triển.
Nội dung thứ hai của bản tuyên bố tập trung phản ánh Chính sách Phát triển
của Cộng đồng Châu Âu. Mỗi nước, EC sẽ hướng hoạt động viện trợ của mình vào
một số lĩnh vực. Có 9 lĩnh vực ưu tiên gồm: thương mại và hội nhập khu vực; môi
trường và quản lý bền vững các nguồn tài nguyên thiên nhiên; cơ sở hạ tầng, thông
tin liên lạc và giao thông; nước sạch và năng lượng; phát triển nông thôn, kế hoạch
sử dụng đất, nông nghiệp và an ninh lương thực; quản lý, dân chủ, nhân quyền và
hỗ trợ về mặt kinh tế và thể chế; cải cách; ngăn ngừa xung đột; phát triển nhân lực;
gắn kết xã hội và việc làm. Trong tất cả các vấn đề trên, Cộng đồng Châu Âu sẽ ưu
tiên 4 vấn đề sau: dân chủ, quản lý tốt, nhân quyền, quyền trẻ em; bình đẳng giới;

môi trường bền vững; chống đại dịch HIV/AIDS. Năm 2006, EU đã thảo luận các
bước cụ thể về cách thức để tổ chức tốt hơn việc phân công lao động giữa các nước
thành viên với nhau.
1.2.2. Gắn kết chính sách về phát triển
Hỗ trợ tài chính là một cách riêng rẽ chưa đủ để giúp các nước đang phát
triển đạt các MDG, mà việc thực thi các chính sách phi viện trợ cũng góp phần quan
trọng vào việc đạt được các mục tiêu này.Việc thực thi hiệu quả sự gắn kết chính
sách của các quốc gia phát triển sẽ giúp các quốc gia đang phát triển tiến gần hơn

13


tới các MDG. Trên cơ sở đó, EU đưa ra 12 lĩnh vực chính sách có ảnh hưởng tới
việc thực hiện MDG gồm:
Về lĩnh vực thương mại, EU tiếp tục gắn kết thương mại với các chiến lược
phát triển và hỗ trợ các nước phát triển thực hiện cải cách trong nước.
Về lĩnh vực môi trường, EU hỗ trợ các nước đang phát triển thực thi Hiệp định
Môi trường đa phương. EU cũng tiếp tục tăng cường các sáng kiến và chính sách
liên quan đến môi trường vì người nghèo.
Về lĩnh vực thay đổi khí hậu, EU tiếp tục khẳng định các cam kết đối với Hiệp
định thư Kyoto và phát triển các chiến lược trung hạn và dài hạn nhằm đối phó với
những thay đổi khí hậu.
Về lĩnh vực an ninh, EU thúc đẩy các chính sách hỗ trợ hiệu quả, ngăn ngừa
xung đột và tăng cường kiểm soát xuất khẩu vũ khí.
Về lĩnh vực nông nghiệp, EU tiếp tục nỗ lực giảm thiểu mức độ chệch hướng
thương mại liên quan tới những phương thức hỗ trợ đối với nông nghiệp, tạo điều
kiện phát triển nông nghiệp cho các nước đang phát triển.
Về lĩnh vực thủy sản, EU đã ban hành chính sách mới về Hiệp định đối tác
Thủy sản với các nước thứ ba bắt đầu thực thi từ năm 2003 nhằm khai thác bền
vững nguồn thủy sản của các quốc gia duyên hải cũng như đảm bảo lợi ích hai bên.

Về lĩnh vực xã hội của toàn cầu hóa, việc làm và thất nghiệp, EU tích cực đẩy
mạnh khía cạnh xã hội của toàn cầu hóa, giảm thiểu thất nghiệp nhằm đảm bảo lợi
ích lớn nhất cho tất cả mọi người.
Về lĩnh vực di cư, EU thực hiện các hoạt động nhằm tăng cường sự hỗ trợ lẫn
nhau giữa di cư và phát triển, biến di cư thành yếu tố tích cực của phát triển.
Về lĩnh vực nghiên cứu và đổi mới công nghệ, EU hỗ trợ các nỗ lực toàn cầu,
khu vực và quốc gia trong lĩnh vực nghiên cứu phát triển, đáp ứng nhu cầu của
người nghèo trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe, bao gồm phòng ngừa và chữa trị
HIV/AIDS (Virus gây suy giảm miễn dịch ở người/ Hội chứng suy giảm miễn dịch
mắc phải); trong lĩnh vực nông nghiệp; quản lý môi trường và tài nguyên thiên
nhiên; năng lượng, đặc biệt là năng lượng tái tạo.
Lĩnh vực xã hội thông tin: EU rút ngắn khoản cách kỹ thuật số bằng cách khai
thác tiềm năng của công nghệ tông tin và truyền thông như một công cụ phát triển
và là một nguồn lực quan trọng nhằm đạt MDG.

14


Lĩnh vực giao thông, EU tích cực giải quyết nhu cầu đặc biệt của các quốc gia
đang phát triển biệt lập và ở vùng duyên hải bằng cách giải quyết các vấn đề về
phương thức, an ninh và an toàn nhằm đạt tới một mạng lưới kết nối.
Lĩnh vực năng lượng, EU cam kết mạnh mẽ đáp ứng nhu cầu của các nước
đang phát triển bằng cách tăng cường khả năng tiếp cận các nguồn năng lượng bền
vững, hỗ trợ kết nối các mạng lưới và cơ sở hạ tầng năng lượng.
1.2.3. Ƣu tiên trong Chính sách ODA tại Châu Á
“Chiến lược Châu Á mới” năm 1991 được coi là nền móng chiến lược cho
quan hệ hợp tác phát triển giữa hai châu lục. EU muốn thúc đẩy quan hệ đối tác với
Châu Á, tăng cường sự hiện diện kinh tế và chính trị ở khu vực, cân bằng tốt hơn
các yếu tố kinh tế, chính trị, văn hóa và xã hội cũng như phối hợp giữa hai châu lục
trong giải quyết các thách thức và cơ hội toàn cầu trên cơ sở đối tác bình đẳng.

Hiện nay, EU chiếm khoảng 30% tổng viện trợ ODA của thế giới cho Châu Á,
chỉ đứng sau Nhật bản. Với tư cách là nhà viện trợ lớn thứ 2 ở châu lục này, các
hoạt động viện trợ của EU chủ yếu tập trung nhằm hỗ trợ cho các sáng kiến vì hòa
bình, xóa đói giảm nghèo, giải quyết các nguyên nhân cơ bản của đói nghèo, thúc
đẩy dân chủ, tôn trọng nhân quyền, quản lý tốt và nhà nước pháp quyền tại các quốc
gia đang phát triển.
Năm 2007, EU đưa ra Văn kiện Chiến lược Châu Á giai đoạn 2007 - 2013 và
kế hoạch giai đoạn 2007 - 2010, tập trung vào 3 lĩnh vực ưu tiên sau:
Hội nhập khu vực thông qua Hội nghị Thượng đỉnh Á - Âu, Hiệp hội các quốc
gia Đông Nam Á (ASEAN), Diễn đàn khu vực ASEAN và Hợp tác khu vực Nam Á
Hợp tác chính sách và thúc đẩy hiểu biết lẫn nhau trong các lĩnh vực môi
trường, năng lượng và thay đổi khí hậu thông qua tiêu dùng và sản xuất bền vững;
hỗ trợ đào tạo và nghiên cứu; hợp tác xuyên biên giới về các vấn đề y tế và động
vật;
Hỗ trợ người nghèo, thúc đẩy nhân quyền và dân chủ, bình đẳng giới và quản
lý tốt, quyền trẻ em và ứng phó đại dịch AIDS.
Với mục tiêu trên, trong giai đoạn 2007 - 2013, EU dành khoản hỗ trợ phát
triển 5,187 tỷ Euro để giúp Châu Á thực hiện mục tiêu nêu trên. Trong đó, 81% là
dành cho hoạt động hỗ trợ phát triển ở các quốc gia đơn lẻ, 16% dành cho hỗ trợ ở
cấp vùng và 3% dự trữ10.

10

Đỗ Tá Khánh và các cộng sự, (2008), Viện trợ phát triển chính thức của Liên minh Châu Âu cho Việt Nam,
Báo cáo tổng quan - Đề tài nghiên cứu khoa học cấp Bộ, Viện nghiên cứu Châu Âu - Viện Khoa học Xã hội
Việt Nam, tr.23-24

15



1.2.4. Các lĩnh vực ƣu tiên của EU cho ODA
Bao gồm: 7 lĩnh vực
Nhân quyền, dân chủ và pháp trị là những giá trị cốt lõi đối với EU
Củng cố nền dân chủ và nhà nước pháp quyền, tôn trọng nhân quyền và các
quyền tự do cơ bản là những ưu tiên chính trong chính sách phát triển, hợp tác tài
chính và kinh tế của EU. Sáng kiến Châu Âu về Dân chủ và Nhân quyền (áp dụng
từ năm 1999) là một trong những công cụ tài chính hỗ trợ thúc đẩy nhân quyền và
dân chủ trên thế giới.
Trong triển vọng Tài chính 2007 - 2013, cuối năm 2006, Nghị viện Châu Âu
đã thông qua quy chế mới thiết lập một công cụ tài chính đặc biệt với ngân sách hỗ
trợ 1,104 tỷ Euro11. Công cụ thúc đẩy Dân chủ và Nhân quyền của Châu Âu (áp
dụng năm 2007) ra đời thay thế cho Sáng kiến Châu Âu về Dân chủ và Nhân quyền
trong hoạt động thúc đẩy dân chủ và nhân quyền.
Phát triển con ngƣời và xã hội
EU hướng tới các hoạt động hỗ trợ vào các vấn đề cụ thể là y tế, giáo dục, thất
nghiệp và gắn kết xã hội.
Về y tế, EU ưu tiên hỗ trợ tài chính cho các hoạt động nhằm đối phó với các
bệnh dịch do đói nghèo gây ra. EU đang tiến hành hỗ trợ bổ sung cho Qũy toàn cầu
chống bệnh AIDS, lao và sốt rét; dành những khoản hỗ trợ cho vấn đề sức khỏe tình
dục, sức khỏe sinh sản và phát triển nguồn lực trong ngành y tế của các nước đang
phát triển.
Về giáo dục, EU hỗ trợ thông qua một số chương trình cụ thể như: Đối tác FTI
(Fast Track Initiative - FTI), TEMPUS, Erasmus, Edulink, Asialink…
EU chú trọng tới các hoạt động liên quan tới thất nghiệp và gắn kết xã hội
trong việc xóa đói giảm nghèo.
Kế hoạch tài chính 2007 - 2013 khẳng định EU tiếp tục các hoạt động tài trợ
cho sáng kiến trong lĩnh vực này thông qua chương trình: “Đầu tư cho con người”.

11


Đỗ Tá Khánh và các cộng sự, (2008), Viện trợ phát triển chính thức của Liên minh Châu Âu cho Việt Nam,
Báo cáo tổng quan - Đề tài nghiên cứu khoa học cấp Bộ, Viện nghiên cứu Châu Âu - Viện Khoa học Xã hội
Việt Nam, tr.26

16


Chương trình dự kiến dành 1,06 tỷ Euro12 tài trợ cho các sáng kiến liên quan trực
tiếp đến mức sống và tình trạng sức khỏe của người dân, tập trung chủ yếu vào
những quốc gia nghèo nhất và kém phát triển nhất trong các vùng dân cư kém lợi
thế.
Bình đẳng giới
Bình đẳng giới là một quy tắc cơ bản trong luật pháp EU, có quan hệ mật thiết
với các vấn đề xóa đói, giảm nghèo, khả năng tiếp cận các dịch vụ y tế và giáo dục,
tham gia vào quá trình xây dựng kinh tế và ra quyết định, quyền phụ nữ và nhân
quyền. Trong giai đoạn 2007 - 2013, EU phân bổ 57 triệu Euro13 nhằm hỗ trợ cho
các hoạt động trong lĩnh vực này.
An ninh lƣơng thực
Ngày 27/2/2008, EC đã thông qua Quyết định viện trợ tài chính lương thực
nhằm giúp 135 triệu Euro cho khoảng 12,5 triệu người dân nghèo14 ở khắp nơi trên
thế giới.
Ngăn chặn xung đột, khủng hoảng và thúc đẩy hòa bình và hợp tác quốc
tế chống ma túy
Cho đến nay các cuộc chiến tranh và xung đột vũ trang vẫn đang xảy ra trên
một số khu vực trên thế giới. EU đã và đang nỗ lực tham gia các hoạt động tại các
quốc gia và khu vực xung đột.
Môi trƣờng và phát triển bền vững các nguồn tài nguyên thiên nhiên
Chính sách môi trường và phát triển bền vững của EU dựa trên hiệp ước toàn
cầu, đặc biệt dựa trên Chương trình nghị sự 21 của Hiệp định Rio de Janeiro. Hội
nghị Liên hợp quốc tế về môi trường và phát triển được tổ chức năm 1992 ở Brazil

tạo nền móng cho sự phát triển bền vững hơn trên toàn cầu, thể hiện sự cân bằng
giữa tăng trưởng kinh tế và quan tâm đến môi trường.
Di cƣ

12

Đỗ Tá Khánh và các cộng sự, (2008), Viện trợ phát triển chính thức của Liên minh Châu Âu cho Việt Nam,
Báo cáo tổng quan - Đề tài nghiên cứu khoa học cấp Bộ, Viện nghiên cứu Châu Âu - Viện Khoa học Xã hội
Việt Nam, tr.27
13
Đỗ Tá Khánh và các cộng sự, (2008), Viện trợ phát triển chính thức của Liên minh Châu Âu cho Việt Nam,
Báo cáo tổng quan - Đề tài nghiên cứu khoa học cấp Bộ, Viện nghiên cứu Châu Âu - Viện Khoa học Xã hội
Việt Nam, tr.28
14
Đỗ Tá Khánh và các cộng sự, (2008), Viện trợ phát triển chính thức của Liên minh Châu Âu cho Việt Nam,
Báo cáo tổng quan - Đề tài nghiên cứu khoa học cấp Bộ, Viện nghiên cứu Châu Âu - Viện Khoa học Xã hội
Việt Nam, tr.28

17


Di cư hiện nay là vấn đề nóng ở cấp độ toàn EU, cấp độ quốc gia và toàn cầu.
Giải quyết vấn đề này, EU tập trung một cách toàn diện vào các vấn đề xây dựng
chính sách, chính trị và nhân quyền ở các nước và khu vực đang phát triển. Trong
giai đoạn tài chính 2007 - 2013, EU dành khoản hỗ trợ 384 triệu Euro15 cho các
nước đang phát triển nhằm giải quyết các vấn đề di cư.
1.3. Nền tảng quan hệ Việt Nam - EU
Trước khi chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao (28/11/1990), từ giữa năm
1969 đến giữa năm 1979, các nước thành viên EU đã có nhiều cuộc tiếp xúc chính
trị, ngoại giao và viện trợ song phương cho đất nước Việt Nam mới thống nhất trị

giá tới 109 triệu USD, trong đó viện trợ trực tiếp 68 triệu USD16. Sau đó, nguồn
viện trợ này bị gián đoạn bởi “vấn đề Campuchia”. Có thể phân chia các nước thành
viên EU thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam làm 3 nhóm. Thứ nhất, các nước
Bắc Âu gồm những nước có quan điểm trung lập đối với Việt Nam như: Na Uy,
Thụy Điển, Đan Mạch. Phần Lan. Tiêu biểu là nước Thụy Điển, đây là quốc gia
phát triển và là nước Châu Âu đầu tiên công nhận và thiết lập quan hệ ngoại giao
với Việt Nam năm 1969, trong bối cảnh Việt Nam chiến tranh ác liệt, đất nước bị
chia cắt, chưa thống nhất và bị cấm vận, cô lập của nhiều quốc gia phương tây. Thứ
hai, các nước Tây Âu gồm những nước gắn liền với chế độ dân chủ tự do, phần lớn
các quốc gia trong vùng này có cùng văn hóa phương Tây, gồm các nước Châu
Âu có thu nhập đầu người cao như: Áo, Anh, Ireland, Pháp, Đức, Bỉ, Hà Lan,
Luxembourg, Thụy sĩ… Đặc biệt giữa Pháp và Việt Nam có mối quan hệ bề dày
lịch sử. Mặc dù hai quốc gia có chế độ chính trị - xã hội phát triển khác nhau, lưu
giữ nhiều dấu ấn của một thời gian dài thực dân Pháp chiếm đóng và đô hộ Việt
Nam cũng như thất bại của Pháp tại chiến trường Điện Biên Phủ năm 1954, nhưng
sau khi hai nước chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao năm 1973 và đặc biệt từ
sau khi Tổng thống Pháp Mitterrand (François Mitterrand ) đến thăm Việt Nam năm

15

Đỗ Tá Khánh và các cộng sự, (2008), Viện trợ phát triển chính thức của Liên minh Châu Âu cho Việt Nam,
Báo cáo tổng quan - Đề tài nghiên cứu khoa học cấp Bộ, Viện nghiên cứu Châu Âu - Viện Khoa học Xã hội
Việt Nam, tr.30
16

Quan hệ Việt Nam - EU: 25 năm phát triển và bứt phá (Bài 2), cập nhật ngày 16/11/2016

18



×