ĐỀ THI THỬ THPT QUỐC GIA
Môn: Ngữ văn 12
PHẦN I: ĐỌC HIỂU (3.0 điểm)
Đọc đoạn văn sau và trả lời các câu hỏi:
Cả đời ra bể vào ngòi
Mẹ như cây lá giữa trời gió rung
Cả đời buộc bụng thắt lưng
Mẹ như tằm nhả bỗng dưng tơ vàng
Đường đời còn rộng thênh thang
Mà tóc mẹ đã bạc sang trắng trời
Mẹ đau vẫn giữ tiếng cười
Mẹ vui vẫn để một đời nhớ thương
Bát cơm và nắng chan sương
Đói no con mẹ xẻ nhường cho nhau
Mẹ ra bới gió chân cầu
Tìm câu hát đã từ lâu dập vùi. […]
Trở về với mẹ ta thôi
Giữa bao la một khoảng trời đắng cay
Mẹ không còn nữa để gầy
Gió không còn nữa để say tóc buồn
Người không còn dại để khôn
Nhớ thương rồi cũng vùi chôn đất mềm
Tôi còn nhớ hay đã quên
Áo nâu mẹ vẫn bạc bên nắng chờ
Nhuộm tôi hồng những câu thơ
Tháng năm tạc giữa vết nhơ của trời
Trở về với mẹ ta thôi
Lỡ mai chết lại mồ côi dưới mồ.
(Đồng Đức Bốn, – Trở về với mẹ ta thôi)
Câu 1: Sự vất vả tảo tần của mẹ đựoc miêu tả bằng những từ ngữ nào?
Câu 2: Chỉ ra và phân tích ngắn gọn ý nghĩa của các cặp từ trái nghĩa được sử
dụng trong đoạn thơ trên?
Câu 3: Người con trong đoạn trích bộc lộ tình cảm gì đối với người mẹ của
mình?
Câu 4: Cảm nhận của anh(chị) về hai câu thơ sau: Cả đời buộc bụng thắt lưng/
Mẹ như tằm nhả bỗng dưng tơ vàng
PHẦN II: LÀM VĂN
Câu 1: (2.0 điểm)
Hãy viết 01 đoạn văn trình bày suy nghĩ của anh(chị) về câu nói sau: “Ai
cũng muốn làm điều gì đó lớn lao, nhưng lại không nhận ra rằng cuộc sống
được tạo thành từ những điều rất nhỏ”. (Frank A.Clark)
Câu 2: (5.0 điểm)
Nhận xét về truyện ngắn “Vợ nhặt” của Kim Lân có ý kiến cho rằng “Vợ
nhặt miêu tả sâu sắc tình cảnh thê thảm của người nông dân nước ta trong
nạn đói khủng khiếp năm 1945”. Lại có ý kiến khẳng định “Vợ nhặt đã thể
hiện cảm động vẻ đẹp tìnhngười và khát vọng sống mãnh liệt của người nông
dân ngay trên bờ vực của cái chết”.
Qua nhân vật Tràng trong truyện ngắn “Vợ nhặt” của Kim Lân, anh (chị)
hãy bình luận những ý kiến trên?
------------------Hết----------------
HƯỚNG DẪN GIẢI ĐỀ THI THPT QUỐC GIA
Môn: Ngữ văn 12 (Kỳ 2)
PHẦN I: ĐỌC HIỂU (3.0 điểm)
Câu 1: Đoạn trích thể hiện sự vất vả, tần tảo của người mẹ thông qua một số từ
ngữ sau: Buộc bụng thắt lưng, tóc mẹ đã bạc, đau, đắng cay, gầy, tóc buồn
(0.5 điểm).
Câu 2: Đoạn trích sử dụng các cặp từ trái nghĩa sau: ra – vào, dại – khôn,
đói – no. (0.5 điểm)
-Ý nghĩa của các cặp từ trái nghĩa: Thể hiện những khó khăn, tần tảo về
mọi mặt mà mẹ phải trải qua, từ đó khắc sâu sự biết ơn của người con đối với
mẹ. (0.5 điểm)
Câu 3: Đoạn trích miêu tả hình ảnh ngưòi mẹ là chủ yếu nhưng người đọc lại có
cảm nhận rất rõ về tấm lòng người con muốn dành cho người mẹ của mình. Đó
là tấm lòng luôn hướng về mẹ với lòng biết ơn sâu sắc nhất, thấu hiểu những nối
khổ mà cả đời tần tảo của mẹ đã phải trải qua để dành cho con những điều tốt
đẹp nhất. Tháng năm có trôi qua nhưng những gì thuộc về mẹ thì mãi là những
điều đẹp nhất mà mỗi người con luôn khắc ghi trong lòng. Đó cũng chính là lẽ
sống mà ngưòi con trong đoạn trích muốn bộc lộ. (0.75 điểm)
Câu 4: Câu thơ:Cả đời buộc bụng thắt lưng/ Mẹ như tằm nhả bỗng dưng tơ
vàng
thể hiện vẻ đẹp của người mẹ, đó là vẻ đẹp của sự chắt chiu, làm lụng để dành
cho con những điều tốt đẹp nhất. Cả đời người mẹ tiết kiệm cho con cái, cuộc
đời mẹ chỉ có một mong muốn duy nhất là mình sẽ tạo nên những giá trị tốt đẹp
nhất cho con, cách so sánh tằm nhả tơ vàng thể hiện tấm lòng cao cả của người
mẹ. Đó là điều mà mỗi con người trong xã hội này phải ghi nhớ. (0.75 điểm)
PHẦN II: LÀM VĂN
Câu 1: (2.0điểm)
Yêu cầu về hình thức:
-Viết đúng một đoạn văn, khoảng 200 từ.
-Trình bày mạch lạc, rõ ràng, không mắc lỗi chính tả, dùng từ, đặt câu…
Yêu cầu về mặt nội dung:
1-Giải thích: (0.5 điểm)
-Ai cũng muốn làm điều gì đó rất lớn lao: khát vọng vươn tới những đích lớn,
làm thay đổi cuộc sống theo hướng phát triển đi lên, tốt đẹp hơn là khát vọng
chính đáng của mỗi người.
-Nhưng lại không nhận ra rằng cuộc sống được tạo thành từ những điều rất
nhỏ:Song nhiều người không ý thức được những việc lớn lao bao giờ cũng phải
bắt đầu từ những việc nhỏ như dòng sông được tạo bởi nhiều con suối, như đại
dương là nơi tìm về của nhiều dòng sông.
-Ý cả câu: Con người luôn có những khát khao làm những điều lớn lao, kì vĩ mà
lại quên rằng phải bắt đầu từ những điều rất nhỏ bé, bình thường.
2-Bàn luận: (0.75 điểm)
-Mơ ước làm điều lớn lao là nguyện vọng chính đáng, cần thiết của mỗi con
người, cần được hoan ngênh khuyến khích.
-Nhưng luôn phải ý thức được rằng: cuộc sống con người là tổng hoà các mối
quan hệ xã hội, nhân cách con người cũng được tạo nên bởi mối quan hệ mọi
bình diện từ nhỏ đến lớn những hành vi đạo đức, lối sống… Ý nghĩa, hạnh phúc
của cuộc sống cũng được kiến tạo từ những điều giản dị, đơn sơ.
3-Mở rộng: (0.25 điểm)
-Phê phán lối nghĩ cách nói nguỵ biện: vì việc lớn mà quên việc nhỏ, muốn trở
thành vĩ nhân mà quên mất mình là một con người đời thường.
4-Bài học và liên hệ bản: (0.5 điểm)
-Con người phải luôn có ý thức kiểm soát hành động và nhận thức rằng việc gì
nhỏ mấy mà có ích kiên quyết làm.
-Thường xuyên rèn luyện đức tính kiên nhẫn, bắt đầu từ những việc làm nhỏ để
có thể hướng tới những điều lớn lao cao cả.
Câu 2: (5.0điểm)
I.Yêu cầu về kĩ năng:
-Thí sinh biết cách làm bài nghị luận văn học, vận dụng tốt các thao tác lập luận.
-Khuyến khích những bài viết sáng tạo.
II.Yêu cầu về kiến thức:
Thí sinh có thể trình bày theo nhiều cách, nhưng cần làm nổi bật các ý sau đây:
1-Giới thiệu tác giả, tác phẩm: (0.5 điểm)
-Kim Lân là một trong những nhà văn xuất sắc của nền văn suôi Việt Nam hiện
đại.
-Một trong những tác phẩm tiêu biểu của Kim Lân là truyện ngắn Vợ nhặt.
-Trích hai ý kiến và giới thiệu nhân vật Tràng.
2-Giải thích ý kiến: (0.5 điểm)
-Ý kiến 1: Vợ nhặt miêu tả sâu sắc tình cảnh thê thảm của người nông dân nước
ta trong nạn đói khủng khiếp năm 1945.
=>đề cập đến giá trị hiện thực của tác phẩm, đó là số phận, tình cảnh thê thảm
của người dân lao động trong nạn đói.
-Ý kiến 2: Vợ nhặt đã thể hiện cảm động vẻ đẹp tình người và khát vọng sống
mãnh liệt của người nông dân ngay trên bờ vực của cái chết.
=>đề cập đến giá trị nhân đạo của tác phẩm, đó là vẻ đẹp tâm hồn là sự yêu
thương trân trọng, đùm bọc lẫn nhau, là niềm tin, niềm hy vọng sống mãnh liệt.
3-Bình luận ý kiến qua nhân vật Tràng: (2.5 điểm)
a.Tình cảnh thê thảm của người nông dân nước ta trong nạn đói năm 1945.
-Tràng xuất hiện trong tác phẩm là một gã trai nghèo, làm nghề đẩy xe bò mướn,
phải nuôi một mẹ già ở cái tuổi gần đất xa trời, lại là dân ngụ cư sống trong nạn
đói…
-Tràng lấy vợ trong bối cảnh đói khát chết chóc ấy nhưng không phải lấy vợ như
các trai làng khác: có người phụ nữ theo Tràng.
-Tình cảnh của Tràng thật thê thảm:
+Cưói vợ chỉ bằng 4 bát bánh đúc, cái thúng con và vài thứ lặt vặt.
+Lễ đưa dâu: chỉ có anh nhặt vợ và chị vợ nhặt…
+Đêm tân hôn: là âm thanh của tiếng quạ gào từng hồi thê thiết; tiếng khóc
hờ của những gia đình có người chết.
+Bữa cơm đầu tiên có vợ cũng thật thảm hại…
=>khẳng định tình cảnh thê thảm của người nông dân.
b.Vẻ đẹp của tình người và khát vọng sống:
-Tình người: yêu thương, chia sẻ, đùm bọc lẫn nhau – Tràng đến với thị trước
tiên là sự sẻ chia với hành động tốt bụng hào hiệplà mời thị ăn…
-Khát vọng sống mãnh liệt:
+Khát vọng cháy bỏng về mái ấm gia đình (phân tích diễn biến tâm trạng
Tràng).
+Niềm tin mãnh liệt vào tương lai tươi sáng.
4.Bình luận 2 ý kiến: (1.5điểm)
-2 ý kiến đề cập đến những giá trị nội dung khác nhau của truyện ngắn Vợ
nhặt…
-2 ý kiến tuy khác nhau nhưng không đối lập mà bổ sung cho nhau, giúp cảm
nhận một cách toàn diện và thống nhất về nhân vật Tràng. Từ đó người đọc có
cảm nhận sâu sắc hơn nội dung của tác phẩm và ý tưởng nghệ thuật của nhà văn.