Tải bản đầy đủ (.pdf) (64 trang)

Giá trị nội dung và nghệ thuật trong Ngư Phong thi văn tập của Nguyễn Quang Bích

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (632.61 KB, 64 trang )

TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM HÀ NỘI 2
KHOA NGỮ VĂN

LÝ THỊ TUYẾT

GIÁ TRỊ NỘI DUNG VÀ NGHỆ THUẬT
TRONG NGƯ PHONG THI VĂN TẬP
CỦA NGUYỄN QUANG BÍCH

KHÓA LUẬN TỐT NGHIỆP ĐẠI HỌC
Chuyên ngành: Văn học Việt Nam

HÀ NỘI – 2017


TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM HÀ NỘI 2
KHOA NGỮ VĂN

LÝ THỊ TUYẾT

GIÁ TRỊ NỘI DUNG VÀ NGHỆ THUẬT
TRONG NGƯ PHONG THI VĂN TẬP
CỦA NGUYỄN QUANG BÍCH

KHÓA LUẬN TỐT NGHIỆP ĐẠI HỌC
Chuyên ngành: Văn học Việt Nam
Người hướng dẫn khoa học: ThS. AN THỊ THÚY

HÀ NỘI – 2017



LỜI CẢM ƠN
Tôi xin chân thành cảm ơn sự hướng dẫn của giảng viên, thạc sĩ An Thị
Thúy đã tận tình giúp đỡ, hướng dẫn tôi hoàn thành khóa luận tốt nghiệp với
đề tài “Giá trị nội dung và nghệ thuật trong thơ văn Nguyễn Quang Bích”.
Nhân dịp này, tôi xin bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc đến các thầy cô giáo
trong khoa Ngữ văn trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2 đã tạo điều kiện giúp
đỡ tôi trong bốn năm học nói chung và trong quá trình nghiên cứu khóa luận
nói riêng.
Mặc dù có nhiều cố gắng song với trình độ và kiến thức còn hạn chế của
mình, khóa luận chắc chắn không tránh khỏi những thiếu sót. Tôi rất mong
nhận được sự góp ý chân thành của thầy cô và các bạn sinh viên để khóa luận
được hoàn thiện hơn.
Tôi xin trân trọng cảm ơn!
Hà Nội, tháng 4 năm 2017
Tác giả khóa luận

Lý Thị Tuyết


LỜI CAM ĐOAN
Tôi xin cam đoan khóa luận này là kết quả của quá trình học tập, nghiên
cứu của tôi cùng với sự giúp đỡ của các thầy cô trong khoa Ngữ văn trường
Đại học Sư phạm Hà Nội 2, đặc biệt là sự hướng dẫn tận tình của giảng viên –
thạc sĩ An Thị Thúy.
Trong quá trình làm khóa luận, tôi có tham khảo những tài liệu có liên
quan đã được hệ thống trong mục Tài liệu tham khảo. Khóa luận không có sự
trùng lặp với các khóa luận khác.
Nếu sai tôi xin hoàn toàn chịu trách nhiệm.
Hà Nội, tháng 4 năm 2017
Tác giả khóa luận


Lý Thị Tuyết


MỤC LỤC
MỞ ĐẦU ........................................................................................................... 1
1. Lí do chọn đề tài ............................................................................................ 1
2. Lịch sử vấn đề ............................................................................................... 2
3. Mục đích nghiên cứu ..................................................................................... 4
4. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu................................................................. 4
5. Phương pháp nghiên cứu ............................................................................... 4
6. Bố cục khóa luận ........................................................................................... 5
NỘI DUNG ....................................................................................................... 6
Chương 1: NHỮNG VẤN ĐỀ CHUNG ........................................................... 6
1.1. Hoàn cảnh lịch sử nửa cuối thế kỉ XIX ...................................................... 6
1.1.1. Phong trào kháng chiến chống Pháp của dân tộc.................................... 6
1.1.2. Phong trào kháng chiến của các sĩ phu văn thân. ................................... 8
1.2. Cuộc đời và sự nghiệp văn chương .......................................................... 11
1.2.1. Cuộc đời ................................................................................................ 11
1.2.2. Sự nghiệp văn chương ........................................................................... 17
1.3. Vị trí thơ văn Nguyễn Quang Bích trong dòng văn học yêu nước nửa cuối
thế kỷ XIX ....................................................................................................... 18
Chương 2. GIÁ TRỊ NỘI DUNG VÀ NGHỆ THUẬT TRONG NGƯ
PHONG THI VĂN TẬP CỦA NGUYỄN QUANG BÍCH ........................... 20
2.1. Ngư phong thi văn tập nhìn từ góc độ nội dung ...................................... 20
2.1.1. Tinh thần yêu nước, chống xâm lược ................................................... 20
2.1.2. Tình cảm gắn bó chân thành với nhân dân lao động ............................ 29
2.1.3. Tâm trạng bi phẫn vì hoài bão không thành. ........................................ 33
2.1.4. Tình yêu thiên nhiên đất nước............................................................... 39
2.2. Ngư Phong thi văn tập nhìn từ góc độ nghệ thuật ................................... 43

2.2.1. Bút pháp hiện thực ................................................................................ 43
2.2.2. Bút pháp trữ tình ................................................................................... 48
KẾT LUẬN ..................................................................................................... 57
TÀI LIỆU THAM KHẢO ............................................................................... 59


MỞ ĐẦU
1. Lí do chọn đề tài
Nguyễn Quang Bích là một nhà nho, một văn thân yêu nước tiêu biểu
của dân tộc Việt Nam nửa cuối thế kỉ XIX. Trong giai đoạn lịch sử đất nước
ta đang chịu sự áp bức đô hộ của thực dân Pháp, nhân dân sống trong khổ
cực, đói kém triều đình nhà Nguyễn đứng đầu đất nước nhưng lại nhu nhược,
hèn nhát đầu hàng giặc khiến những cuộc đấu tranh của mọi tầng lớp nhân
dân diễn ra ở khắp mọi nơi. Nếu ở Nam Kỳ nổi bật lên vai trò lãnh đạo kháng
chiến của Nguyễn Hữu Huân, ở Trung Kỳ là Phan Đình Phùng thì ở Bắc kỳ
phong trào kháng chiến chống Pháp gắn liền với tên tuổi của Nguyễn Quang
Bích. Ông là một lãnh tụ xuất sắc của phong trào Cần Vương kháng Pháp tại
núi rừng Tây Bắc. Những năm tháng chiến đấu gian khổ hào hùng của ông và
nghĩa quân đã tạo nên một nét son chói lọi trong lịch sử đấu tranh chống giặc
ngoại xâm của nước nhà. Nguyễn Quang Bích không những được lịch sử ghi
nhận bởi sự đóng góp của ông với phong trào Cần Vương mà còn được được
ghi nhận với những đóng góp cho nền văn học nước nhà. Bên cạnh tư cách
một lãnh tụ nghĩa quân lặn lội chống Pháp tại núi rừng Tây Bắc, Nguyễn
Quang Bích còn là một nghệ sĩ ngày đêm cầm bút khắc họa cảnh thiên nhiên
cũng như cuộc sống của nhân dân tại chính địa bàn mình đã trường kì kháng
chiến với tinh thần quyết tử cho dân tộc.
Sự tác động từ nhiều yếu tố như thời thế, xuất thân, nền giáo dục,…
Nguyễn Quang Bích đã cho ra đời tập thơ văn giàu giá trị là Ngư Phong thi
văn tập.Với nhiều bài thơ, văn đạt giá trị cả về nội dung và nghệ thuật, tập thơ
văn đã góp phần làm nên diện mạo của kho tàng văn học Việt Nam. Đó là

những cảm xúc của ông về thời thế, nhân sinh nhìn cảnh sinh tình.

1


Từ xưa đến nay, thơ ca chính là nơi gửi gắm những tâm sự nỗi lòng,
cảm xúc của các thi nhân. Những băn khoăn trăn trở, những niềm vui nỗi
buồn thường trực hay sâu kín đều ẩn hiện rõ nét hoặc thoáng qua hoặc ẩn
chứa sâu xa trong thơ văn của các thi sĩ.Đằng sau những ngôn từ có vẻ giản
đơn hiện lên cả một thế giới nội dung rộng lớn và một tâm hồn nghệ thuật
nghệ sĩ sâu sắc. Điều này chúng ta có thể bắt gặp được ở hầu hết sáng tác của
các thi nhân Việt Nam nói chung như: Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, Hồ Xuân
Hương,… Nguyễn Quang Bích cũng không ngoại lệ.
Nghiên cứu đề tài “Giá trị nội dung và nghệ thuật trong Ngư Phong thi
văn tập” chính là để độc giả hiểu sâu sắc hơn về nhà thơ Nguyễn Quang Bích
nói chung và giá trị nội dung, nghệ thuật của tập thơ nói riêng. Đó chính là lí
do để chúng tôi lựa chọn và nghiên cứu đề tài này.
2. Lịch sử vấn đề
Nguyễn Quang Bích là một trong những tác giả tiêu biểu, một tri thức
Nho học có tên tuổi trong nền văn học dân tộc nửa cuối thế kỉ XIX.
Tìm hiểu giá trị nội dung và nghệ thuật của thơ văn nói chung và giá trị
nội dung, nghệ thuật của tập thơ văn Ngư Phong thi văn tập của Nguyễn
Quang Bích nói riêng không phải là nội dung hoàn toàn mới mẻ.Có thể điểm
qua một số cuốn sách và công trình nghiên cứu về Nguyễn Quang Bích như
sau:
Trước hết, trong cuốn Sơ thảo lịch sử văn học Việt Nam (giai đoạn nửa
cuối thế kỉ XIX),tác giả đã phát hiện được tâm sự của người có thần sống chết
vì nước đồng thời tái hiện được nét chân thực về cuộc kháng chiến chống
Pháp của dân tộc vào giai đoạn nửa cuối thế kỉ trước trong tập Ngư Phong thi
văn tập.

Nhiều tác giả trong cuốn “Giáo trình lich sử văn học Việt Nam, tập
IVA” đã cho độc giả thấy được Nguyễn Quang Bích là một thi sĩ chân chính.

2


Thơ văn ông không những ghi chép được một số của cộc kháng chiến ở Tây
Bắc cuối thế kỉ trước mà còn truyền lại được những cảm xúc yêu nước lành
mạnh còn nhiều khả năng bồi dưỡng cho tình cảm dân tộc hiện nay.
Đến năm 1973 Đinh Xuân Lâm đã giới thiệu và chú thích cuốn Thơ văn
Nguyễn Quang Bích. Trong cuốn sách này, tác giả đã viết: “Tập Ngư Phong
thi văn tập là tiếng nói chân thành, là tâm sự bi đát của một vị văn thân nặng
lòng vì nước vì vua trong lúc nước mất nhà tan…” [3;tr24]
Tiếp đến là Nguyễn Lộc với cuốn Văn học Việt Nam nửa cuối thế kỉ
XVIII đến hết thế kỉ XIX. Trong cuốn sách này tác giả khẳng Ngư Phong thi
văn tập trước hết là tình cảm của Nguyễn Quang Bích một nhà thơ, đồng thời
là một lãnh tụ nghĩa quân Cần Vương, trong những ngày tháng chống giặc
gian lao giữa núi rùng ngút ngàn của miền Tây Bắc đất nước.
Hay nhiều tác giả trong cuốn “Thơ văn yêu nước nửa sau thế kỉ XIX
(1858-1900)”, cũng đã nói lên được tinh thần quyết tâm kháng chiến, không
sợ gian khổ, không sợ hi sinh của nghĩa quân và tác giả, đồng thời cũng nói
lên được tình yêu thương đồng cam cộng khổ giữa những người cùng chí
hướng, giữ miền núi và miền xuôi trong cuộc đánh giặc cứu nước.
Gần đây nhất là Nguyễn Huệ Chi (chủ biên) với công trình, Nguyễn
Quang Bích – Nhà yêu nước, nhà thơ (kỷ yếu). Đây là công trình tập hợp rất
nhiều bài viết về Nguyễn Quang Bích của các giáo sư, các nhà nghiên cứu.
Chẳng hạn như: “Truyền thống và cách tân trong thơ Nguyễn Quang Bích”
(GS Nguyễn Huệ Chi), “Ngư Phong thi văn tập, những vần thơ” “Tâm ngữ
tâm” (PGS Trần Thị Băng Thanh)…
Trong các công trình nghiên cứu trên, các tác giả đã phần nào nhìn

nhận ở góc độ này hay góc độ khác về giá trị nội dung và nghệ thuật trong
Ngư Phong thi văn tập của Nguyễn Quanh Bích. Tuy nhiên những bài nghiên
cứu trên chưa nhìn nhận một cách tổng thể, hệ thống về giá trị nội dung và

3


nghệ thuật của tập thơ văn. Kế thừa những khám phá của các bậc tiền nhân đi
trước, coi đó là những định hướng tiền đề ban đầu chúng tôi xin mạnh dạn thử
phác họa Giá trị nội dung và nghệ thuật trong Ngư Phong thi văn tập của
Nguyễn Quang Bích.
3. Mục đích nghiên cứu
Nghiên cứu đề tài khóa luận này hướng tới hai mục đích sau:
- Tìm hiểu để có cái nhìn toàn diện hơn về giá trị nội dung và nghệ
thuật trong tập thơ văn Ngư Phong thi văn tập của Nguyễn Quang Bích.
- Nâng cao sự hiểu biết về cuộc đời và thơ văn của Nguyễn Quang Bích
để từ đó thấy được vị trí và vai trò của ông trong giai đoạn nửa cuối thế kỉ
XIX nói riêng và trong nền văn học nước nhà nói chung.
4. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu
4.1. Đối tượng nghiên cứu
Khóa luận sử dụng trích dẫn thơ văn của Nguyễn Quang Bích chủ yếu
từ cuốn Thơ văn Nguyễn Quang Bích do Đinh Xuân Lâm giới thiệu, Nhà xuất
bản Văn học, Hà Nội, 1973.
4.2. Phạm vi nghiên cứu
Như tên đề tài đã xác định khóa luận tập trung tìm hiểu giá trị nội dung và
nghệ thuật trong tập thơ văn Ngư Phong thi văn tập của Nguyễn Quang Bích.
5. Phương pháp nghiên cứu
Tìm hiểu vấn đề này chúng tôi sử dụng các phương pháp chính sau:
- Phương pháp thống kê, phân loại
- Phương pháp hệ thống.

- Phương pháp đối chiếu, so sánh.
- Phương pháp phân tích, tổng hợp.

4


6. Bố cục khóa luận
Ngoài phần mục lục, mở đầu, kết luận và tài liệu tham khảo, nội dung
của khóa luận gồm hai chương:
Chương 1: Những vấn đề chung
Chương 2: Giá trị nội dung và nghệ thuật trong Ngư Phong thi văn tập của
Nguyễn Quang Bích

5


NỘI DUNG
Chương 1. NHỮNG VẤN ĐỀ CHUNG
1.1. Hoàn cảnh lịch sử nửa cuối thế kỉ XIX
1.1.1. Phong trào kháng chiến chống Pháp của dân tộc
Đất nước Việt Nam nhỏ bé nhưng đã phải trải qua biết bao cuộc đấu
tranh anh dũng mà hào hùng. Những ngày tháng chịu sự áp bức đô hộ là
những ngày tháng gian khổ nhưng rất hào hùng với những chiến công lẫy
lừng làm nên trang sử vàng chói lọi trong lịch sử của dân tộc ta. Xưa kia chịu
sự áp bức của thực dân phương Bắc có chiến công hiển hách đánh dấu bước
chuyển mình lớn của dân tộc với chiến thắng trên sông Bạch Đằng của Ngô
Quyền. Từ đó về sau ông cha ta cũng đã lập nên những kì tích đánh thắng
giặc phương Bắc với chiến công của Trần Hưng Đạo, Lê Lợi, Quang
Trung,… Từ giữa thế kỉ XIX đến thế kỉ XX cuộc chiến đấu của dân tộc ta vẫn
chưa chấm dứt. Kẻ thù của dân tộc ta lúc này không phải quân phương Bắc

nữa mà là thực dân Pháp.
Từ khi phát súng đầu tiên của thực dân Pháp nổ ra ngày 31-8-1858 tại
bán đảo Sơn Trà (Đà Nẵng) đã mở màn cho cuộc xâm lược phi nghĩa của
chúng đồng thời báo hiệu những chuyển biến lớn trong đời sống đấu tranh của
dân tộc. Nhân dân ta với tinh thần đấu tranh kiên cường bất khuất lại một lần
nữa trỗi dậy đấu tranh mang tư cách nhân dân của một nước độc lâp tự do
quyết chiến với kẻ thù để gìn giữ nền hòa bình tự chủ của tổ quốc.
Trong khí thế đấu tranh bừng bừng sôi sục của nhân dân thì triều đình
nhà Nguyễn nhu nhược, không dám dựa vào nhân dân kháng Pháp.Lúc đầu họ
cũng muốn đấu tranh để giành nền tự chủ cho dân tộc nhưng trước sức mạnh
to lớn của thực dân Pháp họ không kháng cự nổi nên đã đầu hàng bọn thực
dân, nhượng bộ cho chúng nhiều quyền lợi dân tộc, bán đi một số tỉnh. Bởi lẽ

6


đó, phong trào đấu tranh lúc này không phải chỉ để chống thực dân Pháp mà
còn để chống lại chế độ phong kiến mục rỗng không còn đủ tư cách lãnh đạo,
cầm quyền. Lúc này, vai trò của nhân dân lại sáng ngời trên vũ đài chính trị.
Chưa phải nhân dân lãnh đạo tất cả các cuộc chống Pháp nhưng họ tiêu biểu
cho tinh thần đấu tranh bền bỉ, gan dạ, tinh thần anh dũng bất khuất, chịu
thương chịu khó của dân tộc.
Xưa kia người nông dân đi theo chân của các vị tướng như Ngô Quyền,
Quang Trung, Lê Lợi, Nguyễn Trãi,… đánh đuổi giặc ngoại xâm. Ngày nay,
họ lại cùng với một bộ phận ưu tú của giai cấp phong kiến đứng lên chống
Pháp, chặn đứng nguy cơ mất nước dưới gót giày quân xâm lược.
Khi tiếng súng của kẻ thù xâm lăng ở của biển Đà Nẵng - phần đất
phương Nam xa xôi thì không chỉ nhân dân miền Nam mới đứng lên chống
Pháp. Tiếng súng ấy đã khơi dậy lòng phẫn uất căm thù giặc của nhân ở cả ba
miền Bắc, Trung, Nam. Các cuộc khởi nghĩa nổ ra liên tiếp và rầm rộ chứng

tỏ lòng yêu nước sắt son của người dân đất Việt. Tiêu biểu phải kể đến cuộc
khởi nghĩa nông dân của Cai Vàng, lời buộc tội triều đình của “Trung nghĩa
ca”, đoàn nghĩa quân chống quân xâm lược của thầy trò Phan Văn Nghị tình
nguyện vào Nam chống Pháp, cuộc khởi nghĩa của Đoàn Hữu Trưng, của
Trần Tấn, Đặng Như Mai nhằm chống lại triều đình phong kiến và chống lại
sự xâm lược của thực dân Pháp…
Những cuộc khởi nghĩa nổ ra càng thể hiện rõ tấm lòng yêu nước và ngọn
lửa đấu tranh chống giặc ngoại xâm ngùn ngụt trỗi dậy trong lòng nhân dân.
Những cuộc đấu tranh ấy đã gây ra tổn thất lớn cho thực dân Pháp và bọn tay
sai triều đình nhà Nguyễn khiến cho chúng phải trả giá đắt trên mỗi mảnh đất
chúng cướp hoặc bước chân giày xéo lên.
Phong trào đấu tranh của nhân dân vô cùng anh dũng, hào hùng nhưng
tình thế của đất nước vẫn không thể cứu vãn được. Chiến tranh của thực dân

7


Pháp ở Việt Nam là chiến tranh phi nghĩa nhưng do sự nhu nhược của triều
đình nhà Nguyễn tại Huế nên chúng đã giành được một số thắng lợi đánh dấu
bằng những hàng ước mà triều đình nhà Nguyễn kí với chúng: Hàng ước năm
1862 nhường ba tỉnh Biên Hòa, Gia Định, Định Tường và đảo Côn Lôn cho
Pháp. Điều ước và thương ước 1874 nhường toàn bộ Nam kì cho thực dân
Pháp. Hai hàng ước 1883 và 1884 thì công nhận nền đô hộ của thực dân Pháp
trên toàn cõi Việt Nam. Thực dân Pháp đã dần dần quàng ách thống trị lên
nước ta. Lúc đó nước ta trở thành một đất nước xã hội giao thời – xã hội nửa
thực dân nửa phong kiến, kiểu xã hội ngày càng rõ nét vào những năm cuối
thế kỉ XIX đầu thế kỉ XX.
1.1.2. Phong trào kháng chiến của các sĩ phu văn thân
Trước sự xâm lược của thực dân Pháp, nhân dân ta đã tiến hành một cuộc
đấu tranh quyết liệt chống lại kẻ thù. Trong làn sóng ấy phải kể đến phong

trào đấu tranh của các sĩ phu văn thân.
Thực dân Pháp xâm lăng đã làm cho hàng ngũ phong kiến bị phân hóa ra
nhiều thành phần. Ngoài triều đình Huế bù nhìn mê muội, ngoài bọn địa chủ
phong kiến hám lợi cầu vinh thì vẫn còn rất đông các trí thức phong kiến ý
thức được trách nhiệm của mình với dân với nước.
Tuy nhiên trong hàng ngũ sĩ phu văn thân, thái độ của họ với thời cuộc là
không hẳn giống nhau. Trước hiện thực tăm tối của xã hội , khi mâu thuẫn
của dân tộc Việt Nam với thực dân Pháp và phong kiến đã lên đến đỉnh điểm
thì một số người vẫn cúi đầu an phận. Ý thức hệ phong kiến cơ bản chi phối
lẽ sống của họ: tư tưởng trung quân giờ đây đã không còn hợp thời theo đúng
nghĩa của nó bởi người đứng đầu đất nước là triều đình nhà Nguyễn đã không
còn đủ tư cách lãnh đạo. Một số sĩ phu khác thì thiếu nghị lực, họ đi tìm qua
khứ trong ẩn dật, trong ưu tư mơ ước được trở lại thời thịnh của phong kiến
ngày xưa. Có người bày tỏ thái độ bất mãn trước cảnh chế độ phong kiến suy

8


tàn và thực dân Pháp thống trị nhưng họ lại không hành động mặt khác bên họ
vẫn có những sĩ phu ý thức được trách nhiệm của mình và tỉnh táo trước thời
cuộc. Bắt nguồn từ truyền thống yêu nước của dân tộc, họ tin tưởng vào lực
lượng nhân dân, đứng lên cầm súng giết giặc, lãnh đạo cuộc kháng chiến đem
đến nhiều chiến công. Tiêu biểu cho cuộc đấu tranh ấy là phong trào Cần
Vương được nổ ra bởi lời hiệu triệu, từ chiếu Cần Vương của vua Hàm Nghi.
Phong trào rầm rộ từ Bình Định, Quảng Bình ra đến Hưng Yên, Thái Bình,
Tây Bắc và kéo dài đến hết thế kỉ XIX. Các văn thân sĩ phu không chỉ đấu
tranh chống Pháp bằng vũ khí, bằng bạo lực mà còn đấu tranh bằng chính
ngòi bút của mình. Tấm lòng yêu nước thương dân và căm thù giặc còn thể
hiện rõ nét qua những trang thơ như của Nguyễn Đình Chiểu, Nguyễn Xuân
Ôn, Nguyễn Khuyến, Tú Xương,… một trong những sĩ phu văn thân thời bấy

giờ phải kể đến là Nguyễn Quang Bích.
Khi nói đến cuộc đời hi sinh chiến đấu ngoan cường của các chiến sĩ Cần
Vương người ta thấy nổi bật một Nguyễn Quang Bích, một Tống Duy Tân,
một Phan Đình Phùng… để lại cho thế hệ sau tấm gương rực rỡ về sự hi sinh
cho độc lập tự do của tổ quốc, về khí phách hiên ngang bất khuất, hành động
xả thân cho việc nước của một trí thức dân tộc chân chính trước kẻ thù.
Với riêng Nguyễn Quang Bích ông là một nhà trí thức phong kiến, một
nhà thơ, một nhà quân sự, nhà chính trị, ngoại giao. Trải qua những bước
thăng trầm của cuộc đời, với thực tế sống và chiến đấu ông đã trở thành người
chỉ huy cao nhất của trung tâm kháng chiến vùng Bắc Kì cuối thế kỉ XIX.
Cuộc chiến đấu chống thực dân Pháp rất gian khổ, hoàn cảnh lịch sử xã hội lại
vô cùng phức tạp nhưng ông vẫn cùng các chiến hưu của mình như Đề Kiều,
Đốc Ngữ, Nguyễn Văn Giáp…đứng ra gánh vác việc lớn. Nguyễn Quang
Bích là hiện thân của tinh thần yêu nước thương dân tư tưởng của ông đã vượt
ra khỏi tư tưởng của lễ giáo Nho gia, ông khước từ địa vị một viên quan triều

9


đình để cùng nghĩa quân lập căn cứ địa chống Pháp nơi núi rừng hẻo lánh.
Trong những ngày làm tuần phủ Hưng Hóa từ năm 1867 trở đi Nguyễn Quang
Bích đã góp phần lớn vào việc giữ an ninh trật tự cho vùng biên giới phía
Bắc. Ông đã thể hiện tri thức quân sự của mình khi nhìn thấy nhà Thanh sẽ
kết cấu với Pháp, đó là lối tư duy mang tính dự báo rất cao. Tầm nhìn quân sự
của Nguyễn Quang Bích còn thể hiện ở việc lựa chọn căn cứ kháng chiến lâu
dài chống Pháp từ Hưng Hóa đến địa bàn hiểm trở Cẩm Khê(Vĩnh Phú),ở
Tiên Động… rồi cuối cùng là châu Văn Chấn (Nghĩa Lộ) một địa bàn có vị trí
quân sự, chính trị và kinh tế vững chắc. Ông còn biết dựa vào nhân dân (Đặc
biệt là đồng bào dân tộc thiểu số) được nhân dân tin yêu, đùm bọc và che chở.
Ông còn rất tài tình trong việc dùng người, ngoài trợ thủ đắc lực của ông như

Đốc Ngữ, Đề Kiều, Nguyễn Văn Giáp…căn cứ địa của ông là nơi tập trung
thu hút sự chú ý và ủng hộ của các nghĩa quân khác. Chính điều đó tạo nên
sức mạnh to lớn để tiến hành kháng chiến lâu dài. Với những sách lược chính
trị, ngoại giao như tranh thủ sự giúp đỡ của nhà Thanh, kiên quyết kháng
Pháp cũng như việc sử dụng các chiến thuật quân sự cho thấy Nguyễn Quang
Bích là nhà quân sự đại tài.
Ngoài tài quân sự ông còn có tài thơ văn, với tập Ngư Phong thi văn tập
lắng đọng, giàu cảm xúc Nguyễn Quang Bích đã bộc lộ rất rõ suy nghĩ của
mình với cuộc kháng chiến chống Pháp.
Từ những điều trên đây, chúng ta có thể nhận thấy vai trò, vị trí và sự ảnh
hưởng quan trọng của Nguyễn Quang Bích với cuộc khánh chiến chống Pháp.
Bởi thế dưới ngọn cờ lãnh đạo xuất sắc của ông, dù cuộc kháng chiến chống
Pháp không thắng lợi trọn vẹn nhưng nó đã chứng tỏ rằng lòng yêu nước, căm
thù giặc là truyền thống quí báu của dân tộc, truyền thống ấy còn nối tiếp từ
thế hệ này đến thế hệ khác tạo nên một sức mạnh khổng lồ đem đến những
thắng lợi và kết quả triệt để hơn ở giai đoạn sau.

10


1.2. Cuộc đời và sự nghiệp văn chương
1.2.1. Cuộc đời
Nguyễn Quang Bích, tự Hàm Huy, hiệu Ngư Phong, ông sinh ngày 8
tháng 4 năm Nhâm Thìn (7-5-1832).
Sinh ra và lớn lên ở làng Trình Phố, huyện Trực Định, phủ Kiến
Xương, tỉnh Nam Định nay thuộc tỉnh Thái Bình nên Nguyễn Quang Bích rất
am hiểu về con người và mảnh đất nơi đây.
Trình Phố là ngôi làng đồng ruộng nhiều, cư dân đông đúc do gần vùng
biển úng lụt mất mùa liên miên nên cuộc sống của người dân nơi đây đói
nghèo thiếu thốn trăm bề. Tuy nhiên đây cũng là một trong những miền quê

tiêu biểu của Việt Nam với truyền thống yêu nước, kiên cường, bất khuất đấu
tranh bảo vệ dân tộc. Trong làn sóng lịch sử dân tôc sôi động khoảng cuối thế
kỉ XIX trở đi, tên tuổi của những người con ưu tú của quê hương Trình Phố
nổi bật lên như Ngô Đức Trạch, Bùi Viện, Ngô Quang Đoan,…nhưng tiêu
biểu nhất là tên tuổi của Hoàng giáp Nguyễn Quang Bích.
Suốt thời gian làm quan, ông được nhân dân các địa phương rất yêu
mến thường gọi ông là “Hoạt phật” (Phật sống). Đó là cả một tấm lòng ái mộ
của nhân dân đối với một người suốt đời chăm lo đến đời sống của quần
chúng. Những năm tháng làm quan trong sạch và ân đức đó đã báo trước cho
những hành động cao đẹp của ông về sau khi đất nước bị quân thù xâm lược.
Với làng Trình Phố, Nguyễn Quang Bích đã thực sự gắn bó và để lại rất
nhiều ân nghĩa. Đức tài, cách đối nhân xử thế của dòng họ ông nói chung và
của bản thân ông nói riêng đã ngấm sâu vào trong gốc rễ làng Trình và ăn sâu
vào trong hồn người nơi đây. Trước cảnh nhân dân mất mùa, đói khổ Nguyễn
Quang Bích đã lo lắng trăn trở mong muốn thực hiên được ước nguyện giúp
dân ấm no hạnh phúc. Trong khoảng thời gian về chịu tang cha ông đã thực
hiện được ước nguyện của mình, xây Văn Chỉ cho làng, mở trường dạy học,

11


xẻ sông, đắp cống,… mở ra một cuộc sống mới cho người dân làng Trình
Phố.
Cũng chính vì ông có nhiều ân nghĩa với mảnh đất và con người nơi
đây nên đã khiến cho nhân dân làng Trình đủ sức mạnh theo ông lên tận Hưng
Hóa để đánh giết giặc và khi ông mất làng Trình Phố đã cùng gia đình ông
gánh chịu những tổn thất lớn lao trong lòng cũng như sự trả thù dã man của
chính quyền thực dân Pháp.
Có một điều chắc chắn, Nguyễn Quang Bích xứng đáng là niềm tự hào
của nhân dân làng Trình Phố, xứng đáng với lời ngợi ca đẹp đẽ mà quê hương

đã dành tặng ông:
“Chỉ Trụ thiên thu tiêu Việt quốc,
Danh môn bách thế biểu Trình Giang.”
Nghĩa là:
“Cột trụ ngàn năm nên đất Việt,
Danh thơm muôn thuở rạng làng Trình.”
Có thể nói quê hương là một trong những yếu tố quan trọng góp phần
hình thành nên nhân cách Nguyễn quang Bích nhưng yếu tố tiên quyết để
hình thành nên nhân cách đáng kính trọng đó phải kể đến dòng dõi gia đình.
Tổ tiên Nguyễn Quang Bích vốn là dòng họ Ngô (Bởi vậy có nhiều học
giả gọi ông là Ngô Quang Bích). Họ Ngô từ thế kỉ XV xuất xứ từ Đồng Phang
đã lan rộng ra địa bàn toàn quốc và trở thành một dòng họ lớn sản sinh ra
nhiều văn thân võ tướng có tiếng. Tổ tiên ông có Ngô Kinh, Ngô Từ cũng có
công lớn với Lê Khoáng, Lê Lợi trong cuộc khởi nghĩa Lam Sơn.
Thân phụ Nguyễn Quang Bích là Ngô Quang Lưu vốn có sức khỏe, làm
ăn chăm chỉ, tiết kiệm nên sớm trở thành một trung nông khá giả của làng
Trình Phố xưa. Ông luôn chỉ bảo cho con cháu những điều hay lẽ phải, là một

12


tấm gương về đức tính lao động cần cù, sinh hoạt giản dị, ăn ở nhân đức tình
nghĩa với láng giềng,… cho con cái về sau.
Thân mẫu Nguyễn Quang Bích là một người phụ nữ tần tảo hết lòng
với chồng con.
Đức tính tốt từ thân phụ và thân mẫu đã trở thành những định hướng
lớn trong tư tưởng của Nguyễn Quang Bích và có ảnh hưởng lớn đến hành
động của ông sau này.
Không chỉ thế, góp phần quan trọng vào quá trình hình thành nhân cách
để tạo nên sự nghiệp của Nguyễn Quang Bích còn phải kể đến kết quả của sự

dạy dỗ bởi các thầy dạy học lúc bấy giờ.
Người thầy khai tâm cho Nguyễn Quang Bích là cụ tú tài Nguyễn Ôn
Hòa, một nho sĩ có tiếng người làng Hành Thiện, phủ Xuân Trường, tỉnh Nam
Định.
Nhờ sự ân cần chỉ bảo của người thầy mẫu mực này nên Nguyễn Quang
Bích đã sớm phát huy được tư chất thông minh, hiếu học và tinh thần lập chí
từ nhỏ. Khi học lên cao ông lại tìm được một người thầy học có tiếng tăm về
đức độ, văn tài tiến sĩ Đốc học Doãn Khuê, người xã Song Lãng, huyện Vũ
Thư. Người thầy cao quý không chỉ truyền dạy cho Nguyễn Quang Bích tinh
thần học tập, nghiên cứu nghiêm túc, coi trong việc tiếp thu những tinh hoa
của kho tàng văn hóa Việt Nam và văn hóa phương Đông mà còn ảnh hưởng
sâu sắc tới ông về tinh thần yêu nước, về đạo đức trong sáng mang tính truyền
thống của dân tộc. Trong “Bài ca đối sánh thi đình” của mình, Nguyễn
Quang Bích đã khẳng định: Ông đã hình thành nhân cách con người trí thức
của mình trước khi bước vào con đường tấn thân. Sau này, sau những năm
tháng kháng chiến ở Tây Bắc với tư cách là thủ lĩnh của nghĩa quân, Nguyễn
quang Bích đã hình thành nên nhân cách con người trí tuệ của mình. Trong

13


ông có sự nhất quán giữa việc học và hành, giữa tư tưởng và hành động, đạt
đến sự viên mãn trong các mối quan hệ ứng xử.
Như vậy, nhân cách của Nguyễn Quang Bích được hình thành trong cả
một quá trình dài dưới sự tác động của nhiều yếu tố. Với những điều kiện tiền
đề thuận lợi kết hợp với sự cố gắng nỗ lực của bản thân tưởng rằng đường
công danh sẽ rạng rỡ với ông thế nhưng cũng giống như Trần Tế Xương
Nguyễn Quang Bích thi đỗ rất muộn. Năm Mậu Ngọ (1858) lúc đã 27 tuổi
ông mới đậu tú tài. Tiếp sau đó, năm Tân Dậu (1861) ông đỗ cử nhân và được
bổ làm giáo thụ phủ Trường Khánh (Ninh Bình). Được một năm thì ông cáo

quan về quê để tang cha và dạy học.Con đường quan lộ của Nguyễn Quang
Bích chỉ thực sự rạng rỡ vào năm 1869 khi ông đỗ nhị giáp tiến sĩ lúc 38 tuổi
và được bổ làm tri phủ Diên Khánh, tỉnh Khánh Hòa. Sau đó, ông lần lượt
giữ các chức án sát Sơn Tây, Tế tửu Quốc Tử Giám tại kinh đô Huế, án sát
Bình Định. Trong thời gian đó triều đình mở doanh điền ở Hưng Hóa, ông lại
được cử làm chánh sứ sơn phòng rồi kiêm luôn chức tuần phủ Hưng Hóa.
Mảnh đất Hưng Hóa cũng là nơi Nguyễn Quang Bích bắt đầu tham gia
vào cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược của dân tộc. Sau khi
buộc triều đình Huế kí hàng ước vào ngày 25/8/1883 xác định quyền bảo hộ
của Pháp ở Việt Nam thì đến tháng 3/1884 thì hầu hết Bắc kì đã lọt vào tay
giặc Pháp. Một số căn cứ quan yếu đã mất, chỉ còn Hưng Hóa và thực dân
Pháp đang chuẩn bị tấn công để mở rộng phạm vi xâm lược ra cả nước.
Tuần phủ kiêm trấn thủ Hưng Hóa lúc đó là Nguyễn Quang Bích lúc đó
đã phải chỉ đạo trực tiếp việc giữ thành. Sau khi thành Hưng Hóa thất thủ ông
đã thu thập quân binh dời về Cẩm Khê (Phú thọ) và định cố thủ lâu dài ở đây
lặp căn cứ chống Pháp.
Nghĩa quân đã tự củng cố lục lượng cùng với nghĩa quân từ nhiều nơi
khác đến đã tạo nên một sức mạnh cả về thế và lực. Quân Pháp nhiều lần đem

14


binh đến đánh hưng đều thất bại trước sự đồng tâm đoàn kết quyết chiến của
nghĩa quân nơi đây, đặc biệt là sự lãnh đạo của nhà cầm quyên Nguyễn
Quang Bích.
Ngày 13/7/1885 vua Hàm Nghi hạ chiếu Cần Vương kêu gọi văn thân
sĩ phu và nhân dân cả nước đứng dậy chống Pháp cứu nước. Tôn Thất Thuyết
thừa mệnh vua xuống dụ khai phục nguyên hàm và thăng chức cho văn thần
võ tướng ngoài Bắc. Nguyễn Quang Bích được vua Hàm Nghi sai sứ ra phong
Lễ bộ thượng thư sung hiệp thống Bắc Kỳ quân vụ đại thần nước Thuần –

Trung cho phép quan văn từ tham tần, quan võ từ đề đốc trở xuống được
quyền “Liệu nghi thực dụng” đồng thời ông được ủy viện cầm quốc thư sang
triều Thanh cầu viện. Nguyễn Qung Bích đã hoàn thành xuất sắc công việc
được giao ông được vua Hàm Nghi ban khen và phụ chinh đại thần Tôn Thất
Thuyết làm thơ kỉ niệm.
Vào năm 1886 vua Hàm Nghi lại một lần nữa cử Nguyễn Quang Bích
đi Vân Nam, cùng đi với ông có Chu Lăng Thực, tự Thiết Nhai, hiệu Ngọa
Hổ người tỉnh Hồ Nam Trung Quốc, người thứ hai là Nguyễn Khê Ông người
làng Khê Thượng, huyện Bất Bạt tỉnh Sơn Tây, lĩnh chức án sát sứ tỉnh Sơn
Tây sung tần tướng quân vụ.
Cũng trong thời gian này từ tháng 6 đến tháng 11 năm 1886, giặc Pháp
hai lần liên tục tấn công căn cứ nhưng không có kết quả. Phong trào kháng
Pháp ở nhiều nơi lại nổ ra mạnh mẽ. Giữa lúc này thì Nguyễn Quang Bích từ
Trung Quốc về nước và cho nghĩa quân đóng ở hạt Thiên Chấn (châu Văn
Chấn). Được sự viện trợ của tổng đốc Vân Quý là Sầm Dục Anh cùng sự góp
sức của nhiều nghĩa quân khác, đặc biệt là đồng bào dân tộc miền núi nên
thanh thế của nghĩa quân tăng lên rất nhanh. Tất cả các cuộc đấu tranh chống
phá của thực dân Pháp đều vô hiệu. Đàn áp không được thực dân Pháp dở
chiêu trò dụ dỗ nhưng Nguyễn Quang Bích kiên quyết cự tuyệt thề chết không

15


hàng. Với lời lẽ ôn hòa mà đanh thép, Nguyễn Quang Bích đã thể hiện rõ
quan điểm và bản lĩnh của mình trước quân thù, đó cũng chính là ý chí bất
khuất của dân tộc Việt Nam bất chấp sức mạnh của quân xâm lược. Đến tháng
10 năm Đinh Hợi (11/1887) do quân Pháp ập đến bất ngờ nên Nguyễn Quang
Bích và hiệp đốc Nguyễn Văn Giáp phải chia tay nhau lánh vào nhà đồng bào
Mèo quanh vùng. Khi quân giặc rút lui ông trở về căn cứ thì Nguyễn Văn
Giáp đã bị bệnh chết. Vô cùng thương tiếc người đồng chí có khí tiết hào

hùng ông đã làm một bài văn tế thống thiết ca tụng công ơn của hiệp đốc
Nguyễn Văn Giáp.
Tháng 3 năm Mậu Tí (4/1888), Pháp tấn công lần hai, do bất ngờ và bị
động nên nghĩa quân đã không chống đỡ nổi phải rút về Phù An, sau khi địch
rút mới trở về vị trí cũ. Thực dân Pháp lại tiến hành bao vây phong tỏa, cuối
cùng Nguyễn Quang Bích dời trụ sở đến khu núi Tôn Sơn, châu Yên Lập.Tuy
nhiên đến giai đoạn này thì sức khỏe của ông ngày càng sa sút vì đau ốm liên
miên. Tháng 11/1889 Nguyễn Quang Bích truyền lệnh cho tướng sĩ chuẩn bị
một cuộc tấn công lớn vào đầu năm thì đến ngày 5/1/1891 ông bị bệnh nặng
và mất tại căn cứ của nghĩa quân (mất vào năm 1889 hoặc 1890). Thi hài của
ông được binh sĩ trân trọng chôn cất trên ngọn núi Tôn Sơn biểu dương ý chí
bất khuất, tinh thần yêu nước của một văn thân đồng thời là tinh thần của cả
một dân tộc anh hùng. Nguyễn Quang Bích từ trần, nghĩa quân không có
người lãnh đạo nên lần lượt tan rã. Tuy các chiến sĩ như Đề Kiều, đốc ngữ Đề
Dị, Đề Thành còn tiếp tục sự nghiệp rạng rỡ của ông làm cho quân Pháp thất
điên bát đảo trong nhiều năm nhưng về cơ bản phong trào đã thất bại.
Như vậy hoàn cảnh lịch sử và gia đình đã có tác động rất lớn đến cuộc
đời hoạt động cách mạng của Nguyễn Quang Bích nói chung và sự nghiệp thơ
văn nói riêng.

16


1.2.2. Sự nghiệp văn chương
Trong thời gian lãnh đạo phong trào Cần Vương chống Pháp ở Tây Bắc
từ 1885 đến 1889, ông đã sáng tác được một tập thơ văn giàu giá trị đó là Ngư
Phong thi văn tập gồm 97 bài thơ chữ Hán phần lớn theo các thể thơ Đường
luật ngoài ra ông còn có các bài văn(3 bài văn tế), câu đối(4 bài), liễn điếu
viếng các đồng đội tử trận, và thư trả lời quân Pháp với lời lẽ khẳng khái, ý
chí quyết hi sinh vì độc lập, dân tộc .

Có thể nói Ngư Phong thi văn tập là tiếng nói chân thành, là tấm lòng
yêu nước sắt son của nhà thơ Ngư Phong. Xúc cảm trước quân dân chiến đấu
gian khổ, căm hờn với giặc Pháp tham tàn, với lũ Việt gian bán nước và có
nhiều lúc rung cảm trước cảnh rừng núi Tây Bắc tươi đẹp nên Nguyễn Quang
Bích đã cho ra đời tập thơ giàu giá trị này.
Qua tập thơ, con người Nguyễn Quang Bích hiện lên một cách chân
thực nhất, hình ảnh một vị lãnh tụ, một thi sĩ yêu nước hiện lên đậm nét qua
từng trang thơ. Đồng thời tập thơ còn miêu tả nhiều nét chân thực về cuộc
chống Pháp của nghĩa quân Tây Bắc.
Với giá trị nội dung và nghệ thuật sâu sắc Nguyễn Quang Bích đã tái
hiện lại cho người đọc không gian và con người nơi núi rừng Tây Bắc. Qua
đó ta có thể thấy được hiện thân của một vị lãnh tụ cách mạng hết lòng vì
nước vì dân.
Từ đó ta có thể khẳng định Ngư Phong thi văn tập đã làm cho tên tuổi
Nguyễn Quang Bích rực sáng trên văn đàn, đặc biệt là trong dòng văn học yêu
nước cuối thế kỉ XIX. Tập thơ văn đã góp phần làm cho nền thơ ca dân tộc trở
nên phong phú hơn.

17


1.3. Vị trí thơ văn Nguyễn Quang Bích trong dòng văn học yêu nước nửa
cuối thế kỷ XIX
Là một lãnh tụ của phong trào Cần Vương kháng Pháp Nguyễn Quang
Bích được nhắc đến nhiều vơi vai trò, vị trí của một danh nhân lịch sử cùng
với những tên tuổi như: Nguyễn Hữu Huân, Phan Đình Phùng, Hoàng Hoa
Thám, Nguyễn Đình Chiểu,…thơ văn của ông chưa thực được tiếp cận và
nghiên cứu nhiều.
Có công lớn trong việc giới thiệu nhà thơ Nguyễn Quang Bích với
người đọc chính là nhóm tác giả Kiều Hữu Hỷ, Lã Xuân Mai, Nguyễn Xuân

Bách, Nguyễn Bỉnh Khôi, Đinh Xuân Lâm với công trình Thơ văn Nguyễn
Quang Bích được xuất bản lần đầu vào năm 1961 và được tái bản lại vào năm
1973. Đây là công trình biên soạn, tập hợp khá đầy đủ thơ văn Nguyễn Quang
Bích trong đó có 97 bài thơ cùng với một số bài văn tế và thư trả lời quân
Pháp. Trong cuốn này Đinh Xuân Lâm đã giới thiệu khá đầy đủ những nét về
cuộc đời, con người cũng như sự nghiệp thơ văn của Nguyễn Quang Bích và
đánh giá cao tinh thần yêu nước của ông trong tập Ngư Phong thi văn tập bởi
tư tưởng của nó được bắt nguồn từ sâu trong truyền thống vĩ đại không có gì
quý hơn độc lập tự do của dân tộc. Trong bài viết của tác giả Bùi Văn Nguyên
trong bộ Sơ thảo lịch sử văn học Việt Nam xuất bản năm 1964 đã khẳng định
được đúng đắn vị trí của thơ văn Nguyễn Quang Bích trong dòng văn học yêu
nước cận đại Việt Nam. Giáo sư cho rằng: “Sự kết hợp giữa nhà yêu nước và
tâm hồn thi nhân đã giúp Nguyễn Quang Bích bộc lộ được tâm hồn của một
cô thần sống chết vì nước đồng thời ghi lại được những nét chân thật về cuộc
kháng chiến chống Pháp của nghĩa quân, về thiên nhiên vùng Tây Bắc Bùi
Văn Nguyên trong bộ Sơ thảo lịch sử văn học Việt Nam đã tiếp cận với hình
ảnh con người Nguyễn Quang Bích trong thơ. Ông cho rằng đó là con người
tự an ủi mình trên bước đường gập ghềnh gian nan, hiểm trở, là người đi

18


nhiều, thích nói nhiều về nỗi buồn hơn là niềm vui.Trong giai đoạn kháng
Pháp người sáng tác thơ văn yêu nước chống Pháp có nhiều, người nào cũng
đáng kính phục nhưng người đã truyền lại cho ta hơi sống nóng hổi của một
thời đại chống Pháp đã qua thì chỉ có một số ít mà Nguyễn Quang Bích là một
trong số đó. Hầu hết những tác giả tìm hiểu về thơ văn Nguyễn Quang Bích
chỉ tìm hiểu về tiếng nói yêu nước chứ chưa đi sâu vào giá trị văn chương mà
Ngư Phong thi văn tập có được. Năm 1988 nhân việc nhà nước ta công nhận
di tích lịch sử phần mộ và từ đương Nguyễn Quang Bích tại quê hương Tiền

Hải, Thái Bình đã tổ chức buổi hội thảo khoa học về ông. Cuộc hội thảo đã
tập trung nhiều về vấn đề khẳng định vị trí của ông trong tư cách một lãnh tụ
Cần Vương còn thơ văn của ông chưa được họi thảo đi sâu. Đến năm 1991
trong lễ kỉ niệm và hội thảo khoa học tròn một trăm năm mất của Nguyễn
Quang Bích tại Văn Miếu – Quốc Tử Giám thì thơ văn của Nguyễn Quang
Bích mới được tìm hiểu ở nhiều phương diện.
Nhìn chung qua những bài viết điểm qua bên trên đã cố gắng tìm cách
lí giải những đóng góp riêng của Nguyễn Quang Bích so với các nhà văn yêu
nước cùng thời với ông. Tuy nhiên tất cả mới là những ý kiến bước đầu về
con người và thơ văn Nguyễn Quang Bích. Thế giới nội dung và nghệ thuật
trong thơ Nguyễn Quang Bích vẫn còn nhiều điều mới mẻ cho đến nay và
chưa được nghiên cứu một cách thỏa đáng dù vị trí và đóng góp của thơ văn
ông trong nền văn học yêu nước thời chống Pháp là đáng kể.

19


Chương 2. GIÁ TRỊ NỘI DUNG VÀ NGHỆ THUẬT TRONG NGƯ
PHONG THI VĂN TẬP CỦA NGUYỄN QUANG BÍCH
2.1. Ngư phong thi văn tập nhìn từ phương nội dung
2.1.1. Tinh thần yêu nước, chống xâm lược
Là một lãnh tụ xuất sắc trong phong trào Cần Vương, suốt cuộc đời
thăng trầm của mình Nguyễn Quang Bích luôn giữ gìn và phấn đấu để trở
thành một trí thức chân chính. Khi thực dân Pháp nổ súng xâm lược, quàng
ách thống trị lên đất nước ta thì Nguyễn Quang Bích quyết theo phe chủ
chiến, không đội trời chung với giặc. Ông bước tiếp theo con đường của
những tấm gương sáng đi trước như: Phan Văn Nghị, Trương Định, Nguyễn
Đình Chiểu,… Ông đã sống trong những năm tháng đầy khí phách, cùng với
nhân dân từ Bắc chí Nam lấy thiện chống ác, lấy cái vinh chống cái
nhục,..biểu thị thái độ dứt khoát kháng chiến giữ nước đến cùng. Nguyễn

Quang Bích lên án gay gắt những kẻ mang tri thức mà làm hại đến non sông
xã tắc, chà đạp lên chân lí và chính nghĩa, vạch mặt bè lũ bên ngoài giả cách ở
ẩn giữ mình còn bên trong thì giao thông với giặc cướp nước để tiền đầy túi:
“Hiện nay ở trên đời, biết bao nhiêu người tham lam đắm đuối, chạy vạy luồn
cúi dưới lũ hôi tanh để kiếm cơm áo; lại có người bên ngoài thời giả cách lùi
bước, ẩn mình, mà bên trong thời bí mật cùng quân giặc giao thông để kiếm
cho đầy túi.” ( Văn tế tán tương Nguyễn Khê Ông).
Ở Nguyễn Quang Bích cũng như nhiều nhà Nho yêu nước khác tình
yêu đất nước là một điều rất đỗi thiêng liêng, nó được hình thành không chỉ từ
trong nhận thức mà còn được xác định bởi tinh thần trách nhiệm của bản thân.
Với ông tinh thần yêu nước đã trở thành trách nhiệm trong cả cuộc đời của
mình.

20


×