BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
BỘ NỘI VỤ
HỌC VIỆN HÀNH CHÍNH QUỐC GIA
NGUYỄN VĂN AN
NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG ĐỘI NGŨ CÁN BỘ,
CÔNG CHỨC CẤP XÃ NGƯỜI DÂN TỘC THIỂU SỐ Ở
TỈNH ĐIỆN BIÊN TRONG ĐIỀU KIỆN MỚI
LUẬN ÁN TIẾN SĨ QUẢN LÝ CÔNG
HÀ NỘI – 2017
BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
BỘ NỘI VỤ
HỌC VIỆN HÀNH CHÍNH QUỐC GIA
NGUYỄN VĂN AN
NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG ĐỘI NGŨ CÁN BỘ,
CÔNG CHỨC CẤP XÃ NGƯỜI DÂN TỘC THIỂU SỐ Ở
TỈNH ĐIỆN BIÊN TRONG ĐIỀU KIỆN MỚI
Chuyên ngành: Quản lý công
Mã số: 62 34 04 03
LUẬN ÁN TIẾN SĨ QUẢN LÝ CÔNG
Người hướng dẫn khoa học:
GS.TS. Nguyễn Đăng Thành
PGS.TS. Đoàn Minh Huấn
HÀ NỘI - 2017
LỜI CAM ĐOAN
Tôi xin cam đoan đây là công trình nghiên cứu của riêng tôi. Các số liệu, kết
quả nêu trong Luận án là trung thực và chưa từng được ai công bố trong bất cứ công
trình nào khác.
Hà Nội, ngày 06 tháng 9 năm 2017
Nghiên cứu sinh
Nguyễn Văn An
i
MỤC LỤC
LỜI CAM ĐOAN
DANH MỤC CÁC CHỮ VIẾT TẮT
DANH MỤC BẢNG
DANH MỤC HÌNH
MỞ ĐẦU ................................................................................................................ 1
CHƯƠNG 1: TỔNG QUAN TÌNH HÌNH NGHIÊN CỨU LIÊN QUAN ĐẾN
ĐỀ TÀI LUẬN ÁN .............................................................................................. 11
1.1. Tổng quan các công trình nghiên cứu liên quan đến đề tài .................... 11
1.1.1. Các nghiên cứu về xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ CBCC và
kinh nghiệm nâng cao chất lượng CBCC người DTTS ở nước ngoài .............. 11
1.1.2. Các nghiên cứu về xây dựng và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nói
chung và đội ngũ CBCC người DTTS nói riêng ............................................. 15
1.1.3. Các công trình nghiên cứu về xây dựng và nâng cao chất lượng CBCC
cấp cơ sở/cấp xã.............................................................................................. 18
1.1.4. Các nghiên cứu về xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ CBCC cấp
cơ sở /cấp xã là người DTTS .......................................................................... 20
1.1.5. Các nghiên cứu về nâng cao chất lượng CBCC cấp xã nói chung và
CBCC cấp xã người DTTS ở tỉnh Điện Biên .................................................. 21
1.2. Đánh giá chung về các công trình đã tổng quan và hướng nghiên cứu
tiếp theo của luận án ....................................................................................... 23
1.2.1. Các giá trị có thể kế thừa ....................................................................... 23
1.2.2. Các vấn đề liên quan đến luận án nhưng chưa được đề cập, luận giải
trong các công trình đã tổng quan ................................................................... 23
1.2.3. Hướng nghiên cứu tiếp theo của đề tài .................................................. 26
Kết luận chương 1 ............................................................................................... 27
CHƯƠNG 2: CƠ SỞ KHOA HỌC VỀ NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG ĐỘI
NGŨ CÁN BỘ, CÔNG CHỨC CẤP XÃ NGƯỜI DÂN TỘC THIỂU SỐ
TRONG ĐIỀU KIỆN MỚI ................................................................................ 28
2.1. Khái niệm, đặc điểm và vai trò, vị trí của đội ngũ cán bộ, công chức cấp
xã người dân tộc thiểu số ................................................................................ 28
2.1.1. Khái niệm CBCC cấp xã người DTTS .................................................. 28
2.1.2. Đặc điểm của CBCC cấp xã người DTTS ............................................. 31
ii
2.1.3. Vị trí, vai trò của đội ngũ CBCC cấp xã người DTTS ........................... 34
2.2. Khái niệm và yêu cầu về chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức câp xã
người dân tộc thiểu số trong điều kiện mới .................................................... 35
2.2.1. Khái niệm chất lượng đội ngũ CBCC cấp xã người DTTS .................... 35
2.2.2. Điều kiện mới và yêu cầu chất lượng đối với đội ngũ CBCC câp xã người
DTTS.............................................................................................................. 38
2.2.3. Sự cần thiết nâng cao chất lượng đội ngũ CBCC cấp xã người DTTS ... 44
2.3. Hệ tiêu chí đánh giá chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã người
dân tộc thiểu số ................................................................................................ 45
2.3.1. Nhóm tiêu chí về phẩm chất .................................................................. 45
2.3.2. Nhóm tiêu chí về trình độ ...................................................................... 47
2.3.3. Nhóm tiêu chí về kỹ năng nghề nghiệp ................................................. 51
2.3.4. Tiêu chí về kinh nghiệm công tác .......................................................... 57
2.3.5. Nhóm tiêu chí về khả năng nhận thức và mức độ sẵn sàng đáp ứng sự
thay đổi của CBCC cấp xã người DTTS ......................................................... 58
2.3.6. Nhóm tiêu chí về cơ cấu ........................................................................ 58
2.3.7. Nhóm tiêu chí phản ánh sự phối hợp giữa các CBCC cấp xã người DTTS
trong thực hiện nhiệm vụ ................................................................................ 59
2.3.8. Nhóm tiêu chí phản ánh kết quả thực hiện nhiệm vụ của CBCC cấp xã
người DTTS và sự hài lòng của người dân ...................................................... 60
2.4. Các yếu tố ảnh hưởng đến chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã
người dân tộc thiểu số ..................................................................................... 61
2.4.1. Các yếu tố khách quan .......................................................................... 61
2.4.2. Các yếu tố chủ quan .............................................................................. 65
2.5. Kinh nghiệm nâng cao chất lượng cán bộ, công chức cấp xã là người dân
tộc thiểu số ở một số địa phương và các bài học rút ra ................................. 66
2.5.1. Kinh nghiệm nâng cao chất lượng CBCC cấp xã người DTTS .............. 66
2.5.2. Một số bài học rút ra từ nghiên cứu kinh nghiệm nâng cao chất lượng
CBCC cấp xã người DTTS ở một số địa phương ............................................ 71
Kết luận chương 2 ............................................................................................... 72
CHƯƠNG 3: THỰC TRẠNG CHẤT LƯỢNG ĐỘI NGŨ CÁN BỘ, CÔNG
CHỨC CẤP XÃ NGƯỜI DÂN TỘC THIỂU SỐ Ở TỈNH ĐIỆN BIÊN .......... 74
3.1. Khái quát về tự nhiên, kinh tế, văn hóa, xã hội tỉnh Điện Biên .............. 74
3.1.1. Điều kiện tự nhiên ................................................................................. 74
iii
3.1.2. Đặc điểm dân cư, dân tộc, hành chính ................................................... 74
3.1.3. Đặc điểm kinh tế ................................................................................... 75
3.1.4. Đặc điểm văn hóa – xã hội .................................................................... 76
3.1.5. Hệ thống giáo dục, y tế ......................................................................... 77
3.2. Đặc điểm đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã người dân tộc thiểu số ở tỉnh
Điện Biên.......................................................................................................... 79
3.2.1. Số lượng CBCC cấp xã người DTTS ở tỉnh Điện Biên .......................... 79
3.2.2. Đặc điểm đội ngũ CBCC cấp xã người DTTS ở tỉnh Điện Biên ............ 79
3.3. Thực trạng chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã người dân tộc
thiểu số ở tỉnh Điện Biên hiện nay .................................................................. 80
3.3.1. Về phẩm chất ........................................................................................ 80
3.3.2. Về trình độ ............................................................................................ 81
3.3.3. Về kỹ năng nghề nghiệp ........................................................................ 95
3.3.4. Về kinh nghiệm công tác ..................................................................... 104
3.3.5. Nhận thức về sự thay đổi trong tương lai và mức độ sẵn sàng đáp ứng sự
thay đổi ......................................................................................................... 105
3.3.6. Về cơ cấu ............................................................................................ 106
3.3.7. Khả năng phối hợp trong công việc của CBCC cấp xã người DTTS.... 108
3.3.8. Kết quả thực hiện nhiệm vụ QLNN ở địa phương của CBCC cấp xã
người DTTS và sự hài lòng của người dân .................................................... 109
3.4. Đánh gía chung về chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức người dân tộc
thiểu số tỉnh Điện Biên .................................................................................. 114
3.4.1. Ưu điểm và nguyên nhân của ưu điểm ................................................ 114
3.4.2. Hạn chế và nguyên nhân của hạn chế .................................................. 117
Kết luận chương 3 ............................................................................................. 121
CHƯƠNG 4: MỤC TIÊU, QUAN ĐIỂM VÀ GIẢI PHÁP NÂNG CAO CHẤT
LƯỢNG ĐỘI NGŨ CÁN BỘ, CÔNG CHỨC CẤP XÃ NGƯỜI DÂN TỘC
THIỂU SỐ Ở TỈNH ĐIỆN BIÊN ..................................................................... 122
4.1. Mục tiêu, quan điểm nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức cấp
xã người dân tộc thiểu số ở tỉnh Điện Biên................................................... 122
4.1.1. Mục tiêu.............................................................................................. 122
4.1.2. Quan điểm nâng cao chất lượng CBCC cấp xã người DTTS tỉnh Điện
Biên trong điều kiện mới .............................................................................. 122
iv
4.1.3. Dự báo biến động của các nhân tố, điều kiện có thể tác động tới chất
lượng CBCC cấp xã người DTTS ở tỉnh Điện Biên ...................................... 130
4.2. Các giải pháp nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã
người dân tộc thiểu số ở tỉnh Điện Biên ....................................................... 132
4.2.1. Đổi mới nhận thức, cách tiếp cận vấn đề nâng cao chất lượng đội ngũ
CBCC cấp xã người DTTS ở tỉnh Điện Biên ................................................ 132
4.2.2. Hoàn thiện hệ thống pháp luật và chính sách cho CBCC cấp xã nói chung
và CBCC cấp xã người DTTS nói riêng ........................................................ 133
4.2.3. Đổi mới công tác quản lý CBCC cấp xã người DTTS ......................... 134
4.2.4. Nhóm giải pháp khai thác, phát huy, sử dụng tri thức bản địa các dân tộc
Thái, Mông, Dao, Khơ Mú, Hà Nhì, v.v. trong tăng cường năng lực CBCC cấp
xã người DTTS tỉnh Điện Biên ..................................................................... 140
4.2.5. Mở rộng hợp tác công tư (PPP) hoặc xã hội hóa một số hoạt động nâng
cao chất lượng CBCC cấp xã người DTTS ................................................... 141
4.2.6. Tạo môi trường làm việc tốt, xây dựng văn hoá tổ chức, nâng cao nhận
thức và năng lực tự hoàn thiện của đội ngũ CBCC cấp xã là người DTTS .... 142
4.2.7. Tổ chức và thực hiện quản lý chất lượng đội ngũ CBCC cấp xã người
DTTS ở tỉnh Điện Biên ................................................................................. 143
4.3. Các điều kiện bảo đảm để thực hiện các giải pháp ............................... 146
Kết luận chương 4 ............................................................................................. 147
KẾT LUẬN ........................................................................................................ 148
DANH MỤC CÔNG TRÌNH CỦA TÁC GIẢ ................................................. 151
TÀI LIỆU THAM KHẢO ................................................................................. 152
PHỤ LỤC ........................................................................................................... 160
PHỤ LỤC 1: BẢNG HỎI CÁN BỘ, CÔNG CHỨC CẤP XÃ ........................ 160
PHỤ LỤC 2: BẢNG HỎI NGƯỜI DÂN .......................................................... 168
PHỤ LỤC 3: GỢI Ý PHỎNG VẤN SÂU ......................................................... 171
PHỤ LỤC 4: GỢI Ý THẢO LUẬN NHÓM..................................................... 174
v
DANH MỤC CÁC CHỮ VIẾT TẮT
AN-QP
An ninh – quốc phòng
CA
Công an
CBCCVC
Cán bộ, công chức, viên chức
CBCQ
Cán bộ chính quyền
CC
Công chức
CCHCNN
Cải cách hành chính nhà nước
CNH, HĐH
Công nghiệp hoá, hiện đại hoá
ĐBKK
Đặc biệt khó khăn
ĐTBD
Đào tạo, bồi dưỡng
DTTS
Dân tộc thiểu số
HĐND
Hội đồng nhân dân
KH&CN
Khoa học và công nghệ
KTXH
Kinh tế xã hội
LLCT
Lý luận chính trị
NXB
Nhà xuất bản
QLNN
Quản lý nhà nước
QS
Quân sự
THCS
Trung học cơ sở
THPT
Trung học phổ thông
TW
Trung ương
UBND
Ủy ban nhân dân
XHCN
Xã hội chủ nghĩa
vi
DANH MỤC BẢNG
Bảng 3.1. Trình độ học vấn của CBCC cấp xã người DTTS .................................. 83
Bảng 3.2. Trình độ chuyên môn của CBCC cấp xã người DTTS ........................... 84
Bảng 3.3. Trình độ LLCT của đội ngũ CBCC cấp xã ngừời DTTS ........................ 87
Bảng 3.4 Trình độ QLNN của CBCQ và CC cấp xã người DTTS .......................... 89
Bảng 3.5. Trình độ ngoại ngữ, tin học của CBCC cấp xã người DTTS .................. 90
Bảng 3.6. Tỷ lệ CBCC và CC cấp xã người DTTS đã bồi dưỡng AN-QP .............. 94
Bảng 3.7. Kỹ năng sử dụng các chương trình thông thường trên máy tính của đội
ngũ CBCC cấp xã người DTTS ............................................................................. 96
Bảng 3.8. Đánh giá một số kỹ năng của CBCC cấp xã người DTTS .................... 100
Bảng 3.9. Đánh giá kỹ năng của cán bộ chính quyền cấp xã người DTTS............ 101
Bảng 3.10. Nhận thức của CBCC cấp xã người DTTS về sự thay đổi công việc
trong 5 năm tới và khả năng thích ứng với thay đổi ............................................. 105
Bảng 3.11. Cơ cấu độ tuổi, giới tính và dân tộc của đội ngũ CBCC cấp xã người
DTTS ở tỉnh Điện Biên........................................................................................ 108
Bảng 3.12. Đánh giá hiệu quả QLNN của CBCC cấp xã người DTTS ................. 110
Bảng 3.13. Tỷ lệ % người dân hài lòng về kết quả QLNN của CBCC cấp xã người
DTTS .................................................................................................................. 114
vii
DANH MỤC HÌNH
Hình 3.1. Trình độ học vấn của CBCQ và công chức cấp xã người DTTS ............. 82
Hình 3.2. Trình độ chuyên môn của CBCQ và CC cấp xã người DTTS ................. 85
Hình 3.3. Trình độ LLCT của CBCQ và công chức cấp xã người DTTS ............... 88
Hình 3.4. Trình độ QLNN của CBCQ và công chức cấp xã người DTTS .............. 89
Hình 3.5 Trình độ ngoại ngữ của CBCQ và CC cấp xã người DTTS ..................... 91
Hình 3.6. Trình độ tin học của CBCQ và công chức cấp xã người DTTS .............. 92
Hình 3.7. Tỷ lệ CBCQ và CC cấp xã người DTTS đã bồi dưỡng AN-QP .............. 94
Hình 3.8. So sánh kỹ năng sử dụng các chương trình thông thường trên máy tính
giữa cán bộ chính quyền với công chức cấp xã người DTTS ................................. 97
Hình 3.9. Kỹ năng tổ chức cuộc họp và điều hành công sở của CBCQ cấp xã người
DTTS .................................................................................................................. 102
Hình 3.10. Kỹ năng giải quyết khiếu nại, tố cáo và giải quyết tranh chấp của CBCQ
cấp xã người DTTS ............................................................................................. 103
Hình 3.11. Cơ cấu dân tộc của CBCQ và công chức cấp xã người DTTS ............ 107
Hình 3.12. Cơ cấu tuổi của CBCQ và công chức cấp xã người DTTS.................. 107
Hình 3.13. Tỷ lệ % ý kiến tự đánh giá của CBCC cấp xã người DTTS về các lĩnh
vực QLNN đạt hiệu quả thấp ............................................................................... 111
viii
MỞ ĐẦU
1. Lý do chọn đề tài
Bất cứ quốc gia nào muốn phát triển đều cần có nguồn lực con người. Trong
thời đại ngày nay, con người được coi là ''tài nguyên đặc biệt'', một nguồn lực
không gặp trần giới hạn trong tăng trưởng và phát triển. Chăm lo đầy đủ đến con
người là yếu tố bảo đảm cho sự phồn vinh, thịnh vượng của mọi quốc gia.
Đội ngũ cán bộ, công chức (CBCC) hành chính là một loại nguồn nhân lực
đặc biệt, có vai trò thực thi pháp luật, bảo đảm hiện thực hóa ý chí của thể chế cầm
quyền và thực hành dân chủ xã hội chủ nghĩa (XHCN). Thời gian qua, đội ngũ
CBCC đã có nhiều đóng góp cho quá trình xây dựng và phát triển đất nước, đặc biệt
từ khi nước ta chuyển sang nền kinh tế thị trường (KTTT) định hướng XHCN. Tuy
nhiên, trong quá trình đổi mới và hội nhập, đội ngũ CBCC chưa có chất lượng cao,
nhất là về phẩm chính trị, đạo đức công vụ, trình độ chuyên môn, kỹ năng tác
nghiệp, vốn hiểu biết về KTTT và luật pháp, khả năng dự báo và xử lý các tình
huống trong lãnh đạo, quản lý. Một bộ phận cán bộ chủ quan, tự mãn, bảo thủ, trì
trệ, mắc bệnh thành tích; số khác thiếu tâm huyết với công việc, thiếu gương mẫu,
nói nhiều làm ít, nói không đi đôi với làm; ý thức tự phê bình, phê bình và tính
chiến đấu kém; lợi dụng chức quyền để vun vén lợi ích cá nhân.
Trong hệ thống chính quyền 4 cấp ở nước ta, chính quyền cấp cơ sở có một
vị trí rất quan trọng, là cầu nối trực tiếp từ hệ thống chính quyền nhà nước với nhân
dân thông qua đội ngũ CBCC cấp xã. Đội ngũ này là người gần dân, sát dân nhất;
mọi chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước có đến được với nhân
dân, đến đúng, đến đủ và có được nhân dân tiếp thu đúng đắn hay không đều thông
qua cấp cơ sở. Hiệu lực, hiệu quả của bộ máy chính quyền cấp xã nói riêng và hệ
thống chính trị cơ sở nói chung, xét đến cùng được quyết định bởi phẩm chất, năng
lực và hiệu quả công tác của đội ngũ CBCC cấp xã. Chính vì đội ngũ CBCC cấp xã
có vai trò quan trọng trong bộ máy chính quyền cơ sở nên việc xây dựng đội ngũ
CBCC cấp xã vững vàng về chính trị, phẩm chất đạo đức trong sáng, có trí tuệ, kiến
thức và trình độ năng lực để thực hiện các nhiệm vụ được giao luôn là mối quan
tâm hàng đầu của Đảng và Nhà nước. Đây cũng là một nội dung rất quan trọng của
công tác cán bộ. Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 (khóa IX) đã nhấn mạnh vai trò
quan trọng của hệ thống chính trị và đội ngũ CBCC cấp xã đối với sự nghiệp công
1
nghiệp hóa, hiện đại hóa (CNH, HĐH) đất nước. Đầu tư xây dựng đội ngũ CBCC
có phẩm chất, đạo đức và năng lực ngang tầm sự nghiệp đổi mới mang ý nghĩa là
đầu tư cho phát triển [17]. Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ X của Đảng xác định:
“Cán bộ phải là người có phẩm chất chính trị tốt, tuyệt đối trung thành với Tổ quốc,
với Đảng, hết lòng phấn đấu vì lợi ích của nhân dân, của dân tộc; có bản lĩnh chính
trị vững vàng, không dao động trước những khó khăn, thử thách; có năng lực hoàn
thành nhiệm vụ được giao, có nhân cách và lối sống mẫu mực, trong sáng; có ý thức
tổ chức kỷ luật cao, tôn trọng tập thể, gắn bó với nhân dân” [18, tr.136]. Đại hội đại
biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng nhấn mạnh cần phải “xây dựng đội ngũ CBCC
trong sạch, có năng lực đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới” [20, tr.252]. Có như
thế mới tạo ra được một đội ngũ CBCC “vừa hồng, vừa chuyên” đáp ứng được yêu
cầu trong tình hình mới.
CBCC cấp xã người dân tộc thiểu số (DTTS) là một bộ phận trong đội ngũ
CBCC cấp xã nhưng là một đối tượng đặc thù do trình độ mọi mặt thấp hơn mặt
bằng chung, văn hoá tộc người đa dạng và các thế lực thù địch đang ra sức lôi kéo,
kích động, chống phá, v.v. Xây dựng đội ngũ CBCC cấp xã người DTTS không chỉ
thuần tuý thuộc phạm trù công tác tổ chức cán bộ bao hàm cả mặt lượng lẫn mặt
chất mà còn là chính sách dân tộc của thể chế cầm quyền.
Cán bộ và công tác cán bộ luôn là “khâu then chốt trong vấn đề then chốt”
của toàn bộ sự nghiệp cách mạng của Đảng. Do vậy, xây dựng đội ngũ CBCC nhà
nước nói chung, CBCC cấp xã nói riêng, đặc biệt là CBCC cấp xã người DTTS
vững mạnh là công việc hết sức quan trọng và đòi hỏi phải làm thường xuyên, nhất
là trong thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH đất nước và hội nhập quốc tế. Xây dựng đội
ngũ cán bộ ngang tầm nhiệm vụ, có bản lĩnh chính trị, có phẩm chất cách mạng, có
năng lực trí tuệ và tổ chức thực tiễn là việc làm vừa cơ bản, vừa cấp bách, vừa là
công tác thường xuyên và lâu dài. Mặc dù Đảng và Nhà nước đã rất quan tâm, ban
hành nhiều chính sách trong công tác cán bộ đối với CBCC cấp xã, nhưng thực tế
hiện nay đội ngũ CBCC cấp xã người DTTS còn nhiều hạn chế từ trình độ, kỹ năng,
năng lực đến phẩm chất tâm lý – xã hội để hoạt động một cách chuyên nghiệp. Do
đó, đòi hỏi phải triển khai một hệ thống giải pháp đồng bộ trong đó vấn đề phát triển
nguồn nhân lực, đặc biệt với đội ngũ CBCC cấp xã người DTTS là một giải pháp có
ý nghĩa chiến lược lâu dài và cấp bách.
2
Về học thuật, nghiên cứu chất lượng đội ngũ CBCC cấp xã người DTTS ở
nước ta bấy lâu nay dù đã được quan tâm nhưng kết quả thu được vẫn còn giới hạn.
Sự hạn chế đó có thể do thiếu năng lực nghiên cứu liên ngành, thiếu phương pháp
tiếp cận phù hợp, chưa có đội ngũ chuyên sâu cho các nghiên cứu này, v.v. nhưng
quan trọng là do thiếu khung lý thuyết hiện đại và mức độ hạn chế trong đầu tư cho
nghiên cứu một chủ thể đặc biệt của hệ thống quản trị công là CBCC cấp xã người
DTTS. Chủ thể đặc biệt này chịu chi phối của ba chiều kích: Một là, nằm trong hệ
thống chính trị do một Đảng lãnh đạo; hai là, tổ chức thực thi quản lý công ở đơn vị
hành chính cấp cơ sở; ba là, căn tính tộc người có nhiều đặc trưng chế định đến tổ
chức và hoạt động. Do đó, nghiên cứu vấn đề nâng cao chất lượng đội ngũ CBCC
cấp xã người DTTS cần đến một khung lý thuyết hiện đại, một cách tiếp cận hợp lý
và trong động thái mới, v.v. để nhận diện cả tầng nổi và tầng sâu, cấu trúc và chức
năng, hệ thống và phân hệ.
Điện Biên là tỉnh miền núi cao, biên giới thuộc vùng Tây Bắc, địa hình hiểm
trở, cách thủ đô Hà Nội gần 500 km; người DTTS chiếm hơn 80% với 19 dân tộc
cùng sinh sống, trong đó đông nhất là dân tộc Thái (38,0%) và dân tộc Mông
(34,8%). Các DTTS tập trung cư trú ở vùng cao, điều kiện hạ tầng KTXH còn nhiều
khó khăn nhưng là địa bàn có vị trí chiến lược quan trọng về kinh tế - xã hội
(KTXH), quốc phòng, an ninh và môi trường. Với một địa bàn như vậy, việc xây
dựng, quản lý, phát triển đội ngũ CBCC cấp xã người DTTS là hướng tiếp cận cơ
bản để củng cố chính quyền cơ sở. Tuy nhiên, theo đánh giá của các cơ quan quản
lý, hiện nay chất lượng đội ngũ CBCC cấp xã nói chung, CBCC cấp xã người DTTS
ở tỉnh Điện Biên còn nhiều yếu kém, chưa thực sự đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong
tình hình mới. Điện Biên đang đẩy mạnh CCHC sâu rộng, do đó yêu cầu cao hơn về
chất lượng CBCC cấp xã không chỉ về trình độ, mà cả năng lực, phẩm chất chính trị
và phẩm chất đạo đức, v.v. Để có thể xây dựng được đội ngũ CBCC cấp xã người
DTTS đảm bảo được yêu cầu đó, cần nghiêm túc đánh giá thực trạng, tìm ra nguyên
nhân yếu kém, đề xuất giải pháp khả thi để nâng cao chất lượng trong điều kiện
mới. Điều này đòi hỏi phải có những nghiên cứu chuyên sâu với cách tiếp cận hệ
thống, toàn diện. Đề tài “Nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã
người DTTS ở tỉnh Điện Biên trong điều kiện mới” chính vì vậy là một nghiên cứu
rất cần thiết và cấp bách.
3
2. Mục đích và nhiệm vụ nghiên cứu
2.1. Mục đích
Trên cơ sở khung lý thuyết về chất lượng đội ngũ CBCC cấp xã nói chung,
CBCC cấp xã người DTTS nói riêng, Luận án tập trung làm rõ thực trạng và đề xuất
giải pháp nâng cao chất lượng đội ngũ CBCC cấp xã người DTTS ở tỉnh Điện Biên
trong điều kiện mới.
2.2. Nhiệm vụ
Để đạt được mục đích trên, Luận án tập trung thực hiện các nhiệm vụ sau:
- Tổng quan các công trình nghiên cứu liên quan đến đề tài, từ đó chỉ ra
những giá trị có thể kế thừa, những khoảng trống cần khỏa lấp, những vấn đề cần
tiếp tục phát triển trong nghiên cứu.
- Hệ thống hoá và làm rõ cơ sở lý luận về chất lượng đội ngũ CBCC cấp xã
nói chung và CBCC cấp xã người DTTS nói riêng;
- Nghiên cứu kinh nghiệm nâng cao chất lượng CBCC cấp xã người DTTS
ở một số địa phương, từ đó rút ra các giá trị tham khảo có thể áp dụng để nâng cao
chất lượng đội ngũ CBCC cấp xã người DTTS tỉnh Điện Biên;
- Đánh giá thực trạng chất lượng đội ngũ CBCC cấp xã người DTTS ở tỉnh
Điện Biên, làm rõ những ưu điểm, hạn chế và nguyên nhân của hạn chế;
- Đề xuất các giải pháp nâng cao chất lượng đội ngũ CBCC cấp xã người
DTTS ở tỉnh Điện Biên nhằm đáp ứng được yêu cầu phát triển KTTT hiện đại, xây
dựng nhà nước pháp quyền XHCN và hội nhập quốc tế.
3. Đối tượng, khách thể và phạm vi nghiên cứu
3.1. Đối tượng nghiên cứu
Đối tượng nghiên cứu của đề tài là chất lượng đội ngũ CBCC cấp xã người
DTTS ở tỉnh Điện Biên trong điều kiện mới.
3.2. Khách thể nghiên cứu
Khách thể nghiên cứu của đề tài là đội ngũ CBCC cấp xã người DTTS tỉnh
Điện Biên.
3.3. Phạm vi nghiên cứu
- Về nội dung: Chất lượng đội ngũ CBCC cấp xã người DTTS được nghiên
cứu bao gồm các nội dung về phẩm chất chính trị, trình độ, kỹ năng, kinh nghiệm
công tác.
4
- Về khách thể nghiên cứu: Theo quy định của Luật CBCC năm 2008, đội
ngũ CBCC cấp xã người DTTS bao gồm cả chức danh trong tổ chức Đảng, chính
quyền và tổ chức chính trị - xã hội ở cơ sở. CBCC cấp xã ở mỗi loại hình tổ chức có
yêu cầu khác nhau về chất lượng. Do đó, để đảm bảo tính đồng nhất và đạt được
mục tiêu nghiên cứu, đề tài giới hạn khách thể nghiên cứu chỉ là nhóm CBCC chính
quyền cấp xã là người DTTS. Theo đó, đội ngũ CBCC cấp xã người DTTS được đề
cập trong đề tài bao gồm nhóm cán bộ được hình thành do bầu cử (Chủ tịch, Phó
Chủ tịch Hội đồng nhân dân (HĐND) và Chủ tịch, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân
(UBND) và nhóm công chức chuyên môn được hình thành do tuyển dụng.
- Về không gian - địa bàn: Đề tài nghiên cứu chất lượng đội ngũ CBCC cấp
xã ở 112 xã của tỉnh Điện Biên.
- Về thời gian: Đề tài tổng kết, đánh giá các dữ liệu từ khi chia tách tỉnh
Điện Biên (11/2003) đến 2016 và đề xuất giải pháp cho những năm tiếp theo.
- Về điều kiện mới: Chất lượng CBCC cấp xã người DTTS ở tỉnh Điện Biên được
đặt trong điều kiện mới là điều kiện phát triển nền KTTT hiện đại, xây dựng nhà nước
pháp quyền XHCN, hội nhập quốc tế và cải cách hành chính nhà nước (CCHCNN).
4. Câu hỏi nghiên cứu và giả thuyết nghiên cứu của luận án
4.1. Câu hỏi nghiên cứu
- Chất lượng đội ngũ CBCC cấp xã người DTTS của tỉnh Điện Biên hiện
nay như thế nào? Đã đáp ứng được ở mức độ nào so với yêu cầu đặt ra trong điều
kiện phát triển nền KTTT hiện đại, xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN, hội
nhập quốc tế và CCHCNN.
- Có những yếu tố nào ảnh hưởng đến chất lượng đội ngũ CBCC cấp xã
người DTTS ở tỉnh Điện Biên, đặc biệt là những yếu tố tác động làm cho chất lượng
đội ngũ CBCC cấp xã hiện nay chưa đáp ứng được yêu cầu đặt ra?
- Cần thực hiện những giải pháp nào để nâng cao chất lượng đội ngũ CBCC
cấp xã người DTTS của tỉnh Điện Biên đáp ứng yêu cầu đặt ra trong điều kiện mới?
4.2. Giả thuyết nghiên cứu
Hiện nay đội ngũ CBCC cấp xã người DTTS ở tỉnh Điện Biên còn nhiều hạn
chế, yếu kém, chưa đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ trong bối cảnh phát triển nền
KTTT hiện đại, xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN, hội nhập quốc tế và
CCHCNN.
5
Thực trạng này do nhiều yếu tố khách quan và chủ quan tác động, trong đó
có các yếu tố đặc thù gắn liền với đội ngũ CBCC cấp xã là người DTTS.
Muốn nâng cao chất lượng đội ngũ này cần có cách tiếp cận hệ thống với
một hệ giải pháp đồng bộ, gắn liền với tính đặc thù của đội ngũ CBCC cấp xã người
DTTS ở tỉnh Điện Biên.
5. Phương pháp nghiên cứu
5.1. Phương pháp thu thập thông tin
5.1.1. Phương pháp phân tích tài liệu thứ cấp
Khai thác các tài liệu thứ cấp bao gồm các thông tin, số liệu về thực trạng
chất lượng đội ngũ CBCC cấp xã người DTTS ở tỉnh Điện Biên được phản ánh
trong các công trình nghiên cứu liên quan, tài liệu, báo chí, báo cáo hành chính của
các sở, ban, ngành và các cơ quan hữu quan, niên giám thống kê của trung ương và
tỉnh. Các thông tin, tài liệu được lựa chọn có nguồn cung cấp chính thống, tin cậy,
cập nhật, được xử lý, phân tích thận trọng, đảm bảo tính khách quan và độ tin cậy
cao khi trích dẫn, so sánh, đối chiếu.
5.1.2. Phương pháp nghiên cứu định tính
Luận án sử dụng 2 kỹ thuật cơ bản trong phương pháp nghiên cứu định tính
đó là phỏng vấn sâu (PVS) cá nhân và thảo luận nhóm (TLN) tập trung. Bên cạnh
đó, luận án còn sử dụng phương pháp chuyên gia.
PVS là phỏng vấn trực tiếp người cung cấp thông tin theo cách đưa ra các
câu hỏi để tìm câu trả lời theo chủ đích nhằm thu thập các thông tin về chất lượng
và các yếu tố ảnh hưởng đến chất lượng đội ngũ CBCC cấp xã người DTTS tỉnh
Điện Biên. Tùy theo đối tượng mà có các gợi ý nội dung phỏng vấn về thực trạng
chất lượng CBCC cấp xã người DTTS, công tác quy hoạch, tạo nguồn cán bộ,
phương thức đào tạo; đánh giá các chính sách liên quan, các quan điểm, định
hướng, giải pháp nâng cao chất lượng đội ngũ CBCC cấp xã người DTTS ở tỉnh
Điện Biên, v.v. Đối tượng PVS bao gồm chủ yếu các nhóm đối tượng là lãnh đạo
cấp xã, cấp huyện và cấp tỉnh, CBCC cấp xã người DTTS và không phải DTTS và
người dân (Phụ lục 3).
TLN tập trung (mỗi nhóm có 6-10 người cung cấp thông tin và 2 cán bộ
hướng dẫn) được thực hiện theo các gợi ý nội dung định trước, nhằm làm rõ thêm
các thông tin về thực trạng chất lượng, quy hoạch, tạo nguồn, đào tạo, bồi dưỡng
6
(ĐTBD), bố trí, sử dụng, đánh giá CBCC cấp xã người DTTS; các quan điểm, định
hướng, giải pháp nâng cao chất lượng đội ngũ CBCC cấp xã người DTTS ở tỉnh
Điện Biên. Đối tượng TLN bao gồm chủ yếu là nhóm CBCC cấp xã người DTTS và
không phải DTTS và người dân (Phụ lục 4).
Phương pháp chuyên gia được sử dụng để thu thập ý kiến của các chuyên gia
và các nhà quản lý thông qua phỏng vấn, tọa đàm, hội thảo để tìm hiểu về công tác
tuyển dụng, sử dụng, ĐTBD, chính sách, chế độ, giám sát, đánh giá và các nhân tố
tác động đến thực trạng chất lượng đội ngũ CBCC cấp xã nói chung và đội ngũ
CBCC cấp xã người DTTS nói riêng.
5.1.3. Phương pháp nghiên cứu định lượng
- Luận án sử dụng bảng hỏi bán cấu trúc để phỏng vấn trực tiếp 2 nhóm đối
tượng là CBCC cấp xã và người dân, nhằm thu thập các số liệu, thông tin định
lượng để chủ yếu đánh giá thực trạng chất lượng đội ngũ CBCC cấp xã người
DTTS ở tỉnh Điện Biên.
+ Thiết kế bảng hỏi bán cấu trúc: Bảng hỏi được thiết kế làm 2 loại dành cho
2 nhóm đối tượng đã nêu trên.
Bảng hỏi 1 được thiết kế để thu thập thông tin từ nhóm đối tượng là CBCC
cấp xã người DTTS và CBCC cấp xã không là người DTTS, bao gồm các nội dung
chủ yếu là tự đánh giá về trình độ, nhận thức, phẩm chất, kỹ năng nghề nghiệp, kết
quả công tác QLNN của CBCC cấp xã và nguyện vọng về nâng cao chất lượng, v.v.
của CBCC cấp xã ở tỉnh Điện Biên (Phụ lục 1).
Bảng hỏi 2 được thiết kế để thu thập thông tin từ nhóm đối tượng là người
dân vùng DTTS, gồm các câu hỏi đánh giá mức độ hài lòng của người dân đối với
trình độ, năng lực, phẩm chất của đội ngũ CBCC cấp xã người DTTS tại địa phương
của họ và các dịch vụ công được cung cấp bởi đội ngũ CBCC cấp xã người DTTS
(Phụ lục 2).
- Điều tra chính thức:
Luận án chọn mẫu theo phương pháp ngẫu nhiên để vừa đảm bảo tính khách
quan vừa đảm bảo tính đại diện của mẫu nghiên cứu ở tất cả các xã, thị trấn thuộc
địa bàn nghiên cứu.
Thu thập thông tin thực địa được tiến hành tại một số đơn vị cấp tỉnh và 7
đơn vị cấp huyện là Tuần Giáo, Tủa Chùa, Điện Biên, Mường Chà, Điện Biên
7
Đông, Mường Ảng, Mường Nhé. Đề tài lựa chọn các mẫu nghiên cứu đảm bảo các
tiêu chí: vùng thấp và vùng cao, đô thị và nông thôn, các DTTS sinh sống xen kẽ ở
mức độ khác nhau, địa bàn các DTTS chiếm tỷ lệ dân số đông, v.v.
Tại tỉnh, tiến hành PVS các đối tượng lãnh đạo, chuyên viên phụ trách lĩnh
vực ở Ban Tổ chức Tỉnh ủy, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Sở Nội vụ, Sở Giáo dục &
đào tạo, Trường Chính trị tỉnh, Ban Dân tộc tỉnh.
Tại các huyện, tiến hành PVS các đối tượng lãnh đạo, chuyên viên phụ trách
lĩnh vực ở Ban Tổ chức Huyện ủy, Ban Tuyên giáo Huyện ủy, Phòng Nội vụ,
Phòng Dân tộc, Trung tâm bồi dưỡng chính trị huyện.
Tại các xã, tiến hành PVS các đối tượng cán bộ lãnh đạo UBND, công chức
và TLN tập trung các CBCC cấp xã. Tại thôn/ bản tiến hành PVS cán bộ thôn/bản,
người dân, phỏng vấn bảng hỏi bán cấu trúc các đại diện hộ gia đình và TLN tập
trung người dân.
Số lượng phiếu ở tỉnh: 13 PVS; ở 7 huyện: 35 PVS; ở 70 xã: 770 bảng hỏi
CBCC cấp xã, 140 bảng hỏi người dân và 90 phiếu PVS và TLN CBCC cấp xã,
thôn/bản và người dân. Số phiếu được phát ra là 1.000 phiếu, bao gồm 910 bảng hỏi
và 90 phiếu PVS, TLN; số phiếu thu về và xử lý thống kê là 983 cho tất cả các loại.
Thông tin được thu thập theo hai cách: Đến một số xã (trường hợp PVS, TLN tập
trung CBCC và bảng hỏi người dân), đến cơ sở đào tạo CBCC cấp xã tại tỉnh và
huyện (trường hợp PVS và TLN các CBCC cấp xã).
5.2. Các phương pháp xử lý thông tin, số liệu
- Luận án sử dụng các phương pháp phân tích, tổng hợp, phương pháp lịch
sử kết hợp với phương pháp lôgíc, phương pháp phân tích chính sách, phương pháp
mô hình hóa và đánh giá SWOT, v.v. để xử lý các thông tin, dữ liệu định tính về
chất lượng đội ngũ CBCC cấp xã người DTTS ở tỉnh Điện Biên.
+ Phương pháp phân tích và tổng hợp được sử dụng đối với các thông tin từ
các nguồn có sẵn liên quan đến đề tài, bao gồm các văn kiện của Đảng, văn bản
pháp luật của Nhà nước trung ương và chính quyền địa phương, các công trình
nghiên cứu của các tác giả trong và ngoài nước đã được công bố liên quan đến chất
lượng đội ngũ CBCC cấp xã người DTTS ở tỉnh Điện Biên, v.v.
8
+ Phương pháp lịch sử kết hợp với phương pháp lôgíc được sử dụng để vừa
thấy được quá trình diễn biến của sự kiện, vừa rút ra những nhận định khái quát về
chất lượng đội ngũ CBCC cấp xã người DTTS ở tỉnh Điện Biên.
+ Phương pháp phân tích chính sách là phương pháp cần thiết để nghiên cứu
hệ thống chính sách, pháp luật về quản lý CBCC cấp xã được sử dụng nhằm phân
tích, so sánh mức độ đồng bộ hóa, tính phù hợp của hệ thống chính sách, pháp luật
với thực tiễn, những khoảng trống hoặc sai sót cần khỏa lấp, các chủ thể chính và
phối hợp trong hoạch định, thực hiện chính sách quản lý đội ngũ CBCC cấp xã
người DTTS ở tỉnh Điện Biên, v.v.
+ Phương pháp đánh giá SWOT dùng để phân tích điểm mạnh (Strengths),
điểm yếu (Weaknesses), cơ hội (Opportunities), rủi ro – nguy cơ (Threats) giúp
đánh giá thực trạng chất lượng đội ngũ CBCC cấp xã người DTTS làm cơ sở đề
xuất giải pháp phát huy điểm mạnh, khắc phục điểm yếu, nắm bắt cơ hội, lường
trước, giảm nhẹ hoặc triệt tiêu rủi ro từ những hạn chế về chất lượng của CBCC cấp
xã người DTTS ở tỉnh Điện Biên.
- Đối với các thông tin định lượng từ bảng hỏi: Luận án sử dụng phương
pháp thống kê thông qua phần mềm SPSS 12.0 và phần mềm Excel 2007 để xử
lý, phân tích và lập bảng biểu thống kê, vẽ các biểu đồ minh họa.
6. Những đóng góp mới của luận án
6.1. Về mặt khoa học
Luận án đã hình thành được khung lý thuyết và định dạng các đặc điểm của
CBCC cấp xã người DTTS tỉnh Điện Biên; đưa ra các nhận xét, kết luận mới về
chất lượng CBCC người DTTS tỉnh Điện Biên hiện nay; hình thành hệ tri thức mới
về cấu trúc, chức năng, động thái của CBCC cấp xã người DTTS tỉnh Điện Biên
trong tương quan với bối cảnh phát triển KTTT định hướng XHCN, xây dựng nhà
nước pháp quyền XHCN, hội nhập quốc tế và CCHCNN.
6.2. Về mặt thực tiễn
Luận án đã hình thành được bộ tiêu chí công cụ đánh giá, kiểm định, kiểm
soát, ĐTBD, nâng cao chất lượng CBCC cấp xã người DTTS; đề xuất một hệ giải
pháp với những hình thức, phương pháp, cách thức, xác định chủ thể và nguồn lực
cụ thể để nâng cao chất lượng CBCC cấp xã người DTTS tỉnh Điện Biên đáp ứng
yêu cầu điều kiện mới.
9
7. Ý nghĩa lý luận và thực tiễn của đề tài
7.1. Ý nghĩa lý luận:
Kết quả đề tài đóng góp vào sự tăng trưởng tri thức của khoa học quản lý
công, đặc biệt đối với phân ngành quản lý nguồn nhân lực.
7.2. Ý nghĩa thực tiễn:
Kết quả đề tài góp phần hoàn thiện thể chế, chính sách, cơ chế đối với đội
ngũ CBCC cấp xã người DTTS ở tỉnh Điện Biên trong điều kiện mới đáp ứng yêu
cầu gia tăng quy mô, số lượng và cải thiện chất lượng đội ngũ CBCC cấp xã người
DTTS tỉnh Điện Biên; luận án cũng là tài liệu tham khảo có giá trị để xây dựng
chính sách cho CBCC cấp xã người DTTS.
8. Cấu trúc của luận án
Nội dung chính của luận án có cấu trúc gồm 4 chương:
Chương 1. Tổng quan tình hình nghiên cứu liên quan đến đề tài luận án.
Chương 2. Cơ sở khoa học về nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công
chức cấp xã người dân tộc thiểu số trong điều kiện mới.
Chương 3. Thực trạng chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã người
dân tộc thiểu số ở tỉnh Điện Biên.
Chương 4. Mục tiêu, quan điểm và giải pháp nâng cao chất lượng đội ngũ
cán bộ, công chức cấp xã người dân tộc thiểu số ở tỉnh Điện Biên.
10
CHƯƠNG 1
TỔNG QUAN TÌNH HÌNH NGHIÊN CỨU LIÊN QUAN ĐẾN
ĐỀ TÀI LUẬN ÁN
1.1. Tổng quan các công trình nghiên cứu liên quan đến đề tài
Các nghiên cứu lý thuyết về chất lượng và đo lường chất lượng con người,
nguồn nhân lực, về CBCC người DTTS và vai trò của CBCC cấp xã, về vấn đề
dân tộc và xây dựng đội ngũ CBCC cấp xã người DTTS ở các vùng, trong đó có
tỉnh Điện Biên khá phong phú. Có thể khái quát thành một số nhóm như sau:
1.1.1. Các nghiên cứu về xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ CBCC và
kinh nghiệm nâng cao chất lượng CBCC người DTTS ở nước ngoài
Các nghiên cứu thuộc nhóm này được chia thành 2 nhóm nhỏ chủ yếu.
Nhóm 1: Những nghiên cứu chung về xây dựng và nâng cao chất lượng đội
ngũ CBCC
Trịnh Cư, Nguyễn Duy Hùng, Lê Văn Yên (2009) trong công trình "Kinh
nghiệm xây dựng đội ngũ cán bộ ở Trung Quốc" [8] đã đề cập đến công tác tổ chức,
xây dựng đội ngũ cán bộ ở Trung Quốc với các nội dung chính như chế độ CBCC,
cải cách thể chế chính trị, vai trò của Đảng Cộng sản (ĐCS) Trung Quốc với việc
nâng cao chất lượng và năng lực của đội ngũ CBCC, xây dựng đội ngũ CBCC, công
tác ĐTBD, tuyển cử, lựa chọn, đề bạt, sử dụng và nhận xét đánh giá, quản lý
CBCC, v.v. Để nâng cao chất lượng đội ngũ CBCC, Trung Quốc nhấn mạnh đến cải
cách công tác cán bộ với các giải pháp cơ bản sau: (i) cải cách công tác tuyển chọn,
bổ nhiệm CBCC; (ii) hoàn thiện chế độ thi sát hạch CBCC; (iii) thúc đẩy công tác
luân chuyển cán bộ; (iv) tăng cường công tác giám sát cán bộ lãnh đạo và công tác
tuyển chọn, bổ nhiệm cán bộ; (v) hoàn thiện chế độ ĐTBD CBCC.
Cuốn chuyên khảo "Luận cứ khoa học cho việc nâng cao chất lượng đội ngũ
cán bộ trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước" do PGS.TS.
Nguyễn Phú Trọng và PGS.TS. Trần Xuân Sầm đồng chủ biên (2001) [72] đóng góp
rất quan trọng trên cả phương diện lý luận và thực tiễn về xây dựng đội ngũ cán bộ
trong thời kỳ CNH, HĐH đất nước; Kinh nghiệm xây dựng đội ngũ CBCC trong lịch
11
sử nước ta và một số nước trên thế giới; Khái quát thực trạng đội ngũ cán bộ và công
tác cán bộ ở nước ta. Cuốn chuyên khảo đã làm rõ các khái niệm công cụ, cung cấp
phương pháp tiếp cận để đi sâu làm sáng tỏ những vấn đề lý luận và thực tiễn của việc
xây dựng đội ngũ cán bộ ở các vùng đặc thù và cán bộ DTTS nói riêng. Tuy nhiên, do
quy mô đặt ra là giải quyết những vấn đề chung nhất của công tác cán bộ thời kỳ CNH,
HĐH đất nước nên công trình này chưa có điều kiện đi sâu tìm hiểu đội ngũ cán bộ ở
những vùng đặc thù (trong đó có cán bộ DTTS).
Thang Văn Phúc, Nguyễn Minh Phương trong công trình “Cơ sở lý luận và
thực tiễn xây dựng đội ngũ CBCC” (2005) [45] đã phân tích yêu cầu cơ bản của
việc xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN trong việc xây dựng đội ngũ CBCC và
bài học kinh nghiệm của một số nước trên thế giới. Tuy nhiên, công trình này chỉ đi
vào khái quát công tác xây dựng đội ngũ CBCC nói chung mà không đi sâu vào
nghiên cứu đội ngũ CBCC cấp cơ sở.
Đề tài “Xây dựng và phát triển nguồn lực trong các cơ quan hành chính cấp
quận (huyện), phường (xã) trên địa bàn thành phố Đà Nẵng” của PGS.TS. Võ
Xuân Tiến (2007) [67] đã làm rõ một số vấn đề về lý luận, nội dung và tiêu chí đánh
giá nguồn nhân lực trong lĩnh vực hành chính; đánh giá thực trạng đội ngũ CBCC
hiện có trong các cơ quan hành chính quận (huyện), phường (xã) trên địa bàn thành
phố Đà Nẵng. Trên cơ sở những điểm mạnh, điểm yếu, đề tài đã đề xuất những giải
pháp có tính khoa học nhằm hoàn thiện công tác đào tạo nguồn nhân lực hành chính
đủ năng lực hoàn thành nhiệm vụ theo yêu cầu CNH, HĐH đất nước.
Nhóm 2: Các nghiên cứu về các công cụ xây dựng và nâng cao chất lượng
đội ngũ CBCC và kinh nghiệm nước ngoài.
Các công trình này tập trung nghiên cứu những công cụ chủ yếu để xây dựng
và nâng cao chất lượng đội ngũ CBCC như: tuyển chọn, ĐTBD; quy hoạch; sử
dụng CBCC.
Bài viết “Public Service Education: Adding Value in the Public Interest” của
Kathryn E. Newcomer, Heather Allen [96] đã xác định mục đích đào tạo công vụ là
chuẩn bị cho học viên phục vụ lợi ích công. Việc đo lường kết quả học tập là biện
pháp quan trọng để xác định xem các chương trình đào tạo có thực sự đạt được mục
12
tiêu hay không. Bài báo cung cấp “Mô hình kết quả học tập của đào tạo trong khu
vực công” được xây dựng dựa trên những kiến thức về đánh giá kết quả và nghiên
cứu về những giá trị của đào tạo công vụ đối với cá nhân, tổ chức và chính quyền.
The World Bank (2009) trong bài “Country Social Analysis Ethnicity and
Development in Vietnam [99] đã phân tích đánh giá tình hình phát triển các cộng
đồng DTTS ở Việt Nam, bao gồm cả tình trạng đói nghèo, cơ hội tham dự chính trị,
những thách thức trong phát triển, bao gồm cả thách thức đối với nguồn nhân lực
nói chung và đội ngũ các nhà quản lý người DTTS trên các vùng, miền. Các tỉnh
miền núi Tây Bắc luôn được phân tích như một trường hợp điển hình của nghèo đói
và đối diện với nhiều thách thức gay gắt của phát triển nguồn nhân lực.
Hội thảo khoa học giữa Phân viện Hà Nội – Học viện Chính trị quốc gia Hồ
Chí Minh với Học viện Hành chính Vân Nam – Trung Quốc (2001) đã tập hợp
nhiều bài viết của học giả Trung Quốc như: “Lý luận và thực tiễn của việc ra sức
đào tạo cán bộ DTTS (Kết hợp bàn về công tác đào tạo cán bộ DTTS tỉnh Vân
Nam)” của Vi Thừa Nhị, “Một số suy nghĩ về đào tạo đội ngũ cán bộ dân tộc có
trình độ cao” của Lưu Khu; “Thử bàn về cơ chế đào tạo, bồi dưỡng cán bộ dân tộc
thiểu số” của Mai Nghị Toàn và La Kiếm Anh; “Phân tích về tố chất cán bộ dân
tộc thiểu số tỉnh Vân Nam” của Ngô Gia Ký, v.v. Các nghiên cứu này đã cung cấp
một số dữ liệu về cán bộ DTTS ở Vân Nam nói riêng và Trung Quốc nói chung,
nhấn mạnh một số đặc điểm công tác cán bộ DTTS ở Trung Quốc trên các mặt
ĐTBD, luân chuyển, bố trí, sử dụng cán bộ. Trong đó có nhấn mạnh: Khi tuyển
chọn cán bộ DTTS, cần phải nắm vững và hiểu biết toàn bộ tình hình của họ một
cách chính xác và toàn diện, tức là vừa phải kiên trì nguyên tắc “tài đức vẹn toàn”,
vừa phải xuất phát từ thực tế, chiếu cố hợp lý, đề phòng thiên hướng cầu toàn, yêu
cầu quá cao, dẫn đến cản trở công tác đào tạo và sử dụng rộng rãi đối với cán bộ
DTTS. Về sử dụng cán bộ, Trung Quốc xưa nay vẫn kiên trì đường lối “nhiệm nhân
duy hiền” (sử dụng người chỉ coi trọng đức tài) nghĩa là tuyển chọn bổ nhiệm cán
bộ “tài đức vẹn toàn”, phản đối “nhiệm nhân duy thân” (sử dụng người chỉ coi trọng
quan hệ thân quen). Chữ “Đức” ở đây là chỉ phẩm chất chính trị; chữ “Tài” ở đây là
chỉ kiến thức nghiệp vụ và tài năng công tác. “Tài đức vẹn toàn” nghĩa là thống nhất
giữa chính trị và nghiệp vụ, vừa hồng vừa chuyên [44].
13
Mã Lệ Quyên trong bài “Kinh nghiệm của Vân Nam – Trung Quốc về việc
bồi dưỡng cán bộ nhân tài nhân dân tộc thiểu số” (2011) đã nhấn mạnh việc dựa
vào các trường đại học dân tộc, lựa chọn kỹ càng từ cơ sở, có ưu đãi hợp lý, thông
qua thực tiễn để rèn luyện cán bộ, trong đó có việc luân chuyển vị trí công tác để
thích ứng với nhiều môi trường khác nhau, coi trọng hình thức đào tạo tại chức, v.v.
[53, tr.175-176].
GS.TS. Nguyễn Đăng Thành trong bài “Đào tạo và bồi dưỡng cán bộ, công
chức phục vụ cải cách hành chính: Thách thức và định hướng” (2012) [59] đã đánh
giá những thách thức đặt ra và nêu định hướng đổi mới hoạt động ĐTBD CBCC của
Học viện Hành chính Quốc gia - trung tâm quốc gia đầu ngành về ĐTBD CBCC.
Những thách thức cơ bản được phân tích như: Sự bất cập về thể chế, với hệ thống
thể chế pháp lý cho việc triển khai công tác ĐTBD còn rất thiếu hụt, thiếu tính hệ
thống và nhất quán; Thách thức xuất phát từ bản thân nền hành chính Việt Nam;
Mâu thuẫn về nhu cầu rất lớn về số lượng trong ĐTBD với việc đảm bảo chất
lượng, trong khi điều kiện vật chất, giảng viên, nguồn lực của Học viện còn thiếu
hụt, v.v. Từ những phân tích này, tác giả đưa ra những định hướng đổi mới hoạt
động ĐTBD tại Học viện nhằm đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới.
TS. Ngô Thành Can trong bài “Vai trò, trách nhiệm và năng lực của giảng
viên trong đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức” (2014) [7] đã khẳng định giảng
viên có vai trò quan trọng trong công tác ĐTBD CBCC, do đó muốn xây dựng đội
ngũ CBCC chuyên nghiệp, trách nhiệm, trong sạch, năng động và hiệu quả phải có
một đội ngũ giảng viên có kiến thức chuyên môn tốt, thành thạo kỹ năng giảng dạy
và có thái độ đúng đắn với nghề nghiệp. Trên cơ sở những đánh giá, nhận định về
thực trạng đội ngũ giảng viên tham gia ĐTBD CBCC hiện nay với các hạn chế cơ
bản như năng lực sư phạm chưa cao, thiếu kiến thức thực tiễn, chưa sử dụng tốt
giáo án điện tử, ít được bồi dưỡng về phương pháp sư phạm, tác giả đã đưa ra một
số giải pháp nâng cao năng lực nghiệp vụ cho đội ngũ giảng viên như: cần được bồi
dưỡng thường xuyên về chuyên môn nghiệp vụ, cập nhật về phương pháp giảng dạy
hiện đại, tự bồi dưỡng về thiết kế bài giảng, tổ chức bài giảng, v.v.
14
PGS.TS. Đào Thị Ái Thi (2012) trong bài “Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công
chức lãnh đạo theo vị trí việc làm” đã bàn về khái niệm xác định vị trí việc làm;
phân tích quy trình ĐTBD CBCC lãnh đạo theo vị trí việc làm theo các bước: lập kế
hoạch; xác định năng lực thực tế cần đào tạo, bồi dưỡng CBCC lãnh đạo theo vị trí
việc làm; Tiến hành ĐTBD [61].
1.1.2. Các nghiên cứu về xây dựng và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nói
chung và đội ngũ CBCC người DTTS nói riêng
Những nghiên cứu về xây dựng đội ngũ CBCC người DTTS nước ta đề cập ở
các quy mô, mức độ, góc cạnh khác nhau và có giá trị tổng kết thực tiễn nhất định.
Cũng giống như các nghiên cứu về xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ CBCC
nói chung, các công trình này có thể chia thành 2 nhóm sau:
- Nhóm nghiên cứu chung về xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ
CBCC người DTTS
Tôn Ý (Sun Yi) trong chuyên khảo “Lý luận và thực tiễn xây dựng đội ngũ
cán bộ DTTS của Trung Quốc” (2012) [97] đã nghiên cứu một cách hệ thống lý
luận và thực tiễn xây dựng đội ngũ cán bộ DTTS các cấp ở Trung Quốc từ khi thành
lập ĐCS Trung Quốc đến nay. Trên cơ sở khái thuật các thành quả nghiên cứu đi
trước, cũng như nền tảng tư tưởng và chính sách cán bộ của ĐCS Trung Quốc, cuốn
sách đã sử dụng hệ thống số liệu điều ra khá phong phú để miêu tả, phân tích khá cụ
thể về quá trình xây dựng và phát triển của đội ngũ cán bộ DTTS các cấp của Trung
Quốc, trong đó nhấn mạnh đến quá trình hình thành và phát triển các chính sách về
xây dựng đội ngũ cán bộ DTTS các cấp ở Trung Quốc; thực trạng và đặc điểm đội
ngũ cán bộ DTTS các cấp ở Trung Quốc; một số trường hợp cụ thể trong xây dựng
và phát triển đội ngũ cán bộ các cấp ở các khu vực DTTS của Trung Quốc.
Vương Triêm Vân (Wang Zhanyun) trong bài “Suy ngẫm về đổi mới công
tác xây dựng đội ngũ cán bộ khu vực DTTS (2015) [98] cho thấy, trên mặt trận
chính trị, cán bộ chính là nhân tố quyết định, trong đó cán bộ DTTS là người thực
thi, cụ thể hóa phương châm, chính sách của Đảng ở các khu vực dân tộc, lại vừa là
người tổ chức và lãnh đạo phát triển về chính trị, kinh tế, văn hóa và xã hội ở địa
phương. Vì vậy, đổi mới công tác xây dựng đội ngũ CBCC khu vực DTTS là yêu
15