Tải bản đầy đủ (.pdf) (60 trang)

Kết cấu cổ tích trong Cánh buồm đỏ thắm của Alexander Grin

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (724.89 KB, 60 trang )

TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM HÀ NỘI 2
KHOA NGỮ VĂN

======

NGÔ THỊ THẮM

KẾT CẤU CỔ TÍCH TRONG
CÁNH BUỒM ĐỎ THẮM CỦA
ALEXANDER GRIN
KHÓA LUẬN TỐT NGHIỆP ĐẠI HỌC
Chuyên ngành: Văn học nước ngoài

Người hướng dẫn khoa học

TS. LÊ THỊ THU HIỀN

HÀ NỘI, 2017


LỜI CẢM ƠN
Với lòng kính trọng và biết ơn sâu sắc, tôi xin chân thành cảm ơn ban
chủ nhiệm khoa Ngữ văn trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2, cùng những thầy
cô đã trực tiếp giảng dạy, truyền thụ kiến thức cho tôi, đồng thời giúp tôi rèn
luyện nhân cách trong suốt khóa học 2013- 2017.
Xin gửi lời cảm ơn đặc biệt tới TS. Lê Thị Thu Hiền – Người đã tận
tình giúp đỡ tôi trong suốt quá trình làm khóa luận.
Cuối cùng xin cảm ơn sự động viên, ủng hộ và giúp đỡ của gia đình,
bạn bè đã giúp tôi hoàn thành khóa luận tốt nghiệp này.
Hà Nội, ngày tháng năm 2017
Sinh viên thực hiện



Ngô Thị Thắm


LỜI CAM ĐOAN
Tôi xin cam đoan đây là công trình nghiên cứu khoa học của riêng tôi
dưới sự hướng dẫn của TS. Lê Thị Thu Hiền. Các kết quả trong khóa luận là
trung thực, có xuất xứ rõ ràng và chưa từng được công bố trong tất cả các
nghiên cứu nào khác.
Hà Nội, ngày tháng năm 2017
Sinh viên thực hiện

Ngô Thị Thắm


MỤC LỤC
MỞ ĐẦU ........................................................................................................... 1
1. Lí do chọn đề tài ............................................................................................ 1
2. Lịch sử vấn đề ............................................................................................... 3
3. Mục đích nghiên cứu ..................................................................................... 5
4. Đối tượng, phạm vi, nhiệm vụ nghiên cứu, giới thuyết khái niệm ............... 5
5. Phương pháp nghiên cứu ............................................................................... 7
6. Bố cục khóa luận ........................................................................................... 8
NỘI DUNG ....................................................................................................... 9
Chương 1: TỔ CHỨC NHÂN VẬT CỔ TÍCH ................................................ 9
1.1.Tuyến nhân vật thiện ................................................................................. 10
1.1.1.Nhân vật mồ côi ..................................................................................... 10
1.1.2. Nhân vật đức hạnh................................................................................. 16
1.1.3. Nhân vật tài năng xuất chúng ................................................................ 24
1.2.Tuyến nhân vật ác ..................................................................................... 30

Chương 2: TỔ CHỨC CỐT TRUYỆN CỔ TÍCH .......................................... 35
2.1. Vượt qua thử thách ................................................................................... 35
2.2. Xây dựng kết thúc có hậu......................................................................... 42
2.3. Xây dựng không gian, thời gian cổ tích ................................................... 48
KẾT LUẬN ..................................................................................................... 54
TÀI LIỆU THAM KHẢO


MỞ ĐẦU
1. Lí do chọn đề tài
Alexander Grin là nhà văn Nga nổi tiếng với nhiều tác phẩm lãng mạn,
khai thác chủ đề về biển cả, các cuộc phiêu lưu và tình yêu, ông là một đại
diện xuất sắc của chủ nghĩa tân lãng mạn. Cuộc đời của Grin đầy gian nan,
khổ ải, từ nhỏ đã lang bạt khắp đất nước Nga rộng lớn với nhiều nghề mưu
sinh vất vả song những khắc nghiệt của đời sống không những không làm mất
đi mà còn nuôi dưỡng trí tưởng tượng mạnh mẽ, tâm hồn trong trẻo của nhà
văn. Ông luôn tìm cách thoát ra khỏi thực tại đen tối và cho rằng thà sống với
những giấc mơ tương lai còn hơn ngày lại ngày chịu đựng “những cặn bã và
rác rưởi”. Trong các tác phẩm của mình, Alexander Grin làm sống dậy những
đất nước, những thành phố chưa từng tồn tại, những nhân vật và cả câu
chuyện kì lạ, những con người dũng cảm có trái tim nhân hậu, trong sáng và
thuần khiết. Nhà văn tin ở con người và hạnh phúc dành cho con người.
Dường như với ông, cả trái đất này cùng tất cả những gì mà nó có đều là
dành cho cuộc sống của chúng ta, cuộc sống đó được trân trọng ở tất cả những
nơi nó tồn tại. Phần lớn những tác phẩm của ông được sáng tác sau cách mạng
tháng Mười năm 1917 như các tiểu thuyết: Thế giới lấp lánh (1924); Cô bé
chạy trên sông, Con đường không đi đâu (1930) và rất nhiều truyện vừa,
truyện ngắn khác...
Alecxander Grin mặc dù là nhà văn nổi tiếng nhưng những ngày cuối
đời phải sống trong túng thiếu, phải trải qua sự khó nhọc từ khi sinh ra cho

đến những giây phút cuối cùng. Tuy vậy, trong các tác phẩm của ông, người
ta luôn nhận ra một thế giới xán lạn, giàu có, đầy ánh mặt trời, đầy sức sống
và đã mang lại niềm vui cho hàng triệu người. Cánh buồm đỏ thắm được xem
là tác phẩm thành công, xuất sắc nhất của Grin. Một câu chuyện đẹp như cổ
tích. Một thiếu nữ trong sáng, thánh thiện, giàu lạc quan và tin tưởng vào mọi

1


điều tốt đẹp của con người. Một chàng trai hào hoa, tài giỏi, mạnh mẽ, quyết
liệt. Hai con người lãng mạn ấy đã gặp nhau như một sự ấn định từ muôn kiếp
trước. Cánh buồm đỏ thắm như một lời ước hẹn, một đính ước, một thề
nguyền. Họ đến với nhau một cách giản dị và kì diệu nhất.
Truyện cho ta thấy những giây phút được đắm mình trong thế giới
huyền ảo ngọt ngào, truyền cho ta một niềm tin vững chắc vào cuộc sống và
tình yêu. Những trang văn lãng mạn, lối viết truyện tinh tế, nhẹ nhàng cùng
chất trữ tình trong văn xuôi đã tạo nên những rung động mạnh mẽ, lôi cuốn và
ấn tượng sâu sắc trong lòng người đọc. Đọc tác phẩm, ta như lạc vào một câu
chuyện cổ tích đời thường với các nhân vật, diễn biến cốt truyện, không gian,
thời gian nhuốm màu cổ tích.
Cùng với Chiếc nhẫn bằng thép của K. Paustovky, Dagestan của tôi
của Rasul Gamzatov, Thép đã tôi thế đấy của Nikolai A.Ostrovsky, Maximka
của K.M Stanyukovich, Người cá và Bột mì vĩnh cửu của Alexander
R.Belyaev, Timur và đồng đội và Số phận chú bé đánh trống của Arkady
Gaidar, Cánh buồm đỏ thắm là một trong các tác phẩm văn học thiếu nhi đến
từ xứ sở Bạch Dương đến nay vẫn còn mang nhiều giá trị và có ý nghĩa với
văn hóa đọc của Việt Nam, gắn liền với những ước mơ, hoài bão, nuôi dưỡng
biết bao tâm hồn thanh thiếu niên và bạn đọc trẻ Việt Nam. Đặc biệt hơn khi
Cánh buồm đỏ thắm lại là câu chuyện với cách tổ chức nhân vật, sự kiện, kết
cấu mang đậm màu sắc cổ tích hiện đại.

Tất cả những lí do trên đã khiến chúng tôi tìm đến với đề tài “ Kết cấu
cổ tích trong Cánh buồm đỏ thắm của Alexander Grin” với mong muốn bước
đầu hiểu thêm về bút pháp nghệ thuật của nhà văn đồng thời qua đó hiểu được
những giá trị nội dung tư tưởng, những thông điệp ý nghĩa về cuộc sống mà
nhà văn muốn gửi gắm.

2


2. Lịch sử vấn đề
Nhiều nhà nghiên cứu đã nhận xét các tác phẩm của Alexander Grin là
“Tiểu thuyết của thiếu niên”. Cũng giống như các tác giả của truyện giả tưởng
nửa cuối thế kỉ XX, Grin đề cập đến những niềm mơ ước, khát vọng và cảm
xúc của con người với những suy nghĩ trong sáng nhất của họ. Thế giới của
ông không phải là thế giới cổ tích, nó rất thường ngày với những thực tế xã
hội thế kỉ XX nhưng nó thường xuyên gây cảm giác lãng mạn và “trẻ con” nói
chung. Những con người có thể là thuyền trưởng, thủy thủ, nhà khoa học,
người du lịch, những quý tộc ngông cuồng, những cô gái, những anh hùng
thường xuyên có thực và thế giới của Grin (thường xuyên được những người
yêu thích Grin gọi là Grinlandia) là một trong những thế giới hấp dẫn nhất và
sống động nhất trong văn học. Một vài tiểu thuyết của ông cũng có thêm nhân
tố “sự kì diệu”, không phải là một phần cố định trong các tác phẩm, nhưng là
phép màu nhiệm có thể thay đổi cuộc sống của những người may mắn nhận
được nó.
Cánh buồm đỏ thắm, một câu chuyện tình mãnh liệt truyền cảm hứng
vượt thời gian, một thiên truyện chan hòa ánh mặt trời và tình người đã được
Alexander Grin viết vào năm 1920-1921 khi ông vừa thoát khỏi cơn bệnh
hiểm nghèo, đói ăn, thiếu mặc, không nhà, không cửa... Grin đã trở thành
người bạn tinh thần của những ai giàu lòng mơ ước, khao khát được sống một
cuộc đời đẹp đẽ do chính bàn tay mình xây đắp. Alexander Grin đã sống một

cuộc sống đầy vất vả, gian truân. Ông đã từng phải lang thang kiếm sống
khắp nước Nga, từng phải đi lính cho Nga hoàng, phải chịu tù đày. Nhưng
mặc cho hoàn cảnh bên ngoài nghiệt ngã, Grin vẫn giữ trọn trong lòng mình
niềm tin ở tương lai, khát vọng về một cuộc đời hạnh phúc của con người.
Khi nói về giá trị của những tác phẩm văn học thiếu nhi Nga nói chung,
Cánh buồm đỏ thắm nói riêng, nhà giáo ưu tú Vũ Thế Khôi từng nhận định:

3


“Biêt bao cậu bé, cô bé ở nước ta đã lớn lên thành người với những cuốn sách
gối đầu giường dạy cho họ biết sống thẳng ngay, biết đường thương yêu, biết
đường căm ghét, biết vươn tới những lí tưởng nhân văn cao cả” [1;2]. Liên
Xô tuy không còn nhưng những tác phẩm văn học vốn là những giá trị nhân
bản của con người thì vẫn luôn tồn tại.
Cánh buồm đỏ thắm hệt như một câu chuyện cổ tích đời thường thấm
đẫm giá trị nhân văn sâu sắc. Tác phẩm sẽ đưa bạn đọc trở về thời ấu thơ hoa
mộng với niềm tin yêu ngập tràn và những ước mơ thần tiên thời nhỏ dại qua
câu chuyện tình giản dị, cảm động của Axôn và Grey, hai con người sinh ra
trên đời như để hội ngộ bằng cổ tích, một lời hẹn từ thời thơ ấu nhưng luôn
được khắc ghi trong lòng cả hai. Cánh buồm đỏ thắm không chỉ là trò chơi vô
nghĩa của trí tuệ hay là sự sưu tầm thú vị về từ ngữ và hình ảnh mà đó thực sự
là một sắc màu vĩnh cửu của niềm tin yêu. Bởi vì cánh buồm mơ ước không
chỉ là dấu hiệu nhận ra nhau của Axôn và Grey. Màu đỏ như nắng hồng buổi
sớm ấy tỏa ra niềm vui cao quý rộn ràng, giúp cho tâm hồn Axôn không bị
hoen ố bởi sự hắt hủi, coi khinh, đã kéo Grey ra khỏi nỗi buồn không biết
mình phải đi tìm điều gì trong cuộc đời bao la...
Cánh buồm đỏ thắm là tác phẩm nổi tiếng nhất của Grin, đã được
chuyển thể thành phim vào năm 1961 với bộ phim cùng tên của đạo diễn
Aleksand Ptushko do hãng phim Mosfilm sản xuất. Ngoài ra, cuốn tiểu thuyết

còn được chuyển thể thành nhiều tác phẩm truyện tranh khác nhau.
Trong bài viết Tình hình nghiên cứu, phê bình, dịch thuật văn học Nga
tại Việt Nam trong những năm gần đây của Đỗ Thị Hường đăng trên Tạp chí
Châu Âu, số 10/2012, Cánh buồm đỏ thắm được nhắc tới là một trong những
tác phẩm văn học thiếu nhi thành công và được tái bản nhiều nhất.
Cho đến nay ở Việt Nam chưa có một công trình nghiên cứu chuyên

4


biệt nào về tác giả Alexander Grin hay tác phẩm Cánh buồm đỏ thắm. Tác
phẩm mới chỉ được nhắc đến qua những bài viết cảm nhận đơn thuần của độc
giả mà ít có tính chất phê bình, lí luận. Trong buổi tọa đàm “Còn mãi những
cánh buồm đỏ thắm” của NXB Kim Đồng diễn ra vào 9/2016 vừa qua, Cánh
buồm đỏ thắm đã được tôn vinh là một trong số các tác phẩm có sức sống lâu
bền, gắn liền với những ước mơ, hoài bão, nuôi dưỡng biết bao tâm hồn thanh
thiếu niên và bạn đọc trẻ Việt Nam.
Trên các trang mạng chỉ có những bài giới thiệu khái quát về cuốn sách
như các trang hay , tuy bài
giới thiệu có đề cập đến yếu tố cổ tích trong tác phẩm song chưa có những bài
viết nghiên cứu chuyên sâu về kết cấu cổ tích, bút pháp nghệ thuật được nhà
văn vận dụng qua tác phẩm.
Chính vì vậy, chúng tôi chọn đề tài “Kết cấu cổ tích trong Cánh buồm đỏ
thắm của Alexander Grin” làm khóa luận tốt nghiệp với mong muốn bước đầu
khám phá thế giới nghệ thuật của nhà văn, đặc biệt là yếu tố cổ tích được nhà
văn vận dụng sáng tạo trong việc xây dựng kết cấu cho tác phẩm của mình.
3. Mục đích nghiên cứu
Mục đích của chúng tôi khi triển khai đề tài này là làm sáng tỏ kết cấu
cổ tích trong tác phẩm Cánh buồm đỏ thắm của tác giả Alexander Grin.
Thông qua cách tổ chức nhân vật cổ tích, tổ chức cốt truyện cổ tích, chỉ ra sự

kết hợp chặt chẽ giữa các bình diện nhân vật, cốt truyện, không gian, thời
gian. Từ đó thấy được những sáng tạo trong nghệ thuật của nhà văn và hiểu rõ
hơn giá trị nội dung tư tưởng của tác phẩm.
4. Đối tượng, phạm vi, nhiệm vụ nghiên cứu, giới thuyết khái niệm
4.1. Đối tượng nghiên cứu của đề tài “Kết cấu cổ tích trong Cánh buồm
đỏ thắm của Alexander Grin” là việc tổ chức các nhân vật cổ tích, cốt truyện
cổ tích.

5


4.2. Phạm vi nghiên cứu: Khóa luận tập trung nghiên cứu, phân tích kết
cấu cổ tích trên các phương diện tổ chức nhân vật, cốt truyện trong phạm vi
tiểu thuyết Cánh buồm đỏ thắm của Alexander Grin.
4.3. Nhiệm vụ nghiên cứu cụ thể của đề tài:
-Xác định tổ chức nhân vật cổ tích trong tác phẩm
-Xác định tổ chức cốt truyện cổ tích trong tác phẩm
-Xác định tổ chức không gian, thời gian mang màu sắc cổ tích
4.4. Giới thuyết về khái niệm
Về khái niệm kết cấu, trong Từ điển thuật ngữ văn học, các tác giả coi kết
cấu là sự liên kết các chi tiết, sự kiện, không gian, thời gian, số phận nhân vật
và các mối quan hệ giữa các nhân vật, các bước phát triển cốt truyện. “ Kết
cấu tác phẩm là toàn bộ tổ chức phức tạp và sinh động của tác phẩm... bất cứ
tác phẩm văn học nào cũng có một kết cấu nhất định. Kết cấu là phương tiện
cơ bản và tất yếu của khái quát nghệ thuật. ” [5;157]
Tác giả Lại Nguyên Ân trong 150 thuật ngữ văn học cũng cho rằng
“Kết cấu là sự sắp xếp, phân bố các thành phần hình thức nghệ thuật. Tức là
sự cấu tạo tác phẩm tùy theo nội dung và thể tài. Kết cấu gắn kết các yếu tố
hình thức và phối thuộc chúng với tư tưởng... Kết cấu tác phẩm văn học bao
gồm việc phân bố các nhân vật (tức hệ thống hình tượng), các sự kiện và hành

động (kết cấu, cốt truyện), các phương thức trần thuật, các chi tiết, thủ pháp,
văn phong , những yếu tố ngoài cốt truyện...” [1;167]
Trong giáo trình Lí luận văn học, các tác giả nhấn mạnh : Kết cấu là
toàn bộ tổ chức nghệ thuật sinh động của tác phẩm, là phương tiện khái quát
nghệ thuật. “Kết cấu là toàn bộ tổ chức tác phẩm trong tính độc đáo, sinh
động và gợi cảm của nó. Cách tổ chức của thể loại, bố cục chung của một thể
văn, nguyên tắc của một luật thơ cụ thể và cả mô hình tư duy của một tác giả
cố nhiên là rất quan trọng nhưng kết cấu tác phẩm trong phần sâu sắc nhất của

6


nó không phải là sự liên kết theo những công thức, biện pháp có sẵn mà là
liên kết theo sự phát hiện đời sống và suy nghĩ của nhà văn tạo thành một hệ
thống liên kết tạo ra hiệu quả tư duy thẩm mĩ. ” [7;296]
Kết cấu cổ tích bao gồm sự phân bố các nhân vật cổ tích, các sự kiện,
hành động, các chi tiết, thủ pháp hay chính là sự tổ chức các nhân vật, cốt
truyện cổ tích qua việc vận dụng các thủ pháp nghệ thuật với không gian, thời
gian mang đậm màu sắc cổ tích góp phần khắc họa cuộc đời, số phận nhân
vật. Kết cấu cổ tích thông qua việc xây dựng hệ thống nhân vật, cốt truyện
hấp dẫn cùng điểm nhìn nghệ thuật của tác giả đã bộc lộ chủ đề, tư tưởng, tạo
ra tính toàn vẹn của tác phẩm.
Khi triển khai đề tài “Kết cấu cổ tích trong Cánh buồm đỏ thắm của
Alexander Grin”, chúng tôi chỉ tập trung khảo sát trên cấp độ hình tượng với
các phương diện chủ yếu: nhân vật cổ tích, cốt truyện cổ tích, trong tổ chức
cốt truyện chú ý đề cập tới không gian, thời gian mang đậm màu sắc cổ tích.
Ba phương diện này có mối quan hệ hữu cơ, mật thiết với nhau.Cốt truyện là
khung cứng của câu chuyện,là một chuỗi sự kiện xoay quanh nhân vật, không
gian, thời gian là hình thức hữu hiệu của con người, là nơi mà nhân vật sống
để bộc lộ những hành động. Nhân vật không thể sống, tồn tại nếu tách rời

không gian, thời gian. Mặt khác, bên cạnh những nét thi pháp của truyện cổ
tích dân gian, Alexander Grin đã thực sự thành công khi xây dựng tác phẩm
với kết cấu của truyện cổ tích hiện đại qua nhiều sáng tạo nghệ thuật mới mẻ,
độc đáo.
5. Phương pháp nghiên cứu
Nghiên cứu“ Kết cấu cổ tích trong Cánh buồm đỏ thắm của Alexander
Grin”, chúng tôi sử dụng phương pháp chủ đạo là phân tích tác phẩm theo
hướng thi pháp học với sự vận dụng các thao tác nghiên cứu như so sánh,
khảo sát, thống kê...

7


6. Bố cục khóa luận
Khóa luận ngoài phần Mở đầu và phần Kết luận , phần Nội dung
được triển khai trong hai chương:
Chương 1: Tổ chức nhân vật cổ tích
Chương 2: Tổ chức cốt truyện cổ tích
Phần cuối khóa luận là thư mục Tài liệu tham khảo.

8


NỘI DUNG
Chương 1: TỔ CHỨC NHÂN VẬT CỔ TÍCH
Nhà văn hào Đức W.Goethe có nói: “Con người là điều thú vị nhất với
con người, và con người cũng chỉ hứng thú với con người”[11;114]. Con
người là nội dung quan trọng nhất của văn học. “Nhân vật văn học là khái
niệm dùng để chỉ hình tượng các cá thể con người trong tác phẩm văn học cái đã được nhà văn nhận thức, tái tạo, thể hiện bằng các phương tiện riêng
của nghệ thuật ngôn từ” [11;114].

Với Tô Hoài- một trong những nhà văn có sức sáng tạo dồi dào, mãnh
liệt nhất của văn học Việt Nam hiện đại, nhân vật là nơi duy nhất tập trung hết
thảy, giải quyết hết thảy trong một sáng tác. Nhân vật không chỉ là nơi bộc lộ
tư tưởng, chủ đề mà còn là nơi tập trung các giá trị nghệ thuật của tác phẩm.
Thành bại của một đời văn, một tác phẩm phụ thuộc rất nhiều vào việc xây
dựng nhân vật . Nói cách khác, nhân vật là con người được nhà văn miêu tả
trong tác phẩm bằng phương tiện văn học. Những con người này có thể được
miêu tả kỹ hay sơ lược, sinh động hay không rõ nét, xuất hiện một hay nhiều
lần, thường xuyên hay từng lúc, giữ vai trò quan trọng nhiều, ít, hoặc không
ảnh hưởng nhiều lắm đối với tác phẩm. Nhân vật còn có thể là những con vật,
đồ vật, sự vật, hiện tượng mang linh hồn con người, là hình ảnh ẩn dụ của con
người. Nhân vật là đối tượng mang tính ước lệ và có cách điệu so với đời
sống hiện thực, bởi nó đã được khúc xạ qua lăng kính chủ quan của nhà văn.
Với dung lượng ngắn gồm 113 trang, hệ thống nhân vật không nhiều,
bên cạnh các nhân vật quần chúng, tiểu thuyết Cánh buồm đỏ thắm gồm 17
nhân vật được gọi tên. Trong đó, người đọc đặc biệt ấn tượng với Axôn, Grey,
Longren, với ông già Êgle và cả tên chủ quán rượu tham lam, háo sắc Menơx.
Đó đều là những nhân vật chính giữ vai trò chủ đạo, tham gia vào việc hình
thành nên cốt truyện. Dưới ngòi bút của Alexander Grin, nhân vật trong tiểu

9


thuyết như bước ra từ câu chuyện cổ tích lãng mạn. Nhân vật mang đậm dấu
ấn, thi pháp cổ tích. Axôn và Grey thực sự đã trở thành nàng công chúa,
chàng hoàng tử vẽ lên một thiên truyện làm say đắm lòng người.
1.1.Tuyến nhân vật thiện
1.1.1.Nhân vật mồ côi
Thế giới nhân vật cổ tích trong văn học vô cùng đa dạng, phức tạp và
mang tính hiện thực rõ nét hơn nhân vật thần thoại, truyền thuyết. Nếu thần

thoại là “nghệ thuật vô ý thức” thì truyện cổ tích là “nghệ thuật đích thực”.
Nhân vật trong truyện cổ tích không có sức mạnh ma thuật vốn có ở nhân vật
huyền thoại. Nhân vật có sức mạnh nhờ sự bảo trợ đặc biệt của các thần. Về
sau, các sức mạnh thần kì đó nói chung như đã bị loại khỏi nhân vật và ở mức
độ nhất định, chúng hoạt động thay cho nhân vật. Nhân vật trong các kiểu
truyện cổ tích khác nhau được xây dựng khác nhau.
Trong truyện cổ tích dân gian Việt Nam, nhân dân ta thường gửi gắm
những ước mơ, lí tưởng, quan niệm đạo đức, thẩm mĩ qua số phận của những
nhân vật mồ côi-những con người nhỏ bé, thấp cổ bé họng, đây là một mô típ
nhân vật điển hình và cũng là một kiểu loại của nhân vật bất hạnh.
Với việc xây dựng lên những hình tượng như cô Tấm, Sọ Dừa, anh
Khoai, Tầm Dang, Nha Núi, Thạch Sanh, nhân dân ta đã gửi gắm bao ước mơ
tốt đẹp, khẳng định một niềm tin sáng ngời: Ở hiền gặp lành. Những người
hiền lành, ăn ở có tình nghĩa thủy chung sẽ được Phật, Tiên “độ trì”. Những
ước mơ ấy nói lên đạo đức trong sáng của nhân dân, đồng thời tạo nên tính
nhân văn cho truyện cổ tích. Hình ảnh những nhân vật mồ côi, những con
người “nhỏ bé” đáng thương mà cũng thật đáng yêu. Kết thúc của họ đã làm
cho truyện cổ tích mãi mãi là bài ca lạc quan, yêu đời của nhân dân lao động.
Trong Cánh buồm đỏ thắm của Alexander Grin, nhân vật mồ côi xuất
hiện một cách tự nhiên, gần gũi, dung dị. Bên cạnh những nét tương đồng với

10


văn học dân gian, nhân vật mồ côi của tác giả người Nga cũng mang theo
những nét khác biệt, mới mẻ, đậm hơi thở của cổ tích hiện đại do sự khác
nhau về thể loại, về văn hóa, văn học của hai quốc gia, dân tộc Nga-Việt.
Axôn mồ côi mẹ từ khi 5 tháng tuổi, lớn lên trong tình thương yêu của
người cha, sự hắt hủi, ghẻ lạnh của dân làng. “Cô bé lớn lên không có bạn gái.
Hai, ba chục đứa trẻ ở Kapơcna cùng trà với cô, được nuôi nấng như lũ hải

miên trên sóng nước, chịu nếp dạy dỗ khắc nghiệt từ khi còn đỏ hỏn, rằng uy
tín của các bậc sinh thành là bất di bất dịch, chúng tuân phục như mọi đứa trẻ
trên thế gian, đương nhiên đã gạt bỏ vĩnh viễn Axôn bé nhỏ khỏi vòng quan
tâm và che chở của chúng”. [4;9]
Axôn ngay từ nhỏ đã là một cô bé có tâm hồn trong sáng, thánh thiện.
Chỉ vì mâu thuẫn, định kiến của dân làng đối với Longren-cha của cô mà nó
mặc nhiên trở thành chén nước tràn, thành lòng hận thù , trùm bóng lên cả
Axôn. “ Định kiến ấy tất nhiên được nhồi nhét dần dà vào đầu óc chúng bởi
tiếng quát nạt của người lớn, bao hàm sự cấm đoán gay gắt , rồi sau đó là
những tiếng ong ve, những lời đồn đại nhảm nhí được thổi phồng lên quá
đáng đã gieo vào đầu óc lũ trẻ một niềm khiếp đảm về ngôi nhà của người
thủy thủ nọ.”[4;9]. Tất cả đều xuất phát từ mối quan hệ lạnh nhạt của Longren
với người trong vùng và đỉnh điểm là câu chuyện liên quan đến gã chủ quán
rượu Menơx “ Chẳng còn một ai chào hỏi ông, bắt tay ông, thậm chí đánh cái
nhìn quen biết về ông nữa. Ông vĩnh viễn bị bỏ rớt lại khỏi hẳn sau mọi sinh
hoạt của xóm làng.” [4;9]. Cả dân làng coi Longren là kẻ giết người, đám dân
chài ngừng nói chuyện khi ông lại gần, bỏ đi chỗ khác, tránh né ông như tránh
một con bệnh dịch hạch. Thêm nữa, chính cách sống khép mình của Longren
dường như càng chắp thêm cánh cho miệng lưỡi ngông cuồng của sự đơm đặt.
Dân làng cho rằng “ gã thủy thủ đã giết người, phạm tội ở đâu đó, bởi vậy nên
gã mới bị đuổi khỏi tàu, bản thân gã u ám và lánh đời, rằng gã đang bị lương

11


tâm giày vò bởi tội lỗi đã phạm phải.” [4;10]. Mọi sự bịa đặt, suy diễn vô căn
cứ của người trong vùng ban đầu chỉ nhằm vào Longren nhưng rồi sau đó họ
căm ghét và xa lánh cả Axôn, họ bài trừ hai cha con ra khỏi nếp sinh hoạt,
khỏi cuộc sống của dân làng. Những suy nghĩ của các bậc cha mẹ đã tác động
tới lũ trẻ, chúng xua đuổi Axôn khi cô bé mon men lại gần chúng, ném rác

bẩn về phía cô bé, chòng ghẹo rằng Longren đã ăn thịt người và giờ thì đang
đúc tiền giả. Chúng coi Axôn là con gái của kẻ cầm thú, nham hiểm, độc ác,
vạch ra một ranh giới ngăn cách Axôn như thể cô bé không đủ tư cách để
bước vào thế giới của riêng chúng. Mặc những lời nguyền rủa, khinh miệt,
Axôn vẫn ngây thơ xích lại gần song mọi sự cố gắng của cô bé luôn kết thúc
bằng những giọt nước mắt cay đắng, những vết thâm tím, bầm xước và các
biểu hiện khác của định kiến xã hội. Alexander Grin từ đầu tới cuối vẫn luôn
để Axôn là một nhân vật hiền lành, thánh thiện dù có chịu nhiều bất hạnh,
thiệt thòi, đúng như mô típ của truyện cổ tích. “Cuối cùng cô bé đã thôi giận
hờn nhưng đôi khi vẫn hỏi người cha:
-Cha ơi, vì sao ,mọi người không yêu cha con mình?
-Ồ, Axôn ơi- ông Longren nói,- họ mà biết yêu ư con? Phải biết yêu đã
con ạ, mà cái đó thì họ đâu có biết”. [4;10]
Axôn chẳng những không căm thù, trách móc lũ trẻ ở Kapơcna dù bị chúng
hắt hủi mà còn ngây thơ hỏi cha lí do “ họ không yêu cha con mình”. Axôn
vẫn luôn như thế, giản đơn, thuần túy, trong sáng. Cô bé không hề được nghe
cha kể về cái chết của mẹ Meri, cũng chẳng được biết nguyên do người ta coi
cha cô là kẻ giết người bởi thế càng không hiểu được sự lạnh nhạt trong mối
quan hệ của Longren với người dân trong làng. Câu hỏi ngô nghê của cô bé
không chỉ chạm đến trái tim của người cha mà còn chạm đến tận sâu thẳm
tâm hồn nơi trái tim bạn đọc.

12


Tuy vậy, Axôn có những điều mà lũ trẻ ở làng không có, có thể nhìn
thấy những thứ mà người khác không thấy, đó là việc Axôn có thể hiểu được
những điều đặc biệt ẩn sâu, nằm giữa những hàng chữ, đó là thuật ngữ “Read
between the line”, cô bé có thể phát hiện ra những điều khó tả, tinh tế, qua
tiềm thức, tâm trạng hưng phấn đặc biệt. Thỉnh thoảng tỏ ra thật đáng yêu

bằng việc lấy chiếc khăn lụa mỏng trùm lên đầu, buộc dưới cằm rồi thả hồn
chạy chân đất ra đường. Xung quanh vắng vẻ nhưng Axôn cảm nhận như
mình đang đứng giữa một dàn nhạc lớn.
Axôn lớn lên nhờ vào công việc làm đồ chơi của cha, cô bé luôn yêu
thích, say mê, trân trọng những món đồ đó. “Trò yêu thích của Axôn là vào
các buổi chiều tối hay dịp lễ, khi cha nó đã gác sang một bên các thứ hộp
giấy, hồ dán, đồ nghề làm việc cùng những công việc còn dang dở, tháo bỏ
tạp dề, ngồi xuống nghỉ ngơi với chiếc tẩu trên môi- nó sà đến ngồi lên đầu
gối cha, cựa quậy trong vòng tay ông, sờ mó từng bộ phận của từng thứ đồ
chơi, hỏi ý nghĩa của từng thứ đó”. [4;10]. Cô bé luôn tò mò, muốn được nghe
cha kể về mọi thứ liên quan đến những món đồ chơi hàng ngày cha vẫn làm.
Thế là bắt đầu một bài giảng huyễn tưởng về cuộc sống và con người mà nền
tảng chủ yếu đều dựa vào những sự kiện xảy đến trong cuộc sống trước đây
của Longren, đều là những câu chuyện kì lạ, khác thường. Chính những câu
chuyện về biển cả gắn liền với từng món đồ chơi đã sưởi ấm tâm hồn Axôn cả
một thời thơ ấu, gạn lọc đi những tủi hờn, những giọt nước mắt cay đắng mà
cô bé phải chịu đựng. Axôn trưởng thành trong tình thương yêu, bao bọc của
cha cùng những mẩu chuyện li kì.
Cuộc viếng thăm vào thành phố là một trong những niềm vui rất lớn đối
với Axôn, một bận trong những chuyến du hành ấy Axôn tình cờ thấy một thứ
đồ chơi mới: “ Đó là chiếc thuyền buồm xinh xắn, con thuyền trắng đó mang
những cánh buồm đỏ thắm, cắt từ những miếng lụa ông Longren dùng để dán

13


vào các buồng tàu thủy- món đồ chơi dành cho những khách sẵn tiền” [4;13].
Con thuyền vô tình trôi dạt theo dòng suối, dẫn đến cuộc gặp gỡ với Êgle.
Axôn được nghe những lời tiên tri về một tương lai tươi sáng với cánh buồm
đỏ thắm cùng chàng hoàng tử của riêng cô khi cô bé trưởng thành. Axôn đã

coi những lời tiên tri đó làm động lực, hi vọng cho cuộc sống. Cô bé tin rằng
ngày ấy nhất định sẽ tới, niềm tin mạnh mẽ hệt những mảnh sáng tươi rói,
cháy rực của cánh buồm.
Trong từng trang viết của Grin, qua cách miêu tả độc đáo, Axôn hiện
lên với những đường nét chân thực, hài hòa. Đó là vẻ đẹp trong sáng, thanh
thuần của cô bé ở tuổi mới lớn: “Chiếc váy vải hoa bợt màu vì giặt nhiều
không phủ kín hai đầu gối gày gò rám nắng của cô bé. Mái tóc dày sẫm nằm
gọn dưới chiếc khăn chéo thêu ren buông chấm vai. Từng nét trên gương mặt
cô bé toát lên vẻ nhẹ nhõm và trong trẻo như cánh én liệng. Cặp mắt sẫm
phảng phất nét buồn có vẻ già dặn hơn khuôn mặt trái xoan mềm mại không
cân đối với làn da vốn trắng hồng nay phủ một lớp rám nắng tuyệt đẹp. Cặp
môi thanh hé mở sáng rực bởi nụ cười dịu dàng.” [4;17].
Khuôn mặt làm nao lòng người bởi những nét ngây thơ và tinh tế, mỗi
đường, mỗi nét của khuôn mặt đều toát lên một vẻ riêng biệt, duyên dáng.
Ngay cả trong lúc ngủ, Axôn cũng đẹp một cách say đắm. Grey như được
chứng kiến một nàng công chúa đang mơ màng : “Mái tóc cô gái xõa tung,
cúc áo nơi cổ bật ra để lộ hõm cổ trắng ngần, tấm váy buông để lộ đầu gối,
cặp mi thiếp ngủ phía trên má; trong bóng rợp dịu dàng của cặp thái dương
thanh tú, ẩn hiện dưới bóng mái tóc sẫm; ngón út bàn tay phải luồn dưới đầu
uốn cong theo gáy.” [4;56]. Một vẻ đẹp trong ngần, toàn bích, Alexander Grin
đã rất tinh tế, tỉ mỉ khi khắc họa từng đường nét trên cơ thể Axôn. Grin miêu
tả hay đến mức ta cảm thấy mình như là một họa sĩ đang vẽ bức tranh về nhân
vật ấy. Còn với Grey trong truyện, Axôn khiến chàng nhớ đến nàng Phavna

14


trong bức tranh của Acnôđc Beclin. Vẻ đẹp của Axôn ngay từ giây phút đầu
đã chạm đến trái tim của Grey, khiến chàng mê mẩn.
Ngoại hình là yếu tố quan trọng góp phần tính cách hóa nhân vật.

M.Gorki từng khuyên các nhà văn phải xây dựng các nhân vật của mình đúng
như những con người sống và phải tìm thấy, nêu lên, nhấn mạnh những nét
riêng độc đáo , tiêu biểu trong dáng điệu, nét mặt, nụ cười, khóe mắt của nhân
vật. Ngoại hình nhân vật góp phần thể hiện nội tâm. Đây chính là sự thống
nhất giữa cái bên ngoài và bên trong nhân vật.
Trong truyện cổ tích dân gian, nhân vật thường được xây dựng với tính
cách nhất quán, từ đầu tới cuối truyện không thay đổi, hệ thống nhân vật luôn
tồn tại ở hai tuyến thiện-ác, tích cực-tiêu cực. Cánh buồm đỏ thắm của
Alexander Grin là một thiên truyện cổ tích hiện đại, tuy không có sự hiện
diện trực tiếp của phù thủy độc ác nhưng lại xuất hiện gã Menơx tham lam,
ích kỉ, háo sắc, không có công chúa, hoàng tử nhưng lại có Axôn xinh đẹp,
thánh thiện, có Grey tài năng, xuất chúng, có cựu thủy thủ Longren, quý bà
Liliam Grey – những bậc cha mẹ với tấm lòng thương yêu con vô hạn. Mỗi
nhân vật lại được đặc tả với những nét tính cách riêng biệt qua ngôn ngữ, cử
chỉ, hành động để từ đó bộc lộ tư tưởng, thông điệp mà nhà văn muốn gửi
gắm. Và có lẽ ấn tượng mạnh mẽ nhất với độc giả chính là Axôn trong sáng,
ngây thơ, thuần nhất giữa hành động, lời nói.
Tác phẩm của Grin bắt đầu với bi kịch, cuộc đời nhân vật chính mở đầu
với một chuỗi những bất hạnh. Trong Cánh buồm đỏ thắm, Alexander Grin đã
khéo léo sử dụng mô típ nhân vật mồ côi, một mô típ nhân vật quen thuộc
trong thi pháp truyện cổ tích để mở đầu cho kết cấu, diễn biến của truyện.
Axôn đã lấy đi nước mắt của độc giả với sự thương yêu, đồng cảm sâu sắc.
Chính tuổi thơ bất hạnh của Axôn đã trở thành những nét vẽ đầu tiên trong

15


bức tranh về cuộc đời nhân vật, những nét vẽ nhẹ nhàng mà chân thực, thấm
thía, đầy bao dung.
Qua số phận người mồ côi trong truyện cổ tích dân gian, ta thấy rõ mặt

trái của xã hội khi phân chia giai cấp. Người lương thiện bị áp chế trong đau
thương. Cái ác ngự trị, là nguyên nhân gây nên mọi đau khổ trong cuộc đời.
Ta càng thương cảm, quý mến những thân phận bất hạnh, mồ côi vì cuộc đời
của họ đầy mồ hôi, máu và nước mắt, vì họ là những người lao động chân
chính mang trong mình bao phẩm chất tốt đẹp. Cánh buồm đỏ thắm của
Alexander Grin là tác phẩm thuộc thể loại tiểu thuyết nhưng lại mang hơi thở
của cổ tích hiện đại, đề cập đến nhân vật mồ côi song tác giả không quá đi sâu
thể hiện sự mâu thuẫn, giằng xé giữa thiện-ác. Đọc tác phẩm, người ta nhớ
đến Axôn, yêu mến cô bé bởi tâm hồn trong sáng, thánh thiện, thuần khiết,
bởi sự thông minh, bởi giấc mơ mang màu đỏ thắm của cánh buồm, nó đã
đem đến những tia hi vọng dù mong manh cho số phận của những đứa trẻ mồ
côi, những con người “nhỏ bé”, đáng thương trong xã hội.
1.1.2. Nhân vật đức hạnh
Cánh buồm đỏ thắm là nhan đề với tên gọi mang đầy hi vọng, niềm tin
yêu song mở đầu tác phẩm lại là một “ màu xám xịt” hiện lên trong cảm thức
của người đọc, đó là màu của nghèo đói, bệnh tật, là màu của sự u ám bị bao
trùm bởi cái chết của người mẹ trẻ Meri, bởi tiếng khóc của đứa trẻ mồ côi
còn đỏ hỏn. Meri trước đó phải một mình đối mặt với căn bệnh hậu sản và nỗi
lo về vật chất để có thể nuôi nấng đứa con nhỏ mới chào đời. Dù phải vào
thành phố để cầm chiếc nhẫn cưới, dù trong nhà chẳng còn gì ăn, Meri vẫn
một mực chung thủy với chồng, không chấp nhận lời yêu của lão Menơx, cố
tìm cách cầm cự cho đến khi chồng trở về. Meri tuy chỉ được xuất hiện qua
lời kể chớp nhoáng của bà hàng xóm tốt bụng nhưng đã kịp thời để lại ấn
tượng tốt trong lòng bạn đọc về một người phụ nữ đoan trang, một người mẹ,

16


người vợ hiền thủy chung, son sắt. Grin đã đặt nhân vật vào hoàn cảnh khó
khăn nhằm thử thách đức hạnh của Meri. Chính tình yêu chồng, thương con, ý

thức về nhân cách, phẩm hạnh của người phụ nữ đã chiến thắng hoàn cảnh,
vượt lên hoàn cảnh dù kết cục là một màu xám xịt, u ám. Meri đã ra đi vĩnh
viễn bởi căn bệnh viêm phổi nặng mà không được chữa trị.
Nếu sự xuất hiện của Axôn thể hiện một mô típ quen thuộc trong truyện
cổ tích- mô típ nhân vật người mồ côi thì Longren, người cha giàu tình
thương, cũng giống như người vợ trẻ của mình, lại là đại diện cho kiểu nhân
vật đức hạnh, một trong những nhân vật trung tâm của truyện, luôn được ngợi
ca, trân trọng bởi phẩm chất, nhân cách.
Hình ảnh Longren xuất hiện ngay từ chương đầu của tác phẩm. Ông
vốn là “ thủy thủ kỳ cựu mười năm trên tàu Orion trọng tải ba trăm tấn, gắn
bó với con tàu hơn con quấn mẹ, giờ đây buộc lòng phải thôi việc lên bờ.”
[4;1]. Longren quay về nhà sau chuyến hải trình dài đằng đẵng nhưng ngay
lập tức phải đối mặt với sự thật nghiệt ngã là cái chết của Meri- người vợ hiền
vẫn luôn là hình bóng dịu êm cho người thủy thủ trở về sau cơn bão tố.
Longren từ bỏ ước mơ của mình, nghỉ việc trên con tàu đã gắn bó mười năm
để trở thành một người cha, một người mẹ chăm sóc Axôn. Chính mười năm
đi biển đã giúp ông có kinh nghiệm để làm ra những mô hình con thuyền, con
tàu, trang trải phần nào chi phí cho cuộc sống tằn tiện của hai cha con. Nó còn
khỏa lấp nỗi nhớ của một thủy thủ khi không còn được đứng trên tàu để
đương đầu với những ngọn sóng dữ. Tình yêu con vô bờ bến đã giúp Longren
vượt lên tất cả, tạm quên đi những cô đơn, đau xót của bản thân mà làm tốt
vai trò tưởng chừng chỉ là “thiên chức của người phụ nữ”. Ông tự đảm đang
mọi việc nội trợ và nhẫn nại mầy mò cái nghệ thuật nuôi nấng đứa con gái
nhỏ. Trái tim bạn đọc dường như có một làn nước ấm chảy qua khi được
chứng kiến cảnh tượng ấm áp: “ gương mặt nhỏ nhắn linh hoạt và hồn hậu

17


của đứa con gái ngồi lên gối cha, bận bịu khám phá chiếc áo gilê cài kín cúc

của ông, cất tiếng hát một cách ngộ nghĩnh những bài hát thủy thủ, những
khúc ca ầm ào, hoang dã.” [4;5]. Đó còn là khoảnh khắc “Ông cầm tay cô bé
và hôn mạnh lên đôi mắt rầu rĩ của nó, đôi mắt lúc này đã nheo tít lại bởi
niềm hân hoan dịu dàng” [4;10].
Tình yêu mà Longren dành cho cô con gái nhỏ dung dị, ấm áp đến lạ
thường. Người ta không còn thấy ở ông dáng dấp của một thủy thủ hung
hăng, phóng khoáng, mạnh mẽ mà hiện lên chân dung của một người cha
điềm đạm, hồn hậu, đảm đang. Longren tự làm mọi việc trong nhà: bổ củi, lấy
nước, nhóm lò, giặt giũ, là quần áo. Đôi bàn tay ấy tỉ mỉ chăm chút cho Axôn
từ những điều nhỏ nhặt nhất trong cuộc sống thường nhật. “Dù Litxơ chỉ cách
Kapơcna có bốn dặm nhưng đường đi phải qua rừng mà ở trong rừng thì thiếu
gì thứ để nhát trẻ con, chưa kể những bất trắc , vấp ngã, thực ra khó mà xảy ra
trong một khoảng cách gần như vậy, nhưng cứ phòng xa vẫn hơn. Vì thế, chỉ
vào những buổi ban mai thật đẹp trời,đường rừng ngập tràn nắng, không gian
yên ắng đầy hoa nở, không có mảy may một nguy cơ nào có thể đe dọa bé
Axôn nhạy cảm, ông Longren mới cho bé tự đi vào thành phố.” [4;13].
Axôn đã lớn lên như vậy, trong tình yêu thương bao bọc của cha, thanh
thuần và trong sáng như dòng suối mùa xuân còn Longren thì như thể đang
dùng tất cả hơi ấm còn lại của cuộc đời chỉ để dành cho một mình cô bé.
Longren còn là một người cha tâm lí, biết trân trọng những suy nghĩ,
ước mơ của con gái:
“-Con tàu thần thông ấy có đến đón con không cha?
-Đến chứ,-bác thủy thủ điềm đạm trả lời, người ta mà bảo con như thế,
có nghĩa sẽ đúng là như thế.” [4;23]
Mặc dù biết đó chỉ là giấc mơ, là một viễn tưởng nhưng ông vẫn khẳng
định, quả quyết “ Sẽ đúng là như thế” nhằm bảo vệ cho tâm hồn non nớt của

18



con gái, ông không nỡ tước bỏ niềm vui đẹp đẽ của con mình khi nghe con kể
về giấc mơ.
Longren đáng được ngợi ca, trân trọng không chỉ ở trên phương diện
một người cha giàu đức hi sinh mà ông còn là một người chồng có trách
nhiệm, hết mực thủy chung, thương yêu người vợ hiền. Khi biết Meri đã ở
trên thiên đường, ngay lập tức, “ Thiên đường đối với Longren xem ra chẳng
sáng sủa hơn túp lều gỗ là bao. Ông cho rằng giá giờ đây ba người bọn họ
được ở bên nhau, có lẽ ánh đèn dầu tầm thường kia đối với người thiếu phụ đã
vĩnh viễn đi vào cõi mịt mờ chẳng ai biết ấy sẽ vẫn cứ là một niềm hân hoan.”
[4;2].
Chính cái chết của Meri đã khiến Longren ngày càng thu mình lại, ít
giao tiếp hơn với mọi người, dần dần duy trì thành một mối quan hệ lạnh nhạt
“ Vào các dịp lễ hội, thi thoảng ông cũng xuất hiện trong quán rượu nhưng
chẳng bao giờ ngồi lại, chỉ đứng uống vội một cốc vốt ka rồi đi luôn, ném ra
xung quanh những câu “vâng” “không” “xin chào” “tạm biệt” “cũng vầy vậy”
cụt lủn để đáp lễ những cái chào,cái gật đầu của hàng xóm láng giềng.” [4;4].
Longren luôn tự tách mình ra khỏi cộng đồng, ông sống nhờ vào tình yêu
dành cho Axôn và những hoài niệm về Meri. Cũng chính vì sự ra đi của Meri,
Longren đã mang trong mình lòng căm thù, phẫn nộ tột độ đối với Menơx-tên
chủ quán rượu tham lam, háo sắc. Bởi vậy, khi chứng kiến Menơx cận kề cái
chết, cuống quýt trên con thuyền, Longren lặng nhiên, bình thản mặc cho hắn
rền rĩ trong nỗi kinh hoàng, ra sức van nài ông.
“ Hít một hơi thật sâu vào lồng ngực, Longren quát thật to để gió không
thể cuốn bay một lời nào ông phát ra:
-Cô ấy đã van xin mày như thế! Mày hãy nhớ để đời, và chớ có mà
quên.” [4;7].

19



Câu nói của Longren như một lời khẳng định quả quyết, đó chính là sự
trừng phạt đích đáng dành cho những kẻ tham lam, độc ác, tàn nhẫn, một quy
luật tất yếu “ gieo gió gặp bão”, “gieo nhân nào gặp quả nấy”.
Trước những lời dị nghị về cái chết của Menơx “ Longren đứng, đứng
không động đậy, nghiêm khắc và lặng thinh,như một quan tòa, biểu thị sự
khinh bỉ đối với Menơx- sự lặng thinh của ông, còn hơn cả lòng căm hận, ai ai
cũng cảm nhận được.” [4;8]. Tình yêu dành cho Meri sâu sắc bao nhiêu thì sự
oán ghét đối với Menơx càng nhiều bấy nhiêu. Vì yêu Meri nên Longren càng
hận Menơx- con người độc ác, tàn nhẫn. Lòng oán hận lây sang cả những
người trong làng. Với Longren, tất cả “ những con người ấy”, không một ai
hiểu được ý nghĩa thực sự của tình yêu. Bởi nếu biết cách yêu, nếu hiểu được
ý nghĩa của tình yêu và cả tình người họ đã không dửng dưng, thờ ơ trước
hoàn cảnh của Meri.
Có thể thấy, đằng sau vẻ bề ngoài lạnh lùng, ít nói, khó gần của người
thủy thủ là một trái tim vô cùng ấm áp, một trái tim luôn rung lên những cung
bậc, nhịp đập thổn thức của tình yêu. Ở đó có tình thương vô bờ dành cho cô
con gái nhỏ, có tình thương sâu nặng, thủy chung đối với người vợ quá cố.
“ Trong truyện cổ tích quan niệm đạo đức được phản ánh vừa chắt lọc
kinh nghiệm ứng xử trong thực tế, vừa là đạo đức lí tưởng mà người lao động
mong muốn xây dựng. Vì thế, nó vừa gần gũi vừa cao cả, vừa cụ thể vừa lấp
lánh màu sắc thánh thiện. Nó không chỉ là cái vốn có trong cộng đồng mà còn
là cái nên có, cần có cho cuộc đời tốt đẹp hơn” [12;81].
Longren là nhân vật đại diện cho vẻ đẹp đức hạnh, nhân vật được xây
dựng dựa trên nhiều quan niệm đạo đức. Bên cạnh những tình cảm đạo đức
cao quý của con người còn nêu các lí tưởng về một xã hội nhân hậu, trong
sạch và ấm áp tình nghĩa cha-con, chồng-vợ và rộng hơn là tình nghĩa giữa
người với người.

20



Nếu Longren là một người cha sẵn sàng hi sinh hết thảy vì cô con gái
Axôn, tình cha con, tình phụ tử thẫm đẫm ở những chương đầu tác phẩm thì
tới những chương tiếp theo, tình mẫu tử thiêng liêng của quý bà Liliam Grey
và cậu con trai Grey đã làm giàu thêm cho thiên truyện.
Mẹ Grey thuộc típ người rót cả cuộc đời vào việc sửa soạn, sắm sanh
trang phục. Bà mơ màng trong kiếp sống nhàn hạ, vương giả với những ước
muốn luôn được thỏa mãn nhưng “ Khi ở một mình bên cậu con trai, bà lại trở
về là một người mẹ bình thường, nói bằng một giọng nói yêu thương, dịu
dàng những điều thân thiết, vụn vặt nhất, không thể viết ra trên giấy tờ, những
thứ mà sức mạnh của chúng nằm trong tình cảm của người nói chứ không
phải trong ý nghĩ của câu nói.” [4;36].
Bà không thể từ chối con trai bất cứ điều gì. Bà tha thứ cho cậu mọi cái:
xuống bếp chơi, trốn học, không vâng lời và vô vàn những trò tinh quái khác.
“ Bà chả kịp làm gì ngoài việc đi thăm viếng các chị thợ may, ông đốc tờ và
các quản gia nhưng lại gắn bó đam mê sùng bái với cậu con trai kỳ quặc.”
[4;35]. Có lẽ chính sức mạnh của tình mẫu tử đã trấn át mọi thứ, bà từng đau
đớn cảm nhận sự cô độc đẹp đẽ lạ thường của cậu con trai, nỗi buồn, nỗi e sợ
và tình yêu tràn ngập tấm lòng khi bà ôm ghì cậu bé vào ngực mình, trái tim
bà nói điều khác hẳn với những câu chữ đã trở nên khuôn sáo trong giao tiếp
và suy nghĩ. Grey lớn lên trong tình thương, sự cưng nựng hết mực của mẹ
mà người cha đôi lần cũng thử chống lại sự vô lối này nhưng rồi đành phải
quy hàng “Nếu cậu bé không muốn cây cối bị xén, cây cối sẽ không bị động
đến, nếu cậu bé xin lỗi hay ban thưởng cho ai đó- người được xin biết chắc
ngay rằng sẽ là như thế; cậu bé có quyền cưỡi bất kì con ngựa nào, dẫn theo
bất kì con chó nào trong lâu đài; cậu có thể chúi mũi trong thư viện, chạy
chân đất hoặc nhét vào bụng bất cứ thứ gì cậu thích.” [4;36]. Sự bao dung,
tình yêu thương đôi khi trở nên mù quáng của người mẹ vẫn cứ dành trọn, dõi

21



×