Tải bản đầy đủ (.doc) (3 trang)

Ai yêu nhi đồng bằng Bác Hồ Chí Minh

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (98.64 KB, 3 trang )

"Ai yêu nhi đồng bằng Bác Hồ Chí Minh..."
Khi sắp đi xa, trong Di chúc, Bác “để lại muôn vàn tình thân yêu cho các cháu thanh
niên và nhi đồng”....
Những ngày kỷ niệm Quốc tế thiếu nhi 1-6, Tết Trung thu, Ngày khai trường hoặc mỗi khi
các cháu làm được những việc tốt, đạt thành tích xuất sắc, Bác thường có thư khen ngợi,
tặng quà, tặng danh hiệu cháu ngoan Bác Hồ. Các cháu gặp hoàn cảnh khó khăn, Bác gửi
lời thăm hỏi ân cần và gửi quà động viên. Riêng về thơ, Bác có tới 16 bài thơ viết cho
thiếu nhi, cả chữ Việt và chữ Hán.
Thơ viết cho thiếu nhi của Bác Hồ là những lời tâm huyết, là tình thương yêu sâu sắc,
thắm thiết đối với các cháu, là vẻ đẹp của một tâm hồn rộng mở, cao cả, nhân văn tìm đến
lớp người trong trắng, non trẻ nhạy cảm để mở hướng đi. Năm 1941, 1942 sau khi về
nước trực tiếp lãnh đạo cách mạng Việt Nam, Bác viết một loạt bài thơ kêu gọi các tầng
lớp, trong đó có thiếu nhi, tùy theo sức của mình, cùng toàn dân cứu nước, cứu nhà.
Trẻ em như búp trên cành...
Hai bài thơ Kêu gọi thiếu nhi và Trẻ chăn trâu là hai bài thơ đầu tiên Bác viết cho thiếu nhi
bằng thể thơ lục bát truyền thống. Các cháu thiếu nhi và ngay cả người lớn đọc, ai cũng
hiểu, thấm thía và xúc động. Mở đầu bài Kêu gọi thiếu nhi là những lời lẽ giản dị, thực tế
và chan hoà tình yêu thương “Trẻ em như búp trên cành / Biết ăn ngủ biết học hành là
ngoan / Chẳng may vận nước gian nan / Trẻ em cũng phải lầm than cực lòng / Học hành
giáo dục đã không / Nhà nghèo lại phải làm công cày bừa / Sức còn yếu, tuổi còn thơ / Mà
đã khó nhọc cũng như người già / Có khi lìa mẹ, lìa cha / Để làm tôi tớ người ta bên ngoài"
thì rõ là những lời từ trái tim đến với những trái tim, những lời cho thiếu nhi mà cũng cho
tất cả mọi người.
Bác nói những điều mắt thấy tai nghe, một thực tế hiển nhiên về cảnh cơ cực lầm than
của trẻ em khi vận nước gian nan. Từ đó, Bác đặt câu hỏi: Vì ai? "Vì ai nên nỗi thế này?
Vì ai ta phải…" và Bác chỉ đích thị: “Vì giặc Nhật giặc Tây bạo tàn / Khiến ta mất nước nhà
tan / Trẻ em cũng bị cơ hàn xót xa”, “Ấy là vì Nhật, vì Tây / Ra tay vơ vét đọa đầy chúng ta
/ Làm cho tan cửa nát nhà / Trẻ con vất vả người già đắng cay”.
Bác gợi mở, dắt dẫn cụ thể đi sâu vào lòng con trẻ, từng bước mở rộng nhận thức, suy
nghĩ, cắt nghĩa nguyên nhân để đi đến vận động, giáo dục, giác ngộ các cháu phải làm gì:
"Vậy nên trẻ em nước ta / Phải đoàn kết lại để mà đấu tranh / Người lớn cứu nước đã


đành / Trẻ em cũng góp phần mình một tay" rồi Bác kêu gọi các cháu hăng hái, tự nguyện
tham gia Hội nhi đồng cứu quốc, một tổ chức của Mặt trận Việt Minh “Nhi đồng cứu quốc
hội ta / Ấy là lực lượng, ấy là cứu tinh / Ấy là bộ phận Việt Minh / Dân mình khắc cứu dân
mình mới xong". Hai bài thơ Kêu gọi thiếu nhi và Trẻ chăn Trâu đã trở thành dấu mốc
quan trọng của thơ ca Việt Nam viết về thiếu nhi từ trước đến bây giờ, thức tỉnh mọi
người, nó thực sự đem đến nội dung mới mẻ thiết thực, một tình thương yêu bao la, một
trách nhiệm to lớn đối với thế hệ trẻ.
Thương yêu thiếu niên, nhi đồng là tình cảm thường trực trong Bác. Trong gian khổ và
anh dũng của hai cuộc trường kỳ kháng chiến, trung thu trăng sáng, Bác bộc bạch chân
thành tình cảm của Bác đối với các cháu: Trung thu trăng sáng như gương /Bác Hồ ngắm
cảnh nhớ thương nhi đồng / Sau đây Bác viết mấy dòng / Gửi cho các cháu tỏ lòng nhớ
nhung. Năm 1956, Bác cùng Bác Tôn Gửi các cháu thiếu nhi Trường Hoàng Lệ Kha và tất
cả các cháu niềm Nam lòng thương nhớ, mong mỏi: Bắc Nam sẽ sum họp một nhà / Bác
cháu ta gặp mặt; trẻ già vui chung / Nhớ thương các cháu vô cùng / Mong sao mỗi cháu là
một anh hùng thiếu nhi. Đây là lời thắm thiết chân tình của người ông đối với các cháu,
của người trên đối với trẻ nhỏ, của người lãnh đạo cao nhất của Đảng và Nhà nước đối
với thế hệ tương lai. Với tất cả tấm lòng nhân ái bao la và sự tin cậy cao độ, Bác tự nhận,
tự khẳng định quả quyết Ai yêu nhi đồng / Bằng Bác Hồ Chí Minh (Thư Trung thu – 1952).
Qua thơ Bác đặt niềm tin, ân cần khuyên nhủ, nhẹ nhàng chỉ bảo “tuổi nhỏ làm việc nhỏ.
Tùy theo sức của mình”; biểu dương, khen ngợi kịp thời khi các cháu đạt thành tích xuất
sắc, một hình thức giáo dục nêu gương, một cách nhân điển hình hiệu quả nhất. Bác
chăm lo, dạy dỗ các cháu từ việc nhỏ đến việc lớn “Các cháu phải chăm ngoan, ở nhà
phải nghe lời bố mẹ, đi học phải siêng năng, đối với thầy phải kính trọng, lễ phép, đối với
bạn phải đoàn kết thương yêu giúp đỡ lẫn nhau”, “Giữ kỷ luật, chớ tự do phóng túng vì tự
do phóng túng là không tốt”, “phải biết gắng, gắng giúp đỡ thương binh và gia đình các
chiến sĩ”, “phải yêu Tổ quốc, yêu đồng bào, yêu lao động”, “phải thật thà, dũng cảm”, “việc
gì có ích cho kháng chiến, có ích cho Tổ quốc thì các cháu nên gắng sức làm. Tuổi các
cháu còn nhỏ. Nhiều công việc nhỏ cộng lại thành công việc to”, “Mong các cháu mai sau
lớn lên thành những người dân xứng đáng với nước độc lập, tự do” (2)…
Năm điều Bác dạy khắc cốt, ghi tâm

Sau này, Bác kết lại thành thơ “Mong các cháu cố gắng / Thi đua học và hành / Tuổi nhỏ
làm việc nhỏ / Tuỳ theo sức của mình / Đi tham gia kháng chiến / Để gìn giữ hòa bình /
Các cháu hãy xứng đáng / Cháu Bác Hồ Chí Minh” (Thư Trung Thu – 1952). Những bức
thư, những bài thơ Bác gửi cho các cháu đều có những yêu cầu cụ thể, phù hợp với yêu
cầu cách mạng, gắn chặt với tình hình đất nước, đúng với hoàn cảnh, việc làm, tâm lý lứa
tuổi của các cháu, nội dung giáo dục rất sâu mà lại dễ hiểu, thuộc ngay, làm ngay được.
Vào những năm 1960, 1961, xuất phát từ tình hình mới và trên cơ sở tổng kết các điều đã
dạy, đã khuyên, Bác đúc kết thành năm điều: “Yêu Tổ quốc, yêu đồng bào. Học tập tốt,
lao động tốt. Đoàn kết tốt, kỷ luật tốt. Giữ gìn vệ sinh thật tốt. Khiêm tốn, thật thà, dũng
cảm”. Năm điều Bác Hồ dạy đã trở thành tiêu chuẩn đạo đức của trẻ em Việt Nam phấn
đấu, tu dưỡng, rèn luyện để trở thành cháu ngoan Bác Hồ.
Những lời dạy bảo, những bức thư, những bài thơ của Bác không chỉ có tác dụng đối với
các cháu mà còn giúp cho các nhà giáo dục trẻ em rút ra được phương pháp giáo dục thế
nào để đem lại kết quả tốt nhất. Bác nói: “Giáo dục thiếu nhi là một vấn đề khoa học”, Bác
khuyên người lớn và các nhà giáo dục trẻ em phải nắm được tâm lý trẻ em, những điều
cần dạy và cách dạy trẻ em “cách dạy phải nhẹ nhàng, đừng dạy các em trở thành những
ông cụ non. Đối với trẻ em phải giáo dục như thế nào cho các cháu biết đoàn kết, ham
học, ham làm, nhưng phải làm sao cho trẻ có kỷ luật nhưng vẫn vui vẻ hoạt bát chứ không
phải khúm núm đặt đâu ngồi đấy”.
Bác đặc biệt nhấn mạnh, điều quan trọng nhất là người giáo dục trẻ em phải là tấm gương
sáng cho các em noi theo: “Trẻ em hay bắt chước cho nên thầy giáo, cán bộ phụ trách
phải gương mẫu, từ lời nói đến việc làm. Dạy các cháu thì nói với các cháu chỉ một phần,
cái chính là phải cho các cháu nhìn thấy, cho nên những tấm gương thực tế là rất quan
trọng. Muốn dạy cho trẻ em thành người tốt thì trước hết các cô, các chú phải là người
tốt”. Bác chỉ thị công việc giáo dục trẻ em là công việc không phải chỉ một số người trực
tiếp giáo dục trẻ em mà phải là công việc của toàn Đảng, toàn dân, toàn xã hội.
Bác dạy: “Vì lợi ích mười năm thì phải trồng cây, vì lợi ích trăm năm thì phải trồng người”.
Bác thực sự gương mẫu thực hiện hai lợi ích trồng cây và trồng người. Mỗi khi các cháu
đạt thành tích xuất sắc, dù bận trăm công nghìn việc của cách mạng, của Đảng, của Nhà
nước, Bác vẫn không quên biểu dương, khen ngợi các cháu kịp thời. Bác tặng vở học cho

cháu Nông Thị Trưng, một cháu bé dân tộc thiểu số chăm học, chăm làm, Bác lại còn có
thơ nữa: “Vở này ta tặng cháu yêu ta / Tỏ chút lòng yêu cháu gọi là / Mong cháu ra công
mà học tập / Mai sau cháu giúp nước non nhà”. Bác mong muốn các cháu trước nhất là
học tập tốt. Hầu như thư nào Bác cũng nhắc điều này “Mong các cháu cố gắng / Thi đua
học và hành”, “Thi đua học hành / Tiến bộ mau lẹ”.
Trong một bài thơ viết năm 1946, Bác mong “Bác mong các cháu “cho ngoan” / Mai sau
gìn giữ giang san Lạc Hồng / Sao cho nổi tiếng tiên rồng / Sao cho tỏ mặt nhi đồng Việt
Nam”. Để giáo dục và khích lệ các cháu, Bác thường nêu những tấm gương điển hình của
thiếu nhi trong lịch sử và trong đời sống cụ thể hàng ngày. Bác nêu gương cậu bé Làng
Gióng, nêu gương anh hùng trẻ tuổi Trần Quốc Toản (Lịch sử nước ta). Bác gửi lời khen
bằng thơ đến cháu Phạm Đỗ Hải, một liên lạc viên bị giặc bắt đã dùng mưu trốn thoát, lại
còn tuyên truyền, dụ được hai lính Tây ra hàng, Bác khen cháu Lê Văn Trực dũng cảm
một mình bắt sống được giặc (tặng hai cháu liên lạc trong bộ đội quân khu II).
Bác khen cháu “Nguyễn Thị Tứ, 13 tuổi, cõng bạn đi học suốt ba năm. Cháu Đặng Văn
Kiên, 7 tuổi, đã cứu hai bạn khỏi chết đuối. Cháu Nguyễn Trọng Thể, 6 tuổi, nhiều lần nhặt
được của rơi trả lại…” (Bài nói tại lễ kỷ niệm lần thứ 35 Ngày thành lập Đoàn Thanh niên
Lao động Việt Nam, 25.3.1966). Trước ngày đi xa, Bác còn kịp viết thư khen ngợi, động
viên các cháu thiếu nhi Hợp tác xã Măng non, thôn Phú Mẫm, huyện Yên Phong, tỉnh Hà
Bắc về thành tích đóng góp cho hợp tác xã: “Bác rất vui lòng biết các cháu vừa học tập
tốt, vừa tham gia sản xuất tốt… như thế là rất tốt. Các cháu tuy tuổi còn nhỏ, cũng có thể
làm những việc ích nước, lợi dân. Các cháu là những người chủ tương lai của nước nhà,
của Hợp tác xã”.
Từ những bức thư, bài thơ của Bác gửi cho thiếu nhi, cho chúng ta thấy một điều hết sức
lớn lao, Bác Hồ với một tình thương yêu bao la, một tầm nhìn sâu rộng, là người đầu tiên
phát hiện và chỉ ra vai trò của thiếu nhi trong sự nghiệp cứu nước và xây dựng đất nước
và cũng là lần đầu tiên khẳng định thiếu nhi là lực lượng cách mạng trong công cuộc giải
phóng đất nước, bảo vệ và xây dựng Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Từ ngày Bác đi xa, lớp trước tiếp lớp sau, lớp này qua lớp khác, các cháu thiếu nhi tiếp
tục phấn đấu theo Năm điều Bác Hồ dạy, noi theo tấm gương oanh liệt, anh hùng Kim
Đồng, Vừ A Dính, Lê Văn Tám, Nguyễn Bá Ngọc…, hàng triệu các cháu trong phong trào

nghìn việc tốt đã đạt danh hiệu cháu ngoan Bác Hồ, các cháu rất xứng đáng cháu Bác Hồ
Chí Minh như Bác hằng mong muốn. Ở Việt Nam cặp từ Bác – cháu, Bác Hồ – thiếu nhi đi
liền nhau, trở thành một cặp từ song hành. Sẽ còn mãi mãi tình thương yêu của Bác Hồ
với thiếu nhi: Ai yêu các nhi đồng / Bằng Bác Hồ Chí Minh. Và, mãi mãi vang lên như một
lời bài hát thiếu nhi Việt Nam kính yêu Bác Hồ: “Ai yêu Bác Hồ Chí Minh / Hơn chúng em
nhi đồng / Ai yêu Bác Hồ Chí Minh / Hơn thiếu nhi Việt Nam”...
Theo Lê Xuân Đức - website Đảng Cộng sản Việt Nam

×