Tải bản đầy đủ (.doc) (19 trang)

Tiểu luận QLNN chuyên viên chính

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (144.95 KB, 19 trang )

MỞ ĐẦU
Bảo hiểm xã hội (BHXH) là một trong những chính sách thuộc hệ thống an
sinh xã hội, mang tính nhân văn sâu sắc, bởi đối tượng hướng đến là con người. Bất
kỳ một quốc gia nào, với trình độ phát triển khác nhau cũng đều có chính sách này.
Ở nước ta, ngay từ khi thành lập Bác Hồ, Đảng ta đã có sự quan tâm cao và
những bước đi cụ thể về thực hiện chính sách BHXH. Trong các văn kiện của Đảng
và Hiến pháp qua các thời kỳ đều ghi nhận và nói lên tầm quan trọng, sự quyết tâm
thực hiện chính sách. Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI một lần nữa
khẳng định “Phát triển hệ thống an sinh xã hội đa dạng, ngày càng mở rộng và hiệu
quả. Phát triển mạnh hệ thống bảo hiểm như bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp,
bảo hiểm tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp... khuyến khích và tạo điều kiện
thuận lợi để người lao động tiếp cận và tham gia các loại hình bảo hiểm. Thực hiện
tốt các chính sách ưu đãi và không ngừng nâng cao mức sống đối với người có
công”.
Để thực hiện, Nhà nước ta đã ban hành những văn bản quy phạm pháp luật
về BHXH. Mỗi thời kỳ có những chính sách nhất định và có sự bổ sung, điều chỉnh
cho phù hợp với từng giai đoạn phát triển của đất nước. Cụ thể như sau:
Giai đoạn trước năm 1945: ở Việt Nam chưa có pháp luật về BHXH. Vì lúc
này đất nước đang bị thực dân pháp đô hộ. Nhưng với truyền thống của người Việt
Nam, luôn có sự cưu mang, chở che với nhau của họ hàng, thân tộc, làng xóm khi
không may gặp rủi ro hoạn nạn. (hình thức BHXH sơ khai).
Giai đoạn từ năm 1945 đến năm 1954: Cách mạng tháng 8/1945 thành công,
nước Việt Nam dân chủ cộng hoà ra đời. Tháng 12/1946 Quốc hội thông qua Hiến
pháp đầu tiên có xác định Quyền được trợ cấp của người tàn tật và người già.
Ngày 12/3/1947 Chủ tịch Hồ Chí Minh ký sắc lệnh số 29/SL quy định chế độ trợ
cấp cho công nhân chủ yếu là chế độ ốm đau - tai nạn. Ngày 20/5/1950 Hồ Chủ
tịch ký 2 sắc lệnh số 76/SL và 77/SL quy định thực hiện các chế độ ốm đau, thai
sản, tai nạn lao động, hưu trí cho cán bộ, công chức, viên chức (Hưu trí = 15kg
gạo/tháng).
Đặc điểm chính sách BHXH thời kỳ này do trong hoàn cảnh kháng chiến
gian khổ, nên việc thực hiện rất hạn chế. Song, đây là thời kỳ đánh dấu sự quan tâm


rất lớn của Đảng và Nhà nước về chính sách BHXH, những quy định về BHXH ở
giai đoạn này cũng là cơ sở cho sự phát triển BHXH sau này.

Người thực hiện: Nguyễn Thành Nam

Trang 1


Giai đoạn từ năm 1954 đến năm 1975: Giai đoạn này Miền Nam đang
kháng chiến chống Mỹ, Miền Bắc được giải phóng, xây dựng chủ nghĩa xã hội nên
pháp luật về BHXH được phát triển. Cụ thể là: Hiến pháp năm 1958 quy định
"Công nhân viên chức Nhà nước được BHXH". Sau đó, vào ngày 27/12/1961
Chính phủ ra Nghị định 218-CP ban hành Điều lệ tạm thời BHXH đối với
công nhân viên chức nhà nước (Nghị định này có hiệu lực thi hành đến năm
1995- trên 30 năm). Đây có thể coi là văn bản gốc về BHXH ở nước ta, quy định
đối tượng BHXH là cán bộ, công chức, viên chức (CCVC) Nhà nước, 6 chế độ
BHXH là: ốm đau, thai sản, tai nạn lao động - bệnh nghề nghiệp, Mất sức lao động,
Hưu trí, tử tuất; quỹ BHXH nằm trong ngân sách nhà nước.
Giai đoạn từ năm 1975 đến năm 1995: Đất nước hoàn toàn độc lập, thống
nhất. Chính sách BHXH được thực hiện thống nhất trong cả nước. Có nhiều lần sửa
đổi, bổ sung cho phù hợp với sự phát triển của nền kinh tế xã hội. Nhưng sau khi
chuyển từ nền kinh tế tập trung quan liêu bao cấp sang nền kinh tế thị trường định
huớng Xã hội Chủ nghĩa thì chính sách BHXH ngày càng bất cập, cần sửa đổi bổ
sung.
Giai đoạn từ năm 1995 đến năm 2006: Với sự quan tâm cao độ về chính
sách BHXH, Bộ luật Lao động được Quốc Hội thông qua ngày 23/6/1994, có
hiệu lực từ ngày 01/01/1995, trong đó chương 12 quy định về BHXH. Chính phủ
ban hành Nghị định 12/CP ngày 26/01/1995 kèm theo điều lệ BHXH. Nghị định
45/CP ngày 15/7/1995 về điều lệ BHXH đối với sĩ quan, quân nhân chuyên
nghiệp, hạ sĩ quan, binh sĩ quân đội nhân dân và Công an nhân dân. Tiếp theo

đó, ngày 16/02/1995 Chính phủ đã ban hành Nghị định số 19/CP về việc thành lập
Bảo hiểm xã hội Việt Nam. Đây là cơ quan trực Chính phủ trên cơ sở thống nhất
các tổ chức bảo hiểm xã hội hiện nay ở trung ương và địa phương thuộc hệ thống
Lao động - Thương binh và Xã hội và Tổng Liên Đoàn lao động Việt Nam để giúp
Thủ Tướng Chính phủ chỉ đạo công tác quản lý quỹ bảo hiểm xã hội và thực hiện
các chế độ, chính sách bảo hiểm xã hội theo pháp luật của nhà nước. Tuy nhiên đối
tượng được tham gia BHXH theo các quy định này còn hạn chế (từ 10 lao động trở
lên trong các doanh nghiệp tư nhân). Ngày 09/01/2003 Chính phủ đã ban hành
Nghị định 01/2003/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Điều lệ BHXH và
nhiều văn bản khác hướng dẫn thực hiện các Nghị định trên.
Giai đọan này, BHXH mở rộng đối tượng, quỹ BHXH độc lập với ngân sách
Nhà nước và có sự hỗ trợ của Nhà nước. Thành lập cơ quan chuyên trách để quản


lý quỹ và giải quyết các chế độ trợ cấp BHXH. Có thể đánh giá điều lệ BHXH năm
1995 là cơ sở để xây dựng luật BHXH hiện nay.
Giai đoạn từ năm 2007 đến nay: Chính sách BHXH đã được cụ thể hóa
thành Luật BHXH. Luật BHXH được Quốc hội khóa XI thông qua tại kỳ họp thứ 9
ngày 29/06/2006, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2007. Giai đoạn này hoạt động
của chính sách BHXH đã mở rộng, bao gồm: BHXH bắt buộc, BHXH tự nguyện và
bảo hiểm thất nghiệp. Kết quả ấy đã minh chứng cho sự quan tâm to lớn của Đảng
và Nhà nước đối với chính sách BHXH. Đồng thời cũng nói lên vai trò to lớn của
chính sách này trong đời sống xã hội, quá trình phát triển kinh tế - xã hội của đất
nước.
Cùng với sự phát triển về chính sách thì cơ cấu tổ chức của Ngành BHXH
cũng có sự phát triển phù hợp, đảm bảo đầy đủ chức năng, quyền hạn khi thực thi
chính sách. Năm 2003 trên cơ sở Quyết định số 20/2002/QĐ-TTg của thủ tướng
Chính phủ về việc chuyển Bảo hiểm y tế Việt Nam sang BHXH Việt Nam, chính
phủ đã ban hành Nghị định số 100/2002/NĐ-CP quy định chức năng, nhiệm vụ,
quyền hạn, cơ cấu tổ chức của BHXH Việt Nam. Từ đây chức năng, nhiệm vụ của

ngành đã mở rộng, cơ cấu tổ chức, cơ sở vật chất được tăng cường.
Mặc dầu chính sách BHXH đã ra đời từ rất sớm, nhưng kể từ khi thành lập
Ngành Bảo hiểm xã hội, việc quy định tỷ lệ nộp, tiền lương làm căn cứ trích nộp
BHXH được quy định rõ ràng. Quá trình đóng BHXH được ghi nhận cụ thể trong
sổ BHXH. Đối với khoản thời gian công tác trước đó (trước năm 1995 đối với cán
bộ, công nhân viên chức làm việc trong các cơ quan Đảng, đơn vị hành chính từ
cấp huyện trở lên, ...và trước năm 1998 đối với cán bộ, công chức cấp xã) được tính
trên cơ sở quá trình công tác thực tế của người lao động. Chính vì thời điểm xét
khác nhau, đối tượng điều chỉnh khác nhau như trên nên đã xảy ra tình trạng có
nhiều người cùng có quá trình công tác như nhau, đảm nhiệm chức vụ như
nhau ở đơn vị hành chính cấp xã nhưng thời điểm chuyển thành cán bộ viên
chức cấp huyện trở lên khác nhau dẫn đến việc tính thời gian công tác trước
đó là thời gian có đóng BHXH để giải quyết chế độ BHXH khác nhau. Trường
hợp sau đây là một minh chứng.
Đây là một sự việc mới phát sinh, chưa có dư luận nóng về vấn đề này trên các
phương tiện thông tin đại chúng. Tuy nhiên nó có phạm vi ảnh hưởng toàn quốc,
đối tượng nhiều và có ý nghĩa hết sức quan trọng trong quá trình thực thi chính
sách BHXH và là vấn đề đáng để chúng ta nghiên cứu, xem xét.


I. NỘI DUNG TÌNH HUỐNG
1/ Hoàn cảnh xuất hiện tình huống
Ngày 15/06/2010 Chính phủ đã bàn hành Nghị định số 67/2010/NĐ-CP về chế
độ, chính sách đối với cán bộ không đủ tuổi tái cử, tái bổ nhiệm giữ các chức vụ,
chức danh theo nhiệm kỳ trong cơ quan của Đảng Cộng Sản Việt Nam, Nhà nước,
Tổ chức chính trị - xã hội. Theo quy định thì cán bộ công chức lãnh đạo có tuổi đời
trên 55 tuổi đối với nam và 50 tuổi đối với nữ, khi hết nhiệm kỳ mà tuổi đời không
đủ giữ một nhiệm kỳ nữa, có đơn tự nguyện giải quyết chế độ thì ngoài việc hưởng
chế độ hưu trí theo quy định của Luật BHXH còn được hưởng quyền lợi sau: không
bị trừ % do nghỉ trước tuổi theo Luật BHXH; mỗi năm nghỉ trước tuổi (60 đối với

nam và 55 đối với nữ) được trợ cấp 03 tháng tiền lương, tiền công; trợ cấp 05 tháng
cho 20 năm đầu đóng BHXH, từ năm thứ 21 trở lên cứ mỗi năm đóng BHXH được
trợ cấp nữa tháng tiền lương, tiền công (nguồn kinh phí tính từ Ngân sách nhà nước
do đơn vị đảm bảo).
Vào tháng 08/2012 trên địa bàn huyện Phước Tiên có hai cán bộ thuộc Huyện
ủy hết nhiệm kỳ bổ nhiệm chức vụ quản lý. Đó là ông Đào Minh Chính, Phó ban
Tuyên giáo và ông Đoàn Dân Công, Phó ban Dân vận huyện ủy. Hai ông cùng sinh
năm 1956, có cùng quá trình công tác liên tục từ cấp xã rồi đến cán bộ huyện. Tuy
nhiên thời gian được chuyển về huyện là khác nhau, ông Chính chuyển về huyện từ
tháng 02/1991 còn ông Công được chuyển về huyện tháng 09/2007. Chính vì vậy
hai ông đã tự tính toán mức tiền được trợ cấp khi nghỉ việc theo Nghị định số
67/2010/NĐ-CP để đưa ra quyết định có nên tự nguyện nghỉ hưởng chế độ hay
không. Khi tính mức trợ cấp do đơn vị chi trả theo quy định trên thì số tiền của hai
ông khác nhau. Thấy vậy, hai ông tự đối chiếu lại quá trình công tác của nhau và
phát hiện ra rằng: Ngoài việc mức lương hiện hưởng khác nhau thì số tiền trợ cấp
khác đó còn do hai ông có thời gian công tác có đóng BHXH khác nhau. Mặc dầu
hai ông có quá trình công tác ở cấp xã cùng nhiệm kỳ, cùng chức danh (nhưng khác
xã) với nhau từ tháng 06/1983 liên tục cho đến bây giờ. Tính đến tháng 06/2012
ông Công có thời gian công tác là 29 năm 01 tháng còn ông Chính có thời gian
công tác là 25 năm 02 tháng, ít hơn hơn ông Công là 03 năm 11 tháng. Đó là thời
gian từ tháng 06/1983 đến tháng 04/1987 hai ông đều giữ chức vụ là Bí thư Đoàn
Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh, Ông Đào Minh Chính giữ chức vụ Bí Thư đoàn
Thanh niên Cộng sản HCM xã Phước Cảnh, còn Ông Đoàn Dân Công giữ chức vụ
Bí Thư đoàn Thanh niên Cộng sản HCM xã Phước Hà. Ông Công được tính là thời
gian công tác có đóng BHXH còn ông Chỉnh không được tính.


Chính vì vậy ông Chính đã làm đơn gửi đến BHXH huyện nơi đang quản lý
quá trình tham gia BHXH của ông (cùng bản sao sổ BHXH của hai ông Đào Minh
Chính và Đoàn Dân Công để có sở sở chứng minh cho nội dung ông trình bày) yêu

cầu được xem xét cách tính thời gian công tác của mình để tránh thiệt thòi về quyền
lợi được hưởng. Cũng nói thêm rằng, việc tính và xác nhận thời gian công tác này
đã diễn ra rất lâu (Tháng 10/1996 đối với ông Chính và tháng 12/1999 đối với ông
Công - sẽ đề cập rõ hơn ở phần tiếp theo) nên các ông không còn nhớ quy định và
cách tính.
Đây là vấn đề chúng ta cần quan tâm: Cùng một chức danh, cùng một vị trí
công tác nhưng một người được tính, một người không được tính là thời gian
công tác có đóng BHXH để giải quyết chế độ BHXH. Điều này dẫn đến mức
hưởng của hai người khác nhau, mẫu thuẫn với nguyên tắc của chính sách BHXH
là công bằng trong mức đóng và mức hưởng.
2/ Mô tả tình huống
- Đối với ông Đào Minh Chính, hiện là Phó ban tuyên giáo huyện ủy.
Ông sinh ngày 26/10/1956, tính đến tháng 06/2012 ông có tuổi đời là 55 tuổi
09 tháng và vào tháng 09/2012 ông hết nhiệm kỳ bổ nhiệm lại chức vụ Phó ban
tuyên giáo nên ông xem xét sẽ làm đơn đề nghị giải quyết chế độ theo Nghị định
67/2010/NĐ-CP. Quá trình công tác của ông được tóm tắt như sau: Sau khi đất
nước giải phóng, Ông tham gia một số vị trí công tác ở địa phương. Từ tháng
06/1983 Ông được bầu giữ chức vụ Bí thư Đoàn Thanh niên Cộng Sản Hồ Chí
Minh xã Phước Cảnh. Đến tháng 05/1987 Ông được bầu giữ chức vụ Phó chủ tịch
UBND xã nhiệm kỳ 1987-1991. Tháng 02/1991 ông được điều động về Huyện ủy
và công tác tại Ban Dân Vận huyện ủy. Thời gian từ đó đến nay ông kinh qua nhiều
vị trí công tác ở Huyện ủy như cán bộ ban Dân vận, Phó ban dân vận, phó ban Tổ
chức và hiện nay là Phó Ban Tuyên giáo.


Năm 1995, Ngành BHXH ra đời và đi vào hoạt động, tháng 10/1996 triển khai
cấp sổ BHXH để theo dõi quá trình công tác có đóng BHXH theo Quyết định số
1443/LĐ-TBXH ngày 09/10/1995 của Bộ Lao động - TB&XH, quá trình công tác
của ông được tính từ tháng 05/1987. Cụ thể: Tại điểm a, mục 15, Phần II thông tư
số 13/NV ngày 04/9/1972 hướng dẫn và quy định cụ thể về việc tính thời gian công

tác của công nhân, viên chức nhà nước quy định “Công nhân, viên chức có thời
gian giữ những chức vụ Chủ tịch, Phó Chủ tịch, Uỷ viên thư ký hay Uỷ viên thường
trực Uỷ ban hành chính xã, Bí thư, Phó Bí thư, Thường vụ Đảng uỷ xã, Đảng uỷ
viên thường trực (Bí thư, Phó Bí thư, Thường vụ chi uỷ xã, Chi uỷ viên thường trực
phụ trách văn phòng Chi bộ xã ở những xã chưa tổ chức thành Đảng uỷ), xã đội
trưởng, xã đội phó, chính trị viên xã đội, chính trị viên phó xã đội (nếu có) tuy
không thoát ly kinh tế gia đình nhưng đã thực sự công tác, tiếp theo đó được điều
động lên làm việc ở cơ quan, xí nghiệp Nhà nước hay vào bộ đội, thì thời gian giữ
các chức vụ trên được tính là thời gian công tác liên tục”. Như vậy thời gian từ
tháng 06/1983 đến 04/1987 Ông giữ chức vụ Bí thư đoàn TNCS Hồ Chí Minh,
không phải là chức danh chủ chốt nên không được tính. Sổ BHXH đã được ghi và
xác định (Sau đây gọi là đối tượng cấp sổ theo Nghị định số 12/CP). Tính đến tháng
06/2012 ông có 25 năm 02 tháng đóng BHXH.
- Đối với ông Đoàn Dân Công, hiện là phó Ban dân vận huyện ủy.
Ông sinh ngày 15/08/1956, cùng thời với ông Chính, song ở xã Phước Hà.
Cũng vào tháng 09/2012 Ông hết nhiệm kỳ giữ chức vụ trên và Ông cũng có
nguyện vọng nghỉ trước tuổi. Quá trình công tác của Ông được tóm tắt như sau:
Sau khi giải phóng Ông tham gia công tác ở xã, trong đó có giữ chức vụ Phó bí thư
Đoàn xã đến tháng 05/1983. Tháng 06/1983 ông được bầu giữ chức vụ Bí Thư
Đoàn TNCS Hồ Chí Minh. Từ đó đến tháng 08/2007 Ông công tác liên tục ở xã và
kinh qua các chức vụ: Phó chủ tịch UBND, Chủ tịch UBND. Tháng 09/2007 Ông
được điều động về Huyện ủy và giữ chức vụ Phó Ban dân vận huyện ủy cho đến
nay.
Năm 1998, thực hiện chế độ BHXH đối với cán bộ cấp xã theo Nghị định số
09/1998/NĐ-CP. Tháng 12/1999 thực hiện cấp sổ BHXH cho cán bộ xã để theo dõi
quá trình công tác có đóng BHXH thì thời gian công tác của Ông được tính là thời
gian công tác có đóng BHXH từ tháng 06/1983. (Quy định tại khoản 1, phần III,
Thông tư số 99/1998/TTLT-TTCP-BTC-BLĐTB&XH ngày 19/5/1998 hướng dẫn
thi hành Nghị định số 09/1998/NĐ-CP của Chính phủ sửa đổi, bổ sung Nghị định
50/CP ngày 26/07/1995 của chính phủ về chế độ sinh hoạt phí đối với cán bộ xã,

phường, thị trấn). Và Ông được cấp sổ BHXH theo quy định (sau đây gọi là đối


tượng cấp sổ theo Nghị định 09/1998/NĐ-CP). Tính đến tháng 06/2012 ông có 29
năm 01 tháng đóng BHXH.
II. PHÂN TÍCH TÌNH HUỐNG
1/ Mục tiêu phân tích tình huống
Chính sách BHXH là một trong những chính sách an sinh xã hội quan trọng
của bất kỳ một quốc gia nào. Một chính sách đúng, phù hợp với thực tế của xã hội
sẽ là động lực thúc đẩy xã hội phát triển. Và ngược lại chính sách đó sẽ không
những kìm hãm sự phát triển mà còn có nguy cơ gây ra bất đồng. Bởi suy cho cùng,
chính sách xã hội đều nhằm mục đích phục vụ con người. Một khi quyền lợi hưởng
không công bằng giữa hai hay nhiều người với nhau do chính sách quy định sẽ dẫn
đến đối tượng không hài lòng, kiện tụng xảy ra.
Trong quá trình xây dựng và phát triển Đảng và Nhà nước ta đã có nhiều biện
pháp thực hiện chính sách này nhằm ổn định và phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo
an ninh - quốc phòng. Mỗi thời kỳ có yêu cầu quản lý khác nhau, quy định khác
nhau nhưng đều hướng đến mục tiêu là công bằng, phù hợp giữa quyền lợi được
hưởng và trách nhiệm thực hiện. Có như vậy chính sách mới đem lại hiệu quả,
góp phần công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước vì sự nghiệp dân giàu, nước
mạnh, xã hội công bằng, văn minh
2/ Cơ sở lý luận
a/ Các quan điểm về việc xây dựng và thực hiện chính sách xã hội
Một chính sách xã hội đi vào thực tiển đời sống xã hội đem lại hiệu quả thì
chính sách đó phải được xem xét và xây dựng dựa trên các quan điểm:
Quan điểm về tính nhân văn: Xét đến cùng, chính sách xã hội nhằm mục đích
phục vụ con người. Vậy quan điểm nhân văn là sợi chỉ đỏ xuyên suốt các chính
sách xã hội. Đất nước Việt Nam chúng ta bao đời qua đã cho thấy nhân dân ta có sự
đoàn kết, tương thân, tương ái giúp đỡ nhau cùng phát triển. Và truyền thống đó đã
được Đảng, Bác Hồ và nhân dân ta lưu truyền và kính trọng, là cơ sở trong việc

hoạch định chính sách.
Quan điểm gắn lý luận với thực tiển : Việc đề ra một chính sách phải xuất phát
từ thực tế. Chính sách là sự phản ánh sự việc, hiện tượng khách quan. Có như vậy
chính sách mới phù hợp được và đem lại hiệu quả cao.
Quan điểm lịch sử : Việc xây dựng một chính sách phải tôn trọng quy luật
khách quan. Mỗi một sự việc, hiện tượng không tự nhiên mà có, nó sinh ra từ sự
việc, hiện tượng trước phát triển thành (lượng đổi, chất đổi). Chính vì vậy khi đề ra
một chính sách phải xem xét một cách toàn diện.


Quan điểm phát triển : Mọi sự việc, hiện tượng luôn luôn vận động, luôn luôn
phát triển. Việc hoạch định một chính sách tốt còn thể hiện ở tài năng, trí tuệ và khả
năng dự đoán của nhà quản lý. Dự báo chính xác sẽ giúp chính sách đi vào cuộc
sống hài hòa, phù hợp với sự phát triển. Yêu cầu việc nghiên cứu, tiếp thu, học hỏi
những điều hay, điều tốt đẹp để vận dụng phù hợp với điều kiện hiện tại khi hoạch
định chính sách là một điều tất yếu.
Quan điểm hệ thống đồng bộ : Trong một xã hội có nhiều chính sách, lĩnh vực
khác nhau như: kinh tế, chính trị, văn hóa, môi trường, …. Các chính sách đó có
đối tượng, mục tiêu khác nhau nhưng có mối quan hệ mật thiết với nhau, hỗ trợ cho
nhau. Vì vậy khi hoạch định một chính sách không thể nghiên cứu độc lập mà phải
đặt trong mối quan hệ lợi ích chung của toàn xã hội.
b/ Các quy định về thực hiện các chế độ BHXH:
Trước khi thực hiện Luật Bảo hiểm xã hội, chính sách BHXH được điều
chỉnh bởi Nghị định số 12/CP ngày 26/01/1995 của Chính phủ. Trong đó có những
quy định như sau :
- Tại điều 2 quy định các chế độ bảo hiểm xã hội gồm: Chế độ trợ cấp ốm đau;
Chế độ trợ cấp thai sản; Chế độ trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; Chế độ
hưu trí; Chế độ tử tuất.
- Tại Điều 3 quy định các đối các đối tượng sau đây phải áp dụng các chế độ
bảo hiểm xã hội quy định tại điều lệ này:

+ Người lao động làm việc trong các doanh nghiệp nhà nước;
+ Người lao động làm việc trong các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh
tế ngoài quốc doanh có sử dụng từ 10 lao động trở lên;
+ Người lao động Việt Nam làm việc trong các doanh nghiệp có vốn đầu tư
nước ngoài, khu chế xuất, khu công nghiệp; trong các cơ quan, tổ chức nước ngoài
hoặc tổ chức quốc tế tại việt nam, trừ trường hợp điều ước quốc tế mà nước Cộng
hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam ký kết hoặc tham gia có quy định khác;
+ Người lao động làm việc trong các tổ chức kinh doanh dịch vụ thuộc cơ
quan hành chính, sự nghiệp, cơ quan đảng, đoàn thể;
+ Người lao động làm việc trong các doanh nghiệp, các tổ chức dịch vụ thuộc
lực lượng vũ trang;
+ Người giữ chức vụ dân cử, bầu cử làm việc trong các cơ quan quản lý nhà
nước, đảng, đoàn thể từ trung ương đến cấp huyện;


+ Công chức, viên chức nhà nước làm việc trong các cơ quan hành chính sự
nghiệp; người làm việc trong các cơ quan đảng, đoàn thể từ trung ương đến cấp
huyện;
Các đối tượng trên đi học, thực tập, công tác điều dưỡng trong và ngoài nước
mà vẫn hưởng tiền lương hoặc tiền công thì cũng thuộc đối tượng thực hiện bảo
hiểm xã hội bắt buộc. Các đối tượng quy định trên gọi chung là người lao động.
- Tại Điều 36 quy định quỹ bảo hiểm xã hội được hình thành từ các nguồn sau
đây:
+ Người sử dụng lao động đóng bằng 15% so với tổng quỹ tiền lương của
những người tham gia bảo hiểm xã hội trong đơn vị; trong đó 10% để chi các chế
độ hưu trí, tử tuất và 5% để chi các chế độ ốm đau, thai sản, tai nạn lao động, bệnh
nghề nghiệp.
+ Người lao động đóng bằng 5% tiền lương tháng để chi các chế độ hưu trí và
tử tuất.
+ Nhà nước đóng và hỗ trợ thêm để bảo đảm thực hiện các chế độ bảo hiểm xã

hội đối với người lao động.
+ Các nguồn các.
Từ các quy định trên chúng ta thấy rằng cán bộ công tác ở xã, phường, thị trấn
(sau đây gọi chung là cấp xã) không thuộc đối tượng điều chỉnh, họ không được
hưởng chế độ về BHXH. Ngày 23/01/1998 Chính phủ đã ban hành Nghị định số
09/1998/NĐ-CP về việc sửa đổi, bổ sung Nghị định 50/CP ngày 26/07/1995 của
Chính phủ về chế độ sinh hoạt phí đối với cán bộ xã, phường, thị trấn. Từ đây chính
sách BHXH mới được thực hiện đối với cán bộ cấp xã, tuy nhiên chế độ được
hưởng, mức đóng khác nhau. Cụ thể tại mục III, Thông tư số 99/1998/TTLT-TCCPBTC-BLĐTB&XH ngày 19/5/1998 hướng dẫn thi hành nghị định số 09/1998/NĐCP ngày 23/01/1998 của Chính phủ quy định :
- Cán bộ xã được hưởng trợ cấp hằng tháng khi có đủ hai điều kiện : Thời gian
công tác và đóng bảo hiểm xã hội đủ 15 năm (180 tháng) trở lên ; khi nghỉ việc
nam đủ 55 tuổi, nữ đủ 50 tuổi.
- Mức đóng bảo hiểm xã hội hàng tháng bằng 15% mức sinh hoạt phí hàng
tháng; trong đó cán bộ xã đóng bằng 5% mức sinh hoạt phí đang hưởng và ngân
sách nhà nước đóng 10% tổng quỹ sinh hoạt phí của những người đóng bảo hiểm
xã hội của mỗi xã.
- Mức hưởng : Người có đủ 15 năm đóng bảo hiểm xã hội được hưởng bằng
45% mức sinh hoạt phí bình quân của 5 năm cuối kể cả phụ cấp tái cử 5% (nếu có).


sau đó cứ thêm 1 năm đóng bảo hiểm xã hội được tính thêm 2% nhưng mức hưởng
trợ cấp hàng tháng cao nhất không quá 75% mức sinh hoạt phí bình quân 5 năm
cuối trước khi nghỉ việc.
- Cán bộ xã có thời gian công tác liên tục từ 15 năm trở lên chưa đóng bảo
hiểm xã hội, hoặc mới đóng bảo hiểm xã hội từ tháng 1 năm 1998 trở đi, khi
nghỉ việc nam đủ 55 tuổi, nữ đủ 50 tuổi dược hưởng trở cấp hàng tháng như trường
hợp trên đây. Cán bộ cấp xã đã có quyết định nghỉ trợ cấp một lần theo Nghị định
số 50/CP không giải quyết theo nghị định số 09/1998/NĐ-CP.
- Đối tượng hưởng trợ cấp một lần: Cán bộ xã không đủ điều kiện hưởng trợ
cấp hàng tháng thì được hưởng trợ cấp một lần. Cứ mỗi năm đóng bảo hiểm xã hội

được hưởng một tháng sinh hoạt phí tính theo mức bình quân 5 năm cuối trước khi
nghỉ việc kể cả phụ cấp tái cử 5% (nếu có). Cán bộ xã đang công tác nhưng
trước ngày 01 tháng 01 năm 1998 chưa quy định đóng bảo hiểm xã hội, khi
nghỉ cũng được cộng số năm công tác để hưởng trợ cấp một lần.
- Trường hợp cán bộ xã khi nghỉ việc, đã có 15 năm đóng bảo hiểm xã hội liên
tục trở lên nhưng chưa đủ tuổi đời để hưởng trợ cấp hàng háng, mà không hưởng
trợ cấp một lần; phải có đơn tự nguyện chờ giải quyết chế độ phụ cấp hàng tháng,
có xác nhận của chủ tịch uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn, sau đó uỷ ban nhân
dân xã, phường, thị trấn lập đủ hồ sơ của cán bộ xin chờ gửi cơ quan bảo hiểm xã
hội địa phương quản lý, theo dõi và giải quyết chế độ trợ cấp hàng tháng khi đủ
điều kiện về tuổi đời. Trong thời gian chờ để được giải quyết chế độ, nếu được làm
việc tiếp thì thời gian cán bộ xã đã làm việc trước đó cộng với thời gian làm việc
sau đó để tỉnh hưởng bảo hiểm xã hội. Trong khi chờ hưởng chế độ bị chết, thì thân
nhân lo mai táng được nhận tiền mai táng phí do cơ quan bảo hiểm xã hội chi trả
theo quy
- Chế độ mai táng phí: Cán bộ xã đang công tác được hưởng sinh hoạt phí và
cán bộ xã đã nghỉ việc đang hưởng trợ cấp hàng tháng kể từ ngày 01/01/1998 khi
chết thì người lo mai táng được nhận tiền mai táng bằng 8 tháng tiền lương tối
thiểu.
Qua những quy định trên, chúng ta thấy rằng : Chính sách BHXH đối với cán
bộ cấp xã chỉ có trợ cấp hằng tháng (tương tự như chế độ hưu trí) và tử tuất. Tỷ lệ
đóng vào quỹ này cũng giống như người thực hiện theo Nghị định số 12/CP (đơn vị
đóng 10% và người lao động đóng 5%). Không có chế độ ốm đau, thai sản, tai nạn
lao động (đơn vị đóng 5% theo Nghị định số 12/CP).
Từ khi Luật Bảo hiểm xã hội có hiệu lực (từ ngày 01/01/2007) người tham gia
BHXH theo Nghị định 12/CP và Nghị định 09/1998/NĐ-CP thống nhất với nhau và
là đối tượng bắt buộc tham gia BHXH. Theo quy định thì tỷ lệ đóng vào các quỹ
(quỹ hưu trí, quỹ ốm đau, thai sản, quỹ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp) như
nhau; căn cứ, cách tính mức hưởng chế độ thống nhất với nhau. Đó là mức hưởng
căn cứ vào thời gian công tác có đóng BHXH và mức tiền lương, tiền công làm căn



cứ đóng BHXH; người tham gia được hưởng đầy đủ tất cả 5 chế độ theo Luật định:
Ốm đau, thai sản, tai nạn lao động - bệnh nghề nghiệp, hưu trí và tử tuất.
Và trong thực tế, người lao động thường xuyên có sự chuyển đổi vị trí công
tác: từ đơn vị này sang đơn vị khác, từ cấp xã lên cấp huyện và ngược lại. Chính vì
vậy yêu cầu đặt ra cho công tác quản lý là thống nhất về cách tính thời gian, mức
hưởng nhằm đảm bảo đúng nguyên tắc hoạt động của chính sách BHXH. Thực tế
việc thay đổi trên đã nãy sinh nhiều vấn đề vướng mắc cần phải được xem xét, giải
quyết. Trong số đó có việc điều chỉnh về thời gian công tác có đóng BHXH đối
với cán bộ có thời gian công tác ở cấp xã. Cụ thể ngày 22/10/2009 Chính phủ ban
hành Nghị định số 92/2009/NĐ-CP quy định về chức danh, số lượng, một số chế
độ, chính sách đối với cán bộ, công chức ở xã, phường, thị trấn và những người
hoạt động không chuyên trách ở cấp xã thay thế Nghị định số 121/2003/NĐ-CP. Tại
khoản 6, Điều 8 Thông tư số 03/2010/TTLT-BNV-BTC-BLĐTB&XH hướng dẫn
thực hiện Nghị định số 92/2009/NĐ-CP quy định : "Cán bộ cấp xã có thời gian
đảm nhiệm chức danh theo Nghị định số 09/1998/NĐ-CP, nếu công tác liên tục đến
ngày 01 tháng 01 năm 1998 và hưởng sinh hoạt phí theo Nghị định số
09/1998/NĐ-CP thì thời gian đảm nhiệm chức danh trước ngày 01 tháng 01 năm
1998 được tính là thời gian đã đóng bảo hiểm xã hội.
+ Trường hợp có thời gian công tác trong quân đội nhân dân, công an nhân
dân đã phục viên, xuất ngũ trước ngày 15 tháng 12 năm 1993 và không hưởng trợ
cấp nghỉ việc một lần theo quy định tại Quyết định số 290/2005/QĐ-TTg ngày 08
tháng 11 năm 2005; Quyết định số 92/2005/QĐ-TTg ngày 29 tháng 4 năm 2005 và
Quyết định số 142/2008/QĐ-TTg ngày 27 tháng 10 năm 2008 của Thủ tướng Chính
phủ thì được cộng nối thời gian công tác trong quân đội với thời gian giữ chức
danh theo Nghị định số 09/1998/NĐ-CP để tính hưởng bảo hiểm xã hội.
+ Trường hợp có thời gian là công nhân, viên chức Nhà nước chưa hưởng
trợ cấp nghỉ việc một lần hoặc bảo hiểm xã hội một lần, được điều động về xã giữ
chức danh theo Nghị định số 09/1998/NĐ-CP thì được cộng nối thời gian là công

nhân, viên chức Nhà nước với thời gian giữ chức danh theo Nghị định số
09/1998/NĐ-CP để tính hưởng bảo hiểm xã hội.
+ Đối với cán bộ cấp xã thuộc chức danh quy định tại Nghị định số
09/1998/NĐ-CP, nếu trước tháng 01 năm 1998 được cơ quan có thẩm quyền cử đi
học chuyên môn, chính trị, sau khi hoàn thành nhiệm vụ khóa học tiếp tục giữ chức
danh theo Nghị định số 09/1998/NĐ-CP thì thời gian đi học này được tính thời
gian công tác liên tục để tính hưởng bảo hiểm xã hội.


+ Đối với cán bộ cấp xã giữ chức danh theo Nghị định số 09/1998/NĐ-CP
có thời gian gián đoạn trước tháng 01/1998 không quá 12 tháng thì được cộng nối
thời gian công tác trước đó với thời gian công tác sau này để tính hưởng bảo hiểm
xã hội".
Tại khoản 3 Điều 16 Nghị định số 92/2009/NĐ-CP quy định "Cán bộ xã có
thời gian đóng bảo hiểm xã hội theo quy định tại Nghị định số 09/1998/NĐ-CP
ngày 23 tháng 01 năm 1998 của Chính phủ mà chưa hưởng trợ cấp một lần, thì
thời gian làm việc có đóng bảo hiểm xã hội được tính là thời gian để hưởng bảo
hiểm xã hội hoặc được cộng nối với thời gian tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện,
bảo hiểm xã hội bắt buộc để tính hưởng bảo hiểm xã hội theo quy định của Luật
Bảo hiểm xã hội. Đối với trường hợp cán bộ xã, phường, thị trấn đã được giải
quyết hưởng trợ cấp hàng tháng hoặc hưởng trợ cấp một lần trước ngày Nghị định
này có hiệu lực thì không áp dụng quy định tại Nghị định này để giải quyết lại".
Đây là sự điều chỉnh về thời gian công tác đối với cán bộ cấp xã theo Nghị
định số 09/1998/NĐ-CP sau khi đối tượng này được điều chỉnh chế độ BHXH theo
Luật BHXH.
3/ Phân tích diễn biến tình huống
Xuất phát từ chế độ được hưởng, tỷ lệ đóng góp vào quỹ thành phần để giải
quyết các chế độ BHXH thì trước khi có luật, đối tượng được điều chỉnh theo nghị
định 12/CP và 09/1998/NĐ-CP đều có cùng một tỷ lệ đóng góp vào quỹ hưu trí và
tử tuất. (Đơn vị đóng 10%, người lao động đóng 5%). Mức hưởng cũng tính theo

công thức là 15 năm đầu tính 45%, từ năm thứ 16 trở đi tính thêm 2% và mức tối đa
vẫn 75%. Tiền lương cũng tính bình quân 5 năm cuối. Vậy về bản chất chế độ hưu
trí đối với người điều chỉnh theo Nghị định 12/CP và chế độ trợ cấp hằng tháng đối
với cán bộ xã điều chỉnh theo Nghị định số 09/1998/NĐ-CP là như nhau.
Khi thực hiện Nghị định 92/2009/NĐ-CP thì thời gian công tác được cộng nối
tất cả để tính hưởng chế độ thì người được cấp sổ BHXH theo Nghị định
09/1998/NĐ-CP có lợi hơn. Vì được bổ sung một số chức danh được tính là thời
gian công tác có đóng BHXH như thời gian tham gia quân đội, chức danh khác. Và
đặc biệt hơn là thời gian giữ chức vụ không phải là chức danh chủ chốt sở xã theo
thông tư số 13/NV cũng được tính là thời gian công tác có đóng BHXH (theo chức
danh của Nghị định 09/1998/NĐ-CP). Còn đối với những người thực hiện chế độ
BHXH theo Nghị định số 12/CP trước đây có thời gian công tác theo đúng chức
danh của Nghị định số 09/1998/NĐ-CP nhưng đã chuyển công tác về cấp huyện trở
lên, đã cấp sổ BHXH theo nghị định số 12/CP thì không được điều chỉnh.


Từ hai nội dung trên, việc tính thời gian công tác đối với đối tượng áp dụng
theo nghị định 12/CP tính theo Thông tư số 13/NV hiện nay là không còn phù
hợp, cần phải điều chỉnh, bổ sung.
4/ Nguyên nhân dẫn đến tình huống: có các nguyên nhân chủ quan và khách
quan sau:
- Nguyên nhân chủ quan: Khi ban hành chính sách, nhà quản lý chưa lường
hết được những vướng mắc xảy ra trong thực tế. Chưa xem xét kỹ tính kế thừa và
mối quan hệ giữa các đối tượng với nhau (Quan điểm lịch sử).
- Nguyên nhân khách quan: Do đất nước chúng ta đang trong thời kỳ phát
triển và hội nhập. Mỗi giai đoạn có một đặc điểm riêng, yêu cầu quản lý nhất định
nên chính sách BHXH mỗi thời kỳ có quy định khác nhau và từng bước được hoàn
thiện. Việc xây dựng và thực thi chính sách trong mỗi giai đoạn sẽ khác nhau, dẫn
đến khi kết hợp lại tất nhiên sẽ xảy ra bất cập.
5/ Hậu quả của tình huống:

Về trước mắt, việc này ảnh hưởng đến mức hưởng BHXH của những người
đang còn công tác khi giải quyết chế độ,
Về lâu dài ảnh hưởng đến tính công bằng trong thực hiện chính sách BHXH.
Trong quá trình phát triển, vấn đề này sẽ dễ dẫn đến tình trạng khiếu nại xảy ra, làm
mất lòng tin của người lao động đối với một chính sách mang tính nhân văn lớn
như hiện nay. Bởi cả nước ta có đến 63 tỉnh, thành phố, với 11.112 đơn vị hành
chính cấp xã (số liệu mạng xã hội ) thì số người rơi vào
trường hợp này là không nhỏ. Và đa phần là những người đã có nhiều công lao
đóng góp cho công cuộc xây dựng và bảo vệ tổ Quốc, thậm chí còn mất mát cả
xương máu trong chiến tranh. Khi nhận thức được sự khác biệt đó tất nhiên họ phải
khiếu nại để xem xét giải quyết cho công bằng, bảo vệ quyền lợi chính đáng của họ.
Đây là vấn đề mới phát sinh nên có thể rất ít người để ý và biết đến. Bởi việc
xác định thời gian công tác đã thực hiện hơn 15 năm đối với đối tượng cấp sổ
BHXH theo Nghị định 12/CP và hơn 13 năm đối với cán bộ được cấp sổ BHXH
theo Nghị định số 09/1998/NĐ-CP. Chính vì thế người lao động đã "an tâm" với
quá trình công tác của mình đã được ghi trong sổ BHXH. Tuy nhiên, sự bất cập này
sẽ được đề cập và sẽ trở thành lực cản quá trình phát triển của xã hội, hiệu quả của
chính sách nếu chúng ta không giải quyết thỏa đáng, kịp thời.
III. XỬ LÝ TÌNH HUỐNG
1/ Mục tiêu xử lý tình huống


Giải quyết hài hòa giữa quá trình cống hiến của người lao động đối với sự
nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc với lợi ích mà họ được hưởng. Mà cụ thể ở đây
là giải quyết chế độ BHXH của những người tham gia một cách công bằng, phù
hợp. Tạo sự đồng thuận cao trong xã hội, đặc biệt đối với những người đã quá trình
công tác tương tự. Tuy nhiên cũng không vì thế mà tạo ra sự xáo trộn trong quản lý
và nguy cơ mất cân đối nguồn quỹ BHXH.
2/ Đề xuất
Trên cơ sở phân tích cách tính thời gian công tác và tỷ lệ đóng góp vào các

quỹ thành phần của chính sách BHXH chúng ta nhận thấy rằng : Việc tính thời gian
công tác nêu trên là đúng quy định hiện hành. Tuy nhiên xét về bản chất và ý nghĩa
thì không phù hợp.
Trong một số nội dung, Đảng và Nhà nước đã có những chính sách rất thiết
thực nhằm giải quyết chế độ BHXH cho những người có đóng góp. Chẳng hạn Thủ
tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 613/QĐ-TTg ngày 06/05/2010 về việc
trợ cấp hàng tháng, chế độ bảo hiểm y tế và trợ cấp mai táng phí đối với người
hưởng trợ cấp mất sức lao động hàng tháng đã hết hạn hưởng trợ cấp, không thuộc
diện được tiếp tục hưởng trợ cấp mất sức lao động hàng tháng theo quy định tại
Quyết định số 60/HĐBT ngày 01 tháng 3 năm 1990 của Hội đồng Bộ trưởng (nay
là Chính phủ), Quyết định số 812/TTg ngày 12 tháng 12 năm 1995 của Thủ tướng
Chính phủ mà có thời gian công tác thực tế từ đủ 15 năm đến dưới 20 năm. Hay
nghị định số 92/2009/NĐ-CP như đã nêu trên.
Từ quan điểm về xây dựng và thực hiện chính sách xã hội, những quy định
hiện hành cũng như chức năng, nhiệm vụ của Ngành BHXH, tôi đưa ra phương án
giải quyết đơn của ông Đào Minh Chính như sau :
* Phương án 1 : Cơ quan BHXH huyện ban hành văn bản trả lời cho ông Đào
Minh Chính theo quy định của Luật Tố tụng hành chính. Trong đó khẳng định rằng
việc tính thời gian công tác của Ông là đúng quy định. Thời gian công tác từ tháng
06/1983 đến tháng 04/1987 ông giữ chức vụ Bí thư Đoàn TNCS Hồ Chí Minh,
không phải là chức danh chủ chốt theo quy định tại Tại điểm a, mục 15, Phần II
thông tư số 13/NV ngày 04/9/1972.
Phương án này thực hiện đúng quy định hiện hành, cơ quan BHXH huyện đã
thực hiện đúng chức năng của mình. Song sẽ không nhận được sự đồng thuận của
Ông Chính cũng như dư luận của xã hội. Một khi mục đích chưa đạt được ông sẽ
kiến nghị lên cấp trên, gây ra tình trạng lãng phí thời gian, công sức của người lao
động cũng như của cải xã hội.


* Phương án 2: Cơ quan BHXH huyện ban hành văn bản trả lời cho ông

Chính biết việc tính thời gian công tác đối với ông như trên là đúng quy định của
Pháp luật hiện hành. Tuy nhiên đây là vấn đề mới phát sinh, BHXH huyện nhận
thấy cần phải có ý kiến đề đạt với cấp trên và cơ quan có thẩm quyền xem xét, giải
quyết. Đồng thời BHXH huyện có văn bản báo cáo (kèm theo toàn bộ hồ sơ tham
gia BHXH của hai ông Đào Minh Chính và Đoàn Văn Công) về BHXH tỉnh để
xem xét, giải quyết. Khi có ý kiến chỉ đạo từ BHXH tỉnh thì trả lời cho ông Chính.
So với phương án 1 thì phương án này sẽ nhận được sự đồng thuận của đối
tượng, thể hiện rõ trách nhiệm của cơ quan thực thi chính sách vì mục tiêu công
bằng. Tuy nhiên thời gian giải quyết sẽ kéo dài và có khả năng cơ quan BHXH tỉnh
không đồng quan điểm với BHXH huyện và trả lời giống phương án 1. Nếu cơ
quan BHXH tỉnh đồng quan điểm thì BHXH tỉnh cũng phải báo cáo về BHXH Việt
Nam, và cơ quan quyết định cuối cùng vẫn thuộc về Quốc Hội, lẽ đó đương nhiên
thời gian sẽ kéo dài. Tuy nhiên với nhận thức của bản thân, tôi sẽ chọn phương án
thứ hai, vì đây là phương án phù hợp, dù thời gian có lâu nhưng nó là vấn đề mới,
cần phải giải quyết.
3/ Các giải pháp thực hiện phương án đã lựa chọn :
- Trước hết cần tuyên truyền, giải thích cho đối tượng hiểu được những quy
định về chính sách BHXH hiện hành, hiểu được quyền lợi và trách nhiệm cá nhân
khi tham gia BHXH. Có như vậy sẽ tránh được việc khiếu nại xảy ra vượt cấp, gây
mất trật tự xã hội.
- Phải thực hiện đúng quy định về chức năng, nhiệm vụ của Ngành, quy định
về quản lý Nhà nước trong lĩnh vực hành chính. Cơ quan BHXH cấp huyện báo cáo
về BHXH cấp tỉnh, BHXH tỉnh báo cáo về BHXH Việt Nam và UBND tỉnh, Sở
Lao động Thương binh và Xã hội tham mưu UBND tỉnh báo cáo về Quốc hội để
xin ý kiến chỉ đạo và tổ chức thực hiện.
- Thông qua việc tiếp xúc cử tri của Đoàn Đại biểu Quốc hội, người lao động
phản ánh và đề đạt nguyện vọng để Quốc hội được biết, xem xét giải quyết.
- Thông qua kênh thông tin đại chúng (báo, đài) người lao động phản ánh nội
dung sự việc để toàn xã hội được biết và cơ quan quản lý Nhà nước được đề cập
một cách nhanh và kịp thời hơn.

IV. KIẾN NGHỊ
Như đã trình bày, đây là vấn đề mới phát sinh trong thực thi chính sách
BHXH, sẽ rất ít người để ý và nắm bắt được vấn đề một cách nhanh và cụ thể. Nó


không phải là chủ đề nóng, bức thiết cần phải giải quyết ngày một ngày hai. Song
trong sâu xa nó sẽ tác động đến quyền lợi chính đáng của con người, đến nhận thức
về chính sách, tính công bằng, tính chính xác và nguyên tắc thực hiện. Để tạo sự
đồng thuận cao của xã hội về vấn đền này, bản thân tôi có kiến nghị như sau :
Đối với cơ quan BHXH, là cơ quan thực thi chính sách cần phải có văn bản
báo cáo nội dung này với Chính phủ, Bộ Lao động thương binh và Xã hội - cơ quan
quản lý nhà nước về BHXH xem xét, điều chỉnh quy định về tính thời gian công tác
đối với những người đã có quá trình công tác tại đơn vị hành chính cấp xã. Trong
đó bổ sung nội dung là cán bộ có thời gian công tác ở cấp xã và giữ các chức danh
theo quy định tại Nghị định 09/1998/NĐ-CP đều được tính là thời gian công tác có
đóng BHXH để làm căn cứ tính hưởng chế độ BHXH cho người lao động khi đủ
điều kiện.
Đối với Ngành lao động -Thương binh và xã hội: Là cơ quan quản lý Nhà
nước về lĩnh vực này cần có kiến nghị với Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc Hội,
Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ để kịp thời chỉ đạo. Khi có ý kiến thì ban
hành Thông tư hướng dẫn bổ sung thông tư số 13/NV. Trong đó cần nhấn mạnh
thời điểm hiệu lực từ ngày 01/01/2010 (Thời điểm Nghị định 92/2009/NĐ-CP có
hiệu lực), những trường hợp đã giải quyết chế độ BHXH trước đó không thực hiện
được điều chỉnh này nhằm tránh những xáo trộn trong quản lý và tính toán bảo tồn
quỹ BHXH. Sở dĩ như vậy là vì chính sách mỗi thời kỳ khác nhau, phù hợp với sự
phát triển trong từng giai đoạn.


KẾT LUẬN
Bảo hiểm xã hội là một chính sách lớn của Đảng và nhà nước ta nhằm đảm

bảo một phần thu nhập cho người lao động khi họ bị ốm đau, nghỉ thai sản, tai nạn
lao động, bệnh nghề nghiệp, khi về già để hưởng chế độ hưu trí hay cho thân nhân
của họ khi họ bị chết. Đây là một chính sách nhân đạo của Đảng và nhà nước nhằm
góp phần bảo đảm an sinh xã hội.
Tuy nhiên, khi đi vào đời sống xã hội đã nảy sinh nhiều bất cập, vướng mắc.
Chúng ta cần phải mạnh dạn nhìn nhận và khắc phục kịp thời, trong đó có nội dung
tính thời gian công tác như trên. Chính sách đúng sẽ hợp lòng dân thiên hạ, thể hiện
đúng chủ trương chính sách của Đảng ta. Đây sẽ là động lực mạnh mẽ tạo nên
nguồn nhân lực dồi dào cho công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Bất kỳ một chính sách nào cũng không bao giờ có một sự hoàn hảo. Sẽ có sự
chống đối của đối tượng điều chỉnh vì một quyền lợi riêng tư của họ, vì vậy cần
phải có quyền lực nhà nước can thiệp. Chính sách BHXH cũng vậy. Người sử dụng
lao động, nhất là lĩnh vực kinh tế tư nhân, họ tìm mọi cách để trốn tránh trách
nhiệm đóng BHXH cho người lao động. Bởi trong “chiếc bánh thu nhập” nếu họ
không đóng BHXH cho người lao động thì phần lợi nhuận của họ tăng lên. Do đó
chế tài cần tương xứng với trách nhiệm. Hiện nay chế tài xử phạt đối với hành vi vi
phạm pháp luật về BHXH còn quá nhẹ, chưa đủ sức răng đe hoặc ngăn ngừa hành
vi vi phạm xảy ra. Nhà nước cần phái có biện pháp phù hợp để chính sách đi vào
cuộc sống và phát huy hiệu quả. Đồng thời công tác tuyên truyền giáo dục pháp
luật cần được đẩy mạnh hơn nhằm tăng cường hiệu lực hiệu quả trong việc thực thi
pháp luật, tăng cường pháp chế XHCN, đảm bảo ổn định trật tự xã hội, góp phần
thúc đẩy phát triển sản xuất vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng,
dân chủ và văn minh
Trong quá trình nghiên cứu nội dung công việc phát sinh và hình thành nên
tình huống quản lý, với khả năng và điều kiện của bản thân sẽ không tránh khỏi
những sai sót. Nội dung của tình huống có thể không mang tính nóng thời sự, chưa
cấp thiết, quy mô nhỏ song nó có ý nghĩa rất to lớn. Nó tạo ra sự công bằng trong
xã hội. Tôi rất mong các cấp, các ngành liên quan sẽ đồng quan điểm với tôi về nội
dung, ý nghĩa và biện pháp giải quyết tình huống này./.



TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Tài liệu Bồi dưỡng Quản lý hành chính nhà nước (chương trình chuyên viên
chính) Phần III về Quản lý nhà nước đối với ngành, lĩnh vực.
2. Luật Bảo hiểm xã hội, số 71/QH11 ngày 29/06/2006.
3. Nghị định 12/CP ngày 26/01/1995 của Chính phủ ban hành Điều lệ Bảo
hiểm xã hội.
4. Nghị định số 09/1998/NĐ-CP ngày 23/01/1998 của Chính Phủ sửa đổi, bổ
sung nghị định 50/CP ngày 26/07/1995 của chính phủ về chế độ sinh hoạt phí đối
với cán bộ xã, phường, thị trấn.
5. Nghị định 152/2006/NĐ-CP ngày 22/12/2006 của Chính phủ hướng dẫn
một số Điều của Luật BHXH về BHXH bắt buộc.
6. Nghị định số 92/2009/NĐ-CP ngày 22/10/2009 của Chính phủ quy định về
chức danh, số lượng, một số chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức ở xã,
phường, thị trấn và những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã thay thế
Nghị định số 121/2003/NĐ-CP.
7. Thông tư số 13/NV ngày 04/09/1972 của Bộ Nội vụ hướng dẫn và quy định
cụ thể về việc tính thời gian công tác của công nhân, viên chức Nhà nước.
8. Thông tư số 99/1998/TTLT-TCCP-BTC-BLĐTB&XH ngày 19/5/1998
hướng dẫn thi hành nghị định số 09/1998/NĐ-CP ngày 23/01/1998 của Chính phủ.
9. Nghị định số 67/2010/NĐ-CP ngày 15/06/2010 của Chính phủ quy định về
chế độ, chính sách đối với cán bộ không đủ tuổi tái cử, tái bổ nhiệm giữ các chức
vụ, chức danh theo nhiệm kỳ trong cơ quan của Đảng Cộng Sản Việt Nam, Nhà
nước, Tổ chức chính trị - xã hội.
10. Luật Tố tụng hành chính số 22/2010/L-CTN ngày 24-11-2010.


MỤC LỤC
* MỞ ĐẦU


Trang 1

I. NỘI DUNG TÌNH HUỐNG

Trang 4

1/ Hoàn cảnh xuất hiện tình huống

Trang 4

2/ Mô tả tình huống

Trang 6

II. PHÂN TÍCH TÌNH HUỐNG

Trang 8

1/ Mục tiêu phân tích tình huống

Trang 8

2/ Cơ sở lý luận

Trang 8

3/ Phân tích diễn biến tình huống

Trang 13


4/ Nguyên nhân dẫn đến tình huống

Trang 14

5/ Hậu quả của tình huống:

Trang 14

III. XỬ LÝ TÌNH HUỐNG

Trang 15

1/ Mục tiêu xử lý tình huống

Trang 15

2/ Đề xuất

Trang 15

3/ Các giải pháp thực hiện phương án đã lựa chọn :

Trang 17

IV. KIẾN NGHỊ

Trang 17

* KẾT LUẬN


Trang 19

* TÀI LIỆU THAM KHẢO

Trang 20



×