Tải bản đầy đủ (.docx) (4 trang)

Đôi dòng suy tư nhân ngày cầu nguyện cho ơn thiên triệu

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (37.44 KB, 4 trang )

Đôi dòng suy tư nhân ngày cầu nguyện cho Ơn Thiên Triệu

Hằng năm, Chúa Nhật thứ IV Phục Sinh – Chúa Chiên Lành được chọn làm ngày
thế giới cầu nguyện cho ơn gọi linh mục và tu sĩ.
Trước hết, cầu nguyện để có thêm nhiều ơn gọi dâng hiến, có thêm số các mục tử.
Đặc biệt là ơn gọi linh mục, để trở thành mục tử chăn dắt đoàn chiên Chúa. Chúa
Giêsu đã đồng hóa mình với người “mục tử nhân lành”. Người gắn bó và biết rõ
từng con chiên một: “Tôi biết chiên của Tôi, và chiên của Tôi biết Tôi” (Ga 10,
14). Như Chúa Giêsu đã miêu tả, người mục tử tốt lành là biết và gọi tên từng con
chiên, tận tình chăm sóc chu đáo, sẵn sàng liều chết để bảo vệ chiên khỏi kẻ thù.
Chính vì thế, người mục tử tốt lành là người biết dấn thân cho sứ mạng. Nhưng sâu
xa hơn, chính Chúa Giêsu đã làm gương trước. Ngài yêu mến và quan tâm đến hết
mọi người, đặc biệt là những người nghèo khổ, bệnh tật. Những người bị xã hội
ruồng rẫy, bỏ rơi. Chúa Giêsu đã tìm gặp và ân cần đối thoại với hết mọi người. Và
những ai được gặp Ngài đều cảm thấy trong lòng rộn lên niềm vui khôn tả, luôn hy
vọng một cuộc sống mới tươi đẹp hơn.
Một hình ảnh rất đẹp của người mục tử chính là bỏ lại 99 con chiên để đi tìm cho
được con chiên lạc và vui mừng vác trên vai trở về. Qua hình ảnh đó, cho thấy
Chúa Giêsu, mục tử nhân lành đã yêu thương nhân loại bằng chính Mình Máu
Thánh Ngài, để đem lại sự sống vĩnh cửu. Cho nên, ngày hôm nay sống giữa một
xã hội bộn bề và nhiều biến động, mỗi một ơn gọi dâng hiến, cách riêng đối với ơn
gọi linh mục đều có bộn phận, nổ lực góp phần đưa những chiên ngoài đàn vào
một đàn duy nhất dưới quyền vị chủ chăn duy nhất là Đức Kitô: “Phần Tôi, Tôi
đến để cho chiên được sống, và sống dồi dào” (Ga 10, 10). Tuy nhiên, không chỉ
cầu nguyện như một thói quen hay truyền thống là: Đọc vài kinh, hát vài bài mà
thôi, nhưng cần phải cầu nguyện một cách ý thức hơn.


Thứ đến, song song với việc cầu nguyện, thiết nghĩ cũng nên suy nghĩ một chút về
ơn gọi. Đọc lại Tin Mừng ta thấy khi thực hiện chương trình cứu độ, Thiên Chúa
đã muốn mời gọi sự cộng tác của con người. Thánh Kinh tường thuật về lịch sử


cứu độ như một lịch sử các ơn gọi… Trong đó hòa lẫn sáng kiến của Thiên Chúa
và sự đáp trả tự do của con người. Mỗi một ơn gọi là sự nảy sinh từ cuộc gặp gỡ
giữa hai tự do: Tự do về phía Thiên Chúa và tự do về phía loài người. Mặt khác,
khi bản thân một ai đó được mời gọi sống đời tận hiến, cũng chính là một cuộc
khởi đầu bước theo Chúa Kitô. Dù vậy, không phải là không có khó khăn và thử
thách, nhưng sẽ dẫn tới một cuộc thâm giao ngày càng gia tăng với Thiên Chúa,
cuối cùng sẽ đạt tới một thái độ sẵn sàng và mau mắn hơn trước những đòi hỏi của
thánh ý Chúa: “Tôi là ánh sáng thế gian. Ai theo Tôi sẽ không phải đi trong bóng
tối, nhưng sẽ nhận được ánh sáng đem lại sự sống” (Ga 8, 12).
Ơn gọi là một biến cố cá nhân và độc đáo, nhưng cũng là một sự kiện cộng đoàn và
Giáo Hội, vì không ai được gọi để bước đi một mình cả. Mỗi ơn gọi được Chúa
khơi dậy như một hồng ân, để bản thân người được gọi biết hành động, biết đáp lại
tiếng Chúa một cách mau mắn và thích ứng. Có như thế, vừa giúp làm cho đức tin
trưởng thành, biết ý thức và năng động hơn, vừa giúp đọc ra nơi kinh nghiệm hằng
ngày những dấu chỉ và tiếng Chúa gọi. Nhất là trong nền văn hóa hiện nay, chúng
ta thấy “tây, tàu” lẫn lộn. Một thế giới ngày càng bị tục hóa, ơn gọi ngày càng bị
lung lay, phai nhạt dần. Chính vì thế mà tại các giáo xứ, các họ đạo cần thiết giúp
cho giới trẻ biết minh nhiên hướng về ơn gọi và cảm nhận được vẽ đẹp của việc tận
hiến cho Nước Trời, sống cho một lý tưởng cao đẹp hơn. Hãy can đảm cổ võ mục
vụ ơn gọi linh mục, tu sĩ nam hay nữ. Ngoài ra, cần phải dành một chỗ xứng đáng
cho chiều kích ơn gọi, nhất là bằng việc lập ra các nhóm ơn gọi, nhóm dự tu…
giúp cho các em biết đào sâu về giáo lý, về Kinh Thánh, nuôi dưỡng đời sống
thiêng liêng để nhen nhóm trong lòng các em ngọn lửa của ơn gọi sống đời tận
hiến.


Chúa Giêsu đã nói: “Thầy là Đường, là Sự Thật và là Sự Sống” (Ga 14, 6). Ngày
hôm nay, Chúa Giêsu cần những người trẻ, sức trẻ để thực hiện dự án của Ngài,
cần sự nhiệt tình đại lượng của tuổi trẻ để loan báo Tin Mừng. Cho nên, cần có sự
đáp trả tự do bằng việc dấn bước theo Chúa. Thế giới càng hiện đại, khoa học kỹ

thuật càng phát triển, thì những người sống đời dâng hiến càng phải làm chứng
nhiều hơn nữa. Nhưng muốn làm chứng cho Tin Mừng thì không thể sống khép kín
trong bốn bức tường của tu viện, nhà dòng chỉ để đọc kinh, nguyện ngắm, ăn chay
hãm mình v. v… mà phải không ngừng đi ra, đi đến với hết tất cả mọi người. Để
làm được điều đó, đòi hỏi những linh mục và tu sĩ nam nữ cần phải biết từ bỏ
những ý riêng, từ bỏ hạnh phúc riêng tư để dấn thân trọn vẹn, để thuộc về Đức
Kitô. Vì thế, cần thiết phải cổ võ và vun trồng ơn gọi, đặc biệt là ơn gọi linh mục.
Cần phải xác định ơn gọi linh mục không phải là một “nghề” để thăng tiến bản
thân, để cho “bằng anh bằng chị”, nhưng trước hết là một sứ vụ “dẫn dắt đoàn
chiên Chúa”. Biết rằng, phải làm sao cho thích nghi với thời đại, đáp ứng những
đòi hỏi của thế giới hôm nay, nhưng vẫn phải làm sao để mọi người Kitô hữu nói
chung và linh mục, tu sĩ nói riêng là những người ở trong thế gian nhưng không
thuộc về thế gian, hòa mình nhưng không hòa tan…
Cuối cùng, nhân ngày thế giới cầu nguyện cho ơn gọi, người Kitô hữu hãy mở rộng
cõi lòng để đón lấy những hồng ân mà Chúa dành sẵn cho mỗi người, đó cũng
chính là sức sống mới trong hành trình ơn gọi. Hãy hát lên những ca khúc vui tươi
của những người đáp lại tiếng mời gọi yêu thương của Thiên Chúa, những người sẽ
cất bước lên đường mở rộng biên cương Nước Trời luôn xác tín mạnh mẽ rằng:
“Ai gieo trong lệ sầu, sẽ gặt trong vui sướng. Ai gieo trong nước mắt, sẽ về giữa
tiếng cười”. Đó chẳng phải là ý lực sống của những người tận hiến hay sao? Và
hơn thế nữa, Đức Kitô Phục Sinh sẽ đồng hành với họ trên mọi nẻo đường.


Paul. Viết Khôi
Khóa VI ĐCV Xuân Lộc
nguồn: gpphanthiet




×