Tải bản đầy đủ (.pdf) (65 trang)

Triển khai mô hình gây xơ gan thực nghiệm bằng carbon tetraclorid đường uống và áp dụng đánh giá tác dụng của chế phẩm vượng gan

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (2.18 MB, 65 trang )

BỘ Y TẾ
TRƯỜNG ĐẠI HỌC DƯỢC HÀ NỘI

TÀO THỊ GIANG
MÃ SINH VIÊN: 1201137

TRIỂN KHAI MÔ HÌNH
GÂY XƠ GAN THỰC NGHIỆM
BẰNG CARBON TETRACLORID
ĐƯỜNG UỐNG VÀ ÁP DỤNG ĐÁNH
GIÁ TÁC DỤNG CỦA CHẾ PHẨM
VƯỢNG CAN
KHÓA LUẬN TỐT NGHIỆP DƯỢC SĨ

HÀ NỘI 2017


BỘ Y TẾ
TRƯỜNG ĐẠI HỌC DƯỢC HÀ NỘI

TÀO THỊ GIANG
MÃ SINH VIÊN: 1201137

TRIỂN KHAI MÔ HÌNH
GÂY XƠ GAN THỰC NGHIỆM
BẰNG CARBON TETRACLORID
ĐƯỜNG UỐNG VÀ ÁP DỤNG ĐÁNH
GIÁ TÁC DỤNG CỦA CHẾ PHẨM
VƯỢNG CAN
KHÓA LUẬN TỐT NGHIỆP DƯỢC SĨ
Người hướng dẫn:


1. PGS.TS. Đào Thị Vui
2. DS. Phạm Đức Vịnh
Nơi thực hiện:
Bộ môn Dược lực

HÀ NỘI 2017


LỜI CẢM ƠN
Bằng tất cả sự chân thành và lòng biết ơn sâu sắc, em xin gửi lời cảm ơn tới
PGS.TS. Đào Thị Vui, DS. Phạm Đức Vịnh và Ths. Trần Hồng Linh những người
thầy đã luôn tận tụy, hết lòng quan tâm, hướng dẫn và giúp đỡ em trong suốt quá trình
thực hiện đề tài.
Em xin chân thành cảm ơn DS. Đinh Đại Độ và DS. Đinh Thị Kiều Giang là
những anh chị kỹ thuật viên tại Bộ môn Dược lực đã trực tiếp tham gia và giúp đỡ
em trong thời gian nghiên cứu.
Em xin gửi lời cảm ơn Đảng ủy, Ban giám hiệu, phòng Đào tạo cùng các bộ
môn, phòng ban khác của Trường đại học Dược Hà Nội đã tạo điều kiện cho em trong
thời gian học tập và nghiên cứu.
Trong quá trình thực hiện đề tài, em còn nhận được sự giúp đỡ, ý kiến đóng góp
từ các thầy cô và anh chị kỹ thuật viên Bộ môn Dược lực. Em xin chân thành cảm ơn
sự giúp đỡ quý báu đó.
Em xin cảm ơn các anh chị, bạn bè đã và đang nghiên cứu khoa học tại Bộ môn
Dược lực đã luôn đồng hành, hỗ trợ, động viên em trong suốt quá trình thực hiện đề
tài.
Cuối cùng, em xin cảm ơn gia đình, người thân và bạn bè đã luôn bên cạnh, ủng
hộ, chia sẻ khó khăn và động viên em thực hiện khóa luận này.

Hà Nội, tháng 5 năm 2017
Sinh viên

Tào Thị Giang


MỤC LỤC

DANH MỤC CÁC KÍ HIỆU, CHỮ VIẾT TẮT
DANH MỤC CÁC BẢNG
DANH MỤC CÁC HÌNH VẼ, ĐỒ THỊ
ĐẶT VẤN ĐỀ …………………………………………………………………...….1
CHƯƠNG 1. TỔNG QUAN .....................................................................................3
1.1. Xơ gan .................................................................................................................3
1.1.1. Định nghĩa......................................................................................................3
1.1.2. Dịch tễ ...........................................................................................................3
1.1.3. Nguyên nhân .................................................................................................4
1.1.4. Cơ chế bệnh sinh ............................................................................................4
1.1.5. Tiếp cận điều trị chống xơ hóa gan ...............................................................7
1.2. Các mô hình gây xơ gan trên động vật thí nghiệm .......................................11
1.2.1. Gây xơ gan bằng các tác nhân hóa học .......................................................11
1.2.2. Gây xơ gan bằng phương pháp thắt ống dẫn mật .......................................15
1.2.3. Gây xơ gan bằng phương pháp miễn dịch ..................................................15
1.2.4. Mô hình động vật biến đổi gen ...................................................................16
1.3. Chế phẩm Vượng Can ....................................................................................17
CHƯƠNG 2. ĐỐI TƯỢNG VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU ...................19
2.1. Nguyên vật liệu, thiết bị nghiên cứu ..............................................................19
2.1.1. Nguyên liệu nghiên cứu ..............................................................................19
2.1.2. Phương tiện nghiên cứu ..............................................................................20
2.2. Nội dung nghiên cứu .......................................................................................21
2.2.1. Sơ đồ thiết kế nghiên cứu ...........................................................................21
2.2.2. Nội dung nghiên cứu....................................................................................22
2.3. Phương pháp nghiên cứu ................................................................................22

2.3.1. Triển khai mô hình gây xơ gan thực nghiệm bằng carbon tetraclorid đường
uống trên chuột cống trắng ....................................................................................22


2.3.2. Đánh giá tác dụng chống xơ hóa gan của chế phẩm Vượng Can ................25
2.3.3. Phương pháp xác định các thông số nghiên cứu .........................................26
2.4. Phương pháp xử lý số liệu ...............................................................................28
CHƯƠNG 3. KẾT QUẢ ........................................................................................29
3.1. Kết quả triển khai mô hình gây xơ gan thực nghiệm bằng carbon tetraclorid
đường uống trên chuột cống trắng ........................................................................29
3.1.1. Độc tính và khả năng gây xơ gan của carbon tetraclorid ở các mức liều khác
nhau trên chuột cống trắng ....................................................................................29
3.1.2. Kết quả triển khai mô hình gây xơ gan với các chế độ liều carbon tetraclorid
đã thiết lập ..............................................................................................................30
3.2. Kết quả đánh giá tác dụng chống xơ hóa gan của chế phẩm Vượng Can.. 34
3.2.1. Ảnh hưởng của chế phẩm Vượng Can đến hình ảnh đại thể gan ................34
3.2.2. Ảnh hưởng của chế phẩm Vượng Can đến hoạt độ AST, ALT và nồng độ
bilirubin toàn phần ................................................................................................36
3.2.3. Ảnh hưởng của chế phẩm Vượng Can đến hàm lượng collagen trong gan 37
3.2.4. Ảnh hưởng của chế phẩm Vượng Can đến điểm xơ hóa trên tiêu bản mô bệnh
học gan ..................................................................................................................38
CHƯƠNG 4. BÀN LUẬN ......................................................................................41
4.1. Về kết quả triển khai mô hình gây xơ gan thực nghiệm bằng carbon
tetraclorid trên chuột cống trắng ..........................................................................41
4.1.1. Về độc tính và khả năng gây xơ gan của CCl4 ở các mức liều khác nhau…...41
4.1.2. Về kết quả triển khai mô hình gây xơ gan với các chế độ liều carbon
tetraclorid đã thiết kế .............................................................................................42
4.2. Về tác dụng chống xơ hóa gan của chế phẩm Vượng Can ...........................46
KẾT LUẬN VÀ KIẾN NGHỊ…………………………………………………....49
TÀI LIỆU THAM KHẢO



DANH MỤC CÁC KÍ HIỆU, CHỮ VIẾT TẮT

ALT

Alanin transaminase

AST

Aspartat transaminase

DEN

Diethylnitrosamin

DMN

Dimethylnitrosamin

ECM

Extracellular matrix (Chất nền ngoại bào)

EMT

Epithelial-mesenchymal transition (Chuyển dạng biểu mô-trung mô)

HBV


Virus viêm gan B

HCV

Virus viêm gan C

HDV

Virus viêm gan D

HSC

Hepatic stellate cell (Tế bào hình sao)

MFB

Myofibroblast (Nguyên bào sợi cơ)

MMP

Matrix metalloproteinase (Metalloproteinase gian bào)

NK

Natural killer cell (Tế bào diệt tự nhiên)

PPARγ

Peroxisome proliferator-activated receptor gamma (Thụ thể được hoạt
hóa bởi yếu tố tăng sinh peroxisome gamma)


PDGF

Platelet-derived growth factor (Yếu tố tăng trưởng có nguồn gốc tiểu
cầu)

ROS

Gốc oxy hoạt động

TAA

Thioacetamid

TGF- β

Transforming growth factor-β (Yếu tố tăng trưởng chuyển dạng beta)

TIMP

Chất ức chế metalloproteinase

TRIAL

Tumour necrosis factor-related apoptosis-inducing ligand (Phối tử gây
chết tế bào theo chương trình liên quan đến TNF)

WHO

World Health Organization (Tổ chức Y tế thế giới)



DANH MỤC CÁC BẢNG
Bảng
2.1
2.2

3.1

3.2

3.3

3.4

3.5

Tên bảng
Thành phần trong mỗi viên nén Vượng Can
Thang điểm đánh giá mức độ xơ hóa gan trên tiêu bản mô bệnh
học
Ảnh hưởng của CCl4 với các mức liều khác nhau đến số lượng
và tỉ lệ chuột có biểu hiện xơ hóa gan sau 10 tuần thí nghiệm
Ảnh hưởng của CCl4 đến tỷ lệ cá thể có hình thái gan bất thường
ở các lô
Ảnh hưởng của hai chế độ liều CCl4 đến hàm lượng collagen
trong mô gan và mức độ xơ hóa gan
Ảnh hưởng của chế phẩm Vượng Can đến tỷ lệ cá thể có hình
thái gan bất thường ở các lô
Ảnh hưởng của chế phẩm Vượng Can đến mức độ xơ gan trên

chuột thí nghiệm được gây xơ hóa bằng CCl4

Trang
19
28

30

31

34

35

38


DANH MỤC CÁC HÌNH
Hình

Tên hình

Trang

1.1

Một số tác nhân chống xơ hóa hướng tới các đích tác dụng cụ thể

7


2.1

Chế phẩm thử do Công ty Cổ phần dược phẩm Thái Minh cung cấp

19

2.2

Sơ đồ thiết kế nghiên cứu

21

Sơ đồ thiết kế nghiên cứu thăm dò độc tính và khả năng gây xơ gan
2.3

của carbon tetraclorid với các mức liều khác nhau trên chuột cống

23

trắng
2.4

2.5

3.1

3.2

3.3
3.4

3.5

3.6

3.7

Sơ đồ thiết kế nghiên cứu triển khai mô hình gây xơ gan bằng
carbon tetraclorid
Sơ đồ thiết kế nghiên cứu đánh giá tác dụng của chế phẩm Vượng
Can trên mô hình gây xơ gan thực nghiệm bằng carbon tetraclorid
Hình ảnh minh họa đại thể gan chuột của các lô động vật thí
nghiệm
Tỷ lệ phần trăm khối lượng gan so với khối lượng cơ thể của các
lô động vật thí nghiệm
Ảnh hưởng của hai chế độ liều CCl4 đến hoạt độ ALT và AST huyết
thanh của chuột thí nghiệm
Hình ảnh gan đặc trưng của các lô chuột thí nghiệm
Ảnh hưởng của chế phẩm Vượng Can đến hoạt độ AST, ALT trong
huyết thanh chuột được gây xơ gan bằng CCl4
Ảnh hưởng của chế phẩm Vượng Can đến nồng độ bilirubin toàn
phần trong huyết thanh chuột được gây xơ gan bằng CCl4
Ảnh hưởng của chế phẩm Vượng Can đến hàm lượng collagen ước
tính trong gan chuột thí nghiệm được gây xơ gan bằng CCl4

24

25

31


32

33
35
36

36

37


3.8

3.9

Hình ảnh minh họa cấu trúc vi thể gan đặc trưng của các lô động
vật thí nghiệm, HE × 400
Hình ảnh minh họa cấu trúc vi thể gan đặc trưng của các lô động
vật thí nghiệm, Masson × 100

40

40


ĐẶT VẤN ĐỀ
Xơ gan là bệnh lý mạn tính gây tổn thương lan toả các tiểu thuỳ gan, đặc trưng
bởi quá trình xơ hóa, đảo lộn cấu trúc các tiểu thùy và mạch máu trong gan [26]. Với
hơn 1 triệu ca tử vong, xơ gan được xếp vào nguyên nhân gây tử vong đứng hàng thứ
11 trên thế giới [54]. Mặc dù những nghiên cứu gần đây đã giúp làm sáng tỏ một phần

cơ chế bệnh sinh của bệnh lý này, hiện tại vẫn chưa có thuốc nào được phê duyệt cho
mục đích dự phòng và điều trị xơ hóa tiến triển [56]. Điều này đặt ra nhu cầu cấp thiết
trong việc tìm kiếm và phát triển các tác nhân chống xơ hóa mới có tiềm năng áp
dụng trên lâm sàng.
Trong bối cảnh đó, nhiều mô hình gây xơ hóa gan trên động vật đã được xây
dựng và trở thành công cụ quan trọng trong nghiên cứu bệnh sinh cũng như phát hiện,
đánh giá các thuốc tiềm năng trong điều trị xơ hóa. Trong các mô hình đã được đề
xuất, gây xơ hóa bằng carbon tetraclorid (CCl4) trên chuột thí nghiệm là một trong
những mô hình được sử dụng phổ biến nhất [16]. Tuy nhiên, mô hình này vẫn còn
tồn tại nhiều khác biệt giữa các nghiên cứu khác nhau liên quan đến đường dùng, thời
gian dùng và chế độ liều của tác nhân gây xơ hóa. Ngoài ra, các chủng động vật thí
nghiệm thường khác nhau về đặc tính miễn dịch, dẫn đến biến thiên về đáp ứng giữa
các chủng khác nhau với cùng một chế độ liều của carbon tetraclorid [18]. Mặt khác,
đa số các nghiên cứu hiện nay thường sử dụng carbon tetraclorid theo đường tiêm
phúc mạc. Đường dùng này có một số hạn chế như xâm lấn, có thể gây viêm phúc
mạc mạn tính và ảnh hưởng đến thể trạng động vật thí nghiệm [40]. Trong khi đó,
các nghiên cứu sử dụng CCl4 theo đường uống hiện nay còn tương đối hạn chế và ít
được áp dụng tại Việt Nam. Hơn nữa, khi áp dụng mô hình gây xơ gan bằng CCl4,
phần lớn các nghiên cứu trong nước mới chỉ tập trung vào các tiêu chí gợi ý mức độ
tổn thương gan do xơ hóa như hoạt độ enzym gan và các chỉ số sinh hóa khác [2],
[3], [7], [8], [9]. Tuy nhiên, xơ gan là bệnh lý đặc trưng bởi sự biến đổi hình thái cấu
trúc gan do sự lắng đọng của các tổ chức xơ trong nhu mô gan và những thay đổi này
chỉ có thể đánh giá chính xác thông qua tiêu bản mô bệnh học gan [42]. Do vậy,

1


nghiên cứu này được thực hiện nhằm triển khai mô hình gây xơ gan bằng carbon
tetraclorid đường uống, sử dụng những thông số có thể phản ánh chính xác tình trạng
xơ hóa gan trên động vật thí nghiệm.

Vượng Can là chế phẩm kết hợp giữa một số cao dược liệu và hợp chất thiên
nhiên đã được biết đến với tác dụng chống oxy hóa, bảo vệ gan như: cỏ nhọ nồi, bại
tượng thảo, methionin … [1], [6]. Mặc dù đã có mặt trên thị trường với công dụng hỗ
trợ điều trị một số bệnh lý về gan trong đó có xơ gan, cơ sở khoa học chứng minh cho
hiệu quả tiền lâm sàng của chế phẩm này còn rất hạn chế. Do đó, ngoài mục tiêu triển
khai mô hình gây xơ gan thực nghiệm bằng carbon tetraclorid đường uống, nghiên
cứu cũng hướng đến việc đánh giá tác dụng chống xơ hóa của chế phẩm Vượng Can.
Xuất phát từ thực tế trên, đề tài “Triển khai mô hình gây xơ gan thực nghiệm
bằng carbon tetrachorid đường uống và áp dụng đánh giá tác dụng của chế
phẩm Vượng Can” được thực hiện với 2 mục tiêu:
1. Triển khai mô hình gây xơ gan thực nghiệm bằng carbon tetraclorid đường
uống trên chuột cống trắng.
2. Đánh giá tác dụng chống xơ hóa gan của chế phẩm Vượng Can trên mô hình
đã triển khai.

2


CHƯƠNG 1. TỔNG QUAN
1.1. Xơ gan
1.1.1. Định nghĩa
Xơ gan (cirrhosis) là bệnh lý mạn tính gây tổn thương lan toả ở các tiểu thuỳ
gan, đặc trưng bởi quá trình xơ hóa (fibrosis), đảo lộn cấu trúc các tiểu thùy và mạch
máu trong gan [26]. Hình thái học của xơ gan là kết quả của 3 quá trình đồng thời
hoặc nối tiếp: (1) viêm, hoại tử tế bào nhu mô gan; (2) sự tăng sinh xơ của tổ chức
liên kết tạo sẹo xơ hóa; (3) sự hình thành các hạt tái tạo từ tế bào gan còn nguyên vẹn
làm đảo lộn cấu trúc bình thường dẫn đến hình thành các u, cục trong nhu mô gan
[5].
1.1.2. Dịch tễ
Theo thống kê của tổ chức y tế thế giới (WHO), năm 2015, xơ gan là nguyên

nhân gây tử vong đứng hàng thứ 11 trên thế giới, gây ra hơn 1 triệu ca tử vong [54].
Tỉ lệ tử vong do xơ gan khá cao ở hầu hết các nước Châu Á và Châu Phi, nơi có tình
trạng viêm gan B và C mạn tính khá phổ biến [37]. Tại Việt Nam, năm 2012, xơ gan
là nguyên nhân gây tử vong đứng hàng thứ 9, gây ra hơn 14 nghìn ca tử vong (chiếm
2,7% tổng số ca tử vong) [54]. Bên cạnh đó, Việt Nam là một trong 3 quốc gia nằm
ở phía Tây Thái bình Dương có tỉ lệ nhiễm viêm gan virus cao nhất, ước tính khoảng
8,7 triệu người mắc viêm gan B và 1 triệu người mắc viêm gan C mạn tính (năm
2016); trong đó, tỉ lệ bệnh nhân viêm gan mạn tính chuyển thành xơ gan là khá cao
[55]. Trên thực tế, tỉ lệ bệnh nhân xơ gan có thể cao hơn so với các số liệu đã công
bố do bệnh nhân xơ gan ở giai đoạn còn bù thường không có triệu chứng và hầu hết
các trường hợp chỉ được phát hiện khi đã xuất hiện các biến chứng [32]. Tỉ lệ tử vong
trong vòng 1 năm của bệnh nhân xơ gan dao động từ 1% đến 57%, tùy thuộc vào giai
đoạn bệnh [17]. Bên cạnh đó, gần 50% bệnh nhân xơ gan sẽ xuất hiện cổ trướng trong
10 năm và gần một nửa số ca xuất hiện cổ trướng sẽ tử vong trong vòng 2 năm [26].

3


1.1.3. Nguyên nhân
Xơ gan bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân khác nhau. Các nguyên nhân thường
gặp là viêm gan B, C và do rượu. Ở các nước phát triển, hầu hết các trường hợp xơ
gan là do viêm gan nhiễm mỡ liên quan đến nghiện rượu hoặc viêm gan C [37]. Ở
khu vực Châu Á-Thái Bình Dương và Châu Phi, viêm gan B mạn tính là nguyên nhân
gây xơ gan thường gặp nhất [37]. Tổn thương ống mật cũng có thể gây xơ gan như
tắc nghẽn ống mật cơ học, xơ hóa đường mật nguyên phát. Bên cạnh đó, nhiều trường
hợp xơ gan không rõ nguyên nhân, có thể do các bệnh gan nhiễm mỡ không do rượu
gây ra [52].
Ngoài ra, một số nguyên nhân khác có thể dẫn tới xơ gan như: viêm gan tự miễn;
các bệnh di truyền (xơ hóa nang, thiếu alpha-1 antitrypsin …); phơi nhiễm với thuốc,
chất độc và các hóa chất khác (như methotrexat, isoniazid …); nhiễm kí sinh trùng

(sán máng, sán lá gan); rối loạn chuyển hóa (rối loạn chuyển hóa đồng, nhiễm sắc tố
sắt …) [5].
1.1.4. Cơ chế bệnh sinh
Xơ hóa gan là kết quả của đáp ứng làm lành tổn thương gan lặp đi lặp lại [33].
Quá trình xơ hóa gan tiến triển đặc trưng bởi 4 thay đổi cơ bản trong mô gan xơ hóa
so với mô gan bình thường: (1) tái sắp xếp mô học; (2) thay đổi vi cấu trúc của chất
nền ngoại bào (ECM-Extracellular matrix); (3) tăng hàm lượng ECM; (4) thay đổi
thành phần của ECM [7]. Sau tổn thương gan cấp tính (như viêm gan virus), các tế
bào nhu mô gan tăng sinh và thay thế các tế bào hoại tử hoặc bị chết theo chương
trình. Quá trình này liên quan đến phản ứng viêm và tích tụ có giới hạn chất nền ngoại
bào. Nếu tổn thương vẫn tiếp diễn, sự tái sinh của gan không đủ để phục hồi, các tế
bào gan sẽ bị thay thế bởi lượng lớn chất nền ngoại bào, bao gồm sợi collagen [16],
[33]. Khi xơ hóa phát triển, bệnh tiến triển từ các dải collagen thành xơ hóa bắc cầu
dẫn tới hình thành xơ gan [33].
Xơ hóa gan liên quan đến những thay đổi lớn cả về lượng và thành phần ECM.
Ở giai đoạn tiến triển, lượng ECM trong gan tăng khoảng 6 lần so với bình thường,
4


bao gồm collagen (typ I, III và IV), fibronectin, undulin, elastin, laminin, hyaluronan
và proteoglycan [32]. ECM có nguồn gốc từ rất nhiều loại tế bào, trong đó tế bào hình
sao (HSC) là các tế bào sản xuất ECM chủ yếu trong mô gan tổn thương. Ngoài ra,
một số loại tế bào trung mô từ nhiều nguồn khác nhau cũng đóng góp vào quá trình
hình thành và lắng đọng ECM, bao gồm các nguyên bào sợi cơ (MFB-myofibroblast)
ở khoảng cửa, các MFB tạo ra từ quá trình chuyển dạng biểu mô-trung mô, các tế bào
có nguồn gốc tủy xương … [56]. Trong gan bình thường, tế bào hình sao cư trú ở
khoang Disse và là nơi dự trữ vitamin A chủ yếu. Sau tổn thương mạn tính, các tế
bào hình sao được hoạt hóa và chuyển thành các nguyên bào sợi cơ. Các tế bào này
sẽ di chuyển và tích tụ ở những vùng mô cần sửa chữa, tiết ra một lượng lớn collagen
và chất nền ngoại bào, cuối cùng dẫn tới xơ hóa gan [31]. Ngoài tế bào hình sao, vai

trò của các tế bào có nguồn gốc từ tủy xương trong quá trình hình thành và lắng đọng
ECM ngày càng được hiểu rõ. Nghiên cứu của Kisseleva và cộng sự năm 2006 cho
thấy các tế bào sợi từ tủy xương hiện diện trong gan và có thể biệt hóa thành MFB
sản xuất collagen nhờ TGF-β [7]. Bên cạnh đó, một số bằng chứng cho thấy tế bào
trung mô ở khoảng cửa có liên quan đến quá trình xơ hóa [52]. Sự hoạt hóa và tăng
sinh của các tế bào này thành MFB khởi động quá trình tích tụ collagen gây lắng đọng
ECM. Ngoài ra, các nguyên bào sợi cơ có nguồn gốc từ quá trình chuyển dạng biểu
mô-trung mô đóng vai trò quan trọng trong quá trình phát sinh xơ hóa liên quan đến
các bệnh về ứ mật [46].
Hoạt hóa tế bào hình sao là sự kiện trung tâm trong xơ hóa gan [55]. Quá trình
này được khởi phát bởi nhiều yếu tố bao gồm các cytokin (đặc biệt là TGF-β, yếu tố
tăng trưởng có nguồn gốc tiểu cầu, các gốc oxy hoạt động (ROS), các tế bào chết theo
chương trình …) [19]. Quá trình hoạt hóa tế bào hình sao trải qua 2 giai đoạn chính:
giai đoạn khởi đầu (còn gọi là giai đoạn tiền viêm) và giai đoạn duy trì. Giai đoạn
khởi đầu có liên quan đến những thay đổi sớm về biểu hiện gen và kiểu hình đáp ứng
với các cytokin và các kích thích khác, chủ yếu liên quan đến các kích thích cận tiết.
Trong khi đó, giai đoạn duy trì là kết quả của các kích thích này trong việc duy trì
kiểu hình hoạt hóa và gây ra xơ hóa, liên quan đến vòng lặp tự tiết cũng như cận tiết.

5


Trong giai đoạn khởi đầu, những thay đổi sớm nhất của các tế bào hình sao có thể là
do kích thích cận tiết bởi các tế bào lân cận, bao gồm: tế bào nội mô mao mạch hình
sin, tế bào Kupffer, tế bào gan và tiểu cầu. Các tế bào nội mô có thể tham gia vào sự
chuyển đổi yếu tố tăng trưởng TGF-β sang dạng hoạt hóa, trở thành tác nhân gây xơ
hóa. Tiểu cầu cũng là nguồn kích thích cận tiết quan trọng, bao gồm các yếu tố tăng
trưởng có nguồn gốc tiểu cầu (PDGF), TGF-β1, yếu tố tăng trưởng biểu bì. Ngoài ra,
các tế bào Kupffer có thể tham gia vào quá trình họat hóa tế bào hình sao, chúng kích
thích tổng hợp chất nền, tăng sinh tế bào và giải phóng retinoid từ các tế bào hình sao

thông qua hoạt động của các cytokin (đặc biệt là TGF-β) và các gốc oxy hoạt động.
Các tế bào gan bị phá hủy giải phóng các gốc oxy hoạt động và các chất trung gian
gây xơ, kích thích hoạt hóa HSC và hoạt tính gây xơ hóa của các nguyên bào sợi cơ.
Giai đoạn duy trì kèm theo ít nhất 7 thay đổi quan trọng: (1) tăng sinh, (2) hóa ứng
động, (3) gây xơ hóa, (4) co bóp, (5) thoái biến chất nền, (6) mất retinoid, (7) hóa
hướng động bạch cầu và giải phóng cytokin. Những thay đổi này đều làm tăng lắng
đọng chất nền ngoại bào dẫn tới hình thành và tiến triển xơ gan [56].
Sự tích tụ ECM là hậu quả của sự tăng tổng hợp và giảm thoái biến chất nền
[33]. Do vậy, tăng cường thoái biến chất nền dần trở thành cơ chế chính của sự hồi
phục xơ gan. Yếu tố đóng vai trò quan trọng trong quá trình này là các
metalloproteinase (MMP) có tác dụng phân giải chất nền [55]. Quá trình thoái biến
chất nền diễn ra với sự tham gia của 4 enzym: MMP-2, MMP-9, stromelysin-1 và
metalloproteinase màng typ 1 hoặc typ 2. Trong đó, MMP-2 (chủ yếu từ các tế bào
hình sao), cùng với MMP-9 (tiết ra từ các tế bào Kupffer) có vai trò chính trong việc
phân hủy collagen typ 4. Stromelysin-1 là enzym thoái hóa proteoglycan,
glycoprotein và hoạt hóa collagenase. Enzym metalloproteinase màng typ 1 hoặc typ
2 đóng vai trò hoạt hóa MMP-2 [55]. Sự giảm hoạt động của các MMP phân giải chất
nền chủ yếu là do sự biểu hiện quá mức của các tác nhân ức chế đặc hiệu
metalloproteinase (TIMP) [33]. Tiến triển xơ hóa gan có liên quan mật thiết với sự
tăng TIMP-1 hoặc TIMP-2 làm giảm hoạt tính của các MMP phân giải protein, dẫn
đến tích tụ ECM. Tăng TIMP-1 được xem là tác nhân chính thúc đẩy xơ hóa tiến
6


triển, do vậy, giảm TIMP-1 là một trong những điều kiện tiên quyết cho phép đảo
ngược xơ hóa [56].
1.1.5. Tiếp cận điều trị chống xơ hóa gan
Với sự phát triển của y học hiện đại, nhiều hướng tiếp cận khác nhau trong điều
trị xơ hóa gan đã và đang được nghiên cứu. Trong đó, một số hướng tiếp cận phổ biến
bao gồm: (1) loại trừ nguyên nhân gây bệnh, (2) giảm viêm và đáp ứng miễn dịch

nhằm tránh hoạt hóa tế bào hình sao, (3) ức chế hoạt hóa tế bào hình sao, (4) ức chế
hoạt tính của tế bào hình sao đã hoạt hóa (trung hòa đáp ứng tăng sinh, gây xơ hóa,
co thắt và/hoặc đáp ứng viêm của tế bào hình sao), (5) hoạt hóa quá trình chết theo
chương trình của tế bào hình sao, (6) tăng thoái biến chất nền [19], [20].
Một số tác nhân chống xơ hóa hướng đến các đích tác dụng cụ thể được minh
họa tại Hình 1.1 [19].

Hình 1.1. Một số tác nhân chống xơ hóa hướng tới các đích tác dụng cụ thể
Chú thích: HSC: tế bào hình sao; HC: tế bào gan; BEC: tế bào biểu mô đường mật; Mϕ:
đại thực bào; MFB: nguyên bào sợi cơ, MMP: metalloproteinase gian bào, TIMP: chất ức
chế metalloproteinase, NK: tế bào diệt tự nhiên.

7


Loại bỏ nguyên nhân gây bệnh
Đây là phương pháp rất hiệu quả trong điều trị xơ hóa gan. Một số nghiên cứu
đã chỉ ra rằng điều trị nguyên nhân có thể làm ngừng tiến triển, thậm chí đảo ngược
xơ gan [37]. Việc loại bỏ HBV, HCV hoặc HDV bằng thuốc kháng virus có thể dẫn
đến sự đảo ngược xơ hoá và cải thiện chức năng gan. Tương tự, ngừng uống rượu,
điều trị hội chứng thừa sắt hoặc thừa đồng (bệnh Wilson) … cũng có thể thúc đẩy quá
trình phục hồi xơ hóa gan. Đặc biệt, các thuốc kháng virus thường được sử dụng như
IFN-α, ribavirin, lamivudin, adefovir, entecavir đã được chứng minh là có tác dụng
chống xơ hóa gan. Ở bệnh nhân viêm gan virus C có xơ gan giai đoạn còn bù, việc
điều trị bằng interferon giúp làm giảm tải lượng virus, giảm tiến triển xơ gan mất bù
và ung thư biểu mô tế bào gan trên 40% bệnh nhân thuộc genotyp 1 và 70% thuộc
bệnh nhân genotyp 2 hoặc 3. Việc điều trị lâu dài bằng các thuốc ức chế HBV dòng
L-Nucleosid không chỉ làm chậm tiến triển xơ gan, mà còn ngăn ngừa xuất hiện các
biến chứng xơ gan [37].
Giảm viêm và đáp ứng miễn dịch nhằm tránh hoạt hóa tế bào hình sao

Phản ứng viêm và đáp ứng miễn dịch là nguyên nhân trực tiếp phá hủy tế bào
gan và hoạt hóa HSC. Do đó, các liệu pháp chống viêm và ức chế miễn dịch là những
biện pháp quan trọng trong việc ức chế sự phát triển xơ hóa, đặc biệt đối với xơ hóa
và xơ gan do viêm gan virus, viêm gan tự miễn, xơ hóa đường mật nguyên phát. Các
thuốc chống viêm như celecoxib, các chất chống oxy hoá như taurin và vitamin E đều
cho thấy một phần tác dụng chống xơ hóa. Tương tự, glucocorticoid, azathioprin,
colchicin và rapamycin có tác dụng chống viêm, điều hòa miễn dịch, do vậy chúng
có thể hữu ích trong điều trị xơ hóa gan [52].
Quá trình chết theo chương trình của các tế bào gan là một sự kiện thường gặp
trong tổn thương gan, góp phần hình thành xơ hóa và phát triển xơ gan. Do đó, ngăn
ngừa quá trình chết theo chương trình và thúc đẩy quá trình tái tạo tế bào gan có thể
là những phương pháp hữu ích trong điều trị xơ hóa gan và xơ gan. Một nhóm các
thuốc mới được gọi chung là “thuốc bảo vệ gan” đã thể hiện vai trò tiềm năng trong

8


việc ngăn ngừa phát sinh xơ hóa, bao gồm yếu tố tăng trưởng tế bào gan (HGF), các
chất ức chế caspase, chất chống oxy hóa (silymarin) … [52].
Ức chế hoạt hóa tế bào hình sao
Quá trình hoạt hóa HSC không hoạt động thành MFB là sự kiện đóng vai trò
trung tâm trong quá trình phát sinh xơ hóa và trở thành đích tác dụng tiềm năng của
nhiều liệu pháp chống xơ hóa. Các nghiên cứu tập trung vào quá trình hoạt hóa HSC
đã xác định được rất nhiều các tác nhân chống xơ hóa có giá trị trên lâm sàng, trong
đó có các thuốc đồng vận PPARγ (pioglitazon), α/γ interferon, chất đối kháng TLR4. Các phối tử PPARγ tổng hợp có khả năng gắn vào các thụ thể của nó và làm giảm
hoạt hóa tế bào hình sao. Do vậy, rất nhiều thuốc đồng vận PPARγ đang được thử
nghiệm lâm sàng cho cả bệnh viêm gan nhiễm mỡ không do rượu và các bệnh gan xơ
hóa khác. Ngoài tác dụng kháng virus, IFN-α còn có thể điều hòa sự hoạt hóa tế bào
hình sao. IFN-γ đã được chứng minh có tác dụng làm giảm sự lắng đọng ECM trong
cơ thể bằng cách ức chế hoạt hóa HSC. Chuột được sử dụng IFN-γ đã giảm sản xuất

và tích tụ collagen, laminin, fibronectin và pro-collagen typ I trong gan. Tuy nhiên,
tác dụng chống xơ hóa gan của IFN-α và IFN-γ chưa nhất quán. Một nghiên cứu gần
đây đã cho thấy IFN-α và IFN-γ có khả năng chống lại quá trình chết theo chương
trình của các tế bào hình sao đã hoạt hóa [20].
Ức chế hoạt tính của tế bào hình sao đã hoạt hóa (trung hòa đáp ứng tăng sinh, gây
xơ hóa, co thắt và/hoặc đáp ứng viêm của tế bào hình sao)
Những bằng chứng mới về vai trò của các yếu tố tăng trưởng tạo điều kiện thuận
lợi cho việc phát triển các tác nhân chống xơ hóa, đặc biệt là các thuốc đối kháng
cytokin và thụ thể của nó. Nhờ hiểu biết sâu hơn về con đường truyền tín hiệu nội
bào thông qua các thụ thể tyrosin kinase như: PDGF, TGF-α; các chất đối kháng
cytokin đang được nghiên cứu sâu trên các mô hình in vivo hoặc in vitro (trên các tế
bào hình sao được phân lập), bao gồm các chất ức chế acid γ-linoleic, chất ức chế
HMG CoA reductase, perfenidon ... Hiện nay, các thuốc đối kháng TGF-β cũng đang
được thử nghiệm rộng rãi. Nhờ tác dụng đối kháng cytokin, các thuốc đối kháng TGF-

9


β có tác động kép, vừa ức chế sản sinh ECM, vừa đẩy nhanh sự thoái biến của phức
hợp này. Nhiều thử nghiệm in vivo và in vitro đã cung cấp bằng chứng cho hướng
điều trị này. Ngoài ra, các chất ức chế protein kinase như rapamycin, cùng với khả
năng ức chế sự tăng sinh tế bào hình sao có thể làm chậm tiến triển xơ hóa trên những
bệnh nhân nhiễm HCV tái phát [20].
Thúc đẩy quá trình chết theo chương trình của tế bào hình sao
Thúc đẩy quá trình chết theo chương trình của tế bào HSC cũng đang là đích
tác dụng thu hút được rất nhiều sự quan tâm. Một số tác nhân chống xơ hóa tác động
theo cơ chế này như: các phối tử gây chết tế bào theo chương trình liên quan đến TNF
(TRIAL), gliotoxin, sulfasalazin, cannabinosid ... Một nghiên cứu gần đây sử dụng
gliotoxin gây chết tế bào hình sao theo chương trình đã thể hiện tác dụng chống xơ
hóa trên chuột có tổn thương gan do CCl4, cung cấp thêm bằng chứng cho hướng tiếp

cận điều trị này [20].
Trong những năm gần đây, các nhà khoa học đã quan tâm đến vai trò của tế bào
diệt tự nhiên trong việc phục hồi xơ hóa. Sự kích hoạt tế bào diệt tự nhiên bởi acid
polyinosinic-polycytidylic hoặc interferon-gamma đã được chứng minh là gây chết
theo chương trình của các tế bào sao đã hoạt hóa và giảm mức độ hình thành các mô
sẹo trong hai mô hình xơ gan thực nghệm. Do đó, hoạt hóa các tế bào diệt tự nhiên
đã trở thành một hướng tiếp cận mới trong điều trị xơ hóa gan [31].
Tăng thoái biến chất nền
Bản chất của xơ hóa là đáp ứng làm lành vết thương quá mức, trong đó mô liên
kết được tạo ra quá nhiều trong gan, sản xuất một lượng lớn chất nền ngoại bào hình
thành các mô sẹo. Do đó, giảm chất nền ngoại bào là hướng tiếp cận rất quan trọng
trong việc tìm ra các tác nhân chống xơ hóa mới. Một số liệu pháp chống xơ hóa
hướng đến đích tác dụng này đã được đề xuất như: liệu pháp tế bào gốc, các chất ức
chế TIMP, halofuginon … Các thuốc đối kháng TGF-β có nhiều ưu điểm bởi tác dụng
kích thích sự thoái biến chất nền ngoại bào thông qua làm giảm số lượng các tác nhân
ức chế đặc hiệu metalloproteinase. Halofuginon, một hợp chất kháng khuẩn có hoạt
10


tính chống xơ hóa thông qua khả năng ức chế sản xuất collagen đã và đang được
nghiên cứu trong một số mô hình xơ gan thực nghiệm [20].
1.2. Các mô hình gây xơ gan trên động vật thí nghiệm
Các mô hình gây xơ gan trên động vật đã được sử dụng trong nhiều thập kỉ để
nghiên cứu xơ hóa gan và tác dụng của các tác nhân chống xơ hóa. Những mô hình
này đóng vai trò quan trọng trong việc tìm hiểu sâu hơn về cơ chế bệnh sinh cũng
như phát triển các liệu pháp điều trị xơ gan. Cho đến nay, nhiều mô hình xơ gan trên
động vật đã được xây dựng trên chuột nhắt, chuột cống, thỏ, lợn … nhằm mô phỏng
quá trình xơ hóa và xơ gan trên người [51]. Trong khuôn khổ cho phép, phần sau đây
chỉ đề cập một số mô hình gây xơ hóa gan thường áp dụng trên động vật thực nghiệm.
1.2.1. Gây xơ gan bằng các tác nhân hóa học

Các tác nhân hóa học thường được sử dụng là những chất gây tổn thương trực
tiếp tế bào gan, dẫn tới hoại tử, kích hoạt phản ứng viêm và một loạt các quá trình
phức tạp khác dẫn tới xơ hóa và xơ gan. Các tác nhân thường được sử dụng bao gồm
CCl4, thioacetamid, dimethylnitrosamin, diethylnitrosamin, dioxin, natri asenat, và
ethanol [41].
Nhóm mô hình này được sử dụng rất phổ biến bởi độ lặp lại cao, dễ thực hiện
và có nhiều điểm tương đồng với cơ chế gây xơ hóa gan trên người [16]. Tuy nhiên,
rất khó kiểm soát nếu tác nhân gây xơ hóa được đưa vào một cách tự do (qua thức ăn
hoặc nước uống) hoặc quá trình hấp thu, chuyển hóa các tác nhân gây xơ bị ảnh
hưởng. Việc sử dụng các tác nhân hóa học khác nhau cũng sẽ dẫn tới một số điểm
khác nhau về thời gian gây xơ hóa, thời gian phát triển thành xơ gan, vị trí tổn thương
điển hình của từng mô hình [40].
1.2.1.1. Gây xơ gan bằng carbon tetraclorid
Carbon tetrachlorid (CCl4) là chất gây xơ hóa được sử dụng rộng rãi nhất trong
các nghiên cứu về xơ gan trên động vật gặm nhấm [16]. Mô hình gây xơ gan sử dụng

11


carbon tetraclorid mang nhiều điểm tương đồng với với quá trình hình thành và phát
triển xơ gan do tiếp xúc với các tác nhân độc hại trên người [18].
Trong cơ thể CCl4 được chuyển hóa thành •CCl3 bởi hệ thống enzym CYP450
(CYP2E1). Gốc •CCl3 tạo thành phản ứng với các acid nucleic, protein và lipid làm
giảm tổng hợp protein, gây rối loạn chức năng màng tế bào và thúc đẩy quá trình
peroxy hóa lipid. Bên cạnh đó, gốc •CCl3 có thể phản ứng với các phân tử oxy tạo
thành gốc •OOCCl3. Đây là gốc tự do có tính ái điện tử lớn hơn gốc •CCl3 và có khả
năng tấn công các acid béo không no (quá trình peroxy hóa lipid). Sự tấn công của
các gốc tự do lên các lipid màng cuối cùng có thể dẫn đến chuỗi phản ứng peroxy hóa
lipid và gây hoại tử tế bào gan tại trung tâm tiểu thùy, từ đó kích hoạt hóa một loạt
các phản ứng làm lành vết thương của cơ thể để phục hồi sự toàn vẹn của tế bào gan.

Đó là quá trình rất phức tạp, trong đó có sự tăng sinh của các tế bào nhu mô và phi
nhu mô thay thế các tế bào hoại tử, sự tham gia của các tế bào thực bào, tế bào miễn
dịch để loại bỏ tổn thương, sự hoạt hóa tăng sinh sợi và chất nền ngoại bào. Nếu tổn
thương gan vẫn tiếp diễn, cuối cùng, sự tái sinh của gan không đủ để phục hồi, các tế
bào gan sẽ bị thay thế bởi lượng lớn chất nền ngoại bào, bao gồm sợi collagen, dẫn
tới tích tụ xơ hóa [36], [40].
Nhìn chung, khi sử dụng CCl4, xơ hóa thường phát triển rõ rệt sau 2-4 tuần phơi
nhiễm, xơ hóa bắc cầu nghiêm trọng sau 5-7 tuần và xơ gan thường xuất hiện sau 810 tuần phơi nhiễm. Xơ gan nốt nhỏ, tăng áp lực tĩnh mạch cửa, cổ trướng thường
xuất hiện sau 10-20 tuần. Tuy nhiên, thời gian hình thành xơ hóa và tiến triển thành
xơ gan khác nhau tùy thuộc vào liều lượng, đường dùng và động vật thí nghiệm [40].
Tiêm màng bụng là đường dùng phổ biến do khá thuận tiện, tính lặp lại cao và
dung nạp tốt, tuy nhiên, đường dùng này có thể gây viêm phúc mạc mạn tính, làm
ảnh hưởng đến thể trạng động vật thí nghiệm và kết quả của nghiên cứu [40]. Có
nhiều tranh luận xoay quanh vấn đề sử dụng CCl4 đường uống. Một số tác giả cho
rằng đường uống là đường dùng có tỉ lệ lặp lại kết quả xơ hóa cao nhất với tỉ lệ động
vật sống sót chấp nhận được. Trong khi một số tác giả khác không khuyến khích lựa

12


chọn đường uống do tỉ lệ tử vong cao ở giai đoạn đầu [16]. Tiêm dưới da là đường
dùng giúp làm giảm tỉ lệ tử vong ở động vật, tuy nhiên, đường dùng này có thể phát
triển u hạt tại chỗ tiêm [16]. Bên cạnh các đường dùng trên, CCl4 đường hít cũng đã
được sử dụng để gây xơ hóa gan trên thực nghiệm. Đường dùng này có nhiều ưu điểm
như: không xâm lấn, không gây các phản ứng viêm tại chỗ tiêm như đối với đường
tiêm dưới da và tiêm màng bụng. Tuy nhiên, để tiến hành phương pháp này đòi hỏi
cần có dụng cụ chuyên biệt và kinh nghiệm nhất định [40].
Với mục đích tăng độc tính của CCl4, một số tác giả đã sử dụng CCl4 cùng một
chất cảm ứng enzym CYP2E1. Bằng cách thêm phenobarbital vào nước uống, enzym
CYP2E1 được cảm ứng giúp đẩy nhanh quá trình hình thành xơ hóa, từ đó có thể rút

ngắn được thời gian gây mô hình. Tuy nhiên, phương pháp này cũng làm tăng tỉ lệ tử
vong trên động vật. Mặc dù những tổn thương ngoài gan là tối thiểu (do CYP2E1 ít
tồn tại ngoài gan), tình trạng viêm, hoại tử vẫn có thể xảy ra tại chỗ tiêm gây ảnh
hưởng xấu đến thể trạng động vật thí nghiệm [40].
Khoảng thời gian sau liều CCl4 cuối cùng cho đến khi giết động vật thí nghiệm
để lấy mẫu nghiên cứu cũng là yếu tố quan trọng. Sau liều CCl4 cuối cùng, nếu giết
chuột quá sớm, viêm và hoại tử là quá trình nổi bật. Tuy nhiên, nếu giết chuột quá
muộn (sau 3 ngày), quá trình phục hồi tổn thương chiếm ưu thế. Do vậy, thời điểm
48 đến 72 giờ sau liều CCl4 cuối cùng được cho là thời điểm tốt nhất để giết chuột và
lấy mẫu xét nghiệm [40].
1.2.1.2. Gây xơ gan bằng thioacetamid
Ngoài carbon tetraclorid, thioacetamid (TAA) là một tác nhân sinh ung thư
thường được sử dụng để gây xơ hóa gan trên động vật thực nghiệm [40]. Trong cơ
thể, TAA được chuyển hóa bởi CYP450 tạo thành chất chuyển hóa có độc tính
(thioacetamid sulphur dioxyd) [16]. Sử dụng TAA với liều thấp, kéo dài dẫn tới hình
thành các khối u trong gan; tuy nhiên khi sử dụng liều cao, tế bào gan bị hoại tử và
hình thành xơ hóa [41]. Khác với các tác nhân khác, tổn thương điển hình gây ra bởi
TAA là khu vực quanh tĩnh mạch cửa [40]. Salguero Palacios R. và cộng sự đã sử

13


dụng TAA thêm vào nước uống của chuột nhắt trắng với nồng độ 200 mg/l, kết quả
cho thấy trong thời gian dưới 10 tuần, xơ hóa phát triển chưa rõ rệt, xơ hóa nặng bắc
cầu được ghi nhận từ tuần thứ 16 trở đi [36]. Gần đây, Wallace M.C. và cộng sự đã
sử dụng TAA tiêm màng bụng với liều 150 mg/kg cân nặng, 3 lần/tuần và nhận thấy
xơ hóa gan phát triển rõ rệt trong khoảng 8-12 tuần [43]. Hạn chế khi sử dụng mô
hình TAA là cần một thời gian khá dài để phát triển xơ hóa. Bên cạnh đó, ung thư
đường mật và ung thư biểu mô tế bào gan cũng được mô tả trên chuột thí nghiệm sau
một thời gian dài tiếp xúc với TAA [40].

1.2.1.3. Gây xơ gan bằng dimethylnitrosamin và diethylnitrosamin
Dimethylnitrosamin (DMN) và diethylnitrosamin (DEN) là những hợp chất gây
ung thư thường được sử dụng để gây xơ hóa gan trên động vật thí nghiệm [41]. Cơ
chế gây xơ hóa gan của DMN và DEN tương tự như CCl4. Trong cơ thể, DMN và
DEN được chuyển hóa thành chất chuyển hóa có độc tính bởi CYP2E1, sản sinh ra
các gốc methyl hóa hoạt động. Sản phẩm cộng hợp tạo thành bởi các gốc methyl hóa
hoạt động và acid nucleic vừa gây độc tính trên gan vừa tạo ra các đột biến. Hoại tử
xuất hiện ở xung quanh các tĩnh mạch trung tâm cũng như ở khu vực xung quanh
khoảng cửa với các vách ngăn nối giữa khoảng cửa và trung tâm tiểu thùy sau một
vài tuần sử dụng DEN đường uống hoặc tiêm màng bụng [40]. Jin N. và cộng sự đã
sử dụng dung dịch DEN 1,5% với liều 5 ml/kg cân nặng trong vòng 3-11 tuần để gây
xơ hóa gan trên chuột cống trắng, kết quả cho thấy trong số 27 chuột được gây xơ
hóa bằng DEN, 4 chuột chưa hình thành xơ hóa gan, 8 chuột hình thành xơ hóa gan
rõ rệt và 15 chuột phát triển xơ gan [24]. Trên chuột nhắt trắng, DEN thường được
sử dụng với liều 100 μl/kg cân nặng trong vòng 12 tuần. DMN cũng được sử dụng
tiêm màng bụng trên chuột nhắt trắng với liều 10 μg/g, 3 lần/tuần trong 3 tuần [16].
Khác với các mô hình trên, xơ hóa gan gây ra bởi DEN và DMN vẫn được duy
trì và thậm chí phát triển trong nhiều tuần hoặc nhiều tháng sau khi ngừng tác nhân
gây xơ hóa. Ung thư sẽ phát triển sau một thời gian tiếp xúc với DEN (dù tiếp tục
dùng DEN hoặc đã ngừng sử dụng). Do đó, mô hình này không phải là lựa chọn hàng

14


đầu khi nghiên cứu xơ hóa đơn thuần, nhưng có thể được lựa chọn khi nghiên cứu
mối quan hệ giữa xơ hóa gan và ung thư biểu mô tế bào gan [40].
1.2.2. Gây xơ gan bằng phương pháp thắt ống dẫn mật
Mô hình gây xơ hóa gan và xơ gan sử dụng phương pháp thắt ống dẫn mật lần
đầu tiên được tiến hành trên chuột cống trắng bởi Rodríguez-Garay và cộng sự vào
năm 1996, sau đó được áp dụng cho chuột nhắt trắng bởi Miyoshi H. và cộng sự vào

năm 1999 [16]. Chuột cống trắng được đánh giá là đối tượng phù hợp với mô hình
này do cơ thể chúng thiếu túi mật [40].
Khi thắt ống dẫn mật, một loạt các biến cố xuất hiện bao gồm: tắc nghẽn ống
mật gây tăng áp lực đường mật, viêm, tăng tiết cytokin và ứ mật. Các tế bào biểu mô
đường mật tăng sinh, dẫn đến sự tăng sinh tiểu quản mật, kèm theo viêm và xơ hóa ở
khoảng cửa. Ngoài tế bào hình sao, các nghiên cứu đã chứng minh rằng các nguyên
bào sợi ở khoảng cửa cũng là những tế bào góp phần quan trọng vào quá trình gây xơ
hóa trên mô hình này [16], [40].
Với mô hình thắt ống dẫn mật, xơ hóa phát triển sau vài tuần, rối loạn huyết
động, cổ trướng thường xuất hiện sau 6-8 tuần. Nguyên nhân tử vong trong những
tuần đầu tiên thường do rò rỉ mật, vỡ u nang ống mật hoặc túi mật (trên chuột nhắt
trắng). Hạn chế lớn nhất khi sử dụng mô hình này trong nghiên cứu là tỉ lệ tử vong
cao (>20% và thường xảy ra sau tuần thứ 4). Tuy nhiên mô hình này vẫn có thể sử
dụng cho các nghiên cứu ngắn hạn về xơ gan do ứ mật [40].
1.2.3. Gây xơ gan bằng phương pháp miễn dịch
Gây xơ gan bằng huyết thanh dị chủng
Các kháng nguyên thường được sử dụng là huyết thanh lợn và ngựa, albumin
lòng trắng trứng, gamma globulin người và globulin huyết thanh lợn. Trong đó, tiêm
phúc mạc huyết thanh lợn được đánh giá là phương pháp cho hiệu quả cao nhất [41].
Khi tiêm dưới da (thường 2 lần/tuần) huyết thanh dị chủng (thường sử dụng
huyết thanh lợn với liều 0,5 ml/cá thể chuột cống hoặc 3,5 ml/kg cân nặng), xơ hóa

15


thường phát triển sau 5 tuần và tiến triển thành xơ gan sau khoảng 10 tuần [41]. Mức
độ xơ hóa phụ thuộc vào chủng động vật thí nghiệm [40]. Về mặt mô bệnh học, thay
đổi giải phẫu thường được đặc trưng bởi thâm nhiễm bạch cầu đơn nhân, tăng sinh
xơ ở khoảng cửa, hình thành các vách ngăn nối giữa khoảng cửa và các tĩnh mạch
trung tâm [41]. Với mô hình này, viêm là dạng tổn thương nổi bật do bạch cầu ái toan,

tế bào mast xâm nhập vào nhu mô gan [40]. Do đó, mô hình này thường được sử dụng
để nghiên cứu vai trò của các đại thực bào, tế bào hình sao và các nguyên bào sợi
trong xơ hóa gan [41].
Gây xơ gan bằng cách tiêm dưới da ấu trùng sán máng (Schistosomis mansoni)
Sau khi tiêm dưới da ấu trùng sán máng (Schistosomis mansoni), nhờ đáp ứng
viêm và đáp ứng miễn dịch với ấu trùng, u hạt phát triển trong gan trong sau 6- 8
tuần. Collagen gan tăng gấp 20 lần bình thường kèm theo giảm tổng hợp albumin. Cơ
chế tăng sinh collagen và giảm tổng hợp albumin được đánh giá là có liên quan đến
yếu tố tăng trưởng TGF-β [41].
1.2.4. Mô hình động vật biến đổi gen
Mô hình động vật biến đổi gen đã được sử dụng rộng rãi trong các nghiên cứu
về xơ hóa gan trong nhiều thập kỉ qua. Những mô hình này cho phép hiểu sâu hơn về
vai trò của một số protein trong quá trình hình thành xơ gan, từ đó tạo điều kiện cho
việc phát hiện các tác nhân chống xơ hóa mới. Trong đó, chuột biến đổi gen mdr2 và
alms1 là những mô hình phổ biến nhất [16].
Mdr2 là một gen mã hóa cho P-glycoprotein có liên quan đến bài tiết
phospholipid mật. Khi thiếu P-glycoprotein, quá trình bài tiết phospholipid vào mật
bị cản trở. Do đó, chuột bị khiếm khuyết gen mdr2 sẽ phát triển kiểu hình giống xơ
hóa đường mật nguyên phát ở người; bao gồm hoại tử tế bào gan, phản ứng viêm ở
khoảng cửa và sự phá hủy các tiểu quản mật. Chuột khiếm khuyết gen mdr2 sẽ xuất
hiện xơ hóa đường mật ở 4-8 tuần tuổi. Sau 4 tuần, TGF-β và các chất chỉ điểm hoạt
hóa HSC bao gồm α-SMA, MMP-22 và PDGF-β tăng đáng kể. Sự xuất hiện của một
lượng lớn collagen được ghi nhận ở tuần thứ 8, dẫn đến sự hình thành cấu trúc sẹo xơ
16


×