SỞ GD&ĐT THANH HÓA
TRƯỜNG THPT NHƯ THANH II
Sáng kiến kinh nghiệm
“RÈN LUYỆN KĨ NĂNG XÂY DỰNG ĐOẠN VĂN
TRONG VĂN NGHỊ LUẬN NHẰM TĂNG CƯỜNG NĂNG
LỰC DIỄN ĐẠT CHO HỌC SINH LỚP 10 Ở TRƯỜNG
THPT NHƯ THANH II”
Họ và tên: Nguyễn Văn Lực
Chức vụ: giáo viên
Đơn vị công tác: Trường THPT Như Thanh II
Sáng kiến kinh nghiệm thuộc môn Ngữ văn
Tháng 5 năm 2016
1
A. ĐẶT VẤN ĐỀ
I/ Lí do chọn đề tài
Văn nghị luận là kiểu bài văn quan trọng và phổ biến nhất trong nhà
trường hiện nay - nhất là với cấp học THPT - không chỉ có nghị luận văn học
mà còn nghị luận về một tư tưởng đạo lý, nghị luận về một hiện tượng xã hội...
Đó là kiểu văn yêu cầu người học sinh để làm được cần phải huy động dường
như tất cả các thao tác tư duy - thao tác lập luận. Đặc trưng của bài văn nghị
luận là phải xác lập và cung cấp, trình bày được cho người đọc, người nghe một
tư tưởng, quan điểm nào đó – các yếu tố luận điểm, luận cứ và lập luận đóng
vai trò quyết định tạo nên đặc trưng kiẻu bài này.
Một trong những vấn đề cơ bản còn yếu của học sinh hiện nay trong quá
trình diễn đạt, trong hành văn – theo tôi, đó là kỹ năng viết câu và tổ chức đoạn
văn, nhất là với những học sinh khối 10. Rất nhiều học sinh cấp THPT thậm chí
còn không biết cách để trình bày một vấn đề sao cho gãy gọn, trôi chảy - đó là
chưa nói đến tình trạng nhiều học sinh nói và viết rất vụng về, tối nghĩa, mơ
hồ.v.v. Khắc phục những yếu kém đó không phải là câu chuyện có thể đưa ra
ngay lời giải mà nó cần được tiến hành một cách có hệ thống và phải được tổ
chức một cách kiên trì, bền vững. Chúng ta nên bắt đầu từ những khâu cơ bản
như trang bị kiến thức về đặc trưng kiểu bài làm văn, những phương pháp hành
văn cơ bản… để học sinh có thể tự nhận thức và thực hành rèn luyện cho mình
những kỹ năng trình bày một vấn đề sáng rõ, chặt chẽ và có sức thuyết phục.
Xuất phát từ thực tế trên, với vai trò là một giáo viên giảng dạy Ngữ văn,
tôi thấy mình phải có trách nhiệm trong việc thay đổi nhận thức, hạn chế và
khắc phục, loại bỏ những yếu kém trong việc trình bày vấn đề – trong quá trình
hành văn - của học sinh.
“Rèn luyện kỹ năng xây dựng đoạn văn trong văn nghị luận nhằm
tăng cường năng lực diễn đạt cho học sinh lớp 10 ở trường Trung học phổ
thông Như Thanh II” là một trong những phương pháp cơ bản để góp phần
thực hiện mục đích giáo dục như đã nói trên. Để tổ chức công việc này có hiệu
quả, tạo được hứng thú tham gia tiết học đối với học sinh, theo tôi chúng ta cần
xây dựng một hệ thống các dạng bài tập tình huống để kích thích việc tìm hiểu thực hành nơi người học. Bởi vì trong khung chương trình giảng dạy không có
tiết học về rèn luyện kỹ năng xây dựng đoạn văn, cho nên chúng ta có thể lồng
ghép tổ chức rèn luyện kỹ năng xây dựng đoạn văn nghị luận cho học sinh trong
2
các bài học về văn nghị luận hoặc có thể sử dụng vào những tiết học tự chọn
(1tiết/tuần). Từ thực tế áp dụng việc thực hành rèn luyện kỹ năng tổ chức xây
dựng đoạn văn trong văn nghị luận những năm qua trong giảng dạy, tôi nhận
thấy bước đầu đã tạo được hứng thú cho học sinh và cũng đã khắc phục được
tương đối những hạn chế trong trình bày và diễn đạt vấn đề của các em. Tất
nhiên để đạt được điều này phải phối hợp với nhiều biện pháp khác (nhất là
trong khâu chấm - trả bài cho học sinh).
II/ Mục đích nghiên cứu
- Khắc phục những hạn chế trong việc trình bày, diễn đạt (nói và viết) còn
rất phổ biến của học sinh hiện nay tại trường THPT Như Thanh II (phần lớn học
sinh là con em dân tộc thiểu số, kĩ năng về tiếng Việt còn vụng về, yếu – đặc
biệt là trong khả năng viết câu văn, đoạn văn).
- Giúp học sinh có khả năng diễn đạt trong sáng, trôi chảy, mạch lạc những
suy nghĩ, ý kiến, quan điểm của mình về một vấn đề nào đó được đặt ra trong
cuộc sống (hoặc trong văn học).
- Hiểu và biết vận dụng những kiến thức, kĩ năng trong việc viết câu, xây
dựng đoạn văn để viết được bài văn nghị luận đạt yêu cầu.
- Giúp học sinh có thể tự tin hơn trong các hoạt động ngôn ngữ (trong nhà
trường và ngoài xã hội).
III/ Đối tượng nghiên cứu
- Đề tài tập trung nghiên cứu, tìm phương hướng giúp cải thiện khả năng
viết câu, triển khai đoạn văn cho học sinh trong quá trình làm văn.
- Đối tượng áp dụng chủ yếu: học sinh các lớp 10B3, 10B5 (trường THPT
Như Thanh II, năm học 2015 - 2016)
IV/ Phương pháp nghiên cứu
- Phương pháp nghiên cứu xây dựng cơ sở lí thuyết
- Phương pháp thực hành
- Phương pháp khảo sát, thống kê và xử lí số liệu.
3
B. GIẢI QUYẾT VẤN ĐỀ
I/ Cơ sở lí luận.
1. Văn nghị luận là thể loại văn “viết về những vấn đề nóng bỏng thuộc
nhiều lĩnh đời sống khác nhau: chính trị, kinh tế, văn hóa, triết học, đạo đức,
lối sống… Mục đích của văn nghị luận là bàn bạc, thảo luận, phê phán hay
truyền bá tức thời một tư tưởng, một quan điểm nào đó nhằm phục vụ trực tiếp
cho lợi ích của một tầng lớp, một giai cấp nhất định… Đặc trưng cơ bản của
văn nghị luận là tính chất luận thuyết - khác với văn học nghệ thuật, văn nghị
luận chủ yếu thuyết phục người đọc bằng lí lẽ, lập luận…”.
Về nội dung: bài văn nghị luận phải nêu được sự việc, hiện tượng có vấn
đề; phân tích mặt đúng, mặt sai, mặt lới, mặt hại của nó; chỉ ra nguyên nhân và
bày tỏ thái độ, ý kiến nhận định của người viết.
Về hình thức: bố cục phải mạch lạc, có luận điểm rõ ràng, luận cứ xác
thực, phép lập luận phù hợp, lời văn chính xác, sinh động, thuyết phục.
2. Đoạn văn
Về nội dung: Đoạn văn diễn đạt tương đối trọn vẹn một ý
Về hình thức: Đoạn văn là phần văn bản
+ Bắt đầu từ chữ viết hoa lùi vào đầu dòng.
+ Kết thúc bằng một dấu chấm xuống dòng.
+ Đoạn văn thường là sự kết hợp, liên kết từ nhiều câu tạo thành.
3. Đoạn văn nghị luận là một phần của văn bản nghị luận. Thông thường,
trong văn nghị luận, mỗi đoạn văn tương đương một ý – một luận điểm.
II/ Thực trạng vấn đề trước khi áp dụng SKKN
Các tiết học làm văn nói chung, văn nghị luận nói riêng nhìn chung học
sinh còn tỏ ra rất thụ động, thường chỉ có một số ít học sinh tham gia trao đổi,
thực hiện các yêu cầu do giáo viên đặt ra một cách chủ động, tích cực. Đó là
một thực tế khiến mỗi giáo viên không khỏi trăn trở.
Từ thực tiễn của các hoạt động giao tiếp - nói và viết - cho thấy rằng,
việc diễn đạt, trình bày vấn đề lúng túng, rối ý, tối nghĩa…diễn ra rất phổ biến ở
phần đông học sinh hiện nay tại trường THPT Như Thanh II, nhất là đối với học
sinh khối 10 (ở nhiều mức độ khác nhau). Vấn đề này càng đặc biệt đáng báo
động ở những đối tượng học sinh yếu – kém.
4
Những câu văn ngớ ngẩn, những đoạn diễn đạt vụng về, rối ý, tối nghĩa
có thể tìm thấy dễ dàng ở bài làm văn của nhiều học sinh…
Ví dụ: 1/ Bài làm của một học sinh lớp 10B3 với đề bài “Tâm trạng của
Thúy Kiều qua đoạn thơ Trao duyên” – trích Truyện Kiều, Nguyễn Du, có đoạn
viết: Vì em còn trẻ nên gửi tặng em duyên của mình cho em, làm tròn chức
vụ kết duyên cho Kim Trọng thay mình. Dù Kiều có bị sao hay nữa vẫn vui
vẻ ngậm cười khi thấy em mình trao duyên với Kim Trọng.
2/ Đây là bài làm của một học sinh khác ở lớp 10B3 (vẫn với đề bài trên),
trong bài có đoạn viết: Một bên là chư “Hiếu”, bên kia là chữ “Tình” đã gây
lên cho Kiều một cú sốc cực lớn khiến Kiều đành chọn chữ “Hiếu” để không
phụ lòng cha nàng, còn chữ “Tình” thì đã giao lại cho em gái mình là vân
lúc Trao duyên…
Điều đáng buồn, đáng báo động là chính bản thân các em lại không nhận
thức được điều này, cho nên thấy sai nhưng lại không có dấu hiệu khắc phục…
thậm chí còn sai nhiều hơn (sau mỗi lần giáo viên chấm, trả bài)! Thực tế đó
buộc chúng ta phải suy nghĩ, tìm hướng khắc phục (càng sớm càng tốt)
III/ Các giải pháp thực hiện.
Điều cốt lõi của phương pháp này là giáo viên phải tìm hiểu kỹ những tài
liệu có liên quan để có thể xây dựng một kế hoạch dạy học hợp lý, một hệ thống
những bài tập tình huống - mô hình đa dạng có khả năng lôi cuốn hứng thú
khám phá, hứng thú thực hành đối với học sinh.
Công tác chuẩn bị hệ thống kiến thức, tìm và lựa chọn ngữ liệu của giáo
viên là khâu rất quan trọng. Ví dụ phải vừa sức, có tính giáo dục và phải gắn
liền với kiến thức về những tác phẩm văn học trong nhà trường (cả ở THSC và
THPT). Trên cơ sở đó, giáo viên định hướng, gợi ý để phát huy tính tích cực,
chủ động, sáng tạo của học sinh trong từng đơn vị kiến thức.
Giáo viên sưu tầm tài liệu, trước hết trang bị cho học sinh những kiến thức
về lý thuyết bài học (văn nghị luận, đoạn văn nghị luận, luận điểm, luận cứ,
cách lập luận…). Từ đó đưa người học vào những bài tập tình huống, giáo viên
gợi ý hướng dẫn các em phân tích ví dụ và thực hành tại lớp. đồng thời cuối
mỗi buổi học, giáo viên ra bài tập yêu cầu học sinh về nhà thực hiện để củng cố
những kiến thức đã học.
5
Tiến hành lồng ghép kiểu tổ chức rèn luyện kỹ năng này vào những buổi thực
hành luyện tập làm văn để củng cố vững chắc hiểu biết, nhận thức cho học sinh.
*******************
1. Bước thứ nhất: trang bị cơ sở lí thuyết cho học sinh
Muốn triển khai thành văn bản một bài văn, trước hết phải biết xây dựng
một đoạn văn vì đoạn văn là đơn vị nòng cốt làm nên văn bản. Việc cung cấp lí
thuyết rất cần thiết để học sinh ý thức được, nhận diện được đoạn văn, vai trò
của đoạn văn… Từ đó giúp các em có kiến thức để thực hành.
a. Văn nghị luận là loại văn được viết ra nhằm xác lập cho người đọc,
người nghe một tư tưởng, quan điểm nào đó. Muốn thế, văn nghị luận cần phải
có các yếu tố: luận điểm, luận cứ và phương pháp lập luận.
- Luận điểm là ý kiến thể hiện tư tưởng, quan điểm của người viết trong
bài văn nghị luận.
- Luận cứ là những lí lẽ, dẫn chứng (lí lẽ giúp người ta hiểu, dẫn chứng
giúp người ta tin) đưa ra làm cơ sở cho luận điểm, làm sáng rõ luận điểm. Luận
cứ phải chân thực, chính xác và tiêu biểu.
- Phương pháp lập luận là cách thức lựa chọn, sắp xếp, trình bày luận
cứ để dẫn đến luận điểm sao cho chặt chẽ, thuyết phục. Một số phương pháp lập
luận quen thuộc như: Diễn dịch, Quy nạp, So sánh, Nêu phản đề…
b. Đoạn văn
- Về nội dung: Đoạn văn thường diễn đạt một ý tương đối hoàn chỉnhmột nội dung nhất định.
- Về hình thức: Đoạn văn là phần văn bản tính bắt đầu từ chữ viết hoa lùi
đầu dòng, kết thúc bằng dấu chấm xuống dòng. đoạn văn do nhiều câu tạo thành.
c. Đoạn văn thường có từ ngữ chủ đề và câu chủ đề.
- Từ ngữ chủ đề là những từ ngữ được lặp lại nhiều lần (thường là danh
từ, đại từ, các từ đồng nghĩa) nhằm duy trì đối tượng biểu đạt.
- Câu chủ đề là câu mang nội dung khái quát, lời lẽ ngắn gọn, thường đủ
hai thành phần chính và đứng đầu hoặc cuối đoạn văn.
d. Đoạn văn nghị luận:
Là một phần của văn bản nghị luận, mỗi đoạn văn nghị luận thường thể
hiện một luận điểm.
2. Bước thứ hai: Rèn luyện một số kĩ năng xây dựng đoạn văn nghị luận
nhằm cải thiện năng lực diễn đạt cho học sinh.
6
Hoạt động 1: Nhận biết
Giáo viên cung cấp và phân tích một số ví dụ mẫu về văn Nghị luận, từ đó
giúp học sinh nhận thức được rằng, công việc làm văn nghị luận không dừng lại
ở việc tìm ra luận điểm. Người viết còn phải tiếp tục thực hiện một bước rất quan
trọng khác là trình bày những luận điểm mà mình đã tìm ra. Không biết trình bày
luận điểm thì mục đích nghị luận sẽ không thể nào đạt được, cho dù người làm
bài đã tập hợp đủ các ý kiến, quan điểm cần thiết cho việc giải quyết vấn đề.
Ví dụ:
1/ Để giải quyết vấn đề tại sao phải dời đô, trong “Chiếu dời đô”, Lý
Công Uẩn đã đưa ra hệ thống các luận điểm:
- Các triều đại trước đây đã nhiều lần dời đô về nơi trung tâm để mưu
toan việc lớn;
- Việc “cứ đóng yên đô thành ở đây” của hai triều đại Đinh, Lê đã không
còn thích hợp vối sự phát triển của đất nước;
- Khẳng định thành Đại La là nơi tốt nhất để chọn làm kinh đô.
2/ Để khẳng định truyền thống yêu nước của nhân dân ta, trong tác phẩm
“Tinh thần yêu nước của nhân dân ta”, tác giả Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh
đã đưa ra các luận điểm như sau:
- Lịch sử đã chứng tỏ tinh thần yêu nước nồng nàn của dân tộc;
- Đồng bào ta ngày nay rất xứng đáng với tổ tiên ta ngày trước;
- Bổn phận của chúng ta là phải biến lòng yêu nước thành những hành
động yêu nước.
3/ Để nói về vấn đề sử dụng tiếng nước ngoài tùy tiện, tràn lan trên báo
chí, quảng cáo ở nước ta hiện nay, tác giả Hữu Thọ trong “Chữ Ta” đã đưa ra
các luận điểm sau:
- Tiếng nước ngoài (chủ yếu là tiếng Anh) đang lẫn lướt tiếng Việt trên
các bảng hiệu, quảng cáo;
- Một số trường hợp, tiếng nước ngoài còn được đưa vào báo chí một
cách tùy tiện không cần thiết, gây thiệt thòi cho người đọc trong nước.
Như vậy, các văn bản nghị luận trên coi như công việc tìm và sắp xếp
luận điểm của chúng ta đã hoàn thành một cách hợp lí rồi. Song điều đó chưa
thể khẳng định là chúng ta sẽ có thể có một bài làm văn nghị luận tốt! Chưa thể
vì còn phải biết trình bày luận điểm như thế nào mới thuyết phục được người
đọc người nghe, nghĩa là phải biết viết đoạn văn trình bày luận điểm sao cho
logic, hợp lí và có sức thuyết phục.
Ví dụ về một đoạn văn nghị luận có lập luận chặt chẽ, giàu sức thuyết phục:
7
“Đồng bào ta ngày nay rất xứng đáng với tổ tiên ta ngày trước. Từ các
cụ già tóc bạc đến các cháu nhi đồng trẻ thơ, từ những kiều bào ở nước ngoài
đến những đồng bào ở vùng tạm bị chiếm, từ nhân dân miền ngược đến miền
xuôi, aai ai cũng một lòng nồng nàn yêu nước, ghét giặc. Từ những chiến sĩ
ngoài mặt trận chịu đói mấy ngày để bám sát lấy giặc đặng tiêu diệt giặc, đến
những công chức ở hậu phương nhịn ăn để ủng hộ bộ đội, từ những phụ nữ
khuyên chồng con đi tòng quân mà mình thì xung phong đi giúp việc vận tải,
cho đến các bà mẹ chiến sĩ săn sóc yêu thương bộ đội như con đẻ của mình. Từ
những nam nữ công nhân và nông dân thi đua tăng gia sản xuất, không quản
khó nhọc để góp một phần vào kháng chiến, cho đến những đồng bào điền chủ
quyên ruộng cho Chính phủ…Những cử chỉ cao quý đó, tuy khác nhau nơi việc
làm, nhưng đều giống nhau nơi lòng nồng nàn yêu nước”. (Hồ Chí Minh –
“Tinh thần yêu nước của nhân dân ta”).
Đoạn văn trên gồm 5 câu. ta có thể phác họa mô hình lập luận của đoạn
văn trên như sau:
Câu 1: câu chủ đề – câu nêu lên luận điểm
Câu 2:
luận cứ
Câu 3:
luận cứ
Câu 4:
luận cứ
Câu 5:
luận cứ
Trong việc trình bày đoạn văn nghị luận, điều cần lưu ý nhất là luận
điểm cần rõ ràng, chính xác, phù hợp và đủ để làm sáng tỏ vấn đề được đặt ra.
+ Luận điểm có sức thuyết phục là nhờ có luận cứ
+ Luận cứ phải chính xác, chân thực, đầy đủ.- tìm đủ các luận cứ cần
thiết, tổ chức lập luận theo một trình tự hợp lí để làm nổi bật luận điểm.
Trong một đoạn văn nghị luận có thể kết hợp nhiều cách lập luận khác nhau.
chẳng hạn, kết hợp lập luận diễn dịch với song hành, kết hợp song hành với quy
nạp…
Với trình độ học sinh lớp 10, chúng ta chỉ cần cho các em tập trình bày luận
điểm theo các cách diễn dịch, quy nạp và song hành. Bởi vậy trong khuôn khổ
SKKN này, tôi chủ yếu xây dựng và rèn luyện cho học sinh hệ thống kỹ năng
triển khai đoạn văn nghị luận theo những cách nói trên.
8
a/ Diễn dịch:
Là cách trình bày đi từ ý khái quát (câu chủ đề nêu luận điểm) đến các ý
chi tiết cụ thể (các luận cứ) làm sáng tỏ ý khái quát đó. Câu mang nội dung khái
quát đứng ở đầu đoạn.
Sơ đồ lập luận:
Câu (1): nêu luận điểm (câu chủ đề)
Câu 2: luận cứ
Câu 3: luận cứ
Câu 4: luận cứ
Ví dụ:
Tham nhũng là vấn đề được quan tâm hàng đầu ở châu Á. Chính phủ Hàn
Quốc bắt giam hai cựu Bộ trưởng quốc phòng và hai cựu tướng lĩnh về tội nhận
hối lộ một triệu đô la. Giới lập pháp ở Đài Loan hiện phải công khai tài sản của
mình và rồi đây các viên chức cao cấp trong chính phủ cũng sẽ làm điều đó.
Cũng do tham nhũng, Đảng Dân chủ tự do cầm quyền ở Nhật Bản đã mất đa số
ghế tại Hạ viện.
(Báo Tuổi trẻ, số ngày 05/08/1993)
b/ Quy nạp:
Cách lập luận ngược lại với diễn dịch. Là cách trình bày đi từ các ý chi tiết
cụ thể (các luận cứ) rồi rút ra ý khái quát. Câu chủ đề (câu nêu luận điểm) đứng
ở cuối đoạn văn.
Sơ đồ lập luận:
Câu 1: luận cứ
Câu 2: luận cứ
Câu 3: luận cứ
…
Câu nêu luận điểm (câu chủ đề).
Ví dụ:
Tại Nhật Bản, do tham nhũng Đảng Dân chủ tự do cầm quyền đã mất đa
số ghế tại Hạ viện. Chính phủ Hàn Quốc bắt giam hai cựu Bộ trưởng quốc
phòng và hai cựu tướng lĩnh về tội nhận hối lộ một triệu đô la. Giới lập pháp ở
Đài Loan hiện phải công khai tài sản của mình và rồi đây các viên chức cao cấp
9
trong chính phủ cũng sẽ làm điều đó. Tham nhũng là vấn đề đang được quan
tâm hàng đầu ở châu Á.
c/ Song hành:
Song hành là cách lập luận ý giữa các câu ngang nhau (các câu đều là luận
cứ) không có câu chủ đề (không có câu nào là câu nêu lên luận điểm).
Sơ đồ lập luận:
Câu 1
Câu 2
luận cứ
luận cứ
Câu 3 …..
luận cứ
Ví dụ:.
Văn Nguyễn Tuân tài hoa, uyên bác. Văn Thạch Lam nhẹ nhàng, tinh tế.
Văn Nam Cao sắc lạnh, giàu tính triết lí. Còn Vũ Trọng Phụng thì chua chát, bi
phẫn.
Câu chủ đề ẩn: Phong cách riêng của các nhà văn hiện đại Việt Nam.
Hoạt động 2: Rèn luyện một số kĩ năng xây dựng đoạn văn nghị luận
cho học sinh
Rèn luyện kĩ năng xây dựng đoạn văn nghị luận (trình bày luận điểm)
cho học sinh - theo tôi nghĩ, chúng ta nên bắt đầu cho học sinh rèn luyện kỹ
năng từ mức độ thấp đến cao, từ thực hành nhận biết đến thực hành sáng tạo.
Trên cơ sở tìm hiểu một số tài liệu có liên quan đến việc hướng dẫn rèn luyện kĩ
năng xây dựng đoạn văn cùng với thực tiễn quá trình giảng dạy những năm qua
đối với học sinh lớp 10 (cả một bộ phận học sinh 11, 12) trường THPT Như
Thanh II, tôi đã xây dựng một hệ thống những bài tập giúp rèn luyện kĩ năng
viết đoạn văn nghị luận cho học sinh như sau.
a. Xác định và trình bày luận điểm, luận cứ trong đoạn văn
* Mục đích.
- Hình thành dần ở học sinh tư duy trình bày, giải quyết vấn đề bằng việc xác
lập những ý kiến, tư tưởng cụ thể, rõ ràng; biết đưa ra những kết luận cho lập
luận.
- Khắc phục tình trạng lan man, chung chung, mơ hồ trong diễn đạt còn khá
phổ biến ở học sinh
10
- Nhận thức được rằng, mỗi ý kiến, quan điểm mà mình đưa ra để giải quyết
vấn đề cần phải có những dẫn chứng, chứng cứ tiêu biểu, đủ sức nặng để chứng
minh, thuyết phục. Đồng thời khắc phục một nhầm tưởng của không ít học sinh
rằng bài văn không phải là bài liệt kê, mô tả dẫn chứng đơn thuần.
* Yêu cầu.
- Luận điểm nêu ra phải đúng đắn, sáng rõ, tập trung, có tính định hướng và
đáp ứng nhu cầu thực tế. (Đúng đắn nghĩa là luận điểm phải phù hợp với lẽ phải
được thừa nhận. Sáng rõ tức là luận điểm được diễn đạt chuẩn xác, không mập
mờ, mơ hồ, mâu thuẫn. Tập trung nghĩa là các luận điểm trong bài đều phải
hướng vào làm rõ vấn đề nghị luận. Luận điểm cần có tính định hướng nhằm
giải quyết những vấn đề về nhận thức và tư tưởng đặt ra trong cuộc sống…)
- Luận cứ (dẫn chứng, lí lẽ) phải phù hợp, thống nhất với yêu cầu khăng định
của luận điểm.
- Luận cứ phải xác thực, đúng đắn. Biết không chắc chắn thì không nên sử
dụng. Tuyệt đối không được bịa đặt, “sáng tạo” luận cứ.
- Luận cứ phải tiêu biểu, nổi bật; phải vừa đủ , đáp ứng nhu cầu chứng minh
toàn diện cho luận điểm.
- Luận cứ phải mới mẻ (nếu phải sử dụng lại luận cứ quen thuộc tì cố gắng
khai thác khía cạnh mới của luận cứ).
Khi nêu luận cứ, phải giới thiệu luận cứ, có trường hợp phải chỉ rõ nguồn gốc
của luận cứ (ví dụ: câu thơ đó của ai , số liệu này lấy ở đâu…). Mặt khác cần
trích dẫn chuẩn xác luận cứ (Nhớ nguyên văn thì đặt trong ngoặc kép, nếu
không thì nêu đại ý…).
* Cách thức xác định và trình bày
- Để xác định luận điểm, có thể tìm hiểu một số cách sau:
+ Xác định luận điểm từ việc khai thác những dữ liệu của đề bài
Ví dụ: Đề bài.
Có ý kiến nhận định “Tác phẩm của Nam Cao không những đã vạch ra nỗi
khổ cùng cực của người nông dân mà còn thể hiện cảm động bản chất đẹp đẽ,
cao quí trong tâm hồn họ”.
Dựa vào sáng tác của nhà văn Nam Cao mà anh/chị biết, hãy chứng minh
nhận định trên.
11
=> Từ dữ liệu của đề bài, ta thấy có 2 vấn đề (2 luận điểm) cần giải quyết:
. Nỗi khổ cùng cực, thê thảm của người nông dân qua sáng tác của Nam Cao
. Những bản chất đẹp đẽ, cao quý trong tâm hồn người nông dân qua tác
phẩm Nam Cao.
+ Xác định luận điểm bằng cách đặt câu hỏi. Chẳng hạn, đề yêu cầu nghị luận
về vấn đề Ô nhiễm môi trường, chúng ta có thể xây hệ thống dựng luận điểm
bằng cách tự đặt câu hỏi để trả lời, như: Như thế nào là ô nhiễm môi trường? Ô
nhiễm môi trường diễn ra ở những phạm vi nào? Hậu quả của tình trạng ô
nhiễm môi trường là gì? Làm thế nào để giảm thiểu tình trạng này?...
- Trình bày luận điểm: Luận điểm vừa đi thẳng vào vấn đề, lại vừa có tính
nghệ thuật, hợp tình hợp lí. Để làm được điều này, chúng ta có thể hướng dẫn
học sinh rèn luyện theo một số cách sau:
+ Từ việc quy nạp hiện tượng mà nêu ra luận điểm (cách nêu luận điểm như
vậy tỏ ra chắc chắn, mạnh mẽ, tự nhiên).
Ví dụ: Sau khi nêu lên các mức độ, biểu hiện phức tạp ngày càng có chiều
hướng gia tăng của tình trạng bạo lực học đường hiện nay, chúng ta có thể đi
đến kết luận: Bạo lực học đường đã và đang trở thành một vấn đề mang tính xã
hội hiện nay, đó không còn là câu chuyện thuộc phạm vi nhà trường mà cần sự
chung tay mạnh mẽ, quyết liệt của cả gia đình và xã hội.
+ Kể một câu chuyện rồi từ đó nêu ra luận điểm (Luận điểm được nêu có tính
ngọn nguồn, thuyết phục, có phương hướng để chứng minh).
Ví dụ: Trong kháng chiến chống thực dân Pháp, nhiều người dân đã nhường
nhà cho bộ đội ở, đem tiền bạc và lúa gạo để nuôi quân. Đáp ứng yêu cầu khẩn
trương của các chiến dịch, có người đã không ngần ngại đem những vật dụng có
giá trị trong gia đình để lót đường cho xe bộ đội qua. Thế là độc lập, tự do quý
hơn của cải. (Làm văn 10, Trần Thanh Đạm chủ biên, NXB Giáo dục 2000).
+ Từ việc dẫn dắt, định hướng rồi nêu ra luận điểm cần trình bày (cách làm
này vừa tự nhiên, vừa gợi được nhiều suy nghĩ ở người đọc, người nghe).
Ví dụ: Đồng tiền đem lại vật chất, những gì người ta muốn: nhà lầu, xe hơi,
kim cương, đá quý…hay những thứ quý giá hơn nữa. Đồng tiền là công cụ cho
con người làm việc: xây dựng cơ sở vật chất, giải quyết các chi phí…Trong xã
hội hiện nay, dường như hầu hết mọi vấn đề đều động chạm đến tiền.
12
Càng ngày đồng tiền càng có thế lực, con người không còn coi đồng tiền là
phương tiện làm việc, đồng tiền đã trở thành mục đích. Trong một xã hội kinh tế
như hiện nay, quả nhiên đồng tiền rất có giá trị. Nhưng, đồng tiền có thực sự
mua được tất cả, nắm tiền trong tay liệu ta có thể có được những gì mong
muốn? Đồng tiền mua được vật chất, vậy tiền có thể mua được hạnh phúc?
b. Xác định cách lập luận trong đoạn văn
* Mục đích.
- Hình thành ý thức khoa học trong việc diễn đạt, trình bày ý kiến, quan
điểm của bản thân, tránh tình trạng diễn đạt thiếu ý tưởng, cảm tính, rối rắm
theo kiểu “kéo chà rào” của không ít học sinh hiện còn mắc phải.
- Rèn luyện ý thức cho học sinh mỗi khi viết câu, đoạn văn phải định hình tư
duy nên trình bày theo cách thức, phương pháp nào cho hợp lí và đạt hiệu quả
nhất.
- Nắm rõ đặc trưng của các phương pháp lập luận cơ bản khi làm văn nghị
luận, biết vân dụng vào việc xử lí một tình huống cụ thể trong quá trình học.
* Cách thức.
- Cho một đoạn văn được viết theo một phương pháp lập luận cụ thể và liệt kê
ra một số phương pháp lập luận, yêu cầu học sinh xác định đoạn văn đó được
viết theo phương pháp nào.
Ví dụ: Trong kháng chiến chống thực dân Pháp, nhiều người dân đã nhường
nhà cho bộ đội ở, đem tiền bạc và lúa gạo để nuôi quân. Đáp ứng yêu cầu khẩn
trương của các chiến dịch, có người đã không ngần ngại đem những vật dụng có
giá trị trong gia đình để lót đường cho xe bộ đội qua. Thế là độc lập, tự do quý
hơn của cải. (Làm văn 10, Trần Thanh Đạm chủ biên, NXB Giáo dục 2000).
Đoạn văn trên lập luận theo cách nào?
a. Diễn dịch
b. Quy nạp
c. Song hành
d. Móc xích
- Cho đoạn văn được viết theo phương pháp lập luận chặt chẽ, yêu cầu học
sinh tư duy để tìm ra phương pháp được trình bày đó.
Ví dụ. Xác định cách lập luận trong các đoạn văn sau:
13
1/ “Xuân Hương là kết tinh của truyền thống và kết tinh của thời đại, của
bác học và của bình dân. Xuân Hương là điểm hội tụ, hay đúng hơn là sự khúc
xạ đời phụ nữ nói chung trên cuộc đời riêng của bà. Xuân Hương dám sống thật
trọn vẹn với con người mình và ý thức một cách đầy đủ về tài năng và về cảnh
ngộ của mình”.(Nguyễn Lộc, Văn học Việt Nam nửa cuối thế k XVIII - hết thế
kỷ XIX).
2/ Trong xã hội truyện Kiều, đồng tiền đã trở thành một thế lực tác quái
rất ghê. Nguyễn Du không phải không nhắc đến tác dụng tốt của đồng tiền. Có
tiền Thúc Sinh, Từ Hải mới chuộc được Kiều, Kiều mới cứu được cha và sau
này mới báo được ơn cho người này, người nọ. Đó là những khi đồng tiền nằm
trong tay người tốt. Nhưng chủ yếu Nguyễn Du vẫn nhìn về mặt tác hại. Vì
Nguyễn Du thấy rõ cả một loạt những hành động gian ác bất chính đều là do
đồng tiền chi phối. Quan lại vì tiền mà bất chấp công lí, sai nha vì tiền mà buôn
thịt bán người; Sở Khanh vì tiền mà táng tận lương tâm; Ưng Khuyển vì tiền
mà làm những điều ác.(…) (Hoài Thanh)
(1. Song hành; 2. Diễn dịch)
c. Vẽ sơ đồ lập luận của đoạn văn:
*Mục đích.
- Rèn luyện cho học sinh khả năng mô hình hóa được quá trình diễn đạt của
mình qua các câu văn trong đoạn.
- Hình thành năng lực tư duy khái quát trong quá trình viết đoạn văn, góp
phần tạo nên những diễn đạt linh hoạt, sáng tạo trong quá trình giải quyết vấn
đề ở học sinh.
* Cách thức tiến hành
- Giáo viên cung cấp bài tập mẫu, hướng dẫn vẽ sơ đồ lập luận của đoạn văn
để học sinh nắm được cách thức xây dựng sơ đồ lập luận.
- Tìm và xác định được câu chủ đề là chìa khóa để vẽ sơ đồ lập luận.
- Từ đó cho các em thực hành vẽ sơ đồ của một số đoạn văn khác để khắc sâu
kiến thức.
Ví dụ. Vẽ sơ đồ lập luận của các đoạn văn sau:
1/ Nghệ thuật trong “Nhật ký trong tù” rất phong phú. Có bài là lời phát biểu
trực tiếp, đọc hiểu ngay. Có bài lại dùng lối ngụ ngôn thâm thúy. Có bài tự sự.
14
Có bài trữ tình hay vừa tự sự vừa trữ tình. Lại có bài châm biếm. Nghệ thuật
châm biếm cũng nhiều vẻ. Khi là tiếng cười mỉa mai. Khi là tiếng cười phẫn nộ.
Cũng có khi đằng sau nụ cười là nước mắt.
(trích giảng văn học 10-t1-1978)
Câu 1 – chủ đề
Câu 2-luận cứ
Câu 3-luận cứ
Câu 4-luận cứ
Câu 6-luận cứ
Câu 5-luận cứ
Câu 7-luận cứ
Câu 8-luận cứ
2/ Làng xóm ta xưa kia lam lũ quanh năm mà vẫn quanh năm đói rách. Làng
xóm ta ngày nay bốn mùa nhộn nhịp cảnh làm ăn tập thể. Đâu đâu cũng có
trường học, nhà giữ trẻ, nhà hộ sinh, câu lạc bộ, sân và kho của hợp tác xã, nhà
mới của xã viên… Đời sống vật chất ngày càng ấm no, đời sống tinh thần ngày
càng tiến bộ. (Hồ Chí Minh)
d. sắp xếp các câu (không theo thứ tự hợp lý) thành một đọan văn nghị
luận có trình tự lập luận mạch lạc, chặt chẽ:
* Mục đích.
- Giúp học sinh nhận thức được đoạn văn không phải là sự tập hợp lộn xộn,
tùy tiện của các câu văn mà đó là một sự liên kết logic, chặt chẽ giữa các câu
với nhau (cả nội dung ý nghĩa và hình thức văn bản) để diễn đạt một ý tưởng,
quan điểm cụ thể, rõ ràng, mạch lạc.
- Rèn luyện ý thức và khả năng diễn đạt gãy gọn, sáng rõ và có nghĩa ở học
sinh. Tránh dần lối viết cảm tính (cứ đặt bút là viết, không suy nghĩ, tư duy tìm
ý…), lối trình bày như “ma trận” ngôn từ tối nghĩa, rối rắm còn rất phổ biến ở
nhiều học sinh khối 10 tại trường THPT Như Thanh hiện nay.
* Cách thức tiến hành.
- Giáo viên cung cấp bài tập tình huống giả định với các câu văn được đánh
số, tách rời và đặt lộn xộn.
- Hướng dẫn học sinh tìm và xác định câu chủ đề (nếu có, khi có câu chủ đề
thì có thể sắp xếp đoạn văn theo kiểu diễn dịch hoặc quy nạp).
15
- Tìm mối liên hệ giữa các câu qua thông tin, dữ liệu trong câu. Từ đó yêu
cầu học sinh sắp xếp thành đoạn văn chuẩn về nội dung và hình thức (Tiến hành
từ bài tập ít câu đến nhiều câu nhằm tăng khả năng đọc tình huống và cải thiện
khả năng diễn đạt ở các em).
Ví dụ 1. Hãy sắp xếp các câu văn dưới đây để tạo thành một đoạn văn hoàn
chỉnh và hợp lý nói về đức tính giản dị của Bác Hồ.
Câu 1: Những chân lý giản dị mà sâu sắc có lúc thâm nhập vào quả tim
và bộ óc của hàng triệu con người đang chờ đợi nó, thì đó là sức mạnh vô địch,
đó là chủ nghĩa anh hùng cách mạng.
Câu 2: Suy cho cùng, chân lý, những chân lý lớn của nhân dân ta cũng
như của thời đại là giản dị “không có gì quý hơn độc lập tự do”, nước Việt Nam
là một, dân tộc Việt Nam là một, sông có thể cạn, núi có thể mòn, song chân lý
ấy không bao giờ thay đổi.
Câu 3: Giản dị trong đời sống, trong quan hệ với mọi người, trong tác
phong, Hồ Chủ Tịch cũng rất giản dị trong lời nói và bài viết, vì muốn cho quần
chúng nhân dân hiểu được, nhớ được, làm được. (Phạm Văn Đồng)
a: (1) - (2) - (3)
c: (2) - (3) - (1)
b: (3) - (2) - (1)
d: (3) - (1) - (2)
Ví dụ 2. Sắp xếp các câu văn dưới đây để tạo thành một đoạn văn hoàn
chỉnh nói về nghệ thuật thơ trong “Nhật ký trong tù”.
Câu 1: Giữ cốt cách Á đông mà hơi thở vẫn rất hiện đại.
Câu 2: Lại cũng có bài trang trọng, bát ngát như thơ Đường, thơ Tống.
Câu 3: Thơ “Nhật ký trong tù” có bài hồn hậu, trong trẻo như thơ dân gian.
Câu 4: “Nhật ký trong tù” là một tập thơ có nghệ thuật đặc sắc.
Câu 5: Giản dị, phong phú mà vẫn có cốt cách riêng.
(Văn 12, tập I, GD-1996)
a: (1) - (2) - (3) - (4) – (5)
c: (4) - (2) - (3) - (1)- (5)
b: (4) - (3) - (2) - (1) – (5)
d: (3) - (2) - (1) – (5) - (4)
e. Cho luận điểm, hãy viết một đoạn văn trình bày theo cách diễn dịch,
sau đó biến đổi thành đoạn quy nạp
* Mục đích.
- Học sinh thành thạo kĩ năng viết đoạn văn theo các thao tác lập luận cơ
bản, thiết yếu ở trường phổ thông.
16
- Giúp các em có thể linh hoạt, sáng tạo trong quá trình diễn đạt để tạo nên
sự lôi cuốn, hấp dẫn, sinh động cho bài viết của mình. Từ đó giúp học sinh dần
tự tin hơn trong giao tiếp cũng như học tập (nhất là đối với học các môn xã hội).
* Cách thức tiến hành
- Giáo viên cung cấp cho học sinh 2 luận điểm thuộc 2 lĩnh vực khác nhau
(văn học và đời sống), yêu cầu học sinh nắm vững lại kiến thức cơ bản về thao
tác diễn dịch và quy nạp.
- Định hướng, gợi ý cho học sinh tìm ý, tìm luận cứ cho mỗi luận điểm.
- Yêu cầu mỗi luận điểm viết một đoạn văn trình bày theo cách diễn dịch, sau
đó biến đổi đoạn văn diễn dịch thành đoạn văn quy nạp.
- Hướng dẫn học sinh luyện tập ở nhà.
Ví dụ. Cho các luận điểm:
- Tình trạng nghiện Internet ở giới trẻ hiện nay đang có xu hướng ngày càng
nghiêm trọng.
- Tục ngữ là một kho tri thức dân gian vô tận.
Với mỗi luận điểm, viết một đoạn văn (4 đến 6 câu) trình bày theo cách diễn
dịch, sau đó biến đổi đoạn văn diễn dịch thành đoạn văn quy nạp (4 đến 6 câu).
(Gợi ý tìm luận cứ cho luận điểm “Tục ngữ là một kho tri thức dân gian vô
tận”:
+ Những phán đoán, kinh nghiệm về tự nhiên – “Chuồn chuồn bay thấp thì
mưa, bay cao thì nắng, bay vừa thì râm”, “Dày sao thì nắng, vắng sao thì mưa”
+ Những bài học sâu sắc, ý nghĩa về nhân sinh – “Có công mài sắt, có ngày
nên kim”, “Uống nước nhớ nguồn”, “Tôn sư trọng đạo”…
+ Những bài học, tri thức về văn hóa, ứng xử trong gia đình…)
3. Một số lưu ý học sinh khi xây dựng đoạn văn nghị luận
a. Một bài văn nghị luận nói chung, đoạn văn nghị luận nói riêng được
làm nên bằng sức mạnh chủ yếu là lí trí của người làm văn. Tuy nhiên, trong
văn nghị luận muốn có sức thuyết phục thì phải cần đến bài văn có tính hình
tượng và sức gợi cảm cao.
Thực tế đã chứng minh rằng, những bài văn nghị luận hay luôn luôn là
những bài văn được viết ra không chỉ bằng sự chặt chẽ, mạch lạc, sáng suốt của
trí tuệ mà còn bằng cả sự chân thành, thiết tha rung động của tâm hồn.
Bởi vậy việc đưa yếu tố tự sự, miêu tả và biểu cảm vào bài văn nghị luận
sẽ giúp cho nội dung nghị luận được nhận thức một cách dễ dàng, sáng tỏ hơn,
việc nghị luận đạt hiệu quả thuyết phục cao hơn - nếu biết vận dụng một cách
hợp lý.(Hịch tướng sĩ, Bình ngô đại cáo, Tuyên ngôn độc lập… là những minh
chứng điển hình cho sự kết hợp hài hòa giữa các yếu tố nói trên).
17
Điều cần lưu ý là trong văn nghị luận, vai trò của nghị luận vẫn là chủ
yếu, các yếu tố biểu cảm, tự sự, miêu tả chỉ đóng vai trò phục vụ cho nghị luận.
b. Khi thực hành tạo lập văn bản nghị luận, đoạn văn nghị luận, cần ghi nhớ:
- Nghị luận phải đúng hướng (tập trung làm sáng tỏ vấn đề đã nêu)
- Nghị luận phải mạch lạc
- Nghị luận phải chặt chẽ
- Nghị luận phải trong sáng
c. Học sinh viết tốt đoạn văn nghị luận sẽ viết tốt bài văn nghị luận. Bởi
vậy trong qúa trình dạy học làm văn, cần cố gắng lồng ghép việc luyện tập và
thực hành các kỹ năng xây dựng đoạn văn nghị luận.
IV/ Hiệu quả của SKKN đối với các hoạt động giáo dục.
Từ quá trình giảng dạy những năm qua, tôi nhận thấy việc lồng ghép rèn
luyện kỹ năng thực hành viết đoạn văn theo hệ thống bài tập mô hình như trên
đã đem lại những hiệu quả nhất định. Học sinh dường như đã ý thức hơn về
việc viết câu, tổ chức đoạn văn nghiêm túc, chặt chẽ, mạch lạc hơn. Các em
cũng đã có hứng thú hơn, tích cực hơn trong việc tham gia xây dựng các tiết
học làm văn – nhất là phần thực hành.
Tình trạng những câu văn, đoạn văn diễn đạt rối, thiếu ý tưởng, tối nghĩa ở
những bài kiểm tra của học sinh vẫn còn tồn tại. Tuy nhiên cũng đã có những
thay đổi theo chiều hướng tích cực, số lượng câu văn, đoạn văn mắc lỗi như
trên đã được hạn chế một phần.
Qua việc so sánh, đối chiếu kết quả của các lớp trực tiếp giảng dạy năm học
2015 – 2016 tại trường THPT Như Thanh II, tôi thu được số liệu như sau:
Đoạn văn đạt yêu cầu
Lớp
10B3
(sĩ số 40)
10B5
(sĩ số 40)
Đầu năm học (chưa
áp dụng phương
pháp)
Đoạn văn chưa đạt yêu cầu
Cuối năm học (đã
triển khai phương
pháp)
Đầu năm học
Cuối năm học
sl
tỉ lệ (%)
sl
tỉ lệ (%)
sl
tỉ lệ (%)
sl
tỉ lệ (%)
7
17.5
16
40.0
33
82.5
24
60
9
22.5
21
52.5
31
77.5
19
47.5
18
C. KẾT LUẬN
Học văn với học sinh hôm nay – chúng ta phải thừa nhận một thực tế
không lấy gì làm vui, chỉ có một số rất ít học sinh khi được hỏi còn cho rằng
thích học môn văn… Đối với phân môn làm văn, việc tạo được hứng thú cho
học sinh tham gia bài học tích cực, chủ động thực sự không hề đơn giản (vì đó
có lẽ là phần mà các em ngại học nhất!).
Trong quá trình thực hiện lồng ghép thực hành việc rèn luyện kĩ năng
viết câu, viết đoạn văn cho học sinh những năm qua, tôi nhận thấy rằng, nếu
chúng ta kiên trì vận dụng và hướng dẫn học sinh theo hệ thống như trên một
cách nghiêm túc, đồng bộ sẽ cải thiện đáng kể kĩ năng diễn đạt cho học sinh,
qua đó cũng góp phần tăng cường năng lực diễn đạt cho học sinh. Tất nhiên
hiệu quả có được, trước hết phụ thuộc vào ý thức rèn luyện của người học sinh
– bản thân các em mới là yếu tố quyết định thành công của những phương pháp
này.
Nếu có điều kiện áp dụng rộng rãi đến đông đảo các đối tượng học sinh,
hơn nữa nếu có thể kết hợp với các giáo viên giảng dạy các bộ môn xã hội trong
việc rèn luyện khả năng viết câu, triển khai đoạn, thì tôi thiết nghĩ rằng hiệu quả
giáo dục sẽ còn khả quan hơn nữa.
Dù sao đó cũng mới chỉ là ý kiến, quan điểm của cá nhân tôi, có thể
không tránh khỏi những thiếu sót. Rất mong nhận được sự chia sẻ, đóng góp, bổ
sung ý kiến của quý thầy cô đồng nghiệp !
XÁC NHẬN
CỦA THỦ TRƯỞNG ĐƠN VỊ
Thanh Hóa, ngày 25/4/2016
Tôi xin cam đoan đây là SKKN của mình viết,
không sao chép nội dung của người khác.
Nguyễn Văn Lực
19
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Văn học Việt Nam (Nửa cuối thế kỉ XVIII đến hết thế kỉ XIX), NguyỄn Lộc,
NXB Giáo Dục
2. Tiếng Việt thực hành, Đinh Xuân Quỳnh – Vương Hữu Lễ, NXB Thuận Hóa
2002
3. Làm văn 10, Trần Thanh Đạm chủ biên, NXB Giáo dục 2000.
4. Hoài Thanh toàn tập, tập II, NXB Văn học, Hà Nội 1999.
5. Một số bài báo, tạp chí.
20
MỤC LỤC
A. Đặt vấn đề
I. Lí do chọn đề tài
II. Mục đích nghiên cứu
III. Đối tượng nghiên cứu
IV. Phương pháp nghiên cứu
B. Giải quyết vấn đề
I. Cơ sở lí luận
II. Thực trạng vấn đề trước khi áp dụng SKKN
III. Các giải pháp thực hiện
1. Bước thứ nhất: trang bị cơ sở lí thuyết…
2. Bước thứ hai: Rèn luyện viết đoạn văn…
* Hoạt động 1: Nhận biết
* Hoạt động 2: Thực hành rèn luyện …
a. Xác định luận điểm, luận cứ
b. Xác định cách lập luận
c. Vẽ sơ đồ lập luận
d. Sắp xếp các câu lộn xộn thành đọan văn
e. Cho luận điểm, viết đoạn văn và …
3. Một số lưu ý khi viết đoạn văn nghị luận
IV. Hiệu quả của SKKN đối với các hoạt động giáo dục
C. Kết luận
21
Trang
1
1
2
2
2
3
3
3
4
5
6
6
9
9
12
13
14
15
16
17
18
SỞ GD&ĐT THANH HÓA
TRƯỜNG THPT NHƯ THANH II
Sáng kiến kinh nghiệm
“RÈN LUYỆN KĨ NĂNG XÂY DỰNG ĐOẠN VĂN
TRONG VĂN NGHỊ LUẬN NHẰM TĂNG CƯỜNG NĂNG
LỰC DIỄN ĐẠT CHO HỌC SINH LỚP 10 Ở TRƯỜNG
THPT NHƯ THANH II”
Họ và tên: Nguyễn Văn Lực
Chức vụ: giáo viên
Đơn vị công tác: Trường THPT Như Thanh II
Sáng kiến kinh nghiệm thuộc môn Ngữ văn
22
Tháng 5 năm 2016
23