SỞ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO THANH HÓA
TRƯỜNG THPT TĨNH GIA 3
SÁNG KIẾN KINH NGHIỆM
HƯỚNG DẪN GIÁO VIÊN ÁP DỤNG PHƯƠNG PHÁP ĐỌC
VĂN BẢN KỊCH NHẰM NÂNG CAO HỨNG THÚ HỌC TẬP
CHO HỌC SINH TRUNG HỌC PHỔ THÔNG.
Người thực hiện: Nguyễn Thị Thanh Huyền
Chức vụ: Tổ trưởng chuyên môn
SKKN thuộc môn: Ngữ văn
THANH HÓA NĂM 2016
MỤC LỤC
NỘI DUNG
MỞ ĐẦU
1. Lý do chọn đề tài
2. Mục đích nghiên cứu
3. Đối tượng nghiên cứu
4. Phương pháp nghiên cứu
NỘI DUNG
1. Cơ sở lí luận
2. Thưc trạng của việc đọc văn trong nhà trường thpt hiện nay
3. Hướng dẫn giáo viên phương pháp đọc văn bản kịch
4. Kiểm nghiệm
KẾT LUẬN, KIẾN NGHỊ
1. Kết luận
2. Kiến nghị
TÀI LIỆU THAM KHẢO
Trang
1
1
2
2
2
3
3
8
8
9
11
11
11
12
MỞ ĐẦU
1. Lý do chọn đề tài
Trong khoảng một thập niên trở lại đây, việc thay sách giáo khoa và đổi
mới phương pháp dạy học Ngữ văn đã tiến hành rộng khắp trong cả nước. Vai
trò và mối quan hệ giữa người dạy và người học đã khác trước. Sự chủ động,
tích cực của học sinh trong giờ học đã được đề cao. Các phương tiện dạy học
phong phú hơn, đội ngũ thầy cô giáo trực tiếp đứng lớp được bồi dưỡng thường
xuyên về chuyên môn, về đổi mới phương pháp dạy học và đổi mới kiểm tra,
đánh giá. Chính vì vậy, chất lượng dạy học Ngữ văn ở trường trung học phổ
thông (THPT) có nhiều chuyển biến đáng kể. Tuy nhiên, kết quả dạy học Ngữ
văn ở trường THPT đã thực sự bắt kịp với sự phát triển của thời đại, bắt kịp với
yêu cầu phát triển của đất nước trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa hay
chưa thì thực sự còn nhiều điều đáng bàn.
Giáo viên mặc dầu đã có ý thức đổi mới phương pháp dạy học văn nhưng
việc thực hiện chỉ mới mang tính chất hình thức, thử nghiệm chứ chưa đem lại
hiệu quả như mong muốn. Một số giáo viên vẫn còn thói quen dạy học theo kiểu
truyền thụ kiến thức một chiều: giáo viên giảng giải, học sinh lắng nghe, ghi
nhớ. Giáo viên chủ động cung cấp kiến thức cho học sinh, áp đặt những kinh
nghiệm, hiểu biết cách cảm, cách nghĩ của mình tới học sinh. Nhiều giáo viên
chưa chú trọng đến việc tiếp thu, vận dụng kiến thức của học sinh cũng như chỉ
ra cho học sinh hướng tích cực, chủ động thu nhận kiến thức. Do đó có những
giờ dạy giáo viên tiến hành như một giờ diễn thuyết.
Về phía học sinh, điều đáng mừng là vẫn còn học sinh thích học văn, mê
văn (tuy số này không nhiều) vẫn có học sinh giỏi văn và vẫn có những bài văn
hay của học sinh. Song tồn tại lớn nhất là thói quen thụ động quen nghe, quen
chép, ghi nhớ và tái hiện một cách máy móc, rập khuôn những gì giáo viên đã
giảng. Đa phần học sinh chưa có thói quen chủ động tìm hiểu, khám phá bài học,
lười suy nghĩ, lười soạn bài. Thói quen học tập thụ động, đối phó của học sinh là
một rào cản đối với quá trình đổi mới phương pháp dạy học.
Một trong những mục tiêu cụ thể của giáo dục hiện nay là nâng cao chất
lượng giáo dục toàn diện, chú trọng giáo dục lý tưởng, truyền thống, đạo đức, lối
sống, ngoại ngữ, tin học, năng lực và kỹ năng thực hành... Thiết nghĩ, hiện tượng
học sinh học lệch, coi nặng môn học này, xem nhẹ môn học kia là một sai lầm
lớn. Môn Ngữ văn cũng như các môn học khác, đóng một vai trò quan trọng
trong việc thực hiện mục tiêu giáo dục đã nêu trên.
Là một giáo viên đang trực tiếp giảng dạy môn Ngữ văn ở trường THPT,
tôi mong muốn được góp sức lực, tâm huyết của mình nhằm thúc đẩy sự phát
triển của giáo dục nói chung và việc giảng dạy môn Ngữ văn ở trường THPT nói
riêng qua đề tài: “Hướng dẫn giáo viên áp dụng phương pháp đọc văn bản
kịch nhằm nâng cao hứng thú học tập cho học sinh trung học phổ thông”.
2. Mục đích nghiên cứu
Kết quả nghiên cứu của đề tài này nhằm mục đích:
- Xác định phương pháp đọc văn bản kịch đối với học sinh THPT.
- Từ đó giúp học sinh cảm thụ về văn bản kịch một cách hứng thú và sâu
sắc.
3. Đối tượng nghiên cứu
- Các văn bản kịch (chủ yếu là các trích đoạn kịch) trong chương trình
Ngữ văn ở trường THPT:
+ Đoạn trích kịch: Vĩnh biệt Cửu Trùng Đài (trích Vũ Như Tô của
Nguyễn Huy Tưởng)
+ Đoạn trích kịch: Tình yêu và thù hận (trích Rô-mê-ô và Giu-li-et của
Sếch Xpia)
+ Đoạn trích kịch: Hồn Trương Ba, da hàng thịt (Lưu Quang Vũ)
4. Phương pháp nghiên cứu:
- Phân tích, tổng hợp
- Điều tra – khảo sát
- So sánh – đối chiếu
NỘI DUNG
1. Cơ sở lý luận
1.1. Khái niệm “tiếp nhận” và khái niệm “đọc”.
a. Khái niệm “tiếp nhận”
Văn học là một quá trình sáng tạo gồm ba thành tố: Nhà văn, tác phẩm và
công chúng. Vai trò của công chúng rất quan trọng. Nhà thơ tượng trưng pháp
ch.Bueddelaire đã nói: “Một tác phẩm đã hoàn thành chưa chắc là một tác
phẩm đã hoàn tất”. Câu nói đã đề cao vai trò của bạn đọc đối với quá trình hoàn
tất một tác phẩm. Sự hoàn thành đó là do nhà văn, còn sự hoàn tất là do bạn đọc,
do người tiếp nhận mà nhiều khi nhà văn không thể can dự vào.
Tiếp nhận văn học (hay cảm thụ văn học) là sống với tác phẩm văn
chương, rung động với nó, vừa chìm trong thế giới nghệ thuật của nhà văn, vừa
tỉnh táo lắng nghe tiếng nói của tác giả, thưởng thức cái hay, cái đẹp, cái tài nghệ
của người nghệ sĩ sáng tạo. Tiếp nhận văn học là dùng tưởng tượng của mình,
kinh nghiệm sống và tâm hồn mình đắp vào những hình ảnh về hiện thực và con
người mới chỉ được tác giả phác họa qua vài nét, vài ba chữ, làm cho nó sống
lại, biến thành những bức tranh sinh động, những hình tượng hoàn chỉnh và tự
mình giao lưu với nó, đối thoại, tranh luận với nó, yêu thương hoặc căm ghét nó.
Gấp trang sách lại người đọc như được an ủi, chia sẻ, như hiểu biết và từng trải
hơn.
Nói đến tầm quan trọng của việc tiếp nhận không thể không nhắc đến yếu
tố người đọc. Người đọc trở thành nhân tố không thể thiếu trong quá trình văn
học. Nhà thơ pháp P.valery nói “Ý nghĩa trong thơ tôi là do bạn đọc của nó”.
Tác phẩm văn học vốn hàm chứa nhiều điểm “chưa xác định” chờ đợi
người đọc đến bổ sung theo ý hướng của mình. Như vậy, trong vòng đời của
mình, một tác phẩm phải trải qua hai lần sáng tạo. Một là trong đầu óc của người
nghệ sĩ khi sáng tạo. Một là khi tác phẩm đến với công chúng, được độc giả tiếp
nhận.
Người ta thường nói người đọc là người “đồng sáng tạo” với tác phẩm. Ý
kiến trên thực chất là một ẩn dụ đầy thi vị về tính sáng tạo trong tiếp nhận văn
học của người đọc. Lý luận về tiếp nhận văn học đề cao tính sáng tạo trong tiếp
nhận. Tuy nhiên không nên hiểu đồng sáng tạo có nghĩa là cả tác giả và người
đọc cùng tham gia vào việc tạo nên tác phẩm, sáng tạo ra một cái gì hoàn toàn
mới “vẽ rắn thêm chân” hay “nối dài một bức tượng bán thân cho đầy đủ bộ
phận”. Những yếu tố chủ quan sẽ ảnh hưởng rất lớn đến việc lý giải tác phẩm
song đây hoàn toàn không phải ấn tượng chủ quan tùy tiện, nội dung tinh thần
của tác phẩm được truyền đạt trên cơ sở ngôn ngữ toàn dân và các phương tiện
tạo hình, biểu hiện, nên hoàn toàn có thể truyền đạt các yếu tố nội dung tương
đồng bất biến từ tác giả tới người đọc.
Bên cạnh những yếu tố chủ quan của người đọc trong tiếp nhận văn học
thì cách cảm thụ tác phẩm còn bị quy định bởi chính bản thân nó. Tính nhiều
nghĩa, nhiều lớp của tác phẩm văn học là cơ sở khách quan cho những cảm nhận
khác nhau, mỗi tác phẩm thường chứa đựng nhiều quan sát, suy nghĩ, cảm nhận
của nhà văn về cuộc sống. Những suy nghĩ ấy thường trong trạng thái “mở”
không hoàn chỉnh. Hơn nữa, đối với sáng tác, ngay cả trong một tác phẩm cũng
là một hành động đi tìm, một sự khám phá chứ không phải là minh họa cho một
kết luận có sẵn.
Như vậy có thể nói, sự khác nhau trong cách tiếp nhận của tác giả đã chứa
đựng ngay trong bản thân tác phẩm và chính tính đa nghĩa của tác phẩm văn học
là điều kiện, cơ sở để phát huy tính sáng tạo của người đọc trong tiếp nhận văn
học. Lịch sử văn học cho thấy những tác phẩm vượt qua sự sàng lọc của thời
gian là những tác phẩm được người đọc khai thác, khám phá rất nhiều khía cạnh
khác nhau. Thậm chí nhiều công trình nghiên cứu về tác phẩm ấy còn lớn hơn,
đồ sộ hơn rất nhiều lần so với sự nghiệp mà nghệ sĩ để lại.
Ngoài yếu tố khách quan do chính bản thân tác phẩm thì hoạt động tiếp
nhận văn học của mỗi cá nhân còn bị quy định bởi môi trường văn hóa xã hội cá
nhân sống. Nhiều khi một tác phẩm được đề cao hay phủ nhận ảnh hưởng rõ rệt
đến cách đánh giá của cá nhân đối với tác phẩm đó. Thậm chí làm biến dạng,
làm thay đổi hẳn thái độ của người đọc, nhất là trong trường hợp thị hiếu riêng
chưa được hình thành bền vững.
Ba yếu tố chủ quan: Người tiếp nhận, bản thân tác phẩm và điều kiện môi
trường văn hóa là cơ sở tạo nên sự phong phú, sâu sắc và giàu sáng tạo trong
tiếp nhận văn học. Nhà văn Potepnhia đã từng nói: “Chúng ta có thể hiểu được
tác phẩm thi ca chừng nào chúng ta tham gia vào việc sáng tạo nó”. Nhưng vấn
đề đặt ra là phải hiểu cho đúng thực chất tính sáng tạo này. Sáng tạo ở đây là để
hiểu tác phẩm chứ không phải làm ra tác phẩm mới. Nội dung tác phẩm không
phải do người đọc mang ở ngoài vào mà vốn chứa đựng trong tác phẩm.
Tính sáng tạo của người đọc và tác giả là khác nhau trên căn bản. Sự sáng
tạo của người đọc là sáng tạo trong tiếp nhận, sáng tạo trên nền của một sáng tạo
khác nhằm thức dậy những suy nghĩ ẩn sau những chi tiết cụ thể làm hiện lên
những nét mờ lấp đầy những “khoảng trống” mà nhà văn có ý thức hoặc vô tình
tạo nên. Người đọc thông qua hoạt động liên tưởng, tưởng tượng của mình đã cụ
thể hóa cấu trúc ký hiệu của tác phẩm, làm phát lộ nghĩa hàm ngôn, những ẩn ý
tồn tại trong mạch lạc của nó, làm dậy lên tiếng nói của những khoảng lặng, tìm
ra những logic, những kết nối bất ngờ. Trong tiếp nhận, “đồng sáng tạo” của
người đọc phải được hiểu là “hoạt động cùng sản xuất sản phẩm tinh thần với
tác giả” góp phần hoàn thành chu trình sản xuất mà tác giả đã khởi đầu. Và chủ
yếu là nói sự đồng thể nghiệm, để làm sống lại cái điều nhà văn muốn nói.
Tiếp nhận văn học là một vấn đề lý thú nhưng khá phức tạp. Đề cập đến
tính sáng tạo của người đọc trong tiếp nhận văn học lại càng không đơn giản.
Song điều cơ bản là thông qua việc lí giải tính sáng tạo của người đọc trong tiếp
nhận văn học chúng ta nhận ra yêu cầu và vai trò hết sức quan trọng của người
đọc trong quá trình cảm thụ văn học. Đó chính là nhân tố thúc đẩy quá trình
nâng cao năng lực, trình độ của mọi người. Tính sáng tạo trong tiếp nhận văn
học mở ra một khả năng mới trong việc thẩm định các giá trị văn học, cho phép
người nghiên cứu văn học không chỉ đóng khung ở hai phương diện tác giả và
tác phẩm.
b. Khái niệm “đọc”
* Đọc là gì?
Đọc không đơn thuần là hoạt động chuyển những ký hiệu chữ viết trong
văn bàn thành ký hiệu âm thanh như đọc thành tiếng hay đọc diễn cảm mà cần
được hiểu như sau:
- Đọc là hoạt động nhằm nắm bắt ý nghĩa của các ký hiệu văn tự. Nếu như
việc đọc của người thoát nạn mù chữ là biết đọc chữ thì đọc ở đây đòi hỏi người
đọc phải hiểu sâu nội dung, tư tưởng tình cảm, cái đẹp của văn bản và có thể sử
dụng văn bản vào đời sống cá nhân xã hội.
- Đọc đỏi hỏi phải vận dụng năng lực tổng hợp của người đọc dùng mắt
để xem, dùng tai để nghe, dùng đầu óc để phán đoán, dùng miệng để phát
ngôn...Như thế, đọc giúp độc giả phát triển toàn diện mọi năng lực tinh thần của
mình. Biết đọc, con người có khả năng giao tiếp với thế giới tinh thần của người
khác, nắm bắt tư tưởng, tình cảm của người khác.
Tác phẩm văn chương là nguồn phát truyền cảm xúc thẩm mỹ đến học
sinh, nhà văn qua tác phẩm phải được trực tiếp trò chuyện với bạn đọc của mình.
Trong giờ văn không có gì thay thế được tiếng nói của nhà văn vang lên từ tác
phẩm. Vì thế đọc là kỹ năng quan trọng đầu tiên trong việc tiếp nhận, cảm thụ
một tác phẩm văn học.
* Mục đích của hoạt động đọc văn
- Đọc văn để tiếp nhận, lĩnh hội, để hiểu và cảm nhận ,có ấn tượng định
hình, biểu tượng về tác phẩm . Người đọc văn phải làm sống lại hình tượng nghệ
thuật từ văn bản tác phẩm, rồi chuyển hình tượng đó vào trong đầu trở thành
biểu tượng, ấn tượng của mình.
- Đọc văn để bộc lộ, trình bày kết quả biểu cảm của mình với người khác và
với chính mình.
Hai mục đích này hỗ trợ cho nhau, chuyển hóa sang nhau tạo sự phát triển
liên tục.
* Nhiệm vụ của hoạt động đọc văn.
- Đọc văn và xử lý văn bản để đi tới nội dung nghệ thuật tác phẩm.
Đọc văn là phân tích văn bản, làm chủ cấu trúc văn bản. Người đọc phải nhận
diện từ văn bản những đoạn miêu tả, tường thuật, kể truyện những đoạn trữ tình
triết lý, chính luận nhận diện dòng thơ, khổ thơ, vần luật thơ.
Người đọc phải hình dung ra chủ thể của văn bản đang bao trùm cái nhìn, tình
cảm, tâm trạng của mình lên tác phẩm. Người đọc phải hình dung ra thế giới
trong tác phẩm rất phong phú, thế giới đó đang cất lên tiếng nói của mình, thể
hiện mình. Mỗi tiếng nói có một giọng điệu riêng. Đọc văn là đọc lên những
tiếng nói đó.
- Đọc văn là theo dõi kết cấu, theo dõi mạch phát triển của tác phẩm, mạch vận
động của cảm xúc, tìm ra logic của các phần trong tác phẩm. Kết cấu tác phẩm
là thể hiện ý định nghệ thuật của nhà văn, tư tưởng của nhà văn. Kết cấu là sự
chọn lựa, sắp đặt, cắt tỉa, gia công thêm của nhà văn đối với từng chi tiết nghệ
thuật, từng sự kiện, từng nhân vật để thể hiện tư tưởng của tác giả.
- Đọc văn là hình dung, tưởng tượng và tiếp nhận nội dung thông tin ẩn chứa
trong văn bản.Đọc văn diễn ra hai quá trình song song: Tri giác văn bản âm
thanh, ngữ điệu, giọng điệu cho văn bản và hình dung ra nội dung thông tin chứa
trong văn bản. Nội dung thông tin gồm ba tầng ý nghĩa: Nội dung thông tin sự
kiện, nội dung thông tin quan niệm, nội dung thông tin tiềm văn bản. Đọc chủ
yếu đi tới nội dung thông tin sự kiện. Hai nội dung thông tin còn lại sẽ khai thác
trong phần phân tích.
- Đọc văn là hành vi giao tiếp.
+ Đọc tiếp nhận, người đọc giao tiếp với nhà văn, giao tiếp với thế giới nghệ
thuật, với nhân vật. Đọc như làm sống lại thế giới trong tác phẩm, người đọc
như thực hiện một cuộc tham quan thú vị.
+ Đọc bộc lộ, người đọc giao tiếp với người nghe, giao tiếp với chính mình. Các
quan hệ giao tiếp này người đọc tự tạo lập lấy, tự cư xử lấy. Điều kiện để tạo ra
giao tiếp phải chú ý tới môi trường giao tiếp, sự khởi đầu, sự tiếp diễn để duy trì,
phát triển quan hệ giao tiếp. Tất cả đều có nguyên tắc của nó, phải tuân thủ
nghiêm ngặt mới có kết quả.
- Đọc là lao động tổng hợp, sáng tạo. Đọc phải huy động đồng thời nhiều năng
lực của các giác quan, khả năng phát âm, hình dung tưởng tượng, phán đoán liên
tưởng, suy luận, nắm vững các biện pháp tu từ, các phong cách ngôn ngữ, năng
lực về văn hóa, cắt nghĩa ngôn từ, điển cố, tái tạo thế giới nghệ thuật.
* Các dạng đọc
- Đọc to, đọc nhỏ, đọc thầm. Đọc to cho người khác nghe. Đọc nhỏ cho riêng
mình. Đọc thầm để tưởng tưởng, hình dung, chuyển nội dung chứa trong văn
bản vào đời.
- Đọc từng phần, đọc cả bài. Đọc trước khi tìm hiểu bài để có ấn tượng chung,
cảm nhận chung. Đọc trong quá trình phân tích, đọc sau phân tích. Đọc bộc lộ,
đọc diễn cảm, đọc nghệ thuật.
1.2. Thể loại kịch
a. Đặc trưng của kịch
Trước hết cần hiểu hai khái niệm: kịch bản văn học (văn bản kịch) và nghệ
thuật sân khấu kịch. Nghệ thuật sân khấu loại nghệ thuật biểu diễn trên sân
khấu, mang tính tổng hợp với sự tham gia diễn xuất của diễn viên, đạo diễn, âm
nhạc, hội họa, vũ đạo....Kịch bản văn học là một yếu tố đầu tiên và quan trọng
nhất của kịch. Kịch bản văn học được viết ra để diễn trên sân khấu trước khán
giả trong khoảng một thời gian nhất định. Như vậy, có thể nói, kịch bản là một
tác phẩm hoàn chỉnh nhưng đồng thời gắn bó chặt chẽ với nghệ thuật sân khấu.
Kịch bản văn học thường có những đặc trưng sau:
* Xung đột kịch:
Kịch tập trung miêu tả xung đột trong đời sống. Hêghen khẳng định “Tình
thế giàu xung đột là ưu tiên của nghệ thuật kịch”.
- Lấy xung đột trong đời sống làm cơ sở cho sự sáng tạo nghệ thuật nhà
viết kịch đến với hiện thực bằng con đường ngắn nhất Pha đê ép đã từng khẳng
định “Xung đột là cơ sở của kịch”. Xung đột kịch có thể diễn ra giữa các mặt
khác nhau trong một con người, giữa các cá nhân với nhau, giữa các nhóm
người, các tập toàn người, giữa một đối tượng nào đó với hoàn cảnh xung
quanh.
- Xung đột kịch một khi diễn ra, phát triển liên tục không gián đoạn cho
đến khi kết thúc. Quá trình diễn biến của xung đột kịch được cụ thể hóa bằng
hành động kịch, đó là sự tổ chức các tình tiết, biến cố trong cốt truyện với một
trình tự logic, chặt chẽ chủ yếu theo quy luật nhân quả.
* Hành động kịch
- Xung đột kịch là động lực thúc đẩy sự phát triển của hành động kịch.
Theo Arixtốt: “Hành động là đặc trưng của vở kịch”. Nếu xung đột được coi là
điều kiện cần thiết làm nảy sinh tác phẩm thì hành động lại là yếu tố duy trì sự
vận hành của tác phẩm trong mối giao lưu đó, xung đột là nơi quy tụ, chọn lọc
và tổ chức hành động kịch. Xung đột càng căng thẳng thì thiên hướng hành động
càng trở nên quyết liệt, vì thế sức hấp dẫn của tác phẩm tăng lên.
- Khi xem xét hành động kịch ta cần đặt trong tính thống nhất của nó.
Hành động kịch không phải là những hành động đơn lẻ ngắt quãng, mà là một
chuỗi hành động liên tục xoay quanh trục xung đột. Hành động kịch ở đây chính
là cốt truyện kịch được tổ chức một cách thống nhất, chặt chẽ trong khuôn khổ
một chỉnh thể nghệ thuật, mà thông qua đó ta có thể thấy được tính cách, tâm lý,
tình cảm... của nhân vật.
* Nhân vật kịch
Hành động kịch không thể tự nhiên diễn ra mà phải được thực hiện bởi
các nhân vật kịch. Do sự dồn nén quy tụ những nét bản chất của hiện thực trong
xung đột cho nên nhịp điệu hành động của các nhân vật kịch thường dồn dập,
gấp gáp có khi hết sức quyết liệt. Sự biểu hiện và vận động phát triển của tính
cách các nhân vật kịch có thể gây nên cảm xúc đau buồn, thương xót nhưng
cũng có thể làm người ta bật cười vì xấu nhưng cố tình tỏ ra là đẹp, ti tiện làm ra
vẻ vĩ đại, ngu ngốc làm ra vẻ thông thái.
- Nhân vật kịch thường có số lượng ít, không quá nhiều như tiểu thuyết.
Nhân vật trong kịch không được khắc họa tỉ mỉ như nhân vật trong tác phẩm tự
sự. Chủ yếu nhân vật kịch được khắc họa thông qua hành động và những lời
thoại.
* Ngôn ngữ kịch:
- Trong kịch, các nhân vật được xây dựng bằng chính ngôn ngữ (lời thoại)
của họ,“Tác giả xây dựng nhân vật kịch bằng ngôn ngữ hội thoại chứ không
phải ngôn ngữ miêu tả” (M. Gorki) và điều đó cũng có nghĩa là không có chỗ
đứng cho tác giả trong tác phẩm với tư cách là nhân vật trung gian, không có
ngôn ngữ của tác giả (ngôn ngữ của người kể chuyện).
Ngôn ngữ kịch có ba loại: đối thoại (lời của các nhân vật nói với nhau,
độc thoại (lời của nhân vật tự bộc lộ tâm tư, tình cảm của mình), bàng thoại (lời
của nhân vật nói riêng với người xem).
Qua lời thoại, tính cách nhân vật, những vấn đề, những mâu thuẫn cũng
như cuộc sống xã hội hiện dần lên. Ngôn ngữ kịch mang tính hành động và tính
khẩu ngữ cao.
b. Phân loại kịch
- Xét theo nội dung, ý nghĩa của xung đột người ta phân ra ba loại kịch: bi
kịch, hài kịch, chính kịch. Bi kịch phản ánh xung đột giữa những nhân vật cao
thượng, tốt đẹp với những thế lực đen tối, độc ác. Hài kịch khai thác những tình
huống khôi hài, sự đối lập giữa vẻ ngoài đẹp đẽ với cái bên trong xấu xa nhằm
làm bật lên tiếng cười chế giễu, mỉa mai. Chính kịch phản ánh mâu thuẫn, xung
đột trong cuộc sống hàng ngày với bi hài, vui buồn lẫn lộn.
- Xét theo hình thức ngôn ngữ trình diễn lại có kịch thơ (lời thoại bằng
thơ), kịch nói (lời thoại bằng ngôn ngữ đời thường), ca kịch( lời thoại bằng hát
như tuồng, chèo, cải lương).
2. Thực trạng của việc đọc văn trong nhà trường THPT hiện nay.
Ngày nay, sự bùng nổ công nghệ thông tin đã tác động lớn đến giới trẻ.
Tích cực có nhiều mặt nhưng tiêu cực cũng không ít. Một trong những vấn đề
đáng suy nghĩ là văn hóa đọc sách của giới trẻ hiện nay.
Đọc sách là nhu cầu thiết yếu của con người, là nguồn năng lượng quan
trọng cho sự phát triển dân trí đồng thời là cánh cửa để mở kho tàng trí thức
phục vụ cho chính con người. Hiện nay, việc đọc sách vừa đứng trước cơ hội vì
nhân loại được tiếp cận với khối lượng tri thức khổng lồ, được quyền lựa chọn
nhưng lại vừa đối mặt với nguy cơ tiềm ẩn làm mai một thói quen đọc vốn có
bởi sự lấn át, hấp dẫn của các phương tiện nghe nhìn hiện đại.
Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng lười đọc sách là căn bệnh trầm kha của
học sinh, sinh viên hiện nay.
Trong một giờ giảng văn, đọc văn có vai trò vô cùng quan trọng. Nó xuất
phát từ quy luật sáng tạo và tiếp nhận văn chương. Có thể khẳng định rằng đọc
văn là mắt xích quan trọng đầu tiên trên con đường tìm hiểu, khám phá, tiếp
nhận một tác phẩm văn học. Bằng tác phẩm văn chương, nhà văn đã thể hiện
cảm nhận, tình cảm, thái độ, quan điểm của mình về thế giới khách quan, về
cuộc sống, về con người. Không đọc tác phẩm, thâm nhập tác phẩm, sống với
tác phẩm chưa phải là học văn.
Thế nhưng một thực tế đáng buồn trong các trường THPT hiện nay là hầu
như học sinh ngại đọc văn, hoặc đọc đối phó mang tính qua loa, thậm chí còn
chưa hề đọc tác phẩm một lần mặc dù đã học. Việc soạn văn của các em vì thế
cũng đối phó, mang tính hình thức. Bài soạn chủ yếu là được chép ở tài liệu học
tốt môn Ngữ văn hoặc ở các tài liệu tham khảo Ngữ văn khác.
Thực trạng này chúng tôi thấy rõ nhất trong giờ dạy về văn bản kịch. Kịch
là một thể loại không mới nhưng khó đối với cả giáo viên và học sinh. Bên cạnh
đó số tiết trong phân phối chương trình lại quá ít ỏi (7/147 tiết đọc - hiểu văn
bản ngữ văn 10, 11, 12). Văn bản kịch thường dài, nhiều lời thoại ,có những lời
thoại mang tính triết lý cao, nếu không nhập tâm vào nhân vật sẽ dẫn đến sự rời
rạc, khó hiểu, nhàm chán. Điều đó khiến cho học sinh ngại đọc. Chúng ta cần
phải làm gì trước thực trạng này?
3. Hướng dẫn giáo viên phương pháp đọc văn bản kịch
* Trước hết, giáo viên cần tổ chức cho học sinh đọc văn bản trước khi đi
vào phân tích nội dung và nghệ thuật. Hình thức đọc tối ưu nhất mà giáo viên có
thể yêu cầu học sinh thực hiện là đọc phân vai. Đây là hình thức đọc kịch bản
văn học khá hay, giúp học sinh làm quen với cách diễn kịch trên sân khấu.
Đọc phân vai còn giúp học sinh xác định được các nhân vật của đoạn
trích, ngôn ngữ đoạn trích (độc thoại, đối thoại hay bàng thoại), từ đó xác định
được xung đột kịch.
* Mặt khác, do các vở kịch thường dài, sách giáo khoa chỉ yêu cầu học
các trích đoạn ngắn thường là một hồi, một cảnh. Do vậy, giáo viên phải cho học
sinh biết được nội dung, ý nghĩa của đoạn trích gắn liền với kết cấu các hồi, các
cảnh với không gian và thời gian đặc thù, tính chất lời thoại của các nhân vật,
với hành động và xung đột kịch... Để làm được điều này việc đọc trọn vẹn tác
phẩm của giáo viên là một yêu cầu khá quan trọng. Có như thế giáo viên mới
chỉ cho học sinh thấy được vị trí của đoạn trích so với phần trước và phần sau
của trích đoạn được giảng.
* Ngoài ra, khi dạy đọc kịch bản văn học giáo viên cần cho học sinh thấy
vai trò tác dụng của các lời chỉ dẫn sân khấu (tức là lời của tác giả). Các chỉ dẫn
sân khấu là những lời chỉ dẫn của tác giả thường thể hiện bằng các kiểu chữ in
nghiêng hoặc đặt trong ngoặc đơn nhằm giải thích về không gian, thời gian vở
kịch diễn ra, cách phục trang của diễn viên, cách trang trí sân khấu, cách diễn
xuất của nhân vật trong quá trình nhập vai... Tuy nhiên, khi dạy đọc kịch, một số
giáo viên thường bỏ qua yếu tố này khiến cho tính sinh động, cụ thể của vở kịch
bị giảm sút. Do đó, trong khi dạy đọc kịch, giáo viên cần cho học sinh thấy tác
dụng của những chỉ dẫn sân khấu.
* Đồng thời, khi dạy đọc kịch giáo viên cần phải cho học sinh xác định
được các đặc trưng của kịch bản văn học của các đoạn trích như: xung đột kịch,
hành động kịch, nhân vật kịch và ngôn ngữ kịch qua một hệ thống câu hỏi mang
tích chất gợi mở, nêu vấn đề... Giáo viên có thể sử dụng một số tranh ảnh minh
họa cho bài giảng để giờ dạy thêm phong phú, kích thích sự hoạt động tích cực
của học sinh. Mục đích cuối cùng là để học sinh hiểu được những đặc sắc về giá
trị nội dung, nghệ thuật và toàn bộ tác phẩm kịch nói chung, để cho học sinh
thấy được việc học kịch khác với cách học tác phẩm truyện và thơ trữ tình.
* Cuối cùng, theo chúng tôi, để tăng thêm tác dụng của việc học kịch giáo
viên có thể tổ chức một vài buổi ngoại khóa. Nội dung có thể là tổ chức cho các
em tranh luận về một vấn đề nào đó trong đoạn trích mà các em tâm đắc, đó có
thể là phân tích về một nhân vật, phân tích ngôn ngữ kịch, xung đột kịch. Đặc
biệt giáo viên giảng dạy có thể phối hợp với tổ chuyên môn cho các lớp tập kịch
để biểu diễn theo hình thức thi giữa các lớp. Thậm chí, giáo viên có thể gợi ý
cho học sinh chuyển thể một số đoạn trong các tác phẩm truyện, tiểu thuyết
thành các màn kịch để biểu diễn (chẳng hạn có thể chọn đoạn cuối của tác phẩm
“ Chí Phèo”( Nam Cao) để chuyển thể thành một màn kịch ngắn. Đó là cảnh Chí
Phèo đến nhà Bá Kiến rút dao đâm chết hắn và tự sát). Khi các em biết chọn
đoạn nào trong truyện để chuyển thể thành kịch bản có nghĩa rằng các em đã
phải nắm vững kiến thức về thể loại kịch.
Những hoạt động này không phải là khó thực hiện, vì vậy giáo viên cần phải
giải thích cho các em hiểu được mục đích diễn kịch là để cụ thể hóa những nội
dung bài học mà các em được học trên lớp, tạo không khí thi đua, hăng say học
tập trong học sinh- một yếu tố mà các giờ văn đang thiếu.
4. Kiểm nghiệm
Để kiểm tra tính thực tiễn và hiệu quả của đề tài, tôi đã thử nghiệm khảo
sát như sau: tôi chọn hai lớp 11B5 và 11B7 và cùng dạy tiết 61 bài: Vĩnh biệt
Cửu Trùng Đài (trích Vũ Như Tô – Nguyễn Huy Tưởng) (sách giáo khoa Ngữ
văn 11, tập 1 – chương trình cơ bản). Với lớp 11B5, tôi áp dụng phương pháp
đọc văn bản kịch như đã trình bày ở trên; còn lớp 11B7, tôi không áp dụng
phương pháp này. Sau đó, tôi yêu cầu cả hai lớp cùng làm một đề kiểm tra trong
thời gian 15 phút.
Đề bài: Nêu cảm nhận của em sau khi đọc đoạn trích “Vĩnh biệt Cửu
Trùng Đài” (trích Vũ Như Tô – Nguyễn Huy Tưởng)
Kết quả thu được như sau:
Lớp
11B5
11B7
Sĩ số
40
45
Số học sinh cảm
nhận tác phẩm sơ sài
Học
sinh
4
8
Tỉ lệ (%)
10.0
18.0
Số học sinh cảm
nhận tác phẩm
một cách cơ bản
Học
Tỉ lệ
sinh
(%)
20
50.0
35
78.0
Số học sinh cảm nhận
tác phẩm sâu sắc
Học
sinh
16
2
Tỉ lệ (%)
40.0
4.0
Qua kết quả khảo sát trên, tôi mạnh dạn khẳng định rằng việc áp dụng
phương pháp đọc văn bản kịch như đã trình bày ở trên vào thực tiễn dạy học
môn Ngữ văn trong trường THPT mang tính khả thi cao.
KẾT LUẬN, KIẾN NGHỊ
1. Kết luận
Dạy đọc văn cho học sinh trong trường THPT là một vấn đề không mới
nhưng cũng không phải là cũ. Bởi dạy văn, học văn là hoạt động rất phong phú
và phức tạp nhất là trong thời điểm hiện nay, khi việc đổi mới nội dung chương
trình và phương pháp giảng dạy đang được thực hiện trong toàn ngành giáo dục.
Với yêu cầu đổi mới, phương pháp giáo dục đã đánh giá lại vai trò của
học sinh, coi học sinh là bạn đọc sáng tạo trong quá trình dạy học văn. Đứng
trước một tác phẩm văn chương, giáo viên khó mà định ra một phương pháp
nhất định, không thể áp đặt một phương pháp chung khi giảng dạy một tác phẩm
văn học hay một thể loại văn học.
Với kiểu bài kịch bản văn học, tôi mạnh dạn trình bày đề tài “Hướng dẫn
giáo viên áp dụng phương pháp đọc văn bản kịch nhằm nâng cao hứng thú
học tập cho học sinh trung học phổ thông”. Đề tài này có thể xem như một sự
tiếp nối, một hướng tìm tòi mà nhiều người đã thử nghiệm, chắc chắn còn nhiều
thiếu sót cần khắc phục. Vì vậy, tôi kính mong được sự góp ý của bạn bè, quý
thầy cô giáo đồng nghiệp. tôi xin chân thành cảm ơn!
2. Kiến nghị
Để đề tài này khi áp dụng vào thực tiễn mang tính khả thi cao tôi mạnh
dạn đề xuất một số ý kiến sau:
- Nhà trường tăng cường trang thiết bị, cơ sở vật chất về công nghệ thông
tin để giáo viên dễ dàng tìm kiếm tài liệu trên mạng và phục vụ cho việc giảng
dạy tốt hơn.
- Thư viện nhà trường cần có sách báo, băng đĩa, tranh ảnh về kịch.
- Có thể tổ chức các buổi ngoại khóa để học sinh tập làm diễn viên sân
khấu diễn xuất các trích đoạn kịch hoặc có thể cho các em chọn một phần nào
đó của các truyện ngắn đã học chuyển thể thành kịch bản văn học và diễn xuất
nhằm tạo ra sân chơi bổ ích lành mạnh. Một mặt tạo hứng thú cho các em khi
tiếp nhận các trích đoạn kịch trong chương trình học, mặt khác phát huy năng
khiếu viết kịch bản, năng khiếu diễn xuất của học sinh.
XÁC NHẬN CỦA
THỦ TRƯỞNG ĐƠN VỊ
Thanh Hóa, ngày 20 tháng 5 năm 2016
Tôi xin cam đoan đây là SKKN của mình
viết, không sao chép nội dung của người
khác.
Nguyễn Thị Thanh Huyền
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Sách giáo khoa Ngữ văn 11, tập 1, Nhà xuất bản Giáo dục
2. Sách giáo viên Ngữ văn 11, tập 1, Nhà xuất bản Giáo dục
3. Sách giáo khoa Ngữ văn 12, tập 2, Nhà xuất bản Giáo dục
4. Sách giáo viên Ngữ văn 12, tập 2, Nhà xuất bản Giáo dục
5. Dạy học theo chuẩn kiến thức, kĩ năng môn Ngữ văn 11, Nhà xuất bản Đại
học Sư phạm
6. Dạy học theo chuẩn kiến thức, kĩ năng môn Ngữ văn 12, Nhà xuất bản Đại
học Sư phạm
7.Thiết kế bài dạy THPT, Nhà xuất bản Giáo Dục
8. Lí luận văn học, Phương Lựu chủ biên, Nhà xuất bản Giáo Dục
9. Phương pháp dạy học văn, Phan Trọng Luận (chủ biên), Nhà xuất bản Đại học
Quốc gia Hà Nội
10. 150 thuật ngữ văn học, Lại Nguyên Ân (chủ biên), Nhà xuất bản Đại học
Quốc gia Hà Nội